watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:15:3328/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tâm Hồn Cao Thượng
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 6

Tâm Hồn Cao Thượng

Tác giả: nhiều tác giả

LỜI GIỚI THIỆU

Tuyển chọn từ cuộc thi viết ngắn tâm hồn cao thượng do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Tác giả: Nguyễn Khải
(Thành viên Ban Giám Khảo Cuộc Thi Viết TÂM HỒN CAO THƯỢNG)

1. Con người ta sinh ra đều có mầm thiện. Cái mầm thiện ấy có thể lớn dần lên đơm hoa kết trái thành những đức hạnh tốt được cộng đồng gìn giữ, lưu truyền, mà cũng có thể bị thui chột, biến hoá thành tính xấu, tính ác. Những thay đổi ấy đều do sự giáo dục của gia đình, nhà trường, quan hệ bè bạn, môi trường nghề nghiệp và xã hội quyết định. Bao trùm lên tất cả là tính cách của một dân tộc tác động tới tính cách của mỗi một con người từ nguồn gốc. Dân tộc Việt Nam luôn luôn phải cố kết với nhau để chống nạn ngoại xâm, cứu giúp đùm bọc lẫn nhau để vượt qua nhiều hoạn nạn do thiên tai, địch hoạ và đói nghèo gây ra nên sự đoàn kết, lòng vị tha, tính nhân nghĩa đã là bản tính của mỗi người Việt Nam, gần như chả ai dạy cũng đã sẵn có. Họ làm việc thiện không cần ai biết, không cần ai khen, tự mình cũng thấy là việc làm tự nhiên, việc vốn phải thế, có gì mà phải nói. Tôi đã nhận thức lại được điều này qua việc đọc trên ba chục mẫu chuyện TÂM HỒN CAO THƯỢNG đã được chọn lọc của báo Tuổi Trẻ.

Một bà già, một anh trung niên, một đứa bé không có quan hệ máu mủ gì với nhau, đều là những kẻ tứ cố, vô thân, chỉ vì tình thương yêu nên đã gặp nhau, quấn quýt với nhau tạo nên một gia đình hạnh phúc có ba thế hệ (Chuyện Của Ba Người). Một đứa trẻ bố chết, mẹ đi lấy chồng nhưng ông bố ghẻ là kẻ tàn ác, tham tiền bắt con riêng của vợ làm chim mồi trong các cuộc đỏ đen. Nhưng đứa trẻ vẫn giữ được nguyên vẹn sự trong trắng, không muốn làm hại bất cứ ai dầu bị roi vọt, bị nhịn đói cũng cam lòng (Chim Mồi Ngày Ấy). Một anh gù xấu xí, là thợ máy, sống lặng lẽ trong cái lò đường bị bạn bè chế giễu, trêu chọc, khinh rẻ. Nhưng anh không ghét một ai cả, anh thương yêu cả mọi người, sẵn sàng lao vào nguy hiểm cứu một cô bé vốn xem anh như kẻ thù đến nỗi bị giập nát cả một cánh tay (Con Quỷ Gù). Một cái xóm nhỏ nghèo khó sống bằng nghề đóng gạch và bắt cá sông luôn luôn làm việc nghĩa cứu người, nuôi người, chôn người, đều là người tứ xứ không may gặp nạn. Một cái xóm trẻ con thấy tiền rơi cứ dửng dưng lặng lẽ thu nhặt để trả lại người mất của. Người dạy dỗ chúng nó là chủ một cái quán giải khát nhỏ, xem sự làm việc thiện là cái nghĩa vụ tự nhiên ở đời, có gì để phải hãnh diện, phải kể lại (Bọn Trẻ Xóm Cống). Một trọng tài bóng đá của làng phải giữ sự công minh giữa đội mình và đội bạn. Nếu đội của anh thắng thì anh sẽ nhận thêm ruộng, nhận phân, nhận thóc giống và nhiều sự giúp đỡ khác để trả công, anh em hứa thế. Còn để đội bạn thắng thì liệu hồn, sự trừng phạt sẽ đến tức thì. Nhưng đội anh đã ăn gian, không ai nhìn thấy nhưng trọng tài đã nhìn thấy và anh đã bắt phạt. Quả bóng phạt đã làm đội bạn thành đội chiến thắng và anh trọng tài làng đã ngã khuỵu xuống, nước mắt ròng ròng sau khi thổi còi kết thúc trận đấu (Một Quyết Định Danh Dự).

