Tôi còn nhớ có một lần cha của anh Lý Khiêm đã nói đùa với cha tôi. - Người ta sinh con trai để có dâu con mang về nhà. Còn con trai nhà tôi từ khi đụng với con gái nhà anh là như bị bắt cóc, mỗi lần muốn tìm phải chạy tới đây. Không biết anh chị dạy con sao hay thế, giữ riết chúng không cho về nhà. - Vâng, không hiểu sao nhà tôi có điểm đặc biệt như vậy. Ai đến nhà một lần là ở miết không muốn đi. Cả chúng tôi cũng vậy, ít khi ra ngoài. Bạn bè chỉ đưa về nhà chứ không lang bang ngoài đường. Anh Lý Khiêm từ ngày gặp chị Thi Tinh, ngoài giờ đến sở làm và ngủ ra, gần như suốt ngày ở nhà tôi. Anh Vũ Nông cũng thế, ngay trước khi đi nghĩa vụ đã chọn địa chỉ tôi làm nơi tạm trú, và sau khi mãn lính về, đương nhiên thường trú đóng luôn tại đây, Vũ Nông thuờng nói: - Thi Binh em biết không? Người trẻ nhất trong nhà em là ai? Là bà của em đấy. Tôi nghĩ câu nói trên đủ để diễn tả cảnh vui nhộn và thoải mái trong nhà. Có một người trẻ như Nội trong nhà. Ba mẹ tôi cũng không có lý do gì làm mặt người lớn. Thế là cả nhà lớn bé coi như hòa hợp nhau thành một khối. Người không hiểu chuyện, cố chấp sẽ cho là "nhà không biết ai lớn nhỏ gì cả". Nhưng với chúng tôi, như vậy mới thực sự là tổ ấm. Vì vậy, sau khi trở về được hai ngày, vừa ngủ thức dậy là tôi đã nghe có tiếng của Vũ Nông trong phòng khách. Chuyện đó không có gì ngạc nhiên. Tiểu Song dậy từ bao giờ, chỉ còn mình tôi trong phòng. Hôm qua bắt cô ấy thức dậy sớm. Tôi nhớ lại khúc phim bi hài kịch buổi tối, vẫn còn thấy bứt rứt. Nhưng không sao, tình yêu nếu đã đến thì khó chặn lại nổi. Và nếu cần người phụ lực, thì tôi sẵn sàng. Sau khi rửa mặt xong. Tôi thấy trong người thật thư thái, thật vui với những kế hoạch đầy ắp trong đầu. Tình yêu là mật ngọt, là men say là nguồn sống cho tuổi trẻ. Tôi xông vào phòng khách. Chưa vào đến nơi tôi đã nói to: - Anh Vũ Nông, em định bàn với anh điều này, tối qua anh... Chưa kịp nói hết lời tôi đã ngưng lại. Vì trong phòng khách, ngoài Vũ Nông ra còn Tiểu Song, đang ngồi trên salon với nụ cười và một thanh niên xa lạ khác. Tôi khựng lại mắt mở to. Gã thanh niên có tướng tá cao lớn, đẹp trai. Áo màu cafe gài nút cổ, không cà vạt, quần sậm màu hơn. Mi sậm, mắt to đen mũi thẳng, môi mỏng, cằm chẽ có lẽ là diễn viên chánh trong phim truyện của Lý Khiêm ư? Anh chàng này còn đẹp trai hơn cả Tần Tường Lâm, Ðặng Quang Vinh. Tôi còn đang ngạc nhiên, thì gã thanh niên kia đứng dậy, với nụ cười trên môi. Anh ta nói với giọng quan thoai thật rõ. - Nếu tôi không lầm chị là Thi Binh. Tôi nói: - Dạ phải. Vậy ra anh là Lư Hữu Văn. - Dạ phải. Chúng tôi cùng cười. Không khí trong phòng tươi mát và hoà hợp giống như nắng sớm ngoài trời, như bầu trời mùa hạ vắng mây. Tôi nói: - Anh Văn này, trước kia nghe anh Vũ Nông nói về anh, tôi cứ tưởng thần thánh gì khác. Lư hữu Văn cười: - Bây giờ chị đã thấy đấy, tôi cũng đâu có ba đầu sáu tay đâu. Anh chàng tỏ ra rất biết cách nói chuyện, tôi bước tới ngồi cạnh Tiểu Song. Tiểu Song hôm nay có vẻ thật tươi, nét mặt thật rạng rỡ, phải chăng vì chuyện đêm qua. Tôi thoáng nghĩ. Lư hữu Văn lại lên tiếng: - Vũ Nông này. Tất cả những ưu tú trên đời này có lẽ đều tụ lại dưới mái gia đình họ Chu này cả. - Cậu lầm nhé, Tiểu Song chẳng phải họ Chu đâu. Vũ Nông nói, nhưng Hữu Văn đã lanh miệng: - Tôi chỉ nói là tập họp lại dưới mái nhà họ Chu thôi, chứ đâu nhất thiết phải là người họ Chu. Tiểu Song mở miệng với nụ cười. - Anh chỉ khéo pha trò. Anh muốn ca tụng chị Thi Binh thế nào cứ ca, đừng đẩy em vào cuộc, hai người khéo đóng kịch lắm nhé. Chị Thi Binh này, ban nãy chị không dậy sớm xem, hai người kẻ tung người hứng như làm xiếc vậy. Tôi nói: - Thôi nhé! Tôi dại ăn dại nói lắm, đừng kéo tôi vào cuộc. Vũ Nông nhún vai: - May mà em dại ăn dại nói còn thế, nếu nói nhiều hơn, chắc chết hết lũ đàn ông chúng anh. Chúng tôi cùng cười. Giữa không khí vui vẻ đó thì anh Thi Nghiêu bước ra, tôi đứng dậy giới thiệu: - Ðây là anh Lư Hữu Văn, còn đây là Chu Thi Nghiêu anh ruột tôi. Lư hữu Văn buớc tới siết chạt tay anh Nghiêu: - Lúc còn ở trong trại, nghe Vũ Nông nói nhiều về anh, tôi hết sức ái mộ. Anh Thi Nghiêu có vẻ không tự nhiên. Ngắm Văn rồi nhìn mọi người, tôi để ý thấy Tiểu Song đang cúi xuống trốn lánh tia nhìn của anh, nụ cười trên môi của cô ấy cũng mất. Anh Nghiêu từ từ quay lại - Mời anh ngồi. Hiện anh làm việc ở đâu? Bực ông này thật. Tôi rủa thầm trong bụng. Cứ mở miệng ra là hỏi chuyện làm ăn, công việc. Ðể anh ấy ở ghế Phó Giám đốc thêm vài năm, dám bao nhiêu sự linh hoạt sẽ biến hết. Nhưng Hữu Văn rất tự nhiên: - Tôi mới rời quân ngũ, trước ở chung trong trại huấn luyện của Vũ Nông nên chưa tìm được việc làm, thật ra thì tôi cũng chưa định... - Hở? Anh Thi Nghiêu có vẻ ngạc nhiên, như nghe được một lời rất lạ tai. - Chúng tôi cũng thế... Nhìn Hữu Văn, anh ấy tiếp: - Trước kia tôi tốt nghiệp khoa văn. Những năm dài ở đại học thật khó khăn, vì đến Ðài Loan này, tôi chỉ là một đứa con côi, được chú nuôi dưởng. Ðúng ra, sau khi tốt nghiệp phổ thông xong tôi phải vào trường dạy nghề để tìm một nghề kiếm sống, nhưng vì quá mê nghề viết văn, nên tôi cũng cố thi lên đại học, mà không cần nghĩ suy là có tiền nộp học phí không. Bốn năm ở ban ngoại ngữ Văn khoa, không giấu gì các bạn, tôi đã chịu lạnh nhịn đói, vừa làm vừa học. Cái đồng hồ sì cút này đã vào tiệm cầm đồ hàng chục lần. Văn nói một cách tự nhiên, nỗi cay đắng như hiện ra trên môi, hoàn toàn khác hẳn vẻ phóng khoáng lúc