watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:22:2129/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Khái Hưng > Thoát Ly - Trang 6
Chỉ mục bài viết
Thoát Ly
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Tất cả các trang
Trang 6 trong tổng số 13

PHẦN THỨ HAI

Chương 13


Hồng buồn rầu đứng xếp các thức vào cái va ly con: nàng sắp phải về nhà, xin phép đi Hà Nội có bốn ngày mà hôm nay đã là hôm thứ năm rồi. Nghe thấy tiếng lách cách, Nga thức giấc hỏi:
- Chị dậy sớm thế?
- Còn sớm gì nữa! Gần năm giờ rồi.
- Nhưng mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa kia mà!
- Thế à?
Hồng hỏi lại, vớ vẩn, không nghĩ ngợi vì lòng đương lo phiền. Nàng như trông thấy cha cùng dì ghẻ ngồi trước mặt và như nghe thấy rít lên cái giọng mỉa mai của người đàn bà ác nghiệt: "Giời ơi! lại cạo răng trắng nữa cơ đấy!"
- Chị Nga, dậy ngồi nói chuyện cho vui đi!
Nga cười:
- Thì cứ nói chuyện đi. Tôi nằm mà không tiếp được chuyện chị hay sao? Vậy có chuyện gì vui thì kể cho tôi nghe nào! Có phải...
Một tiếng thở dài của Hồng làm Nga ngừng bặt, ngồi nhỏm dậy hỏi:
- Sao thế? Hồng sao thế?
Hồng lãng ngay sang chuyện khác:
- Chết chửa! Mãi sáu giờ năm mươi mới có xe hỏa mà tôi cứ tưởng sáu giờ mười lăm, thành ra dậy sớm vô ích quá nhỉ?
- Còn những một giờ nữa. Từ đây ra ga mất độ mười phút. Vậy còn kịp pha chè tàu uống đã.
Nga sang buồng anh lấy cái bếp dầu tây, rồi gọi vú già đem ấm nước bắc lên đun. Nàng hơ tay bên ngọn lửa xanh bốc phùn phụt và bảo Hồng:
- Lửa cháy kêu vui nhỉ? Mà ấm quá!
Như không để ý đến lời nói của bạn, Hồng cười hỏi:
- Chị trông hàm răng tôi có chướng không chị?
Nga cũng cười:
- Sao lại chướng! Ðẹp hắn đấy chứ lị! Chị không thấy Lương nó nhìn chị bằng con mắt khen ngợi và cảm ơn đấy ư?
Hồng rầu rầu nét mặt:
- Chị cứ nói bậy!
Nga vẫn cười:
- Lại bậy nữa!
- Cái anh chàng khả ố quá! Sao mà tôi ghét hắn thế!

Nga cười to đến nỗi Căn phải thức giấc ở buồng bên hỏi vọng sang:
- Hai cô có điều gì thú thế?
Nga đáp vội vàng "Không ạ" rồi hạ giọng nói tiếp bảo Hồng:
- Hắn ta gàn thực, chị ạ. Chỉ được cái tốt bụng mà thôi. Tôi nói câu chuyện này, chị đừng giận nhé.
Hồng vẫn ngồi im nhìn ngọn lửa.
- Chị Hồng ạ, Lương nó cứ tưởng... tượng chị yêu nó.
Hồng cau mày gắt:
- Ồ! Chị nói bậy quá!
- Không yêu thì thôi, chứ sao. Người ta chỉ thuật một câu chuyện buồn cười thôi cơ mà... Hai tháng trước, Lương đã ngỏ lời với tôi nhờ ướm hỏi ý chị trước, anh ấy sẽ lo liệu nhờ đến mối manh. Tôi thấy chị chả ưa gì Lương nên bỏ bẵng không nói với chị, nhưng cũng không bảo cho Lương biết. Chị tính, bảo làm gì phải không chị? Cứ để cho người ta hy vọng thì đã sao? Người ta sống về hy vọng, sung sướng về hy vọng thực. Bỗng hôm qua gặp tôi ở trường, Lương ghé tai thì thầm:
"Chị đừng hỏi dò ý tứ chị Hồng nữa."
Hồng ngửng đầu lên, mắt căm tức nhìn bạn, Nga như đọc được ý tưởng của nàng, vội tiếp:
- Không, Lương còn yêu chị như thường...
Hồng gắt:
- Ồ! Chị mới hay chứ!
Nga vẫn trân trân ra cười:
- Ðã bảo chỉ là một câu chuyện vui thôi mà. Vậy cứ ngồi im mà nghe có hơn không... Ðây này! anh Lương anh ấy bảo em anh ấy ghen với chị... Ngộ không?
Hồng đỏ bừng mặt, đôi mày nhíu lại.
- Thì thực thế mà!
Và Nga kể: Hôm Lương tới chơi nhà Căn trở về, gặp em trùm chăn nằm ngủ. Lương hát nghêu ngao, chân dẫm thình thình mà Thiện vẫn nằm lì. Chàng liền kéo chăn mắng:
- Ðồ lười biếng, gần bữa cơm rồi mà hãy còn ngủ được.

