watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:27:1029/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Khái Hưng > Thoát Ly - Trang 5
Chỉ mục bài viết
Thoát Ly
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Tất cả các trang
Trang 5 trong tổng số 13

PHẦN THỨ HAI

Chương 10


Một lớp học huyên náo. Tiếng cười xen lẫn tiếng nói tục, tiếng huýt còi, tiếng ca hát. Một trò lên ngồi bàn thầy giáo cầm thước đập mạnh và gióng giạc thét:
- Silence!
Tức thì ở khắp trong phòng nhao nhao lên những câu phản đối:
- Về chỗ!
- A vo tre place!...
- Làm bộ gì thế, thằng Hạnh?
Hạnh thét to để cố trùm lấp những tiếng ồn ào:
- Các anh phải biết buồng giấy ông đốc ở ngay bên cạnh.
- Các anh các chị, chứ lị.

Câu trả lời càng gợi những trận cười vang. Giữa lúc ấy, cửa lớp học vụt mở. Ai nấy chạy về chỗ ngồi im tăm tắp. Một vài tiếng cười còn khúc khích, như những pháo xì sau một tràng pháo nổ. Người mới vào hỏi:
- Giờ gì?
- Bẩm, giờ Annamite ạ.
- Ông Lương, phải không?
- Bẩm vâng.
Ông đốc - vì người ấy là giám đốc - mở đồng hồ xem giờ, rồi nhún vai, yên lặng khép cửa bước ra ngoài. Tức thì tiếng cười đùa lại nổi lên, đạn giấy và phấn vụn bay tứ tung. Lần thứ hai cửa mở. Theo liền một tiếng "À" thực dài. Lương thong thả bước lên bực gỗ, ngồi xuống ghế, tháo kính ra lau rồi nhìn bảng mỉm cười:
- Chắc lại tác phẩm của anh Trường.
Dịp cười đủ các giọng cao thấp đáp lại. Lương gắt:
- Im! các anh.
Một cậu học trò ở đáy lớp tiếp luôn:
- Và các chị.
Lương lại thét:
- Im! các anh không biết xấu hổ! Học trò năm thứ hai mà nghịch ngợm, mà thiếu kỷ luật như lũ trẻ con lớp đồng ấu. Các anh...
- Oay!
Tiếng hỗn xược ấy ở đáy lớp đưa lên làm Lương ngừng bặt, thở dài, làu nhàu trong miệng những câu phàn nàn, nguyền rủa.
Rồi chàng mở Kiều ra giảng và cùng học trò dịch sang Pháp văn. Trong khi ấy, ở khắp các bàn thì thầm nói chuyện, nếu không cặm cụi tìm tòi giải một bài tính kỷ hà học hay nắn nót viết bức thư về nhà xin tiền cha mẹ.
Lương cũng biết thế, nhưng chàng để mặc. Ðối với bọn học trò không coi kỷ luật nhà trường vào đâu, thì gào thét có phỏng ích! Chỉ thêm chuốc lấy thù ghét. Ðã có lần chàng xin ông đốc đuổi một người học trò. Nhưng việc ấy không có kết quả gì hết, nên từ đó không những chàng không bàn đuổi ai mà đến những trừng phạt nhẹ chàng cũng không bao giờ dùng đến. Chàng thản nhiên, ngày ngày đến lớp dạy học và làm đủ bổn phận, không hơn, không kém đối với nhà trường và đối với học trò. Nhưng chàng cũng có một cách phạt riêng nếu có thể cho thế là phạt: Gọi một học trò nghịch ngợm hay hỗn xược lên bảng; rồi đọc một câu thực khó, bảo dịch sang chữ Pháp để có dịp tỏ cho hắn biết hết cả cái sức học kém cỏi của hắn. Lớp học sẽ phá lên cười vui vẻ. Vì thế, sợ làm trò cười cho chúng bạn trước mặt mấy nữ học sinh, lắm anh ngồi nghiêm chỉnh vờ chăm chú nghe lời giảng để khỏi bị gọi lên bảng.