2. Ở lứa tuổi tôi không chỉ đọc sách mà còn bằng sự chiêm nghiệm của gần trọn một đời người để nhận ra cái lẽ của nhiều sự được mất, hay dở ở đời. Nếu tôi nói lại chưa hẳn đã có ai nghe, cũng như tôi – đã từng được nhiều bậc cao tuổi khuyên bảo khi còn nhỏ mà nào tôi đã nghe. Vì không tin nên không muốn nghe. Với ông thì là thế, nhưng với tôi chưa hẳn đã là thế. Vả lại quý vị sống ở một thời khác còn chúng tôi… Chúng tôi thì sao? Sau nhiều va vấp thất bại, sau nhiều lần bắt đầu rồi lại bắt đầu mới ngẫm ra lời dạy của người xưa là rất xác thực. Người xưa đã bảo : TÒNG THIỆN NHƯ ĐĂNG – TÒNG ÁC NHƯ BĂNG, làm điều thiện như leo lên cao, làm điều ác như đổ xuống thấp. Leo cao khó, đổ xuống dễ. Nên đã tự nhủ lòng, bất cứ việc gì chỉ thấy mình lợi còn cái hại thuộc về người khác chớ có làm vì đó là điểm rơi đầu tiên để mình xuống thấp mãi. Tôi đọc ba chục mẫu chuyện làm việc thiện, người làm thì hồn nhiên, nhưng người đọc là tôi thấy cũng khó, không phải ai ai cũng làm được. Mẹ đau, phải giặt quần áo đầy mủ máu của mẹ, không chỉ vài tháng mà cả năm, những sáu năm. Cũng là con nhưng người anh thì sợ, tránh được là tránh, còn người em thì chỉ nghĩ tới những đau đớn của mẹ mà không ngửi thấy mùi hôi thối nơi quần áo mẹ (Nơi Có Chỗ Mẹ Nằm). Một đứa trẻ, sau giờ học xin làm chân rửa chén một nhà hàng suốt một năm để đủ tiền mua một cái xe đạp em vẫn mơ ước. Tới ngày đủ tiền vì mãi cứu một em bé nhỏ trong vòng lửa, em dùng áo đập lửa tắt, cháy áo cháy luôn cả tiền nhét trong túi áo. Tiếc thì rất tiếc nhưng em vẫn vui vì đã cứu sống một mạng người, còn cái xe không mua được năm nay thì mua năm sau.Tất nhiên là phải rửa chén thêm một năm nữa (Chiến Dịch SS 10). Thử hỏi người lớn có dám vô tư làm theo những tấm gương của các nhân vật, hầu hết là có thật, trong mấy chục mẫu chuyện này cũng đủ để ngẩng cao đầu nhìn bạn bè, nhìn đồng loại. Nhưng những người đã làm những việc cao đẹp đó lại không nghĩ là phải ngẩng cao đầu để nhìn ai cả, chỉ là một việc làm tự nhiên thôi, đã là người ắt phải làm thế, không làm thế sao gọi là người!

Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết ngắn TÂM HỒN CAO THƯỢNG. Văn hay chỉ là thứ yếu, ánh sáng toả ra từ người, từ việc được ghi lại mới là chủ yếu. Nó là văn là đạo của một thời. Giải nhất giải nhì cũng chả quan trọng. Cái quan trọng là hương thơm ngào ngạt củ nó sẽ thổi át mùi tanh của đồng tiền, mùi thối rửa củ nhiều tham vọng bất chính trong cuộc sống náo nhiệt hôm nay. Tôi đề nghị Bộ Giaó Dục và Đào Tạo nên chọn lọc những mẫu chuyện này, viết lại cho các em học sinh tiểu học đọc, chắc chắn sẽ gây được những ấn tượng cao đẹp suốt một đời người như cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư của ngày xưa.

