Ba người trở lại khoang thuyền giam tù.
Thiệu-Thái lại phòng giam người đàn ông. Chàng gõ cửa ba lần. Bên trong có tiếng hỏi:
- Ai đó?
- Tôi cũng bị giam như ông. Ông là ai? Có bị cùm không?
- Không!
- Ông tên gì?
- Lê Ngọc-Phách, dạy học ở Thăng-long.
- Ông có biết tại sao bị bắt giam không? Ông học võ với ai?
- Tôi không hiểu nữa. Tôi bị bắt cóc. Không biết họ bắt cóc để làm gì. Tôi không biết võ.
- Từ hôm bị bắt đến giờ. Họ có tra hỏi ông điều gì không?
- Không. Họ trao cho tôi cuốn sách bằng chữ Khoa-đẩu, bắt tôi dịch hai trang.
- Ông biết chữ Khoa-đẩu à?
- Biết. Tôi đã dịch cho họ.
- Thôi, ông cứ an tâm ở đó. Tôi sẽ cứu ông khi thuyền tới bến. Bọn Tống bắt ông với mục đích ép ông dịch sách cho chúng. Ông dịch xong, chúng sẽ giết ông để phi tang.
Ngọc-Phách nổi máu ương nghạnh của kẻ sĩ:
- Hừ! Ngọc-Phách này không dễ gì ai uy hiếp nổi. Kẻ sĩ sẵn sàng chịu chết chứ không thể bị khuất phục.
Ông ta tự nói một mình:
- Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất. Phách mỗ nhất định không dịch, xem bọn chúng làm gì. Con bà tụi cướp nước.
Thiệu-Thái ít đọc sách. Chàng không hiểu những câu Ngọc-Phách nói. Mỹ-Linh giảng:
- Mấy câu đó nghĩa rằng: Phàm làm kẻ sĩ, khi giầu sang không dâm, lúc nghèo hèn, chí không đổi. Uy quyền không chịu khuất phục.
Thiệu-Thái khen thầm:
- Người này chỉ nên khích, chứ không thể lấy lời thuyết phục.
Mỹ-Linh ghé miệng sát cửa:
- Tôi sợ khi chúng dí dao vào cổ ông. Ông lại phải khuất phục.
Ông ta chửi tục:
- Con mẹ nó bọn Tống. Nếu chúng đem lễ tới cửa, quỳ gối khấn Con lạy ông. Con dốt nát, mong ông ban phúc dạy con thì hy vọng. Chứ áp đảo e vô ích.
Mỹ-Linh biết Ngọc-Phách thuộc loại kẻ sĩ khí tiết. Những loại ấy, chân yếu tay mềm, mà chính khí dọc ngang trời đất. Trên toàn Đại-Việt, không thôn nào, xóm nào mà không có. Họ không phải quan, cũng chẳng giầu có. Nhưng lớp kẻ sĩ ấy được quần chúng kính phục. Họ mới đích thực lãnh đạo Đại-Việt. Khắp nơi, người ta gọi họ bằng thầy.
Nàng nói nhỏ:
- Này thầy Phách. Tôi nghe đức thánh Khổng đứng nhìn giòng nước chảy mà đưa ra thuyết tùy thời. Phàm làm kẻ sĩ, khi cương, cứng như thép. Khi nhu mềm như tơ. Trong lòng toan tính, không ai rõ được. Thầy nên tìm cách nào giữ lại tấm thân hữu ích, dùng cho mai hậu.
- Cảm ơn cô nương nhắc nhở, bằng không tôi quên mất.
Mỹ-Linh bàn với Thiệu-Thái:
- Như vậy, ý đồ bọn Tống đã rõ. Chúng bắt những người biết chữ Khoa-đẩu dịch sách cho chúng. Chúng sợ người ta dịch sai, nên bắt nhiều người một lúc, rồi cùng sai dịch. Hễ thấy giống nhau, chúng mới tin. Thầy đồ Lê Ngọc-Phách, mình chưa rõ thực hư ra sao. Còn chị Thiếu-Mai, em nhìn từ ngoài vào, thấy con mắt chị ấy thoáng nét giảo hoạt. Không chừng chị ấy sẽ dịch sai cho chúng. Nếu chúng đem so sánh với bản dịch của thầy Lê Ngọc-Phách, ắt bị lộ. Phải làm sao bây giờ?
