Cuối cùng cái đêm ấy đã đến. Ba mẹ và ông nội lưu luyến tạm biệt nhau. Bọn trẻ chúng tôi hôn ông nội. Ngoài cửa, màn đêm dày đặc, bầu trời chỉ điểm mấy vì sao và treo lơ lửng mảnh trăng lưỡi liềm lạnh lẽo. Làng xóm đã chìm trong giấc ngủ, không một tiếng gà kêu chó sủa, yên tĩnh đến rợn người. Ngoài sân, hai người gánh thuê đang đợi, mỗi người gánh hai cái thúng lớn, một thúng đựng toàn áo quần của cả nhà (đồ của bà con nông dân cho để cải trang), còn ba thúng kia chuẩn bị để gánh tôi và hai đứa em trai, từ Hồ Nam đến tận Tứ Xuyên. Chuyến hành trình bất tận này không biết phải đi mất bao lâu. Tuổi thơ ấu chúng tôi nào biết nỗi khổ của chuyến đi này. Gánh trẻ con đi theo là thói quen dân dã. Từ nhỏ, tôi đã ngồi đủ các loại phương tiện giao thông: nào là kiệu, xe thuyền, nào là xe đẩy taỵ... Còn ngồi trong thúng có người gánh thì mới là lần đầu. Sự lạ lùng này làm tôi vơi đi nỗi buồn từ giã ông nội, nhưng khi nhìn thấy ba mẹ và ông nội tôi mắt ngấn lệ, tay cầm tay nghẹn ngào, tôi mới thấy nao lòng dạ, và đó là lần đầu tiên hiểu ra ý nghĩa của những chữ sinh ly tử biệt. Chúng tôi xuất phát. Xếp bằng tròn ngồi vào thúng, tôi một đầu, Kỳ Lân một đầu, do một người gánh, còn gánh kia, bé Tam một đầu, một đầu là đồ đoàn hành lý. Chúng tôi đi suốt đêm, phải xuyên qua tuyến lửa quân Nhật, nếu không may bị chúng phát hiện, từ người gánh thuê đến trẻ con đều khó bề trốn thoát. Chị em tôi đã được ba mẹ căn dặn không biết bao nhiêu lần, nào tuyệt đối không được nói chuyện, không được ho, không được có bất cứ tiếng động nào trên đường đi.... Thực ra chị em tôi đã phát khiếp lên qua mấy bận gặp phải quân Nhật và biết rõ quân Nhật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Lưỡi lê không còn là đồ chơi, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, dù ba mẹ không căn dặn, chúng tôi cũng không dám hó hé. Mọi người lần mò trong đêm tối, không đuốc, không đèn lồng, cũng không có loại đèn bão mà bà con nông dân hay dùng. Ba mẹ, người gánh thuê và cả chúng tôi đều mặc toàn một màu đen. Không dám đi đường lớn, chúng tôi toàn xuyên đường tắt, và hai người gánh thuê tỏ ra rất thạo đường, biết rõ cả những nơi quân Nhật đồn trú, có lẽ không phải lần đầu họ đưa người lánh nạn qua đây. Ba mẹ tôi thuê họ gánh chúng tôi đi thẳng tới Quảng Tây. Nghe nói, tới Quảng Tây sẽ có xe lửa chở người lánh nạn thẳng tới Quế Lâm. Lộ trình của chúng tôi là đạp xe lửa vượt qua Quảng Tây, xuyên Quế Châu để tới Tứ Xuyên (một sự tính toán hoàn toàn tự nguyện, song chúng tôi nào hay biết, con đường ấy phải đi đăng đẳng một năm trời. Cuối cùng rồi cũng đến được Trùng Khánh đúng vào lúc nhà nhà pháo nổ, người hân hoan, phố xá ngập trong biển cờ, mừng kháng chiến thắng lợi! ) Trong màn đêm bao phủ, đoàn người chúng tôi lặng lẽ dò từng bước đi. Đã lâu lắm, chúng tôi không được đi đường lộ, chỉ đi xuyên ruộng, lúa cao tới đầu, tiếng lúa chạm loạt xoạt, thỉnh thoảng dẫm lên những đống