watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:36:3528/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tâm Hồn Cao Thượng
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 6

CON “QUỈ” GÙ

Tác giả: Chứng Nhân

Khoảng năm 1977, 1978… lò đường với máy móc tự tạo thô sơ vẫn hoạt động 24/24. Chúng tôi phải chia ca ngày và ca đêm. Công việc của tôi lúc đó khi thì vác mía từ ghe vào kho, khi đứng ép ở bộ che, lúc gánh bã mía ra phơi ngoài nghĩa địa gần đó, hay gánh trấu và cũi gộc vào cho thợ đốt lò. Đôi vai học trò không quen việc nặng đã khiến tôi nhiều đêm phát khóc vì nhức nhối, ê ẩm cả người.
Công nhân ở đây chia làm hai phe : phe công nhân tổ viên là những người có cổ phần trong lò đường, số còn lại được tuyển thêm để bù vào số lao động còn thiếu. Một ông già người Hoa làm hoả đầu quân, và hai người thợ máy ăn ở luôn trong lò đường : một người cao tuổi ốm lêu nghêu; người kia trẻ hơn, nhỏ thó, lưng hơi gù, gương mặt xấu xí kinh khủng với những u thịt lớn nhỏ đủ cỡ. Anh này thường bị chọc ghẹo không phải chỉ vì tướng tá dị hợm mà còn vì cái tên buồn cười của anh : Cưng.
Mấy anh trên lò hay nói : “Cha này khôn thiệt, già trẻ gì cũng phải kêu chả bằng cưng!” Khi đó đứa con gái nào dài giọng : “Anh Cưng ơi!” thì những đứa còn lại cứ đứng ôm bụng mà cười. Tính anh dễ dãi, không hay giận, nhiều khi còn tự làm trò cho chúng tôi cười. Nhìn đôi mắt ti hí của anh nháy nhó giữa đám u thịt và đôi môi thâm đen ngoác ra khoe mấy cái răng cửa gẫy ngang, người ta khó thể không tự hỏi sao ông Trời lại cắc cớ nặn ra một con người hiền lành, dễ thương dưới hình dạng một con quỉ xấu xí, đen đủi như thế.
Bọn trẻ có khi độc ác một cách vô ý thức trước cái hiền lành của anh. Khi anh ra con sông gần đó tắm, lập tức quần áo trên bờ không cánh mà bay. Khi anh ngủ, người ta cứ rình lúc anh vừa hé miệng là tuôn vào một nắm muối. Ác hơn nũa, chiếc áo đen thui mỡ dầu của anh máng gần chỗ ngủ có lần tự nhiên dính đầy trái mắt mèo, và người ta xúm nhau cười khoái chí khi thấy anh vừa nhảy tưng tưng vừa gãi đến toé máu.
Thanh Liên là tác giả của một số trò đùa độc ác nhất. Nó xinh đẹp nhất bọn chúng tôi. Trớ trêu thay, bên trong gương mặt thiên thần đó là một tâm hồn rất ít lòng nhân. Khi trêu chọc anh, mỗi lời nói của nó giống như một nọc ong, và không hiểu sao nó lại thấy hả hê khi hành hạ anh ấy. Khi tạm nghỉ để ăn trưa, vừa thấy anh từ xa là nó hét : “Biến đi đồ quỉ, làm người ta ăn cơm hết ngon!” Anh lẳng lặng bỏ đi, lưng như gù cao hơn và cổ rụt sâu xuống vai như cố che giấu gương mặt nhợt nhạt vì đau đớn.
Tôi làm ở đó được hơn một năm thì các tổ viên trong ban điều hành cho hay lò đường lỗ nặng, sắp giải thể. Đêm ấy, chúng tôi ép ghe mía cuối cùng, lòng trĩu nặng. Trong khi chờ cần xé nhồi đầy bã, tôi lơ đãng đôi mắt nhìn thôi những bọt mía dơ bẩn, đục ngầu chảy lờ đờ theo mương nước chè. Đột nhiên trong tiếng máy ầm ầm, nhiều tiếng la hét hãi hùng vang lên khiến tôi giật bắn người. Rồi là tiếng ken két rợn người của dây curoa bị hãm gấp, tiếng chân người rầm rập ùa đến bộ che. Lúc chen được vào trong, người tôi mềm nhũn, mặt mày xây xẩm. Thanh Liên với mái tóc bị xén ngang nham nhở, gương mặt như sáp. Và rùng rợn hơn, anh thợ máy của chúng tôi đổ gục xuống, một cánh tay nát bét trong con che, máu nhầy nhụa loang đỏ bệ hứng.
Không biết bằng cách nào người ta đem được anh ra để chở đi cấp cứu. Khi tôi đến bệnh viện thăm, anh đã bị cắt một tay đến khuỷu.
Thanh Liên không có can đảm đến thăm anh một mình. Nó rủ tôi cùng đi. Tôi định từ chối nhưng thấy gương mặt thảm não của nó, tôi không đành.
Chúng tôi còn ngoài hành lang bệnh viện đã nghe tiếng người oang oang trong phòng :
- Anh giúp nó làm gì. Nó là con quỉ cái!
- May mà có anh nhanh tay xén ngang tóc nó, nếu không nó đã bị cuốn vào che cho đáng đời. Đã cấm ép mía không được xoã tóc mà cũng cố làm điệu. Còn anh thì trong lúc gấp gáp cứu người lại vô ý để che ăn tay.
Tiếng anh Cưng yếu ớt :
- Thôi đừng trách. Liên còn con nít mà!
Thanh Liên nấc lên. Một giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xinh đẹp, rồi giọt nữa, giọt nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nó khóc.
Nó hối hận vì những trò đùa tai ác hay xấu hổ vì câu nói của con quỉ gù xấu xí có tấm lòng của một thiên thần?

