watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
16:03:0318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Đoán Án Kỳ Quan Tập 3 14 - Hết - Trang 20
Chỉ mục bài viết
Đoán Án Kỳ Quan Tập 3 14 - Hết
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Trang 18
Trang 19
Trang 20
Trang 21
Trang 22
Trang 23
Tất cả các trang
Trang 20 trong tổng số 23

Chương 24

Giữ Khí Tiết Liệt Nữ Lưu Danh
Tham Sắc Đẹp Kẻ Ngu Chịu Tội


Khổng Dung che giấu Trương Kiệm, việc ấy bị phát giác, em và mẹ tranh nhau chết thay, cả nhà đã trở thành những người nghĩa hiệp, được đời đời ca ngợi. Sau này lại có nhà tham quyền ỷ thế, không có cương thường nghĩa, cha, con không đồng lòng, anh em không cùng tiết lẫm liệt, trở thành một loại. Những việc này do quyền lực ngăn chặn, mai một đi, không ai còn biết được nữa, ta hoàn toàn không muốn nó mất đi.
Ta thường ghi những sự việc tai nghe mắt thấy: có một người đàn bà chồng chết, không đi lấy người khác, đã vẽ bức ảnh chồng để dưới gối, hằng ngày ngắm nhìn chồng. Thế rồi có một người khác biết được nói, chẳng phải cô ta yêu chồng đâu, cô chỉ yêu sắc đẹp đấy thôi. Có một người dung mạo đẹp hơn chồng cô, cuối cùng đã làm cho cô thay lòng đổi dạ. Một người thấy Long Dương là bạn thân của mình đẹp hơn hẳn chồng cô, anh ta bèn vẽ bức chân dung Long Dương rồi nhờ một bà già đưa cho cô. Quả nhiên bà già ấy làm cô thay lòng. Long Dương ép thuyền vào bờ chờ ba đêm thì cô ấy ra. Sao đó Long Dương trốn đi, chỉ còn lại một người trung niên râu quai nón, nên cô ấy đành phải lấy người này. Người nhà chồng cũ kiện người này đã dụ dỗ người gian dâm. Song người này đã dẫn cô ta cho một vị quan to, để dập tắt vụ kiện. Như vậy cô đã qua bốn đời chồng. Điều ấy chẳng có gì đáng nói.
Ở Ngô Giang có một người đàn bà giàu nhưng góa chồng. Vì muốn chiếm gia tài, nên người chú họ gả người ấy cho một người danh tiếng. Người ấy trốn thoát tố cáo việc này lên huyện. Quan huyện không dám thẳng tay xét xử. Người đàn bà ấy đã tự cắt cổ chết. ở Sở Trung có một người đàn bà giỏi văn chương, từng làm bài giúp chồng. Có một công tử cùng trường biết được, bởi thế đã đầu độc chồng chị ta. Sau đó lại tổ chức tang lễ cho chồng chị cực kỳ linh đình. Người đàn bà ấy vẫn không biết. Đến khi người này tìm mọi cách và dùng cả thế lực cướp chị về làm vợ lẽ. Người đàn bà này bèn nghi ngờ về cái chết của chồng. Rồi chị nghĩ: "Ta đã dùng tài sắc để giết chồng, rồi đi hầu hạ kẻ giết chồng mình". Sau đó tự đâm cổ chết. Người đàn bà này thật xứng đáng là một liệt nữ. Ở Chiết Giang lại có một người giữ trọn lời thề với người chồng chưa cưới, khi chồng chết cũng chết theo chồng, càng làm cho ta vô cùng kính trọng.
Đó là:
Một lời đã hứa,
Tiếc gì đến thân.
Cùng nhau sống chết,
Tuyệt vời vĩ nhân.

