watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:42:3318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử V - Trang 7
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử V
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 7 trong tổng số 10



THIÊN XXXIII

NGOẠI TRỪ THUYẾT TẢ HẠ (Trích)
(NHỮNG THUẬT ĐỂ DÀNH MÀ DÙNG – THIÊN NGOẠI, TẢ, HẠ)

Kinh 1. Có tội mà bị trừng phạt thì không oán bề trên như người giữ cửa cụt chân cứu Tử Cao: có công mà được thưởng thì không cho đó là một ân huệ (...) như Chiêu Mão coi năm cỗ xe không hơn xà cạp và dép cỏ.
Truyện I – a/ Khổng tử làm tướng quốc nước Vệ[1], học trò là Tử Cao làm chức coi ngục, chặt chân một người phạm tội, người này sau làm chân giữ cửa. Có người ghét Khổng tử, nói với vua nước Vệ: “Trọng Ni muốn làm loạn”. Vua nước Vệ bắt Khổng tử, Khổng tử chạy kịp, các môn sinh đều trốn thoát, (chỉ có) Tử Cao không ra được vì cửa (thành) đã đóng[2], người cụt chân dẫn ông ta núp trong cái phòng ở chân cửa, viên lại tìm ông không được. Nửa đêm, Tử Cao hỏi người cụt chân: “Tôi không thể không thi hành pháp lệnh của vua, nên đích thân chặt chân của ông. Nay là lúc ông báo thù, mà sao ông lại giúp tôi trốn (ở đây)? Sao tôi lại được ông cứu như vậy?” Người cụt chân đáp: “Tôi bị chặt chân, vì tội tôi đáng vậy, làm sao khác được? Nhưng khi ngài định tội tôi, ngài xét mọi khía cạnh của pháp lệnh, tìm cách giúp tôi[3], muốn cho tôi khỏi tội, tôi biết vậy. Đến khi án đã quyết, tội đã định, ngài luôn buồn bã không vui, hiện rõ trên mặt, tôi thấy và biết vậy. Không phải ngài riệng thương tôi, bẩm tính ngài nhân từ như vậy. Tôi vui và mang ơn ngài là vì thế” (...).
c/ Tần và Hàn đánh Ngụy, Chiêu Mão (bề tôi nước Ngụy) qua phía Tây (Tần ở phía Tây) du thuyết mà Tần và Hàn bãi binh. Tề và Kinh đánh Ngụy, Mão qua phía Đông (Tề ở phía đông) du thuyết mà Tề và Kinh bãi binh. Ngụy Tương vương thưởng ông lộc năm cỗ xe[4], Mão nói: “Bá Di được chôn cất theo cấp tướng quân ở chân núi Thú Dương, và thiên hạ đều bảo: “Hiền (có khí tiết) và có tiếng nhân nghĩa như Bá Di mà chôn cất theo cấp tướng quân thì (cũng như) chôn còn hở tay chân[5]. Ngay thần bãi binh được bốn nước mà nhà vua cho thần lộc năm cỗ xe thì khác chi cho thần xà cạp và dép cỏ[6]".

*

Kinh 2: nên cậy vào thế lực mà không nên cậy vào tín nhiệm[7], cho nên Đông Quách Nha chống lại việc Quản Trọng làm tướng quốc; nên cậy vào thuật mà không nên cậy vào tín nhiệm, cho nên Hồn Hiên chỉ trích Văn Công. Bậc vua chúa có thuật trị nước thì thưởng một cách xác đáng để bề tôi phát triển hết tài năng, trừng phạt một cách cương quyết để ngăn cản gian tà, như vậy bề tôi dù có hành động lộn xộn, mình cũng lợi dụng được (...)
 Truyện 2 a/ Tề Hoàn công sắp lập Quản Trọng làm trọng phụ[8], ra lệnh cho quần thần: "Quả nhân sắp lập Quản Trọng làm Trọng Phụ, ai tán thành thì vào cửa rồi đứng qua bên trái, ai không tán thành thì vào cửa rồi đứng qua bên phải”, Đông Quách Nha đứng ở giữa. Hoàn công hỏi : “Quả nhân lập Quản Trọng làm trọng phụ, ra lệnh ai tán thành thì đứng bên trái, không tán thành thì đứng bên phải, sao ông lại đứng ở giữa cửa?” Nha đáp: “Thông minh như Quản Trọng có thể mưu tính lấy thiên hạ được không?” Công đáp: “Được”.
- “Quyết đoán như Quản Trọng có dám làm đại sự không?” Công đáp: “Dám”. Nha nói: “Thông minh có thể lấy thiên hạ, quyết đoán dám làm đại sự, mà nhà vua giao quyền bính cho ông ta thì ông ta tất dựa vào thế lực của nhà vua để trị nước Tề, có thể không nguy được không”. Công khen phải, rồi cho Thấp Bằng coi về nội chính, Quản Trọng coi về ngoại giao, hai người dòm ngó nhau[9].
b/ Tấn Văn công lưu vong ra nước ngoài. Cơ Trịnh bưng bình thức ăn theo hầu, lạc đường, mất dấu Văn công, khóc trên đường, nhịn đói rồi ngủ, chứ không dám ăn. Khi Văn công về nước, đem quân đánh đất Nguyên, chiếm được. Ông bảo: “Người chịu nhịn đói để giữ thức ăn trong bình cho ta, chắc không vì đất Nguyên mà phản ta”, rồi phong cho Cơ Trịnh làm huyện lệnh đất Nguyên. Quan đại phu Hồn Hiền nghe vậy, chê rằng: “Vì cái lẽ không đụng vào thức ăn trong bình mà tin rằng sẽ không vì đất Nguyên mà phản mình, chẳng phải là không có thuật trị nước ư? Bậc minh chủ không cậy vào cái lẽ bề tôi không phản mình mà ỷ vào cái lẽ họ không phản được mình, không ỷ vào cái lẽ họ không gạt mình mà ỷ vào cái lẽ họ không gạt được mình”.
c/ Dương Hổ bàn rằng: “Chúa mà hiền minh thì mình hết lòng phụng sự, nếu bất tài thi mình làm điều gian để thử chúa”. Ông ta bị đuổi ở nước Lỗ, bị nghi ở nước Tề[10], phải trốn qua Triệu, được Triệu Giản Chủ tiếp, phong làm tướng quốc; kẻ tả hữu hỏi: “Hổ giỏi cướp chính quyền, sao nhà vua lại dùng làm tướng quốc?”. Giản Chủ đáp: “Dương Hổ lo cướp chính quyền, ta lo giữ”, và ông dùng thuật để khống chế Hổ, Hổ không dám làm bậy, trung thành phụng sự, làm cho Giản chủ mạnh hơn lên, gần thành một bá chủ chư hầu.

