Lúc mới ra đi, Hồng sung sướng bồng bột tự ví như con chim xổ lồng thẳng cánh bay vút lên trời xanh. Cảm động và lãng mạn, nàng muốn hô to hai tiếng "Thoát Ly?" như kẻ tù tội vừa trốn khỏi nơi ngục thất, muốn thét lên hai tiếng "tự do"? Và nàng nghĩ thầm: "Thôi lần này thì đi hắn, không bao giờ quay về cái gia đình... " Nàng cố tìm một hình dung từ có nghĩa chua chát để ghép vào chữ gia đình, nhưng không thấy chữ nào đích đáng. Nàng lại nghĩ tiếp: "chắc thầy khổ sở vò đầu, bứt tai khi đọc thư của mình". Và nàng thích chỉ về nỗi đã trả thù được cha. Nàng biết tính ông phán rất sợ hãi dư luận: Dẫu ông không thương con, ông cũng phải lo cho danh dự của nhà ông. Hồng tưởng nghe thấy tiếng ông than phiền với người dì ghẻ: "Trời ơi! có đứa con gái theo trai! còn mặt mũi nào nữa!" "Còn dì ghẻ?" Hồng tự hỏi thế và tự đáp lại bằng một tiếng thở dài. Chắc cái tin nàng bỏ nhà ra đi sẽ là một tin mừng đối với "người đàn bà khốn nạn" ấy. Nhưng nàng cũng đoán biết trước rằng "người ta" sẽ dùng những lời thân thiết giả dối để an ủi cha. Và nàng cười lên tiếng vì nhớ tới cái vẻ mặt thường làm ra phiền não của "người ta", tuy sự sung sướng hớn hở vẫn lồ lộ trên cặp mắt khô khan, trên đôi môi mỏng dính.
Tới đò Mía, trời sáng rõ. Hành khách theo sau ô tô đi xuống phà. Một người đàn bà nhận được Hồng chào hỏi: - Thưa cô, cô đi Hà Nội? Hồng thản nhiên đáp: - Vâng, tôi đi Hà Nội. Người ấy là vợ anh chạy giấy ở tòa vẫn thường đến phỉnh hót bà phán. Hồng bình tĩnh nghĩ thầm: "Thế nào chiều nay về, nó cũng thuật chuyện gặp mình để tâng công, nhất khi cái tin mình bỏ nhà đã lan khắp Ninh Giang." Hồng mỉm cười như để tỏ rằng mình không chút lo lắng sợ hãi: "Ðã nhất định, đã quả quyết đi thì còn cần gì?" Ý nghĩ ấy làm cho Hồng càng thêm can đảm, càng có lòng tin ở tương lai. Và nàng xếp đặt một lần nữa cái đời mộng mà nàng đã xếp đặt không biết bao nhiêu lần, trước khi ra đi. Còn gì dễ dàng hơn! Và có gì là tệ hại đâu, là mất danh dự! Nàng sẽ đến ở nhà anh Căn, sẽ nhờ Nga báo tin cho Lương. Hai người sẽ lấy nhau, dù ông phán bằng lòng hay không bằng lòng cũng mặc kệ. Vả cần gì phải cưới xin mới lấy nhau được? Cốt yêu nhau, yêu nhau thành thực là đủ rồi. Mà ái tình của Lương thì nàng không còn ngờ vực nữa. Cảnh sáng trong một ngày thu bình tĩnh, cái khung cảnh thích hợp với một đời mơ mộng êm ái của Hồng. Màn trời xanh thăm thắm cao, màu lúa vàng rực rỡ bao la gợi trong trí Hồng cái ý nghĩa ái tình trinh tiết, và cái biểu hiệu gia đình đầm ấm. Hồng say sưa với mùi lúa chín thơm ngát. Và nàng chỉ chực kêu to lên: "Sung sướng quá!" Nhưng khi xe lửa tới gần Hà Nội, Hồng vụt cảm thấy buồn man mác dần dần thấm vào tâm hồn. Nàng cũng không hiểu tại sao. Có lẽ đó là một sự thường xảy ra, lúc người ta sắp phải quả quyết thực hành những ý định quan trọng. Lúc ấy lòng tin của người ta bị lung lay, người ta không dám nhìn thẳng vào tương lai, và bao nhiêu điều khó khăn hiện ra một cách