PHẦN THỨ BA
Chương 23
Hồng cố không nghĩ nữa để khỏi loay hoay với những câu hỏi thầm: "Chết bằng cách gì? Bao giờ chết? Chết ngay hay thong thả để suy tính kỹ đã? Liệu có chết được không?" Nàng nhìn những cửa hiệu, nhìn những người đi trên vỉa hè, nhìn những biển hàng kẻ chữ Pháp, chữ Nam hay chữ nho, để hết tâm trí vào cuộc đời hoạt động náo nhiệt ngoài phố. "Còn cái chết, chốc nữa hãy bàn đến". Nhưng ý nghĩ bạo dạn này chằng trấn tĩnh được lòng nàng, vì nó lại kéo nàng về gióng tư tưởng hắc ám.
Nàng áy náy quá, sốt ruột quá, toan xuống xe, trả tiền rồi đi bộc, đi thực nhanh, cho toát mồ hôi ra, cho thực mỏi chân. Nhưng nàng vẫn không quyết định. Nàng không còn trí quả quyết nữa. Ðến vườn hoa hàng Ðậu, nàng bỗng rùng mình, do dự, lo sợ. Nàng không hiểu tại sao, và cũng không rõ lo sợ cái gì. Bất giác nàng kêu:
- Ðỗ!
Anh xe dừng vội, quay lại hỏi:
- Cô xuống đây?
Hồng trù trừ đáp:
- Thôi... cũng được 1
Anh kia định đặt càng xe xuống rìa đường thì nàng lại giục:
- Ði đi chứ!
Anh xe vừa bước bước một vừa lẩm bẩm:
- Ðỗ lại rồi lại đi đi.
Hồng gắt cho có câu gắt, vì nàng đương tìm làm việc gì để tránh được cái ý định ghê gớm, để thoát được áp bách mỗi lúc một mạnh.
- Tôi mặc cả anh xuống đường Cổ Ngư chứ đến vườn hoa hàng Ðậu à?
Anh xe yên lặng thở dài cắm đầu rảo bước. Hồng nhắm mắt đếm từ một đến hai mươi; nàng mở mắt ra nhìn. Rồi lại đếm tiếp...
- Cô xuống chỗ nào?
Hồng giựt mình kinh hoảng, trông sang hai bên hồ:
- Ðến nơi rồi à?
Anh xe đứng lại đáp:
- Phải.
Rồi làu nhàu:
- Sáu đồng xu, còn định đến đâu nữa?
- Anh muộn đỗ vô đây thì đỗ cũng được.
Hồng mỉm cười vơ vẩn bước xuống đường, trả tiền.
- Quái! qua đền Chấn Võ lúc nào tôi không biết đấy.
- Ðền Quan Thánh kia. Cô xuống đền Quan Thánh thì sao không bảo đền Quan
Thánh, lại bảo đường Cổ Ngư. Cô làm tôi kéo xa mất mười bước.
Hồng thủng thẳng đi trở lại, vào đền, cất để anh xe khỏi lưu ý đến mình. Nàng tưởng anh ta ngờ nàng đi trầm mình. Kỳ thực anh ta chỉ đoán rằng nàng đến đó chờ đợi tình nhân.
Người đàn bà bán hương hoa chào mời. Hồng mua một thẻ hương, một chục vàng và một gói hoa. Trả tiền xong, nàng ngơ ngác không hiểu mình mua những thứ ấy để làm gì.
Nàng ngớ ngẩn hỏi bà hàng:
- Ngày thường có lễ được không, nhỉ?
Người kia nhanh nhầu đáp:
- Ðược chứ! Cô vào mượn ông từ cái khay. ông ấy sẽ đưa cô vào lễ. Cô xin thẻ?
- Phải, tôi xin thẻ.
Kỳ thực, mãi lúc bấy giờ người kia nhắc, Hồng mới tưởng tới xin thẻ. Và nàng nghĩ thầm "Ừ, ta thử xin một quẻ xem Thánh dạy ra sao".
Thấy lễ vật sơ sài, ông từ chỉ cho Hồng mượn cái khay, rồi để nàng một mình lên đền. Hồng đưa mắt nhìn quanh một vòng: mấy gian đền cao rộng, không thấy bóng người nào. Nàng lại gần bệ tượng, tò mò ngắm nghía hai bàn chân đồng đen. Bỗng nàng rùng mình khiếp sợ: Nàng vừa ngước nhìn lên và gặp đôi mắt trắng dữ tợn của pho tượng.
