Tối hôm ấy tôi ngồi suốt đêm bên giường của Tiểu Song, đúng ra thì phải mời y tá đặc biệt để chăm sóc, nhưng vì nhà cũng không dư giả, điểm thứ hai sợ sau này có khi cần phải chi, tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng nấy, để Tiểu Song nằm một mình lại không yên tâm, Nội thì tuổi cao, mẹ cần phải có mặt ở nhà để chăm sóc cho cha. Anh Thi Nghiêu ở lại, lại không thích hợp, thế là tôi gánh hết và tôi vui vẻ chấp nhận sự gánh vác đó. Anh Vũ Nông đi tìm Lư Hữu Văn mãi khuya vẫn không thấy về, khoảng chín giờ tối Tiểu Song bắt đầu rên rỉ, tôi phải nhờ bác sĩ chích cho một mũi thuốc giảm đau nàng mới ngủ được. Mấy cô y tá thì cứ cách hai giờ đo huyết áp một lần, huyết áp của Tiểu Song đã hạ, nhưng nàng vẫn phải cần vô nước biển. Cứ thế tôi ngồi cạnh giường của Tiểu Song, ngắm thân hình tiều tụy của nàng, lòng đầy trăm mối cảm xúc, diễn biến của quá khứ như một khúc phim quay nhanh trong đầu, từ lần đầu tiên Tiểu Song đến nhà, đến lúc gặp Hữu Văn, cuộc kết hôn sơ sài, tuần trăng mật trong ngôi nhà nhỏ, rồi định mệnh đưa Tiểu Song đến đây, một cuộc đời quá nhiều đau khổ. Ðến nữa đêm Tiểu Song lại tỉnh giấc, ói, rên rỉ tôi phải xoa dầu cho nàng. Tiểu Song nhìn tôi với cặp mắt buồn. - Chị Thi Bình ơi! Tôi nắm tay nàng nói: - Tiểu Song đau lắm phải không? Có cần gọi bác sĩ không? - Thôi khỏi chị ạ. Tiểu Song nói và đưa mắt nhìn quanh như định tìm ai, tôi nói. - Nội và mẹ về trước rồi, mai mới trở lại với Tiểu Song. Tiểu Song gật đầu, không nói gì hết. Tôi cảm thấy hình như chẳng phải nàng muốn tìm Nội và mẹ, nên nói thêm. - Anh Vũ Nông đã đi tìm Hữu Văn, không biết sao tới giờ này chưa thấy họ đến, nhưng đừng lo, anh Nông có để mảnh giấy báo tin cho anh Văn ở nhà của Tiểu song rồi. Tiểu Song mở mắt to nhìn tôi, ánh mắt thất thần không cảm xúc, một lúc khép lại rồi ngủ tiếp. Mãi đến lúc gần hai giờ sáng, tôi mới nghe tiếng gõ cửa, lúc đầu tưởng là y tá đến thăm bệnh, nhưng sau khi tôi bảo vào đi, thì cửa mở và Vũ Nông cùng Hữu Văn xuất hiện, Vũ Nông vừa vào đến phòng đã kéo tôi qua một bên hỏi: - Sao? Thế nào rồi - Chưa chết. Tôi nói gọn mà lòng ấm ức vô cùng. Quay lại nhìn Lư Hữu Văn tôi thấy anh chàng đầu tóc rối bù, guơng mặt tiều tụy, râu ria lởm chởm một Lư Hữu Văn khác xa, con ngườì hào hoa ngày nào, tôi chưa kịp ngăn thì Lư Hữu Văn đã nhào đến bên giường Tiểu Song nắm lấy cánh tay khẳng khiu của nàng gọi: - Tiểu Song. Tiểu Song giật mình mở mắt, nàng chau mày nhìn nguòi trước mặt, thấy Lư Hữu Văn, Song lại khép mắt nằm yên. - Tiểu Song ! Anh xin lỗi em, anh bậy quá, tội anh đáng chết, đáng xuống địa ngục, em thế nào rồi hở em? Em hãy tha cho anh. Có muốn đánh chửi hay làm gì cũng được, vì anh là con thú chứ không phải là con người. Tiểu Song chau mày, nàng cố rút tay mình ra khỏi tay Hữu Văn và gọi tôi: - Chị Thi Bình ơi! Tôi bước nhanh tới, Tiểu Song nói như cố lấy hết hơi: - Em mệt lắm, em muốn ngủ một chút, chị bảo ông ấy đi nơi khác giùm em được không? Tôi kéo tay Hữu Văn: - Anh làm cái chuyện tốt lành lắm rồi anh Văn à, bây giờ anh còn đến đây quấy rầy gì nữa. Tiểu Song mới được giải phẫu, cô ấy vượt khỏi tay tử thần, còn mệt lắm, hãy để cô ấy nghĩ. Có chuyện gì anh hãy đợi vài hôm, khi cô ấy tỉnh hãy nói sau. Lư Hữu Văn đưa mắt đau khổ nhìn tôi rồi lại nhìn Tiểu Song, dường như anh ấy có điều gì muốn nói, nhưng Tiểu Song nằm mắt nhắm nghiền không muốn nghe. Lư Hữu Văn thở dài. Tôi kéo chéo áo của Văn nói: - Anh không thấy Tiểu Song còn đang vô nước biển sao? Anh ngồi đây có thế trở ngại, qua bên kia ngồi đi bằng không thì qua phòng trẻ sơ sinh để xem mặt con gái anh kìa. Câu nói của tôi như đánh thức Hữu Văn, anh nhìn lên hỏi: - Thế con bé ấy có khoẻ không? Tôi nói: - Khá lắm! nó được cứu sống trong gang tấc, những đứa bé như vậy mạng lớn lắm anh à! Lư Hữu Văn gượng gạo nhìn tôi, rồi đứng dậy đi vào phòng trẻ sơ sinh. Tôi liếc nhanh về phía Vũ Nông. Vũ Nông chỉ lắc đầu nói: - Thôi đừng trách ông ấy nữa, suốt khoảng đường về đây cậu ta tỏ vẻ rất hối hận, nhiều lần định đâm đầu vào xe tự sát. Tôi trề môi: - Tôi nghe ông ấy hối hận cả trăm lần rồi, vì vậy tôi cũng không tin chuyện anh ta định nhảy vào xe tự sát. Mà anh tìm gặp Hữu Văn ở đâu vậy? Trong sòng bạc à? Vũ Nông nhìn tôi: - Thật không thế nào tin được những gì trông thấy. Thi Bình biết không, anh đã tìm thấy Hữu Văn giữa đám bụi đời, một nơi dơ bẩn ngập đủ thứ mùi, nếu em đến đấy chắc em phải bỏ chạy ngay, một nơi hạ cấp bẩn thỉu với những lời thô tục nhất thế giới. Thế mà Hữu Văn đến đấy. Tôi ngỡ ngàng nhìn Vũ Nông: - Không lẽ Hữu Văn lại sa đoạ đến vậy ư? Vậy mà em cứ ngỡ chuyện cờ bạc của anh ấy chỉ quanh quẩn với đám bạn đồng sự của anh ta. - Hữu Văn nói với anh, là lúc đầu cậu ta chỉ muốn tìm cảm hứng để viết một quyển sách có tựa đề là Ngày tàn của một tên cờ bạc, lần đầu tiên nguòi ta rủ hắn chơi, và hắn như bị một ma lực thúc đẩy, lần nào nhảy vào sòng đều bị cháy túi, tánh của Hữu Văn lại ương nghạnh, không bao giờ chịu thua nên càng lúc càng lún chân.Vũ Nông định nói thêm thì Hữu Văn đã quay trở lại, hắn nhìn Tiểu Song đang thiêm thiếp trên giường rồi nói với tôi: - Tôi đã nhìn thấy con tôi quá khung cửa kính, nó có chút xíu. Tôi nổi sùng: - Vậy chứ anh mong nó bao to? Một đứa bé sanh thiếu tháng được hai ký tám, còn đòi hỏi gì nữa? Lư Hữu Văn yên lặng ngồi xuống ghế, hai tay ôm lấy bằng dầu như vẻ sắp chết đến nơi, tôi không nén được cơn giận, hỏi: - Anh Văn còn sợi dây chuyền và chiếc mặt ngọc của Tiểu Song đâu rồi? Lư Hữu Văn ngẩng đầu lên, nhìn tôi yên lặng. - Anh đã đem đi cầm hay đi bán mất rồi? - Thua hết rồi. - Thua ai? Vũ Nông cắt ngang: - Thi Bình bây giờ em hỏi mấy điều đó có ích lợi gì? Dù gì thì Hữu Văn cũng đã thua và chiếc mặt ngọc kia đương nhiên là đã nằm trong tiệm Kim Hoàn. Tôi nhìn Văn mà thấy giận vô cùng: - Sao lại có chuyện này xảy ra? Anh đã đánh lộn với Tiểu Song và lúc Tiểu Song bị nguy ngập anh lại không có ở nhà. Hữu Văn khẽ nói: - Chúng tôi không có đánh lộn, tôi chỉ bảo Tiểu Song đưa chiếc mặt ngọc cho tôi, cô ấy không chịu, mà tôi thì đang cần nó để gỡ vốn, không có thời giờ để đôi co, nên tôi chỉ còn biết giật đại. Tôi đưa mắt nghiêm khắc của một vị quan toà đang thẩm vấn phạm nhân: - Anh đã giật chiếc mặt ngọc trên cổ của Tiểu Song và làm xước một lằn dài trên cổ cô ấy phải không? Anh lại đó xem vết thương còn trên nguòi cô ấy kìa. Lư Hữu Văn úp mặt vào đôi tay, đau khổ: - Tôi là con thú chứ không phải con người! Tôi trừng mắt: - Rồi sau đó. - Tôi giật được chiếc mặt ngọc rồi bỏ chạy, Tiểu Song đuổi theo và cô ấy bị vấp ngã, tôi cũng không để ý, tưởng là một cuộc vấp ngã bình thường, nên bỏ chạy luôn, đâu có ngờ chuyện lại như thế này. Nghe Văn nói, tôi tức muốn ngất xỉu. Văn đã thấy Tiểu song vấp ngã mà vẫn bỏ mặc đi đánh bạc, thật là không còn tình người, nếu không được ngườì hàng xóm phụ giúp, biết đâu Tiểu song đã chết, không biết rồi toà án có coi đây làmột vụ giết ngườì không? Tôi trừng mắt nhìn Hữu Văn, tôi hiểu đương nhiên là Hữu Văn đã giấu bớt đi một chi tiết. Trong lúc giành giật chiếc mặt ngọc, đương nhiên là Tiểu Song đã bị động thai, cộng thêm cái té nặng mới đưa đến tình trạng nặng như vầy. Tôi muốn lớn tiếng nặng lời Hữu Văn một mách, nhưng Vũ Nông đã nhìn tôi lắc đầu, thế là tôi như chiếc bong bóng xì hơi, tôi bỏ mặc Văn ở đó và đến ngồi cạnh Tiểu Song. Ðến khi trời sáng, Tiểu