watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
17:41:1318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Lưu Công Kỳ Án 101 - 125 - Trang 5
Chỉ mục bài viết
Lưu Công Kỳ Án 101 - 125
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Tất cả các trang
Trang 5 trong tổng số 13
 

Hồi 111

Thấy ngự trang, đi lầm vào hộ quốc tự
Lạy cha nuôi, vào triều tố cáo quốc thái

Lại nói chuyện ngôi chùa lớn này là Hộ Quốc Tự. Trụ trì trong chùa là Đại lạt ma A Di Di, vốn là thế thân của Hoàng đế Ung Chính. Tả Liên Thành lại lầm tưởng Hộ Quốc Tự là bên ngoài Ngọ Môn của điện Kim Loan nên đã quỳ trước cửa chùa, lớn tiếng kêu oan. Đám tăng sĩ trong chùa ra xem, thấy một đứa nhỏ đang quỳ trước cửa, kêu oan không ngừng, miệng nói:
- Mong Vạn tuế gia phân xử giúp.
Trong đám lạt ma có một vị hay cười đùa, đưa tay chỉ Tả Liên Thành, miệng nói:
- Chú bé, ngươi kiện ai? Mau nói rõ, ta sẽ đứng ra phân xử cho.
Tả Liên Thành vội nói:
- Vạn Tuế gia, tiểu dân kiện tuần phủ Sơn Đông Quốc Thái.
Đám lạt ma nghe vậy ai cũng tặc lưỡi, nói:
- Vụ này quá lớn, phải vào bẩm với sư phụ mới được.
Lạt ma quản sự xoay mình đi vào trong, tới thiền phòng, quỳ xuống bẩm, nói:
- Bẩm sư phụ. Bên ngoài có một đứa bé khoảng mười hai, mười ba tuổi từ nơi khác tới, quỳ trước cửa chùa, miệng hô vạn tuế kêu oan không ngừng. Hỏi nó kiện ai, nó nói kiện tuần phủ Sơn Đông là Quốc Thái. Nay xin vào báo cho sư phụ biết.
Đại lạt ma nghe báo, xuống khỏi thiền sàng, đi thẳng ra cửa chùa. Đám lạt ma vội hành lễ nghênh đón. Tả Liên Thành ngẩng đầu nhìn lên, thấy một người đội mũ vàng chói lọi, mình mặc tấm áo vàng óng, lưng thắt giải nhung vàng, chân mang hài quan, tay chống long đầu quản trượng. Thấy vậy, nó nghĩ thầm:
- Đám kia chỉ là những kẻ để Hoàng thượng sai bảo, ông này mới là Hoàng thượng đích thực!
Đại lạt ma nói:
- Chú bé, ta không phải là Hoàng thượng. Ta chỉ là một lạt ma.
Tả Liên Thành hỏi:
- Lạt ma là thứ gì vậy?
Đại lạt ma giận dữ, quát mắng:
- Ta thấy ngươi tuổi trẻ vô tư, không biết gì nên không trách tội. Ta vốn là người xuất gia. Giờ ta hỏi ngươi, nhà cửa ở đâu, tên họ là gì, có nỗi oan gì, kiện ai? Người phải nói cho rõ, ta còn biết đường phân xử giúp ngươi.

