watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:36:3528/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tâm Hồn Cao Thượng
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 4 trong tổng số 6

NHẬT KÝ VỀ MẸ

Tác giả: Hoàng Ngọc

Ngày…
Mẹ ơi, tháng bảy rồi đó mẹ!
Con lấy chồng xa, lâu lâu mới về thăm mẹ. Gần năm mươi tuổi đầu mà nói thương nhớ mẹ khôn nguôi thì sẽ có người cười phải không mẹ ?
Thuở nhỏ, con thường hay theo mẹ lên chùa tụng kinh Vu Lan. Tháng bảy Vu Lan - mùa báo hiếu ! Nghe thầy nói chiều nào thầy cũng lạy Phật cầu cho cha mẹ siêu thoát, con tự nhủ mình sẽ luôn ở bên mẹ để phụng dưỡng mẹ chứ không bỏ mẹ mà đi tu như thầy. Rốt cuộc rồi con cũng bỏ mẹ mà đi…lấy chồng.

Ngày…
Hôm nay là ngày đầu tiên Thục Vy đến trường. Nhìn nó tung tăng cùng các bạn vào lớp học con thấy nhớ mẹ. Ngày mẹ dắt con đến trường sao mà thiêng liêng quá ! Đối với con cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng lạ lùng. Thấy chiếc xe đò to cao từ từ chạy tới, con thét lên run rẩy… Mẹ ôm chặt con vào lòng che chở, vỗ về. Trước khi cô giáo bước vào lớp mẹ còn nhét vào cặp con nửa ổ bánh mì thịt, mẹ sợ con bị đói. Hôm đó, cô giáo không cho chúng con ăn trong lớp, mẹ đâu có biết.
Ngày…
Con chuẩn bị cho Thục Vy vào đại học. Nó đã lớn, cuộc sống ở ký túc xá rồi nó sẽ quen như con khi xưa… Lúc đầu, chủ nhật nào con cũng về thăm mẹ. Rồi hai tuần, ba tuần, có lúc năm sáu tuần. Tháng nào mẹ cũng gửi thư, gửi tiền, mẹ viết cho con rằng mẹ chỉ sợ con đau ốm. Con đâu biết rằng mẹ ngày ngày vì thương nhớ con, mẹ ngồi vuốt từng sợi tóc rụng của mẹ thành một búi đầy…Mẹ ơi, con thương mẹ !
Ngày…
Thục Vy nó dắt bạn trai về nhà giới thiệu với con. Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của nó con thấy chạnh lòng. Con có quá ích kỷ, hẹp hòi lắm không mẹ ? Ngày trước, khi anh ấy về nhà mình mẹ còn vui hơn cả con nữa! Con bị choáng ngợp trong không gian toàn là hình ảnh của anh ấy. Con như con chim sơn ca líu lo vui hát. Trong mắt con, trong lòng con, xung quanh con tràn ngập ánh sáng, hương hoa, mật ngọt của tình yêu. Mẹ ơi, con khóc rồi ! Đâu có mẹ lau nước mắt vỗ về con nữa! Khi những giọt nước mắt ghen hờn, ích kỷ, tình thường chảy xuống, con thấy thương mẹ vô vàn. Thục Vy nó đã lớn, nó đã rời xa vòng tay yêu thương của con. Con biết nó có khung trời riêng của nó, nó có bè bạn, hẹn hò… Nó là con ngày xưa : mẹ cho tiền, mẹ may quần áo, mẹ nhắc đi ngủ, mẹ đi họp phụ huynh, ôm mẹ mà ngủ cho ấm, mẹ ơi con thèm món này, con thích món kia, giận dỗi, hờn lẫy… Con bây giờ như cái bóng mờ nhạt bên Thục Vy, một cái bóng không thiếu được. Ngày xưa, con vô tâm đến nỗi…con làm sao thấy được những giọt nước mắt thầm lặng của mẹ, làm sao hiểu được tấm lòng cao cả, sự hy sinh vô bờ bến của mẹ ?
Ngày…
Tiệc cưới đã tan. Căn nhà của con sao trống vắng lạ. Nhìn những đồ dùng của Thục Vy con nhớ nó da diết… Con lại khóc. Ngày con hớn hở, tươi cười cắp tay người yêu bước lên xe hoa mẹ không tỏ vẻ gì không vui. Ngược lại, mẹ luôn nhìn con và mỉm cười, ánh mắt đầy vẻ thương yêu. Con đang lo cho Thục Vy. Lần đầu tiên về sống trong căn nhà xa lạ nó có quen được không? Nó ăn uống ra sao? Nó có làm điều gì sai quấy khiến người ta phiền trách không? … Nỗi lo cứ trĩu nặng trong lòng con. Khi xưa mẹ dạy con nấu ăn, may vá, thêu thùa, dạy con đi đứng, nói năng… Mẹ sợ người ta chê con gái mẹ hư. Con cằn nhằn : Con chỉ là con gái mẹ thôi!
Ngày…
Thục Vy đã sinh được hai ngày. Con đã chăm sóc nó như mẹ đã từng chăm sóc cho con. Lúc sinh Thục Vy, người đầu tiên con nhìn thấy khi vừa mở mắt ra là mẹ, nhưng người mà con muốn nhìn thấy hơn ai hết là Thục Vy. Tất cả đối với con lúc đó chỉ là Thục Vy. Mẹ như một bà tiên hiền tốt bụng và rộng lượng, mang đến cho con sức mạnh và nghị lực để vượt qua sóng gió cuộc đời. Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Sai rồi, con đâu có mồ côi, con có mẹ mà!
….Rồi ngày dài tháng rộng, con nuôi Thục Vy lớn lên con mới thấu hiểu tấm lòng của mẹ. Đâu chỉ đơn giản kể rằng cho con bú, nhường chỗ ráo cho con, thức trắng đêm khi con quấy khóc, tắm rửa, giặt giũ, nhường món ngon cho con, lo lắng mỗi khi con đi đâu xa… Không đủ, chưa đủ và không bao giờ đủ !

