watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:32:2618/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử V - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử V
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 10

THIÊN XL


NẠN THẾ


(VẤN NẠN VỀ CÁI THẾ[1])

Thận Tử (tức Thận Đáo) bảo:

- Con phi long cưỡi mây mà bay (lên trời), con đằng xà (một loại rắn như rồng, không có chân) chế ngự sương mù mà lượn (trong đó). Mây tan sương tạnh rồi thì hai con đó cũng chỉ như con giun, con kiến vì mất chỗ dựa. Người hiền mà chịu khuất kẻ bất tiếu (tài đức kém) là vì quyền (thế) nhẹ, (địa) vị thấp; kẻ bất tiếu mà khuất phục được người hiền là vì quyền trọng, vị cao. Nghiêu hồi còn là dân thường thì không trị được ba người, mà Kiệt khi làm thiên tử thì có thể làm loạn cả thiên hạ. Do đó tôi biết rằng quyền thế và địa vị đủ để nhờ cậy được, mà bậc hiền trí không đủ cho ta hâm mộ. Cây ná yếu mà bắn được mũi tên lên cao là nhờ sức gió đưa đi; kẻ bất tiếu mà lệnh ban ra được thi hành là nhờ sức giúp đỡ của quần chúng. Nghiêu khi còn là kẻ lệ thuộc, đi giảng dạy thì dân không nghe; đến khi ngồi quay mặt về phương Nam, làm vua thiên hạ, lệnh ban ra là người ta thi hành liền, cấm đoán là người ta phải ngừng ngay. Do đó mà xét thì hiền và trí không đủ cho đám đông phục tòng, mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục người hiền.

Có kẻ trả lời Thận Tử:[2]
- Con phi long cưỡi mây mà bay, con đằng xà chế ngự sương mù mà lượn, tôi đồng ý rằng hai con đó dựa vào cái thế của mây và sương mù. Tuy nhiên, nếu bỏ người hiền mà chuyên dựa thế lực, có đủ để trị nước không, thì tôi chưa được thấy đấy. Có cái thế của mây, sương mù mà cưỡi, lượn được, quả là con rồng, con rắn có tài cao. Có mây dày mà con giun không cưỡi được; có sương mù đặc mà con kiến không lượn được vì tài năng của chúng kém. Kiệt Trụ quay mặt về phương Nam, làm vua thiên hạ, dùng uy thế của ngôi thiên tử làm mây và sương mù, mà thiên hạ không khỏi đại loạn là vì tài năng của họ kém. Vả lại ông đó (tức Thận Tử) bảo cái thế của vua Nghiêu trị được thiên hạ, thì cái thế đó có khác gì cái thế Kiệt làm loạn thiên hạ đâu? Cái thế tự nó không thể khiến cho người hiền dùng nó, kẻ bất tiếu không dùng nó. Người hiền dùng nó thì thiên hạ trị, kẻ bất tiếu dùng nó thì thiên hạ loạn. Tính tình con người hiền thì ít, bất tiếu thì nhiều. Lấy cái lợi của uy thế mà giúp kẻ bất tiếu thời loạn thì kẻ dựa thế làm loạn thiên hạ sẽ rất đông, người nhờ thế làm cho thiên hạ trị rất ít. Cái thế rất tiện lợi cho việc trị mà cũng tiện lợi cho sự loạn. Cho nên Chu Thư[3] có câu: “Đừng chắp cánh cho cọp, cọp sẽ bay vào trong ấp, bắt người để ăn thịt”. Giúp cho kẻ bất tiếu có thế lực tức là chắp cánh cho cọp. Kiệt Trụ bắt dân xây đài cao, đào ao sâu, làm kiệt sức dân, dùng cực hình bào lạc[4] làm hại mạng dân. Kiệt Trụ làm được bốn việc đó[5] nhờ có cái uy thế thiên tử làm cánh cho họ. Nếu họ là thường nhân thì chưa làm được một (trong bốn việc đó) đã bị xử tử rồi. “Thế là cái nuôi lòng hổ lang để gây nên việc bạo loạn. Đó là mối hại lớn của thiên hạ. Thế có thể làm cho nước trị, cũng có thể gây loạn, chớ không nhất định. Như vậy mà chuyện nói rằng thế đủ để trị thiên hạ, thì kiến thức thực là nông cạn. Có ngựa tốt và xe chắc mà sai đầy tớ đánh xe thì bị thiên hạ cười, giao cho Vương Lương[6] đánh xe thì ngày đi được ngàn dặm. Cũng vẫn là ngựa ấy xe ấy mà người thì đi được ngàn dặm, người bị chê cười, chỉ do khéo vụng khác nhau xa vậy. Nay coi nước là chiếc xe, coi cái thế là con ngựa, coi hiệu lệnh là dây cương, hình phạt là ngọn roi, để ông Nghiêu, ông Thuấn đánh xe thì thiên hạ trị, để Kiệt, Trụ đánh xe thì thiên hạ loạn, chỉ do hiền và bất tiếu khác nhau xa vậy. Muốn đi nhanh và xa thì biết dùng[7] Vương Lương; mà muốn tiến lợi trừ hại lại không biết dùng người hiền năng, đó là cái hại của sự không biết suy luận về những cái giống nhau. Nghiêu, Thuấn chính là Vương Lương trong việc trị nước đấy.”

