Chỉ mục bài viết |
---|
Song Nữ Hiệp Hồng Y - Từ Khánh Phụng - Hồi 61 - 80 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Tất cả các trang |
Thanh Lam nghĩ tới đó liền gật đầu, mỉm cười và đáp:
- Hiền muội nói rất phải, người truyền thụ võ công cho hiền muội thế nào cũng là một vị kỳ nhân tuyệt thế. Nên có lẽ tài ba của hiền muội bây giờ còn cao siêu hơn cả ngu huynh. Chẳng hay vị kỳ nhân ấy có nói cho hiền muội biết võ công của hiền muội học hỏi đó thuộc về môn phái nào không?
Bạch Mai thấy Lam đại ca khen ngợi mình, trong lòng mừng thầm, mặt đỏ bừng, đang định trả lời, nhưng sau nàng lại lắc đầu, đáp:
- Ông ta chỉ dạy cho em cách luyện tập như thế nào thôi, chứ không bao giờ nói đến môn phái nào cả. Có một đôi khi em luyện sai lầm một chút là đã bị Ông ta mắng chửi liền.
Thanh Lam biết cô em này không biết gì mấy, dù có hỏi cô ta cũng không sao trả lời được, nên chàng chỉ cười và gật đầu hỏi.
Lúc ấy trời đã tối, người thuyền chài cho đậu thuyền ở cạnh một cái làng nhỏ. Nơi đây là chỗ sông nhánh nên nước chảy hơi chậm.
Các thuỷ thủ nghỉ ngày ấy và giết gà làm cơm ăn.
Thanh Lam với Bạch Mai hai người cùng đi ra ngoài khoang đứng ở đằng mũi một lát, nhận thấy phong cảnh ở nơi đây rất đẹp, chung quanh đều là núi cao bao trùm.
Cơm nước xong, thằng nhỏ pha một ấm nước đem vào trong khoang cho hai người. Lúc ấy những thuỷ thủ cũng đều yên giấc cả rồi, Thanh Lam thấy Bạch Mai có vẻ buồn ngủ, liền bảo nàng ta đi nghỉ trước, rồi chàng ngồi ở trong khoang lấy Lưỡng Nghi Chân Giải ra vận công điều tức. Luyện độ một trống canh, chàng cảm thấy Tiên Thiên Cương Khí đã tùy theo ý muốn của mình chuyển vận, chân tay mình mẩy thấy dễ chịu vô cùng, chàng mừng rỡ hết sức.
Đang lúc ấy chàng nghe thấy hình như có một chiếc thuyền ở trên thượng du lướt xuống. Chàng thắc mắc vô cùng, bụng bảo dạ rằng "Nước ở Tâm Giáp rất mạnh, nhất là vào lúc cuối Hè đầu Thu này, đường khó đi lắm. Vì dưới đáy có rất nhiều đá ngầm, nên thuyền đi ban ngày mà còn rất kinh hiểm, thỉnh thoảng lại có chiếc va đụng phải đá ngầm chìm lỉm. Trong mùa này không ai dám đi thuyền về ban đêm hết không hiểu tại sao lại có người dám táo gan đi thuyền về ban đêm như vậy.".
Nghĩ như thế, chàng định ngó đầu ra ngoài cửa sổ để xem thì bỗng thấy phía đằng đuôi thuyền của mình cứ có ánh sáng đèn lập loè hai cái. Chiếc thuyền kia cũng thấy có ánh sáng đèn lập loè phản chiếu lại.
Thanh Lam đã giầu kinh nghiệm giang hồ, chàng thấy vậy đoán chắc thể nào cũng có sự bí mật gì đây? Chàng lại nghĩ tiếp:
"Chả lẽ ta đã đi lầm chiếc thuyền giặc chăng?".
Chàng đang suy nghĩ thì chiếc thuyền nọ càng tới càng gần.
Một lát sau, thuyền đó đã đậu sát cạnh thuyền của mình. Chàng liền rón rén bước về phía trước, khẽ đẩy cửa khoang, ngó ra bên ngoài xem sao?
Quả nhiên chàng thấy một cái bóng đen từ chiếc thuyền của mình nhảy sang thuyền bên kia. Trông hình dáng, chàng đã nhận ngay ra người đó chính là một trong hai đại hán mà chàng và Bạch Mai đã gặp lúc ban chiều.
Thanh Lam cười khì một tiếng và lẩm bẩm nói:
- Với tài ba hèn mọn như thế này mà cũng đòi kiếm ăn trên giang hồ.
Chàng lẻn quay ra ngoài khoang thấy người thuyền chài nhảy sang chiếc thuyền bên kia mà chiếc thuyền đó vẫn còn chòng trành, chàng vội nín hơi lấy sức, tung mình nhảy sang theo. Chàng nhẹ nhàng hạ chân xuống chỗ cột lèo ở trên cột buồm, đưa mắt ngắm nhìn xung quanh một lượt rồi khẽ nhảy lên trên mui thuyền.
Khinh công của chàng đã luyện tới mức thượng thừa, nên khi nhảy xuống, dẫm chân vào mui mà những người ở trong khoang cũng không hay biết gì hết.
Thanh Lam nằm rạp xuống, đầu nhìn vào trong khoang thấy người thuyền chài đang đi vào bên trong. Khi trông thấy một đại hán ngồi ở giữa khoang, y vội chắp tay vái lạy, cười và hỏi:
- Chào Cửu gia, hôm nay Cửu gia lại thân chinh tới đây đấy à?
Tên Cửu gia không trả lời mà chỉ hỏi lại rằng:
- Tên tiểu tử họ Giang có ở trên thuyền không?
Người thuyền chài vội đáp:
- Dạ, có!
- Chúng có nghi ngờ gì không?