Người đàn bà ấy họ Trình, ở ngoại thành huyện Khai Hóa, phủ Cù Châu, vốn quê ở Vụ Nguyên. Cha là Trình ông, thường xẻ gỗ bán cho vùng Nam Trực, Triết Giang, bởi thế thường trú tại Khai Hóa. Vợ là Ngô thị, cũng là người thuộc dòng họ lớn ở Tân An. Trình ông có người con trai tên là Trình Thức. Tháng Chín lại xin được một con gái tên là Cúc Anh. Trình ông tính tình chất phát, thật thà, đã hứa với ai thì chẳng bao giờ sai lời, chẳng hạn như hẹn một người nào đó vào giờ tỵ, thì không bao giờ tới giờ ngọ. Đã hứa cho ai vay một trăm lạng thì không bao giờ đưa chín mươi chín lạng. Ông thường nói mình là một gã đi buôn, không thông hiểu chữ nghĩa, nhưng rất yêu mến những kẻ sĩ hiểu biết rộng. Trong nhà, ông thích lưu giữ sách vở và thư họa. Con cái còn nhỏ tuổi nhưng ông đã mời thầy về dạy học. Bởi thế Cúc Anh cũng biết đến sách vở chữ nghĩa và biết viết văn chương. Khi lớn lên ông lại dạy thêu thùa may vá. Xem ra sau này cô không chỉ là người đẹp, răng trắng lông mày lá liễu, da trắng như tuyết, thướt tha yểu điệu, hòa nhã nết na mà còn là một bậc nữ sĩ tài hoa. Vợ Trình Công thương nói: "Con gái ta nhất định sẽ không làm thiếp cho những kẻ phàm phu tục tử".
Người đẹp như băng tuyết,
Lại tỏa ngát hương thơm.
Lũ dê đục thèm thuồng,
Cũng không sao chiếm được.
Trước hết Trình ông cưới cho Trình Thị một người con gái thuộc dòng dõi Nho gia. Sau đó ông chọn cho con gái một chàng trai cũng thuộc dòng dõi Nho gia. Trong làng có một tú tài người họ Trương. Con trai ông là Trương Quốc Trân, khôi ngô tuấn tú, cử chỉ lịch thiệp, cực kỳ thông minh, lại rất ham học. Chỉ có điều nhà rất thanh bạch nghèo túng. Trình ông thấy anh ta là người đức hạnh, lại học giỏi bèn gả con gái cho anh ta. Song Trương tú tài ra sức chối từ, ông nói:
- Người ngày nay chỉ muốn lấy vợ nhà giàu, mong của hồi môn, để hằng ngày dựa dẫm vào vợ. Không biết rằng người đời sẽ cậy của lấn lướt chồng, coi thường bố mẹ chồng. Hơn nữa không quen gian khổ, lại thích ăn ngon mặc đẹp. Nếu mình cứ chiều theo họ thì sẽ không có khả năng. Nếu không chiều theo họ thì cửa nhà sẽ không yên, cho nên không thể với cao.
Tùng bách vươn tầng mây,
Mộng đàn bà hạn hẹp.
Giữa đường mộng đã vỡ,
Lệ chảy tràn xiêm y.

Trình ông nghĩ: "Ông Trương nói như thế, ấy là người có phẩm giá cao. Con gái ta vốn là người có học vấn, biết lẽ phải. Hoàn toàn khác hẳn với con những nhà giàu có khác. Dù cho lễ vật ít hay nhiều ta vẫn gả cho Trương Quốc Trân".
Đúng vào lúc sắp cưới, thì gặp lại nhà họ Từ ở Thanh Dương, là một đại phú gia, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Thích kết giao với quan lại, chỉ có một đứa con trai tên là Từ Đăng Đệ. Vì là nhà giàu lại một con, nên cả nhà hết sức nuông chiều. Tuy có mời thầy, nhưng không dám dạy một câu viết một chữ. Đến năm mười ba, mười bốn tuổi vẫn mù tịt, chẳng biết chữ nào. Chạy hết chỗ này đến chỗ khác xin vào trường, tỏ ra ta đây là học sinh. Nay phá đề thừa đề, mai giảng giải, chọn ngày làm văn. Chẳng biết chữ nào do anh ta viết ra? Còn thầy thì cốt kiếm tiền, không nghĩ gì đến hậu họa. Từ Đăng Đệ thì vênh vang tỏ ra ta đây là người tài giỏi. Hắn cứ mở miệng ra là tục tĩu. Thường thì người ta tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại, nhưng hắn thì không thế, lúc nào cũng luôn miệng chi hồ giả dã(1), người khác xấu hổ thay, nhưng hắn không biết ngượng. Đến năm mười lăm mười sáu tuổi thì hắn la ca tới ngõ liễu đường hoa, quán rượu sòng bạc, chẳng nơi nào mà hắn không đến. Tới khi thi, thì cả nhà phải chạy chọt đút lót, thầy dạy cũng đi tìm người làm bài hộ, chẳng biết mất bao nhiêu tiền. Đến khi không đỗ lại ngông cuồng khoác lác rằng: "Lão đề học không hiểu được văn chương mới, rằng không biết chọn người có thực tài "
(1) Chi hồ giả dã: là các hư tự thường dùng trong cổ văn. Ở đây ý nói Từ Đăng Đệ dốt đặc nhưng hay khoe chữ.
Đúng là:
Bụng dạ tối om om,
Không phải là chứa mực.
Là mặt hoa da phấn,
Song chẳng phải văn nhân.

