watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:36:3528/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tâm Hồn Cao Thượng
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 5 trong tổng số 6

CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ…

Tác giả: Huỳnh Thái Huy

Anh lại nghỉ học. Cái chỗ ấy trống không. Lẽ ra phải có một mái tóc cắt ngắn, cặp kính cận dày cộm trên sống mũi. Chiếc áo sơmi trắng và dáng ngồi gù gù quen thuộc. Lời cô giáo cứ loãng đi suốt tiết. Rồi tai tôi không còn nghe thấy gì nữa. Tôi ngồi cắn bút, mắt ngó ra ngoài cửa sổ. Tôi thấy nhớ anh!…
Cách đây vài tuần, vào buổi chiều, nhỏ Thu ghé nhà tôi. Trời nóng! Tháng sáu như một giấc mơ trôi chập chờn giữa những cơn mưa bóng mây và cái nóng hầm hập!
-Thôi bỏ đó đi, Triều ơi! Hôm nay xuống cảng ăn kem với tao!
-Chắc mày lại trúng mánh ? Tôi hỏi.
Nó cười :
- Không! Tao mới cạy được của ông anh.
Anh nó là kế toán trưởng của một công ty lớn, năm nay ba mươi mấy chưa vợ. Tôi chơi thân với nhỏ Thu nên quen anh. Anh có mời tôi đi chơi một vài lần. Một lần anh hỏi :
-Triều có người yêu chưa ?
Tôi bối rối mất một lúc, hỏi lại :
- Sao anh hỏi vậy ?
-À…è, anh hỏi thử. Sau này có mang một tâm trạng nào đó, em sẽ hiểu.
Tôi hiểu. Nhưng tôi không nói. Tôi còn đi học và tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng qua cử chỉ thái độ, tôi thấy dường như anh ta yêu tôi thật lòng và sau những buổi gặp mặt, tôi cũng có cảm tình với anh.
…Chiếc xe của tôi nhảy lục cục như một con gà què giữa đường.
-Thôi xẹp bánh rồi Thu ơi!
Tôi bước xuống nắn nắn cái bánh sau.
-Vậy dắt vô chỗ sửa xe kia đi!
Nhỏ Thu tinh ý hơn, chỉ về cái lều nhỏ, nằm góc đường.
Cặp kính cận ngước lên và tôi thoáng thấy sự bối rối trên khuôn mặt anh. Trước đây ít phút, tôi cũng có tâm trạng ấy. Nhưng giờ thì nó trôi qua rồi.
Anh đáp lời nhỏ Thu.
- Cô dựng đó đi! Lát nữa lại lấy.
-Làm mau nghe anh! Tụi tui qua bên kia đường!
Tôi quay vào chào nhưng anh lảng đi. Cứ vờ như không biết. Chiếc xăm cùng khúc cây cứ va vào nhau lộp cộp.
Nhỏ Thu nắm tay tôi kéo đi : “Mày biết anh chàng này không ?”
Tôi giả tảng, lắc đầu : - Không!
Tưởng ai chứ khuôn mặt ấy lạ lùng gì với tôi. Anh sinh viên trường sư phạm, khoa toán. Tôi gặp anh mấy lần trong những buổi liên hoan văn nghệ. Anh chơi guitar và hát rất hay. Còn ngâm thơ thì hết chỗ chê! Có lần biểu diễn, anh ngâm đúng một bài thơ do tôi sáng tác. Tiết mục đạt quá, đến nỗi đám con gái bọn tôi dưới này cứ nhốn nháo lên. Lúc đem hoa tặng anh, tôi hỏi :
- Vậy anh biết tác giả bài thơ này không ?
Anh lắc đầu, chân thật :
- Không! Tôi đọc nó trong sổ tay thằng bạn. Vậy bạn biết chứ?
Tôi cười :
- Tôi đó!
-Bạn à! Anh trố mắt ngạc nhiên, nhưng sau đó vui vẻ rút một nhánh hồng đưa cho tôi : - Cảm ơn! Chúc mừng thi sĩ lớn! Anh nói thật to vào micro và trước ngàn cặp mắt, tôi mắc cỡ không biết để đâu cho hết!…
Chỉ có một thằng nhóc ngồi đánh bi trong lều, khi tôi quay lại. Chiếc xe đã vá xong, nằm trong góc. Không thấy anh đâu!
-Chị tới lấy xe! Bao nhiêu tiền vậy em? Nhỏ Thu nói.
