Thượng du đất Việt. Núi đồi trùng trùng điệp điệp vắt suốt từ Tàu sang nội địa Việt Nam, chạy dọc theo thế liên hành nhấp nhô khắp bốn phương tám hướng... Miền đèo cao dốc vút rừng núi thiên hiểm hùng vĩ không thua đất Ba Thục (Tứ Xuyên) bên Tàu. Miệt Bắc Cạn Cao Bằng lại là đất sản sinh nhiều ngựa nhất Đông Dương, ngựa Nước Hai, Nguyên Bình tốt giống, chạy hay không kém ngựa Châu Tứ, Châu Ký bên Tàu nên đương thời, vùng Cao Bắc Lạng rất lắm xe ngựa, đặc biệt loại xe song mã, vừa chở hàng, vừa chở khách. Vào dịp có phiên chợ tỉnh, châu, chỗ nào cũng đầy xe ngựa. Du khách thị thành, bình nguyên đi chơi hồ Ba Bể thường thích đi xe song mã, cỡi ngựa nếm phong vị sơn cước, trai thanh gái lịch lũ lượt từng đoàn áo màu phấp phới như hoa nở Sơn Khê. Hôm đó, vào dịp có phiên chợ, lại nhằm ngày thứ bảy, độ nghỉ hè, khách thương, du khách, thổ dân từ các miệt Cao Bằng, Tĩnh Túc, Chợ Rã, Bắc Cạn ngược xuôi đông đúc. Con đường nhánh quốc lộ số 3, ngựa xe qua lại lũ lượt, đám từ hồ Ba Bể ra, đám từ các mạn đổ vào, cảnh vui như trẩy hội. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều nhưng mặt trời tháng năm vẫn đổ nắng xuống sơn lâm. Con đường Tổng Hoá - Chợ Rã quanh co uốn khúc giữa núi rừng trùng điệp, cái bụi hoe vàng cuốn bay từng đám theo bóng ngựa xe. Khí trời, khí đá oi ả. Thỉnh thoảng mới có một cơn gió thổi qua hẻm trống. Hoa “Krỏng” đỏ ối ven rừng xanh, vách núi gần xa. Vài tiếng vượn hót chon von nghe buồn ngủ gật, khách ngược xuôi đều chảy mồ hôi. Vào khoảng bốn giờ rưỡi, mặt trời ngả núi tây, nắng xiên khoai thêm gắt, chợt có một đoàn bốn năm cỗ xe ngựa lóc cóc đổ dốc, và dừng lại trước một quán bên đường, cạnh cầu suối râm mát. Một chú xà ích trung niên trung niên người Kinh lật chiếc mũ “phở” vừa quạt vừa nói oang oang tiếng Kinh: - Nào! Mời các ông, các bà, các cô, các cậu vào quán nghỉ ngơi cho mát mẻ, còn đi! Dạo này nghe đồn có chó sói, đười ươi kéo về, ta đi thành đoàn chắc dạ hơn! Hành khách lũ lượt nhảy xuống đem theo cả hành lý nhẹ. Đây là loại xe chở hàng, mới sửa qua chở khách, chở dân, khách buôn, du khách, nam phụ lão ấu Kinh, Thổ, Tàu, Ấn, Mán lẫn lộn, trong số có mấy nam nữ du khách trẻ người Kinh dưới xuôi, có ba bốn lính tuỳ tùng. Bọn nay coi xinh lịch quý phái, nhác trông biết ngay con cái nhà quan đi chơi hồ. Khách vào quán hết, chợt thấy một ông già Thổ mặc quần áo Chàm nhạt màu lững thững xuống xe, tay lại xách một cái ô đen chỉ người Kinh mới dùng thay nón. Khi lão ta vào tới cửa quán, thì chú xà ích vừa rồi cũng vào tới, nhe răng cười hỏi bằng tiếng Thổ: - Ồ! Ông cụ “người nhà gác” cũng che ô? Điềm đạm, lão Thổ đáp tiếng Kinh: - Tôi thường về chợ! Cái ô này tiện lắm, vừa để che nắng, chống thay gậy. Nghe lão nói tiếng Kinh sõi như người Kinh, chú xà ích có vẻ ngạc nhiên lắm, rủ lão cùng vào. Một cô gái nhà quan thỏ thẻ hỏi: - Bác xà ích này! Vừa giờ bác bảo có chó sói, đười ươi mới về vùng này phải không? Chú xà ích nốc cạn bát nước chè tươi, chừng cao hứng, trợ mắt gật lia lịa, đáp: - Đúng đó, cô! Tôi còn nghe mấy người đi xe ngựa trong núi bảo có cả đười ươi, chó sói thành tinh, mới tuần trước mò ra hồ Ba Bể bắt mấy người đàn bà đẹp mã. Lập tức có nhiều tiếng nhao nhao phản đối, tỏ ý không tin, một lão xà ích khác trạc ngũ tuần kêu lớn: - Ba Đen! Chú