Chương 17b
Chu Tấn cung kính hướng Thiệu-Thái:
- Trước kia bọn thuộc hạ đi đâu cũng bị người ta khinh khiến là bọn tà ma ngoại đạo. Từ khi giáo chủ lên ngôi, công bố đường lối mới, cải danh thành Lạc-long giáo. Bọn thuộc hạ trở thành những người được hương đảng kính trọng. Tuy nhiên, sau đó thuộc hạ lên đường về Thăng-long tìm giáo chủ để xin trục độc chưởng, giáo chủ lại vắng nhà. Thuộc hạ trở về đây, bị lên cơn suốt hai tháng qua, tưởng đâu sẽ chết. Không ngờ hôm nay giáo chủ quang lâm giải ách cho.
Thiệu-Thái an ủi y:
- Sau đại hội, tôi phải lên đường khẩn, thi hành quốc sự. Hôm nay mới tới đây thăm anh em. Tôi có điều muốn hỏi Chu huynh.
- Xin chờ chỉ dụ giáo chủ.
- Hôm nay, khi lễ lăng Khúc-giang ngũ hùng, tôi gặp một người có hành vi kỳ bí. Y tên Luyện. Chu huynh có biết lai lịch y không?
Chu Tấn gật đầu:
- Trình giáo chủ, y họ La tên Luyện, gốc người Việt ở vùng Trường-yên. Trước thuộc giáo đồ bản giáo, giữ chức đạo trưởng huyện Nam-hải. Khi bản giáo cải danh thành Lạc-long giáo, y cùng một số người không phục, xin tách rời ra, vẫn giữ nguyên cơ sở, tự gọi tên là Hồng-thiết giáo Quảng-Đông. Y thường rình rập những người tế lăng Khúc-giang ngũ hùng cùng đền thờ hai vị công chúa thời Lĩnh-Nam.
- Chu huynh có biết y rình với mục đích gì không?
- Dường như y theo về bang Nhật-hồ Trung-quốc. Thuộc hạ cho người theo dõi, được biết y rình những người lễ đền với lăng, để tìm di tích kho tàng Tần-Hán.
Lê Đức hỏi:
- Y có liên hệ gì với Khu-mật viện Tống không?
- Không.
Lê Đức trầm tư nhìn lên bờ, rồi thuật lại vụ Đỗ Lệ-Thanh tung phấn độc vào người La Luyện cho Chu Tấn nghe. Chu Tấn vỗ tay reo lên:
- Như vậy thực hay biết bao. Dù muốn dù không y cũng phải xuất hiện, gặp Đỗ phu nhân, hầu xin thuốc giải. Bấy giờ ta muốn vo tròn, bóp méo thế nào y cũng phải chịu.
Thiệu-Thái không đồng ý:
- Xuất hiện dĩ nhiên y phải xuất hiện. Song đây thuộc đất nước người. Ta chẳng nên mua thù chuốc oán với bang Nhật-hồ Trung-quốc. Chu huynh! Chu huynh có biết tình hình bang Nhật-hồ Trung-quốc gần đây ra sao không?
Chu Tấn đáp:
- Thưa giáo chủ. Từ đời vua Tống Thái-Tông, đem quân vào diệt tổng đường cuối cùng của bang Nhật-hồ. Các cao thủ của bang này gần như bị tiêu diệt hết. Chỉ có ba trưởng lão. Một tên tên Đặng Đại-Bằng hiện làm bang chủ. Hai người nữa tên Phương Hổ, Phương Báo. Hai người này tách ra cùng năm người nữa xưng Trường-giang thất hùng. Họ lập ra bang Trường-giang. Ngoài ra còn con gái chưởng môn tên Đỗ Lệ-Thanh, cùng con rể tên Hồ Dương-Bá cùng một số cao thủ bị bắt giải về kinh.
Chu nói đến đây, Mỹ-Linh, Thiệu-Thái đưa mắt nhìn Đỗ Lệ-Thanh một cái, rồi hỏi:
- Sau truyện ra sao?
