Chương 14b
Dư Tĩnh chỉ sang chiến thuyền:
- Vương gia hiện ở bên kia. Nào mời Tào, Sử bang chủ sang để người phán xét.
Bất đắc dĩ Tào Minh phải cùng Sử Anh sang chiến thuyền Đại-Việt. Lên đến nơi, thấy quân khí hùng tráng. Y đâm hoảng.
Thiếu-Mai nói nhỏ vào tai Triệu Thành:
- Vương gia lấy lễ đãi kẻ sĩ, thu phục nhân tâm, dùng vào đại sự.
Triệu Thành đang định hạch sách theo thói quen của người cầm đại quân. Nghe Thiếu-Mai nhắc nhở, y đứng dậy kéo ghế, nói:
- Hai vị bang chủ có gì tranh chấp nhau mà phải dụng võ? Hãy ngồi đây uống mấy chung rượu đã.
Sử Anh, Tào Minh từng nghe danh Phụ-quốc thái-úy Bình-Nam vương, quyền nghiêng nước, ắt hẳn phải hách dịch, bang bạnh lắm. Không ngờ trước mặt họ, chỉ thấy một trung niên nam tử rất ôn nhu, khiên cung.
Triệu Thành đi một vòng giới thiệu những người hiện diện. Vì y nghĩ: muốn khuất phục hai tên nửa lương dân, nửa đầu trộm đuôi cướp này, cần phải có sức mạnh. Y giới thiệu những Đông-Sơn, Minh-Thiên, Địch Thanh đã đành, mà còn giới thiệu Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nữa.
Quả nhiên, Sử Anh thấy Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, thì kính cẩn hành lễ:
- Tiểu nhân Sử Anh thuộc bang Hồng-hà xin tham kiến giáo chủ cùng công chúa.
Tào Minh cũng chắp tay:
- Tiểu nhân buôn bán dọc một giải biên thùy Tống-Việt, hằng nghe đại danh giáo chủ cùng công-chúa. Hôm nay mới được yết kiến.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
- Sử bang chủ tuân lệnh chú ta, lập ra bang Hồng-hà, với mục đích thu lượm tin tức. Như vậy Sử làm việc gì, thì việc đó đều do lệnh chú ta. Ta phải gỡ rối cho y.
Nghĩ vậy nàng phất tay:
- Tào bang chủ. Không biết Sử bang chủ có điều gì làm bang chủ buồn lòng, đến nỗi xích mích như vậy? Đây thuộc lãnh hải Đại-Tống, bang chủ hãy đem đầu đuôi câu truyện ra, để Bình-Nam vương gia xử lý cho.
Triệu Thành thân bưng hũ rượu rót đầy các chung, tay cầm chung rượu dơ lên:
- Khoan nói ai phải, ai trái. Chúng ta hãy uống chung rượu ghi lần tao ngộ trên biển Đông này đã. Nào mời các vị cùng cô-gia uống rượu đã. Truyện gì đâu còn đó. Nào đầu bếp đâu, mau đọn đồ nhắm tốt ra đây, để chúng ta đồng ẩm.
Mỹ-Linh cầm chung rượu trao cho Tào Minh:
- Tào bang chủ! Tôi theo đạo đức Thế-tôn, giới tửu. Chung rượu này xin bang chủ đỡ dùm.
Tào Minh đỡ chung rượu:
- Đa tạ công chúa ban thưởng.
Tào Minh uống can chung rượu. Y ngẫm nghĩ một lúc, rồi hỏi:
- Không biết rượu vương gia ban đây là rượu gì? Tiểu nhân chưa từng nếm qua. Rõ ràng nồng độ rượu cao, mà hương thơm lại dịu. Rượu nhập vị, lập tức tỏa ra thực mau. Sau khi uống, hương, vị còn đậm đà một lúc mới hết.
