watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:27:3004/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 1 - 25
Chỉ mục bài viết
Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa 1 - 25
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 10


Khuyết Danh

Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

Dịch giả: Phạm Văn Điểu

Lời Giới thiệu

(Truyện bảy kiếm khách và năm nghĩa sĩ)

1. Bao Thanh Thiên Và Các Hảo Hán

Bao Công là một nhân vật có thật trong lịch sử, ông tên là Bao Chửng, thi đậu tiến sĩ đời Tông Thái Tông, làm quan đến chức Long đồ các đại học sĩ, Phủ doãn Phủ Khai phong. Khai Phong là kinh đô của nhà Tống. Thời Tống Thái Tông và Tống Nhân Tông được coi là hai triều vua có nhiều cải cách và thành tựu, lại tập hợp được nhiều nhân tài như Vương An Thạch - Âu Dương Tu - Phạm Trọng Yếm. Cùng phò tá Nhân Tông sau này, hai đại thần trụ cột trong số các đại thần khác là Bao Công (văn) và Tống Địch Thanh (võ).
Nhưng Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi, công minh, khám phá ra nhiều vụ án động trời trong đó có vụ Quách Hòe dùng “mèo đổi chúa”, hay là chuyện Trần Sỹ Mỹ phụ bạc người vợ chung thủy, hiếu nghĩa Tần hương Liên... Ông được coi là Thần Tượng của Công Lý, chỉ có ông mới giải được nỗi oan ngất trời như Lý Thần Phi bị đổi con (sau này là Tống Nhân Tông), hoặc những người tôi mà tai bay vạ gió hoặc bị quyền thần, gian thần bày mưu hãm hại. Ông trở thành nhân vật huyền thoại được lưu truyền trong dân gian. Nhưng sở dĩ ông làm được những công trạng lớn đầy uy tín với triều đình và trong dân chúng, chính là nhờ giải môn sinh và tùy tòng giúp việc. Đó chính là Công Tôn Sách, Triển Chiêu (Nam Hiệp), Vương Triều,  Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ, Âu Dương Xuân (Bắc Hiệp), Tưởng Bình, Đinh Triệu Lang, Trẩm Trọng Nguyên,  Bạch Ngọc Dương, tức đám hảo hán lừng danh đời Tống hết lòng vì công việc.
“Thất hiệp ngũ nghĩa" chính là tập hợp những truyện lưu truyền trong dân gian về tài dò xét, võ nghệ tuyệt luân, đến đi đúng lúc, khi nhẫn nại kiên trì, lúc bôn tẩu thần tốc, xuất quỉ nhập thần của giàn hảo hán dưới trướng của Bao Thanh Thiên... Tuy Thất hiệp ngũ nghĩa không được liệt vào hạng sách văn chương cực hay của Trung Quốc như Thủy Hử, Tam Quốc, nhưng nó cũng có một vị trí nhất định, đặc biệt nó được rất đông người đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác say sưa đọc. Có người cho Thất hiệp ngũ nghĩa là tiền thân của truyện kiếm hiệp Trung Hoa... Cũng là một lý... Nhưng thật ra Thất hiệp ngũ nghĩa đề cao hảo hán, đại hiệp không phải như lời bịa ra vô lối về các miếng võ, miếng chưởng sau này, mà chính là đề cao lòng khẳng khái, phóng khoáng, thích diệt ác, trừ gian, cứu người hiền đức, lương dân bị lâm vào những bước đường cùng oan uổng...

