watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:25:5718/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết - Trang 3
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 8

Hồi Thứ Tám Mươi Hai

Ngại Hổ nhanh mắt, thật giả phân tường,
Triêu Hiền một lẽ, chú cháu đồng tội.

Ngại Hổ nghe Phạm đại nhân hỏi như vậy thời nghĩ thầm rằng: ”Ban đầu ta quả có thấy Mã Triêu hiền song không để ý cho lắm. Nay mà nói không nhận được cũng không xong". Nghĩ đoạn đáp rằng: "Tôi nhận mặt Đại lão gia được". Phạm đại nhận liền sai tả hữu đem Mã Triêu Hiền ra.
Khi Phạm đại nhân hỏi Ngại Hổ có nhận được lão gia hay không, thời nó đã có ý nghi, nên quỳ dưới thềm lén lén ngó ra ngoài, chừng nghe Phạm đại nhân đem Mã Triêu Hiền ra thời có một vị thái giám già, cổ tay tuy đeo hình cụ mà đi lên thềm vẫn ung dung vui vẻ, đến lúc tới trước công đường mới nhăn mày im hơi làm bộ rầu rĩ, đứng sững chớ không quỳ xuống xưng tên. Ngại Hổ thấy vậy thời hiểu liền. Lại nghe Phạm Trọng Võ nói rằng: "Ngại Hổ và Mã Triêu Hiền nhận ra nhau chưa?". Ngại Hổ giả đò ngước mặt lên dòm rồi nói: "Người này không phải Đại lão gia của tôi". Trần Lâm ngồi trên cười rằng: "Thằng nhỏ này tinh mắt quá, thôi đem người ấy xuống, đem Mã Triêu Hiền ra đây". Tả Hữu vâng lời dắt Mã Triêu Hiền giả xuống, giây lâu đem Mã Triêu Hiền thật lên.
Tên gian thần ô lại buồn bã lắm, nước mắt khóc ướt mèm, đi tới trước công đường liền quỳ xuống. Trần Lâm thấy tình cảnh như vậy động lòng thương hỏi rằng: “Có người cáo ông rằng ba năm trước giả về quê lén lấy mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng đem theo, có không ông cứ thiệt khai ngay đi!”. Mã Triêu Hiền nghe nói thất kinh, lính quýnh đáp rằng: “Mũ ấy để tại kho, mất hồi nào tôi không hay, chớ thật không lấy". Văn đại nhân nói: "Thôi, đừng nói nữa. Ngại Hổ thuật y khẩu cung của mi cho ông ta nghe". Ngại Hổ liền thuật lại một lượt rồi nói: "Bẩm Đại lão gia, chuyện đã như vậy, còn giấu giếm làm chi”. Mã Triêu Hiền nói: "Con quỷ nhỏ này bất nhân lắm, tao có biết mày là ai?". Ngại Hổ nói: "Sao lão gia lại nói vậy? Hồi đó tôi mười hai tuổi, hầu hạ liền bên cạnh, lão gia thường khen tôi lanh lợi sau này tất phát đạt chẳng sai, sao bây giờ lão gia quên đi?". Mã Triêu Hiền nói: "Ừ mà giá tao nhận biết mày, mà tao đem mũ Cửu Long giao cho Mã Cường hồi nào chứ?". Văn đại nhân nói: "Mã Tổng quản chớ chối cãi, có sao thời khai thật đi, cho khỏi rách da chảy máu, nếu không khai chúng tôi xin thỉnh đại hình". Mã Triệu Hiền đáp: "Bẩm các ngài, nếu các ngài không thương, dẫu cho kẹp đánh tra khảo tôi cũng đành lòng". Nhan đại nhân nói: "Nếu khoanh tay mà hỏi mãi có ai chịu khai đâu. Vậy cứ thỉnh đại hình". Tả hữu đem đại hình ra, Ngại Hổ khóc và nói túi bụi rằng: "Không, không, tôi không cáo nữa, tôi không cáo nữa, tôi không cáo”. Trần Công công hỏi: "Sao mi lại không cáo?" Ngại Hổ đáp: "Tôi đi cáo đây là vì sợ biết tình gian mà giấu thời có tội, chớ chẳng dè làm hại tới Đại lão gia tới như vậy. Trời ơi! Tuổi tác đường này mà chịu tra khảo thời còn sống sao được. Thôi, tôi không cáo đâu, " Trần Công nói: ”Chuyện này đã thấu tai Thánh thượng rồi, làm sao thôi được". Nói rồi sai dẹp hình cụ và đem Mã Triêu Hiền với Ngại Hổ xuống.