*

Lại có kẻ[8] trả lời câu trả lời trên:
- Ông ấy (Thận Tử) cho cái “thế” là đủ để vua dựa vào mà trị quan lại; mà ông (tức người bắt bẻ Thận Tử như trên) lại bảo: “Phải đợi có hiền thần rồi mới trị được”, như vậy không đúng. Cái thế, “danh” chỉ có một mà “thực” thì thay đổi rất nhiều[9]. Nếu cái thế tự nhiên[10] thì chẳng cần phải bàn. Nhưng cái tôi gọi là thế là cái thế do người thiết lập ra kia[11]. Ông bảo: Nghiêu, Thuấn đắc thế mà trị; Kiệt, Trụ đắc thế mà loạn. Tôi không bảo rằng dưới triều Nghiêu Thuấn (vua Kiệt, Trụ), không phải như vậy, nhưng cái đó không phải do người thiết lập ra. Nghiêu, Thuấn sinh ra mà đã làm vua thì có mười Kiệt, Trụ (ở dưới) cũng không làm cho loạn được vì đó là cái thế trị; Kiệt, Trụ sinh ra mà dã làm vua thì có mười Nghiêu, Thuấn (ở dưới) cũng không làm cho trị được, vì đó là cái thế loạn. Cho nên bảo: “Thế mà trị thì không thể làm cho loạn được, thế mà loạn thì không thể làm cho trị được”. Đó là cái thế tự nhiên, không phải con người thiết lập được. Cái tôi nói là cái thế mà con người có thể thiết lập được kia (tức là quyền thế). Mà cái này thì sự hiền minh có liên quan gì tới? Làm sao biết được điều ấy?
Có người kể chuyện: “Một người bán mâu và thuẫn, khoe thuẫn của mình chắc, không vật gì đâm thủng được. Một lát sau lại khen mâu của mình bén, không vật gì là không đâm thủng”. Có người hỏi lại anh ta: “Thế bây giờ lấy cây mâu của ông mà đâm cái thuẫn của ông thì sao” – Anh ta bí. Cái thuẫn không gì đâm thủng với cái mâu không gì là không đâm thủng, hai cái đó không cùng tồn tại một lúc được. Sự hiền minh thì không chịu sự cưỡng chế (như cái thuẫn), mà cái thế dùng làm đạo trị nước thì có tính cách công dụng cưỡng chế (như cái mâu). Hai cái đó để chung thì là mâu thuẫn. Hiền và thế, không thể dung nhau được, điều đó hiển nhiên[12].
Vả lại, Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ ngàn đời mới xuất hiện một lần; số đó rất ít[13]. Mà cái thường thấy trên đời thì là hạng người trung bình[14], cho nên tôi nói về thế là nói hạng trung bình. Hạng người trung bình thì trên không bằng Nghiêu, Thuấn, dưới không đến nỗi như Kiệt, Trụ. Nếu cứ giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế thì nước trị, quay lưng lại pháp luật, bỏ quyền thế thì nước loạn. Nay bỏ quyền thế, quay lưng lại pháp luật mà đợi Nghiêu, Thuấn. Nghiêu, Thuấn tới là nước trị, thì ngàn đời loạn mới có một đời trị. Giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế mà đợi Kiệt, Trụ. Kiệt, Trụ tới là nước loạn, thì ngàn đời trị mới có một đời loạn. Ngàn đời trị mà một đời loạn, với ngàn đời loạn mà một đời trị, hai cái đó ngược hẳn nhau như hai người cưỡi con ngựa Kí và con ngựa Nhĩ[15], mà mỗi người phi nhanh về một phía vậy.

Bỏ đồ để uốn gỗ (ẩn quát)[16], bỏ đồ đo lường mà sai Hề Trọng[17] đóng xe thì một cái bánh xe ông ta đóng cũng không xong. Không có sự khuyến khích khen thưởng, không có cái uy của hình phạt, bỏ quyền thế pháp luật, thì Nghiêu, Thuấn dù đi từng nhà thuyết phục, người ta cũng cãi lại, mà không trị nổi ba nhà. Vậy cái thế đủ để dùng được, điều đó hiển nhiên. Mà ông bảo: “Phải đợi có người hiền”, thì là sai. Vả lại không ăn một trăm ngày, đợi có thịt ngon mới ăn thì tất chết đói mất. Đợi có bậc hiền như Nghiêu, Thuấn để trị dân đời nay thì khác gì đợi có thịt ngon để cứu người chết đói không?
Ông bảo: “Có ngựa tốt xe chắc mà sai đầy tớ đánh xe thì bị thiên hạ cười; giao cho Vương Lương đánh thì ngày đi được ngàn dặm”. Tôi nghĩ không phải vậy. Một người Trung Quốc (tức ở Trung Nguyên, như miền Lỗ, Tề, Tấn, Chu…) chết đói mà đợi người nước Việt lội[18] giỏi tới cứu, thì người Việt lội giỏi đến đâu cứu cũng không được. Đợi ông Vương Lương thời cổ để đánh cỗ xe ngày nay thì cũng không khác gì đợi người nước Việt cứu ngưòi chết đuối vậy. Đợi làm sao được, lẽ đó là hiển nhiên. Có ngựa tốt, xe chắc cứ năm chục dặm đặt một trạm (để tiếp sức), rồi sai người trung bình đánh xe thì có thể chạy nhanh, đi xa, một ngày đi được ngàn dặm, cần gì phải đợi có ông Vương Lương thời cổ! Vả lại nói tới việc đánh xe, không đưa ra trường hợp dùng Vương Lương thì đưa ra những trường hợp dùng kẻ tôi tớ không biết đánh xe, nói về việc trị nước, không đưa ra trường hợp Nghiêu, Thuấn thì đưa ra trường hợp Kiệt, Trụ, làm loạn nước; như vậy tức như nói về khẩu vị, nếu không đưa ra đường mật, thì đưa ra rau đắng, rau đay, nghị luận như vậy là nói cho nhiều mà không hợp lý hợp phép vì đưa ra hai trường hợp cực đoan, làm sao có thể bắt bẻ những lời hợp đạo lí được? Lời ông bàn không bằng thuyết về thế trên kia của Thận Tử.

