watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
13:45:1926/04/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Thất Chơn Nhơn Quả
Chỉ mục bài viết
Thất Chơn Nhơn Quả
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 10

Trung Hoa

THẤT CHƠN NHƠN QUẢ


TỰA


Nguyên truyện Thất-Chơn nầy, xưa có bổn cũ, mà câu văn chẳng đặng rành rẽ, nghĩa lý chẳng đặng minh bạch, sợ người coi chẳng hiểu thấu, nghe chẳng đặng thông mà bỏ qua, và trong truyện chẳng đặng mở mang, nhiều câu vắn tắt, khó rõ diệu mầu, thấy tưởng như việc thường, chẳng hiểu chỗ báu trọng. Tôi rất muốn mở mang trong truyện báu mà chưa đặng y như lời nguyện.
May đâu năm nọ tôi ở tỉnh Vân-Nam rồi qua tỉnh Tứ Xuyên, đến nhà thờ của ông Thừa-Tướng ở nghỉ chơn. Nhớ tưởng lời lẽ trong bộ Thất-Chơn, thầm xét thấu nghĩa lý diệu mầu, trọn mấy ngày biên sắp thành thơ tên là “Thất-Chơn Nhơn-Quả truyện”. Hiệp theo lời tục mà bày tỏ chuyện xưa; do trong thế sự nhân tình đặng chỉ dẫn người lầm lỗi; đem việc tội phước mà tỉnh ngộ lòng người, lấy Đạo diệu mầu mà mở mang cho hậu thế. Thiệt lời khuyên lành răn dữ, có ích xiết bao!
Khi đó có ông Vương-Đạo-Hội coi thấy đặng vui mừng, biểu tôi gắng sức ra công mà sửa cho trọn bộ. Tôi thấy ông có ý khắc bản ấn tống nên tôi hết lòng xét duyệt, xong đưa ông xem luôn chẳng nghỉ. Ông thường nói với tôi rằng:
- Sách nầy thật đáng đứng bậc nhất trong sách dạy tu hành chơn lý.
Tôi hỏi: “Xưa nay cũng có nhiều kinh sách nói việc tu chơn, sao chọn sách nầy làm bực nhứt?”
Ông đáp: “Kinh sách tu chơn tuy nhiều, mà lời nói vọng cũng rất nhiều. Hoặc lấy phép lực mà nói Đạo, hoặc mượn Tiên Phật mà làm cớ đặng dụ người không biết, lầm hiểu mà ham thành Tiên Phật. Không xét trong thâm tâm tánh mạng của mình thì tu làm sao cho thành đặng? Lấy xảo dối đời, nói việc cao xa, làm cho người khó mà minh biện. Sách nói tu hành như vậy thì dùng sao đặng? Vì vậy mà cho sách nầy là bậc nhứt. Vả lại, sách nầy từ đầu đến cuối đã không một lời dối, lại thêm khuyên nhủ lòng người bước nơi đường đất chắc cầu theo lẽ thiệt chơn, trong việc đời nhiều chỗ thế tục thường nghe, nên lẽ giả chơn chắc thiệt hiện bày, đáng để số một.
Tôi xét lại trong thiên hạ, ai mà gặp Thất-Chơn nầy là người hữu hạnh, rán xem tìm cho thấu nghĩa lý cùng chỗ cứu cánh diệu mầu. Sách nầy là sách của các vị Tiên Phật, trước kia cũng có lâm trần, mà biết hồi đầu tỉnh ngộ, thật là nẻo lương phương. Cũng như lấy kim vàng thử bịnh người, thấu trong gan phổi, há chẳng cho sách nầy là đứng bực nhứt sao?”
Ông lại biểu để thêm hai chữ Nhơn-Quả thật rất hay! Than ôi! Ông Vương-Đạo-Hội đặng biết sách nầy là chỗ tri âm ngàn đời. Người đời sau có ai đọc sách này mà hiểu biết như ông vậy chăng? Ông hiểu sách này của Thất-Chơn thì ông là tri âm ngàn đời của Thất-Chơn, lại muốn khắc bản in truyền cho đời sau, thì ông cũng là tri âm của tu chơn đời sau. Ông một mình mà đặng làm tri âm hai đời, đáng bậc đạo cả, thiệt là người chí chơn chẳng sai!

Huỳnh-Vinh-Lượng
Lời Giới Thiệu của Ông Lâm-Xương-Quang
XIN CHƯ HIỀN LƯU Ý
Lời tựa bên đây của ông Huỳnh-Vinh-Lượng làm ra. Ông khảo duyệt sách này làm nên truyện Thất-Chơn. Nay tôi hậu học Lâm-Xương-Quang kỉnh diễn. Nhơn tôi học ít đức hèn mà nhờ ơn trên cảm hóa giúp sức, ngày nọ tôi lấy bộ Thất Chơn ra coi từ thỉ chí chung, thấy nhiều chỗ nhiệm mầu và thấy bảy vị Thất-Chơn xét thấu việc đời đều giả mới kiếm nẻo thoát thân cho đến đặng thành Tiên, chịu lắm điều thiên tân vạn khổ cũng vì muốn ra khỏi lưới mê. Tôi nghĩ thấu đặng rồi, lụy sa tình cảm, thầm rằng: nay là đời văn minh, chư hiền hay xem truyện cùng tiểu thuyết là muốn cho mở mang trí hóa, biết chỗ quấy mà tránh, chỗ phải mà theo. Vì vậy, tôi rán lập chí giải bộ Thất-Chơn này, hiến cho chư hiền xem. Anh em chị em mình là gốc ở Kim-Bàn xuống đây 0 hãy gắng chí xem cho kỹ, đặng tìm căn mà nhớ tích một khối chơn tánh hóa ra 96 ức nguyên nhơn, đồng lãnh mạng xuống trần, đã qua hết hai ngươn mà trở về có 4 ức, còn lại 92 ức chưa về, may gặp Thất-Chơn này có lẽ sẽ về đặng, chớ bấy lâu vì niệm sai một chút mà luân chuyển đến nay, là tại mê trong tù tửu sắc tài khí mà bỏ liều quên Mẹ. Nghĩ vậy tôi chua xót, không đành coi truyện này một mình, và e chữ Hán ít người hiểu đặng, lại trong đó có vua quan, dân dã, nghèo khó, điếm đàng, côn đồ, lãng tử đều đặng ăn năn tu thành chánh quả, nên tôi rán diễn quốc âm cho chư hiền dễ xem, mau hiểu. Bởi tôi siển bạc thiếu sức không dám điều biện, nên xin bảy vị Thất-Chơn ở trong không trung, xui lòng trên dưới, sớm thức tỉnh hồi đầu, tôi nguyện lấy lời thô tiếng kịch diễn ra, xin chư hiền coi học làm theo mấy lời vàng ngọc của bảy vị này, kịp giác ngộ ăn năn mà giải thoát vòng biển ái: suy nghĩ cuộc đời, nhiều việc ấm lạnh mới phấn chí ăn chay tu niệm, thì ắt có ngày sẽ đặng tiêu diêu phần tánh mạng. Sau đây, chư hiền coi có câu nào chưa êm, xin vui lòng miễn chấp.
Còn trong tựa trước có dùng chữ “TRI-ÂM” là chỉ người tu hành. Ai biết thấu chỗ diệu mầu, theo hạnh của Thất Chơn, bền lòng sắt đá mà làm, tuy người hậu học mặc dầu mà chẳng khác “TRI-ÂM” của đời trước.
Tựa này diễn năm Trung-Hoa dân quốc thứ 23, năm Giáp Tuất 1934 tháng 3 ngày mồng 1, tại chùa Quan-Âm đường.