gỗ vụn nghe lạo xạo làm ai nấy giật thót cả người. Kể từ khi rời Hành Dương, tựa hồ chúng tôi đều gặp may, còn cửa ải vượt tuyến lửa đêm nay liệu có thoát vòng nguy hiểm được chăng? Tôi nghĩ, cả ba mẹ tôi cũng chẳng nắm chắc được gì đâu, nhưng có điều là ba mẹ tôi có sẵn quyết tâm và dũng khí. Những chuyến đi đêm như vậy cũng chỉ có mấy hôm, ban ngày chúng tôi ở trong nhà những bác nông dân tốt bụng, ban đêm lại tiếp tục lên đường. Ngồi trong thúng, chật chội, chân tay chúng tôi như tê cứng lại, nhiều lúc bọn trẻ chúng tôi đòi leo ra đi bộ một chút cho đã. Mừng nhất là đoạn đường này không gặp lính Nhật, nhưng nơi nào chúng tôi đến đều thấy ở đó bị lính Nhật đốt phá sạch bách. Khó quên nhất đối với tôi là hình ảnh bé Quyên. Nhặt được bé Quyên thế nào tôi không nhớ rõ. Hình như chúng tôi lần theo tiếng khóc trong ruộng lúa để tìm thì phải. Tuổi Quyên và tuổi tôi sàn sàn nhau hoặc Quyên lớn hơn tôi chút ít. Khi ba mẹ tôi ẵm bé dậy trong ruộng lúa, quần áo nó rách nát, mình đầy thương tích. Qua mấy câu hỏi ngắn gọn, chúng tôi biết ba mẹ bé đều bị lính Nhật man rợ sát hại cùng với đám tay quỉ dữ. Mình mẩy bê bết bùn đất, bé vừa khóc vừa kể lại chuyện đã qua khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi xin mẹ: - Mẹ ơi, chúng ta đưa bạn ấy cùng đi mẹ nhé! Bé Quyên nhìn mẹ tôi với đôi mắt khẩn cầu, mãi đến bây giờ, tôi không sao quên được đôi mắt đen nhánh, và chứa chan hy vọng ấy. Mẹ tôi thở dài, không nói một câu, chỉ ôm bé vào lòng, lau sạch mặt mày cho bé rồi kiếm đồ cho bạn ấy ăn. Tôi mừng quýnh sốt sắng nhường chiếc thúng cho bạn ngồi rồi đi bên cạnh, thủ thỉ nhỏ to để an ủi bạn ấy. Tôi coi bạn là một thành viên trong gia đình và nghĩ rằng bạn mãi mãi ở bên cạnh chúng tôi. Bạn ấy đâu còn gia đình, trong chiến tranh, những đứa trẻ được nhặt về như vậy là chuyện thường tình. Chỉ qua một đêm, tôi và bé Quyên đã trở thành đôi bạn tốt, thành chị em thân thiện. Chúng tôi vào nhà một bác nông dân. Mẹ tôi tắm rửa và bôi thuốc vào các vết thương trên người bé. Tôi và bạn ấy cùng ngủ chung một giường, tôi ôm lấy Quyên, tựa đầu, tựa vai truyền hơi ấm cho nhau, lịm đi trong giấc ngủ ngon lành. Đêm hôm ấy, trong giấc ngủ, tôi mơ màng nghe thấy ba mẹ tôi bàn chuyện suốt đêm, dường như cố tìm đường đi nước bước xuyên qua tuyến lửa của quân Nhật để thoát vòng nguy hiểm. Rồi hai người chuyển sang nói chuyện bé Quyên. Bàn bạc thật lâu, nào là nhân tính, hiện thực, kinh tế, tự mình đã khó bảo toàn... Tôi nghe không hiểu, sau đó ngủ thiếp đi. Đang lúc ngái ngủ, mẹ tôi lay dậy và suyt nhỏ như ra hiệu cho tôi đừng đánh thức bé Quyên. Tôi mắt nhắm mắt mở mặc áo quần, rồi ra khỏi nhà bác nông dân. Trời không trăng sao, tối đen như mực. Cho đến lúc ngồi vào thúng, tôi mới tỉnh người. Tôi vụt đứng dậy, la hoảng: - Mẹ ơi, ba mẹ quên bé Quyên rồi! Mẹ tôi ấn tôi ngồi xuống, nói nhỏ nhẹ: - Phượng Hoàng con, chúng ta không có cách nào đưa Quyên theo được, đường còn