Chú thích:
[1] Vấn nạn là đặt câu hỏi để bắt bẻ.
[2] Hàn Phi thay lời Nho gia mà bác thuyết về thế của Thận Đáo.
[3] Phần trong kinh Thư chép về nhà Chu.
[4] Tương truyền do vua Trụ đặt ra nhưng không chắc đúng; Trụ sai bôi mỡ lên một cái trụ bằng đồng, dưới để than hồng, bắt tội nhân đi lên cái trụ (đặt nằm ngang), để hắn trượt chân té xuống than hồng, cho Đát Kỉ thấy mà cười. Có thuyết nữa cho rằng tội nhân bị cột vào một cái ống đồng rỗng, rồi người ta đổ than hồng vào cho nó đỏ lên làm cháy da thịt tội nhân.
[5] Trên chỉ mới kể ba việc: xây đài cao, đào ao sâu, dùng cực hình bào lạc, cho nên có người bảo bào và lạc là 2 cực hình (không đáng tin), có người bảo trên chép thiếu một việc (đáng tin hơn).
[6] Người nước Tấn giỏi đánh xe, thời Xuân Thu.
[7] Có bản thêm chữ bất: Muốn đi xa và nhanh mà không biết dùng Vương Lương… Chúng tôi cho là sai vì như vậy không hợp với kết luận ở cuối câu: cái hại của sự không biết suy luận về những cái giống nhau.
[8] Đây là ý kiến của Hàn Phi.
[9] Có sách giảng là ý nghĩa rất nhiều. Nguyên văn: biến vô số.
[10] Có học giả hiểu là thiên mệnh, có học giả lại hiểu là sự truyền ngôi.
[11] Có học giả hiểu là sự vận dụng chủ quyền (quyền thế).
[12] Cả đoạn này nguyên văn rất khó hiểu.
[13] Nguyên văn là: thị tị kiên, tuỳ chủng nhi sinh, dịch từng chữ là: là sánh vai nối gót mà sinh, mỗi sách giảng một khác, có sách ngờ là sai hay thiếu chữ. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên đoán ý mà dịch.
[14] Nguyên văn là: thế chí trị giả, bất tuyệt ư trung; mỗi sách cũng hiểu một khác, chúng tôi cũng đoán ý mà dịch.
[15] Những loài ngựa tốt, ngày đi ngàn dặm.
[16] Coi chú thích ở thiên Hiển học.
[17] Bề tôi vua Hạ Vũ, coi về xe cộ
[18] Có bản thêm chữ hải: lội bể giỏi.

THIÊN XLIII

ĐỊNH PHÁP

(LẬP PHÁP[1])

Có người hỏi:
- Thuyết của hai ông Thân Bất Hại và Công Tôn Ưởng, thuyết nào khẩn thiết cho quốc gia hơn? Đáp: - Không thể quyết được. Ngưòi ta không ăn mười ngày thì chết, mà trời lạnh gắt, không có áo mặc cũng chết. Hỏi ăn mặc cái nào khẩn thiết cho người hơn thì không thể quyết được vì cả hai đều để dưỡng sinh, không thể thiếu một. Thân Bất Hại nói về thuật, mà Công Tôn Ưởng nói về pháp. Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực (nói sao thì phải làm đúng như vậy hoặc giữ chức vụ nào thì phải làm đúng nhiệm vụ), nắm quyền sinh sát, xét khả năng của quần thần. Đó là cái bậc vua chúa phải nắm trong tay. Pháp là hiến lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay phạt[2] đều được dân tin chắc là thi hành[3], thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp[4]. Ở trên vua không có thuật thì bị bề tôi che lấp; ở dưới bề tôi không có pháp luật thì loạn. Vậy không thể thiếu một trong hai cái đó, cả hai đều là công cụ của bậc đế vương.

*

Người đó lại hỏi: “Chỉ theo thuật mà không có pháp luật hoặc chỉ có pháp luật mà không theo luật, đều không được, là tại sao? Đáp: “Thân Bất Hại  làm phụ tá cho Hàn Chiêu hầu, Hàn (lúc đó) là một phần của nước Tấn (mới) tách ra[5]. Vì vậy pháp luật cũ của Tấn chưa bỏ mà pháp luật mới của Hàn đã đặt ra: lệnh của vua trước chưa thu về mà lệnh của vua mới đã ban hành. Nếu Thân Bất Hại không chỉnh đốn lại pháp luật, thống nhất lại hiến lệnh thì sẽ có nhiều kẻ gian vì pháp luật và lệnh cũ có lợi cho họ thì họ theo, pháp luật và lệnh mới có lợi cho họ thì họ theo. Cũ và mới trái ngược nhau, trước và sau nghịch nhau, thì dù Thân Bất Hại có bảo Chiêu hầu cả chục lần phải dùng thuật, bọn gian thần vẫn còn có chỗ dối trá trong lời nói được. Vì vậy, Thân Bất Hại dựa vào sức mạnh của nước Hàn có vạn cỗ xe mà mười bảy năm[6] không lập được nghiệp bá vương cho Hàn. Đó là cái hại bề trên tuy dùng thuật mà các quan không chỉnh đốn, thống nhất pháp luật.
Công Tôn Ưởng trị nước Tần, đặt ra lệnh phải cáo gian, nếu tố cáo sai thì bị tội, năm và mười nhà phải cùng chịu trách nhiệm; thưởng hậu mà xác thực, phạt nặng mà cương quyết; nhờ vậy mà dân tận lực làm lụng không nghỉ, đánh đuổi địch, dù nguy cũng không lùi bước, làm cho nước giàu binh mạnh. Nhưng không dùng thuật để biết kẻ gian, cho nên sự giàu mạnh đó chỉ lợi cho bọn đại thần mà thôi. Tới khi Hiếu Công và Thương quân (Thương Ưởng) chết, Huệ Vương lên nối ngôi, pháp luật của Tần chưa huỷ hoại, mà Trương Nghi đem Tần hi sinh cho Hàn, Ngụy[7]. Rồi Huệ Vương chết, Võ Vương lên nối ngôi, Cam Mậu (Tả thừa tướng của Tần) đem Tần hi sinh cho nước Chu. Võ Vương chết, Chiêu Tương Vương lên nối ngôi, Nhương Hầu (tức Ngụy Nhiễm) vượt nước Hàn, nước Ngụy mà đánh Tề ở phía Đông, năm năm Tần không thêm được một thước đất, mà Nhương Hầu thì được phong ấp Đào, Ứng Hầu (tức Phạm Tuy) đánh Hàn tám năm, mà được phong đất Nhữ Nam. Từ đó trở đi, những kẻ được trọng dụng ở Tần đều thuộc hạng Ứng Hầu, Nhương Hầu hết. Vậy, đánh giặc mà thắng thì đại thần được tôn quí, quốc gia được thêm đất thì đại thần được thêm đất riêng, chỉ vì nhà vua không có thuật để biết kẻ gian. Thương quân dù mười lần sửa sang pháp luật, gian thần cũng ngược lại lợi dụng pháp luật làm lợi cho họ[8]. Cho nên nhân sức mạnh của Tần mà mấy chục năm không lập được sự nghiệp đế vương. Đó là cái hại của pháp luật được các quan áp dụng đúng, nhưng vua ở trên lại không có thuật.