Giờ ra chơi, Lương gặp Nga ở hiên gác, lại gần vui vẻ chào hỏi:
- Chị có giờ gì?
- Tập đọc. Còn anh?
Lương mỉm cười:
- Tôi vừa từ địa ngục ra. Hai tiếng giờ Annam ở năm thứ hai của tôi, nếu có ai dạy thay, tôi nhường ngay.
- Còn ai thích được! Những ông mãnh ấy tưởng mình giỏi tiếng mẹ đẻ lắm rồi, chẳng cần học nữa, nên chỉ đến lớp để nô đùa hay làm những việc khác trong giờ tiếng Annam. Thực một nơi địa ngục!
Lương buồn rầu thở dài. Nga an ủi:
- Thôi chịu khó một tí anh ạ, tám giờ tiếng Annam một tháng chẳng ra gì cũng thêm được bảy đồng hai.
Nga nói thế là vì nàng biết Lương nghèo lắm, nghèo đến nỗi không nộp được mấy chục bạc, chàng đã phải bỏ thi cử nhân luật và bỏ luôn cả trường Luật để đi dạy học kiếm ăn. Buổi đầu chàng cậy cục mãi mới được dạy hai giờ một tuần lễ ở một trường tư thục nhỏ với một số lương bảy hào rưỡi một giờ. Cách đó mấy tháng, ông giám đốc một trường lớn nghe thấy học trò tán tụng chàng về môn tiếng Annam liền kéo chàng về trường mình. Nay thì chàng đã kiếm được hơn ba chục một tháng, một số tiền vừa đủ nuôi sống hai anh em (Thiện người em chàng hiện theo học năm thứ tư ở trường chàng dạy).
Ông phủ cha nàng tuy không lấy gì làm giàu lắm, nhưng cũng có một cái gia tài chừng hai vạn bạc. Song cái sản nghiệp ấy đã hoàn toàn bị người dì ghẻ gian ngoan chiếm đoạt. Cha chàng qua đời (mẹ chàng đã mất sớm) chỉ để lại cho chàng mỗi một tòa nhà thờ đồ sộ ở làng mà chàng không thể bán đi được để kiếm cái vốn nhỏ nuôi em ăn học. Câu nói thành thực của Nga khiến chàng nhớ tới cái cảnh bần bách của anh em mình.
Chàng thở dài yên lặng nhìn bầy học trò nhỏ đuổi nhau trong sân trường:
- Chiều nay, mời anh lại chơi nhé!... Anh Căn nhắc anh luôn.
- Thưa chị, chị Căn về quê đã lên chưa?
- Ðã. Cả Hồng cũng ở Hà Nội.
- Thế à?

Má Lương dần dần đỏ, mắt chàng chớp nhanh sau đới kính cận thị. Sự sung sướng làm biến hắn những nét thô trên gương mặt trở nên rạng rỡ. Nga mỉm cười:
- Hồng mới cạo răng. Lại mà xem, Hồng trẻ hắn đi.
Lương làm bộ thản nhiên:
- Chị Hồng già gì mà trẻ hẳn đi được.
Rồi chàng cười thực to để giấu cảm động.
- Chị Hồng hỏi thăm anh đấy, chị nhắc luôn đến anh chàng ném hoa giấy ngày hội Sinh viên.
Lương cúi rạp đầu xuống chào và nói:
- Hân hạnh, hân hạnh.
Nga cười sằng sặc. Lương cho rằng nàng cười vì cái chào tuồng của mình, kỳ thực nàng chỉ cười câu nói dối của nàng, nói dối do lòng thương cũng có, nói dối để nói dối cũng có.
Sự thực, Hồng chẳng để ý đến Lương bao giờ. Hơn thế mỗi lần nghe đọc đến tên Lương, Hồng lại chau mày suy nghĩ, tìm tòi và không nhớ ra là ai, trừ khi trong câu chuyện, Nga đặt theo liền tên cái danh từ "anh chàng ném hoa". Anh chàng ném hoa, Hồng cho ở đời chẳng còn có một thiếu niên nào vô duyên hơn, khả ố hơn, xấu xí hơn. Và đối với chàng Hồng tự nhiên có ác cảm sâu xa.
Lương đang muốn gợi chuyện hỏi thăm Hồng thì có chuông vào lớp. Chàng bảo Nga:
- Thôi chào chị. Chiều nay thế nào tôi cũng xin đến hầu chị.
Nga mỉm cười:
- Chả dám.
Giờ thứ hai của Lương là một giờ tập đọc. Chẳng bao giờ chàng giảng hay bằng lần này ; chàng vừa nhận được nguồn cảm hứng ở hình ảnh người yêu.