LÀM CÔNG QUẢ

Tác giả: Đoàn Văn

Phường 17, Tân Bình là một phường vùng ven dân cư đông đảo mà đường ống dẫn nước máy chưa kịp lắp đặt. Vào mùa nắng, các ao hồ đều cạn kiệt, nước giếng nào múc lên cũng đục ngầu và hôi mùi bùn.
Trong địa phận phường, một ngôi trường lớn vừa được dựng lên. Hằng ngày, hơn 1.000 học sinh đến học cả sáng lẫn chiều. Để có nước cho các em dùng, cơ quan UNICEF đã đóng tặng trường một giếng bơm sâu hơn 150 mét mới đụng mạch nước ngầm, bơm lên là có nước, song cũng phải nấu chín mới uống được. Nhưng làm sao nấu đây? Đó là câu hỏi mà thầy hiệu trưởng chưa tìm được lời giải đáp.
Ngày kia, một ông lào râu tóc bạc phơ đến gõ cửa văn phòng trường. Thầy hiệu trưởng mời khách ngồi :
- Bác có điều chi cần ?
Ông lão đáp :
- Xin thầy cho tôi hằng ngày đến đây nấu nước cho học sinh uống.
Thầy hiệu trưởng nhìn khách. Vẻ mặt hiền lành, ánh mắt nhân hậu của ông lão thu phục ngay cảm tình của thầy. Vừa vui mừng vừa ái ngại, thầy ngập ngừng :
- Bác ơi! Chúng tôi rất cảm động trước thiện chí của bác. Ngặt nỗi nhà trường không có ngân khoản nào để trả công nấu nước. Mà việc lại vất vả, nặng nhọc. Hơn 1.000 học sinh, có nghĩa là phải nấu cỡ 2.000 lít nước một ngày.
Ông lão xởi lởi :
- Không sao. Tôi tình nguyện nấu nước không tính tiền công, miễn là nhà trường lo củi và tìm cho tôi hai ba cái nồi thật lớn.
Để đáp lại vẻ ngạc nhiên của người đối thoại, ông lão tiếp :
- Người khác vô chùa làm công quả, lau tượng Phật, quét sân chùa cầu hưởng phước về sau. Còn tôi, tôi làm công quả tại ngôi trường này, chỉ mong sao các cháu học sinh có nước sạch uống là tôi vui rồi.
Ông Hai, tên gọi thân mật của ông lão, ở cách trường ngót ba cây số. Vợ con ông đều đã qua đời vì bom đạn lúc chiến tranh. Có ba công đất hương hoả nhưng già yếu không còn cáng đáng nổi việc đồng áng nặng nhọc, ông cho đứa cháu cày cấy, rồi chia lại cho ông gạo đủ ăn hằng ngày. Về mặt vật chất, ông thấy như vậy cũng đủ.
Được thầy hiệu trưởng chấp thuận, hằng ngày ông đến trường nấu nước, mưa cũng như nắng, không sót một bữa.
Hơn hai năm êm đềm trôi qua. Nhưng một ngày mùa nắng, bỗng xảy ra biến cố khó quên : đêm ấy có đến 42 học sinh của trường bỗng bị tiêu chảy và ói mửa, phải chở đi cấp cứu!
Sáng hôm sau, cả trường náo loạn lên. Phụ huynh học sinh kéo đến chật phòng họp. Có người nóng nảy nói :
- Tại nhà trường thiếu trách nhiệm, để học sinh uống nước không đun sôi.
Một vị giận dữ lớn tiếng :
- Hôm qua ông Hai không nấu nước. Ông ấy lo đi đám cưới ở xóm trên!
Quả thật, hôm qua ông Hai có đi dự đám cưới người cháu ruột. Trước khi đi ông đã nấu nước. Nhưng thay vì phải chờ cho nước sôi 15 phút như mọi lần, thì khi nước vừa sủi bọt ông đã bỏ đi ngay, vì sợ đến trễ giờ cúng gia tiên của cháu. Trước khi đi, ông đắn đo một lúc, nhưng nhìn vào bếp thấy than còn đỏ rực mà toàn là than gốc đước rất đượm, ông nghĩ : Bấy nhiêu còn đủ để nước sôi trong 15 phút. Nào dè…
Ngồi nghe các vị phụ huynh học sinh than phiền, ông Hai thấy lòng đau như cắt và rầu rĩ thầm tự trách mình. Ông nghĩ : May mà các cháu học sinh sau khi được điều trị đều đã bình phục trở về nhà, chứ nếu không mình sẽ ân hận biết chừng nào.
Phòng họp ồn ào những lời chỉ trích gay gắt. Chợt từ dãy ghế cuối, một cánh tay nhỏ bé giơ lên :
- Cho cháu xin nói!
- Thưa các thầy cô, chú, bác, dì! Chúng cháu đau bụng không phải tại nước nhà trường nấu không kỹ đâu ạ.