mày muốn giải nghệ đánh xe ngựa, cứ giải chớ kéo bọn tao vào. Chú mày định phao ngôn quái vật thành tinh bắt đàn bà con gái, cho bà con thiên hạ sợ hết hồn không dám bén mảng tới vùng hồ Ba Bể này, để bọn tao uống nước hồ trừ bữa? - Mấy chai Văn Điển rồi, mày? Chú xà ích Ba Đen vừa định trợn mắt cãi, bỗng người chủ quán Kinh lai Thổ trạc bốn mươi giơ tay, trợn mắt nói to, vẻ đầy nghiêm trọng: - Đúng đấy! Chú Ba Đen nói đúng đấy, các ông, các bà ạ! Chính tôi cũng nghe nói hơn tuần nay! Tối kia, hình như “ông ta” mò về sau nhà này thì phải! Tôi nghe thấy tiếng chân dẫm lá khô, dòm ra, thoáng thấy hình thù xờm xoàm vòng ra chỗ chân cầu ngoài kia! Tôi nghe ông lội bì bõm! Đám nam nữ du khách lộ vẻ ghê, đưa mắt ngó nhau. Lão xà ích cười chế nhạo: - Này! Tư Cao! Lại chú mày nữa! Chú mày muốn phao ngôn cho ế khách đóng cửa quán về "ở nhà gác" chơi? "Ông" nào ? - Ông đười ươi chứ còn ai nữa ? Đi hai chân, đầu như cái thúng còn ông nào vào đây ? Cô gái nhà quan lè lưỡi: - Ôi chao! Nghe khiếp quá! Chú không sợ ? - Sợ gì ? Tôi có cái này đeo làm bùa hộ mạng, không sợ! Chủ quán lôi dưới chõng ra hai ống nứa bóng loáng dài mấy gang tay, đưa cho cô gái Kinh. Đám du khách xúm lại coi. Dõng dạc, chủ quán giải thích: - Giống đười ươi bắt người ta, bao giờ cũng vồ lấy cổ tay, đứng ngửa mặt dòm mặt trời cười, đợi mặt trời lặn mới ăn thịt! Người đi rừng sợ nạn đười ươi ăn thịt, mới chế ra món ống nứa này, xỏ vào tay, đười ươi vớ được, nắm khư khư, dòm mặt trời cười, người ta bèn nhè nhẹ rút hai tay ra, trốn mất, để đười ươi giữ hai ống không, nên ta mới có câu "đười ươi giữ ống" vậy! Đám trai tỉnh tỏ vẻ thích thú, pha lẫn lo sợ. Cô gái kia reo thảnh thót: - Bác quán ơi! Bác làm ơn để lại cho bọn tôi đi, bao nhiêu cũng được mà! Cặp ống này tốt không? Chủ quán Tư Cao tỏ vẻ tần ngần: - Tôi có chế mấy bộ cho cả nhà đây! Vậy xin biếu các ông bà, cô cậu, lát tôi làm bộ khác vậy! Dứt lời, y bưng ra một thúng đầy ống nứa. Đám người Kinh xúm lại chọn, đeo thử vào tay. Cô gái bảo mấy người lính "dõng" lấy phòng. Viên cai vỗ vào cây súng "Mút" nói lớn: - Bọn tôi có cái này! Chủ quán được mấy đồng "xoè", chỉ riêng chú xà ích Ba Đen làm một cặp biếu không. Mọi người đang tiếp tục bàn chuyện đười ươi, chó sói, lão Thổ cầm ô lặng lẽ ngồi một góc uống nước, kéo điếu cày nhìn mây bay trên đỉnh đèo cao. Lát sau, cả mấy cỗ xe ngựa lại chuyển bánh chạy về hướng Chợ Rã, hồ Ba Bể. Mặt trời đã ngả núi Tây. Sương chiều khí núi bắt đầu dâng, nhưng xe đi được một quãng thình lình trời im bặt gió. Im bất ngờ và rất nhanh, đến chỉ trong chớp mắt, cảnh sơn lâm bỗng như bức tranh tĩnh vật vẽ cảnh hoàng hôn ứa máu trong ác mộng. Lão Thổ lạ ngồi cùng xe với trai gái con nhà quan, bỗng lẩm bẩm: - Sắp có cơn giông lớn ? Ai nấy nhìn quanh bàn tán. Xe vừa lên ngọn dốc, ngựa thở mạnh. Bỗng lão Thổ gọi vọng lên: - Xà ích! Đổ dốc mau! Lốc sắp tới, xe bay xuống vực như chơi! Lời vừa dứt, xe sau, lão xà ích vùng kêu lớn: - Đổ mau! Đổ mau! Lốc lốc! Xuống chỗ khuất ẩn, chậm chết hết! Hành khách nhốn nháo, xà ích quất ngựa đen đét, mấy cỗ xe lao xuống như bay. Quả nhiên, xe vừa xuống gần chân dốc bỗng mây đen cuồn cuộn che kín mặt trời, rồi cuồng phong nổi dậy ầm ầm, đổ lộc rung cây, cái bay mù mịt. Trên biên thùy sơn cước, vào mùa hè, xưa nay