watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
13:17:5118/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 1 - 25 - Trang 7
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 1 - 25
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 7 trong tổng số 10


Hồi Thứ Mười Ba

Bao Hưng lén thử Du tiên chẩm,
Triển Chiêu giúp bắt An Lạc hầu.


Lúc vào, thấy Lý Tài dựa trên ghế ngủ mê, trên bàn có một phong thư, liền cầm lên coi, thất kinh, mới kêu Lý Tài dậy hỏi: "Tờ giấy này ở đâu đem lại?". Lý Tài chưa kịp đáp. Bao Công nghe tiếng, thức dậy hỏi: "Giấy gì ở đâu?". Bao Hưng liền bưng đèn, Lý Tài dâng giấy lên, Bao Công xem xong sai đi mời Công Tôn Sách. Khi Tôn Sách tới, Bao Công đưa giấy cho xem. Trong ấy viết: "Ngày mai tới trấn Thiên Xương phải coi chừng kẻo bị thích khách, và mau mau chia làm đôi, một tốp đi ngã đường rừng Đông Cao bắt Bàng Dực, một tốp đi ngã am Quan âm cứu tiết phụ”. Lại có hàng chữ nhỏ rằng: "Tiết phụ là Kim Ngọc Tiên”. Công Tôn Sách xem xong liền hỏi: "Giấy này ở đâu đưa lại?". Bao Công nói: "Không cần biết chuyện đó, nên lo việc đề phòng và phái người đi cho kịp là hay”. Tôn Sách lui ra cùng bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu thương nghị.
Giấy ấy nguyên của Triển Chiêu, vì từ khi lấy bạc của Miêu Tú rồi liền đi thẳng ra trấn Thiên Xương.  Tới đó chưa thấy Bao Công, liền đi luôn qua trấn Tam Trinh bỏ thư báo tin rồi trở lại Thiên Xương chờ xem sự thể.
Ngày sau Bao Công tới trấn Thiên Xương vào ngụ tại công quán. Công Tôn Sách phái hai người lính dũng cảm là Cảnh Xuân và Trịnh Bình hầu hai bên cửa tra xét người ra vào. Còn bốn dũng sĩ ở chung quanh phòng Bao Công đêm ngày tuần giữ, phần mình và Lý Tài, Bao Hưng cũng hầu gần Bao Công để hộ vệ, nếu có điều chi bất chắc sẽ nhất tề hạ thủ. Canh giữ nghiêm ngặt như vậy tới canh tư cũng chưa thấy gì, Triệu Hổ ngồi gác, nghênh mặt ngó trên nóc nhà, ngọn cây, khi dòm tới một cây dầu, vụt la lớn rằng: "Có người núp đây!". Ở trong Vương Triều, Mã Hán, Trương Long túa ra, ngoài bọn canh tuần xách đuốc kéo vào, áp lại dưới gốc cây. Ai nấy đều thấy quả có bóng đen chuyền lên mái nhà, rồi ngói trên ấy liệng xuống như mưa. Triệu Hổ giận lắm hét rằng: "Giặc chạy đâu cho thoát!". Dứt tiếng nhảy lên mái nhà bắt người ấy xuống. Cả bọn áp lại, giải vào trước mặt Bao Công. Bao Công đã chẳng giận lại cả cười, sai Công Tôn Sách xuống mở trói. Công Tôn Sách giả bộ ngơ ngẩn hỏi rằng: "Tại sao nó quyết giết Tướng công mà Tướng công lại đãi nó tử tế vậy?". Bao Công đáp: "Ta xem y phải là tay hào kiệt nên động lòng thương, vả lại y với ta cũng chẳng cừu hận chi, y làm như vậy là bị kẻ tiểu nhân sai khiến, chớ nào phải bản ý ác. Mau xuống mở trói cho người ta". Công Tôn Sách ngó người ấy mà nói rằng: "Lão gia đãi ngươi như vậy ngươi nên lo báo ơn thế nào cho phải”. Nói rồi bảo Trương Long, Triệu Hổ mở trói. Vương Triều thấy bắp vế người ấy có một mũi tên liền bước lại nhổ giùm, rồi bảo Bao Hưng nhắc ghế mời ngồi. Người ấy thấy chung quanh Bao Công toàn những tay dũng sĩ kiện tướng đứng hầu nghĩ thầm: "Người ta nói Bao Công chính trực, biết trọng kẻ anh hùng, nay thật chẳng sai". Nghĩ vậy nên sợ không dám ngồi, sụp xuống đất quỳ mà thưa: "Tiểu nhân vô lễ, phạm tới đại nhân, tội đáng chết, xin đại nhân tùy liệu”. Bao Công vội vã nói: "Tráng sĩ khỏi phải quỳ lạy, xin ngồi cùng ta đàm đạo". Người ấy nói: "Tiểu nhân là kẻ phạm tội, trước mặt đại nhân đâu đám ngồi". Bao Công nói: "Ta đã mời, tráng sĩ cứ ngồi cớ chi mà ngại". Người ấy cực chẳng đã phải xá ba xá rồi ngồi. Bao Công hỏi: "Chẳng hay tên tuổi của tráng sĩ là chi, ai sai tới đây?". Người ấy thấy lòng Bao Công rộng rãi, cảm phục lắm liền tỏ ngay rằng: "Tiểu nhân là Hạng Phúc, vâng lệnh Bàng Dực ra đây hành thích đại nhân, ai dè đại nhân là người sáng suốt độ lượng thế này, khiến tiểu nhân hổ thẹn biết mấy “. Bao Công cười rằng: "Không sao, miễn sau này lúc gặp mặt An Lạc hầu xin tráng sĩ làm chứng việc này để tôi với Thái sư khỏi thương tổn đến tình thầy trò là đủ”. Hạng Phúc dạ dạ vâng lời. Bao Công sai Công Tôn Sách chữa vết thương cho Hạng Phúc. Vương Triều dâng mũi tên khi nãy cho Bao Công xem và nói: "Tên này có chữ đề là của Triển gia đây”. Bao Công nói: "Nếu vậy thời cái thư hồi đêm cũng của Triển nghĩa sĩ nữa, thật nghĩa sĩ hết lòng vì ta, ơn nặng biết mấy?".