đầu. Tiểu Song ngẩng đầu lên, ánh mắt ngập đầy thông cảm. - Còn chú anh đâu? Không giúp đỡ được gì cho anh hay sao? Hữu Văn tiếp. - Chú tuy có thương tôi, nhưng chịu bất lực. Lúc rời Hoa Lục đến Ðài Loan, chú để người vợ cũ lại, sang đây lập gia đình mới có ba con. Tiến kiếm ra thì ít, mà miệng ăn lại nhiều. Giữa tôi và bà vợ nhỏ lại không hạp nhau. Bà ấy rất khắt nghiệt, không cho tôi dùng thau rửa mặt, không cho dùng ly để uống nước nữa, vì vậy đến năm lớp mười hai thì tôi bỏ nhà ra đi. Tiểu Song ngạc nhiên. - Ồ! Thế rồi anh sống ở đâu? - Thì chạy sô. Hôm thì ở nhà người bạn này, bữa thì ở nhà người khác. Mãi đến khi đậu vào đại học, tôi mới có chỗ ở cố định trong ký túc xá. - Ðại học đã lọt qua được rồi. Thế thì tại sao anh không tìm việc, để chuẩn bị ra nước ngoài học tiếp? Giọng Hữu Văn đổi cao: - Ra nước ngoài. Tại sao phải ra nước ngoài? Không lẽ chỉ có nước ngoài mới có điều ta đáng học? Không, tôi không nghĩ thế, tôi không đi đâu hết. Với tôi, chỉ cần một ngôi nhà nhỏ đủ che mưa trải nắng, một cây bút, một xấp giấy trắng... Tôi đã đợi ngày này lâu lắm rồi, bây giờ đã ra trường. Với vốn liếng văn học trong ngoài nước, tích tụ lại được bao nhiêu năm nay, cũng đủ cho tôi thực hành, tôi viết. Bây giờ thì anh Thi Nghiêu mới lên tiếng. - À, thì ra ông Hữu Văn đây là một nhà văn? Lư hữu Văn lắc đầu, anh ta nhìn chăm chú Thi Nghiêu, rồi nói: - Tôi chưa phải là nhà văn, vì muốn được mang danh là nhà văn đâu phải dễ. Có lẽ tôi chỉ là người thích mơ mộng, nhưng trên đời này đã có biết bao sự thành công đã đạt được nhờ mơ mộng lớn? Vì vậy tôi sẽ cố gắng viết, biết đâu chừng vài năm nữa tôi cũng thành nhà văn. Ðó là chuyện tương lai, còn bây giờ tôi chỉ bắt đầu. Anh Thi Nghiêu hỏi: - Thế ông định viết cái gì? Tôi hiện có một cậu em rể tương lai viết kịch cho đài truyền hình.. Hữu Văn đột ngột cắt ngang, giọng sắt lại. - Ồ! Kịch của truyền hình ư? Anh Nghiêu này, theo anh thì kịch bản ở đài truyền hình hiện nay của ta có đáng gọi là tác phẩm văn học nghệ thuật không? Anh có nghĩ là rồi sau mấy chục năm hay trăm năm, các thế hệ đời sau của ta có thế đem những kịch bản đó ra để nghiên cứu văn học nghệ thuật chứ? Câu hỏi của Hữu Văn làm ngã ngựa tính kiêu hãnh của anh Nghiêu. Anh có vẻ bối rối, ngồi xuống, đốt một điếu thuốc, yên lặng nhìn Văn rồi nói: - Thế theo anh thì một tác phẩm thế nào mới được gọi là có tính cách văn học, mới có giá trị? - Một tác phẩm được gọi là có tính cách văn học ít ra phải có chiều sâu, có nội dung. Ðề cập được tới những vấn đề lớn của thời đại hay ít ra phải phản ảnh được bối cảnh của thời đại đó. Nó phải có thịt, có da, có máu và xương. Anh Nghiêu nhíu mày, anh thở ra một làn khói và hỏi tiếp: - Nếu vậy cậu cho một ví dụ cụ thể xem? Và trong số những nhà văn hiện đại của nước ta, có ai là đủ tư cách đó? Hữu Văn buồn bã. - Nếu nghiêm khắc mà nhận xét. Chúng ta chưa có nhà văn nào cả. Thời ngũ tứ còn có một vài người tạm giỏi là như Úc Ðạt Phu, như Từ Chí Ma, còn thời nay thì không. Hữu Văn im lặng một chút tiếp: - Không phải viết được vài trang báo, ra được một hai cuốn sách là có quyền xưng là nhà văn. Những người tự nhận là nhà văn hiện nay không viết được ra trò cả, quanh đi quẩn lại Tình yêu rồi hận thù. Sống không gần nhau được thì chết... viết đại loại như thế, chán vạn người viết được đâu có gì gọi là văn học đâu. Anh Thi Nghiêu nhìn thẳng Hữu Văn. - Theo cậu, một tác phẩm văn học phải là một tác phẩm không đề cập đến tình yêu và hận thù. Cậu không nghĩ là tình yêu và hận thù đã là bản năng của nhân loại từ xưa ư? Hữu Văn trịnh trọng nói. - Tôi đồng ý với anh. Tình yêu và hận thù là hai vấn đề bản năng của con người. Nhưng tôi phản đối chuyện thương mây khóc gió. Cái gì đáng yêu thì yêu, đáng hận thì hận, chứ đừng đụng một chút là rên rỉ để tạo kích thích, tạo căng thẳng cho cốt chuyện, nhiều người viết đã cho nhân vật nam đụng xe, rồi nhân vật nữ nhảy lầu tự vận... Hữu Văn thở dài - Tất cả những bố cục như vậy xưa rồi, hủ lậu quá rồi. Tác phẩm văn học dù không cần phải viết về một thời đại vĩ đại nhưng cũng phải mô tả được một cách sống động con người thời đại, đó là những con người tầm thường thôi, như những chú hề, sự hiện hữu của họ không được ai để ý, nhưng chính họ, họ đã mang lại cho con người bao nhiều niềm hoan hỉ ái ố. Ví dụ như tiểu thuyết của Mark Twain, đọc ông ta, nhiều khi ta rơi nước mắt bao giờ không hay. Ðó là cái chiều sâu của văn học mà tôi muốn đề cập. Anh Thi Nghiêu chăm chú ngồi nghe, anh vẫn thở khói liên tục. Biểu hiện trên mặt anh khó đoán, nó có vẻ vừa nghi ngờ, kinh ngạc, băn khoăn, chuyện thuyết phục được anh Nghiêu không phải là chuyện dễ dàng. Trong khi tôi, Vũ Nông và cả Tiểu Song đều phục lăn sát đất. Nhất là Tiểu Song, cô ấy tay chống cằm, say sưa lắng nghe. Nhìn Tiểu Song là tôi biết, cô ta đã hoàn toàn bị thuyết phục. Hữu Văn là một thanh niên, phấn đấu trưởng thành từ nghèo khổ, chắc chắn phải có ý chí ghê gớm. Còn Vũ Nông bây giờ qua những lập luận của Hữu Văn, tôi hiểu tại sao Vũ Nông lại phục Hữu Văn sát đất. Bình trà trên bàn đã cạn, Hữu Văn rót ra chỉ được một chút xíu. Tiểu Song vội vã lấy vào châm bình mới. Thái độ tiếp đãi ân cần. Uống một ngụm trà rồi Hữu Văn lại tiếp. - — Ðài Loan, ta được gọi là nhà văn nhiều quá. Tiếc một điều, phần lớn tác phẩm trai tài gái sắc, tròn trịa lại nhiều quá. Vì vậy ta rất dễ thấy rõ một điều là không hiện thực, không tưởng, tách rời với cuộc sống... Không tạo được