LÂM-XƯƠNG-QUANG kính diễn.

Hồi 1
Liên bần khốn, ngẫu thi trắc ẩn,
Nhập mộng mị, minh chỉ tiền trình

Nghĩa là:
Thương người khó nghèo, liền ra lòng trắc ẩn,
Đem vào chiêm bao, chỉ tỏ việc đường trước.
Có bài kệ rằng:
Làm lành phải giữ thiệt lòng cam,
Đừng muốn lời khen giả chí ham,
Hư dối tiếng chê nào khá đặng,
Trở thành bị nói việc gian tham.

Mấy câu thi trên đây, ý nói việc làm lành phải giữ chắc thiệt, bằng làm chi muốn cho người biết mà khen, muốn đặng việc tốt cho mình, đó là hư dối; ham tiếng khen chẳng có lòng chơn thiệt, còn người nghèo khó cậy nhờ chẳng đặng, tuy có tiền bao nhiêu cũng khó nên việc lành thiệt. Đã chẳng làm nên việc lành, trước mặt có chỗ lầm sai, sao lại đặng hưởng phước mà than thở?
Thuở đời Tống gần hết, tỉnh Xiểm-Tây, huyện Hàm Dương có một “Đại-Ngụy-Thôn”, trong thôn ở hơn mấy trăm nhà, hết nữa phần mang họ Vương là một tộc lớn. Trong tộc họ Vương có một người đàn bà góa, hơn 40 tuổi sanh đặng một trai, một gái đều gã cưới rồi, bà ở tâm tánh từ hòa, lòng hay háo thiện, hễ thấy con ai cũng như con mình thường hay kêu con con, vì vậy trẻ nhỏ biết chừng, hễ khóc thì kêu Má Má, bà nghe liền ứng nói:
- Má đây con! Má đây con!
Người người kêu bà là “Vương Má Má”. Trong nhà giàu có, bình sanh hay làm việc lành, thương người tu hành, thường hay trai tăng bố thí, bái Phật tụng Kinh, nên ai cũng biết bà là người lành. Thường ngày thầy chùa hay tới quyên tiền, kẻ nghèo khổ hằng bữa xin ăn. Khi đó nhằm tiết mùa Đông, trời mưa rất lớn, Vương Má Má ra đứng trước cửa, thấy hai người ăn mày đi đến xin bà trợ giúp, bà trách rằng:
- “Sao không đi làm mà ăn? Để đi xin cực khổ. Chắc làm biếng lắm, ham nhàn du hí, ai có cơm tiền dư mà cho bây?”. Bà nói dứt lời có mấy thầy chùa đến quyên tiền, bà lật đật lấy tiền gạo đem cho.
Hai người ăn mày thấy vậy hỏi rằng:
- “Bà sao ham thí cho thầy chùa mà không giúp kẻ nghèo khó? Cớ sao vậy?”. Vương Má Má nói:
- “Chẳng phải ta ham thí cho thầy chùa, vì thầy biết tụng kinh, biết tu hành, ta bố thí tiền gạo cho người, người tụng kinh tiêu tai cầu thọ cho ta. Còn giúp đỡ cho bọn bây chẳng qua là ở trước nhà ta nói giỡn cho vui, nào có ích chi đâu?”. Hai người ăn mày nói:
- “Trong kinh có nói: làm ơn chẳng cầu trả, còn cầu trả chẳng phải làm ơn. Nay bà cho một chén gạo ít đồng tiền mà mong cầu cho tiêu tai thêm tuổi, như vậy sợ bà lầm chăng?”. Nói rồi bỏ đi.
Có bài kệ rằng:
Bố thí chay tăng thiết việc lành,
Đói nghèo khổ cực phải thương đành,
Chỉ cho tăng đạo, không thương khó,
Mất chỗ công lành trước tỏ rành.
Hai người ăn mày thấy bà chẳng chịu cho, nói rồi bỏ đi. Tới xóm trước thấy một cái cửa lầu sơn đỏ, liền kêu một tiếng lớn:
- “Gia gia cầu giúp!”.
Nhà ấy là nhà ông họ Vương tên là Hỷ, hiệu là Thanh-Đức, mặt đỏ râu dài thần sắc hẳn hòi có chí lượng lớn, ước chừng 40 tuổi ngoài. Lúc nhỏ có học thi thơ, công danh chẳng đậu, bỏ văn tập võ, thi đậu Võ-Khôi, làm quan Hiếu Liêm. Bữa nọ trời mưa lớn, Hiếu-Liêm cùng người vợ là Châu-Thị với con tên Thu-Lan, đang ngồi vây bếp lửa đốt hơ, vẳng nghe bên ngoài cửa:
- Gia gia cầu giúp! Ông nghe liền ra coi, thấy hai người ăn mày, ông hỏi rằng:
- “Việc cầu gia gia tế giúp, hay là gia gia cầu tế giúp?”
Hai người đáp rằng: Việc chẳng khá tỏ, nói rõ ắt sinh nghi. Ông nghe nói chẳng nhằm lẽ rồi cũng chẳng hỏi nữa, lại thầm tưởng đương khi mưa lớn dãy đầy trời đất, núi khuất chim bay không thấy, đường không người đi, sao lại thấy hai người mặc áo mỏng chịu lạnh? Ông liền động lòng trắc ẩn, bèn nói:
- “Mưa lớn lạnh lắm hai người đi sao đặng? Thôi ở lại đây, bên cửa tôi có cái nhà trống, trong nhà có ván nhỏ nằm nghỉ cũng đặng, thỉnh hai anh vô nghỉ chơn, để hết mưa sẽ đi”. Hai người đáp rằng:
- “Như vậy tốt lắm!”. Ông liền mở cửa cho hai người vô nghỉ, rồi trở vào nhà biểu tôi tớ dọn cơm cho hai người ăn.

