watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
20:09:2826/04/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Thất Chơn Nhơn Quả - Trang 6
Chỉ mục bài viết
Thất Chơn Nhơn Quả
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 6 trong tổng số 10

Hồi 16
Đại-Ngụy-Thôn, Tam-lão đàm vãng sự,
Tấn-Thành kiều, nhứt ngôn chi mê đồ


Nghĩa là:
Đại-Ngụy-Thôn có ông Tam-lão nói việc trước,
Cầu Tấn-Thành, một lời chỉ đường mê.
Có bài kệ rằng:
Muôn chuyển thân như chẳng động châu,
Gió đưa sóng dập khó nên thâu,
Nước trôi cầm chặt chèo cùng bánh,
Đường thẳng nhẹ buồm đến ngạn đầu.

Lại nói Khưu-Trường-Xuân cùng mấy anh em tới chỗ Hàm Dương Đại-Ngụy-Thôn, thấy nhà cửa tan hoang, có ông Vương Tam-Lão ngồi trước cửa miễu. Trường-Xuân bước lại làm lễ, hỏi thăm nhà ông Vương-Hiếu-Liêm. Ông đáp rằng:
- Mấy người hỏi nhà Hiếu-Liêm bộ cũng có bà con cùng ông chăng? Trường-Xuân nói:
- Có, ông là thầy của anh em tôi ở tại Sơn Đông dạy Đạo. Nay thầy tôi qui Tây, anh em tôi đưa linh-cữu về đây xin đất chôn tại nơi chơn núi Chung-Nam. Nay muốn trở về Sơn-Đông, nên lại đây hỏi thăm nhà thầy tôi và bà con mạnh giỏi. Ông già nghe nói than một tiếng:
- Hỡi ôi! Anh Hiếu-Liêm là anh bà con của tôi. Tôi thứ ba, nên người kêu tôi là Vương-Tam Lão. Từ ảnh đi tu đến nay, vợ là Châu-Thị bị lo mà thành bịnh nên mãn phần rồi. Con ảnh tên Thu-Lan đi theo bên chồng chừng một năm mới về một lần. Nhà ảnh bây giờ không có ai. Trường-Xuân lại hỏi:
- Trong xóm nầy sao mà coi hư tệ dữ vậy? Vương-Tam-Lão than rằng:
- Từ anh tôi đi rồi thì trong thôn không ai làm đầu, nhà ai nấy lo, có việc không người ra làm đầu tính liệu, nên phận ai nấy giữ, bỏ lâu phải hư. Sau lại nghe Hiếu Liêm thành Tiên rồi, người người đều nói phong thủy đường long bị ảnh lấy đi, đem các việc tội đổ về cho ảnh. Khưu-Trường-Xuân hỏi:
- Sao biết ổng thành Tiên? Vương-Tam-Lão chỉ cái miếu nói rằng:
- Miễu đó Nam Bắc hai thôn người ta làm cho ảnh. Mấy ông vô coi thì biết. Nói rồi mấy ông đi vào miễu, quả thấy trên bàn để ngồi cốt tượng của thầy y như người sống, đều đến trước làm lễ. Thấy trên khuôn biển biên bốn chữ: “Đinh hồ nhơn hào”, hai bên có treo đôi liễn đề:
Hiển đạo thuật ư Hàm-Dương, phúng tửu diệt hỏa,
Thi ân quan du cố lý, thi phù khu ôn.
Khưu, Lưu mấy ông coi rồi chẳng biết duyên cớ làm sao liền hỏi Vương-Tam-Lão
- “diệt hỏa khu ôn” không biết ý chi? Vương-Tam-Lão nói:
- Năm đó tại đây bị ôn dịch truyền nhiễm nhiều người, may có ông đạo mặc áo vàng vẽ bùa son thí cho trong xóm không lấy tiền. Ai đặng bùa linh dán trước cửa thì khỏi bị ôn dịch.
Sau nghe người nói chợ Hàm-Dương bị lửa cháy dữ không tắt, rồi thấy có một người đạo-sĩ mặc áo vàng ở trong tiệm rượu đi ra, tay bưng chén rượu hớp trong miệng, phun trên lửa tắt liền. Người trong chợ cảm ông có ơn cứu lửa khỏi tai nạn, đều lại hỏi ông tên họ chi? Ông nói:
- 3 ngang một sổ là họ, 3 sĩ có khẩu là tên. Nói rồi liền đi mất.
Sau lại có mấy người bàn ra hai chữ đó, 3 ngang 1 sổ là chữ Vương, 3 sĩ có khẩu là chữ Hỷ, chắc là Vương-Hỷ. Nói rồi truyền ra trong xóm, tôi mới biết là ông thành Thần Tiên rồi.

Trong họ tôi, có chị Vương-Má-Má, hồi mãn phần có nói rằng:
- Chú Hiếu-Liêm mặc áo vàng đến rước tôi đi.
Nên Nam Bắc hai thôn cám ơn ông cứu hộ, chung tiền làm một cái miễu đặng trả đức cho ông. Trên vách có treo tấm bảng nói việc đó, mấy ông coi thì biết. Khưu, Lưu mấy người lại coi, thấy đề rằng: “Tỏ nghe việc người có công nơi Nhà nước cùng có đức với dân nên phải thờ đó.
Xóm tôi có ông Vương-Công tên Hỷ thiệt người dị nhơn, tuổi còn nhỏ đọc thơ, lớn lên tập võ thi đậu làm chức Hiếu-Liêm sau giả bịnh phong điên chẳng nói, người chưa hiểu việc động tịnh của ông, dưỡng bịnh 12 năm không ra khỏi cửa. Bữa nọ ẩn mất chẳng biết là đi đâu, bốn phía kiếm tầm không rõ tông tích. Rồi sau trong thôn khởi bịnh ôn-dịch, ông thí bùa cứu hết bảo toàn tánh mạng cho thiên hạ rất nhiều. Trong xóm người người đều nhờ ân huệ. Còn chợ Hàm-Dương lửa cháy phun rượu tắt liền, giấu tiếng để tên, độ chị dâu lên trời, hộ hương nhơn nhờ phước. Ông vì không quên xóm làng mà người trong xóm làng nào dám quên ơn ông; lẽ nào lại không cúng tế, nên anh em tôi hội nghị làm cái miễu lên cốt tượng thờ ông, thường năm chiêm ngưỡng đặng trả ơn huệ ấy của ông.”
Khưu, Lưu mấy người xem rồi than rằng:
- Thầy thiệt là thần cơ khó hiểu, biến hóa vô cùng, bạn ta không biết đặng.
Rồi thấy Vương-Tam-Lão kêu một người nhỏ nói chi không biết, người nhỏ gật đầu, kế một hồi thấy có một người xách cái giỏ đem đồ ăn lại, mời quí thầy đạo hữu dùng cơm. Vương-Tam-Lão nói:
- Nhờ quí thầy đưa linh-cữu anh tôi về xứ, lại tới thăm nhà nữa, không có chi trọng đãi, xin vui lòng đa thiểu.
Mấy người thấy vậy liền ngồi lại ăn. Bữa đó ngủ tại trong miễu, nhiều người tới hỏi thăm. Bữa sau trời gần sáng có bảy tám người đem cơm cho mấy ông ăn, mà ăn sao cho hết! Rồi mỗi nhà đem lại dùng một chút lấy thảo. Lưu-Trường-Sanh nói cùng anh em rằng:
- Nay tiền sở phí của Mã sư-huynh cho còn dư lại mười mấy lượng giao cho Vương-Lão đặng bồi sửa miễu thầy. Mấy anh em đều vui lòng giao cho ông, xin ông ở đó bồi sửa giùm. Khưu, Lưu mấy ông giao rồi thưa đi, hồi lâu khỏi Đại Ngụy thôn hơn mười mấy dặm, tới gốc cây lớn ngồi nghỉ. Đàm-Trường-Chơn nói:
- Bạn mình đưa thầy về Tây việc lớn đã rồi, bằng trở lại Sơn-Đông nữa cũng ăn xài tiền bạc của Mã sư huynh không nên. Lời tục thường nói: “Nào có tiệc rượu tựu rồi không tan. Đạo chẳng luyến tình, luyến tình chẳng phải Đạo”. ở lâu chắc thiên hạ sanh nghi, chẳng bằng một người đi một xứ, đặng vui riêng tự toại. Vương, Xích mấy ông cười nói rằng:
- Sư huynh luận phải. Nói rồi Lưu-Trường-Sanh đi phía Đông-Nam, Vương-Ngọc Dương đi phía Tây-Nam, Đàm-Trường-Chơn qua phía Bắc, Xích-Thái-Cổ qua phía Đông.