Rồi em kể : Chiều hôm qua, hai lớp 7A và 7B chỉ học có hai tiết đầu. Học xong, các bạn trai rủ nhau đá banh, các bạn gái theo cổ vũ. Đá banh xong ai cũng đói. Chợt có xe bán gỏi đu đủ khô bò đi tới, chúng cháu rủ nhau ăn. Ăn rồi thì khát nước, mà nhìn quanh chẳng có hàng giải khát nào, chúng cháu bèn múc nược giếng lên uống. Bị đau bụng là do lỗi chúng cháu.
Cử toạ nghe xong đều sững sờ. Phòng họp chìm trong mấy phút im lặng. Lát sau, một vị cao niên chậm rãi lên tiếng :
- Cháu nói có lý đấy. Trường đông cả ngàn học sinh mà chỉ có những cháu ở hai lớp ăn gỏi đu đủ mới bị đau bụng thì đâu phải tại nước của nhà trường không sạch.
Vị khách ôn tồn tiếp lời :
- Chúng ta đã có những lời không đúng về nhà trường. Xin lỗi thầy hiệu trưởng và ông Hai nấu nước. Mong hai vị bỏ qua cho, chúng tôi quá nóng lòng vì con nên đã có những nhận xét thiếu công bằng.
Thầy hiệu trưởng thở phào nhẹ nhỏm, còn ông Hai thì như có ai vừa đỡ giùm đá nặng đang đè trên ngực mình.

