Hôm sau Hồng Lĩnh sai thủ hạ về Phòng, và chàng thu xếp hành trang. Rời khách sạn đang ở, tới thuê phòng tại một lữ điếm khác cận đầu cầu Dốc Gạch. Chàng đóng cửa nằm ngủ dưỡng sức suốt ngày, tối mới đáp chuyến tàu đêm ngược Yên Báy, trong lớp một phong lưu công tử nhàn du.
Yên trí đã đánh lạc dấu mọi cặp mắt tò mò rồi, chàng mới lên toa hạng nhất ngồi, xem sách. Toa nhất chỉ có hai cặp vợ chồng người Pháp, chuyện trò một lúc là quay ra ngủ. Vốn ưa thay đổi, chàng liền xách hành lý, xuống toa hạng ba cuối, cạnh hạng tư, thấy còn rộng, chàng bước vào tìm chỗ bên cửa sổ ngồi ngắm cảnh.
Trong toa có đến mươi người vừa đàn ông đàn bà đứng tuổi, mấy thanh niên, vài ba cô gái đi với cha mẹ, và một thiếu nữ xinh đẹp đi một mình. Vừa thoạt bước vào, chàng đã chú ý ngay tới thiếu nữ, vì ngay lúc đầu, thiếu nữ đã có vẻ lưu ý tới anh chàng lịch thiệp, bảnh trai rồi.
Nàng đẹp sắc sảo, mũi dọc dừa, mắt sáng, mày hơi xếch, trông càng tinh nghịch, khổ người dỏng cao có vẻ béo lẳn, khỏe mạnh. Ngồi đối diện Hồng Lĩnh, nàng lúc ngắm cảnh, lúc xem sách và thường mỉm cười một mình, hay liếc trộm chàng, chẳng hiểu vì lẽ gì. Thấy nàng có vẻ nhí nhảnh, tinh nghịch, Hồng Lĩnh bất giác so sánh thiếu nữ lạ với Phượng Kiều và không thể định được ai đẹp duyên dáng hơn ai. Ngồi mãi tới ga Đông Anh, Hồng Lĩnh quay vào, thấy thiếu nữ có vẻ vui tính, chàng cũng mỉm cười gợi chuyện cho đỡ buồn. Hình như cũng mong có bạn đồng hành lịch thiệp trò chuyện cho quên thời gian vô dụng, người đẹp bắt chuyện luôn. Thế là suốt Đông Anh tới Phúc Yên, Vĩnh Yên, hai người vui vẻ đàm dạo đủ thứ chuyện và thiếu nữ tỏ ra có kiến thức rất rộng, và hết sức bặt thiệp. Nhiều vấn đề từ văn chương nghệ thuật Đông Tây kim cổ, tới xã hội, tâm lý, học thuật, nàng ta đều thông suốt. Hồng Lĩnh càng ngạc nhiên khi nàng lại gợi cả chuyện võ thuật, cả binh pháp... và bàn luận với chàng chàng khác một tay có nghề võ chân truyền. Chàng không khỏi thầm khen phục cô nàng không kém Phượng Kiều chút nào.
Tò mò hỏi căn do, nàng mỉm cười cho biết đã học lỏm được của người anh ruột hiện đang du học bên Pháp. Tàu tới Phúc Yên, có hai người đàn ông lên toa hạng ba, tới Vĩnh Yên lại thêm ba người, cứ thế cho tới Thạch Thác, Việt Trì. Cứ qua vài ga có thêm khách lên, chiếm dần hết chỗ khiến thiếu nữ phải sang ngồi bên Hồng Lĩnh, các khách lên tàu thường câm nín, vào chỗ ngồi lầm lì như tượng, mặt mày coi có vẻ dữ tợn. Từ Việt Trì đi, mấy người này che mũ ngủ gục cả.