* * * * *

Buổi chiều, ở lớp học ra, Lương đi xe lại thẳng nhà Căn, thành thử chàng đến trước cả Nga, và phải ngồi ở cửa hàng chờ gần hai mươi phút mới thấy nàng lững thững đi bộ về.
- Chết chửa! Xin lỗi anh nhé! Anh hẹn đến chơi mà tôi quên bẵng đi mất. Nếu nhớ thì đã đi xe về tiếp anh. Với lại, tôi cứ tưởng chị Hảo có nhà.
Rồi Nga mời Lương lên chơi phòng riêng ở trên gác. Gặp Hồng ở đấy, Lương vờ ngạc nhiên:
- Ô kìa, chị Hồng! chị về chơi hôm nào thế?
Hồng lạnh lùng đáp:
- Tôi về chơi hôm qua.
- Nghe nói chị mới có bộ răng ngà đẹp lắm.

Hồng cười mai mỉa:
- Ông vừa mới hỏi tôi về chơi Hà Nội hôm nào, thế mà ông đã biết tôi có bộ răng ngà. Lạ thực!
Lương ngượng nghịu nhìn Nga cầu cứu.
- Ô chào! hai người vặn lý nhau mãi! Mỗi cái Hồng cười đi cho chúng tôi ngắm bộ răng mới xem có xinh không nào!
- Dễ nghe nhỉ!
Hồng hậm hực nói thế. Nhưng dứt lời, nàng phá lên cười liền. Lương ngây người đứng nhìn. Nga bảo chàng:
- Ðó anh coi!
Hồng lườm bạn, vẻ căm tức lộ trên mặt; Nga nói tiếp:
- Nhưng bây giờ thì anh về thôi nhé.
Lương buồn rầu ngơ ngác:
- Chị đuổi tôi đấy à?
- Vâng. Xin lỗi anh, vì chúng tôi phải đi đằng này bây giờ.
- Vậy tôi xin đi ngay.
Sau một cái nhìn đắm đuối, như gửi linh hồn vào người yêu, Lương ngả đầu chào, rồi vội vàng xuống gác.
Hồng bảo Nga:
- Cảm ơn chị... Gớm! sao mà chị chịu được hắn ta
Nga, giọng nói đầy tình thương.
- Anh ấy khổ sở lắm, chị ạ. Mà đối với những người khổ sở thì mình tiếc làm gì mấy lời tử tế. Tôi cho đó là một nhiệm vụ của phụ nữ.
Dứt lời, nàng cười vang, như để làm bớt vẻ trang nghiêm của câu nói hơi đạo mạo.

PHẦN THỨ HAI

Chương 11


Lương ở nhà Căn về, trong lòng hồi hộp sung sướng. Chàng thấy sau khi cạo răng trắng, Hồng đẹp lên bội phần. Mà Hồng cạo răng trắng là vì chàng. Ngày hội Sinh viên năm ngoái chàng có lớn tiếng bình phẩm một câu về cái hàm răng đen của Hồng. Thì ra Hồng nghe thấy nên đã làm theo ý muốn của chàng. Lương cho cử chỉ ấy kín đáo và âu yếm quá. Chàng nghĩ thầm: "Bao giờ cũng vậy và khoa tâm lý cũng dạy thế, tình yêu của phái yếu vẫn âm thầm và sâu xa hơn tình yêu của phái khỏe". Chàng mỉm cười nghĩ tiếp: "Âm thầm thì âm thầm thực. Lại bí mật nữa. Như đối với mình, Hồng thường giữ một vẻ mặt lạnh lùng làm như ác cảm mình lắm. Kỳ thực thì trái hắn. Chỉ ngắm đôi con mắt thỉnh thoảng liếc trộm mình cũng đủ hiểu. Trời ơi! đôi con mắt! mới tình tứ lắm sao! Như muốn trao cả linh hồn cho mình. Ðôi con mắt!... đáng giá ngàn vàng, đôi con mắt ấy!"
Cái ý nghĩ càng làm cho Lương buồn rầu: chàng nhớ tới cảnh ngộ, tới thân phận chàng, nếu Hồng đáng giá nghìn vàng, thì sự ước mong của chàng chẳng hóa hão huyền ư? Vì chàng nghèo. Mà Nga, người bạn thân của Hồng cũng thừa biết chàng nghèo, không có một chút tài sản gì. Thế nào Nga chẳng nói cho Hồng rõ tình cảnh chàng. Lâu nay chàng ngấm ngầm nuôi cái chí quả quyết hỏi Hồng làm vợ. Và đã nhiều lần chàng toan ngỏ lời nhờ Nga giúp nhưng vẫn chưa dám. Nay chàng bỗng thấy cái chí của chàng hơi lung lay "Hỏi Hồng, mình nghèo thế này ai gả?"