rất mau chóng. Hồng nhìn về phía cầu Hà Nội, loay hoay tự hỏi: "Lỡ chị Hảo sợ cho ta mà khuyên ta, ép ta về nhà? Ta có can đảm quay về Ninh Giang không? Lỡ Lương không còn yêu ta nữa? Ðiều ấy tưởng cũng không lấy gì làm vô lý, vì đã mấy tháng nay ta không nhận được cái thư nào của Lương. Lại điều này nữa: Nếu thầy ta tự ý hay bị vợ lẽ xúi giục làm đơn trình đồn để nhờ nhà chuyên trách tìm hộ đứa con thất lạc?" Nàng mỉm cười nghĩ tiếp ngay: "Ta còn bé nhỏ gì mà thất lạc! Nhưng nếu thầy ta cứ trình đồn thì ta còn ra cái quái gì!" Lòng băn khoăn lo lắng, Hồng đi xe tới nhà Căn. Nàng đã suy tính định trước những câu sẽ nói với Hảo. Nhưng khi gặp mặt chị, nàng luống cuống mất hết trí minh mẫn và tài biện bách. Hảo vui mừng hỏi: - Em lên chơi đấy à? Lên chơi hay có việc gì?
Hồng cúi mặt khẽ đáp: - Em lên chơi... - Thầy vẫn mạnh chứ? - Thưa chị... thầy vẫn mạnh. Hảo ngắm nghía Hồng: - Em sao thế? Trông em xanh quá. Hồng mỉm cười vơ vẫn: - Em đi đường hơi mệt. - Vậy em lên buồng nằm nghỉ. Không đợi chị giục một lần nữa, Hồng vâng lời xách va ly lên gác. Tự nhiên nàng sợ hãi và muốn lánh mặt chị, không phải nàng hối hận về việc đã làm, nhưng hiện nàng đương áy náy do dự giữa hai ngã đường nên theo. Một là tìm cách nói dối, giấu quanh để dò ý tự chị. Hai là nói thẳng cho chị biết hết mọi điều đã xảy ra và mọi điều nàng dự định sắp sửa thi hành, nói thẳng rồi nhờ chị giúp. Trông thấy cái bàn đánh phấn của Nga, Hồng mới kịp nhớ đến người bạn thân mà nàng sắp cầu cứu. Và nàng mở cửa ra bao lơn đứng nhìn xuống đường, mong ngóng, tuy chẳng rõ đã tới giờ tan học chưa. Nghĩ đến Nga, Hồng lại tưởng tới Lương. Chốc nữa Nga sẽ nói chuyện Lương cho nàng nghe. Và nàng cảm thấy không bao giờ nàng yêu Lương bằng lúc này.
Nàng bỗng có tư tưởng âu yếm, muốn gặp Lương, muốn nhìn thấy mặt Lương ngay. Nàng liền vào trong nhà giở gương và phấn ra sửa lại nhan sắc: Lương sẽ thấy nàng xinh đẹp lộng lẫy nữa. Nàng đã quả quyết, bỏ nhà theo Lương thì cuộc gặp gỡ này quan trọng lắm. Một chút ngần ngại, một chút do dự của Lương có thể làm đổ cả tương lai. Trang điểm xong nàng mở va ly lấy cái áo đẹp nhất ra, cái áo đẹp nhất ra, cái áo nhung đỏ may kiểu mới mà ở nhà không bao giờ nàng dám mặc, cái áo thắt đáy và nở ngực, khiến nàng trẻ hắn đi mấy tuổi. Lâu nay nàng vẫn có cảm tưởng rằng nàng già: "Hăm ba rồi, còn gì!" Những người bạn xưa của nàng, và kém tuổi nàng nay đã có chồng cả, và có con nữa. Nàng mỉm cười nghĩ thầm: "Cái đó chằng quan hệ gì. Sự quan hệ là làm thế nào chóng thoát ly được cái gia đình ăn gửi nằm nhờ". Nàng vui sướng vì vừa tìm được một hình dung từ "ăn gửi nằm nhờ" thích hợp với cái gia đình của nàng hay đúng hơn, với cái gia đình của ông phán và người dì ghẻ. Ngắm nghía trong cái gương đứng mới mua của Nga, nàng thấy nàng vẫn xinh tươi. Và nàng không khỏi có lòng tự cao rằng nhan sắc của nàng ít ra cũng xứng đáng với tình yêu nồng nàn và chân thực của Lương.
