Trận đánh Trường-an kinh hồn động phách do Phương-Dung thiết kế, Điền Sầm, Tạ Phong, Công-tôn Khôi, Triệu Khuôn, Nhiệm Mãng, Công-tôn Tư và các anh hùng Lĩnh Nam chỉ huy, toàn thắng. Hán thiệt trên hai chục vạn quân, hàng mấy ngàn chiến tướng kinh nghiệm tử trận, khi thiết kế trận đánh, anh hùng Thiên-sơn, Lĩnh Nam chỉ muốn đánh chiếm Hàm-dương, Vị-nam, bức Quang-Vũ bỏ Trường-an, rút quân về giữ Lạc-dương, quần hùng đợi chiếm xong Hàm-dương, Vị-nam kéo quân về uy hiếp Trường-an. Trận Trường-an trong kế hoạch chỉ cầm chân lực lượng Hán, không ngờ lần đầu tiên đội thần nỏ Âu-Lạc xuất hiện, có Thần-tượng hộ tống đạt thắng lợi ngoài sự tưởng tượng, Công-tôn Tư ước tính trong bảy vạn Thiết-kị Hán có tới năm vạn bị Thần-nỏ bắn chết, hầu hết các chiến tướng chết vì tên. Còn đoàn Thần-hầu, Phương-Dung dặn Lục Hầu tướng giả leo lên thành đe dọa quân Hán. Không ngờ chúng được Thần-phong yểm trợ. Lọt vào thành, Lục Hầu tướng cùng hơn sáu trăm Thần Hầu tràn ngập Hoàng-cung khiến bọn Ngự-tiền thị-vệ không còn đủ sức bảo vệ cung quyến vợ con các vương, hầu, chúng phóng hỏa khắp nơi. Vì vậy lực lượng Thiên-sơn có mười vạn mà đánh hai mươi vạn quân Hán bỏ thành Trường-an chạy.
Đám anh hùng Tây-vu phần nhiều là trẻ con, tính Thiều-Hoa thích con nít, nàng săn sóc chúng như con đẻ, lại hay chuyện trò với chúng. Chúng tuy gọi nàng là sư-tỷ, nhưng tình cảm chúng coi nàng như mẹ, khi thấy nàng bị bắt, chúng đánh xả láng cứu nàng, Lục Sún cỡi trên sáu con voi đi đầu, phía sau Lục Phong Quận-chúa, Tây-vu Lục-hầu tướng reo hò xua Thần-phong, Thần-hầu đuổi theo.
Mặc dầu Phương-Dung cho đánh chiêng thu quân, chúng vẫn xua Thần-ưng, Thần-phong đuổi theo quân Hán, Công-tôn Tư sợ chúng có gì sơ xuất, đốc thúc Tạ Phong, Điền Sầm đem một đoàn Thiết-kị tiếp ứng, bên Hán đi đoạn hậu là Tần-vương Lưu Nghi, khi rời Trường-an trên trăm dặm, ngựa đói lè lưỡi, sĩ tốt mệt mỏi, ông cho đóng quân kiểm điểm binh mã: năm vạn Kị-binh, còn hơn vạn, vợ con tướng sĩ, của cải đều lọt vào tay Thục, Bộ-binh tan rã hoàn toàn. Cũng may vừa lúc đó, một huyện-lệnh nghe xa giá Quang-Vũ tới, sai xuất kho nuôi quân. Quân sĩ đốt bếp nấu nướng, chưa kịp ăn, bỗng chúng la hoảng chỉ lên trời, Tần-vương nhìn theo. Một đoàn Thần-ưng bay lượn vòng vòng.
Tần-vương chưa kịp phản ứng, thì hơn trăm thớt voi xuất hiện, quân sĩ kinh hoàng bỏ cả ngựa chạy vào thôn xóm, giữa lúc đó Phương-Dung đuổi tới, gọi Lục Sún trở về gấp, chúng đành líu ríu tuân lệnh.