Thằng nhỏ đứng dậy, hai tay đút túi, nói ra vẻ người lớn :
-Xe trong này! Chị vào mà lấy! Anh dặn tui không lấy tiền chị.
-Vậy anh đi đâu rồi? Tôi hỏi.
Tôi móc bóp lấy tờ năm ngàn, nhét vào tay nó : - Cho em ăn quà!
Thằng nhỏ trợn mắt, la hoảng : - Hối lộ, định hối lộ hả ?
Tôi với nhỏ Thu muốn bò lăn ra cười
-Cho chị cảm ơn anh nghe! Cảm ơn em nữa!
Suốt đường về, tôi đi trong im lặng, mặc nhỏ Thu đi bên cạnh líu ríu suốt. Chừng như có hình ảnh một con người, khiến tôi phải suy nghĩ…
Trường tổ chức phong trào tiếp thị lấy tiền giúp trẻ em nghèo. Tôi và nhỏ Thu tham gia ngay. Hàng ngày vào buổi chiều, chúng tôi lại mang những túi thuốc lá đi quần mấy khu phố, giới thiệu sản phẩm.
Công việc mới đầu cũng kỳ, nhưng sau quen đi và vui!
Nắng chiều hừng hực đốt nóng hè phố. Chúng tôi thất vọng định quay ra, thì một tiếng kêu phía sau. Hoá ra anh Huỳnh - anh nhỏ Thu.
-Vô đây, vô đây! Trời! Ai bắt hai đứa làm cái trò gì mà cực vậy!
Anh kéo hai đứa vô ngồi chung bàn. Rồi anh giới thiệu mấy người xung quanh. Toàn giám đốc, phó giám đốc. Tụi thanh niên bàn ngoài nghe tiếng, ngồi im re. Tự nhiên tôi cũng thấy một niềm hãnh diện ngấm ngầm.
Thôi hôm nay anh đãi! Hai đứa có bao nhiêu đặt lên đây. Anh mua hết. Các vị mỗi người mấy gói, cầm mà hút.
Tôi nhìn nhỏ thu cười, bụng nghĩ, hôm nay trời độ!
-Hai đứa ăn gì chưa? Anh hỏi.
-Chưa! Nhỏ Thu nói.
-Vậy anh kêu đồ hai đứa ăn nghe!
Anh quay phía sau, ngoắc người phục vụ : “Ê bồi!”. Và tôi trợn mắt lên, suýt làm rơi ly nước ngọt trên tay. Lại anh chàng cận thị hôm nọ, hôm nay đã khoác quần áo của người chạy bàn. Lại một hơi thở dài tuôn ra, hôm trước mang dư vị chua chát, thương hại. Hôm nay ngán ngẩm. Cái số phận lạ kỳ! Chừng như anh ta không thể làm trò gì khá hơn được!
Anh bước đến đưa tôi cái thực đơn - Cô dùng gì ?
Tôi chỉ vào một hàng chữ trên đó.
-Cái này tên nhà hàng. Đâu phải món ăn đâu cô ? Anh ngơ ngác.
Tôi cáu gắt : - Chứ tui kêu món gì đâu!
-Xin lỗi, Anh lịch sự. Lặng lẽ bước qua phía nhỏ Thu.
……
Nhưng số phận cứ run rủi cho tôi gặp anh, để viết nốt phần cuối câu chuyện.
Hội diễn văn nghệ “Đêm Tình Thương”, quyên tiền cho trẻ em nghèo được tổ chức. Tôi và nhỏ Thu cầm mấy bông hoa đứng bên dưới. Sau tiết mục đơn ca, đến phần ngâm thơ. Người dẫn giới thiệu :
-Đây là anh Nguyễn, sinh viên trường sư phạm. Người đóng góp nhiều nhất trong việc giúp đỡ trẻ em tàn tật. Ngoài giờ học tập, anh làm đủ mọi nghề để kiếm tiền quyên góp. Cho phép chúng tôi hỏi một câu, có thể gọi đó là hành vi của tâm hồn cao thượng ?
Anh cười chân thật : - Chỉ đơn giản là tôi yêu chúng nó!
Anh ngâm thơ. Lại đúng bài thơ do tôi sáng tác dạo nọ. - À, thì ra vậy! Tôi chợt hiểu. Phía sau lớp vỏ lùi xùi kia còn có một cái gì đáng quý!
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Tôi mang hoa lên tặng anh :
-Xin lỗi anh nghe! Bữa trước tôi có lỗi quá!
-Có gì đâu! Anh cười xoà, rồi quay xuống khán giả, anh nói : - Xin quý vị cho một tràng pháo tay dành riêng cho tác giả bài thơ!
Tôi đỏ mặt, ngượng chết được trong tiếng pháo tay, huýt sáo ầm ĩ.