Vừa nói, y vừa xốc lại cái áo khoác ngoài. Mỹ-Linh lét thấy nút áo trên ngực y có sợi chỉ đỏ. Nàng chửi thầm:
- Tào-Minh, Sử Anh đóng kịch hay quá. Đến mình mà còn tưởng họ gây sự với nhau, e rằng Triệu Thành khó mà biết được. Thì ra cả hai cùng tuân mệnh lệnh Khu-mật viện đây. Im xem họ làm gì?
Đối với thứ rượu Mỹ-Linh mang tới, Triệu Thành không biết gì hơn. Y đưa mắt nhìn Dực-Thánh vương. Vì lần đầu tiên y uống thứ rượu này.
Vương chỉ Mỹ-Linh:
- Đây là một trong bốn hũ rượu Bình-Dương mang theo, tiểu vương cũng không biết nó tên gì.
Mỹ-Linh chỉ Thiệu-Thái:
- Vua Bà Bắc-biên truyền anh em tiểu nữ mang theo bốn hũ rượu cực kỳ trân quý, gọi là chút thổ sản dâng vương gia. Nếu vương gia thấy xơi đựợc, người sẽ cử sứ sang dâng tiếp.
Nàng bưng ra hũ thứ nhì, mở nắp, để tay trái lên hũ, vận khí truyền vào. Lập tực rượu vọt lên như cái vòi hướng mấy cái chung trống. Tuyệt ở chỗ, sau khi đầy, vòi lại hướng chúng khác, không một giọt bắn ra ngoài.
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Triệu Thành cầm chung rượu đưa lên, miệng đọc hai câu thơ của Lý Bạch:
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh.
Nào chúng ta cạn chén.
Thiệu-Thái ít đọc sách, chàng không hiểu ý hai câu thơ, hỏi nhỏ Mỹ-Linh:
- Vương gia đọc thơ gì vậy?
- Đó là hai câu thơ của Lý-Bạch nghĩa là:
Ở đời như giấc chiêm bao.
Tội chi mà phải lao đao nhọc nhằn.
Dư Tĩnh xuất thân tiến sĩ. Y có chút danh vọng trên văn đàn thời bấy giờ. Hôm trước nghe Triệu Huy nói Mỹ-Linh đấu văn, thắng Ngô Tích. Y không tin một cô gái Nam-man có thể thông văn học Trung-quốc. Nay thấy Triệu Thành ngâm hai câu thơ Lý Bạch, mà Mỹ-Linh hiểu thấu, dịch sang tiếng Việt. Y hỏi:
- Ty chức nghe công-chúa điện-hạ thuộc giới bút mặc văn tự quán thế Đại-Việt. Không biết bài thơ trên của Thanh-liên cư-sĩ công chúa còn nhớ không? Lâu ngày ty chức quên mất rồi.
Nghe Dư Tĩnh hỏi, Mỹ-Linh cười thầm trong tâm:
- Tên này muốn thử mình đây. Y đã đậu tiến sĩ, thơ hay, lại nổi danh thích rựơu chẳng lẽ không thuộc bài "Xuân nhật túy khởi ngôn chí" (Ngày xuân ngủ say, khi tỉnh dậy nói chí mình)? Hiện chú hai đang dàn mọi phương tiện, khiến Triệu Thành phản chúa, cướp ngôi. Chú an trí ta với Thiếu-Mai cạnh Thành. Ta cần phải chinh phục bọn tùy tùng của Thành, mới mong mỗi lời nói, không bị chúng bác bỏ. Về võ công, đương nhiên ta bỏ xa chúng. Bây giờ cần khuất phục chúng bằng văn chương. Tuy vậy phải khéo léo, bằng không hoá ra gây thù chuốc oán với chúng.
Nghĩ vậy nàng mỉm cười:
- Dư tiến sĩ thực khéo ban lời khen tặng, khiến cho tôi cảm thấy thẹn thùng. Tuy nhiên người đã hỏi, tôi đâu dám không thưa? Về bài Xuân nhật túy khởi ngôn chí rằng hay thì thực là hay. Song đối với chúng ta, lại không hợp tý nào cả.