Nói lại lúc Mã Hán vâng lệnh Công Tôn Sách giắt hai đầu mục Cảnh Xuân và Trịnh Bình ra am Quan Âm. Tới nơi Mã Hán thấy trước cửa có để cái kiệu ở đó, lấy làm lạ, đương đứng dòm chợt “nghe có tiếng kêu: "Hiền đệ tới muộn quá". Mã Hán dòm lên thời người ấy kêu là Triển Chiêu. Triển Chiêu nói với Mã Hán rằng: "Ngu huynh mới đón kiệu cứu được Kim Ngọc Tiên và gửi trong chùa rồi". Mã Hán và hai đầu mục đi cùng Triển Chiêu vào chùa, thấy có một bà già và một sư nữ (Bà già ấy là vợ của Điền Trung, nhờ Triển Chiêu cho hay trước nên tới đây đón chủ). Triển Chiêu nói với bà già rằng: "Bây giờ bà ở hầu phu nhân đây, đợi chừng Điền tướng công được tha sẽ bảo cho lại đây xum họp". Rồi dặn sư nữ rằng: "Phiền cô vì nghĩa mà đãi hai thầy trò Kim phu nhân đây cho tử tế chừng Điền tướng công trở lại sẽ hậu tạ cho". Lại nhắn với Mã Hán rằng: "Hiền đệ về bẩm lại với lão gia, nói rằng Triển Chiêu ít lâu sẽ tới hầu, còn Kim Ngọc Tiên là người liệt phụ, bất tất phải đem ra công đường đối chất làm chi “. Nói rồi ra chùa đi thẳng. Mã Hán với hai đầu mục trở về gặp tướng công.
Lại nói Trương Long, Triệu Hổ đến rừng Đông Cao không thấy sự gì, bèn nói cùng nhau rằng: "Có lẽ chúng nó đã đi khỏi đây rồi chăng?". Đợi một chặp nữa thấy một tốp người ngựa đi tới, Trương Long, Triệu Hổ cả mừng bảo bọn lính tráng núp vào gốc cây. Tốp nọ đi tới tất cả ùa ra. Bộ hạ của Bàng Dực thấy vậy ré lên rằng: "Sao chúng bay lớn gan dám đón đường hầu gia?". Trương Long nói: "Hầu gia nào ở đâu, sao không có áo rồng mũ ngọc, tao không biết Hầu gia nào cả". Lũ bộ hạ chỉ một người trong bọn mà nói: "Kìa! Người đó là An Lạc hầu, con của Thái sư! Vì muốn dò hỏi việc công nên thay hình đổi dạng như vậy, chúng bây vô lễ mau tạ tội đi". Trương Long, Triệu Hổ nhìn quả là Bàng Dực liền nói: "Để hai tôi chịu tội". Vừa nói vừa nhảy tới đè đầu Bàng Dực nhào xuống ngựa cho bọn sai dịch trói lại. Đám bộ hạ thấy thế cắm đầu lùi vào rừng như chuột. Trương Long, Triệu Hổ không thèm rượt theo, cứ lo điệu gian hầu Bàng Dực về công quán mà thôi.
Đó rõ thật:
Tiết phụ khỏi nạn nhờ nghĩa sĩ.
Gian hầu lậu kế bởi anh hùng.

Hồi Thứ Mười Bốn

Chém gian thần, Bao Công thử đao Long trát,
Biết hiền tài, Quốc mẫu tới miếu Thiên Tề.

