watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:25:5818/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử V - Trang 3
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử V
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 10

THIÊN XLVIII


BÁT KINH (TRÍCH)
(TÁM THUẬT PHẢI THEO)


Tám thuật trong thiên này là: 1. Theo tình người mà lập ra thưởng phạt; 2. Dùng một người không bằng dùng cả nước; 3. Muốn phòng gian thì phải biết rằng cái lợi của vua và của bề tôi khác nhau; 4. Dùng cái thuật “tham ngữ” để xét gian; 5. Phải bí mật không để bề tôi biết mình vui hay giận; 6. Nghe bề tôi đề nghị thì phải xét xem có dùng được không; 7. Bề tôi phải làm cái gì có lợi chung thì mới thưởng, phải phục vụ bề trên thì mới được danh; 8. Bề tôi không được làm những chuyện riêng tư mà có hại cho cái uy của vua.
Tư tưởng rất hợp với Hàn Phi, nhưng lời văn nhiều chỗ tối, khó hiểu; có thể không phải của Hàn viết, hoặc nếu là của Hàn thì nhiều chỗ mất mát, sai lầm, người sau thêm vào, tự ý sửa chữa.
Chúng tôi chỉ trích dịch những tiết có thể bổ túc cho các thiên khác.
1. Theo tình người[1] Trị thiên hạ thì phải theo tình người, mà tình người là có ưa có ghét, vì vậy mà sự thưởng phạt có thể dùng được; thưởng phạt có thể dùng được thì có thể ban cấm lệnh (cái gì không được làm, cái gì phải làm); đạo trị thiên hạ như vậy là đủ. Vua nắm quyền để giữ cái thế, cho nên ban lệnh thì phải thi hành mà hễ cấm là phải ngừng. Quyền là để quyết định sự sống, chết; thế là để thắng quần chúng.

*

Truất giáng hay cất nhắc người dưới mà không theo pháp chế thì quyền lờn; thưởng phạt mà kẻ dưới cũng được dự vào thì uy của vua bị chia xẻ. Bởi vậy bậc minh chủ không vì thương yêu mà nghe người, không vì vui thích mà tính việc. Nghe lời người mà không tham khảo xem có đúng không thì quyền sẽ bị chia cho kẻ gian; không dùng trí thuật[2] thì bị khốn vì bề tôi. Cho nên bậc minh chủ thi hành pháp chế thì (không thiên vị) như trời[3], dùng người thì (kín nhẹm) như quỉ. Như trời thì không bị chê (chế?), như quỉ thì không bị người ta dò biết mà lợi dụng.[4] Quyền thế giữ được thì sự giáo hóa nghiêm mà dân không dám trái; sự khen chê theo đúng một nguyên tắc thì không ai dị nghị (…)

2. Đạo làm chúa[5]: Sức một người không địch nổi đám đông, trí một người không biết được mọi vật; dùng một người không bằng dùng cả nước. Cho nên dùng trí, lực một người (tức vua) mà địch với mọi người, mọi vật thì tất thua; dự đoán mà đúng thì mệt thân, không đúng thì phải chịu (hậu quả của) lỗi lầm. Bậc vua thấp kém dùng hết khả năng của mình, bậc vua chúa trung bình dùng hết khả năng của mình, bậc vua chúa trung bình dùng hết sức của người, bậc vua chúa cao hơn cả dùng hết trí của người. Bởi vậy, khi có việc, vua tập hợp các người trí, nghe ý kiến từng người rồi hợp các ý kiến lại mà quyết đoán. Không nghe ý kiến của từng người, (mà chỉ mưu tính với một người thôi) thì lời sau sẽ ngược lại với lời trước(?), lời sau ngược lại với lời trước thì không phân biệt được kẻ ngu người trí. Không tập hợp được các ý kiến lại thì sẽ do dự, không quyết đoán được: Không quyết đoán được thì công việc ngưng trễ[6]. Nghe ý kiến của từng người thì không bị người ta đánh bẫy (lập kế để hại mình). Bảo mỗi người báo cáo, báo cáo xong rồi thì vua rầy mắng (kẻ gian)[7]. Cho nên ngày trình bày ý kiến tất phải ghi chép (trong biên bản). Kết hợp các người trí rồi, khi việc phát ra thì trắc nghiệm lời nói của họ; kết hợp các tài năng rồi, khi việc đã thành, sẽ luận công mà thưởng. Thành hay bại đều có bằng chứng, thưởng hay phạt đều tùy theo đó. Như vậy việc mà thành, thì công về vua, việc mà bại thì tội về bề tôi.

Bậc làm vua, ngay đến việc phù tiết có hợp không cũng không tự mình xem xét huống hồ là tự mình ra sức; Việc tới rồi cũng không tự minh lo lấy, huống hồ là việc chưa tới. Cho nên vua dùng người thì không cho lập phe đảng mà cùng ý kiến với nhau, nếu cùng một ý với nhau thì phải rầy họ. Khiến cho người nào cũng dùng hết tài trí của mình thì vua như thần, vua như thần thì kẻ dưới tận lực, kẻ dưới tận lực thì bề tôi không lợi dụng vua được; đạo làm vua như vậy là hoàn tất.

3. Loạn do đâu mà dấy: Kẻ biết rằng bề tôi và vua có cái lợi khác nhau thì là bậc vương, kẻ cho rằng hai bên lợi giống nhau thì bị hiếp; kẻ cho bề tôi cùng dự vào việc thưởng phạt với mình thì bị giết. Cho nên bậc minh chủ phân biệt rõ công với tư, lợi và hại ở đâu mà kẻ gian không có chỗ len vào được.
Loạn sở dĩ sinh là do sáu hạng người này: 1. mẹ vua, 2. hậu phi, 3. con cháu, 4. anh em, 5. đại thần, 6. người nổi danh là hiền. Cứ theo pháp luật mà bổ nhiệm quan lại, giao trách nhiệm cho bề tôi thì mẹ vua không thể phóng túng. Nghi lễ và thứ bậc khác nhau thì hoàng hậu và phi tần phân biệt hẳn, (không có sự tranh giành). Thế không chia hai cho đích tử và thứ tử (nghĩa là chỉ đích tử mới có quyền thế) thì dòng đích và dòng thứ không tranh nhau. Quyền thế không mất, (nghĩa là tập trung cả vào vua) thì anh em vua không lấn vua. Kẻ dưới không theo về một cửa đại thần thì đại thần không che lấp vua được. Lệnh cấm và thưởng mà nhất định thi hành thì người nổi danh là hiền không làm loạn được (…)
Đối với người địa vị cao, trách nhiệm lớn thì có 3 cách để kiềm chế: con tin, an định, nắm chắc. Thân thích, vợ con họ là con tin; tước lộc hậu hĩ đúng như lời đã hứa là để an định họ; dùng nhiều cách để khảo sát ý kiến và định gian hay ngay của bề tôi[8], xét trách nhiệm và trừng phạt, là để nắm chắc họ. Đối với người hiền thì tìm cách chặn họ bằng cách giữ con tin, đối với kẻ tham lam thì cảm hóa bằng cách an định, đối với kẻ gian tà thì làm cho họ khốn cùng bằng cách nắm chắc (…). Có kẻ để cho sống thì việc nước mà giết đi thì tổn thương danh tiếng của vua, nên dùng thức ăn uống mà trừ họ, hoặc giao cho kẻ thù của họ (giết họ) như vậy là trừ gian một cách kín đáo (….) Cha anh người hiền lương mà lưu vong ở nước ngoài là “cái họa trôi nổi”, mối họa là họ mượn sức nước ngoài (để chống mình) và nước ngoài dùng họ (để xâm lược mình); Cho những kẻ bị mình làm nhục được hầu cận mình[9], là cái họa "giặc ở bên cạnh", mối họa ở chỗ họ sinh lòng oán hận vì bị nghi hay bị nhục; vua mà không để lộ ra, ghét mà không trừng trị ngay[10], là làm “tăng thêm loạn”, mối họa ở chỗ bọn cầu may vọng động nổi lên ( dùng kẻ mình ghét đó để cướp ngôi của mình); có hai đại quyền uy ngang nhau, không bên nào hơn bên nào, gọi là “nuôi họa”, mối họa ở chỗ các gia tộc lớn tranh cướp, giết chóc mà sinh loạn; không cẩn thận, không giữ cái thể uy nghiêm như thần của mình, gọi là “mất oai”, mối lo ở chỗ loạn có thể nổi, mình bị đầu độc. Năm mối họa đó, bậc vua chúa mà không biết thì sẽ bị hiếp hay bị giết (…)

