watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:42:4918/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử V - Trang 4
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử V
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 4 trong tổng số 10

THIÊN XVII


BỊ NỘI

(ĐỀ PHÒNG BÊN TRONG)


Cái họa của bậc vua chúa là tin người, tin người thì bị người chế ngự. Bề tôi đối với vua không có tình cốt nhục, bị cái thế bó buộc không thể không thờ vua, cho nên, luôn luôn dò xét lòng vua, không một phút nào ngưng; mà vua lại ngồi trên ngạo mạn, biếng nhác, vì vậy mới có những ông vua bị áp bức và bị giết.
Làm vua mà quá tin con thì gian thần sẽ dựa vào con vua để thực hiện tư dục của họ. Vì vậy mà Lí Đoái giúp vua Triệu, bỏ Chủ Phụ chết đói[1]. Làm vua mà quá tin vợ thì gian thần sẽ dựa vào vợ vua để thực hiện tư dục của họ. Vì vậy mà Ưu Thi giúp Li Cơ giết Thân Sinh, lập Hề Tề[2]. Thân cận như vợ con mà còn không thể tin thì người khác làm sao có thể tin được? Vả lại chúa có vạn cỗ xe, vua có ngàn cỗ xe thì hoàng hậu, thứ phi, phu nhân, đích tử làm kế tự, thế nào cũng có người muốn cho vua chết sớm.

Làm sao biết được như vậy? Là vì vợ không có tính cốt nhục với chồng, hễ yêu thì thân, không yêu thì sơ. Tục ngữ có câu: “Mẹ được yêu thì con được chiều”. Ngược lại, hễ mẹ bị ghét thì con bị bỏ. Đàn ông năm chục tuổi vẫn còn hiếu sắc, đàn bả ba chục tuổi sắc đã tàn. Vợ sắc đã tàn mà thờ chồng hiếu sắc thì tất ngại bị hắt hủi, con tất ngờ sẽ không được nối ngôi. Đó là lẽ tại sao hoàng hậu, thứ phi, phu nhân mong cho vua chết sớm. Chỉ khi nào mẹ làm thái hậu, con làm vua thì lệnh mới được mọi người thi hành, điều cấm mới được mọi người tuân; cái vui trai gái không giảm so với khi tiên vương còn mà lại chắc nắm được quyền một ông vua vạn cỗ xe. Do đó mà có những vụ đầu độc bằng rượu mà thắt cổ lén. Vì vậy sách Đào Ngột Xuân Thu[3] bảo: “Bậc vua chúa chết vì bệnh chưa được phân nửa”[4]. Làm vua mà không hiểu điều đó thì loạn sẽ sinh ra nhiều. Cho nên có câu: “số người có lợi thấy vua chết mà nhiều thì tính mạng vua sẽ nguy."
Vương Lương yêu ngựa, Việt Vương Câu Tiễn[5] yêu dũng sĩ vì thích cưỡi ngựa, đánh giặc. Thầy lang khéo mút vết thương, ngậm máu bệnh nhân đâu phải vì tình cốt nhục mà chỉ vì lợi. Thợ đóng xe mong cho nhiều người giàu sang, còn thợ đóng quan tài mong nhiều người chết yểu, không phải là thợ đóng xe có lòng nhân mà thợ quan tài tàn nhẫn, chỉ vì người ta không giàu sang thì không mua xe, người ta không chết thì quan tài không bán được. Thợ đóng quan tài không phải là ghét người, nhưng có người chết thì chú ta mới có lợi. Cho nên bè đảng của hoàng hậu, thứ phi, phu nhân, thái tử mà thành thì họ mong cho vua chết, vua không chết thì quyền thế của họ không mạnh; họ không phải là ghét gì vua, nhưng vua có chết thì họ mới có lợi. Bởi vậy bậc vua chúa phải hết sức lưu ý tới những kẻ có lợi nhờ thấy mình chết. Mặt trời mặt trăng mà có quầng bên ngoài là tại chính bên trong của nó. Người ta thường đề phòng những kẻ mình ghét nhưng họa lại xảy ra do những kẻ mình yêu. Cho nên bậc minh chủ không làm những việc mình chưa tham khảo kĩ, không ăn những món khác thường; mà phải nghe những tin tức ở xa, xem tình hình ở gần để biết trong ngoài có cái gì sơ suất không; xét những lời giống nhau và khác nhau để phân biệt các bè đảng, khảo nghiệm lời người ta nói để bắt buộc người ta phải trung thực, không được hư trá; hễ dùng lời một người nào rồi thì xem kết quả về sau có phù hợp với lời nói trước không; cứ theo pháp luật mà trị dân; xem xét tất cả các đầu mối của sự việc; kẻ sĩ không có công thì không thưởng, mà công nhỏ thì không thưởng nhiều; kẻ nào đáng giết thì mới giết, có tội thì không tha. Như vậy thì kẻ gian tà không thể làm chuyện riêng tư được.