Khưu-Trường-Xuân thấy mấy ông đi hết rồi nói thầm, thôi mình ở lại Xiểm-Tây xin ăn, vì mình phước mọn đức ít thì phải khổ tâm, khổ chí tu hành mới đặng việc.
Lại nói qua Xích-Thái-Cổ đi tới đất Tấn, thấy một cái cầu đá, dưới chơn cầu có tám chín cái động cũng là Trời sanh đá như vậy. Mỗi năm đến mùa Thu, Đông, nước dưới sông cạn, thường có mấy người nghèo tị nạn vào động mà ở. Xích-Thái-Cổ thấy dưới cầu sạch sẽ, khi đó nước cạn, ông vào dưới cầu ngồi tu, trước không ai biết, thiệt cũng thanh tịnh, sau lần lần có người biết mới gây ra việc khiên triền, cảm động mấy người ở gần, thấy ông thường thường ngồi hoài nên biết là người tu hành, họ hay đem cho đồ ăn. Ông ăn dư thường để lại trước mặt, bị chim cò tha đi rớt cùng đường, hoặc dưới nước. Trẻ nhỏ thấy lượm ăn rồi kiếm lần tới chơn cầu đến trước chỗ Thái-Cổ ngồi mà giỡn hớt. Thấy ông ngồi hoài chẳng động cũng như cốt cây hình đất, chúng nó lại tưởng ông như một vị Bồ-Tát, muốn làm miễu thờ ông, mới lấy đá sắp hai bên làm tường, cây lá che kín thành cái miễu. Mỗi ngày chúng nó ăn cơm rồi tới miễu bái lạy chơi giỡn, bữa nào cũng vậy. Xích-Thái-Cổ là người tu đặng tịnh dưỡng cũng không nói động, để chúng nó mặc tình, thiệt là có ít người như vậy!
Cách ít ngày, xóm trước làm chay, hội Quan-Âm, mấy đứa trẻ đi coi hội hết, thiệt là thanh tịnh. Rồi Xích-Thái-Cổ thấy một người ngồi dưới cầu lấy cục đá mài hoài; mài một hồi lâu lấy lên coi, hơn mấy chục lần tiêu hết miếng nầy tới miếng khác, mà không thấy làm việc chi. Mài ra như bùn rồi lại lấy miếng khác mài nữa. Ông thấy vậy sợ uổng phí công phu của y, ông muốn chỉ dạy việc lành nên kêu hỏi: Ông mài đá muốn làm việc chi?
Đáp rằng: Muốn làm đồ. Xích-Thái-Cổ nói:
- Như muốn làm cái chi trước phải định chắc, hoặc chỗ cao sửa bằng, chỗ tròn sửa vuông, phải có phép tắc mới là nên đồ tốt. Ông nay chẳng dụng cái qui-củ, cứ ngồi mài hoài như vậy sao cho đặng thành công?
Người ấy đáp: Tôi muốn mài đá ấy cho sáng mà làm cái kiếng thường ngày soi mặt.
Xích-Thái-Cổ cười rằng:
- Đá là đồ đất, làm sao mà mài cho thành kiếng soi đặng? Há chẳng uổng phí công-phu?
Người ấy cười lớn rằng:
- Như lời ông nói tôi mài không thành kiếng, còn ông ngồi hoài như vậy đặng thành Tiên hay sao? Tưởng lại một việc ngồi hoài nào khác tôi mài đá mà thành kiếng!

Xích-Thái-Cổ nghe nói giựt mình thức tỉnh, lật đật đến trước mặt người, ý muốn xin cầu dạy. Người đó liền đi, không hỏi chi đặng. Xích-Thái-Cổ biết là người dị nhơn đến đây chỉ điểm cho mình, như mình ngồi khổ tọa thiệt không ích. Nghĩ rồi sửa soạn lấy đồ đi liền, đi khỏi cầu Tân-An qua xứ U-Yên.
Có bài kệ rằng:
Mài gạch làm gương phí công-phu,
Ngồi thoàn khống tọa khí tiêu khô,
Hai việc đều là không đặng sức,
Một lời nói tỉnh phá mê đồ.
Chẳng nói việc Xích-Thái-Cổ du Bắc, lại nói việc Đàm Trường-Chơn qua Nam, bữa đó đi tới đất Bắc-Tỳ-Châu, trời gần tối không có đình miễu chi hết, lại không có ngủ, thấy có một sở nhà lớn, ý muốn lại nghỉ nhờ đặng xin cơm ăn. Đi gần tới cửa thấy một người đi ra, chắc là chủ nhà, người đó họ Cổ, tự Trúc Thành, hiệu Dủ-Phong, khi trước cũng người ham Đạo, vì bị mấy người đạo chẳng lành giả hình tướng làm như người Thần Tiên, lường gạt tiền bạc của ông hết mấy lần, nên ông thấy mấy người đạo tới ông ghét lắm; vì bị kẻ trước làm quấy mà lụy đến người sau. Dủ-Phong thấy Đàm-Trường-Chơn đi lại liền la một tiếng lớn rằng:
- Đạo-sĩ đừng tới xóm tôi nữa, tôi với người tăng đạo không có duyên. Đàm-Trường-Chơn nghe nói trong ý lại muốn độ ông.
Ý muốn người ta tin phục mình,
Phải đem việc mình mà phục người.

Hồi 17
Hí Hỷ-Hồng định kế thoát thân,
Nạn Hồn-Nhiên đương chơn bàn đạo

Nghĩa là:
Giỡn con Hỷ-Hồng phải định kế thoát thân,
Nạn ông Hồn-Nhiên đem lời chơn giảng Đạo.
Có bài kệ rằng:
Cảnh lòng nguyên phải sáng tỏ mình,
Chớ bị việc lầm mất chỗ tin,
Ngày trước đã cho người giả gạt,
Nay gặp người hiền lại hãi kinh.