CON HEO ĐẤT

Tác giả: Diệu Thuý

Cha Thanh hy sinh năm Thanh mới lên ba. Mẹ Thanh - lúc ấy đang công tác tại một trạm quân y, nhất định ở vậy nuôi con, từ chối mọi lời dạm hỏi, cầu thân của nhiều người. Sau giải phóng, mẹ con Thanh về thành, mẹ chuyển sang công tác ở một cơ quan đoàn thể. Những năm ấy cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Với đồng lương ít ỏi, mẹ con Thanh sống hết sức đạm bạc. Như để bù lại cho Thanh, mẹ hết mực yêu thương, chìu chuộng Thanh, cố gắng lấp đầy cái cảm giác thiếu thốn, trống vắng hình ảnh người cha trong lòng Thanh. Và lâu lâu, những người bạn chiến đấu cũ của ba mẹ Thanh lại ghé thăm. Các cô chú ấy ai cũng yêu thương Thanh. Trong mấy ngày ngắn ngủi lưu lại nhà Thanh, họ đã đưa Thanh đi chơi khắp nơi, mua sắm cho Thanh khi thì bộ quần áo, khi cái cặp sách, khi đôi dép da nho nhỏ xinh xinh… Trong số các cô chú ấy, Thanh quí nhất là chú Thông.
Chú Thông còn trẻ lắm, có đôi mắt đen láy và cái miệng hay cười rất tươi. Chú có dáng đi hơi khập khểnh do một vết thương ở chân trái. Mẹ Thanh nói chú và ba thân nhau như anh em ruột thịt. Chú kể quê chú xa lắm, ở tận miền Bắc, một làng quê thanh bình có cây đa cổ thụ che bóng rợp cả một khoảng đường, có mái đình vang vang tiếng trống chèo vào mùa lễ hội. Những câu chuyện cổ tích mà Thanh đã đọc muốn thuộc lòng, thế mà qua cách kể của chú Thông, vụt trở nên mới mẽ, hấp dẫn lạ thường. Có lúc cao hứng chú còn đọc cho Thanh nghe những bài thơ chú tự sáng tác. Nửa tháng ở nhà Thanh, chú còn cặm cụi trèo lên mái nhà sửa lại những chỗ bị dột, đóng cho Thanh cái bàn học xinh xắn, cắt những hình ngộ nghĩnh bằng giấy màu dán lên tường. Có chú, căn nhà vui hẳn lên. Thế rồi, cũng đến ngày chú về quê. Thanh khóc hết nước mắt, mẹ phải dỗ dành mãi, Thanh mới nguôi ngoai.
Chú Thông đi rồi, sau một thời gian hụt hẫng, cuộc sống của mẹ con Thanh lại êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày, trên báo Phụ Nữ xuất hiện một truyện ngắn để tên và địa chỉ của mẹ… Rồi sau đó, trên một số báo khác thỉnh thoảng lại có bài mang tên mẹ. Mỗi lúc nhận giấy báo nhuận bút, mẹ con Thanh vừa ngạc nhiên, vừa hồi hộp, cứ thi nhau đoán xem ai là tác giả của những bài báo ấy. Thanh nhất định cho là chú Thông, mẹ bảo : -Chú Thông ở xa lắm, với lại lâu rồi chú đâu có liên lạc với mẹ con mình.
Mẹ con Thanh bàn nhau viết thư cho toà soạn để hỏi thăm, giải thích rằng có sự lầm lẫn nhưng không được hồi âm. Và thế là cứ tháng tháng, mẹ lại ra bưu điện nhận nhuận bút vài lần. Mẹ mua một con heo đất lớn, mỗi lúc nhuận bút về, mẹ lại bỏ những tờ bạc vào bùng binh trước con mắt ngạc nhiên của Thanh. Mẹ bảo : - Mẹ con mình lâu nay đã túng thiếu quen rồi, thêm ít tiền chưa chắc đã sướng hơn mà lương tâm mình không thanh thản, biết đây là tiền mồ hôi công sức của ai. Mình cứ cất vào đây, có ai cần hơn thì mình giúp.