*

Kinh 3: Văn Vương bỏ cái lễ vua tôi mà buộc lấy dây vớ, có lỗi mà còn khoe; Quí Tôn không phân biệt lúc ở triều, lúc về nhà, lúc nào cũng trang trọng, rốt cuộc bị hại.
Truyện 3. a/(Chu) Văn vương đem quân đánh nước Sùng, đến gò Phượng Hoàng thì dây vớ tuột, ông tự buộc lại. Thái Công Vọng hỏi: “Sao nhà vua lại tự buộc lấy?” Văn Vương đáp: “Những người mà vua dùng, bậc trên đều là thầy của vua, bậc giữa đều là bạn, bậc dưới đều là người sai khiến[11]. Ở đây đều là bề tôi của tiên vương, nên không có ai để sai khiến”.
Một thuyết khác bảo:
Tấn Văn Công giao chiến với Sở, tới gò Phượng Hoàng, dây dép tuột ra, ông tự buộc lại. Kẻ tả hữu hỏi “Nhà vua không sai người buộc lại cho được ư?”. Ông đáp “Ta nghe nói vua bậc trên ở gần ai thì đều nể họ; vua bậc trung ở gần ai thì đều yêu họ; vua bậc dưới ở gần ai thì đều khinh họ. Quả nhân tuy bất tiếu nhưng người của tiên vương còn đó, cho nên khó sai ai được”.
b/ Quí Tôn thích nuôi kẻ sĩ, suốt đời trang trọng, cách cư xử và ăn mặc ở nhà lúc nào cũng như ở triều đình. Nhưng có lần ông làm biếng nên sơ thất, không trang trọng được hoài. Các khách (kẻ sĩ ông nuôi) cho rằng ông đã chán và khinh họ nên oán ông, giết ông. Vì vậy bậc quân tử nên bỏ cái gì thái quá.[12]

*

Kinh 4: Khiến cho phạm điều mình cấm được lợi, hễ làm lợi cho mình lại bị cấm, như vậy vua dù là thần thánh cũng không trị nước được. Khen kẻ có tội, chê kẻ đáng thưởng thì dù là vua Nghiêu cũng không trị nước được. Làm cửa mà không cho người ta vào, bày cái lợi ra mà không cho người ta tiến lại (để hưởng), mối loạn sinh ra từ đó (...)
Truyện 4 b/ Tây Môn Báo làm quan lệnh đất Nghiệp, nghiêm khắc liêm khiết, không mảy may tư lợi, coi thường kẻ tả hữu của vua nên bọn họ kết bè nhau để hủy báng ông. Được một năm ông dâng báo cáo lên, nhà vua thu ấn của ông lại. Ông dâng biểu xin vua: “Trước thần không biết cách cai trị đất Nghiệp, nay thần biết rồi, xin được giao ấn lại để cai trị đất Nghiệp lần nữa, không được xin việc thì xin chịu tội chém." (Vua là) Văn Hầu thương tình cho phục chức. Từ đó Báo đánh thuế nặng bách tính, hối lộ kẻ tả hữu của vua. Được một năm ông dâng báo cáo lên. Văn Hầu nghinh tiếp và bái tạ ông, ông thưa: “Năm trước thần vì nhà vua mà trị đất Nghiệp thì nhà vua thu ấn của thần; năm nay thần vì các tả hữu của nhà vua mà trị đất Nghiệp thì vua bái tạ thần. Thần không thể trị đất Nghiệp được nữa”. Rồi trả ấn mà đi. Văn Hầu không nhận, bảo: “Trước kia quả nhân không biết ông, nay biết rồi, xin ông vì quả nhân mà rán trị đất Nghiệp cho”. Và trả lại ấn.
d/ Tử Xước nói không có thể đồng thời tay trái vẽ hình vuông và tay phải vẽ hình tròn được.
đ/ Dùng thịt đuổi kiến thì kiến càng đông, dùng cá đuổi ruồi thì ruồi càng bu lại.[13]

