watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
02:29:1505/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 76 - Hết
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 8


Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu

Nghê Thái thú giải chức về kinh sư,
Bạch hộ vệ cải trang gặp hiệp khách.


Nghê Thái thú lại sai Nghê Trung mời Châu Hoán Chương vào thư phòng, dùng lễ tân khách mà đãi. Thái thú bèn đưa nhành Bạch Ngọc liên hoa ra cho Hoán Chương xem, Châu Hoán Chương thấy vậy động lòng lệ rơi tầm tã. Nghê Trung bèn thuật việc Châu Giáng Trinh thoát khỏi nạn về đã ở tại nhà Vương Phụng Sơn cho Hoán Chương nghe. Hoán Chương liền đổi buồn làm vui. Thái thú bèn hỏi tới nguyên do nhành Bạch Ngọc liên hoa ấy. Châu Hoán Chương thuật răng: "Việc ấy đã trải qua hai mươi năm rồi. Lúc đó tôi còn ở huyện Nghi Trung, nhà mở cửa sau ra mé sông Dương Tử, ngày nọ thấy trôi tới một cái thây người đàn ông ước ba mươi tuổi, bèn động lòng thương, vớt lên dùng hòm rương liệm chôn làm nghĩa. Ai dè lúc sửa áo vuốt quần cho cái thây, đụng nhằm một vật tức là Bạch Ngọc liên hoa đó. Vì muốn sau này con cháu người vô phước ấy dễ nhìn thấy tìm cất, nên tôi giao cho vợ tôi giữ làm của tin, sau vợ tôi bất hạnh qua đời, con tôi yêu quý vật ấy đeo liền vào mình không hề rời một phút". Nghê Thái thú nghe những lời ấy gan như nát, ruột tự đâm, nước mắt tuôn như mưa. Nghê Trung khuyên rằng: "Tướng công chớ khóc hãy lấy của mình ra đọ coi sao?". Nghê Thái thú liền móc trong túi ra một nhành Bạch Ngọc liên hoa khác để hai nhành lại gần nhau, xem ánh sắc giống hệt, ráp lại thời thành một đóa liên hoa, Nghê Thái thú không cầm lòng được bèn khóc rống lên, Châu Hoán Chương sửng sốt, kế Nghê Trung đem cả nguyên do ngọc ấy kể rõ từ đầu tới Đuôi. Hoán Chương nghe rõ khuyên rằng: "Xin Thái thú chớ sầu, bây giờ hài cốt tiên phụ tử đã có nơi yên ổn, trước rủi mà sau may, xin ngài đừng khóc lóc nữa". Nghê Thái thú gạt lệ cảm tạ ơn Hoán Chương chôn cất cha mình, rồi giữ ở tại nhà đài đằng rất hậu.
Nghê Trung thỉnh thoảng nhắc tới ơn Hoán Chương chôn cất Nghê Nhân (cha Nghê Thái thú bị trôi sông), ơn Giáng Trinh giải cứu thầy trò tại Bá Vương trang và giữ gìn báu vật, khuyên Nghê Thái thú gá duyên mà báo nghĩa. Nghê Thái thú cũng sẵn ý ấy cậy Phụng Sơn làm mai, tỏ cho Châu Hoán Chương biết, Hoán Chương vui lòng. Vương Phụng Sơn lại cậy Nghê Trung làm mai nói với Cửu Thành cưới Cẩm Nương cho con mình. Hoát Cửu Thành cũng ưng chịu.
Một thời gian sau Nghê Thái thú sai Nghê Trung cầm nhành Bạch Ngọc liên hoa về am Bạch Y bẩm lại với mẹ mình là Lý Thị hay rằng: "Điều thứ nhất đã được đỗ quan, điều thứ hai, tìm được ngọc liên hoa rồi, và rước luôn gia quyến”.