*

4. Lập đạo: (…) Khảo sát việc đã qua để biết rõ (lời trước kia) có đúng không; đặt bề tôi ở gần mình để xét cái tình của họ, đưa họ ra xa để xét tình hình ở ngoài của họ[11], dùng những điều mình biết rồi để tra hỏi về những điều chưa biết; giả vờ sai khiến họ làm bậy để chấm dứt thói khinh lờn của họ, đảo lộn lời nói của mình để thử kẻ sinh nghi; dùng lí luận tương phản để tìm ra kẻ gian ngầm; đặt kẻ gián điệp để bẫy kẻ làm bậy; dùng sự bổ nhiệm và cách chức để xét hành động của kẻ gian; ra chỉ thị rành rọt để người dưới khỏi làm bậy vì hiểu lầm; có thái độ khiêm nhường để dễ thấy kẻ nào cương trực, kẻ nào a dua; nghe nhiều người để biết về những điều mình chưa biết; xúi cho kẻ dưới tranh đấu nhau để phá các bè đảng; nghiên cứu cho sâu một vấn đề để làm cho người ta sợ tài mình; tiết lộ những ý khác nhau để dễ biết ý kiến của kẻ dưới.

*

5. Giữ bí mật: Bậc minh chủ phải giữ bí mật, nếu để lộ niềm vui ra thì bề tôi nhân dịp vua vui mà xin gia ân cho người khác, nếu để lộ nỗi giận ra thì bề tôi nhân đó mà thị uy với người khác[12]. Vì vậy, lời nói của minh chủ phải được ngăn cách, đừng cho thông ra ngoài, phải giữ kín đừng để cho người ta biết. Dùng trí của một người để biết cái gian của mười người, là cái đạo thấp; dùng trí của mười người để biết cái gian của một người là cái đạo cao[13].
Bậc minh chủ dùng cả đạo thấp và đạo cao, cho nên không kẻ gian nào thoát được. Trong một huyện, nhà nào cũng gần nhau, họp nhau thành từng ngũ (5 nhà), từng liên (250 nhà), hễ ai tố cáo lỗi của người khác thì được thưởng, không tố cáo thì bị trừng trị. Bề trên đối với người dưới, người dưới đối với bề trên đều như vậy cả; như vậy thì trên dưới, sang hèn, đều đem pháp luật ra răn nhau, đem điều lợi ra dạy nhau. Bẩm tính của người dân là muốn có cái “thực” của sự sống, lẫn cái “danh” của sự sống[14]. Cái danh của bậc vua chúa là hiền, trí; cái thực của họ là quyền thưởng phạt. Danh thực có đủ là có phúc, tốt.

*

6. Tham nghiệm lời nói: Nếu không nghe lời nói của nhiều người và tham nghiệm với thực tế xem có công hiệu không thì (không phán đoán được), không trách kẻ dưới được; nếu không lấy sự công dụng làm tiêu chuẩn thì những tà thuật sẽ làm mê hoặc bề trên.
Hễ nhiều người cùng nói như nhau về một việc thì dễ tin. Chẳng hạn một việc không có thực, mười người nói thì còn khả nghi, một trăm người nói thì đã đáng tin, một nghìn người nói thì đã tin chắc rồi không cởi bỏ được lòng tin nữa[15]. Nói mà ấp úng vụng về thì bị người ta nghi, nói mà lưu loát khéo léo thì người ta tin. Gian thần che lấp bề trên thì dựa vào người khác mà mưu tư lợi, dùng nhiều kẻ khéo nói (bảo họ khen mình) mà được bề trên tin, lấy những trường hợp giống nhau để tô điểm những hành động riêng tư[16]. Bậc vua chúa không nén sự bất mãn mà đợi tham nghiệm (lời nói với việc làm của bề tôi rồi mới thi hành) thì làm cho gian thần có cái thế thủ lợi được. Bậc vua chúa nào có thuật thì khi nghe bề tôi, buộc họ có ý kiến phải thiết thực rồi thi hành phải thành công; có thành công mới thưởng, không thì phạt. Như vậy những lời vô dụng không được đem bàn ở triều đình, kẻ nào lãnh nhiệm vụ mà thấy không đủ khả năng thì đuổi về, thu ấn tín lại. Lời nào khoa trương thì bề trên xét kỹ từ đầu đến cuối xem có gian tình không, nếu có thì sẽ nổi giận mà trừng phạt. Lời nào không có chứng cớ mà khi thi hành không có kết quả như đã nói thì là lời vu khoát, bề tôi mà vu khoát thì phải trị tội. Lời nói phải thiết thực, lí thuyết phải có chỗ dùng, như vậy những lời nói thiên vị của bè đảng không dám tâu lên vua (…). Bề tôi đưa ra nhiều ý kiến là để tỏ rằng mình có trí và khiến vua phải tự lựa lấy một ý kiến, mà mình tránh được (trách nhiệm và) tội. Cho nên chỉ hạng vua dở mới để bề tôi đưa ra nhiều ý kiến. Đừng để cho bề tôi đưa ra một ý kiến thứ nhì, mà ý kiến đó với ý kiến thứ nhất giá trị như nhau[17], bắt bề tôi lời nói phải phù hợp với hành động sau này, để biết họ nói thực hay nói láo. Đạo (thuật) của bậc minh chủ là không cho bề tôi đưa ra hai ý kiến để bắt họ phải chịu trách nhiệm về một ý kiến thôi; không cho họ tự ý hành động, phải tham nghiệm lời của họ, xem có đúng, có hợp với việc, có hiệu quả không; như vậy bọn gian thần không có đường tiến lên được. (bỏ tiết 7 và 8)

