watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:32:3018/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 8

Hồi Thứ Bảy Mươi Chín

Giả làm mướn, tới Ngự Hà moi bùn đất.
Trổ tài hay, leo cây cao bắt khỉ.

Đương lúc Trí Hóa xin tiền, có một người trong tốp ấy đứng ra hỏi rằng: "Ớ chú kia, chẳng hay chú tên họ là gì?". Trí Hóa đáp: "Tôi tên Vương Nhị, còn ông đại danh là chi?”. Người ấy đáp: "Ta tên Vương Đại, bây giờ có một chuyện muốn nói với chú em, nhưng không biết chú em có bằng lòng hay không?". Trí Hóa nói: "Xin ông cho biết". Vương Đại bèn nói: "Hiện nay trong Tử cấm thành có mướn phu vét hào, mỗi ngày ăn ba bữa cơm, và tiền công sáu mươi tiền, vậy chú em vào đó làm còn sướng hơn là đi xin, nhục lắm!”. Trí Hóa chưa kịp đáp thời Bùi Phúc đã bước tới hỏi: "Không cần năm sáu chục tiền, miễn có cơm cho con tôi ăn là đủ. Này con, thôi con đi theo chú này đi làm đi". Vương Đại nói: ”Chú em cứ đi làm, mỗi ngày đem về sáu chục tiền cho ông cháu ở nhà ăn cũng đủ mà". Trí Hóa bằng lòng liền đi theo vào Tử cầm thành lĩnh sọt, xuống làm công như những người phu ở đó.
Trí Hóa làm được một ngày, chiều lĩnh tiền đem về cho Bùi Phúc. Vương Đại căn dặn mai sáng đi làm nữa. Bùi Phúc nói: ”Vương đầu nhi ơi? Cha con tôi cùng quẫn quá, nhờ ông chỉ chỗ làm, đã có cơm ăn lại có tiền, thật cũng nhờ trời giúp đỡ ơn ông tôi cũng chẳng quên". Vương Đại cười không đáp rồi từ giã đi về. Tối lại, lúc vắng vẻ, Trí Hóa nói với Bùi Phúc rằng: "Nhân dịp này, mình giả làm mướn vào ra trong Tử cấm thành, chờ cơ hội sẽ dò được Tứ Chấp khố rồi sẽ ra tay".
Ngày sau Trí Hóa lại theo bọn Vương Đại vào Tử cấm thành làm công như thường. Trong lúc đương làm, chợt nghe có tiếng ồn ào liền cất đầu lên xem, thấy có hai người nội tướng đương đứng chỉ trỏ trên cây bèn dòm lên thời thấy trên cây ấy có một con khỉ nhỏ, cổ mang xiềng đương chuyền qua nhảy lại. Trí Hóa nhìn thấy như vậy, vụt nói khan rằng: “À! Con khỉ chuyền cao ghê, phải không mắc làm đây, leo bắt nó chơi". Hai người nội tướng (quan trong cung) nghe nói cả mừng chưa kịp mở miệng thời Vương Đại đã gàn Trí Hóa rằng: "Vương nhị đệ, làm thời lo làm, nói chuyện lôi thôi gì đó! Chắc bắt được sao?". Hai vị nội tướng nói: "Vương đầu nhi, để rồi ta cho mi uống rượu mà. Chuyện gì lại cản người đó không cho bắt giùm khỉ ấy cho ta". Vương Đại nói: "Không phải là tôi không cho, nhưng sợ nó nói láo, rồi bắt không được mà thôi". Nội tướng nói: "Như vậy có can gì tới mi”. Nói đoạn bảo Trí Hóa rằng: "Chú kia, chú làm ơn leo lên bắt giùm con khỉ ấy cho tôi, tôi sẽ hậu tạ". Trí Hóa gầm đầu đáp rằng: "Tôi có biết leo ở đâu”. Nội tướng thấy Trí Hóa làm cao liền day qua trách Vương Đại. Vương Đại liền năn nỉ Trí Hóa, bảo ráng leo bắt giùm.
Trí Hóa thấy nội tướng và Vương Đại nói lắm bèn xắn áo quần leo lên cây, chuyền lẹ làng chẳng khác chi con khỉ trên ấy. Khỉ đương ngồi trên cây, thấy có người leo lên, vội vàng nhảy qua nhánh khác lựa chỗ kín ngồi núp. Trí Hóa liền dõi theo tìm kiếm, thấy chỗ khỉ ngồi rồi, bèn lén leo nhẹ nhẹ lên một nhánh khác, nhằm chừng ngang chỗ với con khỉ ngồi bên kia thì ngừng lại, kiếm mối dây xiềng, rồi vung mình nhảy qua nắm chặt lại. Khỉ bị bắt thình lình bèn nhảy đại vào mình Trí Hóa cắn. Trí Hóa lẹ tay chụp ôm chặt lấy nó rồi tuột xuống giao cho hai vị nội tướng.