vẫn có những cơn phong vũ bất thần nhanh và khủng khiếp như ác mộng. Trời đang nắng chang chang, mây trắng xốp như bông gòn bay trên nền trời xanh lơ thăm thẳm, bỗng nhiên mây đen kéo tới, trời đất tối sầm, rồi đùng đùng gió thổi, mưa đổ như trút nước. Chỉ trong nháy mắt, mưa giông xoá mù hết núi rừng, đứng cách hai ba thước không còn thấy gì nữa. Và chỉ sau ít phút, nước nguồn lụt suối, chảy như thác, ngập hết cầu, lữ khách mất lối về, phải đợi nước rút mới đi lại được. Người đường xuôi mới lên đường ngược, ngoạn cảnh bàng hoàng trước mưa gió bất thần, nhưng cũng được nhiều cảm giác, đặc biệt là thú leo cầu vồng! Không phải là thứ cầu treo chênh vênh lơ lửng qua suối vực, mà là cầu vồng thật, thứ cầu mà ta thường thấy mọc từ chân trời lên cao báo điềm thời tiết. Đây là cầu vồng mọc từ chân núi lên, có khi mọc ngay bên một dòng suối, thác sát ngay cạnh núi đá, đúng chỗ có cầu treo cầu gỗ nứa bắc qua, rực rỡ muôn màu, cong vút tận thinh không. Cầu này chỉ là tụ khí trời đất vô hại, rất có thể là nguồn bồi bổ nguyên khí ngũ hành, nên lữ khách cứ việc leo qua cầu treo, leo luôn cái chân cầu vồng mọc từ chỗ đó lên trời. Nhưng nếu chỗ nó hướng Đông hoặc nó chỉ mọc vài thước về hướng Tây, đó là cái mống, khách bộ hành mau chạy tìm chỗ ẩn vì sẽ có cơn mưa giông bão lụt đến nơi! Tuy vậy, chưa đáng sợ bằng loại giông tố, cuồng phong, thổ dân gọi là "lốc ma", "lốc quỷ", một thứ lốc tử thần nguy hiểm nhất trên này, nhất tại những vùng đèo cao dốc vút. Đang nắng, bất thần thiên hôn địa ám, rồi cuồng phong kéo tới với sức mạnh khủng khiếp, xoắn gãy cây cối, xoắn khách bộ hành, người ngựa bốc lên trời, ném xuống vực như ném đồ hàng mã, không sức nào cưỡng nổi. Nguy nhất là nó đến nhanh lạ thường. Thấy trời tối sầm chỉ chạy được vài mươi thước có khi nó đã tới. Gặp lúc đang đi trên đèo cao chốc núi, không có mã phu hướng đạo biết điềm trời, trói ngay người ngựa vào hốc khuất thì lữ khách kể như đã đầu quân âm phủ, làm lính Diêm Vương! Hoặc may phúc chưa phải lốc ma mà chỉ là một trận cuồng phong nhỏ, cũng dập mày dập mặt, bị thương vì ngã lụi, cát bụi đá vụn ném vào mặt. Rất may là mấy cỗ xe ngựa này đã chạy xuống gần chân dốc. Và trận gió cuồng cũng chưa phải lốc ma. Nhưng mới có mấy đợt tạt vào, bầy ngựa đã muốn dúm vó, loạng choạng vì cỗ xe bị gió thổi mạnh muốn vật ngang. Rào rào! Cái bụi, đá dăm, lá cây bắn vào xe ngựa tối tăm mặt mũi. Xà ích thất kinh, kéo sụp mũ che trán, ra roi đen đét, người hét, ngựa hý, hành khách kêu, náo loạn. Rắc rắc! Một cành cây bên đường bị xoắn gãy, gió bốc ném rầm vào cỗ xe lão xà ích đi sau lão Ba Đen. Lão khách Thổ xách ô ngồi ngay cửa hậu xe trước. Bỗng trong gió vẳng có tiếng ai kêu "trời! đổ!" hành khách đưa mắt dòm lại thấy cỗ xe thứ hai kia ngựa bị trúng đầu cành, giật mình hoảng chồm ngang, cỗ xe theo đà gió thổi ngã vật ngựa dúm vó không kìm nổi. Ngay bên đường là cái hố suối sâu bảy tám thước, lão xà ích kêu rú lên giật cương không nổi. Nhưng bỗng hai con ngựa lại đứng thẳng vó, thùng xe vụt ngay ngắn như thường. Hành khách ngồi trong hú vía, chẳng ai hiểu vì sao. Rào rào! Đá dăm, cát bụi lại ném một mớ vào xe. Lão Thổ đóng úp cửa hậu, cả đoàn xe bốn năm chiếc xuống chân đồi vô sự. Không bảo nhau, cả bọn xà ích đều chực gò cương, dừng xe lại. Lão Thổ vùng