Tả Liên Thành nghe vậy, nghĩ thầm : người này hẳn là kẻ hầu hạ Hoàng thượng, rất được người yêu quý. Nay ta kể rõ nỗi oan của mình cho ông ấy nghe, ông ấy tất sẽ thay ta chuyển lên Hoàng thượng. Vậy cũng xong. Nghĩ xong, dập đầu lạy, miệng nói:
- Đại sư phụ, tiểu nhân sống tại tiểu gia trang cách Tây thành huyện Ân tám dặm thuộc huyện Đông Xương, tỉnh Sơn Đông. Tiểu nhân họ Tả, tên gọi Liên Thành. Bởi cha tiểu nhân giúp dân khẩn cầu đã khiến cho tuần phủ Sơn Đông là Quốc Thái nổi giận, chém đầu cha tiểu nhân thị chúng. Bởi vậy, tiểu nhân mới lên kinh, kiện ông ta.
Đại lạt ma nghe xong, sững người nghĩ thầm: "Thằng nhãi này lá gan cũng không nhỏ, dám đi kiện cả hoàng thân, quốc thích. Quốc Thái chính là thí chủ lớn của chùa ta, ta không biết thì thôi. Biết rồi, ta không thể bỏ qua. Nay thằng nhãi này đã tới đây, ta phải giữ nó lại chùa, làm rõ mọi chuyện mới được".
Nghe xong, nói:
- Chú nhỏ, bên ngoài chùa này không phải là nơi nói chuyện. Hãy vào thiền phòng kể rõ cho ta nghe. Như vậy, ta mới có thể kêu oan giúp chú.
Tả Liên Thành nghe vậy, vội vàng đứng dậy, xách theo tay nải đi vào chùa. Đại lạt ma liếc mắt làm hiệu, lại nhếch mép, hướng về phía cổng chùa khẽ gật đầu. Đám lạt ma lập tức hiểu ý vội đóng chặt cửa chùa lại. Tả Liên Thành chẳng khác gì nằm mộng, đâu biết rằng lũ lạt ma này có ý xấu, bèn theo bọn chúng vượt qua ba tầng đại điện, tới trước thiền đường. Chỉ thấy Đại lạt ma tiến vào thiền phòng, ngồi lên tấm bồ đoàn vàng rực, đám lạt ma đứng sang hai bên. Lại có cả mấy tên khác đứng bên ngoài thiền phòng. Tả Liên Thành không dám chậm trễ, vội tiến vào thiền đường, quỳ xuống, dập đầu lạy, miệng nói:
- Tiểu dân oan uổng.
Đại Lạt ma không thích nghe câu này, vội xua tay, miệng hét lớn:
- Giỏi cho tên nghiệp chướng ngươi mới mười hai, mười ba tuổi đầu lại dám lên kinh tố cáo tuần phủ. Đợi lớn thêm vài tuổi nữa, ngươi hãy đi gặp Hoàng thượng mà tố cáo.
Rồi quay sang dặn dò đám đồ đệ:
- Giam thằng nhãi này vào chuồng ngựa.
Đám lạt ma tuân lệnh, vội xông lên, tóm lấy Tả Liên Thành, đứa lôi đứa kéo, dẫn nó tới tầu ngựa, dùng dây thừng trói gô nó lại, treo lên. Chỉ thấy Đại lạt ma tay xách roi da tiến vào chuồng ngựa, vung roi, quật đen đét vào Tả Liên Thành. Đánh đến nỗi khắp mình Tả Liên Thành sưng vù lên. Không nén nổi đau đớn, nó kêu khóc, gào thét không ngừng. Luôn miệng thỉnh cầu:
- Phật tâm từ bi, xin tha cho con trẻ vô tri. Từ nay vĩnh viễn không dám tố cáo tuần phủ Quốc Thái nữa.
Đại lạt ma nghe vậy, cơn tức giận không biết từ đâu kéo tới ầm ầm, cho tay vào mình, rút soạt ra một con dao nhỏ, định giết Tả Liên Thành.
Thổ địa chùa này thấy vậy, cuống lên, vội sai quỷ tốt mang lời của Tả Liên Thành chuyển tới tai Nhị lạt ma đang ở trong dãy thiền đương thứ hai. Vị Nhị lạt ma chợt nghe thấy tiếng trẻ con khóc, trong lòng thầm oán trách, nghĩ: Sư huynh của mình tính tình không tốt. Chắc có đứa đồ đệ nào mắc lỗi nên bị ông ta đánh đập đây. Chợt lại nghe thấy tiếng khóc cất lên vô cùng gấp gáp. ông ta đành phải đứng dậy, lần theo tiếng khóc tới trước tầu ngựa. Thấy một đứa trẻ bị trói treo lủng lẳng trong đó, lại thấy sư huynh tay cầm dao muốn giết nó, trong lòng vô cùng buồn bực, vội kêu lên:
- Sư huynh, xin hãy dừng tay!
Đại lạt ma nghe vậy, vội ngừng tay lại, đưa mắt nhìn qua.
Thấy Nhị lạt ma sắc mặt lộ vẻ không vui. Nhị lạt ma hỏi:
- Cớ sao lại muốn giết đứa bé này?
Đại lạt ma kể lại một lượt câu chuyện. Nhị lạt ma nghe xong, trong lòng cảm thấy không vui, nói:
- Sư huynh, huynh sai rồi. Nghĩ lại trước đây Quốc Thái làm tuần phủ ở Sơn Đông, dối vua, làm toàn điều tệ hại, ức hiếp, làm hại dân chúng. Dân chúng kiện lên tận Hoàng thượng. Vạn tuế gia nổi giận, điều Quốc Thái về kinh trị tội. Phạt đày hắn tới làm tuần binh tại xưởng Lam Định tại Nam Kinh. Lúc ấy Lại bộ thượng thư Lưu thí chủ dâng liền ba bản tấu, xin cho Quốc Thái được phục hồi quan chức, lần thứ hai được bổ nhiệm làm tuần phủ Sơn Đông. Lưu lại bộ tiễn Quốc Thái đi nhậm chức, tới chân cầu treo, kính hắn ba chén rượu, cầu xin hắn chăm lo cho quê hương của ông ta, lại luôn miệng dặn dò. Chẳng ngờ hắn lại phụ lòng tốt của Lưu thí chủ, hãm hại dân chúng Sơn Đông. Vậy mà sư huynh lại đem lòng bảo vệ Quốc Thái. Xin hỏi, chú bé này có thù hận gì với sư huynh?