Hai vị nội tướng cả mừng, hỏi Trí Hóa rằng: "Chú tên họ là chi?". Trí Hóa đáp: "Tôi tên Vương Nhị!”. Nội tướng nói: "Chúng tôi cám ơn chú, vậy xin tặng cho vài nguyên bảo uống trà chơi". Nói đoạn móc túi đưa cho Trí Hóa hai đồng nguyên bảo đáng chừng hai lượng, lại nói với Vương Đại rằng: "Vương đầu nhi! Mai mi cũng đem Vương Nhị vào đây, nhưng đừng bắt y làm công nghe”. Nói rồi ôm khỉ đi vào trong.
Chiều lại, Trí Hóa về chỗ để xe tại đình Huỳnh, Vương Đại cũng ghé lại. Cả hai đem chuyện bắt khỉ được tiền, thuật cho Bùi Phúc nghe, Bùi Phúc mừng rỡ lắm.
Sáng ngày Vương Đại cũng cứ lệ ghé rủ Trí Hóa đi. Khi vào tới hào trong Tử cấm thành, Trí Hóa cũng lãnh vật dụng xuống làm như thường. Vương Đại cản rằng: "Nghỉ đi, nội tướng bảo chú em đi coi chừng cho họ làm mà thôi. Kìa, nội tướng ra kia". Trí Hóa ngước lên xem thấy vị nội tướng hôm qua tay bưng hộp sơn dáng trái đào đi ra, vừa cười vừa hỏi: "Vương Nhị, ngươi tới đây rồi sao?”. Trí Hóa đáp: "Dạ, tôi mới vừa tới” Nội tướng nói: "Ngươi đừng làm, chỉ coi chừng mà thôi. Lão gia sợ ngươi làm như họ nhọc lắm, nên sai ta ra đây, một là thăm chừng, hai là đem đồ cho ngươi ăn điểm tâm!”. Nói đoạn đưa hộp ấy cho Trí Hóa. Trí Hóa vội tiếp lấy giở ra xem rồi ghé mũi vò ngửi đoạn đậy lại như cũ. Nội tướng hỏi: "Sao ngươi không ăn?". Trí Hóa đáp: “Vì tôi có cha già, nên không nỡ ăn vật ngon, muốn đem về dâng cho người!”. Nội tướng khen rằng: “Khá khen ngươi có lòng thảo, thôi ta cho ngươi mượn luôn cái hộp đó, trưa ta sẽ trở ra".