Một tia hy vọng nảy ra trong lòng chàng: chàng nghĩ đến Căn. Căn cũng chẳng giàu mà cũng chẳng ở một địa vị cao sang gì, thế mà Căn lấy được Hảo, chị Hồng. Vậy sao chàng lại không lấy được Hồng? Kể về trí thức, về học vấn, chàng còn hơn Căn nhiều. Chàng chưa có một địa vị vững vàng, một chức nghiệp chắc chắn, nhưng chàng mới hai mươi bốn tuổi. Tương lai chàng còn dài. Ðời chàng còn nhiều hy vọng. Chàng sẽ học lấy để thi vào một ngạch tây, lương những mấy trăm một tháng. Vả cứ dạy học ở trường tư thục, chàng cũng có thể dần dần xin tăng số giờ lên được. Bạn đồng nghiệp của chàng nhiều người cũng chỉ có bằng tú tài như chàng mà mỗi tháng kiểm nổi trăm rưỡi, hai trăm, thì sao chàng không tới được số lương ấy. Tài dạy học của chàng đã được ông giám đốc biết đến. Và trừ cái ban năm thứ hai ra, học trò các lớp đều mến phục chàng cả.
Nghĩ đến ban năm thứ hai với hai giờ tiếng Annam, Lương lại buồn. Bọn học trò nghịch ngợm, hỗn xược ấy đã có phen làm chàng chán cái nghề dạy học. Chàng lẩm bẩm: "Lũ quỷ sứ". Trong lớp ấy, sự an ủi của chàng là ba cặp mắt đen lay láy hiền lành, đầy tính trắc ẩn của ba nữ học sinh. "Ba con cừu mũm mĩm lạc vào một đàn dê dữ tợn, thô tục", chàng thường nới với Nga thế. Chàng nhớ một hôm, một cặp mắt đen láy đã rớm lệ vì thấy ông thầy dạy tiếng Annam bị bọn "quỷ sứ" trêu tức phải đập bàn gào thét.
Lương cảm động tự nhủ thầm: "Con gái bao giờ cũng có lòng tốt." Và chàng tưởng tới Hồng: "Nếu Hồng biết mình khổ sở thì Hồng chẳng nỡ cự tuyệt mình. Phái yếu họ vẫn giàu tình cảm... "
- Anh đi bộ à?

Lương ngoảnh nhìn ra đường. Cái xe nhà của Căn trên có Nga và Hồng chạy vượt qua.
Nga quay lại hỏi tiếp:
- Từ đây về tận phố hàng Ðẫy, xa thế mà anh chịu khó cuốc bộ?
Lương mỉm cười ngượng nghịu:
- Tôi đi cho đói để về ăn cho ngon cơm.
Chàng nhìn theo thấy Nga ra hiệu bảo anh phu xe đỗ lại. Nhưng vừa kìm thì Hồng vội xua tay giục đi. Tình yêu làm cho Lương có những tư tưởng lạc quan. Chàng coi đó là một triệu chứng hay: Hồng bẽn lẽn là vì Hồng đã cảm thấy xiêu lòng vì chàng.
Xe đã xa. Lương còn cao tiếng, hỏi:
- Hai chị đi đâu đấy?

