watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
20:08:2018/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử V - Trang 9
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử V
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 9 trong tổng số 10


THIÊN XXXVIII

NẠN TAM (TRÍCH)
0


1-Phải trọng dụng kẻ cáo gian (tố cáo kẻ gian)

Lỗ Mục công hỏi Tử Tư (cháu nội của Khổng Tử):
- Ta nghe nói con của họ Bàng Giản[1] bất hiếu. Hạnh kiểm nó ra sao?
Tử Tư đáp:
- Người quân tử tôn hiền, trọng đức, nêu điều tốt ra để khuyên người, còn những hạnh kiểm lầm lẫn là để cho tiểu nhân nhớ, thần không biết tới.
Tử Tư lui ra, Tử Phục Lệ Bá (một đại phu nước Lỗ) vô, Mục công hỏi về con họ Bàng Giản. Tử Phục Lệ Bá đáp:
- Nó có ba cái lỗi mà nhà vua chưa được nghe.
Từ đó, Mục Công quý Tử Tư mà coi thường Lệ Bá.

*

Có người bảo:
Công Thất[2] nước Lỗ ba đời bị họ Quí lấn áp, cũng là đáng! Bậc minh quân tìm người tốt để thưởng, kẻ gian để phạt, hai việc đó đều chung một nghĩa. Cho nên kẻ báo cáo người tốt là để cùng với vua mà mừng, kẻ báo cáo đứa gian là để cùng với vua mà ghét, và cả hai người báo cáo đó đều đáng khen thưởng. Không báo cáo với vua là không đồng lòng với vua mà kẻ dưới sẽ đứng về phe gian, thái độ đó đáng chê phạt. Tử Tư không báo cáo lỗi (của con họ Bàng Giản) mà Mục Công quí, Lệ Bá báo cáo mà Mục Công coi rẻ. Nhân tình ai cũng thích được quí mà ghét bị coi rẻ, vì vậy họ Quí làm loạn mà không biết, và vua Lỗ mới bị lấn áp. Đó là cái thói của các ông vua mất nước, dân nước Trâu và nước Lỗ[3] cho thói đó là đẹp, và riêng Mục Công lại quí, chẳng là trái lẽ ư?

*

2- Không nên nghe lời tô điểm (giả dối, tự biện hộ) của bề tôi.
(Hàn Phi ghét hạng bề tôi khi vua mình bị địch giết, vội đầu hàng địch và hứa sẽ thờ vua địch như thờ vua cũ của mình).

3- Không để cho kẻ dưới lấn người trên, địa vị trên dưới phải phân minh:
Có người đố Tề Hoàn công: “Cái khó thứ nhất, cái khó thứ nhì, cái khó thứ ba là cái gì?” Hoàn Công không giải đáp được, hỏi Quản Trọng, Quản Trọng đáp: “Cái khó[4] thứ nhất là gần bọn kép hát mà xa kẻ sĩ, cái khó thứ nhì là rời quốc đô để thường ra biển chơi, cái khó thứ ba là vua đã già mà chậm lập thái tử”. Hoàn Công khen phải rồi không đợi lựa ngày mà làm lễ lập thái tử ở thái miếu.

*

Có người bảo:
Quản Trọng giải câu đố đó không đúng. Việc dùng kẻ sĩ không ở chỗ xa hay gần (xa họ vẫn có thể dùng được); còn bọn kép hát và hề lùn giải muộn cho vua lúc nhàn, cho nên vua gần bọn họ mà xa kẻ sĩ, nước vẫn trị được, không phải là điều khó. Có được (quyền) thế mà không biết dùng, chỉ cố giữ lấy quốc đô, không rời nó, tức là lấy sức một người (tức vua) mà cấm cả một nước (chiếm quốc đô); lấy sức một người mà cấm cả một nước, ít ai thành công được. Sáng suốt thì có thể soi thấu được việc gian ở xa, thấy được chỗ kín đáo nhỏ nhặt, hễ ra lệnh tất được thi hành, thì dù có đi chơi xa ở biển, trong nước cũng không có biến loạn, vậy có bỏ quốc đô, ra chơi ở biển mà không bị cướp ngôi, bị giết, không phải là điều khó (….) Không chia hai địa vị và quyền thế, để cho con thứ ở địa vị thấp (không lấn được thái tử), không cho ái thiếp mượn quyền thế của mình, thì dù già mà chậm lập thái tử cũng không sao; vậy thì lập thái tử trễ mà con thứ không làm loạn, cũng không phải là điều khó. Những cái này mới khó: để cho người ta lập được thế mạnh rồi mà giữ cho người ta không lấn hại mình, đó có thể gọi là cái khó thứ nhất; quí ái thiếp mà giữ sao cho khỏi có hai hoàng hậu (ái thiếp quyền ngang với hoàng hậu), đó là cái khó thứ nhì; yêu con thứ mà giữ sao cho con đích (con dòng lớn, tức thái tử) khỏi bị nguy; chuyên nghe một bề tôi mà giữ sao cho họ không đối địch với mình, đó có thể gọi là cái khó thứ ba.