CHẮT LỌC GIỮA ĐỜI

Tác giả: Lưu Đình Triều
(Thành viên Ban Tổ Chức Cuộc Thi viết THCT)

Tình thật, có bóng dáng của sự lo lắng, hồi hộp bước đầu nơi những người tổ chức cuộc thi. Yêu cầu đặt ra : người việc tốt và phải thật, thể hiện văn vẻ và ngắn gọn (không quá 800 chữ). Liệu có bao người thích ứng với sự hài hoà của yêu cầu đó?! Một tuần, hai tuần sau ngày phát động, vẫn chưa hết hồi hộp. Bài gửi về vẫn cứ lác đác. Ở tuần thứ ba thì yên tâm thở phào. “Tâm hồn cao thượng” như một dòng chảy dồn dập ùa về toà soạn.
“Đây là một câu chuyện có thật 100% xảy ra ở xã tôi đã lâu, nhưng cứ đọng lại mãi trong tôi…” “Nhân vật trong bài là một người bạn ở cơ quan mà tôi xin mạn phép dấu tên. Tôi muốn làm sao cho mọi người biết đến việc anh ấy đã làm - một việc khiến tôi xúc động bấy lâu nay”…Chẳng có yêu cầu phải trần tình, nhưng nhiều người dự thi đã tự động viết những lời phi lộ như trên. Viết, không chỉ để thuyết minh chứng tỏ chất thật cho bài thi. Viết, như một sự giải bày, tâm tình. Sâu xa hơn, viết nhằm phổ biến ngợi ca và kiếm tìm sự đồng cảm, chia sẻ về lối sống đẹp.
Về mặt tâm lý, có lúc, có nơi, không ít người hoang mang nghĩ rằng, cái xấu, cái tiêu cực bây giờ sao mà nhiều thế. Chúng như những hòn đá tuyết, lăn và lớn dần ra, lấn át cái đẹp cái tốt. Cuộc thi là một chứng minh ngược lại. Người dự thi, ở khắp tỉnh thành. Miền núi, xa xôi, như Lai Châu – cũng có một. Đa số viết một bài, hai bài, cá biệt có người đến tám bài, dưới dạng mẫu chuyện, tuỳ bút, ngụ ngôn. Các bài viết là sự ghi nhận từ thực tế quanh mình : giữa đời sống ồn ào, xô bồ, cái thiện vẫn tồn tại lặng thầm với muôn hình vạn trạng. Điều cốt lõi ở đây, sự chắt lọc đãi cát tìm vàng. Với tấm lòng, với niềm tin, vàng tìm thấy cũng không phải là ít.
Khoảng 500 bài thi – 500 sự ghi nhận và chắt lọc từ bao tấm lòng. Chỉ 1/10 bài trong số này được giới thiệu trên mặt báo, không có nghĩa là số đông rơi vào sự chắt lọc sai lệch. Đúng cả đấy thôi! Chỉ do khuôn khổ trang báo có hạn và cũng có phần dù trái tim rung động, nhưng nếp tư duy văn chương chưa thành thói quen ở anh, ở chị, ở em, ở những ai chưa hề một lần cầm bút viết báo, viết văn. Thỉnh thoảng, ở cương vị giám khảo, tôi cũng mạnh tay gác đi vài bài viết đọc rất hay, nhưng thiếu cái thần đời thực. Bù lại, cứ tiếc nuối, vương vấn nhiều bài viết về những con người, sự việc rất xúc động, nhưng thể hiện rối rắm, không tài nào sửa được. Chẳng có lời an ủi, động viên nào cho số đông này. Chỉ một lời rất thật : dù bài viết không được đăng, nhưng ít ra tác giả của nó cũng đã trải hết lòng mình ra cho cái đẹp.
Cuộc thi khép lại với ý nghĩa gợi mở. Còn dòng chảy thiện vẫn chưa ngừng. Xin những ai đã hết lòng vì cái đẹp, lại tiếp tục sự chắt lọc, nâng niu và quảng bá cái đẹp trong đời, thay vì trên trang giấy. Chỉ có thế, những hòn đá tuyết xấu xa mới thôi phát triển, để mỗi chúng ta vững lòng bước đi giữa đời cùng lời ca : cuộc đời vẫn đẹp sao!