Nga quay lại đáp. Chàng nghe rõ có hai tiếng "Gô đa".
Ðến cửa nhà Gô đa chàng dừng bước thở mạnh cho tim đập chậm lại vì chàng đã đi mau quá. Chàng sợ hai thiếu nữ sẽ nhận thấy sự hồi hộp. Chàng tự biết rằng khi hồi hộp mình rất vô duyên: mắt ngơ ngác, mồm há ra, lời nói ấp úng. Vào tới bàn trả tiền, Lương gặp Nga và Hồng đi ra. Chàng lúng túng ngả đầu chào.
Nga cười hỏi:
- Anh mua gì đấy?
Lương ngập ngừng:
- Tôi... vào chơi... cũng chưa định mua gì.
- Vậy chào anh nhé.
Lương cố giữ vẻ mặt tự nhiên:
- Hai chị về vội thế? Không mua gì à?
Nga lại cười:
- Có chị Hồng đã mua một cái bàn chải với một hộp phấn đánh răng.
Lương tưởng nên nói một câu khôi hài, quay hỏi Hồng:
- Phấn đen hay phấn trắng đấy, chị?
Hồng, vẻ mặt trang nghiêm, lạnh lùng đáp:
- Phấn trắng.
Ðoạn, lững thững tiến ra phía cửa, để Nga một mình đứng lại nới chuyện với Lương.
Thấy thế, Nga giơ tay bắt tay bạn đồng nghiệp rồi đi theo ra.
- Hai chị về thực đấy à?
Nga cười đáp:
- Về thực.

Lương cũng muốn về ngay, nhưng sợ làm như thế mình sẽ tỏ rõ cái chủ tâm vào Gô đa theo đuổi gái. Chàng liền đi lang thang từ gian bán đồng hồ vòng ra gian bán sách, mắt nhìn vơ vẩn thứ nọ thứ kia mà chẳng chủ ý tới một cái gì. Chàng lo lắng, buồn rầu tự nhủ: "Quái! Hồng như cố ý lánh mặt mình".
Tới gương tủ ca vát, chàng dừng lại nửa giây liếc qua diện mạo. Chàng không dám ngắm nghía lâu, sợ người ta để ý bình phẩm, vì hôm nay nhằm chiều thứ bảy, khách mua hàng rất đông. Nhưng nửa giây ấy cũng đủ cho chàng nhận thấy sự tiều tụy của cái ca vát, đương đeo. Khi thắt nó, chàng cố dấu chỗ sờn rách vào phía trong, đến nỗi kéo bản rộng lên cao quá làm cái nút to ụ giữa hai cánh cổ mềm. Nhưng cái màu bạc của nó thì chàng dấu sao được. Màu ấy trước kia là màu xanh nhạt, nay đã trở thành một màu không tên, không hắn xám, mà cũng không hắn vàng.
Lần này là lần đầu chàng nhận thấy không hay hớm gì cái huy hiệu "người có ca vát độc nhất" mà chàng tự đặt cho mình, như có ý để khoe khoang sự nghèo túng với chúng bạn. Kể thì chẳng cứ gì về ca vát chàng có độc một cái, mà về thứ y phục gì chàng cũng chẳng mấy khi có đến hai. Nhưng cái ca vát lồ lộ ở giữa ngực, người ta trông thấy ngay rằng nó mới hay cũ, nó nhã nhặn hay quê mùa. Cổ áo, đôi giày và ca vát, nhất là ca vát, đó là ba thứ làm tôn hay làm giảm giá trị con người ở trước mặt một thiếu nữ xinh tươi.