Nói về Trương Long, Triệu Hổ giải Bàng Dực tới công quán. Bao Công lật đật giục mở trói rồi nói rằng: "Tôi với Thái sư là nghĩa thầy trò, thời cùng Hầu gia có tình bầu bạn, nhưng nay có chút án này cần phải có Hầu gia đối chất, vậy xin Hầu gia cứ thật nói ra, tôi sẽ liệu lượng giúp cho". Nói rồi giao tờ trình cho coi và sai người dắt Điền Trung, Điền Khởi Nguyên, mười vị phụ lão và những đàn bà con gái bị bắt ra. Bàng Dực thấy Bao Công dỗ ngọt rằng sẽ giúp mình, và ngoài mặt ung dung vẻ đoán chắc là có lòng tư vị mình nên đáp rằng: "Bẩm khâm sai đại nhân, những việc lầm lỗi đó là bởi tôi không nghĩ kịp, nay ăn năn chuyện đã muộn rồi, xin đại nhân mở lượng hải hà, nghĩ tình cứu giúp". Bao công hỏi: "Những lỗi ấy Hầu gia đã nhận rồi, vậy chuyện Hạng Phúc ai sai nó?". Bàng Dực kinh hãi đáp: "Chuyện đó tôi không biết". Bao Công sai dắt Hạng Phúc ra đối chất. Hạng phúc thấy mặt Bàng Dực liền nói: "Thưa Hầu gia, chuyện ngài sai khiến đó tôi đã khai rõ với quan khâm sai rồi, ngài còn giấu giếm sao được?". Bàng Dực thấy thế không chối nổi phải chịu ngay. Bao Công liền buộc làm tờ cung. Xong rồi cho đòi cả chứng cớ vào, người nhìn con, người nhìn vợ, kẻ nhìn em, kẻ nhìn dâu; xa cách bao lâu, nay gặp mặt cảm động vô cùng, khóc than rền rĩ. Bao Công truyền bảo mấy người ấy đứng ra hai bên chờ xem phán xử và sai đi đòi Trương Thái thú tới. Sau đó Bao Công ngó Bàng Dực mà rằng: "Tội Hầu gia đã đến thế, nếu giải về kinh e Hoàng Thượng giận mà làm liên lụy tới Thái sư và đường xá xa xôi e nhọc nhằn vậy bản chức xin phân xử tại đây có lẽ tiện hơn". Bàng Dực nói: "Khâm sai đã dạy, lẽ nào tôi dám chẳng vâng, xin nhớ giùm nghĩa cũ tình xưa mà châm chước cho tôi nhờ". Bao Công liền viết ba chữ đưa xuống, lính đi, một lát dâng ngọn Long đầu trát ra, giở tấm phủ ra, hào quang lấp lánh, ai thấy cũng lạnh mình. Sau đó đưa Bàng Dực ra lột cả y phục, trói lại, xô quỳ trước sân. Vương Triều tay xách Long đao coi rất oai dũng. Bao Công xuống lệnh, tay Vương Triều hoạt động một cái, Long đầu trát vừa vung qua, đầu Bàng Dực đã rơi xuống đất.
Bàng Dực đã đền tội xong rồi. Bao Công truyền đổi đao khác và thay phiên tới Hạng Phúc. Hạng Phúc thấy Bàng Dực đã như thế thời sợ sệt quá chừng, kế bị đem ra, xương sống lạnh ngắt, ăn năn không kịp. Tả hữu y theo lệ trước cởi áo, trói, và xô quỳ ở trước sân. Vương Triều cũng đưa tay, Cẩu đao cũng thật bén, nhoáng qua một cái, đầu đứa bất nghĩa đã rơi xuống đất liền.