Song thức dậy, mở mắt ra nhìn thấy tôi. Tiểu Song hỏi: - Chị Bình, chị đã thức suốt đêm phải không? Tôi cười nói: - Cũng chả sao đâu Tiểu Song ạ!Cô có nhớ trước kia mình vẫn thường tán gẫu đến sáng trắng. Lư Hữu Văn bước đến ngồi bên mép giường, nắm tay Tiểu Song nói: - Tiểu Song hãy tha thứ cho anh. Tiểu Song quay mặt và trong hỏi tôi: - Chị Bình ơi, cháu nó ngoan chứ? Hữu Văn cướp lời: - Ngoan lắm, anh mới vừa qua đấy, họ không cho anh vào, nhìn qua kính anh thấy. Tiểu Song, hãy tin anh, anh sẽ thay đổi, anh sẽ thay đổi từ đầu. Tiểu Song nhìn tôi, bình thản: - Chị Bình ơi, chị làm ơn hỏi bác sĩ giùm em, em muốn được yên tĩnh... Nàng thấy Vũ Nông đứng gần, quay sang nhờ Nông: - Anh Vũ Nông, anh làm ơn bảo anh này ra ngoài giùm em. Lư Hữu Văn nghe thế, ngồi xụp xuống, đầu tựa lên thành giường: - Tiểu Song anh van em, em hãy ban cho anh cơ hội cuối cùng, anh biết lỗi mình rồi, lần này là lần cuối, anh thề là anh sẽ không bao giờ cờ bạc nữa. Mấy lần trước em đều tha thứ cho anh, thì lần này em hãy ban cho anh một ân huệ cuối cùng. Anh sẽ chấn chỉnh làm người chồng tốt, anh sẽ viết văn trở lại, anh thật sự làm chứ không nói nữa. Ðời anh chỉ có mình em và bây giờ có con nữa, chỉ có hai người là thân nhân của anh. Anh thề là anh sẽ sống vì hai mẹ con em, cố tạo cho mình một sự nghiệp.. Lời của Hữu Văn chưa dứt thì Tiểu Song đã với tay lên đầu giường bấm chuông gọi y tá. Lập tức có người của bệnh viện bước vào. Hữu Văn thấy ngượng vội đứng dậy. Cô y tá hỏi: - Cô gọi việc gì thế? Tiểu Song nhìn Hữu Văn với gương mặt lạnh. Gương mặt của cái ngày đầu tiên Tiểu Song đến nhà tôi trong bộ áo đen. Chợt nhiên tôi hiểu khi người ta đến tột cùng đau khổ thì cảm xúc cũng trở thành trơ cứng lạnh băng. - Cô làm ơn mời ông này ra ngoài. Cô y tá thoáng ngạc nhiên nhìn Song, rồi nhìn Hữu Văn. Vũ Nông thấy tình hình căng thẳng nên bước đến nắm tay Hữu Văn: - Thôi được rồi, cậu Văn qua đây ngồi yên, đừng nói gì hết để Tiểu Song nghỉ ngơi, cô ấy còn mệt. Hữu Văn ngoan ngoãn theo Nông trở lại ghế ngồi, tay chống ngồi yên. Vũ Nông nháy mắt với cô y tá. Cô như chợt hiểu, mỉm cười: Chuyện vợ chồng! Rồi bước tới cạnh chai dịch truyền, soát lại dây dẫn, sờ mạch ở cổ tay Tiểu Song và nói: - Cô này hồi sức nhanh lắm đấy. Và bỏ ra ngoài. Còn lại chúng tôi ngồi yên. Một đêm không ngủ cả hai chúng tôi đều mệt mỏi. Nhưng không ai dám bỏ đi. Vì tôi biết cá tính của Tiểu Song rất cứng cỏi. Sợ khi chúng tôi đi rồi, họ lại cãi nhau, và đó là một sự cấm kỵ lớn vì Tiểu Song còn yếu, còn nguy kịch. Anh Vũ Nông kéo chiếc ghế xếp ra bảo tôi nằm, tôi ngoan ngoãn nghe lời. Vừa đặt lưng xuống là ngủ ngay. Khi chợt tỉnh thì trời đã sáng. Trên ngực tôi có cả chăn, tôi mở mắt ra gặp ngay nụ cười của Nội. - Thi Bình, mẹ con đã gọi dây nói cho Ngân hàng xin cho con một ngày phép. Con khỏi lo gì cả, bây giờ về nhà ngủ đi, ở đây đã có Nội, Vũ Nông cũng đã về ban nãy rồi. Tôi vừa dậy, sự lười biếng cũng muốn về ngay nên quay sang Tiểu Song. Tôi thấy nàng đã thức, nằm yên trên giường bệnh, mắt mở to như đang suy nghĩ cái gì đó. Nội bước tới lấy lược chải tóc cho Tiểu Song nói: - Con rửa mặt, rồi chải tóc là tươi ngay. Nội đã hỏi bác sĩ rồi, ông ta nói bao giờ cắt chỉ xong là con có thể về, ráng mà ăn cơm bệnh viện thêm một tuần nữa thôi con, là có quyền bế con về với Nội. Nội có nụ cười rất hiền, Tiểu Song gọi: - Nội ơi! - Gì con? - Vào bệnh viện lần này, con đã làm Nội tốn hết bao nhiêu tiền rồi? Nội trách yêu: - Ối cái con nhỏ này. Có bao nhiêu đâu mà cũng thắc mắc. Nếu con thương Nội thì cố tịnh dưỡng cho mau lành, con hết bệnh là Nội thấy vui rồi. Tiểu Song có vẻ xúc động: - Nội ơi Khi ra viện rồi con sẽ muốn một ngôi nhà riêng để ở. Nội nói: - Ðừng có nói tầm phào nữa. Ra viện xong con hãy còn trong tháng dù không tiện ở nhà Nội, thì con cứ ở nhà con. Nội sẽ dọn sang đấy chăm sóc cho con, cho em bé được đầy tháng Nội sẽ về. Nội là người rất hiểu biết. Tôi hiểu đúng ra Nội định đưa Tiểu Song về nhà tôi, nhưng vì tình trạng cơm không lành canh không ngọt giữa Tiểu Song với Hữu Văn, vì ở nhà tôi còn có ông anh đau khổ. Nếu đưa Tiểu Song về biết đâu lại gây thêm bao nhiêu rắc rối khác. Tiểu Song cương quyết. - Không đâu. Con sẽ không bao giờ trở về ngôi nhà đó nữa. Và giọng nàng như tắc nghẹn. - Bây giờ coi như con chẳng có nhà. - Ðừng nói bậy. Nội nói con là đuá cháu thứ ba của Nội, sao con nói vậy? Con chẳng coi Nội là Nội của con nữa ư? Tiểu Song rơi nước mắt: - Sao Nội lại nói thế Con đâu bao giờ dám hỗn láo vô ơn như vậy? Con... Con xấu hổ quá, Nội thương con, Nội quý con... mới cho con chiếc mặt ngọc vậy mà con cũng để mất... Con không dám nhìn mặt Nội. Nội nói, mà mắt cũng đã đỏ hoe. - Trời ơi, sao con ngu vậy. Cái mặt ngọc kia chỉ là đá, có đáng bao nhiêu tiền đâu. Lúc Nội cho con, chủ đích không phải là vì nó quý báu mà nói cho con như cho chiếc bùa hộ mệnh trừ tà thôi. Nếu nó chẳng ngăn được vợ chồng cãi nhau, đánh nhau, thì rõ ràng là nó không có tác dụng tốt, bỏ mất cũng không sao mà buồn làm gì? Tiểu Song oà khóc. - Tại Nội không biết. Ðối với con chiếc mặt ngọc kia là tượng trưng cho con biết, con có một mái ấm gia đình, con được Nội, hai bác và các anh chị đùm bọc yêu quí, chứ không phải là một đứa mồ côi. Với con nó không phải là một hạt ngọc, một hòn đá vô tri vô giác, mà là một bảo vật quí giá. Nội lấy khăn thấm nước mắt cho Tiểu Song. - Thôi đừng khóc nữa. Con đừng khóc, vì mới sinh trong tháng mà khóc nữa sau mắt sẽ kém đấy. Chiếc mặt ngọc cũng không có gì đáng giá. Con đừng để Nội khóc theo. Lư Hữu Văn vẫn còn ngồi yên ở một góc phòng, Nội ngoắc lại - Văn, còn chờ gì nữa mà không đến đây? Lư Hữu Văn bước tới, Nội nói: - Sao không xin lỗi vợ mày đi, suýt nữa mày đã giết cả con của mày. Tiểu Song quay mặt đi nói: - Con không muốn nhìn mặt anh ấy nữa, con muốn vĩnh viễn không thấy anh ấy. Nội cho con được ly dị. Chúng tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên tôi mới nghe Tiểu Song cương quyết nói đến hai chữ đó. Lư Hữu Văn cũng có vẻ gặp bất ngờ, anh chàng cuống quít. - Tiểu Song , anh đã biết lỗi của anh, em muốn xử thế nào cũng được, nhưng mong em đừng nói đến hai chữ ấy. Anh không muốn ly dị, em hãy nghĩ đến con chúng ta, đừng để nó vừa chào đời đã phải đứng trước cảnh gia đình tan vỡ... Em Tiểu Song, anh van... em. Phải thú thật là lời nói của Hữu Văn rất xúc động, nhìn cách anh ấy diễn đạt sự đau khổ, bứt rứt, hối hận, tôi không cầm được nước mắt, nói chi Tiểu Song ? Và Tiểu Song cũng khóc oà lên. Nội vừa lau nước mắt cho Tiểu Song vừa nói: - Chuyện ly dị là chuyện quan trọng, đâu phải giận là cứ nói đâu con. Hôn nhân gắn liền với cuộc đời khi con đã yêu đã lựa chọn thì coi như định mệnh đã an bài, cuộc sống chung có thế nào đi nữa, cũng phải gắng mà chịu đựng nhau. Tiểu Song, dù thế nào đi nữa, Hữu Văn cũng nó cũng đã biết lỗi rồi. Con cũng nên nghĩ đến Nội, đến con của con mà tha thứ cho nó một phen nữa đi con .Tiểu Song chỉ vật vã khóc, khóc cho đã nư. Nàng khóc đến độ vết thương ở bụng nhói đau, phải hét lên. Hữu Văn vội vã bước tới ôm lấy vợ. - Tiểu Song, em hãy nghe lời Nội, tha thứ cho anh một lần cuối cùng, anh hứa sẽ không để em buồn, em đau khổ vì anh nữa. Anh thề, anh sẽ cố gắng yêu em gấp bội, anh sẽ chăm sóc em, nếu không làm được như vậy, kiếp sau anh sẽ chẳng làm người. Tiểu Song vẫn khóc, nhưng bây giờ nàng đã chịu