quát át cả cuồng phong: - Cứ chạy! Kiếm chỗ khuất gió! Chỗ này trống! Đoàn xe tiếp tục chạy trên đường cát bụi. Tiếng gió rít ghê người. Ngựa hý từng tràng. Cũng may gió thổi ngang, hai bên mang tai có da che, cát đá không vào mắt ngựa, nhưng bị cát đá đau như roi đét. Cuồng phong vẫn ào ào, cây rừng trút lá bay loạn trong không khí với những mớ cát bụi cuốn mù đường. Chạy khỏi khu dốc độ một trăm năm mươi thước, chợt con đường mòn quanh co chạy bên một reng núi chắn chếch bên phải, cản phần lớn cuồng phong. Xà ích mừng rỡ vừa toan rủ nhau dừng xe lại đợi dứt cuồng phong sẽ đi tiếp, bỗng thấy đằng trước có hai cỗ xe ngựa từ hướng hồ Ba Bể, chợ Rã chạy như giông tới, vẻ hốt hoảng như bị ma đuổi. Khi hai cỗ xe kia lại gần, mọi người nhìn thấy trong xe có nhiều bàn tay thò ra xua lia lịa. Xà ích ngồi trước thùng xe lật mũ dạ khoa tít. Người trong xe kia nhấp nhổm vươn cổ sang hét inh ỏi, tiếng bị gió tạt bay: - Quay lại, quay lại mau... không chết hết! Loạn... quay... - Quay... lại.. nó về nhiều ăn thịt chết hết! Mọi người nghe loáng thoáng, chẳng hiểu chuyện chi, nhưng sợ lắm. Xà ích Ba Đen nhoài mình vươn cổ đón hỏi lớn: - Gì đấy? Chuyện gì? Xe vừa gặp nhau, chú xà ích kia hét to, mặt xanh như đổ chàm. - Loạn rừng! Loạn rừng hồ Ba Bể! Hùm beo, chó sói, đười ươi... ra từng đàn kéo về... Cả hai cỗ xe đã chạy lồng qua, còn nghe tiếng người kêu réo. Ai nấy còn đang dáo dác nhìn nhau, bỗng lại thấy hai ba tốp vừa cỡi ngựa thồ vừa đi bộ dắt xe đạp chạy như điên tới, vẻ kinh hoàng vô cùng! Thấy xe chạy tới, họ hét inh ỏi: - Chớ đi tới! Loạn rừng! “Các ông các bà” kéo về.. mới “cõng” mấy người đằng kia.. Có người sợ quá, vừa hét “quay lại”, bỗng phía trước, sau khúc quẹo, chạy xổ ra một bọn vừa thổ dân vừa dân buôn, lại có kẻ dắt xe đạp chạy. Chỉ nhìn qua đã thấy cảnh chạy như ma đuổi, đám hành khách, xà ích trên mấy cỗ xe ngược chợ Rã đều nhô đầu ra dòm, chưa hiểu chuyện chi. Bỗng nghe có nhiều tiếng gầm rống vang động trong gió cuồng, ai nấy nhìn kỹ, mới chợt nhận ra có một đàn vừa beo cọp vừa cầy cáo, hươu nai chạy rầm rập trên đường như rượt theo đám bộ hành, xe cộ. Lúc đó thiên hôn địa ám, cái bụi lá cây bay đầy đường. Quãng này tuy có núi cản gió nhẹ đi nhiều, nhưng cuồng phong vẫn ào ào, lại thổi tạt ngang chếch như xô người và vật vào núi, chạy phía sau là mấy con cọp mộng, coi không khác một bầy thú gánh xiếc thả phóng trên đường. - Hùm beo! Hùm beo đuổi người! Quay xe lại! Có nhiều tiếng thét thất thanh. Xà ích Ba Đen đi đầu chợt hãm xe lộn lại. Bỗng lão Thổ quát: - Cứ chạy thẳng! Lộn lại ngược gió chạy sao được! Loạn rừng, thú chạy, mặc nó! Tiếng lão quát có mãnh lực làm xà ích nghe ngay, cứ cho xe chạy thẳng. Ào ào! Đám xe cộ bộ hành phía trước vừa chạy tới, nhiều người giơ tay làm hiệu xin lên, nhưng xà ích không dám ngừng xe. Hai đám gặp nhau, đúng lúc bầy thú chạy tới. Mấy con hươu, nai nhảy chồm lên, đâm cả vào khách bộ hành. Hùm beo gầm rống, nhe nanh múa vuốt phóng tới. Một con cọp mộng xám nhảy chồm qua đầu một con hươu sao, vồ người đàn ông Kinh dắt chiếc xe đạp ghi-đông “ca-rê” loại “Te-rô”. Người này ngoái nhìn lại, sợ hết hồn, đẩy phóng chiếc xe lại, trúng bụng con cọp, đúng lúc nó vồ xuống, ôm luôn cả phần sau của chiếc xe, không khác nào cọp cỡi xe đạp. Cả xe và con