watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:34:0528/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tâm Hồn Cao Thượng
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 6 trong tổng số 6

BÁC NĂM

Tác giả: Nguyễn Bá Quỳnh Anh

Tôi gặp bác lần đầu tiên khi bác từ Sài Gòn dọn nhà ra Đà Nẵng, đến khu phố tôi ở. Bác trai là lính. Còn bác ở nhà nội trợ, chăm chút cho ba cậu con trai có độ tuổi sàn sàn với ba chị em gái chúng tôi.
Tôi còn nhớ rõ sáng hôm ấy, khi thấy một con bé năm tuổi là tôi, đứng thập thò ngoài cửa, tò mò ghé mặt vào căn nhà đang ngổn ngang bàn ghế, giường tủ, bác mỉm cười, vẫy tay : “Vào đây chơi đi cưng”. Yên tâm vì cái giọng rặt Nam bộ nghe rất hiền của bác, tôi rón rén bước qua khung cửa. Bác xoa đầu, nhẹ nhàng hỏi chuyện và cho tôi mấy cây kẹo. Tôi sung sướng chạy về nhà khoe vì chuyện được mấy cây kẹo thì ít, mà vì được làm quen với một người hàng xóm mới thì nhiều. Biết tôi học ngang lớp với Nhân, đứa con trai đầu của bác, bác bảo tôi ôm tập qua nhà để bác kèm học với con bác cho có bạn. Cũng từ hôm đó, tôi gần như là một thành viên của gia đình bác. Hai bác trở thành bạn thân của ba má tôi, ba đứa con trai của bác trở thành bạn thân của ba chị em gái chúng tôi. Trong cuộc chơi nào, mỗi lần thấy chúng tôi phụng phịu là bác lại giở giọng đe nẹt bầy con : “Má nói không đứa nào được ăn hiếp em đó nghen”. Những lúc như vậy, tôi lại nghếch mặt, chun mũi, cười hả hê khi thấy ba cậu quý tử của bác tiu nghỉu như mèo cụt đuôi.
Nhờ bác kềm cặp, những phép tính đầu tiên của tôi luôn được điểm 9, điểm 10. Duy chỉ có mỗi môn tập viết tôi luôn bị điểm kém vì chữ xấu. Bác cứ kiên nhẫn rèn cho tôi mãi, đến một hôm, giở vở ra xem, thấy tôi được điểm 7 khi viết chữ E hoa, bác hôn lấy hôn để lên má tôi. Bác cầm vở chạy qua khoe với ba má tôi và xin phép cho tôi được đi xem phim vào chủ nhật để thưởng cho sự tiến bộ “vượt bậc” của tôi.
Bác rất nhạy cảm. Hôm được tin em gái của chị giúp việc nhà tôi vừa mới mất, chị phải về lo tang cho em, bác nghẹn ngào, nước mắt giàn giụa trên mặt. Những ngày sau đó, bác lại tất tả giúp má tôi chuyện chợ búa, cơm nước vì má tôi vừa phải đi dạy vừa phải lo cho con nhỏ.
Những ngày mùa đông dài lê thê bởi những cơn mưa tầm tả, tôi ngồi bó gối trên giường nghe bác kể chuyện 24 tấm gương hiếu thảo của người xưa: chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ, chuyện về những cô cậu bé trong tác phẩm “Tâm hồn cao thượng”… Những câu chuyện đó cứ dần dần thấm sâu vào tâm khảm của tôi kể từ đó, tôi cứ ao ước rằng tôi sẽ là người tốt như những nhân vật trong câu chuyện của bác.
Thời chiến tranh, cũng như những gia đình lính khác, gia đình bác rồi cũng phiêu dạt khắp nơi. Một thời gian bặt tin bác. Sau đó, tôi nghe nói bác làm rẫy ở Phan Thiết. Tôi ước ao được gặp lại bác. Rồi ao ước cũng được thoả lòng. Sau đó, bác viết thư về cho tôi rằng : “…Bác định bụng khi gặp con sẽ ôm hôn con như ngày xưa, nhưng bác hơi ngỡ ngàng vì thấy con lớn quá…” Có lẽ bác mong tôi cứ mãi mãi như ngày xưa, nhỏ bé như hình ảnh con bé mà có lần bác chân thấp chân cao ôm nó chạy đi cấp cứu khi ba má nó vắng nhà.
Thuở nhỏ, trong trí óc non nớt của tôi, bác là một người hiểu biết, học cao. Bây giờ khôn lớn, qua lời má tôi kể lại, bác chỉ mới học đến lớp 5. Tuổi thơ của bác là cả một quãng dài cơ cực. Mồ côi mẹ, ở với dì ghẻ, bị hành hạ, hằng ngày phải hốt phân heo đến độ bây giờ, mười ngón tay của bác cứ bị co quắp. Nghe má tôi kể mà lòng tôi rưng rưng. Bác thương tôi vì lẽ gì ? Vì bác không có con gái, hay vì tuổi thơ của bác quá ảm đạm ? Với những điều tốt đẹp mà mọi người nói về bác, trong đó có những lời đầy ắp trìu mến thương yêu của mẹ chồng và con dâu dành cho bác, bác Năm của tôi có phải là một người cao thượng. Đối với tôi, bác Năm quá đỗi bình dị. Nhưng những gì bác để lại trong lòng tôi đã ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của tôi sau này. Để trở thành một người tốt, tôi chưa dám mơ đến điều đó, song để không phải là một con người xấu, thì tôi tin, tôi đã đạt được. Chính là nhờ từ những hạt giống nhân ái mà bác Năm đã gieo trong tâm hồn của tôi thuở còn bé bỏng.

