watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
08:47:2924/04/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Thất Chơn Nhơn Quả - Trang 8
Chỉ mục bài viết
Thất Chơn Nhơn Quả
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 8 trong tổng số 10

Hồi 22
Phân bồ-đoàn, đạo bất luyến tình,
Vấn tướng pháp, đương diện Trường-Xuân


Nghĩa là:
Chia cái bồ-đoàn thì đại-đạo chẳng luyến tình,
Thầy coi tướng trước mặt đem người chỉ nói.
Có bài kệ rằng:
Làm thiện như lên trăm thước thang,
Xuống thời rất dễ, tấn thời nan,
Chỉnh tua ra sức làm công đức,
Đừng khiến cho mình sợ khổ than.

Lại nói việc Mã-Đơn-Dương cùng Khưu-Trường-Xuân ở tại hố Xuyên-Cốc, trong miễu lạnh bị tuyết lớn đi không đặng. Trường-Xuân biết Đơn-Dương có thiện niệm, vì thương ông nhà giàu mà xuất gia đi tu làm sao chịu lạnh cho nổi, cực khổ đói khát, phải chi đặng chén cháo lỏng cho ông đỡ đói. Trong ý muốn đi kiếm nhà đặng xin cơm cho ông ăn rồi ra ngoài miễu xem thấy mây giăng bít núi, tuyết lấp đầy non, chẳng nói không thấy nhà mà thôi, đường đi cũng không đặng, chẳng biết đâu xin, lại nếu rủi té xuống hố thì chẳng những cơm không đặng ăn mà còn sợ không bảo toàn tánh mạng.
Coi rồi trở vô ngồi không yên sợ Mã-Đơn-Dương vì đói lạnh động ra tưởng việc ăn mà tán-loạn tinh-thần, trong lòng không định. Việc ấy kinh động đến bổn cảnh Thổ-Địa, ngài mới lật đật chạy đến Trương-Lão cho nằm chiêm bao. Trương-Lão đương ngủ thấy ông già đầu bạc đến nói rằng: Trong miễu ta có hai người tu hành, bị tuyết ngăn lạnh đói hết 3 ngày, ngươi phải mau mau nấu cơm cho y ăn đỡ đói. Nói rồi biến mất. Trương-Lão giựt mình ngồi dậy kêu vợ thuật chuyện v.v... Tánh bà hay tin Thần Thánh, nghe nói lật đật nhúm lửa kêu dâu nấu cơm, rồi thuật chuyện chiêm bao cho dâu con hay. Ai nấy nghe vậy cũng vui mừng.
Một hồi trời sáng, Trương-Lão biểu người con đem cơm đến miễu thỉnh hai ông dùng cơm. Đơn-Dương cũng tưởng mấy người ở gần xóm thấy mình nhịn đói có lòng trắc ẩn đem cho đỡ đói. Cùng Trường-Xuân ăn rồi tạ ơn. Người ấy thấy hai ông ăn rồi lấy đồ đem về, hai người cùng ngồi tu nữa. Mã-Đơn-Dương ngồi đến chiều, mới đi ra ngoài coi tuyết bớt chưa, lại thấy một người đi đến, sợ đồn nên lật đật trở vô. Rồi Khưu-Trường-Xuân đứng dậy nói:
- Thiệt người tu hành cũng có cảm ứng chớ. Tôi hồi khuya sợ sư huynh đói lạnh khó chịu, trong lòng tưởng muốn phải có một chén cháo cho sư huynh ăn đỡ đói, ai dè tưởng vậy có vậy. Ngày nay có người đem cơm cho ăn thiệt rất linh nghiệm. Đơn-Dương nghe nói nổi giận nói rằng:
- Người quân-tử lo đạo chẳng lo ăn, ngươi chẳng lo tu niệm tấn đạo để lo ăn mãi. Không nghe trong sách có nói: “Quá khứ tâm chẳng khá còn; Hiện tại tâm chẳng khá có; Vị lai tâm chẳng khá tưởng”. (Việc qua rồi đừng nhớ; Việc hiện tại đừng tưởng; Việc chưa đến đừng trông)

Ngươi nay ba thứ tâm chưa dứt, một niệm chưa quên, làm sao học đạo? Ta nay không chịu đi chung với ngươi nữa, phân ly nhau. Trường-Xuân nghe nói tự hối chẳng kịp, biết mình niệm sai, lấy lời xin lỗi. Hai người đương nói, thấy một người đốn cây trước miễu đặng làm củi.
Mã-Đơn-Dương thấy cầm cái dao, bèn hỏi mượn, người ấy đưa cho. Mã-Đơn-Dương lấy cắt cái bồ-đoàn, rồi trả dao cho người đó, lại kêu Trường-Xuân nói rằng:
- Bồ-đoàn phân làm hai miếng phải đi riêng là tu mới đặng, phận ai nấy lo chớ khá trước cần sau dãi-đãi mà hại việc tu. Nói rồi quảy đồ đi liền. Trường-Xuân không cho đi, chạy theo sau. Người đốn củi thấy vậy hỏi rằng: Bây giờ gần tối thầy đi đâu? Trường-Xuân đáp:
- Muốn chạy theo sư huynh tôi. Người ấy ngó bốn phía không thấy ai, lại nói:
- Sư huynh của thầy đi vào ngã nào tôi không thấy? Trường-Xuân:
- ổng đi đường nầy! Người ấy nói:
- Đường nầy mấy chục dặm không có nhà ai hết, trời gần tối rồi có chỗ đâu mà nghỉ, thầy theo cũng không kịp. Vậy nghe lời tôi ở đây mà nghỉ, sáng sẽ đi kiếm ông. Trường-Xuân nói:
- Anh kêu giùm tôi một tiếng, coi ông có trở lại không? Người đó trèo lên cây kêu lớn rằng:
- Bớ đạo-trưởng, mau mau trở lại, đi chẳng đặng! Kêu dội mấy lần không nghe tiếng, rồi trèo xuống đi về. Trường-Xuân trở lại miễu nghỉ nữa.

Đây nói việc Mã-Đơn-Dương cái đạo cũng thành rồi, nên cùng Khưu-Trường-Xuân phân biệt ra đi là muốn kềm cho y lo việc tu hành, sợ đi một đường y lo cho mình hoài, mất việc tu của y nên phải lánh như vậy.
Bữa đó ông ra khỏi miễu, tá thổ độn đi đến tỉnh Hà-Nam, vào núi Trung-Sơn tu dưỡng. Nhằm vua Gia-Thái năm Giáp-Tý, tháng 2 ngày 17 tiếp đặng đơn thơ rồi thành đạo. Ông có làm một cuốn “Tu-Chơn Ngữ-Lục truyện đời”.
Trong Thất-Chơn thành hết 6 người, còn Khưu-Trường-Xuân chưa thành. Ông từ Mã-Đơn-Dương phân ra đến sau thêm lo việc tu, lập ra mấy lời thệ nguyện, làm bài thi trừ cái vọng niệm của ông. Ông muốn diệt cho hết cái tâm phàm đặng sau thành chánh-quả, ông làm bài thi rằng:
Vọng niệm manh thời bất khả đương,
Cơ tư phạn thực, khát tư thang,
Kiêm tương vọng niệm nhứt tề liễu,
Cải quán thần thời cựu thổ trường.
Vọng đắc nhơn tài cân cốt đoạn,
Vọng tham nhơn thực khổ sanh sang,
Ban ban vọng niệm tổng tiêu tận,
Thân nội không không vô sở toàn.
Nghĩa là: Cái vọng niệm muốn sanh khó ngăn đặng. Đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống nước. Nay đem việc vọng niệm đều bỏ. Cải đổi cái lòng cũ khi trước. Khi còn vọng muốn của người, tôi nguyện gân xương đều gãy đứt, đi không đặng. Còn vọng tham ăn của người thì miệng sanh ghẻ. Món món vọng niệm đều tiêu. Trong mình không không chẳng có một mảy thính thiên an mạng tự trời. Ông làm bài thi rồi vui mừng hớn hở, giữ đặng hơn nửa tháng cũng còn có khi vọng nhớ, rồi ông đi lại tiệm cây xin một miếng bảng lấy viết mực biên 8 câu thi, thường mang trên cổ, đặng mỗi ngày thấy nhớ gìn giữ.
Thi rằng:
Vọng niệm muốn trừ bỏ chẳng thanh,
Nay đem trên bảng viết thông-minh,
Vọng ngôn, vọng ngữ, đều trừ sạch,
Vọng ngữ, vọng tham phải quyết tin.
Vọng lấy bạc tiền tay cốt gãy,
Vọng ăn cơm cháo miệng sanh đinh (ghẻ),
Giờ giờ trong bụng thường lo sợ,
Chớ để thất-tình lục-dục sanh.

