watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:39:4928/03/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Thất Chơn Nhơn Quả - Trang 7
Chỉ mục bài viết
Thất Chơn Nhơn Quả
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 7 trong tổng số 10

Hồi 19
Luận huyền-cơ tứ ngôn khế diệu đạo,
Khai thạch động nhứt nhơn độc cần lao

Nghĩa là:
Luận việc huyền-cơ bốn lời bày diệu đạo,
Phá động đá một người làm cực nhọc.
Có bài kệ rằng:
Sa đắm trầm luân đã mấy năm,
Ái hà sóng dập bủa muôn tầm,
Người tu khá đặng lên cao bực,
Chớ đợi trong vòng mới hỏi thăm.

Lại nói Lưu-Trường-Sanh cùng Vương-Ngọc-Dương và Đàm-Trường-Chơn ba người đang đi, vẳng nghe sau lưng có người kêu, ba người ngó lại thấy Xích-Thái-Cổ. Anh em bấy lâu xa cách nay đặng gặp nhau lấy làm vui mừng. Bốn người đồng đi tới đất Khổ-Huyện, tầm đặng chỗ Đức Thái-Thượng giáng sanh, thấy có 9 cái giếng ở chung quanh Bát Giác-Đình, bên đình có một cây lý. Bốn người vào trong Bát-Giác đình, thấy giữa có tấm bảng đá biên tích giáng sanh kỷ niệm rằng:
Thuở vua Bàn-Canh, từ nhà Thương cải làm nhà Ân, qua nhà Ân năm năm chỗ đó có một người rõ biết lý số, thông hiểu việc quá khứ vị lai, có công thanh-tịnh tu dưỡng, trọn đời ẩn trốn không cần ai hết. Người ấy có một người con gái 19 tuổi chưa chồng, đáng người thục nữ, tánh ưa ở chỗ u-tịnh, chẳng chịu chơi giỡn với ai. Bữa nọ nàng đến dưới cây lý thấy một trái chín, nàng vói hái ăn, lần lần có thai. Gái không có chồng mà có thai nên phải chịu tiếng đồn. Người cha coi lý-số thấu đáo, biết là Đại-Thánh giáng thế nên nuôi dưỡng con kỹ-lưỡng.
Cô gái thường thường không bịnh, có thánh thái trong bụng lại hay chọn tính năm tháng ngày giờ mà sanh: chọn đặng năm không đặng tháng, đặng tháng không đặng ngày, đặng ngày không đặng giờ. Kể tính hết 81 năm, Thánh-Mẫu đã đặng 100 tuổi. Từ có thánh-thai không đói không lạnh, không bịnh không phiền. Năm đó ngày rằm tháng 2, Thánh-Mẫu dạo chơi dưới cây lý, ngồi nghỉ nơi gốc cây, Thái-Thượng vạch hông mẹ mà sanh. Lúc sanh rồi thấy tóc Ngài bạc trắng, xuống đất biết đi tới bảy bước, lui ba bước, nói lớn lên rằng: “Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn”. Nói rồi trên nữa từng trời nhạc Tiên rao khắp, gió thơm phất phất. Ngọc-Nữ rưới bông, chín rồng phun nước tắm rửa khắp mình. Sau chỗ tắm thành ra 9 cái giếng. Thái-Thượng trí không ai bằng, thánh đức như Trời, chỉ cây lý làm họ. Vì ông mới sanh ra đầu bạc, nên người kêu là Lão-Tử. Đó là tích ông giáng sanh.
Thiệt ông thần thông, kinh sử có để truyền mấy đời, đều có bằng chứng, chẳng phải việc vô cớ. Lưu, Xích mấy ông coi rồi khen rằng: Thiệt Thái-Thượng đạo-phong để tiếng ngàn năm muôn đời khen ngợi chẳng xiết. Xét lại bạn ta ngộ đạo cũng nhiều năm mà huyền-công á-diệu chưa thấy ai dở ai hay! Nay anh em mình ngồi tại cảnh Tiên, thôi mỗi người lộ nói huyền-cơ đặng mà vui mừng việc đạo.
Xích-Thái-Cổ thi rằng:
Huệ kiếm cao huyền tinh đẩu hàn,
Huấn ma thúc thủ nan sanh đoan,
Bồ-đoàn tọa đáng tam canh nguyệt,
Cửu chuyển huờn đơn long hổ bàng.

Giải nghĩa:
Huệ kiếm treo cao tinh đẩu hàn,
Thất-tình lục-dục khó sanh đoan,
Bồ-đoàn ngồi đến canh ba nguyệt,
Chín chuyển đơn thành long hổ bàng.

(Âm dương hiệp nhứt kêu là long hổ bàng triều.)
Vương-Ngọc-Dương thi rằng:
Tiên đình lãm cổ tự ôn hàn,
Khảo chứng huyền công tới đích đoan,
Trót đắc kim-ô hòa ngọc-thố,
Tự nhiên hổ cứ dữ long bàng.
Giải nghĩa:
Tiên-đình coi sổ nhắc ôn-hàn,
Khảo chứng huyền-công thiệt rõ ràng,
Bắt đặng kim-ô cùng ngọc-thố,
Nên mà hổ cứ với long bàng.
Đàm-Trường-Chơn thi rằng:
Đạo pháp vô biên chúng quỉ hàn,
Siêu phàm nhập thánh khởi vô đoan,
Nhứt quyền đả phá si-mê dõng,
Yến nguyệt lư trung long hổ bàng.

Giải nghĩa:
Đạo pháp không bờ chúng quỉ than,
Siêu phàm nhập thánh há vô đoan,
Một tay phá bể màn mê-ngốc,
Yến nguyệt trong lư thấy mở mang.
Lưu-Trường-Sanh thi rằng:
Đề khởi lịnh nhơn tâm đởm hàn,
Nghê y phiêu xứ thỉ sanh đoan,
Thông-minh phản tố si-mê hớn,
Thiết thậm tiên sơn long hổ bàng.

Giải nghĩa:
Nhắc đến khiến người chí mật hàn,
Nghê y (áo) phất đó mới sanh đoan,
Thông-minh dung-vị thành mê-ngốc,
Nào gọi Thần Tiên long hổ bàng.