NGƯỜI Ở TRƯỜNG

Tác giả: Lưu Thị Lương

Ở trường tôi, hằng tháng các môn chính yếu như văn, toán, lý, hoá, tiếng Anh, học sinh phải làm bài kiểm tra bằng hình thức tập trung. Nghĩa là một phòng 25 thí sinh, xếp tên theo thứ tự ABC, đánh số ký danh thay đổi từng buổi, giấy thi ghi mật mã và cắt phách. Hoàn toàn như một đợt kiểm tra mỗi học kỳ hay một kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh toàn quốc.
Tháng nào cũng gác thi và thi, ôn tập và chấm trả bài đúng thời hạn. Thật vất vả và căng thẳng. Nhưng rõ ràng học sinh có tỏ ra cố gắng, siêng năng học tập, vì phải luôn ở trong tình trạng làm bài một mình, bằng chính sức học của mình. Hỏi bài của bạn, trao đổi bài làm hay giấu lén chép tài liệu đều bị lập biên bản, hạ một bậc hạnh kiểm, bài làm bị điểm 0, bất kể bài làm đúng, sai, dài, ngắn.
Đồng thời, để tập cho học sinh có tác phong nghiêm túc, mỗi lần vào phòng kiểm tra các em phải xuất trình phiếu báo danh có dán hình, đóng dấu, ký tên. Lỡ quên, phải về nhà lấy. Xa gần cũng mặc. Bằng mọi cách phải có tờ giấy đó thì mới được vào dự kiểm tra. Nếu không coi như vắng mặt, lãnh số 0 vào cột điểm.
Nhưng quên thì vẫn cứ quên.
Mỗi đợt kiểm tra, tính trung bình cứ năm phòng thì một phòng có một, hai học trò rụt rè đứng ngoài cửa mếu máo : “Thưa … em lỡ quên”. Mặc kệ. Phải nghiêm chỉnh chấp hành qui định. Thầy cô lúc ấy sao mà “ác”. Hầu như các thầy cô giáo trong trường đều có dịp trải qua tình cảnh ấy. Rồi cũng đến lượt tôi.
Hôm đó, khi đang cùng các đồng nghiệp lần lượt toả đi các phòng để làm nhiệm vụ giám thị, một người nói nhỏ với tôi : “Cho em gửi số ký danh… Dạ, học sinh lớp em. Giờ này nó mới nói là quên ở nhà. Khóc sướt mướt. Nếu chỉ có một mình nó, xin chị cho qua dùm em”. “Còn ban giám hiệu?” - “Rồi, em đã hỏi thầy hiệu phó, ổng nói được”. Tôi gật đầu, bỗng ước sao phòng tôi gác có đến hai đứa quên.
Các thủ tục gọi tên trình giấy, phá giấy làm bài, phát đề diễn ra suôn sẻ. Cô bé ấy lẳng lặng vào chỗ. Tất cả học sinh cắm cúi làm bài trong không khí yên lặng đặc biệt của phòng thi. Chỉ có tôi là không yên tâm. Chắc chắn, các em cùng lớp cô bé kia đều biết chuyện tôi đã không nghiêm túc xử lý theo qui định bấy lâu nay. Cả phòng này sẽ biết. Rồi chúng sẽ đồn đại từ lớp này qua lớp khác. Tôi sẽ vừa mất uy tín với học trò, vừa bị ban giám hiệu khiển trách.
Ánh mắt nghiêm nghị của tôi canh chừng học sinh làm bài cũng nghiêm khắc như tôi đang tự vấn lòng mình. Tại sao tôi không kiên quyết từ chối ngay khi nghe nhờ vả? Vì tôi sợ mất lòng đồng nghiệp. Ở đời, bánh ít đi, bánh qui lại. Rồi sẽ có lúc học trò lớp tôi bị quên. Nếu gặp, thì cô ấy cũng sẽ bỏ qua. Tôi suy nghĩ như thế nên đã nhận lời. Chỉ còn một thắc mắc : ban giám hiệu là nơi đề ra chủ trương, biện pháp ấy, tại sao lại đồng ý du di cho trường hợp này ?
Vừa lúc ấy thầy hiệu phó đi kiểm tra đến phòng tôi gác, tôi hỏi. Ông lắc đầu ngạc nhiên : “Không. Cô ấy không hỏi.”
Tôi như trút được gánh nặng khi nghe câu trả lời ấy. Mặc dù đề bài đã phát được năm phút, tôi nhất quyết buộc em nữ sinh kia về lấy phiếu báo danh, theo đúng nguyên tắc.
Những tưởng xử sự như vậy thì lương tâm được yên ổn, nào ngờ tôi càng bị nó cắn rứt, dằn vặt nhiều hơn, từ nhiều phía. Đầu tiên hình ảnh em học sinh đó sững sờ buông viết, hấp tấp lao ra cửa. Lúc trở lại, vữa lễ phép đưa tờ phiếu báo danh bằng hai tay, em vừa khóc nửc nở từng hồi như bị oan ức. Em nghĩ, người lớn sao lại có thể nuốt lời hứa trong chớp mắt như thế. Mặc kệ, tôi động viên còn nhiều thời gian làm bài, em vẫn khóc thêm một hồi lâu nữa. Và khi nộp bài, em nhờ bạn. Em sợ hay không muốn nhìn tôi? Kế đó là cô bạn đồng nghiệp kia. Thấy học trò của mình ra khỏi phòng, cô đi theo. Rồi cô kể : “Em ấy ở ngoài quê vào, nhà bà con ở tận quận 4, thầy hiệu phó phải đưa tiền, bảo em đi xe ôm cho kịp”. Giọng cô nhỏ nhẹ nhưng tôi nghe như trách móc.
Tôi đã làm đúng? Hay sai ?
Lúc đó là khoảng giữa năm học. Về sau, thỉnh thoảng tôi gặp em ở thư viện. Tôi thấy mắt em nhìn tôi như học trò nhìn các bà giáo nổi tiếng nghiêm khắc. Tôi lại chẳng yên lòng.
Một hôm, tôi quyết định nói chuyện với em. Cố lấy giọng doạ nạt để đùa cợt, tôi hỏi :
-Trả tiền thầy hiệu phó chưa?
Lập tức em cười như đã chờ câu hỏi ấy lâu lắm :
-Dạ, nộp bài xong em trả tiền.
-Đi xe ôm tốn hết bao nhiêu ?
-Dạ, không tốn tiền cô ơi.
-Chà. Có ông xe ôm nào tốt quá hả? Chắc tại thấy em khóc, người ta tội nghiệp chở làm phước?
Em bẽn lẽn :
-Dạ không phải. Có anh kia, ảnh chở dùm.
-Em ở quê, sao gan quá vậy? Em có quen anh đó không?
-Dạ, đâu có quen. Chạy ra cổng, quýnh quá, thấy ảnh đang ngồi trên xe, em kêu đại.
-Em tưởng xe ôm?
-Thưa cô, không. Em thấy đeo phù hiệu trường mình. Lớp 11A mấy em quên rồi. Hình như tên là Trọng. Người đen đen, thấp thấp, mặt có nhiều mụn.
Tôi có biết em Trọng. Năm ngoái tôi dạy lớp em. Giờ chơi, tôi tìm Trọng hỏi đúng không. Em gãi đầu cố nhớ : - Bạn đó học lớp 10A3, còn tên gì em quên mất. Bữa đó thi xong, đang uống trà đá trước cổng trường, em thấy nó nắm một nắm tiền, nhìn ngược nhìn xuôi mà khóc sướt như bị đòn. Tội lắm. Em mới kêu nó chỉ nhà, em chở.
-Em dám qua bên quận 4?
-Ban ngày mà cô. Em mặc áo học trò, họ đâu thèm để ý.
-Sau chuyện đó, chắc hai em gặp nhau thường thường ?
-Dạ, đâu có gì mà gặp tiếp nữa. Em nghĩ, chắc nó quên một lần là sợ tới già. Hết dám tái phạm.
Cô giáo kể tới đó thì kết thúc chuyện bằng một nụ cười hoan hỉ. Cô kết luận : Không ngờ học sinh của mình trong sáng, trung thực, nghĩa hiệp quá chừng. Một đứa thì hết sức tin tưởng học sinh trường mình nên nhờ vả. Một đứa thì tự nguyện giúp đỡ vì thấy tội nghiệp.
Riêng cô, khi biết tới đầu đuôi câu chuyện cũng bớt băn khoăn về việc cô đã chấp hành nghiêm túc luật lệ, nhưng tôi cứ muốn kể cho nhiều người nghe nữa. Chuyện về những con người tốt đẹp ở chốn học đường. Môi trường bình thường thầm lặng nhưng nghiêm túc và trong sáng ấy đã tạo nên những con người có tình cảm, suy nghĩ, hành động…dễ thương như thế.