Khưu-Trường-Xuân lấy bảng mang trên cổ, mỗi ngày thường xét ba lần, hễ vọng niệm trừ được một phần thì cái đạo tâm thêm một phần. Ông lập tâm trừ được vọng niệm lần lần luyện đặng quên luôn. Đi đủ các nơi không hề nhiễm một việc chi trong tâm cả. Bữa nọ đi đến đất Hà-Đông, thấy bên đường có một cái nhà sạch sẽ, chừng giờ ngọ ông đến hóa chay, thấy có một thằng nhỏ ở trong đi ra, ông nói với nó rằng:
- Tôi ở xa đến đây xin ăn, làm phước cho tôi một bữa. Thằng nhỏ nghe nói vô nhà đem ra một đĩa bánh cho ăn, ông sửa soạn lại ăn, liền thấy một ông già chừng 50 tuổi, râu tóc hoa râm trong nhà đi ra ngó ông một hồi rồi vói lấy hai cái bánh trong đĩa đưa cho Trường-Xuân, còn bao nhiêu biểu thằng nhỏ đem vô. Trường-Xuân thấy vậy thưa rằng:
- Thằng nhỏ cho tôi đặng kết duyên với tôi, sao ông biểu nó đem vô? Tiên-sanh chẳng đành cho tôi hay là bần-đạo chẳng được hưởng của đó chăng? Xin tỏ cho tôi hiểu! Ông già cười rằng:
- Một bữa cơm tôi nào không chịu nổi, nhơn vì đạo-trưởng không phước hưởng đặng nhiều!
Trường-Xuân nghe nói giựt mình hỏi rằng:
- Tôi có một bữa ăn mà hưởng không đặng, chắc có duyên cớ, xin thầy làm ơn tỏ giùm. Ông già nói:
- Vì tôi có học tinh thông việc ma-y tướng-phép, trong thế gian du phương nhiều năm coi đoán việc người cùng thông thọ yểu đắc thất vinh khô, không sai một mảy, trong giang hồ đặt cho tôi hiệu là Toán-Ma-Y.
Hồi nảy tôi coi tướng của đạo-trưởng ăn no chẳng đặng, hễ ăn no một bữa thì phải nhịn đói mấy bữa, chẳng bằng ăn ít một chút mà mỗi bữa có thường. Thiệt tôi có ý thương đạo-trưởng, chớ không phải tôi tiếc một bữa ăn. Khưu-Trường-Xuân gật đầu hỏi rằng:
- Thiệt thầy đoán không sai, xin thầy làm ơn coi lại giùm, tướng tôi tu đặng thành công chăng?
Toán-Ma-Y coi rồi nói:
- Chẳng đặng, chẳng đặng! Xin đừng trách tôi nói ngay. Tướng ông hai bên miệng có 2 đường chỉ chạy vào khóe miệng, gọi là “Đằng-xà tả-khẩu” ứng về chỗ bị chết đói. Còn mấy chỗ khác hình tướng tuy tốt chớ thế nào không khỏi bị nạn ách đặng, sợ chịu không nổi làm sao tu cho thành?
Trường-Xuân hỏi:
- Có chỗ cải đặng chăng? Toán-Ma-Y rằng:
- Cái tướng nó định chung thân nào cải đặng! Có chết thì thôi. Bất kỳ người giàu sang, nghèo khó, không luận là ở tục hay xuất gia, hễ cái mạng bị chết đói thì phải chết đói, chẳng trốn lánh đâu đặng, không phép giải nổi.

Để tôi nhắc tích hai người cổ nhơn cho ông nghe: Hồi đời Liệt-Quốc có ông Võ-Linh-Vương, tướng định chết đói, ông làm vua một nước mà cũng phải chết đói là vì hai người con của ông giành ngôi đánh với nhau, sợ ông có lòng thương riêng nên khóa cửa cung lại, biểu binh coi giữ. Hai đàng đánh mấy tháng chẳng thôi, trong cung tuyệt lương thảy đều đói chết. Võ-Linh-Vương đói 7 ngày, cơm nước không có một miếng, ông thấy ổ chim tước, ý muốn lên bắt chim con mà ăn, thấy có cái thang bắt leo lên cây, ai dè chim con bay hết rồi, còn có một cái trứng, lấy cầm lên tay muốn ăn, bị chim lớn bay lại đập cánh. Võ-Linh-Vương giựt mình rớt trứng chim nên ăn không đặng. Nhơn vì tướng chết đói, thiệt một trứng chim mà cũng không đặng ăn.
Còn thuở Hớn-Thành-Đế, có một vị quan lớn tên Đặng-Thông cũng gặp thầy coi tướng, nói tướng ông bị chết đói. Bữa nọ ông tâu cùng Hớn-Thành-Đế rằng: Tôi là Đặng-Thông làm quan thanh liêm, trong nhà không dư mà thầy tướng coi nói tôi sau bị chết đói, tưởng nhà tôi đạm bạc dường ấy e sau chắc phải chết đói. Hớn-Thành-Đế rằng: Trẩm ắt cho khanh đặng giàu sang, ắt cho đặng no ấm, lời thầy tướng không chi làm chắc. Trẩm cho khanh một cái núi đồng ở tỉnh Vân-Nam, đúc tiền mà dùng. Một năm đúc đặng hơn mấy chục muôn, trong mười năm được mấy trăm vạn, làm sao mà chết đói?