CHÚNG TA LÀ ĐÀN ÔNG

Tác giả: Đăng Nguyên

Thưa cha,
Khi xa nhà là lúc con nhớ về cha mẹ nhất. Con tự hỏi đã bao lần con viết thư về nhà nhưng chưa bao giờ con viết riêng cho mẹ cả, người mà con chưa làm được gì để tỏ lòng biết ơn dù đã nhận rất nhiều. Nhưng khi con nghĩ viết cho mẹ thì con lại thấy rằng mình cần viết cho cha hơn.
Cha thân thương,
Con phải cảm ơn cha vì cha đã từng nói “Con không những là con mà còn là bạn của cha.” Cũng nhiều lần cha con mình tâm sự với nhau. Riêng có một điều con cứ băn khoăn không biết có nên nói không, và cuối cùng con đã quyết định nói chuyện cùng cha với tư cách là hai người đàn ông.
Cha à,
Lúc này con cảm thấy nhớ mẹ khi con hồi tưởng lại những ngày con còn học trung học. Những lo toan của mẹ…
Đã bao lần con nhìn thấy những giọt mồ hôi ướt đẩm trán cha, để rồi cha được mẹ ân cần chăm sóc. Buổi sáng, cha ngồi thưởng thức cà phê do chính tay mẹ pha. Sau bữa cơm tối, trong khi cha con mình ngồi uống trà thì mẹ lo dọn dẹp. Khi cha con mình mặc những bộ quần áo sạch sẽ thơm tho ra đường, con thấy trong ánh mắt của mẹ cả một sự hãnh diện và trìu mến. Khi cha con mình bất hoà, cha giận dữ, con bất cần, thì mẹ là người tỏ ra buồn bã nhất. Cũng thường khi con thấy mẹ mỉm cười trong lúc lúi húi khâu vá trong nhà, còn cha con mình mãi đùa giỡn ở ngoài sân. Khi con lãnh thưởng cuối năm học, cha ở bên con, mẹ ở nhà đợi mình về “tường thuật” lại. Mẹ không biết tiếng Anh, không biết Tin học như cha con mình, nhưng mẹ nấu ăn rất giỏi. Mẹ vất vả nhiều, chỉ có điều con lấy làm lạ là rất ítt khi con nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán mẹ. Và con viết ngay để hỏi cha : Nhận xét đó đúng không ? Hay cha con mình - lại một lần nữa - thiếu quan tâm đến mẹ ?
Con của cha.