CÁI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ

Tác giả: Ngô Ngọc Luyến

Khi miền quê chỉ còn lại bóng đêm, khi những ngọn đèn trong thôn Hùng Thành bắt đầu thắp sáng, là lúc ba mẹ tôi lặng lẽ xuôi thuyền ra khơi đánh cá. Nhà đông con, ba mẹ tôi phải làm lụng cực nhọc lo hai bữa ăn cho gia đình, lại còn lo chắt chiu dành dùm tiền bạc để đóng học phí cho anh em chúng tôi. Nhớ những hôm mẹ đi chợ huyện bán cá về, bà ngồi trầm ngâm đếm lại những đồng bạc lẻ sau khi đã mua đồ ăn cho gia đình và sách vở cho các con. Nhìn vẻ mặt lo âu của mẹ, tôi mới thấm thía hết nỗi nhọc nhằn của những ai phải kiếm sống bằng nghề đánh cá.
Tôi còn nhớ đêm hôm ấy, không khí lạnh như bao trùm lên toàn miền Bắc, thò tay vào nước như chạm vào những tảng băng tê tái, lạnh buốt. Thi thoảng lại có những con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước vì lạnh. Ba tôi vẫn chèo thuyền ra khơi, mẹ ngồi sau bẻ lái. Khi thuyền ra gần đảo Nẹ, bất thình lình một dòng xoáy từ đâu bỗng ập tới đã làm cho chiếc thuyền nan bé nhỏ lật đỗ. Sóng vỗ làm cho ba mẹ tôi lúc nhô lên thì chìm xuống trong đêm tối giữa biển khơi.
Nghe tiếng kêu cứu, hai chiếc thuyền câu Diêm Phố đi qua đều lặng thinh. Điều đó cũng dễ hiểu : đêm hôm khuya khoắt, buốt giá như vầy cứu người chết đuối ai mà không ngại rét và nguy hiểm! Đã thế dân miền biển còn kháo nhau rằng nếu cứu người chết đuối, sẽ gặp nhiều điều xui xẻo và làm ăn không nên, và họ còn đồn đêm ở ngoài khơi hay có ma gọi, nếu ai chèo đến gần sẽ bị dìm đắm thuyền. Ngay lúc đó một chiếc thuyền đánh lưới tình cờ đi tới, chủ nhân của nó là anh Đinh Công Chính 0 - người thanh niên làng Sung chưa đầy 17 tuổi. Nghe tiếng kêu cứu, anh Chính vội vàng lấy đèn pin rọi về phía trước, rồi anh hú lên một tiếng thật dài để người gặp nạn nhận được tín hiệu. Nhìn thấy đầu mẹ tôi nhô lên, anh vội thả neo xuống cho thuyền dứng lại rồi lao xuống dòng nước chảy xiết dìu mẹ tôi lên thuyền, để bà nằm dốc mặt xuống khoang cho nước trong bụng chảy ra. Sau đó, anh lại một lần nữa vật lộn với những đợt sóng hung hãn để cứu cha tôi nhưng đã không kịp nữa… Anh vội vã trèo lên thuyền tiếp tục hô hấp cho mẹ tôi, và lấy bộ quần áo khô duy nhất trong chiếc túi vải của anh thay cho bà. Chân tay anh run lên cầm cập, đôi môi thâm vì ngấm nước quá lâu nhưng anh vẫn ráng hết mình đốt bếp lửa sưởi ấm cho mẹ tôi. Anh bỏ vào nồi nửa lon gạo, nấu một tô cháo trắng với muối, chờ mẹ tôi tỉnh lại anh lựa lời động viên, an ủi khéo léo một người đang đau khổ và tuyệt vọng như mẹ tôi. Mẹ tôi lúc ấy không còn đủ sức để khóc lên thành tiếng, những giọt nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo, rám nắng. Bà khóc vì thương ba tôi, khóc vì mình được sống lại giữa cõi chết để trở về với các con, khóc vì tấm lòng nhân ái, bao dung của một người thanh niên còn rất trẻ, anh đang cầm tô cháo nóng đút cho mẹ tôi từng muỗng…
Chú thích
0 Anh Đinh Công Chính hiện là công nhân nhà máy 3, Công ty giày da Hiệp Hưng, TP HCM.