Nhìn qua đã sinh nghi ngay, nhưng chàng cứ lẳng lặng như không. Còn thiếu nữ không hề lưu ý. Chàng vẫn điềm nhiên, đưa mắt nhìn thiếu nữ. Thiếu nữ lạ cũng vẫn ngồi im, đưa mắt nhìn Hồng Lĩnh, miệng hoa khẽ nhoẻn cười. Thấy thiếu nữ vẫn thản nhiên, khi đã biết sắp có biến trên tàu, Hồng Lĩnh sinh nghi, quay về phía mấy người đàn ông dữ tợn như muốn tìm hiểu mối dây liên lạc bí mật trong tia mắt bọn này. Nhưng chỉ thấy mắt cả bọn lừ lừ nhìn thiếu nữ lạ cùng mọi người, vẻ chờ đợi trong từng khắc một. Bên ngoài, một hồi còi tàu rúc lên the thé, chợt tốc lực giảm dần. Trên nóc toa, tiếng chân vẫn chạy thình thịch, từ phía cuối lên nẻo toa đầu máy. Và, thình lình một hồi còi lạ rúc lên. phía toa cuối, hành khách nhốn nháo, kêu gọi nhau ơi ới, phía toa đầu, vẳng có tiếng quát vọng tới, rồi có tiếng kêu lên thảng thốt gần đấy:
- Cướp tàu! Quân gian cướp tàu!
Trong toa hạng ba, hành khách vùng tỉnh giấc, giụi mắt, ngơ ngác nhìn nhau. Vụt cái, mấy người đàn ông đã rút dao sáng loáng chĩa cả về phía hành khách, miệng quát:
- Ngồi im cả! Động đậy chết ngay!
Hai tên tiến đến trước ghế Hồng Lĩnh, một tên chĩa ngọn súng vào mọi người.
- Tiền bạc, nữ trang đâu đưa ra mau!
Hành khách xanh mặt, riu ríu làm theo. Nãy giờ Đại Sơn Vương vẫn không nhúc nhích. Mãi tới khi quân gian truyền nộp bạc tiền và định khám cả vali hành khách, chàng tướng núi biết không thể ngồi im để chúng vuốt râu hùm nữa, nên chàng chậm chạp tiến lên.
Nhưng, thiếu nữ lạ đã đặt nhẹ tay lên vai chàng ấn nhẹ xuống thỏ thẻ:
- Để tôi nộp giúp! Ông khỏi nhọc lòng!....
Lời vừa dứt Đại Sơn Vương chưa kịp nói gì, thì thiếu nữ đã đứng phắt lên, cánh tay ngọc vỗ mạnh vào vai gã đàn ông cầm súng, giọng dịu dàng:
- Này! Bỏ súng xuống thôi chứ! Cầm chi cho thêm nặng, chú mày!
Hành khách chỉ thấy gã ta chợt rúm người lại, mặt tái nhợt, tay súng rời rã, để rớt luôn cục thép xuống sàn tàu. Gã này còn đang lảo đảo thì chân ngọc đã lia ngang vào ống cẳng gã kế bên, chỉ thấy loáng ống quần sa tanh trắng của người đẹp, gã này đã lộn nhào, đầu dụi xuống sàn, dao tung vào góc toa.
Chỉ hai đòn nhẹ, Đại Sơn Vương đã biết ngay nghệ thuật điểm huyệt của thiếu nữ và định luôn được thắng bại rồi, nên cứ khoanh tay ngồi xem. Quả nhiên chỉ trong nháy mắt, mấy tên còn lại đã nằm sóng soài trên sàn. Hành khách hết sức kinh ngạc về tài võ của thiếu nữ, chưa kịp cất lời khen thì thiếu nữ đã vụt ra lối cửa toa, đu mình lên nóc nhanh như con sóc. Nửa phút sau, đã nghe nhiều tiếng quát tháo, kêu gọi ồn ào phía dãy toa cuối lẫn cả phía toa đầu, chợt giữa những tiếng động xô xát, có tiếng súng nổi lên.
Mọi người nhìn ra ngoài, thấy nhiều bóng quân gian bị ném xuống đường. Lại một tràng súng nữa nổi lên. Thần Xạ Đại Sơn Vương lắng nghe và không nén được nữa, liền đứng phắt lên, đu mình qua cửa sổ lên nóc toa. Con tàu đã giảm tốc, sắp chạy qua vùng núi, xe uốn vòng cung. Nằm rạp xuống, nhìn ngược lên thấy mấy bóng người đang vật lộn trên nóc toa gần đấy, chàng phóng mình tới. Trong đêm mờ, chàng nhận được hai người đội cát kết đang bị ba tên gian dồn đánh, sắp nguy. Đoán chắc nhân viên Hỏa Xa, Đại Sơn Vương liền xông vào, giáng luôn mấy trái thôi sơn, tung bổng mấy gã xuống đường. Đoạn, chàng đu mình xuống dưới toa máy. Nhưng vừa tới, chàng đã phải hụp mình tránh một bóng cao lớn từ trong lao rạ..
thẳng xuống đất. Ngẩng nhìn lên, đã thấy người thiếu nữ lạ bước ra.