Còn Phương-Dung trước chiến thắng vĩ đại, song nàng buồn muốn khóc, nàng tả xung hữu đột để bắt Quang Vũ đổi lấy Thiều Hoa, nhưng bị thất bại. Trở về trướng, nàng ôm đầu xúc động mạnh, từ ngày Đào Kỳ đi theo tiếng gọi phục-quốc, lúc nào nàng cũng thành công, lần thứ nhất bị thất bại, nàng bồi hồi, nước mắt những muốn chảy ra, nhưng nghĩ lại:
- Tiền cổ đến giờ, Hán cũng như Việt ta là nữ tướng đầu tiên đánh những trận long trời lở đất rồi đây muôn nghìn năm sau còn truyền tụng, nếu ta khóc thì còn gì nữ kiệt Lĩnh Nam nữa.
Vì vậy nàng không khóc, nàng đứng dậy đi thăm Tiên-yên nữ hiệp, bà đang ngồi nghiến răng vận công, trấn tỉnh cơn đau nhức, Phương-Dung đứng nhìn, không biết giải quyết sao.
Tối hôm đó Phương-Dung nhận được tin quân báo:
- Có sứ giả Trưng Nhị tới.
Phương-Dung truyền đón vào thì ra Sa-Giang, Vương Sa-Giang thấy Công-tôn Tư, quì mọp xuống làm lễ.
- Thần Sa-Giang xin tham kiến Thái-tử.
Công-tôn Tư không cho quì, cầm tay nàng bảo ngồi xuống bên cạnh, chàng nhìn Sa-Giang nói:
- Chắc Trưng Nhị cô nương giúp Thục tiếp thu được thành trì phía Đông rồi phải không?
Sa-Giang nheo mắt cười, nàng vốn dĩ là một người giỏi âm nhạc, cử chỉ nhu hòa, tư thái phiêu hốt, bây giờ nheo mắt coi thật duyên dáng, Vương Sa-Giang hỏi:
- Sao sư-huynh biết rõ như thế?
Công-tôn Tư cười:
- Gì mà ta không hiểu, này nhé, sư muội là võ tướng lại là tiên nga của âm nhạc. Người giỏi âm nhạc bao giờ cũng nhạy cảm, buồn vui không dấu nổi được ai, sư muội được Trưng cô nương sai đi, mặt tươi như hoa hải-đường, ta chắc mọi sự phải tốt đẹp lắm.
Sa-Giang đưa thư cho Phương-Dung, rồi nàng thuật lại mọi truyện.
Đoạn này thuật:
Trong khi trận Trường An diễn ra, thì cánh quân của Trưng Nhị, Hồ Đề, Trần Năng giúp Công-tôn Thiệu chiếm Kinh-châu.
Sau khi họp với anh hùng Lĩnh Nam ở Dương-bình quan, Trưng Nhị cùng mọi người trở về bản doanh Đặng Vũ ở Quảng-an, Đặng Vũ nóng lòng về việc tiến quân vào Thành-đô để làm chúa Ích-châu, y đón Trưng Nhị vào trướng hỏi:
- Tình hình thế nào? Chúng ta tiến vào Thành-đô được chưa?
Trưng Nhị thản nhiên cười:
- Tôi mừng cho tướng quân, Công-tôn Thuật cho sứ giả đến Tả tướng-quân Lĩnh-nam vương xin giả hàng, y cầu được ở lại Ích-châu, giữ gìn mồ mả tổ tiên, Nghiêm đại-ca tâu với Kiến-Vũ hoàng-đế, lệnh cho ngừng tiến quân.
Đặng Vũ nghe nói mặt buồn rầu rầu, y chỉ vào một người giới thiệu:
- Đây Phục-ba tướng-quân Mã Viện, phó nguyên-soái của tôi mới từ Kinh-châu đến.
Đặng Vũ theo Quang-Vũ từ khi khởi binh, y từng đánh trăm trận, công lao chỉ thua có Nghiêm Sơn, vì vậy Quang-Vũ cho y giữ chức Đại tư-mã, cai quản binh mã toàn quốc. Y được cử làm Nguyên-soái đánh Thục thống lĩnh binh mã Kinh-châu, Giang-đông, vì Quang-Vũ hứa rằng ai vào Thành-đô trước sẽ được phong làm chúa Ích-châu, bây giờ nghe Công-tôn Thuật đầu hàng, y buồn không tả được.