Triệu Thành không thuộc bài thơ này. Y hỏi:
- Không biết bài thơ đó ra sao mà công chúa bảo không hay đối với chúng ta?
Mỹ-Linh cất cao giọng ngâm:
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh.
Sở dĩ chung nhật túy,
Đồi nhiên ngọa tiền doanh.
Giác lai miện đình tiền.
Nhất điểu gian hoa minh.
Tá vấn thử hà nhật,
Xuân phong ngữ lưu oanh.
Cảm chi dục thán tức,
Đối tửu hoàn tự khuynh.
Hạo ca đã minh nguyệt,
Khúc tận dĩ vong tình.(1)
Mọi người vỗ tay hoan hô. Thiếu-Mai quay sang nói với Dư Tĩnh:
- Dư đại nhân thấy không? Chúng ta muôn dặm phò tá quân vương, gây sự nghiệp Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Xưa kia Chu công đang ăn cơm, thấy hiền tài tới, vội nhả cơm, tiếp khách. Người xưa như vậy, ta phải học theo. Thơ Lý hay thì thực hay, song chúng ta chẳng nên theo gương Lý, coi đời như giấc mộng phù ảo.
Nàng bưng hũ rót một lượt vào các chung. Vương Duy-Chính nói:
- Thánh nhân xưa dùng rượu để tế trời, cúng tiên vương, ban thưởng sĩ tốt. Cho nên nói: Nam vô tửu như kỳ vô phong. Nhưng uống rượu nhiều quá, thần minh bị lấp. Rượu làm hại gan, đốt cháy phổi. Chúng ta, những người thức thời, lấy rượu để đàm văn luận võ, đó chính cái thú phong nhã vậy. Lý Bạch coi rượu là thánh, là thần, e quá đáng. Nào công chúa, xin công chúa ngâm thêm bài thơ nữa của Lý Bạch làm hứng ẩm tửu.
Mỹ-Linh ngâm tiếp:
Khuyến quân mạc cự bôi,
Xuân phong tiếu nhân lai.
Đào lý như cựu thức,
Khuynh hoa hướng ngã khai.
Lưu oanh đề bích thụ,
Minh nguyệt khuy kim bôi.
Tạc nhật chu nam tử,
Kim nhật bạch phát thôi.
Cước sinh Thạch-hổ điện,
Lộc tẩu Cô-tô đài.
Quân nhược bất ẩm tửu,
Tích nhân an tại tai?
Cử tọa chưa kịp vỗ tay, Mỹ-Linh chuyển dịch, ngâm Sa-mạc:
Khuyên anh đừng khước rượu mời,
Gió Xuân phây phẩy như cười với ta.
Hoa đào hoa mận nở to,
Cùng nhau nghiêng cánh về ta mỉm cười.
Chim oanh ca hót cành ngoài,
Trăng khuya rọi ánh sáng ngời chén say.
Hôm nào, còn khóc oa oa,
Hôm nay tóc bạc, nghĩ mà thảm thương.
Nếu anh chẳng uống cho cùng,
Người xưa đâu tá, ta ngồi nhớ nhung:
Cô-tô dấu cũ, hươu lồng,
Lâu đài Thạch-hổ, cỏ chồng lên nhau.
Vương Duy-Chính hỏi Mỹ-Linh:
- Dường như công chúa thích thơ Lý lắm thì phải? Lý là đại thi hào thời thịnh Đường, được người đương thời tặng cho danh hiệu thi tiên. Còn Đỗ Phủ được phong làm thơ thánh, mà công chúa lại không ưa nghĩ cũng lạ...
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Tôi không mấy thích thơ Lý. Ngược lại tôi thích Đỗ hơn. Đỗ như một người lăn xả vào giúp đời. Còn bảo thơ Lý hay nhất, e còn phải bàn lại. Như khi qua lầu Hoàng-hạc, Lý đã phải chịu thua Thôi Hạo.