Bỗng chàng đứng ngây người nhìn em. Thiện bưng mặt khóc thút thít. Chàng ôn tồn hỏi ba, bốn lần: "Em sao thế?", Thiện vẫn lặng thinh không đáp. Chàng ôm Thiện ngồi dậy âu yếm như một người mẹ:
- Em giận anh phải không?
Thiện nức nở:
- Bây giờ... Anh có nghĩ gì... đến em nữa đâu, anh chỉ nghĩ đến cô Hồng thôi.
Lương vờ hỏi:
- Cô Hồng nào?
- Cô Hồng mà anh khoe với em rằng sắp cưới làm vợ, chứ còn cô Hồng nào nữa.
Thì ra Thiện ghen, Thiện yêu anh như một người con gái yêu tình nhân. Vắng tình mẫu tử, tình huynh đệ đã trở nên mật thiết sâu xa hơn hết mọi thứ tình yêu khác. Lâu nay, Thiện đã quen coi anh là một người bạn, là một người thân độc nhất trên đời, tưởng mất anh thì mình sẽ không có đủ nghị lực và can đảm để sống nữa. Thiện cho rằng Lương yêu người khác, thì chẳng bao lâu, sẽ quên hẳn mình.
Trước Lương còn mắng em gàn dở. Sau cảm động vì tình yêu chân thật và ngây thơ của em, chàng hứa liều rằng khi nào em thành gia thất, chàng mới sẽ nghĩ đến lấy vợ.
Thiện cười gượng bảo Lương:
- Thế thì chả bao giờ anh lấy vợ, vì em nhất định không lấy ai.
Lương cũng cười đáp:
- Em nói thế là vì em chưa gặp người em yêu đấy.
Nga ngừng lại để cười, rồi nói tiếp:
- Anh chàng giữ lời hứa với em, nên hôm qua bảo tôi đừng hỏi dò ý tứ chị nữa, vì anh ấy chưa muốn lấy vợ, mà đối với chị thì anh ấy chỉ có thể yêu như một người vợ đoan chính được thôi.

Hồng không ngắt lời và kháng cự bạn nữa. Nàng ngồi ngây, lắng tai nghe.
Cả hai cùng mải miết vào câu chuyện đến nỗi nước sôi từ bao giờ mà vẫn không biết. Một luồng khói trắng bay phụt qua vòi ấm, cái vung đồng bị nâng lên hạ xuống, rung động kêu lách cách khe khẽ và thỉnh thoảng lại để trào ra tia nước làm cho ngọn lửa bùng lên: một cảnh tượng êm ấm của những buổi sáng mùa đông rét mướt.
Bỗng Hồng vui vẻ bảo Nga:
- Pha nước uống đi?
- Ừ nhỉ, tôi quên bẵng ấm nước.
Hồng vừa nhanh nhảu rót nước vào ấm tra, vừa nói:
- Hai người con trai, hai người con gái có thể yêu nhau được không nhỉ? Tôi thì chưa yêu ai, như anh em anh Lương yêu nhau, kể cả chị Căn và chị, hai người tôi yêu nhất trên đời.
Rồi như nói một mình:
- Yêu nhau đến nỗi ghen với người anh yêu, yêu em đến nỗi... hy sinh ái tình...
Nàng vội tiếp luôn vì biết mình nói hớ:
- Tuy chỉ là ái tình tưởng tượng. Thú nhỉ!
Nga cười:
- Gàn đến thế là cùng! Anh gàn, em gàn... ừ không biết anh chàng căn cứ vào đâu mà cho rằng chị yêu hắn?
Má Hồng ửng đỏ. Nàng cũng cười thắng thắn đáp lại:
- Có lẽ anh ta căn cứ vào lòng tốt của anh ta. Anh ta yên trí rằng mình tốt thì ai ai cũng phải yêu.