CHIM MỒI NGÀY ẤY

Tác giả: Nguyễn Thị Mây

Thuở đó, quê tôi còn hoang dã và nghèo nàn. Có nhiều rừng cây mà cũng lắm mương xẻo. Đất rộng, người thưa. Âm u, trầm uất đã tô vẽ con đường đến trường của tôi nhiều sắc màu độc đáo.
Tôi học ở một ngôi trường nhỏ nhưng rất đẹp. Muốn đến trường, tôi phải chọn một trong hai lối. Một là đường cái tráng nhựa, dọc theo dãy phố có nhiều hiệu chạp phô của người Hoa. Nhưng tôi sợ cái bót có rào mấy vòng kẻm gai và chông chênh phía trước một chuồng cu cao lêu nghêu. Bên trong, một người lính bồng súng, nhìn ra bốn phía như một vị ác thần canh giữ nơi bí hiểm. Hai là con đường đất ngoằn ngoèo, luồn lỏi giữa rừng cây, rồi tới con xẻo to, có một cây cầu khi mà tay vịn ngả nghiêng về một phía, huốt tầm tay với. Gặp lúc mưa dầm lại nhằm con nước lớn thì lũ học trò chúng tôi đứa nào cũng khiếp. Dưới xẻo, dòng nước đục ngầu chảy xiết sẵn sàng cuốn phăng, nhận chìm mọi thứ. Qua cầu là tới một ngôi chùa cổ kính và uy nghiêm của người Khơme với những ngọn tháp xám xịt, rờn rợn tượng thần bốn mặt, nhiều tay. Tiếp đó là bệnh viện có hàng rào cẩn thận nhưng lại chừa cái nhà xác bên ngoài. Vốn sợ ma, vừa thấy dạng nhà xác, đứa nào cũng lột dép cầm tay, co giò phóng như bay đến trường cách đó không xa.
Con đường vòng xa lắc, đủ thứ rắc rối thế mà chúng tôi lại thích. Bởi vì chúng tôi đã gặp một người bạn đường to con, lớn tuổi hơn đôi chút, là anh Thao.
Anh Thao cũng đi dọc con đường ấy để … nhặt củi khô. Như hẹn trước, tôi và mấy đứa bạn cùng xóm vừa rẽ vào lối mòn thì anh cũng lầm lũi đi tới. Chúng tôi làm quen và thân thiết chóng vánh. Anh cho biết quê mình xa tít ngoài Trung, cha anh đã chết vì bệnh, mẹ con anh trôi dạt đến lúc gặp người cha kế mới ổn. Chúng tôi rủ anh đi học, anh bảo : Nhà nghèo lắm, chưa dám nghĩ tới. Khi nào khá, sẽ đi học ngay.
Anh thường đưa chúng tôi đến tận cổng. Tan học,về đến chỗ nhà xác đã thấy anh đứng đón. Thấy chúng tôi sợ sệt, anh cười bảo : Người chết là hết! Có làm gì được mình đâu mà sợ? Chúng tôi cảm thấy an tâm hẳn. Nhờ anh, chúng tôi thấy được cái tốt ẩn hiện dọc đường. Như khi cùng ghé lại cái khạp nước mưa đặt bên hông chùa, chúng tôi thả dàn uống những bát nước mưa ngọt lịm thì sau đó anh Thao thường chạy vào chùa, rồi khệ nệ khuân một thùng nước đầy, đổ vào khạp. Anh giải thích rằng người lỡ đường đến sau có sẵn nước uống mà không mất công các sư nặng nhọc. Anh còn bày cách cho chúng tôi biết vui khi vất vả nữa. Anh bảo khi vác bao củi nặng, anh tưởng tượng là bao gạo thì cảm thấy nhẹ liền.
Ngày mưa nào anh cũng chờ chúng tôi. Anh cõng từng đứa qua cầu rồi mới vác bao củi qua sau rốt. Một lần, không hiểu vì lạnh hay mệt mà anh té xuống xẻo. Anh bơi được vào bờ nhưng bao củi chìm mất. Từ hôm đó không thấy anh đi nhặt củi khô nữa. Lạ một điều, mỗi khi trời mưa, nhằm lúc tan học thì lại thấy anh tới chỗ cầu khỉ để cõng từng đứa qua. Lúc ấy, dưới cơn gió quật, ôm chặt vai anh, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp, an toàn.
Một hôm, tôi thay chị đem cơm cho mẹ bán hàng ở nhà lồng chợ. Gần đó có một nhóm cờ bạc. Người đàn ông làm cái có khuôn mặt dữ dằn và xảo trả. Ông ta xào, ném ba lá bài gồm một hình thằng tây và hai lá toàn nút một cách lão luyện, mồm không dứt : “Đặt vô, đặt vô! Bà con ơi!” Có một người đàn bà đang hồi hộp nhìn một cậu bé chơi bài và luôn chọn đúng lá có hình thằng tây. Tôi suýt kêu lên : “Anh Thao!” Thấy anh gom tiền, người đàn bà động lòng tham, cũng ngồi thụp xuống tham gia. Lạ quá! Bây giờ, anh bắt đầu thua. Tiền của anh và bà nọ cứ bị gom vào túi người làm cái. Khi chị ta đứng lên, vét hết số tiền còn lại thì khuôn mặt anh Thao bỗng bừng đỏ. Anh ngần ngừ khi đặt tiền xuống lá bài. Lần này, cả hai được trúng. Chợt người làm cái đứng phắt dậy, kêu lên : “Lính tới!” rồi bỏ chạy. Ngơ ngác nhìn quanh, như hiểu ra điều gì người đàn bà lủi vào đám đông mua bán. Gã làm cái trở lại ngay. Hắn túm lấy anh Thao đánh, đấm túi bụi, miệng hầm hừ : “Phản nè…! Thằng chó đẻ. Bữa nay tao bỏ đói mẹ con mày. Thử xem có ai tội nghiệp không? Đói rả họng mà còn nhân đạo! Hứ…”. Hắn phun một bãi nước miếng vào mặt anh, rồi bỏ đi.
Nhìn anh đưa tay quệt nước mắt lẫn nước bọt mồm, tôi bật khóc. Quay sang, thấy tôi, anh thảng thốt mấy giây rồi lẳng lặng bỏ đi. Mẹ tôi nhìn theo, lắc đầu : “Tội nghiệp! Thằng chim mồi ngày nào cũng bị cha ghẻ đánh!” Chạnh nhớ cảnh mình, mẹ vuốt tóc tôi, bảo : “Con thấy chưa! Đâu phải ai mồ côi cha cũng ăn cơm với cá đâu! Phải ráng học nghe con!”
Từ đó, tôi không gặp lại anh nữa. Nhưng không bao giờ tôi quên được anh, người đã khiến cho tâm hồn tôi trở nên phong phú, với những ký ức tuổi thơ thấm đẩm mật ngọt nhân ái, bao dung. Chính anh đã cho tôi một niềm tin : dù nghèo khổ, ta vẫn có thể làm cho người khác nể phục!