Đại lạt ma nói:
- Không thù, không oán.
Nhị lạt ma nói:
- Đối với nó, không thù, không oán, tại sao sư huynh lại hãm hại nó? Vậy là lý gì? Hãy mau thả đứa nhỏ xuống.
Đại lạt ma nghe vậy, mặt lộ sắc giận nói:
- Chuyện này không do ngươi quyết được!
Nhị lạt ma túc giận, nói:
- Hay, hay, hay. . . !
Tiến tới một bước, nắm lấy áo Đại lạt ma, nói:
- Hai chúng ta hãy vào triều diện kiến Hoàng thượng, xem ai đúng ai sai. Tới điện Kim Loan sẽ tranh cãi! Đi... Đi... Đi... Mau đi thôn
Đại lạt ma thấy vậy, nghĩ thầm:
- Không ổn! Sư đệ của ta từ trước tới nay, chưa bao giờ nổi giận như vậy. Nếu hôm nay nó tâu rõ chuyện này với Hoàng thượng, ta đã mắc sai lầm lớn rồi!
Vội thay đổi sắc mặt, nở nụ cười, nói:
- Sư đệ chớ nên làm vậy. Ta giao đứa trẻ này cho đệ, muốn xử trí ra sao mặc kệ. Chớ làm tổn thương hào khí sư huynh, sư đệ chúng ta.
Nói xong, quay trở lại thiền phòng.
Nhị lạt ma dặn dò lũ đồ đệ thả đứa nhỏ xuống. Lũ tiểu lạt ma vội chân năm, tay mười, hạ Tả Liên Thành xuống, đặt nằm trên nền đất nghỉ ngơi. Nhị lạt ma lại sai tiểu lạt ma khiêng Tả Liên Thành tới hậu thiền phòng, đặt nằm lên giường. Nghỉ ngơi một hồi, thấy đã khá hơn. Nhị lạt ma hỏi:
- Tiểu thí chủ, chú nhà ở đâu? Tên họ là gì? Cớ sao lại vào kinh kiện cáo?
Tả Liên Thành liền kể cho ông ta nghe tên họ, nhà cửa và chuyện cha mình bị hại một lượt. Kể xong, nói:
- Sư phụ, xin hãy thương xót lấy tám mươi hai đời tổ phụ, bảy mươi chín đời tổ mẫu của con. Con nhỏ vô tri, cầu xin sư phụ mở lòng từ bi cứu mạng. Nếu không, nhà họ Tả sẽ bị tuyệt hậu, hết người hương khói.
Nói xong, cất tiếng khóc ròng. Nhị lạt ma nghe xong, cảm thương vô cùng, nói:
- Tiếc rằng ta với người không họ hàng thân thích, cũng không quan hệ qua lại. Ta sao thể báo thù rửa hận cho ngươi?
Tả Liên Thành vội bò dậy, quỳ xuống trước mặt Nhị lạt ma, miệng hô:
- Bẩm cha, con nuôi xin được lạy người.
Nói xong lạy luôn bốn lạy. Nhị lạt ma vô cùng vui vẻ, vội đỡ Tả Liên Thành dậy, dặn đám tiểu lạt ma:
- Sai nhà bếp chuẩn bị cơm cho con nuôi ta ăn.

Tiểu lạt ma nhận lệnh, đi ra. Nhị lạt ma lấy thuốc giảm đau ra, sai Tả Liên Thành bôi vào vết thương. Không lâu sau, cơm nước đã nấu xong. Tả Liên Thành ăn một bữa no nê. Lúc này, sắc trời đã tối, đèn được thắp lên. Dùng trà xong, hai cha con mới đi ngủ.
Trống điểm canh năm, Nhị lạt ma xoay mình trở dậy, gọi Tả Liên Thành, nói:
- Con nuôi mau trở dậy, theo nghĩa phụ vào triều dâng đơn kiện.
Rồi dặn dò đám tiểu lạt ma chuẩn bị xe, kiệu. Không lâu sau, cỗ kiệu Thập Nhị Thái Bảo và một cỗ xe đã được chuẩn bị xong. Nhị lạt ma và Tả Liên Thành cùng ra khỏi Hộ Quốc Tự. Tả Liên Thành thấy bên ngoài cửa chùa có một cỗ xe bóng loáng bằng gỗ Tử Đàn quốc sơn đỏ rực, có rèm che bốn phía bằng vải vàng thêu hoa, trong xe được vây bằng lụa điều, có hai cửa sổ bịt bằng kín. Bốn con ngựa kéo xe đều cao to, màu hạt dẻ, cương nhung hàm thiếc vàng. Hai cha con bước lên xe kiệu, một tên tiểu lạt ma đánh xe. Sau một tiếng quát, xe chạy như bay, chỉ trong chớp mắt đã tới Tây Hoa Môn. Tới trước Tây Hoa Môn, xuống xe.
Tả Liên Thành theo Nhị lạt ma đi về hướng Đông. Nó nhìn trộm, thấy hai bên bày đầy giá treo đao, thương. Có rất nhiều hộ vệ tay cầm cung, đao tuốt trần vô cùng oai phong. Không lâu sau đã tới triều phòng. Nhị lạt ma dẫn Tả Liên Thành, không vào triều phòng bên Đông mà vào thẳng triều phòng bên Tây. Vừa ngồi xuống, đã thấy một viên quan lớn từ bên ngoài đi vào đàng trước có một chiếc đèn lồng lớn, trên đó viết: "Thái hậu ngự nhi Càn điện hạ Lại bộ thượng thư Lưu”. Tới bên ngoài tiểu phòng phía Đông, dừng kiệu. Qua ánh đèn, thấy ông ta đầu đội mũ quan nhất phẩm, lại mắt sáng lóng lánh, mình mặc triều phục kim giải, ngoài khoác áo bào vàng, trước ngực đeo xâu chuỗi, chân mang triều hài, bước thẳng vào triều phòng phía Đông. Nhị Lạt ma vừa thấy ông ta, vội gọi:
- Con nuôi, con hãy nhìn người vừa vào triều phòng phía Đông kia, ông ta chính là đồng hương của con, Lưu lại bộ đó.
Văn võ khắp triều, ông ta đứng hàng đầu. Con còn không mau tới đó kiện Quốc Thái. Con hãy mạnh dạn chớ sợ. Có cha nuôi đây sẽ đứng ra nói giúp.
Tả Liên Thành nghe xong, vội bước sang gian triều phòng phía Đông, hướng vào bên trong, luôn miệng kêu vang:
- Tiểu nhân bị oan!
Lưu đại nhân lừa ngồi xuống, chợt nghe bên ngoài có tiếng trẻ con kêu oan, bất giác giật mình, dặn dò Lưu Anh, Trương Thành:
- Mau ra gọi người kêu oan vào.
Lưu An, Trương Thành tuân lệnh, dẫn Tả Liên Thành vào triều phòng. Tả Liên Thành quỳ xuống, lạy bốn lạy, miệng kêu:
- Oan quá!
Lưu đại nhân đưa mắt nhìn xuống đứa trẻ đang kêu oan, thấy nó khoảng mười hai, mười ba tuổi, đầu đội chiếc mũ nhung màu xám, có quả gù đỏ. Mình khoác áo màu lam, chân đi giầy vải tất vải màu trắng, tiền đình đầy đặn, địa các tròn, mày sáng, mắt trong, răng trắng, môi hồng, không giống với dáng vẻ của con nhà nông, chắc hẳn phải là con nhà có học, trong lòng nghĩ thầm: "Đứa bé này đã tới triều phòng kêu oan, chắc chắn phải do ai đó dẫn tới đây, bảo nó tới kêu oan với ta". Rồi vờ giận dữ, đưa tay chỉ Tả Liên Thành, miệng quát vang:
- Giỏi cho thằng nhãi ranh, dám tới triều phòng kêu oan. Ngươi được mấy tuổi mà dám tới chốn Bát bảo Cửu Long Đình này kiện cáo. Thực lá gan ngươi chẳng nhỏ. Mau đuổi cổ nó ra khỏi triều phòng.
Còn chưa dứt lời, chợt thấy một người từ bên ngoài triều phòng bước vào. Lưu lại bộ ngẩng đầu trông lên. Thấy ông ta là Nhị lạt tha của Hộ Quốc Tự, lập tức mời ngồi, chào hỏi lẫn nhau. Vừa ngồi xuống yên ổn, Nhị lạt ma đã nói:
- Lưu thí chủ. Vốn vẫn được nghe tiếng Lưu thí chủ là viên quan tận trung với nước, không tham lam, không nhận hối lộ, yêu dân như con. Người ta thường nói: "Làm quan không phán xử cho dân, thực uổng tước lộc vua ban".
Lưu đại nhân nghe vậy, biết ngay đứa trẻ con kia do ông dẫn tới đây. Lưu lại bộ liền nói:
- Nhị lạt ma, nghe ông nói vậy, chắc hẳn thằng nhãi kia là do ông dẫn tới đây kiện cáo? Đâu phải bản đường không chấp nhận đơn kiện của nó. Đuổi nó ra khỏi triều phòng, chỉ vì nó mới mười hai, mười ba tuổi, đã dám xông vào triều phòng kêu oan. Nếu nó lớn tiếng kêu gào, làm kinh động thánh giá, thử hỏi, ai dám đứng ra chịu trình nhiệm? Thứ hai là vì nó là một đứa trẻ ranh đã dám vào triều phòng dâng cáo trạng. Nếu lớn thêm vài tuổi nữa, chắc nó đám xông vào Cửu Long Đình mà kiện mất. Tuổi còn nhỏ nhưng lá gan không hề nhỏ.