Đặng-Thông nghe nói chắc khỏi; ai dè Thành-Đế băng hà rồi Thái-Tử lên ngôi, văn võ bá quan tâu rằng: Đặng-Thông hồ mị tâu với lão Thượng-Hoàng đặng mình làm giàu, dám đem núi đồng nhà nước mà riêng đúc bạc tiền xài phí, tội ấy chẳng nhỏ. Thái-Tử nghe tâu liền nổi đại nộ, biểu quan Hình-Bộ tịch hết gia tài của Đặng-Thông. Xét ông là cựu-thần của Tiên-Đế nên tha tội tru-lục, đem bỏ thiên-lao. Lại bị bá quan tâu thêm dứt tuyệt cơm nước chẳng cho ăn đói 7, 8 ngày, đến bữa gần chết muốn uống một hớp nước. Người chủ ngục thấy vậy có lòng thương đem lại cho, bị mấy ông quan ngục ngó thấy, la một tiếng lớn, chủ ngục giựt mình, rớt đổ chén nước dưới đất. Nghĩ thiệt chết đói, một miếng nước uống cũng không được. Hai người đó giàu sang hết bực mà cũng phải chết đói, thiệt tướng pháp không sai. Nên Bá-Di, Thúc-Tề, hai ông biết mạng mà không chịu tranh chức, tình nguyện chết tại núi Thú-Dương.
Còn ông Lương-Võ-Đế và Tần-Thỉ-Hoàng chẳng biết mạng. Một người chết trên núi Ngũ-Tướng-Sơn, bởi số chết đói, không sao trốn đặng. Toán-Ma-Y thuật chuyện cổ nhơn cho Trường-Xuân nghe. Trường-Xuân kinh hải, thâu tâm mộ đạo, hết sức thức tỉnh, lạy tạ ra đi, trở lại Tây-Tần quyết lòng học theo hai ông Bá-Di, Thúc-Tề hai vị thánh nhân, thuận theo mạng trời.
Bữa nọ đi đến đất Tần, có một đường hố sâu, hai bên núi cao, đá dốc chập chồng, thiệt đường nguy hiểm. Ông Khưu đến đó kiếm một miếng đá nằm ngửa trên đó mà đợi chết, đói trọn 7 ngày nước cũng không uống, cam tâm chịu như lời nguyện. Nhơn vì ông thiệt là người tu hành tinh-thần đầy đủ, không sợ chết, bằng như người thường thì đã ô-hô rồi! Qua đến ngày thứ 9, không biết mưa ở đâu dâng nước dẫy đầy khe rãnh, ngập gần bên mình, ông thiệt cầu chết, muốn an mạng thuận trời đặng y theo tướng pháp, chớ nếu ông chẳng an mạng thì nhảy xuống nước chết rồi, để chi nhiều việc cực khổ. Ấy là cổ-nhơn giữ chắc một lời, không vì chỗ sống thác mà đổi chí, nên gọi là người hiền.
Lại nói ông nằm trên đá, nước chảy ngang đó một trái đào tươi tốt trôi trước mặt ông mấy lần, mùi thơm bay tận mũi. Ông thiệt không ý muốn ăn, vì nhớ tích Võ-Linh-Vương lúc gần chết mà một trứng chim ăn cũng không đặng. Còn Đặng-Thông gần chết một chén nước uống cũng không đặng. Mình nay cũng gần chết, không biết ăn đặng trái đào nầy không?
Mạng chưa phải chết rồi đặng cứu,
Trời thưởng đào tiên tới bên mình.

Hồi 23
Hóa cường lương, cải tà qui chánh,
Đàm chí lý, nhơn tử đắc sanh

Nghĩa là:
Khuyên dạy người hung cải chỗ tà theo chánh,
Nói việc phải lẽ, vì chỗ chết mà đổi chỗ sanh.
Có bài kệ rằng:
Giàu sang cũng tợ bọt nước đầu,
Nào tu cỡi hạc tới Dương-Châu,
Liên-trì có cái thân tâm pháp,
Trong tịnh thường ngâm bảy búp câu.

Lại nói ông Khưu thấy nước trôi tới một trái đào, tưởng rằng mạng mình chết đói, sợ trái đào nầy chắc ăn không đặng, nay lấy ăn thử coi làm sao? Nói rồi lấy ăn một miếng thơm ngon vô cùng, ăn hết trái đào, trong mình tinh-thần thêm khỏe mạnh, đói khát đều không, nước khe liền giựt hết. Mặt nhựt chói nực đổ mồ hôi ướt mình, nằm ngủ không đặng ngồi dậy tưởng rằng: Chắc mạng mình không bị chết bên nước, hay là số chết trên núi cao? Thiệt niệm ma nó hay làm mê tâm muội tánh, cho nên người tu hành phải xem hai chữ sống thác coi như không không, chẳng khá nhứt định là tham sống hay cầu chết, sống thác tự lẽ Trời, cũng đừng tưởng có, không, thì mà nó không vào trong thân mình, mới an tình. Ông Khưu vì hay tưởng-niệm nên ma mới dẫn đặng!
Lại nói Khưu-Trường-Xuân dậy đi đến chỗ Tần-Lảnh, thấy có một cái miễu trên đỉnh núi, chỗ hoang vu không ai đi tới. Ông Khưu vào miễu lấy bồ-đoàn trải ra nằm, tám chín ngày cơm nước không ăn, coi thế gần miền, vẳng nghe ngoài miễu có người nói chuyện. Trường-Xuân nhướng mắt lén coi, thấy có mười mấy người ngồi ngoài trước miễu. Có một người vô, hồi lâu hỏi ông ở đâu đến đây? Ông Khưu trong lòng không tưởng cũng không trả lời. Người ấy vạch mắt ông ra thấy còn chút hơi chắc ông gần chết nên không hỏi nữa. Trở ra ngoài, cùng mấy người kiếm củi xách nước, sắm sửa bếp chảo lấy thịt nấu chín đem cúng thần, rồi dọn cơm và thịt rượu mời anh em ăn uống no say. Mấy người đó là ăn cướp ở núi Tần-Lảnh, đón đường giựt của người ta, thiệt nhiều người hảo-hớn tên là: Triệu-Bích, Lý-Hùng, Dương-Năng, Châu-Cửu. Nhơn bữa đó cướp giựt có tiền mua rượu thịt ăn uống say sưa. Rồi Dương-Năng nói với Triệu-Bích rằng: Anh em mình xưa nay làm việc dữ, nay muốn làm một điều lành, không biết đặng chăng?
Triệu-Bích hỏi:
- Có việc chi lành, nói cho anh hay. Dương-Năng nói:
- Trong miễu có một ông thầy tu, nằm coi không phải bịnh chi chắc là bị đói gần chết. Vậy phải nấu cháo mạch cho ông ăn đặng cứu người làm phước. Triệu-Bích nói:
- Được, anh em mình mau nấu cho ông ăn. Nói rồi lật đật đi nấu bưng vô miễu kêu thầy dậy ăn cháo. Khưu Trường-Xuân chẳng chịu ăn, mấy người ép đổ, ăn đặng hai chén.