Hình như chúng vẫn chưa hay biết gì cả.
- Lần này công việc của ngươi kể cũng khá chu đáo. Nhớ lấy, sư phụ đặc biệt dặn bảo phải trông nom cẩn thận hai tên ấy. Chiều mai, khi thuyền của các người đi tới gần giáp Ngưu Can Mã Phế, thì chặt gãy ngay bánh lái để cho chúng uống vài ngụm nước đã, rồi đại sư huynh và nhị sư huynh sẽ thân chinh đến tiếp ứng.
Tên thuyền chài vâng vâng dạ dạ luôn mồm. Tên Cửu gia lại nói tiếp:
- Tiểu tử họ Giang lợi hại lắm, ngươi phải cẩn thận lắm mới được. Bây giờ ngươi phải lội nước mà về, đừng để cho chiếc thuyền chòng trành chúng sinh nghi.
- Dạ dạ! Cửu gia còn dặn bảo điều gì nữa không?
Tên Cửu gia xua tay đáp:
- Thôi ngươi trở về đi!
Tên thuyền chài vái chào xong, liền quay trở ra nhẹ nhàng tuột người xuống nước rồi lẳng lặng bơi về thuyền bên kia.
Tuy đã nghe rõ âm mưu của chúng rồi, mà Thanh Lam vẫn còn thắc mắc bụng bảo dạ rằng:
"Ta có thù hằn gì với bọn thuỷ tặc ở miền Trường Giang này đâu? Sư phụ của chúng là ai thế? Ngưu Can Mã Phế Giáp ở chỗ nào?
Chắc nơi đó hiểm ác lắm?".
Nghĩ đoạn, chàng lại phi thân trở về thuyền mình. Thấy Bạch Mai vẫn còn ngủ say, chàng không muốn làm nàng thức dậy, liền về ngủ luôn.
Sáng sớm hôm sau, bọn thuỷ thủ nhổ neo, gương buồm cho thuyền trôi đi. Bẩy tám tên phu thuyền đã lấy sẵn hai sợi giây thừng ở dưới khoang lên cột vào mũi thuyền, rồi lên bờ kéo.
Thanh Lam bèn kể chuyện âm mưu của bọn chúng cho Bạch Mai nghe.
Cô bé này chưa ra đời có khác, nghe thấy Thanh Lam nói như thế, lại thích thú, cười khì và hỏi:
- Lam đại ca, đến bao giờ chúng ta mới ra tay thế?
Thanh Lam cau mày lại đáp:
- Mai muội, việc này không phải là chuyện đùa đâu! Chúng ta cả hai đều không biết bơi lội, chờ lát nữa khi thuyền phải lên dốc, chúng ta bảo chúng ghé thuyền vào bờ là xong.
Bạch Mai không nghe:
- Bọn giặc này ngày thường giết người cướp của, chúng ta bắt gặp còn tha cho chúng làm gì?
Thanh Lam định nói nữa, thì Bạch Mai đã rỉ tai chàng thở hơi thơm như hoa lan, và khẽ nói tiếp:
- Thôi được! Thôi được! Khi nào thuyền bị lật úp, em đã có cách đối phó rồi!
Nói xong, nàng móc túi lấy thanh đoản kiếm chói lọi ra, lật miếng ván ở dưới khoang ra, rạch bốn miếng ván dài chừng hai thước, rồi khoét mỗi miếng ván một cái lỗ nhỏ to bằng chân của hai người.
Rồi nàng lại đi kiếm bốn sợi giây thừng xuyên qua lỗ hổng ấy cột vào dưới đáy giầy, xong đâu đấy nàng khẽ cười khì và nói:
- Lam đại ca thử xem, làm như vậy có phải là chúng ta không bị chìm xuống đáy nước nữa không? Mặt sông này không lấy gì làm rộng cho lắm, chúng ta từ thuyền này nhảy ra, chỉ cần nhảy bốn năm cái là tới bờ liền.
Thanh Lam không ngờ Bạch Mai lại nghĩ ra được mưu kế này.
Chàng nhận thấy nếu chân cột hai miếng ván như thế, quả thật không sao bị chìm lỉm nữa, và chỉ nhảy vài cái là có thể lên tới bờ ngay được thực, nên chàng không nói gì nữa.
Bạch Mai thấy Lam đại ca không phản đối, càng mừng rỡ thêm.
Nàng lại cột hai bọc áo của hai người làm một để ở chỗ cạnh cửa sổ, rồi nàng cùng Thanh Lam ngồi xống cạnh đó.
Thuyền đi được hai tiếng đồng hồ, lúc ấy đã sắp trưa, đường đi càng ngày càng hiểm trở, núi ở hai bên bờ cao chót vót, nước càng chảy càng mạnh, thân thuyền như bị đóng đinh không sao tiến lên được.
Thanh Lam và Bạch Mai đi ra ngoài khoang, đứng ở mũi thuyền ngó nhìn một hồi. Hai người thấy những thuyền đi ngược đều phải có người lôi kéo, những chiếc thuyền to phải dùng tới hai ba chục người mới lôi kéo nổi, ngay chiếc thuyền của hai người mà cũng phải dùng tới mười người phu.
Bọn phu kéo thuyền mình trần trùng trục, cúi đầu gần giáp đất mà lôi kéo, đi từng bước một, mồm thì hò "dô ta", nghe thật vui tai.
Còn những thuyền đi xuôi thì nhanh như bay, thật là nguy hiểm khôn tả, chỉ hơi lái trệch một tí là đâm vào chân núi ở hai bên, thuyền vỡ người bị ngụp ngay.
Thanh Lam quay đầu lại, khẽ nói với Bạch Mai rằng:
- Mai muội xem kìa, nước chảy mạnh như vậy, nếu còn đi lên nữa càng bị nguy hiểm thêm, nhỡ thuyền bị lật úp thực thì không phải chuyện đùa đâu!