Mắt nàng bỗng để tới chùm chìa khóa cắm ở cánh cửa tủ: "Chị Nga lơ đãng đến thế thì thôi?" Nàng tò mò mở tủ ra lục lọi. Một bức ảnh vứt trong một ngăn kéo, lẫn với những mụn giẻ rách. Nàng lôi ra xem thì đó là bức ảnh chụp của giáo viên trường Ðông Kinh. Bức ảnh ấy mọi khi nàng vẫn thấy lồng trong khung treo ở tường, nàng không hiểu sao nay Nga lại tháo ra bỏ vào xó tủ. Và nàng mỉm cười: "Hay Nga có chuyện gì bất bình với một anh chàng nào đứng trong ảnh?" Hồng hơi ghen hơi tức khi thấy Lương đứng bên Nga. Mọi lần, nàng không để ý tới điều đó nhưng hôm nay trong lúc bồng bột yêu Lương, nàng bỗng ngơm ngớp lo sợ có người chiếm đoạt mất chàng. Nhưng nàng nhận thấy ngay rằng mình trẻ con, và vội vàng đóng khóa tủ lại, bỏ chìa khóa vào túi bước xuống thang gác. Hảo ngước nhìn lên hỏi: - Em đi đâu đấy? - Em đi đón chị Nga. - Cô ấy sắp về đến nhà, em còn đi đón làm gì. Hồng vui mừng cười đáp: - Thế à chị? Em cũng chằng biết mấy giờ nữa. Hảo nhìn đồng hồ treo: - Mười một rưỡi rồi, em ạ. Hồng vơ vẩn nhìn ra đường: - Vâng, thế có lẻ chị Nga củng sắp về, cả anh Căn nửa. Nhưng em cũng đi lững thững hễ gặp giữa đường thì cùng về. Thấy em có vẻ mặt hân hoan, Hảo mĩm cười khẽ gật: - Thôi cũng được. Vậy em đi nhé.
Rồi Hảo chạy vội xuống nhà bếp bảo người nhà đi mua thêm thức ăn. Quả thực, mới tới trại lính Khố xanh, Hồng đã gặp Nga. Nghe tiếng gọi, Nga quay lại rồi vội vàng xuống xe, đi bộ với Hồng. Thấy Nga không vui đùa như mọi lần, Hồng hỏi: - Độ này chị không được mạnh? - Vâng tôi hơi mệt... Rồi như tìm câu nói, Nga ngập ngừng hỏi: - Chị... về chơi? - Vâng, tôi về chơi... Chốc nữa tôi nói chuyện... lôi thôi lắm, rắc rối lắm... Nga đăm đăm nhìn bạn: - Lại... người dì ghẻ. - Vâng. Hồng lảng ngay qua chuyện khác, hỏi thăm Nga về việc dạy học, về việc nhà trường. Nàng cốt ngợi chuyện Lương, nhưng hình như Nga cố tránh. Chẳng đừng được, Hồng phải hỏi thẳng: - Anh Lương vẫn dạy cùng trường với chị đấy chứ? Nga quay đi trả lời khe khẽ: - Vâng. Hồng chau mày ngẫm nghì: "Quái, chị ấy có tình ý gì mà coi như bẽn lẽn mỗi khi nói đến anh Lương?" và nàng nhìn thẳng vào mắt Nga hỏi: - Lâu nay anh Lương có đến chơi... với anh Căn không? - Không. Hồng lo lắng: - Tôi hỏi câu này chị đừng cho là tò mò nhé? Hình như chị với anh Lương giận nhau? Nga thở dài: - Có thế. Rồi nàng buồn rầu bảo Hồng: - Thôi đừng nói chuyện đến anh Lương nữa.Anh ấy bây giờ tệ lắm... Chả đáng được chị thương yêu đâu. Hồng tái mặt đi, dừng bước yên lặng nhìn bạn, Nga kinh hoảng nắm lấy tay nàng, ghé tai thì thầm: - Về nhà nói chuyện...