Hồi lâu trong mình có hơi ấm, huờn dương tỉnh lại, trách rằng:
- Coi thế việc của ta gần xong, mấy người lại bày đem đồ vô danh chi thực cho ta ăn, khiến cho ta chịu thêm ma nạn. Cầu sống không đặng thì phải, nay cầu chết mà đã mấy lần chết cũng không đặng.
Châu-Cửu nghe nói nổi giận, lấy dao chỉ Trường-Xuân mắng rằng:
- Mi thiệt người giả tu, không biết phải quấy. Anh em ta làm ơn cứu mi, mà lại nói bọn ta đem đồ vô danh chi thực. Mi nay muốn cầu chết để ta cho mi một dao đặng vui lòng. Nói rồi muốn chém. Khưu-Trường-Xuân cũng không sợ, mở áo phình bụng nói rằng:
- Đừng chém, mầy mổ ruột ta ra đặng đem đồ vô danh chi thực trả lại, dẫu chết cũng cam tâm.
Châu-Cửu nghe nói cười rằng:
- Ông thầy nầy thiệt kỳ lạ, có đâu đồ ăn rồi mà trả lại đặng! Ta nay không chém làm chi, vậy hỏi vì cớ nào mà cầu chết? Nói cho anh em ta nghe thử.
Trường-Xuân đem việc thầy coi tướng thuật lại cho mấy người nghe, nói:
- Mạng tôi bị chết đói, không cải đặng, nên tôi nguyện học theo cổ-nhơn là Bá-Di, Thúc-Tề hai vị đại thánh, thuận thiên an mạng mà thôi. Trường-Xuân nói rồi, Triệu-Bích cười lớn rằng:
- Đừng làm vậy. Như thầy sợ đói anh em tôi mỗi người cho 2 lượng bạc, thì mấy anh em tôi tính cũng đặng mười mấy lượng. Thầy kiếm miễu ở đó tu hành, rán độ một người đệ tử, đồng nhau chịu khó cần kiệm thì làm sao đói đặng? Triệu-Bích nói chưa dứt lời, Trương-Kiến, Lý-Hùng mỗi người trong lưng lấy 2 lượng bạc ra giao cho Khưu-Trường-Xuân. Trường-Xuân lắc đầu không nhận, nói:
- Tôi bình sanh chẳng vọng lấy của ai, mấy anh không tin tôi, có cái bảng nầy làm chứng. Nói rồi lấy bảng ra, đưa mấy người coi, thấy trên bảng đề các điều ấy. Dương-Năng tức cười nói rằng:
- Anh em tôi tình nguyện dâng cho ông, không phải tại ông lấy mà ngại. Trường-Xuân nói:
- Phàm không có công mà lấy của người thì gọi là không nhơn. Còn đặng của người, ăn của người là vọng thủ, đều có tội. Châu-Cửu nói:
- Bạn tôi cho thầy mấy lượng bạc thầy không dám lấy, nói sợ có tội. Còn như anh em tôi thường ăn cướp đánh giựt của người, thì tội lớn biết bao nhiêu ? Trường-Xuân nói:
- Mấy anh với tôi chẳng đồng. Tôi vì sanh tiền không có bố thí giúp người nhiều ít, nên nay chẳng dám hưởng của người. Còn mấy anh kiếp trước có cho vay và mấy người đó có lường gạt mấy anh, nên kiếp nầy gặp nửa đường đòi lại, phải gia bội trả thêm. Còn người không thiếu của mấy anh, nên không gặp họ, dẫu có gặp cũng bỏ qua. Khưu-Trường-Xuân nói rồi 13 người đều rởn óc.

Lý-Hùng nghe ông phân vừa rồi lại nói:
- Như vậy chắc không đặng. Nếu y lời thầy nói đây thì lẽ nào người người thiếu nợ anh em mình, còn anh em mình chưa ắt không thiếu của người ta. Bằng như có thiếu thì cũng bị người đón đường giựt lại, tôi sợ cái nợ nầy trả không xong, ắt kiếp khác phải đầu thai luân hồi, cải thân mà trả như lời thầy giảng đó.
Triệu-Bích nói:
- Như vậy anh em mình cũng có tiền ít nhiều phải kiếm một chỗ mua bán làm ăn, chắc khá hơn. Nay gặp thầy đây phải cải tà qui chánh. Mấy anh em trong ý tính sao? Châu-Cửu nói:
- Đại-ca nói rất phải, bọn ta thôi phải hồi tâm. Nói rồi lấy mấy con dao đem ra biển liệng hết.
Triệu-Bích nói với Trường-Xuân rằng:
- Thưa lão-sư, xin gìn giữ tu hành, anh em tôi sau chắc cũng lạy ông làm thầy học tập diệu đạo đặng cải hối tiền phi. Nói rồi đều đi hết.
Lại nói Khưu-Trường-Xuân bị ma giục quyết nhịn đói mà chết. Tuy gặp Triệu-Bích mấy người cứu sống rồi mà ma căn chưa dứt, cũng còn niệm mơ màng, rồi đi xuống núi chừng một tháng xin đặng 200 quan tiền, mua sợi dây lòi tói với cái ống khóa, đi tầm một chỗ không có miễu, cũng không thông đường lộ, chung quanh rừng cây mù-mịt, thâm sơn cùng cốc không ai đi tới, ông lấy sợi lòi-tói buộc trên cây, một đầu xiềng trên cổ, lấy ống khóa khóa lại, rồi liệng mất chìa khóa nằm tại gốc cây. Bận nầy chắc không sống đặng nữa, ai dè ông làm như vậy kinh động thấu trời. Thái-Bạch Tinh-Quân thấy biết người đại chí, biến làm một người hái thuốc, đến trước mặt hỏi rằng:
- Thầy phạm tội chi mà đem khóa tại đây? Hỏi đến mấy lần Trường-Xuân mới trả lời rằng: Mình lo việc mình, đừng lo việc người ta. Người hái thuốc nói:
- Việc trong thiên hạ phải lo chung, sao lại không lo? Ông cũng người học đạo, ông muốn tính việc chi nói cho tôi biết đặng tôi biện giải giùm ông, hoặc bớt đặng sầu, giải việc uất trắc may có đặng chăng?
Trường-Xuân nghe nói nhằm lẽ, liền đem lời Ma-Y coi tướng thuật cho ổng nghe, nói số tôi bị chết đói, không thế cải đặng, nên muốn thuận Thiên an mạng, cầu chết cho rồi, mà mấy lần cũng có người cứu. Nên tôi đem khóa tại đây, nguyện không ai cứu đặng nữa. Chớ thiệt chẳng có việc chi phiền muộn.
Ông hái thuốc nghe nói cười rằng:
- Thiệt là người niệm sai, sao mà chấp nê dường ấy. Tôi tưởng đâu ông có việc chi uất-ức, hoặc phạm tội chi mà bị như vậy, chớ việc nầy nguyên tại mình niệm ra, nên bị ma nó khiến mà lầm qua một đời. Nay tôi nói việc ma cho ông nghe, đặng giải trừ cho sạch. Tuy nói tướng định trọn đời là định cho người thường nhơn, chớ như người phước căn dày, tướng định cũng khó nhằm. Cái tướng khó phân biệt nội ngoại, hoặc có tâm tướng, diện tướng. Cái tướng ngoài chẳng bằng tướng trong, mạng tốt không bằng tâm tốt, như người có việc lành lớn, tướng nó biến theo lòng. Tâm tốt thì tướng cũng tốt, hoặc bị chết đói mà trở đặng trường thọ. Tâm xấu thì tướng xấu theo, mạng chết lành lại trở bị chết dữ, phước trở làm họa, vui trở làm buồn. Cho nên bí khuyết trong sách tướng có nói rằng: Người phước thọ lâu dài chắc có trung hậu truyền gia của tổ-phụ. Người mạng tuổi vắn nghèo là vì người bạc phước.