Nghê Trung về rước gia quyến, sau này thêm nhiều nỗi rắc rối nữa. Vốn có văn thư trên kinh gửi xuống, nói Thái thú Nghê Kế Tổ trái hại lương dân, liên kết với trộm cướp, buộc phải giải chức về kinh, còn Mã Cường thời giao cho Đại Lý tự tra xét. Nghê Thái thú lập tức phụng chỉ, phái sai dịch giải Mã Cường về kinh, còn mình giao ấn tín cho quan úy thự, rồi ôm những cáo trạng của chúng dân cáo Mã Cường và dắt theo hai vị trưởng ban.
Khi tới kinh, Văn đại nhân nghe nói đương sự án ấy đã tới liền thăng đường, đem Mã Cường ra hỏi. Mã Cường đã được tin của Mã Triêu Hiền dặn trước, nên chỉ khai là Nghê Kế Tổ chẳng lo việc, tàn hại bá tính, liên kết với trộm cướp đánh bật nhà mình, hiện có tờ cáo và tờ trình của quan huyện làm bằng. Văn đại nhân nghe xong cho Mã Cường lui xuống, mời Nghê Thái thú ra hỏi đầu đuôi tự sự, rồi cho nghỉ ngơi. Đoạn xem các trạng cáo của Mã Cường một lượt, đoạn đòi Mã Cường lên hỏi nữa, nhưng nó chẳng nhận lỗi chỉ đổ cho Thái thú kết bè hiệp đảng với Bắc Hiệp mà cướp phá nhà mình. Văn đại nhân không rõ chân giả thế nào, phải mời Thái thú ra hỏi coi Bắc Hiệp là ai? Thái thú đáp: "Bắc Hiệp tên là Âu Dương Xuân, vì hay chuộng nghĩa, cứu nạn, nên người xưng là Bấc Hiệp cũng như Triển hộ vệ có hiệu là Nam Hiệp vậy". Văn đại nhân nói: "Như vậy thời quyết chắc là Bắc Hiệp chẳng phải là kẻ cướp giật. Nếu muốn cho minh án này phải mời người ấy ra mới được. Vậy Thái thú cho biết người ấy bây giờ ở đâu chăng?". Nghê Thái thú đáp: "Hiện nay còn ở tại Khánh Châu”. Văn Ngạn Bắc nghe xong tạm giam Nghê Thái thú tại miếu Ngục Thân, cho người hầu đãi tử tế.
Qua ngày sau Văn đại nhân viết sớ bày tỏ tình án ấy dâng lên Thiên tử, Thánh thượng bèn hạ chỉ phái tứ phẩm hộ vệ Bạch Ngọc Đường tầm nã Âu Dương Xuân về kinh phục án.
Cẩm Mao Thử vâng chỉ, vào thư phòng trình với Bao Công, rồi ra công sở dự tiệc tiễn hành của các vị hào kiệt. Trong khi uống rượu Tưởng Bình dặn Bạch Ngọc Đường rằng: "Ngũ đệ có qua Khánh Châu, trước nên ra mắt quan Thái thú tỏ việc của em, rồi cậy người ra cáo thị liền tỏ đầu đuôi các việc, dưới ký tên em. Tuy và phụng chỉ đến xin ra mắt mà về kinh, chừng ấy em lấy tình nghĩa cảm hóa người. Nếu chẳng vậy, chắc Bắc Hiệp chẳng chịu về kinh mà lại sinh thêm nhiều điều rắc rối". Bạch Ngọc Đường nghe dặn trong bụng chê Tưởng Bình là hèn nhát, song ngoài miệng giả bộ vâng lời. Tiệc xong Bạch Ngọc Đường sai bạn là Bạch Phúc sửa soạn hành lý rồi từ giã các vị anh hùng mà qua Khánh Châu.

Khi tới nơi Ngọc Đường mướn nơi trọ, không thể làm theo lời Tưởng Bình dặn, mỗi ngày sai Bạch Phúc đi khắp chợ búa đường sá dò la, như vậy ba bốn ngày không thấy tin tức gì. Ngọc Đường thay hình, giả dạng làm một vị tú tài, đầu đội khăn be, mình mặc áo hoa, chân đi giày đỏ, tay cầm quạt kim tráp, đi ra khỏi chỗ ngụ vừa đi vừa quạt, không định đi đâu, hai chân bước mãi. Đi đến một tiệm trà nọ, tên là phường Ngọc Lan, vốn là hoa viên của quan hoạn, Bạch Ngọc Đường liền đi thẳng vào trong, thấy nào là đình lạ, cầu nhỏ, lại thêm cây cối um sùm, cỏ hoa đầy dẫy, thật là đẹp mắt vô cùng. Bạch Ngọc Đường liền kêu một bình trà ngồi tại một ngôi đình rót uống, vừa nhâm nhi ít chén, bỗng trời mưa như xối, những khách ngoạn thưởng tại đó đều về hết rồi. Ngọc Đường thấy mưa càng lâu càng to, trời lại gần tối, bèn trả tiền rồi dầm mưa trở về. Đi khỏi nơi uống trà ít dặm đường sá lầy bùn, mưa như đổ nước, không thể đi được nữa. Thấy bên đường có một tòa miếu võ, liền vào cửa đứng trú mưa, ngước đầu ngó lên thấy một tấm biển đề: Tuệ Hải Diệu Liên am, ngó xuống đôi giày đã lấm tèm lem liền cởi ra. Đương cởi giầy thì thấy một gã tiểu đồng tay bưng bút nghiên, miệng kêu: "Tướng công, Tướng công". Rồi đi thẳng qua mé đông. Bỗng trong am có một cô vãi mở cửa ra nói: "Tướng công của mi ở trong này”. Tiểu đồng không nghe cứ đi thẳng, cô vãi liền khép cửa đi vào. Bạch Ngọc Đường thấy quang cảnh như vậy lấy làm lạ nghĩ rằng: "Sao tướng công nó ở trong am, mà kêu nó không vào, lại có ai không dám kêu lớn tiếng, chắc là có điều chi ám muội đây, vậy ta phải vào xem sao?". Nghĩ đoạn bỏ đôi giày trên thềm cất mình nhảy vào đầu tường tuột vào mé trong, thấy một cô vãi tay bưng mâm vuông đựng đồ ăn bốc hơi nghi ngút, và một tay xách bình rượu, đi tới cửa ngách lần theo bức tường rồi đi qua một cái cửa khác. Ngọc Đường liền rón rén đi theo, tới nơi đứng núp ngoài cửa, nghe trong phòng có tiếng nói: "Bây giờ cũng đã tối rồi, mời tướng công dùng bữa rồi yên nghỉ giây lát. Lại nghe có tiếng con trai nói: "Ta chẳng thèm dùng rượu thịt của mi đâu. Bụng chúng bay thế nào mà bắt ta không cho về, đó là phép tắc gì vậy? Mà sao lại đeo khít mình ta, không chịu nói ra vậy?". Rồi lại có tiếng con gái nói: “Tướng công chớ nên cố chấp, đây rõ là lương duyên trời định mà". Người con trai nạt rằng: "Bây chớ nói xàm như vậy". Bạch Ngọc Đường rình nghe thấy vậy nghĩ thầm rằng: "Người ấy dầu có từ cũng khó được". Kế lại nghe tiếng cô vãi mời: "Xin tướng công dùng chén rượu này". Người con trai không đáp, hất chén rượu xuống đất. Cô vãi cả giận mắng rằng: "Ta đã lấy lòng tốt mà đãi mi, sao mi không biết điều như vậy. Ta nói cho mà biết, dẫu thế nào cũng chẳng ra khỏi đây đâu! Bên kia có người bệnh gần chết cũng như mi vậy". Người con trai nghe nói thất kinh, kêu cứu ầm lên.