dài lắm. Chủ nhà biết cậu của Quyên, mẹ đã gởi lại ít tiền nhờ họ đưa Quyên về nhà người thân, đó là việc duy nhất ba mẹ có thể làm được đó con ạ. - Nhưng mà, mẹ... bé Quyên tưởng mình sẽ đưa bạn ấy đi cùng! Mẹ cũng đồng ý rồi cơ mà! Tôi cuống cuồng nói lớn. - Con ơi! Mẹ tôi thở dài, nét mặt đầy đau khổ. Con phải hiểu một chút mới được! Tôi không dám nói gì hơn, ngồi yên trong thúng, tiếp tục đi về phía trước. Thúng lúc lắc, bốn bề lặng tanh. Chúng tôi lội qua con sông nhỏ, băng qua ruộng lúạ... Gió đêm lạnh buốt. Tôi nằm khoanh trong thúng, khóc thút thít. Tình cảm trẻ con đến là lạ, khi xa ông nội tôi có khóc đâu, vậy mà xa bé Quyên tôi lại khóc. Tôi khóc lâu lắm, vì tôi nghĩ rằng, khi bé Quyên thức dậy, không thấy chúng tôi, bạn ấy sẽ đau đớn và tuyệt vọng biết dường nào. (Việc có vậy mà mãi nhiều năm sau tôi mới nghiệm ra cái điều bất đắc dĩ vì sao ba mẹ tôi để bé Quyên ở lại. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết, đoàn tụ và chia ly vốn có mấy ai tự định đoạt được). Hừng sáng, chúng tôi vượt qua tuyến lửa. Đúng trưa, chúng tôi nhìn thấy quân Quốc dân đảng, nhìn thấy Quốc Kỳ, ba mẹ tôi sung sướng quá, tôi tưởng đâu trước mặt đã là con đường rộng thênh thang. Nào ngờ, phía trước còn lắm chông gai, sóng gió. Dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng đã kết thúc được một chuyến đi đêm, trở lại sinh hoạt bình thường, ngày đi tối nghỉ. Cuộc hành trình dài ngày vẫn tiếp tục. Suốt dọc đường đi, cũng như mãi đến bây giờ, tôi không làm sao quên được Quyên, người bạn gái bé bỏng ấy.
Chương 9
Đại Đội Trưởng họ Tăng
Đại đội trưởng họ Tăng là nhân vật tôi nhớ suốt đời mình. Trong lần chạy nạn đó, số phận đã dong duổi chúng tôi gặp con người ấy, nếu không lịch sử cả nhà tôi phải viết lại tất cả. Đại đội trưởng Tăng là con người như thế nào? Sau khi xuyên qua vòng phong tỏa của quân Nhật, một con đường lớn đã trải ra trước mặt ánh sáng chói chang, từng tốp từng tốp quân Trung Quốc di chuyển xuống phía nam. Chúng tôi không phải trốn chui trốn nhủi quân Nhật nữa, không còn lo bị bắt bớ, giết hại, có trời biết chúng tôi sung sướng dường nào. Những ngày ấy, chúng tôi vẫn được gánh đi dọc chuyến đường sắt Tương Quế hướng về Quảng Tây. Đi chưa được mấy ngày thì sự tình hoàn toàn không giản đơn như chúng tôi tưởng tượng. Trước hết, dọc tuyến đường, dân lánh nạn thưa thớt, ai cần đi, họ đã đi từ lâu rồi, chỉ còn lại những người không muốn xa rời mảnh ruộng miếng vườn. (Người Hồ Nam rất coi trọng ruộng đồng, không muốn rời quê hương xứ sở). Bọn trẻ chúng tôi thì ngồi trong thúng, người nhà thì ăn mặc chẳng giống ai cả. Thứ đến, chúng tôi đang đuổi theo cuộc đại rút lui trên tuyến đường Tương Quế, các ngã đường có quân Quốc dân Đảng đồn trú đang rút khỏi Hồ Nam, suốt tuyến đường, nào kỵ binh, hậu cần, nào bộ binh, và có cả thương binh, từng tốp từng tốp không biết cơ man nào là người là ngựa. Quân Quốc dân Đảng hành quân rất nhanh, không