BẾN ĐỖ

Tác giả: Mạch Thu Hương

Chiều. Bầu trời ảm đảm, xám xịt những áng mây bập bềnh trôi trên những tàn cây bạch đàn rũ lá. Tượng đài Tổ Quốc ghi công đứng thẳng, lặng lẽ, trang nghiêm.
Dưới đó, xung quanh là hàng hàng lớp lớp những nấm mồ liệt sĩ. Nơi nghìn thu yên nghỉ của những người con anh hùng đất nước. Bốn bức tường trắng toát, âm thầm ngăn cách đồng cỏ hoang tàn, vàng úa bên ngoài. Xa xa, những mái nhà nhấp nhô, chạy dài theo hai bên đường đất nâu sẫm, ngoằn ngoèo.
Bên trái nghĩa trang là một dòng sông chảy ngang phố huyện. Nó thản nhiên lăn tăn vỗ sóng dưới gầm cầu rêu mốc bám đầy. Trên dòng nước đục ngầu, vài ba chiếc thuyền con xuôi ngược. Bên kia cầu là một cái chợ chiều. Buổi sáng ở đó buồn tênh như ngôi nhà vắng chủ.
Đó là bức hoành tráng thê lương mà thân thuộc vô cùng của ba tôi, nơi ông chọn làm bến đỗ của dòng đời đã xế.
Ba tôi tạm trú trong một túp lều con ở phía sau phòng giáo dục, đối diện với nghĩa trang liệt sĩ, cách một con đường trải nhựa. Dù không ai thuê, ông vẫn để mắt trông chừng những căn phòng xám xịt, nền gạch loang lổ. Vào những ngày nghỉ, trông chúng như khu nhà thờ bỏ hoang từ lâu lắm. Hai hàng bạch đàn ủ rủ, ngậm ngùi phất phơ nhũng chiếc lá bàng bạc, xanh xanh. Chỉ cần con chó mực sủa lên một tiếng, ba tôi đã bươn bả chạy tới, đảo một vòng quanh đó, thở phào nhẹ nhỏm khi thấy ổ khoá to tướng còn nằm trơ trên cánh cửa vàng nhợt nhạt. Ông yên trí những quyển sổ dày cộp, mấy cái tủ hồ sơ, vài cái bàn, một cái máy đánh chữ cũ kỹ, lỗi thời, một quạt máy cánh sờn nhạt…vẫn còn nguyên!
Dù không ai thuê, ba tôi cũng trồng một hàng huệ trắng, mấy bụi cúc vàng, vài ba cây phù dung hoa đỏ… để làm đẹp nơi này. Ông yêu cái phòng giáo dục nghèo nàn vì yêu chúng tôi, những đứa con sống bằng nghề dạy học. Ba tôi muốn điểm tô cuộc sống lam lũ bằng những giọt mồ hôi thầm lặng.
Dù không ai thuê, chiều nào ba tôi cũng băng ngang lộ, đánh một vòng quanh nghĩa trang liệt sĩ. Ông quét là vàng bay lạc vào, nhổ những dây cỏ dại ngơ ngác bò lên lối đi lát gạch. Đôi khi, ông nghẹn ngào nhìn một người phủ phục trước mộ bia, mặt úp vào đôi tay, hai vai nhô lên, run rẩy theo tiếng nấc. Trước khi đêm tràn ngập chốn hoang tàn, cô quạnh, ba tôi đốt một bó nhang, cắm vào bình hương của từng ngôi mộ. Những sợi khói mỏng manh, hoà quyện vào nhau, cuống quít bay lên như những linh hồn chiến sĩ rủ nhau đi hái những vì sao nhấp nháy ẩn hiện phía chân trời.
Ba tôi bằng lòng với công việc không ai thuê đó. Mà dù người ta có thuê, ba tôi cũng từ chối thù lao. Ba tôi sống bằng tiền trợ cấp của sở lao động - thương binh và xã hội dành cho một người lính thương tật. Ai cũng lấy làm lạ và ái ngại cho ông. Người ta chẳng hiểu rồi ông sẽ vượt qua khó khăn bằng cách nào ?
Có lẽ hiểu rõ lòng ba tôi chính là những đồng đội, các liệt sĩ đã yên nghỉ trong nghĩa trang này. Ông yêu cuộc sống mà ông đã ra sức bảo vệ. Ông trân trọng những con người đã thật sự hy sinh cho mọi người. Và, ba tôi hy vọng, biết đâu, một trong những nấm mồ khuyết danh ở cuối góc nghĩa trang kia chính là ngôi mộ của một người mà ba yêu quý nhất đời, đã mất tích. Người đó là mẹ tôi!