Từ đó, Hồng như thấy mọi vật nhảy lộn trước mắt, và nghe những tiếng huyên náo vang động trong tim, trong óc. Nàng phải bám vào cánh tay Nga mà đi. Về đến nhà. Hồng bước qua cửa hàng, chẳng để ý đến một ai. Mãi lúc căn hỏi, nàng mới kịp chào. Rồi víu chặt lấy tay vịn, nàng lần từng bực lên thang gác.
PHẦN THỨ BA
Chương 21
Hồng ngồi yên lặng, chú hết tinh thần bào câu chuyện của Nga. Khi Nga ngừng kể, nàng thét lên cười như một người điên. Nhưng nàng cũng chỉ biết nay Lương cùng ở với một gái nhảy mà, đối với anh em bạn, chàng coi như một người vợ, tuy không có cưới cheo gì hết. Nàng có hiểu đâu rằng vì đau đớn, vì phẩn uất mà Lương sinh ra chơi bời rồi say mê người vũ nữ. Hôm ở Ninh giang về, Lương phải cố trấn tĩnh mới giữ được không rơi lụy giữa đám hành khánh quê mùa trên ô tô chợ. Tới Hà nội, Lương đi ngũ liền. Thiện vừa giận vừa tức anh vì anh đến nhà Hồng mà chàng rất ghét, nên anh về, Thiện chẳng buồn hỏi một câu. Khi nghe thấy tiếng thở dài não ruột của anh, Thiện mới biết rằng anh chưa ngủ, và đoán anh đương có sự đau đớn. Thiện liền hỏi: - Anh sao thế? Lương đáp lại bằng một tiếng thở dài thứ hai. Rồi không thể chôn sâu sự phiền muộn trong lòng, Lương ngập ngừng thuật lại cho em nghe hết mọi điều đã xảy ra ở nhà ông phán Trinh. Thiện sung sướng muốn cười phá lên, nhưng cố làm mặt buồn rầu an ủi: - Anh cứ tưởng thế thôi đấy, chứ ai người ta lại cười vào mặt anh như thế? Lương, giọng ướt đầy nước mắt: - Còn tưởng gì nữa! - Biết đâu người ta không cười vì một nước bài đánh thấp.
Lương mĩm cười chua chát vì lời nói ngây thơ. - Còn câu của bà phán, dễ thường em cũng cho vì một nước bài đánh thấp? Và chàng cười to để giấu cảm động. Ngồi suy nghĩ một lát, Thiện ôn tồn hỏi Lương: - Anh có ngờ rằng họ bàn mưu lập mẹo với nhau để phá việc hôn nhân của hai người không? Lương chợt tỉnh: - Ừ, có lẽ... bà phán... chứ ông phán thì chắc không khi nào. Thiện nói với anh những lời dịu dàng và âu yếm để cố làm cho anh quên người yêu. Nhưng Lương quên sao được Hồng? Chàng cố cho rằng chàng lầm về thái độ, về tính tình của bà phán đối với chàng. Nhưng sau khi đọc bức thư của Hồng, chàng không còn ngờ vực gì nữa, và chàng lại biết hơn một điều: bà phán là dì ghẻ chứ không phải là mẹ Hồng. Biết thế phỏng có ích gì! Dù người ta là mẹ hay là dì ghẻ, chàng cũng không lấy được Hồng, vì cứ theo lời Hồng viết trong thư, thì ông phán, cha nàng để hết quyền bính trong tay người vợ. Mà người đàn bà ấy không ưng gả Hồng cho chàng, bắt chồng không được gả Hồng cho chàng và trước mặt chàng đã thốt ra những lời độc địa, đau đớn, có thể giết chết người ta được, chứ đừng nói tống cổ người ta đi vội. Không, chàng không thể tự hạ cầu cạnh Hồng nữa, chàng không thể nhớ tiếc người ấy nữa. Nhưng chàng cũng phúc đáp thư Hồng để tỏ hết lòng hy vọng, chờ mong. Thư sau của Hồng cho chàng biết rằng từ nay Hồng không được phép đi Hà nội nữa. Hồng dùng hết những chữ trào lộng nặng nề, để tả chân dung hình thức và tinh thần của người dì ghẻ, của người đàn bà thô bỉ, kiểu cách tàn ác, ích kỷ. Lương lại phúc thư an ủi Hồng khuyên Hồng nên cố nhấn nại. Giá Lương đem câu ấy tự khuyên mình thì đúng hơn, vì lòng tự cao tự đại của chàng đã bị tay người đàn bà kia đâm một nhát thương sâu, một nhát thương không bao giờ hàn được. Mỗi khi chàng nhớ tới Hồng, nhát thương ấy lại đau trội lên. Mà chàng nhớ tới Hồng luôn.