Bốn người thi rồi, Vương-Ngọc-Dương hỏi rằng:
- Ba anh em tôi nói giống theo mùi đạo, tính thắng chẳng tính bại, còn sao Lưu sư huynh chẳng nói tới lại nói lui ngăn chỗ việc vui, sợ chẳng phải chỗ đạo hay. Đàm-Trường-Chơn nói:
- “Tâm đởm hàn” thiệt chẳng phải chỗ đạo; “si-mê hớn” thiệt chẳng phải chỗ diệu; nhưng mà đặng khiến lòng mình biết sợ, chẳng khá gọi là không đạo. Còn đặng biết chỗ si-mê cũng chẳng khá nói là không diệu; tuy không diệu mà chỗ đạo diệu cũng do nơi đó, đừng lấy việc thắng bại luận ra, thời nào có chỗ ngăn việc vui? Xích-Thái-Cổ nói:
- Lưu sư huynh nói lời đó chẳng phải một việc, chắc có việc riêng. Đàm-Trường-Chơn cười rằng:
- Chẳng sai! Có một lúc nọ, Lưu sư huynh xuất tánh về Diêu-Trì, đương gặp phó hội, lén ngó Tiên-nữ, Vương-Mẫu trách phạt cho trở lại thế gian. Tôi gặp ảnh giữa đường, ảnh thuật cho tôi nghe việc ấy. Tôi có nhắc việc ông Hứa-Tin-Vương lấy cây thang mà thí đạo. Ảnh nghe nói ảnh quyết muốn đi...
Đàm-Trường-Chơn nói đến đó rồi ngưng lại. Ngọc-Dương hỏi:
- Ảnh quyết muốn đi làm việc chi? Đàm-Trường-Chơn tiếp:
- Ảnh muốn đi đến chỗ “nhà điếm” mà ở đặng sát cái phàm tâm cho dứt, luyện ý niệm đừng sanh, thường ngày gần chỗ “trường ca hát”, tập cho đừng nhiễm đặng tham luyến; quyết luyện cái công-phu mà trừ không không chỗ sắc tướng. Ngọc-Dương nói:
- “Thị chi bất kiến, thính chi bất văn” là chỗ không sắc tướng. Xích-Thái-Cổ nói:
- Chẳng bằng nhơn ngã đều quên, thời chỗ sắc tướng phải không vậy! Lưu-Trường-Sanh nói:
- Hai ông phân đó, bực người thượng trí làm mới đặng. Nay tôi muốn lấy chỗ nhiều thấy làm hơn, rộng nghe làm chắc mà luyện đó! Ngọc-Dương cùng Xích-Thái-Cổ nói:
- Việc luyện sắc xưa nay cũng nhiều người làm, chớ chưa có ai luyện như vậy. Đàm-Trường-Chơn rằng:
- Người có chí làm xảo mới đặng; người ít chí làm vụng khá hơn. Miễn bền lòng thì đặng, ai ai cũng có chỗ diệu ý chẳng đồng, thôi chẳng khá cạn lời. Nói rồi thấy trời gần tối, bốn ông ngồi trong Bát-Giác đình tu hết một đêm, qua bữa sau phân đường ra đi.
Xích-Thái-Cổ đi đến đường Huê-Âm ngó lên thấy một tòa núi hình như bàn tay, cao lớn tới trên mây. Khi trước đưa thầy về Xiểm-Tây, mắc khiêng linh-cữu nên không thấy, nay đi một mình xem coi sơn thủy mới thấy rõ, trong lòng vui mộ lại nhớ lời thầy dặn chừng nào gặp chỗ vui mộ đó là chỗ mình liễu đạo. Liền đi lên trên cao, thiệt thấy muôn núi đều chầu, ngó xuống thấy chỗ tích ông Khấu-Lai-Công, có bài thi rằng:
Chỉ hữu thiên tại thượng,
Cánh vô sơn dữ tề,
Cử đầu hồng nhựt cận,
Hồi thủ bạch vân đê.

Nghĩa là:
Cái núi nầy duy có trời ở trên,
Thiệt không có núi nào bằng,
Ngửa đầu gần mặt nhựt đỏ,
Ngó xuống kia mây trắng thấp hơn.

Nhơn núi nầy tên là Tây-Nhạc Thái-Huê-Sơn, trên đó có mười mấy cái chùa đều có người đạo nhơn ở tu, thiệt đông đảo rất tốt. Rồi Xích-Thái-Cổ kiếm một chỗ tịnh. Vì ông biết làm thợ đục đá, đi rèn một cái đục liền vận thân đục vách đá thành một cái động ước chừng một chỗ ngồi tu. Vừa sắp sửa nhập động tịnh dưỡng thì thấy một người đạo-hữu đi tới, vai mang bồ đoàn, tay cầm bầu thiếc, nói với Xích-Thái-Cổ xin nhượng cái động cho y tu, chẳng đợi ông chịu hay không cứ vào ngồi tu. Ông thấy vậy cũng vì người tu mà vui lòng từ-bi chẳng nói, rồi đi tới nữa, thấy chỗ đá cao hơn mấy trượng.
Ông ra sức đục một cái động nữa, phí công rất nhiều rộng hơn cái trước, lấy làm vui mừng, ai dè một người đạo khác tới cũng chẳng có chỗ tu, xin ông từ-bi nhượng cho y tu. Xích-Thái-Cổ tánh hay thương người tu hành, nghe nói cũng nhượng nữa. Trọn mười mấy năm phí hết ngàn tân muôn khổ đục đặng 72 cái động đều có 72 người tới xin, nên Xích-Thái-Cổ không có chỗ tu, đi kiếm tứ phía, sau núi thấy có một chỗ ở đặng mà chỗ ấy sâu hơn muôn trượng, én bay không tới, sấm nổ chẳng nghe. Ông tưởng chỗ nầy sửa đặng thì chắc không ai tới nữa, nhưng phải chuyền dây lên xuống. Coi rồi ông xuống chợ mua một sợi dây, về nửa đường độ được một người đệ tử coi bộ người thật thà. Rồi thầy trò đi lên núi đem dây xiềng buộc trên gốc cây. Xích-Thái-Cổ lại lấy búa rìu buộc vào tay lần dây, chơn đạp đá, lần lần xuống mò kiếm đặng một chỗ bằng thẳng, mỗi ngày hằng lo đục động, người học trò ở trên nấu cơm. Xích-Thái-Cổ một ngày ăn có một bữa cơm rồi đi chiều tối mới về. Học trò buồn chịu không đặng, thầm tưởng rằng:
- Tưởng đâu học đạo mà thanh-nhàn, ai dè bắt nấu cơm ông ăn hoài, cực khổ như vậy mà học đạo nào có ích chi đâu? Rồi lại tính việc bất nhơn, lấy cái búa theo, biết thầy ăn cơm rồi chắc xuống đục động, nó lén theo sau tới miệng hang thấy thầy nắm dây lần xuống đã lâu, nó bèn chặt đứt dây rớt xuống hơn muôn trượng.
Sau có người ở Trung-Châu đi coi động của Xích-Thái-Cổ thấy trên vách có 4 câu rằng:
Quân-tử tiểu tâm tiểu tâm,
Hạ khứ cửu lý tam phân,
Nhơn tùng quê âm tỵ hạ,
Thương-Châu khử bả thi tầm.

