watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:27:1229/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Khái Hưng > Thoát Ly - Trang 3
Chỉ mục bài viết
Thoát Ly
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 13

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 5


Lúc bấy giờ thằng nhỏ đã tháo dãy cánh cửa bức bàn và bày xong hàng. Hàng, nghĩa là hai cái tủ giẹp bằng gỗ quét qua một nướ sơn xanh nham nhở và khung cánh cửa lồng những miếng kính mờ như bám bụi, tuy sáng nào người ta cũng lau chùi thật kỹ. Hai cái tủ nhỏ ấy bày thước thợ - một cái giáp tường một cái ngăn hàng ra với gian buồng trong - và đựng lơ thơ đủ các thứ tạp hóa: những bao thuốc lá rẻ tiền, những miếng giấy gấp hình tam giác gói một xu thuốc lào, những phong diêm còn nguyên hay bán dở, những hộp lơ, những bánh xà phòng, những dây giầy treo vắt trên sợi gai căng ngang sau kính, những đồ dùng trong lớp học, như bút, mực, sách vở, thước, tẩy, trông lấp loáng nhiều màu sặc sỡ.
Trong cái khoảng thước thợ rộng chừng sáu, bảy thước vuông ấy, và sau một cái giậu lưới thép nhỏ mắt, bày những phễu thủy tình đầy trám, Ô mai và kẹo mứt, những thúng, những quả đen đựng miến, bột, bóng, mực, nấm, mộc nhĩ, những quả đựng đường, trên có đậy cái lồng bàn bằng dây thép. Tuy thế cũng có mấy con ong bình tĩnh bò ở phía trong lồng bàn hay chúc đầu vào đường cát mà chăm chú hút nước ngọt.

Kính tủ hàng phản chiếu tía nắng mặt trời buổi sáng vào mắt hấp háy của hai thiếu nữ vừa ở chỗ tối bước xuống. Nga khum bàn tay che cho khỏi chói và gọi thằng nhỏ bảo buông cái màn nâu xuống, cái màn vá một miếng vụn màu trắng bẩn, làm lấp mất nửa chữ G của cái tên hiệu TÂN HƯNG. Rồi nàng ghé tai Hồng khúc khích cười nói thầm:
- Chị à, hàng với họ trông chán ngắt!
Hồng cũng cười đáp:
- Thế mà chị phán nói mỗi tháng đổ đồng lãi được bốn, năm chục đấy. Hai tháng tết thì lãi tới vài trăm bạc là thường.
Nga nhìn qua một lượt các thứ hàng:
- Ừ chị Phán cũng bảo tôi thế, nhưng tôi không tin chị ạ, nhất gần tháng nay, nhiều hôm tôi ngồi bán hàng cho chị ấy có khi hàng giờ lơ thơ dăm người đến mua xu diêm, xu thuốc vài lạng miến, hay nửa cân đường.
Hồng mơ màng theo đuổi ý nghĩ của mình:
"Thêm mỗi tháng bốn, năm chục bạc thì cũng giúp đỡ cho anh Phán được tiền thuê nhà tiền tiêu vặt vãnh."
Rửa mặt xong, Nga lên gác để trang điểm. Ðứng trước chậu nước đặt trên tường hoa, Hồng vẫn miên man nghĩ tới cái cửa hàng của chị cùng là những phận sự người đàn bà trong gia đình. Nàng sắp về nhà chồng, khi về nhà chồng nàng sẽ làm những gì? Cố nhiên là nàng không thể hay không đứng chủ trương một cửa hàng con con luộm thuộm như cái cửa hàng của chị. Nhà chồng nàng, nàng đoán chắc là giàu có, sang trọng. Mà Thân lại là con út, nghĩa là người con được cha mẹ yêu mến, chiều chuộng hơn hai anh nhiều, nhất là trong hai anh, một người lại chỉ đậu có bằng thành chung, hiện làm giáo học, còn một người mới theo dở dang đến năm thứ hai trường Bảo hộ, thì phá ngang đi buôn.
Những tin ấy, Hồng biết được là nhờ có Nga mách. Chẳng chuyện nhà ai, Nga không thông tỏ ngõ tường. Hồng đã phải gọi đùa nàng là bà thổ công nước Nam.