Đỗ Lệ-Thanh nói sẽ:
- Điều cần nhất, chúng ta phải điều tra xem thầy đồ Lê Ngọc-Phách là ai đã. Lỡ ra y làm gian tế cho Tống thì sao?
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Tôi không tin như vậy. Nếu Lê Ngọc-Phách làm gian tế cho Tống, việc gì Tống phải bắt cóc Thiếu-Mai cho thêm nguy hiểm. Tuy vậy ta cũng nên tìm hiểu y trước đã.
Mỹ-Linh lại bên phòng giam Phách:
- Thầy Phách ơi! Sáng mai, chúng tôi được lên làm bếp. Tôi lén gửi thư về nhà. Thầy có muốn viết thư báo cho nhà biết, hầu trình quan giải cứu, vậy thầy viết đi. Tôi sẽ gửi cho thầy.
- Ở đây không bút, không mực, viết sao được?
Mỹ-Linh đưa ra cục than củi:
- Hồi chiều, lúc làm bếp, tôi dấu được cục than này. Ông xé vạt áo viết thư, rồi tôi gửi cho. Ông định viết thư cho ai?
- Tôi có người bạn, hiện làm Lữ-trưởng trong đạo quân Bổng-nhật của đức Hoàng-đế. Tôi viết thư cho y. Y trình với ngài Điện-tiền chỉ-huy sứ, hy vọng mới cứu được tôi.
Mỹ-Linh nhủ thầm:
- Bổng-nhật là một trong mười đạo Thiên-tử binh. Như vậy bạn anh ta làm dưới quyền anh hai Tạ Sơn. Ta dễ xác nhận.
Nàng hỏi:
- Thầy có biết điện tiền chỉ huy sứ tên gì không?
- Dường như ngài họ Tạ tên Đức-Sơn, thường gọi tắt bằng danh xưng Tạ Đức, Tạ Sơn.
Ngọc-Phách xé áo viết liền. Viết xong, ông trao cho Mỹ-Linh. Nàng cầm lên đọc:
"Đệ Lê Ngọc-Phách, khóc chảy máu mắt viết thư cho nghĩa huynh Hoàng Hy, Lữ-trưởng sáu, thuộc đạo binh Bổng-nhật. Đệ bị sứ đoàn Tống bắt giam dưới chiến hạm thuộc hạm đội Động-đình. Sống chết trong chốc lát. Mong nhân huynh cứu đệ. Đệ khấp bái".
Mỹ-Linh lấy dao nạy cửa, chuồn lên trên sàn thuyền. Thấy con chim ưng của Khu-mật viện đậu trên cột buồm, nàng gọi nó xuống, cột mảnh vải vào chân, rồi huýt sáo ra lệnh cho nó bay đi.
Ba người lăn ra ngủ.
Có tiếng đập cửa ầm ầm. Đội Đam hiện ra, y thò đầu vào:
- Ba người đi học thuốc đâu. Mau lên làm bếp.
Mỹ-Linh ra hiệu, cả ba người chui ra khỏi hầm thuyền. Hôm nay trong bếp có tất cả hai mươi người phụ trách hỏa đầu quân. Tên trưởng bếp Tu liếc mắt nhìn ba người, rồi cúi xuống, không nói gì.
Chợt Mỹ-Linh để ý đến đội Đam, chiếc cúc áo cổ, có sợi chỉ đỏ. Nàng chửi thầm:
- Mình đáng chết thực. Người của Khu-mật viện ngay trước mắt mà không biết. Ta phải hỏi cho rõ căn cước y.
Nàng ghé tai đội Đam:
- Thầy đội! Nhà thầy đội có trồng hoa lan không?
Đội Đam giật mình:
- Không, nhà tôi không trồng hoa lan, mà chỉ trồng hoa đào. Cô cần mấy nhánh.
- Tôi cần hai nhánh.
Đội Đam kinh hãi:
- Khổ quá, nhà tôi chẳng có nhánh nào cả. Mùa này, cây đào còn bốn chiếc lá.
Mỹ-Linh hiểu ngay. Đẳng cấp võ quan nhà Lý có mười bậc. Dưới mười bậc đó còn có sáu cấp nữa, gồm ngũ, lượng, tốt, lữ, sư, quân. Đúng như đẳng trật, Đam làm chức đội, tức Lượng-trưởng. Đấy là cấp bậc che mắt, thực ra y ở cấp cao hơn tức Lữ-trưởng. Cho nên y xưng tới bốn cái lá. Mỹ-Linh xưng hai hoa đào, tức cấp tới tiết độ sứ, quá cao với đội Đam. Đội Đam kinh hãi nháy mắt một cái, tỏ ý nhận hiểu.