Nhị lạt ma nói:
- Xin Lưu thí chủ bớt giận. Thằng bé Tả Liên Thành này được ta nhận làm con nuôi, vốn là đồng hương của Lưu thí chủ. Xin ngài hãy mở lượng hải hà.
Lưu lại bộ nói:
- Nếu đã vậy, hãy cầm đơn kiện của thằng bé lên đây.
Tả Liên Thành nghe hỏi tới đơn kiện vội xé vạt áo ra, lấy lá đơn kiện quỳ xuống, dâng lên. Lưu An nhận lấy, trải lên mặt án thư. Lưu lão đại nhân xem kỹ một lượt từ đầu đến cuối, nói:
- Quốc Thái cậy có ô to, dù lớn, dám làm càn tại đất Sơn Đông ư?
Nhị lạt ma đứng bên cạnh nghe Lưu đại nhân nói Quốc Thái cậy có chỗ dựa vững chắc, làm điều xằng bậy, biết ngay ý Lưu đại nhân có ý không muốn nhận đơn kiện, liền nói:
- Lưu thí chủ. Đọc đơn kiện rồi lẩm bẩm tự nói một mình, thấy kẻ bị kiện là tuần phủ Sơn Đông Quốc Thái, ông bèn trầm ngâm, không nói gì. Xem ra, chắc ông sợ Quốc Thái Có chỗ dựa vũng chắc hẳn? Nay ta dẫn con nuôi ta tới đây tố cáo hành vi của Quốc Thái, tưởng rằng ông đủ khả năng chế ngự hắn. Lưu gia ngài làm Lưu Đại nhân, tận trung báo quốc. Xin hỏi, có phải cha ngài là Lưu Thống Huân, là nguyên lão ba triều xưa hay không?
Không biết Nhị lạt ma còn nói gì nữa? Mời xem hồi sau sẽ rõ.

Hồi 112

Nơi triều phòng, kêu oan rửa sạch hận
Cửu long thành, phân xử rõ thị phi

Bần mạc ưu sầu, phú mạc khoa,
Tùy thụy trường bần cửu phú gia
Thảo mộc kinh thu hoàng diệp lạc.
Mỗi ngộ xuân lai hựu phát nha.