Bạch Ngọc Đường liền vén rèm bước vào xô hai cô vãi đứng ra hai bên, rồi nói với người trai nọ rằng: "Có tôi tới đây, tôn huynh yên dạ". Người trai nọ nói: "Lũ này thật là vô Phật vô kinh, làm nhiều điều xấu xa quá". Bạch Ngọc Đường nói: "Như vậy thì hại gì, người sinh ở đời mà thật có tình, thời tôn huynh câu nệ làm chi nữa? Dám hỏi tôn huynh tên họ là chi?". Người trai nọ đáp: "Tiểu đệ họ Thang tên là Mộng Lang, người thôn Thanh Diếp phủ Dương Châu, vì đi thăm bà con, ở lại làng phía trước, nay nhân thư thả muốn tới phường Ngọc Lan xem cảnh và đề vịnh chơi. Vì quên đem nghiên bút nên sai tiểu đồng trở về lấy, kế bị trời mưa, tôi phải vào trú tại đây. Ban đầu bọn này còn lấy lễ nghĩa tiếp đãi, sau lại đem những gì là mây mưa, hoa nguyệt quyến rũ, thật nhiều lời nhơ nhuốc, lắm giọng lẳng lơ, không miệng nào thuật lại được”. Bạch Ngọc Đường nghe dứt, liền nói: "Như vậy thời tôn huynh lỗi lắm”. Thang Mộng Lang hỏi: ”Tôi lỗi làm sao?". Ngọc Đường nói: "Chúng ta là kẻ học trò chấp kinh cũng phải tòng quyền, phải tùy cảnh ngộ cho yên chớ”. Thang Mộng Lang lắc đầu rằng: "Ôi! Thế nào tôi cũng quyết chẳng nghe lời quấy". Ai dè hai cô vãi đứng bên thấy Ngọc Đường đẹp trai, trẻ trung, nên bao nhiêu tà tâm tình bây giờ trút vào Ngọc Đường. Cô vãi lớn, tuổi lối ba mươi, tay cầm chén, tay bưng bình rượu lại trước mặt Ngọc Đường rót đầy một chén dâng lên mà nói rằng: "Mời tình lang dùng chén rượu hợp hoan!”. Ngọc Đường lật đật cất chén uống cạn. Cô nhỏ tuổi hơn cũng rót một chén bưng lại thưa rằng: "Tướng công đã uống của sư tỷ lẽ nào lại từ chối của tôi cho đành". Ngọc Đường cũng tiếp lấy uống cạn, rồi hỏi tên họ hai cô vãi, thời người lớn là Minh Tâm, nàng nhỏ là Tuệ Tính. Ngọc Đường biết tên cả hai rồi, bèn nói: "Minh Tâm, Minh Tâm, tâm chẳng minh thời mê. Tuệ Tính, Tuệ tính, tính chẳng tuệ thời hôn, hai người hôn hôn mê mê, bắt đầu tự lúc nào?". Hỏi đoạn nắm mỗi cô một tay, quay lại hỏi Thang Sinh rằng: "Tôi phê như vậy có đúng hay không?". Thang Mộng Lang đáp: "Đừng hỏi đệ làm gì, đệ coi bộ huynh cũng đã hôn mê rồi đó". Nói dứt lời, nghe hai cô vãi kêu đau tay, xin buông ra, Ngọc Đường không buông, trợn mắt hét rằng: "Ta hỏi chúng bây, vậy chớ gạt người vào đường bậy bạ, tội đáng bực nào? Chúng bay hãm hại bao nhiêu người rồi, trong am cả thảy có mấy đứa như bay, hử?". Hai cô vãi quỳ xuống thưa rằng: ”Trong am chỉ có hai tôi với hai bà lão và một trò nhỏ, chúng tôi không hề hại tính mạng ai. Sau nhà có cậu Châu Sinh, tự bởi mình nên mang lấy chứng bệnh liệt nhược". Nói rồi kêu đau, khóc lóc thảm thương. Thang Sinh thấy vậy động lòng, nói với hai cô vãi rằng: "Nếu chúng bay muốn khỏi hại, phải hỏi thăm nhà cửa của Châu Sinh, cho người đưa tin tới bảo người nhà tới rước về". Hai cô vãi dạ dạ vâng lời. Bạch Ngọc Đường lại nói: "Nếu sau này ta hay bọn mi chẳng vâng lời, ta sẽ tới đây giết cả lũ”. Nói đoạn buông tay ra, hai cô vãi cả mừng chạy riết ra sau trốn mất.