*

 4- Làm cho dân vui, chọn người hiền và tiết kiệm, ba việc đó không cần bằng biết rõ bề tôi.
 Nhiếp[5] công (một đại phu nước Sở) tự là Tử Cao hỏi Trọng Ni về chính trị, Trọng Ni đáp: “Việc chính trị cốt làm cho kẻ ở gần vui mà kẻ ở xa tìm đến.”
Lỗ Ai Công hỏi về chính trị, Trọng Ni đáp: “Chính trị cốt ở chỗ lựa người hiền”.
 Tề Cảnh công hỏi về chính trị, Trọng Ni đáp: “Việc chính trị cốt ở việc tiết kiệm tài sản”.
 Ba ông đó ra, Tử Cống (một đệ tử của Trọng Ni) hỏi: “Ba ông đó cùng hỏi một câu về chính trị mà thầy đáp mỗi ông một khác là tại sao?” Trọng Ni đáp: “Nước Nhiếp kinh đô lớn mà đất đai nhỏ, dân có lòng phản bội, cho nên việc cai trị cốt làm cho kẻ ở gần vui mà kẻ ở xa tìm đến. Lỗ Ai Công có ba vị đại thần, họ ngoài thì ngăn cản kẻ sĩ các nước chư hầu bốn bên, trong thì kết bè đảng để gạt vua; khiến cho tôn miếu không được quét dọn, nền xã tắc (nơi thờ Thần Đất và Thần Nông) không được cúng tế, tất là tại ba đại thần đó cả, vì vậy mà thầy bảo việc chính trị cốt ở chỗ lựa người hiền. Tề Cảnh Công xây cửa Ung (cửa thành) và đài Lộ Tẩm, (nhân vui mà) trong một buổi sáng cho ba đại phu một thái ấp ba trăm cỗ xe[6] bởi vậy thầy bảo việc chính trị cốt ở chỗ tiết kiệm tài sản”.

*

Có người bảo:
 Câu trả lời của Trọng Ni là lời nói làm cho mất nước. Dân nước Nhiếp đã có lòng phản bội mà còn khuyên Nhiếp Công làm cho người ở gần vui, người ở xa tìm đến, như vậy là dạy cho dân chờ mong ân huệ. Dùng chính sách gia ân đó thì kẻ không có công được thưởng, kẻ có tội được tha, mà pháp độ sẽ bại hoại. Pháp độ bại hoại thì chính trị loạn, dùng chính trị loạn để trị dân bại hoại, là việc chưa từng thấy thành công. Vả lại dân có lòng phản bội là vì sự sáng suốt của vua có chỗ không thấu đáo. Không chỉ cho Nhiếp Công thêm sáng suốt mà lại khuyên làm cho kẻ ở gần vui, kẻ ở xa tìm đến, đó là không dùng quyền thế của mình để cấm mà cùng với bề tôi tranh dân bằng ân huệ, như vậy làm sao giữ được quyền thế của mình (….)
Ai Công có bề tôi, ngoài thì ngăn cản (người nước khác đến), trong thì lập bè đảng mê hoặc vua; vậy mà Trọng Ni lại khuyên ông lựa người hiền không phải theo cách xét công nghiệp của người, chỉ chọn người lòng mình cho là hiền thôi. Nếu Ai Công biết rằng ba đại thần của mình (tức Mạnh Tôn, Thúc Tôn, Quí Tôn) ngoài thì ngăn cản kẻ sĩ các nước chư hầu, trong thì kết bè đảng, thì ba người đó không đứng được một ngày nữa; chính vì Ai Công không biết lựa người hiền, chỉ lựa người mà lòng ông cho là hiền, nên họ mới được giao cho việc nước. Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền mà chê Tôn Khanh[7] cho nên phải chết nhục. Phù Sai cho thái tử Phỉ là có trí, Tử Tư[8] là ngu cho nên bị nước Việt diệt. Vua Lỗ nhất định không biết ai là hiền, mà lại khuyên ông lựa người hiền, tức là khiến ông bị cái họa của Phù Sai và Tử Khoái nước Yên. Bậc minh quân không tự đề cử bề tôi mà để cho bề tôi tự tiến thân (bằng cách lập công), không tự cho ai là hiền mà xét ai tùy theo công nghiệp của người đó; bổ nhiệm họ để xét họ, giao cho công việc để thử tài rồi phán đoán tùy theo kết quả, cho nên quần thần ngay thẳng, không mưu lợi riêng, không giấu người hiền, không tiến cử kẻ bất tiếu, như vậy vua đâu có khó nhọc về việc chọn người hiền?
 Cảnh Công ban 100 cỗ xe cho bề tôi mà Trọng Ni khuyên ông phải tiết kiệm tài sản, là không có thuật để phân biệt xa xỉ và tiết kiệm; vả lại riêng vua phải kiệm ước thì đâu đủ tránh được sự nghèo. Ví dụ có ông vua lấy lộc ngàn dặm để nuôi miệng mình thì dù Kiệt, Trụ cũng không xa xỉ bằng; hoặc nước Tề rộng ba ngàn dặm mà Hoàn Công lấy lộc một nửa nước để tự cung dưỡng thì là xa xỉ hơn Kiệt, Trụ. Nhưng Hoàn Công đứng đầu ngũ bá chính là nhờ khi nào nên xa xỉ, khi nào nên tiết kiệm (…) Bậc minh quân khiến cho bề tôi không lo việc riêng, cấm họ nhờ gian trá mà sống; bề tôi nào tận lực làm việc thì tất biết, biết thì tất thưởng; bề tôi nào tham ô làm việc riêng tư thì tất biết, biết thì tất phạt. Như vậy bề tôi trung sẽ hết lòng với việc công, dân và kẻ sĩ hết sức với việc nhà, bách quan sẽ thanh liêm, tự kiềm chế mình để phục vụ vua, và trong việc thưởng vua có xa xỉ gấp hai Cảnh công cũng không hại gì cho nước. Vậy lời khuyên tiết kiệm tài sản không phải là điều cần gấp cho Cảnh Công. Trọng Ni chỉ trả lời ba ông Nhiếp công, Ai công, Cảnh công một câu này thôi là họ không lo gì nữa cả: “Phải biết kẻ dưới”. Biết rõ người dưới thì cấm ngay từ khi ý gian mới hiện, cấm như vậy thì sự gian không tích lũy, thì không có lòng làm phản. Biết rõ người dưới thì thấy một cách tường tận, thấy tường tận thì sáng suốt trong việc thưởng phạt, sáng suốt trong việc thưởng phạt thì nước không nghèo. Cho nên tôi bảo rằng chỉ trả lời ba ông ấy một câu: “Phải biết kẻ dưới” là họ không còn lo gì nữa.