Lão Từ lại nói:
- Con tôi giỏi như thế, phải lấy một người cực kỳ xinh đẹp, cực kỳ giỏi giang.
Chẳng quản xa hay gần, cứ thấy nhà ai có gái đẹp là nhờ người tới hỏi. Rất may lão Từ tìm được con gái nhà họ Trình, lại biết được nhà họ Trình mời thầy về dạy chữ, mời người dạy thêu thùa. Cô gái ấy biết chữ lại biết thêu thùa may vá. Thế rồi lão ta nhờ một người mối đến nhà xem mắt, họ trở về nói, cô là một người quốc sắc thiên hương. Lão ta nhờ người tới hỏi, song Trình ông không ưng. Lão Từ đã định rằng, nếu Trình ông ưng thuận thì đưa tới năm trăm lạng bạc làm sính lễ. Trình ông không bằng lòng gả. Ông nói:
- Không phải là tôi bán con.
Thế rồi ông sai người mối tới nói với Trương tú tài, thôi thì sính lễ. thế nào cũng được, cứ dẫn lễ trước đi. Đó chính là:
Chim hoang sánh chim phượng,
Bạch chỉ sánh hoa lan.
Cười cho giống lau sậy,
Đòi sánh càng ngọc lan.

Thấy Trình ông nhiều lần chối từ, lão Từ túc giận nói:
- Ta nhờ một người có thế lực, sợ gì ông ta không nghe.
Thường ngày lão Từ kết thân với một viên quan họ Vương, đây là một tri huyện cử nhân, đã từng làm quan đốc phủ của tình này, ông ta luôn búi tóc. Lần này đốc phủ vẫn còn phấn chấn, lão Từ đã biếu bốn bộ quần áo, một bộ chén bạc có chân, và mười hai lạng bạc, nhờ ông ta bày mưu. Viên quan này nhận tất không từ chối.
Ông ta chọn ngày tốt, đội chiếc khăn đen nhánh, mặc chiếc áo đỏ sẫm, tay cầm ô tới gặp Trình ông. Trình ông thấy thế khiếp sợ sau khi ngồi vào bàn, ông ta nói ngay vào việc hôn nhân. Trình ông nói:
- Con gái tôi đã nhận sính lễ nhà họ Trương.
- Làm gì có chuyện đó, viên quan nói, mà nếu có nhận sính lễ rồi thì tại sao ông Từ lại còn nhờ tôi, đến nói? Tôi phải là người làm mối.
- Quả thực đã nhận sính lễ rồi, - Trình ông nói, - hiện lễ vật vẫn còn.
Thế rồi Trình ông bảo người mang lễ vật ra cho quan xem. Thấy thế quan nói:
- Sao ông lại bán rẻ con ông như thế? Đây không coi là sính lễ. Tôi xin đảm bảo với ông sính lễ năm trăm lạng.
- Việc hôn nhân mà bàn đến của cải thì đó là đạo cầm thú, quả thực tôi đã gả cháu cho người ta rồi, không thể thay đổi được nữa.