niềm tin ở người đọc, lúc gần đây, chỉ có vài tác phẩm của Trương Ái Linh là có khá hơn một chút, nhưng cũng chưa sâu sắc. Tôi không học văn thì thôi, lỡ học rồi lại thích, nên tôi thề là sẽ cố viết bằng được một cuốn sách ra hồn, có thể đại diện cho một nền văn học Trung Quốc, để cho người nước ngoài họ thấy là Trung Quốc không phải chỉ có hai tác phẩm lớn là Hồng Lâu mộng và Kim Bình Mai. Vũ Nông lên tiếng, giọng đầu khâm phục. - Hữu Văn. Chắc chắn cậu sẽ làm được, cậu sẽ làm được điều đó, vì cậu có kiến thức chuyên môn, lại có tài cậu phải viết được tác phẩm lớn, chứ bằng không tôi ấm ức vô cùng, tại sao một nước nhỏ như Nhật mà vẫn có Nobel văn học còn ta thì không? Hữu Văn nói. - Ðó cũng chính là nỗi đau của tôi. Tôi không tin là Trung Quốc không có được một Kawabata như Nhật. Thật là buồn cười, thật là chua xót. Giải Nobel đâu có gì là vĩ dại, là tuyệt đối đâu, mà ta không đạt được? Chỉ cần có sự cố gắng, cố gắng! Mấy câu nói của Hữu Văn thật hào phóng, thật khẳng khái, khi nói những câu này mắt anh chàng rạng rỡ như sắp cầm được giải thưởng trên tay. Chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục, phấn chấn hẳn lên. Giải Nobel ra làm sao tôi chưa thấy, nhưng nghe Hữu Văn nói, tôi tưởng chừng như tấm bằng khen kia vàng chói, đang toả hào quang khắp phòng và bên trên có viết mấy chữ "Giải Nobel văn học 197... Người đoạt giải nhà văn Trung Quốc Lư Hữu Văn..." Tiểu Song bị khích động đến độ bước ghế đối diện với Hữu Văn ngồi xuống, nhìn Hữu Văn với ánh mắt khâm phục nói: - Anh Văn, ban nãy anh nói anh chỉ cần cố gắng, tin vào sức mình là được. Nhưng còn phải có việc làm nữa chứ. Không việc làm thì lấy cái gì ăn để mà viết? Anh nói chỉ cần một căn nhà nhỏ. Nhưng cũng phải có một căn nữa chứ? Tiền ăn, uống, mua giấy mực ở đâu ra? Hữu Văn nhìn Tiểu Song : - Cô Tiểu Song, cô có sống qua cảnh nghèo đói như tôi đã trải chưa? Tiểu Song ấp úng: - Tôi tôi nghĩ là. Trước khi đến ở nhà bác Chu đây, tôi đã sống rất khổ. - Như vậy hẳn cô đã hiểu, cái đòi hỏi cơ bản của con người là gì? Ðâu phải là sơn hào hải vị, gấm vóc lụa là. Chỉ cần một trăm đồng mướn căn gác nhỏ. Con nguời có thế chịu đựng được gian khổ mới hơn người. Ðó là chưa nói, từ nhỏ tới giờ, tôi dính liền với cái nghèo, nên đã tự luyện cho mình một sự cứng cỏi Tiểu Song, cám ơn cô đã quan tâm, nhưng cô cứ yên trí, tôi sẽ vượt qua được. Chỉ cần có tác phẩm, sống thiếu vật chất có khổ một chút nhưng tinh thần thư thái là còn gì hơn. Cô có nghĩ tôi như vậy là không tưởng là đa sầu đa cảm lắm không? - Không, anh có vẻ bất cần và lạc quan. - Cô có biết sức mạnh nào đã yểm trợ tôi không? Tiểu Song lắc đầu. Hữu Văn lớn tiếng. - Ðó là niềm tin! Niềm tin, hai chữ đó rộng lớn vô cùng, bao nhiêu kỳ tích trên thế gian này cũng từ đó mà ra. Bao nhiêu tín đồ Hồi Giáo, đi một bước, lạy một bước với niềm tin đến Mecca, bao nhiêu tín đồ Thiên Chúa giáo cam phận hiến thân cho sư tử; và đóng đinh trên Thập tự giá, bao nhiêu tín đồ „n độ giáo chân trần đi trên lửa hồng cũng nhờ nó, cũng như đã có bao nhiêu con bệnh hiểm nghèo qua khỏi cũng nhờ niềm tin, vậy thì niềm tin cũng là bạn không rời của Lư hữu Văn này vậy. Anh Thi Nghiêu chợt buột miệng - Van Gogh! Tiểu Song hỏi: - Anh nói gì thế Hữu Văn lắc đầu: - Không, tôi không phải là Van Gogh. Van Gogh có bệnh ưu sầu, tinh thần bệnh hoạn, còn tôi không có. Van Gogh nhiều ảo tưởng phức tạp, tôi bình thường. Anh nhắc tới Van Gogh, vậy anh đọc qua quyển Tình Yêu cuộc sống chưa? Anh Nghiêu ngẩn ra: - Chưa, đó là sách gì? - Quyển tự truyện của Van Gogh, đó là quyển sách hay và nếu anh đọc qua, anh sẽ thấy tôi không phải là Van Gogh. Tôi cười chen vào. - Còn nữa, Van Gogh xấu xí, còn anh thì đẹp trai. Hữu Văn tiếp. - Cô nói thế càng sai. Van Gogh không xấu xí mà rất đẹp, một họa sĩ tạo được những họa phẩm tuyệt vời như vậy làm sao xấu được. Dưới mắt tôi, ông ấy không những đẹp, mà còn rất đẹp. - Ai? Ai rất đẹp? Chỉ cho Nội xem xem. Tiếng của Nội đột ngột vang lên và Nội đã xuất hiện trước cửa phòng khách. Vừa nhìn thấy Lư hữu Văn, bà chợt "Úi cha!" Rồi dừng sững lại ngắm nghía. - Ðúng rồi! Ðúng rồi! Và quay sang anh Thi Nghiêu vội nói: - Ðây là người phụ trách giới thiệu chương trình của con phải không? Ðứng kế cô Huỳnh Lệ thì hợp đôi vô cùng! Tôi vội đính chính. - Nội, Nội lầm rồi, đây là Lư hữu Văn, bạn của anh Vũ Nông đấy, chứ không phải người phụ trách giới thiệu chương trình của anh Nghiêu, anh ấy cũng không hề quen Huỳnh Lệ. Nội nhìn Hữu Văn cười. - Vậy hữ? Không sao, không sao, nếu con muốn bác sẽ làm mai Huỳnh Lệ cho. Bây giờ tới phiên Tiểu Song. - Nội này. Hai người là hai thế giới khác biệt, chưa gì Nội đã làm lẫn lộn, người ta cười cho. Nội bây giờ mới ngắm ngía kỹ hơn Hữu Văn. - Hư? Tướng tá đẹp thật, giống Kha Tuấn Hùng, còn đẹp hơn Kha Tuấn Hùng nữa là khác. Thế con có đóng phim không? Tiểu Song có vẻ bất mãn: - Nội này, người ta không phải là tài tử đóng phim hay truyền hình mà anh ấy là nhà văn. - À, vậy là cậu này viết kịch bản cho truyền hình? Tôi cười nói: - Nội đừng tưởng nhà này có hai ngươi ăn cơm của đài truyền hình rồi tưởng ai cũng vậy hết. Nội nhe răng cười. Lư hữu Văn có vẻ rất phóng khoáng. - Lúc trước Vũ Nông có kể con nghe bà là người có trái tim trẻ nhất trong nhà, bây giờ con mới biết. - Vậy ư?, nhờ nói tốt vậy, bà mới gả Thi Binh cho nó chứ. Tôi hét. - Trời ơi. Con đâu phải là món quà đâu mà Nội muốn cho ai thì cho. Nội kỳ quá. - Tại con không biết, trước