Lương vừa đứng chọn ca vát vừa loay hoay với những ý tưởng phức tạp ấy. Bỗng chàng khẽ kêu: "Ừ! khá lắm!" Và chàng lùi ra một bước ngắm nghía. Cái ca vát ấy nền xanh thẫm có điểm những hình thêu màu đỏ rất nổi. Lương lật vội phía trái ra xem giá, và nhún vai thì thầm "Hơi đắt!"
Kể thì đắt thật, vì cái giá hai đồng rưỡi đối với số ngoài ba chục bạc lương của chàng có lẽ cũng hơi quá. Nhưng Lương không thể rời cái ca vát mà đi được. Tay chàng vân vẻ, mắt lộ vẻ thèm muốn. Rồi chàng mở ví ra soát lại tài sản: trả xong tiền ăn, tiền trọ, tiền giựt tạm, còn lại tất cả tám đồng, thì phải để ra ba đồng trả học phí cho Thiện (nhà trường trừ cho chàng năm mươi phần trăm). Còn có năm đồng vừa tiền xe vừa tiêu vặt suốt tháng của hai anh em.
Lương mỉm cười nghĩ thầm: "Chà mua ca vát cũng là tiêu vặt chứ gì!" Chàng liền quả quyết dõng dạc gọi người bán hàng, vì chàng cho rằng hễ ngần ngại, đắn đo suy tính là không mua được cái gì hết: "Kể thiếu thì mình thiếu nhiều, cứ gì một khoản tiêu vặt hay tiền xe!"
Trước khi người bán hàng đem ra bàn trả tiền, Lương đòi ướm thử ca vát xem có nổi không. Lúc này chàng ta tha hồ tự ngắm nghía trong gương chẳng còn sợ ai dị nghị, vì ai cũng biết chàng chọn ca vát... Chàng thấy chàng có cái trán hơi nhô, nhưng rộng, hàm răng hơi vổ nhưng đã có cặp mắt kéo lại, cặp mắt mà chàng cho là rất thông minh. Cái sẹo bóng ở thái dương phía trái, mái tóc rẽ đường ngôi bên phải cũng che gần kín hắn, nó không lồ lộ như trước kia khi tóc chàng chải lật.
- Vậy ông có ưng không?
Lương quay ra mỉm cười:
- Ưng, ưng lắm.
Trả tiền xong, Lương hối hận nghĩ thầm:
"Chết chửa, hai đồng rưỡi cái ca vát! Mình hoang quá!" Nhưng lúc chàng tưởng tới ngày hôm sau, chủ nhật, chàng sẽ đến chơi nhà Căn thì chàng hết hối hận ngay. Và chàng vui vẻ ra cửa thuê xe về nhà vì sợ em đợi cơm.

PHẦN THỨ HAI

Chương 12


Sáng hôm sau đứng trước cái gương chữ nhật khung gỗ, Lương tháo đi tháo lại đã ba lần vẫn chưa thắt xong ca vát.
Ngay bên cạnh, trên cái ghế nhựa quang dầu, một người cuộn tròn trong chăn nằm ngủ.
Lương gọi:
- Thiện! Thiện ơi! Thiện!
Thiện thò đầu ra ngoài chăn hỏi:
- Cái gì thế anh?
- Ngủ gì mà ngủ trưa thế, dậy mà ngắm ca vát mới của anh.
Thiện lại thụt đầu vào trong chăn:
- Em biết rồi, cái ca vát của anh đẹp lắm.
Lương chau mày, gắt:
- Thiện, nhất định ngủ trưa à? Ngủ gì mà ngủ lắm thế, có mụ người đi không?
Thiện, giọng van lơn:
- Anh để cho em ngủ mười lăm phút nữa thôi. Với lại chủ nhật này không đi chơi xa dậy sớm làm gì, vô ích.

Lương hơi ngượng với Thiện. Hai anh em đã bàn nhau chủ nhật đi bộ sang Gia Lâm, đến chơi nhà một người bạn thân. Bỗng chiều hôm trước, Lương đổi ý kiến nói bận việc không đi được. Sự thực chàng không bận một việc gì hết. Chàng ở lại chỉ vì Hồng. Nghĩ đến Hồng, Lương lại tò mò ngắm nghía cái hình trong gương. Thoạt nhìn, chàng nhận ngay thấy mình không xinh trai, nhưng phân tích ra từng thứ một, chàng cho rằng chàng cũng không đến nỗi xấu quá như chàng tưởng. Chàng tìm sự thông minh ở cái trán rộng, sự thẳng thắn ở cái sống mũi cao, sự chân thật ở cặp môi dầy, sự hiền từ ở đôi con mắt cận thị mà chàng cho là tình tứ. Cả đến cái sẹo thấp thoáng trong món tóc ở thái dương chàng cũng không thấy chướng, mà trái lại còn cho là có duyên nữa;
- Thế Thiện nhất định ngủ lại đây?
Không thấy trả lời, và tưởng em đã ngủ lại, chàng nhún vai nói tiếp:
- Sao mà nó ngủ dễ thế? Sung sướng quá những người có tâm hồn bình tĩnh.
Một tiếng cười to phá lên:
- Vì những người ấy không mắc vào lưới ái tình.
- Chưa ngủ à?
Thiện tung chăn ngồi dậy:
- Thôi, không ngủ nữa. Ði chơi đi anh!
Lương ngần ngừ nhìn em:
- Anh hơi bận chút việc, em ạ.
Thiện mỉm cười láu lỉnh:
- Anh lại đến đằng ông đốc đánh tổ tôm chứ gì?
- Em đoán đúng đấy. Tổ tôm góp có một đồng thôi ấy mà.
- Vậy cho em ngồi chầu rìa nhé? Ồ, thích nhỉ, em đi mặc quần áo đây.