Chú thích:
[1] Người: Trong nguyên bản có những tiêu đề này (đây cũng là một điểm đặc biệt của thiên) nhưng đặt ở cuối mỗi đoạn, chúng tôi theo lối trình bày ngày nay, đưa lên đầu.
[2] Có bản chép là trí lực (trí và sức mạnh).
[3] Có sách giảng là “khó lường như trời”. Thi hành pháp chế tức là thưởng phạt. Vì vậy chúng tôi hiểu là không thiên vị. Nguyên văn: chủ chi hành chế dã thiên.
[4] Nguyên văn là nhân (因), có bản chép là khốn (困).
[5] Có bản chép là “kết trí”: kết hợp các người trí.
[6] Nguyên văn: sự lưu tự thủ. Hai chữ tự thủ chúng tôi không hiểu nghĩa, không sách nào giảng thông cả.
[7] Nguyên văn: phúng định nhi nộ. Có sách giảng là: ý kiến nêu rồi thì dựa vào đó mà bắt người đưa ý kiến phải làm theo cho đúng. Chúng tôi châm chước ý kiến của Trần Khải Thiên.
[8] Nguyên văn tham ngũ: ba, năm, nghĩa bóng là khảo sát nhiều cách, nhiều mặt. Chúng tôi hiểu theo Trần Khải Thiên và Từ Hải. Có sách cho ngũ đó là chính sách dùng năm nhà dò xét lẫn nhau.
[9] Nguyên văn: lục nhục chi nhân cận tập, có sách giảng là hoạn quan hầu cận.
[10] Nguyên văn: tàng nộ, trì tội như bất phát, có sách hiểu là bề tôi giấu cái giận, che tội mà không phát giác ra.
[11] Cả đoạn này rất tối nghĩa, mỗi sách giải thích một khác. Chúng tôi không dám tin rằng địch đúng.
[12] Có sách giảng là nếu vua để lộ niềm vui ra thì bị lờn, để lộ nỗi giận ra thì uy bị phân chia. Nên để ý: đoạn trên Hàn mới bảo giận mà không để lộ ra thì có thể nguy.
[13] Đạo ở đây nên hiểu là thuật trị nước. Có học giả ngộ rằng hai chữ cao và thấp trong câu này dùng lộn với nhau.
[14] Thực là quyền, lợi; danh là tiếng tăm.
[15] Nguyên văn: thiên nhân bất khả giải dã. Trần Khải Thiên giảng là: mặc dầu một nghìn người không giảng được tại sao lại có điều đó.
[16] Cái này cũng rất tối nghĩa, mỗi người hiểu một khác.
[17] Nguyên văn: vô phó ngôn ư thượng dĩ thiết tương nhiên. Thí dụ: vua hỏi bề tôi: Địch đòi ta cắt đất cho chúng, nên cắt hay không? Bề tôi đáp: Cắt đất thì mình yếu đi, sẽ nguy; mà không cắt thì địch sẽ tấn công mình, mình không chống nổi, cũng sẽ nguy. Như vậy không dứt khoát mà lơ lửng, vua không biết quyết định ra sao.

THIÊN XVIII

NAM DIỆN

(THUẬT LÀM VUA)


Cái lỗi của bậc vua chúa là đã giao trách nhiệm cho một bề tôi rồi lại dùng một bề tôi không được giao trách nhiệm đó để đề phòng (tức dòm ngó) họ. Sở dĩ vậy là vì chúa nghĩ rằng người không được giao trách nhiệm coi người được giao trách nhiệm là kẻ thù; nhưng hậu quả ngược lại, chính chúa bị người không được giao trách nhiệm đó chi phối. Người mà chúa bây giờ đề phòng lại chính là người mà trước kia chúa dùng để đề phòng người khác[1]. Bậc vua chúa không biết làm sáng tỏ pháp luật để chế ngự cái oan (oai?) của các quan lớn thì không có cách nào làm cho các quan nhỏ tin được. Chúa bỏ pháp luật mà dùng bề tôi để đề phòng bề tôi, thì những kẻ thân yêu nhau kết bè đảng mà khen lẫn nhau, những kẻ ghét nhau cũng kết bè đảng mà chê nhau, hai bên khen chê nhau đó tranh phân thì vua sẽ bị mê loạn. Bề tôi nếu không có danh tiếng, không yết kiến vua thường thì không làm sao tiến thân được, không làm trái phép mà tự chuyên thì không có oai được, không giả bộ trung tín thì không vượt cấm lệnh được. Ba cái đó làm cho vua hoá hôn mê mà pháp luật bị huỷ hoại. Vua phải khiến cho kẻ bề tôi dù có tài trí cũng không trái phép mà tự chuyên, dù có hiền đức cũng không vượt công mà được thưởng trước[2], dù trung tín cũng dám bỏ pháp luật mà vượt cấm lịnh. Như vậy là làm sáng tỏ pháp luật. Bậc vua chúa có khi bị gạt vì công việc, có khi bị che lấp vì lời nói, phải xét hai trường hợp đó.
Bề tôi đề nghị một công việc, cho là dễ dàng, giảm phí tổn, để dụ chúa, chúa bị gạt mà không xét kỹ, lại khen bề tôi đó là hiền tài, thế là bề tôi ngược lại, lấy công việc để chi phối chúa. Như vậy gọi là bị gạt vì công việc, bị gạt vì công việc thì phải khốn vì lo lắng. Khi đề nghị bảo là phí tổn ít, rồi sau phí tổn nhiều, như vậy dù có công, (tức việc thành) lời đề nghị vẫn là không đúng. Không đúng là có tội, cho nên việc dù thành công cũng không thưởng, như vậy bề tôi sẽ không dám tô điểm lời nói để mê hoặc chúa. Đạo làm chúa là khiến cho lời nói trước của bề tôi không trái với lời nói sau, lời nói sau không trái với lời nói trước, (nếu trái thì) dù việc thành cũng phải chịu tội. Như vậy là phép dùng kẻ dưới.
Bề tôi lập kế cho chúa, sợ kẻ khác chê kế hoạch của mình, nên rào đón trước: “Kẻ nào chê bai kế hoạch là kẻ ấy ghen ghét (muốn phá) việc". Chúa để bụng lời đó mà không nghe lời can gián của quần thần, quần thần sợ lỗi đó, không dám bàn cãi nữa. Vì hai cái thế đó (một là chúa cự tuyệt lời can gián, hai là quần thần phải làm thinh), bề tôi trung không được nghe, còn bề tôi (xảo quyệt) có hư danh thì lại riêng được trọng dụng. Như vậy gọi là bị che lấp vì lời nói: bị che lấp vì lời nói thì bị bề tôi chế ngự. Đạo làm chúa là khiến cho bề tôi biết rằng mình chịu trách nhiệm về điều mình đã nói, lại cũng có trách nhiệm về chỗ mình không nói. Lời nói không có đầu đuôi, biện luận mà không có chứng cứ, đó là chịu trách nhiệm về điều mình đã nói: không nói để trốn tránh trách nhiệm, để giữ địa vị quan trọng của mình, đó là chịu trách nhiệm về chỗ không nói. Bậc vua chúa bắt bề tôi hễ nói thì phải có đầu có đuôi, phải đúng với sự thực; nếu họ không nói thì phải hỏi họ lấy chỗ nào, bỏ chỗ nào trong đề nghị để rồi khi thi hành xét xem ý kiến của họ có đúng không; như vậy bề tôi không ai dám nói bậy mà cũng không làm thinh; nói hay làm thinh đều chịu trách nhiệm cả. Bậc vua chúa muốn làm một việc gì, không hiểu đầu đuôi mà bày tỏ ý muốn của mình, rồi cứ làm thì việc làm không có lợi, trái lại có hại. Người hiểu lẽ đó[3] thì áp dụng cách này: tính toán thấy vô nhiều, ra ít (lợi nhiều, phí tổn ít) thì là việc nên làm. Vị chúa bị mê hoặc thì không vậy, tính số vô mà không tính số ra, ra gấp bội vô mà không thấy hại, thế là được tiếng mà mất miêng, công ít mà hại nhiều. Phải vô nhiều, ra ít mới đáng gọi là có công. Nay xài phí nhiều mà vô tội, kết quả ít mà lại là có công, thì tất nhiên bề tôi cứ xài phí cho nhiều để được kết quả nhỏ; tuy có kết quả nhỏ mà vua vẫn có hại.