Nàng vội lùi ra, đến trước hương án ngồi lễ, vừa lễ vừa khấn. Câu khấn của nàng dài lắm, vì lúc nàng cầm ống thẻ vái xin một quẻ, câu khấn vẫn chưa dứt. Nàng kể lể hết việc nhà, việc riêng với ông Thánh, coi ông Thánh như một người bạn thân yêu có thể an ủi được mình. Rồi nàng lắc ống thẻ. Tiếng kêu đều đều khiến nàng chợt nhớ tới cái ống thẻ của các hàng bán kẹo rong.
Hồng phải xin hai lần mới xong, vì lần đầu, lắc mạnh và hấp tấp quá làm ba, bốn thẻ tre cùng rơi ra ngoài một lúc.
Nàng đem thẻ xuống nhà dưới đưa cho ông từ và ấp úng:
- Thưa cụ... đây ạ.
Ông từ đọc: "bốn chín", rồi trao cho Hồng một mảnh giấy vàng:
- Năm xu!
Hồng kính cẩn nộp tiền, vái chào quay ra, vừa đi vừa gấp quẻ thẻ bỏ vào ví da, không buồn nghĩ xem trong đó Thánh bảo những gì.
Khi Hồng qua chỗ người đàn bà bán hương hoa người này hỏi:
- Quẻ thẻ có hay không, cô?
Hồng đáp liều:
- Cũng khá.
Người kia giọng nói đầy tín ngưỡng:
- Lạy Thánh, chứ Thánh dạy sao thì y như rằng là thế.
Hồng mỉm cười nghĩ thầm: "Chắc hắn Thánh không dạy mình nên tự tử". Và nàng vui vẻ bước mau trên đường vắng. "Phải vui vẻ mà chết! Buồn thì không chết nổi đâu, vì buồn hay sinh ra nhút nhát". Hồng thấy mình can đảm lên bội phần, và có lúc toan chạy ra ven bờ nhảy tòm xuống hồ Trúc Bạch. Nhưng sắp sửa gieo mình, nàng bỗng kinh hãi lùi lại. Hình như có ai, có một sức mạnh thiêng liêng, huyền bí nắm chặt hai vai nàng kéo về phía sau. Nàng ngồi xuống cỏ, lười biếng nghĩ tới phép oai nghiêm của thần thành: "Biết đâu không phải đức Thánh cảm lòng thành kính của mình hiện về ngăn cản không cho mình chết!" Hồng mở ví lấy quẻ thẻ ra ngắm nghía những dòng chữ nôm: "Không hiểu thánh dạy những gì? Mình rõ cũng khờ, sao không nhờ ông từ ông ấy đọc và giảng cho". Nàng có ý muốn quay về đền để làm việc ấy, và có lẽ để lùi lại ít lâu sự quyết định dữ dội.
Nàng uể oải đứng dậy... Nhưng nàng lại uể oải ngồi xuống. Hình như bao nhiêu nghị lực nàng đã dùng hết lúc định nhảy xuống hồ. Và nàng lắc đầu, thở dài nghĩ thầm: "Chết khó quá đi mất thôi!"
Tiếng chim sẻ đánh nhau ríu rít trong lá đa cao su, Hồng ngửa mặt nhìn lên. Hai con chim con rơi xuống cỏ, hung tợn mổ nhau tiếng kêu chích chích, Hồng toan lại vồ đôi chim đang xoắn xuýt lấy nhau. Nhưng chúng đã bay vụt lên cây.
Hồng quên bẵng cái chết, và cảm thấy tâm hồn bình tĩnh hắn lại. Sự bình tĩnh ấy chỉ có trong một phút, và nhường chỗ ngay cho sự chán nản hoàn toàn. Chán nản vì không biết quyết định ra sao, không dám quyết định ra sao. Bực tức, khổ sở, đau đớn, nàng bưng mặt ngồi khóc, khóc rất lâu.
- Chị Hồng đấy, phải không?
Hồng vội vàng lau nước mắt và nhớn nhác, sung sướng quay lại nhìn. Nàng cho người mới tới đó là trời sai đến cứu mệnh nàng, như người ta kéo người chết đuối ra khỏi nước. Nàng mừng không phải vì người ấy đến ngăn cản không cho nàng chết, nhưng vì nàng đã bất ngờ ra khỏi được chỗ băn khoăn đương khó nghĩ khó quyết định.