HẬU SỰ

Tác giả: Dương Trần

Làng tôi là một dãi đất cằn cỗi nằm dọc bên bờ Phá Tam Giang mà sóng gió của nó đã xô vào tận trong ca dao : Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”.
Tôi về thăm quê, thăm gia đình giữa thời buổi rau cháo cầm hơi này. Sau bữa ăn sum họp đầu tiên, cha tôi vui mừng tâm sự : “Của chìm cha mẹ còn lại được ba chỉ vàng. Cha thấy đời sống ngày càng khó, sợ ăn thâm mất nên đã đem bán sắm được hai cái cỗ hậu sự cho hai ôn mụ (ông bà) rồi. Bây chừ thì có nhắm mắt cũng yên lòng”… Tôi lấy làm ngạc nhiên, thưa lại : “Sức khỏe cha mạ đã đến nỗi nào. Sự sống trước mắt ngặt nghèo thế này mà không chịu lo, cha lo chi cái chết chưa tới. Người chết thì để người sống lo cho, hơi đâu”…. Cha tôi trầm tư giây lát, rồi tiếp : “Con nghĩ rứa cũng phải, nhưng mà con chưa thấu hết nỗi khổ ở đời mô. Cha đã từng chứng kiến cái cảnh quá đau lòng khi con cái không sắm nổi cái hòm để chôn cất cha mẹ. Cha thấy mấy đứa con đứa mô cũng quá nghèo, cha không muốn tụi con phải khổ tâm… Thôi thì ăn mấy cũng hết…”
Lo cho con đến thế mà thân già cha mẹ tôi vẫn không yên, càng thêm khổ não. Cũng vì con cái mà ra cả. Trước hết là vì chú em tôi. Lúc đó chú đã tốt nghiệp cử nhân, đang dạy học. Chú ấy là niềm tự hào lớn của cha tôi. Không tự hào sao được khi một người nông dân quê nghèo nuôi con học hết đại học, phải trả cái giá cao biết mấy mới được như thế đấy. Vậy mà chỉ có một lần lâm bệnh là chú xuôi tay, bỏ lại vợ hiền con dại và nỗi đau vô bờ cho cha mẹ già. Chú trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay nâng niu của cha. Cha ôm con ngồi chết lặng!
Rồi cha tôi cố nén xuống nỗi đau, bảo : “Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, vợ con nó lấy mô ra để mà…”.
Thế là một cỗ hậu sự đem cho con, để con được ấm thân dưới ba tấc đất…
Rồi đến anh tôi. Anh ấy nguyên là giáo viên trung học đệ nhất cấp (cấp II), dạy học tại quê nhà, là người con có tiếng hiếu thảo trong vùng. Tưởng sẽ sống đời bên cạnh song thân, nhưn rồi anh bị tổng động viên phải làm ông sĩ quan. Dù anh ấy phải đi học tập cải tạo nhưng cha tôi vẫn vui mừng, bảo : “Học tập rồi sẽ về, vẫn còn có phước hơn nhiều người phải mất mạng mà chẳng được tích sự chi cả. Anh tôi trở về làm người nông dân chất phác, lấy một cô gái chân quê hàng xóm. Đó là cả nguồn an ủi lớn