Đỗ đại nhân liền nói với các quan rằng: "Tôi có một cách này, nên đem Mã Cường ra hỏi một lượt xem sao?". Các quan gật đầu, rồi sai tả hữu vào ngục dắt Mã Cường ra, không cho chúng nó thấy mặt nhau. Khi Mã Cường tới trước công đường, Đỗ đại nhân liền hỏi rằng: "Nay có người tới kêu oan cho mi, mi có nhìn biết không?". Mã Cường nói: "Xin cho xem mặt". Đỗ đại nhân dắt Ngại Hổ ra, Mã Cường nhìn thấy Ngại Hổ, nghĩ thầm trong bụng rằng: "Thằng nhỏ này vì chủ mà kêu oan thật ít có ai như vậy". Nghĩ rồi vội vã bẩm báo rằng: "Tên này là gia nô của tôi, tên là Ngại Hổ”. Đỗ đại nhân hỏi: "Nó được mấy tuổi?". Mã Cường đáp: "Được mười lăm tuổi đầu”. Đỗ đại nhân hỏi: "Nó có phải là thế bộc của mi chăng?". Mã Cường đáp: “ Phải, nó ở nhà tôi từ thuở nhỏ tới nay". Văn đại nhân liền nói tiếp: “Thôi, Ngại Hổ đọc khẩu cung lại nghe". Ngại Hổ liền đọc y lại, rồi nói: "Xin Viên ngoại chớ tưởng lạ, tiểu nhân vì sợ tôi nên phải buộc lòng tố cáo”. Mã Cường nạt rằng: “Đồ chó, mi thật già hàm đặt chuyện, lão gia nào đưa mũ cho ta hả?".
Trần Công công nói: ""Chỗ này là công đường, chớ chẳng phải là nơi để mi rầy la tôi tớ". Mã Cường nói: "Bẩm đại nhân, ba năm trước chú tôi về quả là không có đem mũ Cửu Long theo, đó là Ngại Hổ cáo gian". Nhan đại nhân nói: ”Nó cáo rằng mũ ấy mi sai nó bưng đi giấu sau lầu Phật, còn chối sao được”. Mã Cường nói: "Nếu quả có mũ ấy tại nhà tôi, thì tôi xin làm cam đoan nhận tội". Các quan liền sai đem bút mực cho Mã Cường làm cam đoan, rồi đem Mã Triêu Hiền ra cho chú cháu thấy nhau và đưa tờ cam đoan của Mã Cường cho y coi, Mã Triêu Hiền cũng chịu làm cam đoan, nếu có mũ Cửu Long tại lầu Phật thì mình cũng xin chịu tội. Việc ấy xong, sai tả hữu đem giam chú cháu Mã Cường vào ngục.
Văn đại nhân nói với Ngại Hổ rằng: "Còn việc cướp giật nhà Viên ngoại mi đó, mi có biết rõ hay không?". Ngại Hổ đáp: "Viên ngoại tôi có một khu nhà rộng đặt tên là quán Chiêu Hiền, có nhiều người ở đó, mỗi ngày tập luyện côn quyền, dượt thử gươm giáo. Nhân ngày nọ chủ tôi gặp vị tú tài, nói là quan Thái thú mới nhận chức, nhất tại địa lao, không rõ ý muốn làm gì. Kế vị tú tài ấy nhờ có người cứu khỏi, nên chủ tôi sợ lắm. Mấy người ở trong quán Chiêu Hiền bảo rằng: Nếu có bề gì thì kéo rốc qua ở với Tương Dương Vương. Nào dè tới canh hai đêm ấy có một người to lớn đem quan binh tới bắt Viên ngoại và phu nhân tôi trói lại. Mấy người ở trong quán Chiêu Hiền nghe báo, liền chạy tới cứu chủ, bị người to lớn nọ đánh thua ráo, nên chạy về quán Chiêu Hiền mà trốn. Lúc đó tôi cũng lo trốn, nên không rõ việc cướp giật ấy ra sao?". Văn đại nhân hỏi: "Mi có biết hồi giải Viên ngoại mi về phủ là hồi nào không?". Ngại Hổ nói: "Tôi nghe Giao Thành nói hồi đó là canh năm". Văn đại nhân nói với các quan rằng: "Cứ như lời ấy thì vụ cướp này không có can thiệp tới Âu Dương Xuân chút nào". Các quan hỏi: "Làm sao ngài rõ được?". Văn đại nhân nói: “Cứ như trong tờ cung, bị cướp hồi rạng đông, mà Âu Dương Xuân. hiệp lực với sai dịch giải Mã Cường về phủ hồi canh năm, thời làm sao cướp cho được".