*

5- Trị dân thì đừng cậy ở trí khôn của mình mà cứ theo pháp luật- Phải lấy vật trị vật, lấy người trị người.
 Tử Sản nước Trịnh sáng sớm ra đi, qua cửa phường Đông Tượng[9] nghe tiếng một người đàn bà khóc, bèn vỗ vào tay người đánh xe, (bảo ngừng lại), lắng tai nghe một lát rồi sai người thuộc hạ bắt người đàn bà đó, lại tra hỏi thì ra mụ ta đã tự tay thắt cổ chồng. Hôm khác, người đánh xe hỏi ông: “Ngài làm sao biết được?” Ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ. Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết, không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết có tình ý gian”.

*

Có người bảo:
 Tử Sản trị dân cách đó cũng chẳng rắc rối ư? Phải đợi trông thấy, nghe thấy rồi mới biết được là gian thì nước Trịnh bắt được ít kẻ gian lắm. Không dùng bọn lại coi về ngục tụng, không dùng chính sách khảo sát nhiều mặt, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà cậy vào sự tận dụng trí thông minh, sự suy tư mệt trí của mình mới biết được kẻ gian, chẳng là thiếu thuật quá ư? Vả lại sự việc thì nhiều mà trí lực thì ít, ít không thắng được nhiều, cho nên phải lấy vật mà trị vật; kẻ dưới thì nhiều mà người trên thì ít, ít không thắng được nhiều, cho nên phải dùng người mà trị người; như vậy không lao lực mà được việc, không dùng nhiều trí lực mà bắt được kẻ gian. Người Tống có câu: “Nếu Nghệ (người bắn giỏi) bảo con chim sẻ nào bay qua cũng bắn được thì là Nghệ nói khoác. Nếu lấy thiên hạ làm cái lưới thì không một con chim sẻ nào sẽ thoát được.” Muốn biết kẻ gian thì cũng phải có cái lưới lớn mới không để thoát một kẻ nào cả. Không sửa cái lưới[10] mà cứ lấy lòng (trí khôn) mình làm cung tên thì dù Tử Sản cũng là khoác lác. Lão tử bảo: “Lấy trí khôn trị nước, tức là giặc (cái họa) của nước”[11] lời đó áp dụng vào Tử Sản được.

*

 6- Trị nước chỉ nên dựa vào cái thế của mình thôi. (Lược bỏ)

7-Thưởng phạt mà chỉ căn cứ vào bề ngoài thì bề tôi gian dối sẽ gạt mình được (Lược bỏ).

8- Pháp (luật) thì phải cho mọi người biết, thuật thì phải giấu mọi người.
Quản Tử (Quản Trọng) nói: “Lời nói ở nhà riêng thì phải đầy nhà riêng (nghĩa là ai cũng nghe thấy, không giấu ai cả), lời nói ở công đường thì phải đầy công đường, như vậy gọi là làm vua thiên hạ”.

*

Có người bảo:
Quản Trọng bảo “Lời nói ở nhà riêng phải đầy nhà riêng, lời nói ở công đường thì phải đầy công đường” không phải chỉ riêng trỏ những việc du hí, ăn uống, mà tất còn trỏ những việc lớn[12] nữa. Những việc lớn của bậc vua chúa nếu không phải là pháp luật thì là thuật. Pháp luật là cái chép trong sách vở, bày ở công sở và công bố cho toàn dân. Thuật là cái giấu trong lòng để so sánh mọi việc mà ngầm chế ngự quần thần. Cho nên pháp luật không gì bằng phải bày ra cho mọi người biết, mà thuật thì không muốn người khác thấy. Bậc minh chủ nói đến pháp luật thì hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết, chớ nào phải đầy nhà riêng mà thôi; còn như dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe, làm sao có thể đầy nhà riêng được? Vậy lời nói của Quản Tử không phải là lời nói đúng với pháp thuật.