Bạch Mai bưng miệng cười, đáp:
- Như thế em càng thích, em không sợ!
Nói tới đó, nàng bỗng quay lại hỏi Thanh Lam rằng:
- Thế Lam đại ca có sợ không?
Thanh Lam không biết tài ba của nàng như thế nào, bất đắc dĩ đáp:
- Qúy hồ em không sợ là được rồi!
Bạch Mai vuốt tóc cười khì, rồi bỗng quay đầu nhìn vào trong khoang. Thì ra lúc ấy phía sau khoang chỉ còn lại có tên thuyền chài cầm lái với một thằng nhỏ đang ngồi ngủ gật thôi. Bạch Mai liền lên tiếng hỏi:
- Này, ông chủ thuyền, đã đến giáp Ngưu Can Mã Phế chưa?
Đại hán nọ nghe hỏi ngẩn người ra, một tay cầm lái, gượng làm ra vẻ trấn tĩnh, nhìn hai bên bờ một hồi, rồi thủng thẳng đáp:
- Hãy còn sớm, nơi này mới là Tam Đẩu Bình thôi!
Bạch Mai lại hỏi tiếp:
- Tại sao nơi đó lại có tên là Ngưu Can Mã Phế như thế? Sao lại có cái tên kỳ lạ như vậy?
Nghe thấy nàng nói đến cái tên Ngưu Can Mã Phế, người thuyền chài lại càng hoảng sợ thêm, ấp úng mãi mới trả lời được.
- Vì hai bên vách núi ở hai bên bờ có những thạch trung nhũ thiên nhiên, xa xa trông giống như gan bò phổi ngựa đeo lơ lửng ở trên không vậy, nên mọi người mới gọi như thế.
Bạch Mai cười khì hỏi tiếp:
- Thế sao không gọi là tim chó gan lợn có hơn không? Để cho những tên giặc tim chó gan lợn, chuyên môn cướp của giết người, khi đi tới đây, nghe cái tên đó mà phải cảnh tỉnh. Nếu không biết cải tà quy chính, thì tim gan ngũ tạng của chúng sẽ bị treo lên trên vách đá.
Tên thuyền chài càng nghe thấy càng hoảng sợ, mồ hôi lại cứ toát ra như tắm, nhưng y gượng cười đáp:
- Đại tiểu thư cũng khéo nói bông thật!
Bạch Mai nhìn y mà cười thầm, lại nói tiếp:
- À ông chủ thuyền này! Lát nữa, chờ đi tới giáp khẩu, ông báo cho tôi biết để tôi ra xem Ngưu Can Mã Phế nhé?
Người thuyền chài thấy nàng vẫn thản nhiên như thường, nhưng y có tật giật mình, nên vừa đưa tay áo lên lau chùi mồ hôi, vừa luôm mồm vâng dạ.
Bạch Mai cười khì một tiếng, rồi lại đi vào trong khoang ngay.
Càng đi thuyền càng chậm, dưới đáy thuyền có tiếng kêu "bùng bùng" sóng nước cứ đánh vào thành thuyền kêu "lốp bốp".
Bạch Mai đang mải ngắm nhìn hai bên bờ để coi xem Ngưu Can Mã Phế hình dáng như thế nào, đột nhiên nàng trông thấy cái gì, mặt bỗng biến sắc và tỏ vẻ gay cấn, mồm thì khẽ kêu gọi:
- Lam đại ca, mau cột ván vào chân đi!
Nói xong, nàng chạy nhanh như gió vào trong khoang, cột luôn hai miếng gỗ vào chân.
Thanh Lam cũng vừa cột xong, rồi mỗi người đeo một bọc áo vào bên vai.
Thì ra ở xa xa nàng đã trông thấy trên vách núi có những thạch trung nhũ trông như gan bò phổi ngựa thực, nên nàng mới vội bảo Thanh Lam chuẩn bị như thế.
Vừa đi tới chỗ nước chảy mạnh nhất, thì bỗng thấy phía trên có một chiếc thuyền lớn xuất hiện. Thuyền ấy cứ nhằm thuyền của mình mà chạy thẳng xuống. Trên cột buồm của chiếc thuyền lớn đó có treo lá cờ đen, giữa cờ có thêu một con rết vàng lóng lánh trước gió.
Người thuyền chài vừa trông thấy chiếc thuyền nọ đã vội nhảy lên, rút búa ra định chém vào bàn lái. Nhưng y chưa kịp chém xuống đã có một luồng gió nhẹ thổi lướt qua mặt, và có một cái bóng trắng thấp thoáng, tai y lại nghe thấy tiếng cười nhạt rất thánh thót. Y chưa kịp nhìn kỹ, người đã thấy tê tái ngã nằm lăn ra boong thuyền liền.
Lúc ấy Thanh Lam đáng đứng ở trước mũi, thấy chiếc thuyền quái dị Ở trên đường ngược đi xuống nhanh như ngựa phi, chỉ trong nháy mắt đã tới chỗ chỉ còn cách thuyền mình hơn mười trượng.
Chàng cả kinh, quay đầu lại, thấy bên cạnh mình có một cái neo sắt, chàng liền nghĩ ra được một kế, vội cầm cái neo sắt ấy lên quay một vòng, hét lớn một tiếng, rồi ném luôn vào chiếc thuyền nọ.
Lúc bấy giờ hai chiếc thuyền chỉ còn cách nhau chừng ba trượng thôi, nếu chiếc neo của chàng mà ném trúng vào đầu mũi thuyền của đối phương thì chiếc thuyền ấy thể nào cũng bị vỡ tan tành và chìm lỉm ngay chứ không sai.