*

Sưu dịch nhiều thì dân khổ, dân khổ thì quyền thế của bề tôi dấy lên (nghĩa là bề tôi nhân đó mà nắm lấy quyền thế); quyền thế của bề tôi dấy lên thì sự miễn dịch xảy ra nhiều, miễn dịch nhiều thì người sang càng giàu (vì dân phải hối lộ cho họ để được miễn dịch). Hậu quả là làm khổ dân để cho người sang được giàu làm dấy lên (tăng) cái quyền thế của bề tôi để bề tôi dùng[6]; đó không phải cái lợi lâu dài của dân chúng. Cho nên có câu “Sưu dịch ít thì dân được yên ổn, dân yên ổn thì bề tôi không có quyền lớn, bề tôi không có quyền lớn thì quyền thế bị diệt, quyền thế diệt thì “đức” tức việc ân thưởng thuộc về vua." Nước thắng (làm tắt) được lửa, điều ấy hiển nhiên. Nhưng nếu đựng nước trong nồi để ngăn cách nước với lửa, rồi đun, thì nước bốc hơi ở trên cho tới cạn, mà lửa ở dưới vẫn bừng bừng cháy; nước đã mất cái thế thắng lửa. Pháp luật là để cấm gian tà (pháp luật thắng được gian tà), điều đó còn hiển nhiên hơn nữa. Nhưng bề tôi thi hành pháp luật mà hành động như cái nồi (ngăn cách pháp luật với gian tà, nghĩa là không thi hành pháp luật với bọn gian tà) thì pháp luật chỉ còn sáng rõ trong lòng (vua) mà mất cái thế cấm gian tà rồi. Căn cứ vào các truyền thuyết thời cổ và các điều ghi chép trong sách Xuân Thu thì những kẻ phạm pháp làm phản, thành đại gian ác đều từ trong giới bề tôi tôn quý mà ra. Còn những người bị pháp lệnh đề phòng, bị hình phạt trừng trị, đa số là trong bọn dân thấp hèn. Do đó mà dân chúng tuyệt vọng, không biết tố cáo ở đâu. Đại thần kết bè đảng nhất tề che lấp vua, ngầm thân nhau mà bề ngoài làm ra vẻ ghét nhau, để tỏ ra rằng mình không có tư tình; họ cùng dùng tai mắt để rình kẽ hở của vua. Vua bị che lấp, không có cách nào biết được chân tình nữa, thành thử chỉ có cái danh là vua mà mất cái thực; bề tôi chuyên thi hành pháp luật (theo ý họ). Các vua nhà Chu như vậy đó. Giao quyền thế cho bề tôi thì vị trí của vua tôi sẽ đảo lộn. Vậy không nên giao quyền thế cho bề tôi.

Chú thích:
[1] Lí Đoái (có chỗ gọi là Lí Khắc), quan thái phó nước Triệu, theo phe Huệ Vương, bao vây cung của Triệu Chủ Phụ để Chủ Phụ chết đói.
[2] Ưu Chính Nghĩa là người kép hát. Ưu Thi là kép hát tên Thi, tình nhân của Li Cơ – một mỹ nhân – vợ sau của Tấn Hiến Công, xui Hiến Công giết thế tử Thân Sinh để lập con Lí Cơ là Hề Tề.
[3] Một bộ sử nước Sở. Có sách chép là Đào Tả Xuân Thu.
[4] Còn già nửa bị ám hại, bất đắc kì tử.
[5] Vương Lương, người nước Tần thời Xuân Thu, giỏi đánh xe. Câu Tiễn vua nước Việt, muốn có binh mạnh để diệt Phù Sai, vua nước Ngô báo thù. Sau ông làm bá chủ cả vùng sông Dương Tử và sông Hoài.
[6] Nguyên văn: khổ dân dĩ phú quí nhân, khởi thế dĩ tạ nhân thần. Câu này tối nghĩa. Diệp Ngọc Lân dịch là: làm khổ dân vì bọn người phú quí được khởi thế (quyền thế được nổi lên, được tăng lên) mượn bề tôi giúp sức (?). Nghe không thông chút nào cả. Có dịch giả dịch chữ khởi trong câu đó là bỏ (vua bỏ cái thế của mình) cho bề tôi mượn dùng. Dịch như vậy thông, chỉ ngặt một điều: chữ khởi ở câu trên dịch là dấy lên (rất đúng) sau ở đây là bỏ đi ? Cách dịch của chúng tôi cũng gượng lắm.

THIÊN IX

BÁT GIAN

(TÁM THUẬT THÀNH GIAN THẦN)


Bề tôi thành gian thần là do tám thuật.
Thuật thứ nhất là "(do kẻ) chung giường". Thế nào là chung giường? Đáp: Phu nhân (vợ vua chúa chư hầu) được quí, cung nhân được yêu,[1] sủng thần đẹp trai[2], đó là những người dễ làm mê hoặc vua chúa. Họ nhân lúc chúa nhàn cư vui vẻ, hoặc lúc chúa no say mà xin điều họ muốn, chúa tất nghe. Bề tôi bên trong dùng vàng ngọc hối lộ họ để họ làm mê hoặc chúa, như vậy là [dùng thuật do kẻ] chung giường.
Thuật thứ nhì là (do kẻ) ở bên. Thế nào là kẻ ở bên? Đáp: Bọn hề, kép hát, bọn lùn làm cho chúa cười, bọn tả hữu thân cận, chúa chưa ra lệnh họ đã dạ dạ, chưa sai bảo họ đã vâng vâng, đoán được ý chúa mà làm trước, dò nét mặt, sắc diện mà biết trước được lòng chúa, họ cùng tiến cùng thoái, cùng ứng cùng đối, nói năng hành động như nhau để làm thay đổi lòng chúa. Bề tôi bên trong thì vàng ngọc, châu báu hối lộ họ, bên ngoài thì vì họ làm điều trái phép để họ lần lần thay đổi tính của chúa, như vậy là [dùng thuật do kẻ] ở bên.
Thuật thứ ba là (do bậc) cha anh. Thế nào là cha anh? Đáp: Các người trong tôn thất vào hàng cha anh của chúa[3] là người được chúa thương yêu, quan lớn nhỏ ở triều đình, là những người cùng mưu tính việc nước với vua. Nếu họ tận lực thuyết phục (nói riết) thì chúa tất nghe. Bề tôi dùng âm nhạc nữ sắc cung phụng cho các người trong tôn thất, dùng lời khéo léo thu phục các quan lớn quan nhỏ, ước với họ về một việc (tâu với chúa), nếu việc thành thì thăng tước, tăng lộc để khuyến khích họ, như vậy là (dùng thuật do bậc) cha anh.
Thuật thứ tư là nuôi tai ương. Thế nào là nuôi tai ương? Đáp: Chúa thích có cung thất, đài và ao đẹp, thích gái đẹp, thích có chó ngựa tốt để giải buồn, đó là những tai ương của họ. Bề tôi dùng hết sức dân để xây cất, sửa sang cung thất, đài, ao cho đẹp, đánh thuế nặng để có gái đẹp, chó ngựa tốt làm cho chúa vui mà tâm trí hoá mê loạn; làm thỏa lòng muốn của chúa để nhân đó mưu lợi riêng cho mình, như vậy là thuật nuôi tai ương.
Thuật thứ năm là do nhân dân. Thế nào là do nhân dân? Đáp: bề tôi làm hao tán của công để được lòng nhân dân, thi hành những ân huệ nhỏ để thu phục trăm họ, khiến cho triều đình, thành thị ai cũng khen mình, chúa bị che mắt, mà ước vọng cùa mình đạt được, như vậy là dùng thuật do nhân dân.