Các quan khen phải, rồi sai đi bắt Giao Thành, ai dè Giao Thành đã trốn từ lâu rồi. Các quan liền hợp nhau dâng sớ lên Thiên tử.
Hôm sau, có chiếu chỉ của Thiên tử dạy phủ Khánh Châu bắt đồ đảng tại quán Chiêu Hiền và tìm mũ Cửu Long. Quan tuần kiểm tại đó liền đem binh tới quán Chiêu Hiền thì không thấy một bóng người, chỉ xét được ít nhiều thư từ đi lại với Tương Dương Vương bàn việc nghịch mà thôi, bèn lấy thư ấy rồi đem Quách Thị lên lầu Phật, tìm mũ Cửu Long sau vách cốt Phật giữa. Quan tuần kiểm liền đem mũ Cửu Long và bắt Quách Thị áp giải lên kinh. Các quan đều tựu tại Đại Lí Ti, thỉnh mũ Cửu Long để trước tòa rồi dạy đem Quách Thị ra hỏi: "Vì sao mà ngự quan lại ở tại nhà mi?”. Quách Thị đáp: "Thật tôi không rõ việc ấy”. Phạm đại nhân hỏi: “Mi thấy mũ ấy tìm được tại đâu?". Quách Thị đáp: "Mé sau vách, vế phía tả cất Phật giữa”. Đỗ đại nhân hỏi: ”Quả mi thấy rõ hay không?". Quách Thị đáp: "Bẩm phải". Đỗ đại nhân liền bảo ký tờ cung rồi sai đem Mã Cường ra. Mã Cường thấy có vợ tới thì thất kinh, lại nghe Văn đại nhân nói: "Bây giờ đã thấy ngự quan tại nhà mi rồi, mi còn có lời gì chối cãi nữa chăng?”. Mã Cường biến sắc, hỏi vợ rằng: "Mũ ấy tìm thấy ở đâu?". Quách Thị nói: “Sau tấm vách giữa chớ ở đâu”. Mã Cường hỏi: “Ai đem để đó?". Quách Thị nói: "Ai đem thì ông biết, sao lại hỏi tôi?". Văn đại nhân không để vợ chồng Mã Cường nói lâu, bèn hét rằng: "Nghịch tặc, còn chối cãi gì, mau ký tờ cung đi!”. Mã Cường không thể từ chối, vừa ký tờ cung vừa kêu oan liền miệng. Văn đại nhân sai tả hữu lôi vợ chồng Mã Cường xuống, rồi đem Mã Triêu Hiền ra, đưa khẩu cung của Mã Cường cho y coi. Triêu Hiền coi xong, hỏi sơ Quách Thị ít điều, rồi cứng họng ngẩn ngơ chỉ có nhắm mắt ký tờ cung cho xong chuyện. Các quan thấy chú cháu Mã Cường cung khai rồi bèn dạy giam cả vào ngục, duy chừa Quách Thị lại để hỏi rõ vụ cướp giật ban đêm.
Đương lúc tra hỏi, có nha dịch vào báo rằng: "Ngoài cửa có ông già kêu oan cho Nghê Thái thú”. Văn đại nhân liền cho đòi vào. Ông già ấy vào tới công đường dâng tờ trình lên. Các quan chuyền tay nhau xem thì Nhan đại nhân bèn bàn rằng: "Đây cũng là việc có can thiệp với vụ mà thánh chỉ phú cho chúng ta, tuy nay Mã Triêu Hiền đã bị bắt giam về tội tự đạo, song còn án Mã Cường và Nghê Thái thú; vậy sẵn có Nghê Trung kêu oan đây, chúng ta nên đem nội vụ ra xét, mai sẽ dâng sớ lên tâu Thiên tử". Văn đại nhân gật đầu khen phải.

Hồi Thứ Tám Mươi Ba

Nghê Thái thú đền ơn trả oán,
Bạch Ngọc Đường cứu lụt bắt yêu.