của cha mẹ tôi… Nhưng rồi cái phần số của anh cũng không hơn gì đứa em. Anh tôi bị ung thư gan cấp tính. Biết mình phải chết nhưng anh vẫn giấu cha giấu mẹ, anh bảo : “Bệnh đau bụng thường thôi. Bác sĩ dặn rằng nghỉ ngơi vài tháng thì khoẻ thôi, cha mạ đừng lo”. Lần hồi cha mẹ tôi cũng đoán ra điều bất hạnh. Nhưng đành chấp nhận nỗi tuyệt vọng chứ kêu than cũng không thấu trời!
Thêm một cỗ hậu sự nữa cho con. Thế là hết!
Cha tôi là người có học. Dù chưa đạt bậc nho gia nhưng cũng là người hiểu biết đạo lý làm người. Và, chính sự hiểu biết ấy làm cho cha tôi đau khổ hơn. Khổ vì mất con đã đành, đằng này cha tôi phải khắc khoải, tự thắc mắc hoài : “Vì rằng mình phải chịu cảnh vô phần bạc phước như ri ? Một đời mình luôn lấy điều nhân nghĩa mà sống thì vì cớ chi? Đôi lần, tôi cố tìm lý lẽ để xoa dịu phần nào nỗi khổ vô bờ ấy. Tôi phân bua rằng triết lý nàh Nho chỉ dạy cho chúng ta sống chân chính thôi chứ không thể giải thích được chuyện sinh tử đâu. E cũng phải tin cuộc đời này là cõi tạm, chết chưa hẳn là hết. Biết đâu…
Ai mà biết được những gì còn tiếp diễn sau khi chết? Trước mắt đó là cái mất đi không bao giờ tìm lại được. Là vĩnh biệt!
Anh em tôi còn lại ba người. Thời buổi khó khăn đã qua. Cha mẹ tôi đã vào tuổi thượng thọ. Có một dịp chúng tôi ngồi lại với nhau dưới mái nhà xưa đã phong rêu ấy. Chúng tôi bàn nhau đóng góp người ít kẻ nhiều để sắm trước cho cha mẹ đôi cỗ hậu sự, dù sang dù hèn đấy cũng là chút an ủi tuổi già. Anh cả tôi đồng ý ngay vì hiểu rằng tính cha tôi ưa lo xa, nhưng giờ thì không tự lo nổi nữa rồi. Lại nữa, giờ chỉ còn mình anh cả ở lại quê nhà, lỡ cha mẹ nằm xuống đột ngột thì khó bề bàn tính với hai em. Lo trước được gì thì nên lo.
Anh cả tôi đứng ra thưa chuyện với cha mẹ. Mẹ tôi lắc đầu. Cha tôi cũng từ chối. Cha tôi bảo : “Thời buổi bây chừ đã thuận tiện lắm rồi, không cần phải sắm trước làm chi mất công canh giữ mối mọt. Tới đó hẵng hay. Với lại, sức khoẻ của cha mạ coi bộ cũng còn khá, còn chống chỏi được mà…”
Cha tôi không muốn nhắc tới chuyện chết nữa. Chúng tôi hiểu ra là cha mẹ tôi bị cái ấn tượng hãi hùng : hễ sắm trước quan tài là phải đem dùng chôn con. Đừng bắt cha mẹ phải chứng kiến thêm một lần nào nữa cái cảnh lá xanh rụng xuống, là vàng trên cây!
Ôi, có một loại nghĩa tử mà nghĩa không bao giờ tận….!