Dịch thơ:
Giàu chớ khoe khoang, khó chớ sầu
Ai người giàu mãi hoặc nghèo lâu
Thu sang cây cỏ vàng rơi lá
Xuân đến mầm xanh lại nhú đầu.
Lại nói chuyện Nhị lạt ma nói:
- Lưu thí chủ, Lưu Thống Huân cha ngài vốn là lão thần ba triều, xin từ quan, Hoàng thượng không cho. Lưu lão đại nhân là người trung thần thời nay, không muốn để ba anh em ngài làm quan vì sợ ba anh em ngài sau khi làm quan sẽ tham ô nhận hối lộ, để lại tiếng xấu, làm hỏng thanh danh của cha ngài. Ông ta về nhà, ngồi trong thư phòng, nghĩ ra một kế tuyệt diệu, cho gọi ba anh em ngài tới thư phòng, nói: "Ngày mai hãy mặc quần áo đỏ lên điện, Vạn tuế gia sẽ ban cho tước". Hai người anh của ngài nóng lòng muốn được làm quan, đã mắc phải kế của cha ngài. Canh năm hôm sau, cha ngài lên điện, dâng một bản tấu, viết: "Nay có ba tên phản tặc, phụng mệnh ngoại bang xin được vào yết kiến thánh thượng để bày kế phản gián. Ba tên này đều mặc áo đỏ. Nếu chúng vào triều, xin chớ để chúng kịp nói gì, lập tức sai thị vệ lôi cả ba đứa ra ngoài, chém đi là xong. Thần tất cả chỉ vì chuyện nghĩ kế an bang, khiến quốc thái, dân an nên mới làm vậy." Hoàng thượng tin là thực, chuẩn y bản tấu của cha ngài. Khi trời còn chưa sáng hẳn, anh cả, anh hai của ngài đã mặc áo đỏ vào triều, xin được diện kiến thánh giá, một lòng mong được thăng quan, ban tước. Chẳng ngờ còn chưa được lên điện, Hoàng thượng đã nổi trận lôi đình lệnh cho thị vệ bắt trói hai kẻ mặc áo đỏ lại, lôi ra ngoài ngọ môn xử chém. Đám thị vệ tuân chỉ, chém đầu hai người ấy. Lưu thí chủ khi ấy cũng mặc áo đỏ, định lên điện phân giải, hỏi xem hai người anh của ngài tại sao lại bị chém đầu? Còn chưa kịp vào gặp Hoàng thượng, đã bị thị vệ bắt lấy, đẩy ra Ngọ môn, trói vào cột, đợi hành hình. Có một vị thái giám hay tin, vội chạy vào cung bẩm rõ với Hoàng thái hậu trong cung Khánh Thọ. Hoàng thái hậu hay tin, vô cùng kinh hãi, vội vã tới ngõ Chợ rau, tháo chuỗi hột ra, đeo vào cổ Lưu thí chủ, lại dặn ngài rằng: "Sẽ không có bất kỳ một thanh đao nào, thanh kiếm nào dám chém vào cổ Lưu Dung". Rồi nhận ngài làm con nuôi. Xem ra, chỗ dựa của ngài còn vững hơn cả Quốc Thái. Nếu ngài không nhận đơn kiện, chắc chắn ngài đã bị Quốc Thái mua chuộc, hoặc ngài có làm điều gì mờ ám. Thực đáng để người đời nghi ngờ, chê cười lắm".
Lưu lại bộ nói:
- Nhị sư phụ, ông không cần dùng lời châm chọc tôi, tôi nhận lá đơn kiện này là xong chứ gì?
Nhị lạt ma nói:
- Lưu đại nhân đã nhận đơn kiện của con nuôi tôi thì tôi xin giao nó cho ngài chăm sóc. Nếu xảy ra chuyện gì, chúng ta sẽ tính sổ với nhau.
Lưu lại bộ nghe vậy, mỉm cười nói:
- Nhị sư phụ, xin ngài yên tâm. Lưu mỗ đâu phải loại người ấy.

Nhị lạt ma nghe vậy, trong lòng vui mừng, tạm biệt Lưu lại bộ, ra ngoài Ngọ Môn, lên xe trở về chùa.
Lại nói Lưu lại bộ dặn dò Lưu An, Trương Thành dẫn Tả Liên Thành lui xuống, dặn dò nói:
- Chăm sóc cho cẩn thận, chớ làm khó dễ nó.
Hai người ứng tiếng:
- Dạ! rồi dẫn Tả Liên Thành đi ra.
Lại nói chuyện Lưu lại bộ ngồi trong triều phòng, trong lòng thầm căm hận Quốc Thái. Chợt thấy từ ngoài Ngọ Môn, một viên đại thần bước vào. Trước ông ta là hai ngọn đèn lồng, trên đó viết: "Chưởng quản bốn mươi tám vạn hộ kinh binh bộ quân thống lĩnh Cửa môn đề đốc Hòa". Thì ra Hòa Thân đã vào triều. Lưu lại bộ chợt thấy cái lưng gù của mình kêu lục cục, lập tức nảy ra một kế.
Quý vị độc giả hẳn còn chưa biết: Cái lưng gù của Lưu đại nhân thực là một món bảo bối. Trong đó chứa bảy mươi hai hạt ngọc quý. Hễ nó vang lên tiếng động, lập tức ông ta nảy ra kế lạ.
Lại nói chuyện Lưu lại bộ thấy Hòa Thân tiến vào gian triều phòng phía Tây, lập tức cất tiếng gọi:
- Hòa đại nhân, ngài hãy qua bên này. Ta ngồi đây thực buồn quá. Thầy trò ta ngồi nói chuyện một chút, không biết có được không?
Hòa Thân nghe vậy, trong lòng chợt nghĩ thầm:
- Thầy đã gọi, ta không thể không tới: Nếu không tới, trách tội ta, ta thực không thể gánh vác nổi. Ta đành phải tới đó, chỉ cần xác định rõ lập trường, quyết không để mắc lừa là được.
Trong lòng nghĩ vậy, chân bước sang gian triều phòng phía Đông, gặp Lưu công, miệng nói:
- Bẩm thầy, học trò Hòa Thân xin có lời thỉnh an.
Chắc hẳn quý vị sẽ nói:
- Hừ, sao Hòa Thân lại phải gọi Lưu lại bộ là thầy?