nhìn Văn. Cái nhìn đầu tiên từ lúc vào bệnh viện. - Em không tin anh đâu anh Văn. Anh hoàn toàn không đáng tin cậy. - Anh xin thề. - Anh đã thề quá hàng trăm lần rồi. Lư Hữu Văn đau khổ nhìn Tiểu Song nói: - Nhưng đây là lần cuối cùng. Một đêm không ngủ và dày dò, đã khiến Hữu Văn trông thật tiều tụy, râu cằm lởm chởm. Tiểu Song đưa tay sờ vào đấy nói: - Anh Văn, anh phải đi cạo râu. Hữu Văn cúi xuống, vùi đầu vào tấm chăn đắp trên người Tiểu Song, nước mắt ràn rụa. Nội đứng lên phũi phũi tay nói: - Ồ! quên. Tới giờ Nội chưa ăn sáng. Thi Bình con đói chưa? - Dạ con cũng đói rồi. - Vậy thì ta ra ngoài kiếm cái gì ăn đi. Nội vội kéo tay tôi, ra tới cửa người còn quay lại nói. - Hữu Văn, Nội cho con biết, lần sau mà con còn ngược đãi với Tiểu Song nữa, thì Nội sẽ đập gãy cổ con, Nội không tha đâu. Rồi Nội mới chịu đi. Nhìn mái tóc bạc, chiếc lưng còng của Nội, tôi thấy Nội tôi dễ thương vô cùng. Ra đến cổng bệnh viện, tôi thấy anh Thi Nghiêu đang đi vào. Thấy tôi và Nội, anh đứng lại. Gương mặt anh còn thiểu não hơn cả Hữu Văn. Có lẽ suốt đêm đã không ngủ. Anh hỏi: - Sao? Tiểu Song thế nào thằng chồng của cô ấy đến rồi phải không? hay lắm, anh đang tìm hắn đâỵ Tìm hắn để thanh toán chuyện hắn ngược đãi vợ. Nội nắm tay Nghiêu lại: - Này mi có điên không? Ba mươi tuổi đầu rồi mà cái gì cũng không biết. Ðừng vào nơi ấy nếu con thông minh. Con vào chỉ làm khổ Tiểu Song thêm thôi. Con đi với Nội này, hôm qua tới nay, con đã không ăn, không uống, không ngủ, có gì lại khổ Nội, cùng Nội ăn sáng nhe. Anh Thi Nghiêu trừng trừng mắt: - Nôi. Nội không đứng về phía con ư? Nội nóị - Ðứng về phía con? Ðể phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác? Ðể đoạt vợ người? Con có cho cổ lỗ hủ lậu gì cũng được, nhưng Nội không thể đứng về phía con trong chuyện này được. Thi Nghiêu trợn mắt: - Nội biết đấy, con khờ khạo, điên rồ ngay từ nhỏ. Con ngang bướng. Cả chính con cũng biết, nhưng con biết làm sao hơn? Ngay từ khi Tiểu Song đi lấy chồng, con đã tự nhủ lòng nếu Tiểu Song tìm được hạnh phúc, thì con xin cúi đầu trước định mệnh, nhưng nếu Tiểu Song đau khổ thì con sẽ không bao giờ làm kẻ bàng quang. Tôi trợn mắt. - Rồi bây giờ anh định làm gì? - Em biết còn phải hỏi, Thi Bình. Anh sẽ không để yên thằng Hữu Văn đâu. Nội nói: - Ðừng có điên. Họ đang làm lành với nhau ở trỏng, con vào chỉ để phá đám. Anh Thi Nghiêu lạnh lùng. - Thật ư? Rồi con sẽ chờ, chờ xem. Anh Thi Nghiêu nói, và đứng tựa nguoì vào cột đèn, nhìn lên khung cửa kiếng của bệnh viện. Gió mùa đông đã đến, thổi luồn qua áo khoác của anh, phần phật. Tôi cảm thấy lạnh, nhưng anh vẫn đứng yên. Tôi và Nội nhìn nhau.
Chương 18
Ngày Tiểu Song xuất viện, để giữ lời, Nội đã dọn theo Tiểu Song để chăm sóc, vừa phụ coi trước coi sau. Nội làm đủ thứ thức ăn, nào gà nấu rượu, gan heo chưng, hạt sen nấu táo đỏ để cho Tiểu Song bổ dưỡng. Nội nói riêng với chúng tôi. - Tội nghiệp nó, không cha, không mẹ, không ai chăm sóc, sống quá khổ, vậy mà lại có thằng chồng... Nói tới đó, Nội lại thở dài. Nội không nói tiếp nhưng chúng tôi cũng hiểu. Một tháng Nội ở nhà Tiểu Song, theo lời Nội kể thì Hữu Văn cũng tỏ ra khá ngoan, mỗi ngày đi làm về đúng giờ, ngủ thì ngủ ở phòng khách, chỉ có thỉnh thoảng là thở dài. Nội hỏi tại sao thì Hữu Văn nói đại hoại như: Con tạo trớ trêu, sống bất cập thời, định mệnh éo le, hoặc: Người hiền không gặp may. Nội còn nói: - Sao thằng Nghiêu nhà mình nó cũng học đại học mà nói chuyện văn chương gì tao cũng hiểu, còn Hữu Văn mở miệng ra là nói toàn từ cao siêu làm sao, có khi nghe mà nghĩ hoài chẳng biết nói nói gì? Tôi nghĩ sự hiện diện của Nội trong nhà Văn đã ít nhiều ảnh hưởng đến nếp sống tự do của Văn. Cái sống lại sau cái chết của Tiểu Song cũng phần nào tác động đến tâm hồn chàng, cảm xúc hỗn độn kia làm cho tình cảm Văn bị giằng co, bị căng thẳng. Con gái của Tiểu Song được đặt tên là San San. Vừa đầy tháng tuổi đã tròn, dễ thương vô cùng. Nó có cái đôi mắt to đen của Tiểu Song và cái miệng hay cười, mỗi lần tôi ghé quá thăm đều nghe Tiểu Song nói: - Chị Thi Bình, bây giờ em đã có con, em đã làm mẹ, em không còn là người chỉ có một thân trên cõi đời này, mỗi lần nhìn con thấy nó cười là bao nhiêu phiền muộn tan biến hết. Em sẽ cố gắng làm nhiều tiền, cố gắng lo cbo con em no đủ, ấm áp, sống vui, hồn nhiên, và trưởng thành nên người. Tôi chưa làm mẹ, nên cũng chưa ý thức hết sự yêu con của Tiểu Song. Tôi chia vui với nàng, nhưng từ tiềm thức, tôi vẫn cảm nhận một sự lo lắng. Có một cái gì không ổn trong câu nói của Tiểu Song. Sao không hề nghe nàng nhắc đến Hữu Văn? Tiểu Song đã bắt đầu đi lại bình thường, không những thế nàng bắt đầu sáng tác trở lại, và các tác phẩm có được Tiểu Song đều đưa cho Nội để chuyển lại cho anh Thi Nghiêu. Dĩ nhiên, không phải bất cứ tác phẩm nào của Tiểu Song cũng đều có người mua, cũng đều được hát, nhưng nhờ sự nâng đỡ của anh Thi Nghiêu, nên từ từ nguoì ta đã biết đến tên tuổi của nàng. Tiểu Song cũng rất nhẫn nại, chỉ cần nghe công ty dĩa hát chê một đoạn nào, là nàng sửa ngay, nhờ thế mà ngoài bản Bên Dòng Nuớc, những tác phẩm khác như Cơn Mơ, Con đường nhỏ, Những điều mơ ước, — tận trời cao, Tiếng chim v..v... đều được phổ biến, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình cũng khá ổn định. Trong khoảng thời gian này, giữa tôi và Vũ Nông có một xung đột nhỏ. Vũ Nông muốn chúng tôi phải làm lễ cưới trong tháng mười, còn tôi lại định để xa hơn. Vũ Nông nói: - Em không thấy Tiểu Song như vậy, mà đã có con, chúng mình không lấy nhau thì đợi mãi đến bao giờ? Chuyện tôi không định lấy chồng ngay chủ yếu cũng vì không khí gia đình tôi. Sau ngày chị Thi Tịnh lấy chồng, họ ra riêng và gia đình tôi đột nhiên lạnh hẳn. Lúc trước tối nào phòng khách cũng đầy người nói cười ồn ào, còn bây giờ khi màn đêm buông xuống, phòng khách chỉ còn lại có ba mẹ và Nội, họ thường ngồi nhìn nhau. Nuôi con lớn lên để rồi thế này ư? Một cảm giác buồn buồn, tôi có muốn ở lại gia đình thì thời gan cũng chẳng còn dài bao lâu, vì năm nay tôi đã hai mươi ba tuổi. Cái nhân vật trở thành vấn đề lớn nhất trong gia đình tôi hiện nay là anh Thi Nghiêu. Sau ngày Tiểu Song ngã bệnh, anh Nghiêu đã trở nên ít nói, mỗi ngày đi làm về anh lủi thủi về phòng riêng của mình, không nói, không cười, chúng tôi thấy anh chẳng nghe anh có bạn gái, cũng không thấy đề cập đến chuyện hôn nhân. Cuộc sống của anh Nghiêu dính liền hẳn với Công ty truyền hình. Anh làm hết mọi việc hình như để quên lãng, anh cũng giúp Tiểu Song soạn nhạc. Nội và ba mẹ tôi biết anh Thi Nghiêu vẫn còn yêu Tiểu Song, tuy không nói ra nhưng người cũng buồn. - Không lẽ nó ở vậy suốt đời sao? - Nguoì ta đã có chồng có con, có muốn thế nào cũng không được. Tại sao nó không quên đi và tìm đến tình yêu với một người khác? Chỉ có Nội là hiểu anh Thi Nghiêu, Nội nói: - Thôi kệ nọ Nghiêu nó đã khổ nhiều rồi, nói vô chỉ khiến nó khổ thêm, thời gian sẽ là liều thuốc quên lãng. Có nôn nóng cũng chẳng giúp ích gì được cho nó đâu. Nhưng thời gian như tỏ ra vô giá trị. Tối hôm ấy anh Thi Nghiêu cùng Tiểu Song hẹn gặp mặt Giám đốc một công ty đĩa hát tại vũ trường để thảo luận việc ký hợp đồng. Ðây là một hợp đồng rất quan trọng vì có tính cách dài hạn, nên phải có sự hiện diện của Tiểu Song. Dĩ nhiên là có tôi với Vũ Nông đi kèm và Nội có bổn phận giữ cháu San San. Tôi không sao quên được, cái