Bây giờ Thang Mộng Lang mới có lòng kính phục Ngọc Đường, bước tới nắm tay khen ngợi. Chợt thấy bức rèm vén lên, có một người to lớn bước vào, theo sau là một tiểu đồng xách đôi giày. Người to lớn hỏi tiểu đồng rằng: ”Phải tướng công mi là người này không?". Thang Sinh hỏi: "Sao ngài lại tới đây tìm tôi, nếu không có vị này cứu, ắt là khốn ta". Người to lớn ấy nói: "Thôi hai thầy trò ngài mau mau trở về đi". Thang Sinh chưa kịp đáp, thấy tiểu đồng đưa đôi giày thời lấy làm lạ không rõ là giày của ai. Đến chừng dòm lại thấy Ngọc Đường chân đi tất, liền trao lại cho Ngọc Đường mang vào.

Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy

Tử Nhiêm Bá tài cao, phục được Ngũ Thử
Bạch Ngọc Đường thế kém, chịu sút song hùng.

Thầy trò Thang Mộng Lang từ giã ra về, Ngọc Đường bèn bước tới nắm tay người to lớn chào rằng: "Chào tôn huynh”. Người to lớn nọ vội vàng đáp lễ rồi hỏi: "Chẳng hay tôn danh của huynh là gì?”. Bạch Ngọc Đường đáp: "Tiểu đệ họ Bạch tên Ngọc Đường". Người to lớn nói: "Có phải Ngọc Đường đại náo Đông Kinh đó không?". Ngọc Đường đáp: "Phải, Cẩm Mao Thử là tôi, còn tôn huynh quý hiệu là gì?". Người to lớn đáp: "Tôi là Âu Dương Xuân đây!”. Ngọc Đường nói: "Nói vậy thời túc hạ là Bắc Hiệp Tử Nhiêm Bá sao? Dám hỏi túc hạ tới đây có việc gì?". Bắc Hiệp đáp: "Nhân đi qua am này thấy tiểu đồng kêu khóc, hỏi ra mới hay nó bị lạc chủ, vì vậy dừng bước vào đây, thấy Ngũ đệ đứng rình, kế Ngũ đệ vào chuyện trò và phát lạc hai cô vãi, nên ta trở ra đem tiểu đồng vào cho chủ tớ gặp nhau”. Ngọc Đường nghe nói nghĩ thầm rằng:"Y nói đứng rình lâu lắm, sao ta không hay! Ta vẫn đi tìm y, nay gặp đây không bắt còn đợi chừng nào. Ủa mà không tiện, chỗ này chật hẹp, chi bằng gạt ra ngoài cũng chẳng muộn gì". Nghĩ đoạn bèn nói với Bắc Hiệp rằng: "Nơi đây chẳng tiện cho chúng ta chuyện vãn, vậy xin mời về nhà trọ sẽ cùng nhau bày tỏ tâm sự". Bắc Hiệp nói: "Vậy thời càng hay”.
Hai người liền cùng nhau ra khỏi am Tuệ Hải Diệu Liên, bây giờ mưa tạnh trời trong, sao dày trăng tỏ Bắc Hiệp hỏi rằng: ”Ngũ đệ tới Khánh Châu có việc gì?". Ngọc Đường nói: "Vì túc hạ mà tới đây". Bắc Hiệp dừng bước lại hỏi rằng: "Vì liệt huynh chuyện gì? " Ngọc Đường bèn đem chuyện Nghê Thái thú và Mã Cường cung khai tại Đại Lý Ti và mình vâng chỉ thế nào thuật lại. Bắc Hiệp nghe Ngọc Đường nói có hơi kiêu căng, liền nói: "Nói vậy ngũ đệ là khâm mạng hộ vệ đây mà. Vậy xin tha lỗi cho Âu Dương Xuân nhé! Chẳng may khâm mạng lão gia tính cho Âu Dương Xuân này phải về kinh hay thế nào, xin dạy cho biết?”. Bắc Hiệp nói như vậy là có ý dò coi Ngọc Đường có biết cách giao tình hay không? Nếu thật là người biết phải, thời cùng nhau bàn tính thiệt hơn ắt chuyện được ổn thỏa. Chẳng dè Bạch Ngọc Đường quen tính kiêu ngạo, ỷ mình có võ nghệ, coi trước mắt không người nên đáp rằng: "Đây là phụng chỉ quân vương, ắt phải bắt túc hạ theo Bạch mỗ về kinh chớ sao!”. Âu Dương Xuân cười lạt rằng: "Tử Nhiêm Bá đường đường nam tử như vầy mà đi theo Ngũ đệ về kinh, há chẳng để tiếng cười cho thiên hạ sao? Xin nghĩ lại cho". Ngọc Đường nghe nói chẳng phân khinh trọng, nổi nóng nói lớn rằng: “Phỏng như lời túc hạ nói, thời thật chẳng vâng lệnh hay sao? Thôi có giỏi thời thử tài cho biết ai cao ai thấp". Bắc Hiệp cười rằng: "Xin nghe lời lão gia dạy bảo". Ngọc Đường liền cởi áo, lột giày, mở khăn, nhảy ra thủ thế, Bắc Hiệp đứng vỗ tay cười ngất. Ngọc Đường thấy vậy lại càng giận nhảy tới tay đánh chân đá, Bắc Hiệp nghĩ thầm rằng: "Mình đã nhịn nó, nó lại thách mình, thôi đá vậy phải chơi cho nó biết mặt”. Nghĩ đoạn nhìn lên thấy Ngọc Đường đánh tới bèn né tránh. Ngọc Đường liền dùng thế hồi mã, Bắc Hiệp giả đò nhảy lên, Ngọc Đường thấy Bắc Hiệp nhảy thời cả mừng đánh trái lại. Bắc Hiệp lại né qua giơ hai ngón tay bắt vào hông sườn một cái, Ngọc Đường tê điếng cả mình thở muốn không ra hơi, mắt toé đom đóm, gân mạch run cả. Bắc Hiệp sợ làm thẳng tay e Ngọc Đường bị bệnh, bèn đánh sau lưng một cái rồi buông ra, lại xin lỗi rằng: "Liệt huynh lỡ tay, xin Ngũ đệ thứ lỗi” Ngọc Đường không đáp, bỏ đi thẳng.