Thuật thứ sáu là ăn nói lưu loát. Thế nào là ăn nói lưu loát? Đáp: Chúa vốn ở thâm cung, bị bế tắc về ngôn đàm, ít được nghe nghị luận, nên dễ bị thuyết phục. Bề tôi tìm hạng biện sĩ trong các nước chư hầu, nuôi những kẻ nói giỏi trong nước, dùng họ để thuyết về những việc riêng của mình, bằng những lời văn vẻ khéo léo, lưu loát, khi thì vạch cho chúa thấy cái lợi thế, khi thì đem tai họa ra dọa chúa, bày đặt ra để phá hoại chúa, như vậy là dùng thuật ăn nói lưu loát.
Thuật thứ bảy là dùng uy quyền và sức mạnh. Thế nào là dùng uy quyền và sức mạnh? Đáp: Uy quyền và sức mạnh của vua chúa là do quần thần và trăm họ. Cái gì quần thần và trăm họ cho là tốt thì vua cho là tốt, cái gì quần thần và trăm họ cho là không tốt thì vua cho là không tốt. Bề tôi tụ tập kẻ đeo gươm (tức bọn hiệp khách), nuôi hạng cảm tử để tỏ cái uy của mình, khiến cho bọn này thấy theo họ thì tất có lợi, không theo họ thì tất chết; do đó họ làm cho quần thần và trăm họ phải sợ họ mà đạt được mục đích riêng, nhưg vậy là dùng quyền uy và sức mạnh.
Thuật thứ tám là do bốn phương. Thế nào là do bốn phương? Đáp: Làm vua một nước, hễ nước nhỏ thì phải thờ nước lớn, binh lực yếu thì phải sợ binh lực mạnh. Nước lớn yêu sách điều gì, nước nhỏ tất phải nghe; binh mạnh tấn công thì binh yếu tất phải hàng phục. Bề tôi đánh thuế nặng, dốc hết kho lẫm làm cho nước rỗng không để đem thờ nước lớn, rồi mượn uy nước lớn dụ dỗ vua mình; nặng thì xin nước lớn đem binh mạnh tụ họp ở biên giới để uy hiếp vua nước mình, nhẹ thì xin nước lớn sai người đi sứ làm chấn động vua mình, khiến vua sợ hãi, như vậy là thuật do bốn phương.
Do tám thuật đó mà bề tôi thành gian, vua chúa bị che mắt, hiếp đáp, mất quyền thế, cho nên bậc vua chúa phải lưu ý tới.

*

Bậc minh quân:
- đối với các phi tần cung nữ, vui hưởng sắc đẹp của họ mà không làm theo lời họ xin, không cho họ xin riêng cái gì cả;
- đối với kẻ tả hữu thì khi sai khiến họ, phải xét cách hành động của họ có hợp với lời nói của họ không, không cho họ nhiều lời, ngoài nhiệm vụ của họ mà cũng nói;
- đối với bậc cha anh, đại thần, dùng lời họ nhưng sau thấy lời không thích đáng (việc không thành) thì phạt, không để họ tự làm bậy;
- về các cung đài, châu báu, tất phải biết ở đâu ra, không để cho bề tôi tự ý dâng hay lấy đi, mà do đó họ đoán được sở thích của mỉnh;
- về việc thi ân đức thì lấy tiền bạc trong kho[4], phát lúa trong lẫm để làm lợi cho dân tất phải có lệnh của vua, bề tôi không được thi ân riêng;
- về các lời thuyết nghị, nếu có ai được khen là tốt, bị chê là xấu thì phải xét xem người đó thực có tài năng, tội lỗi không, chứ không để cho quần thần tâng bốc, chê bai lẫn nhau;
- đối với dũng sĩ, nếu có quân công thì không quên thưởng cho xứng đáng, còn kẻ cậy sức mà gây lộn trong làng thì không tha tội, không để cho quần thần mưu tính chuyện riêng;
- về các yêu sách của chư hầu, nếu hợp pháp thì nghe không thì cự tuyệt. Ông vua mất nước không phải là ông vua không còn quốc gia, tuy còn đấy, nhưng không nắm được nó nữa (thì cũng là mất). Cho bề tôi dựa vào nước ngoài, áp chế nước mình, như vậy vua tất suy vong. Nếu nghe lời nước lớn để cứu vãn nước mình thì còn mau suy vong hơn là không nghe họ, cho nên không nên nghe. Bề tôi biết vua không nghe lời nước lớn thì sẽ không kết nạp chư hầu ở ngoài; chư hầu biết vua không nghe lời mình[5] thì sẽ không kết nạp bọn bề tôi vu cáo vua.