Nghê Trung tới trước công đường trình trạng rồi, quỳ xuống khóc kể đầu đuôi, từ lúc vâng chỉ ra Khánh Châu nhận chức, giả trang dò xét dân tình, đến khi bị Mã Cường bắt, nhờ Giáng Trinh cứu, lại bị bắt lần thứ hai, tình cảnh thế nào đều nói rõ lại. Phạm đại nhân nghe xong bèn hỏi: "Chủ của nhà ngươi bị hàm oan, sao nay mới thân tố?”. Nghê Trung thưa: "Nhân vì tôi vâng việc chủ về Dương Châu rước gia quyến. Khi trở lại mới hay việc này, bèn lật đật lên kinh, kêu oan cho chủ”. Nói đoạn khóc rống lên.
Văn đại nhân nói với các quan rằng: “Cứ trong tờ trình của Nghê Trung thời phù hợp với lời khai của Nghê Kế Tổ, Âu Dương Xuân và Ngại Hổ. Vậy phải đòi Nghê Kế Tổ và Âu Dương Xuân ra hỏi lại xem sao?”. Các quan khen phải, sai tả hữu mời hai người ra. Văn đại nhân liền hỏi Nghê Thái thú rằng: "Ông cùng Bắc Hiệp định chừng nào bắt Mã Cường? Và chừng nào giải về phủ?". Nghê Thái thú đáp: "Định tới canh hai đem sai dịch bắt Mã Cường, rồi rạng sáng ngày sau về tới phủ”. Văn đại nhân lại hỏi Bắc Hiệp rằng: "Bắt Mã Cường hồi canh hai, sao rạng đông mới về tới phủ?". Âu Dương Xuân thưa: "Vì bắt Mã Cường rồi còn phải chống cự với bọn trong quán Chiêu Hiền tới canh năm chúng nó mới tan, và đường từ Bá Vương trang về tới phủ xa ước tới vài mươi dặm nên giải Mã Cường tới rạng đông mới đến phủ". Văn đại nhân đem Quách Thị ra hỏi: "Ai bắt chồng mi, mi có nhớ không?". Quách Thị thưa: "Người to lớn râu đỏ" Văn đại nhân hỏi: "Chồng mi bị bắt ra khỏi nhà hồi nào?!”. Quách Thị đáp: "Hồi canh năm". Văn đại nhân hỏi: "Còn nhà mi bị cướp hồi nào?”. Quách Thị đáp: "Hồi đó trời chưa sáng". Văn đại nhân hỏi: “ Trong tờ khai kẻ đồ mất nhiều lắm, không lẽ có một người giật. Vậy mi có thấy chúng nó đông chừng bao nhiêu không?". Quách Thị đáp: "Đông lắm song không rõ là bao nhiêu, vì lúc ấy tôi không dám ló đầu ra, chỉ nghe chúng nó nói rằng: "Chúng là người của Bắc Hiệp tới mà thôi”. Văn đại nhân nói: "Người đi cướp giật ai dại gì lại nói tên mình hay là bọn đồng lõa. À, mà lúc đó mấy người ở quán Chiêu Hiền đâu không tiếp cứu?”. Quách Thị đáp: "Sáng ngày đó, tôi tra xét đồ đạc lại, chẳng những là không thấy bọn ấy mà tới đồ đạc ở đó cũng mất sạch ráo. Bẩm thượng quan, những bầu bạn của chồng tôi đó đều là quân quấy quá bất lương chứ không có người nào tử tế". Văn đại nhân nghe dứt, nói với các quan: "Các ngài có nghe chưa. Đó là bọn cường khấu tại quán Chiêu Hiền cướp giật rồi. Vậy mau đem Mã Cường ra đối diện với Nghê Trung".

Mã Cường nhắm thế chối cãi không xong, bèn khai thật những việc mình đã làm, không giấu giếm một tí gì. Các quan liền sai đem Nghê Thái thú, Bắc Hiệp, Ngại Hổ, Nghê Trung ở vào một nơi để đợi thánh chỉ, còn bao nhiêu đều giam vào ngục, rồi đồng dâng sớ, kẹp luôn những thư từ xét được tại quán Chiêu Hiền và các tờ cung khai lên cho Thánh thượng. Thiên tử xem xong, lấy sớ lại, ấy bởi ngài là người lấy đức trị dân, nay vì án này có liên quan đến Hoàng thúc Thiệu Tước, nên không muốn xét kỹ, chỉ xuống chiếu xử trảm cho chú cháu Mã Cường, và giam Quách Thị, còn Nghê Thái thú thời được phục chức, Bắc Hiệp vô sự; Ngại Hổ còn nhỏ mà cáo kẻ có tước quyền, lý ra là có tội, song bởi vì mũ Cửu Long mà cáo nên rộng tha cho.
Chiếu ấy truyền xuống, Nghê Thái thú dâng biểu tạ ơn và kẹp thêm một tờ tấu kể lể nỗi Nghê Nhân bị hại, Lý Thị hàm oan, Dương Phương trung liệt, Đào Tôn, Hạ Báo hung tàn. Thiên tử xem xong liền ban dụ xuống truy phong cho Nghê Nhân hàm ngũ phẩm, sắc tặng cho Lý Thị, cáo phong Nghê Thái công và phu nhân hàm lục phẩm. Nghê Trung thất phẩm thừa nghĩa lang ở tại phủ, Châu Giáng Trinh có Ngọc Liên Hoa thời thành hôn với Nghê Thái thú. Châu Hoán Chương thời ân tứ sĩ. Còn Đào Tôn, Hạ Báo thời cho truy tìm rồi xử tội.
Nghê Thái thú được ơn Thiên tử, liền lạy tạ ơn, rồi ra tham kiến Bao Công, định ngày nhận chức, mời Bắc Hiệp và Ngại Hổ ra Khánh Châu. Tới nơi ra mắt Lý phu nhân và vợ chồng Nghê Thái Công, Lý phu nhân vẫn giữ việc tu trì trai giới. Nghê Thái thú lại sai Nghê Trung đi với Châu Hoán Chương tới nguyện Nghi Trưng lấy cốt Nghê Nhân về, giết Hạ Lão tế linh, rồi an táng. Xong việc ấy, bèn lựa ngày lành kết duyên với Châu Giáng Trinh. Còn cha con Bắc Hiệp chờ các việc xong xuôi bèn đi qua thôn Mạc Hoa.
Nhân Tôn thiên tử tiếp liền những sớ báo tại hồ Hồng Trạch có lụt, chẳng những hư hại mùa màng lại còn làm chết người, tốn hao tiền của nữa. Mặt rồng chẳng vui, liền triệu Bao Công tới thương lượng. Bao Công liền tiến cửa Nhan Xuân Mẫn làm tuần án đi xét các sông và yên úy dân tình. Vua chuẩn tấu, rồi hạ chỉ. Nhan Xuân Mẫn tiếp chỉ liền tới phủ Khai Phong xin Bao Công dạy phép trị thủy và xin cho Công Tôn Sách, Bạch Ngọc Đường theo giúp sức. Bao Công bằng lòng qua ngày sau dâng biểu xin cho Công Tôn Sách và Bạch hộ vệ về theo giúp Nhan tuần án. Thiên tử chuẩn tấu, Nhan Xuân Mẫn tạ ơn rồi nội ngày đó xuất hành.