Nghĩa là:
Người quân-tử phải tin phòng chơn-giả,
Dưới đó có chín dặm ba phân,
Người tại quê âm tỵ hạ,
Thương-Châu đi kiếm thây nằm.

Người tới đó coi chẳng dám ngó xuống. Ai ngó xuống thì giựt mình, mỏi mệt đi không đặng.
Lại nói người học trò chặt đứt dây rồi chắc thầy té xuống đó thịt nát xương tan, không thế nào sống đặng. Liền sửa soạn cuốn gói mùng mền vật kiện gánh xuống núi. Đi đặng mười mấy dặm tới chỗ bàn đá ngồi nghỉ, thấy dưới núi có người đi lên giống in thầy mình. Coi lại thiệt quả chẳng sai, sợ đổ mồ hôi hột, tính trốn không đặng bèn kêu lớn:
- Thầy đi đâu đó? Xích-Thái-Cổ chúm chím cười rằng:
- Cái đục đó lụt rồi, ta đi qua Thương-Châu đặng trui lại. Còn trò đi đâu đó? Trò thưa:
- Tôi thấy thầy đi lâu không về, nên tôi lại đây rước thầy. Xích-Thái-Cổ cười lớn nói rằng:
- Thiệt đệ tử có hiếu dữ! Thầy mới đi có một giờ mà đi rước thiệt trò có lòng lắm vậy! Đã gánh đồ còn đi rước. Đây lên trên núi hơn mười mấy dặm, mặt trời còn có ba sào đi sao kịp, phải trò không gánh mùng mền lại đây, chắc đêm nay tôi lạnh phải chết.

Xích-Thái-Cổ nói rồi bỏ đi. Người đệ tử ngồi tại bàn đá ấy tính thầm rằng:
- Thầy mình thiệt nghĩ không ra, hang sâu sao mà té không chết, chắc phần cực của ổng chưa hết nên phải trở lại đục động nữa mà chẳng đặng thong thả. Lại tưởng rằng:
- Hay là ông thành Tiên rồi chăng? Có lẽ đâu mình chặt dây mà té không chết, đã vậy trở lại càng vui vẻ thấy mình cười liền, không có chút giận hờn. Thiệt là người chí lượng lớn mới đặng vậy. Nay mình bỏ ổng chắc đi hết trong thiên hạ tầm không đặng ông khác từ-bi dường ấy. Nghĩ thiệt tại mình quấy, mang chữ bất trung, chắc sau không khỏi trả quả. Thôi phải mau mau trở lại phục sự ổng, dẫu cho cay đắng cũng nguyện làm thầy trò, coi sau có nên cùng chăng? Nghĩ rồi trở lại theo sau nghe thầy nói:
- Dây dài trò làm đứt rồi, làm sao mà đi đục động nữa? Mà thôi không sao, để ta nhảy xuống coi thử. Nói rồi liền nhảy xuống đi mất.

Hồi 20
Luyện sắc tướng yên hoa hỗn tích,
Thuyết diệu ngữ đạo niệm thuần chơn

Nghĩa là:
Luyện cái sắc tướng chỗ yên hoa ở lộn,
Nói lời diệu đạo niệm tròn chơn.
Có bài kệ rằng:
Thấy tốt như không chẳng động tâm,
Công-phu đến chỗ thiệt huyền-thâm,
Có ai học đặng chơn không pháp,
Cọp hát rồng ngâm tự cổ kim.
Lại nói Xích-Thái-Cổ thành đạo rồi làm sao té chết đặng. Khi người đệ tử chặt dây, ông thoát xác phàm rồi, nay trở lại hiển cái đạo cho nó coi, ngày sau biết là việc Thần Tiên phải học mới thành. Còn đệ tử thấy thầy nhảy xuống hang sâu trong lòng hoảng-hốt giựt mình, đợi hết mấy bữa chẳng thấy ông lên bèn bỏ gánh đứng giữa trời nguyện xin cải lỗi. Nguyện rồi liền nhảy theo để liều mình theo thầy chuộc tội, sau cũng đặng chứng quả 0. Đây nói qua Lưu-Trường-Sanh, dốc lòng đi luyện cái sắc ma, nghe người nói chỗ Tô-Châu nhiều người lịch sự mỹ miều. Liền đi qua đó kiếm ít cục đá, điểm luyện cho thành vàng, cổi hết áo đạo bận đồ hàng nhiễu đi tới nhà điếm. Mấy người coi cửa tiếp hỏi thầy ở đâu, quý hiệu là chi?