Còn người số mạng nghèo hèn mà trở đặng giàu sang là vì có lòng giúp đời. Như mạng định giàu sang mà trở lại nghèo khó là vì tham lợi kỷ tổn nhơn. Còn mạng bị chết đói mà lại xài chẳng hết là vì có lòng thương tiếc lúa gạo. Người số ăn xài có dư mà lại bị đói khát là tại chẳng tiếc, đổ cơm gạo hào vũng, chẳng trọng ngũ-cốc. Hoặc người con cháu đông đảo giàu sang là người có lòng thương loài vật không đành sát hại, là người nhơn đức. Còn kẻ vô hậu, không con thêm khó nghèo là tại không có lòng nhơn đức, đánh chim, đánh cá tàn nhẫn sát sanh chẳng dứt. Đó là cái tâm tướng nói đại lược. Còn tướng trên mặt đâu có định chắc! Như vậy là ở thế tình biện định mà thôi, chớ như ông là người tu hành, học Đạo đặng trở xây cuộc tạo-hóa, biến đổi cuộc càn-khôn, đem cái thân phàm mà tu thành Phật thì chưa ắt cái tướng trên mặt quyết định người đặng làm Thần Tiên hay không, vì phải tu mới đặng thành chớ! Còn bấy lâu nay có Thần Tiên nào mà bị chết đói bao giờ. Người mà chẳng biết như vậy thì sống chẳng khỏi đời, thác chẳng khỏi làm ngạ-quỉ. Nên sống đã vô dụng, chết nào có ích chi?
Người hái thuốc giảng một hồi, Khưu-Trường-Xuân nghe thấu như chiêm bao mới tỉnh, như chỗ tối gặp đèn soi sáng, mới biết việc mình cầu chết là lầm, là thiệt tiểu chí. Người trượng phu mà làm việc ấy đủ cho người chê cười. Nghĩ vậy liền muốn mở khóa mà không có chìa.
Ngàn thứ đạo lý, ngàn chỗ diệu,
Một chỗ chẳng thấu, một chỗ mê.

Hồi 24
Khổ căn tận, tướng tùy tâm biến,
Âm ma khởi, huyễn do nhơn sanh

Nghĩa là:
Cái khổ căn hết, thì tướng tùy tâm mà biến,
Còn âm ma nó dấy loạn là tại mình niệm mà sanh.
Có bài kệ rằng:
Ngươn-tiêu 0 đèn hết lại không thầm,
Muôn thuở thường minh chỉ tại tâm,
Tỏ chiếu máy trời đều không dứt,
Sáng ngời khắp chỗ tợ trăng rằm.

0
Lại nói Khưu-Trường-Xuân nghe thấu mấy lời của người hái thuốc như đặng tỉnh giấc chiêm bao, biết việc mình làm tỷ như con nít chơi giỡn, nào phải người trượng phu làm như vậy! Liền muốn mở khóa mà không có chìa, trong lòng bức rức.
Người hái thuốc nói:
- Tôi có đặng cái chìa khóa. Liền trong tay lấy ra đưa mở. Trường-Xuân tạ ơn thưa rằng:
- Tôi thiệt người bị chết, nay nhờ ông mấy lời mở dẫn, như bịnh ngặt gặp thuốc chết rồi mà còn sống lại, thiệt ơn rất lớn. Người hái thuốc rằng:
- Tôi có cho thầy đồng nào, giúp bữa cơm nào? Chẳng qua là thấy vậy lấy ít lời khuyên giải, tin không cũng tại thầy, tin thì khỏi chết, không tin ắt phải mạng vong, sống thác tại thầy làm ra, ơn chi mà có. Nói rồi bỏ đi mất. Trường-Xuân từ đó bỏ dứt việc cầu chết, niệm tưởng coi như không, lần tan đặng sạch, y nhiên thanh tịnh tỏ sáng, giống trăng rằm chẳng tối.

Nếu chẳng có Thái-Bạch Tinh-Quân giảng giải nói việc chánh lý thì khó rửa đặng ma căn, dẫu có trăm vạn muôn binh cũng khó trừ. Cho nên người tu hành hoặc ma chướng có sanh thì phải tìm chỗ tiền căn của nó coi vì đâu mà sanh, mau phải biết chỗ nó khởi đắc, thì thâu liền không mất công mà khỏi mệt lòng. Bằng như khởi chỗ nầy mà trừ chỗ khác, không tìm gốc mà trừ chỗ ngọn thì trọn đời trừ không sạch đặng. Vì như người mà mình đem việc giảng nói không nhằm chỗ ý niệm của họ thì họ không phục, chắc việc không thành đặng.
Lại nói ông Khưu từ khi nhờ người hái thuốc chỉ tỏ đường mê cho ông tỉnh. Xét rồi, bèn lập chí gia công hay làm phương tiện khó nhọc không từ. Bữa nọ ông đến xứ kia, thấy cuộc đất tốt, có một con sông ngang đường lộ. Hễ tới mùa Hạ dưới sông nước lớn mà cạn chẳng có làm cầu, ghe đi không đặng, duy có lội mà qua, mấy người ở gần lội quen không sợ, còn người ở xa, thấy nước chẳng dám lội, nhiều người than thở.
Khưu-Trường-Xuân thấy vậy tưởng ra một kế chịu khó lập công. Người nào không biết lội thì ông nguyện đàn ông con nít thì ông cõng qua, đàn bà con gái thì kết bè mà đẩy. Ai tử-tế cho một hai đồng tiền cũng phải, đặng mua ăn qua ngày, bữa nào không ai cho, ông đợi nước cạn lên xin ăn. Nguyện buổi mai xin bảy nhà, chiều xin tám nhà, có thì ăn không thì nhịn, mà xin đặng có cơm gặp người đói khát hơn thì cũng nhường cho ăn, thà mình nhịn đói. Hoặc bữa nào mưa lớn xin không đặng, ba ngày ăn một bữa cũng có. Trong một năm bị đói cả trăm lần, nên nói mạng ông đói lớn 72 lần, đói nhỏ vô số!
Trường-Xuân ở đó lập ra công khó, tối nghỉ trong miễu, thấy có tấm bảng đề: “Bàn-Khê chúng tử kính cúng” mới biết cái sông nầy là sông Bàn-Khê.
Nhớ lại khi trước, thầy mình có nói tới Bàn-Khê thì khổ căn đặng hết, chắc tại chỗ nầy chăng? Chừng đó ông phát tâm thường tham ngộ việc tu, chuyện ngoài vắng rồi thì ngồi nghỉ công-phu.
Ở đó sáu năm, thường chịu khó nhọc nói chẳng xiết. Đến chừng thủy cùng sơn tận mới có người hảo thiện cảm động mà tới kết duyên lành cúng dường, lúc sau dứt bớt việc đói khát.
Có bài kệ rằng:
Lòng Trời chẳng phụ kẻ tu hành,
Vì sợ người tu chí chẳng thành,
Bằng đặng chơn thành mà học đạo,
Nào là ăn mặc không trọn lành.