Có bài kệ rằng:
Ít người trọng nghĩa đặng khinh tài,
Chịu rước khổ nghèo thỉnh đáo lai,
Chỉ có khi xưa Vương-Võ-Cử,
Bình sanh khẳng khái biết dồi mài.
Hai người ăn mày ở tại nhà Võ-Cử 0 hai bữa mới hết mưa, ý muốn dời, liền thấy Võ-Cử đi đến, có đứa tớ gái tên Ngọc-Khuê bưng một mâm rượu. Ông nói rằng: “Mấy ngày rày tôi không rảnh cùng hai anh chuyện vãn, vậy xin mời hai anh uống chén rượu luận đàm việc ấm lạnh, chưa biết hai anh chịu không?”
Hai người đáp rằng:
- “ Rất hay!”
Rồi ông kêu Ngọc-Khuê dọn tiệc mời ăn, hai người cũng không từ nhượng lễ, liền ngồi dùng hết hai bầu rượu. Tiệc đã vừa say, ông hỏi rằng: “Tôi chưa biết hai anh tên họ chi? Bình sanh làm nghề gì? Xin hai anh tỏ bày.” Đáp rằng:
- “Anh em tôi từ bé đến nay chưa biết buôn bán nghề chi, cũng không muốn tạo việc bó buộc. Tôi tên là Vô Tâm-Xương, anh đây tên Kim-Trọng.” Võ-Cử hỏi:
-“Ý tôi muốn giúp chút tiền vốn cho hai anh làm sanh lợi qua ngày thì khá hơn đi xin ăn khó nhọc, không biết ý hai anh tính sao?” Kim-Trọng nói:
- “Không đặng! Tôi bình sanh hay quen đạm bạc du nhàn, chẳng muốn việc ràng buộc tay chơn.”
Ông nghe Kim-Trọng nói biết không chịu, lại hỏi Vô-Tâm Xương rằng:
- Anh Kim-Trọng không chịu sanh lợi, còn anh chịu chăng? Vô-Tâm-Xương đáp:
- Tôi còn hơn anh đó nữa! Có nghe trong sách nói: “Gia kê hữu thực than qua cận. Giả hạc vô lương thiên địa khoan”. Nghĩa là: Gà nhà tuy có lúa ăn mà chảo nước gần một bên, chẳng biết bữa nào vô đó. Con hạc tuy ở rừng không lương thực mà trời đất rộng rãi bay cao bay thấp tự lòng, khỏi ai ngăn đón. Như tôi thọ của này là cái mối ràng buộc mà nhục cầu lợi nhỏ, ắt thân này phải lao lực, sao đặng chỗ tiêu diêu?
Vương-Võ-Cử than rằng:
- Tỉnh thay! Nghe hai anh nói thật thanh nhàn, chí đủ cao xa. Tôi xem hết cuộc đời trong thiên hạ, nhiều người trọng việc quan tước, lấy chỗ tiền bạn ân ái mà làm vui. Như hai anh nay theo việc thanh nhàn, vui riêng đạo đức, nào ai biết đặng. Vô-Tâm-Xương nói:
- Bạn tôi thật chẳng cầu ai biết, nguyện Trời Đất hay mà thôi; như muốn cầu người biết thì chẳng vào chỗ xin ăn này.
Vương-Võ-Cử nghe nói lời siêu quần trên bực, chẳng dám khuyên nữa, rồi biểu Ngọc-Khuê dọn dẹp bàn tiệc, mời vào nhà trong. Bữa sau hai người thưa đi, Vương-Võ-Cử đưa ra ngoài xóm cách một dặm đường, trong lòng còn mến chẳng đành trở lại, đưa thêm một đổi, liền thấy cái cầu giữa đường, ông thầm tưởng: xóm này chẳng có cầu, giống như cảnh lạ. Trong ý sanh nghi, ngó lại liền thấy Đại-Ngụy-Thôn mù mù xa lắm, ông đương suy nghiệm, kế vẳng nghe Vô-Tâm-Xương kêu:
- Ông Hiếu-Liêm! mau lại đây nói chuyện. Hiếu-Liêm ngó lại thấy hai người ngồi tại đầu cầu, nghe Kim-Trọng vỗ tay ca, ấy là muốn mở rộng cái ý của Hiếu-Liêm.
Ca rằng:
Của tiền tụ tán hề; áo mão lâu cũng hoại!
Có ai như ta hề; gởi thân cho thế ngoại!
Chẳng thiếu tiền lương hề; khỏi mắc nợ oan trái!
Chẳng nói hơn thua hề; chẳng luận hưng cùng bại!
Chẳng giao việc tục hề; khỏi bị người chê dại!
Một áo bá nạp hề; năm năm thường mặc hoài!
Rách lại vá lành hề; dơ giặt phơi tự toại!
Ban ngày mặc lên hề; tối thay làm mền cái!
Chẳng sợ trộm tham hề; cũng không người quấy dại!
Thường giữ tiêu diêu hề; một lòng chơi thượng giới!
Ai biết ý ta hề; thời phải cúi đầu lại!
Phép ta vô cùng hề; khiến người ngàn năm toại!
Tiếc người chẳng biết hề; đem ơn trở làm hại!

Vương-Hiếu-Liêm nghe ca dứt rồi Vô-Tâm-Xương nói: Hiếu-Liêm có lòng đưa xa đáng đãi một chén rượu. Dứt lời, trong tay áo lấy ra bầu rượu rót một chén mời Hiếu-Liêm uống. Ông uống luôn ba chén, liền quì lạy tạ ơn dường như uống đặng linh đơn, cười luôn ba tiếng khí tượng hân hoan rồi nằm trên cầu mê man như ngủ. Xảy đâu Vô-Tâm-Xương chạy lại kêu:
- Đừng ngủ! Đừng ngủ! Đi chơi cùng ta xem coi cảnh lạ. Vương Hiếu-Liêm lúc đó say rồi, chiêm bao mơ màng đi theo Vô-Tâm Xương một đỗi, thấy có tòa núi cao cản lại giữa đường, Hiếu Liêm nói:
- Núi cao làm sao lên đặng? Trong lòng còn sợ khó. Kim-Trọng nói:
- Theo đường của ta tự nhiên lên đặng. Hiếu Liêm liền theo Kim-Trọng một khắc tới đảnh, rất xinh bằng phẳng, có một cái ao lớn, trong ao có bảy bông sen vàng, sinh tốt lạ thường.
Hiếu-Liêm thấy trong lòng ham muốn, khen rằng:
- Bông sen tốt quá! làm sao hái cho tôi một bông. Ông vừa nói rồi Vô-Tâm Xương nhảy xuống ao, bảy bông sen đều hái hết, đưa cho Vương-Hiếu-Liêm mà rằng:
- Giao hết cho ngươi, phải gìn giữ cẩn thận, bảy bông sen này có bảy vị chơn-nhơn là: Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Xích, Vương, Tôn. Bảy người cùng Hiếu-Liêm có duyên thầy trò, ắt có ngày gặp nhau đặng mở dạy đường Đạo. Vậy phải nhớ hoài mới chẳng phụ lòng ta cho ngươi bảy bông sen này.
Hiếu-Liêm muốn trở về nhà bèn hỏi rằng:
- Chừng nào gặp hai anh nữa? Vô-Tâm-Xương đáp:
- “Hội kỳ nguyên bất viễn, chỉ tại lưỡng cá tam. Nhưng tùng ly xứ ngộ, kiều biên liễu vạn viên.”