Lại nói Đàm-Trường-Chơn thấy Cổ-Dủ-Phong có mấy lần chí lành, ý muốn độ, ai dè chẳng đợi ông mở miệng, nói trước rằng:
- Người đạo chẳng khá nói nhiều, ta đã nghe qua rồi, ngươi nay nói nữa ta cũng chẳng tin. Ta bị bạn ngươi gạt nhiều lần, có chỗ nào tu hành mà nói. Ta coi lại là người kiếm ăn, nói rồi bỏ vô không ra.
Đàm-Trường-Chơn nghe nói mấy lời hủy báng trong đạo không chút nào yêu mến, trong lòng muốn ra mở mang cho đạo. Lúc ấy trời gần tối, ông lại trước cửa ngồi nghỉ. Mấy người tớ ra đuổi ông đi, lấy một thùng nước tạt ướt chỗ cửa rồi đi vô đóng lại. Đàm-Trường-Chơn thấy làm ác như vậy, liền ra ngoài đường. Đêm đó trời mưa tuyết lớn nước đặc hơn một thước. Đến sáng mấy người trong nhà ra coi, thấy Đàm-Trường-Chơn ngồi giữa trời, chung quanh tuyết đông đặc lên cao, lại gần một bên ông coi chẳng có chút nào, liền báo cho chủ hay. Dủ-Phong nghe nói ra coi thấy bên mình ông hơi lên cao nghi-ngút, biết là người có đạo, liền mời ông về nhà, đãi theo bực khách trọng. Nói rằng:
- Chẳng phải tôi không tin đạo, vì trong đạo không có người chơn, phải đặng như ông chí tu khổ hạnh như vầy ai mà chẳng tuân kỉnh, ai mà dám hủy báng trong đạo. Tôi nguyện nuôi ông trong nhà tôi năm ba năm, hoặc mấy mươi năm tôi cũng vui lòng. Thôi để chọn ngày tốt, nguyện cầu ông làm thầy, chẳng biết ông chịu chăng?
Đàm-Trường-Chơn trong ý muốn khai hóa y, nay thấy y có lòng ăn-năn tự hối, tín tâm kỉnh phục, gật đầu chịu lãnh. Dủ Phong vui mừng liền sai gia tướng lại trước nhà quét dọn căn phòng sạch-sẽ thỉnh Đàm-Trường-Chơn vào đó tu hành. Hàng ngày cơm nước tinh tấn chẳng trễ, và có cho một đứa tớ gái tên Hỷ-Hồng lo việc phụng sự cho Đàm-Trường-Chơn trà nước thường hoài vì ông là người đạo đức tôn trọng, diệu lý vô cùng. Thoạt thấy ngày tháng lẹ mau, ở đó hơn nửa năm chẳng thấy Dủ-Phong hỏi thăm việc Đạo, xét coi y tâm ý ham Đạo, thiệt chẳng phải muốn học Đạo. Muốn cho người thọ lấy của y đặng y có lòng cúng dường, thế là y lập phước ý muốn mượn người tu hành giùm đặng sau hưởng phước huệ mà thôi. Đàm-Trường Chơn biết thấu lòng ý của y nên chẳng muốn ở nữa, cũng không chịu lãnh của tiền. Đôi lần muốn đi mà Dủ-Phong cầm hoài không cho đi, lại biểu mấy người trong nhà coi giữ, nên Đàm Trường-Chơn đi mấy lần bị người cản, đi không đặng. Rồi ông tưởng ra một kế phải làm như vầy... mới đặng ra khỏi nhà. Một lát con Hỷ-Hồng đem trà, Đàm-Trường-Chơn giả ý nắm tay Hỷ Hồng nói rằng:
- Tay ngươi mềm như bột. Hỷ-Hồng mắc cở nói:
- Như mực một thứ! Ông đừng cười tôi.
Liền đi ra ngoài và thưa cho bà hay. Bà nghe nói trong ý bất bình kêu chồng nói rằng:
- Đàm sư-phụ giỡn hớt con Hỷ-Hồng, sợ chẳng phải người tu chơn đó ông! Thôi biểu ổng đi cho sớm. Dủ-Phong nghe nói không tin, e Hỷ-Hồng làm biếng chẳng chịu phục sự bày việc nói dối. Bà nghe ông nói như vậy trở nghi Hỷ Hồng có ý đó. Hỷ-Hồng nghe vậy chẳng dám nói nữa. Qua bữa sau, Dủ-Phong thấy Hỷ-Hồng đem trà, ông lén theo sau rình, quả thấy Đàm-Trường-Chơn nắm tay Hỷ-Hồng cười rằng:
- Tay nàng như bông.

Dủ-Phong nghe nói liền muốn biểu ông đi, lại nhớ mấy lần ông muốn đi tại mình cầm lại, nay mình đuổi ổng ra thời việc do nơi mình bất nhơn, chẳng bằng viết ít lời dán trên vách, ổng thấy mắc cở tự nhiên phải đi, mình khỏi mang tiếng ác. Rồi biểu mấy người trong nhà thấy ổng đi đừng có cản. Dủ-Phong sắp đặt rồi bửa sau tới bữa cơm sớm, Đàm Trường-Chơn không thấy Hỷ-Hồng đem trà nước lại nữa, biết là kế đã thành liền ra ngoài coi thấy trên vách dán một cái thiệp viết bốn câu rằng:
Gió tây đem thổi tuyết bông bay,
Ngồi lạnh bồ-đoàn niệm ý sai,
Chớ nói trẻ thơ tay tợ ngọc,
Trách phận mình làm chớ tại ai!
Đàm-Trường-Chơn cười, trở vô phòng lấy bút viết bốn câu dán kế bên đó, rồi sửa soạn gói đồ ra trước nhà, nói lớn hai tiếng “Tạ ơn”. Không ai trả lời, rồi ra cửa qua phía Nam ở hai năm, sau trở lại phía Bắc.
Nói về mấy đứa tớ nhà ông Dủ-Phong, vì nghe lời chủ dạy như Đàm-Trường-Chơn có đi đừng cản nữa, nên khi thấy ông ra đi, mấy đứa đều trốn hết để ông đi rồi mới thưa cho chủ hay. Dủ Phong nghe nói đến sau phòng thấy có biên thêm 4 câu rằng:
Chớ lời tiết nguyệt với phong hoa,
Tâm chánh nào lo tiếng vạy tà,
Chẳng nói Hỷ-Hồng tay tợ ngọc,
Thân nầy chắc bị tại trung-oa (hang ếch).
Bởi Đàm-Trường-Chơn muốn độ người học đạo chớ không ham cúng dường. Còn Dủ-Phong là người giả đặng cầu danh mà thôi, nên ông không chịu, phải giả kế mà thoát thân, không ăn của vô đạo, nếu như ở đó cũng như ở trong hang ếch. Khi đó Cổ-Dủ-Phong thấy 4 câu kệ của ông, chống tay nghĩ thầm lời hiền có nói:
- “Người quân tử đi học đạo, thời muốn tầm người ham đạo, mến đạo mới vui”.