Hồng thầm khen cái tính vui vẻ của bạn. Và một sự vui vẻ không đâu thấm vào tâm hồn nàng. Cái chậu men trắng đầy nước trong, im lặng in nền trời xuân tươi sáng. Ðời nàng sao không suông sẻ bằng phẳng tươi sáng như thế? Hồng cúi mặt trên chậu nước mỉm cười sung sướng. Tương lai! Chỉ tương lai là đáng kể. Cái thời dĩ vãng buồn tẻ, đầy những thất vọng, chỉ việc quên nó đi.
Tương lai ấy, nàng cho là vững vàng, chắc chắn, là một sự sắp thực hiện rồi chứ không còn mộng ảo gì nữa. Cùng Thân lập gia đình, lập tiểu gia đình, riêng sống với nhau một giang sơn. Có thế thôi, giản dị biết bao! Nàng chưa yêu Thân, rồi thì nàng yêu, mà nàng chắc sẽ yêu. Sau này, khi nàng thoáng nhớ đến ký vãng, thì còn sự hy sinh, sự nhẫn nhục gì nàng sẽ không chịu nhận lấy để gây hạnh phúc cho gia đình nàng, cho những người sống chung quanh nàng? Và nàng nghĩ: "Thế nào mình cũng sung sướng hay ít ra cũng không khổ như trước."
- Không rửa mặt đi, rồi lên trang điểm, còn đứng mơ mộng gì thế?
Hồng giật mình, nhúng vội cái khăn bông vào chậu nước. Nước sóng sánh xóa tan mầu trời trong xanh. Nga cười hỏi tiếp:
- Chị sao thế, chị Hồng? Hay nghĩ đến đức anh chường phu quân đấy?
Hồng bẽn lẽn đáp:
- Có thế. Nhưng nghe tiếng chị quát, tôi cứ tưởng là tiếng bà dì ghẻ của tôi.
Nga chau mày, khó chịu về nỗi bạn cứ dai dắng mãi với câu chuyện gia đình.
- Cụ phán nhà đổi về Ninh Giang được bao lâu rồi nhỉ?

Hồng vừa vắt khăn mặt lên giá thau vừa đáp:
- Gần một năm rồi chị ạ.
- Giá cụ ở Hải Dương, thì chị đi về Hà Nội gần hơn nhỉ?
Hồng thở dài:
- Gần mà làm gì. Gần cũng chả được về đâu. Chị coi ngày ở Vĩnh Yên cũng như ngày ở Hải Dương, suốt một năm có khi tôi không biết mặt mũi Hà Nội ra sao. Lần này là vì phải sắm sửa các thức... nên mới được phép về đấy.
- Nhưng sao đương ở Hải Dương, cụ lại xin đổi về Ninh Giang?
- Vì quê tôi ở Ninh Giang. Thầy tôi bảo xin đổi về đấy để đợi hưu trí cho tiện.
Hồng mỉm cười nói tiếp:
- Ấy "cô ta" kỳ kèo thầy tôi mãi về nỗi đương làm thông phán tỉnh lại xin đổi về đại lý. Ở Ninh Giang thầy tôi vừa chữa xong nhà. Rộng rãi, mát mẻ lắm, ở bờ sông, mà lại ngay cạnh tòa Ðại lý.
- Ồ thế thì tiện lắm? Nhưng Ninh Giang ở về phía nào, thế nhỉ?
- Không biết Ninh Giang ở về đâu? Ðịa dư kém thế mà cũng đỗ bằng thành chung được? Ninh Giang ở trên sông Chanh ấy mà? Sông Chanh nghĩa làCanal des Bambous biết chưa? Hôm nào về chơi nhé?
- Ðược hôm cưới chị thế nào tôi cũng về. Ấy tôi nhận một chân phù dâu rồi đấy nhé?
Hồng cười gượng, Nga phá lên cười theo.

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 6


Hồng về Ninh Giang sau mấy ngày vui vẻ, gần bọn thiếu niên Hà Thành.
Ngồi trên chiếc Ô tô đông ních hành khách, bên cạnh người tài xế và một cặp vợ chồng trẻ, nàng khó chịu về nỗi không nhúc nhích cử động được, nhất là bị người đàn bà béo quàng cái cánh tay nặng ở phía sau cổ, làm cho nàng cứ phải vươn thẳng đầu lên. Xe chạy được một quãng xa, lại thêm cái khó chịu về hơi dầu máy khét lẹt và hun nóng rát hai bàn chân. Hồng cầm che trước mũi chiếc ví da mới vừa mua còn mang cái nhãn giá tiền mà nàng quên chưa rứt đi và ngả đầu, gối hắn vào bắp tay bà láng giềng. Mắt nàng nhắm lim dim, và mỗi lúc xe gặp hố nhảy chồm lên, nàng lại chau mày chép miệng làu nhàu. Lúc đi, nàng cũng ở trong hoàn cảnh ấy, nhưng lòng nàng khoan khoái. Vì nàng mong chóng đến Hà Nội, nên không để ý tới những nỗi bực dọc giữa đường. Hôm nay trái lại, nàng trở về để sống những ngày buồn tẻ trong gia đình.
- Ý chừng cô dự hội Sinh viên về?
Nghe người đàn bà hỏi, Hồng quay lại:
- Vâng... Tôi đi xem.