Quý vị hẳn còn chưa biết. Hai người bọn họ trong cung, hàng ngày lên điện dâng bản tấu. Hết Lưu trung đường dâng tấu hạch tội Hòa Thân lại tới Hòa Thân dâng tấu hạch tội Lưu lại bộ khiến cho Vạn tuế gia vô cùng khó xử. Nếu nghe theo bản tấu của Lưu trung đường xét tội của Hòa Thân thì Hòa Thân là Cửu môn Đề đốc, trưởng quản bốn mươi tám vạn quân trong kinh thành, lại là thủ tướng, vốn là người thân tín nhất của Hoàng thượng. Còn nếu tin theo bản tấu của Hòa Thân, Lưu trung đường là con nuôi của lão Thái hậu, cũng không thể sờ tới. Chi bằng giải hòa cho cả hai người. Rồi Vạn tuế gia giáng một đạo thánh chỉ, lệnh cho Hòa Thân phải bái Lưu Dung làm thầy, sai Lưu Dung nhận Hòa Thân làm trò. Nếu sau này còn lên đại điện dâng bản tấu hạch tội lẫn nhau nữa thì Hòa Thân sẽ bị khép vào tội phạm thượng. Do đó, Hòa Thân mới phải tới chào Lưu Dung.
Lưu lại bộ nói:
- Hòa đại nhân, mời ngồi!
Hai thầy trò cùng ngồi xuống. Lưu lại bộ cất tiếng ho khan. Hòa Thân khẽ giật mình, nghĩ thầm: "Lưu Dung ngươi muốn bày kế gì thì bày. Ta quyết không để mắc bẫy đâu”. Chẳng còn cách nào khác đành phải hỏi:
- Hà cớ gì thầy phải ho hắng, thở than như vậy?
Lưu lại bộ nói:
- Quan trong triều, ai được coi là người lớn nhất?
Hòa Thân nghe vậy cười, nói:
- Thầy lẫn mất rồi! Luận về quan chức trong triều, thầy trò ta được coi là đứng đầu.
Lưu lại bộ nói:
- Nay đâu giống như khi xưa. Nay thầy trò ta không phải là người cao nhất nữa rồi.
Hòa Thân hỏi:
- Kẻ nào đòi lên trên thầy trò ta?
Lưu lại bộ nói:
- Nay người cao nhất phải kể tới em họ của ngài. Vạn tuế gia cho phép ông ta cưỡi ngựa vào triều, chưa tới thềm vàng, chưa phải xuống ngựa. Gặp bá quan văn võ trong triều, cửu khanh, tứ tướng, bát đại triều thần đều không thèm chào, mặt vênh vênh tự đắc.