khỏi làm cản trở bước chân của họ. Cả nhà dìu nhau, đẩy nhau, kéo nhau cùng đi, dần dà rồi tụt sau hàng quân tốp này đi qua, tốp sau dồn lên đẩy bật chúng tôi tụt lại phía sau. Mẹ tôi từ nhỏ đến lớn chưa đi như vậy bao giờ, chẳng mấy chốc hai bàn chân đều phồng dộp, hai ngày sau, những chỗ phồng bị dập bể, rướm máu phải đau đớn lê từng bước một. Hai người gánh thúng, không muốn gánh tiếp bắt đầu càu nhàu và xin thoái thác, cha tôi đành năn nỉ họ, tăng thêm tiền công cho họ. Còn bọn trẻ chúng tôi phải "chịu trận" suốt ngày dưới nắng thiêu và gió bụi cũng dần dần đuối sức. Cứ thế, chúng tôi đi càng lúc càng chậm chạp. Trong cuộc hành trình gian khổ này, máy bay ném bom của quân Nhật xuất hiện, tiếng gầm rít từ xa đến gần, rồi như xé không khí bay vút qua đầu chúng tôi. Tuy rút lui, nhưng quân Quốc dân Đảng kỷ luật rất nghiêm minh, trên lưng đều ngụy trang bằng rơm rạ, máy bay oanh tạc lượn lại, họ lăn xuống đất, giống như một đám rạ. Máy bay Nhật rất ít ném bom, (phần lớn chúng đi ném bom các thành phố và thị trấn), họa hoằn mới bắn vài loạt, đó là điều đáng sợ và dễ gặp rủi ro. Nguy cơ ngày một tăng. Vài hôm sau, chúng tôi nhận được tin quân Nhật đang truy kích dọc theo đường sắt Tương Quế, quân Quốc dân đảng được lệnh bảo toàn thực lực, ra sứt rút về Quảng Tây, tránh đụng độ. Thế là tốc độ hành quân càng nhanh, không cách nào khác. Lính Quốc dân đảng từng xông pha trận mạc, nếm đủ mùi gian khổ nên rất bực bội, cáu gắt, khi bị chúng tôi cản trở cuộc hành quân, những lời cộc cằn không ngớt văng ra: - Tránh ra, tránh ra, nhân dân đừng cản trở đường quân đội. - Các người không hiểu hay sao? Quân đội từng đánh bao nhiêu trận cho nhân dân, vậy mà các người còn ở đây làm nát hết việc! Chúng tôi bị xô tới trước rồi đẩy ra sau, thật khốn khổ hết chỗ nói. Một buổi trưa, máy bay địch lại ầm ầm bay tới, lính tráng đều nằm xuống, đồ đoàn và ngựa được đưa vào chỗ ẩn nấp. Cả nhà tôi không có chỗ trú ẩn đành phải nép mình bên gốc đại thụ dưới lưng núi, đưa mắt nhìn theo từng chiếc máy bay địch bay vụt qua đầu. Quanh gốc cây, đâu chỉ có người nhà tôi, mà còn có mấy sĩ quan mang theo khí giới nữa. Trong đó có một sĩ quan tay dắt ngựa nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Thực tình, tôi chẳng chú ý vị sĩ quan kia bằng chú ngựa nâu cao lớn, đẹp dáng, mũi luôn phun hơi phì phì. Ba tôi nhìn máy bay địch vụt qua, nhìn đoàn quân dày đặc mặt đường, rồi nhìn chúng tôi, thở dài, nói: Không biết phải đổi một giá đắt đến bao nhiêu. Trông dáng bộ ba mặc áo nông dân ăn nói bộc bạch, vị sĩ quan kia buộc ngựa vào gốc cây sải bước đến chỗ chúng tôi, nhìn ba tôi, hỏi: - Các người không phải nông dân bình thường chứ? Đối với một sĩ quan Trung Quốc, ba không cần che giấu thân phận làm gì, trả lời rất điềm nhiên: - Tôi là một giáo viên. - Thầy giáo dạy học? Mắt vị sĩ quan sáng lên, lại nhìn sang phía mẹ tôi: - Bà kia là vợ của ông? - Vâng, cô ấy cũng là một giáo