Để quên, chàng theo anh em đi chơi, đi nhảy, đi hát. Rồi chẳng bao lâu chàng say mê Yến, người có cái dung nhan na ná giống Hồng, khiến buổi gặp mặt đầu tiên chàng gọi đùa: "Hồng của anh", Yến lại giống Hồng về gia cảnh: cứ theo lời nàng than thở thì gia đình nàng cũng tan nát vì người dì ghẻ. Không chịu nổi sự áp chế hành hạ, Yến đã phải bỏ nhà, liền dấn thân vào nghề gái nhảy. Lương tin ngay và cho ngay nàng nhập hội với mình, hội "bị tai nạn dì ghẻ tàn ác và mất dạy", cái tên hài hước mà chàng đã đặt ra từ lâu. Vì Hồng, vì nghĩ đến cưới Hồng, Lương đã chăm chỉ dạy học và đã xin được dạy thêm giờ, mỗi tháng kiếm nổi ngoài trăm bạc. Chàng lại ăn tiêu cần kiệm nên để dành được món tiền năm sáu trăm bạc. Nay cho việc cưới Hồng không thể có được nữa, chàng liền dùng món tiền kia trả nợ chủ cho Yến và thuê nhà sắm đồ đạc cùng ở với nàng. Thấy thế, Thiện buồn rầu đến trọ một nhà quen và xin đi dạy học, vì chàng đã đậu bằng thành chung. Trong khi ấy, Lương vẫn nhận được thư của Hồng, và vẫn phúc đáp những lời tha thiết, yêu đương. Thực ra không bao giờ chàng quên được Hồng. Với Yến, chàng chỉ sống những ngày tạm bợ, chàng chỉ hưởng chút tình yêu tạm bợ. Nhưng cái tình xác thịt ấy đã thành thói quen khó lòng mà rời bỏ được. Vì thế, mỗi khi nhận được thư Hồng, chàng lại hối hận muốn lìa Yến ra, nhưng hôn sau, chỉ hôm sau, đâu lại hoàn đấy.