Người kia cười:
- Tôi biết là vì thấy áo cô hãy còn dính hoa giấy.
Hồng gượng cười im lặng nhìn ra bên đường. Nàng lấy làm tự thẹn. Sáng nay, thay mặc cái áo nhung cũ để ngồi xe chen chúc được, nàng thấy có dính mấy mảnh hoa giấy mà nàng đã đánh rơi vào va ly lúc xếp áo cất. Nàng ngây người đứng ngắm cái di tích vui, trẻ ấy trong lòng bùi ngùi nhớ tiếc, và trù trừ không nỡ phủi đi. Vì thế, bây giờ mảnh hoa giấy như vô tình còn rực rỡ bám vào cái vạt áo nhung đen nhàu nát của nàng.
Người đàn bà lắng lặng nhặt hết những chấm xanh đỏ vứt xuống chân, rồi như nói một mình:
- Rõ phí! mỗi lần đùa nghịch chơi bời, họ tiêu tốn có hàng trăm hàng ngàn bạc về tiền giấy vụn ném đi.
Người chồng cười đáp:
- Mặc người ta chứ! Người ta thừa tiền thì người ta vứt đi, việc gì đến mợ?
Người vợ gắt lại:
- Cả cậu nữa, hôm nọ các cô ấy mời mà cũng bỏ tiền ra mua được!
Người đàn ông vẫn cười:
- Chuyện! Người ta mời không mua sao tiện?

Người đàn bà ngồi im, vẻ mặt hằm hằm, dữ tợn. Hồng liếc mắt thoáng nhìn thấy lại nhớ đến dì ghẻ, và tưởng tượng ra một cảnh gia đình ầm ỹ, hỗn độn, chồng nhiếc vợ, vợ to tiếng với chồng, chửi mắng con cái. Và nàng nghĩ thầm để tự an ủi: "Gia đình nào cũng có những chuyện chẳng ra sao, chứ cứ gì một nhà mình, hay những gia đình có người dì ghẻ tàn ác".
Nàng bỗng vụt trở nên tinh nghịch, bảo bà láng giềng:
- Thưa bà, chính tôi mời ông muaconfettis đấy ạ.
- Chính cô?
- Vâng, chính tôi, tôi bán hoa giấy và kẹo mứt ở Khai Trí, trong động Bồng Lai.
Nàng vừa nói vừa mủm mỉm cười rất có duyên. Bà kia nguýt dài ngoảnh đi, rồi từ đó cho đến Hải Dương, bà ta luôn luôn nói chuyện với chồng về những việc đâu đâu làm như đã quên cô bán hoa giấy trong ngày hội Sinh viên.
Tới Hải Dương Ô tô hàng đỗ ở trước cửa hiệu bán dầu xăng. Vợ chồng người hành khách phải xuống để lấy lối cho Hồng đi ra. Người đàn bà lãnh đạm tỏ vẻ khinh bỉ. Thấy thế, Hồng càn thích chí, nghiêng đầu nói cảm ơn rồi nhờ người làm xe khuân chuyển va ly và cái bồ để ở trên nóc xe xuống.
Nửa giờ sau, nàng đã lên chiếc Ô tô hàng đi Ninh Giang và cũng ngồi bên người lái xe như trước. Chủ xe quen thân với ông phán, nên bọn người làm công ân cần chào hỏi Hồng, rồi kẻ xách va ly, người vác bồ.
Nhưng từ đấy, Hồng bắt đầu lo nghĩ. Xe càng gần nhà, Hồng càng sốt ruột buồn phiền đến nỗi người soát vé hỏi vé hai ba lượt, nàng mới nghe ra, mắt đăm đăm nhìn qua cái kính xe rung chuyển và xộc xệch.
Khi trông thấy nóc đền Chanh, nàng nắm chặt hai bàn tay lại như ghì lấy hết can đảm sắp cần đến để đối phó với bên địch.
Nàng còn đương suy tính, tự đặt ra những câu hỏi của cha, của dì ghẻ, và tự nghĩ trước những câu trả lời để bất thần không bị luống cuống, thì xe đã dừng bên bức bình phong gạch trước cửa nhà Hội đồng.

Hồng thấy chân tay toát mồ hôi lạnh ra, và toàn thân run lên, tuy trời về cuối xuân không còn rét nữa. Nàng cố dềnh dàng kiểm điểm hành lý cho chậm tới phút gặp gia đình.
Ngập ngừng nàng hỏi người tài xế:
- Mấy giờ rồi... bác nhỉ?
Người kia nhanh nhầu đáp:
- Thưa cô, mười một giờ rưỡi ạ. Cô về vừa vặn đúng bữa cơm.
Rồi người ấy quát:
- Kìa thằng Tíu, mầy không bê bồ lên xe tay cho cô à?