DƯỚI GIÀN HOA GIẤY

Tác giả: Lân Vinh

“Dậy! Cút ngay! Thằng ranh con, bẩn hết cả cổng rồi”.
Thằng bé giật mình tỉnh dậy sau khi lãnh hai cú đá vào mạng sườn và một tràng tiếng chửi the thé. Trời đã sáng. Ngước nhìn lên, nó thấy một bà to béo, mặc bộ đồ hoa loè loẹt, đứng chống nạnh, hai mắt trợn trừng, hai cánh tay của bà ta còn to hơn cả hai bắp đùi của nó.
- Ai cho mày nằm ở đây, hả ? Dậy! Biến ngay!
Tiếp đó là tiếng chó sủa ầm ầm. Nó liếc nhanh qua cánh cổng mở hé. Một con chó berger dữ tợn, cao lớn đang nhảy chồm chồm sau lưng, bà béo. Nó đứng dậy, lững thững bước đi, còn nghe cái giọng the thé với theo “đúng là cái đồ ăn mày”.
Cái cảnh bị xua đuổi như thế này nó đã quen rồi. Lúc đầu, mỗi lần bị đuổi nó tủi thân lắm. Đôi khi nó khóc thầm và trách ba mẹ nó đã để cho nó khổ cực. Riết rồi đâm quen, chẳng khóc, chẳng trách móc ai nữa. Mà thật ra nó có biết ba mẹ của nó là ai đâu. Người nuôi nó là bà Ba. Bà nói là bà xin nó ở bệnh viện. Mẹ nó sinh ra nó xong là bỏ trốn mất tiêu. Bà bảo xin nó về nuôi để lớn lên dắt đi ăn xin cùng cho đỡ buồn. Giờ thì bà Ba chết rồi, mới chết tháng trước vì trúng gió. May mà nó đã mười hai tuổi, tự đi ăn xin ăn một mình được. Bà Ba thương nó lắm, có gì ngon cũng để dành cho nó phần nhiều. Bà không biết chữ nên chẳng dạy gì được cho nó, chỉ có mỗi hai điều bà cứ dặn đi dặn lại là đi ăn xin chứ đừng bao giờ ăn cắp và đừng bao giờ nghĩ ác cho người ta. Nó nhớ trước hôm bà mất, bà lại dặn nữa, nó gắt biết rồi, nói hoài. Bây giờ nó ân hận lắm. Bà chết khổ quá. Nửa đêm, người cứng đơ, sùi bọt mép. Lúc ấy hai bà cháu đang ngủ bên lề đường. Nó la quá trời chẳng thấy ai tới, đành chỉ biết nằm cạnh bà mà khóc. Mãi sau có mấy người quét đường xúm lại thì bà chết rồi. Họ nói nếu đưa bà đến bệnh viện sớm thì bà không chết đâu.
Hết nhớ tới bà Ba, nó lại nghĩ tới bà béo lúc nãy. Chẳng hiểu cái bà béo ấy mấy bữa ở đâu mà hai ngày trước không thấy, hôm nay mới lù lù xú6t hiện. Nó tiếc cái cổng có giàn hoa giấy ấy quá. Bây giờ thì kiếm đâu ra chỗ giống như thế đây. Khắp thành phố nơi nào cũng ầm ầm xe cộ từ sáng sớm đến tối khuya, chỗ nào cũng bụi bặm, rác rưởi. Chỉ có chỗ ấy là ngon lành nhất thôi. Cuối cùng nó quyết định đến tối cứ về đó ngủ, nhưng sáng phải dậy thật sớm để đừng bị bà béo bắt gặp.
Tối, nó lại về dưới giàn hoa giấy. Lang thang mệt mỏi cả ngày, nó ngả lưng xuống bệ cổng, ngủ thiếp đi trong tiếng đàn đã thành quen và mơ những giấc mơ thường lệ. Đang đêm, một luồng gió lạnh bất chợt lùa qua người nó. Nó giật mình thức giấc. Ngọn đèn trước cổng bật sáng choang. Bà béo lại xuất hiện trước cánh cổng mở hé.
- Đồ ăn mày, đồ trộm cắp, tao biết ngay thế nào mày cũng mò lại đây mà! Có xéo đi ngay không tao dẫm bẹp gí bây giờ?