Đáp rằng: Ta là Trường-Sanh-Tử, người ở Yên-Sơn đi bán châu báu đến đây, ta đi đã lâu, nay muốn kiếm một mỹ-nhơn tuyệt sắc đặng chung vui. Mấy người coi cửa nghe nói khách bán châu báu đến, biết là Tài-Thần Bồ-Tát, lật đật tiếp đãi vui mừng dẫn đến phòng hạng nhứt. Có một nàng tuyệt sắc vô song tên là Tợ-Ngọc xuất-sắc có danh, đờn ca xướng hát, việc việc đều hay, biết vẽ biết họa, lại thông việc thi bài, người chủ tiệm quí chuộng hơn hết.
Tợ-Ngọc thấy Trường-Sanh-Tử khí tượng đàng hoàng, lời nói điều hòa tử tế, không có một lằng kiêu-lẫn, khách quí như vậy mà sao chẳng tiếp đãi? Rồi nàng lại làm ra mười phần yểu điệu, trăm thứ yêu thương. Trường-Sanh nhớ hai câu của thầy dặn hồi trước:
- Dẫu như núi Thái-Sơn sập trước mặt mình cũng không kinh; chẳng phải chẳng kinh, sập mà như chẳng sập. Người mỹ-nhơn ở trước mắt mình cũng chẳng động; chẳng phải chẳng động, ở trước mà tưởng như không có ở trước.
Trường-Sanh-Tử nhớ y như vậy, tưởng như không không, chẳng có một chút ma chướng nào nhập đặng. Uổng phí công của Tợ-Ngọc muốn phá ông mà làm ra thiên ban tình ái, muôn thứ phong lưu cũng không động lòng ông. Bởi cái lòng là chủ cái thân, như cái lòng không động thời trong lòng an tịnh. Cái ý niệm cũng nghe theo cái Tâm bày vẽ. Hễ cái Tâm không động thời ý niệm cũng không dám động. Duy thứ nhứt con mắt lỗ tai, là mối giặc đầu. Hai đứa nó ham vui thấy sắc tốt, nghe tiếng dâm liền báo với anh Tâm hay trước. Trường-Sanh là người chí đạo, thường thường hồi quang phản chiếu, đem cái “Tâm” giữ gìn định chắc nơi tổ-khiếu. Dặn nó đừng có tin lỗ tai với con mắt, thời khỏi lầm việc lớn, rồi cái Tâm cũng y theo lời ông dặn, làm giống như người chẳng biết chẳng hay, tỉ như con nít lên ba, không biết giận hờn tham luyến chi cả. Chỉ biết có chơi giỡn, chẳng hề động cái tình, ngủ chung một giường, nằm chung một gối, lại tỷ như tấm da thúi mà bạn với đống xương khô, không có điều chi lạ. Lúc còn sống thì phấn đợi kiều-nga, xuê son đen đỏ. Chẳng may khi số dứt rồi thì người người đều ghê gớm, ruồi lằng banh bấy thịt da, chẳng khác nào hình sậy giấy bao mà thôi.
Rồi Trường-Sanh-Tử lại đem con mắt lỗ tai gìn giữ thêm nữa. Nhớ phép thấy như không thấy, nghe như không nghe, hai đứa nó cũng y như phép dạy. Một đứa thì như đui, thấy sắc dường như nhắm lại, một thằng thì như điếc, nghe điều quấy giả như bùn nhét đầy tai. Tuy cùng nàng Tợ-Ngọc nằm chung, ngồi chung mà tưởng như không biết nàng là người gì, rồi lại tính như vầy: Ai lớn thì tưởng như cha mẹ cô bác, nhỏ tưởng như anh em, con cháu một chỗ sanh ra, thời làm sao mà đem cái ý quấy vọng niệm? Trường-Sanh-Tử tưởng như vậy, lại dặn anh “Tâm”, anh “mắt”, chị “tai”, ba vị chơn nhơn gìn giữ cho an, lại trở hộ thân mình. Hễ có xảy ra điều phi lễ thì ba vị ấy giữ phép qui trình, chẳng cho thất lễ, tánh hạnh nghiêm trang, thể mình làm lớn.
Khi đó ông ở trong nhà điếm mà tu thành một vị Đại-Tiên! Thường tại trong cái phòng điếm mà chơi giỡn, mấy cô điếm thấy ông dám xài tiền bạc mà chẳng cần việc “Tình” nên cô nào cũng lại giỡn chơi, trọn ngày vui vẻ. Bữa đó mấy cô điếm đem bông cho Tợ-Ngọc, thấy Trường-Sanh ngồi chung với Tợ-Ngọc một ghế, nó lại lấy bông giắt trên đầu Trường-Sanh, rồi cổi áo của ổng lấy áo của nó bận vô, ông cũng tự nhiên ngồi trân trân cười như con nít. Đương mở nút áo của ông liền nghe ngoài cửa tằng-hắng bước vô một ông Hồ-Tăng mặt đen râu rìa, mắt to, mày rậm, trán lồi mũi cao, hình dung kỳ quái. Mấy cô điếm thấy ông, hoảng kinh đều chạy trốn sau lưng Trường-Sanh không dám nói một tiếng.
Chẳng hay Hồ-Tăng là ai? Ấy là Đạt Ma Tổ-Sư ở bên Tây-phương đi tu qua Nam-Hải trở về ngang qua Tô-Châu, thấy có đám mây đỏ nổi lên tại đó, định chắc có Chơn-Tiên giáng thế, mà sao lạc ở chỗ nhà điếm? Ông đến coi đặng điều độ y một phen cho tỉnh, ông dòm thấy mấy cô điếm cùng Trường-Sanh giắt bông cổi áo vui cười. Lúc đó người chủ tiệm đương sửa soạn đồ đạc, còn mấy cô điếm kia ở các phòng ngủ trưa nghe đằng sau cười giỡn đều xúm lại coi, tình cờ Đạt-Ma bước vô. Trường-Sanh trực thấy biết là dị nhơn, lật đật đứng dậy mời ông ngồi. Trường-Sanh thấy trên ghế có cái ấm, trong có nước lạnh sẵn, liền đem để trên bụng, vận hỏa công một hồi, nước trong ấm liền sôi lên nghi ngút. Ông lấy trà ngon để vô trong chén, hai tay dâng mời Đạt-Ma Tổ-Sư uống. Mấy cô điếm thấy việc là đều ngó coi, nói thiệt kỳ quái. Trường-Sanh cười rằng:
- Đó là lửa trong ngũ-hành chớ có chi lạ! Tôi còn phép nướng bánh trên da bụng đặng chín khỏi có chảo. Mấy cô điếm nghe nói không tin, đứa đi lấy bột, đứa xách nước, xúm lại làm cái bánh đưa cho Trường-Sanh nướng. Ông lấy để trên bụng, trở qua trở lại, đôi ba lần thì bánh chín, lấy đưa cho mấy cô điếm, mỗi người một miếng ăn. Rồi hai ông y nhiên ngồi đàm luận đạo-đức, còn mấy cô điếm đều trở về phòng bàn luận, mời chủ thưa rằng:
- Thưa má, chị em tôi chẳng qua là bạc phận, mang lớp thân phàm, kể từ ngày cha mẹ sanh đến khôn, chưa có ơn đền nghĩa trả cho tròn câu hiếu đạo, mà nay ở lại đây, ấy cũng là tiền kiếp có thọ ơn của má, nên lớn lên tìm má mà ở, đặng trả cái nợ buổi trước. Nay con đã trả rồi, con tưởng chắc có duyên lành sẵn trước nên gặp một vị Bồ-Tát bán châu báu đến đây đã lâu. Chị em tôi tưởng là người hảo hớn du lịch, kiếm điều trêu giỡn nhiều khi, mà ông cũng tự nhiên, chẳng có một chút lòng phàm, không không như Phật, tánh hơn trẻ nhỏ, mà lại nói nhiều điều đạo-đức tinh thông. Mới đây có một vị cao lớn khác thường xưng là Đạt-Ma Tổ-Sư đến. Vị Bồ-Tát thấy khách đến liền lấy ấm để trên bụng nấu nước. Chị em tôi thấy lấy làm lạ chạy theo coi, người cười nói rằng: Tôi còn phép nướng bánh trên bụng nữa! Mấy đứa tôi nghe nói liền lấy bột làm bánh đem đưa cho ông, ông lấy để trên bụng trở qua trở lại đôi ba lần thì bánh chín, đưa cho chị em tôi mỗi đứa một miếng. Bọn tôi nghĩ lại chắc là Tiên Phật lâm phàm, xuống mà giác tỉnh chị em tôi. Vậy xin má vui lòng cho chị em tôi xuất thân theo thầy đặng lánh đường tứ khổ, nhờ kiếp sau hưởng phước. Nói rồi lạy tạ ơn chủ, gói quần áo theo thầy. Hai vị ấy hỏi rằng:
- Vậy chớ mấy cô ở trong phòng khách mà gói đồ đi đâu? Coi bộ như tâm chí người ngán trần lắm vậy? Mấy người chắp tay cúi đầu thưa rằng: Thưa thầy, chẳng qua là bọn tôi duyên phận thấp hèn, mang thân phụ nữ mà không tỉnh sớm đặng kiếm nẻo tu hành, thoát đường ô trược. Vì so sánh với đời trang điểm, phấn đợi kiều nga, tại ý niệm sai, luyến mê tài lợi mà phải lầm trong vòng khổ hạnh, thất thân chịu điều hạ tiện, thiệt nói càng thêm hổ thẹn! Khi thầy mới đến đây, chị em tôi tưởng thầy là người ham vui du lịch. Thầy ở lâu chị em tôi coi tâm chí của thầy càng ngày càng bó buộc, đức hạnh nghiêm trang không nhiễm một chút tình dục như kẻ khác, lại có phép luyện diệu thuật tinh thông, nấu nước, nướng bánh trên mình mà chín đặng. Chị em tôi chắc thầy là người có đạo, quả phẩm gần thành nên chị em tôi xin lạy chủ mà theo thầy, cầu tiên-sanh thuận độ.