hình ảnh của Tiểu Song hôm ấy. Cô mặc chiếc robe đen đơn giản nhưng cũng thật bắt mắt, tóc búi cao để lộ cổ trần hơn, tạo ra một dáng dấp cao quý, một thứ Phair lady. Không khí của hộp đêm khá trang nhã, mỗi bàn là một chiếc nến con, còn đèn trần thì núp trong những chiếc bản lề tạo thành ánh sáng mờ ảo. Tiểu Song nói chuyện âm nhạc với ông Giám đốc, nói chuyện hợp đồng và họ đã thỏa thuận rất nhanh, viên Giám đốc vì bận việc nên kiếu từ trước. Tiểu Song cũng định về, nhưng anh Thi Nghiêu đã chận lại: - Lâu lắm rồi Tiểu Song đâu có dịp ra ngoài đâu? Tại sao không ngồi lại một chút cho vui? Tiểu Song liếc nhanh anh Thi Nghiêu, rồi lặng lẽ ngỗi xuống, ban nhạc bắt đầu bản nhạc nhẹ, âm thanh rất quen thuộc, một nam ca sĩ bước ra mới Micro trên tay, không biết vô tình hay cố ý, anh ta hướng về phía bàn chúng tôi và giới thiệu bản nhạc anh sắp hát: Bên Dòng Nước. Nghe đến tên bản nhạc, Tiểu Song có vẻ bàng hoàng, nàng liếc nhanh về phía anh Thi Nghiêu. Anh Nghiêu nói: - Tiểu Song cũng biết đó, hồi nào tới giờ tôi không hề khiêu vũ vì chiếc chân thọt của tôi nhưng hôm nay Tiểu Song có thế giúp tôi phá vỡ mặc cảm đó chứ? Tiểu Song lặng nhìn anh Nghiêu, nàng cũng có vẻ xúc động, dưới âm điệu nhẹ nhàng của Bên Dòng Nước, Tiểu Song nói: - Em không biết khiêu vũ. - Vậy thì cả hai ta đều chưa hề khiêu vũ qua lần nào. Sao chúng ta không thử một lần xem? Lần đầu tiên tôi mới thấy anh Thi Nghiêu của tôi biết cách diễn đạt ngôn ngữ với bạn gái và giữa lúc chúng tôi còn tưởng mình đang nằm mơ, thì Tiểu Song đã đứng dậy theo anh Thi Nghiêu ra sàn nhảy. Vũ Nông không chịu kém, nắm lấy tay tôi: - Mình cũng ra chứ? Tôi và Vũ Nông quyện nhau ra sàn nhảy, chúng tôi cố tình kéo sát đến gần anh Nghiêu và Tiểu Song, để xem xem họ nói với nhau những gì, nhưng chỉ thấy họ yên lặng. Anh Nghiêu vòng tay qua người Tiểu Song, mắt say đắm, còn Tiểu Song yếu đuối trong vòng tay anh Nghiêu, với ánh mắt van xin, như vậy là họ đã nói với nhau bằng mắt. Bản nhạc dứt, nhưng anh Thi Nghiêu vẫn không buông Tiểu Song ra, và nam ca si kia lại tiếp liền bản Cơn Mơ Hết bản nhạc đó một ca sĩ khác với bản nhạc — Tận Trời Cao, rồi Những điều mơ ước, Dĩ Vãng... tất cả đều là những bản nhạc của Tiểu Song. Tôi chợt hiểu tất cả đều đã được anh Thi Nghiêu sắp đặt trước. Tôi bối rối nhìn Vũ Nông. Rồi mọi người trở về bàn với những cảm xúc khác nhau, Tiểu Song uống một ly cam vắt, còn anh Thi Nghiêu chỉ tựa vào ghế và hút thuốc. Tiểu Song có vẻ vui, nàng không giấu được lòng mình, nói với anh Thi Nghiêu: - Lần sau em sẽ viết một bản nhạc với tựa đề là Phải chi Ðừng Quen Anh. Anh Thi Nghiêu nói: - Hay lắm. Trong đó nên có những câu như thế này: Phải chi đừng quen em thì đâu có buồn đau, nhưng quen em cũng là niềm vui, vì buồn đau còn hơn chẳng có. Tiểu Song nhìn Thi Nghiêu với ánh mắt long lanh. Tôi thấy tim đập mạnh, vậy là không được, không được! không thế để cho rắc rối lại xảy đến, tôi nhẹ đá chân anh Thi Nghiêu dưới bàn. Anh Nghiêu như hiểu ý tôi, anh thở dài và quay mặt nhìn lên sân khấu, nơi một nữ ca sĩ đang hát: Mùa hoa đang nở người ơi Suong thắm cành hoa mơ ước Tình yêu cần sự gần nhau Ðừng để hoa rồi héo úa. Tôi cũng thở dài. Tối hôm ấy từ hộp đêm trở về, tôi càng thấy bối rối hơn, tôi nói với anh Thi Nghiêu: - Nếu tình trạng này kéo dài, chắc có chuyện nữa quá. Sự linh cảm của tôi không phải là không có căn nguyên. Hai tuần lễ sau một chuyện bất ngờ xảy đến. Hôm ấy đã chiều, anh Thi Nghiêu nói là phải đến Tiểu Song để bàn chuyện làm ăn. Tôi bảo vậy để em nhắn hộ cho nhưng anh Thi Nghiêu không chịu, anh ấy nói là không có sao đâu, nói chuyện quang minh chánh đại chớ có gì đâu mà sợ. Anh ấy cũng hứa sẽ không gây gỗ với Hữu Văn. - Anh bảo đảm với em, anh sẽ chẳng nói chuyện gì riêng tư hết. Tôi cắn nhẹ môi: - Thật ư? chớ không phải anh muốn đến gặp Tiểu Song rồi muọn cớ. Anh Thi Nghiêu có vẻ giận. - Thi Bình! Không lẽ anh không có quyền gặp Tiểu Song à? Và anh quay nguoì định đi. Tôi thấy không ổn, nên rủ thêm Vũ Nông. Chúng tôi cả ba đến nhà Tiểu Song . Người ra mở cửa cho chúng tôi là Tiểu Song. Nàng rất vui khi thấy chúng tôi đến. Tôi đoán là Lư Hữu Văn lại vắng nhà và hình như điều tôi đoán đúng. Chúng tôi vào phòng khách vẫn không thấy Văn, cô bé San San nay đã được năm tháng, trông mủm mĩm dễ thương, nó có khuôn mặt của mẹ. Vũ Nông nói: - Bao giờ chúng ta mới có một đứa thế này hở em? Tôi ngắt mạnh trên vai Vũ Nông một cái đau điếng, rồi quay sang Tiểu Song: - Anh Văn đi vắng ư? Tiểu Song vừa đi vào trong vừa nói: - Không. Anh ấy đang ngủ. Tôi nhìn đồng hồ mới tám giờ tối, không biết sao Văn lại ngủ sớm vậy. Không tiện hỏi, nhưng hình như để trả lời câu hỏi của tôi, tiếng Hữu Văn đã từ phòng ngủ vang ra: - Cô không biết là tôi không khỏe, tôi lại bận suy nghĩ cho kết cấu của truyện dài sắp viết ư? Cứ mang khách đến nhà, ồn quá! Tiểu Song nói nhỏ với Văn điều gì, nhưng Văn vẫn lớn tiếng: - Danh dự, danh dự à? Danh dự là cái con khỉ gì? Tại sao tôi phải giữ thế diện, danh dự cho khách của cổ? Tôi với anh Thi Nghiêu, Vũ Nông nhìn nhau. Có lẽ chúng tôi đã đến không đúng lúc. Gia đình họ đang ở trạng thái căng thẳng. Tôi nháy mắt với anh Thi Nghiêu. Càng nên đề cao cảnh giác. Như vậy cáo từ chờ dịp khác thì hơn. Chúng tôi đứng dậy, nhưng Tiểu Song đã từ bên trong bước ra: - Xin lỗi các bạn, nhà văn thiên tài của tôi đang bận nằm trên giường chờ giải Nobel từ trên trời rớt xuống, nên không thế ra tiếp các bạn được. Tiểu Song nói rất to, như cố ý để phòng trong nghe thấy. Và kết quả trông thấy ngay "phùm!" tiếng cửa xô mạnh và Hữu Văn trong chiếc áo thun đẫm mồ hôi từ trong xông ra, mặt giận dữ: - Cô nói thế là thế nào nói đi, nói đi! Tiểu Song vẫn không kém, đứng thẳng lưng lạnh lùng: - Tôi nói vậy không đúng ư? Lúc nào cũng thấy anh chờ giải Nobel, cái thằng Nhật lùn có cái gì đáng gườm đâu Kaquábata chỉ là một cái móng tay của Lư Hữu Văn, thế mà cũng đoạt được giải Nobel! Anh nói giỏi lắm. Anh nằm đó, anh đợi, anh không biết lấy một tác phẩm mà cứ chờ Nobel, thì tôi nghĩ là chỉ có giải Nobel từ trên trời rớt xuống thôi, anh cứ nằm đó đi, nằm hoài, biết đâu? Lư Hữu Văn bước tới, đưa tay lên. Dáng dấp anh ta cao lớn còn Tiểu Song nhỏ nhắn như cọng lau. Chỉ một cái tát là Tiểu Song sẽ lăn kềnh. Chúng tôi bối rối, anh Thi Nghiêu phải lên tiếng: - Lư Hữu Văn, vợ chồng phải nhịn nhục nhau. Cậu là đàn ông không có quyền đánh đàn bà. Bàn tay của Hữu Văn bỏ xuống, anh ta vẫn gườm gườm: - Ðúng là đầu óc đàn bà! Chỉ cần Hữu Văn nói thế là Tiểu Song nhảy tiếp vào: - Ðúng rồi, đầu óc đàn bà. Thế còn anh? Anh là đàn ông, anh phải là chủ gia đình, phải biết tính toán lo toan mọi thứ mới phải, chứ tại sao cái gì anh cũng giao hết cho tôi là sao? Hữu Văn xanh mặt, nắn nắm tay lại đưa ra trước mặt Tiểu Song đe doạ: - Tôi nói cô biết, cô đừng bức bách tôi. Tôi không muốn cho nguòi ta thấy cảnh đánh đàn bà, nhưng cô quá quắt quá, suy nghĩ hạ cấp quá. Coi chừng, đừng tưởng có anh em Thi Bình ở đây là tôi không dám. Cô chua ngoa mấy câu nữa, cô biết tôi! Thấy không khi quá căng thẳng. Anh Nghiêu lại bất bình ra mặt, tôi chưa biết làm gì thì may thay, có tiếng San San khóc từ phòng vọng ra, tôi kéo Tiểu Song nói: - Tiểu Song, đi vào đi, con đang khóc kìa, vào bế cháu ra đây. Tôi đưa Tiểu Song vào phòng ngủ Liếc nhanh về phía Vũ Nông nháy mắt, muốn chàng tìm lời can ngăn Hữu