Sáu năm trôi qua, cuộc sống đã có bao thay đổi. Mẹ Thanh đã giữ cương vị trưởng phòng thương binh - xã hội, Thanh đã lên cấp III v2 là học sinh lớp chuyên văn. Niềm say mê văn học ngày nào chú Thông truyền cho cô đã bắt đầu đơm hoa kết trái : Thanh đã đoạt giải ba môn văn trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thỉnh thoảng, Thanh lại gửi những bài thơ, những truyện ngắn của mình cho các toà soạn báo. Và khi nhận nhuận bút, Thanh lại trích một phần bỏ vào con heo đất. Những lúc ấy Thanh nhớ chú Thông lắm. Thanh tự hỏi không biết chú có trở thành một thầy giáo dạy van thật giỏi như chú hằng mơ ước không ?
Thế rồi, một buổi trưa, một người bạn của mẹ Thanh đến nhà báo tin chú Thông đang nằm cấp cứu ở bệnh viện trung tâm. Mẹ con Thanh bàng hoàng, vội vã vào bệnh viện ngay. Chú Thông đang nằm trong phòng mổ, bên ngoài là vợ chú - một phụ nữ dân tộc có gương mặt dịu hiền và dáng người mảnh dẻ, nước da xanh xao. Trên tay cô là một đứa bé chừng hai tuổi, có đôi mắt đen lay láy giống chú. Hỏi chuyện vợ chú, mẹ con Thanh mới biết : trong mấy năm qua, chú Thông lưu lạc lên tận một tỉnh miền núi, làm văn hoá - thông tin. Hai năm nay, do mất sức vì vết thương cũ, chú nghỉ việc ở nhà chăm nom vườn tược.
Trước lúc vào viện sáng hôm sau, mẹ Thanh nhắc con heo đất trên kệ xuống, lau chùi thật sạch…rồi gói nó vào một vuông vải rất đẹp, bỏ vào giỏ sách. Sau hơn một ngày hôn mê, chú Thông vừa mới tỉnh dậy. Mẹ Thanh mở giỏ sách lấy con heo đất bọc trong vuông vải ra và nói :
Những năm mẹ con tôi sống rất chật vật khó khăn, tháng tháng có một người tốt bụng đã lặng lẽ giúp đỡ bằng cách gởi đăng những bài báo lấy tên tôi. Mẹ con tôi đã cố sức tìm hiểu nhưng không thể biết được tung tích người đó. Mẹ con tôi đoán chắc người đó là một đồng đội của ba cháu Thanh. Thú thật, những đồng tiền đó mẹ con tôi không dám xài đến. Nhưng nhờ có nó, tôi đã có thêm nghị lực, thêm niềm tin để phấn đấu…. Bây giờ chị gửi cho em cái bùng binh này, trong đó là toàn bộ số tiền nhuận bút những bài bào đề tên chị mấy năm qua, có cả nhuận bút của con Thanh nữa đấy. Nó đang tập tành viết văn, làm thơ bắt chước chú Thông nó…
Sợ chú Thông không đồng ý, Thanh vội năn nỉ :
-Chú đừng từ chối nha…
Thật bất ngờ, từ đôi mắt chú Thông một dòng nước mắt từ từ ứa ra….
Cho đến một ngày xuất viện về lại quê hương, mẹ con Thanh và chú Thông không hề đả động gì đến những bài báo ấy. Thanh mua một con heo đất mới, bắt đầu nuôi nó bằng tiền nhuận bút của mình. Một hôm, có người khách đến từ Đaklak mang cho Thanh một gói quà của chú Thông…Thanh và mẹ hồi hộp mở ra….ồ….vuông vải quen thuộc bọc lấy con heo đất ngày nọ…Dưới đáy hộp là một cuốn sổ nhỏ và bức thư của chú Thông. Thư có đoạn :
“Từ lúc gặp lại chị và cháu Thanh, nhận con heo đất nghĩa tình của chị và cháu, em suy nghĩ rất nhiều. Em nghĩ tới những ước mơ ngày xưa của mình mà bao lâu nay cơm áo gạo tiền đã che lấp đi…vậy mà bé Thanh vẫn nhớ…Em bắt đầu cầm bút, bắt đầu tập tành theo bé Thanh làm thơ, viết văn…
Trong con heo đất này là tiền nhuận bút của chính em đấy. Em gửi cho chị và bé Thanh để hai mẹ con tiếp tục giúp đỡ người khác. Coi như em gửi lòng cảm ơn nghĩa tình của chị và cháu và của người nào đó đã âm thầm giúp chị ngày xưa - mà chị và bé Thanh cứ ngỡ là em…”