Vừa rít lên qua kẽ răng, bà ta vừa cúi xuống túm cổ định xốc nó dậy. Bỗng nhiên bà khuỵu chân, ngã lăn qua mấy bậc cấp, chúi xuống lề đường, miệng ú ớ. Nó nhổm phắt dậy, tròn mắt nhìn bà béo. Mồm bà há hốc, mắt trợn ngược, mép sùi bọt, hai tay cào cào như cố bám lấy mặt hè. Nó sực nhớ đến cái đêm bà Ba bị trúng gió. Thôi chết, bà ấy bị trúng gió rồi. Trời đất, không có ai đưa đi bệnh viện kịp thì bà ấy chết mất thôi. Nó đẩy rộng cánh cổng, nhìn vào. Con đường chạy từ cổng vào nhà tối om, chỉ bên trong nhà có chút ánh đèn vàng lờ mờ. Nó muốn chạy vào gọi người trong nhà, nhưng lại nhớ tới con chó berger, không biết nó đang nằm ở đâu. Con chó ấy mà tợp cho một phát thì đời ngay. Nó hoảng hồn vội đóng sập cánh cổng, chạy như bay về phía ngã tư. May sao có mấy chú dân phòng tay cầm gậy đứng. Nó chạy tới la to :
- Các chú ơi, cứu người!
- Cứu ai, ở đâu ?
- Cứu bà cháu, ở đằng kia, chỗ cái cổng có đèn sáng đó!
Mấy chú dân phòng chạy vội theo hướng tay nó chỉ, bỏ mặc nó một mình. Thấy không ai cần đến mình nữa, nó đứng dựa lưng vào cột điện, nhìn về cổng ngôi biệt thự. Sau một hồi nhốn nháo, một chiếc xe con màu trắng từ bên trong cổng phóng ra, chạy ngang qua mặt nó rồi rẽ về phía trung tâm thành phố.
Nó đi ngang cổng bệnh viện, băn khoăn không biết bà béo ra sao, còn sống hay chết rồi. Tự nhiên nó thấy tội nghiệp bà ấy. Lúc bị trúng gió, bà ấy cũng giống như bà Ba của nó, đau đớn, thê thảm. Mong sao bà ấy đừng chết như bà Ba. Ai chết cũng tội nghiệp lắm. Nó cũng có công cứu bà, nếu còn sống chắc bà không ghét nó nữa đâu. Đang suy nghĩ mông lung, nó bỗng thấy bà béo từ trong bệnh viện bước ra. Bên cạnh là một người đàn ông trung niên ăn mặc sang trọng, tay xách cái túi nhựa căng phồng. Trông bà vẫn béo núc nhưng có vẻ hơi mệt mỏi và không dữ dằn như khi đang xua đuổi nó. Nó mừng rỡ gọi :
- Bà ơi!
Bà béo quay ngoắt lại, vừa trông thấy nó bà ta trợn mắt lên, giống hệt như lần đầu bắt gặp nó nằm trước cổng nhà :
- Lại là mày à, cái đồ mắc dịch. Sao đi đâu cũng thấy cái mặt mày vậy cà? Từ giờ cấm lảng vảng lại nhà tao nữa đấy. Lần nào tao xuỵt chó ra cắn chứ không có hiền với mày nữa đâu.
Nó đứng khựng lại, miệng méo xệch, cổ họng nghẹn đắng. Bà béo quắc mắt nhìn nó một lần nữa như khẳng định điều vừa nói, rồi bước nhanh đến bên chiếc xe hơi bóng loáng màu trắng đang đậu bên lề đường. Người đàn ông cũng nhướng mắt nhìn nó rồi quay lại mở cửa xe, nói :
- Thôi, kệ nó, mẹ lên xe đi.
Chiếc xe nổ máy chạy xa dần rồi mất hút.
Nó lầm lũi bước trên hè phố, lòng buồn rười rượi. Bộ mặt dữ dằn của bà béo cứ hiện lên dai dẳng trong tâm trí của nó. Lòng nó trào lên cảm giác uất hận. Vậy mà bà Ba có lần còn nói với nó không phải người giàu bao giờ cũng xấu, người nghèo bao giờ cũng tốt.
Bất chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu nó : Hay là bà ấy không biết mình đã kêu cứu giùm? Thôi đúng rồi, lúc đó bà ấy xỉu, đâu có biết gì nữa. Còn người trong nhà khi đưa bà ấy lên xe chắc chỉ thấy mấy chú dân phòng, mình đứng tít ngoài ngã tư làm sao người ta biết được. Cũng tại vì mình đã không có mặt lúc họ đưa bà đi bệnh viện. Bà ấy không biết việc mình làm, nếu biết, bà sẽ không xua đuổi mình đâu, nhất định là như thế. Nghĩ tới đó lòng nó dịu hẳn đi, nó không còn buồn. Và nó chợt nhớ ra là đã đói bụng từ lâu, phải đi kiếm miếng gì cho vào bụng đã.
Nó nhảy chân sáo về hướng chợ, nơi có quán phở hằng ngày nó thường tới xin ăn. Bà chủ quán ở đó cũng béo phị nhưng không cấm nó ăn phở khách bỏ dư bao giờ.