CHUYỆN CỦA BA NGƯỜI

Tác giả: Lê Dân Sinh

Đó là chuyện của một bà lão, một thanh niên và một đứa bé.
Họ cùng với hai bà lão khác nương náu trong một căn nhà của trung tâm xã hội tỉnh. Căn nhà không rộng lắm, nhưng được bày biện rất gọn gàng. Kể ra, gọn gàng cũng phải, bởi tài sản của những người già yếu, tứ cố vô thân đâu có gì ngoài túm quần áo, năm ba cái tô chén, vài đôi đũa, vài cái soong nồi để sinh hoạt hằng ngày, có đáng là bao!
Bà lão đã hơn tám mươi, nay ốm mai đau, sống dật dờ như ngọn đèn treo trước gió. Gặp tôi, bà tỏ vẻ mừng rỡ, giọng thều thào tôi nào nghe được.
Còn đứa bé cứ ngây ra mà ngủ trong cái chuồng nho nhỏ.
Cũng nhờ tâm sự của anh thanh niên kia, tôi mới hiểu được nỗi bất hạnh của ba con người ấy. Nghe chuyện, nước mắt tôi cứ lưng tròng.
Bà lão anh gọi là vú, đứa bé anh gọi là con. Gọi vậy, người ta có thể hiểu ngay rằng bà lão là nội của đứa bé và là mẹ anh thanh niên. Nhưng không, ba người hoàn toàn xa lạ, nói trắng ra, họ đều là người dưng với nhau cả.
Chuyện kể ra cũng khá dông dài.
Bà lão mồ côi cha mẹ từ hồi nhỏ. Đến năm hai mươi tuổi bà chẳng chịu lập gia đình, buồn quá, bà khăn gói vào cô nhi viện sống nghề nuôi giữ trẻ.
Anh thanh niên gặp bà lão trong trường hợp đó.
Thời ấu thơ hồn nhiên của anh là một chuỗi ngày dài bất hạnh, đầy bi đát. Là đứa con bị ruồng bỏ từ lúc mới ra đời, anh sớm mất đi cái hơi ấm nồng nàn của mẹ, không được hạnh phúc ngậm bầu sữa mẹ, có đâu nghe được tiếng mẹ ru hời và làm gì có được tháng ngày sống trong vòng tay âu yếm của cha mẹ? Tuổi thơ lặng lẽ đi qua trong cô nhi viện. Người trực tiếp đùm bọc, nuôi dạy anh chính là bà lão. Công lao trời biển ấy anh không bao giờ quên được.
Những ngày đầu mới giải phóng, trong buổi giao thời ở cô nhi viện có sự thay đổi, xáo trộn. Số trẻ mồ côi khoẻ mạnh, bình thường thì được người ta lãnh nuôi, số trẻ tàn tật bỏ đi tứ tán. Bà lão và anh thanh niên trở nên lạc lõng. Biết về đâu bây giờ khi mà không có ai thân thuộc, nên họ đành ở lại trong căn phòng nhỏ của cô nhi viện. Lúc ấy, anh được mười lăm tuổi và bắt đầu phải vật lộn với cuộc sống bằng công việc làm thuê.
Không bao lâu, cô nhi viện bị xoá sổ. Trong lúc không chốn nương thân, bà lão lại phát bệnh. Bệnh viện tỉnh thương tình giúp đỡ thuốc men, điều trị và cho bà cùng anh ở nhờ.
Ngày ngày, không ngại cực khổ, anh làm thuê bất cứ công việc gì, chắt chiu từng đồng bạc để cùng bà lão sống lây lất qua ngày.
Đến năm 1991, người ta cho bà lão vô ở trong trung tâm xã hội tỉnh, anh không làm thuê nữa, mà đi bán bánh mì. Bà lão ngày thêm già yếu, mỗi lần bà ngã bệnh là anh đau xé lòng. Vốn, lời anh đều chắt mót mua thuốc cả. Có lần không đủ tiền, anh phải bán đổ, bán tháo cái tivi trắng đen mà anh đã dành dùm mấy năm trời mới mua được.
Tắm rửa, giặt giũ, chăm sóc bà lão là công việc vất vả hằng ngày, nhưng anh không hề than vãn, chỉ mong sao bà mạnh khoẻ là vui rồi.
Ngày tháng âm thầm qua mau.
Một hôm, người ta thấy anh thanh niên bồng đứa bé trai về nuôi. Hỏi ra, mọi người mới biết đó là phiên bản của cuộc đời anh. Thằng bé bị cha mẹ bỏ rơi trong bệnh viện. Đồng cảm với số phận đắng cay nghiệt ngã ấy, anh xin nó về nuôi nấng.
Biết ơn bà lão, đồng cảm với đứa bé mồ côi, anh lấy việc buôn bán kiếm sống hằng ngày làm nguồn an ủi. Đôi chân anh dường như đã lê khắp hang cùng ngõ cụt của thị xã Bến Tre nhỏ bé này.
Bốn mươi tuổi, vẫn không vợ (tình cảnh anh như thế, ai dám cùng anh xây dựng gia đình?), tương lai của anh vẫn là cái nghèo khổ, nhọc nhằn, vất vả và sống kiếp ở nhờ.
Một cảnh đời nghèo khó, ba số phận nghiệt ngã, đắng cay. Tất cả không họ hàng, thân thuộc. Thế mà, họ vẫn hình thành một mái ấm gia đình đủ ba thế hệ chung sống với nhau và mang cùng một họ. Bà lão tên là Nguyễn Thị Vọng. Lúc nuôi nấng, bà đặt tên anh thanh niên là Nguyễn Văn Don và rồi anh thanh niên nuôi đứa bé, anh khai sinh nó là Nguyễn Kim Thành.
Ba con người bất hạnh ấy nối kết với nhau bằng một “tài sản” vô giá : trái tim lương thiện của con người.