Hiếu-Liêm nghe dứt liền bước chơn xuống núi, xảy bị bên đường cản sợi dây vấp té xuống núi.
Đừng nói lên cao mà chẳng dễ,
Phải biết xuống thấp mới gian nan.

Hồi 2
Vạn-Viên kiều, Lữ-Tổ thân truyền Đạo,
Đại-Ngụy thôn, Hiếu-Liêm giả trúng phong


Nghĩa là:
Chỗ cầu Vạn-Viên, Lữ-Tổ truyền Đạo cho Hiếu-Liêm,
Thôn Đại-Ngụy, Hiếu-Liêm giả trúng phong (mà tu hành).
Có bài kệ rằng:
Rồi tỉnh cũng như đặng báu trân,
Không thông nhà kín sẽ sáng lần,
Thân này chẳng tính kiếp nay độ,
Còn đợi kiếp nào độ lấy thân?

Khi đó Vương-Hiếu-Liêm đem bảy bông sen ôm trong lòng dời chơn xuống núi bị dây vấp, giựt mình tỉnh sợ muôn việc đều không; thiệt là một giấc chiêm bao, mở mắt thấy ở tại nhà mình lại thấy con Thu-Lan đứng một bên. Ông ho một tiếng Thu-Lan nghe mừng kêu:
- Cha tỉnh rồi! Kinh động bà Châu-Thị lật đật hỏi thăm: Tướng công tỉnh say rồi chăng?
Hiếu-Liêm gật đầu nói rằng:
- Việc rất kỳ quái! Bà nói:
- Việc này tại mình làm mê nào có chi kỳ quái? Ông rằng:
- Tôi rõ ràng đưa khách ra đi, sao mà còn nằm trong nhà đây? Châu-Thị đáp rằng:
- Tướng công thiệt quá! Bữa trước ông đưa hai người ăn mày hơn nữa ngày không về, tôi sai người đi kiếm mấy lần không thấy trong lòng không yên, mượn chú Vương-Mậu cùng con Ngọc-Khuê chạy kiếm nữa mới thấy ông nằm trên cầu, cách hơn hai chục dặm, mê man bất tỉnh, lấy xe chở ông về ngủ đến bữa nay gần hai ngày rồi. Xin ông từ đây đến sau phải giữ gìn bổn phận, rượu phải ít uống. Những người chẳng quen, ông chớ khá chơi bời, vì mình thọ tước triều đình xóm làng đều kỉnh. Nếu say sưa nằm bờ bụi còn gì thể diện? Thất chỗ oai nghi, bị thiên hạ chê cười mà hổ với người đồng bạn. Xin ông tự hối.
Hiếu-Liêm nghe bà nói lật đật ngồi dậy tạ ơn rằng:
- Nay tôi nghe lời bà khuyên cũng như thuốc hay mà cứu đặng người hết bịnh, tôi nào chẳng dám ghi lòng. Thiệt bữa trước tôi nghĩ hai người bạn khó chắc là hai vị Thần Tiên. Bà nói:
- Thế ông chưa tỉnh! Hai người ăn mày rõ ràng sao ông lại nói Thần Tiên? Ông đáp:
- Bởi nghe lời nói của người, hoặc việc làm, xét hạnh nết, nên biết chắc là Thần Tiên. Bà hỏi:
- Y nói điều chi? Làm những việc gì mà chắc phải Thần Tiên?

Ông liền nhắc việc giúp tiền buôn bán sanh lợi, khỏi chỗ đi xin đặng làm ăn thong thả, hai người cũng không chịu, mà lại thuật chuyện con gà và con hạc. Qua bữa sau đưa có ít bước mà coi lại hơn mấy mươi dặm, ngâm mấy bài ca, cùng cho uống rượu, lên hái bông sen, chừng trở lại vấp dây té xuống. Thuật hết đầu đuôi cho bà nghe v.v... Uống có ba chén rượu mà say hết mấy ngày như vầy chẳng phải Thần Tiên có việc lạ hay sao? Bà rằng:
- Tôi thường nghe người nói trong thế gian có nhiều người chẳng tốt, hoặc làm tà thuật thâu đường, mới khởi hơn mấy bước, mà xa cách mấy mươi dặm! Lại bỏ thuốc mê trong rượu, thấy người có tiền làm bộ đãi mời mình uống mê man đặng lấy tiền bạc quần áo của người. Như mình không giữ trước thì sau ắt phải bị họa.
Bà nói rồi, ông xét nghĩ rằng: Tánh ý đàn bà không có rộng, nếu biện nói hoài sợ gây ra nhiều chuyện, thà thuận ý đặng rãnh việc mình. Liền tùy theo lời bà, đáp rằng:
- Mấy lời của bà thiệt đáng vàng ngọc, tôi nào dám chẳng tuân. Châu-Thị nghe nói liền trở ra, rồi ông một mình ngồi trong thơ phòng tư tưởng lời nói của ông Kim-Trọng cùng Vô-Tâm-Xương chỉ dạy, suy nghĩ việc đó mấy ngày.
Có một lúc nọ đương ngủ, nữa đêm thinh không ngồi tỉnh ngộ rằng: Kim-Trọng hai chữ hiệp lại là chữ “Chung”, còn Vô Tâm-Xương không có hai chấm ở trong thành chữ “Lữ”, rõ ràng “Chung, Lữ” hai ông Tiên (trong Bát Tiên) tới mà độ mình! Tôi nay thiệt không duyên phận, báu để trước mặt mà bỏ qua, tưởng đi xét lại thật chẳng sai, rõ ràng ông Hớn-Chung-Ly với ông Lữ-Động-Tân. Thấy mình lầm rồi, than rằng: - Tiếc thay! Tiếc thay! Lại nhớ khi từ biệt ông có nói mấy lời: “Hội kỳ nguyên bất viễn, chỉ tại lưỡng cá tam. Nhưng tùng ly xứ ngộ, kiều biên liễu vạn viên”.
Nghĩa chữ “bất viễn” là chẳng xa, việc chỉ về gần. Chữ “lưỡng cá tam” nghĩa là 2 cái 3, chắc là mồng 3 tháng 3. Chữ “ly xứ ngộ” nghĩa là chỗ lìa mà đặng gặp, chắc là phải tầm chỗ khi mình ly biệt thì đặng gặp. Chữ “liễu vạn viên” nghĩa là rồi hết muôn việc chắc ý vậy. Hiếu-Liêm xét nghĩ đặng rồi trong lòng vui mừng. Ngày tháng như thoi đưa, máy quang-âm như tên bắn, chẳng bao lâu hết mùa Đông, rồi Xuân đến.
Có bài kệ rằng:
Một năm khí tượng một năm dài,
Muôn việc tranh đua thiệt rất sai,
Trẻ nhỏ nhi đồng mau lẹ lớn,
Coi rồi lại thấy bạc đầu hoài.