Hòa Thân mỉm cười nói:
- Em họ của trò là Quốc Thịnh gặp bá quan văn võ trong triều, có thể nó không chào. Nhưng nếu gặp thầy trò ta, chắc chắn phải xuống ngựa!
Lưu lại bộ nói:
- Nếu ông ta gặp thầy trò ta vẫn không xuống ngựa, đại nhân và ta cũng chẳng thể làm gì!
Hòa Thân nói:
- Thưa thầy, trò bảo hắn sẽ xuống ngựa. Nếu thầy nói hắn không xuống ngựa chào, thầy trò ta thử sẽ biết ngay.
Lưu lại bộ hỏi:
- Thử thế nào?
Hòa thủ tướng nói:
- Nếu thấy thầy trò ta mà hắn xuống ngựa, coi như thầy đã thua, trò đã thắng. Thầy sẽ mời đoàn kịch lớn nhất kinh thành tới trước cửa nhà trò ca hát hai ngày liền. Ăn uống, tiêu phí hết bao nhiêu, thầy sẽ phải trả. Nếu hắn gặp thầy trò ta mà không xuống ngựa, coi như thầy thắng, trò đã thua. Trò sẽ mời đoàn kịch lớn nhất kinh thành tới trước cửa nhà thầy ca hát hai ngày. Mọi món ăn uống, chi tiêu hết bao nhiêu sẽ do trò trả.
Lưu lại bộ nghe vậy, mỉm cười nói:
- Thì ra chỉ là chút cá cược ấy thôi sao? Nhỏ quá.
Hòa thủ tướng nói:
- Nếu thầy còn chê cá cược như vậy là nhỏ. Thầy trò ta sẽ treo giải thế này vậy. Nếu ai thua, sẽ mất ba túi đầy bạc cho người thắng. Thế nào?
Lưu lại bộ nghe vậy, nói:
- Ngài là thủ tướng, lại là cửu môn đề đốc, trong tay có bốn mươi tám vạn quân hộ kinh. Tới kỳ lĩnh lương, mỗi binh sĩ chỉ cần nộp cho ngài một, hai phân bạc là ngài đã có dư số tiền ấy rồi Còn ta, ngay cả tiền mua rau cho phủ cũng còn không có không chơi vậy.
Hòa Thân hỏi:
- Theo ý thầy thì phải cá thế nào?
Lưu lại bộ nói:
- Theo ý ta, phải cược bằng đầu người.
Hòa thủ tướng nghe vậy, khẽ rùng mình, nghĩ thầm:
- Cược bằng đầu người vốn là cược cực lớn. Ta và Quốc Thịnh vốn là anh em họ, nếu gặp ta, nhất định hắn sẽ xuống ngựa. Nếu ta thắng, tức là đã thắng được đầu của gã gù. Xem hắn ăn nói với ta sao đây?
Nghĩ xong liền nói:
- Thầy đã muốn đánh bằng đầu người, môn sinh xin đánh bằng ấn Đề đốc. Ta đánh cược nhé!
Lưu công nói:
- Nào, nào, nào! Chúng ta hãy vỗ tay.
Hòa Thân đưa tay ra, "bốp" một cái. Hai người vỗ tay với nhau. Lưu công nói:
- Cuộc cá cược này của hai ta đã quyết. Tay cũng đã vỗ rồi. Nhưng còn một việc nữa. Ngài với Quốc Thịnh là anh em họ. Nếu khi ông ta tới, ngài nhìn vào mặt ông ta, nháy mắt hoặc nhếch môi ra hiệu, tất ông ta sẽ hiểu ý. Hai ta cược với nhau, ông ta tất phải xuống ngựa. Vậy là ta đã bị thua oan rồi. Nhất thiết ông phải quay mặt về hướng Bắc, không được phép quay đầu lại. Đợi xem ông ta tới có xuống ngựa hay không? Vậy mới quyết được ai thua, ai thắng. Như vậy mới được coi là công bằng.
Hòa Thân gật đầu đồng ý.
- Không lâu sau đã nghe có tiếng vó ngựa vọng tới. Thì ra Quốc Thịnh đến. Hai thầy trò lập tức ngồi quay mặt về hướng Bắc. Quốc Thịnh nghênh ngang cưỡi ngựa vào triều. Thấy bên triều phòng phía Đông, anh họ và Lưu gù đều đang ngồi quay mặt về hướng Bắc, không biết họ đang bày trò gì với nhau. Vốn hiểu Lưu gù tính tình cổ quái, nên cách xa, chẳng nên gần. Quốc Thịnh bèn giật cương, thúc ngựa thẳng vào điện Kim Loan. Lưu lại bộ nói:
- Hòa thủ tướng, ông thua tôi rồi. Ông thấy không, Quốc Thịnh dương dương tự đắc, đi ngang qua hai ta.
Hòa Thân nghe vậy, thấy Quốc Thịnh đã đi qua mình, bất giác nổi giận đùng đùng, miệng kêu vang:
- Quốc Thịnh vô lễ, coi thường anh họ.

Miệng kêu, chân chạy vọt ra khỏi gian triều phòng phía Đông, đuổi theo Quốc Thịnh. Tới gần, vung tay tóm lấy Quốc Thịnh, lôi tuột xuống khỏi lưng ngựa khiến Quốc Thịnh bị đau, miệng không ngớt kêu la, nói:
- Anh họ, sao kéo tôi ngã xuống khỏi lưng ngựa. Ngã đau chết mất. Sao anh lại làm vậy?
Hòa Thân nói:
- Ta kéo ngươi xuống ngựa bởi vì ngươi vô lễ. Dám nghênh ngang cưỡi ngựa đi qua, trong mắt chẳng coi người anh họ ra gì.
Quốc Thịnh nói:
- Hoàng thượng trọng dụng, phong cho anh làm thủ tướng, còn tôi cưỡi ngựa vào triều bởi vì được Hoàng thượng ban ân. Cửu khanh, tứ tướng không ai chê tôi vô lễ, duy chỉ có một mình Hòa Sĩ Long anh trách tôi. Anh ép tôi quá đáng. Hai ta hãy tới trước mặt Hoàng thượng, nhờ người phân xử xem ai đúng, ai sai?
Nói xong, hai người kéo nhau lên điện.
Đúng lúc này vang lên hai tiếng roi đen đét. Hoàng đế Càn Long lên triều. Chợt thấy Quốc Thịnh, Hòa Thân đang lôi kéo nhau phía dưới, quỳ cả xuống dưới thềm son. Hòa Thân hô vang:
- Bẩm chúa thuợng! Quốc Thịnh vô lễ, gặp anh họ mà không chịu xuống ngựa, trong mắt không coi vương pháp ra gì.
Quốc Thịnh cũng quỳ xuống miệng hô:
- Bẩm chúa thượng. Thần thừa Hoàng ân cho phép được cưỡi ngựa vào triều. Hòa Thân vô lễ, kéo thần ngã xuống khỏi lưng ngựa, khiến thần bị ngã, bị thương khắp mình. Xin chúa thượng phân giải giúp.
Hoàng đế Càn Long nghe xong, sắc mặt giận dữ, nói:
- Con ngựa Quốc Thịnh cưỡi là do trẫm ban cho. Hòa Thân giữ chức thủ tướng mà coi thường kỷ cương, chẳng khác nào tội khi quân . Cách chức thủ tướng, lôi ra Ngọ Môn xử tội .
Đám hiệu úy vội vàng xông lên, lột bỏ áo mũ của Hòa Thân, trói lại, đẩy ra ngoài Ngọ Môn.
Chợt thấy Lại bộ thị lang Lưu Dung tay cầm xâu chuỗi, chầm chậm bước lên điện, miệng hô vang:
- Vạn tuế!
Rồi quỳ phục xuống thềm vàng, nói:
- Thần Lưu Dung có một bản tấu mồm, xin tấu lên Thánh thượng. Vùng Sơn Đông ba năm liền gặp thiên tai, không chút thu hoạch, lê dân lầm than, thây phơi đầy nội. Tuần phủ Sơn Đông là Quốc Thái lại dâng bản tấu về kinh, dối vua làm điều tệ hại, tàn hại lê dân, thúc đóng thuế gấp, lạm sát mười ba cử nhân, giám sinh của nhà nước. Thần bất tài cũng nguyện bảo hộ cho Hòa khanh, xin cho ông ta cùng thần tới Sơn Đông bắt Quốc Thái về trị theo phép nước. Nay có tiến sĩ Tả Đô Hằng người thôn Tả gia trang ở phía Tây thành, huyện Ân, thuộc phủ Đông Xương tỉnh Sơn Đông, nguyện thay dân chúng huyện Ân nộp thuế. Quốc Thái vu cho tiến sĩ tội mua chuộc lòng người, có ý làm phản nên đã giết tiến sĩ thị chúng. Hành vi ngông cuồng thể hiện quá rõ. Nay có đơn kiện của Tả Liên Thành làm bằng chứng, mong thánh thượng ngự lãm.