*

Kinh 5: bề tôi nào quá tự ti và tiết kiệm thì tước lộc không đủ để khuyến khích; ân sủng và vinh quang mà ban phát không tiết độ thì bề tôi áp bức vua chúa (...)
Bè đảng phụ họa cho nhau, bề tôi thỏa mãn được tư dục thì vua bị cô lập; quần thần lấy công tâm mà đề cử người, kẻ dưới không phụ họa nhau (làm điều gian) thì là vua sáng suốt (...)
 Truyện 5. a/ Vu Hiến Bá làm tướng quốc nước Tấn[14] mà rau lê rau hoắc mọc đầy dưới sân, gai góc sum suê ngoài cửa, bữa ăn không hai món, chỗ ngồi không có hai lớp chiếu, vợ không mặc đồ lụa, ở nhà không cho ngựa ăn lúa, ra ngoài không có xe theo hầu. Thúc Hưởng hay điều đó, lại nói với Miêu Bôn Hoàng, Bôn Hoàng chê : “Như vậy là lấy tước lộc của vua làm vui lòng kẻ dưới”.
(Còn một thuyết khác, đại ý cũng vậy chúng tôi bỏ).
b/ Quản Trọng làm tướng quốc nước Tề, tâu với vua:
“Thần sang nhưng nghèo”. Hoàn Công bảo: “Cho ông có nhà tam qui”[15]. (Có nhà tam qui rồi) Quản Trọng lại tâu: “Thần đã giàu rồi, nhưng địa vị thần còn thấp”. Hoàn Công đặt ông ta lên trên họ Cao, và họ Quốc (hai quí tộc lớn nhất của nước Tề). Ông ta lại xin: “Địa vị của thần cao rồi, nhưng thần còn sơ với nhà vua (không được ở trong công tộc)”. Hoàn Công bèn lập ông làm trọng phụ (như hàng cha chú của vua) Khổng tử nghe chuyện đó, chê Quản Trọng là “xa xỉ quá đáng, bức hiếp vua”.[16]
Còn 1 thuyết khác: “Quản Trọng ra ngoài thì dùng xe bọc màu đỏ với người hầu mặc áo xanh, về nhà thì cho đánh trống, trước sân bày vạc, trong nhà có đài tam qui. Khổng Tử nói: “Ông ta là một quan đại phu giỏi, nhưng quá đáng, và bức cấp trên”.
(Đoạn dưới chép về Tôn Thúc Ngao, tướng quốc Sở, chúng tôi bỏ).
d/ Đất Trung Mâu không có quan lệnh, Tấn Bình Công hỏi Triệu Võ:
- Trung Mâu là tay chân của Tấn, vai lưng của Hàm Đan, quả nhân muốn có một quan lệnh tốt ở đó, dùng ai được bây giờ?
Võ thưa:
- Có thể dùng Hình Bá Tử.
Công hỏi:
- Người đó không phải là kẻ thù của ông ư?
- Thù riêng không vào cửa công (nghĩa là việc công việc nước thì không kể đến thù riêng).
Công lại hỏi:
- Còn chức lệnh ở Trung phủ thì dùng ai?
- Dùng con của thần được.
Cho nên bảo: “Triệu Võ tiến cử người ở ngoài họ mình thì không chừa kẻ thù, tiến cử người trong thân thuộc của mình[17] thì không chừa con”. Ông tiến cử 46 người, đến khi ông mất, họ đều đến điếu với tư cách là khách (chứ không thân mật như người nhà). Đức vô tư của ông như vậy đó (...)
e/ Giải Hồ tiến cử kẻ thù của mình làm tướng quốc cho Giản chủ. Người thù đó cho rằng mình may mắn được tha thứ rồi nên lại bái tạ. Hồ giương cung muốn bắn ông ta, bảo: “Tiến cử người là việc công, vì cho rằng ngươi lãnh được nhiệm vụ; còn thù ngươi thì là cái oán riêng, ta không vì oán riêng mà chặn đường của ngươi, không tiến cử ngươi lên với vua”. Vì vậy có ân oán riêng thì không vào cửa công[18].

*

Kinh 6. Vua[19] hèn kém thì kị lời nói thẳng, ân nghĩa riêng tư mà chiếm phần ưu thắng thì công nghiệp của vua sẽ ít.
Truyện 6. – (Bốn truyện trong phần này không thực là những dẫn chứng mà chỉ hơi có liên quan tới phần kinh). Truyện đầu là lời Võ tử khuyên con đừng nói thẳng mà nguy đến thân; truyện thứ 2 thì là lời Tử Quốc khuyên con là Tử Sản (tướng quốc nước Trịnh) đừng nên trung với vua vì bị quần thần ghét mà nguy đến thân; truyện thứ 3; Lương Xa có công tâm quá tới mức chặt chân chị khi chị phạm tội nhỏ, vua đã chẳng khen mà còn chê là bất từ, cách chức huyện lệnh của ông ta; truyện cuối cùng, Quản Trọng bị bắt, từ nước Lỗ giải về Tề, dọc đường đói khát, được một người giữ biên giới tặng thức ăn. Người này hỏi sau này được trọng dụng thì Quản Trọng sẽ đền ơn anh ta ra sao. Quản Trọng không nghĩ đến ơn riêng đó, đáp sẽ dùng người hiền để giúp nước, và bị anh ta oán.

[1] Khổng tử không làm tướng quốc nước Vệ. Thời đó Khổng Khôi làm loạn: ngẫu nhiên cùng họ với Khổng tử, nên người ta lầm là Khổng Tử.
[2] Nguyên văn: Tử Cao hậu môn. Có sách dịch là Tử Cao đi ra ngõ sau, có sách dịch là: ra cửa sau cùng. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.
[3] Nguyên văn: tiên hậu thần di ngôn. Trần Khải Thiên giảng: tiên hậu là tả hữu, nghĩa là giúp.
[4] Thời dó thiên tử có vạn cỗ xe, vua chư hầu có 1000 cỗ, quan đại phu có 100 cỗ. Mỗi cỗ xe tương đương cho lộc của 6 dặm vuông đất.
[5] Bá Di con vua Cô Trúc có đạo đức, không ham ngôi vua, lại chê Chu Võ vương giết Vua Trụ trong lúc còn tang cha, nến không phục tòng Võ Vương, bỏ vào núi Thú Dương, chết đói ở đó.
[6] Ý nói: thưởng không hậu. Mấy hàng cuối này nguyên văn khó hiểu, mỗi sách giảng một khác. Chúng tôi theo bản của Trần Khải Thiên.
[7] Tức không nên quá tin bề tôi.
[8] Trọng phụ là tiếng tôn xưng (coi Quản Trọng như hàng cha chú mình) chứ không phải là chức tước.
[9] Truyện này e không có thực. Theo sử thì Quản Trọng nắm trọn quyền hành.
[10] Theo thiên XXXIX Nạn Tứ 2 thì Dương Hổ bị Tề Cảnh Công bỏ tù. Luận ngữ chép là Dưỡng (Dương?) Hóa (Hóa là tên tự).
[11] Câu này nguyên văn có bản chép khác và nghĩa cũng khác:.... vua vào bậc trên (hiền đức nhất) coi các bề tôi đều là thầy cả, bậc giữa thì coi bề tôi đều là bạn, bậc thấp nhất coi bề tôi đều là người để sai khiến.
[12] Năm truyện sau từ c/ đến g/, không được nói tới trong phần Kinh mà cũng chẳng liên quan gì đến Kinh.
[13] Ba truyện sau không liên quan đến phần Kinh, riêng truyện cuối h/ không được nói tới trong phần Kinh.
[14] Có sách chép là Mạnh Hiến Bá và nước Lỗ, sai.
[15] Về danh từ “tam qui” này có tới 5 – 6 thuyết: 1 – một lần cưới 3 vợ, 2 – phép đánh thuế, 3 – dựng đài tam qui; ngụ ý rằng 3 hạng người qui phục mình: dân qui phục, chư hầu qui phục, các rợ qui phục, chỉ bậc thiên tử mới đáng dựng đài đó, 4 – thuế chợ nộp vào kho nhà nước, 5 – chỗ chứa tiền của. Trần Khải Thiên nghiên cứu kỹ và cho rằng thuyết sau đây của Dực(?) có lý hơn; tam qui là tam bách thặng (300 cỗ xe). Quan Đại Phu có 100 cỗ xe, lộc mỗi cỗ xe bằng thuế một xã 30 nóc nhà, 6 dặm vuông. Quản Trọng được lộc tam qui, tức lộc ba trăm cỗ xe, bằng ba lộc đại phu, cho nên mới gọi là giàu.
[16] Trong Luận ngữ - Bất dật -22, Khổng Tử chê Quản Trọng là khí tượng nhỏ nhen, không tiết kiệm, không biết lễ.
[17] Nguyên văn : ngoại cử và nội cử, có sách giảng là cử người bên ngoài, bên trong.
[18] Truyện g/ không được nói tới trong phần kinh.
[19] Nguyên văn: công thất.