Lại nói Khưu-Trường-Xuân ở đó sáu năm, khó nhọc công thành viên mãn. Bữa nọ nước sông dẩy nước, có ba người lính đi đến, đều mang gươm đao. Một người quảy cái đầu người ta nói với ông rằng chém đặng ăn cướp, lên tỉnh báo tin mà không dám lội nước, biểu ông cõng qua. Ông Khưu là người hay chịu khó liền cởi áo buộc lưng, cõng hết hai người qua rồi, tới người thứ ba, cõng qua nửa sông người ấy nói: Tôi sợ nước lắm ông phải giữ gìn. Trường-Xuân nói:
- Không sao! Nói rồi thấy nước chảy mạnh, sóng bủa lớn, ông Khưu đứng không vững, nước chụp ướt mình. Người ấy nắm áo ông, chẳng may đầu ấy rớt xuống nước, người lính biểu vớt giùm. Ông Khưu ngó lại thấy cái đầu rớt xuống, lật đật cõng người lính đến bờ, rồi lội trở lại thì cái đầu đã trôi mất. Người lính dậm chơn kêu “Trời…” Ông Khưu không biết làm sao, nói rằng:
- Thôi cắt đầu tôi thường lại cho ông. Người lính nói:
- Cái nầy tại tôi sút tay làm rớt, chớ không phải tại anh. Trường-Xuân đáp:
-Tôi là người cô thân một mình, có chết cũng không sao, còn ông là lính, trong nhà người người đều nhờ ông mà no ấm. Tôi chết một mình mà ông đặng sống cho trọn nhà nhờ thì việc ấy nên làm. Người lính nói:
- Như anh hảo tâm cho thiệt, tôi cũng chẳng đành. Lời người thường nói: Gươm đao tuy bén, mà cũng không giết đặng người vô tội. Bằng như anh có muốn tròn việc của tôi thì tự anh nhứt định. Nói rồi đưa gươm cho Trường-Xuân. Ông lấy dao muốn cắt, liền nghe trên không trung kêu rằng: Khưu-Trường-Xuân! Trả cái “hốt” lại cho ta! (Cái hốt cũng như cái quạt của Tiên Phật cầm) Ông Khưu ngó lên thấy ba người lính đứng ở trên mây nói rằng: Ta là Thiên-Quan, Địa-Quan, Nhơn-Quan, vì thấy ngươi đạo tâm bền chặt, khổ tu đặng viên mãn, nên đến mà hóa độ cho ngươi. Ngươi thiệt người có chí xá kỷ thành nhơn, nhẫn nhịn ép mình không mỏi lập công bồi đức rất nhiều, nay ta đem cái phàm thân của người đổi làm pháp-thân, huyễn-thể thay làm Tiên-thể, 6 năm ngộ đạo công đủ, 7 năm chứng quả thành chơn, lại hưng phát việc đạo, ngươi phải tinh tấn đừng sai.
Trường-Xuân nghe nói tỏ ngộ linh cơ hiển sáng, ngó lại trong tay thấy cầm cái “hốt” chớ không phải con dao, lại thấy trong ba ông có một ông không cầm “hốt” thì chắc hốt mình cầm đây là hốt của ông, phải đem lên trả lại. Nghĩ rồi tự nhiên mình nhẹ bay lên trên mây, đem cái hốt dưng cho Tam-Quan Đại-Đế, thấy ba ông thăng lên đi mất. Rồi Khưu-Trường-Xuân muốn trở lại, nhớ thầy tướng Ma-Y đoán mình số bị chết đói, nay mình đạo quả đặng thành, chắc khỏi bị đói nữa, để mượn đám mây nầy qua Hà-Đô thử ông coi có hiểu không! Chủ ý định rồi trở mây lại, một khắc đi hơn muôn dặm, gần tới nhà thầy tướng thấy một người chừng 20 tuổi chính là em nhỏ khi trước đem bánh cho ông ăn;
- Hỏi ông đi đâu? Ông nói đi coi tướng. Người ấy nói:
- Cha tôi không đi ra ngoài. Như ông muốn coi thì theo tôi vào trong. Nói rồi dẫn Trường-Xuân vô trong.
Ông Ma-Y đang ngồi trên ghế thấy Trường-Xuân đi vô liền tiếp đãi theo khách quý. Trường-Xuân thấy ông Ma-Y râu tóc đều bạc, già yếu lưng khòm, nói rằng:
- Mấy năm nay không gặp thầy râu tóc đều bạc hết. Ma-Y-Toán hỏi rằng:
- Nhớ có gặp thầy mà chẳng biết ở đâu? Khưu-Trường-Xuân rằng:
- Không nhớ người “đàng-xà tả-khẩu”, mạng bị chết đói đó sao? Ông Ma-Y nghe nói liền coi tướng lại vỗ tay cười lớn rằng:
- Diệu thay! Diệu thay! Chẳng biết đạo-trưởng có lập cái công đức chi lớn nên nay đem tướng cũ đã đổi biến lại rồi! Trường-Xuân rằng:
- Lão tiên-sanh nói cái tướng định chung thân không cải đặng, sao nay nói cải biến? Ma-Y đáp:
- Vì tôi biết tướng trên mặt chớ không biết tướng trong lòng. Nay đạo-trưởng tướng đổi theo cái tâm nên tôi thiệt thấu chẳng đặng đó! Khi trước thấy hai cái chỉ chạy vô trong miệng, tên là “đàng-xà tả-khẩu”, chỉ về chỗ chết đói, còn nay hai đường chỉ trở về lên chỗ thừa-tướng 0, trên thừa-tướng lại sanh hai mục ruồi son, phối thành cuộc tốt, tên là “lưỡng long hý châu”, thiệt chỗ quý nói chẳng xiết, ứng đặng chỗ Đế-Vương cúng dường, phước đức vô lượng. Thiệt tôi siễn học chẳng tỏ đặng, xin thầy đừng trách.

Trường-Xuân nghe nói lấy làm cảm phục, thầm tưởng ông thầy tướng thật là thần-thông vô cùng! Rồi liền kiếu trở về Bàn-Khê vô núi ngồi tu. Nhơn cái niệm động ra, trong lòng tình khảo, còn ý tự-kiêu muốn đi cười ông Ma-Y, mà sanh thêm nghiệt chướng. Đương ngồi công-phu, khi không như quên như nhớ, thí như cái thân nầy ở trên núi cao lại khởi một trận cuồng phong, hiện ra một ông cọp dữ, muốn lại chụp ông, ông đem việc chết coi như không, chẳng có chút sợ trong lòng, rồi cọp liền biến mất. Lại mơ màng thấy một người đạo nhỏ đi đến nói rằng:
- Thầy tôi là Mã-Đơn-Dương tới, sao sư thúc không dậy đi rước? Quả thấy Đơn-Dương bước vô, Khưu-Trường-Xuân tưởng rằng:
- Đạo không luyến tình, tới cũng không mừng, đi cũng tự ông. Rồi lại thấy người ta đi đến nói rằng:
- Mấy người tôi nhờ ông đưa qua sông nay đến kỳ gặt lúa, đem lại 30 táo cho ông và hai quan tiền mà đền ơn khi trước, nói dứt đem lúa để trước mặt, ông cũng bỏ qua không tưởng, rồi cũng mất.
Lại thấy một đứa con gái tuyệt sắc, chừng 17 tuổi, nó bị mẹ ghẻ ở ác độc đánh hoài, trốn lại đây. Cô gái nói:
- Nay tôi muốn đi về nhà mà đường xa không dám đi, xin thầy đưa giùm, tôi cám ơn ngàn thuở. Nói rồi than khóc một hồi. Trường-Xuân cũng không đi tới, như không biết không hay. Rồi nó cứ theo nắm tay ông biểu chỉ đường hoài, ông cũng tự nhiên, không nói chi hết. Rồi lại thấy người chị dâu dắt 2 đứa cháu, nói:
- Không đủ ăn, tôi người đàn bà không sao nuôi đặng! Chú nay niệm tình cốt nhục tính liệu giùm mẹ con tôi. Nói rồi biểu hai thằng cháu lại kêu chú ơi, chú hỡi mà đòi ăn, tán loạn một hồi.

Trường-Xuân đương tịnh, trí huệ phát sanh không tưởng tới mấy việc đó, cứ giữ cái Đạo, coi như không có việc chi hết. Vẳng nghe trên không trung nổ một tiếng lớn, thấy cửa Nam-Thiên mở rộng, lại có 2 người đồng-tử, dẫn bạch-hạc đến trước mặt nói rằng:
- Tôi vưng sắc Ngọc-Đế thỉnh Chơn-Nhơn cỡi hạc phi thăng.
Chớ nói tam thi sanh cảnh huyễn,
Phải phòng sáu giặc loạn tâm điền.