Vì biết mình cầu danh mà hưởng phước nên ông lập kế biến việc như vậy, chớ không phải là người háo sắc. Lúc đó mới biết Đàm-Trường-Chơn nói giỡn với Hỷ-Hồng đặng cho có lý sự mà kiếm nẻo thoát thân. Chừng ấy than tiếc không cùng!
Lại nói Vương-Ngọc-Dương từ khi ở Đại-Ngụy thôn, mấy người anh em đạo hữu phân ly nhau, ông đi đến đất Phong Châu. Chỗ Phong-Châu đường phía Bắc có một ông quan họ Diệu tự Sùng-Bao, làm quan tại phủ Tân-An. Vì coi thấy cuộc đời hết muốn việc quyền tước, xin nghỉ về làng để vui thú điền viên. Bình sanh chỉ ham học đạo, thấy người tu hành như gặp bà con, thân quyến, không luận giàu nghèo, hay dở, cũng mời về nhà đàm luận việc tu. Gần bên ông có cái chùa hiệu là “Ngộ Tiên Quang”, người chủ trì cũng người giữ đạo, thường hay có đạo-sĩ ở ngủ nhờ. Ông Diệu-Quang có dặn trước người giữ chùa, phàm có người học đạo tới nghỉ thì cho ông hay.
Khi kia có đến một người không phải đạo-sĩ cũng không phải thầy chùa, hay nói việc tu hành, tự xưng mình có đạo, thường khoe nói:
- Ta nay 96 tuổi, thường gặp Trương-Tam Phong cùng Lữ-Động-Tân mấy lần, còn Đạt-Ma Tổ-Sư là thầy ta, Tế-Điên Hòa-Thượng là anh em bạn ta, ta ngồi công-phu một hai ngày chẳng mỏi. Lại khoe độ người không biết bao nhiêu mà kể. Người giữ chùa nghe nói liền hỏi:
- Xin lỗi ông cho tôi biết danh tánh. Ông rằng:
- Hiệu ta là Hồn-Nhiên-Tử.
Người ấy liền dẫn ra mắt ông Diệu-Quang. Vừa tới nhà, ông ấy liền nói:
- Hòa-thượng là quỉ đói, chỗ sắc tướng; còn đạo-sĩ ma vương chỗ khí; như vậy làm sao đặng thành Tiên Phật? Nào có đặng như tôi muôn việc coi thấu, chút trần chẳng nhiễm, mới gọi người chơn-tu học đạo, phải học theo đạo tôi thì sống đặng trăm tuổi...
Diệu-Quang tánh hay ham cao háo thắng, nghe nói trong lòng vui mừng, liền cầu cho ông thọ giáo làm thầy nuôi tại trong nhà. Ông ở đó ăn nói không chút vị ai, câu nào nói ra thời bỉ bạc thầy chùa, đạo sĩ. Khi đó ông đạo ở chùa “Ngộ-Tiên-Quang” đứng một bên nghe ổng nói hủy báng tăng đạo, trong lòng chẳng phục, thầm tưởng ông nầy thiệt chẳng biết lễ nghi phải quấy, mình đã tử tế có ý đem tiến ổng đặng hưởng chỗ cúng dường, là vì mình thương người tu hành, ổng lại trở báng xáng đạo tăng, chẳng biết coi trước coi sau. Muốn giở ngói trên nhà phải coi chừng dưới đất thời mới gọi là người tu hành chính ý. Đã trước mặt mình mà không vị. ổng thấy Diệu-Quang kính trọng, ổng trở lại khinh tiện bạn mình, thiệt người không hậu. Tôi phải kiếm một người biết đạo tham-thiền công-phu cho hơn ổng đặng bỉ-bạc trả hờn tôi mới vừa ý. Tưởng rồi liền kiếu ra về. Cách ít bữa, may có Vương-Ngọc-Dương tới hỏi ở nhờ. Ông chủ chùa thấy Ngọc-Dương khí tượng hẳn hòi, chắc là người có đạo, thấy trọn ngày ngồi công-phu hoài, mà tinh thần thêm tráng kiện. Nghĩ thầm muốn phá ông già kia chắc phải cầu ông già nầy mới đặng.
Muốn nói việc tỏ rõ cho ông nghe mà sợ ổng không đi bèn sanh một kế, nói cùng Vương-Ngọc-Dương rằng:
- Trong nhà của Diệu-Quang có tới một người tu hành giỏi, ngồi công-phu mười mấy ngày chẳng mỏi. Tôi nay muốn cùng đạo hữu qua đó thăm chơi, chẳng biết đạo hữu chịu chăng? Vương-Ngọc-Dương nghe nói cũng mừng, hai đàng liền sửa soạn qua đến nhà Diệu Quang, mấy người coi cửa vô báo cho Diệu-Quang hay, ông liền ra nghinh tiếp, đồng đến nhà khách trà nước chưa kịp hỏi thăm liền thấy một ông đầu bạc đi ra. Vương-Ngọc-Dương thấy người xanh, mày to, mắt nhỏ, mủi đảnh, trán vồ, môi chì, răng sún, miệng tròn, tai lớn, có ít sợi râu rìa, trên đầu có ít chòm tóc bạc, giống như bà già lại ngồi trên ghế giữa. Ông chủ chùa nói với Ngọc-Dương rằng: Ông đây là người đại tu hành, tôi tỏ cùng sư huynh hồi sớm đó.

Ngọc-Dương nghe nói lật đật đứng dậy chắp tay chào sư huynh. Ông ấy ngồi nghe chẳng hề đáp lễ, ý gọi mình là cao rồi, nên coi Ngọc-Dương không ra gì, liền hỏi:
- Nầy đạo, “Hoặc thị tài hoa hay là sáp liễu?”
Ngọc-Dương không biết ông nói việc chi, chưa kịp trả lời ông già lại hỏi: Mầy có vợ hay chưa?
Ngọc-Dương tưởng ông hỏi theo việc tục, đáp rằng: Vợ tôi cũng có rồi, vì ra tu hành bỏ lại ở nhà.
Hồn-Nhiên-Tử cười lớn rằng:
- Uổng cho mày ra tu hành, hỏi có mấy câu cũng không biết. Ta hỏi mầy tài hoa, là hỏi phải thiếu niên xuất gia chăng? Còn sáp liễu là hỏi phải trung niên xuất gia chăng? Hỏi mầy có vợ chưa là hỏi đặng chơn âm tiêu tức hay chưa? Mầy lại đem lời tục nói chuyện. Thiệt là người không biết đạo. Bằng đem việc hoài thai hỏi mầy nữa càng thêm không biết! 0
Ngọc-Dương tánh dung người nên không trách, dòm thấy ông chủ chùa mặt biến sắc, trong ý y chắc là mình thua nên mặt biến sắc như vậy. Thôi phải biện nói ít câu đặng cứu cái thể diện của y. Liền cười nói rằng: Hồi nãy thầy hỏi việc “Chơn âm”, không biết cái chơn âm đó là vật chi? Còn nói “hoài thai” mà cái thai đó tùng ở đâu mà kiết? Hoài là vật chi? Hồn-Nhiên-Tử không biết, nín một hồi lâu trả lời không đặng, vùng cười rằng: Huyền cơ chẳng khá tiết lậu, nào đặng nói cho mầy nghe.
Người chủ chùa thấy ông ấy nói gượng, biết là ông không hiểu, liền thưa Ngọc-Dương rằng:
- Vậy cầu sư huynh phân giải, chắc ổng không biết, xin đừng hỏi nữa.