kia nhờ có cha con ăn nói dễ thương mẹ mới gả cho nó. Vì vậy con thấy đó, chuyện ăn nói cũng quan trọng lắm. Nội nói, rồi quay sang nhìn Thi Nghiêu, anh ấy đang ngồi như pho tượng gổ. - Thằng Thi Nghiêu nhà ta này có được cái thật thà, phải có mồm mép một tí nữa. Anh Thi Nghiêu đứng dậy, mặt không vui. - Nội! Nội đừng nói tới con. Nội nói. - Hừ, cái gì như đụng phải đinh thế. Thằng gì khó chịu, ai nói gì tới nó một chút là nó giẩy nẩy. Cả nhà cười ầm lên. Anh Thi Nghiêu khẽ liếc về phía Tiểu Song. Cô này hình như không để ý, không thấy. Cùng cười với mọi người Anh Thi Nghiêu quay lưng đi vội về phòng riêng. Anh đi như chạy trốn. Cánh tay chạm mạnh vào bàn, làm ly nước ngã lăn đổ, tôi suýt kêu lên và cảm thấy bước chân thọt của anh hình như nện mạnh hơn trên gạch. Một tình cảm bơ vơ, buồn phiền vô cớ đột nhiên dâng trong lòng tôi. Chỉ mới đó. Chỉ cách có một đêm, mà ông anh tội nghiệp của tôi gần như đã đánh mất hạnh phúc trong tầm tay. Tôi quay nhìn Tiểu Song rồi nhìn Lư hữu Văn. Họ vẫn vô tình nhìn nhau cười nói. Một cặp tuổi trẻ xuất sắc. Kim đồng ngọc nữ phải chăng định mệnh khá cay đắng éo le. Một sự sắp xếp tình cờ, nhưng là một sự sắp xếp làm tan vỡ một hạnh phúc khác. Tôi hoàn toàn bồi hồi và bối rối.
Chương 7
Trưa hôm ấy, Lư hữu Văn ở lại dùng cơm với chúng tôi, lúc ngồi ăn, anh ta tỏ ra rất lịch sự, nói năng nhỏ nhẹ chớ không dao to búa lớn như lúc ban sáng. Khi biết cha trước kia tốt nghiệp ban sử và hiện đang phục vụ ở Viện nghiên cứu Sử học Trung ương, anh ta tỏ ra khiêm tốn và nhờ cha chỉ giáo nhiều vấn đề có liên quan đến sử học. Thế là cha tôi được dịp diễn thuyết một hơi. Bình thường ở nhà vì cái không khí âm thịnh dương suy, gà mái nội. Gà mẹ rồi lu gà mái con lấn áp, nên phe nam giới nhà tôi rất ít nói. Mà bản chất con người hình như tiềm ẩn trong lòng biểu hiện của mình, nên hôm ấy tôi thấy cha nói rất nhiều, nói huyên thuyên, nói một cách rất đắc ý. Sau bữa cơm. Cha còn làm cả một kết luận khái quát về lịch sử nhân loại. - Tóm lại lịch sử con người là một chuỗi sự việc lập lại. Tại sao? Vì lịch sử là do con người tạo nên, mà con người thì lúc nào cũng có những khuyết điểm chung. Muốn tránh bi kịch cho cuộc sống thì tốt nhất con người cần tìm tòi nghiên cứu những nguyên nhân cặn kẽ của vấn đề, tránh đau khổ lập lại. Lư hữu Văn có vẻ rất thích, vì vậy anh tỏ rõ thái độ kính trọng và sùng bái ra mặt. Chỉ có anh Thi Nghiêu là trong suốt buổi ăn ngồi lặng lẽ. Ăn xong anh ấy đứng dậy bỏ đi làm. Hôm nay đài truyền hình chuẩn bị tiết mục dành cho ngày chủ nhật sau. Trước khi đi, tôi thấy anh ấy còn quay lại nhìn Tiểu Song và bốn mắt đã chạm nhau. Không biết họ nói gì trong những ánh mắt đó, nhưng tôi thấy thái độ anh Thi Nghiêu không còn lạnh như lúc ban đầu. Sau đấy tới phiên Tiểu Song đến nhà dạy nhạc dạy học Lư hữu Văn đứng dậy nói: - Bây giờ tôi cũng xin phép về. May quá, cô Tiểu Song, tôi có thế cùng đi với cô tới trường dạy nhạc được chứ? Tiểu Song có vẻ bối rối: - Nhà anh ở đâu? Biết có cùng đuờng với tôi không? Tôi đi bằng xe bus đấy. Lư hữu Văn ròn rã. - Không gì trở ngại cả. Tôi cũng không bận việc gì, rảnh rỗi sẵn đưa cô tới trường dạy luôn... Sau đó sẽ bát phố xem thiên hạ sinh hoạt ra sao. Hôm nay vui lắm, được quen biết một số bạn mới, được ăn bữa cơm tuyệt vời, tôi thỏa mãn lắm rồi. Vũ Nông pha trò: - Những thứ đó đều là tư liệu cần thiết cho việc viết lách của anh, nhớ sau này viết gì phải nhắc đến tôi một tí cho mọi người biết vai trò tôi nhá. Hữu Văn mở giọng triết lý: - Ðứng trên phương diện triết học thì mỗi con người đều có vai trò của mình trên vũ đài nhân sinh, mỗi người đều là vai chính trong cuộc. Lời Hữu Văn lúc nào cũng sặc mùi văn và triết học, tôi phải ngồi suy nghĩ một chút mới tự nghĩ là mình hiểu. Tiểu Song và Hữu Văn đã ra cửa lúc nào tôi không hay. Chỉ nghe mẹ nói sau đó. - Cái cậu này nói năng luu loát, phong độ làm mọi người yêu thích, mẹ mà có thêm đứa con gái thứ ba, chắc mẹ sẽ gả cho cậu ta. Tôi giật mình, có cái gì đó không ổn, tôi nói. - Mẹ nói gì thế? Tiểu Song cũng có thể coi là đứa con gái thứ ba của mẹ vậy? Nhưng Hữu Văn dù có tốt hơn điều mẹ nghĩ, cũng chưa hẳn hơn một người. Mẹ nhìn tôi thật lâu, chỉ cười. Vũ Nông keó kéo áo tôi giục đi. Nội nhìn thấy nói: - Thôi tụi bây đi đâu thì đi, đừng bày trò kéo áo tới lui thế. - Ghét Nội ghê! Tôi nói, nhưng vẫn mặt dày cùng Vũ Nông đi về phòng riêng mình. Vừa đến nơi, tôi nói: - Anh Nông, tại sao anh kéo Hữu Văn đến đây chi vậy? Anh có ý gì chứ Vũ Nông nói. - Ðừng trách anh. Cậu ấy là bạn thân của anh, đưa đến đây giới hiệu để biết nhau, có gì không phải đâu? Chẳng qua chỉ là sự giao tế. Tôi bực dọc: - Không phải em không muốn anh đưa Hữu Văn đến đây, nhưng thời gian đưa lại không đúng, không lẽ anh không thế để một vài tháng sau, khi mà đại cuộc đã quyết định rồi mang lại không được sao? - Cái gì đại cuộc đã quyết định? Em nói gì anh không hiểu ? Tôi giậm chân nói. - Thôi anh đừng giả bộ với em nữa. Bộ anh không thấy là Hữu Văn vừa vào đến nhà em là hắn tấn công Tiểu Song ngay hay sao? Nói thật anh biết, em không thích chuyện đó. Con trai gì vừa thấy con gái là xáp lại liền. - Ối trời ơi! Em làm như người ta là thầy tu không bằng. Ngay chính anh khi xưa mới gặp em, nếu anh không làm cái món tấn công tới tấp thì làm sao mà anh bắt được em? Ðàn ông con trai phải thế. Trong tình yêu phải biết chụp giựt chậm tay là chết. Xã hội hiện đại mà em đòi hỏi sự từ từ thì chết