 *

Bậc minh chủ, lập ra quan chức, tước lộc để tiến dụng người hiền tài, khuyến khích kẻ có công. Cho nên bảo: "hễ hiền tài thỉ được có bổng lộc dồi dào, làm chức lớn; có công thì được tước cao, được trọng thưởng”. Họ ước lượng tài năng cùa người giỏi rồi mới bổ nhiệm, ban lộc cho xứng với công, vì vậy mà người giỏi không mạo nhận những tài năng mình không có để thờ vua, người có công vui vẻ lập công thêm nữa, do đó mà mọi việc thành công. Nay thì không vậy. Vua chúa không phân biệt người giỏi người dở, chẳng kể bề tôi có công lao hay không, dùng những kẻ dựa vào uy thế của chư hầu, nghe lời thưa bẩm của kẻ tả hữu. Các bậc cha anh và đại thần xin vua tước lộc để bán cho kẻ dưới mà thu tiền của rồi lập bè đảng riêng. Vì vậy, kẻ có nhiều tiền thì mua quan chức để được sang, kẻ kết giao với bọn tả hữu của vua thì xin xỏ để gây quyền thế. Vua không biết tới các bề tôi có công lao, trong việc thăng quan giáng chức lại lầm lẫn, bất công; kết quả là quan lại coi nhẹ chức vụ mà giao thiệp với nước ngoài, bỏ bê công việc mà lo làm tiền; người giỏi sinh ra biếng nhác, không gắng sức, kẻ có công chán ngán mà làm quấy quá cho xong. Cái thói của nước suy vong như vậy.

Chú thích:
[1] Nguyên văn là nhụ tử. Có ba nghĩa : con còn nhỏ, vợ bé, thiếu nữ đẹp. ở đây, trỏ những cung nhân đẹp.
[2] Như Di Tử Hà được vua Vệ yêu vì đẹp trai. Coi thiên Thuế nan.
[3] Nguyên văn: trắc thất công tử, có sách giảng là con vợ nhỏ.
[4] Nguyên văn là cấm tài: tiền của cấm, tức tiền bạc của vua, của quốc gia. Cái gì riêng của vua thì thường gọi là cấm, như cấm thành, cấm uyển.
[5] Nguyên văn ghi chép là bất thính, có sách giảng là không nghe lời bề tôi.

THIÊN XIV

GIAN KIẾP THÍ THẦN (Trích)

BỀ TÔI DÙNG MƯU GIAN ĐỂ HIẾP VÀ GIẾT VUA


Ý nghĩa trong thiên này là phải dùng pháp luật, nghiêm hình để trị gian thần, chứ nếu dùng cái "ngu học" của Nho gia thì sẽ mất nước. Nội dung cũng giống các thiên Ngũ đố, Hiển học, Bát gian. Có một đoạn ở giữa kể cái nguy của bọn sĩ dùng pháp thuật mà bị ghét và gièm pha, không liên lạc gì đến các đoạn trên và dưới; nên các học giả ngờ rằng ở thiên XIII Hòa thị sắp lộn vào đây.

Chúng tôi chỉ trích một đoạn 3 Hàn Phi đả Nho học và nửa đoạn 5 mạt sát chính sách dùng nhân nghĩa để trị dân.

   *

Các học giả ngu trên đời đều ko hiểu tình hình trị loạn, cứ lảm nhảm tụng hoài các sách cổ, làm loạn sự cai trị hiện thời; trí lực của họ không đủ để tránh cái hố bẫy mà lại chê bậy các thuật sĩ (kẻ sĩ dùng pháp thuật), nghe lời họ thì nguy, dùng kế họ thì loạn, ngu tới vậy là cùng cực mà lại hại cùng tột bực. Họ với các thuật sĩ đều mang cái danh là biện sĩ, nhưng thực thì cách khác nhau cả ngàn vạn (dặm). Danh là một mà thực thì khác. Hạng người theo cái học ngu trên đời đó so với các thuật sĩ cũng như tổ kiến đùn so với gò cao vậy, khác nhau xa lắc. Bậc thánh nhân xem sự thực của sự phải quấy, xét tình hình của sự trị loạn, cho nên trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ họa cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già cả được hưởng hết tuổi trời, bọn trẻ con được nuôi lớn, biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết, bị giặc bắt hay cầm tù; đó cũng là cái công cực lớn vậy mà kẻ ngu không biết, cho là tàn bạo.
Kẻ ngu cũng muốn cho được trị đấy nhưng lại ghét cái làm cho trị; chúng ghét cái nguy đấy, nhưng cũng thích cái làm cho nguy. Làm sao biết được vậy? Hình phạt nghiêm và nặng là cái dân ghét, nhưng nhờ đó mà nước trị; thương xót trăm họ, làm nhẹ hình phạt là cái dân thích nhưng vì đó mà nước nguy. Thánh nhân đặt pháp luật cho nước thì tất nghịch với đời mà thuận với đạo đức. Hiểu biết lẽ đó thì cứ theo điều nghĩa[1] không ngại khác thế tục. Trong thiên hạ số người hiểu lẽ đó mà ít thì điều nghĩa bị chê {mà thế tục thắng}.