Rồi hai tay dâng lá đơn kêu oan lên. Hoàng đế Càn Lãnh đọc xong lá đơn kiện, lệnh cho Lưu Dung dẫn Tả Liên Thành lên điện, đích thân thẩm vấn. Lưu lại bộ lĩnh chỉ, lui xuống điện. Tới triều phòng lệnh cho Lưu An, Trương Thành dẫn Tả Liên Thành tội, dặn dò:
- Thánh thượng tuyên gọi cháu vào điện. Ta muốn cháu hãy vững tâm, chớ nên sợ hãi. Báo thù cho cha chính là lúc này đây.
Tả Liên Thành luôn miệng vâng dạ. Lưu công tiến dẫn Tả Liên Thành tới Cửu Long đình, quỳ xuống. Hoàng đế Càn Long lệnh cho Tả Liên Thành tiến lên mấy bước, thấy chú bé dâng đơn kiện tuổi mới độ mười một, mười hai, thiên đình đầy đặn, địa các tròn, mày thanh mắt sáng, răng trắng, môi hồng, trong lòng thầm nghĩ:
- Đứa bé này mai sau tất thành bậc kỳ tài.
Hoàng thượng hỏi mấy câu, Tả Liên Thành đều trả lời trôi chảy. Lúc này, Lưu lại bộ quỳ dưới thềm vàng, miệng hô:
- Bẩm thánh thượng. Xin hãy hạ chỉ cho phép thần tới Sơn Đông tra xét Quốc tuần phủ. Xin tha cho Hòa thủ tướng, phục hồi quan chức, để ông ta giúp thần tra xét rõ vụ này, lập công chuộc tội.
Hoàng đế Càn Long chuẩn tấu, lập tức hạ một đạo thánh chỉ xá tội cho Hòa Thân, truyền dẫn ông ta lên triều. Hòa Thân lên điện, tạ ân tha mạng. Hoàng đế Càn Long ra chỉ dụ:
- Hòa Thân vô lễ khi quân, tội đáng bị chém. Nay có lại bộ thượng thư là Lưu Dung dâng tấu bảo đảm. Lệnh cùng Lưu lại bộ tới Sơn Đông tra xét dân tình, lập công chuộc tội, phục hồi chức cũ, khâm thử.
Hòa Thân tạ ân, cùng Lưu Dung lui xuống điện. Lại ban cho Lưu Dung Thượng phương bảo kiếm, Vương mệnh kỳ, Tam nhật đồng tắc, có quyền tiền trãm hậu tấu, thấy Vương kỳ như thấy Hoàng thượng. Lưu Dung tạ ân, lui xuống. Bãi triều. Lưu Dung và Hòa Thân tới gian triều phòng phía Đông. Hòa Thân tạ ân thầy bảo lãnh. Lưu lại bộ nói:
- Hoàng thượng lệnh cho thầy trò ta xuống Sơn Đông tra xét chuyện dân chúng bị mất mùa. ông hãy tới Sơn Đông trước. Dọc đường đi ta còn phải dò xét chuyện trong dân. Thầy trò ta sẽ đợi nhau tại công quán phủ Tế Nam.

Bàn bạc xong xuôi, hai người chia tay, ai về phủ nấy, chọn ngày lành tháng tốt, vào triều xin chỉ thị xong xuôi. Hai thầy trò mỗi người dẫn theo một đám chấp sự cùng rời kinh. Binh mã, kiệu phu đi ra hướng cổng chính Nam. Qua phố lớn, phố nhỏ, qua cầu treo cùng ngồi uống trà. Qua quán hướng Tân, nhìn thấy tòa bảo tháp của huyện Lương Hương. Nghỉ lại trong công quán của huyện Lương Hương một đêm. Sáng hôm sau, cơm nước xong xuôi, Lưu công nói:
- Hai thầy trò ta chia tay tại đây. Ngài đi trước một bước, ta chầm chậm theo sau, còn phải tra xét chuyện trong dân.
Không biết chuyện sau này ra sau. Mời quý vị xem tiếp phần sau.

HOMECHAT
1 | 1 | 209
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com