viên - ba tôi đáp - Ồ! Nét mặt vị sĩ quan đầy vẻ trân trọng, ông ta nhìn ba mẹ rồi nhìn chúng tôi, hỏi ngắn gọn nhưng rành rọt: - Các người muốn đi đâu bây giờ? - Tứ Xuyên! - Tứ Xuyên à? Vị sĩ quan như nghe điều gì lạ lùng lắm, liền nói lớn: - Ông có biết đến đó bao nhiêu xa không? - Tôi biết. Ba tôi đáp lại thản nhiên nhưng kiên quyết. Rời quê hương, tôi biết con đường này dài lắm, nhưng tôi phải đi, tôi không thể ở lại nơi này để quân Nhật làm ô nhục. Vị sĩ quan nọ nhìn chằm chằm ba tôi. Lúc này tôi mới để ý tới ông ta, khuôn mặt chữ điền, tai lớn, mắt to, chân mày rậm, thân hình cao lớn, lưng dài vai rộng... diện mạo ông ta cũng như con ngựa kia, hiên ngang, lịch lãm, một quân nhân điển hình, từng xong pha trận mạc. Nhìn ba tôi hồi lâu, ông ta mới hỏi: - Ông định gánh con đi Tứ Xuyên như thế này à? - Có xe lửa chở người lánh nạn thì đi xe lửa, không có xe thì đi bộ thôi! Viên sĩ quan lắc đầu rõ lâu. - Các người không đi nổi đâu. - Không đi nổi cũng đi bằng được! Viên sĩ quan lại cau mày ngờ vực. Ông ta chăm chú quan sát chúng tôi, dường như suy ngẫm điều gì đó liên quan đến chúng tôi rồi đột nhiên nói: - Người có học thức như mấy người kỳ lạ thật, tôi không được học, bình sinh tôi rất phục người có học! Thôi thế này nhé, để tôi mách cho các người một con đường. Để các người đi lộn xộn trong hàng quân thế này là không ổn, tôi chú ý đến mấy người lâu rồi, chúng tôi đang rút lui, tinh thần quân đội sa sút, tính khí cộc cằn, sớm muộn gì rồi các người cũng bị đụng chạm. Cách duy nhất bây giờ là các người nên tìm đến bộ đội Quảng Tây, để họ giúp đỡ mấy người đến Quảng Tây vậy, tuyến đường của bộ đội Quảng Tây cùng hướng với mấy người, có quân đội bảo vệ, các người sẽ không bị hà hiếp, cũng không bị tụt hậu, như vậy mới đi đến nơi được! - Bộ đội Quảng Tây? - Nãy giờ yên lăng, mẹ tôi vụt nói xen vào: - Bộ đội nhiều như thế, làm sao biết cánh nào là bộ đội Quảng Tây, thưa ông? - Tôi là bộ đội Quảng Tây. Viễn sĩ quan nọ đẩy đẩy cái mũ, nói lớn: - nếu mấy người đồng ý, tôi sẽ đưa mấy người đi Quảng Tây! Lúc đó, ba mẹ tôi đều đứng ngây người, trao đổi với nhau bằng ánh mắt. Trong thời ly loạn, lòng người khó dò, ba mẹ tôi đứng trước một quyết định, vị sĩ quan này là một người tốt hay người xấu? Trong chốc lát, ba tôi quyết định ngay. Ba đưa tay ra, tự nhiên và thành thật: - Tôi họ Trần, Trần Chí Bình. Chúng tôi thành tâm tiếp nhận sự giúp đỡ của ngài. Rất cảm kích trước lòng tốt của ngài. Vị sĩ quan kia chìa tay thô táp bắt chặt tay ba tôi, lắc mạnh, nói với vẻ đầy hứng khởi: - Tôi họ Tăng, tên Bưu, đại đội trưởng đại đội hậu cần trung đoàn 27! Đó là đại đội trưởng Tăng. Từ đây, chúng tôi là dân được ông ấy bảo vệ. Đi theo bộ đội của ông ta, ăn quân lương của ông ta, uống nước trong bình tong của ông ta... Đại đội trưởng Tăng làm thay đổi vận mạng cả nhà chúng tôi! Những ngày đi với đại đội trưởng Tăng là những chuỗi kỷ niệm mãi mãi không bao giò quên.