Thông thường hảo hán, nghĩa hiệp hay sống ở ngoài vòng pháp luật, và họ thường có thứ luật giang hồ riêng.  Nhưng ở trong Thất hiệp ngũ nghĩa này, chính họ lại cộng tác đắc lực với Bao Thanh Thiên (đại diện cho Vương Triều Tống), bởi ông và họ cùng một mục đích: đấu tranh cho công lý, cho thiện thắng ác... Mà điều đó, người viết Thất hiệp ngũ nghĩa đã nói rõ ở những trang cuối cùng tập sách của mình: "Phàm kẻ hiệp khách nghĩa sĩ, thường hành động khác nhau ví như Thẩm Trọng Nguyên thời thật là khó. Tự mình đã chịu cái danh giúp giặc làm càn. Trước mặt Trương Dương Vương, Trọng Nguyên vẫn phải giả phụ họa theo chúng, chứ không hề bàn mưu định kế gì, lại dùng cái thông minh của mình để dò xét nội tình chúng. Đến như Bắc Hiệp (Âu Dương Xuân) và Nam Hiệp (Triển Chiêu) kia, đi đến đâu cứu khổ phò nguy, ai chẳng gọi là nghĩa hiệp thế mà sánh với Trọng Nguyên lại dễ dàng hơn, không thể bì kịp. Vì Trọng Nguyên thì phải tùy cơ ứng biến, quỷ trí đa đoan, đến lúc việc đã xong, rồi mới được vào hàng nghĩa hiệp. Thế chẳng phải là việc khó khăn hay sao?".
Vậy ra hảo hán cũng có những người phải náu mình làm việc nghĩa âm thầm!
Bởi vì, họ đều cùng một mong ước xã hội công bằng, pháp luật nghiêm minh, mong diệt trừ tham quan, lại nhũng, mong một đời sống người lương thiện được bảo trợ, một cuộc sống yên lành và mọi mầm ác phải diệt thường xuyên, diệt tận gốc...
Thất hiệp ngũ nghĩa tưởng như một truyện kiếm hiệp, một thứ văn chương giải trí, nhưng đâu có phải như thế! Từ truyện Thất hiệp ngũ nghĩa mà điện ảnh Đài Loan,  Hồng Kông đã khai thác, làm phim truyền hình đến hàng trăm tập và rất ăn khách.
Lần tái bản này, được sự đồng ý của Nhà xuất bản Kim Đồng (in lần đầu năm 1989), chúng tôi in theo bản in đó.
Ngô Văn Phú

2. Huyền Thoại Bao Công

Ấm no, sung sướng, cũng như sự thật và lẽ công bằng, vẫn là niềm khao khát chính đáng của con người từ bao đời. Nhưng ở trong xã hội còn áp bức, bóc lột, con người nhiều khi không thực hiện được ước mơ tốt đẹp đó. Vì vậy nhân dân đã sáng tạo ra những câu chuyện cổ tích, huyền thoại hay dã sử để gửi gấm khát vọng của mình.
Từ buổi bình mình của lịch sử nhân loại, đã xuất hiện những ông bụt, ông tiên như ông Bụt trong truyện Tấm Cám hiện lên hỏi "Làm sao con khóc?" rồi dùng phép thuật cứu giúp người lành, trừng phạt kẻ ác. Đến thời trung cổ, lại có những hiệp sĩ cưỡi ngựa dong ruổi lên đường, dùng thanh gươm nghĩa hiệp để cứu khốn phò nguy, như kiểu Robin Hood, hiệp sĩ rừng xanh của Anh, hay Rôlăng, hiệp sĩ trên thung lũng Rôngxơvô của Pháp. Đến thời phong kiến, kiểu "hiệp sĩ" trung cổ lại trở thành lỗi thời, như anh chàng Đôn Kihôtê cưỡi con ngựa Rốtxinăng đi dẹp sự bất bằng trên cõi đời nhưng lại đánh nhau với cối xay gió, tuy bề ngoài có vẻ lố bịch, nực cười nhưng bên trong vẫn ánh lên ngọn lửa nhiệt tình muốn xóa sạch bất công áp bức, cho con người hạnh phúc, tự do. Ở Việt Nam, hình ảnh Lục Vân Tiên "giữa đường thấy sự bất bình mà tha?" đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga, sau đó lại lên đường đi đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước trong truyện nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, có lẽ là điển hình trọn vẹn nhất về mẫu người hiệp sĩ trong chế độ phong kiến.