rồi. Tôi cắt ngang. - Thôi đừng nói nhiều. Anh Vũ Nông, anh nghe này, việc này ta cần phải nghiên cứu kỹ. Vũ Nông nói và nắm lấy tay tôi. - Không nghiên cứu gì hết. Em nghĩ gì anh đều biết hết. Nhưng em phải hiểu là Lư hữu Văn chẳng phải là một con người tầm thường, một người tầm thường như bao người khác, em hiểu không? - Ðồng ý. - Vậy thì nếu hắn có săn đuổi Tiểu Song, thì đó cũng là một kết hợp xứng đáng chứ. Tôi nhún vai không đáp. Vũ Nông tiếp: - Ðuợc rồi, có nghĩa là trong trái tim nhỏ nhắn của em, chỉ có ông anh em là xứng đáng. Anh cho em biết, lúc còn ở đại học Lư hữu Văn đã nổi tiếng như cồn, văn chương giỏi lại tài hoa. Suốt bốn năm đại học, bao nhiêu cô đã theo đuổi hắn, vậy mà sao hắn không có được một cô bạn gái. Sự thật thì tại hắn quá kén chọn. Anh làm bạn hắn cả năm nay, ở quân ngũ, em biết không khi rảnh rỗi là đàn ông con trai chúng anh chỉ nói chuyện đàn bà, và quan niệm của hắn thế nào em hiểu không? Làm quan không cần chức quan to, giàu có. Nhưng chọn vợ phải chọn một người xứng đáng là bạn đời. Ðấy cũng là lý do, bốn năm đại học không một đứa con gái nào lọt được vào mắt hắn. Vì vậy, Thi Binh, em cứ yên tâm, chưa hẳn Lư hữu Văn sẽ chọn Tiểu Song. Hắn muốn đưa Tiểu Song đến trường dạy nhạc, chẳng qua chỉ là một ý bốc đồng, chưa hẳn có dụng ý. Tôi nhíu mày. - Nếu vậy thì thôi. - Em cũng đừng nói thì thôi. Vì trong cõi đời này chuyện tình yêu trai gái còn có chữ bất ngờ, làm sao ta biết được đoán được. Giống như điều Nội hay nói định số lương duyên là kiếp trước đã an bày, lão nguyệt se tơ và không ai thoát được. - Anh lại đem mấy lời cổ lỗ đó ra đây làm gì? Vũ Nông trịnh trọng nói. - Anh chỉ muốn em thấy. Với Tiểu Song, cô ấy có cách nhìn riêng của mình, có định mệnh riêng, và ta không thế muốn thế này thế kia theo ý ta được. Chưa hẳn là Hữu Văn sẽ yêu Tiểu Song, cũng chưa hẳn Tiểu Song rồi sẽ yêu Hữu Văn. Vì vậy anh đề nghị em, đừng quan tâm đến việc đó nữa, hãy để nó phát triển tự nhiên vậy. Tôi bực mình. - Nói tới nói lui rồi anh cũng bênh vực Lư hữu Văn. Thành thật cho anh biết Lư hữu Văn không có quyền yêu Tiểu Song, vì nếu thế thì anh Thi Nghiêu nhà tôi sẽ thất tình. Vũ Nông nói. - Nói thế càng kỳ cục. Nếu thật sự anh Nghiêu yêu Tiểu Song, thời gian bảy tháng trước kia làm gì? Không lẽ ông ấy ngủ gục? Tôi nổi giận. - Anh Nông, sao lúc nào anh cũng bênh vực Hữu Văn cả thế? Vũ Nông ngồi xuống ghế - Anh không bênh ai hết. Anh mới thật sự công bình và bình tĩnh hơn em, anh nhìn thấy rõ hơn em là chắc chắn Thi Nghiêu chưa yêu Tiểu Song và ngược lại. - Tại sao anh biết? - Vì em nghĩ xem, ở chung với người mình yêu trong cùng mái nhà cả nữa năm trời hơn sao không tiến tới. Con người đâu phải là gỗ đá. Anh dám chắc là Thi Nghiêu không hề yêu Tiểu Song. Còn nếu Tiểu Song có âm thầm yêu anh Nghiêu thì chắc chắn không một hình bóng của bất cứ chàng trai nào lọt được vào tim nàng. Ðó vậy đó, vì vậy anh khuyên em, đừng bao giờ lo những chuyện tầm phào mất công. Lời của Vũ Nông làm tôi bối rối. Rõ ràng là chàng cũng có lý. Nhớ đến những xung đột trước kia của Tiểu Song và anh Nghiêu. Rồi lần anh Nghiêu đưa nữ diễn viên Huỳnh Lệ về. Tình cảm hai người có gì chưa. Thế mà không hiểu sao, tôi chỉ dựa vào những ấn tượng có được với hình ảnh tối qua để kết luận vội vàng. Ðàn ông thường hay tham lam nhiều bạn gái càng tốt. Cũng có thể như thế Tôi không dám chắc là người ít giao du với đàn bà như anh Thi Nghiêu là ngoại lệ. Biết đâu muốn bắt cá hai tay hoặc ba bốn tay. Càng nghĩ tôi thấy càng rối, càng tức cho cánh đàn ông, tôi nói: - Không thể như vậy được, thứ vô lương tâm! Vũ Nông nắm tay tôi cười, không hiểu: - Gì vậy? Em nói ai vô lương tâm? - Thì lũ đàn ông các anh đấy. Vũ Nông tròn mắt. - Hừ! hừ! Sao quơ đũa cả nắm vậy? Ðúng như lời người xưa nói. Ôi! Ðàn bà! Ta chịu không làm sao hiểu được ngươi. Tôi nín cươi không được. Nhưng rồi lòng vẫn bâng khuâng. Suốt một ngày tôi nôn nóng, tôi muốn gặp Thi Nghiêu. Tôi định trực tiếp gặp anh ấy để đặt vấn đề, phải làm rõ mọi thứ. Nhưng anh Nghiêu lại bận ở đài mãi đến nữa khuya mới về nhà, nên tôi không gặp. Còn Tiểu Song? Tối hôm ấy vì bận đi xem hát với Vũ Nông, đến lúc tôi về tới nhà thì Tiểu Song đã ngủ, thành thử không có cơ hội nói chuyện. Ngay hôm sau, không nghe Tiểu Song đề cập đến Hữu Văn, đến mười giờ hơn thì Vũ Nông đến và chúng tôi lại bận tính toán công việc tương lai của chàng. Vũ Nông đã chọn nhiệm sở ở một Toà án địa phương và đầu tháng tám bắt đầu đi làm, kế đó, tôi với Vũ Nông qua nhà chàng để gặp ba mẹ anh ấy. Khi xong xuôi trở về, thì chỉ có anh Thi Nghiêu, chị Thi Tinh và Lý Khiêm ở nhà, còn Tiểu Song thì đi chưa về. Cơm tối dọn xong. Có tiếng điện thoại reo Ðiện thoại cũa Tiểu Song. - Chị Thi Binh, nói nhà ăn cơm trước đi, đừng đợi em. - Cô bận gì mà bỏ cơm tối. - Dạ em có việc... Tôi hét. - Việc gì nói thẳng đi, đừng dối, bằng không tối nay không yên với tôi đâu nhé. Giọng Tiểu Song nhỏ nhẹ - Thôi em nói. Anh Lư hữu Văn đến trường dạy nhạc đón em, chúng em sẽ ăn cơm ngoài, chắc phải về trễ. Vậy thôi, em không nói gì nữa hết. - Khoan đã. Tôi chưa kịp nói thêm gì thì đầu dây bên kia đã cắt, quay lại nhìn mọi người, tôi chỉ nói. - Tiểu Song không về ăn cơm tối. Và lẳng lặng quan sát anh Nghiêu. Anh Nghiêu ngồi đấy, thừ người ra, anh đang nghĩ gì? Cơm xong, không như ngày thường mọi người thường tụ lại phòng khách. Cười cười, nói nói, xem truyền hình.. Lần này anh Nghiêu lấy cớ là còn nhiều việc phải