Ông Hiếu-Liêm đợi qua hết năm rồi đến ngày mùng 3 tháng 3, lén một mình ra khỏi nhà, y theo đường cũ, đi tới chỗ cầu, đợi hồi lâu chẳng thấy hai ông đến, đứng lại cầu ngó mong, xảy nghe sau lưng có người kêu rằng:
- Hiếu-Liêm đến sớm vậy? Ông nghe ngó lại thiệt thấy hai người khi trước rõ ràng, lật đật chạy lại nắm tay áo nói rằng:
- Từ khi hai vị Đại-Tiên đi rồi đệ tử tưởng nhớ trông đợi không quên. Vô-Tâm-Xương cùng Kim Trọng nghe nói đi lại đầu cầu ngồi. Hiếu-Liêm quì trước thưa rằng:
- Đệ tử thiệt mắt thịt thân phàm, chẳng biết được Tiên Chơn hạ giáng, tôi thiệt lầm lỗi, xin cầu xá tội. Ngày nay đặng thấy hai vị Đại-Tiên, thiệt là tam sanh hữu hạnh; cầu nguyện chỉ dạy chỗ đường mê, đặng lên bờ giác ngộ, đệ tử cám ơn không cùng, xin thầy đừng bỏ. Nói rồi lạy hoài không thôi.
Hai ông thấy vậy cười lớn, trong miệng thấy hơi Kim-quang chiếu sáng cải đổi hình dung. Ông bên tả bới hai đầu tóc, bận áo dài, mặc như táo đỏ, mắt sáng tợ sao, râu dài tới bụng, tay cầm quạt lông. Bên hữu một ông bịt khăn cửu lương, bận áo bào vàng, mặt tròn như trăng, mắt sáng tợ đèn, râu năm chòm tới gối, tay cầm song kiếm. Quả thiệt là Hớn-Chung-Ly cùng Thuần-Dương Lữ-Tổ. Hiếu-Liêm lạy hoài chẳng dám ngó lên. Lữ-Tổ nói rằng:
- Đời thượng cổ lòng người chơn thiệt, phong tục thuần lương, trong việc học Đạo trước dạy phép thuật đặng giữ mình, sau mới truyền huyền công tu dưỡng. Còn đời nay thế tục suy đồi, lòng người chẳng giống như xưa, bằng trước truyền phép thuật, ắt phải trở hại mình. Nên trước truyền huyền công tu dưỡng, chẳng tranh phép thuật thân mới đặng an, không dùng biến hóa thì chỗ Đạo thành; hễ Đạo thành thì muôn việc đều thông, tuy chẳng cầu pháp thuật, mà pháp thuật đặng hiển. Thiệt là Đạo toàn chơn.
Ông giảng dạy việc toàn chơn diệu lý nói rằng:
- Đây gọi toàn chơn là trước sau trọn việc chơn, không có ý giả. Người đời ai mà không có lòng chơn? Như đặng chỗ chơn mà không giữ để nó đổi ý giả nhận làm việc chơn thì đó chẳng phải là chơn rồi. Còn ai mà chẳng có ý chơn? Nếu như chẳng giữ để xen tạp việc dối thì mất chỗ chơn. Ai lại không có tình chơn? Nếu chẳng giữ để nó tư niệm, các việc nhiễm lậu thì sai mất chỗ chơn. Bởi cái Tâm, Ý, Tánh, khi ban đầu thiệt chơn, vì tại chẳng tập sửa chế, để tán kế biến đổi việc huyễn mị thì thành ra chỗ giả, phải mất chỗ chơn. Ba việc ấy do tại chỗ: Thiên-Tánh, Lý-Tánh và Bổn-Tánh, ba cái tánh ấy thường hay bền tốt; hễ có phát ra thì tại chỗ Thiên-Lương (1) làm việc chi thường thấy tự nhiên như nguyện.