Trưng Nhị tiếp:
- Kiến-Vũ thiên-tử ngự ra Trường-an, ban thưởng tướng sĩ có công, ngài truyền bãi quân, Lĩnh-nam vương bảo tấu cho Đặng Đại tư-mã được phong tước Triệu-công, Thiên-tử chuẩn tấu, ban chỉ cho Đặng tư-mã kéo quân về bảo vệ Lạc-dương, trong lúc ngài xuất chinh ở Trường-an. Thiên-tử muốn cử một người trấn thủ Lương-châu, Vương tâu xin cho Mã tướng-quân vào chức đó, vì Lương-châu nơi biên địa phía Tây, coi như hàng rào bảo vệ Lạc-dương, tướng-quân với Thiên-tử là chỗ thâm tình sâu xa chốn hậu cung tình thân gần bằng Vương-gia với Thiên-tử. Nếu tướng-quân trấn thủ Lương-châu, một giải từ Lương-châu tới Trường-an, Lạc-dương được bảo vệ.
Lại Thế-Cường tiếp:
- Tướng quân có biết tại sao Vương-gia lại bảo tấu cho Ngô Hán làm chúa Ích-châu, mà không bảo tấu cho tướng-quân không?
Mã Viện vỗ tay nói:
- Tôi hiểu! Tôi hiểu! Vương-gia sợ cho Ngô Hán trấn thủ Ích-châu, lỡ ra y thay lòng đổi dạ thực nguy cho Hán, vì vậy phải để tôi trấn thủ Lương-châu, hầu phòng Ngô Hán có gì, tôi từ Lương-châu chặn đầu y trước.
Hồ Đề cười:
- Tướng quân xứng đáng người thâm tình của thái-hậu vậỵ
Trưng Nhị móc binh phù của Nghiêm Sơn, trao cho Mã Viện:
- Đây lệnh của Vương-gia, tướng-quân tạm giao quyền chỉ huy cho tôi, khẩn cấp về Trường-an phục lệnh Thiên-tử nhận sắc phong. Khi tướng quân đến Lương-châu rồi, tôi mới trao quyền cho Ngô Hán.
Mã Viện mừng quá:
- Vương-gia thật cẩn thận và tin tưởng tôi, ngài đợi tôi tới Lương-châu rồi mới chịu để cho Ngô Hán trấn thủ Ích-châu, nhưng nghĩ cho kỹ các tướng trong triều, Hoàng-thượng với Vương-gia là nghĩa huynh đệ, Vương-gia cẩn thận như vậy mới phải.
Trưng Nhị đưa binh phù cho Đặng Vũ.
- Xin Đại tư-mã lên đường đi Lạc-dương ngay, Thiên-tử xuất chinh cần có người tim gan trấn thủ đế đô.
Đặng Vũ vội vã lên đường.
Mã Viện đánh trống họp các tướng sĩ, tuyên bố việc chinh phạt Thục hoàn toàn thành công, y về triều kiến Thiên-tử, y sẽ tấu cùng ngài ban thưởng các tướng, còn y được đi trấn nhậm Lương-châu.
Phật-Nguyệt hỏi Mã Viện:
- Phục-ba tướng-quân! Tướng quân một mình tới Lương-châu, liệu có giữ được đất này không? Lòng người khó dò, tại sao tướng quân không mang theo tướng sĩ, tham-quân thân tín? Tại đây hết chinh chiến rồi, tướng quân mang theo bao nhiêu người chẳng được.
Mã Viện gật đầu tán thành:
- Cô nương nói chí phải.
Y tuyên bố việc về Trường-an yết kiến Hoàng-đế, y muốn một số tướng sĩ theo y đi Lương-châu, các tướng sĩ thân tín tình nguyện đi theo.
Trưng Nhị cho mời Tương-dương cửu-hùng là:
Phiêu-kị Đại tướng-quân Sầm Bành
Kiến-oai Đại tướng-quân Cảnh Yểm
Bô-lỗ Đại tướng-quân Mã Vũ
Chinh-lỗ Đại tướng-quân Tế Tuân
Chinh-di Đại tướng-quân Tang Cung
Phấn-uy Đại tướng-quân Lưu Hân.
Hổ-uy Đại tướng-quân Phùng Tuấn
Long-nhượng Đại tướng-quân Đoàn Chí
Chinh-viễn Đại tướng-quân Lưu Long.