Văn, cũng như để ngăn cuộc chạm trán có thế có giữa anh Nghiêu với Văn. Tiểu Song thẫn thờ như nguoì mất hồn, bế con lên thay tả lót, pha sữa. Tôi đứng cạnh không có gì phụ giúp, cũng không biết nói năng gì để xoa dịu nàng. Trong khi tiếng của Hữu Văn lại lồng lộng ngoài phòng khách dội vào: - Cô ấy khi người lắm, kiếm được mấy đồng tiền tanh hôi, là coi thường chồng. Quí vị ban nãy thấy cái thái độ trịch thượng đó chứ? Nói thật, nếu trước kia tôi mà biết mình sẽ gặp loại đàn bà này thì tôi đã ở vậy cho xong. Có tiếng ho khúc khắc của anh Thi Nghiêu, rồi tiếng cười của anh Vũ Nông. - Gia đình nào mà tránh khỏi lục đục, chuyện đó có gì đâu mà ông lại rùm beng? Tiếng của Hữu Văn vẫn lớn. - Nói cho các vị biết. Cái số tôi nó tận cùng xui rồi. Vũ Nông, cậu nhớ lại coi, lúc chúng ta cùng thi hành nghĩa vụ. Cậu thấy tôi có tài không? Tôi có khiếu về văn chương không? Khi mãn hạn về, tôi đã định là sẽ không làm gì hết, chỉ để hết tâm trí cho việc viết lách mà thôi. Tôi đã định tâm là đã viết một tác phẩm về đời phải không? Như vậy cậu thấy là tôi đâu phải không có tham vọng, không lý tưởng đâu? Nhưng số tôi xui xẻo quá. Ðùng một cái đụng phải Tiểu Song. Cô ấy đã đem hôn nhân ra ràng buộc lấy tôi. Khiến đầu óc tôi không còn minh mẫn. Tối ngày bị vật chất gò ép. Tôi phải đi làm, đi tìm việc làm để nuôi sống gia đình, tôi phải làm thân trâu ngựa! Ði làm về, thân xác mệt lả rồi lấy sức đâu mà viết? đúng ra cô ấy là người yêu chồng, cô ấy phải an ủi, dịu ngọt với tôi, đàng này lại len giọng chê tôi nào là lười biếng, không biết phấn đấu, chỉ biết nói chứ không biết làm. Ðó có phải là cả cuộc đời tôi đã bị cô ấy dẫm nát rồi không? Biết đâu chẳng có Tiểu Song tôi đã đoạt giải Nobel rồi. Chớ đâu khổ như vầy? Tiểu Song đúng là một tay đao phủ giết chết cuộc đời tài hoa của tôi. Hữu Văn còn nói nhiều nữa. Bao nhiêu tội đều trút lên đầu Tiểu Song. Những uẩn ức trong lòng Văn như suối chảy chưa ngừng. Tiểu Song không phải không nghe thấy. Nàng đứng yên như pho tượng, bộ mặt không cảm xúc, mắt trừng trừng, thái độ của Tiểu Song làm tôi sợ hãi. Cái anh Vũ Nông này, khi không rồi khơi mào cho Văn nói năng lộn xộn. Chợt nhiên Tiểu Song đặt bình sữa xuống và nắm lấy tay tôi. Bàn tay lạnh giá: - Tiểu Song , Tiểu Song làm sao thế? Tiểu Song ngã nguòi lên vai tôi, run giọng: - Chị Thi Bình, em không còn chịu nổi nữa. Chị có biết làm em khổ dường nào không? Em đã phải vật vã với chính mình. Nếu không có San San, chắc em đã tự sát chết mất. Tim tôi đập mạnh: - Ðừng có ý nghĩ ngu xuẩn như vậy. Tiểu Song ạ Hữu Văn không cố tình xúc phạm em, anh ấy chỉ nói cho hả nói vậy thôi. Bình thuòng anh ấy vẫn tốt cơ mà? - Em không thế nào chịu nổi nữa. Mỗi lần thấy em đòi bỏ nhà đi là anh ta lại quỳ xuống van xin năn nỉ, nhưng chỉ được hai phút là Văn lại huênh hoang. Lúc thì em là vị cứu tinh của anh ấy, khi em lại là đao thủ phủ ? Trên đời này sao lại có người như vậy hở chị Thi Bình? Tiểu Song hỏi, đôi mắt lạnh và ngơ ngác nhìn tôi. Tôi cũng chưa biết trả lời sao thì nàng lại tiếp: - Chị Bình, chị nói đi, em đã lấy một thằng chồng thế nào? Hắn là thiên tài hay chỉ là một thằng điên? Bên ngoài lại có tiếng Hữu Văn vang lên: - Khi một nguòi đàn ông có lý tưởng, có ý chí mà bị biến thành một gã nô lệ của đồng tiền thì hắn còn làm được gì? Hắn chỉ có nước chui xuống mộ. Tiếng thét của anh Thi Nghiêu: - Thôi im đi! Mày không có quyền nói xấu Tiểu Song, đừng sỉ nhục nàng. Bổn phận đàn ông của mày đúng ra là phải đi làm ra đồng tiền để nuôi sống gia đình, chứ không để cho người khác vỗ béo. Ðó là chưa nói, Tiểu Song làm ra tiền nhiều hơn mày cơ mà? Giọng cười của Hữu Văn vang lên, tiếng cười làm tôi căng thẳng: - Ha ha! Kiếm tiền ả kiếm tiền? Tất cả chúng bây là một lũ giống nhau. Mầy nói đến chuyện kiếm tiền thì tao cũng muốn làm rõ. Tiểu Song trình độ tới đâu tao không rõ ư? Soạn nhạc? Nhạc của cô ấy soạn ra đáng bao nhiêu đồng? nếu không dựa vào mày không dưạ vào cái thế lực, cái tên tuổi của mày thì làm sao có người mua chứ? Chúng bây đã làm điều gì đen tối chúng bây kéo nhau đến vũ truòng nhảy đầm. Tất cả những chuyện ấy tao biết hết chứ, phải không? Ðừng qua mặt. Mày muốn cắm sừng tao à? Lời của Hữu Văn chưa dứt,t hì tôi đã nghe "bốp!" một tiếng, tôi hoảng hốt đẩy cửa ra vừa kịp trông thấy anh Nghiêu rút tay lại, còn Hữu Văn ngã chổng lên bàn. Bình trà, ly tách, bút giấy đang ngã ùa cả xuống đất. Tiểu Song bồng con chạy ra. Tôi hét: - Anh Nghiêu! Anh Nghiêu mặt đang đỏ gay, mắt trừng trừng, anh đang hổn hển thở, chưa bao giờ tôi thấy anh Nghiêu giận dữ đến độ như vậy. Vũ Nông nhảy tới đứng chận giữa hai nguoì: - Mấy người làm cái gì vậy? Có gì thủng thẳng nói, sao lại động tay động chân? Anh Thi Nghiêu vẫn chưa nguôi cơn giận, vừa chỉ Hữu Văn vừa hét: - Tao muốn đập vỡ mặt nó ra, cái thứ chó điên không có tình người, chẳng biết thiệt hơn gì cả. Lư Hữu Văn đã ngồi dậy, anh ta cũng giận dữ không kém, trừng mắt nhìn anh Nghiêu, Văn nghiến răng nói: - Chu Thi Nghiêu, mày đã ra tay trước, được rồi, muốn thì ta làm một trận xem nào. Tao đã định đập mày một trận từ lâu, nhưng thấy tội nghiệp chiếc chân thọt của mày. Bằng không một ngón tay của tao cũng đủ đưa mày về chín suối. Bữa nay, tao với vợ tao cãi lộn, mày lại dám cả gan bênh nó, mày có tình ý với nó. Nếu yêu nó, sao mày không cưới nó làm vợ. Mày chơi cha tao, mày không chịu cưới vợ, mà mày lại ôm nó nhảy đầm. Ðừng hòng giấu tao bất cứ chuyện gì cả. Anh Thi Nghiêu giận điên lên, anh nhảy tới đẩy Vũ Nông qua một bên và vung thẳng tay vào mặt Hữu Văn, nhưng Hữu Văn đã đề phòng trước, nên né được. Hai nguòi quần nhau, bàn ghế, chai lọ đã ngã tứ tung. Tôi hét lên: - Anh Vũ Nông! Anh làm gì mà đứng đấy như mất hồn vậy, sao anh không can họ ra? Vũ Nông giật mình bước tới nhưng cũng không sao can được cả hai. Tiếng hét tiếng la làm cho bé San San khóc thét, Tiểu Song vẫn đứng chết lặng. - Tiểu Song , em bé khóc kìa. Nhưng Tiểu Song không nghe thấy, nhìn hai nguoì đàn ông đang quần nhau trên đất, nói: - Hữu Văn mắng anh Thi Nghiêu là thọt chân, nhưng chị Thi Bình ạ! chị hãy cho anh Nghiêu biết, thọt chân chẳng phải là tật nguyền, chỉ có những kẻ đầu óc dơ bẩn, hành vi gian dối, vô trách nhiệm mới là kẻ tật nguyền. Hữu Văn mới chính là kẻ tật nguyền. Lời của Tiểu Song thật rõ khiến anh Thi Nghiêu đang đánh nhau còn nghe. Anh buông tay Hữu Văn ra, trố mắt. Hữu Văn thì như con hổ dữ, hùng hổ vung tay đánh. Anh Vũ Nông đã kịp thời giữ lấy tay Văn. - Ðánh không được hắn bắt đầu chứ? - Tiểu Song, cô yêu hắn sao không lấy hắn đi, cô còn liều đi bênh vực hắn. đúng là số tôi xui mười tám kiếp mới gặp cô, mới lấy cô làm vợ. Cô đã giết chết tương lai của tôi, giết chết danh dự và hạnh phúc của tôi, khiến tôi không thế nào thành công trên cõi đời này. Cô là một thứ đao thủ phủ! Tiểu Song im lặng lắng nghe một chút nói: - Con tôi nó lại khóc. Tiểu Song cắn nhẹ môi: - Thế này thì làm sao sống được nữa. Và nàng quay nguòi đi vào phòng. Còn lại Lư Hữu Văn tiếp tục chửi rủa, tiếp tục trút lên đầu Tiểu Song trăm tội ác. Cái thái độ lồng lộn của Văn làm anh Vũ Nông không dám buông hắn ra, chỉ buông lời khuyên nhũ. Còn anh Thi Nghiêu, vẫn ngồi yên trên sàn nhà ngơ ngẩn. Giữa lúc đó, tôi thấy cửa phòng ngủ chợt mở. Tiểu Song bế em bé, như cơn lốc chạy nhanh ra cửa ngoài. Tôi bàng hoàng, không biết chuyện gì vừa xảy ra. Tôi chỉ kịp hét: - Anh Vũ Nông, đuổi theo, đuổi theo xem Tiểu Song đi đâu kìa. Vũ Nông buông vội Hữu Văn ra, chạy ra cổng. Anh Thi Nghiêu cũng đứng bật dậy, tôi cũng thế. Ba chúng tôi cũng chạy theo ra nhưng Tiểu Song ở đâu chẳng thấy. Có mấy chiếc Taxi đang xuôi ngược. Không biết Tiểu Song đã ngồi trên chiếc taxi nào. Tôi chợt linh cảm một điều gì không haỵ - Trời ơi, phải đuổi theo, phải tìm cho được Tiểu Song nhanh lên! Anh Thi Nghiêu luống cuống nhìn tôi, rồi chạy nhanh ra phố. Tôi quay đầu lại, thấy Hữu Văn đang đứng tựa cổng bơ phờ, nét giận dữ ban nãy đã biến mất, chỉ là một khuôn mặt thiểu não. - Chị Thi Bình, tôi đã làm gì thế Quỷ đã ám tôi, tôi chẳng hề có ý nói những điều như vậy. Ðúng là quỉ ám. Tiểu Song hiểu tôi mà sao vẫn giận tôi. Tôi điên rồi, đúng là tôi đã điên, sao tôi lại chửi Tiểu Song ? Tôi yêu nàng mà. Vũ Nông chẳng tỏ ra lưu ý lời biện bạch của Văn, anh nắm lấy tay tôi nói: - Thôi chúng ta về, anh đưa em về nhà trước, sau đó anh sẽ đi tìm Tiểu Song sau.