Rồi nàng cảm động hỏi lại bạn:
- Hình như chị đã bảo cho tôi biết rằng anh ấy cũng có một người dì ghẻ ác nghiệt.
- Ác nghiệt thì không ác nghiệt, nhưng gian dối, man trá, cướp mất cả gia tài của hai anh em Lương.
Hồng như tò mò muốn biết truyện nhà Lương, hỏi thăm hết điều này, điều khác.
Mãi sáu giờ rưỡi, Nga mới chợt nhớ ra, bảo Hồng:
- Có lẽ gần đến giờ rồi đấy.
Hồng lạnh lùng đáp:
- Không cần về vội, chị ạ. Chiều hôm nay thứ năm chị được nghỉ, tôi ở lại chơi với chị rồi mai về cũng chẳng sao.
Nga vui mừng:
- Thế thì còn nói gì nữa!
Hồng chép miệng:
- Chà! Một liều ba bảy cũng liều! Rồi muốn ra sao thì ra.
Nàng cười gượng đứng dậy xuống nhà nói tiếp:
- Vậy mười một giờ tôi đến trường đón chị nhé?
- Thế thì ngoan lắm rồi.

PHẦN THỨ HAI

Chương 14

Hồng đến nơi thì lớp học chưa tan. Nàng vừa trả tiền xe vừa chau mày lẩm bẩm nói một mình:
"Cái đồng hồ của anh Căn nhanh đến nửa giờ?"
Những xe nhà, cái sơn vàng, cái sơn đen đặt sát liền nhau thành một hàng dài, càng ghếch lên hè. Thỉnh thoảng mới xen lẫn vào một cái xe hàng, xộc xệch, cũ kỹ, mui bạc phếch, hay nhem nhuội như cái tã bẩn.
Có anh phu kéo ngồi khểnh trong xe, phì phèo hút điếu thuốc lá quấn vừa mua nơi hàng nước bày bán trong hành lang, lối đưa vào các lớp. Có anh khoác áo tơi xe lên vai cho được ấm, ngồi co ro ở một góc trường. Một bọn sáu anh quây quần nói chuyện phiếm: luôn luôn thất ra những lời tục tĩu, kế tiếp liền những dịp cười ngây ngô.
Thấy Hồng đến, họ tò mò ngửng lên nhìn. Một người lại gần hỏi:
- Thưa cô, mấy giờ rồi ạ?
Hồng trù trừ đáp:
- Có lẽ gần mười một giờ. Tôi cũng không có đồng hồ.

Rồi nàng rảo bước đi vào hành lang. Bên cạnh đó, tiếng một ông giáo oang oang giảng bài tập đọc, vụt nhắc Hồng, trong giây lát, nhớ lại cả cái thời học sinh sung sướng của mình. Nàng đứng lắng tai nghe: ông giáo đương giảng nghĩa một điển tích trong một bài ngụ ngônLa Fontaine . Và ông pha trò có duyên quá khiến cả lớp phá lên cười từng trận.
Hồng rét run vì gió lùa. Lúc ra đi, nàng vội vàng không kịp mặc áo len đan. Nàng vẫn tưởng đến chậm quá, không ngờ lại quá sớm. Nghĩ lẩn thẩn nàng toan quay về trước, không đứng chờ Nga vì nàng bỗng nhận thấy cử chỉ của mình không tự nhiên.
Buổi sáng nghe chuyện gia đình Lương, nàng sung sướng tự phụ được đóng vai chính trong câu chuyện cảm động ấy. Nàng không ngờ ở đời lại có một tình yêu lạ lùng như thế! Hai anh em hai người đàn ông yêu nhau khăng khít quá tình nhân. Yêu đến ghen được với người yêu của anh. Yêu đến vứt bỏ được người yêu trong mộng. Tình anh em sâu xa đến thế ư?
Tự nhiên nàng thấy Lương không tầm thường nữa, Lương mà nàng vẫn ghét cay ghét độc vì dung mạo xấu xí, nhất vì cái tính si ngốc của chàng. Trước khi về Ninh Giang, nàng muốn gặp mặt người ấy lần cuối cùng, nói với người ấy một vài câu dịu dàng để chuộc lại cái tội đã khinh bỉ người ấy trong bao lâu nay. Nàng nghĩ thầm:"Ở đời này không nên khinh ai tâm lý" . Nhớ tới dì ghẻ: nàng mỉm cười chua chát, sửa đổi lại ý nghĩ: "Không nên khinh ai nếu mình chưa hiểu rõ người ta rất đúng, và một đới khi đã rõ biết".