- Hồ Dương-Bá cùng vợ xin Tống triều ân xá cho thân thuộc. Hai người nguyện làm bất cứ điều gì cho Tống triều để chuộc tội. Dù sao Thái-tổ nhà Tống cũng là thần tử của triều Chu, từng là thuộc hạ của họ Đỗ. Vì vậy triều đình không nỡ tuyệt tình với người cố cựu. Bấy giờ Khu-mật viện nhà Tống đang mang cái hận bị Đại-Việt đánh ở Chi-lăng, Bạch-đằng, mới đưa ý kiến chấp nhận lời xin của Đỗ Lệ-Thanh cùng Hồ Dương-Bá. Tống triều cho Hồ Dương-Bá cùng Đỗ Lệ-Thanh sang Đại-Việt, tiềm ẩn, gây thế lực, chờ một mai quân Tống sang sẽ làm nội ứng.
Chu Tấn nhìn sang bên kia sông, như tìm kiếm ai, rồi tiếp:
- Trong khi đó Đặng Đại-Bằng đi khắp nơi tụ tập dư đảng của Hồng-thiết giáo, lập lại bang Nhật-Hồ. Nhưng bang không mạnh, vì họ chỉ biết đánh người, gieo độc chất, rồi cho uống thuốc giải hằng năm. Còn bang chủ lại không biết xử dụng Hồng-thiết mật công, hầu giải độc vĩnh viễn cho đệ tử. Gần đây, họ chế ra phấn độc Chu-sa, tuy không lợi hại bằng Chu-sa độc chưởng, nhưng ai cũng xử dụng được. Họ đã gieo vào người Lưu thái hậu. Họ tưởng rằng sẽ khống chế được Lưu hậu. Không ngờ Lưu hậu lại có tay sai làm trưởng lão Hồng-thiết giáo Đại-Việt, cung cấp thuốc giải cho bà.
Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đưa mắt nhìn Lê Đức, như cùng nói:
- Không biết Đàm Can hay Hoàng Văn đã làm việc này?
Chu-Tấn thấy ba người nhìn nhau, y biết thượng cấp có điều gì bí mật, nhưng y không dám hỏi. Y tiếp:
- Đặng Đại-Bằng cho người sang Đại-Việt tìm Đỗ Lệ-Thanh, Hồ Dương-Bá. Nhưng tuyệt vô âm tín.
Đỗ Lệ-Thanh hỏi Chu Tấn:
- Chu đạo trưởng có biết những người sống sót của họ Đỗ hiện giờ ra sao không?
- Không! Tôi chỉ nghe lờ mờ rằng họ sống yên ổn ở Biện-kinh.
Đỗ Lệ-Thanh nắm lấy tay Thiệu-Thái:
- Chủ nhân! Người Việt có câu Cáo chết
ba năm, quay đầu về núi. Tiểu tỳ xa nhà hơn bốn chục năm có dư. Nay tiểu tỳ dám xin chủ nhân cho tiểu tỳ về Biện-kinh thăm nhà một chuyến.
Thiệu-Thái an ủi bà:
- Phu nhân yên tâm. Sau việc ở đây, tôi phải đi Biện-kinh. Bấy giờ sẽ cùng giúp phu nhân tìm thân nhân. Tôi có ơn với Triệu Thành, tôi xin y cho phu nhân đem toàn gia sang Bắc-biên hay Thăng-long sống.
Từ lúc Lê Đức tôn Thiệu-Thái làm giáo chủ. Y thấy lúc nào Đỗ Lệ-Thanh cũng đi theo chàng. Y cho rằng bà là lão bộc nuôi chàng từ nhỏ. Tuyệt đối y không biết bà gốc tích ra sao. Bây giờ nghe bà với Thiệu-Thái đối thoại, y không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên y không dám tò mò vào truyện gia đình chàng.
Bọn giáo chúng bưng thuốc vào trao cho Chu Tấn. Y bưng uống một hơi sạch, rồi hỏi Thiệu-Thái:
- Thuộc hạ nghe giáo chủ muốn hành hương đền Sa-khẩu. Vậy khi nào khỏe mạnh thuộc hạ xin tháp tùng, dẫn đường.