- Chị ngồi đây làm gì thế?
Hồng giật mình, hoảng hất nhìn người trẻ tuổi, tay dắt xe đạp. Nàng thì thầm? "Yêm! Yêm...!" Yêm là con dì ghẻ, người em cùng bố khác mẹ của nàng. Trong gia đình nàng, chỉ có Yêm là tử tế với nàng, có khi lại tỏ lòng thương hại nàng nữa. Nhưng nàng vẫn cho hắn là giả đạo đức và vẫn khinh bỉ không thèm gần, không thèm chuyện trò với.
- Thưa chị, chị lên Hà Nội hôm nào?
Hồng vẫn ngồi im, không đáp.
- Thưa chị, ở nhà bình yên đấy chứ?
Câu này làm cho Hồng phát cáu vì đã nhắc nàng nhớ tới gia đình. Nàng lớn tiếng mắng Yêm:
- Mày xéo ngay! Tao không nói chuyện, nói trò gì với mày!
Yêm toan nhảy lên xe đạp đi thẳng. Nhưng thoáng trông thấy mắt Hồng ướt và đỏ hoe, Yêm hiểu ngay rằng Hồng khổ sở mà hắn là khổ sở vì mẹ mình, liền ghé lại gần Hồng, thì thầm:
- Em xin lỗi chị!
Hồng cảm động, lại thổn thức khóc. Yêm cũng không cầm được nước mắt. Chàng bảo Hồng:
- Chị khổ lắm, phải không? Ở nhà đã lại có chuyện gì thế chị?
Hồng nức lên một tiếng. Một lát sau, nàng mới nói được:
- Chị chết đây, em ạ.
- Chết! Sao chị lại nghĩ lẩn thẩn thế?
- Lẩn thẩn gì! Sống khổ, sống nhục thì sống làm gì?
- Ðầu đuôi câu chuyện ra sao?
Hồng đăm đăm nhìn Yêm, vẻ mặt căm tức:
- Ra sao! Mày lại còn không biết ra sao à?
Yêm thở dài:
- Chừng mẹ em lại lới thôi với chị, chứ gì.
Hồng toan đáp "chính thế!", nhưng thấy Yêm tất bụng quá, không nỡ thất ra câu ấy, mà cũng không dám kể lại những việc đã xảy ra trong gia đình.
- Thưa chị, em còn lạ gì mẹ em. Chả cứ đối với chị đâu, đến đối với em, mẹ em cũng... cũng hành hạ, chửi mắng... coi như quân thù, quân hằn. Có khi... Ðấy chị coi, mỗi lần em bênh chị và khuyên can mẹ em, thì trong nhà có ra sao đâu. Em nghĩ em chán quá, chả muốn về nhà nữa.
Nghe Yêm nói, Hồng cảm thấy sự dịu dàng thấm dần tâm hồn.
- Chị đã gặp chị phán chưa?
- Chị Hảo đấy ư? Ðã... Tôi ở nhà chị Hão vừa ra đây.
- Chị đi chơi quanh một vòng với em nhé?
Yên lặng. Hồng đứng dậy, quất thắng những vạt áo:
- Ði đâu bây giờ?
- Hay em gọi xe, đưa chị về chị phán?
- Cũng được.
- Ồ thế thì em sung sướng quá? Vậy em đi gọi xe nhé?
Yêm vui mừng thành thực nhảy lên xe đạp, khiến Hồng quên hết phiền muộn, mỉm cười nhìn theo. Yêm quay đầu lại dặn:
- Chị đứng chờ em một chút nhé, em trở về ngay.
Thực vậy chỉ một phút sau. Yêm trở lại, đi kèm bên một cái xe kéo. Hồng hấp tấp lên xe như để đi trốn, trốn cái chết.
Hai người về đến nhà thì vừa gặp Căn ra đi làm. Chàng ngả đầu đáp lễ hai em vợ.
Hồng cho cử chỉ ấy quá lãnh đạm vì nàng tưởng ai ai cũng biết nàng vừa thoát chết. Và ai ai cũng phải vui mừng cho nàng.
Thấy nàng, Hảo gọi rồi nói liền liền:
- Kìa em Hồng! Em đi chơi đâu về thế? Em bảo em đi năm phút làm cô Nga với chị chờ mãi không thấy em về, suất cả ruột.