THIÊN XXXIV

NGOẠI TRỪ THUYẾT HỮU THƯỢNG
(Trích)
(NHỮNG THUẬT ĐỂ DÀNH MÀ DÙNG – THIÊN NGOẠI, HỮU, THƯỢNG)

Kinh 1, bề tôi nào mà vua dùng quyền thế cải hóa không được thì trừ đi (...)
        Truyện 1. – a/ Thưởng và khen không khuyến khích được, phạt và chê cũng không sợ, dùng cả bốn cách mà không biến đổi được thì trừ đi.
        d/ Người đi săn nhờ sự vững chắc của xe, dùng chân của sáu con ngựa, sai Vương Lương (một người giỏi đánh xe ngựa) cầm cương thì thân không mệt mà đuổi kịp những con thú chạy nhanh. Nay bỏ cái tiện lợi của xe, không dùng sáu con ngựa, không dùng tài đánh xe của Vương Lương mà xuống xe chạy bộ đuổi theo con thú thì dù có chân của Lâu Quí (một người chạy rất nhanh) cũng không sao đuổi kịp thú. Dùng ngựa tốt xe bền thì dù kẻ tôi tớ (không quen đi săn) cũng dư sức săn được thú. Nước là xe của vua, quyền (thế) là ngựa của vua, không dùng cái thế để cấm và giết bọn bề tôi chuyên mua lòng dân (bằng cách ban ân huệ riêng cho dân), mà cứ muốn phải có đức để cùng tranh dân với bề tôi thì cũng như không dùng xe của vua, sức của ngựa mà bỏ xe xuống chạy bộ vậy.
        đ/ Tử Hạ, môn đệ của Khổng Tử, nói: “Sách Xuân Thu chép cả chục vụ bề tôi giết vua, con giết cha, tất cả những vụ đó đều không phải chỉ trong một ngày mà xảy ra, trái lại do chất chứa dần dần rồi sau mới phát”. Kẻ gian làm bậy với dân, mỗi ngày một chất chứa, chất chứa rồi thì sức mạnh lên, có thể giết vua, vì vậy mà bậc minh chủ nên sớm diệt họ. Nay Điền Thường[1] đã làm loạn, đã lần lần thấy rồi, mà vua (Tề Giản Công) không giết đi, Án Tử không khuyên vua giết bọn bề tôi xâm lăng mà khuyên ban ân huệ cho dân, vì vậy mà sau Giản Công bị họa. Cho nên Tử Hạ bảo: “Người nào giỏi nắm cái thế thì diệt ngay ý gian khi nó mới manh nha”.
        g/ Thái Công Vọng được phong ở nước Tề, tại phía đông. Trên bờ biển đông nước Tề có hai anh em ruột đều là cư sĩ: Cuồng Duật và Hoa Sĩ. Họ bàn với nhau: "Chúng ta không làm bề tôi thiên tử, không làm bạn chư hầu, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, không nhận danh hiệu (chức tước), bổng lộc của vua, không làm quan, mà lao động để sống"! Thái công Vọng khi đến Doanh Khâu (kinh đô Tề lúc đó) sai bắt giết hai người ấy, đó là đợt giết đầu tiên.
Chu công Đán ở nước Lỗ hay tin, phái người gấp tới hỏi: "Hai người đó là bậc hiền, nay ông mới tới nhận nước, đã giết ngay người hiền, tại sao vậy?" Thái công Vọng đáp: “Hai anh em nhà đó bàn với nhau: “Chúng ta không làm bề tôi thiên tử không làm bạn chư hầu, cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, không nhận danh hiệu, bổng lộc của vua, không làm quan mà lao động để sống”. Họ không chịu làm bề tôi của thiên tử thì Vọng này không coi họ là bề tôi được; họ cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống, không cầu gì ở người khác, thì tôi không thể thưởng phạt, khuyên cấm họ được. Vả lại họ không nhận danh hiệu vua ban thì dù họ có tài trí cũng không để cho Vọng tôi dùng ; họ không cầu bổng lộc của vua thì dù họ có hiền đức cũng không lập công với Vọng được. Họ không chịu làm quan thì không trị họ được, họ không lãnh nhiệm vụ thì họ không trung với mình. Tiên vương sở dĩ sai khiến thần dân được là nhờ tước lộc hoăc hình phạt. Nay, dùng cả bốn cái đó không đủ để sai khiến họ thì Vọng tôi cai trị ai nổi bây giờ? Không đeo binh pháp mà được vẻ vang, không tự cày bừa mà nổi danh, đó cũng không phải là điều đem ra dạy dân được (….). Họ tự cho là hiền sĩ trong đời mà không để cho chúa dùng, hạnh của họ cực hiền nhưng vô dụng cho vua, đó đâu phải là bề tôi của bậc minh chủ, có khác chi con ngựa kí (chạy rất nhanh) mà không lái qua tả qua hữu được, vì vậy mà tôi phải giết.