Vừa xong, đã thấy quan phủ vào bẩm rằng: "Ti chức vâng lệnh khâm sai đi bắt Thái thú Trương Hoàng, tới nơi đã thấy y thắt cổ mà chết rồi nên lập tức về bẩm lại". Bao Công liền một mặt phái người đi khám thấy, một mặt mời Điền Khởi Nguyên lên an ủi và bảo về am Quan âm cho gặp vợ, lại kêu cả các người bị nạn khi trước lên khuyên dỗ ít lời, rồi cho dắt vợ dẫn con về lo lắng làm ăn như cũ.
Xử xong án, trở vào phòng Bao Công sai Công Tôn Sách viết tấu văn, và ra yết thị, phái ủy viên xét bộ khẩu và phát chẩn cho dân. Lúc trước muôn dân lớp bị nạn trời, lớp bị tai người, nay được tỏ nỗi khúc oan và được cho của nữa nên cám ơn nhân đức lắm.  Đâu đâu cũng tung hô tướng quân rền trời.
Bao Công phóng chẩn rồi muốn nhân dịp ấy đi dò la các chỗ, nên khi trở về, không đi theo đường cũ nữa. Một hôm đương đi trên cầu, con ngựa của Bao Công cưỡi, không chịu đi nhảy lăng xăng. Bao Công đánh thế nào cũng không bước tới, liền nghĩ thầm rằng: "Con ngựa này, xưa nay không như thế, sao lại sinh chứng, hay là tại đây có điều chi oan uổng hay sao?" Nghĩ vậy liền sai Bao Hưng đi kêu một người trong xóm đó lại hỏi rằng: "Chú tên gì, chỗ này là xứ chi nói cho bản quan biết?". Người ấy đáp. "Tôi tên Phạm Tôn Hoa, chỗ này là Thảo Châu Kiều”. Bao Công hỏi: "Gần đây có công quán hay không?". Tôn Hoa nói không. Bao Công nhìn thấy một nhà cao ở trước mặt liền chỉ và hỏi Tôn Hoa rằng: "Chỗ đó là nhà ai?". Tôn Hoa đáp: "Đó là miếu Thiên Tề. Bao Công hạ lệnh cả đoàn bộ đi tới đình trú tại miếu đó, rồi hỏi Tôn Hoa rằng: "Nhà dân gian ở chung quanh đây nhiều hay ít?". Tôn Hoa đáp: "Mé nam giáp đường cái, mé đông là Du Lâm, mé tây là Hoàng Thổ Cang, mé bắc là Phá Giao (lò gốm hỏng). Ở Phá Giao chỉ có vài mươi nóc nhà thôi, thật là một nơi vắng vẻ quạnh quẽ lắm". Bao Công nghe rồi, bảo Công Tôn Sách viết một tấm bảng có hai chữ lớn "phóng cáo" truyền Tôn Hoa vác đi khắp các nơi rao rằng: "Ai có điều chi oan uổng, mau mau lại miếu Thiên Tề cáo tố với Bao khâm sai". Tôn Hoa vâng lời vác bảng vừa đi vừa rao, khắp đầu đường cuối xóm, không một ai đáp ứng, lần lần đi tới chỗ lò gốm hỏng, rao chưa dứt lời nghe có tiếng: "Mụ có điều oan ức đây, xin dắt giùm mụ tới đó". Tôn Hoa thấy bà già liền hỏi rằng: "Má má già rồi, còn muốn tới cửa quan làm chi?".

Bà già ấy là ai? Nguyên là Lý Thần Phi bị Lưu hậu mưu hãm vào lãnh cung, sau quyết hại cho chết.  Lý Thần Phi là mẹ đẻ của Tống Nhân Tôn, hiện nay đang ở ngôi. Lúc mới đẻ, Lưu hậu lập kế đổi chúa rồi giao Thái tử cho con Khấu Châu đem quăng xuống Kim Thủy Trì. Nhờ Khấu Châu trung hậu đem Thái tử gửi cho Bắc Thiên Thế và Địch Thái Hậu nuôi. Sau Thái tử phục ngôi biết Khấu Châu bị hại nên mới có hồn oan ở cung Ngọc chấn. Lý Thần Phi được cha của Tôn Hoa nuôi giấu trong một lò gốm hỏng, vì khóc nhớ con... đã đui hai con mắt. Sau khi cha Tôn Hoa mất, Tôn Hoa lại chăm sóc Lý Phi như mẹ. Lý Phi nghe Tôn Hoa hỏi tiền đáp rằng: "Vì con của mụ bất hiếu lắm, nên mụ phải đi báo quan". Tôn Hoa nghe nói chưng hửng, hỏi: "Vậy chớ con của má má là ai?".  Lý Phi nói: "Việc con của mụ, nếu chẳng phải một vị quan đúng bậc công minh thời không xét đoán nổi.  Mụ thường nghe người ta nói Bao Công chính trực thanh liêm lại giỏi đoán việc âm dương. Nay đã gặp đây không cáo tố còn đợi chừng nào nữa?". Tôn Hoa nói: "Nếu vậy thời tôi đưa má má đến đó kêu oan". Lý Phi nghe nói liền đưa đầu gậy cho Tôn Hoa dắt đi.  
Tới miếu Thiên Tề, Lý Phi vào ra mắt Bao Công rồi nói rằng: "Xin đại nhân đuổi hết kẻ tả hữu ra ngoài, mụ sẽ tỏ những điều oan uổng”. Bao Công nhận lời truyền tả hữu lui hết ra, duy để lại một mình Bao Hưng mà thôi. Tả hữu đi ra rồi, Bao Công nói rằng: "Bây giờ bốn phía không ai, bà có điều chi oan ức tỏ ra cho bổn quan liệu lý". Lý Phi cất tiếng rằng: "Bao khanh ơi! Khổ cho Ai gia lắm! Đau lòng..!”. Chỉ nói bấy nhiêu rồi khóc rống lên, Bao Công ngồi trên sửng sốt, Bao Hưng đứng dưới ngẩn ngơ, không biết chuyện gì, mà ai lại dám kêu Khâm sai tướng công là khanh là tướng đó.
Thật là:
Tối mắt vì con chưa mấy thảm.
Nát gan với phận thật nên thương.

Hồi Thứ Mười Năm

Giả nhận mẹ, Bao Công trọn lòng trung,
Hứng mù sương, Phu nhân chữa mắt tối.