[1] Bộ mễ bên chữ gian  Tự điển không có – Các nhà chú thích cho là chữ 撊(giản).
[2] Họ vua một nước chư hầu.
[3] Trâu và Lỗ là nơi phát nguyên của đạo Nho, nên dân hai nước đó được sự giáo hóa của Nho gia, có thói quen khen đức hạnh và giấu tội lỗi của người khác.
[4] Khó giữ cho nước khỏi loạn, ngôi vua khỏi mất.
[5] Chữ diệp là lá, đây đọc là Nhiếp, tên đất và tên họ.
[6] Thời đó thái ấp của đại phu là 100 cỗ xe, mỗi cỗ bằng sáu dặm vuông. Coi chú thích thiên XXXIII Ngoại trừ thuyết tả hạ.
[7] Tức Tuân Khanh, sư phụ của Hàn Phi. Hàn chỉ nhắc tới thầy ở mỗi đoạn này, mà không ai biết việc đó ra sao. Tử Khoái là vua nước Yên, xem chú thích thiên VII Nhị Bính.
[8] Phù Sai là vua nước Ngô không nghe lời Tử Tư, sau bị Câu Tiễn, vua Việt diệt.
[9] Có sách giảng là xóm thợ phía đông.
[10] Có sách chép là “bất tu kì lí” và giảng là không học cái lẽ đó.
[11] Đạo đức kinh – Chương LXV 2. Dĩ trí trị quốc, quốc chi tặc (dã).
[12] Nguyên văn: đại vật (vật lớn), có người giảng là lễ pháp.

THIÊN XXXIX

NẠN TỨ (Trích)
(BIỆN NẠN – IV)


Thiên này gồm bốn tiết và khác với ba thiên trên ở chỗ sau lời phê bình lại dẫn thêm một lời phê bình lời phê bình đó - đều của Hàn Phi - để bác ý kiến trên hoặc xét thêm một khía cạnh nữa của vấn đề.

*

1 -  Bề tôi và vua nên giữ phận mình. Lược bỏ.
2 - Vua nên sáng và nghiêm.
Dương Hổ nước Lỗ muốn đánh Tam Hoàn (ba đại phu trong công thất Lỗ, con của Lỗ Hoàn Công: Mạnh tôn, Thúc tôn và Quí tôn) không được, phải trốn qua Tề, Tề Cảnh Công lấy lễ tiếp đãi. Bão Văn tử can: “Không nên, Dương Hổ được họ Quí yêu mà lại đánh Quí tôn, là vì ham sự giàu có của họ ấy. Nhà vua giàu có hơn Quí tôn và nước Tề lớn hơn nước Lỗ, Dương Hổ sẽ còn hết sức gian trá nữa”. Cảnh Công bèn bỏ tù Dương Hổ.[1]


*

Có người bảo:
Nhà có ngàn vàng thì con cái bất nhân, vì họ quá gấp mưu lợi. (Tề) Cảnh Công đứng đầu trong ngũ bá, (mới đầu) tranh nước mà giết anh là vì cái lợi lớn quá. Giữa vua tôi không có tình anh em ruột thịt. Trong việc cướp quyền giết vua, chế ngự một nước vạn cỗ xe để hưởng cái lợi lớn thì bề tôi nào chẳng là Dương Hổ. Việc làm hễ tinh tế, khéo léo thì thành, sơ suất, vụng về thì thất bại. Bề tôi chưa khởi loạn là vì dự bị chưa đủ. Nhưng bề tôi nào cũng có cái lòng (cướp ngôi) như Dương Hổ mà vua không biết, là vì việc làm của họ tinh tế, khéo léo. Dương Hổ vì tham muốn đánh bề trên, mà để cho thiên hạ biết được là do hắn sơ suất, vụng về. (Không khuyên Cảnh Công trừng phạt bọn bề tôi gian xảo của Tề[2] mà khuyên ông trừng phạt tên Dương Hổ vụng về, đó là chỗ sai trong lời khuyên của Bão Văn tử. Bề tôi trung tín hay gian trá là tuỳ hành động của vua: vua sáng suốt và ngiêm khắc thì họ trung tín, vua nhu nhược và hôn ám thì họ gian trá. Sáng suốt là biết được cái tinh tế, nghiêm khắc là không tha tội. Không biết ai là bề tôi gian xảo của Tề[3] mà trị loạn thần của Lỗ, chẳng cũng bậy ư?

*

(Lại) có người bảo:
(…) Vua sáng và nghiêm thì bề tôi trung tín. Dương Hổ làm loạn ở Lỗ, việc không thành, chạy qua Tề, Tề không trừng trị, tức là để cho Hổ lại làm loạn ở Tề. Vua sáng suốt thì biết rằng việc trừng trị Dương Hổ có thể cứu loạn được cho Tề, như vậy là tinh tế thấy được tình thế (khi loạn chưa phát). Lời xưa có câu: “Chư hầu lấy nước làm tình thân”. Vua nghiêm khắc thì tội của Dương Hổ không thể bỏ qua, đó là phép “không tha tội”. Vậy giết Dương Hổ là để cho bề tôi phải trung tín. Chưa biết được bọn bề tôi của Tề kẻ nào gian xảo, mà bỏ sự trừng phạt một kẻ đã hiển nhiên làm phản, thế là trách kẻ chưa hẳn đã làm bậy mà không trừng trị cái tội rành rành, hành động đó bậy. Trừng phạt một kẻ làm loan ở Lỗ để thị oai với bọn bề tôi có lòng gian (ở Tề) mà lại được tình thân ái của Quí tôn, Mạnh tôn, Thúc tôn, lời khuyên của Bão Văn có gì là trái đâu.