Đến đúng trưa lại thấy vị nội tướng mất khỉ hôm qua với vị nội tướng bưng đồ ăn lúc sớm đi ra. Vương đầu nhi vội vàng chạy lại nghênh tiếp. Nội tướng nói: "Vương đầu nhi! Đã phiền mi sai cắt cho Vương Nhị coi xếp giúp vậy ta thưởng cho mi một ít tiền uống rượu”. Nói đoạn móc túi cho Vương Đại hai nguyên bảo, đoạn kêu Trí Hóa lại gần hỏi rằng: "Vương Nhị, ta nghe ngươi là người con thảo, ta khen lắm, vậy cái hộp ngươi để đâu?". Trí Hóa đáp: "Dạ, tôi còn để y nguyên đàng kia, chưa hề ăn tới". Nội tướng nói: "Đâu? Bưng đi theo ta". Trí Hóa liền bưng hộp đi theo. Vừa tới trên cầu Kim Thủy, nội tướng liền nói: "Ta là họ Trương, thấy ngươi tử tế và có lòng thảo, ta mến lắm. Cái này ngươi cứ ăn, còn trong hộp đó đem về cho cha ngươi!”. Nội tướng vừa nói vừa giở hộp bánh cho Trí Hóa ăn. Trí Hóa miệng thời ăn, tay thời vạch áo lượm bánh bọc vào. Vừa ăn vừa dòm dáo dác hỏi rằng: "Cha! Cái miếu đó lớn quá, mà sao trước cửa có cây gì cao vậy?". Nội tướng nghe hỏi thời tức cười đáp: "Ngươi chưa nghe người ta nói hoàng cung hay sao? Đây là cung điện nhà vua chớ miếu chùa nào ở đây! Cây cao đó là cột cờ?". Trí Hóa hỏi: “Chỗ cột cờ đó là cái nhà gì mà đẹp vậy?". Nội tướng đáp: "Đó là đền Trung Liệt và đền Song Nghĩa". Trí Hóa lại hỏi: ”Còn chỗ cất cái đền lớn đó là cái gì?". Nội tướng đáp: ”Ấy là điện Tu Văn". Trí Hóa lại dòm qua mé khác rồi chỉ và hỏi: "Còn cái cao chót vót đó là cái gì?”. Nội tướng đáp: "Đó là lầu Diệu Võ". Trí Hóa lại hỏi: "Gần bên lầu Diệu Võ có cái gì sùm sụp đó?". Nội tướng đáp: "Ấy là chỗ cất các vật quý báu cua nhà vua, gọi là Tứ Chấp khố". Trí Hóa nghe nói nhìn kỹ phương hướng, rồi giả đò nói bậy bạ rằng: "Mấy tòa nhà lầu hay cái đền các gì đó đẹp nhưng có chút khó coi, là cái nào trên nóc cũng dựng cái ống khói cao nghêu”. Nội tướng cười rằng: "Ngươi như thằng hề, làm ta cười nôn ruột, thôi bưng hộp về đi, ta vào cung", nói rồi đi vào. Trí Hóa đứng nhìn Tứ Chấp khố rất kỹ, rồi bưng hộp đem về, lại trở ra coi cho phu làm. Tới chiều, về chỗ để xe tại đình Huỳnh.
Tối lại, Trí Hóa chờ tới canh hai bèn nai nịt gọn gàng mang túi bá bảo, dặn dò Bùi Phúc rồi lén đi vào Tử cấm thành.

Hồi Thứ Tám Mươi

Trộm mũ Cửu Long, giao cho Đinh Triệu Huệ,
Đón kiệu Thừa Tướng, vạch chuyện Mã Triêu Hiền.

Hắc Yêu Hồ Trí Hóa tới Hoàng thành, dùng dây như ý leo vào vòng trong rồi ráng hết tài nghề lén lén leo truyền qua mấy lớp ngăn nữa, hễ tới chỗ nào thời chăm chú nhìn xem đường lối. Khi tới kho Tứ Chấp, Trí Hóa leo lên trên nóc giở ngói xếp một bên rồi mở túi bá bảo lấy cưa liên hoàn ra cưa rui, vừa chỗ chui mình vào, kế đụng lớp thiếc đóng trần, Trí Hóa vội vàng lấy dùi nhọn dùi ít lỗ rồi rút phát đao ra kéo một lỗ đút vừa bàn tay gần bên chỗ đóng liền mí. Đoạn nằm sấp trên cây thò tay đút kìm vặn những đinh ốc đóng mí thiếc ấy nhổ lần lần thành ra hở một đường khá dài. Nhổ được bao nhiêu bao nhiêu đinh đều bỏ cả vào túi bá bảo, rồi lấy dây như ý buộc vào cây đòn tay, cho dây ấy thòng vào chỗ chiếc mí thiếc hở, rồi đeo theo tuột xuống.
Khi vào được trong kho, đi lần tới một cái buồng, ngoài cửa có giấy niêm đề chữ Thiên, thời biết đó là chỗ để mũ Cửu Long bèn lẹ lưỡi liếm niêm ấy cho ướt mà gỡ ra, rồi lấy xâu thìa khóa giả mà mở khóa. Cửa mở, Trí Hóa liền bước vào thấy trên giường ngà có để một cái túi bằng lụa vàng, bên cạnh có một cái thẻ đề: "Chữ Thiên, số thứ nhất mũ Cửu Long một cái". Trí Hóa bụng mừng lắm, lật đật lấy hộp, bỏ mũ nai nịt vào lưng, rồi đi ra khóa cửa buồng lại, dán niêm y như cũ, lại e có dấu tay nên lấy vạt áo lau lia lịa. Đoạn đi trở lại mối dây như ý mà leo lên, rồi móc đinh ra vặn liền mí thiếc lại, sửa kín chỗ lỗ khoan y như cũ. Lên tới trên nóc cũng ráp mui lợp ngói, trét vôi đâu đó xong xuôi, ai vô ý thời không biết là có kẻ vừa cạy phá!
Trí Hóa lấy được mũ Cửu Long liền ra khỏi kho Tứ Chấp đi riết về chỗ để xe tại đình Huỳnh. Bùi Phúc giở chiếu lên, Trí Hóa để hộp mũ vào gói lại, rồi lấy nệm mền phủ lên sùm sụp. Trí Hóa lại bảo Bùi Phục giả bệnh rên rỉ gào la. Trời vừa hừng đông, Vương Đại đã tới rủ Trí Hóa đi làm như mọi khi, Trí Hóa liền nói: "Nay chẳng may cha tôi đau yếu, nhắm ở đây không tiện, thế nào cũng phải về quê". Vương Đại thấy tình cảnh như vậy cũng không ép, nên từ giã ra đi. Còn Anh Thơ không hiểu việc gì, thấy ông đau thì tưởng thật nên kêu khóc rầm rĩ. Trí Hóa đẩy xe đi, Bùi Phúc nằm trên xe rên, Anh Thơ đi lẫm đẫm theo coi rất thảm thương.