*

 
Người không biết cách trị nước tất bảo: "Không biến cổ, không đổi tập tục.” Thánh nhân không nhất định phải biến đổi hay không biến đổi, miễn việc trị nước được thích nghi mà thôi. Thay đổi phép tắc cổ hay không là ở chỗ phép tắc cổ và tập tục còn thích hợp hay không. Y Doãn không biến đổi nhà Ân, Thái Công[4] không biến đổi nhà Chu thì vua Thang, vua Võ đâu lập được nghiệp vương. Quản Trọng không biến đổi nước Tề, Quách Yển[5] không biến đổi nước Tấn, thì Tề Hoàn công và Tấn Văn công đâu lập được nghiệp bá. Người ta sở dĩ không biến cổ là vì ngại làm cho đời của dân xáo động[6]. Nhưng nếu không biến cổ, cứ theo dấu vết thời loạn để làm vừa lòng dân thì là thả lỏng cho các hành vi gian tà. Dân ngu không biết là loạn mà bề trên nhu nhược không dám sửa đổi thì sao còn là trị nước nữa. Bậc vua chúa phải sáng suốt đủ để biết cách trị nước, và nghiêm khắc nhất định thi hành cho được, cho nên dù trái ý dân cũng có lập lại sự bình trị. Chứng cứ là Thương Quân đi ra đi vô[7] lúc nào cũng dùng cái "thù" (một binh khí dài có mũi nhọn), cái thuẫn nặng để đề phòng (kẻ ám sát mình); khi Quách Yển bắt đầu trị nước Tấn thì Tấn Văn Công phải dùng vệ sĩ; khi Quản Trọng bắt đầu trị nước Tề, Tề Hoàn Công phải dùng xe có võ trang để đề phòng dân chúng (…)[8]
 
Chú thích:
[1] Ví dụ giao trách nhiệm cho A, dùng B để dòm ngó đề phòng A; nhưng làm sao tin B được; lại phải dùng C để dòm ngó đề phòng B. Vậy là B người ngày nay bị C dòm ngó chính là người mà trước kia vua dùng để dòm ngó A.
[2] Nghĩa là công chưa đáng thưởng mà đã được thưởng “trước”, đây không phải là trước người, mà chỉ có nghĩa là sớm quá, trước khi đáng thưởng.
[3] Ở đây có bản thêm 4 chữ: nhiệm lí, khử dục = theo lí bỏ tư dục. Trần Khải Thiên cho là do người đời Tống thêm vào.
[4] Y Doãn là khai quốc công thần của Thành Thang, ông vua sáng lập nhà Thương. Thái Công, tức Lã Vọng, là công thần bậc nhất của Văn vương và Võ vương nhà Chu.
[5] Quách Yển: một đại phu có tài của nước Tấn.
[6] Nguyên văn: đạn dịch dân chi an dã. Có học giả bảo không hiểu hai chữ dịch (易) dân đó nghĩa là gì, ngờ là ngư dân mà cổ nhân chép lầm. Chúng tôi hiểu là sợ làm biến đổi sự an tĩnh của dân nên dịch như vậy.
[7] Nguyên văn: thuyết tại Thương Quân chi nội ngoại. Có sách dịch là: thuyết này ở thiên Nội ngoại của sách Thương Quân. Chúng tôi theo Trần Khải Thiên mà dịch như trên.
[8] Chúng tôi bỏ câu cuối gồm 48 chữ vì các nhà chú giải đều ngờ rằng chép lầm hoặc sót, không sao hiểu nổi.

THIÊN XLV

NGỤY SỬ

(TRỊ NƯỚC BẬY[1])


Thuật[2] trị nước của thánh nhân gồm có ba : 1, dùng lợi (tức bổng lộc, thưởng); 2, dùng uy; 3, dùng danh (tức quan tước, khen chê). Lợi để mua chuộc dân, uy để thi hành lệnh, danh để trên dưới cùng theo (cùng trọng)[3]. Ngoài ba thuật đó ra, tuy còn những thuật khác, nhưng không gấp bằng. Nay lợi tuy có mà dân không cảm hoá theo vua, uy tuy còn mà dân không nghe, quan chức tuy có luật định mà thực (chức) không hợp với danh (tước)[4]. Ba cái đó đều còn đấy mà đời thì cứ trị rồi loạn, loạn rồi trị là tại sao? Tại cái mà vua quí thường trái với cái làm cho nước trị.

 *

 
Đặt ra danh hiệu để tôn trọng, thế mà nay có kẻ coi thường cái danh, khinh rẻ cái thực (của quan tước), thì đời lại cho cao thượng; đặt ra tước vị để làm tiêu chuẩn cho sự sang hèn, thế mà kẻ xa lánh bề trên, không cầu được yết kiến thì đời lại cho là hiền nhân; dùng uy và lợi là để dân thi hành mệnh lệnh, thế mà kẻ không ham lợi, coi thường cái uy thì đời cho là đáng trọng; ban bố pháp lệnh để trị nước, thế mà kẻ không tuân pháp lệnh, làm những điều họ riêng cho là thiện[5] thì đời lại cho là trung; đặt ra quan tước để khuyến khích dân, thế mà kẻ thích danh nghĩa, không chịu làm quan thì đời lại cho là liệt sĩ; đặt ra hình phạt để nắm cái uy, thế mà kẻ khinh pháp luật, không tránh hình phạt, tội chết thì đời gọi là dũng. Dân cầu danh[6] hơn cầu lợi như vậy thì kẻ sĩ nghèo đói túng thiếu làm sao không vô núi ở, chịu khổ thân để tranh danh với thiên hạ cho được? Cho nên đời sở dĩ không trị, không phải do tội của kẻ dưới mà do bề trên bỏ mất cái thuật, thường quí cái làm cho nước loạn, khinh cái làm cho nước trị, mà cái kẻ dưới muốn thường trái ngược với cái bề trên (phải) dùng mới trị nước được. Nay cái cần gấp cho bề trên là người dưới nghe theo mình, thế mà kẻ đôn hậu, cung kính, thuần lương, thành tín, hết lòng dạ, dè dặt lời nói thì cho là bần tiện, quê mùa; kẻ giữ chặt pháp luật, tuân lệnh răm rắp thì cho là ngu; kẻ kính bề trên, sợ tội thì cho là khiếp nhược, kẻ nói đúng lúc và vắn tắt, làm hợp với đạo trung thì cho là bất tiếu (dở); kẻ không hai lòng, không theo cái học tư[7] mà nghe lời quan lại, theo sự giáo hoá của nhà nước, thì bị gọi là hủ lậu; kẻ không vời thì không tới, gọi là chính; kẻ thưởng cũng không nhận thì gọi là liêm; kẻ khó ngăn cấm thì gọi là đàng hoàng; kẻ được lệnh mà không nghe thì được gọi là dũng; kẻ không cầu người trên thưởng, gọi là ít lòng dục; kẻ rộng rãi ban ân huệ, gọi là nhân từ; kẻ trịnh trọng tự tôn, gọi là trưởng giả[8]; kẻ hợp nhau theo cái học tư, gọi là thầy trò; kẻ nhàn nhã ở yên gọi là suy tư sâu sắc; kẻ hại người trục lợi gọi là lanh lợi; kẻ gian hiểm trái trở lại gọi là trí; kẻ trước vì người, sau mới vì mình, coi mọi người đều là đồng loại[9], đưa ra thuyết phiếm ái (yêu khắp mọi người), gọi là thánh; kẻ mà lời nói thì không hợp lí, không thể dùng được, hành vi thì trái với thế tục, gọi là đại nhân; kẻ khinh tước lộc, không phục tòng bề trên, gọi là hào kiệt. Bề dưới mà theo nhau làm như vậy thì trong đời tư làm loạn dân, ra làm quan bề trên sẽ không sai khiến được. Bề trên nên cấm ý muốn, diệt "dấu vết" của họ, (như vậy) họ còn không chịu ngừng thay; (huống hồ) còn theo họ, tôn trọng họ[10] thì tức là dạy kẻ dưới làm loạn bề trên, mà lại cho là trị nước!