Mỹ-Linh thấy Đỗ Lệ-Thanh có vẻ không muốn đi thăm Sa-khẩu. Nàng hỏi:
- Phu nhân không đi cùng chúng tôi ư?
- Tiểu tỳ có hơi khó ở. Xin công chúa miễn cho phải theo hầu.
Chu Tấn truyền dọn cơm ăn. Ăn xong y nói:
- Xin giáo chủ cùng công chúa nghỉ ít ngày, rồi thuộc hạ xin dẫn giáo chủ, công chúa cùng Lê trưởng lão lên đường. Chúng ta dùng một con thuyền nhỏ đến Sa-khẩu, hơn đi đường bộ bằng ngựa.
Ít lâu sau, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh thấy Chu Tấn đã bình phục. Hai người bàn truyện đi hành hương Sa-khẩu.
Chu Tấn ra ngoài. Y cầm cây cờ xanh phất một cái. Lập tức từ bên kia sông, một con thuyền bậc trung nhổ sào, chèo sang bên này. Thuyền ghé vào thuyền lớn. Chu Tấn nhảy sang trước. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh, Lê Đức nhảy theo. Bốn giáo chúng chèo thuyền cúi gập người xuống hành lễ.
Chu Tấn mở của khoang thuyền, mời ba người vào. Trong thuyền trang trí rất thanh nhã. Hai bên có hai hàng ghế bọc gấm mầu hồng. Ở giữa kê một cái bàn sơn son thiếp vàng. Vách thuyền treo những bức trướng lụa, trên vẽ tranh về Phù-Đổng thiên vương đánh giặc Ân, bà Triệu đánh Ngô, Ngô vương đánh Tống.
Thuyền nhổ sào. Buồm kéo lên. Thuyền từ từ hướng về phía Bắc. Chu Tấn nói:
- Từ đây đến Sa-khẩu ước hơn nửa giờ. Hôm nay ngày rằm, dân chúng các nơi đến lễ đông lắm. Vì vội quá thuộc hạ không kịp biện lễ. Cứ tới cổng đền, thuộc hạ mua sắm cũng vừa.
Thình lình có tiếng tiêu véo von vọng lại. Mỹ-Linh nhận ra người ta tấu bản Động-đình ca. Tiếng tiêu phát ra từ một con thuyền nhỏ, đang vượt qua thuyền mình. Khi con thuyền vừa vựơt qua, Mỹ-Linh thấy rõ ràng trên thuyền có bốn ngư nhân đã bắt sống Đào Nhất-Bách. Nàng chỉ cho Lê Đức. Lê Đức hô thuyền phu:
- Mau đuổi theo con thuyền kia thực gấp.
Bốn thuyền phu ra sức chèo phụ với buồm. Con thuyền lao đi vun vút. Nhưng con thuyền nhỏ phía trước càng lao nhanh hơn. Đuổi được một lát, Mỹ-Linh nhận ra rằng, thuyền nhỏ của ngư nhân dường như cố ý trêu ghẹo mình. Vì thuyền Chu Tấn bơi nhanh, thuyền phía trước cũng bơi nhanh. Thuyền Chu Tấn bơi chậm, thuyền phía trước cũng bơi chậm.
Chu Tấn chạy ra ngoài, rút thêm mái chèo. Y chèo phụ với thuyền phu. Thuyền vọt lên như lao. Trong khoảng nhai dập miếng trầu, thuyền Chu Tấn gần đuổi kịp thuyền phía trước. Một ngư nhân quay lại để ngón tay cái lên mũi nheo mắt cười như trêu ghẹo.
Chu Tấn nói với Lê Đức:
- Xin trưởng lão đứng trên mũi thuyền chờ sẵn. Đợi thuộc hạ chèo mạnh mấy cái nữa, hãy nhảy qua.
Nói rồi y gồng tay chèo mấy cái. Hai thuyền chỉ còn cách nhau một trượng. Lê Đức nhảy vọt qua.