*

3 – Chưa đáng giận thì đừng tỏ sắc giận ra, chưa đáng phạt thì đừng tỏ ý muốn phạt ra.
(Lược bỏ)

*

4 – Dùng người thì tránh đừng dùng kẻ mình yêu mà không thực hiền.
(Hàn Phi chép lại ở đây cố sự một người hầu bàn (đúng ra là hề lùn) đem giấc mộng thấy bếp để khuyên Vệ Linh Công đừng để cho một sủng thần là Di Tử Hà “che khuất”. Cố sự đó ông đã kể trong truyện là thiên Nội trừ thuyết thượng. Cuối truyện Hàn Phi thêm câu này:
“Vệ Linh công khen phải rồi đuổi Ung Tư, không dùng Di Tử Hà nữa mà dùng Tư không Cẩn”, rồi ông phê bình như sau:
Có người bảo:
Người hề lùn đó khéo đặt sự chuyện nằm mộng để bày tỏ cái đạo làm vua, nhưng Linh công không hiểu hết lời của anh ta. Đuổi Ung Tư, không dùng Di Tử Hà mà dùng Tư không Cẩn là bỏ người mình yêu mà dùng người hiền. Nhưng Tử Đô nước Trịnh cho Khánh Kiến là hiền mà bị Khánh Kiến che lấp. Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền[4]  mà bị Tử Chi che lấp. Bỏ người mình yêu mà dùng người mình cho là hiền, chưa chắc đã khỏi bị một người đứng phía trước mà che mình. Kẻ bất tiếu đứng phía trước của chúa, không nhất định là làm hại sự sáng suốt của chúa. Nếu không thấy sự sáng suốt cho mình mà để cho người (mình cho là) hiền đứng phía trước thì đất bị nguy.

*

(Lại) có người bảo:
Khuất Đào (một ông quan đời Xuân Thu) thích củ ấu, vua Văn vương thích dưa xương bồ. Hai món đó không phải là món ngon mà hai bậc hiền đó đều chuộng, vậy hợp khẩu vị chưa nhất định là ngon. Tấn Linh hầu ưa Tham Vô Tuất,[5] Tử Khoái nước Yên cho Tử Chi là hiền, hai người bề tôi đó không phải là kẻ sĩ chính trực mà được hai ông tôn trọng, vậy người mình cho là hiền vị tất đã hiền. Dùng người mình cho là hiền mà thực ra không hiền thì cũng như dùng người mình yêu, không khác gì. Dùng người thực sự hiền với dùng người mình yêu, hai cái khác nhau. Vì vậy Sở Trang vương dùng Tôn Thúc (Ngao) (một hiền thần) mà làm bá chủ, còn Thương Tân (tức vua Trụ nhà Thương) dùng Phí Trọng (một nịnh thần) mà bị diệt, hai ông vua đó đều dùng người mình cho là hiền mà kết quả trái ngược nhau. Tử Khoái nước Yên tuy đề cử người ông cho là hiền mà chỉ như dùng người ông yêu thôi. Trường hợp Vệ Linh Công có khác gì vậy? Người hề lùn đó chưa nhận ra được điều ấy. Vua Vệ bị che lấp mà không biết mình bị che lấp, sau khi anh ta nói, vua mới biết rằng mình bị che lấp, cho nên đuổi bọn bề tôi che lấp mình đi, như vậy là thêm sự sáng suốt cho mình rồi. Bảo: “Không thêm sự sáng suốt cho mình, mà để cho người (mình cho là) hiền đứng phía trước che mình thì tất bị nguy” (lời đó đúng); nhưng nay vua Vệ đã thêm sự sáng suốt cho mình rồi, thì dù bị (người mới dùng) che lấp mình, tất không bị nguy nữa.

[1] Sau Dương Hổ qua Triệu, được Triệu Giản chủ trọng dủng. Coi truyện 2c, thiên XXXIII, Ngoại trừ thuyết tả hạ.
[2] [3] Các nhà hiệu chú đều cho rằng phải thêm như vậy mới đủ nghĩa. Coi [3] sẽ thấy.
[4] Coi chú thích thiên VII Nhị kinh – chưa rõ truyện Tử Đô và Khánh Kiến.
[5] Chưa rõ là ai.