Hình phạt là cái bề trên dùng để trị dân, mà nay kẻ tự thi hành việc nghĩa (ân huệ) ở ngoài pháp luật lại được tôn trọng.[11] Nhờ yên tĩnh mà xã tắc đứng được, thế mà kẻ gian hiểm, gièm pha, a dua lại được bổ nhiệm. Trong nước, dân sở dĩ nghe theo bề trên là vì tin trên và có đức, thế mà kẻ gian dối phản phúc lại được làm quan lại. Lệnh sở dĩ được thi hành, uy sở dĩ lập được là vì dân cung kính nghe bề trên, thế mà kẻ ở trong núi, mạt sát đời lại được vinh hiển. Kho lẫm đầy là nhờ nghề gốc, tức canh nông; thế mà kẻ làm những nghề ngọn như dệt gấm vóc, chạm vẽ lại giàu. Danh sở dĩ thành được, đất sở dĩ mở rộng được là nhờ chiến sĩ, mà nay con côi của tử sĩ chết đói xin ăn ngoài đường, còn bọn hề, kép hát, rượu chè lại ngồi xe mặc đồ lụa. Thưởng lộc là để cho dân tận lực, kẻ dưới dám liều chết, mà nay kẻ sĩ chiến thắng chiếm được thành địch, công lao khó nhọc mà không được thưởng, còn bọn bói toán, coi chỉ tay, dùng lời để mê hoặc nịnh hót vua thì ngày nào cũng được ban ơn. Bề trên cầm pháp độ để chuyên nắm quyền sinh sát trong tay, mà nay kẻ sĩ giữ trung can gián[12] vua thì không được yết kiến, còn kẻ khéo nói bẻm mép, dùng mưu gian, may mắn mà thành công thì lại thường được vua vời. Căn cứ vào pháp luật mà nói thẳng, danh với thực[13] hợp nhau,theo đúng lằn dây mực[14], giết kẻ gian để bề trên trị nước, thì càng ngày càng bị bề trên xa cách; còn kẻ xiểm nịnh, thuận theo ý, chiều lòng dục của bề trên khiến cho nước nguy thì lại được gần gũi bề trên. Thu hết thuế, dùng hết sức dân là để phòng tai nạn (tức giặc), làm cho kho lẫm được đầy; thế mà những sĩ tốt bỏ bổn phận, trốn lánh, dựa vào các nhà có uy quyền để tránh xâu, thuế, bề trên không bắt được, nhiều có tới số muôn. Bày những ruộng tốt, nhà đẹp ra là để khuyến khích chiến sĩ, thế mà kẻ bị chặt đầu banh bụng, phơi xương nơi đồng hoang, khi tòng chinh không có nhà để ở, chết rồi ruộng bị chiếm đoạt[15], còn kẻ cho con gái, em gái đẹp và bọn đại thần, tả hữu không có công lao gì thì được chọn nhà mà lãnh, chọn ruộng mà hưởng. Việc thưởng lợi chỉ do bề trên ban ra là để chế ngự người dưới, thế mà chiến sĩ không được ban chức còn kẻ ở không thì được tôn hiển. Bề trên giáo hoá dân như vậy thì danh làm sao không bị hạ thấp, địa vị làm sao không bị lung lay. Danh bị hạ thấp, địa vị bị lung lay thì kẻ dưới sẽ không tin pháp lệnh, sinh ra hai lòng, theo cái học riêng tư phản nghịch lại xã hội, như vậy mà không cấm hành động của họ, phá tan bè đảng của họ, lại còn theo họ mà tôn trọng họ, cầm quyền như vậy là lầm lớn! Bề trên đặt ra sự liêm sỉ là để khích lệ kẻ dưới, mà nay kẻ sĩ và đại phu không xấu hổ vì nhơ nhớp, thối tha nhục nhã thì được làm quan, kẻ nhờ bọn con và em gái đẹp thì được nhảy bậc. Ban thưởng là để cho được quí trọng, thế mà các chiến sĩ có công thì nghèo hèn còn bọn sủng ái, kép hát thì được vượt bực. Danh hiệu mà thành tín (hễ có quan tước thì có thực quyền) là để bày tỏ cái uy, thế mà vua bị che lấp, kẻ thân cận và các sủng phi đều tự chuyên, nắm quyền ban phát tước lộc, đổi chỗ thăng giáng các quan lại, cầm quyền như vậy là lầm lớn. Đại thần khi bổ nhiệm ai làm quan thì mưu tính trước với kẻ đó, lập phe đảng không theo pháp luật, như vậy là uy và lợi nằm trong tay kẻ dưới (đại thần), vua bị hạ thấp mà hạ thần được tôn quí.

Đặt ra pháp lệnh là để bỏ cái riêng tư, hễ pháp lệnh được thi hành thì cái đạo riêng bị phế. Riêng tư là cái làm loạn pháp. Kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng, ở trong núi, trong hang, mượn cớ để tìm những ý sâu xa, lớn thì mạt sát đời, nhỏ thì mê hoặc kẻ dưới mà bề trên không cấm lại mà còn theo, tặng họ danh hiệu tôn quí cùng tài sản, như vậy kẻ không có công thì được vinh hiển, kẻ không làm lụng khó nhhọc thì được giàu có. Như vậy kẻ sĩ có hai lòng, theo cái học riêng làm sao mà khỏi cố tìm ra những ý mà họ cho là sâu xa, gắng dùng lời xảo trá để phỉ báng pháp lệnh, tự tạo ra cái thế để chống lại với đời? Những kẻ làm loạn bề trên, chống lại với đời thường là những kẻ sĩ có hai lòng theo cái học riêng. Cho nên sách có câu[16]: "Làm cho trị là pháp luật, làm cho loạn là cái riêng tư; pháp luật đặt ra rồi thì không ai còn làm điều riêng tư được nữa” Vì vậy mà "theo cái riêng tư thì loạn, theo pháp luật thì trị". Bề trên không theo đúng đạo (thuật), thì kẻ trí có những lời nói riêng tư, kẻ hiền có những ý nghĩ riêng tư, bề trên ban những ân huệ riêng tư, kẻ dưới có những ham muốn riêng tư. Những kẻ được tiếng là thánh, trí lập thành đám đông, lập thuyết giảng học, để chê bai pháp luật trước mặt bề trên đã không cấm chỉ lại còn theo mà tôn trọng, như vậy là dạy kẻ dưới không nghe lời bề trên, không tuân pháp luật, thành thử người hiền nổi danh mà không làm quan, kẻ gian nhờ được thưởng mà giàu có, cho nên bề trên không chế ngự được kẻ dưới.
 