- Có khó gì mà không thay đổi được! - Viên quan nói. - Loại tú tài kiết xác, ông trả thêm cho ông ta một ít thì ông ta ưng ngay. Ông lại chuẩn bị một ít để lại quả cho ông Từ, như vậy vẫn còn bốn trăm lạng. Đây là điều ông ấy mong chờ ông, có mất thêm một chút cũng không ngại. Ngay tôi đây khi gặp may, có ba bà, tám đứa con gái mà cũng đã lấy chồng cả rồi, cháu nội cháu ngoại thì cũng phải đủ ba trăm lạng một đứa. Nhà tôi cũng như nhà ông Từ, hơn một trăm lạng có đáng kể gì tiền lãi hằng ngày của ông ấy còn nhiều hơn thế. Ông không nên cố chấp.
Trình ông vẫn không nghe, viên quan cụt hứng bỏ về. Lúc ấy cha con lão Từ đang chờ ở nhà, cầm chắc việc đã thành. Thấy ngoài cửa báo tin ngài Vương tới, viên quan họ Vương không giương ô, không mặc áo nhà quan, bước vào nói:
- Hai mươi năm đỗ cử nhân làm quan, ta đã nói không biết bao nhiêu người, song không có ai lại cố chấp như lão ta.
- Lẽ nào ông ta không nghe. - Lão Từ nói.
- Vẫn không nghe! - Viên quan nói. - Ta nghĩ rằng thiên hạ thiếu gì con gái, sợ gì không có người đẹp? Ta sẽ tìm cho một người khác.
Nói xong đứng dậy ra về. Cha con lão Từ cố giữ lại bằng được, nói:
- Mong ông ngồi lại một chút đã.
- Không có công mà ăn lộc. - Viên quan nói.
Ngồi yên chỗ, viên quan chỉ vào Từ Đăng Đệ nói:
- Tài cao như anh nhà đây giá làm phò mã cũng xứng. Chỉ hận một nỗi tôi không đứa con gái thứ chín.
- Cha con tôi ngu dốt bị cự tuyệt còn chịu được. Nhưng ông lớn nói lời vàng ý ngọc, không thể không nghe. Nhà tôi mất thể diện đã đành, mà ngay cả ông lớn nói không đắt lời cũng sẽ bị người ta chê cười. Mong ông lớn tìm cách giúp.
Viên quan nói:
- Tôi chẳng có kế gì, có gì ông cứ nói ra tôi sẽ đi làm.
Hồng nhan thường bạc mệnh,
Xưa nay thật đáng thương.
Chỉ sợ mày ngài đẹp,
Gây nên bao chuyện buồn.

Lão Từ nói:
- Tôi biết ngài quan huyện rất phục ông lớn, mình cầu hôn không được thì kiện thôi.
- Lẽ nào lại đi kiện! - Viên quan nói.
- Tôi kiện nhà họ Trình bội ước, họ Trương cưỡng ép đưa sính lễ. Xin ngài nhờ quan huyện xét xử.
- Tôi được đốc phủ tin cậy yêu mến, song chuyện nhỏ không nên nhờ. - Viên quan nói. - Việc hôn nhân là việc nhỏ ông nhờ người khác thôi.
- Cốt là tranh lấy tiếng chứ không tranh giành về của cải, Từ Đăng Đệ nói, - chỉ cần xong việc là tôi sẽ tạ ơn một trăm lạng, cha tôi không bỏ ra thì tôi bỏ ra.
- Loại lăng nhăng ấy kể làm gì, chỉ cần kiện nhà họ Trình bội ước, gả con gái cho người khác thôi.

