Người Quý Châu hay ăn bánh rán làm bằng bột nếp, rán dầu. Còn một loại rẻ hơn bánh rán nhưng cũng no bụng được là khoai lang. Năm ấy trời giá lạnh, vừa đi vừa ăn củ khoai nóng hổi cũng là niềm hạnh phúc lớn trong thời loạn lạc! Ba mẹ bàn nhau sinh kế tốt nhất là cả nhà đi bán dạo hai loại thực phẩm này. Ba tôi đi bán khoai lang, mẹ tôi đi bán bánh rán. Cả nhà chia làm hai cánh, tôi nhập vào cánh của ba. Do vậy, mẹ tôi bán bánh rán thế nào chính mắt tôi không trông thấy, còn chuyện ba bán khoai lang ra sao tôi nhớ rõ mồn một. Dung Giang hồi đó đầy nghẹt dân đi lánh nạn, ai cũng tìm kiếm việc làm để sống nên ba đi bán khoai lang thì người khác cũng bán khoai lang, rồi mọi người đều đổ xô đi bán khoai lang. Đường đường một "đấng tài hoa" như ba tôi, bình thường thì thao thao bất tuyệt trên giảng đường, vậy mà khi đi bán khoai lang giữa chợ cứ đứng ngây người như tượng gỗ, không biết cách chào hàng, chiêu dụ khách hàng. Làm việc kinh doanh buôn bán mà coi bộ ba tôi nhàn nhã quá, hào phóng quá, chẳng khác nào kiểu người đi câu cá chỉ chực chờ cá đến cắn câu. Dù khách hàng không đến, chẳng một ai hỏi mua, ba cũng chẳng chào mời ai nửa lời. Rốt lại, trời cũng không phụ người nghèo, chờ cho ai nấy bán hết khoai lang, thế nào cũng có người đoái hoài nghĩ đến ba tôi. Chúng tôi sung sướng chào mời vị khách quý ấy, ông ta hỏi mua nửa ký khoai lang. Trước cảnh ấy, cha "công tử" của tôi mừng quýnh lên, ông vội vã vớt khoai trong nồi ra, vì nồi khoai liên tục có lửa nên nóng hầm hập, ba tôi lúng túng không biết làm cách nào để vớt khoai ra được. Vất vả lắm mới vừa vớt, vừa ghim ra được mấy củ rồi bọc lại, đặt lên cân. Hỏng quá, ông lại không biết xem mặt cân, không biết nửa ký là ở chỗ nào. Loay hoay mãi vẫn chưa xong, ba toát mồ hôi nói với tôi: - Phượng Hoàng, đủ nửa ký lô chưa con? Trời đất, lúc đó, tôi mới sáu tuổi làm sao biết xem cân, thế rồi bác bán hàng đứng bên cạnh thấy buồn cười quá, lại cân giúp ba tôi nửa ký lô. Khi ba lấy khoai lang ra khỏi cân, làm lọng cọng thế nào mà chỗ khoai ấy rớt hết xuống đất. Vị khách chờ lâu sốt ruột, ba tôi bực mình quá, quăng phứt cái cân xuống đất, mở tung nắp nồi ra, nói với ông khách! Bác tự lấy đi, bác muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Đó là lần "kinh doanh" duy nhất của ba mà tôi được chứng kiến. Còn mẹ bánh bánh rán như thế nào tôi không biết được hết, chỉ nhớ là sau đó mấy hôm, ba bữa ăn trong ngày của nhà tôi không phải khoai lang mà là bánh rán.