ANH VÀ EM… & TÌNH YÊU

Tác giả: Cao Kim

Làm vợ thương binh nặng đã khó, tạo dựng gia đình hạnh phúc càng khó hơn. Đó là con đường phải vượt qua nhiều ngáng trở, từ gia đình, bạn bè và chính bản thân mình. Và trên hết phải có tâm hồn cao thượng.
Chị Bùi Thị Hai tâm sự : “Trước đây, mỗi lần đến Quân Y Viện 17 thăm anh Được, em lang thang qua nhiều phố, thấy người ta cặp đôi đi bên nhau mà mình buồn quá, vừa đi vừa khóc”. Thế mà bây giờ chị đã có hai con với anh Được, ở trong ngôi nhà cấp bốn, làm nên từ tiền để dành của chị và sự hỗ trợ của nhà nước. Còn Nguyễn Thành Được - người lính cùng trung đoàn 143 với tôi - trở thành cán bộ Hội Người Mù thị xã Tam Kỳ. Hằng ngày, anh vận động những người đồng tật vào tổ chức và tạo việc làm cho họ.
Tôi gợi chuyện : “ Lúc đó Hai có nghĩ gì không?”. - Có chứ anh. Cha mẹ nhất quyết không cho em đến với ảnh. Ông bà nói : “Bộ hết người răng mi đi lấy anh mù?” Điều đó không cản được em. Thời gian sau, ông bà có vẻ hết giận. Nhưng bạn bè lại bảo : “Mi cao thượng nhưng…”. Bạn không nói ra, nhưng em biết bạn…sợ thay em”.
Người ta bảo tình yêu dễ mù quáng. Nhưng tôi tin Hai không mù quáng đến mức không thấy viễn cảnh của hai người. Hai nói tiếp : “Em biết chứ anh, nhưng em sẽ thương yêu ảnh hết mực”. Thì ra trong tình yêu có biết bao nhiêu cung bậc. Và giả sử tình yêu có thang bậc, chắc Hai ở nấc thang trên cùng - tôi nghĩ thế.
Tốt nghiệp trường trung cấp y tế tỉnh, chị Hương về công tác tại Khu Điều Dưỡng Thương Binh nặng Hội An. Ở đây, chị nhận ra ngay khoảng trống của thương binh nặng - cái khoảng trống ấy tạo ra những cơn giận dữ, những việc làm vô cớ phiền đến người khác. Chỉ vì chưa xuân đã tàn. Chỉ vì chưa thoả chí trai đã phải nhờ người khác từ việc nhỏ đến việc lớn, sống mà như không sống. Còn gì buồn hơn! Tức ấy thôi nên cái tức rất dễ thương. Hương hiểu và đến với anh Nhị - một thanh niên mang vết thương chằng chịt trên người và là một thương binh thường quậy dữ. Quả thật, nếu Hương không chịu hiểu, làm sao…dũng cảm đến vậy! Người chưa hiểu thì sợ, còn chị thì…thương. Ôi, tâm hồn và sự can đảm của người phụ nữ!
Hương tâm sự, bạn bè em bảo : “Mi yêu thương binh nặng là quá rồi, lại yêu một thương binh quậy cỡ ấy, tao hết biết”. Em chỉ cười trừ. Hương nói xong là cười. Nghe Hương nói, tôi 45 tuổi đời - mới cảm nhận thêm trong tình yêu không cần ai hiểu. Chỉ hai người hiểu nhau là đủ, mặc dư luận xôn xao bàn tán. Nhưng chính Nhị lại từ chối tình yêu của Hương, với cái lý rất…đàn ông : “Yêu anh, em sẽ khổ”. “ Em sẽ vượt qua”. “Khó lắm”. “ Khó mấy em cũng chịu được”. Thế là dù người con trai có “cứng” đến đâu cũng mềm lòng trước tình yêu cao thượng ấy. Và bây giờ, gia đình bốn người ấy rất hạnh phúc, khá giả, nhờ vào nghề y của Hương, nhờ vào sự êm ấm trong nhà.