Chương 24 (B)

Quả nhiên nhà họ Từ làm đơn kiện, còn viên quan sẽ được trả một trăm lạng bạc khi nhà họ Từ thắng kiện. Trước hết hai sai nha đến nhà họ Trình, Trình ông chẳng biết vì sao. Sai nha nói là nhà họ Từ kiện ông bội ước. Thật đáng là điều vừa tức giận vừa buồn cười. Trình ông dọn cơm rượu đãi sai nha, sai nha đòi lót tay sáu mươi đồng, nếu không thì giải con gái lên huyện. Không còn cách nào Trình ông đành đưa cho họ hai mươi đồng.
Mổ sẻ xuyên qua đuôi
Uy cáo quen cướp vàng.
Họa đến như có cánh,
Ngồi nhà cũng tai ương.

Khi xét xử, Trương tú tài cũng nhờ bạn bè tới nói giúp. Trước hết quan huyện nghe theo viên quan họ Vương trình bày rồi nói với Trương tú tài:
- Anh là người không biết điều, bây giờ ta gọi lễ vật cho anh thôi.
- Nhà họ Từ chưa từng đưa sính lễ, mà cưỡng ép họ Trình phải gả. - Trương tú tài nói.
- Việc ấy anh mặc người ta, - quan huyện nói, - chẳng thiệt gì đến anh.
Khi thẩm vấn chẳng biết lão Từ lấy đâu ra một chiếc vạt áo nói:
- Dạo ấy con đi buôn với Trình ông, hai người vợ chúng con đều có mang, và hai người đã từng cắt vạt áo để đính ước với nhau. Về sau con đẻ con trai, ông ấy sinh con gái, con từng đưa cho Trình ông một đôi vòng vàng, hai chuỗi ngọc và bốn mươi lạng bạc để tạ ơn ông ấy hứa gả con gái cho con trai mình. Sau đó vợ ông chê nhà con ở xa, rồi gả cho nhà họ Trương.
Quan huyện gọi Trình ông, Trình ông nói:
- Thưa ngài, con tuy đi buôn nhưng không quen biết ông Từ thì làm gì có chuyện cắt vạt áo để hẹn ước với nhau? Và cũng chẳng bao giờ nhận vòng vàng, chuỗi hạt châu và tiền bạc nào cả.
- Trên đời này làm gì có chuyện ăn không nói có đến như thế!
Quan huyện nói xong gọi người làm chứng, - một tên lưu manh do lão Từ mua chuộc, - hắn nói:
- Thưa ngài, con là Nha Hành. Mười bảy năm về trước hai người này buôn bán gỗ, họ đều nghỉ nhờ tại nhà con, không ngờ sau khi uống rượu họ cắt vạt áo đính ước với nhau và nhờ con làm mối. Con thấy họ đưa lễ cho nhau rồi sau đó có tới mười năm họ không đến nghỉ tại nhà con nữa. Cách đây ba năm, ông Từ đến nhờ con tới gặp ông Trình xin cưới. Trình ông nói: "Đường xa không gả". ông Từ không nghe, bởi thế cứ dây dưa. Còn việc nhận sính lễ của Trương tú tài thì quả thực con không biết.
- Đồ lừa dối gian xảo, - tri huyện chỉ vào mặt Trình ông nói - đúng là ngươi đã bội ước, nhận sính lễ của người khác rồi.
- Thưa ngài, - Trình ông nói, - con chưa từng đến buôn bán ở Thanh Dương, và cũng chưa từng nhờ Nha Hành làm mối. Đây là một tên vô lại, do lão Từ mua chuộc rồi tự đặt điều.
- Ta đến xin cưới, - tên vô lại nói, - ngươi còn mời ta uống rượu. Khi ta hỏi, thì ngươi nói còn phải bàn với vợ, đi đi lại lại tới mấy lần, sao ngươi lại bảo không quen biết ta? Đúng là:
Bịa đặt điều tày trời,
Lừa dối mà có lý.
Tài Tô Tần, Trương Nghi(1)
Mới bịt mồm hắn được.
(1) Tô Tần, Trương Nghi: hai nhà thuyết khách tài giỏi thời Chiến Quốc.

Tri huyện đùng đùng nổi giận, gọi sai nha đánh và kẹp Trình ông. Bắt sai nha áp giải về nhà trả lại sính lễ nhà họ Trương, và bắt họ Trương phải nhận. Đồng thời nhà họ Từ đưa lễ tới rồi trở về thưa lại với quan huyện.