THIÊN XXII

THUYẾT LÂM THƯỢNG (Trích)
0


Thuyết lâm có thể hiểu là rừng truyện, rừng cố sự; chúng tôi dịch là Rừng mưu mô vì thiên này cũng như thiên sau, (Thuyết lâm hạ), (mà mọi học giả đều nhận là của Hàn Phi) chép toàn những mưu mô của người trước, đa số là chính trị gia, một số ít là người thường. Hàn Phi nhớ đâu chép đấy, không sắp đặt, phân loại, cũng không nhằm mục đích chứng minh học thuyết của ông mà cơ hồ chỉ để tặng các nhà cầm quyền và độc giả của ông một cái “túi thuật” của cổ nhân thôi.
Thiên này gồm 34 truyện, thiên sau gồm 37 truyện, tổng cộng là 71 truyện.[1]
Có một số truyện chép cả,
+ Trong Chiến Quốc sách, như:
Truyện XXII.8 tức truyện Ngụy sách 1.1 (Chiến Quốc sách, Lá Bối 1972)
- XXII 10 - Tống sách -1 nt.
- XXII 13 - Đông Chu sách 10 nt.
- XXII 17 - Sở sách IV 8 nt.
- XXII 22 - Ngụy sách 122 nt.
- XXII 28 – 8 - Ngụy sách 11.13 nt.
- XXII 34 - Tề sách 1.3 nt.
+ Hoặc trong Liệt tử, như: Truyện XXII.31 tức truyện Liệt tử II 16 0
- XXII.9 - Liệt tử VIII 24 nt.
Những truyện trùng nhau đó chép gần y hệt nhau, chỉ khác nhau ít chữ, không rõ sách nào chép của sách nào.
Chúng tôi bỏ không dịch lại những truyện đó, trừ truyện XXII.10, và chỉ trích trong thiên này 8 truyện để giới thiệu với độc giả, vì cho cả hai thiên đều không quan trọng, chỉ đáng coi là phần phụ lục thôi. Chúng tôi đánh số từng truyện cho dễ kiếm.

*

1. Thang đã diệt nhà Hạ (vua Kiệt), sợ mang tiếng là tham nên (làm bộ) đem thiên hạ nhường cho (một ẩn sĩ là) Vụ Quang, nhưng sợ Vụ Quang nhận, lại sai người thuyết Vụ Quang: “Thang giết vua mà muốn gieo tiếng xấu cho ông đấy”. Do đó, Vụ Quang nhảy xuống sông tự tử[2].
2. Tần Vô vương bảo Cam Mậu tự lựa lấy cho mình một trong hai chức: “bộc” (một chức hầu cận) hay “hành” (sứ thần). Mạnh Mão khuyên Cam Mậu[3]:
- Ông nên xin làm quan “bộc”. Sở trường của ông là đi sứ. Tuy ông giữ chức “bộc”, nhà vua cũng sẽ sai ông đi sứ; mà ông vừa cầm ấn quan “bộc” vừa làm việc của quan “hành”, như vậy là kiêm cả hai chức.
5. Nước Tấn đánh nước Hình, Tề Hoàn Công muốn cứu; Bão Thúc tâu:[4]
- Còn sớm quá! Nước Hình không mất thì nước Tấn không mệt, Tấn không mệt thì Tề không được trọng. Vả lại cái công cứu một nước nguy không lớn bằng cái đức phục hưng một nước đã mất. Tốt hơn, đại vương nên chậm cứu nước Hình để làm cho nước Tấn mệt, đợi cho Hình mất rồi, phục hưng lại cho; như vậy xét về “thực” là có lợi mà xét về “danh” lại càng tốt.
Hoàn Công không cứu Hình nữa.
10. Tề đánh Tống. Tống sai Tang Tôn tử xuống phía Nam cầu cứu với nước Kinh (Sở). Vua Kinh rất mừng, hứa sẽ tận lực giúp. Tang Tôn tử lo lắng ra về, người đánh xe thấy vậy hỏi:
- Việc cầu cứu có kết quả mà sao ngài lại có vẻ lo lắng?
Tang Tôn tử đáp:
- Tống nhỏ mà Tề lớn. Cứu nước Tống nhỏ mà để cho nước Tề lớn ghét, điều đó ai cũng lấy làm lo mà vua Kinh lại mừng, chắc ông ta (hứa hão) để chúng ta kiên tâm chống cự. Chúng ta kiên tâm chống cự, (Tề?) sẽ mệt; đó là điều có lợi cho Kinh.
Tang Tôn tử về nước. (Quả nhiên) Tề chiếm năm thành của Tống rồi mà Kinh vẫn chưa đem quân cứu.
16. Quản Trọng và Thấp Bằng[5] theo Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Mùa xuân đi, mùa Đông về, quên đường lạc lối. Quản Trọng bảo:
- Có thể dùng trí nhớ của con ngựa già được.
Họ bèn thả con ngựa già đi trước rồi theo nó mà tìm được đường về. Tới một chỗ trong núi, thiếu nước, Thấp Bằng bảo:
- Loài kiến, mùa đông ở phía nam của núi (vì có ánh nắng, ấm áp), mùa hè ở phía Bắc của núi (vì có bóng mát). Chỗ nào ổ kiến cao một tấc, đào xuống một nhẫn (8 thước thời đó) thì có nước.
Họ cho đào và được nước.
Quản Trọng là bậc thánh, Thấp Bằng là bậc trí, mà có điều không biết cũng không ngại học con ngựa già và loài kiến. Ngày nay, người ta không biết rằng mình ngu để học cái sáng suốt của thánh nhân, chẳng là lầm lẫn ư?
26. Vua Trụ uống rượu suốt đêm[6], vui say[7] không biết ngày nào nữa, hỏi kẻ tả hữu, không kẻ nào biết, bèn sai người hỏi Cơ tử[8]. Cơ tử nói với môn đồ:
- Làm chúa thiên hạ mà tới nỗi cả nước không ai biết ngày, như vậy thiên hạ nguy rồi. Cả nước không ai biết mà ta biết thì ta cũng nguy rồi.
Rồi ông lấy cớ là say cũng không biết ngày.
30. Thấp Tư Di (một vị quan nước Tề) lại thăm Điền Thành tử[9], Điền Thành tử cùng ông ta lên lầu ngắm cảnh bốn phía. Ba phía đều trống, duy có phía Nam là bị cây nhà Thấp tử che khuất. Điền Thành tử không nói gì. Thấp tử sai người đốn cây đó, mới chặt được vài nhát thì ông ta bảo thôi. Người quản gia hỏi sao đổi ý như vậy. Ông ta đáp:
- Người xưa có ngạn ngữ này: “Biết cá trong vực sâu là điều bất tường”. Họ Điền đương mưu tính đại sự[10] mà tôi tỏ cho ông ta thấy rằng tôi hiểu được ẩn ý của ông thì tôi tất nguy. Không đốn cây này, chưa phải là có tội, mà biết được điều người ta không nói ra mới là tội lớn.
Bèn thôi không đốn cây nữa.
32. Một người nước Vệ gả con gái, dạy nó: “Con phải góp nhặt của riêng, nghen. Làm vợ người ta mà bị đuổi về là chuyện thường; sống với nhau tới già mới là chuyện hiếm có”. Người con nghe lời, gom góp của riêng, mẹ chồng cho là quá lo việc riêng tư, đuổi cô ta về. Lúc về nhà tiền của cô ta gấp bội lúc về nhà chồng. Người cha không tự nhận rằng mình dạy con sai mà còn tự đắc rằng mình khôn, đã làm giàu thêm được. Ngày nay bọn bề tôi làm việc quan đều một loại như vậy.