Hồng nghĩ thầm: "Chị em ruột thịt có khác!"
- Em đến đằng kia... gặp Yêm, em rủ lại chơi.
- Ồ! Cả cậu Yêm cũng đến chơi đấy à?
- Vâng, cậu ấy gặp người bạn ở đầu phố, còn đương đứng lại nói chuyện. Rồi nàng hạ giọng bảo chị:
- Chị ạ, em không ngờ, thằng Yêm thế mà còn khá.
- Ðấy chị vẫn bảo thế, em có tin chị đâu.
- Em ghét người mẹ, em ghét lây cả lũ con.
- Chà, cũng được một mình thằng ấy. Còn mấy đứa bé ở nhà thì chúng nó dễ chẳng kém mẹ chúng nó mấy tí. Thực chúng nó đối với em không khác bọn cô bên chồng.
Hảo cười:
- Như cô Nga đối với chị, chẳng hạn... kìa cậu Yêm đã đến đó.
Yêm vừa đạp xe đạp vào chồng cánh cửa hàng vừa nhanh nhảu chào:
- Lạy chị ạ!
- Cậu vào chơi, hôm nay cậu nghỉ học?
- Không, em đến trường bây giờ đây.
- Bây giờ chưa đến trường thì muộn mất. Anh Căn đi làm đã lâu rồi.
- Thưa chị chậm một tí cũng được. Em sẽ xin lỗi, nói gặp nạn xe đạp chẳng hạn. Vả lạitừ đây đến trường, em phóng chỉ mất độ năm phút.
- Vậy cậu đi học thôi. Chằng muộn.
- Vâng, em xin đi đây. Lạy hai chị ạ. Chốc tan học em lại đến nhé?
- Ừ chốc cậu đến chơi.
Yêm chào lần nữa rồi nhảy phắt lên xe cắm đầu đạp. Hồng nhìn theo, lẩm bẩm:
- Có học cũng có hơn. Ngày còn bé nó có ra gì đâu!
Hảo nói:
- Phải, ở gần người đàn bà tàn ác ấy thì còn ai tất sao được!
Nghe Hảo nhắc đến dì ghẻ, Hồng lại nhớ tới sự đau khổ của mình. Nàng ứa nước mắt bảo chị:
- Em chết hụt đấy, chị ạ.
Hảo sợ run lên:
- Chết chửa! Sao thế, em?
- Chị lên buồng, em nói chuyện.
Hảo vội gọi vú già ra trông hàng, rồi cùng em lên gác.
Vừa ngồi xuống ghế, Hồng nước nở khóc liền. Và nàng kể hết mọi sự đã xảy ra. Hảo cũng khóc theo. Rồi an ủi, khuyên can:
- Sao em dại dột thế? Chị vẫn bảo em rằng thằng Lương không ra gì, em không nghe chị. Thế cũng xong, em ạ. Còn việc nhà thì chị cam đoan với em rằng không sao. Chị sẽ đưa em về xin lỗi thầy. Chị bảo Yêm cùng về. Nó sẽ răn bảo mẹ nó, nó sẽ làm cho mẹ nó xấu hổ mà sửa đổi lại tính nết... Thôi bây giờ thì em đi nằm nghỉ một lát cho tỉnh người lại, nhé?
Hảo dục em cởi áo, dắt em lên giường Nga nằm, âu yếm xoa đầu em, và kéo chăn đơn đắp cho em. Hồng thấy lòng đỡ thổn thức, rồi dịu dịu dần. Nàng nhắm mắt nằm im. Hảo tưởng nàng ngủ, rón rén bước xuống nhà.
PHẦN THỨ BA
Chương 24
Vú Hà vừa đi khỏi nghĩa địa tây thì gặp Sen, đầy tớ gái bà Thông, và Sửu, anh bếp trong phủ. Hai người này đón đường hỏi thăm chuyện cô Hồng để chốc nữa về thuật lại cho chủ nghe. Nếu lượm được nhiều tin hay thì dẫu họ có ăn bớt tiền chợ một cách quá đáng, chủ biết cũng sẽ làm ngơ. Vì thế, xưa nay họ vẫn có tài đi do thám việc từng nhà, việc quan trọng cũng như việc tầm thường, quý hồ có cái mà kể với chủ dù phải bịa đặt thêm thắt vào cho vui, cho nổ câu chuyện.