Giải Trình ông tới nhà rồi sai nha lại đến tìm Trương tú Tài. Sợ rằng sẽ làm liên lụy đến Trình ông, Trương tú tài phải nhận lại sính lễ. Trình ông nói:
- Sao lại có chuyện này được.
Ông không chịu trả lễ vật. Đến khi nhà họ Từ mang lễ vật tới, Trình ông quẳng ra sân, giằng co nhau đến hơn một ngày mà không xong. Nhà họ Từ lại bẩm lên quan. Sai nha tức lên trói Trình ông lại nói:
- Ngươi trái lệnh quan, ta phải giải ngươi lên huyện, đánh cho ngươi một trận thì việc cưới xin này mới xong.
Cứ giằng đi kéo lại mãi như thế, Trình ông uất ức, đờm chẹn lấy cổ rồi ngã vật xuống. Vợ con trong nhà đều chạy ra, đổ thuốc dội nước. Trình ông trối trăng lại rằng:
- Con gái ta thật là bất hạnh, bị nhà có thế lực ức hiếp. Cha chết đi con phải giữ lời cha thì cha xuống dưới suối vàng mới nhắm mắt được.
Nói xong, đờm lại chẹn lên tận cổ, rồi tắt thở.
Sống chết giữ lời hứa,
Không bao giờ đổi thay.
Đáng đời bọn phản phúc,
Bị đời đời cười chê

Cả nhà gào khóc thảm thiết, bọn sao nha thấy vậy chuồn thẳng. Nhà họ Trình đập nát sính lễ nhà họ Từ rồi vứt đi. Cho người tới gọi nhà họ Trương, nhân lúc chưa phát tang sang cưới chạy tang. Trương tú tài sợ quan quở trách, không dám tới. Nhà họ Trình tự thu xếp rồi khâm liệm Trình ông.

Lão Từ nghĩ: "Nó không gả thì ta cũng không chịu! Trình ông chết rồi, con trai còn non trẻ, trước đây ta kiện hắn bội ước. Dù cho hắn kiện về án mạng cũng chỉ là chống đỡ". Nhất định đòi viên quan họ Vương đảm bảo đến cùng, và đưa cho ông ta mười lạng bạc làm lệ phí. Viên quan họ Vương nhận làm cháu ngoại, rồi đệ đơn kiện lên đốc phủ, quan đốc phủ phê: "Bội hôn ước, chống lại quan, rất coi thường phép nước. Mong rằng huyện phải nghiêm chỉnh phán quyết, định ngày thành hôn rồi đệ lên cấp trên". Nghe thấy viên quan họ Vương kiện lên tỉnh, tri huyện lo cuống vó. Đến khi nhận được trát quan tỉnh dào về, vội sai tới người tới bắt Trình Thức. Trình Thức ngang nhiên tới huyện đường. Mẹ anh dặn:
- Con không được thay đổi lời cha.
- Xương cha con chưa lạnh, - Trình Thức nói, - làm sao con nỡ nhẫn tâm trái lời cha.
- Việc này quyết phải chống lại, - vợ anh nói, - không thể nhù nhờ với họ được.
Giữ nghĩa phải đồng tâm,
Hứa hôn không thay đổi.
Nghe những lời khích lệ,
Thấy đạo xưa vẫn còn.