Trường-Sanh phán rằng:
- Mấy cô cũng vì tiền duyên hữu hạnh nên tỉnh sớm, đã ở trong chỗ thất thân mà giác đặng căn lành. Nhưng mà việc tu của ta đây, thiệt là chí quí chí trọng biết chỗ về thiên-đàng, lánh chỗ trầm địa ngục, trường trai, giới sát, qui-củ tinh nghiêm. Như muốn tu thì trai không đặng có vợ, gái không đặng có chồng, giữ trọn thỉ trọn chung, phải bỏ tật đố sân si, tham lam trộm cắp, dẫu cây kim sợi chỉ cũng không phạm tay lấy. Phàm việc chi muốn thì phải hỏi mới đặng. Như các trò muốn tu với ta thì phải y mấy lời trước đó, ta mới thâu lãnh. Vậy các trò thử hỏi trong lòng coi có đặng cùng không? Mấy người ấy thưa rằng:
- Thưa thầy, chị em tôi vâng lời thầy, dẫu cho gặp điều cay đắng khổ cực bao nhiêu chị em tôi cũng nguyện sống thác một lòng, trước trả hiếu cho cha mẹ, sau khỏi tái sanh trong trần khổ. Xin thầy niệm tưởng, bọn tôi nhứt nguyện thờ thầy, ngày sau có đổi lòng, nguyện tán thân tro bụi.
Lại nói Đạt-Ma Tổ-Sư là người quán thông thế giới, muôn việc đều thông. Bình sanh chẳng muốn hơn người, từ-bi quảng đại, tu dưỡng đủ đầy. Phải như người khác ham vui thấy Trường Sanh làm một hai phép như vậy, cũng biến ra một hai cái diệu thuật mà tranh tài, chớ ông thì toàn nhiên không động niệm chi, làm như người quê không biết, nói rằng:
- Cái phép của ông thiệt rất hay, tôi rồi đây cũng học cùng ông! Nói rồi cung tay ra đi, có ngâm bốn câu kệ rằng:
Ký thức đông lai lộ,
Tây quy vật giáo lai,
Ngoạt tương chơn tánh muội,
Cữu luyến bất quy gia.

Nghĩa là:
Đã biết đường Đông qua,
Về Tây chớ khá sai,
Đừng đem chơn tánh muội,
Chơi lâu chẳng về nhà.
Trường-Sanh đáp lại bốn câu rằng:
Không không vô nhứt vật,
Nẫm đắc niệm đầu sai,
Thử thân thùy tác chủ,
Hà xứ thị ngô gia.

Nghĩa là:
Không không, không một vật,
Nào có nhiễm trần ai,
Thân này tôi làm chủ,
Chỗ-chỗ gọi liên-đài.