làm và rút lui về phòng riêng. Tôi ngồi lại trước máy truyền hình. Máy đang mở nhưng người ta diễn cái gì trên ấy tôi cũng không để ý. Tôi đang bận suy nghĩ. Chợt nhiên, một ý thoáng qua. Tôi quay sang anh Lý Khiêm. - Anh Khiêm này, lúc gần đây tình cảm của anh Nghiêu với cô Huỳnh Lệ tiến tới đâu rồi? Anh Lý Khiêm thở ra: - Cô làm tôi hết hồn, tưởng hỏi việc gì khác! Lập tức chị Thi Tinh quay sang dò xét. - Anh nói gì? Anh nghĩ là Binh nó nói gì? Sợ lật tẩy hả, nói xem. Lý Khiêm trố mắt. - Có gì đâu? Tôi nào có tẩy gì đâu mà sợ lật. - Thế tại sao anh làm gì như ăn trộm bị bắt tại trận vậy? - Làm gì ăn trộm? - Nếu không tại sao Thi Binh vừa hỏi là ông tái mặt thế? Ông đáng nghi lắm, dám có chuyện động trời nào rồi. Mẹ phải can thiệp: - Cái con Thi Tinh này, không có cớ để cãi nhau không được ư? Con cái gì cứ giỏi kiếm chuyện. - Mẹ nói đúng đấy. Anh Lý Khiêm vừa lên tiếng, là tay Thi Tinh đã thò qua, nhéo anh ấy một cái thật đau điếng, đau muốn nín thở nhưng anh không dám la, trong khi Vũ Nông ngồi cạnh lại làm bộ ui da làm tôi nổi nóng. - Anh làm gì thế? Vũ Nông giả bộ lắp bắp. - Anh... anh... Anh nghĩ là hai chị em của em đồng bệnh và anh với Lý Khiêm sẽ là nạn nhân. - Ui da! Tôi không để Vũ Nông tiếp, một ngón nhéo chưỡng tung liền để chàng biết tay. Anh Lý Khiêm ban nãy chưa trả lời câu hỏi của tôi, nên tôi vẫn hỏi tới: - Sao, anh Khiêm, em ít khi đến đài nên không biết. Anh cho em biết là chuyện giữa anh Nghiêu với cô Huỳnh Lệ tới đâu rồi? - Anh cũng không biết. Tôi nổi giận: - Anh muốn giấu phải không? Anh Lý Khiêm đã khiêm chỉnh lại - Thi Binh. Cô cứ yên tâm, hạng đàn bà con gái cỡ Huỳnh Lệ trong đài truyền hình thiếu gì, cỡ cô ấy ai lại chẳng anh anh em em. Anh Thi Nghiêu của cô đâu dễ dãi, anh ấy làm ở đài truyền hình mấy năm nay rồi thì làm gì dễ vào tròng. Chẳng qua chỉ để nói cười cho vui, người anh ấy chọn không nằm trong mấy cô ấy. Còn Huỳnh Lệ Thân mật với anh cô chưa hẳn là yêu Nghiêu. Cô ta mới nổi, đang cần có chỗ dựa đấy! - Thế ư? Nghe Lý Khiêm nói, tôi càng buồn. Nếu quả thật là anh Nghiêu có ý bắt cá hai tay. Thì coi như mất cả. Tối hôm ấy, lòng tôi nóng như lửa đốt. Mẹ cũng tỏ ra thật trầm lặng. Hơn mười giờ Tiểu Song vẫn chưa thấy về. Anh Lý Khiêm và Vũ Nông đã kiếu từ. Một mình tôi ngồi trong phòng khách, mẹ bước tới đặt tay lên vai tôi nói. - Thi Binh, mỗi người có một duyên phận riêng, chúng ta không làm sao cưỡng lại được, thôi thì để mặc tự nhiên đi. Vâng, cứ buông xuôi đi! Ðịnh số đã đặt để rồi. Thế làm sao Thi Binh tôi lại thừa nước mắt khóc khi đọc truyện người xưa, lại dư nước mắt buồn giùm người khác. Ông anh tôi ơi, ông anh. Tội nghiệp, tôi thở dài. Thôi tôi không thế ngồi đây chờ Tiểu Song trở về. Có chờ cũng vô ích. Tôi đứng dậy tiến đến gõ cửa phòng anh Nghiêu. - Ai đó, cứ vào. Tôi đẩy cửa bước vào Phòng tràn ngập khói thuốc, suýt làm cho tôi ho. Anh Thi Nghiêu đang ngồi trước bàn, chiếc gạt tàn đầy cả tàn thuốc. Tôi bước tới, đứng trước mặt anh. Hai anh em chúng tôi nhìn nhau yên lặng. Một lúc thật lâu, anh mới dụi tàn thuốc và đưa hai tay lên nắm lấy tay tôi siết nhẹ. Anh có vẻ thật xúc động, thật hiểu tôi hiểu anh. - Anh Nghiêu này, đừng buồn, tình thế vẫn cứu vãn được. Họ chỉ mới quen nhau hai ngày, còn anh, anh biết cô ta hơn bảy tám tháng nay, không nên thối chí, tuyệt đối. Tình yêu là bãi chiến trường. Anh chưa thất bại lần nào, lần này anh rồi sẽ thấy. Anh Thi Nghiêu lắc đầu. - Anh đã thua!! Tôi trố mắt : - Thua bao giờ - Trong cuộc chạy đua. Tôi suy nghĩ một chút: - Anh Nghiêu này đừng nhìn Tiểu Song một cách thực dụng như vậy, cô ấy khác những người con gái khác. Cô ấy chưa hề lộ ý xem nhẹ anh vì cái tật bẩm sinh của anh. Phải tự hiểu mình, phải dẹp bỏ mặc cảm tự ti, tại sao anh cứ nghĩ tới cái chân thọt của anh hoài vậy? Lời tôi làm anh Nghiêu nhảy dựng lên, anh tái cả mặt: - Thôi đủ rồi, đừng nói nữa. Chuyện đó đã qua rồi, tôi không muốn ai nhắc tới. Tôi không muốn! Tại sao mấy người cứ nói đến Tiểu Song trước mặt tôi. Tôi có nói là tôi thích cô ấy bao giờ đâu? - Anh Nghiêu! Tôi hét, rồi không biết nói gì nữa, tôi khóc. Mặt anh Nghiêu như đanh lại. - Buồn cười thật! Tại sao mấy người lại khóc trước mặt tôi. Tại sao? Mấy người thương hại tôi ư? Tôi thế nào? Một gã thất tình? Buồn cười thật, buồn cười quá đi mất! Thi Binh! Hãy nghe nói đây! Hãy nghe tôi nói đây! Tôi cố gắng. - Anh Nghiêu. Em chỉ định giúp anh! Trong đôi mắt đau khổ của anh Thi Nghiêu hằn lên nét giận dữ. - Giúp tôi à? Ai cần cô giúp, ai cần! Muốn giúp ư? Ðược rồi hãy đi ra khỏi đây, hãy đi cho khuất mắt, để tôi một mình trong phòng... Tôi líu lưỡi. - Anh... Anh... Anh đúng là người không biết điều. - Ðúng rồi, tôi không biết điều Tôi không muốn ai quấy rầy tôi hết. Tôi không biết điều từ lâu rồi... Ði đi, đi đi! Tôi chạy nhanh ra khỏi phòng anh Thi Nghiêu. Mẹ đứng bên ngoài chỉ lặng lẽ lắc đầu. Tôi xông về phòng mình, nhảy lên giường và trùm chăn. Tôi giận quá. Tôi giận anh Thi Nghiêu, giận Tiểu Song và giận cả chính mình. Mười một giờ khuya, Tiểu Song mới về nhà. Tôi nằm yên, lắng nghe cô ấy thay đồ đi tắm trở về phòng...Tôi giả vờ lăn trở mình. Tiểu Song kêu khẽ: - Chị Thi Binh! Tôi giả vờ không nghe, trở mình tiếp. - Chi Thi Binh. Giọng nói của cô bé thật nhẹ với tiếng thở ra: - Em biết chị đang giận em, chị giận em vì sao em cũng không biết. Tôi vùi đầu vào gối im lặng. - Thôi được rồi, khuya quá rồi, để mai bao giờ chị hết giận, chị em mình sẽ nói chuyện với nhau. Và Tiểu Song ngồi lên giường. Tối hôm ấy, hình như cả hai chúng tôi chẳng ai ngủ được. Cả hai cùng lăn qua lăn lại trên giường tới sáng.