Chương 21
Bác Cù
Sau này chúng tôi quen bác Cù. Trong cuộc lưu lạc chân trời góc biển này, chúng tôi quen biết rất nhiều con người kỳ lạ như đại đội trưởng Tăng, như ông thôn trưởng già..... Bây giờ đến lượt quen bác Cù. Bác Cù nguyên là một viên chức của đại học Quảng Tây, khoảng bốn mươi tuổi, có vợ và ba con gái, một nhà năm miệng ăn. Cả nhà bác rút theo đại học Quảng Tây đến Dung Giang. Đại học Quảng Tây giải tán, có giáo viên lưu lại Dung Giang, cũng có người đi tìm người thân nương tựa. Còn ba tôi thì sao? Vẫn nhất quyết đi Tứ Xuyên! Tuy giờ này chúng tôi đã đến Quí Châu, cách Tứ Xuyên còn một khoảng đường dài nữa. Dắt díu con thơ, trèo đèo vượt núi quả là chuyện chẳng đơn giản tí nào. Ba tôi nói đi là đi, không ai ngăn được. Bác Cù cũng quyết chí đi. Bác Cù bảo hai gia đình hợp lại đi nương nhau cùng đi thì không cô đơn nữa. Bác Cù còn nói, làm như vậy lũ trẻ nhỏ hai gia đình có dịp kết bạn với nhau, để thêm sức tới Tứ Xuyên. Bác khoe, bác có nhiều nghề để kiếm sống, không sợ đói đâu! Bác còn thổ lộ: bác có một ngón nghề bí mật đầy bản lĩnh, có thể gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành may, còn trị được bá bệnh... nguyên do là bác sùng tín Phật Như Lai, biết niệm "Đại bi chú" và biết tụng "Kinh Kim Cương". Thế là gia đình tôi và gia đình bác Cù nhập lại, tiếp tục cuộc hành trình dang dở. Tuyến đường này đi thế nào thì tôi không còn nhớ, chỉ biết là dọc đường hết gặp chuyện này đến chuyện kia. Có bác Cù, lúc nào cũng thấy vui. Dọc đường đi, người dân lánh nạn đông vô kể. Người ta buộc hành lý lại, cùng nồi niêu xoong chảo gánh lên vai. Có lẽ làm như vậy để dừng chân lúc nào là có thể nấu ăn lúc đó. Ba tôi có hề biết gánh gồng bao giờ. Nhưng cả nhà bác Cù đều gánh, ba tôi cũng đành gánh theo. Cũng may là bác Cù bên cạnh luôn luôn khích lệ: - Gánh có gì là khó đâu? Hễ đàn ông là gánh được tất! Chỉ cần ráng một chút là được thôi mà. Anh chịu khó gánh, tôi giúp anh đọc Kinh Kim Cương, có tôi đọc kinh thì anh gánh đi băng băng! Thế là ba tôi nhấc gánh lên đường. Cái chuyện gánh, nói thì coi bộ dễ, sự thực chẳng đơng giảng chút nào. Buộc gói phải có kỹ thuật thì mới giữ được thăng bằng. Cả nhà thật sự lo lắng cho ba vì dáng thư sinh của ông liệu có chịu khổ nổi không! Nhưng ba đã gánh được và gánh đi một quãng đường rõ dài, chỉ có điều là người ta đi năm bước thì ba đi mười bước, người ta đi thẳng thì ba đi dích dzắc, cả nhà trông thấy mà hồi hộp, lo âu, còn bác Cù thì miệng cứ lầm rầm đọc kinh không ngớt. Vừa sập tối, chúng tôi dừng chân nghỉ lại trong một khu vườn hoang vắng. Nhiền người dân lánh nạn cũng vào đây qua đêm. Tường vây quanh vườn có một mảng trống, có thể chui qua chỗ đó đi tắt thẳng vào trong khỏi phải đi một đoạn đường vòng. Ở chỗ trống chất đầy gạch ngói vụn, gồ ghề lởm chởm. Đi trước chúng tôi đã có người bị ngã nhào khi qua chỗ trống đó, cả bình, cả vại đem theo đều bị đập vỡ. Vì vậy mẹ tôi căn dặn: - Mình đừng chui qua chỗ lỗ trống, chúng ta đi vào cổng chính thôi! Mình thấy không, người ta đều té ngã cả đó! - Người ta ngã, tôi không ngã đâu! Ba tôi tỏ vẻ dũng cảm đầy mình. Mình không thấy sao, tôi gánh dọc đường cũng khá đấy chứ? - Đúng thế! Bác Cù đứng bên tiếp lời: - Anh cứ qua chỗ trống, có tôi đây, tôi đọc kinh giúp anh! Thế rồi ba tôi sải bước băng qua chỗ trống, bác Cù lại đọc kinh to hơn, chỉ nháy mắt, hai đầu gánh lắc lư, đưa đẩy như quả lắc đồng hồ, rồi xoảng một tiếng, ba tôi đã lăn đùng trên đống gạch ngói vụn. Chúng tôi hốt hoảng, chạy ào tới vực ba tôi dậy. Ba không bị thương đâu cả, nhưng cái nồi nấu cơm duy nhất của chúng tôi bị bể làm đôi, chén bát, muỗng bể văng đầy mặt đất. Bác Cù đứng bên cạnh trấn an: - Thấy chưa! May mà tôi đọc Kinh Kim Cương giúp anh, cho nên anh đâu có bị thương, không thì cái giò của anh đứt đôi rồi! Đêm ấy, tôi nhớ là mẹ tôi đã dùng nửa cái nồi bể để nấu thức ăn cho cả nhà, chúng tôi đựng cơm trong những cái chén bể, vẫn bưng ăn ngon lành.