cọp ngã vật xuống. Đúng khi đó, đoàn xe ngựa chợ Rã, hồ Ba Bể chồm qua, ngựa ngửi mùi ác thú, nhác bóng hùm beo, nhất loạt hý vang lừng, chồm hai vó trước, không dám chạy nữa, muốn phá đứt dây cương. Xà ích cũng sợ hết hồn, hành khách nhốn nháo. Liền ngay đó, ba bốn con ác thú nhảy xổ tới. Chúng thấy nhiều người ngựa, chừng nổi tính nóng, nhất loạt chồm vào, có con nhảy tót cả lên lưng ngựa, coi dễ sợ! Hỗn loạn cực kỳ! Xà ích quất roi đen đét, ngựa vẫn không đi. Đoàn xe dồn cục nối đuôi. Khách bộ hành vừa kêu vừa cuống cuồng leo bừa lên xe, có kẻ quá sợ, lại chui vào gầm. Trong cỗ xe đầu, có hai ba chú lính dõng đeo súng “mút” phò đám con cái nhà quan nhưng thấy cảnh loạn rừng, ác thú chạy nhông nhông trên đường vồ người ngựa, bọn dõng này cũng sợ hết vía, quên cả súng đeo vai. Hành khách kêu inh ỏi, nhiều kẻ phát cuống lại chực lom khom nhảy xuống đường, kiếm chỗ núp cho kín hơn. Nhưng lão Thổ ngồi chắn ngay cửa hậu, vùng quát lớn: - Ngồi yên! Có mấy con cọp, chớ sợ! Mấy chú dõng! Bắn đi chớ! Bọn dõng lúc đó mới nhớ ra, kéo súng, lên “quy-lát”, dáo dác chĩa ra, chưa kịp bắn, đã thấy hùm beo phóng tới. Dõng bóp cò bừa. Rõ ràng vì xúc động nên cả mấy mũi súng đều chỉ thiên. Nhưng lạ thay, cả mấy ác thú rống lên, ngã vật xuống chân ngựa, bánh xe, chân người, giẫy dụa ra chết. Lúc đó, cả mấy cỗ xe xuôi ngược cũng dừng lại. Thú rừng, khách bộ hành, khách trên xe nhốn nháo kiếm chỗ núp. Ngựa hý chồm muốn đổ xe. Bỗng thấy mấy con cọp ngã lăn kềnh sau mấy phát súng chi thiên, hầu hết ai cũng hoảng hồn hoảng vía hoa cả mắt chẳng thấy gì nữa. Ai cũng tưởng mấy chú lính dõng bắn trúng, chỉ có đám trai gái nhà quan ngồi trong xe đầu cạnh mấy chú, thấy rõ mũi súng ngóc lên trời, có cô cậu lại tưởng hùm beo nghe súng giật mình ngã quay! Ngay lúc đó, bộ hành người Kinh vừa quăng xe đạp vào con cọp mộng, hoảng sợ chạy lung tung, nghe tiếng gầm sau lưng, bèn phóng luôn sang bên đường, khom mình chui vào gầm xe đầu. Con cọp mộng ngã ôm chiếc xe đạp nổi hung tạt một cái bắn chiếc xe đạp vào bụi và phóng rượt theo chủ cái xe, cách hai thước lại bị một con hoẵng chạy đâm ngay trước mặt. Con cọp vả một cái, bay luôn cái đầu con hoẵng, cái mình còn chạy mấy bước mới đổ dụi. Con cọp gầm lên nhảy tới vồ người kia. Nhiều kẻ trông thấy kêu rú lên, bỗng nghe con cọp rống lên một tiếng rồi nhảy bổ xuống ôm trúng lưng người chủ xe đạp như cỡi lên mình y. Người này ré lên khủng khiếp, cứ giẫy dụa nửa mình trong gầm xe, lão Thổ ngồi ngoài túm gáy con cọp mộng lôi phứa lên, muốn chật cửa xe. Người kia chui ra, mặt xanh như chàm đổ nhìn thấy con cọp, y lại nhảy dựng lên, ù té chạy tưởng cọp mò lên xe. Hành khách thấy cọp cũng sợ hết hồn, lão Thổ vỗ đầu cọp bảo: - Ba mươi chết rồi, còn sợ gì nữa! Chẳng hiểu sao nó chết? Mấy thầy dõng bắn nó phải không? Đám dõng ngó nhau, ngó quanh thấy thú rừng đã chạy hết, xác cọp beo nằm rải rác. Một người cai dõng gật đầu, vỗ “đốp” báng súng nói to: - Còn ai vào đây nữa, ông già! Bọn tôi coi hùm beo như con chó dữ mà! Lão Thổ ngỏ lời khen, nói lớn: - Yên rồi, chú xà ích à! Đi thôi! - Còn loạn rừng mà! Chỉ sợ lại gặp mấy ông ba mươi kéo ra! - Có súng đây, sợ gì? Không đi định nằm giữa rừng chắc? Một người một ý, cỗ xe xuôi cùng đám bộ hành, có kẻ đã lên xe núp, vùng nhảy xuống hè