Chương 19
Mãi thật khuya khi cả nhà đang ngồi đông đủ ở phòng khách, thì vẫn chưa tìm được Tiểu Song. Chị Thi Tịnh và anh Lý Khiêm nghe tin cũng đến. Anh Lý Khiêm đề nghị đi báo cảnh sát, anh cũng tự động đến Sở cảnh sát dò tìm danh sách các nạn nhân giao thông. Anh Vũ Nông thì đến Sở Nội Chính tìm danh sách khách trọ trong khách sạn. Chỉ có anh Thi Nghiêu là khùng nhất cứ lùng sục khắp nơi các phố Ðài Bắc, cứ cách hai tiếng đồng hồ lại điện thoại về nhà hỏi tin Tiểu Song. Tôi hỏi: - Anh đang ở đâu thế? - Tìm Tiểu Song. - Thành phố lớn như thế này, anh tìm ở đâu chứ? - Anh đang ở trên cầu, nãy giờ cầu nào anh cũng tìm hết rồi, từ cầu Trung Chánh, Trung Sơn đến Trung Hưng. - Nhưng ở trên cầu làm gì có Tiểu Song? Giọng anh Thi Nghiêu run run: - Anh sợ cô ấy nhảy sông tự tử. Em có nhớ bản nhạc Bên Dòng Nước không? Anh có linh cảm, cô ấy sẽ nhảy sông. Và anh Thi Nghiêu cắt ngang dây nói. Tôi thẫn thờ và liên tưởng đến cảnh anh Thi Nghiêu đang hớt hải đi từ cây cầu này sang cây cầu khác. Anh đứng bên này dòng... sục sọi tìm kiếm... Bên Dòng nước... Bên Dòng Nước... Sóng nước mây núi cỏ non xanh, Có nguòi thiếu nữ đứng bên dòng.. Người con gái cũ giờ như nước.. Trôi giữa dòng đời mắt đắng cay Tôi nhớ tới bài hát, rồi nhớ tới hình ảnh Tiểu Song lúc ngồi cạnh đàn với tấu khúc. Ðột nhiên tôi rùng mình. tôi cũng linh cảm... Biết đâu... Biết đâu điều anh Thi Nghiêu nghĩ chẳng là sự thật. Mười hai giờ rưỡi khuya. Anh Lý Khiêm quay về. Anh nhún vai và khoát tay. Vậy là chẳng tin tức. Một giờ khuya Vũ Nông về kiếm hết tất cả khách sạn, vẫn không có tên Tiểu Song. Và một giờ rưỡi khuya, anh Thi Nghiêu cũng thất thiểu trở về, anh không nói gì hết, chỉ đốt thuốc ngồi thở khói trên ghế tựa. - Cầu nào tôi cũng đi hết. Gió đêm thật lạnh và thật to, rồi suong mù, vậy mà Tiểu Song vẫn không thấy. Mọi người đều ngồi đấy, dầu rất mỏi mệt nhưng vẫn không ngủ được. Ai cũng đều lặng yên theo đuổi ý tuỏng riêng của mình. Nội thở dài: - Nếu biết sớm thế này, lúc ở bệnh viện, Nội đã không ngăn chuyện nó ly dị. Mẹ tôi trách cha: - Cũng tại anh Tư Canh hết. Ngay lúc mới gặp thằng đó, cứ khen nào là có chí lớn, có lý tưởng, khác người làm cho con nhỏ phải xúc động. Ðã cứu người thì phải cứu cho trọn, con nhỏ bây giờ khổ. Biết vậy, cứ để cho nó ở lại Cao Hùng phải hơn không? Cha tôi nói: - Em nói thế cũng không phải. Không lẽ em quên là lúc đầu em cũng khen lấy khen để Hữu Văn ư? Chị Thi Tịnh nói: - Chuyện này cha mẹ chẳng ai lỗi cả. Tiểu Song đã yêu và chọn Hữu Văn làm chồng, chứ đâu ai ép buộc đâu? Cái sai ở đây là do chính Tiểu Song chọn lầm nguòi chứ đâu phải cha mẹ. Anh Vũ Nông nói: - Ai mới đầu mà không lầm? Mới tiếp xúc lần đầu ai lại chẳng thấy Hữu Văn tài hoa, học thức rộng? Phải nói ở đây chúng ta đều đánh giá sai. Nội tôi thở dài. - Hừ... Bởi vậy cái gì mà thấy nổ quá, phô trương quá, ta phải coi chừng. Chọn chồng chọn vợ cũng vậy, kiếm thứ thiệt thà ít nói coi bộ chắc ăn hơn. Thôi bây giờ chúng con đi ngủ hết đi, mai còn phải đi tìm một chuyến nữa đấy. Anh Thi Nghiêu cố chấp: - Ai ngủ thì ngủ, con không ngủ, con ngồi đây đợi điện thoại. Tôi nói: - Em cũng không ngủ, vì có vô giường em cũng không nhắm mắt được. Vũ Nông nói: - Vậy tôi cũng thức với quí vị. - Tôi ở đây chờ tin tức. Chị Thi Tịnh nói. Thế là chỉ có những người lớn tuổi đi nghỉ, còn lại lớp trẻ tôi đều thức. Mọi người ngồi yên, nghe cả tiếng gió thổi vi vu ngoài vườn với ánh đèn vàng vọt của cây cột đèn hiu hắt. - Ðêm thật tinh mịch, thật buồn, cô đơn, trái tim tôi thổn thức trong lòng. Tiểu Song ! Tiểu Song ! Bây giờ em ở đâu? Lúc đó khoảng ba giờ sáng. Chợt nhiên có tiếng chuông cửa reo. Cả nhà ai cũng giật mình. Ai cũng đứng bật dậy. Anh Vũ Nông là người nhanh chân nhất, anh chạy ra mở cổng và chúng tôi ùa theo sau. Cổng vừa mở, Vũ Nông hét lớn: - Trời ơi, Tiểu Song , Tiểu Song đã về rồi. Tiểu Song đã về, chúng tôi mừng quá ôm lấy nhau. Nội chỉ chấp tay nói: - Nam mô a di đà Phật! Kế tiếp chúng tôi thấy Vũ Nông dìu Tiểu Song vào nhà. Bước chân chập choạng mệt mỏi. Tiểu song phờ phạc như một xác chết biết đi. Trên tay vẫn ôm chặt đứa con gái. Ðến thềm, nàng ngước lên nhìn chúng tôi, đôi mắt thất thần, sâu thẳm. - Con không còn chỗ nào khác để đi, nên phải đến đây. Nói xong là Tiểu Song ngã xuống. Anh Thi Nghiêu nhanh tay đỡ kịp. Tôi lập tức bế lấy đứa bé, để anhÕ dìu Tiểu Song vào phòng khách. Ðứa bé được bọc trong chăn dầy, nên ngủ rất hồn nhiên. Mọi người rối rắm, chạy đi kéo bàn, kéo ghế. Tiểu Song lại được đặt ngồi dựa trên ghế salon. Anh Thi Nghiêu ngồi gần đấy vừa vui vừa tủi, ngắm lại Tiểu Song. Tiểu Song uể oải nhường mắt lên nhìn tôi. - Chị Thi Bình, con tôi đâu? Tôi nói: - Con nó đang ngủ. Em yên tâm đi, nó ngoan lắm. - Tới giờ uống sữa rồi đấy, lúc đi em không có mang sữa theo. - Tôi sẽ đi mua ngay. Anh Lý Khiêm nói và lập tức chạy bay ra cửa. Tôi vội réo theo. - Nhớ mua bình sữa luôn nghen. Nội nói: - Nửa đêm nữa hôm làm gì có ai bán bình sữa? Nhưng anh Lý Khiêm đã nói vọng lại: - Nhà con có sẵn. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn chị Thi Tịnh cười. Chị Thi Tịnh đỏ mặt: - Bác sĩ báo là có lẽ là có rồi, ông điên đó vừa nghe nói đã chạy đi lo đủ thứ tả lót, bình sữa. Nếu không có Tiểu Song nằm bất động trên ghế, cái tin kia hẳn làm cả nhà tôi vui loạn lên. Nhưng bây giờ thì mọi sự lo lắng đều tập trung bên Tiểu Song. Anh Thi Nghiêu sau khi nhìn Tiểu Song chán chê, đã đi vào trong làm một ly cà phê nóng bưng ra. Nội thì làm hai cái trứng chiên ốp la và mấy miếng bánh mì. Ai cũng cho là Tiểu Song hẳn đói lã, mà thật vậy, Tiểu Song bưng ly cà phê lên uống muốn không nổi. Tay nàng run run, tôi phải bước tới đỡ giùm, nàng uống mấy hớp, Tiểu Song có vẻ khỏe một chút. Nội lấy bánh mì kẹp trứng chiên đưa cho nàng, Tiểu Song cầm lấy ăn ngay. Anh Thi Nghiêu ngồi đấy lặng lẽ nhìn, chăm chú nhìn nỗi đau và thương cảm như hiện rõ lên mắt anh. San San buông tiếng khóc. Tiểu Song đưa tay muốn bồng con. Tôi vội trao cháu bé cho nàng, Tiểu Song khóc, những giọt lệ rơi trên mặt con. Ðứa bé có vẻ đã đói, nó nuốt ngay những giọt nước mắt đó. Tôi thấy mủi lòng. không phải chỉ có một mình tôi, mà tất cả mọi người có mặt ở đấy đều rơi lệ. Chỉ mấy phút sau, anh Lý Khiêm mồ hôi ướt đẫm từ ngoài trở về, anh không chỉ mang bình sữa, sữa bột, mà mang cả tã lót và áo quần khiến chị Thi Tịnh nhìn thấy phải