Chương 22
Lượm Củi
Đối với ba tôi, việc chén bát, nồi niêu bị bể hết, coi như đã trút được gánh nặng, ông chẳng phải gồng gánh gì nữa. Chúng tôi chia lẻ hành lý ra, mỗi người một gói, vác toòng teng trên lưng, tất cả những thứ còn lại, dồn vào một bọc lớn tròng lên cổ ba tôi (trên lưng ba tôi phải thường xuyên cõng em bé, cho nên đồ đành tròng trước cổ). Đi như vậy vừa chậm vừa cực, và ấn tượng đọng lại sâu sắc trong tôi là chuyện giao cho bọn trẻ chúng tôi đi lượm củi. Thật là một chuyện cực nhọc và đau khổ vô cùng, nhất là với đứa con gái mới lên sáu như tôi. Không phải là không lượm được củi, có điều hễ vừa tìm thấy bị mấy đứa lớn tuổi dành mất, lại nữa có khi lượm được rồi bị đám con trai giật mất. Tôi thường không làm tròn nhiệm vụ của mình là vậy. Nhưng tôi biết rõ, tôi không thể không tìm ra củi, vì không tìm ra được củi thì không nấu cơm được! Không có cơm thì mọi người nhịn đói, do vậy mà tôi đánh liều đi làm nhiệm vụ! Tôi có nhớ một hôm, đi qua một trại cưa, ba mẹ bảo tôi đi lượm gỗ vụn và dăm bào, nhưng cũng có rất nhiều bọn trẻ khác đến giành giật. Không làm được gì, tôi đang sốt ruột thì phát hiện một đống củi gỗ sắp ngay ngắn, tôi liền lấy trộm, bất chấp tất cả. Nhưng chẳng mấy chốc, thì bị người ta bắt. Người chủ đống củi giận lắm, hạch tội tôi dữ dằn khiến tôi sợ phát run lên. Có lẽ động lòng thương hại, ông ta bảo: - Chỉ cần cháu hát một bài, nhảy một điệu múa cho chú xem, thì chú cho cháu tất cả củi đó! Toàn thân tôi chẳng có lấy một tế bào âm nhạc, cũng chẳng có một tế bào nhảy múa, nhưng tôi vẫn vừa múa vừa ca: Đứa em tôi thèm ngủ Đôi mắt khẽ khép rồi Đôi mắt nhỏ khép rồi Nào, ngủ ngon em tôi... Đó là bài hát duy nhất tôi hát trong thời thơ ấu, mỗi lần hát lên, tôi không cầm được nước mắt. Trong câu chuyện tôi đã kể ở đoạn trước có nhắc đến lá cờ đuôi nheo, vì thích lá cờ dễ thương đó mà tôi đã hát cho các bạn của tôi nghe, cũng bài hát này. Song, lúc đó tôi hát thật hứng thú, hát xong mọi người vỗ tay nồng nhiệt, tôi sướng vô cùng. Hát xong, tôi nhận được lá cờ đuôi nheo, tôi lại càng sướng hơn. Vẫn là bài hát đó, nhưng lần này tôi hát nghe sao mà xót xa. Khi hát, tôi lại nhớ tới lá cờ đuôi nheo bị mất, những niềm vui đã đi qua, hát rồi bật lên khóc, khóc đến mức người chủ đống củi không giữ tôi lại nữa, giục tôi ra về! Câu chuyện thời ấu thơ này đã để lại cho tôi những ấn tượng không bao giờ quên, tôi viết lại một truyện ngắn về câu chuyện ấy, lấy tên là "Múa", chính là viết về nỗi lòng tôi khi đó.