Ngó theo cái bóng cao lớn kia, chợt trông thấy Hồng Lĩnh, người đẹp mỉm cười.
- Ông... vừa đến! Chà! Thằng này nặng quá, đến tám mươi cân chắc, phải dùng cả hai tay mới quăng nó ra được.
Hồng Lĩnh nhìn quanh, thấy người lái tàu nằm dụi một bên tay lái, chàng vội tiến đến. Nắm lấy tay lái, định hãm lại, thì thiếu nữ đã ngăn lại:
- Có lẽ nên chạy thẳng! Bọn cướp này tồi quá! Tưởng bọn đầu đàn phải khá hơn, chắc thấy hỏng việc, sẽ ra tiếp cứu!
Thiếu nữ vừa dứt lời, chợt ngó ra ngoài, và quay bảo Hồng Lĩnh:
- Kìa! ông coi...
Quả nhiên từ bên rừng cây, chợt nhiều thoi lửa vừa hiện ra, cuốn mau lại bên tàu. Đến gần, nhận thấy một bọn người lực lưỡng cưỡi ngựa, tay súng, tay dao khoa loang loáng. Cả bọn phóng thẳng đến bên tàu, và cứ thế, cách nhau mấy thước, phi ngựa bọn sườn tàu, có ý bám nhảy lên. Hai ba tên đi đầu lao vụt đến bên toa máy.
Ánh đuốc nhấp nhô, hắt từng vùng ánh sáng. Thấy ngựa bám sát vào sườn toa. Đại Sơn Vương bảo thiếu nữ lạ:
- Để chúng lên chăng?
Thiếu nữ mỉm cười:
- Xin ông nhường tôi mấy tên đầu!
Dứt lời thiếu nữ ra hiệu cho người phụ máy vào trong tiếp tục cho tàu chạy mau thêm, và rút phăng trong mình ra một khẩu súng nhỏ xinh xắn dựa vào bên cửa, định nổ vào quân gian. Nhưng Đại Sơn Vương đã đưa tay nhẹ cản, đoạn vung tay ngược về phía đầu ngựa quân gian. Tay vừa vung ra, thiếu nữ lạ đã thấy tên cỡi ngựa đầu vùng buông rơi súng, lảo đảo ôm ngực và dụi luôn trên lưng ngựa rồi đổ xuống bên đường sắt theo ngọn đuốc lăn tròn. Đại Sơn Vương, quay nhìn thiếu nữ, tay đưa cho nàng mấy mũi dao găm. Thiếu nữ cất súng, lằng lặng đỡ lấy dao, vung tay phóng ngược lại một lưỡi. Phía sau, một tên gian vừa tiến ngựa lên, ôm ngực lảo đảo đổ luôn xuống đất.
Hình như biết có kẻ lợi hại lại toa đầu máy, nên ngựa quân gian lùi lại dần, không tiến lên nữa. Và bọn chúng bắt đầu bắn từng loạt vào các toa tàu.
Nhìn về phía cuối tàu đã thấy một vài tên nhảy được lên dãy toa chở hàng. Phía toa giữa mấy tên bám đu dính vào chỗ lên xuống rồi.
Thiếu nữ lạ vội bảo Hồng Lĩnh:
- Cả tàu có lẽ không còn ai chống lại chúng nữa. Chúng có thể sát hại hành khách lầm!
Đại Sơn Vương chưa kịp đáp, chợt hai người nghe vẳng liền mấy tiếng súng nổ, và phía toa giữa có mấy tên ngã lộn luôn xuống đường.
Thấy đồng bọn bị hạ, đám cỡi ngựa sau bắn xả cả vị trí giữa, một bọn tiếp tục nhảy lên, một bọn lui ngựa lại, nhảy lên mấy toa hàng. Thiếu nữ nhanh giọng:
- Trên kia, có tay thiện xạ đánh chúng rồi. Ông trấn giùm đây để tôi lên tiếp họ.
Nói xong thiếu nữ leo luôn lên nóc toa, chuyển về phía giữa tàu.