Ra tới chỗ vắng vẻ, Trí Hóa kêu Bùi Phúc dậy, ẵm Anh Thơ để lên xe, rồi người kéo kẻ đẩy đi vội qua khỏi Hà Nam tới Trường Giang mướn thuyền đưa về thôn Mạc Hoa. Thuyền về gần tới Đinh Gia trang thời thấy Song Hiệp và Ngại Hổ đem thuyền tới đón. Cùng nhau về tới nhà, dọn dẹp đồ đạc và giấu mũ Cửu Long xong xuôi, Trí Hóa bèn hỏi Triệu Huệ rằng: "Bây giờ mũ Cửu Long đã có rồi, vậy Nhị đệ sẽ làm thế nào?". Triệu Huệ đáp: "Đệ đã sắm đủ các giấy tiền vàng bạc nhang đèn, định lên Thiên Trúc dâng hương. Trí huynh nghĩ có được chăng?". Trí Hóa gật đầu.
Tối lại, đợi lúc trang đinh đều ngủ hết, anh em họ Đinh và Trí Hóa mới đem đãy lụa vàng, mở lấy mũ Cửu Long ra xem. Thật là tiếng đồn chẳng sai. Vua giàu không biết ngần nào. Mũ làm bằng vàng, dát đầy châu ngọc, giăng ngang nằm dọc tinh những hình rồng đếm cả thảy là chín con, nên tên là Cửu Long quan. Ai nấy xem rồi gói lại như cũ giao cho Đinh Triệu Huệ. Tới canh năm, Triệu Huệ bèn sai một tên tùy tùng gánh nhang đèn vàng bạc và túi mũ Cửu Long giấu lẫn trong ấy, theo mình lên Thiên Trúc.
Đinh Triệu Huệ đi được mấy ngày, trở lại thuật chuyện với Triệu Lang, Trí Hóa, và Ngại Hổ rằng: "Khi tôi tới Thiên Trúc, thuê lầu của Châu lão mà ở, ban ngày đi dâng hương, chiều lại giả bệnh lên lầu yên nghỉ, chờ tới canh hai đem mũ Cửu Long lén vào lầu Phật tại nhà Mã Cường, quả thấy ba cốt Phật thật lớn, rồi lại trở lại lầu của Châu lão không ai hay biết. Sáng ngày liền từ giã về đây".

Triệu Lang và Ngại Hổ nghe nói cả mừng, duy có Trí Hóa thời làm thinh chỉ đưa mắt ngó Ngại Hổ. Ngại Hổ bèn ung dung nói rằng: "Bây giờ chú Hai đã làm xong bổn phận rồi, còn phận của cháu, cháu cũng xin đi lo cho xong". Trí Hóa nói: "Ớ trò ơi! Chuyện này là chuyện của trung thần nghĩa sĩ chớ không phải chuyện chơi. Ta và chú mày đã vào nơi nguy hiểm, tới chốn gai chông, xếp đặt các việc yên thỏa rồi, mi có lên Đông Kinh nên cẩn thận chớ để lỡ chuyện ra mà hại tới tính mạng trung thần nghĩa sĩ!”. Hai anh em họ Đinh cũng nói: ”Cháu nên thận trọng kẻo lưu hại tới thầy cháu nữa”. Ngại Hổ nói: "Bẩm thầy và hai chú! Đi chuyến này, Ngại Hổ xin thề trước rằng: Dầu cho đầu đứt chớ lòng cũng chẳng dời”. Trí Hóa nói: "Ta cầu cho mi giữ được như lời, đây là bức thư gửi cho Bạch ngũ thúc của mi đây, lên tới Đông Kinh nhớ trao cho người". Ngại Hổ tiếp lấy thư đút vào túi áo rồi trở vào trong sửa soạn hành lý đi lên Đông Kinh. Anh em họ Đinh và Trí Hóa đưa tiễn ra đến cửa còn dặn rằng: "Cháu ráng nhớ mũ để sau tấm vách mé tả cốt Phật giữa nhé". Ngại Hổ dạ dạ rồi quảy túi hành lý lên vai.
Thật là:
Có chí lựa gì người tuổi nhỏ
Không tài càng hổ kẻ râu dài