Song chỉ có bảy tướng hiện diện, vắng mặt Sầm Bành, Tế Tuân, Trưng Nhị biết hai người tuân chỉ Mã thái-hậu thám thính anh hùng Lĩnh Nam, Tế Tuân đã bị Trần Năng dùng Lĩnh-nam chỉ giết, Sầm Bành bị Đào Kỳ đánh nát thây, sợ các tướng nghi ngờ, nàng nói:
- Sầm, Tề tướng-quân, nhận mật chỉ thái-hậu làm một việc khẩn, sẽ về sau.
Nàng tiếp:
- Lĩnh-nam vương tâu Thiên-tử phong cho các tướng tước hầu cử làm Thứ-sử, vậy các tướng về Trường-an cùng với Phục-ba tướng-quân ngay.
Đợi cho bọn Đặng Vũ, Mã Viện, Tương-dương thất hùng đi rồi, Trưng Nhị cho mời anh hùng Thiên-sơn vào trướng nghị sự.
Trưng Nhị lệnh cho hai mươi lăm tướng Thục, giả làm tướng Hán từ Hán-trung tới, thay thế cho các tướng theo Mã Viện đi.
Công-tôn Thiệu tước phong Trường-sa vương, am hiểu tình hình Kinh-châu bàn:
- Đất Kinh-châu gồm có chín quận, gần với chúng ta nhất là Kinh-châu, Tương-dương, Nam-quận, sau đó tiến về phía Đông là Di-lăng, nếu chiếm được bốn quận này, hai quận phía Đông và năm quận phía Nam như rắn mất đầu, chúng ta chỉ cần truyền một hịch là lấy được.
Trưng Nhị hỏi:
- Bao nhiêu quân Kinh-châu, Mã Viện đã đem theo hết, vì vậy chúng ta dùng binh phù của Vương-gia truyền cho các thái-thú rằng đã bình xong Thục, quân sĩ ca khúc khải hoàn. Tất cả Thái-thú không ngờ, ra ngoài thành đón, chúng ta bất thần chiếm thành dễ như trở bàn tay, song có điều chúng ta chỉ có năm ngày để làm mà thôi, vì Phương Dung đã ước hẹn các đạo quân Hán-trung, Lĩnh Nam rằng chúng ta vẫn dùng cờ Hán, đúng mười lăm ngày đổi cờ Thục, hôm nay đã là ngày thứ mười.
Lại Thế-Cường, lo xa, khôn ngoan ông bàn:
- Vậy bây giờ chúng ta truyền lệnh khẩn cấp đến các quận, huyện trên đường về Kinh-châu, cùng các châu, quận Kinh-sở rằng chinh Thục đã xong, Lĩnh-nam vương cho quân hồi hương khẩn cấp để binh sĩ được đoàn tụ gia đìng trong dịp đầu xuân, cần nhất điều quân sao cho cùng về tới bốn nơi: Kinh-châu, Tương-dương, Nam-quận và Di-lăng một lúc.
Công-tôn Thiệu bàn:
- Phàm dùng binh phải lo bảo vệ hậu quân cho vững, cần một người trấn thủ miền Đông Ích-châu để chúng ta tiến quân, điều này phi Vương hiền-đệ không xong.
Vương Nguyên khẳng khái nhận lời.
Trưng Nhị truyền lệnh:
- Trường-sa vương và Trấn-đông tướng quân Vũ Chu, quân Hán đã biết mặt, không thể xuất hiện, nên giả trang đi lẫn trong quân, sư bá Lại Thế-Cường có Vũ tướng-quân theo giúp tiến đánh Tương-dương, sư-thúc Trần Năng tiến đánh Nam-quận có Trường-sa vương giúp sức, còn lại Hồ Đề, An-viễn tướng-quân Hoài An, đô-đốc Phạm Sự và tôi đánh Kinh-châu, Phật Nguyệt cùng với Hổ-uy tướng quân Viên Kiệt đánh Di-lăng, chúng ta cùng giả ca khúc khải hoàn trở về. Tất cả các đạo tới nơi vào lúc chập choạng tối, các thái-thú ra đón không phòng bị, ta cho quân tiến vào thành, khi vào thành rồi bất thình lình bắt giam thái-thú, chiếm giữ thành, nếu thái-thú nào chịu đầu hàng thì tha, ai không chịu đầu hàng trả về Hán, chọc giận Hán-đế. Sau khi chiếm bốn quận rồi, tiến về phía Nam chiếm sáu quận còn lại.