Tôi đoán khi mới yêu nhau, các chị chưa hình dung hết khó khăn của một gia đình có người tàn tật. Và nếu có hình dung, cũng chỉ đặt quyết tâm vượt qua. Khi có con cái, gia đình khuyết tật ấy cũng sinh lắm chuyện… Trong lần hội thảo. “Vợ thương binh nặng” do Sở Lao Động - thương binh và xã hội tỉnh AN-ĐN (cũ) tổ chức, chị Hương nói : “Chúng em dồn sức cho cái gia đình nhỏ bé ấy, chăm sóc anh Nhị. Năm tháng đi qua, cũng có những trục trặc. Anh Nhị ưa tranh cãi, nên sinh bực. Mà đã bực thì anh trút vào rượu, sức yếu nhanh lại đi viện. Những lúc như thế, nào chuyện nhà, chuyện cơ quan, chuyện chăm sóc anh ấy ở bệnh viện, mệt hết thở, tưởng khó vượt qua”. Vừa nói chị vừa khóc. Khóc xong chị lại cười, cười vì đem chuyện gia đình ra kể…
Những chị em trong phòng cũng rưng rưng. Mỗi người có những cái khó riêng. Chị Trần thị Hương ở Duy Nghĩa lại khác : Chồng chị, anh Nguyễn Văn Sáu, cụt hai chân, ra vào trên chiếc xe lăn. Một mình chị lội đồng, lội ruộng, lo chống hạn, chống úng, sửa lại chuồng heo, lo chế độ cho con đi học, lo cư xử với nội ngoại, lo khi anh Sáu ra Đà Nẵng điều trị vết thương tái phát… Và chị y tá trong quân đội ngày nào, giờ gồng mình làm mọi việc của đàn ông, che chắn cho gia đình năm con người ấy. Và, cảm thông với vợ, anh Sáu cũng ra đồng bằng cách…vợ cõng. Giờ gia đình anh có của dư của để nhờ vào đại lý bán phân bón, nhòo vào sự tảo tần của chị Hương và sự rèn luyện để thích nghi của anh Sáu… Gia đình ấy, bà con Duy Nghĩa ai cũng khen. Chị tâm sự : “Gia đình em hạnh phúc, con cái nghe lời bố mẹ, học giỏi. Em vui, anh Sáu cũng nể em, nhường quyền làm chồng cho em. Cực như chị Hương mà trong cách nói nghe cứ nhẹ tênh như thế, cũng là chuyện chỉ có ở chị em là vợ thương binh nặng.
Trong lần về Thăng Bình, tình cờ tôi gặp một số anh em thương binh nặng, cụt hai chân, đến phòng thương binh xã hội huyện nhận xe lăn. Có một phụ nữ tất tả đi vào hỏi : “Xe em đâu?” Thấy mọi người cười, chị đỏ mặt. Anh Nhâm (cán bộ phòng) vừa cười vừa làm nghiêm : “Mi cụt đâu mà đòi xe?”. Chị lại thẹn nhưng tôi cảm nhận được - qua cách nói của chị - là vợ chồng này đã thống nhất trong một người - người vợ, mọi việc của chồng là của mình, mới thấy toát lên sự che chắn hoàn toàn, sự thương yêu hết mực…
Khó có thể kể hết những điều mà mắt thấy tai nghe, trên những nẻo đường tôi đi tìm tư liệu, tìm vốn cho những trang viết của mình…
Và bây giờ mời bạn đọc hãy cùng lắng nghe một người trong cuộc nói về vợ của mình :
Nếu có thể đi theo em trên mọi nẻo đường
Nếu anh là đôi dép dưới chân
Anh sẽ rõ :
Em đã đi bao cây số
Và dãi dầu, và sóng gió…Em qua
Căn phòng sáng lên khi em bước vào nhà…
Em trở thành đàn ông, trở thành bảo mẫu
Trở thành chỗ dựa đời con, đời anh.