đỏ mặt. Mọi người lại bận rộn lên, rửa bình, pha sữa, chỉ một lúc sau là đứa bé có sữa bú, nó vừa bú vừa cười, nụ cười trẻ thơ vô tội làm chúng tôi xúc động. Sau khi San San đã bú no, mẹ tôi đỡ lấy cháu nựng nịu. - May là chú Khiêm của con chu đáo, mang cả quần áo và tả lót, bằng không chắc con phải trần truồng. Sau đó mẹ tôi và Nội là hai nguoì bận rộn nhất, pha nước tắm cho cháu, thoa phấn rồi thay quần áo. Ðứa bé mát mẻ bắt đầu ngủ ngon, Nội mang nó vào giường của người, rồi quay ra phòng khách nói với Tiểu Song. - Tiểu Song, Nội đã chuẩn bị giường cho con, vào ngủ đi. Thấy chưa làm gì khổ như vậy, để mắt sưng húp thế? Và Nội ra lệnh: - Tất cả đi ngủ hết, có chuyện gì ngày mai sẽ nói. Nhưng Tiểu Song đã ngăn lại: - Không được, ở đây có mặt đông đủ, xin tất cả hãy ở lại đây, tôi có chuyện muốn nói, bao giờ tôi nói xong đi nghỉ cũng không muộn. Thế là mọi nguòi ngồi xuống, im lặng nghe Tiểu Song. Giọng của nàng rất rõ ràng và bình tĩnh. - Nội, hai bác và các anh chị, có biết không? Tối qua con đã bế cháu San San ra khỏi nhà, lúc đó con không muốn sống nữa, con quyết định hai mẹ con con cùng chết vì con không muốn thấy San San bị cha nó làm khổ, con đã nghĩ mình và con cùng chết, như một sự giải thoát, sẽ không còn những phiền muộn đau khổ bám theo. Thế là con gọi một chiếc Taxi, chúng con đến nhà ga xe lửa, con định bao giờ xe lửa chạy, con sẽ ôm con nhảy vào đầu máy. Nhưng khi nhìn thấy đường rày con lại do dự, con không nhẫn tâm để mọi người nhìn thấy con của con chết mà thịt da be bét, thế là con bỏ đi đến cửa cống số 13, con định nhảy xuống nước nhưng đứng ở bên bờ nhìn xuống giòng nước lăn tăn, con lại cảm thấy không thế để cho con của con phải chết một cách lạnh lẽo như vậy. Bất giác tôi quay sang anh Thi Nghiêu đang phì phà điếu thuốc, nhưng mắt anh đã long lanh những giọt lệ - ... Giữa lúc con còn đang phân vân, thì chợt San San khóc, con cúi xuống nhìn nó một khuôn mặt ngây thơ vô tội, lòng con chợt bàng hoàng. Con có quyền giết mình, nhưng con không có quyền giết nó. Thế là con trèo lên khỏi bờ đê và lang thang khắp phố, con định tìm chỗ nào an toàn để gởi lại cháu San San, và con cũng đã từng đến đây. Tiểu Song ngừng lại nhìn chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đều thấy tiếc rẻ, phải chi cho một người ngồi canh ở cửa, thì biết đâu đã giữ được Tiểu Song. Nàng lại tiếp: - Con định đặt bé San San ở trước cửa vì con biết ở nhà này ai cũng yêu trẻ chắc chắn là con của con sẽ được nuôi dưỡng nên người. Nhưng khi con đặt nó xuống, con lại do dự vì bé San San đã được sinh ra bởi con, nó là con của con, chứ đâu phải cháu của nhà họ Chu. Nó bị sanh ra chứ đâu phải nó muốn, con lấy tư cách và quyền lợi gì để từ chối cái nghĩa vụ của mình, đem gánh nặng trút cho nhà họ Chu? Thế là con lại bồng nó lên đi tiếp. Con lại nghĩ con cái thì có cha có mẹ, nếu mẹ chết thì con phải sống với cha, thế là con lại bồng cháu trở về nhà cũ, nhưng rồi chợt nhiên con nhớ lại lời Hữu Văn đã nói "Anh không muốn có con". Anh ấy đã bảo con, phải đi nạo thai từ đầu nhưng con không chịu, và con đã sinh ra nó. Con nhìn bé San San và nói "không, không được, mẹ không thế giao con cho cha vì cha con có yêu con đâu?" Sự thật là thế. Hữu Văn ngoài những mộng tưởng trên đời, anh ấy không cần cái gì hết, nếu con giao bé San San cho anh ấy, thì nó sẽ sống bi đát hơn là cùng chết với con, và thế là con đi mãi, không tìm được lối thoát, bồng con lang thang đầu đuòng xó chợ, bé San San bắt đầu đói, con lại không một xu trong túi. Nó khóc con càng rối rắm hơn, con đã sống những giây phút hãi hùng nhưng con thấy mình vẫn còn trách nhiệm. Dù gì nó cũng là con của con. Con phải nuôi duõng nó nên người. Nó phải sống và đương nhiên con phải sống theo. Nhưng chúng con sẽ sống ở đâu? Con là một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại không có thân nhân, có chồng lại chẳng ra chồng. Suy đi tính lại mãi con chỉ còn một chỗ nương tựa duy nhất là gia đình họ Chu này. Nghĩ thế, con lại trở về đây. Tiểu Song dứt lời, cả nhà tôi đều rưng rưng nước mắt. Nội bước đến ôm Tiểu Song vào lòng, nghẹn ngào: - Cũng may là con biết suy nghĩ, nhờ con biết nghĩ chứ bằng không là nguy rồi! Từ nay về sau con đừng dại dột như vậy nữa nghe, hứa với Nội đi! Con hãy nhìn Nội nè. Bảy mươi mấy tuổi rồi mà Nội vẫn yêu đời, còn con mới có chút xíu, tương lai còn dài sao con đành tìm đến cái chết? Anh Thi Nghiêu giờ mới mở miệng. Anh xúc động: - Tiểu Song ! Từ rày về sau em đừng như thế. Em không có quyền làm như thế nghe không? Tiểu Song buồn buồn nhìn Nội rồi nhìn anh Thi Nghiêu: - Vâng em hứa. Từ rày về sau em sẽ không bao giờ tìm đến cái chết nữa. Nhưng có một điều, Nội và hai bác cần giúp đỡ con. Nội hỏi: - Có chuyện gì con cứ nói, bất cứ chuyện gì dù khó khăn cách mất, Nội cũng sẵn sàng giúp con. Tiểu Song cúi đầu nhìn xuống, một lúc sau nói: - Nội ơi, muốn thấy được ấu trĩ và sự sai lầm của mình thì phải có can đảm phải không Nội. Muốn thấy sự thất bại của hôn nhân thì càng phải dung cảm hơn... Khoan! khoan! anh Vũ Nông với anh Lý Khiêm đừng đi đâu hết, em đã đưa con em đến đây là em đã coi đây là nhà em, và các anh chị là người trong gia đình, hãy ngồi lại nghe em trình bày tất cả. Chúng tôi ngồi lại, yên lặng. Tiểu Song thở dài rồi tiếp: - Các anh chị có nhớ lần đầu Hữu Văn xuất hiện ở đây không, anh ấy nói chuyện văn học, chuyện trước tác, nói về lý tưởng và sự ước mơ, về thói đời và cả giải Nobel, dáng anh ấy quắc thước, giọng nói khoan thai, hùng hồn, em đã bị chinh phục hoàn toàn, rồi chúng em kết bạn. Trong thời gian bảy tháng Văn không viết được một tác phẩm, Văn có hàng trăm lý do. Nhưng lý do quan trọng nhất là bởi vì em không lấy anh ấy. Anh ấy đổ lỗi vì không có nhà, không có một cuộc sống ổn định, không có người chăm sóc nên không làm sao viết được, cách lý luận và ngụy biện của anh Văn thì ở đây ai cũng đều biết nhưng lúc đó vì em quá yêu Văn, quý trọng và sùng bái Văn cũng vừa lúc được anh Thi Nghiêu đưa cho mười ngàn đồng tiền tác quyền, nên em quyết định lấy Văn để giúp chàng hoàn thành mộng ước. Chúng em lấy nhau rồi, em hoàn toàn sống cho anh ấy, em làm hết mọi việc để Hữu Văn yên tâm viết, nhưng anh Văn vẫn không viết được chữ nào, thế là em lại giúp anh ấy nói dối, em đem lý do này lý do nọ ra để che giấu sự bất tài của Văn, để các anh chị yên tâm, nhưng bên cạnh đó em cũng hết lời an ủi, khuyến khích, để Văn không chán nản. Công việc nhà một mình em gánh, nhưng cuộc sống gia đình càng ngày càng khó khăn, đôi lúc vui miệng em nói thì Văn lại bảo đừng nhắc chuyện gạo, củi, lửa trước mặt anh ấy, muốn làm vợ một người sắp đoạt giải Nobel thì phải chấp nhận cực khổ. Khi ở nhà không còn một cắc bạc, em cũng không dám nói cho Văn nghe. Cũng may có anh Nghiêu cho chiếc đàn duong cầm kịp lúc, em thu được một số học trò, kiếm tiền trang trải gia đình. Nhưng rồi Văn lại nói tiếng đàn của em đã đuổi mất cảm hứng của anh ấy, và học trò của em cũng bị đuổi luôn. Hữu Văn mỗi ngày mỗi đổi tính, trở nên thô lỗ, hở tí là anh giận, anh chửi, chửi xong lại hối hận, nhưng vì yêu Hữu Văn nên em bỏ qua, em nghĩ Văn bội bạc như vậy vì ở vào thời kỳ quá độ, mỗi một thiên tài đều có một tật xấu riêng của mình, chẳng hạn như Van Gogh, trong một lần nổi điên đã tự cắt tai của mình. Sau khi Văn kiếm được việc làm, cuộc sống của em chẳng những không thoải