Hồng đứng lặng, nghĩ đến bữa cơm sắp cùng ăn với gia đình, nghĩ đến những vẻ mặt nghiêm khắc, lãnh đạm. Và nàng mong rằng nhà ăn cơm rồi. Thà nhịn đói một bữa còn hơn vừa về đến nhà đã phải nghe những lời mỉa mai hay mắng nhiếc.
Càng xe đặt mạnh lên vỉa hè. Tức thì Thảo, đứa em bé khác mẹ chạy ra cửa reo lớn:
- À chị Hồng đã về.
Theo liền ngay tiếng quát:
- Làm gì mà rối lên như thế? Chị ấy về thì mặc kệ chị ấy, có được không!
Thảo sợ hãi chạy thụt vào trong nhà. Hồng lắc đầu thở dài, rồi nhờ anh xe bê bồ hộ, còn mình thì xách va ly đi theo.
Quanh cái bàn ăn trải chiếc khăn sơn màu vàng kẻ dọc và vẽ hoa xanh, gia đình ông phán đang ngồi ăn cơm. Hồng liếc thấy các món ăn đã hầu tàn, và ông phán đã dùng đến món chuối tráng miệng. Nghe tiếng Hồng chào, ông không ngửng đầu lên, thản nhiên hỏi:
- Ðã về đấy à?
Bà phán gọi Nhài lấy đũa bát:
- Ðể chị ấy ăn cho xong bữa, cả nhà cũng vừa ngồi vào bàn đấy thôi, chị ạ.
Rồi chừng thấy câu nói của mình hơi vô lý, bà bảo lấy tiếp thêm một khúc cá kho và một đĩa dưa. Hồng vẫn chắp tay đứng yên lặng nhìn mọi người.
- Thế nào, chị đã sắm đủ các thứ rồi đấy chứ?
Bà dùng cả mắt cười nheo, và cặp môi mỏng khít nhách ra hai mang tai để làm tăng cái nghĩa mỉa mai của câu nói mà bà cho là chua chát lắm. Chừng sợ Hồng không hiểu thấu, bà giải thích:
- Các cô bây giờ văn minh quá, đi sắm lấy đồ cưới cho mình. Chứ ngày tôi lấy thầy...

(Bà đã theo các con chồng mà thay tiếng thầy vào tiếng cậu, vì cái danh từ "cậu mợ" tuy có lợi cho bà hơn, nhưng không còn được tự nhiên và thích hợp với cái tuổi khá cao của hai người nữa). Bà liếc mắt nhìn chồng mỉm cười nói tiếp:
- Chứ ngày tôi lấy thầy, ông bà sắm cho hết, tôi chả biết một tí gì về việc cỗ bàn, cưới xin.
Hồng tức nóng bừng mặt. Nàng lạ gì việc cưới xin của dì ghẻ, của người vợ theo ấy. Nàng đã toan đáp lại một câu thực sâu sắc, nhưng một sự tủi cực làm cho nàng ứa lệ đứng im: nàng cảm thấy nàng cô độc quá. Người ta sắp về nhà chồng thì nào cha mẹ, nào chị em săn sóc từng li từng tí, nghĩ đến từng cái chăn, cái màn cho chí cái gương, cái lược, hộp phấn, lọ kem. Còn nàng thì chỉ một mình tự lo liệu lấy. Nàng cũng biết thân biết phận lắm: Sợ khi về nhà người ta nhem nhuốc quá thì sẽ bị người ta chê cười và khinh bỉ, nàng đã hết sức làm ra mặt chiều chuộng và phục tòng dì ghẻ để nhờ dì ghẻ xin cha một món tiền để sắm đồ cưới kha khá một chút. Quả nhiên mưu mô của nàng đã có kết quả: Hôm nàng xin đi Hà Nội, dì ghẻ mở hộp lấy ra ba cái giấy một trăm và nói:
- Tôi đã cố xin cho chị ba trăm, nhưng thầy bảo chỉ có hai trăm thôi. Tôi phải bù vào một trăm tiền riêng của tôi để đủ số ba trăm đấy. Không tin chị hỏi thầy mà xem.
Ông phán ngồi đối diện với vợ, mắng át:
- Mày làm gì mà xin những ba trăm? Sắm thì cũng sắm vừa vừa thôi chứ. Tao tiền đâu mà để mày trang sức như một bà hoàng được?
Rồi ông quay sang phía bà phán, chau mày gắt:
- Tôi cho nó hai trăm là đủ lắm rồi, sao bà còn cho riêng nó một trăm nữa?
Bà phán cười:
- Nhưng chị ấy lại xin những ba trăm cơ!
Vừa nói bà vừa dúi vào tay Hồng ba tờ giấy bạc và tiếp luôn:
- Thôi ông ạ, người ta một đời chỉ có một lần đi ở riêng, ông cũng nên cho nó được rộng rãi một chút.