Thiện nhảy xuống sàn vui vẻ múa hai tay lên, hát nghêu ngao. Kỳ thực lòng chàng buồn rượi. Từ khi thấy anh ngơ ngẩn nhớ nhung, chàng sinh ra ghen. Không phải lòng ghen ghét của kẻ không yêu đối với người có ý trung nhân, nhưng tình ghen tuông, như vợ chồng ghen nhau, ghen bóng ghen gió.
Cha chết đi, Lương và Thiện sống trong sự cô độc mênh mang, tuy thời còn cha, hai người cũng đã cảm thấy cô độc rồi. Vì thế chúng quyến luyến săn sóc đến nhau, thân yêu nhau hơn là trong tình anh em. Thiện coi Lương như một người mẹ, và Lương chăm nom, bảo ban Thiện như một người chị gái đối với em.
Mỗi lần Lương có một bạn thân mới, Thiện lại buồn phiền, và hơn thế nữa, tỏ vẻ tức tối căm hờn đối với người bạn của anh, dù khi người ấy trở nên bạn thân của mình. Thiện muốn giữ hoàn toàn tình yêu của anh như người vợ muốn chiếm lấy một mình sự thương mến của chồng không để ai san sẻ. Nay Thiện biết sự nguy hiểm có phần hệ trọng hơn mọi lần. Mọi lần chàng chỉ đương đầu với tình bằng hữu, lần này chàng đoán như không phải tình bằng hữu nữa. Trong sự băn khoăn, trên vẻ mặt bần thần của anh, Thiện nhận thấy tình yêu của một người đàn bà. Chàng đã cố tìm biết xem người đàn bà ấy là ai, và một dạo đã ngờ vực, thù ghét và đặt điều nói xấu Nga, vì tưởng Nga là ý trung nhân của anh.
- Thế nào, anh có ưng để em cùng đi với không?
Lương ngẫm nghĩ đáp:
- Không. Em chả nên bén mảng đến nơi cờ bạc làm gì. Em cần học tập để sắp thi.
- Còn anh?

Mắt em nhìn thẳng vào mắt anh, khiến Lương ngượng ngùng cúi mặt. Chàng lấy làm tự thẹn đã nói dối em. Bỗng chàng ngửng đầu lên cười:
- Năm nay em mới mười tám tuổi!
Thiện khôi hài ngắt lời:
- Mười tám tuổi ta thôi đấy.
- Vậy chắc em chưa hiểu tình yêu là gì, vì em chưa yêu ai.
Thiện thản nhiên đáp:
- Có em yêu anh.
Rồi cười lớn để cố làm cho câu trả lời thành thực của mình có vẻ hài hước:
- Vâng, em chỉ yêu có anh, yêu trong linh hồn trong lý tưởng.
Thiện lại cười:
- Và em muốn mãi là người tình của anh, có được không anh?
- Sao lại không được... Nhưng thực ra thì không được đâu, em ạ, vì nay...
Lương suy nghĩ, trù trừ.
- Vì sao, anh?
- Vì anh đã phụ tình em rồi.

Thiện vẫn cười:
- Thực à?
- Thực, anh yêu, mà yêu thực kia.
- Thế còn yêu em là yêu giả đấy?
- Không phải... Nhưng lần này anh yêu nghĩa là... yêu một thiếu nữ...
Thiện vỗ tay reo:
- Thế à? Ồ thích nhỉ!
Nhưng buồn man mác đã hiện trên vẻ mặt Thiện. Bỗng chàng ngừng cười, tàn ác hỏi:
- Anh yêu thực à? Nhưng người ta có yêu anh không đã chứ?
Lương đem chuyện gặp Hồng kể cho em nghe không giấu một tí gì, cả nỗi băn khoăn không lấy được Hồng.
Chàng nói tiếp:
- Hồng thì anh không sợ lắm, anh chỉ sợ nhà Hồng, vì em phải biết anh chẳng giàu có gì.
Thiện mỉa mai:
- Chẳng giàu? Nghèo hắn ấy chứ lị.
- Nhưng anh không nghèo mãi đâu. Anh sẽ giàu... nghĩa là anh sẽ không nghèo. Mà anh muốn thế, thì sẽ được thế.
- Ðể cưới Hồng phải không?