Nhưng trong xã hội phong kiến, không phải cứ dẹp xong giặc ngoại xâm là tức khắc mọi người đều sung sướng và bình đẳng, mà còn có áp bức, bất công, do vẫn tồn tại chế độ bóc lột. Dưới khuôn khổ nhà nước phong kiến, nhân dân lại sáng tạo ra hình ảnh vị quan công minh liêm chính, cầm cân nảy mực cho công lý, dùng pháp luật thẳng tay trừng trị kẻ gian ác, bất lương, cứu người lương thiện mắc vòng oan uổng. Muốn vậy không thể chỉ dùng sức mạnh và lưỡi gươm mà đủ, trước hết phải vận dụng trí tuệ sáng suốt, tài quan sát và óc phán đoán tinh vi, nhậy bén, mưu trí thông minh để vén mở màn bí mật che giấu mưu mô của kẻ ác, đưa chúng sa bẫy để nhân đó lật mặt trái của chúng, bắt chúng thừa nhận tội lỗi. Và cuối cùng phải có một trái tim nóng bỏng thiết tha với hạnh phúc của nhân dân, một cái đầu kiên cường dũng cảm, không chịu khuất phục, nhượng bộ trước một thế lực tàn ác muốn bóp méo pháp luật, thay đen đổi trắng, bịt miệng người bị oan, bao che cho kẻ có tội.
Cũng như nhân dân nhiều nước khác trên thế giới, nhân dân Trung Quốc đã sáng tạo ra hình tượng Bao Công, vị quan xử án công minh chính trực, khẳng khái vô tư đã khám phá ra không biết bao nhiêu vụ án ly kỳ, cứu bao người lương thiện bị oan và thẳng tay trừng trị kẻ phạm pháp, dù chúng được những nhân vật chóp bu trong chính quyền phong kiến như vua, thái hậu nâng đỡ, dù chúng ở những địa vị cao như quý phi (vợ lẽ vua), quốc trượng (bố vợ vua), phò mã (con rể vua), thái giám (người bố già nuôi vua từ nhỏ).
Bao Công không phải là một nhân vật hoàn toàn hư cấu mà xuất phát từ một nhân vật lịch sử có thật, đó là vị quan Long đồ các đại học sĩ, lệnh doãn phủ Khai Phong, tên là Bao Chửng (chữ Chửng có nghĩa là cứu vớt, ngụ ý cứu vớt nhân dân) dưới triều vua Tống Nhân Tông (thế kỷ 11) có tài xử án. Ngoài những chuyện vụ án có thật do chính Bao Công xử, nhân dân còn thêm thắt vào nhiều mẩu chuyện khác, có thể do vị quan khác xử, có thể hoàn toàn hư cấu, để xây dựng một hình tượng trọn vẹn về một con người cầm cân nẩy mực cho pháp luật, luôn đứng về phía công lý và chính nghĩa. Từ những "thoại bản" rời rạc cho những nghệ nhân hát rong kể khắp nơi, có người đã tập hợp lại bổ sung thêm, soạn thành bộ tiểu thuyết Thất hiệp ngũ nghĩa. Ở đây Bao Công không đơn độc, mà có một tập thể người tốt giúp đỡ: đó là bảy người hiệp khách và năm người nghĩa sĩ, những phần việc trong quá trình xét xử được lần lượt phân công cho từng người thích hợp, mọi người đồng tâm hiệp lực tìm ra manh mối vụ án dẫn đến kết quả mỹ mãn. Ngoài một số chi tiết mang màu sắc hoang đường do chưa thoát khỏi ảnh hưởng của đầu óc mê tín thần quyền, hay mượn cớ đánh lạc hướng giai cấp thống trị đương thời: trong truyện có nhiều chi tiết phù hợp với khoa học, kết hợp với thực tiễn quan sát và tư duy lôgich, khiến người ta liên tưởng đến phương pháp làm việc của thám tử Sêlốc Hôm trong truyện của Cônân Đôilơ. Như vậy là tinh thần hiệp sĩ đã được kết hợp với tinh thần khoa học.
Thất hiệp ngũ nghĩa là một truyện cổ khuyết danh Trung Quốc, nói lên ước mơ của những người lương thiện cùng khổ, hy vọng có một xã hội công bằng. Ban biên tập đã sử dụng bản dịch cũ của Phạm Văn Điều, do Tín Đức thư xã xuất bản năm 1952 ở Sài Gòn*. Bản dịch này có nhiều chữ cổ, văn cổ và tiếng địa phương. Để cuốn sách đến với bạn đọc hiện đại, ban biên tập đã hiệu đính trên tinh thần làm gần gũi hơn với ngôn ngữ phổ thông đại chúng và hiện đại.
Trong khi chờ đợi một bản dịch tốt hơn trên cơ sở nguyên bản, những người làm công việc biên tập đã cố gắng đạt tới sự dễ hiểu mà vẫn trung thành với bản chính. Vì khả năng điều kiện có hạn, không khỏi sai sót mong các bạn đồng nghiệp và bạn đọc góp ý, giúp đỡ để khi tái bản, cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.