Hồng cảm động, tuy nàng thừa biết rằng đó chỉ là một lớp kịch khéo diễn.
Hôm nay nghe mấy lời mỉa mai của dì ghẻ, Hồng càng thấy rõ sự giả dối của người ấy đối với mình. Nhưng nàng tự an ủi nghĩ thầm: "Vả lại người ta yêu sao được mình?" Một câu mắng của ông phán làm nàng giật mình, hết mơ mộng:
- Con kia không ngồi ăn cơm cho xong bữa đi à? Còn đứng làm gì đấy?
Hồng sợ hãi khẽ thưa:
- Bẩm thầy, con còn no lắm.
Bà phán bĩu môi, kéo dài từng tiếng:
- Hay chị ấy chê cơm thừa không thèm ăn? Vậy Thảo bỏ đũa bát xuống bếp dọn mâm khác hầu chị đi con.
- Mặc kệ xác nó, nó chẳng ăn thì đừng ăn!

Ông phán nói câu ấy ra chiều bực tức rồi đứng dậy vào phòng trong để ngủ trưa theo đúng lệ hằng ngày. Bà phán đấu dịu:
- Nới đùa đấy, chứ ăn cho xong bữa đi, con. Cô còn ăn nhiều kia, ngồi xuống cùng ăn với cô cho vui.
Thảo cười ranh quái:
- Bẩm mẹ, chừng chị con đã ăn quà trên xe hàng rồi.
Bà phán cũng cười theo bảo con:
- Có là đồ quạ mổ thì mới ăn quà trên xe hàng như thế, phải không chị Hồng.
Hồng không đáp, lắng lặng bỏ đi. Bà phán gọi giựt lại bảo:
- Hồng, thế mày nhất định không ăn cơm phải không?
Hồng cáu tiết trả lời buông sõng:
- Không!
Tức thì bà phán dằn mạnh bát xuống bàn, kêu la ầm ỹ:
- À! Con này giỏi thật! Nó nói dóng một dóng hai với tôi! Cho mày đi Hà Nội để mày học lấy những tính nết vô phép vô tắc ấy phải không, con kia?... Hay cô sắp đi ở riêng ở tây rồi, cô định vượt quyền tôi ngay từ bây giờ đấy?
Ông phán nằm trong phòng ngủ thét ra:
- Bà cứ để mặc xác nó, có được không? Hoài hơi mà dạy bảo cái con người rắn mày rắn mặt ấy, cái đồ khốn nạn ấy.
Bà phán được thể gào càng to:
- Nhưng không dạy bảo nó, rồi về nhà người ta nó bêu xấu bêu nhuốc tôi cơ.
Tý và Thảo nghe mẹ mắng chị, vui thích nhìn nhau khúc khích cười.
Trong khi ấy thì Hồng nghiễm nhiên bình tĩnh đứng múc nước vào chậu thau rửa mặt. Những tấn kịch gia đình như thế, nhắc đi lại trong đời nàng đã có tới hàng trăm hàng nghìn lần, và chỉ còn làm cho nàng khó chịu trong giây lát mà thôi, rồi vì thói quen, nàng lạnh lùng quên ngay.

PHẦN THỨ NHẤT

Chương 7


Từ đó, bà phán càng cay nghiệt đối với Hồng. Hình như thấy Hồng sắp thoát ly sự áp chế của mình bà phải cố hành hạ vớt vát kéo lại. Còn mười hôm nữa Hồng sẽ không ở hẳn dưới quyền bà nữa. Chỉ nghĩ tới điều đó, bà cũng đủ tức lộn tiết.
Hồng lại như khiêu khích thêm: "Lúc nào nó cũng nhơn nhơn vác cái mặt tự phụ của nó lên". Câu mắng ấy đủ tỏ lòng căm giận của bà phán và tả được hệt cái thái độ của Hồng trong mấy ngày sau khi ở Hà Nội về. Hồng không tự phụ, nhưng nàng cố nặn sự lãnh đạm, thản nhiên ra. Có khi nàng để bà phán nói luôn trong một giờ, không đáp lại, không cãi lại nửa lời, vẻ mặt tươi cười, hớn hở. Thấy thế bà phán càng uất lên.
Nhưng ông phán đã bắt đầu khó chịu, vì ông đã hơi nhìn rõ sự ức hiếp thái quá của vợ và sự khuất phục hoàn toàn của con. Ðàn ông nông nổi, hiểu sao được lòng thâm trầm của đàn bà: Các dáng điệu, những cử chỉ mà ông phán cho là nhu mì, khuất phục, ông có ngờ đâu rằng đó chỉ là sự khiêu hấn.
Một hôm giữa một tấn kịch náo động như thế ông phán ở tòa về. Vẻ mặt ông mỏi mệt buồn rầu. Lưỡng quyền ông hồng hồng ửng đỏ trên hai cái má gầy và sâu. Cặp mắt ông lờ đờ nhìn thắng khi đi qua phòng khách để vào phòng bên, nhưng không trông thấy bà vợ ngồi chễm chệ trên sập gụ, và tai không nghe thấy tiếng thét bô bô của bà ta.