KHÔNG CHỈ SỐNG VÌ MÌNH

Tác giả: Trường Giang ( Ng. Thị Dũng)

Giữa năm 1994, túc trực bên mẹ ngày đêm ở khoa chiếu xạ, bệnh viện ung bướu, thầy Tân bao lần trào nước mắt bất lực nhìn những cơn đau vật vã của người mẹ già. Thầy ngửa mặt lên trời, cầu cùng trên trước “xin Trời Phật phù hộ cho mẹ con lành bệnh, con nguyện sẽ ở lại làm công quả cho bệnh viện, cụ thể là khoa phục nữ này năm năm…” Bệnh ung thư đã đến cấp độ 3 mấy ai chữa khỏi… Thầy đưa mẹ về nhà, tự tay sớm hôm săn sóc mẹ những ngày tháng cuối đời. Vợ thầy, con thầy không phải quên bổn phận dâu, cháu, mà vì thầy muốn mẹ được chăm sóc bằng chính tay đứa con trai mẹ đã rứt ruột sinh ra. Mẹ thầy nhắm mắt xuôi tay . Tang chế xong xuôi, thầy trở vào bệnh viện.

Mỗi ngày, từ lúc 5 giờ sáng người ta đã thấy thầy đi gom bình thuỷ của các bệnh nhân khoa chiếu xạ ra cổng mua nước sôi. Xong, thầy lại xách bốn xô nước máy để cuối phòng cho các bệnh nhân lau rửa. Rồi lại tất bật đến từng giường những người bệnh không có thân nhân đi theo chăm sóc để hỏi họ ăn gì thầy đi mua. Hôm nay bác sĩ cho đơn thuốc gì?…Thầy làm tất cả mọi việc mà người bệnh không tự mình đảm đương nổi. Từ chuyện đi mua đồ ăn, nước uống cho tới bao nhiêu chuyện dơ bẩn khác như đổ bô, tắm rửa, làm vệ sinh, giặt giũ, thầy không nề hà, không một cái nhíu mày cau mặt. Hơn cả người nhà, thầy Tân là người gần gũi với họ nhất, nhẹ nhàng, điềm đạm với họ nhất, những người phụ nữ trong cuộc chiến đấu với tử thần.

Một tháng ba chục ngày, thầy phải làm xong xuôi mọi việc trước 8 giờ rưỡi sáng để đến đúng giờ đó, thầy đạp xe đến lớp, thực thi bổn phận của một người thầy dạy Anh ngữ. Hai anh học trò thân cận nhất của thầy Tân, thương thầy vất vả cũng thu xếp công việc để dành thời gian rảnh rỗi tới giúp thầy. Chỉ một tuần lễ là mtừ thiên bên thầy đủ để họ quyết định…Vậy là thành một sư phụ với hai đệ tử đi làm công quả trong bệnh viện này.

Sáu giờ tối, kết thúc các cua dạy học của mình, ba thầy trò lại có mặt ở bệnh viện. Tất cả số tiền thầy làm ra, ngoài việc chi dùng cho các nhu cầu tối cần thiết của gia đình, thầy dành hết vào việc thuốc men, ăn uống cho bệnh nhân. Một phụ nữ Êđê nằm viện một thân một mình, bòn vét từng quả bơ, trái bắp, ôm cả con chó giữ nhà duy nhất xuống thành phố bán để lấy tiền nằm viện, không có tiền ăn cơm nói chi tiền mua thuốc. Thầy vét trong túi áo ra còn bảy chục ngàn, thầy đưa cho chị mười nghìn rồi cầm đơn thuốc chị đưa, thầy đi xuống quầy bán thuốc. Nắm bàn tay gầy guộc, khô đét của người phụ nữ miền núi, thầy động viên “Chị đừng khóc nữa. Sẽ hết bệnh để về với cái nương, cái rẫy mà”…

Mỗi tuần vào ngày thứ bảy, từ những đồng lương giáo viên của mình, ba thầy trò mua bột đậu xanh, đường gửi cho các bệnh nhân của khoa. Thầy nắm danh sách khoa còn rành hơn bác sĩ. Khoa này tổng số bao nhiêu bệnh nhân, mỗi phòng có mấy người, tên tuổi quê quán, hoàn cảnh, bệnh tình của mỗi người ra sao. Một thầy hai trò, sáng sáng lại đi gom, khuân một đống quần áo dơ bẩn của các nữ bệnh nhân không có người theo nuôi đi giặt. Nhiều người nàh gớm không giặt cũng đùn cho thầy, có người ỷ có thầy rồi bỏ về nhà luôn, không để lại một đồng tiền cắc bạc. Thầy vẫn vui vẻ giúp đỡ tất cả. Khi giặt đồ, ba thầy trò đứng dọc theo ba bồn, thầy đứng giặt ở bồn thứ nhất, nước đầu tiên, sau đó mới liệng qua anh kế tiếp. Thầy nhận luôn việc đi phơi và trả đồ cho từng bệnh nhân mà chưa hề làm lẫn lộn của ai.

Bệnh nhân khoa này, người họ gọi đến đầu tiên khi cần giúp đỡ là : “Thầy Tân ơi…” để được đáp lại ngày tức thời : “Cô (dì, má) cần gì con…?”