Chương 23
Một Đầu Heo Cả Nhà Gặm
Lượm củi là việc của trẻ con, tìm cái ăn là chuyện của người lớn. Đang lúc loạn lạc, làm được việc này là quá khó, chẳng khác nào bắc thang leo lên trời. Ba tôi và bác Cù chia nhau đi kiếm ăn, kiếm được thứ gì cả nhà ăn thứ ấy. Nhớ lại có một đêm. Người ở đây hầu như bỏ nhà ra đi, chỉ còn lại đâu vài ba hộ, cửa nẻo đều đóng kín, chúng tôi có cảm giác như lạc vào hang quỷ. Ba và bác Cù sắp xếp vợ con vào ở trong một ngôi miếu cổ rách nát, rồi chia nhau đi kiếm cái ăn. Lúc đó, trời tối om om, cả hai người chẳng ai có đèn pin, chỉ dò đường bằng ngọn đuốc nhỏ. Nhìn theo ngọn đuốc càng lúc càng xa cả nhà thật sự lo lắng. Chẳng rõ đã đợi bao lâu, chỉ biết là lâu lắm, bác Cù quay trở lại với ngọn đuốc đã tắt lụi. Cả nhà nghe rõ tiếng thở dài, biết là bác tay trắng về không. Lại lo lắng cho ba tôi, và gởi gắm mọi hy vọng vào ba tôi, bác Cù lại bắt đầu đọc kinh, Từ Đại Bi Chú đến Kinh Kim Cương, bác đọc mãi, đọc mãi. Giá như những tiếng cầu kinh ấy đánh đổi được cái gì ăn đỡ đói cho cả đám lúc này thì hay biết mấy! Trong thời khắc căng thẳng đó, ba tôi đột ngột xuất hiện với dáng điệu hết sức hồ hởi, phấn khởi, khiến mọi người chắc mẩm ba đã vớ bở. Ba mang về một cái đầu heo to ơi là to! Nhớ lại hồi còn bé tôi đã biết hát bài ca như sau: Anh bán son, tôi bán phấn Đến Lô Châu, xài hết vốn Mua đầu heo, cả nhà ngốn Ngốn không trôi, sức lại tốn Đánh vất xuống, cho sông ngốn! Đúng là cái đầu heo ấy khó gặm thật (vì không kịp chờ luộc cho mềm! ) nhưng ai nỡ quăng nó xuống sông nên mọi người phải cố sức gặm, tôi có ấn tượng là nồi nước luộc đầu heo ngon và thơm lắm, có lẽ trong đời tôi hiếm khi thưởng thức được cái món canh ngon như vậy! Mọi người chưa rõ đầu đuôi làm sao ba tôi lại vớ được cái đầu heo ấy, ít ra thì công lao của ba thật xứng đáng! Thế nhưng bác Cù thì cứ cho rằng ấy là nhờ bác đọc kinh mà có. Bác Cù đúng là một người tốt bụng ưa hài hước, lúc nào cũng tin Phật có thể giải quyết được tất cả mọi chuyện trên đời. Có lần bé gái mười tuổi của bác bị đau răng, nướu răng đỏ mọng, đau lắm, bác Cù phát hiện, gọi con gái đến, nói quả quyết: - Đau răng à? Không sao, để ba đọc kinh thì hết! Bác làm dấu phép lên mà con gái rồi lầm rầm đọc kinh, đọc mãi, đọc mãi, sau đó, bác hỏi con gái: - Hết đau rồi chứ! Tôi thấy con gái của bác vẫn còn đau lắm, một bên má sưng vều lên, vậy mà bé cũng nuốt nước mắt, lầu bầu đáp: Đỡ rồi ba, đỡ nhiều rồi ba! Bác Cù được thể khoái lắm, cười nói: - Ba đã nói mà, chỉ cần chú tâm đọc kinh, cái gì cũng giải quyết được!
Chương 24
Bọn Cướp Và Thôn Trưởng
Những ngày sống lang bạt ở Quý Châu, có bác Cù kết bạn đi cùng, thật nhộn. Quãng hành trình ấy hầu hết là đi bộ, họa hoằn đi được chuyến xe hơi chạy bằng than củi. Lần ấy, tội bị té xe làm bị thương ở mũi, ngay trên đất Quý Châu này (Bây giờ nhớ lại, tôi không té chết có lẽ là nhờ bác Cù đọc kinh chăng? ). Một tối nọ, chúng tôi đến một trấn nhỏ, ở trong nhà dân, cơm nước xong mọi người quây quần tán gẫu. Chủ nhà hỏi ngày hôm sau đi đâu, ba tôi cho biết sẽ qua một ngọn núi rồi đến một thôn nhỏ gọi là Kiếm Hà. Chủ nhà bảo: - Trên núi có thổ phỉ, qua đó nguy hiểm lắm! Ba phân trần: - Chúng tôi đều là dân lánh nạn, không một xu dính túi thì còn gì mà thổ phỉ cướp. Chủ nhà lại nói: - Kỳ thực có người đi lánh nạn nhét đầy vàng và đồ trang sức quý giá vào trong áo bông rách rưới, đâu phải ai cũng nghèo rớt mồng tơi đâu! Bác Cù ngoài đọc kinh ra, còn hay nói tiếu, bác nói: - Phải, phải! Đừng coi bọn khố rách áo ôm chúng tôi không có gì nhá, trong người giấu nhiều châu báu lắm đó! - Dù sao cứ phải cẩn thận, ngày mai đừng đi qua ngọn núi đó! - Bọn cướp thì có gì đáng sợ! Bác Cù nói chen vào. Tôi đọc kinh là chúng nó chạy ráo! Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định vẫn vượt qua ngọn núi đó, vì trong người chẳng có gì cả, việc gì phải sợ! Đã có bác Cù đọc kinh! Ngọn núi ấy quả là hoang vắng, quả là đáng sợ. Vừa lên tới núi đã thấy có cái gì không ổn. Cỏ dại gai góc ngập đầy lối đi làm tôi liên tưởng tới hồi vượt qua Đại Phong Ảo. Dọc đường, bác Cù không quên đọc kinh, lại Kinh Đại Bi... rồi Kinh Kim Cương, càng đọc, tiếng bác càng lớn. Bỗng nhiên, nghe tiếng xoàng xoạc, rồi từ trong lùm cỏ, nhảy bổ ra năm sáu người giả beo, khỏi phải nói, bác Cù dù có đọc kinh đi nữa cũng chẳng xua được bọn chúng, bọn cướp đang đợi chúng tôi! (Sau vụ đó chúng tôi đoán là căn nhà chúng tôi thuê ở qua đêm là sào huyệt của bọn cướp). Bọn cướp lấy hết mấy bọc hành lý trên người chúng tôi, sau đó bắt mọi người cởi hết áo bông rách ra đưa cho chúng. Chờ cho chúng rút hết chúng tôi mới hoàn hồn, mỗi người chỉ còn độc bộ quần áo mỏng manh trên người, gió núi thổi rét run lập cập. Đã vậy mà bác Cù còn bảo, giá như không đọc kinh thì chiếc áo mỏng bọn cướp cũng lột, và còn giết chết hết cả lũ, không chừa một ai. Rồi bác lại đọc kinh, song trong tiếng kinh lần này đượm vẻ phẫn nộ, bất bình. Bác không nguyền rủa những tên cùng đường lòng dạ thú kia mà lại chửi ông thôn trưởng Kiếm Hà, sao lại để bọn cướp xuất hiện trong thôn ấp của ông ta! Bác bảo: - Đợi đến khi chúng ông vào xóm, ông sẽ đến chính quyền thôn kiện cho thôn trưởng mất chức! Bác giận dữ nói tiếp, coi bộ rất kiên quyết: - Đến tỉnh ông phải đến tận chính quyền tỉnh kiện, đến Tứ Xuyên, ông phải kiện đến tận Chính phủ Trung Ương! Bác Cù nói toàn chuyện xa vời, còn chúng tôi đang nóng ruột chuyện trước mắt. Trời sắp tối rồi, mọi người đang bị lạnh, không thể nào vượt qua núi được. Cả nhà phải trụ lại, lo lượm củi nhóm lửa, rồi ngồi quanh để qua một đêm khủng khiếp và lạnh lẽo. Ngày hôm sau, mặt trời lên, mọi người xuống núi, đến được Kiếm Hà. Đúng là bác Cù nổi trận lôi đình, bác đi tìm chính quyền thôn để kiện thôn trưởng. Gặp thôn trưởng, bác đòi ông ta từ chức, nếu không bác sẽ lên tận chính quyền tỉnh để tố cáo. Vị thôn trưởng rất mực trung hậu hết xin lỗi, lại ra sức phân trần với bác Cù, sau đó lại mời chúng tôi ăn cơm, dọn dẹp một gian phòng cho chúng tôi nghỉ lại. Bác Cù đã nguôi bớt cơn giận. Đến lúc này, chúng tôi thật sự nghèo kiết xác, cũng không thể dựa mãi vào sự nuôi nấng của thôn trưởng, mặc dù ông ta rất tốt bụng. Nhưng trời có mắt, chúng tôi vẫn còn có cách để sống. Trong thời kỳ kháng chiến, kịch nói rất được ưa chuộng, và cũng đã xuất hiện không ít những kịch tác gia và diễn viên ưu tú. Bác Cù nói, người ta thích xem kịch thì chúng ta diễn kịch cho họ xem. Thế là bác vạch chương trình diễn kịch nói, và bác nghiễm nhiên vận dụng ba tấc lưỡi của mình thuyết phục được người cha bảo thủ của tôi. Mọi người nhiệt tình chuẩn bị diễn kịch!