Ngày kia Ngại Hổ đi tới Đông Kinh, vào thành đi qua phủ Khai Phong chớ chẳng tìm Bạch Ngọc Đường. Ngại Hổ đương đi dọc đường, bổng nghe có tiếng nạt rằng: “Tránh, tránh cho kiệu Thừa tướng đi" thời trong bụng cả mừng, bèn chờ kiệu đi tới ra quỳ đón mà kêu oan. Bao công liền bảo Trương Long bắt đem về phủ, rồi vội vã thăng đường sai đem Ngại Hổ vào hỏi rằng: "Trẻ nhỏ kia tên họ là gì?”. Ngại Hổ thấy Bao Công rất nghiêm, lại thêm các tráng sĩ đứng la liệt hai bên thời có ý khâm phục, bèn thưa rằng: "Tiểu nhân họ Ngại tên Hổ, năm nay mười lăm tuổi, vốn là tôi tớ của Viên ngoại Mã Cường". Bao Công hỏi: “Mi tới đây có việc gì?". Ngại Hổ thưa: “Tiểu nhân có rõ được một việc gian nghịch, lại nghe người ta nói hễ ai biết được điều gian nghịch mà không tố cáo quan trên thì mang tội nặng, vì vậy tiểu nhân sợ, nên phải tới đây bày tỏ với Tướng gia". Bao Công nói: "Có việc cho thời nói đi”. Ngại Hổ đáp: “Nhơn vì ba năm trước Đại lão gia đã nghỉ chức về quê". Bao Công hỏi: "Đại lão gia mi là ai?”. Ngại Hổ đáp: "Thưa Đại lão gia tôi là (vừa nói vừa đưa bốn ngón tay) Tứ Chấp khố Tổng quản Mã Triêu Hiền, là chú ruột của Viên ngoại tôi, lúc về quê ngồi kiệu xuống, rồi đuổi tả hữu đi ra, duy có tiểu nhân cho là nhỏ không biết gì nên để lại. Rồi Đại lão gia mới mở kiệu lấy ra một cái túi lụa vàng, nói nhỏ với Viên ngoại rằng: “Đây là mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng ta lén đem về đây, ngươi nên cất kín sau Phật lầu đừng cho ai biết, đợi chừng nào Tương Dương Vương khởi sự sẽ đem dâng cho người. Viên ngoại tôi liền tiếp lấy, sai tôi ôm theo người ra lầu Phật, rồi giấu vào sau tấm vách bên, cốt Phật giữa”. Ngại Hổ nói tới đó ai nghe cũng thất kinh rởn ốc. Bao Công liền hỏi tiếp: "Rồi sao nữa?”. Ngại Hổ đáp: "Sau này tiểu nhân nghe người ta nói biết tình gian mà không cáo thời đồng tội, tiểu nhân sợ lắm, kế Viên ngoại tôi bị đòi lên kinh, tôi e Viên ngoại tôi khai rõ chuyện năm xưa, thời tôi có dự vào, biết gian mà không cáo, chắc chẳng khỏi tội, vì vậy phải bôn ba tới đây tỏ bày đầu đuôi, xin Tướng gia xá tội cho tiểu nhân nhờ". Bao Công nghe xong ngồi suy nghĩ giây lâu, bỗng vỗ án hét to rằng: "Hay cho Ngại Hổ, mi dám già hàm lẻo mép, tố cáo quan Tổng quản trong triều, ai bày mưu chỉ lối cho mi, mau khai ngay kẻo chết". Tả hữu cũng hòa tiếng vặn hỏi om sòm.