*

Lại nói:
- Vua chúa dùng thuật của Thân tử, quan lại dùng pháp của Thương quân, như vậy là được rồi chứ (hay chưa đủ?)[9]
Đáp:
- Thân tử chưa đạt đến chỗ hoàn toàn của thuật, Thương quân chưa đạt đến chỗ hoàn toàn của pháp. Thân tử bảo: “Quan lại không được vượt chức (không thuộc quyền chức của mình thì) dù biết cũng không được nói”. Quan lại không được vượt chức, như vậy là giữ chức phận của mình, cái đó được; nhưng biết mà không nói thì là không tố cái lỗi[10] (của người khác với vua), cái đó sai. Bậc vua chúa lấy mắt của cả nước mà xem cho nên không ai nhìn sáng bằng, lấy tai của cả nước mà nghe cho nên không ai nghe tỏ bằng. Nay bề tôi biết mà không nói thì vua chúa còn nhờ vào đâu mà nhìn thấy, nghe thấy được nữa? Pháp luật của Thương quân bảo: “Chém được một đầu giặc thì thăng tước một cấp, nếu muốn làm quan thì được một chức quan mà lương là 50 thạch (mỗi thạch là mười đấu); chém được hai đầu giặc thì thăng tước hai cấp, nếu muốn làm quan thì được một chức quan lương 100 thạch. Việc thăng quan tước xứng với công chém đầu giặc. Nay nếu có một pháp lệnh bảo: “Ai chém được đầu giặc thì được làm thầy thuốc hay thợ mộc” thì nhà cất không xong mà bệnh trị không hết. Làm thợ cần khéo tay, làm thầy thuốc cần giỏi dùng thuốc. Cứ chém được đầu giặc là được làm những nghề đó thì không hợp với khả năng của họ. Làm quan trị dân thì cần có trí năng, còn chém đầu giặc thì cần sức mạnh. Dùng người chỉ có sức mạnh mà cho làm quan trị dân cần có trí năng, thì cũng như cho người có công chém đầu giặc làm thầy thuốc hay thợ mộc. Cho nên tôi bảo: “Hai ông ấy – Thân tử và Thương quân – chưa đạt được đến chỗ hoàn toàn của thuật, pháp”.

Chú thích:
[1] Theo Trần Khải Thiên, cũng có thể hiểu là giải thích pháp luật. Nhưng chúng tôi nghĩ nghĩa đó hẹp quá. Nhan đề này không tóm được ý toàn thiên.
[2] Có bản chép là hình phạt, nhưng đọc hàng dưới sẽ thấy thưởng phạt đúng hơn.
[3] Nghĩa là pháp luật đã ban thì phải thi hành đúng, dân mới tin.
[4] Nguyên văn: nhân thần chi sở sư, có bản giảng là: bề tôi sẽ coi là thầy.
[5] Năm 376 trước Tây Lịch, nước Tấn chia ba thành Ngụy, Triệu và Hàn.
[6] Sự thực chỉ có 15 năm thôi, mà Hàn không phải là nước lớn có vạn cỗ xe.
[7] Trương Nghi làm tướng quốc cho Tần Huệ vương, chủ trương liên hoành, thuyết lục quốc họp nhau lại phục vụ Tần. Vậy thì sao lại bảo đem Tần hi sinh cho Hàn, Ngụy.
[8] Chính nghĩa là “nhờ cậy vào đó”
[9] Nguyên văn: khả hồ? Nhiều sách dịch sát là "được không"? Chúng tôi nghĩ dịch như vậy thì lời đáp của Hàn Phi ở dưới hoá ra không nhằm, cho nên chúng tôi lấy ý mà dịch như trên.
[10] Nguyên văn: thị bất yết (謁) quá dã. Có sách không dịch chữ yết đó, có sách dịch là không nói cái gì không thuộc chức vị của mình. Nhưng thiên Bát kinh viết: yết quá thưởng, thì rõ ràng yết có nghĩa là tố cáo. Tố cáo tội lỗi của người khác nên được thưởng

THIÊN VII

NHỊ BÍNH

(HAI QUYỀN CỦA VUA[1])