 *

Bọn học giả đời nay thuyết phục các vua chúa, không bảo : “Nên dùng cái thế uy nghiêm để làm khốn bọn bề tôi gian tà", mà đều bảo: “Chỉ nên dùng nhân nghĩa, huệ ái mà thôi". Bậc vua chúa đời nay quí cái “danh” là nhân nghĩa mà không xét cái "thực", cho nên (tai họa) lớn thì nước mất, thân chết, nhỏ thì đất bị cướp, vua bị coi hèn. Làm sao biết rõ điều ấy? Thi ân cho kẻ cùng khốn, như vậy đời gọi là nhân nghĩa; thương xót trăm họ, không nỡ trừng phạt, như vậy đời gọi là huệ ái. Nhưng thi ân cho kẻ cùng khốn thì kẻ không có công được thưởng, không nỡ trừng phạt thì kẻ bạo loạn không ngừng làm bậy. Nước có kẻ không có công lao mà được thưởng thì dân, bên ngoài không lo việc cự địch, chém đầu giặc, bên trong không gấp ra sức canh tác, mà đều muốn dùng tiền của, hóa vật thờ kẻ giàu sang, làm việc thiện riêng, gây danh dự để được chức cao, lộc hậu. Vì vậy mà bọn bề tôi gian lo việc riêng càng đông mà bọn bạo loạn càng mạnh. Còn đợi gì nữa mà nước không mất? Hình nghiêm là cái dân sợ, phạt nặng là cái dân ghét, cho nên thánh nhân bày cái dân sợ ra để cấm kẻ tà; lập ra cái dân ghét để phòng kẻ gian, nhờ vậy mà nước yên, bạo loạn không nổi dậy. Tôi xét vậy mà biết rõ rằng nhân nghĩa, huệ ái không dùng được mà nghiêm hình trọng phạt có thể trị nước được. Không có cái uy của cây roi, cái lợi ích của hàm thiếc thì dù là Tháo Phủ[2] cũng không trị được ngựa; không có cái qui cái củ để vẽ, dây mực để vạch, thì dù là Vương Nhĩ[3] cũng không làm được hình tròn hình vuông; không có cái thế uy nghiêm, cái phép thưởng phạt thì dù là Nghiêu, Thuấn cũng không làm cho nước bình trị được. Bậc vua chúa ngày nay đều khinh bỏ trọng phạt, nghiêm hình, để làm cho huệ ái, mà muốn lập sự nghiệp bá vương thì cũng không thể được. Cho nên khéo trị nước thì làm sáng việc thưởng, đặt ra cái lợi để khuyến khích dân, khiến cho dân lập công để được thưởng chứ không mong được vua vì lòng nhân nghĩa mà ban ơn; đặt ra nghiêm hình, trọng phạt để cấm dân, khiến cho dân hễ có tội thì bị trừng phạt chứ không mong được vua vì lòng ân huệ mà tha cho. Như vậy kẻ không có công lao thì không mong được thưởng mà kẻ có tội thì không mong được tha. Ngồi xe có ngựa tốt thì đường bộ vượt được những hiểm trở trên dốc núi; cưỡi thuyền vững nắm cây chèo tốt thì đường thủy qua được thác ghềnh trên sông; nắm được pháp thuật; thi hành trọng phạt nghiêm minh thì lập được sự nghiệp bá vương. Trị nước mà dụng pháp thuật, thưởng phạt thì như trên bộ có xe chắc ngựa tốt, trên thủy có thuyền nhẹ, chèo tốt, tất phải thành công.

Chú thích:
[1] Tức điều nên làm, theo quan điểm Pháp gia, khác với điều nghĩa theo quan điểm Nho gia.
[2] Một người đánh xe giỏi thời xưa.
[3] Một người thợ giỏi thời xưa.

THIÊN XIX

SỨC TÀ (Trích)

(TÔ ĐIỂM SỰ GIAN TÀ)


Trong phần I chúng tôi đã nói thiên này có nhiều điểm đáng ngờ rằng người đời sau ngụy tác; tuy nhiên những ý chính đều hợp với chủ trương của Pháp gia. Chúng tôi chỉ trích dịch đoạn đầu: đừng tin sự bói toán và đừng trông cậy vào chư hầu; bỏ ba đoạn sau nói về pháp luật, thưởng phạt mà trong các thiên khác Hàn Phi đã bàn quá nhiều rồi.

 
*

Nước Triệu bói mai rùa, cỏ thi, được quẻ “đại cát” (rất tốt) bèn tấn công nước Yên -242. Yên bói mai rùa cỏ thi, được quẻ “đại cát” bèn tấn công Triệu. Kịch Tân thờ Yên, không có công mà nước Yên nguy[1]; Trâu Diễn thờ Yên, không có công mà đạo nước không còn.[2] Triệu trước thắng Yên, sau lại thắng Tề, tuy loạn mà khí tiết vẫn còn cao, tự cho mình ngang hàng với Tần. Không phải là vì mai rùa của Triệu linh mà mai rùa của Yên không linh[3].
(Vả lại) Triệu cũng đã có lần bói mai rùa cỏ thi về việc đem quân lên phía Bắc tính cướp nước Yên để cự Tần (năm 236) được quẻ “đại cát”. Nhưng Triệu mới bắt đầu đánh Đại Lương thì Tần đã đánh Thượng Đảng[4]; khi binh Triệu đến đất Lí (ở Yên) thì Triệu đã mất sáu thành về Tần; khi họ đến Dương Thành thì Tần đã chiếm đất Nghiệp[5]; Bàng Viên[6] vội kéo binh trở về Nam thì các thành để bảo vệ (ở đất Nghiệp) đã mất về Tần hết rồi. Vì vậy mà thần (tức Hàn Phi)[7] bảo mai rùa ở Triệu nếu không biết được rằng đánh Yên không thắng thì cũng phải biết rằng cự Tần là có hại chứ. Tần được quẻ đại cát mà thực sự đã mở rộng được đất đai, lại thêm cái danh là cứu được Yên. Triệu cũng được quẻ đại cát mà đất bị cướp, binh bị nhục, vua[8] buồn rầu mà chết. Lại cũng không phải mai rùa của Tần linh mà của Triệu không linh.