nhau đi miết về mạn Tổng Hoá. Mấy cỗ xe ngược cũng tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng vừa khỏi nguy, đỡ sợ, lòng tham lại dậy, nhiều kẻ ùa xuống nhặt xác hươu, beo, cọp khiêng ì ạch, cuối cùng lại phải nhường cho bọn xà ích để mui xe, coi như món “bổng” dọc đường. Đoàn xe lại tiếp tục lăn bánh trên đường. Trời vẫn giông tố, cái bụi lá rừng bay loạn, mấy khúc đường này vẫn có núi chắn gió, nên xe chạy không đến nỗi vất vả. Chừng hai mươi phút sau, xe ra khỏi vùng núi chắn, tới quãng đường xe chạy chậm lại, tuy vậy phía núi bên tay phải cũng chạy chênh chếch cách đường cũng chỉ độ trăm thước, nên cũng đỡ cuồng phong. Trời đất vẫn hôn ám, nhưng chưa có giọt mưa nào. Hành khách ngồi sát vào nhau, quần áo bay phần phật, đang bàn chuyện loạn rừng. Bỗng ngựa ré lên, lại hất đầu vểnh mõm, như muốn giở chứng. Xà ích chưa hiểu chuyện chi, cứ quất ngựa đen đét giục chạy. Chợt có tiếng kêu hoảng, giọng Thổ: - Kòi ka! Kòi ka (coi kìa coi kìa) ông Trư. Trên rừng có nơi thổ dân thường gọi lợn độc là “trư”. Mọi người cùng nghển cổ, thò đầu dòm, chú xà ích Ba Đen bỗng kêu “ối trời kìa”. Mãi lúc đó, mọi người mới trông thấy trước mặt, phía tả có một đàn lợn lòi vừa từ trong rừng chạy qua đường, đến năm sáu con, con nào con nấy to gần bằng con trâu, nanh chìa hai bên mép hơn gang tay, vừa chạy vưa kêu “hộc, hộc”, đằng sau lại có đàn lợn hàng chục con. Khi cả lũ đã sang bên kia đường, lại có một đàn nữa ngót hai chục con. Cách đầu xe độ hai mươi thước lại một bầy hươu nai, cầy, hoẵng, nhím, sơn dương vừa gấu lợn, gấu chó, gấu ngựa chạy nhông nhông qua đường, không khác bầy thú gánh xiếc diễn hành trong giông tố. Không bảo nhau, cả mấy người xà ích đều hãm xe chậm lại cố ý chờ bầy thú rừng đi qua. Gấu, lợn lòi tuy không đáng sợ bằng hùm beo, chó sói đàn, nhưng giống này nổi hung, lại còn nguy hiểm hơn cả hùm beo. Dân sơn cước, thợ săn đều hiểu rõ “đặc tính” của mấy loài này. Gấu ngựa từ trên cao phóng xuống không đáng ngại nhiều! Vì giống này có cái bờm như bờm ngựa theo chiều dốc, bờm che kín mắt, nó không thấy rõ người ta. Nhưng nếu nó phóng từ dưới lên, bờm rẽ hai bên, người vật coi chừng! Nó phi nhanh như ngựa, hùng hơn cọp, nhanh như khỉ vượn, chỉ một cái vờn chồm đã chụp được cả người lẫn súng như chơi. Còn lợn lòi có thói nổi hung khi bị thương hoặc ngửi mùi thuốc súng. Nó to như cánh phản, nhưng phóng tới nhanh như gió, chỉ húc chúi một cái cây đổ gãy đừng nói người! Trên Yên Bái có kẻ dùng tên tẩm nhựa “sui” bắn trúng mắt một con lợn lòi bên kia suối, nó đeo tên phóng ùm qua, người này nhanh chân bám dây leo lên cây, nó húc một cái suýt trúng người, chẻ bay một mảnh cây to bằng miệng thúng đầy nửa gang. Cứ thế nó lồng lộn kêu hộc nhảy chồm húc, rung chuyển cây như có bão. Năm phút sau thuốc ngấm, nó ra suối uống nước rồi gục chết. Thân cây đã bị chẻ tước hai phần ba quanh gốc; củi chất một đống. Lợn lòi thường đi một mình, đi hai là nhiều, nên gọi lợn độc. Chiều nay loạn rừng, nó mới kéo đi từng đàn. Chỉ loáng mắt chúng đã phóng qua đường gần hết. Nhưng con đi trước bỗng nhìn thấy mấy cỗ xe chạy lóc cóc, tự nhiên nó kêu hộc lên đảo vòng lên đường, phóng tới cỗ xe đang lăn bánh. Chẳng may đúng lúc đó, mấy con gấu cũng vừa băng qua đường cách xe mươi thước, lợn lòi đâm sầm vào