Bậc minh chủ sở dĩ chế ngự được bề tôi là chỉ nhờ có hai cái quyền mà thôi. Hai cái quyền đó là “hình” và “đức”. Thế nào là hình và đức? Giết phạt gọi là hình, khen thưởng gọi là đức[2]. Bề tôi nào cũng sợ bị giết phạt và ham được khen thưởng, cho nên vua chúa biết tự sử dụng hai cái quyền hình và đức thì quần thần đều sợ uy của vua mà mong được vua khen thưởng. Bọn gian thần trên đời thì không vậy. Chúng ghét ai thì làm mê hoặc vua để được vua giao cho quyền trị tội ngưòi đó; chúng yêu ai thì làm mê hoặc vua chúa để được vua giao cho quyền thưởng người đó. Bậc vua chúa không giữ cho cái uy cùng cái lợi, phạt và thưởng xuất phát từ chính mình, mà nghe lời bề tôi, thưởng phạt theo ý họ thì dân chúng trong nước đều sợ bọn bề tôi đó mà coi thường vua, qui phục họ mà xa vua, đó là cái hại bậc vua chúa đánh mất hai cái quyền hình và đức. Cọp làm cho chó phải khiếp phục là nhờ nanh với vuốt: nếu cọp bỏ nanh vuốt đi, để cho chó dùng thì ngược lại nó phải khiếp phục chó. Bậc vua chúa dùng hình và đức để chế ngự bề tôi, nếu bỏ hai quyền đó, để cho bề tôi dùng thì ngược lại bị bề tôi chế ngự. Cho nên Điền Thường trên xin tước lộc để ban cho quần thần, dưới làm cái đấu cái hộc lớn hơn mẫu mực để thi ân cho trăm họ; thế là Giản Công mất cái quyền thi ân, để cho Điền Thường lấy mà dùng, rốt cuộc Giản Công bị giết.[3] Tử Hãn tâu với vua Tống[4]: “Dân thích được khen thưởng, vậy việc đó xin đại vương tự làm lấy; dân ghét bị hình phạt, việc này thần xin đảm nhận”. Thế là vua Tống mất cái quyền hình phạt để cho Tử Hãn lấy mà dùng, rốt cuộc vua Tống bị hiếp bức. Điền Thường chỉ dùng cái đức mà Giản Công bị giết; Tử Hãn chỉ dùng cái hình mà vua Tống bị hiếp. Vậy mà ngày nay bọn bề tôi dùng cả hai cái hình và đức, thì vua chúa tất nguy hơn Giản Công và vua Tống nhiều. Cho nên các vua chúa bị hiếp, bị giết, bị che lấp, lừa dối là vì bỏ cả hai cái quyền hình và đức để cho bề tôi dùng. Như vậy mà không bị nguy vong là điều không thể có được.

*

Bậc vua chúa muốn ngăn cấm gian tà, tất phải xét xem hình và danh có hợp nhau không; danh là lời nói mà hình là sự việc. Bề tôi trình bày một kiến nghị, vua theo kiến nghị đó mà giao việc cho, rồi tùy việc mà xét kết quả. Kết quả phù hợp với việc, việc phù hợp với lời nói thì thưởng; trái lại, kết quả không phù hợp với việc, việc không phù hợp với lời nói thì phạt. Lời nói của bề tôi huênh hoang, mà kết quả nhỏ thì phạt, không phải phạt vì kết quả nhỏ mà vì kết quả không phù hợp với lời nói. Lời nói của bề tôi nhũn quá mà kết quả lớn thì cũng phạt, không phải không mừng vì kết quả lớn, nhưng kết quả không phù hợp với lời nói thì công không đủ bù hại, vì vậy nên phạt. Xưa Hàn Chiêu hầu say rồi ngủ. Viên điển quan (thị thần coi về mão) sợ vua lạnh, lấy áo đắp lên cho vua. Chiêu Hầu thức dậy, thấy vậy, vui lòng, hỏi kẻ tả hữu: “Ai đắp áo cho ta đó?”. Kẻ tả hữu đáp: “Viên quan coi về mão". Chiêu Hầu bèn phạt cả viên điển y vì không làm nhiệm vụ; phạt viên điển quan vì vượt chức vụ. Không  phải là ông không sợ lạnh, mà vì ông cho rằng để bề tôi vượt chức vụ thì cái hại còn hơn là mình bị lạnh. Cho nên bậc minh chủ đối với bề tôi, không để cho bề tôi vượt chức mà lập công, không để cho lời nói không phù hợp với việc làm. Vượt chức thì chết, lời nói không phù hợp với việc làm thì bị tội. Bề tôi cứ giữ chức vụ của mình, lời nói phù hợp với việc, như vậy quần thần không thể kết bè đảng làm điều gian tà được.

*

Bậc vua chúa có hai mối lo: dùng người hiền,[5] bề tôi nhân sự hiền tài của họ mà lấn vua; mà dùng người bừa bãi thì việc tất thất bại. Vua thích người hiền thì bề tôi trau dồi bề ngoài để làm vừa lòng vua, như vậy chân tình của họ không xuất hiện, mà chân tình của họ không xuất hiện thì vua không phân biệt được đâu là chân, đâu là ngụy. Cho nên vua Việt hiếu dũng mà đa số nhân dân coi thường sự chết; Sở Linh vương thích những lưng eo mà trong nước nhiều người (nhịn ăn tới) chết đói; Tề Hoàn công hay ghen mà hiếu sắc, nên Thụ Điêu tự hoạn để được làm thái giám; ông lại thích ăn ngon nên Dịch Nha luộc đứa con đầu lòng của mình[6] để dâng; vua nước Yên là Tử Khoái thích người hiền[7] cho nên Tử Chi làm bộ tỏ ra rằng mình (thanh cao) không nhận ngôi vua[8]. Vua để lộ lòng ghét của mình thì bề tôi làm ra bộ tài năng để hợp với sở thích của vua; vua để lộ lòng muốn thì bề tôi sửa đổi tính tình thái độ để thích ứng với lòng vua mà cầu lợi. Cho nên Tử Chi làm bộ hiền nhân mà đoạt được ngôi vua; Thụ Điêu, Dịch Nha lợi dụng sở thích của vua mà lấn vua; (kết quả là) Tử Khoái chết vì nội loạn, Hoàn Công chết tới khi dòi bò ra ngoài cửa phòng[9] mà chưa được chôn. Nguyên do tại đâu? Tại vua để lộ tình dục của mình, để bề tôi lợi dụng (mà mưu lợi cho họ). Bề tôi vị tất đã yêu vua, họ chỉ tính cái lợi cho họ thôi. Bậc vua chúa không che giấu tình dục, ý tứ của mình mà để cho bề tôi có cơ hội lấn áp mình thì bề tôi học cái thói của Tử Chi, Điền Thường đâu có khó. Cho nên bảo: “Vua bỏ yêu, bỏ ghét đi thì chân tướng của bề tôi sẽ hiện, mà vua sẽ không bị che lấp”.