*

           Kinh 2. Bậc vua chúa là cái đích lợi và hại (ai nhắm trúng, tức đoán đúng ý của vua, thì có lợi, ngược lại thì có hại. Người nhắm đích rất đông, cho nên bậc vua chúa dễ bị chia uy quyền với bề tôi[2]. Vì vậy nếu điều yêu ghét của vua bộc lộ ra thì bề tôi lợi dụng mà làm cho vua bị mê hoặc; vua tiết lộ lời của bề tôi cho người khác biết thì bề tôi khó nói (tố cáo) mà vua không còn là thần thánh nữa (…)
           Truyện 2.  a/ Thân tử (Thân Bất Hại) nói: “Sự sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ đề phòng; sự không sáng suốt của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ gạt bề trên; sự hiểu biết của bề trên mà để lộ ra thì người dưới sẽ dối sự thật; sự không ham muốn mà để lộ ra thì bề dưới sẽ rình bề trên; sự ham muốn của bề trên mà lộ ra thì người dưới sẽ nhử bề trên. Cho nên bảo: "Ta không dựa vào đâu mà biết người (tức bề tôi) được, chỉ có vô vi (không làm gì cả) là có thể dò xét được họ thôi”[3]
           d/ Tĩnh Quách quân (Điền Anh) làm tướng quốc nước Tề. Vợ vua chết, chưa biết ai sẽ được lập làm hoàng hậu, ông dâng vua hoa tai bằng ngọc để biết. (Truyện này giống Truyện Tề III 2 trong Chiến Quốc sách).
             
e/ (Tần Huệ vương đuổi Công tôn Diễn đi, vì nghe lời gièm pha của Cam Mậu mà ngờ Công tôn Diễm bép xép để tiết lộ việc ông cho Diễn làm tướng quốc thay Cam Mậu. (Truyện này chép trong Chiến Quốc sách – Tần II 13, nên chúng tôi không dịch lại).
           g/ Đường Khê công nói với (Hàn) Chiêu hầu : “Nay có một cái chén ngọc đáng giá ngàn vàng mà không có đáy, có thể đựng rượu được không ?”. Chiêu hầu đáp: "Không được".
           - “Có cái vò bằng đất nung mà không rịn, có thể đựng rượu được không ?” – “Được” – Cái vò bằng đất, cực xấu xí rẻ tiền, mà không rịn thì đựng được rượu, còn cái chén ngọc đáng giá ngàn vàng, cực quí mà không có đáy thì đựng nước cũng không được, thì còn ai rót nước uống vào đó nữa ? Làm vua mà tiết lộ lời nói của bề tôi thì không khác gì chén ngọc không đáy, dù là bậc thánh trí cũng không dùng hết thuật được vì không kín tiếng”. Chiêu hầu đáp: "Phải". Ông nghe lời khuyên của Đường Khê công, từ đó về sau, hễ muốn thi hành một việc lớn trong thiên hạ thì luôn luôn ngủ một mình sợ ngủ mê, nói mớ mà người khác biết mưu tính của mình.
           (Còn một thuyết nữa, gần y hệt thuyết trên; bỏ).

*
        
           Kinh 3. Thuật sở dĩ không thi hành được là có lí do; (người bán rượu) không giết con chó (dữ) thì rượu hóa chua, mà bọn bề tôi cầm quyền là bầy chó dữ của nước; còn bọn tả hữu của vua là bầy chuột làm hại nền xã tắc (vì dòm ngó tình ý của vua). (…) (Muốn diệt bọn đó thì phải cương quyết như) Trang vương trả lời thái tử (bắt thái tử giữ phép nước như mọi người) (…) ( và phải nén đau khổ trừ bỏ bề tôi mình yêu nhất nếu họ phạm pháp như) Văn công chém Điên Hiệt[4]).
           Truyện 3.     a/ Nước Tống có người bán rượu, đong rượu rất ngay thẳng, tiếp khách rất ân cần, bài rượu treo thật cao, nhưng vẫn ế, rượu (để lâu) hóa chua, lấy làm lạ, hỏi một ông già trong xóm tên là Dương Thiến. Thiến đáp: “Tại chó của chú dữ quá!” Hỏi : “Chó dữ thì tại sao rượu lại ế?”  Đáp: "Có người sai trẻ mang tiền, cầm bình hoặc vò tới mua, chó của chú xông ra cắn, vì vậy rượu để tới chua, không người mua". Nước cũng vậy, có loài chó dữ. Những kẻ sĩ biết đạo đem thuật (trị nước) tới muốn soi sáng cho bậc chúa muôn cỗ xe thì bọn đại thần làm chó dữ, xông ra cắn, vì vậy mà chúa bị che lấp, lấn áp, kẻ sĩ có đạo không được dùng.
           Do lẽ đó mà (xưa kia khi Tề) Hoàn công hỏi Quản Trọng : “Trị nước thì cái gì đáng lo nhất?”, Quản Trọng đáp: "Đáng lo nhất là bầy chuột nền xã". Hỏi: “Sao lại lo chuột nền xã ?” Đáp: “Nhà vua đã thấy người ta lập nền xã (nơi thờ thần đất đai) rồi chứ? Người ta trồng một cây (tượng trưng cho thổ thần), rồi tô đất màu lên. Chuột khoét đất, đào hang ở trong nền xã; hun khói thì sợ cây cháy mà dội nước thì sợ trôi mất màu, vì vậy mà không sao bắt được chuột nền xã. Nay bọn tả hữu của nhà vua khi ra thì ỷ vào quyền thế mà bóc lột dân chúng, khi vào thì lập bè đảng che giấu tội ác không cho vua thấy, bên trong dò xét tình ý của vua để cho bên ngoài biết, ở trong và ở ngoài, quyền thế đều lớn, ăn hối lộ của các quan lại mà hóa giàu. Người chấp chính không giết họ thì phép nước sẽ loạn mà giết thì vua không chịu, che chở mà giữ họ[5], họ cũng là loài chuột nền xã trong nước đấy”.
         