Thấy cha về, Hồng lặng lẽ xuống nhà sắp cơm, để mặc dì ghẻ ngồi gào một mình.
Ông phán lên tiếng, đó là một sự ít xảy ra:
- Bà ơi! tôi xin bà đi.
Câu khuyên can của chồng như gáo dầu tưới vào đống lửa: bà phán càng gào to hơn, hai tay đập xuống sập thình thình. Chẳng dừng được, ông phán đến bên vợ thì thầm nói vào tận tai:
- Nó chết rồi!
Bà phán kinh ngạc miệng há hốc:
- Ai? Ai chết?
- Thằng Thân ấy mà!
- Thằng Thân! Thằng Thân nào?
- Chồng con Hồng, chứ còn ai nữa.

Bà phán không giấu nỗi sung sướng bồng bột:
- Thế à! Thằng chồng nó chết rồi! Nào, xem nó có còn làm bộ...
Ông phán thở dài, yên lặng quay đi. Cử chỉ ấy vụt nhắc bà phán nhớ đến lòng thương:
Bà hối hận tự thẹn:
- Khổ! nó chết về bệnh gì thế, ông?
- Bệnh thương hàn.
- Sao ông biết?
- Tôi vừa nhận được giây thép của ông tuần.
- Thương hại nhỉ!

Câu phàn nàn của bà phán chẳng đủ tỏ chút lòng trắc ẩn của bà. Chừng ông phán cũng nhận thấy thế, nên ông bảo vợ:
- Bà đừng mắng mỏ nó nữa nhé!
Bà phán đã dẹp lòng tức giận, nhưng nghe câu ấy, bà lại ầm ầm thét lên:
- À! Ra ông phải dạy tôi mới biết thương con ông, phải không? Ðã thế thì gái này chẳng cần nữa... Ðấy, mặc kệ bố với con, cố mà dỗ dành nhau. Ông phán chỉ kịp suýt mấy tiếng khe khẽ. Hồng đã cầm chồng bát và nắm đũa đi theo bếp Kiền bưng mâm lên.
- Hồng ơi... Chị Hồng!
- Dạ.

Nghe vợ gọi con, ông phán lo lắng liếc mắt lắc đầu ra hiệu bảo đừng cho biết tin đau đớn vội. Nhưng bà phán điềm nhiên bảo Hồng:
- Tính cô nóng nảy, chị đừng giận cô nhé!
Hồng cho là trước mặt cha, dì ghẻ đang đóng vai từ mẫu. Và nàng cười lạt. Nhưng bà phán vẫn hớn hở:
- Chị giận cô thì chị giận đời!
Vẻ mặt bà hồng hào lên, mặt bà trở nên hiền lành, môi bà trở nên bớt mỏng, cằm bà bớt lồi: Bà như trẻ lại và sung sướng.
- Thảo, so đũa cho chị. Chị để em, chị ngồi đây.
Bà kéo Hồng xuống chiếc ghế bên cạnh chỗ bà, chiếc ghế mọi bữa của ông phán. Hồng hơi cảm động.
- Cô để mặc con.
- Thì ngồi xuống đây mà lại.

Trong bữa ăn, bà phán luôn luôn gắp tiếp Hồng như tiếp khách. Hồng nghĩ thầm: "Có lẽ cô ta đổi chiến lược chăng. Mình phải cẩn thận đề phòng mới được!... Dẫu sao cũng chỉ còn mấy hôm nữa mình đã thoát ly cái nhà này rồi".
Song nàng không khỏi buồn rầu, khi ngắm nét mặt trầm tư của cha. Cha nàng vẫn có tính ít nói nhưng hôm nay nàng nhận thấy sự im lặng của cha có vẻ phiền muộn, chán nản hơn: "Hay thầy nhận được tin phải về hưu trí! Không có lẽ vì thầy cũng chẳng nghèo gì, và ít lâu nay, thầy vẫn nhắc luôn và thầy muốn nghỉ... Hay thầy phiền vì thấy dì ghẻ ác nghiệt với mình!" Cái ý tưởng đó làm nàng vui thầm.
Ăn xong buông đũa bát, ông phán vào phòng bên nằm nghỉ liền, quên cả dùng món tráng miệng. Hồng hỏi dì ghẻ:
- Thưa cô, thầy con hôm nay làm sao thế, nhỉ?
Bà phán nhìn về phía buồng đáp:
- Chừng thầy lại khó ở qua loa đấy thôi, chứ gì.
Rồi bà mỉm cười và tiếp:
- Mặc kệ! mấy mẹ con ta ăn đét xe với nhau cũng được.
Bà đứng dậy mở cánh cửa tủ khảm lấy lọ mứt mận mà một nhà buôn Trung Hoa ở Ninh Giang biếu ông phán đã lâu, nhưng bà vẫn cất kỹ để chờ khi khách quý sẽ đem ra thết - ăn thôi chị ạ, để dành lâu ngày mất ngon, phí đi.
Bà chia cho Tý và Thảo mỗi đứa ba quả, rồi đẩy lọ mứt trước mặt Hồng:
- Ăn đi chị.
- Vâng, cô để mặc con.