Chú thích:
[1] Bính nghĩa gốc là cái cán, là cầm. Ở đây bính là quyền bính, nghĩa là quyền thế nằm trong tay như cầm cái cán của vật.
[2] Chữ đức ở đây có nghĩa khác nghĩa người ta thường dùng.
[3] và [4] Điền Thường và Giản công; Tử Hãn và vua Tống: coi chú trang 10 thiên Ngũ đố.
[5] Chữ hiền này trỏ hạng người đa tài đa thuật, không phải hạng hiền nhân quân tử theo quan niệm Nho gia.
[6] Thụ Điêu và Dịch Nha đều là bọn gian trá được Tề Hoàn công tin dùng. Nguyên văn bản Trần Khải Thiên: thủ tử. Có bản chép là tử thủ (luộc) đầu đứa con (của mình).
[7] Chữ hiền này hiểu theo quan niệm Nho gia.
[8] Việc này chép trong Chiến Quốc sách – Yên sách -9 – -1973 Yên vương là Khoái đem nước nhường cho Tử Chi để được tiếng là hiền như vua Nghiêu (người đã nhường ngôi cho Hứa Do), nhưng Tử Chi không được người nước Yên phục, nước Yên hóa loạn, sau bị Tề đánh. Sử không chép Tử Chi mới đầu có làm bộ cao thượng như Hứa Do mà từ chối hay không.
[9] Nguyên văn bản của Trần Khải Thiên: trùng lưu xuất hộ. Có bản chép là trùng lưu xuất thi (giòi từ thây bò ra). Hai chữ hộ và thi chỉ khác nhau một nét chấm.
THIÊN VI

HỮU ĐỘ

(CÓ PHÁP ĐỘ)


Không nước nào luôn luôn mạnh, không nước nào luôn luôn yếu. Người thi hành pháp luật mà cương cường (nghĩa là chí công vô tư) thì nước mạnh; người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu. Vua Kinh (Sở) Trang vương thôn tính hai mươi sáu nước, mở đất ba ngàn dặm mà khi mất rồi[1] thì nước Kinh suy vong. Vua Tề Hoàn Công thôn tính ba mươi nước, mở đất ba ngàn dặm mà khi mất rồi thì nước Tề suy vong. Vua Yên Chiêu vương[2] lấy sông Hoàng Hà làm biên giới, lấy đất Kế làm đô mà bình phong là đất Trác và đất Phương Thành[3], tàn phá nước Tề, bình định nước Trung Sơn, khiến cho nước láng giềng nào là bạn của vua Yên thì được coi trọng, nếu không thì bị khinh, vậy mà khi Chiêu vương mất rồi thì nước Yên suy vong. Vua Ngụy là An Li vương đánh nước Yên, cứu nước Triệu, chiếm đất Hà Đông, công phá hết đất Đào và đất Vệ, rồi đem binh đánh Tề, chiếm Bình Lục; lại đánh nước Hàn, chiếm đất Quản, đại thắng quân Hàn ở dưới sông Kì; trong trận Thư Dương, làm cho quân Kinh bị đình đốn quá lâu phải bỏ chạy; phá tan quân Kinh ở Thái và Triệu Lăng; binh Ngụy bốn lần giàn ra trong thiên hạ, uy thế lan khắp các nước (văn minh) “đội mão mang đai”, (tức khắp Trung Quốc), vậy mà An Li vương chết rồi thì nước Ngụy suy vong. Vậy có Trang Vương, Hoàn Công thì nước Kinh, nước Tề làm bá chủ; có Chiêu vương, An Li vương thì nước Yên và nước Ngụy mạnh lên. Nay các nước ấy đều bị suy nhược cả vì quần thần, quan lại của họ đều theo con đường loạn vong chứ không theo cái thuật trị cường. Nước đã loạn suy rồi, họ lại còn bỏ phép nước mà lo quyền lợi riêng, như vậy không khác gì vác củi để cứu lửa, càng loạn, suy hơn nữa.