Chú Nguyễn Quang Phục, người nhà của cô Tiến từ Phú Mỹ, Bình Định vào đây chữa bệnh, kể lại :

Tôi là thằng đàn ông thương vợ, chăm sóc cho vợ mà người ta phải bầu là “người đàn ông trong năm” khi tôi theo nuôi vợ ở bệnh viện tâm thần Sông Ngang mà vô đây phải tự động đứng dưới thầy. Bảy tháng trời theo nuôi bà xã ở đây , tai tôi nghe, mắt tôi thấy những việc thầy làm, tôi kính phục và thương thầy quá. Cho nên tôi rất nóng mắt trước những thân nhân đi nuôi người bệnh mà gớm những thứ dơ bẩn rồi tránh xa, để thầy lẳng lặng hứng lấy. Nhiều lần tôi bất bình kêu người đó ra nói nặng “Sao lại có thể vô liêm sĩ mà lợi dụng lòng tốt của người ta quá như thế?”. Thầy nghe được lại chạy tới can, tôi xót xa cho thầy : “Thầy tốt quá, nhưng đừng để người ta lợi dụng như vậy rồi quay lại họ còn cười mình dại”. Thầy cười : “Kệ người ta anh à, tôi giúp là giúp những người bệnh, họ cần mình. Còn những người khoẻ mạnh, ăn ở ra sao, kệ họ. Phần lớn những bệnh nhân ở đây, rất ít người vào viện mà khoẻ mạnh trở ra. Những khi đớn đau vật vã lúc cuối đời, mình giúp đỡ an ủi được phần nào cũng làm giảm nhẹ nỗi đau thể xác, tinh thần cho họ được phần đó.”

Thầy làm công quả như bổn phận của thầy, vợ con thầy không thông cảm được và không thể nào chấp nhận nổi việc thầy cứ suốt ngày ở bên người bệnh ung thư, làm ra đồng tiền cắc bạc nào đem đổ hết cho những người không họ hàng quen biết. Con thầy rằn rựt :

Hồi đó ba hứa với Trời Phật là hứa nếu nội lành bệnh, chớ mà nội có lành đâu, mắc mớ gì ba phải vô trỏng làm công quả?

Con ơi, tất cả những việc làm bây giờ, không phải vì lời hứa với ai hết, mà vì những người bệnh đó họ cần ba. Con vô đó con coi, con mới biết con người ta tội nghiệp, con người ta đau khổ tới mức nào. Ba không thể sống sung sướng nếu như ba chỉ là một kẻ đi bố thí. Xin bà và các con, nếu không giúp tôi được thì hãy thông cảm, để tôi được tiếp tục…

Nắm tay người mẹ già xứ Kiên Giang, nhìn vào sắc mặt, thầy biết bà khó lòng qua khỏi. Thầy chạy vội ra chợ Bà Chiểu mua cho cụ một bộ quần áo mới. Đặt thau nước ấm xuống nền nhà thầy đỡ bà cụ dậy. Thấy một mình khó có thể làm vệ sinh cho cụ được, thầy hỏi : “Có ai là thân nhân của cụ không? Lại giúp tôi một tay”. Cô con gái út theo nuôi mẹ gớm máu mủ, gớm mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc đứng trốn sau cánh cửa. Thầy hỏi đến hai lần vẫn không nghe ai đáp lời. Bệnh nhân trong phòng ào lên gọi tên, có người tức mình mắng cô con gái, cô ta khóc, chạy vụt xuống cầu thang. Người học trò vừa đi mua thuốc cho bệnh nhân vào, lật đật chạy lại giúp thầy. Lau rửa sạch sẻ, thay đồ mới cho bà cụ xong thầy ngồi trực bên cụ. Ba giờ sau, cụ ra đi. Trong thời khắc hấp hối, bà cụ không căn dặn lại được điều gì, chỉ dựa vào lòng thầy, nước mắt rỉ ra đục ngầu từ đôi mắt đã cạn : “Thầy ơi, tôi phụ ơn thầy, tôi…đi…tôi, cướp, cướp ơn thầy rồi!” . “Má!” - thầy trào nước mắt nghẹn ngào. Ba năm qua thầy có mặt ở các khoa này, trong bệnh viện này, bao nhiêu lần thầy đưa tiễn người bệnh - những con người thầy nâng đỡ từng bữa ăn giấc ngủ - ra đi, bao nhiêu người đã nói câu nói đó trong phút lâm chung. Thầy ôm lấy bà má Kiên Giang, ngửa mặt lên trời mà trào nước mắt. “Xin Phật Trời cho con khoẻ mạnh, để con suốt đời đi làm công quả!”

Lời người viết truyện :
Câu chuyện trên tôi viết về thầy Tân, người làm công quả ở bệnh viện Ung Bướu. Còn nếu như ai có thái độ giống tôi khi mới được nghe chuyện, “trăm nghe không bằng một thầy” thì xin hãy vào bệnh viện hỏi khoa phụ nữ thì từ người già đến con nít, họ sẽ tranh nhau nói cho bạn nghe, nói rất chi tiết, rất cụ thể. Và bạn sẽ được họ chỉ cho người đàn ông gần bốn mươi tuổi, dáng vẻ nhỏ nhắn thư sinh mang đôi kiếng cận, tánh tình hiền hậu, vui vẻ - người đàn ông mà không bao giờ chịu nói về mình, không cho biết họ tên, địa chỉ, không cho bạn giơ máy chụp một tấm hình và cũng không chịu nhận mình là “ông thầy Tân” của những người bệnh ở đây.