Chỉ vì thế mà nàng không ra ga sáng hôm nay. Chỉ vì thế mà bây giờ nàng đến trường đón Nga. Nhưng tới phút này nàng lo ngại: Nàng lờ mờ cảm thấy rằng hình như nàng không được đoan chính. Và nàng toan quay về ngay...
Bỗng Hồng giật mình: mấy tiếng chuông lanh lảnh vang lên. Tiếp liền tiếng học trò cười nói ồn ào. Rồi ở các lớp bên hành lang, một bọn trò nhỏ ùa ra... Thấy Hồng, chúng ngây người tò mò nhìn hay nói lớn với nhau những ý nghĩ của mình:
- Dễ vợ ông giáo Hy đấy!
- Bậy! Vợ ông giáo Hy tao còn lạ gì. Già hơn.
- Hay "elle" đến xin vào học ban tú tài,
- Mày thử hỏi "elle" xem.
Một cậu ghé tai bạn nói thầm một câu, tức thì có tiếng reo:
- Ừ phải đấy, dễ thường vợ ông giáo Lương.
Và cả bọn phá cười lên, khiến Hồng xấu hổ đỏ bừng mặt.
- Im! Vô phép thế à?
Một ông giáo quát mắng học trò, rồi lại gần chỗ Hồng, nghiêng đầu chào:
- Thưa... thưa cô, cô hỏi ai?
Hồng chào lại, đáp:
- Thưa ông, tôi đến tìm chị Nga.
- À cô Nga, cô Nga dạypremière année ở trên gác. kìa, cô ấy đã xuống đó.

Rồi ông giáo nghiêng đầu chào một lần nữa, từ biệt Hồng.
- Chị Nga!
Hồng cất tiếng gọi. Nga ngơ ngác nhìn quanh, vì mới ở chỗ sáng đi vào lối hành lang hơi tối, nàng trông không rõ ai. Hồng vội chạy lại, cầm lấy tay bạn:
- Tôi đến đón chị đây ;
Nga cười:
- Cảm ơn chị. Chị làm tôi lại nhớ thời còn bé học trường hàng Cót, ngày hai buổi mẹ tôi cho vú già đến cửa trường đón tôi. Rồi vú già với tôi đi bộ về nhà.
Hồng cũng cười:
- Vậy ta đi bộ về nhé?
- Trời ơi! đi bộ từ đây về chợ Hôm?
- Sao không được?

Ai hỏi ở sau lưng:
- Vậy hôm nay chị không đi xe điện?
Hồng quay lại nhìn và nhận ngay được Lương, liền mỉm cười gật chào. Lương kính cẩn cúi đầu chào hai má ửng hồng vì sung sướng. Nga bảo Lương:
- Nếu chúng tôi đi bộ về thì anh Lương đi hộ giá cả nhé?
- Xin vâng. Hân hạnh cho tôi lắm lắm.
- Vậy đi.
Hồng ngập ngừng hỏi:
- Ði bộ thực à?
- Lại chả thực!