MỘT QUYẾT ĐỊNH DANH DỰ

Tác giả: Trần Tú
(Thân tặng trọng tài bóng đá Lê Văn Cảnh)

Trọng tài bóng đá có nhiều đẳng cấp : trọng tài FIFA, trọng tài quốc gia, trọng tài tỉnh, trọng tài huyện và trọng tài làng. Trọng tài làng vì say mê bóng đá mà trở thành trọng tài. Trọng tài làng hiểu biết luật bóng đá không nhiều, phần lớn họ vận dụng theo cảm tình nhưng một lòng, một dạ bảo vệ cho sự công bình.
Anh Lê Văn Cảnh là một trọng tài làng.
Năm 1989, xã Cẩm Châu được mùa lớn, liền tổ chức tranh giải bóng đá giữa các đội sản xuất để mừng công. Đội đoạt chức vô địch được treo giải một con heo quay và bốn tạ lúa.
Sau vòng đá loại đầy cam go, đội 5 và đội 7 được vào trận chung kết để tranh chức vô địch. Đối với hai đội chỉ giỏi sản xuất lúa trên đồng ruộng, thì đây là một sự kiện bất ngờ và trọng đại, làm bà con xã viên mất ăn, mất ngủ, bàn tán xôn xao.
Trọng tài của trận chung kết theo ban tổ chức giải, ngoài anh Lê Văn Cảnh, không ai có đủ bản lĩnh để điều khiển. Nhưng ngặt nỗi, anh Lê Văn Cảnh là người của đội 5, đời sống gia đình anh gắn liền cùng đội 5 và ba sào ruộng khoán, liệu anh có bị chi phối bởi sức ép kinh tế mà làm nghiêng ngả cán cân công lý? Sau nhiều phiên họp bàn cãi quyết liệt, cuối cùng, ban tổ chức giải vẫn không thể chọn ai khác ngoài anh Lê Văn Cảnh.
Trận chung kết sắp bắt đầu, nhưng khí thế của trận đấu đã bừng bừng sôi động khi nghe loa phóng thanh của ban tổ chức công bố tên trọng tài chính.
Hôm ấy, anh Lê Văn Cảnh mặc bộ đồ trọng tài màu đen với giày vớ rất cẩn thận (không biết anh mượn của ai) nên trông anh khá tươm tất và hùng dũng.