Hoài Anh
* Do không biết địa chỉ của ông Phạm Văn Điều, nên chúng tôi không liên lạc được, mong ông thông cảm.

Hồi Thứ Nhất

Mộng Sao Khuê, Trung Lương xuống thế,
Nổi trận sấm, Hồ Ly lánh tai.

Tại tỉnh Giang Nam, phủ Lưu Châu, huyện Hiệp Phi, thôn Bao Gia có một vị Viên ngoại họ Bao tên Hoài, nhà rất giàu, tính hiền hậu, gá nghĩa với Viện quân Châu Thị. Ông bà sớm sinh được hai trai, bây giờ đã trưởng thành. Người con cả tên Bao Sơn, đã có vợ là Vương thị, người em là Bao Hải cũng đã có vợ là Lý Thị. Vợ chồng Bao Sơn mới được một con trai vừa đầy tháng vợ chồng Bao Hải thì chưa.
Bao Sơn là người trung hậu thành thực, chính trực vô tư, lại kết đôi với Vương Thị là người đức hạnh đoan trang, còn Bao Hải thì bạc ác, gian hiểm, thêm vợ là Lý Thị tâm địa cũng không đoan chính, nhưng may Viên ngoại khéo thu xếp gia đình nên cả nhà đều chiều chuộng lẫn nhau, dưới trên hòa thuận mà vui với nghiệp ruộng nương.

Châu viện quân (vợ Viên ngoại) tuổi đã năm mươi mà còn chửa. Viên ngoại nghĩ rằng: “Nhà đã có con có cháu đủ rồi, nếu sinh thêm càng bận, lại lo Viện quân tuổi cao sức yếu, không chịu được đau đớn khi sinh nở, và nhọc nhằn lúc cho bú mớm". Vì vậy mà thường thường chẳng vui.
Ngày kia, Viên ngoại ngồi một mình trong thư phòng, đương phân vân nghĩ ngợi, thì thấy trong mình mệt mỏi lắm, rồi đôi mắt lần lần sụp mi... chợt mơ màng thấy trên không mây lành bao phủ, khí tốt nghi ngút, từ xa có một làn hồng quang xẹt tới, rồi sa xuống một vật kỳ quái: đầu mọc hai sừng, mặt xanh tóc đỏ, miệng rộng răng to, tay trái xách nghiên bạc, tay phải cầm bút son, nhảy nhót múa may, tới trước mặt. Viên ngoại thấy vậy sợ sệt vô cùng, la to lên một tiếng, tỉnh ra là giấc chiêm bao. Bụng còn hồi hộp, tâm lý đương ngẩn ngơ, thời con hầu xô cửa bước vào, thưa rằng: "Bẩm Viên ngoại, bà vừa sinh được công tử nên con vào cho hay tin mừng”.  Viên ngoại nghe qua đã chẳng vui, lại thở dài, ngồi sững giây lâu rồi đằng hắng và than rằng: "Thôi rồi, nhà ta đã chẳng may mới sinh giống yêu tà, đó là oan gia đã đến!". Nói rồi đứng dậy đi lững thững vào trong, hỏi thăm sơ sài ít câu rồi cũng quay lại thư trai, không hề nhắc nhở tới đứa bé mới đẻ.
Vợ Bao Hải là Lý Thị, đỡ đần cho Viện quân sinh, xong rồi chạy hơ hải về nhà mình, thấy chồng ngồi đừ trong ấy thì lấy làm lạ hỏi rằng: "Má mới sinh được một em trai, mình có biết hay không?". Bao Hải đáp: "Cũng chính vì sự đó mà tôi bực mình đây. Mới rồi, cha kêu lên thuật chuyện chiêm bao quái dị, rằng có một người mặt xanh tóc đỏ, tự trên trời nhảy xuống, vừa tỉnh giấc ra, thời má sinh đứa nhỏ ấy liền, nếu suy nghĩ kỹ thì thật là điềm không tốt đó”. Lý Thị nghe vậy bèn nói: "Phải! Vậy thì tính thế nào, chớ để nó ở trong nhà sau này báo hại chẳng ít, người xưa hay nói: Yêu tinh vào nhà, người chết của hết. Lời đó nghiệm có thật. Nay sao mình không bàn với cha đem quăng phứt nó ra nơi đồng trống rừng hoang cho khỏi tai vạ về sau. ". Bao Hải gật đầu bươn bả vào, ra mắt Viên ngoại, nói lại với ông. Viên ngoại cũng bằng lòng dặn rằng: "Việc này ta giao cho mày lo liệu thế nào. xong thời thôi“. Bao Hải trở lại nói phao rằng Công tử đã chết, mới dùng đệm hư giỏ rách, bảo vợ gói đứa bé lại cho mình mang lên núi Cẩm Bình. Lên tới nơi có một đám cỏ rậm, bèn để xuống định để mặc đứa bé đó, bỗng thấy hai điểm sáng trong chỗ rập rạp rọi ra, đó là cặp mắt của một con cọp rất lớn đương chằm chằm ngó tới. Bao Hải thấy vậy hồn vía lên mây, không xem trước nhắm sau, túm cả gói liệng phắt vào, rồi đâm đầu chạy miết về nhà, vừa run vừa nói: "Cọp cọp, cọp bắt ta rồi!". Lý Thị vội vàng hỏi rằng: “Mình làm gì vậy, cọp ở đâu!” Bao Hải đem việc gặp cọp thuật lại, Lý Thị nói: "Nếu vậy bây giờ đứa bé ấy có lẽ cọp đã ăn mất rồi". Bao Hải gật đầu đáp phải.