Ba người ra đường. Mấy anh học trò lớn liếc nhìn Lương rồi khúc khích cười, thì thầm nói chuyện. Lương để hết cả tinh thần vào Hồng. Ngoài Hồng ra, chàng không trông thấy gì nữa. Nhưng Hồng thoáng nhận thấy sự chế nhạo của bọn học trò, và nàng nghĩ ngay đến những giờ dài đằng đẵng của Lương trong lớp ồn ào, mất trật tự, giữa một đám học trò hỗn xược tàn ác. Nàng ngước nhìn Lương, thương hại: hai cặp mắt gặp nhau, một luồng điện cảm tình làm đôi my Hồng rung động và tim Hồng đập mau.
- Sao chị lại đi về phía ấy?
Nghe Lương hỏi, Nga cười đáp:
- Tôi cứ quen đường ra chỗ chờ xe điện. Vậy đi bộ thực nhé?
Hồng có vẻ e ngại:
- Ði bộ... có tiện không nhỉ?
Hồng quen ở tỉnh nhỏ không bao giờ thấy cái cảnh nam nữ đi song song ở ngoài phố. Chừng Nga cũng hiểu thế, nên bảo bạn:
- Ở Hà thành người ta không dị nghị bép xép như ở Ninh Giang nhà chị đâu mà sợ.
Hồng ngượng với Lương, chữa thẹn, cãi lại:
- Ô hay, tôi có sợ gì đâu. Hay nói cho đúng, tới chỉ sợ đi bộ về muộn làm anh phán, chị phán phải chờ cơm.
- Chà! Để anh chị ấy chờ, đói ăn càng ngon.

Tới hồ Hoàn Kiếm, thấy hai thiếu nữ đi chậm lại Lương hỏi:
- Hai chị mỏi chân rồi?
Hồng lắc đầu:
- Chưa. Nhưng đi thong thả để ngắm hồ.
Nga cười:
- Có chị ở nhà quê ra Hà thành thì thích ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, chứ đối với chúng tôi cảnh ấy trở nên tầm thường quá rồi.

Lương cãi:
- Thưa chị, không có lý nào thế. Hồ Hoàn Kiếm của chúng ta biến hóa trăm hình vạn trạng mỗi lúc đẹp một khác, không bao giờ ngắm chán mắt được.
Hồng tấm tắc khen:
- Hồ Hoàn Kiếm đẹp thực!
- Vâng, thưa chị, thực là một viên kim cương nạm trong khối ngọc thúy.
Nga lại cười:
- Thi sĩ không!
Rồi bảo Hồng:
- Xin giới thiệu chị nhà thi sĩ Ba X... thường gửi tác phẩm đăng trên các tuần báo.
Hồng vui vẻ hỏi:
- Sao ao lại Ba a X...?
- Vì anh Lương ký tên Trois X (XXX).
Lương nhún mình:
- Lúc nhàn rỗi làm thơ cho đỡ buồn, chứ thi sĩ thi xiếc gì!
- Anh cũng có khi buồn kia à?... Chiều nay, thứ năm nhàn rỗi, hắn anh làm thơ cho đỡ buồn.
- Chiều nay thì tôi không nhàn rồi, vì tôi đã nhận lời đến đánh tổ tôm đằng ông Phi.

Nga cười vui vẻ, Lương hiểu ý nghĩa cái cười ấy nên cũng cười theo. Những cuộc tổ tôm góp một hai đồng ở nhà ông giám đốc buổi trưa hôm thứ năm và chủ nhật đã thành một thói quen trong đám giáo sư trường Ðông kinh. Và cái vẻ mặt nhanh nhẹn, những cử chỉ ngôn ngữ hồn nhiên sỗ sàng của bà đốc chẳng ai còn lạ! Buổi dạy học sáng thứ năm, anh em thường hỏi nhau: "Hôm nay Phi có mời anh đến đánh tổ tôm không?" Rồi họ mỉm cười, cái mỉm cười rất nhiều ý nghĩa.
- Ông thích đánh tổ tôm lắm?
Lương đang cười, ngừng bặt để đáp lại Hồng:
- Không, tôi có thích tổ tôm đâu! Nhưng nể ông Phi quá, nên thỉnh thoảng cũng phải nhận lời đến đánh.
- Tưởng không thì trưa nay đưa chúng tôi đi xem phòng triển lãm của anh Gia. Chị Hồng chắc chưa đến phòng triển lãm nhỉ?
- Chưa.
Lương vội đáp:
- Vậy tôi xin đi với hai chị, tôi cũng chưa xem.
Hồng mỉm cười:
- Nhưng ông đã nhận lời đến đánh tổ tôm...
- Không sao ạ, tôi lại xin kiếu nhé.