Vì cái lòng là chủ cái ý; tình là khách của ý. Hễ lòng có ý chơn, tình chơn, thì trong tình ý thấy đặng lòng chơn do lòng phát ra ý thiệt, do ý thiệt mới có tình ngay thì máy thiên cơ hiện đủ! Như vậy mà người chẳng chơn sao đặng? Vì tại người không có Tâm Chơn thì chẳng có ý thiệt, ý chẳng thiệt, tình chẳng ngay, làm chi cũng khó nên đặng.
Thường thấy người học Đạo, khi vọng niệm tự dấy động, hay tưởng nhớ các việc: hễ có ý riêng thì lòng chẳng đặng chơn. Còn lúc Tình thì dục tưởng theo hoài, hễ có cái niệm thì lòng chẳng đặng thiệt, chỗ động tịnh cũng đều vọng, thì tư dục chẳng dứt. Như vậy làm sao đặng thành? Vì tại lòng chẳng chơn sanh mối nghi hoặc, hoặc trọn không chơn ý, nửa chơn nửa giả; đương khi việc chơn giả là trời người tương tiếp, người thú hai đường, nên hư tại đó, ý tình chẳng cho qua đặng, như mười mắt xem, mười tay chỉ. Cho nên người học Đạo phải có 3 việc sợ, 4 việc biết (2) vì vậy mà nhà tối chẳng khá khinh.
Còn như mình muốn nghiệm xét chỗ Đạo chơn, trước phải hỏi cái Tình, như Tình chơn thì khá biết Tâm Ý cũng đồng chơn; bằng như chưa đặng chơn, thì các việc đều còn giả. Nên việc tu chơn phải lấy Ý làm trước. Bởi cái Ý nó hay thông hiểu các việc, tưởng đâu thì nhiễm đó, hễ Ý thành, Lòng thành, Tình thiệt, thì tự nhiên chắc đặng chơn thiệt.
Còn như muốn biết việc chơn cùng chẳng chơn, thì trước xem lời nói, bằng lời nói không chắc thì chẳng phải lòng chơn. Xét việc làm, như việc làm chẳng tuân lãnh các lời trên dạy, cực khổ không cam, thì biết ý chẳng phải thiệt. Bởi vậy việc tu là tu trừ cái Tâm ngoài Tâm; cái Ý ngoài Ý; Tình ngoài Tình; chẳng tham chẳng nhiễm, đều bỏ ra ngoài, quyết phải sửa bề trong làm nhứt. Đương khi khởi muốn điều chi, nói quấy việc chi, không nhằm lẽ Đạo thì phải thâu cái chí Thiên-Lương, bỏ dứt Tâm-Phàm, đừng cho nghi tưởng, hai lòng xen tạp tình ý chẳng cho rối loạn (Thí như mình muốn làm ruộng, thì phải cày bừa cho kỹ, cỏ đào cho sạch gốc thì tự nhiên không sanh lại). Như vậy mới gọi là thiệt, trong ngoài một mảy không giả, gọi là Toàn Chơn.
Lữ-Tổ đem lẽ Toàn Chơn dạy cho Hiếu-Liêm rồi biểu Hiếu Liêm quì day mặt hướng Nam. Lữ-Tổ lấy tay xỉ trong mặt lần thứ nhứt cũng không có sắc buồn. Lần thứ nhì xỉ một cái mạnh cũng để ý tự nhiên. Qua lần thứ ba, ông xỉ thiệt mạnh khiến Hiếu-Liêm trật chơn té ngửa mà Hiếu-Liêm cũng cười, liền đứng dậy lạy, thưa rằng:
- Thân khó đặng sanh mà may sanh; Đạo khó đặng gặp mà may gặp. Nay nhờ Trời mở hội, đường Huỳnh Đạo đặng nghe, nhờ phụ mẫu hiệp thành thân, ơn trọng thầy cứu mạng. Lữ-Tổ nghe nói dứt lời, biết Hiếu-Liêm thấu đặng huyền cơ, bèn chỉ qua việc tu:
- Luyện kỹ, trúc cơ, an lư, lập đảnh, thể dược hườn đơn, hỏa hầu, sưu thêm, các việc công phu dạy đủ. Vương-Hiếu-Liêm thọ giáo tu hành. Lữ-Tổ nói rằng:
- Như trò Đạo thành rồi phải mau qua Sơn-Đông độ bảy vị Thất Chơn. Bảy vị đó khi trước là 7 cái bông sen vàng đưa cho trò đó! Lữ-Tổ dặn dò xong rồi cùng Chung-Tổ sửa mình: Một ông cầm song kiếm, một ông cầm quạt lông, vụt một cái hóa ra hai con hạc, hai vị liền cỡi đi mất.
Vương-Hiếu-Liêm ngó theo trên không trung, quì lạy rồi trong lòng còn tư tưởng hai Tiên, lại thấy Vương-Mậu với Ngọc Khuê chạy tới nói rằng:
- Tôi vâng lệnh bà đến kiếm ông, định chắc ở đây, may quá đặng gặp, mau thỉnh ông về, sợ bà trông đợi. Hiếu-Liêm theo về, trong lòng thầm nhớ lời Lữ-Tổ dạy Đạo, thâu thúc không rời. Về đến nhà vào phòng nằm nghỉ.
Bà Châu-Thị nghe nói ông về, vô hỏi thăm, hỏi đôi ba lần không thấy trả lời, dường như có ý tưởng nhớ việc chi, bà thấy vậy khuyên ông rằng:
- Mấy lần rồi không tiếc thân thể, cứ buông khơi ra ngoài, khiến cho tôi lo sợ, e có ngày thất hư phẩm hạnh. Hiếu-Liêm đương tư tưởng việc huyền công chẳng hề nghe tới. Bà lại khuyên nói một hồi lâu chừng đến câu thất hư phẩm hạnh, ông liền đáp theo:
- Thất hư phẩm hạnh? Thất hư phẩm hạnh? Bà nghe ông nói lời trái lý không nhằm, chắc trong mình có bịnh nên chẳng hỏi nữa, liền trở ra. Ông lại trong lòng tưởng rằng:
- Nghĩ việc khiên triền còn khuấy rối như vậy, tu sao đặng thành công? Khó đặng liễu Đạo! Nếu chẳng lập phép đoạn dứt trần duyên này e trọn đời khó đặng giải thoát.

Thầm tưởng hồi lâu, tính ra một kế. Hễ thấy ai tới thì trong miệng làm như nói không ra tiếng, việc nhà đều không ngó ngàng tới nữa, nằm tại thơ phòng làm như người mất trí. Ăn mặc không cần, ngơ ngơ như người thất vọng. Bà thấy vậy lo rầu chẳng xiết, mỗi ngày hỏi thăm mấy lần, thấy ông bua lua ba-la nói nghe chẳng rõ, cứ ngẩn ngơ lắc đầu; bà không biết làm sao, liền sai Ngọc-Khuê đi thỉnh bạn hữu của ông đặng hỏi coi cớ sao vậy. Mấy người bạn cùng ông thường hay thương mến tin cậy, có việc thỉnh thì đến liền. Khi đó thấy người đến thơ phòng hỏi thăm rằng:
- Hiếu-Liêm nay khá bớt chăng? Hiếu Liêm nghe hỏi lắc đầu lấy tay khoác, nói nghe không đặng. Mấy người thấy vậy biết là có bệnh, mà chẳng hiểu bệnh chi. Có một người nói:
- Tôi coi bệnh của ông giống bệnh trúng phong bất-ngữ, chẳng biết phải không? Xóm bên đông có ông Trương-Hải-Thanh làm thuốc có tiếng, vậy thỉnh đến coi mạch thì biết căn bệnh. Châu-Thị nghe nói, sai Ngọc-Khuê đi thỉnh, hồi lâu thầy đến. Bạn hữu đứng dậy mời thầy uống nước rồi thuật lại chứng bệnh cho thầy nghe, thỉnh thầy coi mạch. Lúc thầy coi mạch rồi, biết mạch không bệnh, mà cũng y lời mấy ông nói rằng:
- Thiệt quả bệnh trúng phong bất-ngữ, để tôi hốt ít thang chắc mạnh. Nói rồi liền biên toa.

Vì ông Võ-Cử thiệt không bịnh,
Chẳng phải tiên-sanh trị chẳng minh.

-----------------------------------------
Chú thích hồi thứ hai:
(1) Người có đạo mới biết chỗ Thiên-Lương, muốn biết phải tìm thầy học Đạo.
(2) Ba việc sợ là: sợ mạng Trời, sợ người có đức, sợ lời Thánh nhơn.
Còn bốn việc biết là: Trời biết, Đất biết, Người biết, Quỉ Thần biết.
Trên núi có Sơn Thần, dưới sông có Thủy Thần, ngoài đường có Lam-Lộ Thần Kỳ, trong nhà có Thần ốc lận ở tại chái nhà. Bởi vậy người tu phải hằng sợ một mình tuy chỗ không ai, nhưng chẳng dám làm điều quấy vì tuy không người biết nhưng Trời Đất Quỉ Thần biết. Làm được vậy thì tự nhiên thể đồng Trời Đất. Người không tu cũng vậy.

Hồi 3
Thọ Thiên triệu Sơn-Đông độ thế,
Nhập địa đạo Chung-Nam tàng thân

Nghĩa là:
Vưng lịnh Trời qua Sơn-Đông độ đời,
Vào hang động ở núi Chung-Nam ẩn mình.
Có bài kệ rằng:
Ý đời nóng nguội thiệt thêm cười,
Đoạt lợi tranh danh biết mấy mươi,
Dễ độ súc sanh người khó độ,
Nguyện độ súc sanh khó độ người.