Triệu Anh không biết nhiều về giai thoại văn chương. Y hỏi:
- Công chúa! Lý chịu thua Thôi ra sao?
- Nguyên Thôi Hạo qua lầu Hoàng-hạc ở Bắc thành Vũ-xương, có làm bài thơ như sau:
Tích nhân dĩ thừa Hoàng-hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng-hạc lâu.(2)
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán-dương thụ.(3)
Phương thảo thê thê Anh-vũ châu.(4)
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng xử nhân sầu. (5)
... nhưng kém Thôi nhiều.
Triệu Thành nghe Mỹ-Linh luận bàn, y thích quá:
- Công chúa có thuộc bài thơ đó không?
- Khải tấu vương gia có.
Rồi nàng cất tiếng ngâm:
Phượng hoàng đài, phượng hoàng du,(6)
Phượng khứ đài không giang tự lưu.
Ngô cung hoa thảo mai u kính,(7)
Tấn đại y quan thành cổ khâu.(8)
Tam sơn bán lạc, thanh thiên ngoại,(9)
Nhị thủy chung phân Bạch-lộ châu.(10)
Tổng thị phù vân năng tế nhật,
Trường-an bất kiến xử nhân sầu.(11)
Cử tọa vỗ tay. Mỹ-Linh hỏi Vương Duy-Chính:
- Vương chuyển-vận sứ. Không biết trong các thi hào Trung-quốc, Vương tiên sinh thích vị
nào nhất?
Vương Duy-Chính trầm ngâm nhìn trời một lát, rồi đáp:
- Kể ra thích, thì ty chức thích nhiều lắm. Thơ văn Trung-quốc như rừng như biển. Tuy vậy ty chức thích nhất Sở từ Khuất Nguyên.
Mỹ-Linh nghĩ thầm:
- Thằng cha này khôn hơn Dư Tĩnh nhiều. Y nói thích Sở từ của Khuất Nguyên, vì Khuất-Nguyên có chân tài, bị Sở Hoài-Vương phụ lòng, mà ông không thay đổi chí hướng. Cho đến chết vẫn còn tưởng nhớ quân vương. Bản lĩnh làm quan của tên này cao thực.
Nghĩ vậy nàng cất tiếng ngâm một đoạn trong bài Ly-tao, rồi nói:
- Thiên kinh, địa nghĩa, nam nhi đại trượng phu, gánh vác hai chữ trung-quân thực đáng khen thay.
Nàng bưng hũ rượu thứ ba, rót đầy vào các chung, rồi bưng một chung trao cho Vương Duy-Chính:
- Mời vương chuyển vận sứ cạn chung này.
Duy-Chính nói câu cảm tạ, rồi bưng rượu uống.
Mỹ-Linh trao chung rượu cho Tào Minh:
- Tào bang chủ, mời bang chủ cạn chung này, xin phẩm bình cho rượu có ngon không?
Tào Minh uống cạn, ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:
- Chà thứ rượu này khác hẳn với thứ rượu ban nãy. Hương vị thoang thoảng như hương sen, mùi vị như có như không, mà tan vào tỳ vị mau hơn nữa.
Mỹ-Linh mỉm cười:
- Tào bang chủ thực xứng đáng với danh hiệu Vạn chung lang mà giang hồ tặng cho. Thứ rượu đầu tiên là rượu đậu nành. Thứ rượu sau là rượu nấu bằng nước lá sen.
Triệu Huy làm quan đã lâu. Y nếm không thiếu gì loại rượu. Rượu đậu nành, rượu lá sen, y từng nếm qua. Song mùi vị không giống loại rượu Mỹ-Linh mang tới. Y hỏi:
- Công chúa! Tiểu tướng đã từng uống rượu đậu nành, rượu nước lá sen, song không giống thứ rượu này.