Giờ thi đấu đã điểm! Lúc anh Lê Văn Cảnh nhón chân bước vào sân thì trong đám khán giả của đội 5, một bàn tay to lớn thò ra nắm chặt tay anh lại, rồi một chòm râu nửa đen, nửa bạc của ông đội trưởng chọc thẳng vào tai anh :
- Này Cảnh! Ba sào ruộng khoán cấp ưu tiên cho em sáng nay anh đã cho tổ thuỷ lợi đổ nước vào đầy đủ. Xong trận đấu, em nhớ liên hệ với tổ phân để nhận thêm phần phân bón đặc biệt. Em nhớ du di để đội 5 mình đoạt chức vô địch đó nghe!
Anh Lê Văn Cảnh đỏ bừng mặt!
Vừa lắc mạnh vành tai ra khỏi chòm râu của ông đội trưởng thì một chòm râu khác ngắn hơn nhưng quyết liệt hơn của ông đội phó lại áp vào…
- Ê, Lê Văn Cảnh! Phần đất, phần giống, phần nước đều ưu tiên cho ba sào ruộng của mi, mi làm sao thì làm cho đội 5 vô địch!
Ra đến giữa sân, hai vành tai của anh Lê Văn Cảnh vẫn chưa bớt đỏ. Vì thương hay vì giận?
Anh Cảnh nhìn đồng hồ, giơ thẳng một cánh tay, rồi thét lên tiếng còi… Sau tiếng còi dũng mãnh và kỳ diệu, anh không còn nhớ đến mình là ai, anh hoá thân và nhập cuộc vào sự công bình và tự nhắc nhở mình từng phút, từng giây…
Trận đấu càng lúc càng gay cấn, dữ dằn trong tiếng hò reo vang dội như sóng tràn bờ.
Sau 88 phút thi đấu, chưa đội nào ghi bàn, bỗng đến phút 89, ngay sát khung thành của đội 5, trong một pha truy cản hoảng loạn, một hậu vệ của đội 5 rất lém lỉnh xoay lưng nhanh về phía khán giả của đội 7, lấy tay chận lại một đường bóng để cứu nguy cho một bàn thua. Đường bóng rất nhanh mà tình huống thì xảy ra trong hỗn loạn và trong cát bụi mù mịt, khó ai có thể trông thấy. Nhưng anh Lê Văn Cảnh đã thấy rất rõ, nên không thể tha thứ cho một ý đồ phạm luật có tính toán, anh sẽ xử lý ra sao?
Anh đưa còi lên…lưỡng lự trong một giây… Hình ảnh vợ con với ba sào khoán lẩn quẩn đâu đây… Và cũng một giây, giữa sự giằng co của lý trí và tình cảm, anh quyết định đứng về phía danh dự của trọng tài.
Thét lên tiếng còi làm rúng động cả sân bãi rồi uy dũng như một võ tướng, anh chỉ thẳng tay vào chấm phạt đền : đội 5 bị phạt !
Nhưng giây phút vinh quang nhất của trận đấu cũng là giây phút cô đơn nhất của trọng tài. Sau quả đá phạt thành công của đội 7, cả sân bãi ngạc nhiên khi thấy anh trọng tài làng Lê Văn Cảnh ngã khuỵ xuống với hai hàng nước mắt ròng ròng…

HOMECHAT
1 | 1 | 121
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com