Viên tướng ngang tàng chỉ còn biết đứng lắc đầu trông theo thiếu nữ lạ, và dựa cửa toa chờ đợi. Chàng chợt nhìn thấy một bóng nhỏ nhắn chạy tới cuối toa chở hàng, liền nhảy luôn xuống một toa không mui cuối cùng, định lao mình xuống. Nhưng hình như muốn chờ cho tàu di một quãng khá xa nữa, cho đúng hẳn chỗ quân gian vừa tháo xuống nên cái bóng đứng dừng lại, đưa mắt nhìn quanh.
Đại Sơn Vương đã lần tới sát bóng nhỏ nhắn, và bất thình lình, viên tướng ôm chặt lấy bóng lạ, ghì chặt xuống. Bất thần bị Ôm gọn trong hai cánh tay đàn ông rắn chắc, cái bóng thiếu nữ thanh nhỏ, giật nảy mình, cố sức vừng vẫy nhưng không sao thoát được hai gọng kìm thép nguội.
- Mi là ai? Buông ra!
Cái bóng thiếu nữ bị Ôm chặt, vùng bật kêu lên, thở hổn hển hình như vì hoảng thẹn hơn là hoảng sợ. Giọng vừa bật lên, một luồng gió đêm tạt ngược lại phà vào mũi Đại Sơn Vương một thứ hương thơm kỳ dị của giai nhân lẫn mùi nước hoa thượng hạng, quen quen, khiến chàng tuổi trẻ vùng buông tay, sửng sốt:
- Phượng Kiều!
Bóng thiếu nữ thở mạnh, nhận ra được tiếng Hồng Lĩnh:
- Anh... gớm! Em lại tưởng kẻ nào.
Rồi không đợi Hồng Lĩnh lên tiếng, thiếu nữ nói tiếp:
- Anh giận em phải chịu. Nhưng... cũng không thể nào yên dạ để anh một mình lới hang hó. Trước còn có Voòng Lầu...
Thiếu nữ ngừng lời, thấy Đại Sơn Vương vẫn không nói gì cho là chàng giận mình trái lời, nàng hoảng sợ, vùng nghẹn ngào:
- Em không dám để anh cùng cô bạn đồng hành rõ... nên định lánh đị..
Vừa nói đến đây, Phượng Kiều chuyển mình, lao xuống đường...
Nhưng Đại Sơn Vương kịp tay nắm được Phượng Kiều.
- Phượng em.
Giọng nghiêm nghiêm của Hồng Lĩnh khiến thiếu nữ đang thở mạnh, chợt im bặt, ngẩng lên lo lắng nhìn người yêu:
- Da..... anh bảo...
Chàng đăm dăm nhìn sâu vào đôi mắt phảng phất ánh sao thưa, giọng trách móc:
- Anh đã dặn, mà em cũng chẳng nghe. Giờ lại định bỏ đi lủi thủi một mình trong đêm tối rừng hoang thế nào được.
- Da..... nhưng anh...
Hồng Lĩnh im lặng mấy khắc, có dáng suy nghĩ, đoạn dịu dàng vuốt tóc Phượng Kiều:
- Thôi đành để em đi cùng vậy!
Nghe nói, thiếu nữ mừng rỡ, hỏi dồn:
- Anh ! Anh để em cùng đi sao? Em không phải trở về một mình nữa?
Thấy người yêu mừng rỡ như con trẻ được theo mẹ, Hồng Lĩnh bất giác mỉm cười:
- Không đổi ý thế nào được với em! Nào! Ta vào thôi, chứ đứng ngoài này khuya sương xuống không tốt. Để anh giới thiệu với cô bạn đồng hành!
- Dạ.
Phượng Kiều sung sướng, nhanh nhẹn theo người yêu, băng về toa ba. Nhưng tới nơi không còn thấy thiếu nữ lạ, hỏi không ai rõ, thấy hành lý thiếu nữ cũng đâu mất, con chim xanh đã bay bổng nơi nào rồi. Đại Sơn Vương tần ngần ngó quanh, kéo Phượng Kiều vào chỗ trống bên mình. Hai người còn đang ngạc nhiên về hành động của cô gái lạ, chợt Hồng Lĩnh tình cờ đưa mắt nhìn vào chỗ để hành lý, thấy có mảnh giấy nhỏ gài vào mép sắc vội với tay gỡ ra. Chỉ là một tấm danh thiếp, tuyệt khônng một chữ viết trên, ngoài ba chữ in nhỏ trên đầu góc:
"Khách giang hồ". Cùng lúc, Hồng Lĩnh, Phượng Kiều đưa mắt nhìn nhau.