[1] Vài truyện là ngụ ngôn hoặc danh ngôn.
[2] Truyền thuyết truyền ngôi này không chắc có thực, và được nhiều sách nhắc tới; nhưng chỉ Hàn Phi là cho rằng Thang không thực tâm, chỉ làm bộ nhường thôi và dùng “thuật” đó.
[3] Cam Mậu là tả thừa tướng của Tần Võ Vương, Mạnh Mão làm xá nhân, thuộc quyền Cam Mậu.
[4] Hình là một nước nhỏ ở tỉnh Trực Lệ ngày nay. Bão Thúc là bạn thân của Quản Trọng (Coi tiểu sử Quản Trọng trong phần nhất).
[5] Một bề tôi giỏi của Hoàn Công.
[6] Tương truyền vua Trụ ở trong cung, đóng cửa, đốt đước để dâm lạc, “lấy 120 ngày làm một đêm”, vì vậy mà quên ngày.
[7] Có bản chép là cu (sợ). Chữ cu với chữ hoan (vui) hơi giống nhau.
[8] Cơ tử là chú vua Trụ, can Trụ không được, giả điên, làm tên nô lệ. Chu Võ Vương diệt Trụ rồi, phong ông làm vua Triều Tiên.
[9] Điền Thành tử hay Điền Thành, Điền Thường, Điền Hằng, hay Trần Hằng ở đời Xuân Thu, làm đại phu triều Tề Giản công, giết Giản Công để lập Bình Công. Sau con cháu ông ta cướp ngôi nước Tề.
[10] Ám chỉ việc Điền Thành tử mưu giết Giản Công. Coi thêm chú thích thiên XXXIV, Ngoại trừ thuyết hữu thượng.