Ngày hôm đó Trưng Nhị rút quân, quân sĩ nghe hết chiến tranh được trở về đồn trú tại quê hương là Kinh-châu, reo hò mừng rỡ, họ chuẩn bị gỡ lều trại, thu dọn vật dụng, lương thảo rất mau.
Trưng Nhị truyền giao thành lại cho quân địa phương trấn đóng, nhưng thực ra các đạo quân đó đều là quân Thục, giả mặc theo quân Hán nói rằng thừa lệnh Ngô Hán, tới tiếp nhận thành trì.
Trưng Nhị cho quân kị đi đường bộ, còn bộ-binh do thủy quân chuyên chở xuôi Trường-giang về phía Đông, thuyền đi mau như ngựa, chiều hôm sau về tới biên giới Kinh-châu, bây giờ Trưng Nhị mới cho chỉnh đốn lại hàng ngũ, chia làm bốn đạo, tiến về bốn quận.
Thứ-sử Kinh-châu, thái-thú ba quận Nam-quận, Tương-dương và Di-lăng nhận được binh phù của Tả tướng-quân nói rằng việc chinh phạt Thục hoàn tất. Phục-ba tướng quân Mã Viện cử đi trấn thủ Lương-châu, Phiêu-kị Đại tướng-quân Ngô Hán được cử trấn thủ Ích-châu, lệnh còn nói rằng: Thứ-sử, Thái-thú phải ra ngoài thành tiếp đón ủy lạo, khao thưởng đoàn quân viễn chinh trở về, binh phù còn nói rõ rằng quân các đạo trở về đến địa phận các nơi đúng vào ngày nào, giờ nào.
Từ lúc Mã Viện được lệnh mang tất cả quân mã Kinh-châu và chín quận trực thuộc Tây-chinh, trên từ Thứ-sử cho đến các Thái-thú, Huyện-lệnh, Huyện-úy đều lo sợ, ngày đêm tuyển binh huấn luyện, bổ xung số tử vong ở chiến trường, một mặt lo đốc thúc các nơi thu dụng lương thảo gửi ra mặt trận. Dân chúng khốn khổ vì phải nộp thuế nuôi quân, người đau khổ vì con em chinh chiến xa xôi, không biết ngày nào về, bây giờ nghe đoàn quân trở về là mừng lắm, chuẩn bị lễ khao quân thực hậu. Thứ-sử và các Thái-thú đều nghe nói có rất nhiều nữ tướng, võ công cực cao, dung nhan xinh đẹp từ Lĩnh Nam theo tòng chinh cũng trở về với quân Kinh-châu, họ cũng muốn ra đón xem mặt cho biết.
Họ không ngờ khi quân tới, họ ra tận ngoài thành tiếp đón, quân tướng vào trong thành rồi, chỉ một chiêu họ bị các nữ tướng bắt sống, quân sĩ tràn ra bốn mặt chiếm thành mau chóng, một mũi tên, một giọt máu không đổ, Thục chiếm được bốn thành dễ dàng, sau khi chiếm bốn quận bấy giờ Trưng Nhị mới cho kéo cờ Thục lên, các quân Vũ-lăng, Quế-dương và Nam-dương thấy các quận phía Bắc mất, đường liên lạc với Trung-nguyên bị cắt đứt, quân sĩ trong tay không còn, vì Mã Viện đã dốc quân chinh Tây hết, các Thái-thú đều đầu hàng, Thục cử Trường-sa vương Công-tôn Thiệu làm trấn thủ Kinh-châu.
Còn lại hai quận Trường-sa, Linh-lăng, hai Thái-thú không chịu đầu hàng, chỉnh đốn binh mã nghinh chiến.
Công-tôn Thiệu mời Trưng Nhị, anh hùng Lĩnh Nam họp bàn cách tiến đánh hai quận này, Thiệu hỏi:
- Thái-thú Trường-sa là Mã Anh, em ruột Mã Viện, trong tay có ba vạn binh, y tài kiêm văn võ như Mã Viện, lại là cháu của Thái-hậu, mẹ Hán Quang-Vũ, nên y không chịu đầu hàng, còn chỉnh đốn binh mã đánh lại Kinh-châu nữa.