NGƯỜI BÁN TUỔI THƠ

Tác giả: Trần Nhã Thuỵ

Mãi cho đến sau này, khi đã sống nhiều năm xa quê, tôi mới thật sự hiểu một điều giản dị : những bí ẩn của đời sống là ở chính sự hồn nhiên. Trong ký ức, tuổi thơ như một vùng sáng lung linh, kỳ diệu. Nói về điều này, tôi xin kể một câu chuyện về người bạn tuổi thơ của tôi.
…Đó là những ngày tháng của năm cuối bậc tiểu học. Dạo ấy trong lớp tôi đột nhiên xảy ra hiện tượng mất cắp vặt. Khi thì cây thước kẻ, khi thì chiếc compa, có khi lại là một cuốn truyện tranh. Các bạn trong lớp tỏ ý bất bình lắm nhưng chưa tìm ra được thủ phạm. Cho đến một hôm chính bản thân tôi bị mất một cây bút Kim Tinh mà người cậu vừa mới tặng. Tôi vừa buồn vừa sợ bảo cả lớp hãy mỏo cặp sách cho cô khám xét. Tôi đi theo chân cô giáo. Lớp học lào rào tiếng mở cặp, tiếng xì xầm bàn tán, nghi vấn…Chợt có một người không chịu mở cặp cho cô khám xét. Người ấy là Hạnh, cô bạn ở cạnh nhà tôi. Hạnh là một cô bé học lực trung bình nhưng đặc biệt mê đọc truyện. Cô bé rất thích những đồ vật lung linh, đẹp đẽ hay mơ màng. Có một lần đi hốt trấu, không biết mãi mơ tưởng điều gì, hay vì quá mệt mỏi mà Hạnh ngủ thiếp đi, trấu phun ra phủ kín cả người. Cho đến khi người đi hốt trấu đến sau phát hiện ra thì cô bé vẫn còn ngủ. Từ đó bọn trẻ trong xóm tôi gọi trêu Hạnh là con trấu.
….Mặt Hạnh tái mét. Cô giáo lấy chiếc cặp mở toang ra. Và tôi thấy có cây bút của mình ở trong đấy. Cả lớp làm ầm lên. Cô giáo bảo cả lóp im lặng. Cô hỏi Hạnh : “Tại sao em lại lấy cắp của bạn? Những lần trước có phải em lấy cắp không?” Hạnh ràn rụa nước mắt, giọng đứt quãng : “Dạ! Thưa…em không lấy cắp…Em nhặt được ạ!”…Cô giáo bảo : “Em đừng nói dối nữa. Mà nếu nhặt được của rơi thì phải trả lại cho người đánh mất chứ. Em làm cô thất vọng quá…”. Từ đó lớp tôi gọi Hạnh là con ăn cắp. Mọi người bắt đầu xa lánh nó. Tôi cảm thấy buồn buồn.
…Rồi một hôm đang giờ học, Hạnh mang lên cho cô giáo một hộp bút chì màu bảo là nhặt được. Cô giáo hỏi có ai đánh rơi không. Cả lớp lắc đầu. Cô giáo mang lên cho ban giám hiệu. Tuần sau, Hạnh lại mang lên một cuốn tập mới, bảo là nhặt được. Nhưng lớp tôi lại không có ai đánh rơi cả. Tiếp đến Hạnh mang đến lớp một số tiền nhặt được. Lần này thì có thằng Toàn lác đứng lên nhận. Cô giáo tuyên dương Hạnh. Các bạn không còn xa lánh Hạnh nữa. Nhưng tôi vẫn thấy Hạnh buồn lắm. Thỉnh thoảng Hạnh lại mang đến lớp những đồ vật mà nó nhặt được. Có khi có người đứng lên nhận. Có lúc tôi cảm thấy dường như mình có lỗi với Hạnh (!).
…Một hôm, tôi đang ngồi ở nhà học bài thì thấy mẹ Hạnh hớt hãi chạy sang xin mẹ tôi một củ gừng. Hạnh bị cảm lạnh. Tôi cũng theo mẹ chạy sang. Hạnh đang nằm trên giường, người lạnh ngắt, hơi thở yếu ớt, nước mắt nhoè nhoẹt. Sau một hồi được cạo gió, xoa dầu và đổ nước gừng vào miệng thì người Hạnh ấm lại dần rồi chìm vào giấc ngủ mệt nhọc. Mẹ Hạnh kể dạo này hễ đi học về là Hạnh tranh thủ đi hốt trấu hoặc ra ruộng bắt cua về bán, dành dụm tiền để ủng hộ cho các bạn nghèo, học giỏi. Hạnh vừa nhờ mẹ mua một chiếc khăn tay mới để tặng bạn… Tôi ngồi nghe và dần dần vỡ lẽ. Thì ra bấy lâu nay Hạnh không hề nhặt được của rơi. Hạnh âm thầm kiếm tiền mua đồ mang đến lớp bảo là nhặt được. Hạnh muốn chuộc lại lỗi lầm của mình(!). Tôi lại nhớ đến nụ cười của thằng Toàn lác khi nhận tiền và ánh mắt thật buồn của Hạnh. Tôi đoán chắc thằng Toàn lác là thủ phạm chính, còn cây bút của tôi có thể là Hạnh đã nhặt được (?) . Tôi buồn quá, bật khóc.
…Tôi định đem sự thật câu chuyện để kể cho cô giáo và các bạn nghe. Nhưng rồi không hiểu sao tôi lại lặng im. Hạnh cũng không nhặt được thêm cái gì nữa. Hoàn cảnh gia đình nó càng lúc càng khó khăn. Rồi Hạnh nghỉ học, theo gia đình đi vùng kinh tế mới… Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ đến tuổi thơ tôi lại nhớ đến Hạnh, nhớ con trấu, con ăn cắp….như nhớ một bài học tuổi thơ, một kỷ niệm khó phai mờ.