 
Chú thích:
[1] Chữ ngụy, chính ra phải đọc là quỉ, có nghĩa là trái, lầm. Sử là sai khiến, ở đây trỏ việc trị nước. Trần Khải Thiên giảng ngụy sử là trái với đạo trị nước.
[2] Nguyên văn là đạo, tức cách trị nước, thuật trị nước.
[3] Rốt cuộc cũng chỉ là hai thuật: thưởng (bằng lợi, danh) và phạt (dùng uy).
[4] Có thế hiểu là cái mà vua quí (danh) không hợp với cái mà sự trị nước cho là quan trọng (thực).
[5] Chẳng hạn lòng nhân từ của đạo Nho, lòng nghĩa hiệp của đạo Mặc, Nho, Mặc cho là "thiện"(tốt) nhưng chính quyền theo Pháp gia, cho là xấu.
[6] Cầu danh ở đâu là cầu cho được đời gọi là trung, là liệt sĩ, dũng… chứ không phải cầu được chức tước, được chính quyền khen.
[7] Pháp gia chủ trương dân phải học pháp luật do quan lại dạy, cái học đó là học công, còn ngoài ra (như Nho học, Mặc học, Lão học… ) đều là học tư hết.
[8] Trưởng giả thời đó có nghĩa kính trọng như trưởng thượng.
[9] Nguyên văn: “loại danh hiệu ngôn”, chúng tôi hiểu theo Trần Khải Thiên, có người dịch là: đặt ra các danh hiệu.
[10] Có người chấm câu khác và giảng là: lại không ngăn chặn họ mà còn theo họ.
[11] Theo Pháp gia thì bọn đó đáng trừng trị.
[12] Nguyên văn là anh, tức là xúc phạm. Đoạn này Hàn Phi chủ trương vua phải có đức, bề tôi trung phải can gián vua, tư tưởng mâu thuẫn với các thiên khác, nên người ta ngờ rằng viết từ lúc đầu, khi Hàn Phi mới thôi học Tuân Tử và trở về nước Hàn, sau tư tưởng ông thay đổi đó không có gì lạ. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng các thiên khác ông chê bọn trung thần can gián vua theo quan niệm Nho gia, như Tỷ Can, Ngũ Tử Tư… vì theo ông họ muốn uy hiếp vua; còn ở đây ông trách vua không nghe lời nói thẳng của kẻ sĩ có pháp thuật như ông.
[13] Nguyên văn là danh với hình.
[14] Nghĩa là không vượt ra ngoài phép tắc.
[15] Thời đó không phát tiền lương cho quân sĩ nhưng cấp cho họ “lộc điền” để gia đình họ cày cấy mà ăn.
[16] Nguyên văn là bản ngôn. Theo Trần Khải Thiên, Hàn Phi ám chỉ một cuốn sách của pháp gia khá lưu truyền thời Chiến Quốc, sau thất truyền.

THIÊN XLVI

LỤC PHẢN

(SÁU CÁI NGƯỢC ĐỜI)


Sợ chết, trốn tránh hoạn nạn, hạng dân đó tất thành giặc hoặc bỏ chạy, vậy mà người đời tôn là "kẻ sĩ quí trọng sự sống"; học đạo lập nên học thuyết, hạng dân đó tất làm trái pháp luật, vậy mà người đời tôn là "kẻ sĩ văn học”; đi nơi này nơi khác, ở không được hậu đãi[1], hạng dân đó ăn bám, vậy mà người đời tôn là có tài năng; nói quanh co, bậy bạ[2], đó là hạng dân trá ngụy, vậy mà người đời lại tôn là "kẻ sĩ biện trí"[3]; cầm vũ khí đâm chém người, đó là hạng dân hung bạo, vậy mà người đời lại tôn là "kẻ sĩ dũng cảm"; cứu sống giặc, giấu giếm kẻ gian, đó là hạng dân đáng tội chết, vậy mà người đời lại tôn là "kẻ sĩ hào hiệp". Đó là sáu hạng dân được người đời khen.
Sấn vào chỗ nguy hiểm, trung thành tới hi sinh, đó là hạng dân tuẫn tiết, mà người đời lại chê là "kẻ không biết mưu tính"; trí thức kém nhưng (răm rắp) theo lệnh, đó là hạng dân bảo toàn pháp luật, thế mà người đời lại chê là "chất phác, hủ lậu"; làm lụng khó nhọc để kiếm ăn, đó là hạng sinh lợi, thế mà người đời lại chê là “không có tài năng”; trung hậu trong sạch, đó là hạng dân ngay thẳng, tốt, thế mà người đời lại chê là “ngu dại”, trọng mệnh lệnh, lo lắng về công việc, đó là hạng dân trọng bề trên, thế mà người đời lại chê là “khiếp nhược”; đánh bại giặc, ngăn kẻ gian tà (cáo gian), đó là hạng dân làm sáng pháp lệnh, mà người đời lại chê là “sàm báng” (vạch lỗi của người). Đó là sáu hạng dân bị người đời chê.

   Sáu hạng dân gian ngụy, vô ích mà đời khen như thế kia, sáu hạng dân đi cày đánh giặc mà đời chê như thế này, tôi gọi đó là sáu cái ngược đời. Bọn áo vải theo lợi riêng mà khen sáu hạng người trên rồi bậc vua chúa nghe cái tiếng hão mà kính trọng họ, họ được kính trọng thì tất được hưởng lợi; bách tính theo cái lợi riêng mà chê sáu hạng người dưới, rồi bọn vua chúa bị thế tục chê lấp mà khinh họ, họ bị khinh thì tất bị hại. Thành thử hạng dân mưu tư lợi, làm bậy, đáng tội thì được khen thưởng; còn hạng dân mưu lợi chung (lợi cho quốc gia), làm điều tốt đáng được thưởng thì bị chê, bị hại. Như vậy mà muốn cho nước giàu mạnh thì không thể được.
   Đời xưa có câu tục ngữ này: “làm chính trị cũng như gội đầu, tuy tóc rụng đấy nhưng vẫn phải gội”. Sợ tóc rụng, uổng, mà quên cái lợi tóc sẽ dài ra, tức là không biết quyền nghi (không thông đạt). Mổ nhọt thì đau, uống thuốc thì đắng, nhưng không mổ, không uống thì thân không thể sống, bệnh không thể biết. Ngay trong sự giao tiếp giữa vua tôi, không có cái ân như cha đối với con mà mong lấy việc làm theo nghĩa để cấm bề tôi thì sự giao tiếp tất sinh hiềm khích. Vả cha mẹ đối với con, sanh con trai thì mừng, sanh con gái thì giết; trai gái đều từ trong lòng cha mẹ mà ra, mà con trai thì mừng, con gái thì giết, là do nghĩ đến sau này, đứa con nào có lợi cho mình hơn. Vậy cha mẹ đối với con mà còn mang lòng tính toán lợi hại huống hồ là những người không có tình cha con với nhau. Các học giả ngày nay thuyết bậc vua chúa đều bảo phải bỏ cái lòng cầu lợi đi, đưa ra cái đạo tương ái, như vậy là đòi vua chúa đối với dân phải thân hơn cha mẹ đối với con nữa, đó là suy nghĩ chưa chín về ân tình, lầm lẫn gạt người, bậc minh quân không chấp nhận được. Thánh nhân trị nước thì xét kĩ pháp luật, cấm lệnh, hai cái đó mà minh bạch thì quan lại có kỉ luật; qui định thưởng phạt cương quyết và giữ đúng, thưởng phạt mà không thay đổi vì tư tâm thì dân sẽ dễ sai khiến. Dân sai khiến được, quan có kỉ luật thì nước giàu, nước giàu thì binh mạnh mà nghiệp bá vương sẽ thành. Làm bá vương là cái lợi lớn của bậc vua chúa; bậc vua chúa nhắm cái lợi lớn mà trị nước, cho nên bổ nhiệm quan chức thì phải xứng với tài năng, thưởng phạt thì chí công vô tư, khiến cho sĩ dân đều thấy rõ điều đó mà (tin rằng) hễ tận lực liều chết lập công được, thì được ban tước lộc, do đó hóa giàu sang. Giàu sang là cái lợi lớn của bề tôi, bề tôi nhắm cái lợi lớn đó mà làm việc, nên mạo hiểm tới chết, kiệt sức mà không oán. Như vậy là vua không tư với dân, bề tôi không trung với vua (cứ theo pháp luật thôi) thì có thể lập được nghiệp bá vương.