Bao Công nghe bà già kêu mình là Bao Khanh và tự xưng là Ai gia thời lấy làm lạ lắm, song cứ ngồi nghe thuật lại chuyện cũ. Khi Lý Phi thuật xong, Bao Công nói rằng: "Tuy lời như vậy; nhưng chưa có chi làm bằng cớ, làm sao bản quan tin được”, Lý Phi nghe nói lật đật thò tay vào đẩy móc ra một gói đưa cho Bao Công. Bao Công tiếp lấy, mở ra mấy mươi lớp mới thấy trong ấy có một túi nhỏ, mở túi nhỏ ấy ra thời là một hạt kim hoàn trên có khắc chữ "Ngọc Chấn cung” và tên của Lý Phi. Bao công xem rồi gói lại lập tức, đưa cho Bao Hưng dâng lại cho Lý Phi, còn mình thời đứng dậy bước xuống tòa, thỉnh Lý Phi lên ngồi trên rồi cúc cung bái kiến. Lý Phi nói: "Bao Khanh bất tất như vậy, chuyện oan uổng của Ai gia đều nhờ ở khanh cả". Bao Công thưa: "Bẩm lệnh Nương nương chớ quá lo ngại, kẻ hạ thần xin hết lòng vì Nương nương mà vạch chuyện này, nhưng mà tai mắt quá nhiều, e lộ ra chăng, vậy xin Nương nương tha tội cho hạ thần và xin nhận người làm mẹ, vậy ý Nương nương ra sao?". Lý Phi đáp: "Đã như vậy thời mẹ chỉ có trông mong ở con thôi!". Bao Công cả mừng cúi xuống tạ ơn, rồi sai Bao Hưng ra truyền quan huyện sắm một cái kiệu lớn, lựa hai hầu gái lanh lợi, trang sức cho sạch sẽ và cấp các đồ dùng cùng tiền bạc cho đủ cung dụng lúc đi đường, chừng về tới kinh sẽ trả lại. Công quán thời phải bày biện chỉnh tề... lại nói cho Tôn Hoa biết rằng bà già mà nó dắt tới đó là mẹ của Khâm sai tướng công. Nay mẹ con gặp nhau rồi, cảm ơn Tôn Hoa đã thường hay cung cấp chăm sóc lâu nay, nên muốn cho nó theo hầu về kinh sư.  Tôn Hoa nghe vậy, vui mừng như được bay lên mây, nên vâng liền. Bao Hưng lại thúc quan huyện lo liệu các vật bày trí, và nói ý Bao Công muốn Tôn Hoa về kinh. Quan huyện y lời lui ra.
Khi xếp đặt các việc xong rồi, Bao Công viết một bức thư, niêm kín sai Bao Hưng đem về kinh trước.  Còn Lý Phi tắm gội, thay y phục, lên kiệu, được một đỗi Bao Công liền thưa rằng: "Thưa mẹ, xin cứ tới trước nơi công quán, rồi con sẽ theo sau”. Lý Phi nói: "Con chớ nhọc lòng nhiều lễ như vậy”. Bao Công dạ dạ lui ra. Tùy tùng thấy lão gia trở lại, cùng cất bước lên đường, một tốp người ngựa rầm rộ, ai cũng vui lòng không có điều chi nghĩ ngợi, duy có Công Tôn Sách sinh nghi mà thôi.
Đây nói riêng về Bao Hưng vâng lệnh đem thư về phủ Khai Phong, hầu gái thấy Bao Hưng về liền vào bẩm với Lý phu nhân (vợ Bao Công). Phu nhân cho vời vào hỏi: "Lão gia có được mạnh giỏi chăng?". Bao Hưng vội vàng đáp rằng: "Lão gia mạnh như thường, nay có thư đem về dâng cho phu nhân đây". Nói rồi dâng thơ, phu nhân giở ra xem:
"Bản quan tại Trần Châu, gặp được thái hậu là Lý nương nương, giả nhận làm mẹ con, phu nhân mau sai người dọn dẹp Phật đường cho sạch sẽ, chuẩn bị cho Nương nương về ở, và phu nhân phải lấy lễ mẹ chồng nàng dâu ra mắt. Làm sao che được tai mắt chung quanh là hay lắm".