Hồi Thứ Tám Mươi Mốt

Đem ngự hình thử gan tiểu hiệp,
Nhóm nội hoạn xét mất Ngự quan.

Ngại Hổ nghe Bao Công hỏi mình thời nghĩ thầm rằng: "Hèn chi người ta đồn Bao Công là tay lợi hại, thật quả chẳng sai". Nghĩ đoạn giả bộ đứng dậy bước xuống và nói: "Không có ai bày mưu cho tôi cả, đó là sự thật tôi khai, nếu chẳng tin, đợi Viên ngoại tôi nói thời biết". Bọn nha dịch thấy Ngại Hổ còn trẻ tuổi không hiểu việc quan, nên la rùm lên rằng: "Không được đi, hãy trở lại quỳ xuống". Ngại Hổ liền trở lại quỳ xuống. Bao Công cười nhạt mà rằng: "Ta xem mi là một đứa trẻ con quỷ quyệt xảo trá lắm, vậy mi có biết quy củ của bản quan thế nào không?". Ngại Hổ đáp: "Bẩm Tướng gia, tiểu nhân không biết". Bao Công nói: "Bản quan có lệ như vầy: Phàm kẻ nào tố cáo người bậc trên mình, thời sẽ bị chặt cả tay chân, nay mi đã cáo chủ mi, theo lý phải chặt cả tay chân mới được". Nói đoạn truyền tả hữu thỉnh ngự hình. Vương, Mã, Trương, Triệu vâng lệnh đem Cẩu đầu trát ra để giữa sân. Ngại Hổ xem thấy một lưỡi gươm đồng sắc lẹm, sáng quắc, thấy lạnh cô rùng mình, song gan mật tiểu hiệp cũng quá to nên cứ giữ một lòng trước sau như một.
Bao Công hạ lệnh cho Trương Long, Triệu Hổ cởi y phục của Ngại Hổ ra, rồi đút hai chân vào trước. Mã Hán nắm đầu Ngại Hổ còn Vương Triều thời đỡ lưỡi Cẩu đầu trát đưa lên. Ai thấy cũng sợ cho Ngại Hổ cụt hai chân, song anh ta không hề đổi sắc. Bao Công thấy vậy liền hỏi: "Ớ Ngại Hổ! Việc này ai bày mưu cho mi thời mau khai ra kẻo cụt chân tay rồi ăn năn không kịp". Ngại Hổ một mực rằng: "Lạy Tướng gia, thật không ai xúi giục cả, đó là sự thật mà thôi, nếu Tướng gia không tin, cho người đi lấy mũ Cửu Long. Nếu không có, tiểu nhân xin cam chịu tội". Bao Công nghe dứt lời truyền Trương Long, Mã Hán buông Ngại Hổ ra, rồi hỏi rằng: "Ngại Hổ, mũ Cửu Long bây giờ còn tại lầu Phật của Viên ngoại mi không?". Ngại Hổ thưa: "Quả thật như vậy”. Bao Công liền sai giam Ngại Hổ vào ngục.