Mới đầu, nước Ngụy trong mấy năm quay về phía Đông, chiếm hết đất Đào và nước Vệ; rồi sau trong mấy năm quay về hướng Tây mà mất đất về Tần. Như vậy không phải là vì các sao (tốt) Phong long, Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ), Thái ất, Vương tương, Nhiếp đề, Lục thần, Ngũ quát, Thiên hà, Ân thương, Tuế tinh trong mấy năm ở về phương Tây cả[9] cũng không phải các sao (xấu) Thiên khuyết, Hồ nghịch, Hinh đinh, Huỳnh hoặc, Khuê, Thai, trong mấy năm đều ở phương Đông cả[10].
Vì vậy thần báo: Mai rùa cỏ thi, quỉ thần không đủ cho ta luận được sẽ thắng hay không; các sao ở bên phải, bên trái, sau lưng, trước mặt[11] không đủ cho ta quyết định nên ra quân hay không. Nếu ỷ vào đó thì không gì ngu bằng.
Xưa các đấng tiên vương hết sức thân dân và làm sáng tỏ pháp luật. Pháp luật sáng tỏ thì trung thần hăng hái, hình phạt cương quyết thì gian thần ngừng lại. Trung thần hăng hái, gian thần ngừng lại, mà đất mở rộng, vua được tôn, đó là trường hợp nước Tần. Quần thần kết bè đảng để che giấu chính đạo, làm việc cong queo riêng tư, đất bị cướp, vua bị khinh, đó là trường hợp lục quốc (Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở) ở phía đông núi Hoa. Yếu, loạn thì mất, thế thường con người là vậy; mạnh, trị thì lập được nghiệp vương, đạo từ thời xưa là vậy. Việt vương Câu Tiễn tin con rùa đại bằng (rùa thiêng của đất Việt), đánh nhau với nước Ngô, không thắng, phải đem thân làm bề tôi, hầu hạ vua Ngô; sau được trở về nước thì bỏ rùa, làm sáng tỏ pháp luật, thân dân để mưu tính việc trả thù nước Ngô, kết quả là bắt được Ngô vương Phù Sai. Vậy ỷ vào quỉ thần thì bỏ bê pháp luật.
Mà ỷ vào chư hầu thì nước sẽ nguy. Nước Tào[12] ỷ vào nước Tề mà không nghe nước Tống, khi Tề đánh nước Kinh (Sở) thì Tống diệt Tào; nước Hình[13] ỷ vào nước Ngô mà không nghe nước Tề, khi Việt đánh Ngô thì Tề diệt Hình; nước Hứa ỷ vào nước Kinh mà không nghe nước Ngụy, khi Kinh đánh Tống thì Ngụy diệt Hứa; nước Trịnh ỷ vào nước Ngụy mà không nghe nước Hàn, khi Ngụy đánh Kinh thì Hàn diệt Trịnh.
Nay nước Hàn nhỏ mà ỷ vào nước lớn, nhà vua bỏ bê (pháp luật) mà nghe Tần, Ngụy, ỷ vào Tề, Kinh thì càng mau mất nữa[14]. Ỷ vào người, không đủ để mở rộng đất đai, Hàn không thấy vậy. Kinh nhân đánh Ngụy mà tấn công luôn cả Hứa, Yên (đồng minh của Ngụy). Tề đánh Nhiệm và Hồ mà cướp đất của Ngụy, nhưng điều đó không đủ để cứu Trịnh,[15] Hàn không biết vậy. Các nước đó[16] đông (đồng?) không làm sáng tỏ pháp luật, cấm lệnh để trị nước, cứ ỷ vào nước ngoài mà khiến cho xã tắc bị diệt. (Bỏ từ đây)

Chú thích:
[1] Kịch Tân là tướng Yên, thua Triệu, bị Triệu bắt.
[2] Trâu Diễn là triết gia sáng lập phái Âm dương, người nước Tề, làm quân sư cho Yên Chiêu vương; “đạo nước không còn”, nguyên văn là: “quốc đạo tuyệt”, có người giảng là quốc đạo đó là đạo trị nước theo pháp gia; có người lại bảo là đường đi trong nước, 0.
[3] Vì được quẻ “đại cát” mà sao Yên lại thua Triệu.
[4] Đại Lương là kinh đô Ngụy, không phải ở Yên, Triệu muốn cướp Yên mới đầu đánh Đại Lương có lẽ để Yên không ngờ; Thượng Đảng vốn là đất của Hàn, lúc đó thuộc về Triệu; Tần thấy Thượng Đảng bỏ trống thì Triệu không đề phòng, nên đem quân đánh.
[5] Dương Thành của Yên; đất Nghiệp của Triệu.
[6] Một danh tướng của Triệu, có sách gọi là Bàng Quyên.
[7] Một số học giả cho rằng thiên này là một bài biểu Hàn Phi dâng vua Hàn, nhưng thuyết đó không đáng tin.
[8] Tức Điệu Tương vương.
[9] Các sao tốt ở phương Tây, cho nên Ngụy ở phương Tây mới chiếm được Đào, Vệ ở phương Đông.
[10] Các sao xấu ở phương đông, cho nên Ngụy ở phương đông (đối với Tần) mới bị Tần (ở phương Tây) chiếm hết đất.
[11] Theo sách Hoài Nam tử thì môn thiên văn thời đó cho rằng nếu sao Hình ở phía trái hay phía trước, sao Đức ở phía phải hay sau lưng, mà ra quân thì tất thắng.
[12] Một nước nhỏ ở Sơn Đông ngày nay.
[13] Một nước nhỏ ở Trực Lệ ngày nay.
[14] Câu này có sách chấm câu ở sau chữ Tần mà dịch là: “…mà nghe Tần. Các nước nhỏ ỷ vào Ngụy, Tề, Kinh mà mau mất nước”. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên.
[15] Câu này nữa cũng rất khó hiểu, ngờ rằng thiếu sót hoặc sai lầm.
[16] Có lẽ là các nước Hứa, Yên, Trịnh nói trong câu trên.