Đang lúc nguy hiểm mảy may ấy, khoang thuyền nọ bỗng có một cái bóng người nhảy ra. Người đó tay cầm một chiếc sào thật dài, ném luôn vào chiếc neo. Chỉ nghe kêu "bộp" một tiếng, chiếc sào kia đã gãy ra làm đôi liền.
Chiếc neo đã nặng, lại thêm thần lực của Thanh Lam ném ra, nặng không kém nghìn cân, nên dù người nọ ném chiếc sào để cản trở, nhưng vẫn không cản nổi, chiếc neo còn đi xa được một quãng, rồi mới rơi xuống nước ở ngay cạnh chiếc thuyền kia.
Người dùng sào ném neo là một ông già mặc áo vàng, mặt đỏ như táo tàu, bộ râu hoa râm, dài xuống tận ngực. Y đứng ở trên mũi thuyền vững như một khoảng núi Thái Sơn, không hề rung động chút nào. Chiếc thuyền lớn ấy bỗng quay ngang, đuôi thuyền ấy sắp va chạm vào thuyền của Thanh Lam.
Bọn phu thuyền đang lôi kéo ở trên bờ, thấy vậy, đều vứt hết dây xuống đất. Một tên trong bọn bỗng ném một vật gì thật to lên chiếc thuyền lớn kia.
Chiếc thuyền lớn kia đã có một tráng sĩ áo đen xuất hiện. Y vội đỡ lấy vật đó, cuốn ngay vào cái cột lớn ở sau đuôi. Thế là chiếc thuyền lớn đó đã đậu yên ở giữa lòng sông ngay. Còn chiếc thuyền nhỏ, vì không có người lôi kéo, nên thuyền bị tròng trành, và đã có một ít nước sông tràn vào rồi.
Vì không có gì ràng buộc nữa, chiếc thuyền liền bị giòng nước cuốn trôi, nhanh như một mũi tên, mà nơi đây lòng sông rất hẹp, dưới lại có nhiều đá ngầm, phải có những người lái đò thật lão luyện mới biết tránh né những hòn đá ngầm ấy thôi.
Thanh Lam đứng ở mũi thuyền, thấy thuyền của mình bị trôi ngược như vậy, hoảng sợ vô cùng. Chàng vừa quay đầu lại, định gọi Bạch Mai, thì đã nghe thấy kêu bùng một tiếng, mũi thuyền va đụng vào một tảng đá ngầm thật lớn. Chàng vừa định thần nhìn kỹ, thì thấy nước sông đã cuồn cuộn chảy vào trong khoang, thuyền cứ chìm lỉm dần. Chàng liền tung mình nhảy lên mồm thì lớn tiếng kêu gọi:
- Mai muội, mau nhảy theo ngu huynh!
Chàng ở trên không lượn một vòng, đâm bổ xuống chiếc thuyền lớn kia.
Ông già áo vàng, tay cầm gậy trúc, đứng ở mũi, thấy Thanh Lam phi tới, liền giơ sào lên đâm luôn.
Thanh Lam đang ở trên không, thấy ông già nọ dùng thế "Mãn Thiên Tinh Đẩu" đâm mình, thế gậy này biến hóa rất nhiều, chàng cũng không biết sào của y ở phía nào đâm tới, đành phải chân dẫm lên chân, rồi nín hơi lấy sức đạp mạnh một cái người lại vọt lên cao ba thước, và múa song chưởng đánh xuống.
Lúc ấy một cái bóng trắng ở trên cao phi xuống, và có ánh sáng bạc lóng lánh chỉ nghe thấy kêu "bộp" một tiếng, chiếc sào ở trong tay ông già đã bị chém gãy làm đôi.
Thì ra người đó là Bạch Mai. Tà áo trắng của nàng bay phất phới trên không, người vừa tới kiếm cũng tới liền, nhanh không thể tưởng tượng được.
Ông già trông thấy thân pháp của Bạch Mai liền giật mình đến thót một cái, vội trầm giọng quát hỏi:
- Thế "Long Phi Cửu Thiên" này cũng khá đẹp đấy. Con nhỏ kia ngươi là môn hạ của ai?
Bạch Mai mặt đỏ bừng, quay đầu lại nhìn, thấy Lam đại ca đã nhảy xuống khoang thuyền và đang đấu với hai người, nàng mới yên tâm, liền lớn tiếng đáp:
- Ngươi khỏi cần biết đến ta là môn hạ của ai hết!
Ông già áo vàng cũng dùng chiếc sào cụt ấy mà phản công lại.
Tuy Bạch Mai đã học được hết chân truyền của Thiên Lý Cô Hành Khách nhưng dù sao nàng cũng kém kinh nghiệm đối địch, huống hồ lại đứng ở trên chiếc thuyền chòng trành như vậy, tất nhiên võ công của nàng phải kém lợi hại hơn lúc thường nhiều.
Ông già áo vàng có phải tay tầm thường đâu? Thấy thế, y cười ha hả, rồi xoay thế công dồn cho Bạch Mai cứ lui bước lia lịa.
"Bộp".
Đang nóng lòng sốt ruột, Bạch Mai ngẫu nhiên giơ kiếm lên chống đỡ thế công của đối phương, chiếc sào của ông già lại bị chặt gãy một khúc nữa.
Thấy vậy, nàng cả mừng, bụng bảo dạ rằng:
"Sao mình hồ đồ đến thế? Dù công lực của đối phương mạnh đến đâu cũng chỉ là một chiếc sào trúc thôi, địch sao nổi đoản kiếm mình?".
Nghĩ như vậy, nàng không còn sợ hãi như trước nữa, múa tít thanh kiếm xông lên phản công tới tấp.
Quả thực công hiệu, ông già áo vàng thấy sào của mình lại bị chặt gẫy một khúc nên cứ phải lui bước lia lịa.