Bởi ông Hiếu-Liêm nguyên thiệt không bệnh, chẳng qua là giả bịnh, muốn dứt việc khiên triền đặng học Đạo. Trương-Hải Thanh nào biết được ẩn ý ông, nên xem mạch rồi khó hiểu đặng bệnh, cũng tùy ý mà nói là bịnh trúng phong bất-ngữ, cũng biên toa đưa cho chủ rồi lấy tiền lễ ra về, làm lấy có mà thôi. Lúc nọ bạn hữu từ tạ ông ra về nói rằng: Xin ông rán bảo trọng, chúng tôi ít bữa đến thăm. Ông gật đầu, thảy đều về hết. Châu-Thị thấy khách về rồi biểu Thu-Lan và Ngọc-Khuê đi hốt thuốc về sắc, rồi Thu-Lan bưng vào phòng mời cha uống, lại thấy ông trợn trắng, vùng té một cái, Thu-Lan hoảng liền để chén thuốc, lật đật chạy ra. Bà thấy vậy sai vô nữa, nó không dám vô, ông bưng chén thuốc đổ trong vách.
Từ đó đến sau, một mình Ngọc-Khuê ra vô, chẳng ai dám vào phòng ông hết. Hễ ông thấy mặt vợ con thì đấm họng dậm chơn. Qua bữa sau Châu-Thị niệm tình vợ chồng vào hỏi thăm lần nữa, ông cũng làm như vậy. Còn từ khi ông giả trúng phong đến sau, trong ngoài đều giao cho bà toan liệu; bà con thân thích cũng không đến đặng; duy có bạn hữu thăm một hai lần, thấy ông làm như vậy không dám tới nữa, người người đều than tiếc. Bị đau bịnh nặng mà ở chỗ nhà vắng một mình, nào ai thấu đặng ý đó! Ấy là ông muốn thanh tịnh ở trong thơ phòng ngộ Đạo mà giả chước như vậy; đặng bó buộc công phu, quên dứt việc trần, không không một niệm.
Ở đặng 12 năm, đại đơn đặng thành!
Có bài kệ rằng: (ca giọng trầm)
Vợ làm bằng hề, con làm bạn
Khát uống trà, rồi đói ngật phạn (ăn cơm)
Coi lại cùng người cũng không không
Nào hiểu y học Đạo tình trạng
12 năm công thành viên mãn
Xuất dương thần trên đảnh hiện quang
Trên đời những mấy kẻ tu hành
Ai mà hiểu đặng làm bản dạng.

Ông tu xuất đặng dương thần biến hóa, đặt pháp danh là Trùng-Dương Tổ-Sư. Đêm nọ ông nằm tại thơ phòng, đương công phu, một niệm chẳng sanh, vạn duyên đều tuyệt. Vẳng nghe trên hư không kêu rằng: Vương-Trùng-Dương mau lên đây tiếp triệu! Trùng-Dương lật đật bước lên hư không, thấy Thái-Bạch Kim-Tinh đứng trên mây nói:
- Ngọc-Chỉ đến! Trùng-Dương lại gần nghe đọc triệu rằng:
- “Ta niệm người Trùng-Dương có công khổ chỉ tu 12 năm không sai thất lòng, lo độ người tu chơn. Nay đạo quả đủ đầy phong làm Khai-Hóa Chơn-Nhơn, mau qua tỉnh Sơn-Đông mở đạo, như sớm độ đặng Thất-Chơn thành công sau gia tăng thêm nữa, ắt phải vưng lời.”
Thái-Bạch đọc triệu vừa dứt, Trùng-Dương quì lạy tạ ơn, rồi Thái-Bạch biểu rằng:
- Chơn-Nhơn mau qua Sơn-Đông, đừng sợ khó nhọc mà phụ lòng Thượng-Đế, để ngày sau lên hội Bàn Đào đặng gặp. Kim-Tinh nói dứt, đằng vân trở về Thiên-Cung, còn Trùng-Dương cũng trở về tịnh phòng công phu.
Bữa sớm mai nọ, Ngọc-Khuê đem nước rửa mặt, xô cửa không mở, lật đật thưa cho Châu-Thị hay, bà cùng hai đứa tớ kêu hoài không đặng, thầm chắc ông chết rồi, cạy cửa vô coi không thấy ai hết, lấy làm lo sợ liền sai đi bốn phía tìm kiếm, không nghe tin tức bèn khóc lớn kinh động trong xóm người người đều chạy đến hỏi thăm. Ngọc-Khuê thuật việc cho mọi người nghe. Mấy người nói:
- Việc thiệt cũng lạ! Cửa còn đóng chặt mà người đi mất, hay là trổ trên nhà hoặc cạy vách mà ra chăng? Mấy người vô coi không có dấu gỡ cạy chỗ nào. Có một người nói rằng:
- Thôi mấy người đừng kiếm nữa, tôi coi ông Hiếu-Liêm thể dạng chắc thành Thần Tiên rồi. Hỏi rằng:
- Sao anh biết đặng?
Đáp: Lúc ở phòng ngồi tịnh 12 năm, không động một bước, bỏ hết việc trần, lại giả làm bịnh trúng phong, tôi coi thiệt ông muốn tuyệt dứt cuộc thế. Hình dung tươi tốt mắt có thần quang, như vậy chẳng phải Thần Tiên sao? Nghe nói ai nấy bán tín bán nghi nói rằng: Như vậy chắc ông thành Tiên đằng vân đi rồi.
Bà nghe mấy người bàn luận mới bớt lòng sầu, rồi mấy người về hết.
Lại nói về Trùng-Dương bữa đó ở trong tịnh phòng độn thổ ra khỏi Đại-Ngụy-Thôn đi Sơn-Đông hết mấy ngàn dặm mới tới, không thấy bảy vị thất chơn, chỉ thấy có hai hạng người: một vì danh, hai vì lợi mà thôi, chớ không có ai mộ Đạo! Trùng-Dương thấy vậy chắc không có người độ đặng bèn trở về Xiểm-Tây, đi đến núi Chung-Nam, thấy một núi đất dài hơn trăm dặm vắng vẻ thanh tịnh, trong lòng tưởng rằng:
- Thôi ở lại đây vô trong núi này tìm chỗ hang sâu mà tịnh dưỡng, đợi chừng nào trong thế gian có người tu, sẽ ra đi độ. Liền niệm chú “Tá-Thổ-Độn” ước chừng một khắc thấu tột hang sâu, gặp cái hang động lớn ông vô ẩn mình phục khí điều dưỡng mà tu tánh mạng.

Có bài kệ rằng:
Rộng lớn kiền khôn có dị nhơn,
Một danh một lợi tính thua hơn,
Thất-Chơn chưa biết về đâu độ?
Vào đất ẩn mình đợi Thất-Chơn.