Đạt-Ma Tổ-Sư nghe bốn câu kệ của Trường-Sanh, biết người có tu hành, chẳng nói lại nữa, vỗ tay cười dặn rằng:
- “Rán nhớ! Rán nhớ!”. Nói rồi đằng vân đi mất.
Còn Lưu-Trường-Sanh ở lại điều độ mấy người điếm mới phát tâm đó, lại lập một cái am tranh để cho mấy người ở chung tu hành, mua bán theo nghề bô-vải. Đặng hơn một năm, truyền đạo cho mỗi người tu luyện, hòa-hảo mến yêu như chị em ruột, rồi phân cử nhập thất mỗi người ba tháng, trảm đặng xích-long (Dứt đường kinh kỳ). Ở đó đặng hơn tám năm, người người đều có đơn-thơ lai chiếu, xuất tánh về trời, độ Cửu-Huyền Thất-Tổ đặng đồng lên Cực-Lạc. Trường-Sanh cũng ở tại đó tu nữa.
Lại nói Vương-Ngọc-Dương qua Nam-Kinh ở tại Khổ Huyện, khi trước Lưu-Trường-Sanh có nói chuyện cùng ông muốn qua Tô-Châu đặng luyện sắc ma, đi hết mấy năm. Sợ Trường-Sanh ở chỗ yên huê lâu ngày, mê mất chơn tánh nên ông đi đến đó thăm coi, trong ý muốn khuyên y trở về ẩn sơn tu luyện. Bữa đó đi đến Tô-Châu, vô hết mấy nhà điếm, mà kiếm không đặng, đi ngang qua đó thấy mấy cô điếm đứng thoa son dồi phấn, ông lại gần muốn hỏi thăm. Hai cô điếm thấy ông đi lại chúm chím cười rằng:
- Đạo-trưởng muốn tới thăm người nướng bánh trên bụng phải chăng? Ngọc-Dương nghe nói việc lạ chắc Lưu-Trường-Sanh còn ở trong đó, liền đáp rằng:
- Phải, tôi tới thăm ông. Rồi một cô lại nói: Ông muốn thăm đi theo tôi đây. Nói rồi trở vô. Ngọc-Dương theo sau.
Vì sao mà hai cô điếm biết ý ông? Là nhơn khi trước thấy ông Hồ-Tăng bận áo vàng bâu lớn, tay xách bầu thiếc, nay thấy ông nầy cũng như ông trước, nên tưởng chắc đến thăm người khách ấy, nó mới mời ông vô đặng làm phép nữa coi chơi. Nó dẫn ông đi vừa tới cửa phòng, nghe người chủ kêu, hai cô điếm lật đật trở ra bỏ Ngọc-Dương lại đó. Ngọc-Dương thấy cửa phòng khép sơ, lấy tay xô ra, thấy Trường-Sanh nằm chung với cô điếm một giường đương ngủ. Ngọc-Dương thấy vậy tức cười, sẵn trên bàn có cái ống lửa để hút thuốc, lấy châm trên mặt Trường-Sanh, tàn bay nhằm cô điếm, nàng ấy thức dậy, phủi nói rằng:
- Ai đem lửa đốt người? Trường-Sanh nói:
- Ma đầu nó giỡn với ta! Ngọc-Dương cười rằng:
- Giỡn với ma đầu! Trường-Sanh nói:
- Người ta nói ta ma, ta chịu ma, ma nầy mới khỏi chỗ Ta-bà, người nay đem lửa châm vào mặt, đây đó chơi rồi ai biết ma. Ngọc-Dương muốn nói chuyện với Trường-Sanh. Trường Sanh liền nói:
- Mau mau đi, có người đợi ngươi bên đất Sở, đặng lên bờ đạo. Ngọc-Dương hỏi:
- Sư huynh chừng nào đi? Trường-Sanh đáp:
- Đi thì tôi cũng đi, nhưng chưa ắt ngày nào.
Ngọc-Dương nghe nói có cớ rồi cung tay ra đi. Ra khỏi nhà điếm, qua đất Sở, giữa đường gặp Đàm-Trường-Chơn nói đi hoài không ích, chi bằng tịnh dưỡng có công. Hai người đều vào Am-Sơn tu luyện mấy năm đặng thành chánh quả. Đàm-Trường Chơn có làm một cuốn “Vân-Thủy-Tập”. Vương-Ngọc-Dương làm một cuốn “Vân-Quán-Tập”. Đàm-Trường-Chơn mồng 1 tháng 4 phi thăng. Còn Vương-Ngọc-Dương 24 tháng 4 thành đạo. Việc đó là việc sau.
Đây nói qua Lưu-Trường-Sanh ở tại nhà điếm, luyện không còn sắc tướng, lìa khỏi chỗ Tô-Châu, cũng trở về Đông-Lổ, vào núi tịnh dưỡng. Năm vua Gia-Thái tu đặng 3 năm, đến năm Quí Hợi, mồng 8 tháng 2 thành đạo, có đặt một cuốn “Tu-Chơn Tập”.

Lại nói việc Xích-Thái-Cổ ở núi Thái-Hoa tu chơn nhiều năm, đến năm Ất-Sửu, 30 tháng 11 xuất tánh phi thăng, có làm một cuốn “Thái-Cổ-Tập”. Trong Thất-Chơn mãn hết 4 người, còn lại Khưu-Trường-Xuân, Mã-Đơn-Dương và Tôn-Bất-Nhị.
0

Hồi 21
Tôn-Bất-Nhị, Lạc-Dương hiển đạo thuật,
Mã-Đơn-Dương, Quảng-Tây hội hữu nhơn

Nghĩa là:
Tôn-Bất-Nhị ở Lạc-Dương hiển phép thuật,
Mã-Đơn-Dương ở Quảng-Tây gặp người đạo hữu.
Có bài kệ rằng:
Chớ cho sáu giặc phá rồi công,
Sắc sắc, hình hình thiệt thảy không,
Biết đặng bổn lai không một vật,
Linh-đài chỉnh ở tại trong lòng.

Lại nói việc bà Tôn-Bất-Nhị đem hai nhánh cây hóa làm người trai, người gái giống như bà, mỗi ngày lại chợ, cập kê chơi giỡn, đánh không chạy, mắng không đi, người trong chợ không biết làm sao, thương-nghị làm một lá đơn vô thưa quan, xin trị chánh phong-hóa, đặng an trong chợ.
Tờ bẩm như vầy:
“…Cúi bẩm quan lớn đặng rõ: Nguyên mấy năm trước có một đàn-bà hình như bị bịnh phong, ở xứ xa đến, gởi thân ngoài thành ở trong lò gạch bể xin ăn. Chúng tôi thương người bịnh hoạn không đành bỏ đói, cho ăn uống đặng sống. Nay người ấy cùng một người trai thường cập kè chơi giỡn trong chợ nhiều lần, đánh đuổi không đi, thiệt không thành sự thể. Bởi xứ Lạc-Dương là chỗ phong đô ấp lớn, nam bắc hội đường, không nên để nó làm việc nhơ cho người cười chê xóm ấp như vậy. Cúi xin quan trong làm chủ, giết tuyệt yêu nam yêu nữ. ”
Nay bẩm.
Quan huyện Lạc-Dương coi tờ bẩm, ngẫm nghĩ một hồi rồi phê rằng:
“ Nếu thiệt kẻ phong điên, quả người mất trí không hiểu việc nhơn-tình thì tội kia còn chỗ dung. Kỳ thật, theo lời bẩm này nó là người bổn tánh không muội mà giả phong điên, trai gái đồng giữa chợ giỡn chơi làm những việc tồi phong bại tục. Ban ngày còn dám vậy, ban đêm tăm tối thế nào? Chợ không phải nơi làm tác tệ, lò gạch nào phải chỗ buôn dâm! Đã đánh đuổi không đi phải giết cho tiêu hình biệt tích. Các người chờ nó vào lò gạch, chất củi khô châm lửa đốt thiêu. Tội trừng chẳng khá để lâu, các ngươi hãy thi hành cần kíp.”