CÓ MỘT CÁN BỘ ĐOÀN NHƯ THẾ

Tác giả: Ngọc Điểm

Tôi quen T.U. trong đợt huấn luyện cán bộ đoàn các trường đại học, ở trường Đoàn Lý Tự Trọng. Tôi chú ý đến T.U. nhiều vì có một lần, trong khoá học, chúng tôi dạo chơi trong sân trường. T.U. nhìn thấy cây viết máy của ai đánh rơi trên cỏ, bèn nhặt lên cho vào túi. Tôi cũng chẳng lấy làm lạ nếu T.U. lấy làm của riêng, nhưng bạn đã kéo tôi về phía văn phòng ban giám hiệu và nhờ thông báo trả lại viết cho người đánh rơi.
Khoá huấn luyện kết thúc, chúng tôi ai về trường nấy, mỗi đứa lại bị cuốn vào việc học tập và công tác Đoàn nên có lẽ chẳng ai nhớ ai.
Rồi bỗng nhiên một hôm, trên đường đi học về, tôi gặp T.U. người đẫm ướt mồ hôi vì đạp xe giữa trưa nắng với đoạn đường khá xa. T.U. thật thà kể vắn tắt về khó khăn đang gặp và nhờ tôi giúp đỡ. Tôi đã giúp T.U. với mọi khả năng có được. Xong việc, T.U. cảm ơn tôi và nói sẽ thỉnh thoảng đến thăm tôi. Tôi xem đó như những lời xã giao và nghĩ T.U. sẽ không đến. Nhưng, chỉ một tuần sau T.U. đến thăm tôi và từ đó cứ mỗi thứ bảy lại đến đón tôi từ ký túc xá về nhà T.U. chơi (nhà T.U. ở thành phố còn nhà tôi ở tỉnh). Từ đó, chúng tôi càng thân với nhau. Và tôi có dịp hiểu thêm về bạn. Có những điều đáng lẽ có thể nói dối để tránh rắc rối mà lại vô hại thì T.U. vẫn cứ nói thật. Tôi thắc mắc : “Từ nhỏ đến giờ mình không quen nói dối”.
Có lần vào hiệu sách, tôi chọn mua rất nhiều sách, đến khi tính tiền cô bán hàng tính số tiền ít hơn so với giá bìa, tôi cảm thấy hơi thắc mắc nhưng thầm nghĩ : “Ồ, có lộn mấy ngàn cũng chẳng nhằm gì, mấy người này lời biết bao nhiêu rồi, mặc kệ”. Tôi trả tiền, chợt T.U. níu tay tôi lại, nói : Có lẽ tính nhầm rồi, sao ít tiền thế, hỏi cô ta xem? Tôi khựng lại và hỏi : “Cô ơi, cô có tính nhầm tiền không, sao ít thế? Cô bán sách trả lời : “Đúng rồi, bởi vì giá sách giảm 10% so với giá bìa”.
Trước đây, mọi phần thưởng, ưu tiên cho cán bộ Đoàn tôi không hề từ chối vì xem đó là hợp lý, nhưng thật bất ngờ khi tôi được biết T.U. đã vài lần từ chối những danh hiệu trong đợt bình bầu của trường và từ chối không cho nêu tên trên mặt báo trong lần đại hội Đoàn cấp thành phố. T.U. lý luận : Phải chi mình học được xuất sắc thì danh hiệu hoặc vinh dự đó mình sẽ nhận. Nhưng đáng tiếc mình chưa được như vậy, mình chỉ là người làm tốt công tác Đoàn và công tác xã hội. Mà đã làm những việc đó thì đâu cần mọi người biết công, mình tự nguyện đem đến niềm vui cho người khác là tạo niềm vui, sự thanh thản chó chính mình rồi, đó là phần thưởng xứng đáng cho mình rồi. T.U. vốn không ưa mùi xe, cứ ngồi lên xe là lại ói liên tục. Vậy mà, hễ có đợt công tác xã hội nào T.U. cũng có mặt cùng các bạn, dù nhiều phen lội bộ, nhịn đói, nhịn khát, ăn bánh mì lạt…mà không hề tơ hào đến một đồng quyên góp được để cứu trợ dân nghèo. Tính mắc cỡ, nhút nhát thế mà T.U. dám đến từng cơ quan, đến đứng trước chỗ đông người để cổ động. T.U. nói : Lúc đó, mình chỉ nghĩ đến những người cùng khổ đang mong đợi mình mà thôi.
Lần khác, trên đường từ nhà T.U. trở về ký túc xá, T.U. được biết tôi hết tiền nhưng ở nhà chưa gửi lên kịp. Đang chạy xe, T.U. bỗng quay đầu trở lại vờ bảo quên đồ ở nhà, vội vàng vào nhà rồi trở ra. T.U. chở tôi đến tiệm vàng, tôi mới hiểu ra. Hai đứa đôi co trước cửa tiệm, cuối cùng, T.U. ấn chiếc nhẫn vào tay tôi dặn rằng khi cần thì phải bán liền. Tôi xúc động thật nhiều về việc ấy.
Tôi biết khi đọc được chuyện này, T.U. sẽ cho tôi là quá đề cao bạn. Nhưng đây là tất cả những chuyện thật 100% về T.U. mà từ trước đến giờ tôi chưa có dịp nói ra. Dù T.U. muốn hay không tôi vẫn cứ muốn tặng bạn bài viết này để thay tôi nói lời cảm ơn T.U. - người bạn tuyệt vời của tôi.