Lại Thế-Cường hỏi:
- Mã Anh có được lòng tướng sĩ không?
Công-tôn Thiệu nói thực:
- Y cũng như Mã Viện có tài dùng binh, biết an ủi sĩ tốt, được lòng dân chúng, bên trong lại được Thái-hậu và Quang-Vũ tin cẩn, uy thế của y rất mạnh.
Hồ Đề thắc mắc:
- Thành Trường-sa địa thế ra sao?
Thành Trường-sa dài hơn mười dặm, hào sâu, rộng, lũy rất cao, tuy nhiên ở vùng đồng bằng không hiểm trở mấy, trong thành có Tượng-quận tam-anh võ công tuyệt vời.
Phật-Nguyệt hỏi Vũ Chu:
- Vũ tướng-quân, võ công của Tượng-quân tam-anh so với tướng-quân như thế nào?
Vũ Chu lắc đầu:
- Tôi chưa đấu với họ, nên không rõ, nghe đâu họ là người đất Tượng-quận, võ đạo, hiệp nghĩa nổi tiếng, người cầm đầu là Hàn Bạch, nội công thâm sâu không biết đâu mà lường, người thứ nhì là Vương Hồng chưởng lực hùng hậu, người thứ ba là Chu Thanh kiếm thuật thần thông. Hàn Bạch giữ chức Đô-úy, Vương Hồng giữ chức Đô-sát còn Chu Thanh giữ chức Trấn Viễn tướng-quân.
Công-tôn Thiệu hỏi Trưng Nhị:
- Trưng cô nương! tôi nghe anh hùng Lĩnh Nam dù Quế-Lâm, dù Nam-hải, dù Giao-chỉ cũng đều nuốt hận vong quốc, vậy sao Tượng-quận tam-anh lại theo Hán?
Trưng Nhị ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Trước đây tôi nghe danh Tượng-qận tam-anh, khí vũ hiên ngang, muốn phục hồi Lĩnh Nam, nhiều lần định gửi thư làm quen, nhưng chưa kịp thực hiện, không hiểu sao họ đi theo Mã Anh? Đại-ca Trần Tự-Sơn có lần kể rằng Tượng-quận tam anh giết chết Thái-thú Tượng-quận, họ là người nghĩa hiệp, tiếng tăm tới tận Cửu-chân.
Lê Chân góp ý:
- Biết đâu họ chẳng giúp Mã Anh cũng như chúng ta giúp Trần Đại-ca, chúng ta cần tìm hiểu mới được, hiện Tượng-quận chúng ta chưa liên lạc được với các anh hùng, để cùng mưu đại sự, nếu kéo họ về với chúng ta thì tốt biết mấy.
Trưng Nhị đồng ý gật đầu:
- Đối với những đấng anh hùng, chúng ta nên dùng đại nghĩa khích họ, hơn là lôi kéo, thuyết phục.
Công-tôn Thiệu đứng lên nói:
- Thưa các anh hùng Lĩnh Nam, tại hạ được phong làm Trường-sa vương, thì bất cứ giá nào cũng phải chiếm cho được thành nầy, dù chiếm được hay không tại hạ cũng xin đa tạ các vị trước. Phái Thiên-sơn chúng tôi từ trên xuống dưới, không bao giờ quên ơn hào kiệt Lĩnh Nam.
Trưng Nhị không thấy Công-tôn Thiệu không nhân danh Thục-đế Trường-sa vương tạ ơn, mà lại nhân danh phái Thiên-sơn, biết Thiệu muốn dùng tình võ lâm đối với mình, thì cảm động đáp:
- Chúng tôi hứa giúp Công-tôn sư huynh chiếm Trường-sa, bây giờ chúng ta phải tiến quân tới Trường-sa đã.
Trưng Nhị truyền lệnh cho quân lên đường, sau khi vượt Trường-giang thì vào hồ Động-đình, nàng truyền lệnh đóng quân tại phía Nam hồ, quân mã hạ trại.