Nhanh như chớp, từ trên thuyền trước hai cái cần câu vung lên. Lê Đức còn lơ lửng trên không định dơ tay bắt. Y nghe thấy hai tiếng véo, véo. Rồi như hai cục sỏi, một trúng mông y, một trúng vai y. Y cảm thấy toàn thân tê liệt, kình lực mất hết. Y rơi xuống thuyền trước đến rầm một cái.
Thiệu-Thái nhanh mắt nhìn rõ: Hai cần câu vung lên, hai cái phao trúng mông chỗ huyệt Hoàn-khiêu, trúng vai chỗ huyệt Thiên-tông. Vì vậy Lê Đức hoàn toàn bị tê liệt như khúc gỗ. Chàng kinh hãi:
- Võ công gì mà kỳ lạ? Tại sao hai cái phao đụng vào người, mà Lê Đức như tê liệt? Đúng ra võ công Lê Đức cao thâm khôn lường. Song có điều trong đêm tối y không nhìn thấy hai cái phao, với hai sợi dây câu. Vì vậy y mới thất bại.
Giữa lúc đó từ thuyền trước bay lại mấy viên sỏi kình lưc cực mạnh kêu lên tiếng vi vu. Thiệu-Thái vung tay bắt được hai viên. Còn một viên trúng sợi dây buồm. Sợi dây đứt đánh phựt một cái. Con thuyền Chu Tấn quay ngang, rồi trôi chậm lại.
Trên thuyền trước vang lên tiếng cười:
- Ồ, lại được con cá tự nhiên nhảy vào thuyền mình.
Tiếng nói vừa dứt, thuyền vượt sông về phía trước mất dạng.
Mỹ-Linh hô nối lại dây buồm, rồi đuổi theo.
Thiệu-Thái kinh hãi:
- Võ công ngư nhân thực kỳ lạ. Y vận công búng sỏi bằng âm kình làm đứt được dây buồm, hơi giống Vô-ngã tướng thiền công của mình. Không biết bọn này là ai?
Thuyền đi được một quãng, từ phía thượng lưu, chỗ con sông hẹp lại, hiện ra hai con thuyền cực lớn đậu giữa giòng ngăn mất lối đi. Chu Tấn kinh hoàng, hô lớn:
- Thuyền nào kia, làm ơn lách sang bên cạnh, nhường chỗ cho chúng tôi qua được không?
Có tiếng đáp lại:
- Mong anh em thông cảm. Tháng này, tiết trời khô khan, nước sông nông. Thuyền chúng tôi chở nặng, khẳm quá, mắc cạn, không nhúc nhích được.
Mỹ-Linh nhìn lại: Quả nhiên người ta đang xếp hàng, truyền tay nhau chuyển hàng lên bờ, hầu thuyền khỏi mắc cạn. Nàng nghĩ thầm:
- Bốn ngư nhân hành động như đùa bỡn, mà thực ra có tính toán. Họ chuẩn bị bắt Lê Đức, rồi bỏ chạy qua lối này. Thuyền họ nhỏ, lách qua được. Thuyền mình lớn hơn, không lối đi.
Chu Tấn chỉ vào mỏm sông phía trước:
- Chỗ có nhiều ánh sáng đèn đuốc kia là đền Sa-khẩu.
Thiệu-Thái, Mỹ-Linh nhìn theo: Trên mỏm sông, một ngôi đền lờ mờ hiện trong đêm, với ánh đèn như sao sa.
Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:
- Làm sao bây giờ?
Mỹ-Linh thở dài:
- Bốn ngư nhân bắt Lê Đức, Đào Nhất-Bách, hẳn có chủ ý, kế hoạch. Nhất định họ sẽ trở lại. Chúng ta không cần tìm làm gì. Bây giờ ta ghé bờ, lên bộ đi lễ vậy.
Thiệu-Thái nói với Chu Tấn:
- Chu huynh! Từ hôm tôi tới trấn này, có linh cảm thấy một màn bí mật bao trùm xung quanh, mà như người đi đêm không hiểu tai sao?