Vừa nhác trông thấy vú Hà, Sen chạy ngay lại chào, rồi đỡ lấy cái rổ, nói:
- U đưa tôi cắp cho nào.
Sửu khôn ngoan bắt đầu cuộc do thám bằng một câu chuyện làm quà, vì anh bếp già hiểu tâm lý bọn đồng nghiệp lắm: Muốn họ kháo việc nhà họ, trước hết mình phải kháo việc nhà mình.
Anh ta bảo vú già:
- Hôm qua cai Lợi bị quan tát cho một cái nên thân.
Cặp mắt vú Hà vội nheo lại:
- Ồ! Thế à? Tại sao thế bác?
- Tại hắn ta ghẹo vú cậu, quan bắt gặp…
Vú Hà cười gập người lại, đánh rơi mất miếng trầu đương ngậm ở một bên hàm.
- Cho chết! Ai bảo lẳng lơ lắm!
Sen tinh quái hỏi:
- U bảo ai lẳng lơ? Bác cai Lợi hay chị vú Ðông?
- Bảo cai Lợi đấy chứ?
Sửu láu lỉnh gợi chuyện:
- Tưởng chỉ con gái thì mới lẳng lơ thôi chứ! Như chị Hồng nhà vú chẳng hạn…
Sửu ghé lại gần vú Hà, hạ giọng hỏi:
- Nghe nói hôm qua bà cho chị ấy một trận nên thân, phải không?
- Không, bà tôi có đánh chị ấy bao giờ đâu.
- Thế còn ông nhà?
- Ông tôi ấy à?… Chuyến này thì có lẽ ông tôi tống đi. Ông tôi kêu chị bêu nhơ bêu nhuốc ông tôi.
Rồi vú Há thuật lại cho hai người nghe đầu đuôi câu chuyện:
- Hôm trước mãi nhá nhem tối, Hảo, Hồng và Yêm mới về nhà. Lúc bấy giờ ông phán đương ở chơi trong phủ. Bà phán nằm nghỉ trên gác, nói thác nhức đầu không xuống. Nhưng Yêm đã chạy vội lên chào mẹ.
Kể đến đây, vú Hà cảm động bảo Sửu:
- Bác bếp ạ, cậu Yêm cậu ấy thế mà tốt bụng. Tuy khác mẹ đấy, nhưng cậu ấy thương chị Hồng lắm. Chả biết cậu ấy nói những gì với bà tôi, mà bà tôi làm ầm cả nhà lên, rồi bà tôi khóc, rồi bà tôi đập mất một cái chén với một cái ống nhở sứ, rồi bà tôi cho đi tìm ông tôi về ngay lập tức.
Sửu tò mò hỏi:
- Vậy u không biết cậu Yêm nói những gì với bà?
- Không. Tôi chỉ nghe thấy bà tôi thét: “Trời ơi! thằng Yêm nó nhiếc tôi! Ông phán ơi, ông về mà xem con ông nó chửi tôi đây này.”
Sem mỉm cười, thích chí:
- Vậy ra cậu Yêm bênh cô Hồng?
- Ðã bảo không biết cậu ấy nói những gì với bà tôi mà lị.
Sự thực, Yêm chỉ khuyên mẹ nên ăn ở tử tế với Hồng, nên thành thực thương yêu Hồng như con đẻ, thì Hồng sẽ thương yêu kính mến lại mình như mẹ ngay.
Ông phán ở phủ về giữa lúc bà phán gào thét, đập phá, khóc lóc. Ông lên thẳng trên gác và chẳng nói chẳng rằng, ông tát cho Yêm hai cái rồi đuổi xuống nhà.
Một lát sau ông và bà phán cùng xuống phòng khách, Hảo dắt Hồng ra chào và vừa mếu máo vừa xin lỗi cho em đã trót dại. Nhưng ông phán không thèm nghe, ông túm lấy tóc Hồng và co chân đạp một cái thực mạnh, khiến nàng ngã ngồi xuống đất.
- Mày còn vác mặt về làm gì, hở con đĩ?
Hảo ấp úng:
- Bẩm thầy, thầy thương em con, em con nghe tin con mệt, vội lên thăm, không kịp xin phép…
Một tiếng cười gằn của bà phán khiến nàng ngừng lại. Ông phán như giải nghĩa cái cười của vợ:
- Thì bức thư có để lại còn kia. Trong thư nó nói không thèm trở về cái nhà nầy nữa mà! Mày còn bênh vực em mày nữa thôi?