Chàng ngả đầu chào hai thiếu nữ:
- Xin tạm biệt, đúng hai giờ tôi lại tìm hai chị.
Rồi không chờ hai người chào lại, hay nói một câu trả lời chàng đi thẳng.
Hồng thì thầm bảo Nga:
- Anh ấy không sợ em anh ấy giận à?
Nga phá lên cười khanh khách.

PHẦN THỨ HAI

Chương 15

Mãi năm hôm sau Hồng mới về Ninh Giang.
Trong năm hôm ấy, ngày hai buổi Hồng lo lắng chờ nhận thư nhà, lá thư mà nàng chắc chắn sẽ viết toàn bằng những chửi mắng, hay mát mẻ. Nhưng thư vẫn không tới và nàng vẫn nấn ná ở lại. Ðã có lần nàng chua chát nghĩ thầm: "Mình đi vắng thì họ mừng, chứ họ cần gì! Mình như cái gai trước mặt họ. Họ không nhổ được đi hẳn, thì thỉnh thoảng mình xa họ cũng là tự tạm nhổ đi cho họ ít ngày. Thế thì họ còn mong đợi gì mình mà viết thư viết từ."
Hồng cảm thấy ngay rằng tư tưởng ấy hơi hỗn xược. Vì dù nàng không có chủ tâm ám chỉ, chữ "họ" vẫn như gồm cha vào trong. Cha nàng, nàng hiểu thấu thâm tâm, và như có tình cảm báo cho nàng biết rằng cha nàng không ghét nàng. Hơn thế, có khi thương hại nàng nữa: "Tình phụ tử ai nỡ!" Nàng luôn luôn tự nhủ thế, và nàng cố ghép một ý nghĩa trắc ẩn, liên tuất, thân ái vào những lời nói rất bình thường, những cử chỉ rất thản nhiên của cha. Bị cha mắng nhiếc tàn tệ, nàng tự an ủi bằng một tư tưởng lâu ngày đã hầu thành như khắc sâu vào khối óc bị thương của nàng: "Thầy mắng mình ở trước mặt cô ta cho cô ta vui lòng và để mình được yên thân". Và nàng ngầm đáp lại cha bằng cái mỉm cười để tỏ với cha rằng mình hiểu cha lắm. Cái mỉm cười ấy, nhiều khi người dì ghẻ có ác tâm cho là rất khinh mạn đối với ông phán và không ngần ngừ, bà bảo thẳng với chồng.
Nhớ lại những cảnh thường xảy ra, Hồng lấy làm ái ngại cho cha. Và khi xa nhà, nàng đinh ninh sẽ sửa đổi tính nết, sẽ cố nhẫn nhục để khỏi làm phiền lòng cha, để gia đình được yên ổn. Nhưng chỉ những thiện ý mà thôi. Ðến lúc gặp mặt người dì ghẻ, lòng căm tức của nàng lại vụt sôi lên sùng sục khó thể dẹp nổi.
Hôm nay, Hồng cũng đương có tâm trạng ấy. Lúc đẩy cửa bước vào trong nhà, nàng bình tĩnh như quên hết những nỗi lo lắng, băn khoăn về cái lỗi đã ở hơn mười ngày trên Hà Nội tuy chỉ xin phép có ba hôm. Nàng tự nhủ: "Chà! Thì mình bị chửi mắng đã hầu như cơm bữa, can chi còn phải bận lòng. Cứ đem sự yên lặng, nhịn nhục mà đáp lại là hơn hết".

Hồng thản nhiên mỉm cười khi biết cha và dì ghẻ đều ngủ trưa. Mùi chạy ra đón nàng.
Trong lúc sốt sắng sửa đổi cách xử trí đối với mọi người, nàng vui mừng bế bổng em lên hôn chụt hai bên má.
- Trời ơi, chị thơm quá.
- Thế à, em?
Rồi nàng nhe răng ra cười. Mai vỗ tay reo:
- Ồ! Răng chị trắng quá! Chị mới cạo đấy à?
Hồng vuốt tóc em, ngượng nghịu:
- Ừ chị mới cạo... Răng chị nhuộm vụng quá cạo quách đi cho khỏi cải mả.
Mùi láu lỉnh:
- Không rồi! Răng chị đen dòn thì có. Cạo thế trông như vợ tây, chị ạ.
Hồng chau mày lườm Mùi:
- Ai bảo Mùi thế?
- Em thấy mẹ vẫn bảo chị Bình bên bà phủ để răng trắng nhởn như vợ tây. Em thì em thấy...
Hồng ngắt lời hỏi lảng sang chuyện khác:
- Chị Thảo đâu, em?
- Chị Thảo với anh Tý đi học tư đằng thầy giáo Nhì cơ mà!
- Ừ nhỉ!