Ngày nọ tới thành Tứ Thủy, quan phủ là Trâu Gia ra tiếp. Đương còn hỏi thế nước yếu mạnh ra sao, thời thấy có người tại đê Xích tới báo rằng: "Nạn lụt chưa xong, lại thêm có thủy quái nữa". Nhan đại nhân nghe như vậy, bèn định với quan phủ sáng ngày sẽ lên núi Tây Hư xem nước. Quan phủ nhận lời kiếu lui. Nhan đại nhân bèn bàn luận việc ấy với Công Tôn Sách và Bạch Ngọc Đường một lượt rồi mới đi nghỉ.
Ngày sau ba người ngồi kiệu đi với quan phủ lên núi Tây Hư dòm xuống, thấy một vùng trắng xóa, sóng bủa nhấp nhô, cuồn cuộn như sôi, tràn ngập cả đê đường nhà cửa. Còn dân chúng thời xúm nhau che chòi dựng lều trên mấy chỗ nước mới mấp mé mà ở. Tình cảnh thật khá thương, ai xem qua cũng xót dạ. Bạch Ngọc Đường thấy vậy nghĩ thầm rằng: "Thương hại cho muôn dân đã bị thủy tai lại thêm thủy quái, mà lạ sao thủy quái không bắt người lại lấy đồ đạc trong nhà và tiền của? Muốn rõ điều này tối nay ta phải dò xét xem sao?". Nghĩ đoạn liền cho Nhan tuần án biết, rồi dắt theo bốn tên sai đinh đi thẳng lên đê Xích, nói rằng mình phụng chỉ đi tra nghiêm quanh cảnh lụt lội. Dân chúng nghe vậy liền tới cúi đầu tỏ sự khốn khổ. Bạch Ngọc Đường liền sai che một cái lều, chui vào ngồi, kêu ít người nạn dân tới cùng nhau nói chuyện thủy quái, nhân hỏi thăm tung tích đi lại của nó, thời biết rằng thủy quái chỉ có một cách gầm rống mà thôi. Bạch Ngọc Đường nghe xong móc túi đưa ra vài lượng bạc sai người đi mua chút ít rượu thịt về cùng nhau ăn uống. Trong khi ăn uống chuyện vãn, Ngọc Đường hỏi tới đường lối và các ngọn ngành xung quanh đê Xích. Mọi người đều nói: "Chỉ có bên kia chân núi là chỗ nước xoáy, thời thế nước ứ vẫn dữ dội lắm, hễ ai đi thuyền qua đó thì bị chìm đắm, thật là một nơi rất nguy hiểm". Bạch Ngọc Đường hỏi: "Nơi ấy có tên là gì?". Dân đáp: "Cách đây vài dặm là miếu Tam Hoàng". Bạch Ngọc Đường nghe ghi nhớ kỹ lưỡng lắm. Ăn uống xong dặn dân chúng núp trốn trong lều coi mình bắt thủy quái.
Đêm vừa quá canh hai, Ngọc Đường nghe có tiếng khì khịt bèn lén ra khỏi lều, tay cầm cục đá, núp xem tình thế. Thấy dưới nước nhảy lên một vật hình như hình người, mặt mày dữ tợn. Tóc bỏ xõa đi xăm xăm vào lều Bạch Ngọc Đường lén lén theo sau lưng, nghe trong lều có tiếng la: ”Quái vật tới đó! Thủy quái tới đó!" Bạch Ngọc Đường ở sau lưng vội vàng ném một cục đá Thủy quái bị ném đau quá, vừa quay đầu lại, bị Ngọc Đường ném tiếp một cục nữa quá nặng nên nhào lăn xuống đất. Ngọc Đường liền nhảy tới đè, rồi sai dịch áp tới bắt quái vật đem vào lều. Rọi đèn xem thì người ấy mang lốt, lột lốt ra thời chỗ bị ném chảy máu quá nhiều, kêu khóc xin dung mạng.
Ngọc Đường còn đương xem chợt nghe ngoài đê có tiếng la: "Thủy quái tới? Thủy quái tới?", liền vội vã chạy ra chỉ thấy mặt nước dợn và cuộn sóng thôi. Bây giờ các hương lão đều tề tựu lại coi thủy quái, thấy rõ người giả dạng mà cướp giật của dân, nên ai nấy đều tay đánh miệng chửi rất tàn tệ. Bạch Ngọc Đường cản lại mà rằng: "Đã biết đó là giả rồi, vậy từ rày về sau chớ có sợ nữa, hễ gặp thì xúm nhau bắt cho được đem nạp lại viện Tuần án mà lĩnh thưởng, chớ đánh khảo làm chi cho mỏi tay, sẽ có luật nước nghiêm trị cho". Mọi người vâng dạ, Bạch Ngọc Đường liền sai dịch giải con quỷ giả đó về viện Tuần án.