Nàng truyền lệnh:
- Trước hết sư bá Lại Thế-Cường làm chánh tướng, Trấn-đông tướng quân Vũ Chu làm phó tướng dẫn ba vạn Bộ-binh, một vạn Kị-binh theo đường bộ đến chiếm Bình-giang uy hiếp phía đông Trường-sa, đô-đốc Phạm Sự dẫn toàn bộ Thủy-quân rời hồ Động-đình vào Tương-giang trấn đóng tại Ích-châu làm tiền đạo.
Phật-Nguyệt nói với Trưng Nhị:
- Sư-tỷ! Sư-tỷ có nhớ hồ Động-đình là nơi phát tích ra hai vị quốc mẫu của chúng ta không? Chúng ta phải dạo chơi hồ Động-đình thưởng lãm thắng cảnh, di tích lịch sử của Lĩnh-Nam nhà mình, trước đây đất Lĩnh Nam, Bắc tới hồ Động-đình, vậy sau này đòi lại Lĩnh Nam chúng ta có đòi hai quận Trường-sa và Linh-lăng hay không?
Trưng Nhị cũng như tất cả thanh niên nam nữ thời bấy giờ, được cha mẹ nhắc nhở hằng ngày về mối hận vong quốc. Thường luôn nói về nguồn gốc của giống giòng Việt, rằng Lĩnh Nam là quê hương, hầu như người nào cũng thuộc nằm lòng:
Chúng ta là con Rồng cháu Tiên, xưa vua Đế Minh cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú Phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục.
Vua Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu Xích Qủi. Bờ cõi nước Xích Quỉ Bắc tới hồ Động Đình, Nam tới nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch), lấy con gái vua Động Đình là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, Sùng Lãm nối ngôi gọi là vua Lạc Long, vua Lạc Long lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một trăm con... …
Trưng Nhị cương quyết:
- Chúng ta được biết theo truyền thuyết địa giới Lĩnh Nam là như thế, các đời vua Hùng và vua An Dương, sử sách còn ghi thêm Trường-sa, Linh-lăng đều thuộc về Văn-Lang. Đòi được Nam-hải, Tượng-quận, Quế-lâm, đất nước mình cũng bằng Trung-nguyên, dù dân mình ít, đất mình rộng, ở không hết cũng phải đòi, chúng ta có thể thừa thắng chiếm hết giang sơn người Hán., nhưng chiếm rồi phải lo đối phó với sự chống đối của dân chúng thì chiếm làm gì?
Sau khi an dinh hạ trại xong, Trưng Nhị nói với Công-tôn Thiệu.
- Công-tôn sư huynh! Hồ Động-đình là nơi phát tích ra quốc mẫu đất Lĩnh Nam, vì vậy chúng tôi xin sư huynh cho mượn một con thuyền lớn, hành hương đất xưa của Quốc Mẫu.
Công-tôn Thiệu cười:
- Trưng cô nương là quân sư, nói rằng chỉ có dưới tại hạ, nhưng thực ra quyền trong tay quân sư, quân sư muốn điều động sĩ tốt thì mặc ý, việc gì phải khách sáo?
Đám hào kiệt Lĩnh-Nam cũng đòi đi cả, Trưng Nhị sai lấy một chiếc thuyền hai tầng rất lớn, có thủy thủ chèo, trên thuyền mang theo rượu thịt hoa quả.
Vương Sa-Giang hỏi:
- Sư tỷ! Em không phải là gái Lĩnh Nam, sư tỷ cho em đi theo được không?
Trưng Nhị biết Sa-Giang giỏi âm nhạc, cô thích các cuộc du ngoạn trên sông nước, ngắm cảnh hùng vĩ của tạo hoá, nàng vẫn có cảm tình với cô thiếu nữ nhu mì, lãng mạn này.
Trưng Nhị vuốt tóc nàng:
- Cuộc du ngoạn này mà có thêm Vĩnh-Hoa thì kết thành bộ ba mới thực là tuyệt, nhưng thôi, em với Lê Chân tấu nhạc cũng đủ rồi.
Hôm ấy là đêm 14 tháng giêng trời đang tiết xuân, gió hồ thổi còn thấy lạnh. Nhưng quần hùng Lĩnh Nam được du ngoạn một thắng cảnh ghi lại mối tình của Quốc Tổ và Quốc Mẫu, lòng họ đều lâng lâng như gió xuân trên mặt hồ, trăng xuân rọi xuống hồ long lanh như một tấm thảm bạc, nối tiếp đến chân trời. Xa xa là dãy núi Tam-sơn và Quân-sơn.