Một tiếng kẹt cửa ở buồng bên, Hồng quay lại, bà phán rón rén bước ra, mắng con:
- Cái Mùi không đi học bài, đứng đấy mà nheo nhéo mãi.
Bà làm như không trông thấy Hồng, tuy Hồng đã chắp tay chào một câu lí nhí trong miệng.
Bao nhiêu ý định làm vụt biến mất. Chỉ còn lại một lòng căm tức: Hồng đăm đăm nhìn dì ghẻ như để thách. Cái trán bóp lại dưới vành tóc vấn trần mỏng mảnh vì không độn, đôi mắt lim dim không nhìn, như còn ngái ngủ, cặp môi mỏng như căng thẳng ra do một cái văng cài phía trong mồm. Những sự nhận xét hằng ngày ấy nay Hồng càng thấy rõ rệt và ngạo nghễ mỉm cười.
Mùi chạy lại gần mẹ, mách:
- Mẹ ơi, chị Hồng chị ấy cạo răng trắng như vợ tây ấy.
Một cái tát kêu in vết bốn ngón tay lên má Mùi:
- Tao đã bảo không được nói động đến nó cơ mà! Nó làm gì mặc kệ nó, đã hiểu chưa?
Mùi sợ hãi lảng xuống nhà. Hồng cũng xách va li vào buồng trong. Nàng ngả lưng trên giường nằm nghĩ đến mấy ngày gần đây ở Hà Nội. Một mối tình mới mẻ kỳ dị chiếm lấy cả tâm hồn nàng và khiến nàng lại dửng dưng với câu chuyện vừa xảy ra. Tuy Lương và nàng chưa ngỏ với nhau một lời thân ái, nàng đã coi như hai người đã ngầm hiểu nhau rồi: cái nhìn thoáng qua của hai cặp mắt biểu lộ bao tình tứ, và rõ rệt và âu yếm hơn tất cả những lời nói.

Hồng lấy làm lạ rằng một người như Lương mà trước kia nàng ghét được. Có lẽ chỉ vì cái duyên thầm của Lương ẩn trong những cử chỉ vụng về, những ngôn ngữ vụng về. Hồng tin thế, vì nàng chẳng thấy lúc nào Lương dễ thương bằng lúc Lương cuống quít, lúng túng dưới cái nhìn tươi cười của nàng. Hôm chàng đưa hai thiếu nữ đi xem phòng triển lãm, chàng cố giở hết tài phê bình mỹ thuật của chàng ra để giảng cho biết những cái đẹp của một bức tranh. Nhưng hễ mắt chàng gặp đới mắt chăm chú của Hồng thì chàng lại im rồi đưa vội hai người đến xem bức tranh khác.
Tiếng quát gọi đầy tớ của bà phán ở phòng khách làm Hồng đứt dòng tư tưởng và nhớ tới thực tại. Hồng đứng dậy lắng lặng sang chào ông phán vì vừa nghe thấy một cái ngáp của cha xen lẫn trong lời nói oang oang của dì ghẻ. Và nàng quả quyết can đảm nhận lấy những lời quở mắng nghiêm khắc.
Ông phán ngồi ở sập, uể oải vò cái khăn bông trong chậu nước nóng bốc khói đặt trên cái dá gỗ. Nghe tiếng Hồng, ông hơi ngửng nhìn và sẽ gật một cái rồi thong thả đưa khăn lên vuốt tóc, vuốt râu. Hồng đứng chắp tay, cúi đầu chờ. Nhưng thấy ông vẫn yên lặng, nàng toan lui vào trong nhà. Ngồi đối diện ông phán cánh tay phải tỳ mạnh xuống gối xếp, bà phán đưa mắt dữ tợn lườm chồng để nhắc ông nói một điều gì. Chừng ông phán hiểu, nên vội hỏi Hồng:
- Mày ở Hà Nội làm gì lâu thế?
Ðã xếp sẵn câu trả lời từ trước, Hồng đáp trơn tru, giọng rất bình tĩnh:
- Bẩm thầy, con đi lị mất mấy hôm, chị con giữ ở lại uống vài chén thuốc.
Bà phán như nói một mình:
- Hừ! Đi lị mà còn cạo răng trắng được!
Ông phán trừng mắt đăm đăm nhìn con:
- Mấy cạo răng trắng?
Hồng cúi đầu khẽ đáp:
- Bẩm vâng.
Ông phán ném cái khăn mặt vào chậu thau, nước bắn tung tóe cả ra sập:
- Thế thì giỏi thực! Thế thì mày giỏi thực!... Mày cạo răng để làm gì, hừ con kia? Ðể đánh đĩ, phải không? Ông quay lại nói với bà phán:
- Ngữ này hỏng!... Nó đến làm điếm nhục gia phong mất thôi.
Hồng đứng im để mặc cha quát tháo.
- Tao không ngờ mày hư đến nước ấy!... Mà cái con Hảo sao nó để mày càn rỡ như thế ông quay lại nói với bà phán:
- Bà cứ để nó về Hà Nội tự do thì có ngày... thì nguy hiểm lắm.
- Tôi giữ sao nổi chị ấy... Giữ gìn cho chị ấy, để chị ấy oán rằng tôi ác nghiệt cấm đoán chị ấy nhé!
- Không cấm đoán để nó trát tro trát trấu lên mặt cho!