Phu nhân xem xong, nói với Bao Hưng rằng: "Ngươi trở lại hầu đón lão gia, và thưa: "Ta đã xếp đặt các việc xong xuôi, song không tiện viết thơ đáp". Nói đoạn sai đầy tớ gái lấy cho Bao Hưng hai mươi nén bạc. Bao Hưng lĩnh bạc từ tạ lui ra bỗng gặp các bạn mời ăn cơm. Khi cùng nhau ăn uống, mọi người hỏi chuyện đi đường, Bao Hưng vui miệng thuật sơ sơ xong lại hỏi: "Vậy còn Bàng thái sư ở nhà, thế nào?".  Họ đáp: "Lúc tấu văn của lão gia tâu lên, Hoàng thượng cả giận, quăng tờ cung của con y xuống cho y coi, coi xong y cúi đầu xin tội... Chuyện đó có lẽ y cưu hờn lão gia lắm, sau này e có nhiều việc lôi thôi, lão gia cần phải đề phòng lắm mới được". Bao Hưng nghe xong, hỏi cặn kẽ chuyện ấy, an ủi cho êm lòng họ, từ giã lên ngựa buông cương.
Còn trong phủ, phu nhân bảo bọn sai dịch bày biện xong xuôi, mỗi ngày mỗi ngóng trông người về.
Một hôm nghe báo kiệu đã tới thành còn cách phủ không bao xa nữa, phu nhân liền đem cả con hầu ra đợi ở cửa Tam Lương. Giây lát kiệu tới, Lý phu nhân bước tới trước kiệu quỳ xuống thưa rằng: "Dâu bất hiếu họ Lý xin ra mắt nương thân và chúc mừng ngọc thể khang kiện". Lý Phi đáp: "Ta miễn lễ cho". Bây giờ kẻ hầu xúm lại đỡ Lý Phi ra khỏi kiệu và đưa vào Phật đường.
Lý Phi ngồi xong, bọn con hầu đều lui vào thay y phục hết, nhân lúc vắng người, phu nhân mới quỳ xuống tâu rằng: "Thần thiếp xin bái kiến, và cầu chúc Nương nương sống lâu muôn tuổi". Lý Phi giơ tay khoát mà rằng: "Con chớ nên làm như vậy, về sau cứ lấy lễ mẹ chồng nàng dâu thôi. Vả lại mẹ họ Lý, mà con cũng họ Lý, thế thời còn ngại gì". Phu nhân dạ dạ vâng lời, Lý Phi bèn đem những chuyện do lúc bị hại thuật lại một hồi, rồi nói rằng: "Vì mẹ nhớ con của mẹ quá, khóc đến nỗi hai mắt tối lại thế này”. Vừa nói vừa khóc rất thảm, phu nhân nghe xong, thoạt nghĩ lại: ”Mình có một vật có thể trị mắt sáng lại được, vậy bây giờ nên thử xem sao, nếu Nương nương lành bệnh thời còn chi quý hơn nữa". Nghĩ rồi quỳ xuống tâu với Lý Phi rằng: "Con có một vật tên Cổ Kim Bồn, trên có hai lỗ âm dương, dùng hứng nước mù sương, có thể chữa mắt tối sáng lại. Tối nay con xin cầu trời khấn phật để giúp cho Nương nương “. Lý Phi nghe nói cả mừng. Sau khi ăn cơm chiều, phu nhân cáo từ lui ra, tắm rửa sạch sẽ, tới tối bưng Cổ Kim Bồn ra hoa viên, tự mình thắp nhang cầu nguyện trời Phật hai tay ngọc bưng Cổ Kim Bồn đưa thẳng lên, đứng hứng mù sương.
Lòng ngay động tới cõi trời, đêm ấy mù sương dầm rưới, và hình như trong Cổ Kim Bồn có sức hút vào không mấy lát mà mù sương lọt vào trong hai lỗ âm dương, thấy bồn có hơi nặng phu nhân liền đỡ xuống xem, vui mừng khôn xiết, hối hả bưng vào. Lúc ấy Lý Phi vẫn còn thức, mới nhúng tay thoa nước ấy vào đôi mắt, thời biết hơi lạnh thấu xương, hơi thơm nực mũi, trên trán rịn chút mồ hôi, trong hai mắt có hơi chuyển động, nhưng Lý Phi cứ nhắm cứng lại mãi. Thật lâu mới mở thử ra thời mây trống mù tan, xem thấy rõ ràng muôn vật. Lý Phi rất vui vẻ mà phu nhân cũng mừng rỡ.
Qua ngày sau được tin Bao Công đã về kinh, song còn ở lại chùa Đại Tướng Quốc, chờ vào triều kiến thiên tử rồi sau mới về dinh.
Ấy là:
Chưa vỡ án, con còn xa mẹ.
Đợi vào chầu, vợ ngóng dạng chồng.

Hồi Thứ Mười Sáu

Phủ Khai Phong, Bao Công tiếp Tổng quản,
Cung Nam Thanh, Thái hậu nhìn Địch phi.