Hai vợ chồng đương chuyện vãn trong nhà, ai dè Vương Thị (vợ Bao Sơn) đi ngang qua nghe rõ đầu đuôi nghĩ thế là quá tàn nhẫn, trở về ngồi khóc thút thít mãi. Bao Sơn ở ngoài đi vào thấy vậy gạn hỏi nguyên do. Vương Thị nói lại, Bao Sơn không tin nói rằng: “Không lẽ có chuyện đó, vì ai, dẫu là người không có lương tâm, tưởng cũng không thể làm như vậy. Muốn tường gốc ngọn, chờ tôi lên núi Cẩm Bình đó kiếm thử coi". Nói rồi, Bao Sơn đi liền. Tới nơi thấy vùng cỏ rậm bèn bước lần quanh, chỉ thấy một cái giỏ rách, chớ không có gì khác. Trong bụng hồ nghi là đứa bé đã bị cọp ăn, song Bao Sơn cũng gượng đi tới ít bước nữa, liền thấy có một đứa bé mặt đen như sơn, mình đỏ như son, nằm ngo ngoe trên đám cỏ. Bao Sơn mừng rỡ khôn xiết, cởi áo bọc đứa bé vào lòng, đi riết về nhà trao lại cho vợ. Vương Thị ẵm đứa bé vạch vú cho bú, còn Bao Sơn cũng lẩn quẩn một bên, rờ rẫm vuốt ve, rồi nói với vợ rằng: "Nay tuy đem được chú ba về nuôi đó là việc may, nhưng trong nhà ta tự nhiên có hai đứa nhỏ, người ngoài biết được chắc không khỏi nghi ngờ “. Vương Thị đáp: "Phải, vậy tốt hơn là bây giờ đem con mình gửi cho người khác nuôi, để một mình tôi thong thả nuôi chú ba mới được”. Bao Sơn nghe nói vừa lòng lắm, bèn đem con gửi cho vợ chồng Trương Đắc Lộc nuôi hộ. Hai vợ chồng người này, mới bỏ đứa con vừa đầy tháng, người buồn sữa căng, nay được Bao Sơn cậy nuôi con thì vui lòng vâng chịu.