BÀ CỌP

Tác giả: Đỗ Quyên

Bà Cọp! Dì chồng tôi không hề biết cái tên đó. Bởi lẽ, người ta chỉ gọi lén, lúc vắng mặt dì. Nếu không thì … đừng trách.
Khi chưa về làm dâu, tôi đã loáng thoáng nghe chuyện dì, không khỏi sợ rồi đây sẽ tới phiên mình bị …cọp vồ… Nhưng… Lần ấy, sau đám cưới, chúng tôi trở lại đơn vị công tác, gần ba tuần sau mới về thăm nhà. Vừa thấy mặt tôi, dì dài giọng : “Dữ ác! Tới nay mới thấy mặt cháu dâu à!”. Chồng tôi phân bua : “Tại…trường ở xa quá, dì đừng giận. Mà mình có lo được gì cho người ta đâu mà đòi hỏi?”
Mặt bừng đỏ, hai tay chống hông, dì hét toáng lên : “Vậy sao? Té ra làm đám cưới nhỏ thì không có quyền đòi hỏi con dâu phải biết tới bên chồng à ? Nó muốn về chừng nào về, muốn…chết ở đâu thì chết! Không được lo!” Dì tức tưởi : “Tao biết tao nghèo. Nghèo thì không được nhớ thương ai! Phải rồi, mày đã là thầy giáo chớ đâu phải là thằng chết mẹ, chực niêu cơm tao…hu hu…”. Tôi chợt hiểu.
Dì thương nhớ chúng tôi. Dì nhớ đứa cháu mà dì đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt để lo cho gia đình nó. Khi người chị ruột qua đời, anh rể theo vợ bé, bỏ mười đứa con bơ vơ, đói rách, dì đã dang rộng đôi tay ôm hết vào lòng. Dì mua bán tảo tần, vất vả đến độ sợ…lấy chồng, sinh con rồi thêm khổ. Càng cực nhọc vì ai bao nhiêu thì tình thương dành cho người đó càng sâu nặng bấy nhiêu. Tôi lật đật xin lỗi dì. Dì có vẻ hả dạ lắm, dắt ra sau bếp, dọn cơm, bắt tôi ăn ba chén mới cho thôi. Xong, đưa một bao gạo năm lít, bảo đem theo. Tôi từ chối, dì nạt : “Chê hả, bà giáo?”. Hoảng quá, tôi đưa cả hai tay chụp lấy bao gạo. Chừng đi khuất, chồng tôi bật cười : “Mệt bả quá trời!”
Lâu lâu gặp dì, chắc tôi sẽ nghĩ rằng dì hung dữ. Nhưng khi về sống chung một vòng rào, tôi mới thật sự hiểu được lòng dì. Khi được chuyển về thị xã, không có chỗ ở, chúng tôi phải tạm trú trong một lớp học bỏ trống, đã xuống cấp trầm trọng. Dì ghé thăm, nhằm lúc trời mưa. Gió mang những giọt nước lạnh buốt bay qua khung cửa, tạt vào mặt. Cả ba người cứ tránh mãi mà vẫn bị nước dột nhểu xuống đầu. Dì bực bội bảo : “Nhà ở như vầy, bay phải mua vài cái thau. Có mưa, cho khách mượn đội để khỏi ướt đầu”. Dì về. Sáng hôm sau, sương đêm chưa tan hết, trời còn tờ mờ dì đã trở qua, bảo thu xếp để cất nhà, dì cho khoảng đất trống ở cạnh nhà dì. Mừng thì có mừng nhưng cả hai vợ chồng đều…lo. Chúng tôi sợ…dì. Nhưng, chẳng bao lâu, tôi đã hiểu, dì thương yêu con cháu, mọi người. Nhưng tiếc là cách thể hiện có hơi lạ đời. Dì thuộc dạng “khẩu xà, tâm phật”, miệng dữ nhưng lòng lành. Tính dì tôi nóng nảy lạ lùng. Thấy gì không vừa ý, dì phản ứng liền. Dữ dằn như cọp. Ai cũng ngán, từ trong nhà ra ngoài phố.
Một lần, cha chồng tôi về. Ông trèo lên nóc nhà định tháo tôn xuống bán. Hay tin dì chạy qua, đưa nắm đấm : “Anh mà dám làm, tôi cũng dám tính đẹp anh nữa! Theo vợ bé cho đã rồi về báo. Bộ anh…tới số rồi sao mà?” Thấy không xong, ba chồng tôi tụt xuống, xách xe đi một nước. Dì cười ha hả, chảy cả nước mắt, rồi ra lệnh : “Chắc lụn bại rồi! Tội nghiệp! Từ nay, hằng tháng mỗi đứa bỏ ra một ít, hùn lại cho ổng. Không tiền, chịu sao nổi … bà bé!”
Người ngoài phố cũng sợ dì. Nhà nào có “cha đánh con” u đầu, vỡ trán, dì gọi…công an tới viếng. Nhà nào có… “con đánh cha”, dì vừa réo ông trời xuống đánh vừa chửi té tát vào mặt. Có lần gặp phải một đứa hung tợn, đòi đánh dì. Vừa sấn tới dì vừa thách : “Ngon, đánh thử coi!”. Hậm hực lắm nhưng thằng nọ chỉ gầm lên: “Đồ…ngựa!”, rồi bỏ đi một nước. Do sợ dì mà xóm tôi yên ổn. Không có tệ nạn nào dám xảy ra ở đây. Chứa gái mại dâm, gầy sòng cờ bạc, trộm cắp…đều lánh xa xóm tôi. Kể cả tham nhũng cũng bị dì ra tay…dọn dẹp. Ông trưởng khóm nào “nhím” bớt tiền dân đóng góp cứu trợ, bà cán sự phụ nữ nào cho vay vốn “xoá đói giảm nghèo” mà lấy lãi, dì mà biết được thì…cấp trên sẽ biết và có biện pháp giải quyết. Rốt cuộc, chỗ dì ở được biểu dương “khóm văn hoá”.
Mới đây, dì xót ruột khi thấy nắng hạ đổ lửa lên lưng áo công nhân xây dựng đường phố. Dì khệ nệ khuân ra một thùng nước mưa cho họ giải khát. Nhưng lát sau đã nghe dì hét toáng lên vì trông thấy vài người trộn vữa cẩu thả, cát nhiều, xi măng ít.
Dì chồng tôi như vậy đó. Dì sống hồn nhiên theo cảm tính, dựa vào cơ sở đạo lý thấm đẫm tận sâu thẳm đáy tim. Không khách sáo. Không tế nhị! Nghĩ sao, làm vậy. Thấy khổ thì giúp, gặp sai trái phải ngăn chặn. Tôi quí phục dì hơn tất cả những người đã tìm đủ cách để đạt mục đích, mua bằng được tiếng tốt, để được ngợi ca là cao thượng. Dì không chờ đợi gì hết. Đối với dì, cuộc sống quanh mình phải là một môi trường sạch đẹp. Muốn thế, phải bảo vệ, theo cách của dì, dữ dằn như…cọp!