Hồi Thứ Tám Mươi Bốn

Công Tôn Sách dò nước gặp Mao Sanh,
Tưởng Trạch Trường lội hồ bắt Ngô Khấu.

Bạch Ngọc Đường về đến viện Tuần án, ra mắt Nhan đại nhân thuật rõ chuyện thủy quái. Nhan đại nhân liền thăng đường đem thủy quái giả ra tra. Thời là mười ba tên thủy khấu (ăn cướp trên mặt nước) tụ tập tại miếu Tam Hoàng, ban ngày cướp giật thuyền qua lại, tối giả thủy quái chụp giật của cải của dân chúng trên đê Xích. Bạch Ngọc Đường lại thuật lời hương lão đã nói chỗ xoáy nọ. Công Tôn Sách nghe nói như vậy nghĩ thầm rằng: "Chắc là có chỗ nào bị ngăn lấp, nên thế nước ứ dội làm cho tràn ngập các nơi, vậy phải tra xét cho kỹ rồi khai đào cho thông, mới mong cứu được nạn". Nghĩ xong tỏ ý với Nhan tuần án xin ngày mai đi dò xem thế nước. Nhan đại nhân chấp thuận. Bạch Ngọc Đường lại nói: "Đã có thủy khấu, ắt phải viện Tứ ca tôi trị nó mới xong". Nhan đại nhân nhận lời, liền viết sớ tâu lên Thiên tử, xin phủ Khai Phong phái Tưởng Bình tới giúp sức.
Ngày sau Nhan đại nhân phái hai viên Thiên tổng là Hoàng Khai và Thanh Bình cùng tám tên thủy thủ chèo hai chiếc thuyền cho Công Tôn Sách đi xem thế nước. Đi chẳng bao lâu, Thanh Bình hớt hải chạy về báo rằng: "Chúng tôi theo Công Tôn tiên sinh tới chỗ nước xoáy, chúng tôi cản không cho đi tới, Công Tôn tiên sinh không nghe nên thuyền bị chìm, ngài và Hoàng Khai mất tăm dạng, chúng tôi cứu không kịp, mau trở về báo cho đại nhân hay". Nhan đại nhân nghe nói thất kinh hỏi rằng: "Chỗ ấy bây giờ có thuyền bè qua lại không?". Thanh Bình thưa: ”Trước kia thì có, song từ khi xảy ra những chuyện nguy hiểm chìm đắm, thì thuyền bè sợ hãi nên không dám qua lại nữa". Nhan đại nhân nghe nói buồn lắm, sai quân đem thuyền đến mò kiếm thi thể mà thôi. Kiếm trót ngày mà không thấy tung tích gì, khoanh tay đợi Tưởng Thạch Trường tới.