Chu Tấn cũng nghiệm thấy vậy. Y vò đầu bứt trán:
- Thuộc hạ bị bệnh hơn tháng nay. Việc bản giáo do anh em thay thế. Thuộc hạ vừa mới tỉnh, chưa hỏi tự sự, nên khó có thể đoán bọn này là ai. Chứ từ xưa đến giờ, trong các bang hội, môn phái ở đây, Hồng-thiết giáo mình vẫn mạnh nhất. Dù An-vũ sứ, dù Chuyển-vận sứ, dù khu mật viện Quảng-Đông lộ nghe đến bản giáo cũng không dám gây hấn, huống hồ các bang hội, môn phái. Từ sáng đến giờ bọn này hoành hành không còn úy kị gì nữa. Chúng nghiên cứu ta kỹ, rồi mới ra tay, như vậy hẳn chúng biết có sự hiện diện của giáo chủ. Đã biết giáo chủ ở đây, mà còn phá phách đùa bỡn, tức chúng mặc nhiên tuyên chiến rồi. Được, thuộc hạ lập tức triệu tập anh em, tìm hiểu chúng, rồi ta sẽ ra tay cũng không muộn.
Thiệu-Thái an ủi Chu Tấn:
- Chu huynh đừng vội nóng. Có phải chúng ta yếu thế, bất lực đâu? Chẳng qua chúng ta sợ ném chuột vỡ đồ mà thôi. Vì tại đây đang có Bình-Nam vương nhà Đại-Tống cùng Chuyển vận-sứ, An-vũ sứ Quảng-Đông lộ, khu-mật viện sứ cùng với mấy vạn thiết kị. Nếu chúng ta hội họp e gặp khó khăn. Tốt hơn hết, Chu huynh ra lệnh cho anh em tìm hiểu gốc gác chúng, rồi ta hãy ra tay cũng không muộn.
Vừa lúc đó, phía trước có tiếng reo hò. Thì ra hai con thuyền mắc cạn đã đi được. Phải khó nhọc lắm, họ mới di chuyển khỏi quãng sông chật hẹp, rồi lách sang một bên, cho thuyền Chu Tấn đi.
Chu Tấn bàn:
- Tới đền Sa-khẩu, xin Giáo chủ cùng Công-chúa đi lễ. Tiểu nhân lên bờ, gặp anh em, truyền lệnh cho họ tìm ra kẻ bắt hai trưởng lão.
Mỹ-Linh dặn Chu Tấn:
- Dù kẻ địch thế nào chăng nữa, Chu huynh cũng không được giao chiến. Chờ bọn tôi đã.
Chu Tấn vâng dạ lĩnh mệnh.
Thuyền đến mỏn Sa-khẩu. Dọc bến sông, thuyền đậu như bát úp. Phải khó nhọc lắm, Chu Tấn mới tìm được chỗ đậu. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh lên bờ. Một nữ giáo chúng tên Sương được lệnh theo hầu. Mỹ-Linh tới gian hàng bán lễ vật. Nàng mua hương, hoa, quả, trao cho Sương mang, rồi theo làn sóng người đi vào đền.
Đền làm quay mặt về hướng Nam. Vào qua cổng, toả ra hai con đường bọc lấy một hồ sen hình bán nguyệt. Giữa hồ sen có gò. Trên gò một cây cờ Lĩnh-Nam cực lớn, bay phất phới.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhận ra cây cờ đó là cờ thời vua Trưng. Vòng qua bờ hồ trước đền, có cái sân lát đá xanh.
Trong sân, một bên có cây đa, một bên có cây đề cao chót vót, ước hơn mười trượng, gió thổi vào lá reo lên những tiếng ào ào.
Sau sân tới đền. Đền không lớn lắm. Phải bước lên chín bậc mới đến hành lang. Hành lang lát gạch đỏ.
Có hai thiếu nữ mặc áo vàng, chạy ra tiếp rước. Quen thuộc, hai cô đỡ lấy mâm lễ vật, đon đả mời Mỹ-Linh, Thiệu-Thái. Một thiếu nữ hỏi bằng tiếng Việt:
- Quý khách từ Đại-Việt sang lễ Công-chúa, hay thuộc tử đệ võ phái thời Lĩnh-Nam?