Hồi 18
Vương-Ngọc-Dương dĩ chơn phục giả,
Đàm-Trường-Chơn thuyết cổ đàm kim

Nghĩa là:
Vương-Ngọc-Dương lấy chơn mà phục giả,
Đàm-Trường-Chơn giảng xưa mà tỉnh nay.
Có bài kệ rằng:
Nghe nói Tây-Phương chưởng kim liên,
Bông khai mười trượng cử như thuyền,
Linh đài bèn có kỳ viên thọ,
Bổn địa phong quang thiệt Phật thiên.

Lại nói Vương-Ngọc-Dương đem mấy câu thiết yếu hỏi, ông Hồn-Nhiên-Tử trả lời không đặng, đúng là:
Nhiều lần khoe nói dối,
Rồi hỏi, đáp không ra.
Người chủ chùa vổ tay cười lớn rằng:
- Đạo huynh nói đi, xin đừng vấn nạn, nhắm ông không hiểu đâu.
Hồn-Nhiên-Tử nghe nói mình không biết liền nổi giận, hai đàng đấu khẩu. Ngọc-Dương lấy lời hòa giải nói rằng:
- Lão tiên sanh chẳng phải không biết, vì không dám nói tiết lậu thiên cơ. Nay để tôi đem mấy lời phân luận cho quí thầy xét thử coi phải hay không. Vì chơn-âm chơn-dương là hai khí âm dương. Khí chơn-dương hay ẩn tại cang, khí chơn-âm hay tụ tại phế. Cang thuộc mộc là chỗ tụ hồn. Phế thuộc kim là chỗ ẩn phách. Kim là đài núi, mộc là chấn nam. Mộc vượng nơi Đông, kim sanh tại Tây, nên gọi là “Đông gia lang, Tây xá nữ”.Như mà muốn kim mộc gặp nhau, thời phải hồn chẳng lìa phách, phách chẳng lìa hồn. Như chồng yêu vợ, vợ mến chồng, đó là cái nghĩa “âm dương” hội hiệp.

Còn lão tiên-sanh hỏi tôi có gia thất chưa, là mượn ý Huỳnh Bà dẫn dắt, đặng cho kim mộc hai đàng không ly cách mới gọi như chồng vợ thương nhau khắng khít. Bởi cái ý thuộc “Thổ” hay nhiều việc “Tình”, sắc vàng mà ham vọng động, nên thí dụ là “Huỳnh-Bà”.
Còn Đông Tây qua lại hơi thông hai nhà cũng như bà mai vậy. Còn nói việc hoài thai là nói cái chơn khí ngưng kiết tại đơn điền, gọi hình có thai. Chơn-khí đầy đủ thì phát hiện làm “Thần”, nên nói “Thần” là con của khí, khí là mẹ của Thần. Bởi vậy hay nói “Anh-Nhi” giáng sanh, đến chừng đại đơn thành rồi khá sánh cùng trời đất đồng thể, cùng nhựt nguyệt đồng sáng.
Diệu-Quang nghe mấy lời vui mừng chẳng xiết, có ý hân hoan. Hồn-Nhiên-Tử thấy vậy sợ Ngọc-Dương dành chén cơm của y, liền nói lớn rằng: Người có đức chẳng cần nhiều lời, kẻ nhiều lời chẳng phải có đức. Mầy dám với tao ngồi công-phu hai ba ngày chẳng cần ăn uống, đặng vậy mới gọi là công-phu.
Vương-Ngọc-Dương cười rằng:
- Xin lỗi thầy, nhiều nữa tôi không dám, còn đôi ba ngày tôi xin chiều ý thầy.
Nói rồi hai đàng liền ngồi tại khách đường công-phu. Hồn-Nhiên-Tử thường khi cũng ngồi đặng đôi ba ngày, nay vì muốn kình với Ngọc-Dương, ngặt trong lòng hơi giận nên ngồi không yên, sanh nhiều việc phiền não, rồi muốn tưởng uống trà, uống nước, một lát lại muốn đi đại, đi tiểu. Trọn ngày đi xuống hơn mấy chục lần. Qua đến bữa thứ nhì ngồi không đặng nữa, càng thêm ngủ trưa gục hoài, rồi đi xuống kiếm ăn, ngủ ngáy khò khò. Vương-Ngọc-Dương ngồi đến bữa thứ ba mới xuống. Trong mình lại có hơi tinh-thần thong thả. Diệu-Quang thấy vậy rất khen mừng:
- Thiệt thầy công-phu lão tiên-sanh sánh chẳng kịp. Ngọc-Dương nói:
- Chẳng phải lão tiên-sanh không bằng tôi, vì ổng già cả tuổi lớn, khí lực phải sau. Như tôi già bằng ổng ngồi nửa ngày cũng không đặng.
Hồn-Nhiên-Tử nghe nói khiêm trong lòng cảm phục, lại nói chuyện với ông, lấy chỗ lễ nghi mà phân, chẳng dám tự cao tự đại nữa. Ngọc-Dương ở tại nhà Diệu-Quang mấy bữa, có dạy Hồn Nhiên ít đoạn công-phu, hai đàng thiệt cũng thương nhau. Bữa nọ Ngọc-Dương nói để qua chùa “Ngộ-Tiên-Quang” lấy đồ. Đã mấy bữa chẳng thấy trở lại, Diệu-Quang sai gia tướng hỏi thăm ông chủ chùa, ông nói ổng về đây lấy đồ rồi đi liền. Chừng ấy nghe tin biết ông đi rồi, dậm chân than rằng:
- Thiệt mình không có tiền duyên nên làm bạn với ông không đặng. Hồn-Nhiên-Tử nghe nói ông đi cũng có ý thương tiếc.

Lại nói qua Lưu-Trường-Sanh, từ cùng mấy người đạo hữu ly biệt đi qua Nam-du rồi trở lại Đông-Lỗ tại núi Thái-Sơn, buộc chí định tu ba năm đặng thành chánh quả. Đêm nọ xuất tánh phi thăng lên cung Diêu-Trì, vô tham bái bà Vương-Mẫu. Thấy mấy Tiên-nữ đứng hai bên, ý tưởng trong thế gian ít người đặng vậy, khó vẽ, khó họa, khá thương, khá khen, rồi trong lòng niệm động, lén ngó mấy nàng Tiên-nữ. Vương-Mẫu ngó thấy trách rằng:
- Sao ngươi lén nhìn Tiên-nữ? Ý muốn làm sao? Lưu-Trường-Sanh nghe quở biết mình thất lễ, kinh sợ cúi đầu xin tội rằng:
- Tôi thấy Tiên-nữ mặc áo bào, vô ý lén ngó, chớ thiệt không có ý chi lạ! Xin từ-ân dung thứ. Bà nói:
- Chẳng phải ta không thương, vì trách ngươi việc nhơn ngã còn sanh, điều sắc tướng chưa hết. Bằng như cho ngươi kim-đơn thành tựu cũng chẳng đặng siêu phàm nhập thánh. Nên phải trở lại thế gian, khổ tu khổ luyện cho dứt tánh phàm mới đặng chứng quả.
Nói rồi liền sai Tiên-Quan đưa xuống cửa Nam Thiên, giựt mình thức dậy mới biết mình chiêm bao. Ngồi nghĩ thầm việc trên cung Diêu-Trì, thiệt là niệm sai một lỗi cũng khó thành! Lại nhớ thầy khi trước có nói, khen mình đơn đạo đặng tốt, mà bị bịnh sắc tướng chưa thông. Nay chiêm bao vào trong Diêu-Trì, Vương-Mẫu trách phạt, thầm nhớ mấy lời thầy nói trước không sai. Nay chẳng biết công-phu làm sao đặng trừ cho hết sắc tướng, ắt phải hạ san (xuống núi) đi tầm một người cao giỏi chỉ dạy. Nghĩ rồi hạ san đi hết mấy bữa, xảy đâu thấy Đàm Trường-Chơn hỏi thăm chuyện vãn việc trước một hồi. Lưu Trường-Sanh nói:
- Anh chẳng chịu lãnh của ông Dủ-Phong cúng dường việc ấy cũng phải. Còn tôi tại Diêu-Trì lầm ngó Tiên-nữ, việc ấy cũng đáng lỗi, là tại tôi không gìn giữ phép tắc nên mới động phàm tâm. Nay tôi muốn luyện cho hết sắc tướng, diệt cho dứt phàm tâm như như bất động, nhưng chưa biết tùng đâu mà luyện ra?
Đàm-Trường-Chơn nói:
- Tích xưa có Hứa-Tin-Vương 0 khi còn nhỏ làm việc săn bắn. Bữa nọ đi trong núi, bắn nhằm con nai nhỏ, mang tên chạy trốn. Mấy người đi cùng ông kiếm tầm tột tới bên hố, thấy nai con bị tên nằm dưới đất, nai mẹ cắn cỏ nhổ cho con, lại liếm chỗ mũi tên mà sa nước mắt. Thấy người đi đến, nai mẹ vì thương con không đành bỏ chạy, thinh-không nhào xuống, mẹ con đều bị bắt hết. Bạn chủ đem về mổ ra thấy ruột nai mẹ đứt làm mấy đoạn. Nai con tuy bị thương mà ruột còn nguyên là vì còn khờ, còn nai mẹ vì thương con mà đứt ruột dường ấy!