TIẾNG RAO ĐÊM

Tác giả: Nguyễn Lê Tín Nhân

Gần như đêm nào tôi cũng nghe tiếng rao ấy vang lên khắp xóm vắng : Ba…ánh…gi….o…ò…ò…! Tiếng rao đều đều, khàn khàn kéo dài trong đêm khuya tĩnh mịch nghe buồn não nuột, tưởng như tiếng cò, tiếng vạc kêu sương! Tôi bỗng nhớ lời hát ru của mẹ : “Con cò mày đi ăn đêm…” và trong lòng dâng lên niềm thương cảm người bán hàng rong quen thuộc mà xa lạ…
Canh ba đêm ấy, trong giấc ngủ mơ màng, vọng bên tai tôi vẫn là tiếng rao khàn buồn ấy, rồi bỗng chốc là những tiếng động khác thường, tiếng người la hốt hoảng to dần thành những âm thanh ồn ào, ầm ĩ. Tôi bừng mở mắt, ánh lửa bập bùng sáng rực đầu ngõ nhà tôi cùng với tiếng la thất thanh, hoảng loạn, tiếng nổ lép bép, đùng đùng… “Cháy! Cháy!”…
Cả nhà tôi thức dậy, đổ ra đường. Tôi chạy theo. Mẹ tôi gọi các con í ới. Ngôi nhà gần đầu hẻm đang bốc lửa phừng phừng. Người ta mang đủ thứ : sô, chậu, xoong, nồi…thi nhau đổ nước ào ào vào căn nhà đang bốc lửa. Người chạy đi, chạy lại huỳnh huỵch, hối hả. Có tiếng kêu cứu thảm thiết từ sau cánh cửa ngôi nhà đang cháy. Trong ánh lửa, tôi thấy một bóng người cao, gầy, khập khiểng lao tới xô cánh cửa đổ rầm, bóng mấy người thoáng chạy vụt ra, cái khung cửa ập xuống, khói bụi mịt mù…
Trong những tiếng ồn ào hỗn độn của đám đông người, nổi lên tiếng kêu xé ruột của người mẹ gọi con! Bà lăn lộn giữa đường kêu khóc, cầu cứu! Ông chồng chạy loăng quăng như mất hồn và rống lên những âm thanh đứt đoạn…
Khi những đội viên dân phòng ào ạt kéo tới, với những thao tác thành thạo, ngọn lửa được khống chế không lan qua các nhà bên, nhưng tại ngôi nhà kia vẫn rừng rực lửa. Ông bà chủ nhà ôm nhau quỳ gối ngoài đường rũ rượi, rên rỉ, và ngất lịm…Bỗng từ trong nhà, cái bóng người cao gầy, khập khiểng, lom khom cúi gập như che chở vật gì phóng thẳng ra đường. Qua khỏi thềm nhà, người đó vừa té quị thì cùng lúc một cây dầm sập xuống, ánh lửa sáng bừng lên. Mọi người xô đến, mau chóng dập tắt những đốm lửa nhỏ chấp chới trên người nằm đó, ai nấy bàng hoàng thét lên thất thanh vì trong cái bọc chăn mùng còn vương vất khói mà người đàn ông ôm khư khư trong lòng là một đứa bé mặt mày nám khói đen nhẻm, thất thần, khóc không thành tiếng! Vợ chồng chủ nhà bừng tỉnh, nhảy tới vồ lấy đứa con của họ và chạy biến khỏi đám đông. Mọi người tíu tít khiêng người đàn ông xa nơi đám cháy. Người ông mềm nhũn, nằm im lìm, bất tỉnh. Người ta xúm lại cấp cứu cho ông. Có ai đó thảng thốt kêu lên : “Ô… này!” . Chưa ai hiểu gì! Một người cầm cái chân cứng nhắc của nạn nhân giơ lên : thì ra là cái chân gỗ! Mọi người hiểu ra : đó là một người tàn tật…
Vừa lúc đoàn xe cứu hoả rú còi inh ỏi ầm ầm kéo tới thì đám cháy đã tàn. Người ta tập trung cứu chữa người bị nạn. Nạn nhân được gỡ bỏ quần áo và đắp lên chiếc mền sạch sẽ. Người ta lần tìm tung tích nạn nhân. Anh công an lấy ra từ túi áo người bị nạn một mớ giấy tờ. Mọi người chụm lại và tất cả đều bàng hoàng , thảng thốt khi thấy trong xấp giấy tờ tuỳ thân có một tấm thẻ thương binh! Bây giờ người ta mới để ý tới chiếc xe đạp nằm lăn lóc ở góc tường và những chiếc bánh gió tung toé bẹp gí lăn ra từ chiếc sọt dúm dó cột sau xe!… Lúc này mọi sự đã rõ ràng : người bán bánh giò là một thương binh mất chân bên phải! Chính anh là người phát hiện đám cháy lúc khởi đầu, đã báo động và cứu cả một gia đình thoát nạn! Đúng lúc chiếc xe cấp cứu trờ tới và vút chở nạn nhân đi…
Mấy ngày sau tôi theo mẹ và bà con trong xóm vào bệnh viện thăm chú thương binh ấy. Chú nằm trên giường, vẻ đau đớn vì thân thể gần như bất động. Vợ chú gầy guộc, hai mắt quầng thâm, bế đứa con nhỏ đứng ở chân giường. Trên chân trái còn lại và khắp thân mình chú phủ đầy những miếng gạc tẩm thuốc vàng khè! Đứa bé mà chú cứu sống được cha nó bế trên tay tròn xoe đôi mắt ngơ ngác nhìn mọi người, nhìn vị cứu tinh của nó! Cha mẹ đứa bé nói lên lòng biết ơn sâu xa. Bà con lối xóm nói những lời khen ngợi chân thành. Chú thương binh dường như không để ý tới những lời khen, với đôi mắt đằm thắm và âu yếm, chú nhìn đứa bé và đưa mắt nhìn đứa con vợ chú đang bế trên tay, chú nói từng tiếng nhỏ nhẹ, chậm rãi và rõ ràng : “Chuyện đó đâu có gì đáng nói! Xin cảm ơn bà con, cô bác…!”
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 79
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com