Ngại Hổ vào tới ngục có tên lính canh là Hích Đầu Nhi nói rằng: "Mời ngài ngồi một lát tôi sẽ châm trà cho ngài dùng". Ngại Hổ thấy nó tử tế, lấy làm lạ, nghĩ chắc là bọn đỉa đói muốn kiếm tiền. Đến lúc dùng trà thời quả ngon ngạt mũi nhưng không biết Hích Đầu Nhi có ý gì. Uống trà xong lại thấy bưng vào mâm đồ ăn và rượu nữa. Ngại Hổ còn đương phân vân suy nghĩ, chợt ngoài cửa có tiếng người. Hích Đầu Nhi lật đật chạy ra chào rước, thì là một vị quan trưởng.
Hích Đầu Nhi thưa với quan trưởng ấy: “Vâng lệnh ngài, tôi hầu đãi thiếu gia kỹ lưỡng lắm, mới vừa bưng thịt rượu vào nữa kia". Vị quan trưởng nói: "Cám ơn, ta sẽ thưởng mi mười lạng bạc, cứ lại nhà ta mà lấy, bây giờ ta có chuyện nói với thiếu gia, mi hãy ra ngoài một chập".
Hích Đầu Nhi vâng lệnh đi ra.
Vị quan trưởng ấy chính là Bạch Ngọc Đường.
Nguyên Bạch Ngọc Đường nghe có đứa nhỏ vào phủ tố cáo, bèn đi tới xem, té ra thấy Ngại Hổ, lấy làm lạ, không hiểu nó đến đây làm gì. Đến chừng nghe nó khai, biết là nó vì chuyện Bắc Hiệp và Nghê Thái thú mà tới, thời lại càng sửng sốt hơn nữa, sao chuyện to lớn như vậy mà lại giao cho trẻ nhỏ e không xong được. Kế thấy Bao Công vỗ án sai đem ngự hình thời kinh hãi lắm. Ai dè Ngại Hổ là đứa trẻ gan liền hiệp sĩ, mật lớn anh hùng, cứ khai y như trước, không chút nao lòng thì khen lắm. Tới lúc thấy Bao Công hạ lệnh tha và giam Ngại Hổ vào ngục, liền tới gặp Hích Đầu Nhi dặn rằng: "Đứa trẻ ấy là cháu ta, mi phải hầu đãi tử tế, rồi ta sẽ hậu thưởng cho". Hích Đâu Nhi một là vì tiền, hai là vì thế, nên tử tế với Ngại Hổ vậy.
Bạch Ngọc Đường bảo Hích Đầu Nhi ra ngoài rồi, bèn đi tới hỏi Ngại Hổ rằng: "Cháu thật là bậc tiểu hiệp nên mới dám đến Khai Phong. Sao cháu tới đây lại không báo cho chú hay trước?". Ngại Hổ liền đem các việc thu lại một lượt rồi nói: "Hồi cháu đi, thầy cháu có gửi phong thư cho chú, song cháu e tới đây mà đi tìm chú ắt tiết lộ cơ mưu, lại cũng tình cờ gặp kiệu Tướng gia đi chầu về, cháu liền đón kiệu kêu oan nên không tìm chú được". Ngại Hổ nói đoạn móc túi lấy thư trao cho Bạch Ngọc Đường. Ngọc Đường giở ra xem thấy Trí Hóa dặn dò gửi gắm Ngại Hổ cho mình, lo liệu tay trong cho ổn thỏa. Thế mà Ngại Hổ ỷ gan liền mật to, không tìm mình mà cho hay trước, nên mới bị một trận kinh hồn như thế. Ngọc Đường xem xong, hỏi Ngại Hổ rằng: "Cháu vào ngục, đã dùng cơm nước gì chưa?". Ngại Hổ nói: "Có một mâm cơm mà có mấy chén rượu con uống làm sao cho đủ. Cháu không muốn ăn cơm, uống ít chén rượu là vừa". Ngọc Đường thấy Ngại Hổ tuổi nhỏ mà tửu lượng chẳng ít, thời sai Hích Đầu Nhi đi lấy thêm, rồi dặn dò Ngại Hổ ít điều rồi mới trở về phủ.