Hãy nói Thanh Lam thấy Bạch Mai múa kiếm chém gãy cây sào của ông già kia rồi, chàng liền nhảy xuống dưới thuyền. Lúc ấy trong khoang thuyền liền có hai người nhảy ra. Chàng chưa trông thấy rõ người của đối phương đã thấy có một vật gì đen nhánh nằm ngang người mình quật tới. Chàng cả kinh vội xử dụng một thế trong Thông Thiên kiếm pháp ra ứng địch. Lúc này công lực của chàng đã mạnh gấp đôi trước. Chàng đang định xông lên tấn công tiếp thì phía sau lại có một người nhảy tới tấn công vào ngang lưng mình.
Nghe tiếng gió động, Thanh Lam đã biết có người tấn công lén.
Chàng không chờ đối phương tới gần, đã đưa tả chưởng đánh về phía sau một thế.
Người tấn công lén đó yên trí thế nào cũng đâm được Thanh Lam, không ngờ người ta không thèm quay đầu trở lại mà phản công được ngay. Nghe kình phong, y cũng biết thế công của đối phương mạnh khôn tả nên y vội nhảy sang bên tránh né.
Hai người đó cũng không phải là tay tầm thường, tuy thế đầu bị Thanh Lam đẩy lui nhưng chúng vừa lui xong lại tiến lên, cả hai cùng tấn công một lúc liền.
Thanh Lam thấy mình ra tay một cái đã đẩy lui được hai kẻ địch, tinh thần càng phấn chấn thêm, liền cười ha hả, lại giơ song chưởng lên phản công lần nữa. Lần này chàng đứng vững như núi Thái Sơn, hai tay chia làm tả hữu tấn công, tựa như hai mũi kiếm sắc bén cùng đâm ra một lúc.
Ly Hợp Thần Công của chàng đột nhiên toa? ra, nên thế công ấy của chàng mạnh không thể tưởng tượng được. Hai tên nọ liền bị đẩy lui năm sáu bước một lúc.
Thanh Lam quay đầu lại nhìn, mới hay hai người tấn công lén đó có một người trông rất quen thuộc. Người đó ăn mặc lối nhà buôn, vừa béo vừa to, trông đúng là một phú ông. Chàng nhận ra ngay y là Thiết Toán Bàn Khương Nhân, lão đại của nhóm Yến Sơn Song Kiệt.
Lúc ấy Khương Nhân vẫn dùng cái bàn tính sắt làm võ khí. Y bị đẩy lui ngót trượng, liền ngẩn người ra. Còn một tên nữa thì vừa gầy vừa cao, mắt đỏ ngầu, tuổi sấp xỉ với tuổi của Khương Nhân, mặc một cái áo dài đen, tay cầm cây roi đuôi bò cạp đen nhánh, Thanh Lam đoán chắc khí giới của y thế nào cũng có tẩm thuốc độc rất mạnh.
Thanh Lam ngắm nhìn một giây lát, liền tỉnh ngộ ngay. Bây giờ chàng mới biết chiếc thuyền này là của Tây Xuyên Đường Môn, chuyên dùng để đối phó với mình. Mông con ngựa của chàng có vẽ hình một con rết là của bọn này đánh dấu, thảo nào bọn thuyền chài ở bến đò Nghi Xương trông thấy dấu hiệu đó liền hoảng sợ như thấy rắn rết, vội lánh xa ngay là thế. Chàng không ngờ Đường Môn lại có thế lực như vậy. Lần này chàng đi Tứ Xuyên là muốn đuổi theo Hồng Tuyến, sợ nàng đi một mình sẽ bị nguy hiểm. Không ngờ lại gặp bọn người của Đường Môn ở nơi đây.
Như vậy mình đỡ phải mất công đi thêm.
Chàng nghĩ như vậy, đang định lên tiếng nói, thì Khương Nhân đã lên tiếng nói trước:
- Tiểu tử họ Giang kia! Thiên đường có lối ngươi không lên, địa ngục không cửa ngươi lại cứ thích chui xuống! Ngày hôm nay dù ngươi có quỳ xuống van lạy, vì trả thù cho lão Nhị ta cũng không buông tha cho ngươi đâu! Hà hà! Ngươi có lời lẽ gì muốn trối trăng thì để ta bắn tin hộ ngươi làm món buôn bán này!
Thanh Lam trợn ngược đôi lông mày lên cười ha hả đáp:
- Khương Nhân, với tài ba hèn mọn như ngươi mà cũng đòi thốt ra những lời lẽ ấy! Hừ! Ta chả cần phải trối trăng gì hết! Ta chỉ có một việc này hỏi ngươi, nếu ngươi nói thật cho ta hay thì ta sẽ tha chết cho.
Đại hán áo đen nhìn Thanh Lam, dùng giọng mũi kêu "hừ" một tiếng, rồi lạnh lùng xen lời nói:
- Tên này ăn nói cũng khá ngông cuồng đấy!
Khương Nhân vội đỡ lời:
- Đại sư huynh, để tiểu tử này hỏi xong, rồi chúng ta sẽ ra tay cũng chưa muộn!
Thanh Lam giơ tay lên chỉ vào đại hán áo đen và hỏi:
- Người này là ai?
Khương Nhân nhún vai một cái, rồi đáp:
- Họ Giang kia, ngươi có biết người này là ai không? Ông ta là đại sư huynh của ta, Hắc Khiết Tử Thẩm Khang đấy! Ngươi chỉ hỏi có thế thôi ư?
Thanh Lam cười khì một tiếng, rồi nghiêm giọng đáp:
- Tiểu sinh muốn hỏi, mấy ngày hôm nay có một cô nương mặc áo đỏ đi kiếm Đường Thiên Sinh ...