*


   Gian mà nhất định sẽ bị phát giác thì kẻ gian sẽ tự răn mình, nếu nhất định sẽ bị giết thì họ phải ngừng (không dám làm nữa): vì không bị phát giác nên họ mới phóng túng, không bị giết nên mới làm. Bày một thứ hàng rẻ tiền ở chỗ u ẩn thì dù Tăng Sâm, Sử Ngư[4] cũng bị nghi là lấy trộm; treo trăm lượng vàng[5] ở chợ thì dù một tên cướp lớn cũng không dám lấy. Không ai biết, nên Tăng Sâm, Sử Ngư có thể bị nghi ở chỗ u ẩn; ai cũng biết, nên kẻ cướp không dám lấy vàng treo ở chợ.
   Cho nên bậc minh chủ dùng nhiều người giữ (pháp luật)[6] mà trị tội nặng, khiến cho dân vì sợ hình pháp chứ không vì tính liêm khiết mà không bậy. Mẹ yêu con gấp bội cha yêu con, mà cha ra lệnh thì con tuân lệnh gấp mười mẹ ra lệnh. Quan lại không yêu gì dân mà lệnh được dân tuân gấp vạn lệnh của cha. Mẹ tích lũy lòng yêu con mà không được con theo; quan lại dùng oai nghiêm mà dân tuân lệnh. Vậy dùng oai nghiêm hay dùng lòng yêu, cách nào nên theo, là điều dễ quyết định được rồi. Vả lại cha mẹ mong mỏi ở hành động của con cái là chúng được yên vui, có lợi, đừng mắc phải tội lỗi. Vua đối với dân (trái lại), khi có nạn thì muốn dân hi sinh tính mạng, khi bình an thì muốn dân tận lực với mình. Cha mẹ rất yêu con, muốn cho nó được yên vui và có lợi, mà nó không nghe; vua không yêu, không muốn dân có lợi, đòi dân phải hi sinh tính mạng, tận lực vì mình, mà dân lại tuân lệnh. Bậc minh chủ biết lẽ đó, nên không nuôi lòng nhân ái mà chỉ tăng cái thế oai nghiêm. Mẹ rất yêu con, mà con phần nhiều lại hư hỏng, chỉ vì mẹ dùng lòng yêu; cha ít yêu con, dạy bằng roi, mà sau phần nhiều lại tốt, chỉ vì cha dùng sự oai nghiêm.

*

   Một gia đình làm ăn, nếu cùng nhịn đói chịu rét, cùng gắng sức lao khổ thì (trong miền) tuy gặp binh đao, hay mất mùa, riêng gia đình đó vẫn được ăn no mặc ấm. Còn gia đình nào vì thương nhau, vì nhân từ mà cho nhau ăn mặc sung sướng, ở không vui chơi, thì gặp nạn đói kém, gia đình đó tất phải bán vợ đợ con. Cho nên, dùng pháp luật thì trước chịu khổ, sau được lợi bền lâu; còn theo đạo nhân từ thì mới đầu tạm được vui mà sau sẽ khốn cùng. Bậc thánh nhân cân nhắc, lựa cái lợi lớn cho nên dùng pháp luật mà bắt nhau chịu cực, và bỏ sự nhân ái đối với nhau. Các học giả đều bảo: “phải giảm nhẹ hình phạt đi”, đó là thuật làm cho loạn vong. Thưởng phạt mà xác định là để khuyến thiện và cấm ác. Thưởng hậu thì mau được cái mình muốn; phạt nặng thì mau cấm được cái mình ghét. Người nào muốn cái lợi thì tất ghét cái hại, vì lợi và hại tương phản nhau. Trái với cái mình muốn thì làm sao mình không ghét cho được? Người nào muốn được trị thì tất ghét loạn, vì trị và loạn tương phản nhau. Cho nên rất ham bình trị thì phải thưởng cho hậu, rất ghét rối loạn thì phải phạt cho nặng. Nay chủ trương giảm nhẹ hình phạt, tức là không mấy ghét rối loạn mà cũng không mấy ham bình trị. Như vậy chẳng những không có thuật (trị nước) mà còn không biết hành động nữa. Bởi vậy phương pháp quyết định có tài năng hay không, ngu hay trí ở chỗ thưởng phạt nặng hay nhẹ. Vả lại hình phạt nặng không phải để trị tội nhân, nó còn để làm sáng pháp độ của vua. (Chẳng hạn) giết giặc, không phải chỉ để trị kẻ mình giết, vì nếu trị kẻ mình giết thì tức là trị kẻ chết; (hoặc như) phạt kẻ cướp, không phải chỉ để trị kẻ mình phạt, vì nếu trị kẻ mình phạt thì tức là trị kẻ bị đày[7]. Cho nên bảo: “phạt nặng tội một kẻ mà ngăn cấm được mọi sự gian tà trong nước. Đó là cái đạo trị nước. Kẻ bị phạt nặng là kẻ cướp mà kẻ sợ hãi là lương dân. Vậy muốn trị nước còn trì nghi gì nữa mà không dùng trọng hình? Còn việc thưởng hậu, không phải chỉ để thưởng công, còn để khuyến khích toàn dân trong nước nữa. Người được thưởng vui, vì được lợi, mà người chưa được thưởng sẽ ham được thưởng. Đó là báo đáp công lao của một người mà khuyến khích được toàn dân trong cõi. Vậy muốn trị nước, còn trì nghi gì nữa mà không hậu thưởng? Nay những kẻ không biết cách trị nước đều bảo : “hình phạt nặng làm thương tổn dân; hình phạt nhẹ có thể cấm được gian rồi, cần gì phải dùng hình phạt nặng?” Đó là không xét kĩ về sự trị nước. Một tội ác có thể ngăn cấm được bằng hình phạt nặng thì chưa chắc đã cấm được bằng hình phạt nhẹ; còn một tội ác ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ thì lại càng dễ ngăn cấm bằng hình phạt nặng. Cho nên, bề trên đặt ra hình phat nặng thì mọi sự gian tà sẽ chấm dứt; mọi sự gian tà chấm dứt thì thương tổn cho dân chỗ nào? Khi kẻ gian chỉ được một cái lợi nhỏ thì bề trên bắt chịu một cái tội lớn, như vậy gọi là hình phạt nặng; dân không muốn vì cái lợi nhỏ mà bị một cái hại lớn, cho nên mọi sự gian tà đều chấm dứt. Vì vậy tiên hiền có câu : “không vấp núi mà vấp đống kiến đùn”[8]. Núi lớn nên người ta phải cẩn thận, đống kiến đùn nhỏ nên người ta coi thường. Dùng hình phạt nhẹ thì tất người dân coi thường. Không trừng phạt kẻ phạm tội tức là phóng khí toàn dân; trừng phạt nhẹ kẻ phạm tội tức là làm bẫy cho dân sa vào[9].Cho nên hình phạt nhẹ tức là cái đống kiến đùn để cho dân vấp phải, mà cái đạo dùng hình phạt nhẹ nếu không làm cho nước loạn thì cũng làm cho dân sa vào bẫy. Cái đó mới làm thương tổn dân chúng đấy.