Thiệu-Thái hỏi:
- Sao cô biết chúng tôi người Việt?
Thiếu nữ mỉm cười:
- Tại em thấy anh chị trang phục theo lối Việt. Vì anh chị đeo kiếm, nên em mới hỏi anh chị chỉ đi lễ hay tử đệ võ phái hành hương.
Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cực kỳ tôn kính anh hùng thời vua Bà. Vì vậy, trước đền thờ hai ngài, Mỹ-Linh không dám nói dối. Nàng đáp:
- Chúng tôi vừa hành hương như thập phương, lại vừa thuộc hàng con em đệ tử. Chị ơi! Đi lễ, ai cũng như ai. Sao phải phân ra làm hai loại như vậy?
Cô gái cười:
- Nếu chị thuộc thập phương, chỉ lễ, rồi về. Còn con em đệ tử, sẽ được mời vào hậu đường chiêm ngưỡng tượng hai công chúa rồi được mời ở lại đền chơi mấy ngày.
Thiệu-Thái thấy thể lệ tiếp đón, chàng vui vẻ:
- Lỡ ra, thập phương muốn chiêm ngưỡng tượng hai công chúa, họ nói dối là con em, tử đệ thì sao?
Cô gái cười rất tươi:
- Khi người ta không tin hai Công-chúa, hỏi người ta đi lễ làm gì? Còn đã tin, ai dám nói dối?
Thiệu-Thái gật đầu công nhận lời cô gái đúng. Hai người được dẫn tới chính điện. Sáu bàn thờ rất lớn, trên bầy đầy lễ vật. Phía sau bàn thờ, một chiếc màn bằng gấm đỏ, trên thêu hai con rồng chầu. Đỉnh hương bốc khỏi nghi ngút.
Thiệu-Thái bảo Sương:
- Cô nương cứ ra bờ sông chờ chúng tôi.
Sương vâng dạ lui gót.
Thiệu-Thái, Mỹ-Linh quỳ gối lễ. Mỹ-Linh khấn:
- Tấu lạy nhị vị Công-chúa điện hạ. Đệ tử tên Lý Mỹ-Linh, tước phong công-chúa Bình-Dương, hiện làm chưởng môn phái Mê-linh. Nhân quốc sự, đệ tử qua đây, xin cúi đầu kính lễ nhị vị Công-chúa điện hạ. Cầu nhị vị Công-chúa điện hạ phù hộ cho đệ tử tìm thấy kho tàng thời Tần-Hán, hầu đem về xây dựng nước giầu dân mạnh.
Nàng lạy thêm bốn lạy rồi đứng đậy. Cô gái hướng dẫn hai người vào nhà ngang. Ban trị sự đền ân cần tiếp đón. Một phụ nữ lớn tuổi mang sổ quyên giáo ra. Thập phương kẻ cúng trăm đồng, người cúng một quan.
Vòng đến trước Mỹ-Linh, Thiệu-Thái, liếc nhìn thanh gươm hai người đeo bên hông. Bà đưa mắt cho một lão già râu tóc bạc phơ. Lão đến trước hai người cúi đầu hành lễ:
- Phải chăng cô nương họ Lý. Còn công tử họ Thân?
Mỹ-Linh kinh ngạc:
- Sao tiên sinh biết rõ thế?
Lão cung kính nói:
- Cách đây mấy ngày, nhị vị công chúa báo mộng rằng sắp có một gái họ Lý khuê danh Mỹ-Linh, một trai họ Thân tên Thiệu-Thái. Cả hai thuộc hàng con em đệ tử của nhị vị công chúa. Nhị vị công chúa dặn chúng tôi phải chờ đợi hầu tiếp đón chu đáo.
Ông mời hai người vào một phòng khách, trang trí thanh nhã, cung cung kính kính mời ngồi. Cả ban trị sự gồm mười người đều có mặt. Họ đưa mắt cho nhau, rồi cùng quỳ gối hành đại lễ. Lão già nói:
- Bọn chúng tôi, gồm mười người, trong ban trị sự đền, được nhị vị công chúa báo mộng rằng hai vị thuộc con em đệ tử hai ngài. Sau này hai vị sẽ làm những truyện kinh thiên động địa. Sự nghiệp còn hơn nhị vị Công-chúa. Nếu hai vị sai bảo gì, chúng tôi phải tuyệt đối tuân hành. Vì vậy, chúng tôi xin kính cẩn cúi đầu nhận sự sai bảo của hai vị.