Mấy hôm sau Tưởng Bình tới, Nhan đại nhân kể lại chuyện Công Tôn Sách và Hoàng Khai bị chìm tại chỗ nước xoáy ở Triền Noa và lời của tên thủy khấu cung khai rằng còn đồ đảng mười hai đứa tụ tập tại miếu Tam Hoàng cho Tưởng Bình nghe.
Hôm sau, Tưởng Bình bảo Thanh Bình chèo thuyền đưa mình tới Triền Noa. Thanh Bình thấy Tưởng gia ốm yếu thời nghĩ thầm rằng: "Người như vầy mà bắt sao cho được quái vật, chẳng qua đem thịt mà nạp miệng hùm thôi". Mải nghĩ như vậy, thuyền đã tới nơi, nước xoáy ầm ầm, thấy mà sởn gáy. Tưởng gia tay cầm giáo, mình mặc đồ lội nước rất gọn đứng dậy co giò nhảy đùng xuống nước, không còn thấy tăm dạng ở đâu.
Tưởng Bình đi dưới nước, mở mắt ra xem, thấy xa xa đi lại có một người, mình mặc lốt da, tay cầm chùy sắt, mò mò đi tới. Tưởng Bình định chắc người ấy lội nước không mở mắt được, bèn cho một mũi giáo vào hông, người ấy chết liền. Tưởng Bình đi lần tới đâm luôn hai người như vậy nữa, rồi đi ước ba dặm thời tới bờ, bèn nhảy lên, thấy có một tòa miếu, trên ngạch có tấm biển đề "Tam Hoàng miếu”. Tưởng Bình len lén đi vào, không thấy bóng người thấp thoáng, thẳng tới nhà bên trong nghe có tiếng rên hù hù, bèn bước tới xem, thời là một ông sãi bị ốm.
Ông sãi ấy vừa thấy Tưởng Bình lật đật nói rằng: “Tôi không biết việc gì, đó là bọn học trò tôi thả vị tiên sinh và Thiên Tổng rồi trốn đi, để họa lại cho tôi đó xin lão gia dung mạng!”. Tưởng Bình nghe lời nói, có thể dò ra manh mối được, bèn hỏi: ”Tôi vì cứu vị tiên sinh ấy mà tới, vậy người đã bị hại chưa?". Ông sãi nói: "Vậy ngài là quan viên đây sao? Xin thứ lỗi cho tôi. Nguyên mấy ngày trước có hai người chìm thuyền tại Triền Noa, bọn thủy khấu mò vớt đem về cứu sống, nhìn ra thời một người là viên Thiên tổng họ Hoàng, còn hỏi người nọ là Công Tôn tiên sinh vâng chỉ Thiên tử đi trị thủy. Bọn thủy khấu nghe vậy, liền giao hai người cho học trò tôi giữ, rồi để lại ba người cướp giật thuyền buôn qua lại, còn bao nhiêu đều đi lên Tương Dương Vương thông báo, hoặc giết cả hai người hay là đem nạp cho Phi Xoa Thái bảo Chung Hùng. Khi chúng nó đi rồi, tôi bàn bạc với học trò thả hai người ấy đi và bảo nó trốn để tôi ở lại liều mạng cho chúng nó giết đánh gì tự ý". Tưởng Bình gật đầu và tỏ ít lời cảm ơn, rồi hỏi: "Người đầu mục của nó tên gì?". Ông sãi nói: "Nghe nó tự xưng là Trấn Hải Giao Ngô Trạch". Tưởng gia hỏi: "Còn vị tiên sinh và Thiên tổng đi ngả nào, ông biết không". Ông sãi nói: “Chỗ chúng tôi ở đây hoang vắng lắm, một mặt trông ra biển, một mặt dựa vào non, chỉ có một con đường đi rất khúc khuỷu quanh co, ước mười dặm tới một chỗ kêu là Loa Sư Loan, tới chỗ đó mới có nhà người ở”. Tưởng gia hỏi: "Từ đây lại Loa Sư Loan có thể đi đường thủy được không?". Ông sãi nói: "Được và gần lắm, ước vài dặm thôi!”. Tưởng Bình hỏi: “Chừng nào bọn thủy khấu về đây?". Ông sãi nói: “Ước vài ngày thời nó về tới". Tưởng Bình hỏi xong lai lịch rồi nói "Vậy ông nên yên dạ, mai này sẽ có quan binh tới bắt chúng nó, ông không bị hại đâu”. Nói đoạn đi ra khỏi miếu, nhảy ùm xuống nước, lặn ra tới Triền Noa ló lên thuyền dặn Thanh Bình rằng: “Ngươi mau chèo thuyền trở về báo với Tuần án, xin thêm năm mươi tên quan binh sáng ngày đem thuyền tới miếu Tam Hoàng bao vây bốn phía, chờ cho thủy khấu tụ tập lại, khi chúng đi ra sẽ núp theo mà đánh". Thanh Bình nói: “Chỗ nước xoáy này đi qua sao được?". Tưởng Bình nói: "Khi trước có ba tên thủy khấu đi đục thuyền, bây giờ ta đã giết rồi còn gì sợ. À! Ta đã dò được tin Công Tôn tiên sinh và Hoàng Thiên tổng đi đâu rồi”. Nói dứt lời, nhảy xuống nước lội qua mé tây bắc, Thanh Bình quay thuyền trở về.