           Hạng bề tôi cầm quyền mà tự ý ra cấm lệnh, khiến cho thiên hạ thấy rõ rằng ai vị họ thì tất có lợi, không vị họ thì tất bị hại, hạng đó cũng là chó dữ đấy. Đại thần làm chó dữ, cắn kẻ sĩ có đạo; kẻ tả hữu làm chuột nền xã dò xét tình ý của chúa, chúa không giác ngộ thì làm sao khỏi bị che lấp mà nước khỏi bị suy vong![6]
           (Còn một thuyết khác nữa, nội dung không khác,  nên bỏ)
           c/ Kinh Trang vương có phép “mao môn” (cũng gọi là trĩ môn)[7] bảo: “Quần thần, đại phu và các công tử vào triều, nếu móng ngựa đạp lên chỗ ở dưới máng xối thì viên đình lý (coi sân chầu) sẽ chặt đòn xe và giết kẻ đánh xe”. Một hôm thái tử vô triều, móng ngựa đạp lên chỗ ở máng xối, viên đình lí bèn chặt đòn xe và giết người đánh xe. Thái tử nổi giận, vô khóc lóc với vua: “Xin vua vì con mà giết tên đình lí đi”. Trang vương đáp: “Đặt ra pháp luật là để kính trọng tôn miếu, xã tắc; cho nên ai lập pháp, theo lệnh tôn kính xã tắc thì đều là bề tôi của xã tắc, sao lại giết được ? Còn kẻ phạm pháp, bỏ lệnh, không tôn kính xã tắc là lấn quyền thế của vua, phạm thượng. Bề tôi lấn quyền thế của vua thì vua mất uy: kẻ dưới phạm thượng thì địa vị của bề trên nguy. Uy mất, địa vị nguy, xã tắc không giữ được, ta lấy gì mà để lại cho con cháu?” Thái tử liền trở về, không vào nhà mà ở ngoài ba ngày, hướng về phía bắc lạy mấy lần, xin tha tội chết.
           (Một thuyết khác nữa cũng giống thuyết trên, nên bỏ)
           g/ ( Truyện này dài, chúng tôi cắt trên, cắt dưới, chỉ dịch đoạn giữa) (…) Tấn Văn công hỏi Hồ Yển[8]:
-         Hình phạt thi hành đến đâu là cùng cực ?
Hồ Yển đáp:
-         Không tránh người thân và đại thần, thi hành cả với người mình yêu.
Công khen: “Phải”.
Hôm sau, Công ra lệnh đi săn ở Phố Lục, ra hẹn giữa trưa phải tới chỗ, ai tới trễ thì bị trị tội như quân pháp. Một sủng thần của Công là Điên Hiệt tới trễ. Viên lại (thi hành mệnh lệnh) xin trị tội Điên Hiệt. Văn công rơi lệ, lo lắng, do dự. Viên lại nói: "Xin thi hành pháp luật", chém Điên Hiệt ngang lưng để cho dân chúng thấy rõ ràng pháp luật đã ban thì thi hành đúng. Từ đó dân chúng đều sợ, bảo: "Vua quí trọng Điên Hiệt như vậy mà còn thi hành pháp luật, huống hồ là đối với chúng ta" (…).

[1] Điền Thành (hoặc Điền Thường, coi chú thích thiên Ngũ đố) ban ân huệ riêng cho dân để dân theo mình mà xa vua, như vậy là có ý chiếm ngôi của Tề giản công. Giản Công biết là nguy cho mình, hỏi Án Tử cách đối phó ra sao. Án Tử khuyên Giản Công ban ân huệ cho dân hơn Điền Thành thì dân sẽ bỏ Điền Thành mà theo mình.
[2] Nguyên văn : “cố nhân chủ công hĩ” thật khó hiểu, chúng tôi theo bản của Trần Khải Thiên. Có người dịch là: cho nên bậc vua chúa có nhiều kẻ bao vây.
[3] Vì không làm gì thì không để lộ ý của mình ra, cứ núp vào sự hư tĩnh thì bề tôi thì không đoán được ý mình mà mình dò được ý họ.
[4] Đoạn này nếu dịch sát thì rất khó hiểu nên chúng tôi bất đắc dĩ phải cắt bớt và giảng giải.
[5] Nguyên văn: quân bất an, cứ nhi hữu chi. Có bản chép là: cứ quân sở an, cứ nhi hữu chi? và dịch là: vua căn cứ vào đâu mà bắt tội họ (vì họ lập bè đảng che giấu cho nhau rồi).
[6] Sáu hàng cuối này, Trần Khải Thiên cho là lời của Quản Trọng. Chúng tôi cho là giọng của Hàn Phi.
[7] Cung điện vua chư hầu có 3 cửa: ngoài, giữa, trong. Mao môn là cửa giữa.
[8] Cậu của Văn công, tòng vong với công, sau giúp công lập được nghiệp bá. Thường gọi là cậu Phạm.

THIÊN XXXV

NGOẠI TRỪ THUYẾT HỮU HẠ (Trích)

(NHỮNG THUẬT ĐỂ DÀNH MÀ DÙNG – THIÊN HẠ NGOẠI, HỮU, HẠ)


Kinh 1. - Việc thưởng phạt giao cho bề tôi thì cấm lệnh không được thi hành (…).
 
 Truyện 1.
 b/ Quan tư thành (một chức lớn) Tử Hãn tâu với vua Tống: "Khen thưởng và ban ơn là làm cho dân thích, việc đó xin vua đảm nhiệm lấy; chém giết, trừng phạt là làm cho dân ghét, việc này thần xin đảm đương". Vua Tống bảo: "Được". Từ đó hễ có việc ban lệnh ra oai, trừng trị đại thần thì ông bảo: "Hãy hỏi Tử Hãn". Do đó đại thần sợ Tử Hãn, dân chúng theo ông ta. Được một năm, Tử Hãn giết vua Tống cướp ngôi. Vậy là Tử Hãn dùng cách thả con heo nái (làm cho ngựa sợ)[1] để cướp nước của vua.
 