THIÊN XXIII

THUYẾT LÂM HẠ (Trích)
0


1.                 Bá Lạc dạy hai người coi tướng những con ngựa hay đá, dắt họ lại chuồng ngựa của Triệu Giản tử. Một người lựa một con ngựa hay đá đưa ra, còn người kia đi theo sau ba lần vỗ vào chỗ xương cụt ở mông của con ngựa, nhưng nó không đá; người lựa ngựa tự cho rằng mình coi tướng ngựa sai. Người kia bảo: “Anh coi không sai đâu, nó hay đá đấy nhưng vai ngắn mà đầu gối sưng. Ngựa khi đá thì cất chân sau lên mà chân trước phải chịu tất cả sức nặng; đầu gối nó sưng thì làm sao chịu được, cho nên chân sau không cất lên được. Anh giỏi coi tướng ngựa nhưng dở coi đầu gối sưng”. Việc gì cũng có lí do, mà chỉ bậc trí giả mới biết rằng đầu gối sưng thì không chịu được sức nặng. Huệ tử[1] bảo: “Nhốt con vượn vào cũi thì nó không khác gì con heo”. Hễ cái thế bất lợi thì không tỏ được khả năng của mình.
2.                  Hoàn Hách[2] nói: “Phép tạc tượng thì mũi nên cho lớn, mắt cho nhỏ vì mũi lớn thì có thể đục lại cho nhỏ, chứ đã nhỏ thì không làm cho lớn lên được; còn mắt nhỏ thì có thể đục lại cho lớn, chứ đã lớn thì không thể làm cho nhỏ lại được”. Làm việc gì khác cũng vậy, hễ việc làm rồi, sau sửa lại được thì ít khi thất bại.
8.                 Quan thái tể nước Tống quyền lớn mà chuyên chính. Quí tử[3] sắp yết kiến vua Tống. Lương tử[4] hay tin bảo Quí tử: “Trong khi hầu chuyện vua, tất phải có quan thái tể cùng ngồi nghe chứ? Nếu không thì ông khó tránh được họa đấy”. Quí tử bèn khuyên vua Tống nên trọng sức khoẻ, đừng quan tâm quá đến việc nước.
16. Ba con bọ chét (sống bám vào con heo) sắp đi kiện nhau. Một con khác đi ngang qua, hỏi: “Kiện nhau về việc gì vậy?” Ba con kia đáp: “Vì tranh nhau chỗ béo bở”. Con thứ tư bảo: “Các anh không lo ngày tế chạp[5] tới, người ta đốt cỏ mao thui con heo ư? Mà còn tranh nhau nữa?” Ba con kia nghe vậy bèn xúm nhau hút máu con heo (cho thật nhiều); con heo gầy đi, khỏi bị giết.
24. Chu Táo hỏi Cung Tha[6]:
- Xin ông vì tôi mà tâu với vua Tề rằng nếu vua Tề giúp tôi làm quan ở Ngụy thì tôi xin làm cho Ngụy sẽ phải thờ Tề.
Cung Tha bảo:
- Không được. Như vậy tỏ rằng ông không có thế lực gì ở Ngụy, vua Tề tất không giúp một người không có thế lực gì ở Ngụy để kết oán với một người khác đã có thế lực ở Ngụy. Tốt hơn ông nên nói: “Nhà vua muốn thì thần xin thuyết nước Ngụy thờ nhà vua”. Như vậy vua Tề cho rằng ông đã có thế lực ở Ngụy, tất ưng ông. Rốt cuộc ông có thế lực ở Tề, rồi nhờ Tề mà có thế lực ở Ngụy nữa.
27. Vua nước Kinh (Sở) đánh nước Ngô. Vua Ngô sai bắt Tư Vệ Quệ Dung[7] khao quân Kinh. Tướng nước Kinh bảo: “Bắt trói hắn lấy máu thoa trống”. (Khi bắt rồi) ông ta hỏi (Tư Vệ Quệ Dung): “Người có bói rồi mới đi không?”
Đáp
- Có
- Quẻ tốt không?
- Tốt
Người nước Kinh hỏi
- Nay Tướng nước Kinh sắp lấy máu chú thoa trống, quẻ tốt ở chỗ nào?
Đáp:
-        Chính vì vậy mà quẻ tốt đấy. Nước Ngô sai người qua đây xem tướng Kinh có giận hay không. Nếu tướng quân giận thì nước Ngô sẽ đào hào cho sâu thêm, đắp lũy cho cao thêm; nếu không giận thì nước Ngô sẽ thủng thẳng. Nay tướng quân giết tôi thì nước Ngô sẽ phòng thủ gắt. Và quẻ đó bói cho cả nước, không phải cho một bề tôi. Giết một bề tôi còn cả nước được bảo tồn, thì sao không gọi là tốt được? Lại thêm, nếu kẻ chết rồi không biết gì nữa thì lấy máu tôi bôi trống có ích gì đâu; nếu chết rồi mà còn biết thì trong khi lâm chiến, tôi sẽ làm cho trống không kêu.
Người Kinh nghe vậy thôi không giết ông ta.
32. Tề đánh Lỗ, đòi cái đỉnh đất Sàm. Lỗ đưa một cái đỉnh giả qua. Người Tề bảo: “Đỉnh đó giả”. Người Lỗ cãi: “Đỉnh đó thật”. Người Tề bảo: “Mời ông Nhạc Chính Tử Xuân[8] sang đây, chúng tôi sẽ tin lời ông ấy”. Vua Lỗ cho mời Nhạc Chính Tử Xuân, ông hỏi: “Sao không dám đưa cái đỉnh thật qua?” Nhà vua bảo: “Ta quí cái đó”. Ông đáp: “Thần cũng quí cái tín nghĩa của thần vậy”.
37. Người nước Trịnh có một cậu con sắp đi xa[9]. Trước khi đi, cậu ta dặn người nhà: “Phải sửa bức tường hư để kẻ bất lương khỏi vô trộm.” Một người hàng xóm cũng nói vậy. Chưa kịp sửa tường thì quả nhiên bị trộm rồi. Người nước Trịnh đó cho con mình là khôn mà ngờ hàng xóm là kẻ trộm.

[1] Tức Huệ Thi, một triết gia đồng thời với Trang tử, làm tướng quốc cho Lương Huệ Vương.
[2] [3] [4] Ba nhân vật: Hoàn Hách, Quí tử, Lương tử này không rõ là ai.
[5] Một ngày tế lễ chư thần trong tiết đông chí.
[6] Chu Táo: chỉ biết là một người nước Ngụy - Cung Tha là một mưu thần nước Tề.
[7] Chỉ biết là bề tôi nước Ngô.
[8] Người nước Lỗ, học trò ông Tăng tử nổi tiếng là hiền sĩ.
[9] Nguyên văn là hoạn. Có sách giảng là đi làm quan, hoặc đi du học. Truyện này trong thiên Thuế nạn chép là người nước Tống.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 178
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com