mái mà còn bi đát hơn. Anh ấy bắt đầu chửi, trách em. Anh ấy bảo là vì em mà anh ấy phải đi làm, nên không lấy được giải Nobel! Chị Thi Bình! Tiểu Song ngừng một chút nhìn tôi rồi nói: - Chắc chị thắc mắc tại sao mỗi lần chị đến chơi đều thấy chúng em cãi nhau? đó không phải là vì Văn không ưa chị, mà chuyện cãi nhau của chúng em bấy giờ đã trở thành cơm bữa. Văn lúc nào cũng nói: "Em là sao khắc của anh, và chuyện lấy em là một lầm lẫn lớn của cuộc đời" Anh Lý Khiêm chen vào: - Tiểu Song, sống với những người như thế làm sao em chịu nổi, sao không tìm cách xa nhau càng sớm càng hay? Tiểu Song quay sang nhìn anh Lý Khiêm: - Anh tưởng là em chưa thử qua sao? Em đâu phải là gỗ đá, em đã từng đề cập với Văn, có điều em chỉ vừa mới đề nghị sống riêng là Văn đã nhảy đổng lên, em nói để anh ấy ở một mình, anh ấy sẽ chuyên tâm viết. Nhưng Văn lập tức ôm chầm lấy em hối hận và khóc đổ lỗi cho sức khỏe, vì bực dọc không viết được, anh ấy nhận có lỡ lời, nhưng đó là lời vô tâm, lời quỉ ám, anh ấy ca em là thiên thần, nếu sống không có em anh ấy sẽ chết mất, và thế là em khóc, em phải ôm lấy anh ấy và lại vỗ về. Em thề là em sẽ không xa anh ấy và tha thứ tất cả, rồi Hữu Văn bắt đầu đánh bạc, từ đó cuộc sống là những chuỗi ngày tận thế, tất cả những gì quí giá trong nhà có thể bán được, anh ấy đều chôm kể cả chiếc nhẫn cưới. Em đã khóc, đã van xin cầu khẩn, nhưng Hữu Văn bảo tại gia đình không có hạnh phúc, không ấm cúng nên anh ấy phải tìm thú vui bên ngoài. Em đã suy nghĩ kỹ và nghĩ thật kỹ điều Văn nói. Không hẳn là không lý do, tại ta chưa đóng trọn vai trò của người vợ hiền, nhưng muốn làm nguòi vợ hiền thì phải làm sao? Văn lại nói: đánh bạc là một thú vui quên lãng duy nhất, nhờ nó anh mới quên được sự đau khổ, quên được cái mà anh gọi là thất bại của sự nghiệp viết lách. Trong đó nguyên nhân cơ bản nhất của sự thất bại là em. Tiểu Song ngưng lại một chút, hớp một ngụm trà tiếp. - Tóm lại, từ lúc quen với Hữu Văn, nghe Văn thao thao bất tuyệt, phê bình các nhà văn hiện đại không đáng một xu cho đến lúc anh ấy chuẩn bị viết truyện dài có tựa đề Gã Ðiên với Thiên Tài. Em cũng không biết Hữu Văn là một thiên tài hay chỉ là một gã điên, là một thánh nhân hay chỉ là một gã vô tích sự. Bây giờ thì em đã biết rồi, anh Hữu Văn không là một cái gì hết, anh ấy chỉ là một gã "Chí lớn tài hèn" đáng thương. Chính vì có chí lớn mà không có thực tài, nên anh Văn đã đau khổ, đau khổ thật sự, và em, em đã trở thành mục tiêu để anh ấy trút hết những căm hờn trong đầu. Tôi để ý, cha đang chăm chú nghe Tiểu Song nói. Và anh Thi Nghiêu thì lúc nhìn Tiểu Song thương hại, lúc lại giận dữ, nhưng anh ấy có vẻ cố gắng kềm chế, Tiểu Song nói tiếp: - Cuộc sống hôn nhân coi như hoàn toàn thất bại. Các anh chị có biết không, lúc đầu là sự sùng bái, chiêm ngưỡng, kế tiếp là sự đồng tình, rồi sau đó là thương hại. Khi người đàn bà không còn thấy nể vì ông chồng của mình nữa thì cuộc hôn nhân coi như đã lung lay. Kế tiếp lại xảy ra chuyện Hữu Văn đoạt chiếc mặt ngọc, trong lúc em thập tử nhất sinh ở bệnh viện, thì ông ấy lại thản nhiên nơi sòng bạc. Thú thật khi tỉnh dậy, em đã thấy lòng mình lạnh giá, em đã cương quyết là sẽ không đồng tình, không tha thứ cho Hữu Văn nữa và như vậy sẽ không để Hữu Văn xin lỗi làm lành. Nhưng cuối cùng là em lại mềm lòng ngay. Chuyện đó phần lớn cũng tại lời khuyên của Nội. Nội tròn mắt ngỡ ngàng: - Con nói gì? Hôm đó Nội khuyên làm sao? - Nội nói là, nếu lúc đầu con đã nhận Văn làm chồng, thì dù có tốt xấu thế nào cũng là chồng mình, định mệnh đã an bài, và con nghĩ tại con chọn, hôn nhân dó chính con lựa chọn, con đã không thèm hỏi cả ý kiến của hai bác, thì hậu quả con phải gánh chứ? Con thấy mình thua, thua thật sự. Con không phiền trách ai hết, con không có quyền để con của con thành đứa không cha, vì vậy con đã tha thứ cho Văn. Tiểu Song thở dài: - Ðã biết lỡ sa xuống địa ngục, lại không leo lên được thì bi đát vô cùng. Như các anh chị biết, trở về với Văn, cuộc sống của em càng khổ. Em biết anh Thi Nghiêu là người hiểu em hơn ai hết, bản chất háo thắng và tự ái của em rất lớn. Có đau khổ cách mấy em cũng cắn răng chịu đựng, nhưng anh Văn cứ suốt ngày kiếm chuyện, hết chửi mắng vợ con, đến chửi công việc đang làm, chửi trời, chửi đất, không từ một ai. Anh ấy nói là đi làm tại vì em với con. Nhưng em xin thề trước mặt con: Từ lúc Hữu Văn đi làm tới giờ em chưa hề cầm được một cắc tiền lương của anh ấy. Vì tiền lãnh lương ra kia vừa tới cổng là mấy con nợ cờ bạc đã vây quanh thanh toán sạch hết trơn rồi. Kết quả em và con đã phải sống dựa vào tiền làm nhạc cho các hãng đĩa. Tiểu Song ngẩn lên buồn bã: - Chuyện xảy ra vừa qua, các anh chị đã biết hết, em không cần kể lại Từ ngày Hữu Văn đòi bán đàn dương cầm không được em đồng ý, là Văn bắt đầu bôi bác em nào là: đó là tặng vật của tình yêu là là đủ thứ. Hữu Văn biết rất rõ là không phải như vậy, nhưng vẫn sử dụng vũ khí đó để dày vò em, để hạ nhục và làm tổn thương tự ái em. Ðến lúc em nổi giận, Hữu Văn lại xuống nước hối hận đau khổ. Em thông cảm Văn, nhưng bây giờ thì không còn chịu đựng nổi nữa. Tiểu Song quay sang cha tôi: - Thưa hai bác, thưa Nội. Tính con ngang bướng xưa nay, hay tự ái hảo, nên khi gặp điều gì khó khăn con cũng cố cắn răng chịu đựng. Lúc cha con mất, con cũng cố hết sức để không rơi một giọt nước mắt. Nhưng bây giờ con thấy thua rồi, cái sự tự phụ, ngang nghạnh kia, chẳng giúp ích được gì cho con. Sự hiểu biết của con về cuộc đời quá ít, con đã phải trả một giá khá đắt, và bây giờ con nghĩ, biện pháp tốt nhất để cứu con, cứu Văn và bé San San là phải ly dị. Tiểu Song làm cả gian phòng lắng xuống: - Con nói ly dị không phải là vì bồng bột nhất thời, mà là sự suy nghĩ chín chắn. Ly dị sẽ cứu được cả ba. Vì cái lý do thất bại mà Hữu Văn thường đưa ra là sự hiện diện của con. Biết đâu loại bỏ trở ngại này, anh ấy sẽ thành công? Nếu không suốt ngày con sẽ bị dày vò, không phải chỉ mình con mà cả anh ấy nữa. Nên ly hôn sẽ cứu được cả ba, và chúng con đều có thế làm lại cuộc đời mình. Bác Chu biết không, trước cái chết, con người thường ngỡ chân lý là hy sinh cuộc hôn nhân đau khổ còn hơn giết chết cả một đời người. Mẹ hỏi: - Nhưng liệu Hữu Văn nó có chịu ly dị không? Tiểu Song nói: - Anh ấy sẽ không chịu. Vì vậy, con cần Nội, hai bác và các anh chị đứng về phía con để thuyết phục Văn. Con biết chắc rằng Văn sẽ nói con chuyện nhỏ xé ra to, rồi anh ấy sẽ tỏ ra ăn năn hối hận, đổ lỗi cho là vì quá yêu con. Nhưng nếu con tha thứ một lần nữa, thì cuộc sống khốn khổ lại tái diễn và con chỉ còn nước cuối cùng là tìm đến cái chết thôi. Anh Lý Khiêm quyết định đầu tiên: - Tôi sẽ đứng về phía cô, Tiểu Song, tình trạng này không thế không ly dị được. Anh Thi Nghiêu nhiệt tình: - Chỉ cần Vũ Nông nữa thôi. Vì theo luật pháp của Trung Quốc chỉ cần có chữ ký của hai nguòi chứng, là cuộc ly hôn sẽ có hiệu lực. Mẹ nhìn anh Thi Nghiêu. Tôi cũng tự hỏi tại sao anh ấy lại rành thủ tục này như vậy? Anh Thi Nghiêu thì không để ý, nói luôn: - Chúng tôi ở đây đều đứng về phía cô. Tiểu Song nhìn cha với đôi mắt cầu khẩn. Nước mắt rươm rướm mi. Cha tôi đành thở dài: - Nếu con đã suy nghĩ kỹ rồi, thì bác nghĩ là đó là biện pháp đúng. Bác cũng đứng về phía con. Lời của cha làm Tiểu Song xúc động, cô bé ngã người ra sau như một lực sĩ sau phút giây cố gắng đã về đến đích.