Chương 8
Mấy ngày kế tiếp đó. Giữa tôi với Tiểu Song là một cuộc chiến tranh lạnh. Tôi cố tạo một khoảng cách, không nói chuyện, lạnh lùng. Nhưng Tiểu Song cũng không vừa, cô ấy phớt mặc. Và ngày nào cũng vậy. Sau khi dạy xong, Tiểu Song không về nhà ngay, mà bỏ đi chơi đến mười một mười hai giờ khuya. Về tới nhà là tắm rửa rồi lên giường ngủ. Khiến tôi càng tức, càng giận. Con gái gì mà thay đổi như chong chóng. Vũ Nông thấy tôi không vui, một bữa nói: - Thi Binh này, không lẽ em không chịu nhìn sự thật? Thử nghĩ xem giữa Tiểu Song và anh Thi Nghiêu họ đã có cái gì chưa. Tôi nhún vai không đáp. Vũ Nông nói tiếp. - Thì em cứ nói đi. Họ đã từng thề non hẹn biển, gắn bó keo sơn chưa? Họ đã được người khác công nhận như chuyện chúng mình chưa, hở? Tôi bối rối, một chút mới nói: - Chuyện anh Thi Nghiêu yêu Tiểu Song, đúng ra cô ấy phải hiểu chứ? - Hay lắm. Chuyện đó thì em biết thôi, mà em biết thì có tác dụng gì? Em đâu phải là Tiểu Song? Mà dù có là phải đi nữa nếu Tiểu Song không yêu anh Thi Nghiêu thì cũng chẳng giúp được gì. Họ hoàn toàn đứng bên lề. Chưa hề trao nhau một cái hôn, chưa nói chuyện tình yêu thì làm sao em kết tội là cô ấy không chung thủy. Em sai rồi Binh ơi Tỉnh lại đi. Chuyện này đâu phải em muốn là được? Sự nhiệt tình của em chỉ tổ làm Tiểu Song giận, anh Thi Nghiêu cũng chẳng vui và em cũng tự làm khổ mình. Câu nói của Vũ Nông như làm tôi thức tỉnh. úng rồi, tội gì thế? Tiểu Song chẳng nói chẳng rằng với tôi, anh Thi Nghiêu thì có bộ mặt lạnh lùng, đi biệt từ sáng sớm đến tối mò mới về. Rõ ràng là chỉ có tôi tự chuốc lấy sự bực mình. Tôi thở ra, và tự hứa với lòng. Thôi thì mặc kệ họ và buổi tối hôm ấy, tôi và Vũ Nông đi xem phim. Thời tiết tương đối nóng, tan rạp tôi và Vũ Nông rủ nhau ăn kem. Chúng tôi kéo nhau đến quán kem lừng danh Minh Tinh. Lâu lâu phá tiền một bữa cũng chả sao. Vừa kéo ghế ngồi xuống, thì mắt tôi chợt ngỡ ngàng. Trước mắt là anh Thi Nghiêu và cô Huỳnh Lệ Họ đang nói đùa thân mật. Chợt nhiên tôi nổi sùng. Tôi đứng dậy và bỏ chạy ra khỏi quán, để khỏi trông thấy cảnh chướng mắt. Vũ Nông ngơ ngác chạy theo. - Em thề, từ nay về sau, anh Thi Nghiêu làm gì thì làm, em chẳng thèm xía vào nữa. Nếu còn xía vào, em không phải là con của ba má, không còn là người mà là con chó. Vũ Nông bực mình: - Thi Binh, em làm gì kỳ cục vậy? Phải tỏ ra lịch sự một chút, đến chào hỏi rõ ràng, vừa tỏ ra mình có phong độ, vừa... biết đâu ăn kem khỏi phải trả tiền? Tôi giận dữ. - Thôi được rồi. Ngay cả chuyện ăn kem anh cũng tính toán, anh định lợi dụng tôi để được anh tôi bao ăn nữa ư? Ích kỷ! - Còn gì nữa nói tiếp đi. Vũ Nông hỏi, tôi chợt thấy mình giận vô cớ, phì cười. Thế là đêm ấy, tôi chủ động làm lành với Tiểu Song. Về đến nhà, vào phòng thấy Tiểu Song còn chưa ngủ. Cô ta đang cầm quyển Tập Truyện Ngắn của Trương Ái Linh đọc, tôi bước tới lấy quyển sách ném sang bên nói. - Tiểu Song cô định từ đây về sau không nói chuyện với tôi nữa phải không? Tiểu Song cười, bá vai tôi nói: - Hèn gì Nội chẳng nói. Chị là chúa nói ngược, ai không nói chuyện với ai trước chứ? Tôi thở ra. - Phải nói là tôi quá sốt sắng, không những chỉ sốt sắng trở nên làm chuyện bao đồng. Muốn cho mọi chuyện êm đẹp, không ngờ chuyện chẳng xảy ra như ý. Tôi ôm một trái tim nóng bỏng đụng phải tảng băng, chỉ là công cốc. Tiểu Song quay lại nằm đối diện với tôi, vì trời nóng nên chúng tôi mở quạt, gió thổi mái tóc dài của Tiểu Song ra sau khiến gương mặt trở nên sáng sủa. Vừa vuốt mái tóc ngắn của tôi Tiểu Song nói. - Chị Thi Binh! Trái tim nhiệt tình của chị, em hiểu chứ, em không có anh chị, em mất mẹ lúc ba tuổi, mười tám tuổi lại mô côi cha, hầu như cả đời em chưa hưởng được một tí gì là hạnh phúc gia đình. ến đây ở, em mới biết thế nào là gia đình, thế nào là tình huynh đệ, thế nào là hạnh phúc. Em làm sao không mong được ở mãi dưới mái nhà này, trở thành một con bé vĩnh viễn của nhà họ Chu. Nhưng làm sao em ngăn cấm được tiếng gọi của trái tim, chị hãy suy nghĩ xem có đúng không? Tính tình của anh Thi Nghiêu thì nóng nảy còn em tuy xuất thân bần hàn, nhưng rất cao ngạo, em và anh ấy không thế hòa hợp nhau được chị hiểu không? Chị Thi Binh? ó là chưa nói cái hoàn cảnh nghề nghiệp của anh ấy, lúc nào cũng vắng nhà và giao tiếp với những người con gái trong giới văn nghệ dễ dãi, em lại trực tính và như vậy khó tránh được những phiền phức xảy ra sau này. Chị nghĩ có đúng không? Tôi chăm chú nhìn Tiểu Song, có một câu mà tôi muốn nói mãi không thốt ra được. Tôi muốn nói cho Tiểu Song biết là: Anh Thi Nghiêu yêu Tiểu Song, nhưng mặc cảm tàn tật và sự cao ngạo đã làm cho anh ấy không dám tỏ bày. Nhưng rồi tôi chơt nhớ lại cái hình ảnh thân mật của Thi Nghiêu và Huỳnh Lệ trong quán cà phê, thế là tôi không nói ra được. Tôi chưa hiểu hết được lòng người, vì tôi mới có hai mươi mốt tuổi. Tôi hỏi: - Như vậy có nghĩa là Tiểu Song đã yêu Lư hữu Văn? Tiểu Song quay mặt, không nhìn thẳng vào mắt tôi nữa. - Thời gian còn ngắn quá, làm sao có thế nói là đã yêu. Nhưng em cũng thừa nhận là anh Lư hữu Văn rất lôi cuốn, rất dễ mến, anh ấy có cùng một thân thế tương đồng với em, nên có những ý nghĩ cảm xúc tương tợ. Anh ấy lại dung cảm, có ý chí, có nhiệt tình, có ước mơ, lúc nào ở gần bên anh Văn là em khó có thể không bị ảnh hưởng và cảm thấy không có