Ngọc Đường về tới chỗ trọ, nhảy tường vào, sai Bạch Phúc đi nấu nước trà, còn mình nằm sải tay trên giường nghĩ rằng: "Thôi rồi Cẩm Mao Thử, mặt mũi nào mà về Đông Kinh, ăn năn đã muộn, phải chi theo lời Tứ ca thời đâu có nên nông nỗi này?". Nghĩ đoạn mở dây lưng, leo lên ghế buộc vào xà nhà làm vòng, xong xuôi đút đầu vào tự vẫn. Ai dè vừa cho đầu vào thời vòng lại tuột ra như vậy đôi ba lần. Ngọc Đường nghĩ rằng: "Hay là ta chưa tới số chết nơi đây sao?". Nghĩ tới đây bỗng có người vỗ vai nói rằng: "Ngũ đệ so tính dở lắm vậy?". Ngọc Đường quay đầu ngó lại thấy Bắc Hiệp tay cầm áo hoa, tay xách giày và khăn của mình, thời giật mình nói thầm rằng: "Quái lạ, y tới đây hồi nào mà ta không hay, thật nghề y hơn ta nhiều lắm".
Nguyên Bắc Hiệp thấy Ngọc Đường líu ríu đi về, e anh ta nóng trí nghĩ bậy, nên lật đật ôm áo, khăn, giày, lén lén đi theo. Tới cửa phòng nghe Ngọc Đường sai Bạch Phúc nấu nước, kế thấy bắc ghế buộc vòng, bèn lừa vào đứng sau lưng lâu lắm mà Ngọc Đường không hay.
Bắc Hiệp để gói đồ xuống, bước lại mở dây kéo Ngọc Đường rồi hỏi rằng: "Ngũ đệ muốn bắt thường mạng với liệt huynh sao? Nếu Ngũ đệ chết thời liệt huynh cũng chết với một lượt". Ngọc Đường nói: "Túc hạ nói vậy là nghĩa làm sao?”. Bắc Hiệp nói: "Nếu Ngũ đệ nghĩ quấy rồi tự vẫn thời liệt huynh há ở êm được với bốn anh em của Ngũ đệ sao? Mà Nam Hiệp cũng không còn để cho liệt huynh thong thả được. Lại còn mặt mũi nào ngó các bạn tại phủ Khai Phong nữa. Tốt hơn là chết theo Ngũ đệ cho xong". Ngọc Đường nghe nói làm thinh, Bắc Hiệp nghĩ một hồi rồi nói: "Chuyện vừa rồi, ngũ đệ chớ chấp làm chi, đó chẳng qua là giỡn với nhau thôi, có gì mà phải bỏ một đời xuân xanh như vậy. Ngũ đệ ơi? Vì chút vinh diệu mà Ngũ đệ muốn chôn bùn liệt huynh hay sao? Nay có một cách này, là phải làm thế nào cho anh em Đinh song hiệp chịu xuất đầu, giúp nước giúp vua, cùng với liệt huynh về kinh. Làm như vậy Ngũ đệ khỏi mang tiếng bất tài, mà liệt huynh cũng khỏi chịu điều bị bắt, ý Ngũ đệ nghĩ sao?". Bạch Ngọc Đường nghe nói mừng rỡ nhận lời và xin sẽ tới thôn Mạc Hoa toan liệu, Bắc Hiệp từ giã ra đi.