BỐN NĂM CÕNG BẠN ĐI HỌC

Tác giả: Võ Thành An

Bốn năm trước tôi biết đến em, hồi em học ở cấp II, từ năm lớp 6. Tôi đã có những dự định làm được việc gì đó cho em. Nhưng thời gian thì vẫn cứ trôi, còn tôi phạm phải tội vô tình.
Nguyễn Trường Thành hiện là học sinh lớp 10 A1 của trường trung học Nguyễn Hữu Cảnh, Huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Bị liệt năm lên hai, đôi chân Trường Thành dần teo lại, mọi sự di chuyển phải lết. Điều an ủi của gia đình khi em lớn lên theo học ở trường làng là liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, lại rất hiếu học.
Dạo năm 1993 khi trường cấp II xã Long Điền B giải thể, hoàn cảnh nghèo, cha mẹ em không đủ điều kiện cho ra trường thị trấn để học, đến mười cây số. Trong khi đường quê đi lại hết sức khó khăn, nhất là gặp ngày mưa đường trơn, lầy lội. Gia đình bốn nhân khẩu với hai công rưỡi đất ruộng, cha Thành phải đắp đổi thêm bằng nghề sạt bình. Lo ăn đã khó, huống nữa lo học. Đôi chân Trường Thành mang tật, ai sẽ đưa đi học hàng buổi. Quá cường điệu không khi tôi gọi Trần Hoà Hậu là vị cứu tinh. Em đến không đem theo hào quang chói loà mà xuất phát từ tình bạn hữu, một tấm lòng đầy nhân ái. Bốn năm liên tục cõng bạn đi học. Đưa được bạn lên yên xe đạp đã khó, gặp những chiếc cầu cao miệt kênh rạch này, người bạn nhỏ 12 tuổi ấy gò lưng vì không muốn Trường Thành xuống xe lết qua cầu. Đến trường, gởi xe xong, Hoà Hậu đến bên bạn khom lưng thật sát đất cho tay Trường Thành vòng qua cổ để Hậu cõng vào lớp học. Công việc Hậu làm cẩn mẫn chẳng cần lời khen tặng. Một lần nhà báo tỉnh muốn viết bài về Hậu, em né tránh chẳng muốn tỏ bày. Đến khi bài và ảnh đăng báo em còn chưa đọc đến.
Tôi còn nhớ lần nhà trường tổ chức buổi đố em, tôi phụ trách điều khiển chương trình. Đến lượt Thành tôi định cho qua, bởi không muốn thấy cảnh em phải lết lên bục nhận câu hỏi. Tôi đã sai, vì bản thân Trường Thành không muốn điều đó. Chẳng ai khác hơn vẫn Trần Hoà Hậu cõng bạn từ phía dưới lên giữa hàng trăm ánh mắt bạn bè đầy thán phục, trân trọng. Tôi biết, ban đầu còn có bạn trêu ghẹo, bây giờ thì hình ảnh Hậu cõng Trường Thành như bài học về tâm hồn cao thượng thật đáng kính phục.