Trong các anh hùng Lĩnh Nam thì hầu hết là nữ, chỉ mình Lại Thế-Cường là nam, bên cạnh ông còn Tây-vu tam hổ-tướng, tam báo-tướng, Ngao-sơn Vi Đại-Lâm, Vi Đại-Sơn, tất cả tám người, họ là người sắc dân Mường, uống rượu như uống nước. Nên ông cùng họ quây quần uống rượu, họ ít nói, hiền lành, tính tình chân thực, từ hôm sang Trung-nguyên đến giờ, Ngao-sơn tứ lão không được xuất trận, bởi các ông chỉ huy đội chó sói, chuyên tuần phòng và bắt gian tế, hai ông được đối xử ngang hàng với những danh nhân như: Khất đại-phu, Đặng Thi-Sách, Trưng Nhị, bởi vậy hai ông không buồn rầu, tự an ủi với nhiệm vụ khiêm tốn của mình.
Thuyền vượt sóng đi về phía Bắc, bỗng có tiếng hát véo von:
Trúc xinh, trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình.
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Tiếp theo tiếng sáo vi vu bay bổng lên không trung, tiếng hát nhẹ nhàng như hương thơm hoa lan, hoa huệ, len lỏi theo gió xuân làm ấm lòng mọi người, tiếng sáo khi bổng khi trầm, như tỏa vào mặt hồ cùng với sóng róc rách đánh nhịp, khi cao lên tận mây xanh hòa với ánh trăng.
Khúc hát hết, mọi người nhìn lại thì là Sa-Giang đứng dựa cột buồm, tay cầm ống tiêu, nàng mặc bộ quần áo trắng, trong đêm trông nổi hẳn lên. Dưới trăng xiêm áo bay phất phới, mọi người nhìn nàng ngây ngất như nhìn tiên nga đứng bên động Thiên-thai.
Hồ Đề nhìn Sa-Giang nói:
- Người ta đồn trong chuyến du ngoạn Thành-đô, Đào hiền đệ đã bị tiếng ca, giọng hát, tiếng tiêu, sắc đẹp mê hồn của sư muội, làm hồn phách bay phơi phới, có đúng thế không? Ta thấy sư muội hát bài ca bằng tiếng Việt, thì biết rằng người dạy sư muội là Đào hiền đệ.
Quả thật Sa-Giang đang mơ màng nghĩ lại những đêm bên cạnh Đào Kỳ, hai người như hoa, như nước, tình yêu chan chứa. Nhưng Đào Kỳ vẫn giữ một lòng trung thành với Phương-Dung, duy trì tình trạng trong sạch giữa hai người. Những ngày đó, nàng thấy mê man đi trong nhịp yêu đương, nhưng nay Đào Kỳ một nơi, nàng một nơi, mà hai người có ở bên nhau chăng nữa, thì chàng cũng như hoa trong gương, bóng chim dưới nước mà thôi. Thấy thì thấy đấy, nhưng đưa tay nắm lấy muôn ngàn lần vẫn không được. Lê Chân là đệ tử phái Sài-sơn, rất giỏi âm nhạc, nàng lấy túi vải trên lưng xuống một cái đàn bầu, lên dây và bật lên những tiếng dài ngân vang. Sa-Giang mang đàn tỳ bà hòa theo, Phật-Nguyệt nhận ra đó là bản Động Đình ca của Trương Chi. Tiếng đàn bầu, đàn tỳ-bà hòa nhịp kéo dài, lẫn vào với tiếng sóng nước, khiến cho anh hùng Lĩnh Nam tưởng như mới năm nào Quốc Tổ đến đây cầu hôn vói Quốc mẫu, hai người đã đi du ngoạn trên bờ hồ này. Tiếng nhạc dứt, thuyền vẫn đi về phương Bắc, Sa-Giang cất tiếng ca:
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ,
Buồn trông con nhện dăng tơ.
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ nhớ ai?
Nhớ ai dạ những bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm.
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ? Bây giờ nhớ ai.
Anh ơi "chua" "ngọt" đã từng,
Non xanh đất đỏ xin đừng xa nhau.