Ngày tháng thoi đưa, sáu lần đông qua xuân tới, Bao Công (tên đứa bé bị bỏ trên núi mà Bao Sơn đem về nuôi) đã được bảy tuổi, kêu anh ruột chị dâu (vợ chồng Bao Sơn) bằng cha mẹ. Vợ chồng Bao Sơn gọi chú bé là Hắc Tử.
Bữa nọ là lễ sinh nhật của Châu viện quân,  Vương Thị qua bái thọ mẹ chồng, có dẫn Hắc Tử theo.  Khi làm lễ xong, Hắc Tử chạy tới trước mặt bà nội, quỳ xuống lạy ba lạy rất đỗi cung kính. Viện quân thấy vậy ẵm vào lòng, nựng nịu và nói:” "Ta nhớ sáu năm trước có sinh một trai, thương thay! Lúc ta mê man thời nó đã chết, còn sống thì năm nay cũng bằng thằng cháu này”. Vương Thị dòm quanh không thấy ai liền quỳ xuống bẩm rằng: "Bẩm mẹ, xin tha lỗi cho con, đứa nhỏ thật là con của mẹ đẻ ra, vì con thấy mẹ tuổi cao, nuôi bú cực nhọc, nên lén đem về nhà phụng dưỡng mà không cho mẹ hay. Nay nhân mẹ nhắc đến, con không dám giấu, vậy xin thưa ngay mẹ rộng lòng dung thứ". Châu Viện quân nghe nói lật đật đỡ Vương Thị dậy và nói: "Trẻ mà được con nuôi, ơn ấy ra dày, nhưng còn con của con bây giờ ở đâu?" Vương Thị thưa: "Dạ, con đã gửi cho người khác nuôi rồi". Viện quân sai kêu con của Bao Sơn về, xem hai đứa hình dáng chẳng khác nhau bao nhiêu, liền mời Viên ngoại tới, cả nhà xúm nhau nói chuyện ấy. Bấy giờ Hắc Tử gọi vợ chồng Viên ngoại là cha mẹ và kêu vợ chồng Bao Sơn là anh chị, Viện quân thương Hắc tử lắm, lại kêu tên riêng là Tam Hắc.
Ba năm sau, Bao Công đã được chín tuổi. Vợ chồng Bao Hải cũng quyết làm sao giết cho được mới nghe. Một hôm Bao Hải lại nhà Viên ngoại nói gièm rằng: "Thưa cha, nhà chúng ta vốn lấy cần kiệm làm gốc, nay chú ba đã chín tuổi đầu, không phải nhỏ nhít gì, mà thả chơi bời lêu lổng, vậy xin cho nó đánh đọ với lũ mục đồng hay là bầu bạn với con của lão Châu là thằng Trương Bảo Nhi đi chăn trâu.  Một là tập cho quen, hai là khỏi tốn cơm ăn rồi ngồi không vô ích". Viên ngoại nghe theo lời, đem bàn chuyện đó với vợ. Châu viện quân cũng bằng lòng, bèn giao Bao Công cho lão Châu sai khiến. Từ đây,  Bao Công bầu bạn với Trương Bảo Nhi, khi lùa châu, dê ra mé sông, khi lại đuổi ra khỏi cổng làng hay lên núi Cẩm Bình thả cho ăn.