Rạng ngày Bao Công vào chầu, tâu rõ các việc tại Trần Châu, vua khen ngợi vô cùng, ban cho vật báu rất nhiều. Bao Công tạ ơn lĩnh thưởng, rồi vội vàng trở về phủ Khai Phong. Tới nơi, vợ chồng hỏi sơ sài câu ấm lạnh, rồi phu nhân vào Phật đường bẩm trước cho Lý phi hay rồi sau Bao Công mới vào, quỳ và chúc rằng: “Thần là Bao Công ra mắt Nương nương và xin dâng ngàn tuổi”. Tâu xong cúi mặt xuống. Lý Phi phán rằng: "Miễn lễ cho con “. Bao Công liền đứng dậy.
Lúc trước Lý Phi chỉ có nghe tiếng Bao Công mà thôi chứ chưa từng thấy mặt, nay mắt đã sáng, xem thấy Bao Công hình dung tuấn tú, miệng rộng mũi cao mày rậm râu thưa, đúng là người phúc tướng, thời mừng lắm bèn nói rằng: "Ai gia thật nhờ vợ chồng Bao Khanh lắm lắm". Bao Công đáp: "Xin Nương nương yên tâm nghỉ ngơi đợi kẻ hạ thần kiếm được cơ hội sẽ làm sao trừ bọn gian thần cứu an xã tắc mới vừa lòng". Lý Phi gật đầu. Vợ chồng Bao Công lui ra rồi, bọn đầy tớ gái mới dám bước vào, Lý Phi cũng miễn hầu cho chúng nó.
Hôm sau Bao Công thức dậy chợt thấy Bao Hưng vào bẩm có Ninh Tổng quản xin vào ra mắt. Bao Công truyền mời vào thư phòng đãi trà đợi mình ra tiếp kiến. Ninh Tổng quản vào tới thư phòng thấy bài trí đơn giản không xa hoa phiền phí khen thầm lắm. Một lát lâu, Bao Công tới. Ninh Tổng quán nói: "Nghe tin đại nhân đi Trần Châu về, hôm qua muốn tới thăm song e đại nhân còn nhiều việc cần phải xếp đặt nên chẳng dám? Nay sáng sớm lật đật qua đây mừng đại nhân đã được công thành". Bao Công nói: "Đáng lẽ thời tôi phải qua thăm đại phu, song chưa rảnh thật có lỗi nay đại phu tới đây may mắn biết mấy, chẳng hay đại phu còn có điều chi dạy bảo chăng?". Ninh Tổng quản cười hì hì và đáp: "Tôi lại đây chẳng có chuyện chi lạ, nhân vì Lục Hiệp vương gia hay kính mộ tấm lòng trung của đại nhân, thường đem những hành vi của đại nhân thuật lại cho Nương nương (Địch thái hậu) nghe. Nương nương cũng khen ngợi lắm. Mới đây, vương gia đi hầu nghe chuyện Bàng Dực mà đại nhân đã chém trước tâu sau kia, càng thấy tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của đại nhân, nên tâu lại với Nương nương, Nương nương vui lòng quá. Vương gia tôi tuổi còn măng, ý muốn tới học tập với đại nhân, mai sau này sẽ trở nên một vị hiền vương, song ngại vì xưa nay chưa được quen biết.  Theo ý tôi thời đại nhân cũng nên tới lui trong cung để vương gia thân thiện. Nay tới ngày sinh nhật của Nương nương, các quan thân tới bực công hầu bá tước ai cũng sắm sửa lễ vật đi mừng thọ, vậy đại nhân cũng thừa dịp này rời gót tới, một là ra mắt Nương nương gọi đáp chút ơn hạ cố, hai là Vương gia nhờ đó để qua lại học tập, vậy há chẳng phải một điều hay hay sao? Vì vậy tôi phải tới đây trước thăm đại nhân sau muốn nói điều ấy”. Bao Công nghe xong bụng nghĩ rằng: "Ta xưa nay chưa từng quen với kẻ quyền quý trong kinh, lại chuyện của Thái hậu còn đương làm rối lòng đây, Hoàng thượng nào có dè mẹ ruột mình đương chịu cảnh trần ai, âu là tương kế tựu kế, may ra có cơ duyên tốt, ta sẽ rõ được nhiều khúc chiết. Vả lại Lục hiệp vương gia cũng là một vị hiền vương, giao hảo với người nhắm chẳng ngại chi “. Nghĩ rồi liền hỏi "Nương nương nhắm ngày nào?". Ninh Tổng quản đáp: "Lễ ấy sẽ bày ra hai ngày mai và mốt, chính gấp như vậy nên tôi phải cho đại nhân hay sớm". Bao Công nói: "Đại phu đã có lòng tốt dạy bảo cho, tôi lẽ nào chẳng vâng, song vì tôi là ngoại quan chẳng tiện vào cung, nay nhân có mẹ tôi ở trong phủ, muốn mai này dâng lễ rồi đưa bà tới khánh chúc vậy có được chăng?". Ninh Tổng quản đáp: "Ủa! Cụ tới đây hồi nào? Được vậy lại càng quý, thôi để tôi về tâu trước với Nương nương”. Bao Công cảm tạ lắm. Ninh Tổng quản từ tạ ra về lại còn dặn với rằng: "Phiền đại nhân bẩm lại với cụ nhà rằng tôi xin chúc người vạn an, ngày kia vào cung sẽ có tôi ứng chực". Bao Công gật đầu đưa ra khỏi cửa mới vào.