Mỹ-Linh, vội nói lời miễn lễ, ân cần mời ban trị sự ngồi. Họ thay nhau giới thiệu:
- Trưởng ban trị sự họ Trần tên Cương. Phó Trần Yên. Thủ quĩ Trần Sơn.
Mỹ-Linh thấy cả mười người đều họ Trần. Nàng ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao ban trị sự đều họ Trần?
Trần Cương đáp:
- Nguyên đất này, xưa được phong cho Phương-chính hầu Trần Tự-Minh. Sau này con cháu người lập nghiệp khắp vùng. Hồi Khúc-giang ngũ hùng làm vua Nam-hải, ban luật rằng chỉ người họ Trần mới được bầu vào ban trị sự đền.
Mỹ-Linh cầm sổ quyên giáo. Nàng viết: Lý-Mỹ-Linh. Thân-thiệu-Thái kính cẩn dâng mười nén vàng, để tu bổ đền.
Thời bấy giờ, một nén vàng nặng mười lượng. Mỗi lượng vàng ăn một trăm lượng bạc. Mỗi lượng bạc ăn mười quan tiền. Thành ra số vàng Mỹ-Linh cúng tới mười vạn quan tiền. Với số tiền này, có thể xây được bốn ngôi đền lớn hơn đền hiện tại.
Ban trị sự được hai Công-chúa báo mộng, những tưởng Mỹ-Linh, Thiệu-Thái thuộc giới võ lâm, giầu có. Nếu cúng, cao nhất một quan là cùng. Nào ngờ hai người cúng số vàng quá lớn. Họ mở to mắt ra, không nói lên lời.
Khi khởi hành, Mỹ-Linh đã có chủ tâm:
- Nếu ông nội, hay phụ vương, hay thúc phụ chính thức sai người sang tu bổ đền thờ hai vị anh hùng thời Lĩnh-Nam, ắt triều Tống cho rằng Đại-Việt mưu đồ gì, e khó khăn cho việc thờ cúng. Âu ta mượn cớ hành hương, cúng vào quĩ. Như vậy không ai nói gì được.
Nàng mở bọc lấy ra mười nén vàng, sáng chói. Trên nén vàng đều có khắc chữ Thiên-thánh nguyên niên. Trần Cương cầm thỏi vàng lên coi, rồi nói:
- Thực may mắn! Cô nương cúng vàng đại Tống. Chứ nếu vàng Đại-Việt, bọn lão hủ phải nấu ra ngay, bằng không e rắc rối to.
Mỹ-Linh cũng sợ khó khăn cho ban trị sự. Nàng viết thêm bằng chữ Hán: Số vàng mười nén này, trăm họ góp lại. Chúng tôi thay mặt kính dâng. Viết xong nàng nghĩ:
- Ta bảo vàng của trăm họ cũng đúng. Vì vàng này vốn của Triệu Thành đền cho người bị Lý Tự phóng ám tiễn giết chết trong đại hội giỗ Lệ-Hải bà vương. Số vàng bồi thường, một phần phủ tuất gia đình nạn nhân. Một phần xung vào công khố Đại-Việt. Hôm ra đi, chú hai dặn ta mang vàng Tống chi dùng, để khỏi bị lộ chân tướng. Bây giờ ta mới biết việc phòng trước quả thực thuận tiện.
Ban trị sự thấy Mỹ-Linh thêm vào mấy chữ, họ nhìn nhau, như cùng thông cảm về sự tinh tế của nàng. Trần Cương chỉ vào một bà lão đầu bạc như cước:
- Đây bà Trần Thị-Như. Bà đã trai giới ba ngày để hướng dẫn hai vị vào hậu điện diện kiến nhị vị Công-chúa điện hạ.