Hồng liếc mắt nhìn dì ghẻ, lòng lo lắng tự nhủ thầm: "Chẳng hiểu sao cô lại bỗng dưng thay đổi hắn tính nết thế này?"
Nàng toan đứng dậy lên gác thì bà phán lại hỏi:
- Năm nay chị Hồng mười chín hay hai mươi nhỉ? Tính cô vô tâm thế đấy.
- Thưa cô, mười chín ạ.
Bà phán cười vui vẻ:
- Ồ! mới mười chín thôi! Cô cứ tưởng hai mươi. Mười chín thì còn trẻ chán.
Hồng không hiểu thâm ý câu dì ghẻ nên cũng cười theo đáp:
- Thưa cô, cô bảo hai mươi tuổi thì già, phải không? Vậy sang năm con già rồi còn gì.
Bà phán nghiêm ngay nét mặt lại nói:
- Thế ra chị hơn em Yêm bốn tuổi, em Lan năm tuổi.
- Vâng.

Ông phán nằm ở phòng bên, không sao ngủ được. ông băn khoăn về Hồng, không phải về tương lai, nhưng về cuộc nhân duyên của Hồng. Ðối với Hồng, ông vẫn giữ một thái độ lãnh đạm và không ai hiểu thấu được lòng ông, chẳng biết trong thâm tâm, ông thương hay ghét nàng. Ðã lâu nay, ông không ngỏ ý kiến riêng với ai nữa, cả người vợ mà ông rụt rè e sợ.
Xưa kia ông cũng là người dễ và mau cảm động nhất là hay sốt sắng nghĩ tới việc gia đình thiết tha săn sóc đến vợ và con. Nhưng từ khi, chiều vợ cho nhà cửa được êm thắm, ông phải biểu lộ thù ghét Hảo và Hồng, thì ông đổi hắn tính tình, lúc nào cũng cố giữ một vẻ mặt thản nhiên lạnh lùng, để người ngoài khỏi thấy rõ cách cư xử khác nhau đối với con vợ trước và con vợ bây giờ. Rồi, lâu ngày thành thói quen, ông trở nên một người ít nói, ít cười, ít thân mật với vợ con. Trong đới mắt luôn luôn nhìn thắng, dưới cặp mi đen và rậm, người ta không đoán được những ý muốn của ông, cũng như người không biết rằng ông buồn hay vui Có khi một nụ cười tươi thắng thắn nở trên môi ông giữa lúc người ta chờ một câu gắt hay một lời mắng. Trái lại, lúc ông đương vuốt ria bình tĩnh ngồi nghe vợ con trò chuyện, bỗng ông thất ra một câu giận dữ rất vô lý. Nhưng cái liếc đầy ý nghĩa của bà phán khiến ông dẹp cơn thịnh nộ ngay ; ông im đi để khỏi cãi nhau với vợ, vì không muốn to tiếng, đôi co với ai hết, trừ khi nào người ta để một mình ông nói tự do mà không phản đối lại.

Cùng với tính nhu nhược, nhút nhát ấy, ông lại có tính sợ phiền nhiễu, sợ đau khổ. Bạn ông, người thân của ông ốm nặng hay gặp nguy hiểm, ông cũng mặc, nếu ở xa ông, nếu ông không trông thấy: đừng ai nói đến tai ông, ông chỉ xin thế. Vì nếu ông biết thì ông sẽ khổ sở lắm. Người thân ấy chết rồi, ông coi là một việc dĩ nhiên của thời ký vãng và ông sẽ quên một cách mau chóng, thản nhiên.
Bởi vậy, nhận được tin Thân chết, ông khó chịu. ông khó chịu vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là ông sắp thấy Hồng buồn bã khổ sở. Tính ương ngạnh của nàng là đã nhứ cái gai trước mắt ông rồi. Lại thêm một cái gai nữa: sự đau phiền của nàng. ông chưa biết nàng sẽ cư xử ra sao đối với bà phán, nhưng ông chắc rằng sự thất vọng sẽ làm cho nàng liều lĩnh hơn, hỗn xược hơn.
Lẽ thứ hai là cái mừng của ông đã thành một cái mừng hụt. Trong mấy tháng nay, ông mong mỏi chóng tới ngày con gái về nhà chồng: ông sẽ được thoát cái nạn phải nghe những tiếng chửi rủa tục tằn của bà vợ lắm lời. Hồng đi rồi thì bà còn lôi thôi với ai? Cũng vì thế mà ngày trước, khi có người giạm Hảo, ông cho cưới ngay. Ông yên thân được tới thời Hồng khôn lớn. Nay đến lượt Hồng sắp đi khỏi nhà ông thì cái chết kia bỗng xảy ra.
- Vô lý đến thế là cùng!
Ông thất ra câu ấy, rồi ông tức tối đứng dậy ra nhà ngoài. Bà phán hỏi:
- Ông không ngủ?
Ông nói dối:
- Có, tôi chợp được năm phút. Cũng dễ chịu.
Thấy cha, Hồng lảng xuống nhà. Không mấy khi nàng muốn gặp cha, người cha mà nàng sợ hãi hơn yêu mến.
- Bà chưa nói gì với nó đấy chứ?