Bấy giờ Bạch Phúc châm trà bưng lên, Ngọc Đường bảo rót một chén, nhưng chưa uống, sai Bạch Phúc đốt đèn lồng ra cửa nhà trọ đợi mình. Đoạn ôm áo khăn, giày, quạt nhảy tường đi ra chỗ vắng, mặc vào y dáng tú tài rồi trở lại. Chủ nhà trọ thấy vậy hỏi: "Tướng công đi đâu bây giờ mới về?”. Ngọc Đường đáp: “Vì gặp bạn quen giữ lại đãi đằng cơm nước nên về trễ". Bạch Phúc liền xách đèn đi trước. Ngọc Đường theo sau vào phòng, thời chén nước còn nóng, liền bưng uống cạn, rồi thay áo quần, ăn cơm, lại dặn Bạch Phúc sửa soạn hành lý, tới canh năm đi qua phủ Tòng Giang thôn Mạc Hoa.
Khi tới nơi, Ngọc Đường sai Bạch Phúc vào bẩm trước, còn mình thì thủng thẳng đi sau. Vừa tới cửa đã thấy trang đinh sắp hàng và anh em họ Đinh ra rước, mời thẳng vào nhà khách, phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Bạch Ngọc Đường xin vào ra mắt Đinh thái thái rồi mới trở lại trà nước và bày nỗi hàn huyên, chuyện vãn vui cười, hai anh em họ Đinh kiếm chuyện ghẹo Ngọc Đường một hồi rồi sai gia đinh bày tiệc cùng nhau ăn uống.
Rượu được vài tuần, Đinh Triệu Lang hỏi Ngọc Đường rằng: "Ngũ đệ đi chuyến này có việc quan hay là việc riêng?". Ngọc Đường đáp: “Chẳng giấu chi hai anh, vốn là việc quan, song nhờ hai anh mới xong được". Triệu Huệ hỏi: "Đã là việc quan sao còn cậy anh em tôi?". Ngọc Đường đáp: "Nhân vì án của Nghê Thái thú và Mã Cường trong đó có kẹp Bắc Hiệp vào, nên Thánh chỉ sai đi tầm nã". Triệu Lang nói: “Vậy đã có gặp nhau chưa?". Ngọc Đường bèn thuật những lời Tưởng Bình dặn, mà mình không nghe, đến nỗi phải đọ tài cao thấp với Bắc Hiệp ra sao, rồi vâng lời Bắc Hiệp qua cầu với anh em họ Đinh lên kinh thế nào... Anh em họ Định nghe xong vỗ tay cười rằng: "Nói vậy thời Ngũ đệ đã chịu phục Bắc Hiệp rồi à?". Ngọc Đường đáp: "Chẳng những chịu phục mà thôi, lại còn cảm kích nữa, vì tài của Bắc Hiệp hơn tôi gấp bội". Triệu Huệ nghe dứt, nói lộn rằng: "Tôi cũng phục tài Bắc Hiệp lắm. Thôi Âu dương huynh còn ẩn mặt làm chi hãy ra đây trò chuyện cho vui". Bỗng từ mé trong ba người bước ra. Bắc Hiệp đi trước, theo sau một người tuổi ước tam thập và một gã nhỏ. Ngọc Đường vội vàng đứng dậy nắm tay Bắc Hiệp hỏi rằng: "Âu Dương huynh tới đây hồi nào?". Bắc Hiệp nói: "Cũng vừa mới tới". Ngọc Đường lại hỏi: "Còn hai vị này là ai?”. Triệu Huệ đáp: "Vị này là Trí Hóa, hiệu là Hắc Yêu Hồ, vốn thông gia với nhà tôi, còn gã nhỏ này là đồ đệ của Trí huynh”. Ngại Hổ lật đật ra mắt Ngọc Đường. Bạch Ngọc Đường nắm tay nó, xem thấy hình dung phong tú thời khen ngợi lắm.
Mọi người đều vui mừng cùng nhau phân thứ tự ngồi vào tiệc ăn uống. Thật rất tâm đầu ý hợp ăn uống tới canh ba mới mãn tiệc.
Sáng ngày Ngọc Đường và Bắc Hiệp cùng lên Đông Kinh.

Hồi Thứ Bảy Mươi Tám

Hắc Yêu Hồ định kế trộm Châu quan,
Bùi nghĩa bộc cải trang giả nạn tẩu.