Hứa-Tin-Vương thấy vậy bất nhẫn, liền đem cung tên bỏ hết, vào núi tu, sau đặng thành chánh-quả.
Nay mình ra tu biết cái nẻo ái-dục là mối chuyền hóa: người, thú, Tiên, Phật, cũng do đó mà thành. Vì 96 ức nguyên-nhơn xuống trần, kẻ tu trước thành rồi thì về trước, người chưa tỉnh còn lại thì về sau.
Đến nay mình ra tu, biết ăn miếng chay, lạy chung một bàn Phật thì coi cũng như Linh-Sơn cốt nhục! Cũng như cha mẹ một máu một thịt mà sanh, nào có chẳng thương nhau!
Như nay sư huynh muốn trừ cái sắc tướng không không, tâm phàm đừng vọng thì tưởng như mẹ thương con mà đứt ruột liều mình. Còn anh thương em thể câu đồng bào thủ túc, có lẽ nào mà sanh biến các điều quấy đặng nữa?Nói về ông Hứa-Tin-Vương đặng thành chánh-quả rồi, ông muốn ra hóa độ thế gian. Ông lập ra một chỗ thuyết pháp, giảng Kinh dạy việc tu hành, thâu đặng hơn 100 đệ tử. Bữa nọ ông nói cùng đệ tử rằng: Mấy trò hơn 100 người chẳng phải ít, bỏ nhà theo đạo thiệt có lòng thành, hễ người tu hành trước phải trừ sắc tướng. Mấy trò như thấy nữ sắc có vọng trong lòng chăng?
Mấy người thưa rằng: Như luận việc Tài, Khí cùng Tửu, hoặc ý đó chưa đặng sạch. Còn việc nữ sắc chắc bạn tôi đều bỏ hết, không ham.Hứa-Tin-Vương cười rằng: Mấy trò nói đặng trong sạch chớ ta e chưa đặng. Vì ta thấy bề ngoài các ngươi còn tư-vọng chưa có khắc cái ý cho tuyệt, nên ta sợ hậu nhựt khó ngăn việc ấy.Các đệ tử rằng:
- Bạn tôi không dám nói dối với thầy. Hứa-Tin-Vương nói:
- Ta có phép thử biết giả chơn, vậy mỗi người kiếm một cây than chừng 3 thước, để trên giường ngủ một đêm, sáng ngày phải đem giao cây than cho ta, rồi ta mới truyền cái công-phu huyền diệu.
Mấy người nghe nói không biết ý chi, đều đi kiếm cây than để trên giường. Đêm ấy người người đều ngủ, tỉnh giấc ngồi dậy thấy một cô gái nằm dựa bên, dục ý khởi tâm, dằn giữ không đặng, chơn dương tiết lậu. Kế nghe ngoài cửa kêu một tiếng lớn: Mau mau đem giao cây than, thầy đợi lâu rồi. Mấy người nghe kêu mà còn giựt mình ôm cây than, nghe ngoài kêu thúc mau mau. Ai nấy liền bận áo đem giao cây than.
Ra ngoài thấy Hứa-Tin-Vương, người người đều thất sắc. Ngài biểu mấy trò đứng hai hàng, kêu từ người đem giao. Mấy người nghe nói chẳng dám trái lời. Người thứ nhất đem lại, Hứa Tin-Vương hỏi:
- Ngươi đặng mấy mươi tuổi?
Đáp: Thưa thầy, tôi 76 tuổi.
Hứa-Tin-Vương nói: Ngươi nay tuổi đã lớn mà còn ham việc sắc dâm chẳng bỏ!
Thưa rằng: Chẳng hay sao thầy biết tôi chẳng bỏ?
Thầy rằng: Như ông nói không ham việc sắc mà cây than dường ấy? Ông nọ nghe nói dòm cây than nửa chừng biến sắc, coi bộ ngỡ-ngàng hổ thẹn! Nhớ lại hồi hôm tiết lậu chơn dương mắc cở, gục đầu chẳng dám ngó lên nữa. Mấy người nghe thầy quở ông ấy, liền nhớ có giao hiệp với một nàng thiếu nữ ban đêm, đó là cây than biến ra như vậy! Mới biết là thầy thử mình, nên thảy đều ngậm miệng chẳng dám đem giao cây than. Kêu thúc mấy lần chẳng thấy một người dời bước, duy có một người mĩm cười đi lại giao cây than không có dấu chi hết.
Hứa-Tin-Vương hỏi người ấy rằng: Việc sắc người nào cũng ham, sao trò không muốn?
Đáp: Thưa thầy, tại vì đệ tử trong chỗ sắc mà sinh ra.
Hứa-Tin-Vương lại hỏi: Trò lấy phép chi mà luyện?