THIÊN XLVII

BÁT THUYẾT (Trích)

(TÁM ĐIỀU)


Nhan đề Bát thuyết (tám điều, tức tám hạng người không nên dùng) chỉ đúng với đoạn đầu; ba đoạn sau (lập pháp phải tuỳ thời, không thể trị nước bằng nhân ái được, đừng giao quyền cho bề tôi) không liên lạc gì với đoạn đầu mà cũng không liên lạc gì với nhau; vậy thiên này chỉ là một thiên tạp luận. Chúng tôi sẽ trích trọn đoạn đầu; vài câu trong đoạn 2 về thuyết “tam thế”, và phần đầu đoạn 4: pháp luật phải rõ ràng, vua phải phán đoán lấy, quyết định lấy mọi việc.
 

*


Vì người quen cũ mà làm việc riêng thì gọi là người không bỏ bạn; đem của công ra bố thí thì gọi là người nhân; khinh bổng lộc, trọng thân mình thì gọi là quân tử; uốn cong pháp luật vì người thân thì gọi là người có tình nghĩa[1]; bỏ chức quan mà thích giao du thì gọi là người hào hiệp; lánh đời trốn vua thì gọi là người cao ngạo; tranh thắng với người trên, làm trái lệnh trên, thì gọi là người cứng cỏi; thi ân để lấy lòng mọi người thì gọi là người được lòng dân.
Nhưng có người không bỏ bạn thì có quan lại gian; có người nhân thì hao tổn của công; có quân tử thì dân khó sai khiến; có người tình nghĩa thì pháp chế bị huỷ bỏ; có người hào hiệp thì quan chức bỏ trống; có người cao ngạo thì dân không làm nhiệm vụ; có người cứng cỏi thì lệnh không thi hành; có người được lòng dân thì vua cô độc. Tám hạng người được thế tục khen đó là cái hại lớn của vua chúa, mà tám hạng người ngược lại, bị thế tục chê, là cái lợi chung của vua chúa. Bậc vua chúa không xét cái lợi hại của xã tắc, dùng hạng người được thế tục khen mà muốn cho nước không nguy loạn là điều không thể được.
Bổ nhiệm người làm việc là cái then chốt của sự tồn vong, trị loạn. Không có thuật để bổ nhiệm thì sẽ luôn luôn thất bại. Bậc vua chúa khi bổ nhiệm ai, nếu không lựa người có tài trí thì lựa người có đức; bổ nhiệm họ tức là cho họ có quyền hành. Nhưng kẻ sĩ có tài trí chưa nhất định đã đáng tin; vua thấy họ có tài trí mà không biết rằng họ vị tất đã đáng tin, nếu họ dùng mưu trí, dựa vào quyền hành của chức vụ, mà làm việc riêng tư thì vua tất bị gạt. Vì kẻ có tài trí chưa đáng tin, nên vua lại bổ nhiệm kẻ sĩ có đức. Bổ nhiệm ai là cho người đó quyết đoán công việc[2]. Nhưng kẻ sĩ có đức chưa nhất định là có tài trí, vua thấy họ giữ mình cho liêm khiết mà không biết rằng họ vị tất đã có tài trí. Kẻ ngu hôn ám mà giao cho một chức quan, để họ quyết định công việc, họ quyết định bậy mà cho là đúng[3] thì công việc tất phải rối loạn. Do đó, không có thuật, mà bổ nhiệm người tài trí thì vua bị gạt, bổ nhiệm người có đức thì việc rối loạn, cái hại không có thuật như vậy.

Cái đạo minh quân là người hèn được quyền tố cáo việc gian của người sang, thượng cấp có tội, thuộc hạ không tố cáo thì bị liên lụy; vua muốn biết rõ sự thực thì phải tham bác ý kiến nhiều người, không nên chuyên nghe lời một người; như vậy kẻ sĩ tài trí mới không gạt vua được. Xét công rồi mới thưởng, lượng tài năng rồi mới giao việc, xét kĩ đầu đuôi, xem sự thành bại, kẻ có lỗi thì trị tội, kẻ có tài năng thì dùng; như vậy kẻ ngu sẽ không được bổ nhiệm. Kẻ có tài trí không dám gạt vua, kẻ ngu không được quyết đoán thì công việc không hỏng.
Cái gì mà kẻ sĩ có óc tinh tế[4] mới biết được thì không nên ban làm lệnh, vì không phải người dân nào cũng có óc tinh tế cả. Cái gì mà bậc hiền[5] mới làm được thì không nên dùng phép tắc, vì không phải người dân nào cũng hiền cả. Dương Chu, Mặc Địch là những người được coi là có óc tinh tế trong thiên hạ, nhưng họ gặp[6] thời loạn mà rốt cuộc không làm cho hết loạn được, cho nên tuy họ có óc tinh tế cũng không thể dùng làm chức trưởng quan được[7]. Bảo Tiêu và Hoa Giác[8] là những người được coi là bậc hiền nhưng Bảo Tiêu thì chết như cây khô, Hoa Giác thì nhảy xuống sông, cho nên tuy họ là bậc hiền mà không thể dùng họ để cày ruộng, đánh giặc được. Vì vậy bậc vua chúa chỉ xem trọng[9] kẻ sĩ nào trổ hết tài hùng biện của họ, chỉ tôn kẻ sĩ nào có tài năng làm hết công việc của họ. Ngày nay bậc vua chúa xem trọng lời biện thuyết vô dụng, tôn những hành động không có công dụng; như vậy mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.
Học rộng mà hùng biện, sáng suốt (biện trí) thì như Khổng, Mặc, nhưng Khổng, Mặc không cày bừa thì nhờ họ được gì đâu? Luyện đức hiếu, ít ham muốn thì như Tăng Sâm, Sử Ngư, nhưng Tăng Sâm, Sử Ngư không ra trận thì có lợi gì cho nước đâu? Người dân thường có cái lợi riêng, bậc vua chúa có cái lợi chung. Không làm lụng mà đủ ăn, không làm quan mà hiển danh, đó là lợi riêng. Chấm dứt văn học mà làm sáng pháp độ, ngăn chặn tư lợi, nhất thiết tước lộc đều do có công mới được, đó là cái lợi chung. Ban bố pháp luật để dẫn dắt mà lại còn quí văn học thì dân còn nghi ngờ khi tuân theo pháp luật; thưởng công để khuyến khích dân mà lại còn trọng sự sửa đức thì dân sẽ biếng nhác trong việc sản xuất. Quí văn học để cho dân nghi pháp lệnh, trọng đức hạnh, khiến cho việc lập công không do một đường (là làm ruộng đánh giặc) nữa, mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.