THẦY HAI LIỆU

Tác giả: Trần Tú
Kính tặng bác sĩ Nguyễn Minh Triết
(Lúc ở tù Côn Đảo, BS Triết đã nếm mủ để chữa bệnh đen chân cho các tù nhân)

Thầy Hai Liệu bóp trán suy nghĩ… Trong đời làm thầy thuốc nam, thầy chưa gặp ca bệnh nào hiểm ngặt thế này - Hiểm ngặt, không phải thầy không đủ khả năng cứu sống được đứa bé bốn tuổi đã kiệt sức mà do tuổi tác thầy đã cao lại mới trải qua một cơn bệnh nặng, sức khoẻ thầy còn yếu.
Bỗng một mùi hôi thối nồng nặc xông lên cùng với tiếng khóc tru tréo của người mẹ đứa bé :
-Thầy ơi! Cứu con tôi với thầy ơi! Nó lại vừa mới phẩn ra toàn mủ và máu…!
Thầy Hai Liệu mở bừng mắt, liền xé một tờ giấy súc bảo cô gái, người chị của đứa bé lấy một chiếc que tre sạch dồn hết chỗ phẩn vào tờ giấy để đó lát nữa có thể thầy sẽ cần đến. Đoạn thầy vẫy tay gọi người cha của đứa bé đến gần, hỏi :
-Con ông đi tiêu chảy đã bao lâu ?
-Dạ! Đã hơn một tháng.
Thầy Hai Liệu nhăn mặt :
-Bệnh nặng, tại sao ông không cho nó đi bệnh viện?
-Dạ cứ chạy chữa hoảng loạn cả lên chẳng còn có thì giờ nghĩ đến đi bệnh viện. Dạ, vả lại, nhà ở giữa rừng đi đến bệnh viện quá xa e nó chết dọc đường.
-Thế tại sao ông lại đem nó đến cho tôi?
-Dạ, tôi nghe người ta đồn thầy có môn thuốc bí truyền đã cứu sống được nhiều đứa bé như con tôi…
Thầy Hai Liệu hơi xao xuyến, nhưng bình thản :
Đúng - ông nghe người ta nói đúng - Quả thật tôi có môn thuốc bí truyền do mẹ tôi truyền lại cho tôi. Nhưng ngay lúc này áp dụng môn thuốc đó đối với tuổi tác và sức khoẻ của tôi thì thật là khó…
Người cha của đứa bé bối rối gãi đầu :
-Khó như thế nào, thưa thầy?
-Khó là phải nếm phẩn - cũng giống như ở bệnh viện người ta phải thử phẩn, làm kháng sinh đồ, còn ở đây người thầy thuốc nam phải nếm phẩn - Có nếm phẩn mới ứng dụng được các loại cây, cỏ chữa trị đặc hiệu. Tất cả cái tôi vừa nói được gọi là “bí truyền” mà người đời đã nói với ông về tôi. Nhưng mẹ tôi có căn dặn tôi rằng lúc tuổi đã về già sức khoẻ yếu thì không được nếm phẩn. Bởi vì nếu gặp phải phẩn nhiễm khuẩn nặng thì người nếm bị lây bệnh và sẽ dễ bị tử vong!
Bỗng thầy Hai Liệu cất tiếng hỏi lớn - Vậy có ai trong gia đình bệnh nhân tình nguyện nếm phẩn ?
Dạ có! - Cả ba người : cha, mẹ và chị của đứa trẻ nhất loạt trả lời.
Thầy Hai Liệu khen ngợi :
-Rất đáng khâm phục! Nhưng tôi chỉ hỏi thử vậy thôi. Bởi vì mẹ tôi có dặn thêm rằng thân nhân của bệnh nhân không được nếm phẩn vì sự xúc động của người thân sẽ làm sai lạc mùi vị phẩn, làm cho việc chữa trị không đạt hiệu quả…
Nghe thầy Hai Liệu dẫn giải dài dòng, người cha của đứa bé lòng nóng như lửa đốt, giận dữ hỏi thẳng một câu tỏ ra rất thiếu lễ độ :
-Vậy ai nếm phẩn cho con tôi xin thầy nói ngay tên người đó để tôi thuê mướn.
Thầy Hai Liệu điềm tỉnh chỉ tay vào mình :
-Trong trường hợp khẩn cấp này không ai ngoài tôi phải nếm phẩn cho đứa bé!
Rồi thầy dõng dạc ra lệnh :
-Nào, hãy đem gói phẩn tới đây và tất cả hãy quay mặt vào phải!
Đợi thầy Hai Liệu nếm phẩn xong với tay lấy ly nước súc miệng mọi người mới dám quay lại, lo lắng hỏi :
-Phẩn nó nhiễm nặng hay nhiễm nhẹ, thưa thầy ?
Thầy Hai Liệu bàng hoàng, nhưng cười :
-Nặng hay nhẹ không cần hỏi, chỉ cần biết đứa bé sẽ được sống!

HOMECHAT
1 | 1 | 73
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com