Nay phê.
Quan huyện phê rồi truyền ra, cả chợ bá tánh nghe, mỗi người đem một bó củi lại lò gạch. Chẳng bao lâu, hai người nắm tay dắt vô trong lò. Mấy người đều la:
- Nó vô rồi! Mau quăng củi vào lò! Một lát chất thành như núi châm lửa đốt rần rần, khói bay mù mịt, liền thấy một cụm khói trong lò bay lên hóa ra ngũ-sắc tường-vân. Trên mây ngồi ba vị Tiên-nhơn:
- Người ngồi giữa là bà phong điên kêu nói với mấy người trong chợ rằng:
- Tôi thiệt người tu hành, nhà tôi tại tỉnh Sơn-Đông, tôi họ Tôn, tên Bất-Nhị, giả bịnh phong điên mà ẩn mình ở đây tu luyện được 12 năm. Nay tu thành rồi, tôi muốn mượn lửa mà phi thăng cho mau, nên lấy hai nhánh cây hóa ra một trai một gái, đặng dẫn mấy ông đưa dùm tôi đi. Tôi nhờ trong bá tánh nuôi dưỡng mấy năm mà đặng thành, không biết làm sao trả ơn, tôi nguyện từ đây đến sau trong bá tánh bình an mạnh giỏi, phong điều vũ thuận, quốc thới dân an. Rất đội ơn ngàn thuở.
Nói rồi bà đem hai người xô xuống cho thiên hạ làm tin. Người người đều thấy trên mây rớt xuống hai người, lật đật chạy đỡ lên, thì thấy 2 nhánh cây khô rõ ràng. Ai nấy tức cười, ngó lên thấy Phong-Bà đã lên mây cao, rồi lần lần nhỏ cho đến mất, thảy đều cúi lạy giữa thinh không. Quả thiệt mấy năm phong điều võ thuận, mùa-màng đặng tốt, quốc thái dân an. Ai nấy đều cảm đức của bà, lập ra một cái miễu tên là “Tam-Tiên-Tự”. Hễ có việc chi đến cầu vái đều đặng cảm ứng.
Nói về bà Tôn-Bất-Nhị về đến Sơn-Đông, huyện Ninh-Hải, vừa tới nhà gặp Mã-Hưng chạy ra nghinh tiếp, bà thẳng vào nhà giữa nghỉ. Mã-Hưng liền báo cho Mã-viên-ngoại hay. Viên ngoại lật đật ra thấy mừng rằng:
- Tôn đạo-hữu bấy lâu cực khổ? Bà đáp rằng:
- Sư huynh sao gọi tôi cực khổ? Hai chữ cực khổ là bạn tu hành phải chịu khổ khảo mới đặng chứng quả! Chịu khổ không đặng làm sao tu hành?
Hai đàng đang nói chuyện, mấy đứa tớ đều chạy ra mừng bà. Bà lấy làm vui-vẻ, khuyên dạy chúng nó như mẹ dạy con. Đêm đó, Tôn-Bất-Nhị và Mã-viên-ngoại ngồi công-phu. Viên-ngoại một đêm đi xuống mấy lần. Tôn-Bất-Nhị ngồi hoài tới sáng không dời động. Viên-ngoại nói:
- Tôi coi Tôn đạo-hữu công-phu khá hơn tôi nhiều! Bất-Nhị nói:
- Chẳng phải có một việc công-phu mà thôi, cái đạo còn có nhiều việc huyền-diệu hơn mười phần.
Viên-ngoại nói:
- Đạo-hữu đừng có ý cười tôi, tôi biết điểm đá thành bạc. Tôn-Bất-Nhị cười rằng:
- Sư-huynh chỉ đá thành bạc, tôi biết chỉ đá thành vàng; mà vàng bạc ấy không khỏi đặng việc sống thác. Thành mà chẳng đặng Thần Tiên thì không chỗ dùng đặng.

Tích xưa Thuần-Dương Lữ-Tổ theo thầy là Chung-Ly Lão-Tổ học đạo. Ngài lấy vải gói theo một cục đá nặng hơn mười cân, biểu Thuần-Dương mang theo ba năm, hai vai đều chai hết. Ông không một lời phiền trách. Bữa nọ Chung-Ly biểu Thuần-Dương mở gói ra thấy cục đá, tự nhiên không buồn hỏi rằng: Thưa thầy, đá đó làm chi? Lão-Tổ nói:
- Tuy là cục đá mà chỉ đặng thành vàng, chẳng uổng công ngươi mang hết ba năm. Ông nói rồi liền lấy tay chỉ cục đá thành vàng, nói với Thuần-Dương rằng: Ta đem phép đó truyền dạy ngươi, ngươi chịu không?
Thuần-Dương hỏi: Đá hóa thành vàng khá đặng còn hoài, không cải biến chăng?
Đáp rằng: Đá thành vàng cùng vàng thiệt chẳng như nhau. Vàng thì trước sau như một, không cải biến. Còn đá mà chỉ thành vàng thì 500 năm sau trở biến thành đá.
Thuần-Dương thưa: Như vậy tôi nguyện chẳng chịu học phép đó!
Lão-Tổ hỏi: Sao không học?
Thuần-Dương thưa: Vì lợi cho người 500 năm trước, mà để hại cho người 500 năm sau, cũng không xài đặng, nên tôi nguyện chẳng chịu học.
Lão-Tổ khen rằng: Đạo niệm của người thiệt hơn ta, như vậy ắt sau đặng thành chánh-quả.
Nên luận qua cái phép chỉ đá thành vàng nầy, còn để hại cho người sau thì với đạo có ích chi đâu?
Mã-Đơn-Dương nghe nói không chỗ trả lời. Bữa sau Tôn-Bất-Nhị nấu một chảo nước sôi, đem vào nhà tắm, thỉnh Mã viên-ngoại đi tắm. Khi đó nhằm tháng 8, trời nóng nực thấy nước lên hơi nghi ngút rờ tay không đặng. Đơn-Dương thăm coi nước nóng phỏng tay liền nói rằng:
- Không đặng! Không đặng! Tôn-Bất-Nhị cười:
- Sư huynh tu hết mấy năm mà một chút như vậy cũng không đặng, để tôi tắm thử.