*

     Cho nên ở vào thời này, nhà cầm quyền nào biết bỏ tư lợi tà tâm mà theo phép công thì dân sẽ yên, nước sẽ lợi, biết bỏ hành động riêng tư mà mà làm theo phép công thì binh sẽ mạnh mà địch sẽ yếu. Cho nên vua (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc[4], dùng người biết giữ pháp độ mà đặt lên trên các quần thần thì không kẻ nào gian trá gạt vua được; (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết cân nhắc mà giao cho các việc ở xa thì không kẻ nào lừa gạt về việc quan trọng hay không quan trọng trong thiên hạ được. Nếu nhờ vào danh tiếng mà được cất nhắc thì bề tôi xa bề trên (vua) mà kết bè phái ở dưới; nếu nhờ có phe đảng mà được làm quan thì dân sẽ chỉ lo kết giao với nhau mà không cần giữ pháp luật. Quan lại mà không được dùng đúng khả năng thì nước loạn. Nếu thưởng phạt ai chỉ do lời khen chê của người khác thì kẻ thích được thưởng, ghét bị phạt sẽ bỏ phép công mà chỉ theo thuật riêng, kết bè đảng để làm lợi cho nhau, quên vua mình mà giao thiệp với nước ngoài, để đưa phe mình lên, mà bề tôi sẽ ít phục vụ cho vua. Bề tôi kết giao với nhau nhiều, trong ngoài đều có bè đảng thì dù có tội lớn, cũng che lấp hết, vua không sao biết được. Do đó mà bề tôi trung chẳng có tội cũng bị giết, còn bọn gian thần chẳng có công gì lại được yên ổn hưởng lợi. Bề tôi trung không có tội mà bị giết thì hạng lương thần (bề tôi tốt) phải ẩn mình; bọn gian thần không có công mà được yên ổn hưởng lợi thì bọn gian thần tiến lên. Đó là nguồn gốc sự suy vong. Như vậy thì bề tôi bỏ pháp luật mà lo việc riêng tư, coi thường phép công; thường lui tới nhà riêng của bọn cầm quyền mà không tới triều đình của vua; trăm lần lo cái lợi cho tư gia mà không một lần mưu tính việc cho vua. Thuộc hạ tuy đông mà không phải để tôn quân, bách quan tuy đủ mà không phải để lo việc nước. Như vậy, vua chúa chỉ có cái danh là vua chúa mà thực tế thì phải nhờ cậy vào nhà của bề tôi. Cho nên thần (tức Hàn Phi) bảo: “Triều đình của nước suy vong không có người”. Triều đình không có người, không phải là triều đình trống không, mà là bề tôi chỉ nghĩ đến cái lợi của tư gia, không lo làm lợi cho nước, các quan lớn lo tôn lẫn nhau mà không tôn quân, còn các quan nhỏ dùng bổng lộc để kết giao chứ không làm việc nước. Sở dĩ như vậy là vì vua chúa ở trên không quyết đoán theo pháp luật mà tin lời khen chê của kẻ gian, thưởng phạt theo ý họ. Bậc minh chủ (trái lại) chọn người theo pháp luật, không theo ý riêng mà cất nhắc họ, xét công lao của bề tôi theo pháp luật, không theo ý riêng mà ước lượng, (như vậy) kẻ làm được việc không bị ghìm, kẻ làm hỏng việc không thể nói hay cho mình được; kẻ được khen (bậy) không được tiến cử (hay thăng chức), kẻ bị chê (oan) không bị cách chức (hay giáng chức); mà giữa vua tôi, thiện ác phân minh, nước dễ trị. (Tóm lại) vua theo đúng pháp luật thì thành công.

*

     Người hiên làm bề tôi thì quay mặt về hướng Bắc dâng lễ vật[5] (thề) không có hai lòng, ở triều đình không dám từ chối địa vị thấp hèn, trong quân đội, không dám từ chối việc gian nan; một mực thuận tòng việc làm, pháp độ của vua, hư tâm[6] để đợi mệnh lệnh, không dám dị nghị phải trái, cho nên có miệng mà không nói ý riêng, có mắt không nhìn riêng, hoàn toàn do vua kiềm chế. Phận bề tôi, cũng như cánh tay, trên che đầu, dưới che thân, thân thể nóng hay lạnh thì phải cứu, dù lưỡi kiếm Mạc Da kề thân cũng không dám không bắt. Bề tôi hiền triết kẻ sĩ tài bằng làm việc riêng tư (mà phải lo việc công). Cho nên dân không dám ra khỏi làng mà giao du, không có thân thích ngoài trăm dặm. Sang hèn không lấn nhau, trí ngu đều có chỗ đứng. Như vậy là cực trị.
     Hạng người khinh tước lộc, dễ dàng bỏ chức vụ mà đi chọn vua khác, thần không gọi là liêm. Hạng người đặt lỗi giả dối, trái pháp luật, không theo vua, một mực can gián, thần không gọi là trung. Hạng người thi hành ân huệ, phân phát lợi lộc, thu phục kẻ dưới để được tiếng tốt, thần không gọi là nhân. Hạng người lánh đời, ở ẩn, chê bai vua, thần không gọi là nghĩa. Hạng người ra ngoài giao thiệp với chư hầu (để làm lợi cho mình), ở trong làm hao tổn cho nước, rình lúc nước nhà gặp cơn nguy hiểm để dọa vua, bảo: “Việc ngoại giao không có tôi thì không kết thân với nước ngoài được; nước khác thù oán mình, không có tôi thì không giải cho được”, mà vua tin, giao việc nước cho, nhân đó họ làm cho uy danh của vua bị hạ thấp để cho uy danh của họ rực rỡ, hủy hoại thực lực của quốc gia làm lợi cho nhà họ, hạng đó thần không gọi là trí. Mấy hạng (liêm, trung, nhân, nghĩa, trí) đó, thời loạn người ta quí trọng, nhưng phép của tiên vương thì gạt bỏ họ ra. Phép của tiên vương bảo: “Bề tôi không được ra oai, không được gian ác mà phải theo đường lối của vua”. Đời xưa, khi quốc gia bình trị thì dân theo phép công, bỏ thuật riêng, thống nhất ý nghĩ và việc làm để đợi vua giao cho nhiệm vụ.