Một bữa nọ, Bao Công lùa trâu tới núi Cẩm Bình bỗng đâu mây mù sấm nổ, biết trời sắp mưa to, liền chạy vào miếu cũ trong hẻm núi để trú. Mưa ào ào, sét nổ rầm rầm, đất rung cây đổ, Bao Công ngồi xếp bằng tròn trên ghế hồi lâu, chợt nghe có người ở phía sau bước tới, ôm chặt lưng mình, liền quay đầu ngó lại, thấy một đứa con gái, mặt mày hơ hải có vẻ sợ sệt, khá thương. Bao Công nói thầm rằng: "Không rõ con nhà ai, song chắc là vì sợ sấm sét nên chạy vào núp".  Nghĩ vậy nên Bao Công lấy áo đắp cho. Mưa càng to, sấm càng dữ, đôi ba giờ mới tạnh. Mây tỏ trời trong,  Bao Công nhìn lại bên mình thấy đứa con gái đã biến đâu mất. Bao Công không để ý gì tới, vội vã ra kêu Trương Bảo Nhi cùng nhau lùa trâu về.
Về tới đầu cổng làng, Bao Công gặp đứa ở của Lý Thị là Thu Hương, tay bưng dĩa bánh đưa Bao Công mà nói rằng: "Mợ hai bảo tôi bưng bánh này ra cho cậu ăn lót lòng”. Bao Công nói: "Phiền em về thưa lại với chị hai nói ta cám ơn lắm". Nói đoạn thò tay cầm bánh muốn ăn, ai dè tay run mạnh, làm cái bánh rơi xuống đất, vừa cúi lượm, có con chó ở đâu bỗng chạy lại tha đi. Trương Bảo Nhi đứng một bên xem thấy tiếc lắm, muốn chạy theo giật lại, Bao Công cản mà rằng: “Bánh đã bị chó ngậm vào miệng rồi, dẫu có lấy lại ăn cũng không được, thôi bỏ đi, lùa trâu về nghỉ tốt hơn". Dứt lời, chúng hè nhau lùa trâu về chuồng.  Tới nơi, Bảo Nhi vào trước mở cổng, thấy con chó nằm dưới đất, máu trong mũi, miệng, tai, mắt đều chảy ra bèn la toáng lên. Bao Công cũng chạy vào xem. Bao Công lấy làm lạ nói: "Chắc là con chó trúng độc, song không biết ăn phải vật gì". Trương Bảo Nhi nghe nói xong vội kể rằng: "Chắc là nó ăn bánh mà chết, mới hồi nãy con Thu Hương đem bánh của mợ hai gửi cho cậu ba, không may bánh bị rơi, con chó này ăn hỗn, nên bây giờ chết ngoẻo cổ cờ chứ gì". Lão Châu nghe nói hiểu ngay, bèn kêu Bao Công vào nhà, thầm thì dạy bảo: "Từ nay về sau, mợ hai có cho món chi, mượn làm chuyện gì, cậu phải để ý dè dặt, kẻo lại mắc mưu độc nữa!". Bao Công vâng dạ và lộ vẻ buồn bã vô cùng.