PHẦN THỨ BA
Chương 22
Thấy Hồng cười vui vẻ, Nga cũng vui vẻ cười theo. Nàng mừng rằng bạn đã quên Lương và nàng nghĩ thầm: "Muốn được người ta thương nhớ lâu ngày hay mãi mãi, tất phải đẹp trai hay ít ra cũng có tài lỗi lạc. Lương thì đã xấu người, lại tầm thường? Chẳng qua Hồng chỉ cảm động khi nghe câu chuyện cảm động của Lương, và có chút cảm tình mà hai người đều tưởng lầm là tình ái". Ðể bạn quên hắn Lương, Nga bắt đầu nói xấu chàng, thuật những hành vi gàn dở, những cử chỉ và ngôn ngữ dớ dẩn của chàng, Hồng nghe chuyện, cười chảy nước mắt. Bữa cơm sáng Hồng ăn rất ít, nói vì đi đường mệt nhọc. Uống nước xong nàng từ biệt anh chị, bạn, đi chơi một lát. Nga ngờ Hồng đến tìm Lương và sợ sẽ xảy ra chuyện lôi thôi, liền bảo: - Chị chờ tôi đi với. Hồng trù trừ đáp: - Vâng, càng hay. Vậy chị đợi tôi một tí nhé. Tôi chỉ chạy lại đằng này độ dăm phút thôi. Dứt lời, nàng vội vàng đi ngay. Nhưng mười phút sau vẫn không thấy nàng về. Nga đã hơi lo lắng, tưởng mình ngờ vực không sai. Nàng chợt nghĩ ra và mủm mỉm cười "Hồng đến nhà Lương sao được! Chẳng những không ai rõ bây giờ anh ấy ẩn ở xó nào, mà đến nơi ở cũ của anh ấy, chị Hồng cũng không biết nữa. Thế thì gặp sao được anh ấy?" Quả thực Hồng không tìm gặp Lương. Nàng cũng không nghĩ đến Lương nữa. Nàng chỉ nghĩ đến nàng, đến tình cảnh nàng, đến số phận nàng. Lòng chán nản đối với hết mọi sự ở đời đã lên đến tột điểm, nó đã hiện ra trong cái cười đau đớn của nàng mà Nga cho là cái cười vui vẻ vô tư lự Trong một giây, nàng cảm thấy nàng trông thấy rõ ràng việc mà nàng định làm, mà nàng quả quyết sẽ làm, mà nàng cho thế nào cũng phải làm: tự tử. Ra ngoài đường, Hồng càng quả quyết với ý định ghê gớm của mình. Bây giờ nàng không bối rối nữa. Tâm hồn nàng trở nên bình tĩnh. Muốn không do dự nhút nhát, sợ hãi, nàng ôn lại cái đời dĩ vãng và hiện tại của nàng, cái đời mà nàng cho không đáng sống, cái đời đày đọa khổ sở không ai có thể tưởng tượng được.
Nàng nhớ lại hết mọi sự lôi thôi xảy ra trong gia đình nàng, từ ngày nàng bắt đầu biết ghi nhớ. Không một hành vi nào của dì ghẻ nàng thấy có ngụ một chút cảm tình với nàng. Không một lời thành thực, chứ đừng nói âu yếm tử tế. Toàn những sự thù hằn nhỏ nhen, những lời bóng gió, nhiếc móc. Giá được cha thương yêu, thương yêu thầm vụng thôi? Nhưng tìm mãi trong trí nhớ nàng chỉ thấy cha lãnh đạm nếu không a dua với dì ghẻ mà mắng chửi, đánh đập nàng. Chung quanh hai người ấy, hai vai chính của tấn thảm kịch gia đình lại còn mấy đứa em ngang ngạnh, tai ngược, những quân do thám. Thực là một cái địa ngục? "Thà vào ngồi tù, thà dấn thân vào nơi hồng lâu, thanh lâu còn hơn quay về cái gia đình ấy?"
Hồng mãi suy nghĩ không lưu ý tới mọi người, mọi vật chung quanh, khi qua đường Tràng Tiền để sang phía hồ. Một cái ô tô tấn còi điện inh ỏi mà nàng cũng không nghe thấy gì cứ việc nhìn thẳng tiến bước. Xe hãm bánh, tiếng kêu rít lên rồi chúc đầu vào thành hè trước dãy bục của những hàng hoa. Người Pháp lái xe quát mắng ầm ý. Hồng quay lại mỉm cười vơ vẩn rồi thản nhiên đi vòng ra bờ hồ. Một cô bán hoa, vẻ sợ hãi còn lộ trên nét mặt, đăm đăm nhìn Hồng, nói: - Tí nữa thì mất mạng nhé! Một người đàn bà khác nói tiếp: - Gặp phải tay lái non không hãm kịp thì còn gì! Hồng vẫn mỉm cười, khởi hài đáp lại: - Thì chết, chứ còn gì nữa! Người kia cũng cười: - Thực cô còn tốt số đấy! Hồng vừa bước mau vừa lẩm bẩm: "Tôt số! Nếu nó nghiến chết mới là tất số!... " Nàng bật cười nghĩ đến câu chuyện một người muốn tự tử mà nghèo quá không xoay được tiền mua dây thừng hay thuốc độc. Và nàng bình tĩnh quay về với cái chết đã dự định, đã quả quyết dự định. Một thiếu niên đến gần nàng cất mũ chào rồi hỏi: - Thưa cô, có việc gì không? Hồng quay lại nhìn, lộ vẻ khó chịu: - Cám ơn ông, tôi không sao cả. - Thưa cô, cái thằng ấy mất dạy quá. Ðã suýt đè chết người ta không biết xin lỗi thì chớ, lại còn thất ra những lời thô bỉ! Nhất lại đối với một thiếu nữ.