gì khó khăn trên cuộc đời này cả, chưa kể là kiến thức anh ấy quá rộng, mỗi lần nói chuyện văn học với Văn em đều có cảm giác như mình chỉ là một đứa bé mới học mẫu giáo. Tôi nhìn Tiểu Song, lúc nàng nói mắt long lanh như vậy làm sao có thế bảo là chưa yêu . ó không phải đơn thuần là một sự sùng bái, tôi hít vào một hơi dài, hỏi: - Em có nói chuyện âm nhạc với anh ấy không? Tiểu Song phồng đôi má. - Chuyện âm nhạc ư? ó chẳng qua là một thứ để giải buồn, làm sao có thế so sánh được với văn học. À! Tôi nhìn lên trần nhà. Nghĩ đến những sự kiêu hãnh mà Tiểu Song đã có trước kia. Khi nói đến cái kiến thức về âm nhạc của mình, nghĩ đến những tấu khúc đàn dương cầm và sự sáng tác âm nhạc mà trước kia Tiểu Song và cả cha nàng đều mơ ước. Thế mà bây giờ tất cả không được coi như một vấn đề quan trọng. Ôi! Tình yêu, sức mạnh của nó quả là vô địch và chỉ cần trong giây phút đó, tôi thây mọi chuyện đã ngã ngũ. Anh Nghiêu của tôi bất chiến tự bại rồi! Vì sao? Vì Lư hữu Văn đã xóa được sự cao ngạo trong tim của Tiểu Song còn anh thì không làm được việc ấy. Tôi hỏi - Có nghĩ là mấy ngày nay, cô và anh Văn lúc nào cũng bên nhau? - Vâng. Tiểu Song cười nói. - Ông ấy mới mướn được một căn gác nhỏ. Mấy hôm nay tôi bận phụ anh ấy sắp xếp, bày biện, bao giờ xong là anh ấy sẽ khởi đầu. Anh ấy là người có lý tưởng và phân minh rất rành mạch giữa lý tưởng với thực tế vì vậy tiền thuê nhà anh ấy cũng giao cho tôi. Tôi hỏi: - Như vậy khi lãnh tiền tác quyền thì sao - Bao giờ viết được tác phẩm có được tiền tác quyền sẽ tính sau. Tôi ngẫm nghĩ rồi nghiêm chỉnh nói: - Thôi được Tiểu Song, coi như chị đại diện cho gia đình thừa nhận chuyện của Tiểu Song với anh ấy. — nhà này con gái có bạn trai không dược phép giấu diếm người lớn. Nội cũng thường nói "Trai lớn có vợ, gái lớn có chồng. ó là một điều quang minh chính đại, dĩ nhiên không có gì mắc cỡ giấu diếm". Vì vậy sau này rảnh rỗi Tiểu Song cứ đưa Văn về đây chơi. Tiểu Song nhìn tôi. Nhìn thật lâu, mắt rướm lệ, hôm ấy tôi không nói. - Chị Thi Binh, chị không giận em nữa chứ ? Từ rày nếu có chuyện gì xảy ra, dù có ở gần bên nhau hay đã xa nhau, chúng ta mãi mãi là chị em phải không chị Binh. Tôi cũng xúc động muốn khóc. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau giống như cái hôm đầu tiên Tiểu Song đến nhà. Có điều, tâm trạng của tôi lại buồn vui lẫn lộn. Tiểu Song đúng ra phải là người mang họ Chu mới phải. Và chỉ mấy ngày sau, một buổi tối Tiểu Song đưa Lư hữu Văn về nhà. Hôm ấy vắng mặt anh Thi Nghiêu. Lư hữu Văn ngồi giữa phòng khách vẫn gương mặt rạng rỡ dáng tự tin. Chúng tôi mời Văn ở lại ăn cơm tối và trong bữa cơm đó, Văn lại huyên thuyên về chuyện văn học nghệ thuật với cha, cái gì Văn cũng tỏ ra am hiểu, mãi khi đến mười giờ anh Thi Nghiêu mới về tới. Vừa nhìn thấy anh Nghiêu, Văn đứng dậy chào hỏi rất lịch sự. - Chào ông phó giám đốc. - Không dám. Chào ông. Hai người dùng tiếng ông thật khách sáo. Anh Nghiêu không ở lại với chúng tôi để nói chuyện, mà đi về phòng riêng của mình, trước khi tôi thấy anh liếc nhanh Tiểu Song và Tiểu Song chớp mắt quay về hướng khác, dường như tôi nghe có tiếng thở dài và anh Nghiêu bước khập khễnh đi vào trong. Tôi nhìn theo và chợt cảm nhận một sự cô đon lạc loài, buồn bã của người thất trận. Khi quay lại tôi cũng thây mẹ đang yên lặng nhìn theo Nghiêu, ánh mắt thương yêu lo lắng và một chút thương xót. Khi anh Nghiêu đã vào phòng. Phòng khách trở lại không khí nói cười vui vẻ như cũ, như sự hiện diện của Thi Nghiêu có hay không cũng chẳng là một sự bận tâm. Cha đem trò đố chữ ra đố và Hữu Văn đáp ứng rất hòa hợp, mặc dù anh ta không hoàn toàn giải đáp hết. Thái độ hòa nhã của Văn khiến cha rất vui lòng, tôi còn nhớ trước khi vào phòng nghỉ, cha còn nói: - úng là một thanh niên ưu tú Tôi nghĩ không biết lúc nói câu đó, cha có quên đi bóng dáng của thằng con trai làm nên sự nghiệp của cha trong phòng riêng không? Hôm ấy Tiểu Song... rất lặng lẽ, suốt buổi tối cô ta chỉ yên lặng ngồi cạnh Hữu Văn nhìn anh chàng với đôi mắt say sưa. Và khi tất cả những người lớn đã về phòng. Anh Lý Khiêm và chị Thi Tinh đi tìm chỗ khuất để tâm sự thì phòng khách chỉ còn lại tôi Vũ Nông và Tiểu Song với Văn. Bấy giờ ngoài cửa sổ, bầu trời của đêm hè đang lấp lánh đầy sao, tiếng côn trùng trong các lùm cây ngoài sân thi nhau gọi bạn và xa xa là tiếng gõ nhịp của anh bán mì gọi khách. êm mùa hè với bao âm thanh rộn rã. Lư Hữu Văn nắm lấy tay Tiểu Song nói. - Tiểu Song chúng ta ra ngoài dạo một tí đi. Tiểu Song, quay lại nhìn chúng tôi và tôi nói: - Cứ đi đi tôi sẽ trông cửa cho. Tiểu Song ngoan ngoãn đi theo Lư hữu Văn. Tôi bước đến bên cửa sổ nhảy lên thành cửa bắt chéo chân ngồi. Ngoài sân cảnh vật êm đềm có mấy con đom đóm đang lấp lánh trên những cánh hoa hồng, gió mùa hè thổi nhẹ lay tóc tôi. Với một tâm trạng mơ màng tôi nghĩ bâng quơ đủ thứ. Vũ Nông bước tới lúc nào không hay. Chàng kéo tôi ngã vào người chàng với giọng ru êm: - Em nghĩ gì đấy Thi Binh dễ thương của anh? Tôi đưa đầu vào vai chàng nói: - Có phải chăng mỗi người đều có hạnh phúc riêng của mỗi người? Vũ Nông nói. - Mỗi người cũng có cái bất hạnh riêng của họ. Và không hiểu tại sao câu nói của chàng làm tôi rùng mình. Khi Vũ Nông từ giã ra về, tôi mở rộng cửa đưa chàng ra. Và trước mắt tôi là Tiểu Song với Lư hữu Văn họ đang đứng tựa người vào một thân cây lớn. Họ đang ôm nhau với môi trên môi. Ánh trăng xuyên qua tạo thành một khung ảnh mờ ảo.