MỘT ĐỨA CON, HAI NGƯỜI CHA

Tác giả: Trần Văn Cả

Xinh nâng đầu cha em đặt lên bắp đùi, rồi nhẹ nhàng lấy bông quấn vào que, khều từng dãi đờm lẫn máu ra khỏi miệng ông. Que này ướt đẫm, em lại quấn bông thay que khác. Cứ thế cho đến lúc cha em thở được, lúc đó em mới rút ống thở ra khỏi mũi ông. Sửa tư thế cho cha nằm ngay ngắn, em lui xuống bếp đánh cháo cho nhuyễn, rồi dùng một cái ống bơm vào miệng ông từng chút.
Đã hơn năm năm qua, cha em bại liệt hoàn toàn, tiêu tiểu tiện tại chỗ. Ông bị cứng hàm không nuốt được. Em vừa cho cha ăn, vừa làm vệ sinh thân thể ông và giặt giũ áo quần. Là phận gái, việc chăm sóc cha lại càng khó khăn, bất tiện. Đồng lương hưu ít ỏi của ông chỉ đủ mua thuốc, Xinh phải buôn bán phụ thêm để có tiền mua thức ăn, bồi dưỡng cho cha nhằm kéo dài sự sống.
Những người hàng xóm quen biết khuyên em đừng bồi dưỡng cho ông nữa. Vừa tốn tiền, vừa kéo dài sự khổ đau vô ích. Bởi cái chết đối với ông chẳng còn bao lâu nữa. Nhưng quá thương cha, lòng em sao nỡ? Dù nợ nần, em cũng cố lo lắng, săn sóc cha cho đến ngày ông nhắm mắt. Mỗi lần em đút cha ăn, tuy không nói được, nhưng từ hốc mắt mờ đục củ ông lại ứa hai giọt lệ cảm thương. Ông thương cho đứa con hiếu thảo, vì ông mà phải khổ cực, vất vả. Bởi đáng lẽ giờ đây, Xinh đang có một cuộc sống khác đầy đủ nơi đất Mỹ xa xôi…
Năm 1975 Xinh mới tròn một tuổi. Cha ruột em tập trung học cải tạo tại Tiên Lãnh. Người cha đang nằm bại liệt kia đã thay mặt cha ruột Xinh nuôi dưỡng em cho đến ngày khôn lớn. Xinh nhớ như in lời mẹ kể trước lúc lâm chung : “Ngày người yêu bà vào chiến khu, bà bị bắt và tra tấn vì có liên quan. Trong cảnh ngục tù đó, bà đã gặp cha ruột Xinh. Ông là sĩ quan quản lý hồ sơ, đã giúp đỡ bà trong cơn tuyệt vọng. Ra tù, bẵng đi mấy năm, không còn nhận được tin tức người yêu, mẹ Xinh cuối cùng đã chiều ý gia đình lấy cha Xinh, người sĩ quan đã lo lắng, săn sóc bà trong những ngày đơn độc…
Cũng theo lời mẹ Xinh kể lại, những ngày bà lặn lội thăm chồng ở trại cải tạo cũng là lúc người yêu cũ của bà từ miền Bắc trở vào. Trong những năm xa cách, biết bao cô gái Hà Thành xinh đẹp vẫn không thể xoá nhoà bóng hình người yêu cũ; không lập gia đình ông ở vậy chờ đến ngày nước nhà thống nhất. Ông hăm hở đi tìm và gặp lại người yêu xưa, nay là thiếu phụ, tay bế tay bồng thăm chồng là người không cùng chung chiến tuyến với ông. Sự độ lượng cùng với kỷ niệm êm đềm của những ngày tháng cũ đã khiến ông chìa cánh tay nâng đỡ, nhận làm cha đỡ đầu của bé Xinh trong những ngày em còn chập chững. Qua từng cương vị công tác, ông đã sống một cuộc sống thanh bạch, ngay cả lúc ông còn làm Giám Đốc Ngân Hàng đầu tư phát triển của tỉnh.
Những năm tháng gian lao ở chiến trường nơi rừng thiêng nước độc còn để lại di chứng tiềm tàng trong ông. Cuối cùng do tuổi cao sức yếu, cơn sốt rét ác tính đã khiến ông bại liệt hoàn toàn. Việc ăn uống và vệ sinh giờ đây ông hoàn toàn nhờ vào Xinh, người con nuôi hiếu thảo.
Đối với Xinh, lúc nào em cũng như còn nghe phảng phất bên tai lời mẹ dặn. Bà đã phụ người yêu cũ, nay ông bại liệt không người thân thích, bà mong Xinh cố gắng thay bà săn sóc ông như một người con ruột. Chính vì thế mà Xinh đã từ chối xuất cảnh diện HO theo cha ruột, dẫu Xinh biết rằng ông cũng cần em trong những tháng ngày già lẻ loi nơi quê nhà đất khách. Em nghĩ rằng với sự trợ cấp an sinh xã hội của nước Mỹ, cha ruột em có thể sống một cuộc sống đỡ khó khăn. Còn người cha nuôi đang bại liệt đang cần có người chăm sóc. Trong những năm tháng em còn thơ ấu, ông đã coi em như con ruột. Những ngày đông tháng giá, mưa rơi tầm tả, ông lặn lội đưa đón em tới trường. Lúc em đau ốm, ông thao thức hằng đêm, lo lắng với từng tiếng ho khúc khắc của Xinh. Trong trái tim Xinh lúc nào hình ảnh hai người cha, người sinh thành và người dưỡng dục luôn quyện vào nhau trong niềm thương yêu vô hạn.