Hồi 25
Chơn dương túc, quần âm thối tán,
Ác oán dinh, hiệp gia trầm-luân

Nghĩa là:
Chơn dương đủ, quần âm lui tán,
Ác dẫy đầy, cả nhà bị trầm luân.
Có bài kệ rằng:
Dưới gò núi hắc mã quan dinh,
Cỏ rậm rừng mê quái điểu minh,
Lụy chỗ tuyền đài người chẳng tỉnh,
Đào tàn Lý rụi hoa thanh linh.

Lại nói Khưu-Trường-Xuân ngồi trong miễu Bàn-Khê công phu, đương lúc tịnh xảy thấy 2 đồng tử dẫn bạch-hạc đứng trước mặt nói rằng:
- Vâng lời Ngọc-Đế sắc lịnh, thỉnh Chơn-Nhơn cỡi hạc phi thăng. Trường-Xuân liền nhớ lời Tam-Quan Đại-Đế nói 7 năm thành chơn, có lẽ nào bữa nay đặng thành! Hay là âm ma trong mình nó hiện ra mấy thứ huyễn cảnh mà phá công-phu của ta? Ông tỉnh ngộ đặng rồi, 2 người đồng-tử cùng bạch-hạc cũng đâu mất, một mình ngồi trên bồ-đoàn, muôn việc đều không. Ông nghĩ tại mình ỷ giỏi, muốn đi thử Ma-Y, nên sanh việc âm ma nhiều thứ quái lạ mà khảo mình. Phải mình không tỉnh chắc nó đoạt cái linh tánh. Nghĩ rồi ông liền tự hối rằng:
- Nếu như chẳng luyện dứt cái âm-khí sao đặng thuần dương? Vậy phải dùng một phép mà trừ cho đặng ma-chướng tiêu sạch, mới là phép chơn tịnh.
Rồi đó ông bỏ chỗ Bàn-Khê đi kiếm đặng cái núi đất, thấy dưới núi có cục đá tròn, nặng hơn trăm cân, cũng là chỗ thanh tịnh vắng vẻ. Ông cất cái am tranh mà ở tu luyện, hễ chừng có âm-ma phát ra, ông đi ôm cục đá lên nửa núi lăn xuống, rồi ngồi tịnh. Như có sanh nữa thì ông đi ôm đá lăn nữa, làm như vậy 3 năm âm-ma mới trừ sạch, mới đặng thuần dương, mấy thứ huyễn cảnh đều dứt, linh hiển đặng thông thiên-cơ liền ứng, thấy rõ biết chỗ Vương-Đại-Môn có việc mà thiên-cơ chẳng dám tiết lậu. Ông định đi lại đó khuyến hóa đôi lần, bằng đặng tỉnh ngộ khá khỏi chỗ trầm luân tai ách, chẳng mất lòng Thượng-Đế hóa sanh chi đức, đặng mở chỗ cứu đời. Tưởng rồi, ông liền bỏ núi đất đi qua xứ đó. Xứ đó có một người họ Vương, tên Vân, nhà giàu lớn, người người đều gọi là Vương-Đại-Môn.

Chỗ ấy trên núi dưới nước, sơn-thủy rất tốt. Vương-Vân tuy giàu sang mà lòng khắc bạc, hay dùng giạ già cân non, ra ít thâu nhiều, thường hay khi nghèo hiếp yếu, chiếm đoạt ruộng đất của người, trong nhà tôi tớ đều mượn oai hổ, húng hiếp xóm giềng, gian-dâm phụ nữ, không chút lòng nhơn, ỷ theo chủ mà nương cậy, gây tội ác vô cùng. Trước nhà có cục đá dài hơn một trượng mấy thước, đầu lớn đuôi nhỏ giống như con sư-tử. Nên ai cũng kêu là “Thạch sư-tử”.
Trong nhà người làm công nhiều lắm, hễ đến bữa cơm, người coi cửa nhảy lên lưng sư-tử lấy đá đánh một tiếng, bốn phía đều nghe liền về ăn cơm, ngày ngày như vậy. Cách nhà chẳng bao xa có cái núi thấp, trên núi có một cái miễu bà Quan-Âm. Khi trước ông nội của Vương-Vân tạo làm có cúng ruộng đất, có người chủ trì. Qua đến Vương-Vân làm chủ đuổi người đó đi, ruộng đất lấy lại, miễu chưa hư, thần tượng còn mà không ai phụng sự, duy còn cái miễu hoang. Khưu-Trường-Xuân vào ở trong miễu, mỗi ngày nghe cục đá kêu thì biết tới bữa ăn, đến xin mười mấy bữa không ai thèm hỏi tới ông, huống hồ chén cơm bát nước tài nào mà xin đặng! Trong nhà có một đứa tớ gái tên Xuân-Huê, thấy ông đến xin mấy lần không ai cho, trong lòng bất nhẫn, lén lấy bánh giấu đem cho ông, rồi biểu thầy phải đi cho mau, chỗ nầy chẳng phải chỗ lành. Qua bữa sau ông đến xin gặp Vương-Vân đứng trước cửa. Ông Khưu muốn độ Vương-Vân, biết người nhà giàu là do kiếp trước có tu, mà nay lòng hay khắc bạc không biết tự hối. Nên thấy Vương-Vân đứng đó, ông liền đọc bốn câu kệ đặng cảm động lòng Vương-Vân.
Kệ rằng:
Vì lợi tham danh chẳng trở đầu,
Có bữa vô-thường việc chẳng lâu,
Ruộng đất bạc tiền đem chẳng đặng,
Không dè kiếp đến phải lo sầu!

Khưu-Trường-Xuân đọc rồi, Vương-Vân nổi giận mắng rằng:
- Mấy thằng giả đạo, đừng ở đây nói bậy, bình sinh tao không tin phép Phật, mầy phải đi mau mới khỏi chịu nhục. Ông Khưu rằng:
- Bần-Đạo đến quí phủ xin bữa cơm, cầu ông cho ít nhiều. Vương-Vân thấy ngoài cửa có cái thùng hốt cứt ngựa, sẵn có cái vá một bên, vói tay lấy xúc một vá cứt đem lại nói rằng:
- Mầy cầu tao thí giúp, nay tao cho mầy cái nầy lấy không?
Trường-Xuân đương muốn khuyên Vương-Vân, tưởng là y nói chơi nên lấy bầu đưa ra, Vương-Vân đổ cứt vô trong bầu! Trường-Xuân nói:
- Cứt ngựa nầy ông cho tôi có chỗ chi dùng chăng? Vương-Vân nói:
- Cứt đó tao cũng mướn người đi hốt, nay đem cho mầy cũng là thi ân. Ông Khưu nghe nói than rằng: -
- Thiện-tai! Thiện-tai!
Vương-Vân và nội nhà tôi tớ đều cười lớn, duy có con Xuân Huê trong lòng bất nhẫn. Bữa sau Xuân-Huê thấy mấy người ăn rồi đi làm hết, lén lấy bánh bỏ trong túi, ra coi có ông lại xin hay không. May gặp Trường-Xuân đứng trước cửa liền đưa bánh cho ông. Ông nói:
- Ta chẳng phải tới xin bánh, vì có một việc kín muốn nói cho cháu hay: phải thường nhớ trong lòng, chừng nào mắt con sư-tử đỏ, cháu phải mau lên trên miễu Quan-Âm đặng lánh nạn! Trốn qua một giờ ba khắc thì khỏi chết. Nói rồi liền đi mất.
Xuân-Huê thường nhớ trong lòng, mỗi ngày coi chừng thạch sư-tử mấy lần, thường bữa như vậy. Có thằng nhỏ giữ trâu thấy Xuân-Huê làm như vậy hỏi rằng:
- Chị làm gì mỗi ngày ra coi con sư-tử chi vậy? Xuân-Huê rằng:
- Hôm trước ông thầy xin ăn nói với tôi biểu coi chừng con mắt thạch sư-tử đỏ, thì mau chạy lên trên miễu Quan-Âm trốn một giờ thì khỏi nạn lớn.