Mỹ-Linh hỏi Đam:
- Trên thuyền này thầy cao nhất?
- Vâng.
Nàng vào bếp nhặt rau, làm cá. Trong khi làm, nàng thấy con chim ưng đã trở về đậu trên cột buồm. Nàng huýt sáo gọi nó xuống, rồi gỡ miếng giấy ở trong ống dưới chân nó. Trên giấy vỏn vẹn mấy chữ:
Đúng như Ngọc-Phách khai. Y vốn lương thiện. Tin được.
Nàng đốt mẩu giấy đi, rồi nhặt rau. Vừa nhặt rau, nàng vừa ghé miệng vao tai đội Đam:
- Lê tiểu thư ở phòng nào?
- Tầng nhất, mé phải, phòng thứ chín kể từ mũi thuyền.
- Tôi cần ít tờ giấy. Kiếm được không?
- Dễ! Có loại bút khô đặc biệt. Cần không?
- Cần. Lát xuống hầm, thả Ngọc-Phách giam chung với bọn tôi được không?
- Dĩ nhiên được.
Sau bữa ăn, đội Đam đem Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, Lệ-Thanh xuống hầm. Ngọc-Phách được tháo gông, thả ra ngoài phòng lớn cùng với Mỹ-Linh. Đội Đam nói nhỏ với y:
- Do lời yêu cầu của mấy vị này, tôi thả anh ra ngoài, cho dãn gân cốt.
Bây giờ Mỹ-Linh đã tin Ngọc-Phách rồi. Nàng nói sẽ:
- Thầy Phách! Tôi dám quyết tính mệnh thầy được bảo đảm. Thư đã gửi đi. Tôi có mấy lời muốn dặn thầy?
- Cô nương cứ dạy.
- Chúng tôi có thừa bản lĩnh cứu thầy. Nhưng chưa đến lúc. Thầy hãy coi.
Nàng vận khí bóp cái bát ăn cơm vỡ nhỏ ra. Hai tay vo lại, lập tức cái bát biến thành đám bột. Ngọc-Phách kinh hoảng:
- Không ngờ võ công cô nương cao vậy. Bao giờ cô nương định cứu tôi?
- Khi thuyền đến bến. Có điều tôi dặn thầy trước. Nếu thầy cứng đầu, cứng cổ, chúng đánh thầy thiệt thân. Chi bằng thầy địch sai. Như vậy chúng theo đó luyện võ, sẽ đứt kinh mạch mà chết. Trong thuyền còn một người nữa biết chữ Khoa-đẩu. Người đó dịch sai, mà thầy dịch đúng. Chúng so thấy không giống nhau, ắt nghi ngờ. Chúng sẽ giết thầy chứ không giết người kia.
Ngọc-Phách hiên ngang:
- Tôi không sợ chết. Nếu tôi chết, coi như tôi chết vì nước, càng vinh hạnh cho tổ tiên, con cháu. Song tôi phải làm sao?
- Thì thầy cũng dịch sai giống người kia.
- Tôi không biết người kia dịch sai thế nào, e làm sai không giống nhau.
- Tôi dặn, thầy nhớ đây. Chỉ cần sao sai một số chi tiết là được. Về số, cứ một là sáu, hai là bẩy, ba là tám, bốn là chín, năm là mười. Xuống đổi thành ra. Lên thành vào. Hít thành đình. Thở thành tản. Như vậy đủ rồi.
Đến đó, đội Đam vào. Y nói với Mỹ-Linh:
- Nguy rồi, Dực-Thánh vương truyền ném ba vị xuống biển. Các vị tính sao?
- Bao giờ ném?
- Lát nữa.
- Ai phụ trách ném?
- Triệu Huy.
Lệ-Thanh tỏ ý cương quyết:
- Tiểu tỳ tung phấn độc đánh chúng nó. Mình chiếm thuyền này.
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Trên thuyền có hơn ba trăm thủy thủ. Họ đều trung thành với Đại-Việt. Nếu chúng ta giết hết, thực oan uổng cho họ. Vả chúng ta chiếm thuyền, mà không biết điều khiển cũng vô ích. Lại nữa hạm đội có mười chiến hạm. Ta chiếm soái hạm, chín hạm kia quay lại đánh ta. Ta chống không nổi.