*

     Làm vua mà đích thân xem xét bách quan thì không đủ thời giờ mà cũng không đủ sức. Vả lại người trên dùng mắt thì kẻ dưới tô điểm bề ngoài; người trên dùng tai thì kẻ dưới sửa giọng nói; người trên dùng trí óc để đoán xét thì kẻ dưới khéo nói, nói nhiều. Tiên vương cho ba cái đó (mắt, tai, trí óc) là không đủ nên không ỷ vào tài năng của mình mà theo pháp độ, xét kĩ việc thưởng phạt. Tiên vương chỉ giữ cái cốt yếu, nên pháp độ giản dị mà không bị vi phạm; một mình tự chế ngự dân trong bốn bể, khiến cho kẻ thông minh không gian trá được, kẻ miệng lưỡi không nịnh bợ được, kẻ gian tà không biết dựa vào đâu được, dù kẻ ở xa ngoài ngàn dặm cũng không dám đổi lời, kẻ thân cận như các lang trung cũng không dám che dấu cái tốt, tô điểm cái xấu; như vậy từ các bề tôi tại triều tụ tập ở bên vua cho tới những kẻ thấp hèn ở xa cũng không dám lấn nhau mà đều giữ chức phận mình[7]. Cho nên việc cai trị ít, ngày giờ dư, được vậy là do vua biết dùng quyền thế để trị nước.

*

     Bề tôi lấn vua cũng như hình thế đất đai, mỗi ngày thêm một chút, lần lần làm cho vua mất đầu mối (tức pháp độ), đổi hướng từ đông sang tây mà không hay. Tiên vương đặt ra kim chỉ nam (tức quốc pháp) là để biết phương hướng mặt trời mọc và mặt trời lặn (tức biết đâu là chính, đâu là tà). Nhờ vậy mà bậc minh chủ khiến cho quần thần không dám nghĩ lông bông vượt ra ngoài pháp luật, không dám thi hành ân huệ quá sự qui định của pháp luật, mà nhất cử nhất động đều hợp pháp. Pháp luật nghiêm là để ngăn cấm tội lỗi, trừ bỏ riêng tư; hình phạt gắt là để lệnh được thi hành khắp và trừng trị kẻ dưới. Uy thế không thể ủy thác cho kẻ khác, quyền chế tài không thể cho người khác giữ chung. Hai cái đó mà vua tôi giữ chung thì vô số sự gian tà xuất hiện. Pháp luật mà không xác định thì hành động và lời nói của vua trái ngược nhau[8], hình phạt không kiên quyết thì không trừ được kẻ gian. Cho nên bảo: “Người thợ không khéo thì mắt nhìn và ý đoán không sai với dây mực, nhưng cũng phải dùng cái qui cái củ để đo trước đã: hạng thượng trí tuy xử sự nhanh chóng, thích đáng, nhưng cũng phải dùng pháp độ của tiên vương làm tiêu chuẩn”. Nhờ dây mực thẳng mà đẽo được cây cong làm cho thành ngay; nhờ cái thuỷ chuẩn bằng mặt mà san phẳng được chỗ lồi lõm; nhờ cái cán cân và quả cân treo lên mà bớt được bên nặng bù vào bên nhẹ; nhờ có cái đấu, cái thạch[9] mà giảm được chỗ nhiều thêm vào chỗ ít. Dùng pháp luật để trị nước chỉ là để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy mà thôi. Pháp luật không thể a dua người sang cũng như dây mực không thể uốn theo gỗ cong. Áp dụng pháp luật thì kẻ trí phải treo mà kẻ dũng không dám cãi. Trị tội thì không chừa các quan lớn, thưởng công thì không bỏ sót dân thường. Kiểu chính lỗi của người trên, trách sự gian tà của kẻ dưới, trừ loạn, sửa tài, giảm cái hữu dư, bù cái bất túc[10] khiến cho toàn dân noi theo một đường, thì không gì bằng pháp luật. Khống chế quan lại, ra oai với nhân dân, trừ sự bậy bạ, biếng nhác, ngăn sự gian trá, thì không gì bằng hình phạt. Hình phạt nặng thì người sang không dám khinh kẻ hèn; pháp luật phân mình thì người trên được tôn trọng, không bị lấn. Người trên được tôn trọng, không bị lấn, thì vua mạnh, nắm được các mối quan trọng. Vì vậy mà tiên vương quý pháp luật mà truyền lại đời sau. Bậc vua chúa bỏ pháp luật mà theo ý riêng thì trên dưới không phân biệt (nước sẽ loạn)

Chú thích:
[1] Nguyên văn là chữ manh 氓 (nghĩa là dân), mỗi nhà bàn một khác; có nhà ngờ là chữ mẫn 泯(nghĩa là tiêu diệt). Chúng tôi lấy ý mà dịch.
[2] Có sách chép là Tương vương, sai.
[3] Có sách cho rằng Phương Thành ở trong đất Trác.
[4] Ý muốn nói trước khi dùng ai, vua phải xét xem người đó được việc hay không đã.
[5] Vì vua quay mặt về phương Nam (phương có nhiều ánh sáng). Thời xưa, khi mới yết kiến, người dưới dâng lễ vật cho người trên, như quan khanh dâng con dê con, quan đại phu dâng con nhạn lên vua.
[6] Không có sẵn ý riêng.
[7] Nguyên văn: triều đình trực tấu, đan vi bất cảm tương du việt. Câu đó tối nghĩa. Trần Khải Thiên hiểu là: các bề tôi tụ họp ở bên vua mà không tơ hào lấn áp nhau (chữ đan vi hiểu là tơ hào chứ không phải là kẻ thấp hèn ở xa); lại có nhà hiểu: bất cảm tương du việt là không dám vượt pháp độ.
[8] Chữ nguy 危 ở đây, các nhà chua giải bảo phải đọc là quí 詭, như trong chữ quỉ biện mà ta thường đọc là ngụy biện.
[9] Thạch là một đồ đo lường bằng 10 đấu.
[10] Nguyên văn: chuất tiện tề phi 絀羨齊非, có sách giảng là khen đúng người phải, trách đúng kẻ bậy. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 204
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com