Kể cho tôi nghe, Thành rơm rớm nước mắt. Năm 94, 95, 96 đều có lũ, con đường quê nhiều chỗ bị ngập rất khó đi. Vừa dắt xe, Hậu còn phải cõng Thành. Những ngày mưa gió lạnh lẽo vô cùng, hai bạn không áo mưa, mắt đường nước lũ dâng tràn, bấm từng ngón chân xuống đất để không bị trượt ngã. Lưng áo sũng nước mưa của Hậu, còn thấm đẫm những giọt nước mắt ấm nóng của Trường Thành, là khi Thành bảo bạn : “Hãy để mình xuống, mình sẽ lết qua được”. Hoà Hậu vẫn một mực : “Cứ ôm cổ mình thật chặt đi!”.
Thi tốt nghiệp trung học cơ sở vừa qua, hai bạn Trường Thành và Hoà Hậu đều đỗ với kết quả cao. Đây thực sự là món quà quý mà hai em đã dành tặng ba mẹ, thầy cô và bạn bè. Nhưng vào lớp 10 chỉ có mỗi Trường Thành. Biết điều này, tôi về Trà Thôn, xã Long Điền B tìm Trần Hoà Hậu, mẹ em không kìm nổi xúc động giải bày : “Sống ở vùng sâu, vì quá nghèo, Hậu phải thôi học để phụ tiếp gia đình trong công việc ruộng rẫy”. Gặp Hậu tôi ngõ lời muốn viết bài về tâm hồn cao thượng của em và sử dụng tấm ảnh mà tôi chụp cảnh em cõng Trường Thành đi học hồi năm lớp 7. Yên lặng một lúc, Hậu nói : “Chuyện ấy cũng bình thường thôi mà”. Vâng, trong cuộc đời làm thầy của mình, hình ảnh em cho “bình thường” ấy lại chính là dấu ấn khó phai mờ trong tâm tưởng tôi, một nghĩa cử mà tôi còn phải học ở em rất nhiều.

CÂY VIẾT MÁY

Tác giả: Phạm Thu Nga

Ngày ấy, có được cây viết máy Hero của Trung Quốc là niềm mơ ước lớn lao của bất cứ đứa học trò nào. Cả khối lớp 7 trường tôi chỉ có khoảng năm đứa con nhà khá giả là có được diễm phúc ấy. Thế mà vào ngày sinh nhật của tôi, tôi lại được ba mẹ tặng cho một cái. Khỏi phải nói niềm sung sướng và kiêu hãnh của tôi khi mang cây viết đến lớp.
Khoảng một tuần sau - tôi còn nhớ hôm ấy là thứ bảy - ra chơi vào tôi rụng rời cả chân tay : cây viết của tôi đã không cánh mà bay. Cả lớp lập tức xôn xao, đứa bò xuống gầm bàn, đứa lục hộc bàn, ngăn cặp, đứa rũ tung sách vở của tôi xem cây viết có lẫn vào không. Tôi cũng máy móc làm theo đám bạn, mặc dù nhớ chắc chắn rằng trước khi ra khỏi lớp mình đã cất cây viết vào hộp. Đúng lúc đó thì cô Hoa bước vào lớp.
Sau khi nghe các tổ báo cáo tình hình xong, cô Hoa bảo tôi đứng lên kể chi tiết về sự việc cho cô nghe. Tôi hăm hở kể tất cả : nào là cây viết hiệu gì, màu gì, ai cho, thường hay để đâu, mất vào lúc nào… Thằng Kiệt nhanh nhẩu :
Cô cho xét cặp hết lớp mình là ra liền đó cô!
Cô Hoa hình như không nghe thấy lời nó :
Ra chơi hôm nay ai ở lại canh lớp ?
Dạ, Thảo và Mai ạ.