 Kinh 2. Nước trị và mạnh là nhờ pháp luật ; nước loạn và yếu là do bề tôi lập bè đảng mưu tư lợi[2].Vua chúa hiểu rõ lẽ đó thì dùng hình phạt cho đúng mà bỏ lòng nhân đối với kẻ dưới. Có công lao thì mới được tước lộc, có tội thì bị hình phạt. Bề tôi biết rõ như vậy thì tận lực tới chết mà bỏ lòng trung với vua[3]. Vua hiểu cái lẽ bất nhân (không ban ơn riêng), bề tôi hiểu rõ cái lẽ bất trung thì có thể lập được nghiệp vương (...).
 
 Truyện 2. a/ Tần Chiêu vương đau, dân chúng mỗi lí (hai mươi lăm nhà là một lí) chung nhau mua bò và nhà nào cũng cầu cho vua hết bệnh. Công tôn Thuật ra ngoài thấy vậy, bèn vào mừng vua: "Trăm họ đều chung nhau mỗi lí mua bò để cầu nguyện cho nhà vua hết bệnh". Chiêu vương sai người đi dò hỏi, quả có như vậy, ra lệnh: "Phạt mỗi lí phải nộp hai áo giáp (bằng da tê ngưu). Không ra lệnh mà tự ý cầu nguyện là thương quả nhân. Họ thương quả nhân thì quả nhân cũng phải đổi pháp luật mà làm vừa lòng họ, như vậy pháp luật không đứng được, pháp luật không đứng được sẽ đưa tới nước loạn và mất nước. Không bằng phạt mỗi lí hai áo giáp mà cho nước loạn được trị trở lại".
 
 (Còn một thuyết nữa cũng đại ý như vậy, bỏ)
 
 b/ Nước Tần rất đói kém. Ứng hầu[4] xin với vua :”Rau cỏ hột quả trong năm vườn của nhà vua đủ để cứu đói cho dân, xin nhà vua phát cho họ”. Chiêu Tương vương bảo :”Theo pháp luật nước Tần ta thì dân có công mới được thưởng, có tội mới bị phạt. Nay phát cho dân rau quả trong năm vườn, tức là dân có công hay không đều được thưởng cả. Khiến cho dân có công hay không đều được thưởng là gây loạn cho nước. Phát rau quả trong năm vườn mà nước loạn sao bằng đừng phát mà nước được trị”.
 
 d/ Công Nghi Hưu làm tướng quốc nước Lỗ thích ăn cá. Cả nước tranh nhau mua cá tặng ông, ông không nhận. Em trai ông hỏi: "Anh thích ăn cá mà sao người ta tặng lại không nhận!". Đáp: "Chỉ vì thích ăn cá mà không nhận đấy, vì nhận phải chịu ơn của người, chịu ơn của người thì phải uốn cong pháp luật, uốn cong pháp luật thì mất chức tướng quốc, mất chức tướng quốc thì người trong nước không tặng ta cá nữa mà ta cũng không tự cung cấp cá được (vì hết bổng lộc). Còn như không nhận cá thì vẫn còn làm tướng quốc, có thích ăn cá thì tự cung cấp cá hoài được”. Truyện đó cho ta thấy rõ ràng trông cậy ở người không bằng trông cậy ở mình, nhờ người ta làm cho mình không bằng tự mình làm lấy.

Kinh 3. Bậc vua chúa[5] lấy việc nước ngoài làm gương, thì việc bên ngoài không thể không thành, bởi vậy mà Tô Đại chê vua Tề. Bậc vua chúa lấy việc thời cổ làm gương thì bọn xử sĩ (không ra làm quan) mà tư tưởng không hợp với nhà cầm quyền sẽ không được vinh hiển, bởi vậy mà Phan Thọ nói về tình của vua (Hạ) Vũ, (…). Phương Ngô không ngồi cùng xe với kẻ mặc áo như mình, không ở cùng nhà với người trong họ, huống hồ là cho người khác mượn quyền mình, Ngô Chương nói chuyện thì không vờ thương ghét, huống hồ là thương ghét thật (…).
 
 Truyện 3.
 
 a/ Tử Chi làm tướng quốc nước Yên, chức cao mà chuyên quyền. Tô Đại được vua Tề sai đi sứ qua Yên. Vua Yên hỏi : "Vua Tề là ông vua ra sao?" Đáp : "Không thể làm bá chủ được" – “Sao vậy?” – “Xưa Tề Hoàn công làm bá chủ, nội chính giao cho Bão Thúc, ngoại giao giao cho Quản Trọng. Ông bỏ xõa tóc mà vui với đàn bà, suốt ngày dạo phố phường. Còn vua Tề ngày nay thì không tin đại thần.” Nghe lời Tô Đại, vua Yên càng tin Tử Chi hơn. Tử Chi biết chuyện đó, sai người tặng Tô Đại trăm dật vàng (mỗi dật khoảng 20 – 30 lượng) để ông ta tiêu.
 
 (Còn một thuyết nữa, bỏ).
 
 b/ Phan Thọ nói với vua Yên :”Nhà vua nên đem nước nhường cho Tử Chi. Người ta sở dĩ khen vua Nghiêu hiền đức là vì ông nhường thiên hạ cho Hứa Do, Hứa Do tất không nhận, như vậy vua Nghiêu được tiếng là nhường thiên hạ cho Hứa Do mà thực ra vẫn không mất thiên hạ. Nay nhà vua nhường nước cho Tử Chi, Tử Chi tất không nhận ; nhà vua sẽ được tiếng là nhường nước cho Tử Chi mà đức hạnh sẽ ngang với vua Nghiêu”. Vua Yên bèn đem việc nước giao hết cho Tử Chi, quyền của Tử Chi cực lớn.
 