- Bẩm thầy, thầy tha tội cho em con, em con trót dại.
Lần thứ hai bà phán cười gằn:
- Trót dại!
Ông phán tiếp luôn:
- Trót dại! Ði theo trai rồi cũng kêu trót dại, phải không?
Nghe thấy nhắc đến việc theo trai, Hồng lại chợt nhớ đến Lương, người đã tình phụ nàng khiến nàng phải quay về gia đình, không thoát nổi nơi “địa ngục” ấy. Nàng liều lĩnh nói với cha:
- Bẩm thầy, mỗi cái nếu thầy không thương con nữa thì thầy cứ giết ngay con đi cho con thoát nợ đời.
Bà phán lại cười:
- Sao cô xui dại thầy thế? Giết cô để mà ngồi tù nhé? Con đi làm đĩ không đủ xâú hay sao, lại còn muốn bố ăn cơm ống bơ nữa?
Câu mỉa mai quá đáng khiến ông phán phải chau mày và Hảo ứa nước mắt.
Hồng sừng sộ:
- Cô không có phép vu cáo…
Bà phán vẫn cười mát, ngắt lời:
- Hùng hồn nhỉ? Chả đi học mà làm thầy kiện cũng hoài!
Hồng toan cãi lại nhưng Hảo đưa mắt ra hiệu bảo im, rồi lại gần dì ghẻ thì thầm:
- Em nó dại dột, cô làmơn xin với thầy hộ cho nó, nó sẽ không dám quên ơn cô.
Bà phán nói to như để phân vua:
- Thì đấy, có chị đấy nhé, không lại bảo tôi đặt điều ra cho nó. Nó cãi lại tôi sa sả, nó có coi tôi ra gì đâu… Ðến thầy nó, nó còn chả coi ra gì nữa là tôi.
Ông phán thở dài, chừng để biểu đồng tình một cách lẵng lẽ. Bà phán lại nói, giọng cố làm ra cả động:
- Chị tính tôi khổ sở, đau đớn, nhục nhã vì nó. Mấy hôm nay tôi có dám vác mặt đi nơi nào đâu. Tôi sợ người ta cười, người ta mỉa mai. Chị ạ, thực trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, một tí gì mà người ta không biết? Người ta biết cả tên cái thằng quyến rũ nó là Lương đấy chị coi.
Hồng phần xấu hổ, phần căm tức, khóc nức lên đi vào nhà trong:
- Trời ơi! Sao tôi không chết quách cho rồi, còn trở về cái nhà này làm gì?
Ông phán mắng chửi ầm ỹ, và nếu không có bà phán giữ ông để tỏ lòng tốt với Hảo thì ông đã lại túm lấy Hồng mà đánh.
- Ðấy chị coi, nó có chịu nhục đâu!
Yêm đăm đăm nhìn mẹ, rồi cũng bỏ vào nhà trong để an ủi Hồng. Ông phán thấy vậy gọi giựt lại:
- Yêm! Bỗng dưng mày nghỉ học về nhà để làm gì?
Yêm quay lại, cúi đầu đứng im lặng. Sao tao hỏi, mày không nói thằng kia?
- Bẩm… Hôm nay thứ năm.
- Thế mai?
Yêu trả lời liều:
- Sáng mai con có cả ba giờ “permanence”. Bẩm ở lớp nhất bao giờ cũng có nhiều giờ nghỉ.
Rồi, chừng để gợi tình trắc ẩn của cha mẹ, Yêm nói tiếp:
- Bẩm… với lại con về để xin thầy mẹ cho chị Hồng… Hôm nọ không có con… thì chị con chết rồi còn gì.
Yêm thuật lại buổi gặp Hồng ở bên hồ Trúc Bạch, thêm thắt vào câu chuyện trở nên ghê sợ, bi đát. Ông phán cố dấu tiếng thở dài, và lạnh lùng nói:
- Sao mày không để cho nó chết? Chết đi còn hơn là sống mà làm điếm nhục gia phong.
Bà phán hằm hằm nhìn con:
- Cả mày nữa. Mày cũng chết đi cho rảnh mắt tao: Tao không muốn có thằng con bất hiếu bất mục như mày!
Yêm rùng mình sợ hãi vì như đoán thấy trong cặp mắt thù oán của mẹ, cái ác ý ghê gớm của một người đàn bà tàn nhẫn.