Thưa rằng: Phàm việc chi có lầm rồi mới có sợ. Ban đầu thấy sắc thì ham muốn cho đặng; chừng đặng rồi sớm vui chiều mừng. Lâu ngày thân suy khí yếu tật bịnh đều sanh mới biết lo tánh mạng, mới sợ mà lánh đó! Nay đối cảnh vong tình, mới tuyệt sự dục mà giữ mình. Vì tôi lúc còn nhỏ chơi-bời chẳng xét, trọn ngày nằm huê giỡn liễu, cả năm không về. Tưởng chỗ nhà điếm cũng như nhà mình, thường thấy nhiều người mỹ-mạo kiều tư nói chẳng xiết. Phong huê tiết nguyệt làm hại tinh thần, sợ muốn lánh mà lánh không đặng. Nay biết ăn-năn mới trốn lại đây mà học Đạo, đặng bảo toàn tánh mạng, chẳng chịu tham luyến về nữ sắc phấn son, tầm phương trừ ái-dục mới thoát nẻo luân hồi. Trước buộc chí tu hành, sau cửu-huyền siêu độ. Bởi biết nhiều thấy rộng chán trải thấu rồi, thường coi tích bà Vọng Phu mà giựt mình giác tỉnh, biết chắc lầm rồi.
Đây nhắc tích bà Vọng-Phu. Nhơn khi trước Trần-Muội-Lý ở Bồng-Lai đảnh làm chức Đinh-Thần Nguyên-Soái. Còn Đoàn Minh-Đạo ở Bích-Tiên động làm chức Phong-Huệ Chơn-Nhơn.
Nguyên trước hai người cùng học một thầy, trường trai hơn 20 năm, qui giới tinh nghiêm, thần-thông biến hóa, đạo-thuật vô cùng. Đến ngày liễu đạo đều đặng đơn-thơ lai chiếu, biết trước cách 10 ngày, có làm chúc ngôn để lại cho thân-tộc đều hay rồi mới đi. Khi xuất tánh trong nhà có mùi thơm 3 ngày, ai nấy không biết, đều đi kiếm coi mùi thơm ở đâu ra, chớ không rõ là Kim-Đồng, Ngọc-Nữ xuống rước. Đến lúc đi rồi thì hơi thơm đều dứt, thiệt là tiên-căn đạo-cốt, tinh tú lâm phàm, tuy xuống trần mà chẳng nhiễm mùi trần.
Rồi có một lúc hai đàng đương ăn yến tiệc tại Diêu-Trì Cung, mãn tiệc rồi hai người ra ngoài hứng mát, kẻ trước người sau chuyện vãn việc tu hành. Cách một hồi lâu chẳng qua là tâm phàm còn mến, buông lời diễu cợt, ý niệm tư trần. Đến chừng hồi cung Đức Diêu-Trì kêu vô nói rằng: Hai người còn muốn lâm đường dâm-dục, thế chưa ngán ghê vòng biển ái, chắc là không muốn cảnh thanh-lương của ta. Vậy muốn đi thì ta cũng tùy tâm mà cho đi. Việc nầy tự tác huờn tự thọ, đừng phiền. Nói rồi dạy ông Giao-Thiên Đại-Xá dĩ bộ của Đinh-Thần Nguyên Soái và Phong-Huệ Chơn-Nhơn. Hai đàng nghe Diêu-Trì Kim Mẫu phân nói, lật đật áo mão đến trước làm lễ xin cầu dung tội, hơn mấy lần cũng không đặng. Khi phân rồi thì hội đương khai mở, liền cho hai người xuống đầu thai.
Từ ngày xuống đầu thai đến sau, Trần-Muội-Lý lớn khôn học tập lễ-nghi, lúc 15 tuổi phát tâm theo thầy trường trai đặng 18 năm, lại trở về nhà nuôi dưỡng cha mẹ, thường ngày cũng tu hành có hơn 3 năm. Sau trong nhà có hơi quẩn bách mới biến kế làm ăn, chuyên nghề gạo lúa dư đặng số ngàn lại muốn kiếm số muôn, lòng tham không chán quên trở về nhà. Lúc nọ, gặp người anh em bạn ở gần nói:
- Bác ở nhà bịnh hơn mấy ngày rày, anh không hay sao?

Trần-Muội-Lý nghe nói lật đật trở về thấy mẹ đau bịnh kiết, hết lòng săn sóc có nửa tháng, chẳng may bà mãn phần, mai táng xong rồi, y lại lo việc buôn bán như cũ. Sau tại đó có một người đàn bà ngoài 30 tuổi, thấy y có tiền, thường ngày hay tới lui diễu cợt, trang điểm trêu ngươi. Chẳng qua là việc đời mạnh hơn việc đạo, lâu ngày nhựt nhiễm nguyệt thu, bỏ thầy không tới, kinh sám chẳng coi. Còn bàn Phật một ngày không vô một lát, trọn tháng chẳng cúng một lần, nhang tàn khói lạnh. Lâu ngày kẻ thơ người phú, a ý khúc tùng, phóng tâm thầm lén, sanh một đứa con. Kế y thọ bịnh, mai đau chiều dứt, chạy thuốc hết tiền. Chẳng qua là khí số dĩ-tuyệt, đau chẳng mấy ngày trở nặng mà chết.
Nguyên người vợ buổi trước có tư-tình với một tên ở gần bên xóm. Chừng người vợ thấy chồng chết rồi, đêm khuya hai đàng mới tính cùng nhau bồng con đi xứ khác. Còn Trần-Muội Lý nằm hơn 5 ngày có hơi, trong xóm mới hay thì thi thể đã rã. Làng xóm chưa rõ nguyên căn, liền cớ quan đến mổ rồi mới cho chôn.
Thiệt thấy cái cảnh như vậy rất đáng ghê cho việc vợ chồng ân-ân ái-ái. Nghĩ lại thân nầy lúc sống chưa đặng thảnh thơi, đến chết còn bị phân thây xẻ thịt. Như vậy có đáng sợ hay không?
Than ôi! Nghĩ cho cuộc trần là cuộc tang thương, tợ như chai bể, khác nào như đứng trong tuồng hát bộ, nào tướng, soái, vua, tôi, cha con, chồng vợ, thay đổi liền liền, có phải là tại tham mối sắc tài mà quên câu hiếu đạo chăng? Phải vì lụy tiền bạc, vợ con mà chịu cái thân thê-thảm đó chăng?

* * *

Lại nói qua Đoàn-Minh-Đạo đầu thai nhằm chỗ giàu có, khi đặng 14 tuổi, cha mẹ định gả không chịu, lén trốn vô chùa tu hơn 9 năm. Ngày nọ chị em trong chùa làm mất một chiếc kim-xuyến, chẳng rõ ai lấy, nghi cho cô, cô trong lòng buồn bực ép mình chẳng đặng, gây việc hơn thua, càng ngày càng bỏ việc quỳ hương lạy Phật, bái sám công-phu, oan ma nhập khiếu, muốn biến kế sanh phương làm ăn. Nàng bị khảo thuận cảnh, làm ít đặng nhiều, mê quên mệt trí. Lại muốn đắm thêm danh sắc, sanh ý tô điểm phấn son, áo nu quần tía, dù võng nhổn nha. Nhiều khi thầy thấy vậy sợ hư trong mối đạo, ngăn dứt cửa lành, vì sợ cô mê theo đường tài sắc, ma-chướng dẫn ra, lâu ngày tu không đặng. Thầy can dứt cô trở lại nghịch với thầy; hoặc người trong đạo có thương phân nhắc, cô lấy tiếng gạt ngang, lại không chiếu cố trong đạo, thường hay giao thiệp với người ngoài. Vì vậy mà lâu ngày sao không đổi tánh!
Đương sẵn mối buồn, bèn về nhà lo nghề ruộng rẩy nuôi thân, còn việc chay lạt như thường. Chẳng qua là tâm phàm chế không đặng, mơ ước theo đường tình-ái, thấy người phải lòng thì có ý đêm ngày mơ ước chẳng dứt. Xóm đó có một trai hảo-hớn thường hay ra vô dòm ngó, lâu ngày thấy ý cô trở như vậy, lại trêu cợt tư-tình với cô có hơn một năm, mang thai gần ngày. Cũng vì cô bỏ lời nguyện, mê luyến việc trần, nên khiến cô vừa lâm-bồn không thấy mặt con, con vừa sổ thì cô tắt hơi, mình mẩy đều thâm như mực. Hỡi ôi! Nghĩ vậy có ngán cho thân phụ nữ đã mang điều nhơ uế chịu chỗ cam go, đem thân ngà-ngọc mà vùi chỗ bùn lầy. Thiệt khá tiếc giùm lắm vậy!