 (Còn hai thuyết nữa, và chỉ hai thuyết này mới nhắc đến vua Hạ Vũ trong phần kinh đã nói, nhưng chúng tôi cũng bỏ vì ý nghĩa không khác. – xin ghi thêm : Chiến Quốc Sách – Yên 9 – cũng chép truyện đó gần giống hết thuyết thứ nhất chúng tôi đã dịch).
 
 c/ Phương Ngô Tử (không rõ là ai) bảo :”Ta nghe nói theo lỗ (lối?) cổ, vua đi đường không ngồi cùng xe với người y phục đẹp đẽ như mình, tại nhà thì không ở chung với người trong họ mình (để người ngoài khỏi lầm những người trong họ đó là vua); huống hồ là cho bề tôi mượn quyền của mình mà làm mất cái (uy) thế của mình đi.
 
 d/ Ngô Chương (bề tôi nước Hàn) nói với Hàn Tuyên vương : ”Bậc vua chúa không nên giả vờ thương người vì như vậy một ngày kia không thể lại ghét họ trở lại được; không nên giả vờ ghét người vì như vậy một ngày kia không thể lại thương họ trở lại được. Sự giả vờ thương hay ghét mà để lộ ra một chút thì kẻ nịnh bợ nhân đó mà khen chê (người mình giả vờ thương hay giả vờ ghét), (lúc đó) dù là bậc minh chủ cũng không bỏ được thái độ vờ thương, vờ ghét của mình, huống hồ lại thành thực thương hay ghét (thì làm sao còn có thể bỏ thương bỏ ghét được nữa).
 
 Một thuyết khác bảo : Ngô Chương nói: “Bậc vua chúa không nên giả thương giả ghét bề tôi; giả thương rồi thì không trở lại ghét được nữa, giả ghét rồi thì không thể trở lại thương được nữa”.
 
 Kinh 4. - Bậc vua chúa là người giữ pháp luật, xét bề tôi có thể làm được việc hay không để định công. Nghe nói quan lại dù loạn thì vẫn có hạng dân riêng giữ được đức hạnh, tiết tháo (độc thiện kì thân) ; chứ không nghe nói dân loạn mà có quan lại riêng tốt (nghĩa là dân loạn luôn luôn do quan lại xấu), cho nên bậc minh chủ trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân (hễ quan lại tốt thì dân không loạn) (…)
 Truyện 4. Muốn lay cây thì không kéo từng cái lá một, như vậy tốn công mà không xuể ; nắm thân nó mà lắc qua phải qua trái thì lá đều rung rinh hết (…) Người khéo bủa lưới thì kéo dây lưới; chứ nếu kéo từng mắt lưới một cho tới hết cả vạn cái mắt thì mệt và khó. Kéo dây lưới lên là bắt được cá rồi. Quan lại là dây lưới của dân, cho nên thánh nhân trị quan lại chứ không (trực tiếp) trị dân.
 
 c/ Tháo Phủ (một người giỏi đánh xe thời cổ) đương cào cỏ, thấy hai cha con nhà nọ đi ngang. Con ngựa sợ, chùn lại, không chịu đi nữa. Người con xuống xe lôi nó, người cha xuống đẩy xe, và nhờ Tháo Phủ tiếp tay đẩy giùm. Tháo Phủ xếp đồ cào cỏ, buộc lại, đặt trên xe, giúp (cha) con nhà đó đánh xe, mới bắt đầu so cương cầm roi, chưa kéo cương, quất roi mà ngựa đã lồng lên. Nếu Tháo Phủ không biết đánh xe thì dù hết sức cực nhọc đẩy xe, ngựa cũng không đi. Đằng này ông khỏe ru, được ngồi xe mà người lại mang ơn, chỉ nhờ ông có thuật đánh xe. Nước là xe của vua, (quyền thế) là ngựa của vua. Không có thuật để điều khiển (việc nước) thì đã mệt sức mà không tránh khỏi loạn; có thuật để điều khiển thì đã an lạc mà lại lập được nghiệp đế vương.
 
 Kinh 5. – Tùy theo cái “lí” (tại sao, thế nào), của việc mà hành động thì không mệt mà thành công. Vì vậy mà Tư Trịnh ngồi trên càng xe mà hát để qua cây cầu cao (…).
  Truyện 5. a/ Tư Trịnh tử đánh xe lên một cây cầu cao mà không được, bèn ngồi trên càng xe mà hát, (tức thì) người đi trước ông ngừng lại, người đi sau đẩy xe cho ông và ông lên được dốc cầu. Nếu ông không có thuật lôi kéo người (để giúp ông) thì dù ông có gắng sức đến chết, xe cũng không lên cầu được. Đằng này ông khỏi phải mệt thân mà xe lên được, là nhờ ông có thuật lôi kéo người để giúp ông.
 d/ Diên Lăng Trác tử ngồi trên xe thắng con ngựa lớn màu xanh có vằn như lông chim trĩ, phía trước có dây cương mang móc, phía sau có cây roi đầu nhọn, vì vậy mà ngựa muốn tiến thì bị cái móc cản, muốn lui thì bị đầu roi đâm, nó đành phải quay ngang. Tháo Phủ đi ngang qua, (thấy vậy) rơi lệ, bảo: "Đời xưa trị dân cũng vậy. Thưởng là để khuyến khích, vậy mà thưởng rồi mà còn chê trách; phạt là để ngăn cấm, vậy mà phạt rồi lại còn khen thêm. Dân đứng giữa mà không biết theo đường nào, thánh nhân khóc cho họ là vì vậy".

[1] Theo chú thích của bản đời Tống. Ý nói dùng hình phạt để cho quần thần và dân chúng sợ mình.
[2] Nguyên văn là: 阿, có sách giảng là : quanh co, không theo đúng pháp luật
[3] Nghĩa là có được thưởng thì mới hết lòng, chứ không vì tình riêng mà trung với vua.
[4] Tức Phạm Tuy (cũng có sách là Phạm Thư), có tài biện bác, được Tần trọng dụng, phong chức là Ứng hầu.
[5] Có bản chép là minh chủ.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 148
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com