Thiệu-Thái rất bình tĩnh:
- Không sợ. Nếu chúng ném bọn tôi xuống biển, chúng tôi sẽ bám bánh lái leo lên. Ông kiếm cho chúng tôi ba bộ quần áo thủy quân. Chúng tôi giả làm lính.
Đội Đam nói với Ngọc-Phách:
- Mời thầy gặp thượng cấp của tôi. Thầy không còn bị giam ở đây nữa.
Đội Đam dẫn Ngọc-Phách đi ra.
Thiệu-Thái bàn:
- Nhược bằng Triệu Huy ném chúng ta xuống biển. Ta cứ để cho y ném. Bằng y trói chúng ta mà ném, chúng ta phải giết y trước.
Đỗ Lệ-Thanh gật đầu:
- Chúng ta cứ thế mà làm.
Một lát Triệu Huy, Triệu Anh cùng đội Đam vào. Y cười đểu dả:
- Ba vị. Đã đến lúc mỗ nói thực cho ba vị biết. Chủ nhân mỗ muốn mời các vị xuống Long-cung chơi. Các vị không nên oán mỗ.
Mỹ-Linh làm bộ run sợ:
- Trăm lạy ngài, xin ngài sinh phúc tha cho chúng tôi.
Lệ-Thanh cũng kêu:
- Lạy quan lớn! Con có tội gì mà quan lớn giết con?
Triệu Huy cười nhạt. Y hất hàm ra lệnh, rồi một tay xách Mỹ-Linh, một tay xách Thiệu-Thái. Triệu Anh xách Đỗ Lệ-Thanh. Chúng lên sàn thuyền vận sức ném ba người xuống biển.
Còn ở trên không, ba người lộn một vòng, cho cúi đầu xuống. Xuống tới nước, ba người trồi lên. Họ chỉ vọt mình mấy cái, đã tới bánh lái. Cả ba bám vào bánh lái, leo lên ngồi vào, giống như ba con chim biển.
Bấy giờ trời vào tiết tháng mười một, gió heo may luồn những sợi tơ lạnh lẽo trong không gian. Nhưng ba người đều thuộc hàng nội ngoại công tối cao. Vì vậy cái lạnh không thấm vào người họ được.
Mỹ-Linh bàn:
- Chúng ta ngồi đây chơi. Đợi trời tối, sẽ leo lên gặp đội Đam. Y kiếm quần áo, cho chúng ta giả làm thủy thủ. Tha hồ chúng ta tung hoành.
Lệ-Thanh đề nghị:
- Công chúa! Chỉ dụ của Khai-Quốc vương rằng chúng ta không nên dụng võ. Nhưng hoàn cảnh hiện tại không cho chúng ta đừng được. Lão tỳ xin công chúa để lão tỳ tung phấn độc cho bọn Triệu Thành, Dực-Thánh vương mê man. Mình làm chủ soái thuyền. Như vậy có phải yên không?
Mỹ-Linh lắc đầu:
- Không nên! Chúng ta đang tìm cách theo dõi hành động của bọn chúng, cho đến khi chúng về tới Biện-kinh. Chứ giết bọn chúng thì dễ quá rồi. Tuy vậy, nếu lần này gặp hung hiểm, phu nhân với anh Thiệu-Thái phóng độc phấn, độc chưởng giết bọn chúng vẫn chưa muộn.
Ba người nói truyện tới trời tối hẳn, rồi bám theo dây leo lên trên mặt thuyền. Trên mặt thuyền vắng không một bóng người. Mỹ-Linh gõ tay vào mạn thuyền ba tiếng. Đội Đam từ trong bóng tối nhô ra, vẫy ba người đi theo. Y mở một cửa, cho ba người vào.
Nước biển làm mất hết bột, hồ. Mỹ-Linh hiện nguyên hình với cô công-chúa đẹp như Quan-thế-âm bồ tát. Đội Đam kinh ngạc. Trong lòng y nảy ra mối nghi ngờ:
- Rõ ràng ban nãy, người đàn bà này xưng chức tới tiết độ sứ. Làm gì có nữ tiết độ sứ? Mà dù có chăng nữa, cô mới mười tám, hai mươi tuổi, sao có thể làm lớn như vậy được?