CHỨA CHAN TÌNH MẸ

Tác giả: Mai Quan Hiền

Các con của chị, đứa nhỏ nhất mới mấy tháng tuổi, đứa lớn hơn 30. Đến tháng tám này, ở tuổi 53, chị đã có 131 đứa cháu nội, ngoại, hai mươi mấy đứa vừa con, vừa rể, vừa dâu… Tôi được biết chị trong một vài lần về làm phim tư liệu cho trại trẻ mồ côi ở Tây Ninh.
Năm 1965 vì chiến tranh, chị rời quê Bến Tre lên Tây Ninh tìm phương sinh sống để nuôi mẹ già và bốn đứa cháu mồ côi. Chị xin vào phụ giữ trẻ ở trại cô nhi Tây Ninh khi đang tuổi 22 đương thì. Ba mươi hai năm qua, nơi này là mái ấm gia đình, là hơi thở, là cuộc sống, là niềm hạnh phúc của chị. Chị đã cùng sống, cùng chia sẻ nỗi buồn vui, đau đớn với các trẻ bất hạnh, gắn bó với chúng.
Tôi đọc được ở một nhà trẻ : “Chưa là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ”. Dường như trong đó thấp thoáng hình bóng của chị.
Những thân phận con trẻ lạc loài vào đây là bắt đầu cho cuộc sống mới với số mệnh đau thương bằng hành tranh : không tên, không tuổi, không cha, không mẹ, chưa kể đến hơn 70% trường hợp trẻ vào trại có thể trạng gần như suy kiệt. Có cháu còn lòng thòng dây rốn, có cháu bị bỏ trước cửa trại hai mắt bị mù, có cháu đặt nằm trong thau với cái miệng bị hở hàm ếch đến vòm họng, có cháu mang cái đầu to đùng vì não bị úng thuỷ, dị dạng, dị tật, bại liệt, lở lói ghẻ chốc, có cháu bò lổm ngổm trong bụi cây đầy kiến vàng… Con mồ côi ở các huyện gửi, bệnh viện mang đến, có người vì quá nghèo đem con đến trại cho. Có nhiều trẻ sơ sinh khi phát hiện chỉ còn thoi thóp, tái xanh, tái xám… Nhưng chị đã cứu chúng sống cho đến bây giờ. Tất cả những số phận bất hạnh bị người đời vứt bỏ ấy đã được chị mở rộng vòng tay đón chúng vào lòng. Chị ôm ấp, yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng chúng lớn lên, dìu dắt chúng vào đời với tấm lòng nhân hậu và độ lượng của mình : dù sao chúng cũng là những con người vô tội, đã trót sinh ra với kiếp đời nghiệt ngã.
Chị làm cho mỗi đứa một giấy khai sinh đàng hoàng để còn đi học. Chị đặt tên, chọn họ cho từng đứa một, chọn ngày lành tháng tốt lấy làm ngày sinh tháng đẻ cho chúng với kỳ vọng cuộc sống ngày mai của chúng sẽ là những may mắn, sung sướng và hạnh phúc (bé Minh bị mù hai mắt, thằng Phong Lưu bị bại não, thằng Sang, thằng Mạnh, con Vui, thằng Phú, thằng Quí…).
Mỗi đứa bé là một số phận gắn liền với cuộc đời của chị. Chị đã khóc sung sướng khi bé Bình với hai bàn tay, bàn chân dị dạng, bước những bước đi chập chững đầu tiên trong cuộc đời không may của mình, cũng như phải thức suốt đêm vì những cháu bại liệt bị sốt đột ngột… Và đau đớn khi chúng lìa đời vì căn bệnh vô phương cứu chữa.
Ai đã từng nuôi con, nhìn chúng lớn lên với cuộc đời chắc đã thấm với những lo toan, bận bịu cho một đứa trẻ. Riêng chị đã phải gánh vác từ 60 - 70 đứa trẻ nheo nhóc chỉ với hai, ba người cộng sự, nhất là giai đoạn 1978 - 1980, lúc đất nước gặp khó khăn, gạo không đủ ăn, chị đã phải dùng bo bo (cao lương) ngâm nước rồi xay thành bột làm bánh tráng cho các cháu ăn. Các cháu sơ sinh thì cho bú sữa…bo bo xay, trộn bắp, đậu đen, đậu đỏ…
Hàng trăm mảnh đời khác nhau, hàng trăm dòng máu khác nhau, nhưng chúng đã hoà quyện làm một khi vào đây sống với chị. Đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, đứa nhỏ bế em bé. Có thể nói, khó mà biết được rằng chúng không hề là anh em ruột với nhau. Chúng cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi và cùng khóc sướt mướt khi một đứa tẻ vì bệnh tật qua đời…
Bấy giờ nhiều đứa con của chị đã lớn khôn, đã thành danh và đã làm nên việc : hơn 20 người là giáo viên các cấp, rồi thợ mộc, thợ may, thợ hồ… Những đứa con cứng cáp với đời như chị nói, lại được chị lo dựng vợ gả chồng, làm tiệc cưới hẳn hoi, cũng có bông đeo tai, nhẫn cưới làm của hồi môn.
Suốt quãng đời đã qua của chị là những nỗi lo : Lo hết gạo, hết củi, sợ mùa mưa đến, vì mỗi lần đầu mùa mưa có từ bảy đến tám đứa bệnh, rồi đến dịch sốt xuất huyết, năm nào cũng chuẩn bị dành dùm tiền (từ công lao động của các con lớn) để có thể mua thuốc trị bệnh ngay cho các cháu nhỏ…
Giờ đây, cơ sở vật chất của trại cũng khá đầy đủ nhờ vào những đoàn từ thiện, từ các sở, ban, ngành quản lý thường xuyên giúp đỡ, cuộc sống ở trại đỡ vất vả hơn trước. Nhưng chị vẫn chưa hết lo âu : ra đời rồi nhưng nhiều đứa nghèo, vất vả, đến lúc khó khăn lại kéo về đây tá túc vài ba hôm, đến khi đi chị phải xúc cho hai ba bát gạo… Mới đây chị cho tôi hay hết năm 1998 chị phải về hưu, vì chị là biên chế chính thức của ngành lao động thương binh và xã hội. Tôi hỏi chị có dự định gì chưa. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng một ngày nào đó chị rời xa căn nhà chứa đầy kỷ niệm hạnh phúc giữa chị và các con. Rời xa các con là sự mất mát lớn lao, vì nguồn an ủi duy nhất trong cuộc đời của chị chính là những đứa con mồ côi.

HOMECHAT
1 | 1 | 82
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com