Rồi ông thét:
- Muốn sống nhuộm lại răng đi... Mày xéo ngay đừng đứng đấy, gai mắt tao lắm!
Hồng thản nhiên lui vào phòng trong, ngồi lắng tai nghe cha và dì ghẻ bàn tán đến mình. ông phán bảo bà phán:
- Bà xem có đám nào hỏi thì gả phắt đi thôi. Ðể cái nợ ấy ở nhà, có ngày đến mang tai mang tiếng vì nó.
Bà phán vẫn một giọng cười tàn ác:
- Ông tưởng nó dễ dàng thế đấy. Nó còn kén chọn chứ! Nó phải lấy ông hoàng mới xứng đáng... Hừ, tính chả có, có tướng!
Hồng vội đưa tay lên bịt chặt lấy tai.
Từ đó luôn mấy ngày, bữa cơm nào Hồng cũng bị cha mắng nhiếc, và dì ghẻ nói những câu mỉa mai đau đớn. "Chỉ vì cái hàm răng trắng!" Hồng nghĩ thầm. Nhưng nàng nhất định không nhuộm lại, dù cha theo lời xúi giục của dì ghẻ, bắt ép nàng làm việc ấy.
Một hôm, Tý bảo Hồng:
- Chị cạo răng trông đẹp lắm. Thế mà thầy cứ bắt chị nhuộm răng đen.
Hồng nhìn em tỏ ý cảm ơn. Rồi hé hàm răng soi gương ngắm nghía, quả nàng thấy vẻ mặt mình xinh đẹp hơn trước nhiều. Nàng cho là dì ghẻ tức tối bởi lòng ghen ghét. Cái hàm răng trắng của Hồng làm đầu đề câu chuyện cho bà phán trong gần một tháng. Mỗi bữa cơm, bà lại nói đến nó, mỗi thứ bảy có khách đến chơi đánh tổ tôm, bà lại gợi chuyện để bàn tới vấn đề răng trắng răng đen. Không muốn mất lòng bà phủ, vì bà ta cũng có con lớn để răng trắng, bà phán nói:
- Ðể răng trắng cũng phải tùy từng người. Người ta xinh đẹp mà lại giàu sang, có nhiều tiền sắm sửa quần áo lịch sự thì bộ răng trắng mới nổi, chứ ở cái xó Ninh Giang này mà cũng để răng trắng thì chả còn gì lố lăng hơn.
Nhưng lâu dần, cái hàm răng trắng cũng quen nhìn. Quen cả cái biệt hiệu "Cô răng trắng" mà bà phán đã đặt cho Hồng.

HOMECHAT
1 | 1 | 169
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com