Thằng coi trâu nghe nói việc lạ muốn phá chơi, lén lấy cục đá đỏ, chiều cột trâu sớm, chạy lên thạch sư-tử lấy miếng đá vẽ trong con mắt sư-tử rồi núp phía sau coi Xuân-Huê làm sao? Gần tối thấy Xuân-Huê trong nhà ngồi đứng không yên, thầm tưởng trong lòng:
- Hay là sư-tử mắt đỏ rồi chăng? Lật đật chạy coi, chẳng sợ chủ nhà nghi. Xảy thấy hai con mắt của sư-tử đỏ hết, lấy làm sợ hải liền chạy lên miễu Quan-Âm. Thằng coi trâu thấy vậy cũng chạy theo tới miễu, liền nghe nổ “ Rầm..!” một tiếng vang trời động đất, bốn phía nổi mây đen tối mịt, gió thổi ầm ầm đến nữa đêm mới dứt. Xuân-Huê với thằng nhỏ trốn dưới bàn Quan-Âm nghe tiếng nói ào ào như ngàn người đánh trống. Đến sáng mới dám ra coi ai nấy kinh hồn khiếp vía đều nói:
- Biết Vương-Vân là người khắc bạc, ỷ chúng hiếp cô, khi dể ông bà cha mẹ, lấn lướt xóm giềng, miệng độc như rắn, chúng bạn đều ghê, tôi tớ có lỡ thì miệng chửi tay đánh, guốc roi liền bữa, chẳng có lòng thương, như vậy cũng đành. Có kẻ nói:
- Chết một con sâu độc các giống xuân hòa; nhổ một gai hùm khỏi ăn thâm luồn cẳng. Người khác nói: Hễ khắc bạc người tức là làm hại mình, dung người thương người tức là dung, thương mình đó! Nên có câu:
“ Trời Đất không tư, lành thì đặng phước, dữ thì mắc họa, không sai.”
Lại thấy con sư-tử chẳng trôi, ngã nằm tại giữa sông. Xuân-Huê thấy nội nhà chủ bị trôi hết khóc lên một hồi kinh động trong xóm. Người người chạy ra coi đều nói:
- Trời có mắt báo ứng không sai. Rồi hỏi Xuân-Huê sao mà nội nhà chủ nó chết chìm hết nó trốn đâu mà khỏi. Nó bèn đem việc ông đạo-trưởng đi xin thuật mọi việc cho mấy người nghe, ai nấy đều nói:
- Vương-Vân hung ác, số định đến rồi nên Trời giáng thủy tai thâu kẻ bạo tàn, còn ông đạo đó chắc là Thần Tiên đến khuyến hóa cho y mà y đã chẳng chịu hồi tâm lại thêm khi dể kẻ nghèo, lấy cứt ngựa cho người ta ăn, thật là tán-tận lương tâm nên phải bị tai kiếp. Còn Xuân-Huê tuy là tôi tớ mà có thiện căn nên được cứu khỏi nạn. Thằng coi trâu cũng nhờ theo Xuân-Huê mà khỏi chết. Ấy vậy người ở đời phải làm việc lành thể lòng Trời Đất, thương người thương vật phải tin nhơn quả, phải sợ nhà tối có Thánh Thần soi xét nên chẳng dám làm điều quấy, đến chừng gặp đại nạn mới có Thần Thánh cứu hộ chẳng sai. Rồi hỏi Xuân-Huê bao giờ cháu tính làm sao? Xuân-Huê đáp rằng:
- Cái miễu nầy nguyên ông nội của chủ tôi lập ra, chung quanh ruộng đất có để cúng trong miễu, thôi tôi tính ở tại miễu nầy tu hành, cũng không ham việc trần chi nữa. Tôi nghĩ của tiền như bọt nước, đời người như giấc chiêm bao. Như chủ tôi mới thấy buổi chiều, sáng ra biệt xác. Hỡi ơi! Dường ấy còn lo làm chi! Kiếm một bữa vui qua một bữa, tầm đường ngay mà thoát lưới trần. Vậy cháu xin cô bác thương, dầu có nắng mưa, cúi nhờ ơn cô bác, thế nào cháu cũng nguyện tu thân.

Mấy người nghe nói mừng lắm, tiếp rằng:
- Để bà con ta giúp đỡ tiền ăn cho qua ngày. Nói rồi Xuân-Huê kiếm một bà già ở với nó làm bạn, nhứt tâm khổ chí tu hành. Đặng mấy năm sau Khưu chơn-nhơn ở tại Long-Môn động tịnh dưỡng biết Xuân-Huê có lòng chơn-tu, ông đi đến độ Xuân-Huê, sau nó cũng đặng thành chánh quả. Việc nầy là việc sau.

Đây nhắc lại khi ông Trường-Xuân bảo Xuân-Huê đi tỵ nạn rồi ông liền đến chỗ Long-Châu tại vách đá, trên vách có cái động, là khi đời nhà Tần mạt Hớn hưng có ông Lâu-Cảnh tiên-sanh ở đó mà định nhựt nguyệt, dưới có con sông, vách đá dựa khe nước, nước thường chảy vòng theo vách, đứng xa ngó lại thấy như ở giữa khe nước. Cái động ấy có cửa, nên người ở xứ đó lâu năm thấy động hình như vậy nên đặt tên Long-Môn, lấy tích Lý-Ngư khiêu Long-môn 0.
Khưu-Trường-Xuân tới đó nhớ câu “Môn-thượng long-phi” chắc ứng tại đây. Rồi ở tại động tu chơn dưỡng tánh 2 năm. Khi đó chỗ Long-Châu trời hạn, quan Thái-Thú biểu dân trong ấp cầu đảo mà không mưa, lúa cây đều khô hết, muôn dân thọ khổ. Khưu-Trường-Xuân liền đến quận nói để định ngày cầu đảo ba ngày có mưa, phổ cứu nhơn dân. Quan quận nghe nói mừng tiếp rồi sắm lễ vật bái thỉnh cầu đăng đàn.
Khưu-Trường-Xuân sửa soạn áo mão, phủ-phục đốt hương lên đàn. Một lòng thành kính niệm cảm Thượng-Đế, quả thiệt mưa lớn 3 ngày 3 đêm, ruộng rẫy đặng mùa, muôn dân an-ổn. Qua năm sau, mấy tỉnh ở Bắc-Kinh cũng bị trời hạn, không mưa, trên vua khẩn đảo cùng bá quan cầu mưa không đặng. Ngươn-Thuận-Đế truyền chỉ treo bảng cầu mưa, thỉnh mấy vị tu hành có đạo, ai cầu đặng mưa gia quan trọng thưởng. Khi đó bảng vua treo rồi, các tỉnh đều nghe, có quan Thái-Thú ở Long-Châu bảo cử một người cầu mưa.
Ngày xưa bị đói khát,
Mà nay động Đế-Vương.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 252
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com