Mai đứng lên :
Thưa cô, em định ở lại canh lớp với Thảo cho vui, nhưng Thảo nói em cứ ra ngoài sân chơi đi, để mình Thảo ở lại canh lớp được rồi.
Lập tức trong lớp nổi lên tiếng nhao nhao :
Xét cặp Hồng Thảo đi cô….Xét cặp Hồng Thảo đi cô….
Xung quanh tôi, đám bạn đang dồn mắt về phía Hồng Thảo, chỉ chờ cô ra lệnh là sẽ lục tung chiếc cặp kia ngay lập tức. Mà cô Hoa thì vẫn nổi tiếng là cô giáo nghiêm khắc nhất trường…
Mặt Hồng Thảo hết đỏ bừng lên rồi lại tái mét đi. Nó run rẩy lắp bắp :
Em không lấy đâu cô…Không phải em…
Thôi, các em, hết giờ rồi, sau tiết này cô còn bận hợp giáo vụ. Thứ hai cô sẽ giải quyết tiếp - Cô Hoa đột ngột lên tiếng rồi bước ra cửa, nhanh đến nổi cả lớp ngơ ngác không kịp đứng dậy chào.
Sáng thứ hai, sau giờ chào cờ nhà trường cũng dành khoảng mười lăm phút cho cô giáo chủ nhiệm dặn dò lớp. Cô Hoa bước vào, gật đầu ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống :
Lớp mình tuần qua hạnh kiểm và học tập đều tốt, cô không cần nhắc nhở gì thêm. Còn về chuyện cây viết của Nga…
Cả lớp chăm chú nhìn cô. Tôi liếc sang Hồng Thảo, tay nó run run bám chặt lấy mép bàn.
…Hôm thứ bảy cô họp xong thì bác lao công có đưa cho cô một cây viết, bảo rằng bác nhặt được khi quét lớp mình. Có phải cây viết của em đây không ?
Tôi nhìn vào tay cô. Nắp vàng…thân xanh…chữ Hero lấp lánh…Đúng là cây viết của tôi rồi.
Tôi vui sướng nói :
Thưa cô, đúng rồi. Em cảm ơn cô.
Em về chỗ đi. Lần sau nhớ giữ gìn dụng cụ học tập cẩn thận.
Cô đi rồi, tôi còn nghe trong lớp bàn tán :
May quá, không thì mất rồi.
Tội nghiệp, vậy mà cứ nghĩ cho Hồng Thảo.
Hôm ấy ra về lớp tôi lại ríu rít bên nhau, đám con gái cứ luôn miệng trò chuyện với Hồng Thảo như để bù lại sự lạnh nhạt hôm trước. Bất giác tôi thấy lòng mình vui vui và nhẹ nhỏm kỳ lạ.
Nhưng có một điều mà tôi biết, và cả Hồng Thảo cũng biết, là cây viết mà cô Hoa đưa cho tôi hôm ấy chỉ giống hệt, chứ không phải là cây viết của tôi. Ngay từ khi viết những dòng đầu tiên, tôi đã nhận ra điều đó.
Sau năm học lớp 7, tôi theo gia đình chuyển đi nơi khác. Bao nhiêu năm xa cách, không ngờ tôi và Hồng Thảo lại có dịp ngồi bên nhau. Nhắc lại chuyện xưa, Hồng Thảo mỉm cười :
Thế mà cho đến nay mình vẫn chưa nói được lời cảm ơn cô về chuyện ấy. Nga có thể tưởng tượng được không, mình đã định nghỉ học vì xấu hổ bởi hành động dại dột ấy.
Còn mình, mình cũng biết ơn cô đã dạy cho mình một cách ứng xử trong cuộc sống.
Ôi, sao mà chưa bao giờ như lúc này, tôi nhớ cô giáo của tôi đến thế!

HOMECHAT
1 | 1 | 77
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com