Thẩm Khang vội quát lớn:
- Tiểu tử, sao ngươi dám to gan gọi tên của sư phụ ta lên như thế?
Khương Nhân cười vẻ gian giảo, nhún vai đáp:
- Ngươi hỏi con nhãi nào? Có phải con bé sử dụng cây thiết tỳ bà không?
Không đợi chờ đối phương nói dứt, Thanh Lam đã vội hỏi tiếp:
- Nàng ta ở đâu?
Khương Nhân cười nhạt đáp:
- Ngươi hỏi y thị ư? Hì hì! Ngươi xuống dưới âm ty mà kiếm!
- Bậy nào!
Thanh Lam quát lên một tiếng, giơ chưởng lên nhằm mặt Khương Nhân tấn công luôn.
Khương Nhân biết thế công này của chàng rất lợi hại, nên y vội nhảy ra ngoài xa tránh né chứ không dám thẳng tay chống đỡ.
Nhưng y có biết đâu chưởng đó Thanh Lam đã nổi giận mà tấn công, oai lực của nó mạnh không thể tưởng tượng được nên tuy y đã tránh rất nhanh, nhưng vẫn bị tiềm lực của chàng đẩy bắn ra khỏi boong thuyền.
Thẩm Khang thấy vậy cả kinh, đang định ra tay cứu viện nhưng đã muộn rồi, chỉ nghe thấy kêu "bõm" một tiếng, Khương Nhân đã rớt xuống nước liền.
Thanh Lam đánh Khương Nhân rớt xuống nước rồi quay đầu lại nhìn Bạch Mai, thấy nàng múa tít thanh kiếm tấn công ông già áo vàng tới tấp. Tuy công lực của ông già rất thâm hậu, nhưng chiếc sào trúc thì địch sao nổi thanh bảo kiếm nên càng đấu chiếc sào của y càng bị kiếm của Bạch Mai chém cụt đầu và chân thì lui về phía sau lia lịa.
Tuy bề mặt Bạch Mai đã chiếm ưu thế, nhưng ông già áo vàng nhờ có công lực thâm hậu hơn, nên vẫn chưa bị lép vế hẳn.
Lúc này chiếc sào của y chỉ còn lại một khúc như một cây sáo vậy, nhưng y vẫn chỉ Đông kích Tây, nhảy lên nhảy xuống, không hề để lộ một chút nào hết.
Điều đó vẫn chưa sao, riêng có bàn tay trái giơ lên che ngực của y lúc này cũng biến thành đen, ngón tay xưng lên dần và đen nhánh.
- Ngũ Độc thần chưởng!
Thanh Lam thấy vậy giật mình kinh hãi, vội la lên như thế để báo động cho Bạch Mai hay, vì chàng đã được nghe Bát Ty Kiếm Khách nói về môn Ngũ Độc thần chưởng này ác độc lắm, khi luyện tập, phải tìm cho đủ năm loại trùng rất độc rồi ngày đêm dùng nội gia chân khí hút những nước dãi độc của những con trùng độc đó vào trong gan bàn tay, hễ sơ ý một chút là chất độc chạy vào trong người, sẽ bị tàn phế vĩnh viễn, cho nên ít người dám luyện môn chưởng pháp này. Vả lại lúc sử dụng lại phải vận hành chân khí để dồn chất độc ra cánh tay, ra gan bàn tay, rồi mới tấn công được kẻ địch. Vì dồn độc khí vào gan bàn tay, nên bàn tay có năm ngón tay cứ xưng vù dần, và đen nhánh, nên rất dễ nhận biết.
Sự lợi hại của Ngũ Độc thần chưởng này là, dù công lực của đối phương có tương đương với mình, nhưng hễ chỉ và đụng vào chưởng lực của mình một cái là đã bị chất độc đó đả thương liền. Nếu công lực của đối phương kém hơn mình, thì chất độc đó sẽ chạy ngay vào trong nội tạng mà chết liền.
Ông già áo vàng này ắt là người của Đường Môn và còn là một tay cao thủ về việc sử dụng nọc độc nữa. Bây giờ tay của y đã to dần, màu sắc đã đen nhánh dần, nên Thanh Lam mới nhận ra được ngay là thế.
Thanh Lam vừa nghĩ tới đó, liền kêu thầm một tiếng "nguy tai".
rồi lướt tới cạnh Bạch Mai, khẽ bảo:
- Mai muội, mau rút lui, để tôi đối phó với y cho!
Bạch Mai chưa có kinh nghiệm giang hồ, nên không biết độc chưởng của đối phương lợi hại như thế nào. Nàng chỉ thấy chặt cụt dần được chiếc sào của đối phương là cảm thấy thích thú thôi, nên khi nào nàng lại chịu rút lui ngay?
Đang lúc ấy, ông già áo vàng đã cười giọng rất quáy dị và nói:
- Hè hè ... lão phu chấp cả hai ngươi cùng đấu với lão phu một lúc đấy!
Y vừa nói xong, đã giơ bàn tay trái đen nhánh lên tấn công luôn.
- Mới thóang trông, chưởng thế của ông già ấy không có gì là kỳ lạ hết, chỉ có những tiếng kêu "veo veo" rất khẽ dồn vào hai người thôi.
Thanh Lam đã vận Ly Hợp Thần Công lên hai tay, vừa thấy đối phương giơ Ngũ Độc chưởng lên tấn công, chàng đã vội tiến lên trước mặt Bạch Mai, giơ cánh tay trái lên vòng một cái, và giơ hữu chưởng lên đẩy luôn, mồm thì nói:
- Mai muội, mau rút lui! Đây là Ngũ Độc thần chưởng đấy, lợi hại lắm!
- Hè hè ... tiểu tử cũng sành sỏi đấy! Nhưng đã muộn rồi có rút lui cũng không kịp nữa!