Mỹ-Linh đã từng nghe ngự trù giảng giải cùng nấu rượu. Nàng thuộc lòng tính chất cùng cách nấu. Nghe Triệu Huy hỏi, nàng nghĩ thầm:
- Tên này khôn thực. Hôm trước Tự-Mai thẩm vấn Quách Quỳ. Quỳ khai rằng hiện mỗi năm Tống đòi Đại-Việt phải cống các loại rượu: đậu nành, cắc kè, thập đại danh hoa và nếp than nấu bằng nước lá sen. Tên này đã làm thị-vệ hoàng-cung. Chắc y muốn tò mò, để hiểu về thuật cất rượu của Đại-Việt đây. Tội gì ta nói cho chúng nghe nhỉ?
Nàng đánh trống lảng:
- Triệu thống chế quả thực kinh lịch. Rượu đậu nành tuy cùng dùng chất liệu giống nhau, nhưng cách cất cùng tính chất thổ ngơi khác nhau. Nên mùi vị khác nhau, có gì là lạ.
Nàng rót rượu thập đại danh hoa mời mọi người, tay bưng chung rượu của mình mời Tào Minh:
- Tào bang chủ. Không hiểu nguyên do nào bang chủ cùng với Sử bang chủ đây sinh ra bất hoà vậy? Bang chủ có thể trình Vương-gia. Vương-gia xử lý cho chẳng hay ư?
Tào Minh cầm chung rượu uống cạn, rồi kính cẩn hướng vào Triệu Thành:
- Khải tấu Vương-gia! Từ trước đến giờ tệ bang với bang Hồng-hà vạch biển chia vùng. Bang Hồng-hà hoạt động từ eo biển Hải-nam trở xuống. Tệ bang hoạt động từ eo biển Hải-nam trở lên. Thế mà lần này bang Hồng-hà vi ước, dám vượt eo biển lên vùng Mân-Việt, không hỏi tệ bang lấy một lời. Như vậy thực khinh nhau quá đáng.
Triệu Thành hỏi Sử Anh:
- Trên chốn giang hồ, bọn võ lâm chúng ta lấy chữ tín làm trọng. Sử bang chủ đã ước hẹn với người sao còn vi phạm?
Sử Anh chắp tay:
- Khải tấu vương gia. Tiểu nhân thực có vi phạm ước với bang Đường-lang, nên đã cung kính xin lỗi, nhưng Tào bang chủ không chịu. Xét cho cùng, tiểu nhân vi phạm cũng có lý do trọng đại.
Triệu Thành ngắt lời:
- Sử bang chủ thử nói rõ lý do xem nào?
Sử Anh cung cung kính kính nói:
- Thưa vương gia. Cách đây mấy ngày, tiểu nhân đang đi trên vùng Ngọc-sơn. Lúc ấy vào giữa đêm, thấy đức Quan-thế-âm bồ tát hiện trên mây. Anh em tiểu nhận thụp xuống lạy. Ngài phán rằng hôm nay, vào khoảng giờ này, Thanh-y đồng tử, Văn-khúc tinh quân, Vũ-khúc tinh quân tuân chỉ Ngọc-Hoàng thượng đế giáng sinh. Sau Thanh-y đồng tử sẽ thành chính mệnh thiên tử. Văn-khúc tinh quân thành tể tướng, Vũ-khúc tinh quân sẽ thành nguyên nhung. Ngài lại dạy: bồ tát Đại-Huệ tuân chỉ Phật-tổ giáng sinh, để trợ giúp Thanh-y đồng tử. Vì vậy anh em tệ bang mới xin phép quan đề đốc Khâm-châu lên đây tiếp giá.
Triệu Thành nghe Sử Anh nói, y run lên:
- Quan-thế-âm có tả hình dạng ba vị đó ra sao không?
Sử Anh nói:
- Ngài trao cho tiểu nhân cuốn trục, dặn rằng đúng giờ Ngọ hôm nay mới được mở ra. Cho nên khi gặp anh em bang Đường-lang, đòi phải trao cuốn trục. Tiểu nhân nhất định không trao, vì vậy mới sinh ra cãi vã, rồi động thủ.