Tưởng Bình đương đi dưới nước, nghe trên đầu có tiếng động, bèn trồi lên thời thấy một người ngồi trên bè thả lưới bắt cá. Người nọ dòm thấy Tưởng Bình mặt đồ chẹt ốm nhách như con vượn thời cười rằng: "Bộ tướng như vậy mà cũng lội nước làm giặc, ta không thèm hại mi đâu. Sao chưa chịu đi đi?". Tưởng Bình nói: "Không, ta không phải là thủy khấu, mà ngươi cũng không phải là kẻ đánh cá, vậy dám hỏi quý tính là chi? Ta tới đây chỉ hỏi thăm đường qua Loa Sư Loan mà thôi". Người nọ hỏi: "Mi tên họ là gì?" Tưởng Bình đáp: "Tôi họ Tưởng tên Bình”. Người nọ vội vàng nói: "Té ra Phiên Giang Thử đây sao? Xin thứ lỗi, tôi đây là Mao Tú nhà ở tại Loa Sư Loan, nhân có hai vị quan trưởng ở tại nhà, hằng nói tới danh hiệu ngài và nói rằng ít lâu nữa ngài sẽ tới, nên sai tôi giả đánh cá mà thăm tin. Vậy xin mời ngài về nhà tôi cùng nhau gặp gỡ. Tưởng Bình nhận lời leo lên, Mao Tú cuốn lưới rồi chống bè về Loa Sư Loan. Khi tới nơi thấy một ông già tức là cha của Mao Tú ra tiếp rước, kế Công Tôn Sách và Hoàng Khai ra chào mừng, ai nấy chuyện trò rất là vui vẻ. Công Tôn Sách liền chỉ ông thân của Mao Tú và nói với Tưởng Bình rằng: "Lão trượng đây quý danh là Cửu Tích, thật người cao minh ẩn sĩ, thông hiểu cách trị thủy". Tưởng Bình nghe nói mừng lắm.
Một lát Mao Tú bày cơm nước ra, mọi người xúm lại ăn uống rồi ở nghỉ tại đó. Hôm sau Tưởng Bình nai nịt gọn gàng, cầm giáo từ giã các vị ra đi, và hứa rằng: "Khi nào trừ xong thủy khấu sẽ trở lại rước”. Dứt lời ra mé hồ nhảy xuống, tính đi tới chỗ nước xoáy rồi tới miếu Tam Hoàng dò tin tức Thanh Bình và thủy khấu xem tới chưa. Chẳng dè đi vừa một đỗi, thấy có hai người mặc lốt da, tay cầm đao đi tới, Tưởng Bình bèn huơ giáo thưởng mỗi người một mũi rất mạnh, cả hai đều chết liền.

Tưởng Bình giết hai tên thủy khấu rồi, mới quay mình trở đi, chợt thấy có mũi thương đâm tới liền vội né tránh. Người đâm Tưởng Bình đó là Trấn Hải Giao Ngô Trạch. Từ khi đem tám tên thủy khấu trở lại miếu Tam Hoàng tính giải Công Tôn Sách và Hoàng Khai qua Quân Sơn cho Phi Xoa Thái bảo, ai dè vừa vào miếu thời nghe có tiếng la: "Bắt thủy khấu! Bắt thủy khấu!”. Bọn thủy khấu hoảng kinh cầm đao túa ra, bị phục binh của Thanh Bình giết hai đứa và bắt bốn đứa. Còn hai đứa thoát khỏi, lặn xuống nước tìm đường thoát thân, rủi gặp Tưởng Bình mới giết khi nãy đó. Viên đầu lĩnh của bọn thủy khấu là Ngô Trạch tuy có tài giỏi, song chống cự với Thanh Bình và quan binh không lại, nên nhào xuống nước tìm đường thoát thân. Đi vừa tới đây gặp Tưởng Bình, liền giơ thương đâm tới. Tưởng Bình né khỏi mũi thương rồi huơ giáo giao chiến. Phàm phép chiến đấu dưới nước phải khác hơn trên bờ, ở dưới thường dùng khí giới ngắn nhỏ mới tiện chớ thương dài, bản lớn nên xoay xở chậm chạp lắm, vì vậy Tưởng Bình lừa thế lòn ra sau lưng, một tay với nắm khăn trùm, một tay dùng giáo đâm vào bắp tay Ngô Trạch. Ngô Trạch bị đâm đờ đẫn không còn chống cự nổi, buông trường thương, rồi lăn đi. Tưởng Bình ôm lại nhận hoài, không cho ló mũi lên mặt nước lấy hơi thở, đến chừng thấy Ngô Trạch uống nước nhiều rồi, bèn kéo lên mặt nước thấy thuyền của Thanh Bình đậu dài theo mé hồ bèn kêu thuyền ra vớt Ngô Trạch lên, xóc nước cho tỉnh lại. Tưởng gia bèn hỏi Thanh Bình rằng: “Ngươi đem binh tới miếu Tam Hoàng sự thể ra sao?". Thanh Bình đáp: "Tới đó vây bắt được bốn tên thủy khấu và giết hai tên, còn hai tên chạy thoát". Tưởng Bình nói: “Hai tên ấy ta cũng giết được rồi. Chỉ người này chẳng hiểu có phải là Ngô Trạch hay không?". Nói đoạn sai dắt ra một tên thủy khấu bị bắt sống, rồi chỉ Ngô Trạch mà hỏi thời nó nhận là đầu lĩnh Ngô Trạch chẳng sai. Tưởng Bình cả mừng, truyền lệnh thủy thủ chèo thuyền riết về viện Tuần án.

HOMECHAT
1 | 1 | 156
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com