Bà nói rồi bước vô tắm, nước lên hơi nghi ngút mà bà không nói nóng chút nào. Tắm rồi bước ra.
Mã-Đơn-Dương nói:
- Tôi với đạo-hữu cũng học một thầy, công-phu một thế mà sao việc diệu pháp đạo-hữu giỏi hơn tôi?
Bất-Nhị đáp:
- Thầy truyền đạo một cách mà chỗ tu luyện tại mình. Vì tôi ở tại Lạc-Dương khổ tu 12 năm mới đặng chút huyền-công. Còn sư huynh ở nhà vui hưởng an nhàn, giữ mấy căn nhà, ràng buộc thường thường tấc bước không khỏi, chẳng chịu khổ tu, sợ lìa bỏ mất chỗ ở thì làm sao đặng huyền-công diệu pháp?
Đơn-Dương rằng:
- Khi thầy thăng thiên rồi không ai coi giữ trong nhà, nên không đi đặng. Nay nhờ đạo-hữu về đây, xin giao việc, tôi nguyện ra luyện đạo.
Bữa đó viên-ngoại sửa soạn đợi gần sáng mấy người mê ngủ lén đi không ai hay. Bà thấy viên-ngoại lập chí tâm đạo như vậy, việc chắc đặng thành, tiền để lại nào có dùng hết, bà đem ra làm phước, sửa cầu, đắp lộ, cứu giúp người nghèo, lại xin một thằng con của Mã-Miên làm con nuôi đặng tiếp nối tông chi cho Mã-Đơn-Dương. Trót mấy năm, sắp đặt công việc xong rồi, bà vào núi Thái-Sơn 0 tu dưỡng mấy năm nữa. Đến ngày 19 tháng 2, bà thành đạo.
Lại nói việc Mã-Đơn-Dương đi khỏi huyện Ninh-Hải chẳng biết đi đâu mà tu, lại nhớ mộ của thầy ở tại Xiểm-Tây. Khi tới Trường-An thấy phía trước có hai người đi, một người giống Khưu-Trường-Xuân mà chẳng biết phải không, bèn kêu thử: Khưu đạo-hữu! Khưu-Trường-Xuân nghe kêu chạy lại, hai người gặp nhau vui mừng làm lễ ngồi tại bên đường. Mã-Đơn-Dương hỏi:
- Đạo hữu bấy lâu đi đặng mấy xứ? Việc công phu tu luyện thể nào? Trường-Xuân đáp:
- Vì mộ thầy ở đây nên không đành lìa xa, việc tu chẳng dám quên ơn. Mã-Đơn-Dương cười rằng:
- Thầy mình đạo thành rồi nào phải chết! Nhơn giả nói chết là ý thầy muốn dứt mấy người tu sau đừng vọng tưởng thành Tiên, chớ có chết đâu! Còn việc tu tấn là nội-công của mình, đức hạnh là ngoại-công, thầy có nói trong ngoài cũng phải tu hết mới đặng chỗ huyền-diệu. Nay đạo hữu nói không dám vong ơn là lầm rồi. Khưu-Trường-Xuân nghe nói liền nhớ tỉnh lật đật lạy Mã-Đơn-Dương thưa rằng:
- Vì tôi xa lìa sư huynh nên còn ám muội, nay nhờ sư huynh mở tỉnh, thiệt rất may. Nói rồi nhắc việc hồi đưa linh-cữu của thầy về Tây, đặng thấy mặt thầy cho Mã-Đơn-Dương nghe v.v... Đơn-Dương nói:
- Đạo huynh chẳng đặng ẩn giấu, hay đem mình khoe nên không thành đạo, phải sau mấy người. Nay đạo huynh phải răn cái tánh, muốn giữ mình xét tỉnh thì phải giấu cái trí xảo, làm việc chơn thiệt, tôi đem mấy đường công phu của thầy truyền tôi truyền hết cho đạo huynh.

Khưu-Trường-Xuân nghe nói vui mừng liền tạ ơn.
Kế đó dẫn Mã-Đơn-Dương tới Đại-Ngụy-Thôn bái yết miễu thầy. Qua đến tỉnh Tứ-Xuyên, Trường-Xuân biết việc lỗi hồi tâm cải sửa tánh hạnh, giấu việc động xảo chẳng dám khoe tài nữa. Mã-Đơn-Dương thấy quả thiệt tình, mới đem việc huyền công diệu đạo chỉ cho Khưu-Trường-Xuân. Chừng đó Trường-Xuân cần học diệu lý chẳng dám dãi đãi. Mã-Đơn-Dương thấy bên đất Sở phong cảnh hân hoan mà chẳng bằng Xiểm-Tây phước địa. Rồi cùng Trường-Xuân tại sông Nhơn-Hà qua đến hố Xuyên-Cốc. Bữa đó trời mưa tuyết lớn, hai người ở trong miễu lạnh đi không đặng ngồi chung một tấm bồ-đoàn. Nhơn khi Khưu-Trường-Xuân đến học đạo, không có đem bồ-đoàn theo. Sau theo thầy qua tới Giang-Nam, Mã-Đơn-Dương đem bồ đoàn các món cho Khưu-Trường-Xuân. Đến lúc đưa linh-cữu thầy qua Xiểm-Tây, Trường-Xuân cũng đem bồ-đoàn nạp-y theo. Áo nạp-y mấy năm mặc rách hết còn bồ-đoàn chưa hư.
Còn Mã-Đơn-Dương lúc ở nhà ngồi tu có nệm, nên chẳng sắm bồ-đoàn. Khi ra đi lật đật đem theo có một cái áo thay đổi và mấy lượng bạc. Chừng gặp Khưu-Trường-Xuân bạc xài đã hết, bây giờ theo Trường-Xuân xin ăn qua ngày, không tiền mua bồ-đoàn. Nên hai người phải ngồi chung một cái, đâu lưng mà an nghỉ, vì tu hành không cần thong thả, muốn lập công khổ chí cho tu thành mà thôi.
Hai người ngồi trong miễu tu mấy bữa bị mưa tuyết đặc cao hơn 3 thước. Từ Xuyên-Cốc đến núi, cách tiệm cũng xa không đi xin đặng, hai người chịu đói ba ngày. Trường-Xuân trong lòng niệm tưởng muốn đi xin ăn mà bị tuyết đặc, nên đi không đặng.
Đói lạnh gian-nan không than khổ,
Nào chẳng kém người vọng niệm sanh.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 338
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com