Hồng yên lặng, đi thủng thỉnh, người trẻ tuổi vẫn theo bên, nói tiếp: - Thưa cô, tôi toan lại cho nó một bài học, thì nó vội cút mất! Hồng không thể giữ nổi cái mỉm cười, vì thấy người kia mảnh khảnh, bé nhỏ, chỉ gần bằng nửa người Pháp lái xe. Và nàng nghĩ thầm: "Chẳng rõ bài học ấy là mấy câu vẩn vơ hay là một quả đấm?" Chừng cho cái mỉm cười của Hồng có ngụ chút tình cảm, người trẻ tuổi đi gần lại hỏi: - Thưa cô đi đâu bây giờ? Hồng chau mày yên lặng rảo bước. Người kia hiểu, đứng lại rồi gọi xe mặc cả đi thẳng. Hồng thở dài quay nhìn sang phía hồ, và chợt nhớ tới buổi gặp gỡ lần đầu của mình với Lương, ở bên hồ này, giữa ngày hội Sinh viên. "Thực con người tệ bạc! Ðồ nhơn nạn! thế mà còn dám cứ viết thơ mãi cho mình?" Nàng không ngờ, không thể ngờ một người yêu nàng như Lương mà lại quên nàng chóng thế được. Và nàng đoán chắc người vũ nữ hiện ở với Lương xinh đẹp lắm.
Hồng trả lời lại cái ý nghĩ đó ngay: "Lương thì xinh đẹp gì mà sao mình cũng yêu!" Nàng cố nhớ lại nét mặt Lương, tưởng tượng ra hết những cái xấu của Lương để không yêu Lương nữa, để ghét Lương. Vả sự thực, nàng yêu Lương không phải vì cảm cái vẻ khôi ngô tuấn tú của chàng. Nàng yêu Lương là do một sự huyền bí hiện ra ở một phút, một giây trong tâm hồn nàng, có lẽ do số mệnh. Thì nay cũng vì số mệnh mà hai người không yêu nhau nữa, hay đúng hơn, Lương không yêu nàng nữa: "Ở đời, trăm sự chẳng qua là do số mệnh cả!" Ý nghĩ ấy đưa bình tĩnh vào trí não nàng, không phải sự bình tĩnh thản nhiên khi nàng quả quyết đi tìm cái chết, nhưng sự bình tĩnh kết quả của luân lý, của lẻ phải. Bây giờ nàng thấy cái chết của nàng vô lý. "Con người ấy không đánh được ta vì hắn mà chết". Sự sống dần dần tràn ngập tâm hồn và nàng thấy một lúc một xa cái chết. Mỗi bước của nàng như đưa nàng gần tới sự giải thoát. Nàng nhìn rặng cây lá lăn tăn, mùa thu đã nhuộm sắc vàng, thấy một vẻ đẹp êm dịu. Xe điện qua, cái cần sắt hút lấy sợi dây đồng, tiếng kêu chun chút như tiếng hôn của hai cặp môi âu yếm. Những thiếu nữ xinh tươi hớn hở nói cười và nhìn nàng bằng con mắt đầy tình cảm. Ðời vui lắm! Mà đáng sống lắm! Và Hồng chợt có ý tưởng sợ chết. Một ý tưởng thoát qua, lờ mờ. "Thôi, bây giờ ta quay về nhà". Hồng định nghĩ: "về nhà anh Căn", nhưng hai tiếng "về nhà" trong tâm tư nàng gợi ra một ý nghĩa khác hắn: Nàng nhớ đến nhà nàng ở Ninh Giang. Về nhà? Về bằng cách nào? Liệu có về được nữa không? Bao nhiêu câu hỏi khó trả lời! Hai chân Hồng run không bước vững. Cách đấy một quãng có cái ghế xi măng. Hồng đi lại ngồi nghỉ, quay nhìn ra hồ. Nàng bỗng để ý đến hàng cây xoan tây rủ là là xuống mặt nước. Ngày nàng còn đi học, một chị bạn lớn tuổi có bảo nàng rằng những nơi có người chết đuối hay tự tử cành cây bao giờ cũng nằm rạp xuống như bị hồn người thiệt mạng hút lấy. Hồng lại nghĩ đến cái chết.