- Khách Giang Hồ? Hắn có thể là một cô gái... thế ư?
- Hừ? Chẳng lẽ hắn làm mặt giả tuyệt kỹ đến thế? Thảo nào cô ta có bản lĩnh khác người!
Phượng Kiều lẩm bẩm khẽ, chẳng hiểu sao, vùng bảo Hồng Lĩnh:
- Tiếc quá! Ban nãy em đã định giao đấu thử với cô ta! Nếu đó là Khách Giang Hồ, thì...
Hồng Lĩnh thấy người yêu có vẻ... khác, hỏi lại:
- Thì sao em?
Nàng lúng túng mấy khắc, đoạn nhìn chàng:
- Thì em lại lo thêm khi anh vào hang hùm... Anh! thế nào cũng cho em thử sức với cô ta nhé!
Hồng Lĩnh mỉm cười ghé sát vào nàng:
- Được nhưng em không phải quá bận tâm. Ngay từ lúc mới gặp, anh đã thấy "hắn" thua em rồi.
Phượng Kiều cả thẹn, nép vào người yêu, mặt đỏ bừng thỏ thẻ:
- Anh... chỉ trêu em thôi!
Từ đó, hai người ngồi bên nhau thủ thỉ tâm sự hết chuyện nọ tới chuyện kia, không có đầu đuôi chi cả cho đến lúc tàu đến Yên Báy.
Tiếng còi rúc dài khiến hai người mới chợt ngừng tâm sự, nhìn rat ngoài. Trời vẫn tối mờ. Tàu dang tốc lực. Rừng khuya thưa dần, trông ra đã thấy lờ mờ bóng nhà cửa bên đường. Hồng Lĩnh bảo Phượng Kiều:
- Không nên để nhà chức trách hỏi lôi thôi mất thì giờ về vụ cướp tàu. Ta nên xuống trước - Dạ, em cũng nghĩ thế!
Hai người nhanh nhẹn xách hành lý ra cửa toa. Quan sát một lượt, thấy đến chỗ khá bằng phẳng, nhà cửa thưa thớt, Hồng Lĩnh bảo Phượng Kiều:
- Em nhảy trước đi!
Thiếu nữ nhoẻn cười, trao hành lý cho Hồng Lĩnh, đoạn tung chân nhảy phắt xuống. Đứng trên, thấy nàng lăn tròn mấy vòng đã đứng phắt lên, giơ tay ra hiệu ném hành lý xuống. Hồng Lĩnh lẳng lặng, hai tay xách hành lý, chàng nhún mình, cất bổng người lên cao, về phía tàu chạy, một chân chấm đất và lăn mình một vòng đứng phắt lên, êm như không. Phượng Kiều chạy lên chỗ Hồng Lĩnh, đỡ lấy hành lý. Hai người đứng khuất vào chỗ tối chờ đoàn tàu qua hẳn, mới dắt nhau vòng đường về Yên Báy. Đường phố khuya khoắt, thỉnh thoảng mới có chiếc xe lướt dưới ánh điện vàng úa. Đại Sơn Vương mấy chục năm ở xứ lạ chưa hề tới miền này, nhất nhất đều mặc Phượng Kiều định liệu, thiếu nữ dẫn Hồng Lĩnh tới một quán án đêm gần khu chợ, ăn uống xong hai người tìm khách sạn thuê phòng nghỉ qua đêm. Thấy viên quản lý cứ gọi là "ông bà", Phượng Kiều thẹn đỏ mặt, mãi mới lên tiếng bảo quản lý khách sạn dọn hai phòng cạnh nhau. Viên quản lý không giấu được vẻ ngạc nhiên.
- Sao lại lấy hai phòng? Mình có hai người, một phòng là rộng lắm rồi, lại tiện nhiều thứ nữa!....
Hồng Lĩnh ngạc nhiên hỏi. Thấy người yêu nói thế, Phượng Kiều không khỏi ngạc nhiên, đưa mắt nhìn, thấy vẻ mặt người đàn ông vẫn như thường, nàng lặng im, không nói chi cả, tuy trong dạ bối rối chẳng biết xử trí ra sao.