Hôm sau Bao Công dâng sớ, tâu rõ các việc. Mã Cường, Mã Triêu Hiền và Tương Dương Vương mưu phản y theo khẩu cung của Ngại Hổ lên cho Thiên Tử. Vua Nhân Tôn xem sớ xong, nhớ lại: "Binh bộ Thượng thư Kim Huy cũng thường dâng sớ tâu Hoàng thúc có ý mưu phản, mà trẫm không suy xét, giáng chứng người ấy rồi, nay Bao Công dâng sớ, trong cũng có nói chuyện ấy, thật đáng nghi lắm". Vì vậy vua liền xuống mật chỉ sai Trần Lâm tới kho Tứ Chấp kê tra các bảo vật.
Trần Lâm vâng chỉ đem vài tên thủ hạ đến dinh Tổng quản truyền chỉ. Mã Triêu Hiền chưa rõ việc gì, cứ theo quan Đô Đường đi tới kho Tứ Chấp. Tới nơi xem kỹ niêm phong, rồi mở cửa kho đi thẳng tới buồng chữ Thiên, số hiệu thứ nhất gỡ niêm khóa đi vào, xem thấy giường ngà đó mà đãy lụa đi đâu rồi. Trần Lâm liền hỏi Mã Triêu Hiền rằng: "Mũ Cửu Long trân châu ở đâu?". Triêu Hiền tái mét mặt đáp: “Tôi không biết". Trần Lâm liền nói: "Bản quan vâng chỉ Thánh thượng kê tra mũ ấy, nay đã mất rồi, phải chờ ý Thánh thượng thế nào". Nói đoạn sai thủ hạ coi giữ Triêu Hiền, rồi vào chầu Thiên tử.
Vua Nhân Tôn nghe tâu nổi giận, liền hạ lệnh bắt Mã Triêu Hiền giao cho Đô Đường tra xét. Trần Lâm tâu: "Muôn tâu bệ hạ! Mã Tổng quản giữ kho mà trộm của, tội rất lớn. Vả lại cháu người là Mã Cường có can án, đương đối thẩm tại Đại Lí Ti, chắc người ấy rõ nhiều nội tình trong này lắm. Xin Thánh thượng giao luôn việc này cho Đại Lí Ti là xong". Vua Nhân Tôn chuẩn tấu, lại e Đại Lý Ti thẩm vấn chẳng khỏi có điều sơ suất bèn hạ chỉ cho Hình bộ Thượng thư Đỗ Văn Huy, Đô sát viện Tổng quản Phạm Trọng Võ, Khu mật viện Chưởng viện Nhan Xuân Mãn cùng với Đại Lí Ti mà thẩm tra.
Chỉ ấy truyền xuống, các quan đều tựu tại Đại Lí Ti đủ mặt cùng xem tờ tấu của Bao Công, mới hay Mã Cường, Mã Triêu Hiền và Tương Dương Vương mưu phản, thời ai nấy kinh hãi. Phạm Trọng Võ nói: "Chút nữa Đô Đường đến, chúng ta nên hỏi đứa nhỏ ấy coi sao. Mà phải làm như vậy... như vậy... mới được". Các quan đều khen phải, rồi hỏi Văn Ngạn Bác rằng: "Án của Mã Cường đã tra xét ra sao?". Văn đại nhân đáp: "Mã Cường đã nhận mình có hoành hành ngang ngược, hãm hại nhân dân, nhưng cứ một hai nài nỉ rằng: Nghê Thái thú kết liên với Bắc Hiệp cướp giật nhà mình; nên bản ti đã sai bắt Bắc Hiệp rồi, té ra người ấy là Âu Dương Xuân, một tay nghĩa hiệp chớ chẳng phải kẻ cướp giật. Bản ti hỏi tới năm phen cũng chẳng chịu nhận, nên bản ti sai người dò thám. Nay có Ngại Hổ là gia đồng của Mã Cường, có lẽ việc cướp giật ấy nó hiểu rõ, vậy thử đem nó ra hỏi xem sao". Các quan nghe nói đều khen phải.

Ngại Hổ đã bị một cơn sấm sét, gan tiểu hiệp càng chắc, mật tiểu hiệp các dày, nên trước mặt các quan không hề nao núng, cứ ung dung quỳ xuống công đường. Trần Công hỏi: ”Mi năm nay được bao nhiêu tuổi?". Ngại Hổ đáp: "Bẩm được mười lăm tuổi". Trần Công hỏi: "Mi còn nhỏ, có sự gì oan ức mà dám đi cáo trạng?”. Ngại Hổ bèn thuật y như lời đã khai tại phủ Khai Phong hôm qua. Đỗ Văn Huy liền hỏi: "Mi ở tại nhà Mã Cường mấy năm rồi?”. Ngại Hổ nói: “ Tiểu nhân ở từ lúc nhỏ tới bây giờ". Đỗ Văn Huy nói: "Ba năm trước hồi Đại lão gia mi giao mũ Cửu Long cho Viên ngoại mi, thật mi có thấy rõ sao?". Ngại Hổ đáp: "Dạ tôi thấy rõ ràng, tại chủ tôi sai tôi bưng mũ ấy theo người vào lầu Phật mà giấu!”. Đỗ Văn Huy hỏi: "Sao chuyện ba năm trước mà tới nay mi mới cáo?". Ngại Hổ đáp: "Hồi đó tôi mới mười hai tuổi còn dại dột, chưa biết rằng thấy việc gian mà không tố cáo thời bị tội". Phạm Trọng Võ hỏi: "Vậy chớ Đại lão gia đưa mũ Cửu Long cho chủ mi, người nói lời gì?". Ngại Hổ đáp: "Tôi chỉ nghe Đại lão gia nói: Phải cất mũ này cho kín đáo, đợi lúc Tương Dương Vương khởi sự sẽ dâng cho ngài thời được tước trọng vị cao". Phạm Trọng Võ lại hỏi: "Như vậy thời Đại lão gia của mi, mi nhận mặt được không?".
Một câu hỏi ấy, làm cho Ngại Hổ ngơ ngẩn chưa biết phải trả lời làm sao.

HOMECHAT
1 | 1 | 164
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com