Bà vợ chau mày hỏi lại:
- Nói gì?
Ông chồng đấu dịu liền:
- Báo tin thằng Thân chết ấy mà.
- Ai hoài hơi!
Biết mình gắt gỏng vô lý, bà phán tươi ngay nét mặt lại:
- Chưa, ông ạ, vì ông dặn đừng nói cho nó biết vội.
- Phải. Thế phải. Tôi không muốn nó biết tin ấy một tý nào.
Ông ngần ngừ thở dài nói tiếp:
- Khó chịu!... Cái nợ ấy... bao giờ mới lại có người khác rước đi cho?
Bà phán phì cười:
- Ông muốn tống nó đi lắm, phải không?
Ông phán yên lặng ngồi xuống sập, hắng dặng để tránh một tiếng thở dài. Thực ra ông chỉ muốn yên thân. Cái tin nhà trai xin cưới đã làm ông mừng rỡ đến nỗi Hồng xin ba trăm bạc để sắm sửa, ông cho ngay chứ không cần tính toán, hay trù trừ tiếc của.
Bà phán vẫn cười ngạo nghễ:
- Con gái ông xinh đẹp, nết na thế thì lo gì chả có người khác giạm ngay.
Rồi bà vờ buồn rầu tiếp luôn:
- Nới thế chứ... cứ theo tục xưa thì phải để tang ba năm cơ ấy... Vì như thế cũng là chồng rồi. Vậy có người giạm, mình cũng phải thong thả, chẳng bên nhà giai họ mỉa cho.

Ông phán vẫn giữ yên lặng. Bà vợ lại nói, nới luôn mồm, hình như lòng bà đương vui thích bồng bột. Bà thuật lại câu chuyện bà đọc đã lâu đăng trên các báo hằng ngày. Một thiếu nữ sắp về nhà chồng thì chồng chết... Người ấy xin cha mẹ cho phép để tang và cho đi đưa đám, rồi từ đó giữ tiết thờ chồng cho tới khi chết. Ðó là một câu chuyện Tàu, bà phán cũng nhớ thế, nhưng bà chủ tâm kể lờ mờ, để chồng có thể tưởng lầm rằng việc đã xảy ra ở nước Nam.
- Bây giờ thì làm gì có hạng thủ tiết như thế. Ðến con đàn rồi mà chồng chết chưa đoạn tang người ta cũng tái giá như thường.
Lại có dịp để bà phán cự chồng:
- Sao ông cứ khinh miệt đàn bà như thế? Có người tất thì cũng phải có người xấu chứ. Ðàn ông các ông thì hay hớm cả đấy chăng?
Ông phán cười làm lành rồi nói lảng:
- Khó nhất là làm thế nào để báo cho nó biết cái tin buồn ấy.
Bà vợ càng tức thêm:
- Báo tin! Rõ khéo bầy vẽ. Việc gì phải báo với trình! Mỗi cái mặc kệ mẹ nó là xong.
Ông phán bỗng như chợt nghĩ ra:
- Hay thế này này. Bảo nó đi Hà Nội mua thứ gì đó rồi viết thư cho cái Hảo để nó an ủi em nó.
Bà phán đứng phắt dậy, nguýt dài chồng một cái:
- An ủi với chẳng an ủi! Việc gì phải nhiêu khê thế? Cứ bảo thắng cho nó biết không được à?
Ông phán chau mày:
- Thì tôi đã bảo bà rằng tôi không muốn nhìn thấy cái mặt mếu máo, khóc lóc của nó mà lại... Bà cứ nghe tôi, cho nó đi Hà Nội với chị nó... để nó ở chơi với chị nó một tháng cũng được.
Bà phán thủng thỉnh đi xuống nhà dưới, miệng lẩm bẩm:
- Ðấy đi thì đi. Chỉ sợ cho về Hà Nội mãi rồi... rồi lại phễnh ra thôi.

HOMECHAT
1 | 1 | 180
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com