Khi đó Trùng-Dương độn trong núi ẩn mình chẳng biết tháng ngày. Cách hơn nửa năm vẳng nghe một tiếng vang cũng như lở trời sụp đất, thấu đến trong hang, nứt ra một đường hào quang chiếu xuống. Trùng-Dương biết có thầy đến, trong lòng kinh sợ, lật đật nhảy ra, liền thấy thiệt Chung, Lữ, hai ông ngồi trên, Trùng-Dương đến trước quì lạy chẳng dám ngó lên. Lữ-Tổ cười trách rằng:
- Người ta tu hành lên Thiên-Đường, còn ngươi tu hành vào địa ngục. Coi công của ngươi khác hơn người ta, trên trái lòng Trời, dưới bỏ ý Thầy, nào có phải Tiên bao giờ?
Trùng-Dương nghe thầy quở cúi đầu xin tội rằng:
- Chẳng phải đệ tử dám trái mạng Trời, nghịch ý Thầy, vâng lịnh Thầy qua Sơn-Đông độ Thất-Chơn, mà kiếm cùng cũng không gặp, duy có hai hạng người lo việc danh lợi mà thôi. Nên đệ tử tạm vào đây ẩn mình đợi chừng nào có người tu hành sẽ ra đi độ. Lữ-Tổ nói:
- Người tu xứ nào không có, tại ngươi chẳng chịu khó nhọc nên độ không đặng. Thí như ngươi hồi ban đầu nào có lòng học Đạo, ta cùng Tổ Sư mấy lần đi đến điều độ mới đặng. Nếu không thì ngươi trọn đời chỉ một chức Hiếu-Liêm mà thôi, nào có thành bực Đại-La Kim-Tiên? Nay ngươi ham thong thả chẳng chịu tinh tấn độ người, lại nói trong thiên hạ không có người tu, thiệt là sai lầm. Ngươi lấy cái lòng như hồi ta đi độ ngươi, mưa gió không nài cũng đến, nằm sương ngủ cỏ nào than, đặng mà ra độ người, thì trong thiên hạ chỗ nào mà độ không đặng?

Khi xưa ta có ba lần giả say ở núi Nhạc-Dương người chẳng biết, rồi ta kinh thân bay qua Động-Đình-Hồ, trong ý cũng gọi là đời không người độ, rồi trở về bên Bắc, qua tới Liêu-Dương thấy Kim-Quốc Thừa-Tướng bỏ chức về núi tu thành, thấu đặng huyền cơ, hiệu là Hải-Thiềm, rồi bắt chước ta đi Nam du độ đặng Trương-Tử-Lương. Trương-Tử-Lương độ Thạch-Hạnh-Lâm. Thạch-Hạnh-Lâm độ Tịch-Đạo-Quang. Tịch-Đạo-Quang độ Trần-Chí-Hư. Trần-Chí-Hư độ Bạch-Tử-Thanh. Bạch-Tử-Thanh độ Lưu-Vĩnh-Niên và Bành-Hạt-Linh. Bảy người ấy sau đặng chứng quả, đó là “Nam-Thất-Chơn”. Khi đó ta cũng tưởng không người độ đặng, ai dè y độ đặng mấy người. Trong thiên hạ bốn biển rộng lớn, diệu lý khôn cùng người chí chơn chẳng ít, lẽ nào không người ra tu?
Nay có “Bắc-Thất-Chơn” là Khưu, Lưu, Đàm, Mã, Xích, Vương, Tôn, bảy người trước có căn, nên mấy lần dặn dò biểu ngươi, ngươi chẳng chịu đi. Sức ngươi chẳng bằng Lưu-Hải Thiềm sao? Vì ngươi sợ khó nên chẳng bằng người ta đó thôi!

Lữ-Tổ nói rồi Trùng-Dương mở thông huệ tánh, giựt mình sợ sai hồng-thệ, mồ hôi ướt mình, cúi đầu xin tội. Chung-Tổ thấy vậy kêu Trùng-Dương lại một bên dạy rằng:
- Chẳng phải thầy trách ngươi, nhơn vì hội Bàn-Đào gần đến, kiếp nạn lâm đầu, rán điều độ trong thiên hạ, người tu hành Chơn-Tiên, đều đặng phó hội Bàn-Đào, thế Thiên hành hóa, đại Phật Tiên ngôn trọn ổ thâu duyên, đặng về nơi thanh tịnh. 0 Bởi 96 ức Phật tử xuống trần đã lâu mà về chưa hết. Thượng Ngươn độ 2 ức, Trung-Ngươn độ 2 ức. Cộng là 4 ức. Nay còn lại 92 ức mê trần! Vì hội gần đến, đào chín rồi, Phật-Mẫu trông con về ăn cho đủ. Nếu đến kỳ hội mà về không hết thì Phật-Mẫu rất buồn! Nên mình phải rán lo điều độ đặng đến kỳ hội thâu duyên, Phật-Mẫu thưởng đào, ăn một trái sống đặng ngàn năm.
Vì Tây-Vương-Mẫu chẳng lòng hưởng một mình, muốn cùng các chơn linh đồng hưởng, nên thiết lập hội tên là “Huỳnh Tiên đại-hội”. Mỗi lần hội phải có thêm Thần Tiên mới thì trên hội mới vui, bằng chỉ có mấy vị Tiên cũ chắc là trong thiên hạ không có người tu hành, thì bà Vương-Mẫu ắt buồn. Thuở thượng-cổ mỗi kỳ hội, người tu thành Tiên về dư ngàn. Qua đời trung-cổ mỗi kỳ hội người Tiên mới hơn mấy trăm. Đến đời hạ-ngươn chắc có ít. Nên thầy ngươi dặn dò phải sớm độ Thất-Chơn đặng lập hội kỳ, ấy là giúp thêm oai nghi, vậy phải vui mừng. Vì bàn đào gần chín, nếu để trể ngày giờ qua hết một viên hội, phải đợi 3000 năm nữa mới đặng phó hội, há chẳng tiếc sao?
Chung-Tổ giảng nói thấu lẽ, Trùng-Dương nghe đặng quì thưa rằng: Nay đệ tử nghe lời Tổ dạy thiệt như chiêm bao mới tỉnh, tôi nguyện đến Sơn-Đông khai hóa. Xin cầu Tổ-Sư chỉ dạy cách điều độ trước sau.
Chung-Tổ nói rằng:
- Ngươi đến chỗ đất Tịnh. Người hiền nhiều, mà hỗn tục theo đời, hiện thân giảng Đạo qui củ tinh nghiêm, hoặc tài lợi phân minh trước sau như một thì có người đến tìm ngươi. Việc trong đó mở dạy chắc đại công khá thành, hễ đi gặp Hải thì ở, gặp Mã thì hưng, gặp Khưu thì dứt. Chung Tổ nói rồi quạt một cái lên mây đi mất.

Trùng-Dương quì lạy Thầy, rồi trở qua Sơn-Đông. Một bửa ông đi đến huyện Ninh-Hải, tại tỉnh Sơn-Đông, phủ Đăng-Châu ông nhớ lời Chung-Tổ dặn rằng gặp Hải thì ở, hay là tại đây chăng? Thôi, ở đây giả người đi xin, như khi trước hai ông độ mình, nay mình dụng cùng phương tiện độ người.
Hỗn tục theo đời để đợi thời,
Gặp duyên đạo quả đặng nên thành.

Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 726
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com