Nàng đứng dậy, tới vịn thân cây xoan tây, thản nhiên ngắm làn nước xanh giống như nước lá dành dành mà người dì ghẻ thường ngắt để đắp lên mắt đau. Bất giác, nàng rùng mình lẩm bẩm: "Thà chết chứ không thể nào lại quay về sống bên cạnh người dì ghẻ ấy được." Tâm linh nàng thì thầm bảo nàng: "Chỉ việc nhảy tòm một cái xuống hồ. Thế là xong". Nhưng lẽ phải, hay đúng hơn, cái lẽ phải nhút nhát cũng thì thầm khuyên nàng: "Ðừng! Vì nhảy xuống cũng không chết được. Người ta sẽ vớt lên ngay!" Hồng ngoái cổ ngơ ngác nhìn từng bọn người rầm rập qua lại. Nàng thở dài trở về chỗ cũ: "Ta sẽ chết. Vì chết là hết". Những tư tưởng về linh hồn, về xác thịt lộn xộn ở trong đầu nàng. Nàng tin chắc rằng có linh hồn và linh hồn người ta sau khi chết sẽ hiện về dương gian. Vậy nàng phải chết và sẽ hiện hồn về mà bóp cổ, mà hành hạ người dì ghẻ. ý nghĩa ấy làm cho Hồng vừa sung sướng vừa buồn cười. Bây giờ chỉ còn tìm xem nên chết bằng cách gì và chết ở đâu. Quanh hồ Hoàn Kiếm, nàng thấy khó lòng mà chết được, vì ở đó người qua lại suất ngày đêm. Xưa nay biết bao kẻ gieo mình xuống hồ này, nhưng đã mấy ai thoát nợ đời? Vậy tất phải đến nơi khác, hồ Tây hay hồ Trúc Bạch chẳng hạn. Trong lúc sốt sắng, Hồng đứng ngay dậy gọi xe lên đường Cổ Ngư. Nhưng tâm hồn lười biếng, nàng, vẫn như dán xuống ghế. Rồi nàng lại loay hoay nghĩ tới tình cảnh của nàng. Nàng nhận thấy sống cũng khó khăn như chết. Ðã viết thư để lại nói đi không về nhà nữa, chẳng lẽ bây giờ lại quay đầu về, lại vác mặt về! Ê chề lắm! "Người ta" sẽ coi nàng ra cái gì? "Người ta" sẽ khinh bỉ nàng đến đâu? "Người ta" sẽ hành hạ nàng hơn trước. Thế thì chết là phải lắm rồi, còn do dự gì nữa! Hồng vịn ghế đứng dậy. Người nàng lảo đảo. Ðầu nàng nhức nhối ở hai thái dương. Nàng gọi liều: "Xe!" Một anh phu đặt càng lên rìa hè. Hồng hỏi ngớ ngẩn: - Anh có đi không? - Thưa cô có. Hồng tưởng trả rẻ để anh phu xe từ chối: - Sáu xu lên đường Cổ Ngư. - Xin cô tám xu. - Sáu xu anh kéo thì kéo, không thì thôi. Anh kia nhì nhằng: - Xin cô bảy xu thôi. Cô ăn tiêu về nhiều, làm gì một đồng xu. Hồng gắt: - Không, tôi chỉ trả sáu xu. Anh không kéo thì đi đi. Nhưng nàng kinh ngạc, sợ hãi biết bao, khi nghe anh xe trả lời: - Vâng, mời cô lên.