Đỗ Lệ-Thanh nói nhỏ với Mỹ-Linh:
- Công chúa. Bây giờ chúng ta lại hoá trang. Cả ba thành thủy thủ. Vậy công chúa ngậm viên thuốc này cho tiếng thành ồ ồ mới được.
Mỹ-Linh cầm thuốc bỏ vào miệng. Đội Đam kinh hoảng hỏi Lệ-Thanh:
- Phu nhân! Cô nương đây là?
Lệ-Thanh nói nhỏ:
- Vị cô nương này chính thị công chúa Bình-Dương. Còn công tử đây là thế tử Thân Thiệu-Thái.
Hôm ở Thăng-long, đội Đam đã nghe đồn công chúa Bình-Dương cùng thế tử Thân Thiệu-Thái võ công vô địch. Công chúa thắng Đông-Sơn lão nhân. Thiệu-Thái đánh bại Nhật-Hồ lão nhân. Người ta còn huyền thoại đi rằng cả hai đã làm những truyện kinh thiên động địa cho Khu-mật viện. Đội Đam nghe nói, mà lòng khâm phục vô hạn. Bây giờ hai người trong huyền thoại đang ở trước mắt y. Y run run:
- Công chúa...
Mỹ-Linh ra hiệu cho y im lặng:
- Đừng đa lễ. Hãy giúp chúng tôi thành thủy thủ.
Đội Đam nói nhỏ:
- Ba thủy thủ hầu sứ đoàn bị trúng độc. Vậy tiểu nhân để ba vị thay thế chúng. Công chúa mang tên An. Thế tử mang tên Bình. Lão bà mang tên Tĩnh.
Rồi y giảng dạy những gì phải làm, cùng huấn luyện những động tác của thủy thủ. Hơn giờ sau, ba người đã thành thuộc. Mỹ-Linh hỏi:
- Thầy đồ Ngọc-Phách đâu?
- Y ở phòng thứ ba phía bên trái, tầng trên cùng.
Mỹ-Linh bàn:
- Đỗ phu nhân với anh Thái lên phòng ăn, chỗ sứ đoàn ở. Em đi tìm chị Thiếu-Mai.
Mỹ-Linh hướng mũi thuyền đi tới. Qua cầu thang, nàng xuống tầng thứ nhất. Tới phòng thứ ba, nàng ngừng lại, dơ tay gõ cửa ba tiếng. Thiếu-Mai mở cửa ra. Mỹ-Linh chắp tay:
- Tiểu nhân tên An, được chỉ định phục dịch tiểu thư. Tiểu thư cần gì không?
Thiếu-Mai thấy dáng người tên thủy thủ rất quen, rất thân ái, mà nhất thời nàng không nhận ra. Nàng hỏi:
- Anh An! Không biết tôi đã gặp anh ở đâu?
Mỹ-Linh nói nhỏ:
- Tiểu nhân từng đến Vạn-thảo sơn trang trị bệnh. Tiểu nhân muôn vàn nhớ công đức đại phu cùng tiểu thư.
Thiếu-Mai chợt nhìn thấy dưới mái tóc sau cổ thủy thủ An, một làn da trắng mịn. Cạnh đó, có mụn nốt ruồi son cực lớn. Nàng chửi thầm:
- Thì ra công chúa Bình-Dương. Hôm trước ta thấy nàng cùng hai người dưới hầm thuyền định cứu ta. Ta đã nghi. Bây giờ nàng lại giả thủy thủ hí lộng quỷ thần gì nữa đây? Đã vậy ta cũng phá lại chơi.
Thiếu-Mai kéo Mỹ-Linh vào trong phòng, rồi cài cửa lại. Nàng làm nghiêm:
- Anh thủy thủ à! Anh lên giường kia nằm xuống ta chữa bệnh cho.
- Thưa cô nương, tiểu nhân không đau yếu gì cả.
- Sao lại không. Nhất định anh bị bệnh. Bệnh nặng lắm, nguy đến nơi rồi. Lên giường mau.
Không đừng được, Mỹ-Linh phải leo lên giường.
Thiếu-Mai nghiêm mặt:
- Bệnh của anh khủng khiếp lắm. Ngực tự nhiên sưng lên hai cái bướu, lớn bằng cái bát ăn cơm. Ta muốn xem hai cái bướu này.
Nói rồi nàng định cởi áo Mỹ-Linh.