Anh em họ Đinh và Trí Hóa đưa Bạch Ngọc Đường và Bắc Hiệp đi rồi, trở vào tới nhà khách, Trí Hóa nói rằng: "Tôi tưởng việc ấy rất quan trọng, xét kỹ ra đều tại chú cháu Mã Cường làm quấy, nếu chẳng lập kế đánh đổ được Mã Triêu Hiền thời khó xong”. Triệu Huệ hỏi: ”Trí huynh có kế gì hay không?”. Trí Hóa nói: ”Có, mà phải làm điều dối trá, đánh lận cho chú cháu nó mắc vào, tang cớ đủ rồi, khó bề cứu gỡ, nhưng kế đó khó làm". Triệu Lang nói: "Khó làm sao thời nói nghe thử?". Trí Hóa nói: "Ban đầu tôi vào Bá Vương trang là cố ý dò xét việc cử động của Mã Cường, biết có ý giao hảo với Tương Dương Vương rắp lòng sinh quấy, nay cũng nên lấy cớ ấy để trừ bớt tai hại cho nước nhà. Nhưng việc này phải chịu bốn điều khó. Thứ nhất, phải có một vật của nhà vua, phần đó tôi xin lãnh. Thứ nhì, có một người tuổi tác với một đứa con trai hay con gái nhỏ mà gan dạ, biết liệu cơ ứng biến và chịu nổi các việc khó khăn. Thứ ba, chúng ta trộm được đồ nhà vua rồi, phải đem giấu sau lầu Phật nhà Mã Cường để sau này lấy đó là tang cớ". Đinh Triệu Huệ nghe nói đến đó hớt rằng: "Việc thứ ba đó tôi xin lĩnh cho. Còn điều thứ tư là gì?". Trí Hóa nói: ”Duy có điều thứ tư thời khó nhất phải có một người biết rõ căn nguyên, đi một mình lên phủ Khai Phong bày tỏ đầu đuôi mọi việc điều thứ tư cần thiết lắm, việc thành hay bại đều trông vào đó cả. Người mà đi được thật khó kiếm!". Trí Hóa vừa nói vừa liếc Ngại Hổ. Ngại Hổ liền đứng dậy nói: "Điều thứ tư, tôi xin lĩnh mạng". Trí Hóa nguýt một cái nói: ”Đồ đệ còn nhỏ tuổi, làm sao đương nổi việc to tát thế được?". Ngại Hổ đáp: "Cứ ý đồ đệ, thời đồ đệ đi đây có ba điều ích lợi". Triệu Lang nghe Ngại hổ đòi đi thời tưởng trẻ nhỏ hay nói bướng, tới chừng nghe nói có ba điều kiện ích lợi, thời nghĩ chắc nó có ý hay, liền hỏi: ”Mi nói ba điều ích đó cho ta nghe?". Ngại Hổ đáp: "Một là cháu ở tại Bá Vương trang từ nhỏ tới lớn, mọi việc của Mã Cường cháu biết rõ lắm. Vả lại ba năm trước Mã Triêu Hiền có nghỉ chức về đó, lúc ấy thầy cháu chưa tới, nay trộm được đồ đem nói rằng Triêu Hiền về lén đem theo thời hợp với sự thật lắm. Hai là: Tục ngữ có câu: “Con nít không nói láo". Vậy cháu lên phủ Khai Phong kể các việc chắc không ai nghi ngờ. Ba là thầy cháu có công dạy dỗ, nhờ cơ hội này lập được chút công danh, há chẳng ích hay sao?". Đinh Triệu Lang vào Đinh Triệu Huệ nghe Ngại Hổ nói dứt vỗ tay khen. Trí Hóa nói: "Nhị vị hiền đệ chớ vội khen, nó còn trẻ ăn chưa no lo chưa kịp, nó tưởng phủ Khai Phong là chỗ chơi chứ không dè đến nơi ấy thấy oai võ của các vị anh hùng, xem nghi vệ cách dò hỏi của Bao tướng thời gan mật tiêu tan, xương gân run rẩy, nói bậy nói bạ mà làm hỏng việc lớn!”. Ngại Hổ nghe mấy lời ấy thì chân mày dựng thẳng, cặp mắt xoe tròn, nói rằng: "Đó là thầy khinh tôi. Chớ đầu xuống điện Diêm Vương thấy mặt hang thần ác quỷ, hoặc lên non gươm núi lửa, tôi cũng chưa rủn lòng đổi chí, lựa là cứu người nghĩa sĩ trung thần kia?". Anh em họ Đinh nghe Ngại Hổ nói khí khái thời khen lắm. Trí Hóa nói: "Thôi, đừng nói nhiều chuyện, bây giờ ta giả đò Bao tướng cật hỏi mi coi sao?". Ngại Hổ lật đật quỳ xuống thưa: "Xin sư phụ cứ hỏi". Trí Hóa liền hỏi: "Tên Ngại Hổ kia! Trong nhà chủ mi quả là có vật phạm cấm, mà thật là của Đại lão gia (chỉ Mã Triêu Hiền) đem về hay không?”. Ngại Hổ đáp: "Bẩm tướng gia! Quả ba năm trước, Đại lão gia nghỉ chức về làng, tự tay đưa lại cho tôi đem giấu vào lầu Phật. Thật rõ tôi tận mắt thấy". Trí Hóa hỏi: "Như lời mi nói, thời vật phạm cấm giấu tại nhà mi phải chăng đã ba năm rồi?". Ngại Hổ thưa: "Dạ phải”. Trí Hóa giả đò giận vỗ bàn một cái rầm nạt rằng: "Đã ba năm rồi, sao tới nay mi mới đi cáo?".