Dư Tĩnh cười:
- Tưởng gì chứ việc đó cũng dễ thôi. Bây giờ đúng Ngọ rồi. Sử bang chủ đem cuốn trục mở cho mọi người xem nào?
Sử Anh, Tào Minh bất quá là bang trưởng một bang hội. Ngày thường gặp viên quan huyện, đã phải khép nép. Bây giờ họ đứng trước một Bình-Nam vương, Phụ-quốc thái-úy, lại được mời uống rượu cùng nói năng nhỏ nhẹ. Nên hai người không dám cãi cọ nhau nữa.
Sử Anh trở về thuyền mình. Một lát y cầm sang một ống bằng bạc. Y cung cung kính kính dâng cho Triệu Thành. Thành tiếp lấy đưa cho Triệu Huy:
- Triệu thống chế. Người mở ra coi, xem hình thiên tử ra sao?
Triệu Huy cầm con dao nhỏ, tiện một vòng. Hộp bạc đứt ra làm hai. Bên trong có cuốn trục. Y cầm cuốn trục mở ra. Mọi người cùng bật kêu lên tiếng úi chà.
Y dơ cho mọi người xem. Trong hình vẽ một con rồng vàng, đầu giống hệt đầu Triệu Thành. Con rồng vàng đang bay lượn trên không. Cạnh đó, có con bạch hổ bay phía sau. Đầu con bạch hổ giống hệt Địch Thanh. Xa chút nữa, có hai vị văn quan, sắc phục thừa tướng. Một người mặt giống hệt Dư Tĩnh. Một người giống hệt Vương Duy-Chính. Phía trước một vị Bồ-tát, mặt giống hệt Minh-Thiên.
Sử Anh, Tào Minh cùng quỳ gối trước Triệu-Thành:
- Bọn hạ thần xin khấu đầu trước thánh thiên tử.
Triệu Thành mừng không bút nào tả xiết. Y đỡ hai người dậy:
- Việc này cần giữ kín. Bằng không cô-gia sẽ bị hại.
Sử, Tào cùng tâu:
- Bệ hạ ban chỉ, bọn hạ thần xin hết sức giữ kín.
Triệu Thành nhỏ nhẹ:
- Hai vị đã biết ta, nên kết thân với nhau, cùng ta xây đại nghiệp. Từ nay đừng gây với nhau nữa.
Tào Minh nắm tay Sử Anh:
- Mong sư huynh thứ tội cho đệ.
Triệu Thành thân mời mọi người uống rượu. Cuối tuần rượu y nói:
- Sử, Tào bang chủ về chỉnh bị lại anh em trong quý bang. Đợi khi cô-gia khởi sự, phải hưởng ứng. Sau này các vị sẽ là khai quốc công thần. Cô-gia trao cho hai vị thống lĩnh anh em giang hồ trên mặt biển từ vùng Mân-Việt tới Giao-chỉ.
Nói dứt y sai Dư Tĩnh viết một mệnh lệnh trao cho hai người. Lấy ấn đóng vào, rồi y ký tên.
Sử Anh cầm lên đọc:
Bình-Nam vương, Phụ quốc thái úy, quản Khu-mật viện, Tổng đốc quân mã trọng sự, lệnh cho Sử Anh, Tào Minh kinh lý trên biển một giải từ Mân-Việt tới Giao-chỉ. Bá quan văn võ từ cấp Đề đốc, Tuyên-vũ sứ phải tuân lệnh điều động của hai người.
Hai người cúi đầu lậy tạ. Sau bữa cơm, Sử Anh hai tay dâng lên Mỹ-Linh một cuốn sách:
- Khải tấu công chúa điện hạ. Thần xin kính dâng công chúa điện hạ bộ kinh Lăng-già, mà hạ thần mới thỉnh được ở chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu.