Lương mê man với cái chí làm giàu, không để ý đến câu chua chát của em. Chàng nói cho Thiện biết cái mộng tương lai rực rỡ của chàng. Bỗng rút đồng hồ xem chàng kêu:
- Chết! gần chín giờ. Không khéo họ đi Gô đa mất rồi!
Giơ tay hôn gửi em, chàng vội vàng, hấp tấp xuống thang gác. Tới nhà Căn, Lương gặp Hảo ngồi ở hàng, còn Căn, Hồng và Nga thì đương nói chuyện ở trên gác.
Căn vui vẻ bắt tay chàng:
- Ông giáo! Hôm nay chủ nhật ông không đi chơi đâu?
Lương đáp:
- Thưa ông, tôi toan hỏi ông câu ấy.
Nga cười:
- Người ta đến thăm mình, lại bảo người ta không đi chơi đâu.
Căn chữa:
- Anh bảo đi chơi là đi chơi xa kia, chứ đến đây thì ngày ngày ông giáo thường đến rồi, còn hỏi làm gì.
Câu nói làm cho Lương hơi ngượng. Thấy thế Nga đánh trống lảng:
- Sao các anh cứ gọi nhau bằng ông thế? Ông giáo với ông phán rõ kiểu cách quá! Gọi nhau bằng anh Căn với anh Lương có giản dị và dễ nghe hơn không? Có phải không Hồng?

Hồng không đáp, chỉ mủm mỉm cười. Nhưng trong cái mủm mỉm ấy, Lương tưởng có ẩn một tình cảm sâu xa đối với mình.
Câu chuyện xoay về phạm vi dạy học, Lương kể những cách khôn khéo của mình để bắt những trò gian lận trong các kỳ thi tam cá nguyệt. Căn và Nga cười rất vui vẻ. Lương cố moi óc tìm những câu khôi hài ý vị để làm Hồng cười mà không được. Chàng nghĩ thầm: "Kín đáo, bí mật quá!" Và chàng sinh ra tức tối khó chịu. Nếu chàng biết Hồng đã quen nghe chuyện với một vẻ mặt thản nhiên như thế trong những bữa cơm gia đình, thì chàng đã không khổ tâm về cái thái độ lạnh lùng của Hồng. Sau cùng Hồng cũng phê bình một câu:
- Học trò trường tư vẫn nghịch ngợm hơn học trò trường công.
Nàng nói trống không, nhưng Lương cho rằng nàng nói với mình, liền quay lại đáp:
- Vâng, chính thế. Nhưng cũng có nhiều lớp, học trò biết điều, chăm chỉ và lễ phép.
Hồng nhìn Nga như để phân trần: "Tôi có nói với ông ấy đâu!"
Ðến đây, Căn đứng dậy bảo Lương:
- Mời ông ngồi chơi, tôi xin phép đi đằng này có chút việc cần.

Lương yên lặng bắt tay rất mạnh, hai con mắt lấp lánh sự cảm ơn.
Quả khi Căn đi rồi, câu chuyện trở nên thân mật hơn, tự do hơn. Và có lúc Hồng đã để tai chăm chú nghe những lời run rung vì cảm động của Lương.
Rồi Nga bàn "tổ chức một cuộc" đi chơi Gô đa. Nhưng Hồng thoái thác nhức đầu, xin ở nhà. Biết rằng ngồi dốn lại không tiện, Lương đứng dậy ngả đầu cáo từ xin về.
Qua cửa hàng Lương dừng lại hỏi Hảo mấy lời vấn an, và như mọi lần chàng nhắc tới câu khuyên bảo:
- Thưa bà, bà phải tĩnh dưỡng, chả nên làm việc quá nhiều hại sức khỏe lắm.
Rồi chàng cúi chào, vội vàng ra đi.
Tới hồ Hoàn Kiếm, Lương dạo quanh một vòng ngắm cái cảnh tươi đẹp của Hà thành, mà hôm nay chàng thấy tươi đẹp bội phần. Cái tháp nhỏ giữa hồ dưới ánh nắng buổi sáng, hiện ra như một khối vàng trên làn nước màu ngọc thúy.

HOMECHAT
1 | 1 | 204
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com