một con gấu ngựa to lớn, ngã lăn kềnh. Trời vẫn giông tố. Gió cuồng mạnh, yếu tuỳ theo thế đồi núi chạy bên đường. Lúc này ngựa đã mệt lại thêm mấy con cọp mộng trên mui, xe chạy bắt đầu ì ạch, gió tạt, ngựa thở hộc. Nhưng bọn xà ích vẫn tiếc mấy xác thú quý, vì xương da hổ lúc nào cũng đắt giá. Nhứt là cỗ xe Ba Đen lại “dính” thêm con gấu ngựa bên sườn, chạy càng nặng. Được một quãng nữa, tới một chiếc cầu khá cao, cỗ xe song mã của Ba Đen lên được giữa cầu. Ngựa mệt, phải chậm bước tụt hậu, cho mấy cỗ xe sau vượt trước. Mấy cỗ xe kia vừa đổ khỏi dốc cầu, bỗng ào ào, thú rừng từ bên rừng tả chạy túa ra hàng mấy chục con, rải rác một quãng đến bảy tám chục thước. Xe đang xuống dốc, cứ chạy bừa, hành khách nhốn nháo kêu inh ỏi, may sao đàn thú rừng này toàn là loài ăn cỏ ăn củ như hươu, nai, hoẵng, sơn dương, nhím... Xe chạy bừa chẹt cả vào chúng, có kẻ động lòng tham tiếc của giữa đường, nhoài mình vươn cổ dòm xuýt xoa. Chỗ dưới chân dốc cầu, đường ăn vòng cung về bên trái, cỗ xe Ba Đen chạy sau cùng, đổ dốc khá nhanh. Vừa tới khúc quanh, chỗ có hai ba con thú nhỏ mới bị chẹt chết, thình lình từ nẻo rừng bên trái có con đường tiều hướng về hồ Ba Bể bắt ra, bỗng có hai thớt ngựa phóng ra như hai mũi tên lao. Bên đường cây cối bờ bụi um tùm, khi hai thớt ngựa vừa vọt ra, thì cỗ xe song mã cũng vừa chạy tới, hai bên chợt thấy xe, ngựa đã kề đầu. Có tiếng người cỡi ngựa kêu thất thanh. Hành khách trên xe nhiều người rú lên. Lão Thổ tuy ngồi sau xe, lại trông thấy trước, giật mình quát lớn: - Hãm lại! Như máy, Ba Đen vừa kêu “uý trời” vừa gò cương giật cương thật mạnh. Hai con ngựa hãm vó, nhưng vì đang đà vừa đổ dốc, lại nhọc, nên cứ trườn đi hàng thước mới dừng. Thớt ngựa chạy trước được gò lại, nhưng cũng đâm sầm vào càng xe, ngã vật xuống, hất văng người cỡi ngựa ra xa. Thớt sau người cỡi kêu lên, vừa hãm, vừa vươn mình thò tay chụp lưng người trước, nhưng không kịp. Thớt ngựa này đâm rầm vào thùng xe, cũng đổ sụm theo. Hành khách, xà ích cùng rú lên, đinh ninh kỵ sĩ vỡ đầu chết tươi. Ai nấy nhốn nháo, nhổm cả lên, có dòm, hỏi lớn: - Có sao không? Có sao không? Lão Thổ, xà ích Ba Đen cùng nhảy xuống đường, chạy lại chỗ ngựa ngã. Thớt ngựa đâm càng xe là con ngựa trắng, kỵ sĩ cũng mặc toàn quần áo trắng. Con ngựa này ngã bên chân ngựa kéo xe và không dậy nữa, nằm trợn mắt thở hồng hộc. Còn kỵ sĩ áo trắng may sao lại bắn văng ngay phải bụi rậm đầy dây leo, nằm bất động. Còn thớt ngựa thứ hai là một con ngựa kim, nằm thoi thóp. Người cỡi là một kẻ mặc quần áo “kaki” vàng, quấn xà-cạp trắng, khổ người vạm vỡ, nhưng người này cũng nằm im vắt mình trên cổ ngựa, gác bánh xe. Lão Thổ cúi xem nạn nhân. Mắt y đã trợn ngược, miệng ứa máu, sờ tay xem mạch, mạch đã tuyệt. Lão thở dài lắc đầu bảo Ba Đen: - Người này bị nội thương trầm trọng bởi dùng sức nhiều té nặng nên vong mạng. Tội nghiệp! Chợt nghe tiếng con nít khóc lớn, lão vùng nhìn quanh, rồi nhanh nhẹn tiến lại bụi cây chỗ kỵ sĩ áo trắng nằm. Thì ra đó là một nữ lang còn rất trẻ, nằm ngất lịm mê man, mắt nhắm nghiền, mái tóc huyền xổ tung. Chỉ thoáng trông qua cũng biết nàng là một giai nhân tuyệt sắc ít người sánh kịp. Xế cạnh nàng, một đứa trẻ mới chừng lên hai đang mếu máo vừa khóc vừa giãy dụa. Lão Thổ vội bồng đứa bé lên trao cho Ba