Mỹ-Linh hai tay tiếp kinh, tỏ ý cảm ơn:
- Quý quá! Sử bang chủ thỉnh kinh cho tôi, thực không gì phúc đức bằng.
Hai bang chủ trở về thuyền, rồi cất buồm, kẻ Nam, người Bắc.
Dư Tĩnh nói với Triệu Thành:
- Sự thể thần linh báo mộng khắp nơi. Thần sợ truyện tới tai Lưu hậu, e nguy cho vương gia.
Thiếu-Mai cười:
- Tôi nghĩ khi Vương-gia là thiên-tử, chính Lưu hậu cũng phải khuất phục. Tuy vậy chúng ta cần đề phòng vẫn hơn.
Dư Tĩnh hỏi Mỹ-Linh:
- Công chúa! Anh hùng trong thiên hạ hiện chỉ có chúa công tôi với Khai-Quốc vương. Mệnh trời định, mỗi người một giang sơn. Hôm trước đây, vì không biết, nên chúng tôi có chút mạo phạm với Khai-Quốc vương. Ty chức mong công-chúa đứng trung gian giảng hoà giữa chủ nhân tại hạ với Khai-Quốc vương được chăng?
---------------------------
Ghi chú
(1)Trần-trọng-Kim dịch như sau:
Ở đời tựa giấc chiêm bao,
Làm chi mà phải lao đao nhọc nhằn.
Suốt ngày mượn chén khuây tình,
Say rồi nghiêng ngửa bên mành hằng ba.
Tỉnh ra trông mé trước nhà,
Một con chim hót trong hoa ngọt ngào.
Hỏi xem ngày ấy, ngày nào?
Chim oanh ríu rít đón chào gió Đông.
Thở than cảm xúc nỗi lòng.
Chuốc thên ít chén, say cùng cảnh vui.
Hát ngao chờ bóng trăng soi,
Ca vừa dứt khúc, đã nguôi mối tình.
(2)(3)(4)(5)Trần Trọng-Kim dịch như sau:
Lên Phượng-Hoàng đài ở Kim-lăng.
Phượng-hoàng đến Phượng-hoàng đài,
Phượng đi, đài bỏ, nước trôi lạnh lùng.
Cỏ hoa lấp lối Ngô cung,
Y quan đời Tống, nay trông thấy đồi.
Mịt mù ba núi mầu trời.
Bãi kia Bạch-lộ nước trôi hai giòng.
Đám mây che khuất vầng hồng,
Trường-an không thấy, nỗi lòng băn khoăn.
(6) Phượng-hoàng đài, tương truyền thời Nam-Bắc triều, khoảng niên hiệu Nguyên-gia -28 đời Tống. Nhân người ta thấy ở núi gần Kim-lăng có thứ chim ngũ sắc đến đậu. Người đương thời gọi chim ấy là phượng-hoàng. Chỗ chim đậu, người ta dựng một đài kỷ niệm, đặt tên đài Phượng-hoàng. Nay thuộc nội thành Nam-kinh.
(7) Ngô-cung, cung điện triều Ngô. Ý chỉ thời gian qua mau, cảnh trí tang thương.
(8)Tấn đại, thời Tấn. Ý như chú thích (7)
(9) Tam-sơn, có nhiều núi mang tên Tam-sơn. Thứ nhất nằm trên mạn Bắc hồ Động-đình. Tương truyền Quốc-tổ Lạc-long-Quân cưới Quốc-mẫu Âu-Cơ, rồi lên núi Tam-sơn hưởng thanh phúc ba năm. Khi hai ngài lên núi, có chín vạn bông Tầm-xuân nở. Núi Tam-sơn mà Lý nói đến trong bài, thuộc phía Nam thành Nam-kinh.
(10)Bạch-lộ châu, cù lao con cò trắng. Cù lao Bạch-lộ nằm trên sông Tần-hoài thuộc Nam-kinh.
(11) Trường-an, kinh đô thời Tây-Hán của Trung-quốc.