Một câu hỏi đó làm anh em họ Đinh sững sờ, chắc thế nào Ngại Hổ trả lời cũng không được. Nào dè Ngại Hổ chẳng hề luống cuống, thong thả đáp rằng: "Bẩm Tướng gia, tôi năm nay mười lăm tuổi, cách ba năm trước thời mới được mười hai, vẫn còn ngu dại, lại chưa rõ giấu gian là phạm tội: Tới nay chủ tôi can án bị giam, có kẻ mách cho tôi rằng: Người nào biết rõ tính gian mà giấu giếm thời bị buộc tội đồng lõa, nếu ta cung khai chuyện ba năm trước cho rõ ràng thì được giảm tội. Vì vậy tôi sợ nên tới đây tố cáo với lão gia". Triệu Lang nghe Ngại Hổ đáp xuôi rót, liền nói: "Được rồi, điều thứ tư cháu lĩnh được lắm”. Trí Hóa đáp: ”Tuy nói vậy, mà chừng nó đi phải có hai phong thư gửi gấm mới được. Bây giờ có cần dùng ít món đồ phải kể ra cho đủ rồi sẽ liệu toan". Triệu Huệ vội vàng bưng mực viết đem ra. Trí Hóa vừa đọc vừa viết rằng: "Xe bằng cây một cỗ, chiếu khổ lớn một chiếc. Màn và nệm cũ một đôi. Chảo, nồi, gáo, vá, chén, đĩa, rổ các vật cho đủ dùng. Một ông già, một đứa con nít hoặc trai hoặc gái, đều phải đem áo vải cũ theo". Đinh Triệu Lang thấy biên như vậy, bèn nói: “Trí huynh dùng mấy món đó làm gì?". Trí Hóa nói: "Nay liệt huynh muốn lên Đông Kinh trộm mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng. Bởi vì Mã Triêu Hiền làm Tổng quản kho Tứ Chấp nên giữ mũ ấy. Bây giờ liệt huynh tính giả làm dân mất mùa đi trốn, lên Đông Kinh tìm nơi ở yên, rồi dò kho Tứ Chấp ở đâu sẽ trộm Châu quan rồi lấy chiếu nệm đậy kín lại một bên, còn một bên, để đứa nhỏ đó ngồi thời không ai nghĩ được, như vậy trở về mới êm mà việc này phải cần có ông già và đứa nhỏ gan dạ và chịu khổ cực được mới xong. Đâu hiền đệ nghĩ kiếm giùm có hay không?”. Đinh Triệu Huệ đáp: "Tôi có một vị chủ quản đã già tên là Bùi Phúc chẳng những là người chịu cực khổ, gan dạ mà thôi, lại còn ngay thẳng hào hiệp nữa. Nhưng mà phải lấy đại nghĩa tỏ cho ông ấy nghe, rồi cậy giúp sức chớ đừng cho biết bí kế, chừng nào ông ấy chịu chắc rồi sẽ nói cho biết”. Trí Hóa gật đầu sai người đi kêu Bùi Phúc.
Bùi Phúc ra mắt ba vị anh hùng. Trí Hóa bèn đem chuyện Mã Cường bạo ngược, hại người bắt gái, đến Nghê Thái thú giả trang dò xét, bị hãm vào bẫy, được Bắc Hiệp cứu, vì đó mà cả hai bị Mã Cường lập mưu hãm hại, nay ở trong ngục chưa biết chết sống thế nào, nói một lượt cho Bùi Phúc nghe. Bùi Phúc nghe xong trợn mắt nói rằng: "Như vậy phải giết tên ác tặc đó cho rồi, còn để làm chi?". Đinh Triệu Huệ đáp: "Ông đừng nóng, việc đó còn lâu. Bây giờ tri huyện cũng vì việc đó muốn cậy ông lên Đông Kinh, có được hay không?”. Bùi Phúc nói: "Tôi xin đi". Trí Hóa nói: "Vậy thời phải cải trang làm kẻ mất mùa đi trốn nạn, tôi với ông giả làm cha con, còn đứa nhỏ nữa thời làm cháu, cùng đi lên Đông Kinh; ông nghĩ có được không?”. Bùi Phúc đáp: "Kế ấy thật hay". Trí Hóa nói: "Còn đứa nhỏ chưa có, tính sao đây?". Bùi Phúc liền chỉ cháu mình là Anh Thơ tuổi vừa lên chín, Trí Hóa cả mừng định ngài mai sẽ khởi hành.
Đinh Triệu Lang theo giấy của Trí Hóa biên, sắm sửa đủ mọi vật, rồi bày tiệc tiễn hành. Bùi Phúc, Anh Thơ cùng ngồi vào ăn uống không phân chủ tớ. Ăn uống xong, sai dọn một chiếc thuyền đưa Trí Hóa, Bùi Phúc, Anh Thơ đi theo sông Trường Giang, tới ranh đất Hà Nam, đem đồ đạc và xe lên bờ. Trí Hóa mang dây vào vai kéo xe đi trước, Bùi Phúc đi sau phụ đẩy, tìm nơi đông đảo lần tới xin tiền.

Ngày nọ tới Đông Kinh, cũng cứ việc đẩy xe, vừa đi, vừa xin tiền như cũ. Trời chiều mát mẻ, đường sá thưa người, Trí Hóa chưa biết tìm chỗ nào đình trú, chợt gặp một vị quan hỏi: "Ông già đẩy xe đi đâu, có chỗ để nghỉ đêm hay chưa?”. Bùi Phúc đáp: "Xin ngài chỉ cho, già thật chẳng biết". Có người đứng bên cạnh nói với vị ấy rằng: "Vậy thì chỉ cho ông ấy vào đình Huỳnh". Bùi Phúc theo lời chỉ dẫn của người ấy mà đẩy xe tới. Tới nơi lấy mền nệm trải lên bực thềm, dỗ cho Anh Thơ ngủ. Đến lúc canh khuya yên lặng, Bùi Phúc hỏi Trí Hóa rằng: "Bây giờ đã tới đây, chúng ta sẽ làm gì?". Trí Hóa nói: "Đêm nay ta hãy nghỉ yên, mai tôi đi dò xem tình thế đã". Nói đến đó nghe tiếng chuông đánh beng beng, hai người bèn nín lặng, nghe bọn tuần canh có đứa nói: "Bên kia có xe ai để vậy?”. Đứa khác đáp: "Đó là xe của cha con ông già bị mất mùa bỏ xứ mà Trương Đầu Nhi chỉ vào đây hồi sớm đó”. Nói rồi bỏ đi, hai người yên tâm nằm ngủ.
Sáng ngày Trí Hóa vừa thức đậy, thấy có tốp người vác xuổng, mang dây và xách nào sọt nào thúng xa xa đi lại, bèn lật đật chạy tới xin tiền. Trong bọn đó có người nói: "Tên này kỳ quá, sáng ngủ dậy chưa cạy ghèn, nên không thấy bọn mình đi làm sao lại còn xin tiền chớ!". Trí Hóa giả không nghe lại gần người khác xin nữa.

HOMECHAT
1 | 1 | 434
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com