Đen đoạn lập tức cứu tỉnh nạn nhân. Mấy người hành khách trên xe cũng nhảy xuống xúm lại xem. Giây lâu nữ lang dần hồi tỉnh, đưa mắt nhìn mọi người thều thào: - Con tôi.. các ông các bà... làm ơn... con tôi... Lão Thổ mở “bi-đông” nước đưa nàng uống, dịu dàng trấn an: - Bà yên tâm, cháu bé không sao đâu! Chừng nhận thấy con mình vẫn bình yên không bị thương tích, nữ lang ôm đứa bé vào lòng, mừng rỡ: - Nhờ ơn Trời Phật! Đang hôn hít con bỗng nàng đứng vội lên nhanh giọng bảo mọi người: - Thôi các ông các bà đi mau đi! “Nó” kéo đến thì nguy! Vẻ sợ hãi hiện rõ trên mặt, giọng nàng càng lúc càng run hơn: - “Nó”... Con đười ươi khủng khiếp... Thôi, đi mau đi kẻo không kịp. Nàng vừa giục mọi người vừa rảo bước lại chỗ xe thổ mộ. Chợt thấy người đàn ông mặc quần áo kaki vàng, nữ lang nhào tới bên bật khóc nức nở: - Trời! Chú quản... chú... chết rồi sao? Một thân chú liều xông pha đưa tôi chạy từ hồ Ba Bể đến đây... Giờ... trời ơi! Lão Thổ lên tiếng an ủi nàng. Một hành khách bỗng hỏi rụt rè: - Này bà ơi, nãy bà nói cái gì... đười ươi... phải không? Phải đười ươi nó đuổi bắt bà không? Nữ lang vùng gạt nước mắt nói: - Phải! Con đười ươi chúa thành tinh... Nó dắt một bầy đười ươi; đuổi bắt chúng tôi từ vùng hồ Ba Bể! Thôi, các ông các bà mau lên xe chạy đi kẻo... chúng kéo tới thì nguy! - Ôi chao, vậy tôi nói có sai đâu? Đã bảo loạn rừng có lắm con tinh! Đi mau không chết hết! Leo lên! Quên cả người mắc nạn thảm, hành khách tranh nhau lên xe. Riêng lão Thổ đứng bảo nữ lang: - Bà lên ngay! Tôi đem xác người nhà bà lên! Nữ lang chưa kịp leo lên thì cỗ xe đã chuyển bánh. Lão Thổ nắm luôn đuôi xe lại quát “Khoan” đoạn vác cái xác viên quản kia lên, xà ích kêu lớn: - Ôi chao, xe đã chật lại còn đem xác lên làm gì? Lão Thổ bảo nữ lang bồng con leo lên, đoạn vác xác chết lên, hất luôn xác cọp xuống, đặt xác vào đó. Xà ích tiếc của, kêu chu tréo. Lão Thổ điềm nhiên: - Đười ươi tới, sợ xác chú còn không mang nổi, huống chi xác cọp! Thấy lão ta khoẻ như trâu, hất cái tung xác cọp, lại nghe nói đười ươi, xà ích hoảng hồn, quất ngựa chạy liền. Mọi người ngồi xích vào cho nữ lang ngồi phía ngoài, cạnh cô gái nhà quan, đối diện lão Thổ. Ai nấy tò mò nhìn nữ lang, nhao nhao hỏi chuyện. Mấy cô gái nhà quan đã đẹp, nữ lang còn đẹp hơn. Mắt phượng, mày liễu đao, môi đỏ màu san hô, má ửng nhuỵ đào, dáng thon lẳn, tuy trong cơn sợ vẫn lồ lộ sắc khuynh thành. Giọng thánh thót như suối đàn, nàng bảo: - Chị em tôi khi xem cảnh hồ Ba Bể, có sáu, bảy người gia nhân. Bỗng loạn rừng thú dữ đổ ra từng đàn, chúng tôi chạy kiếm nơi ẩn tạm. Nào dè đười ươi, khỉ vượn kéo ra từng đàn, vồ người xé xác. Con đười ươi đầu đàn thành tinh rượt vồ bắt tôi, nếu không có đàn chó sói thình lình kéo tới, chúng tôi cũng bị bắt hết rồi. Phải vất vả liều lĩnh lắm mới thoát được nanh vuốt chúng. Một cô gái nhà quan lè lưỡi tỏ vẻ kinh dị: - Khiếp quá! Nhưng sao bà biết là con tinh? Nó... nó biết biến hoá? Mặt hiện nét kinh mang, nữ lang đáp: - Chẳng biết nó có biến hay không, nhưng có điều rõ nhất là nó... biết nói tiếng người! Hành khách nhao nhao, ngó nhau, ngó nữ lang. Người đầy vẻ thông minh, Tây học như nàng, không thể là kẻ mê tín dị đoan ngầy ngô. Lão Thổ nhíu mày: - Biết nói tiếng người? Bà vừa bảo con đười ươi biết nói tiếng người?