Uổng thay! hai người vì có căn lành trồng đời trước, thiệt là tam sanh hữu hạnh mới chuyển đặng làm người, vì ý niệm sai đắm mê chỗ sắc tài mà bỏ mất căn lành trước! Phải chi lúc đương tu mà ép chí và ngán cái khẩu nghiệp, tuân theo lời thầy dạy sửa mình, đừng tranh trường luận đoản, tính việc hơn thua, nhớ câu: “Hết đắng tới ngọt, hết nhục tới vinh, dung người là phước, khi người là tội” mà nương nhau, thì có lẽ nào ở chung không đặng? Vậy có phải là một cây quẹt mà đốt tiêu hết cả núi rừng không?
Cũng vì ham một chút vui mà qua hơn mấy kiếp, đến chừng chuyển qua kiếp thứ ba, hai đàng luân-hồi làm con nhà nghèo, lại cho Trần-Muội-Lý với Đoàn-Minh-Đạo đầu thai chung một nhà, chừng người anh đặng 8 tuổi, thì em đặng 5 tuổi. Lúc nọ mẹ đi chợ mua ấu về cho con, chia mỗi người 5 trái. Người anh biết hơn nên chẻ ăn hết trước, người em còn lại 3 trái. Trần-Muội-Lý lại lấy của em mà ăn. Em không chịu giành nhau đánh lộn. Muội-Lý đang cầm con dao bổ trên đầu em la khóc om sòm. Mẹ nghe chạy ra thấy vậy rút roi đánh Muội-Lý, Muội-Lý sợ đòn chạy luôn ra chợ đi mất không dám về, kiếm không đặng, bỏ cha mẹ với em ở lại.
Chẳng may người cha đau có 3 ngày mà bỏ mình. Chừng đó mẹ góa con côi hiu-quạnh đêm ngày. Bà giải sầu không đặng, đêm trông con chẳng ngủ, ngày nhớ bạn quên ăn, càng ngày càng mòn mỏi rồi bỏ mình theo chồng, nhờ xóm giềng toan liệu chôn cất. Lúc ấy cô em 0 đặng 15 tuổi không ai kềm chế, nên kết với chị em điếm đàng, tập tánh trang điểm, đi sang xứ khác.
Ngày nọ tình cờ gặp Trần-Muội-Lý mà anh em chẳng biết nhau, rồi hai đàng than huê nói liễu, đẹp ý vừa tình, ở với nhau sanh đặng một đứa con 3 tuổi tên là Muội-Trần. Một buổi trưa người vợ mượn chồng bắt chí, chồng thấy cái thẹo giữa đầu hỏi rằng: Tại sao mà có cái thẹo như vậy? Vợ nghe nói mắc cở, hai tay đậy lại cười ngã lăn nói không đặng. Chồng rằng: Tôi thấy cười thật tôi mắc cở quá. Chừng ấy vợ mới thuật từ trước đến sau v.v...
Trần-Muội-Lý nghe những lời của vợ, trong lòng hổ thầm, đứng dậy đi nghỉ. Đêm đó chàng ưu-tư, không an giấc đặng. Sáng ngày giả ra chợ mua đồ, quần áo mặc đôi ba mớ, đi càng ngày càng tối không thấy về. Có hơn nửa tháng, người vợ trông không đặng, bán nhà bồng con đi kiếm, cũng không nghe tin tức ở đâu, rồi đến tại mé biển mà ngó chừng. Tại đó có một bàn đá lớn, Đoàn-Minh-Đạo lên ngồi mà giải buồn, có hơn 10 ngày không ăn, chẳng qua khí số đã tuyệt, đến 12 ngày hai mẹ con chết khô trên đó!
Hỡi ôi! Nghĩ như vậy mà còn non nước nào không giựt mình thức tỉnh đặng giải thoát lưới mê. Phải như không có việc bắt chí thì càng lầm sai biết mấy, làm sao hiểu đặng mà sớm hổ thẹn ăn-năn. Xét cho kỹ, thì trong cõi thế gian nầy ở lâu chừng nào thì lầm sai việc ân-ái nhiều chừng nấy, có phương chi mà khỏi phạm trong mối luân-thường!

Bởi vậy chư Phật chư Tổ sợ mình lên xuống nhiều kiếp, không biết đầu thai ngã nào, thì càng lầm sai lắm. Xin chư hiền coi sự tích bà Vọng-Phu nên thức tỉnh sớm giác; trước trả thảo cửu-huyền, sau khỏi lầm kiếp muội. Sự tích bà Vọng-Phu đã hết, xin giải qua lúc ông Hứa-Tin-Vương giảng đạo với mấy người học trò.
Đây nói qua ông Hứa-Tin-Vương nghe dứt gật đầu biểu mấy người đệ tử kia đi hết, để lại một mình người ấy, truyền chỗ công-phu yếu-diệu, sau đặng chánh quả. Lấy đó mà suy, hễ việc gì biết rồi mới có thấu đặng thì bỏ trừ nào khó.
Nên hễ người tu hành, trước sửa bề ngoài, thì tự nhiên bề trong phải theo hết.
Đàm-Trường-Chơn lấy việc cổ nhơn giảng nói cho Lưu-Trường-Sanh nghe rồi Trường-Sanh nói:
- Tôi nói việc đó chẳng qua là niệm nơi tình ngoài, ngày kia cũng phải đến chỗ yên hoa nhà điếm, đặng rửa sạch chỗ kiều-nga phấn-diện, cho nhiều thấy rộng nghe. Luyện con mắt cho không còn một mảy luyến sắc, như vậy mới đặng.
Đàm-Trường-Chơn nghe nói liền rủ Trường-Sanh đến đất Tấn đặng coi chỗ Đạo-Tổ giáng sanh. Hai người đi hết mấy ngày giữa đường gặp ông Vương-Ngọc-Dương, Ngọc-Dương thuật chuyện Diệu-Quang với Hồn-Nhiên-Tử và đàm luận việc đạo của hai người v.v.. Lưu-Trường-Sanh nghe nói cười rằng:
- Như vậy rất hay, mà cái đạo ông ấy dường nào? Ngọc-Dương nói:
- May là tôi nhờ không-trung ám-hộ nên ngồi tọa-công đặng bền, không thôi ông ấy khoe miệng ai mà chịu nổi. Đàm-Trường-Chơn nói:
- Coi lại việc tọa-công nầy cũng như đồ báu của người học đạo, dễ gì mà khoe tài. Vậy người trong bọn ta chẳng khá bỏ qua việc ấy. Ba người vừa đi vừa nói, vẳng nghe sau lưng có người kêu: Đợi tôi đi với!

Kiều tư là cũng phấn khô lâu,
Sớm vui tối luyến lại không sầu,
Có bữa vô thường muôn việc hết,
Khó chuộng nhà cao với cửa lầu.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 263
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com