*

   Các học giả ngày nay đều giảng những lời hay trong sách mà không xét sự thực đương thời. Họ bảo : “bề trên không thương dân, thuế má thường nặng, dân không đủ tiêu dùng nên oán bề trên, do đó mà thiên hạ đại loạn”. Như vậy là họ cho rằng cho dân có đủ tiêu dùng rồi lại yêu dân nữa, dù dùng hình phạt nhẹ, nước cũng trị được. Lời đó sai. Đa số kẻ bị hình phạt nặng là sau khi họ có đủ để tiêu dùng rồi. Họ đủ tiêu dùng rồi mà bề trên còn thương họ, giảm nhẹ hình phạt thì vẫn còn loạn. (Chứng cứ là : con cưng của nhà giàu, tài sản có đủ tiêu dùng; tài sản đủ tiêu dùng thì tiêu xài không tiếc, tiêu xài không tiếc thì hóa ra xa xỉ; cha mẹ thương yêu con thì không nỡ rầy mắng nó, không nỡ rầy mắng thì nó hóa kiêu căng, phóng túng. Xa xỉ thì nhà sẽ nghèo, kiêu căng phóng túng thì làm bậy, đó là cái hại có tài sản đủ dùng mà thương yêu nhiều, và trừng trị nhẹ. Con người bẩm sinh hễ có tài sản đủ dùng thì hóa ra lười biếng, không chịu gắng sức, bề trên không nghiêm trị thì kẻ dưới phóng túng làm bậy. Tài sản đủ dùng rồi mà vẫn gắng sức làm lụng thì chỉ có Thần Nông thôi ; bề trên không nghiêm trị mà kẻ dưới vẫn có đức hạnh thì chỉ có Tăng Sâm và Sử Ngư. Hạng dân thường không bằng được Thần Nông, Tăng Sâm và Sử Ngư, là điều hiển nhiên rồi. Lão Đam nói : “Biết đủ thì không nhục, biết ngừng thì không nguy”[10]. Vì sợ bị nhục và nguy, nên hễ có đủ rồi thì thôi, không cầu gì hơn nữa, chỉ có Lão Đam được như vậy. Nay bảo rằng cho dân có đủ rồi thì nước có thể bình trị, tức là coi dân ai cũng như Lão Đam cả. Như Kiệt kia, sang tới mức làm thiên tử mà vẫn chưa cho là đủ tôn quý ; giàu tới mức có cả thiên hạ, mà vẫn chưa cho là có đủ châu báu. Bậc vua chúa dù (hết sức) cho dân có đủ, cũng không thể làm cho họ tới cái mức như thiên tử, mà Kiệt kia vẫn chưa cho làm thiên tử là đủ, thì làm cho dân có đủ, chắc gì đã làm cho nước bình trị được? Cho nên bậc minh chủ trị nước phải thích nghi với thời mà sản xuất nhiều tài vật, định thuế má sao cho giàu nghèo bình quân (công bằng), ban nhiều tước lộc để dùng hết tài năng trong dân, dùng hình phạt nặng để ngăn cấm gian tà, khiến cho dân hễ gắng sức làm lụng thì sẽ giàu, hễ có công nghiệp thì sẽ sang, làm bậy thì bị tội, có công thì được thưởng chứ không mong được bề trên nhân từ ban ơn huệ cho. Đó là chính trị của bậc đế vương.

*

   Mọi người đều ngủ cả thì không biết ai đui, mọi người đều làm thinh thì không biết ai câm. Đánh thức họ dậy bảo họ nhìn, hỏi họ, bắt họ đáp, thì những người  đui và câm vô phương giấu được[11]. Không nghe một người trình bày thì không biết được rằng họ không có thuật (trị nước), không giao công việc cho họ thì không thể biết được rằng họ có tài cán. Nghe họ trình bày rồi xem xét lời họ có thích đáng không, giao công việc cho họ rồi xem xét có kết quả không, thì kẻ không có thuật, không có tài cán sẽ vô phương giấu được. Muốn lựa một lực sĩ mà chỉ căn cứ vào lời họ tự khoe thì không sao phân biệt được người tầm thường với Ô Hoạch[12], đưa cho họ một cái vạc[13] bảo họ nhấc lên thì ai yếu ai mạnh thấy rõ liền. Quan chức tức là “cái vạc" để thử kẻ sĩ có tài năng đấy; giao chức vụ cho họ thì ai ngu, ai trí, phân biệt được ngay. Cho nên thấy lời nói của ai vô dụng thì biết được kẻ đó không có thuật; thấy ai không làm được nhiệm vụ thì biết được kẻ đó không có tài cán. Có kẻ lời không được ai dùng mà tự trau chuốt, cho mình là hùng biện; không được giao cho trách nhiệm mà tự khoe rằng mình cao thượng. Các vua chúa đời nay bị mê hoặc vì lời nói của họ, bị gạt vì sự cao ngạo của họ mà tôn quý họ, như vậy là không đợi họ có nhìn thấy không mà đã tin chắc mắt họ sáng, không đợi họ đáp được không mà đã tin chắc họ có khẩu tài, tức như không biết rõ được ai đui ai câm vậy. Bậc minh chủ nghe ai nói thì xét xem lời nói của họ có dùng được không, thấy ai làm thì xét xem có kết quả không, như vậy thì các học thuyết trống rỗng đời xưa không còn được đem ra bàn, mà các hành vi kiêu căng, gạt người không còn được tô điểm nữa.
 
Chú thích:
[1] Hàn Phi ám chỉ các triết gia, học giả - như thầy trò Mạnh Tử - tới nước nào – như Tề, Lương chẳng hạn – cũng được vua trọng đãi.
[2] Nguyên văn mâu tri, bốn năm học giả, mỗi nhà giảng một khác, mà không nhà nào giảng xuôi cả; chúng tôi tạm theo Trần Khải Thiên mâu cùng nghĩa với mậu là lầm, bậy.
[3] Ám chỉ bọn "danh gia".
[4] Tăng Sâm, môn sinh của khổng tử, nổi tiếng là hiền. Sử Ngư, một đại phu nước Vệ, được Khổng tử khen là ngay thẳng. Tương truyền ông can vua, vua không nghe, khi chết bảo vợ con đem xác bỏ ngoài đồng để vua động lòng mà tỉnh ngộ.
[5] chữ Kim có thể trỏ một lạng vàng, một đồng tiền vàng, lại có thể trỏ một cân, một lượng, một đồng tiền bằng đồng.
[6] tức dùng nhiều kẻ cáo gian.
[7] Hàn Phi muốn nói: dùng hình phạt không cốt ở sự trừng trị kẻ gian mà cốt để ngăn ngừa sự gian, để người khác thấy mà sợ, không dám làm điều gian.
[8] Tựa như câu của ta: “đi sông đi biển không chết mà chết lỗ chân trâu”.
[9] Hàn Phi muốn nói: “không ngăn cấm gian tà (bằng hình phạt nặng), để dân phạm tội rồi mới trừng phạt, tức là đánh bẫy dân.
[10] Đạo Đức Kinh -  Chương 44: Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi.
[11] Nguyên văn là cùng nghĩa là cùng đường.
[12] Một dũng sĩ nước Tần.
[13] Thời xưa, muốn thử dũng sĩ, người ta bảo họ cầm chân một cái vạc nhấc lên rồi đi (cử đỉnh).

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 169
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com