Chương 10
Cưỡi Ngựa
Những ngày đi với đại đội trưởng Tăng là những chuỗi kỷ niệm mãi mãi không bao giờ quên. Đại đội trưởng Tăng thấy chân mẹ tôi lở loét, bước chân bà cũng đã quàng xiên, ông ta liền ra lệnh cho một trung đội trưởng dưới quyền nhường con ngựa của chú ấy cho mẹ tôi. Trung đội trưởng họ Vương, ngoan ngoãn phục tùng. Chú ấy dắt ngựa đến, nhìn thấy con ngựa vừa cao vừa to, hễ nó lắc đầu là hơi ở lỗ mũi phun phì phì, móng chân đã bị hư, mẹ tôi lắc đầu nguây nguẩy, nói: - Tôi đi bộ! Tôi đi bộ thôi mà! - Không được! Đại trưởng Tăng nhíu mày, nói như ra lệnh, coi mẹ tôi hệt như một quân nhân dưới quyền. Không cưỡi ngựa không được! Lên ngựa! Mẹ tôi không dám chống lệnh, đành dằn lòng ngoan ngoãn trèo lên lưng ngựa. Mẹ mới chạm đến yên ngựa, con ngựa kia nhìn ra chủ, hí lớn, làm mẹ tôi sợ quá quay đầu bỏ chạy. Bộ đội thấy vậy không nhịn được cười, đại đội trưởng Tăng không cười, nghiêm khắc nhìn mẹ tôi, thế là bà lại ngoan ngoãn bước tới bên cạnh ngựa, được trung đội trưởng Vương đỡ một tay, khó khăn lắm mới trèo được lên yên ngựa. Nhưng mới vừa ngồi thẳng lưng, con ngựa kia lại hí lên một hồi dài, bờm dựng ngược, chân trước đứng thẳng, mẹ sợ quá thét lớn, ôm chặt cổ ngựa, không chịu buông tay. Lúc đó, đại trưởng Tăng cũng không nhịn cười được. Ông ta lắc đầu bảo trung đội trưởng Vương đỡ mẹ tôi xuống khỏi lưng ngựa, rồi tự ông ta dắt con ngựa của mình lại, nói gọn trơn: - Đổi ngựa! Thì ra ngựa của ông rất thuần, mẹ tôi ngồi lên, nó không hề trở chứng. Nhưng bà vẫn phòng ngừa, mặt trắng bệch, thế rồi đại đội trưởng phải cử một binh sĩ đến dắt ngựa và "phụ trách bảo vệ an toàn cho bà Trần! ". Còn ông thì cưỡi con ngựa của trung đội trưởng Vương. Về sau, chúng tôi mới biết, đại đội trưởng Tăng rất yêu quí con ngựa của mình, không bao giờ nhường cho ai. Cứ như vậy, chúng tôi theo đại đội trưởng Tăng. Hai người gánh đồ vẫn tiếp tục gánh chúng tôi và hành lý. Mỗi lần lên lộ, chúng tôi mới phát hiện ra sự cách biệt rất xa giữa tốc độ hành quân và bước đi chậm chạp của mình, quân đội có thể đi một mạch mấy tiếng đồng hồ không nghỉ, kể cả hành quân đêm. Nửa đêm, bất chợt có thể lên đường. Cứ thế đi được hai hôm, hai người gánh đồ bắt đầu than thở, họ nói với ba tôi là không làm nữa. Ba tôi chỉ biết năn nỉ, hy vọng họ nhẫn nại, gánh tiếp chúng tôi đi, nhưng hai người bắt đầu từ chối quyết liệt. Họ bảo: - Chúng tôi không đi nữa, chúng tôi phải về nhà! Món tiền này khó nhá lắm, chúng tôi không làm! Ba tôi nói ngon nói ngọt gì họ cũng không nghe. Đang lúc giằng co, đại đội trưởng Tăng vội bước tới, nói như hét lớn: - Không làm hả? Ai cho phép mấy người không làm. Đã thỏa thuận đi đến Quảng Tây, chưa đến Quảng Tây, mấy người muốn đổi ý hả? Hai người gánh đồ thấy đại đội trưởng Tăng dữ dằn phát sợ, không dám nói thêm gì, một trong hai người còn lầu bầu kêu khổ, đại đội trưởng Tăng đưa tay vỗ bốp một tiếng lên khẩu súng lục đeo bên hông, nhướng mày hỏi: - Người