*


Người đời (thượng) cổ gấp lo về đức hạnh, người đời trung cổ[10] ganh nhau về trí, người đời nay tranh nhau về sức mạnh. Thời thượng cổ ít việc mà sự thiết bị đơn giản, chất phác thô lậu mà không tính (tinh?) cho nên mài vỏ trai lớn để giẫy cỏ, dùng xe bánh không có tay hoa[11]. Thời thượng cổ người ít mà thân nhau, tài vật nhiều, nên người ta khinh cái lợi mà dễ nhường nhau, do đó mới có việc vái nhau mà nhường thiên hạ[12]. Nhưng thi hành chính sách vái nhường, đề cao lòng từ huệ và giảng đạo nhân hậu đều là thứ chính trị chất phác[13] cả. Sống ở thời nhiều việc mà dùng những khí cụ của thời ít việc, không phải là cách xử sự của người có trị (trí?). Giữa cái đời tranh nhau gay gắt mà theo lối vái nhường, không phải là phép trị nước của thánh nhân. Cho nên người có trí không ngồi cỗ xe bánh không có tay hoa, thánh nhân không thi hành chính sách chất phác. Sách mà giản ước thì (khó hiểu mà) học trò tranh biện (về ý nghĩa trong sách); pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng. Vì vậy sách của thánh nhân nghị luận tất rõ ràng, pháp luật của mình chủ ghi việc tất tường tận. Hết sức suy nghĩ, tính trước sự đắc thất, thì người trí (cũng) cho là khó;  không cần suy nghĩ (tính trước), cứ nắm lấy lời nói lúc đầu mà xét xem công việc làm về sau có hợp với lời nói đó không (để biết người nói có tài năng hay không), thì kẻ ngu cũng thấy là dễ. Bậc minh chủ làm theo cách kẻ ngu cho là dễ mà không dùng cách người trí cho là khó, vì vậy không dùng trí lự mà nước trị. Không dùng lưỡi để phán đoán các vị chua ngọt mặn nhạt mà để cho người đầu bếp quyết định thì người bếp sẽ coi thường vua mà trọng đầu bếp; không dùng tai để phán đoán các thanh bổng trầm trong đục mà để cho nhạc trưởng quyết định thì nhạc công[14] sẽ coi thường vua mà trọng nhạc trưởng. Không dùng thuật để phán đoán việc trị nước phải hay quấy mà để cho kẻ được sủng ái quyết định thì bề tôi sẽ coi thường vua mà trọng kẻ được sủng ái. Bậc vua chúa không đích thân xem và nghe mà để người dưới quyết đoán mọi việc thì chỉ là kẻ ăn nhờ trong nước (Bỏ từ đây)

 
Chú thích:
[1] Nguyên văn là hạnh: chúng tôi theo chú thích của Trần Khải Thiên.
[2] Hai câu này có nhà chấm câu khác và dịch là: Vậy kẻ sĩ có tài trí không thể tin được. Bổ nhiệm kẻ sĩ có đức là khiến họ quyết đoán công việc.
[3] Câu này có người hiểu là… mà làm theo ý họ. Nguyên văn nhi vi kì sở nhiên. Nghĩa cũng vậy.
[4] Nguyên văn là “sát sĩ”. Sát là xét. Trần Khải Thiên bảo “sát sĩ” cũng như “trí sĩ”, kẻ sĩ sáng suốt. Có nhà bảo là kẻ sĩ biết xa. Chúng tôi theo Giả Nghị tân thư. Có óc tinh tế nghĩa là thấy những điều tế vi mà thiên hạ không thấy.
[5] Hiền ở đây không phải là bậc hiền tài, mà là người theo đạo, ở ẩn.
[6] Nguyên văn là “can”, có sách giảng là làm bớt (cái loạn).
[7] Nguyên văn là: quan chức chi lệnh. Chữ lệnh này như chữ huyện lệnh, chủ một huyện. Có sách dịch là: không dùng làm lệnh cho quan chức theo được.
[8] Bảo Tiêu: ẩn sĩ đời Chu không chịu thần phục nhà Chu, ôm gốc cây mà chết – Hoa Giác: chưa biết là ai.
[9] Nguyên văn là “sát”, nhưng nên theo nghĩa thường là “xét”, chứ không phải nghĩa trong “sát sĩ” ở trên.
[10] Thời thượng cổ đây trỏ đời Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, Văn vương, Võ vương; thời trung cổ trỏ đời Xuân Thu.
[11] Nguyên văn là “truy xa”. “Truy” nghĩa là chậm chạp; có thể hiểu là chất phác. Trần Khải Thiên giảng là thứ xe mà bánh là một khối không có tay hoa, thời Nghiêu, Thuấn người Trung Hoa chưa biết dùng bánh xe có tay hoa. Nhưng có sách bảo là “thối xa” nghĩa là xe đẩy, chứ chưa có ngựa kéo; e lầm.
[12] Ám chỉ việc Nghiêu, Thuấn nhường ngôi.
[13] Nguyên văn: “truy chính”. Có sách bảo là “thôi chính”; e sai.
[14] Nguyên văn là “cổ công” là nhạc công mù. Thời đó người ta thường dùng những nhạc công mù.

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 154
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com