Bao Công trở vào đem chuyện ấy nói kỹ lại với vợ và cậy vào thưa với Lý Phi. Lý phu nhân lĩnh mạng đi liền, còn Bao Công thời ra thư phòng, sai Bao Hưng đi lo các thọ lễ. Sáng ngày Bao Hưng ứng đủ các vật,  Bao Công xem lại một lượt, rồi sau sai dịch khiêng qua Nam thanh cung, còn Bao Hưng thời cỡi ngựa cầm thiếp đi theo. Tới nơi, Bao Hưng thấy ngựa xe như nước, áo quần như nêm, kẻ qua người lại xôn xao, cỡi ngựa không được phải xuống đi bộ. Vào trong thấy quan viên chật ních, lễ vật đầy dẫy, Bao Hưng móc danh thiếp đưa ra, người chủ quán nơi đó xem xong liền mời vào trong đãi trà và phân phó bọn sai dịch rằng: "Đó là lễ phẩm ở phủ Khai Phong phải cất đậy cho kỹ càng". Đương khi đó có người truyền rằng: "Vương gia đương ngồi trong điện đợi người quản gia ở phủ Khai Phong, vậy mau mau vào hầu”. Bao Hưng nghe qua vội vã đi theo, vào thấy một tòa điện, mạ bạc thếp vàng rất đẹp, ngồi trên là một vị Vương gia mặc áo bào đeo ngọc, hai bên có nhiều nội phủ hầu hạ, hèn cúi đầu làm lễ. Vương gia dạy rằng: "Mi trở về bẩm lại với Quý phi rằng ta rất cám ơn người, sau này đi chầu gặp nhau sẽ đáp tạ". Nói rồi truyền cho bọn nội phu cấp cho Bao Hưng năm chục lượng bạc,  Bao Hưng tạ ơn lui ra, gặp Ninh Tổng quản đi tới cười khanh khách mà rằng: "Chủ quản tới đây hồi nào? Phiền ông lúc về xin thưa lại với đại nhân rằng việc đó tôi đã tâu với Nương nương rồi, mai Thái thái* cứ thong dong tới không còn ngại gì". Bao Hưng gật đầu nhận lời.
* Thái thái: tiếng chỉ bà thân sinh ra người bạn quý.
Về tới phủ, ra mắt Bao Công và trình lại các việc,  Bao Công nghe xong gật đầu rồi đi ra nhà sau hỏi Lý phu nhân rằng: "Phu nhân tâu việc ấy, ý Nương nương nghĩ thế nào?". Lý phu nhân đáp: "Thiếp đem việc ấy tâu lại, ban đầu ý Nương nương còn lưỡng lự nói đi đây không biết mặc sắc phục nào và dùng lễ tiết gì? Thiếp thấy ý lưỡng lự nên khuyên Nương nương tạm mặc theo nhất phẩm thôi. Lúc vào cung,  Địch nương nương ngó thấy chắc không cho bái yết đâu. Việc đã đến thế này, không lộn lạo không được.  Nương nương nghe thiếp nói nghĩ ngợi một lát lâu mới ưng chịu”. Bao Công nghe vậy vui mừng khôn xiết bảo Lý phu nhân tuyển hai con hầu lanh lợi, còn mình ra cắt người đi hộ tống.  

Ngày sau, phu khiêng kiệu vào tam đường, Lý Phi sửa soạn ra đi, bất giác cảm kích tuôn hai hàng lệ, Lý phu nhân khuyên giải ít lời, Lý phi mới nguôi dạ. Khi sắp bước lên kiệu phu nhân còn căn dặn Lý Phi rằng: "Nương nương đi chuyến này, thấy động tĩnh nên thừa dịp tỏ bày chân thực, xin chớ nên vì việc nhỏ bỏ hỏng việc lớn sau này “. Lý phi gật đầu chấm nước mắt đáp rằng: "Ai gia chịu oan ngót hai mươi năm nay nhờ có vợ chồng phu nhân hết lòng trung nghĩa, may sau được trở lại cung vi, ơn ấy quyết không quên lãng”. Nói rồi bước lên kiệu. Phạm Tôn Hoa và Bao Hưng đi theo hộ tống.
Bao Hưng theo Lý Phi tới cung Nam Thanh, ngó thấy Vương Tam liền chạy lại nắm tay nói rằng: "Anh ba! Thái thái tôi đã tới kìa". Vương Tam nghe xong lăng xăng chạy vào trong, một lát có hai tên nội phụ ra truyền lệnh rằng: "Những tân khách đến dự lễ xin tạm tiếp tại ngoại đường, riêng Thái thái ở phủ Khai Phong mời vào nội cung thôi". Bao Hưng nghe nói, thôi thúc kiệu phu khiêng kiệu theo hai tên nội phụ vào cung. Còn Bao Hưng thời được Vương Tam đem vào thư phòng đãi trà.


HOMECHAT
1 | 1 | 200
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com