Nói xong, y lại rụt tay lại và đẩy ra một lần nữa, nên oai lực lại càng mạnh thêm.
Thanh Lam thấy vậy lớn tiếng cười và đáp:
- Hay lắm!
Chàng liền dùng bí quyết chữ Dẫn của Ly Hợp Thần Công mà lôi kéo chưởng lực của đối phương sang bên, và thuận thế đẩy ngược trở lại một chưởng.
Ông già áo vàng ra tay rất nhanh, tấn công luôn hai chưởng, nhưng y bỗng thấy chưởng lực của mình như va đụng phải một vật gì mềm như bông gòn, không sao dùng sức được. Tiếp theo đó, y còn thấy chưởng lực của y bị nội lực của đối phương lôi sang một bên.
Y là người giàu kinh nghiệm giang hồ, thấy hơi khác lạ, vội thâu tả chưởng ngay, giơ tay phải lên lao luôn chiếc sào cụt vào ngực Thanh Lam.
Cây sào ấy tuy dài ba thước thôi nhưng do tay ông già áo vàng ném ra không khác gì một thanh kiếm rất sắc bén.
Thanh Lam giơ tay lên gạt một cái, mới hay nội lực của ông già này mạnh kinh người. Chàng vừa gạt xong chiếc sào đó thì ông già đã múa song chưởng xông lại tấn công tiếp.
Vì đối phương có Ngũ Độc thần chưởng, Thanh Lam phải e dè, không dám thẳng tay chống đỡ, mà chỉ nhảy sang bên tránh né trước, rồi mới vận chưởng tấn công luôn hai thế một lúc.
Ông già áo vàng không những có công lực kinh hồn, mà chưởng pháp lại tinh kỳ, hơn nữa, tay trái của y lại có Ngũ Độc chưởng, nên chưởng phong của y bay tới đâu liền có mùi tanh hôi xông tới đó.
Thanh Lam thấy vậy kinh hãi vô cùng, vì thấy đối phương hai tay sử dụng hai kình lực khác nhau. Chàng đành phải vận hết Ly Hợp Thần Công lên bảo vệ lấy toàn thân, rồi giở Tỷ La thập nhị thức ra phản công liên miên. Chỉ trong nháy mắt, hai người đã đấu với nhau được bảy tám hiệp.
Ngày thường, ông già này rất tự phụ, không ngờ hôm nay thoạt tiên gặp Bạch Mai, chiếc sào của mình đã bị nàng ta chặt cụt từng khúc một, nhưng vì đối phương có bảo kiếm trong tay, nên y vẫn không quan tâm đến điểm đó. Bây giờ, y đấu với Thanh Lam, chàng chỉ hai tay không thôi, mà lại là một thiếu niên trạc độ hai mươi, dù ngay lúc mới ra đời đã học võ liền, cũng không sao so sánh được với công lực của y đã luyện tập hàng mấy chục năm. Ngờ đâu, bây giờ chàng ta lại đấu ngang tay với mình. Vì vậy y càng nghĩ càng tức, tức quá rồi hóa giận, hai tay của y có hai luồng kình lực cương nhu khác nhau, nên thế công của y cũng lợi hại lắm.
Bạch Mai đứng yên ở đó, không có người đối địch với mình. Lần đầu tiên nàng được đối địch với người ngoài nên cảm thấy thích thú lắm. Nàng bỗng nghĩ đến tên đại hán áo đen vừa đấu với Lam đại ca, liền quay đầu lại tìm kiếm, nhưng không thấy tung tích tên nọ đâu nữa. Nàng liền cười nhạt và bụng bảo dạ rằng:
"Hừ! Ngươi ẩn núp, tưởng cô nương không tìm kiếm thấy hay sao?".
Nghĩ đoạn, nàng chạy ngay vào trong khoang, nhưng tìm kiếm hết hai khoang thuyền cũng không thấy một bóng người nào cả. Vừa rồi, rõ ràng nàng đã trông thấy trên thuyền có hàng mười tên đại hán, sao bây giờ chỉ trong nháy mắt đã không thấy một tên nào hết!
Nàng tìm kiếm tới sau lái, thấy có một thiếu nữ nằm ngang ở trên boong, tay chân đều bị trói, nên không cử động được.
Nàng trông thấy người này có vẻ quen thuộc lắm, vội tiến tới gần cúi đầu xem, mới hay nàng nọ cũng đang trố mắt lên nhìn mình.
Nàng mững rỡ đến nhảy bắn người lên, vội cởi trói ngay cho nàng nọ, vì nàng nhận ra ngay người đó chính là Lan nhi. Ngờ đâu Lan nhi vừa được lôi miếng giẻ ở trong mồm ra, đã lạnh lùng hỏi nàng rằng:
- Cô đi với chàng tới đấy à?
Bạch Mai gật đầu, đáp:
- Phải! Lam đại ca còn đang ở trước mũi đấu với ông già xấu bụng.
Lan nhi mặt vênh váo, chả cười tí nào. Nàng vào trong khoang tìm thấy thanh trường kiếm của mình rồi lẳng lặng nhảy ra ngoài khoang. Bạch Mai vội đuổi theo, nhưng nàng chưa kịp ra tới nơi, đã hoảng sợ, thất thanh la lên, vì nàng thấy có hàng trăm con rắn xanh đang bò lúc nhúc ở trong khoang thuyền, bất cứ bị một con nào cắn trúng cũng toi mạng tức thì. Nàng vội lui ngay về phía sau. Ngờ đâu, khi nàng ngửng đầu lên, lại nhìn thấy trên mui có hàng hai ba chục con bò cạp đang phi tới, định cắn vào đầu nàng. Nàng hoảng sợ vô cùng, vội múa tít thanh đoản kiếm để bảo vệ lấy mình mẩy, rồi nhún chân một cái, nhảy ngay ra ngoài khoang.