Cách lâu lâu, Thu Hương sang nói với Bao Công rằng: “Lý Thị sai mời có chuyện cần”. Bao Công tin thật theo nó qua nhà. Lý Thị giả bộ niềm nở vui cười bảo rằng: "Hôm qua con Thu Hương ra sau vườn, vô ý làm rớt cây trâm xuống giếng, nếu mà má hay được, chắc tôi không khỏi bị mắng. Muốn mượn người khác mò, e giếng hẹp khó xuống, chỉ có chú vóc nhỏ mình nhẹ, có thể giúp tôi được, song chưa biết chú ưng hay không?". Bao Công đáp: "Chuyện đó khó gì, tôi mò giúp cho". Lý Thị nghe nói rất mừng, bèn kêu Thu Hương lấy một sợi dây đi với mình và Bao Công ra sau vườn. Tới giếng, Bao Công lấy dây quấn vào lưng, tay bám miệng giếng, bảo Lý Thị và Thu Hương nắm mối trên và lần lần thòng xuống. Vừa được nửa chừng, Lý Thị Buông tuốt sợi dây, Bao Công bị rơi xuống rất mạnh, thẳng tới đáy giếng. Nhưng may là cái giếng khô (hoặc có thần nhân phù hộ, chứ giếng có nước nên Lý Thị mới mưu hại cho chết chìm), Bao Công bây giờ mới rõ mưu gian của chị dâu mình, hối hận vô cùng, trách mình sao không nghe lời lão Châu để đến nỗi mang họa. Nhưng việc đã lỡ rồi, đương ở dưới giếng sâu làm sao ra khỏi.
Trong khi lo nghĩ bỗng thấy trước mặt có một chỗ sáng. Bao Công không hiểu là cái gì, bụng tưởng là bóng kim xoa chiếu ra (cũng chưa hết tin) bèn rờ rờ đi tới, lại thấy bóng sáng đó nới ra một đỗi xa, cứ việc bước theo, càng theo càng thấy xa. Bao Công đã lấy làm lạ sao trong giếng lại có đường sá như vậy, gắng hết sức đi, chừng một dặm điểm sáng ấy không động nữa. Bao Công bước lại gần xem té ra là một mảnh gương cũ, cầm day qua trở lại, song tối quá soi không được rõ; chỉ biết có hơi lạnh ở dưới đất xông lên, làm cho cả mình đều lạnh. Bấy giờ Bao Công mới ngẩng đầu lên, thấy trước mặt có chỗ sáng, liền cầm luôn mảnh gương ấy đi lại, hóa ra đó là cái hố ở sau vách hè, Bao Công nghĩ rằng: "Ai có dè cái giếng ấy lại thông với hố này, thôi ta về luôn không cần trở lại".  Nghĩ vậy Bao Công liền leo lên đi thẳng tới nhà Bao Sơn vào ngồi im, không nói với ai một tiếng gì. Vương Thị thấy vậy hỏi: "Chú ba ở đâu lại đây mà buồn rầu vậy hay là ai chọc ghẹo gì chăng?". Bao Công đem việc xuống giếng, nhất nhất thuật lại, Vương Thị nghe nói rất đỗi bất bình, song chỉ có khuyên giải Bao Công cho bớt buồn bã và dặn từ nay về sau có chuyện gì phải để ý dè dặt. Bao Công miệng dạ dạ, tay lần túi móc một mảnh gương cũ giao cho Vương Thị và nói: “Gương này tôi lượm được dưới giếng, xin chị làm ơn cất giúp, đừng bỏ bậy mà lạc mất", dặn rồi đi ra.  Vương Thị ngồi một mình than thở căm giận vợ chồng Bao Hải lắm. Vương Thị đương than thở, Bao Sơn ở ngoài đi vào, Vương Thị đem việc vừa rồi thuật lại cặn kẽ. Bao Sơn lắc đầu nói: "Không có lẽ như vậy, đừng có tin lời chú ba, thôi để mai tôi gọi nó về bên này cho khỏi sinh chuyện rầy rà quấy quá". Tuy ngoài miệng Bao Sơn nói vậy, mà trong bụng vẫn biết tính tình Bao Hải và những việc trước kia rồi, song phận làm anh biết sao, làm thinh cũng ngặt, nói ra e mất tình anh em.
Ít lâu sau, Bao Sơn nói với Vương Thị rằng: "Ta xem tướng chú ba chắc không phải người thường, và lại thêm có nhiều chuyện xảy ra lạ lùng như vậy, không biết chừng sau này vinh vang lắm. Ta với chú hai chịu dốt đã đành, không lẽ bây giờ để cho chú ba đi theo đường ấy nữa. Ý tôi muốn rước thầy dạy nó học, may sau này nên thân, thời nhà ta may mắn lắm. Mình nghĩ thử coi được hay không?". Vương Thị nghe nói gật đầu đáp rằng: "“Thiếp rất bằng lòng, song việc ấy còn phải thưa lại với cha mới được".
Hôm sau rảnh công việc, Bao Sơn tới hầu Viên ngoại thuật rõ ý mình. Viên ngoại bằng lòng lắm. Bao Sơn liền trở về, dò hỏi khắp xóm cùng làng, tìm thầy rước cho em học. Trong làng nghe đồn Bao Sơn đón thầy, kẻ chỉ đầu nọ người mách đầu kia. Sau nghe Ninh Lão tiên sinh là người học giỏi đức tốt, Bao Sơn tới xin ra mắt, tỏ ý mình khẩn cầu. Ninh Lão cũng vui lòng ưng thuận.
Đến ngày nhập học, Bao Công cùng bạn đồng song là Bao Hương vào lễ Thánh Tổ, rồi ra lạy lão sư, từ đó bắt đầu chuyên lo việc học.
Thật là:
Văn chương tô điểm kẻ anh tài,
Lễ nhạc đúc rèn người tuấn kiệt.

HOMECHAT
1 | 1 | 550
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com