nào không muốn làm? Hai người gánh đồ chẳng ai dám hó hé nửa lời. Ngày hôm đó, chúng tôi vẫn đi tiếp. Chiều tối, dừng lại ăn cơm. Quân đội thì có anh nuôi, chuyên lo cơm nước, bất cứ lúc nào cũng có thể đặt lò làm cơm. Lúc ăn, một người gánh đồ đã để lộ u vai của mình, ba tôi nhìn mới biết trên vai người đó bị bong đi một mảng da lớn và đang rỉ máu. Ba tôi hốt hoảng. Đại đội trưởng Tăng đứng bên cũng nhìn thấy. Khi bộ đội sắp sửa hành quân, đại đội trưởng Tăng dắt lại một con ngựa, nói với ba tôi: - Ông Trần, ông cho mấy cháu cưỡi ngựa, để bớt nặng cho mấy người kia! Ba tôi tuân lệnh, không phải vì mình mà là vì mấy người gánh đồ. Thế rồi ba tôi cũng lên lưng ngựa, tôi ngẩng đầu nhìn ba, không mấy tin tưởng ở cái tư thế cưỡi ngựa của ông. Ông ngồi vắt vẻo, trông chẳng oai vệ tí nào. Đại đội trưởng Tăng ẵm tôi ngồi vào lòng ba, rồi hỏi: - Được chưa? Ông Trần, ông có biết cưỡi ngựa không đó? - Yên trí, ba vui vẻ nói: Tôi đâu có như bà xã nhà tôi... Nói chưa dứt lời, con ngựa nguẩy đầu, hích mông, tôi chỉ còn kịp nghe ba tôi kêu "ối a" và ôm tôi lăn từ trên lưng ngựa xuống, tôi ré lên, văng ra mặt đất. Sợ quá tôi khóc rống lên, mẹ tôi hốt hoảng ôm chặt tôi, xem tôi bị thương ở chỗ nào. Cũng may, tôi không bị thương, chỉ trầy sơ sơ, ba tôi cũng không việc gì, ba nói như chữa thẹn với đại đội trưởng Tăng: - Coi bộ con ngựa này nó không có cảm tình với tôi! Đại đội trưởng Tăng cười ha hả: - Ông Trần, học hành thì ông giỏi, cưỡi ngựa thì ông chẳng ra gì! Nói xong, ông quay mình, lên ngựa, nói với tôi: - Cháu ngồi lên đây với chú! Tôi lắc đầu lia lịa, quấn chặt vào lòng mẹ. Đại đội trưởng Tăng an ủi: - Chú không như ba con, chú không để con bị ngã đâu mà lo! Nói xong ông xuống ngựa, chẳng nói chẳng rằng ôm chặt lấy tôi, rồi nhảy lên lưng ngựa, tôi không còn biết mình lên như thế nào thì đã ngồi lọt thỏm vào lòng ông ta. Ông vòng tay đỡ tôi và hỏi: Thế nào? Chắc chắn chứ? Tôi chẳng nói chẳng rằng. Ở tuổi ấu thơ, ấn tượng của tôi về ông Tăng khá đậm nét. Đó là một nhân vật đáng kính trọng nhưng cũng đáng sợ, ông ta oai vệ, dũng cảm, thô kệch, táo bạo... Không hỏi tôi gì nữa, ông kéo dây cương, hô lớn: - Chuẩn bị, xuất phát! Cả đoàn người ngựa tiến về phía trước. Tôi ngồi vậy, gió núi thổi mát rượi, lưng ngựa nhún từng nhịp một, hai chân duỗi thẳng, so với ngồi bó chân trong thúng thoải mái hơn nhiều. Tại sao Kỳ Lân và bé Tam đều muốn cưỡi ngựa mà ông lại chọn tôi, tôi không hiểu hết ý, và cũng gần như quên mất chuyện ngã ngựa vừa rồi. Tôi ngoảnh đầu nhìn đại đội trưởng Tăng, liền gắt gặp ánh mắt ông, thì ra ông đang cười với tôi! - Chú có hai đứa con. Ông nói nhỏ nhẹ, chú không có con gái! Chú thích con gái lắm! Tôi cười, nhưng chẳng nói gì. Tánh tôi lúc nhỏ là vậy, trầm lặng và hay mắc cở. Từ hôm đó trở đi, tôi không ngồi thúng nữa, thật tội nghiệp cho bé Tam và Kỳ Lân! Ai mà biết được chính sự sắp đặt đó đã tạo ra bao nhiêu biến cố giữa tôi và hai em trai tôi.