Nàng nhảy tới lưng chừng, bỗng nín hơi lấy sức, đang định phi thân lên trên cột buồm, thì bỗng thấy một cái bóng đen ở phái bên nhảy tới.
Thẩm Khang như bóng theo hình, bỗng nhảy tới, tay múa chiếc roi đuôi bò cạp, như một cái vòng màu lam, nhằm chân nàng khua tới.
Bạch Mai quả thật tài ba, hai chân đạp trống không một cái, người đã xoay ngược trở lại, và kiếm của nàng vừa chém ngay vào đầu roi của Thẩm Khang. Nhân cái chém ấy, nàng mượn sức của đối phương bay tà tà lên trên cao, giơ tay trái ra bắt lấy sợi dây thừng đang cột ở trên đầu cột buồm, rồi nàng dùng chân trái móc vào đầu giây, buông tay trái ra, người nàng như đánh đu, lộn ngược xuống, tay phải dùng một thế "Hoa Vũ Tàn Phân" (mưa hoa đổ xuống khắp nơi) mũi kiếm của nàng biến thành trăm nghìn điểm sao bạc, nhằm đầu Thẩm Khang đánh úp xuống.
Mấy cái động tác vừa rồi của nàng, và thế kiếm nàng sử dụng để phản công kẻ địch vừa nhanh vừa đẹp khôn tả.
Thẩm Khang không ngờ thế roi của mình lại giúp cho đối phương lên được trên ngọn cột buồm mà thoát khỏi được chốn hiểm nghèo, quả thật y từ bé đến giờ chưa hề thấy ai xử dụng thần pháp "Long Phi Cửu Thiên" như thế cả.
Y đang đứng ngẩn người ra nhìn, đã thấy hàng nghìn điểm sao bạc đổ dồn xuống. Y cả kinh, vội múa tít cây roi để chống đỡ.
Bạch Mai đã thắng thế, khi nào chịu để cho đối phương tránh né. Nhờ có thân pháp Long Phi Cửu Thiên, nàng nhảy lên nhảy xuống, bay đi bay lại hết cột buồm này sang cột buồm nọ, cứ quây quần ở ba cái cột buồm đó mà tấn công Thẩm Khang tới tấp, khiến tên nọ cuống quít cả chân tay lên, và cứ thổi còi "tu tu" luôn mồm, tay thì múa tít cây roi để bảo vệ toàn thân.
Đàn rắn xanh kia hình như đã được huấn luyện từ lâu, nên vừa nghe thấy còi hiệu của Thẩm Khang, chúng đã bò ra ngay, chia làm hai tốp, một tốp bò đến chỗ Thanh Lam và ông già áo vàng, còn một tốp thì bao vây quanh cột buồm, ngửng đầu lên nhìn Bạch Mai, chỉ muốn đớp được nàng mới thôi.
Lúc ấy đằng sau khoang bỗng có mấy tiếng kêu la thảm khốc, và tiếng hò hét của mộ thiếu nữ, thân thuyền cũng bị rung động rất mạnh.
Thẩm Khang nghe thấy những tiếng kêu đó, hoảng sợ vô cùng.
Y chỉ phân tâm một chút, chiếc roi của y đã bị Bạch Mai chém gãy làm đôi. Nhưng y vẫn không chịu lép vé, đột nhiên hét lớn một tiếng, lao luôn chiếc roi gãy ấy vào người Bạch Mai, còn y thì vội nhảy ngay về phía sau, rồi lớn tiếng nói:
- Con nhãi kia, ngươi hãy thử xem Tuyệt Tình Châm của thái gia này có lợi hại không?
Tên đó vừa nói dứt, đã giơ hai tay lên ném một chùm kim bạc, mũi nào cũng to bằng sợi lông bò. Dưới ánh sáng mặt trời toa? ra những ánh sáng xanh lóng lánh, và cũng tựa như một chùm tơ bay ngũ sắc, đều nhắm vả vào người Bạch Mai bắn tới. Lúc ấy Bạch Mai vừa gạt rớt chiếc roi của Thẩm Khang, khẽ nhún chân một cái, nàng đã cả người lẫn kiếm hóa thành một làn kiếm quan từ trên phi xuống.
Một đằng ở trên phi xuống, một đằng ở dưới bắn lên, ai trông thấy cũng yên trí là Bạch Mai cũng không sao tránh thoát được những mũi Tuyệt Tình Châm ấy.
Nhưng sự thật trái ngược hẳn. Người ta chỉ thấy một cái cầu vồng bạc nhanh như sấm sét bay xuống, đó là kiếm quan của Bạch Mai. Khi kiếm quang của nàng ta vừa đụng chạm vào trăm nghìn sợi dây màu lam kia, những sợi dây đó đều mất tích hết. Tiếp theo đó, luồng ánh sáng bạc lại lướt qua người Thẩm Khang một cái, tên nọ liền rú lên một tiếng rất thảm khốc, người lảo đảo chưa kịp té ngã, thì Bạch Mai đã bay lượn lên và đứng ngay ở trên cột buồm liền.
Đang lúc ấy, trong khoang thuyền bỗng có một làn khói đen bốc lên, rồi thấy mười mấy đại hán áo đen ở bên trong hoảng hốt chạy ra ngoài khoang.
- Những tên giặc giết mãi không hết kia! Các ngươi còn muốn đào tẩu đi đâu nữa?
Giọng nói thánh thót ấy chưa dứt, đã có một bóng người mảnh khảnh đuổi theo ra. Người đó là thiếu nữ áo đen, mặt lộ sát khí, tay cầm một thanh trường kiếm sáng quắc, hễ thấy người là đâm liền.