Trình Thức tới nơi, quan huyện nói:
- Quan trên hẹn ngày con trai họ Từ cưới em ngươi, ngươi không thể trái lệnh được.
- Thưa ngài, cha con không hề gả cho anh ta, mà cũng chẳng có chuyện nhận sính lễ của họ.
- Anh đừng nói càn như thế, - quan huyện nói, - bỏ nhà giàu không gả, lại đi gả cho thằng kiết xác, thiên hạ không có ai ngu như ngươi! Bây giờ ta làm người mối, đốc phủ làm chủ hôn. Nếu ngươi cưỡng lại thì ta giải ngươi tới đốc phủ thì ngươi sẽ nát như cám.
- Sống chết đều có số, - Trình Thức nói, - còn nếu như hủy hoại đức hạnh, phẩm tiết thì con nhất định không làm. Ngay như ngài coi dân như con thì cũng phải làm cho phong tục ngay thẳng, kỷ cương sáng rõ. Tại sao ngài lại bảo con làm những điều như thế?
Nghe xong tri huyện đùng đùng nổi giận:
- Bọn ngu si lại dám chống ta!
Thế rồi quan huyện đánh Trình Thức ba mươi gậy, máu me chan hòa. Sau đó quan huyện gọi nhà họ Từ mang lễ vật đến giao ngay tại công đường. Trình Thức gào lên.
- Ông lớn, dù có phải chết tôi cũng không nhận lễ vật, em tôi quyết không lấy hắn!
- Thằng này bướng thật!
Dứt lời quan huyện sai người dùng bàn vả vả vào mặt Trình Thức bốn mươi cái, Trình Thức vẫn không chịu. Quan huyện nghĩ: "Mình cũng ngu rồi, đốc phủ hẹn ngày thành hôn, mình bắt nó thành hôn, còn nó có nhận lễ vật hay không mặc nó!". Sau đó giam Trình Thức vào ngục, rồi sai nha lập tức đi bắt Trình thị.
Ông tơ sai quan huyện
Bà Nguyệt sai lính hầu
Mượn một tờ lệnh trát
Dùng làm bùa đón dâu.

Bọn sai nha tới nhà, bà mẹ vội vào phòng con gái, nói:
- Việc này phải khu xử thế nào? Con không được quên lời cha trăng trối lúc lâm chung.
- Con có cách, - Trình thị nói, - mẹ đừng lo, con thà chết để báo đền cha mẹ, chứ quyết không thất thân với kẻ cường bạo.
Thế rồi cô ung dung rửa mặt chải đầu, mở hòm lấy bộ quần áo mới mặc vào. Mấy tên sai nha ngoài sân quát tháo ầm ĩ, Trình thị như không nghe thấy. Cô khâu chặt áo trong, bên ngoài thắt dây lưng thật chắc. Mẹ cô nói:
- Gặp quan phải mặc áo xanh.
Cô mặc thêm áo xanh bên ngoài, rồi đến bàn viết của mình mài mực, lấy ra một tờ giấy, viết mấy chữ giấu vào tay áo. Sau đó cô tới linh cữu cha khóc từ biệt. Tiếp đó cô lạy mẹ, mẹ cô khóc nức nở không nói lên lời. Cô lại quay sang nói với chị dâu:
- Em đã làm liên lụy đến anh, lại liên lụy cả đến chị. Em thật là bất hạnh, không thể suốt đời hầu hạ chị, đúng là số của em đã như thế rồi. Kinh Thi nói: "Há rằng chẳng phải lúc nào cũng đi trên con đường đẫm sương". Em không tham sống một ngày mà để cho "thế gian mãi mãi cười chê". Nhà còn mẹ già, may mà còn có chị trông nom săn sóc.
Chị dâu cũng khóc lóc, nói:
- Chị hứa với em sẽ chăm sóc mẹ già chu đáo, còn em cũng phải nhớ lời trăn trối của cha.
Trình thị đi tới bên kiệu, bọn sai nha thầm khen: "Quả là một người đẹp! Chẳng trách nhà họ Từ đòi lấy cô bằng được". Suốt dọc đường người ta lũ lượt kéo nhau lên huyện xem.
Ngựa cùng đường sa huyệt
Trai lột ra khỏi vỏ
Đi giữa, nến sáng rực
Hơn cả dạ minh châu.

Nhà họ Từ nghe thấy cô gái đã bị bắt tới huyện, nghĩ rằng tri huyện cuối cùng sẽ bắt làm lễ cưới ngay công đường. Họ Từ sai người về nhà chuẩn bị cỗ bàn, mời mọc khách khứa và thuê cả phường nhạc về giúp vui. Từ Đăng đệ trang điểm xong, suốt từ trong ra ngoài mặc toàn quần áo mới, ra dáng một chàng rễ mới. Hắn chỉ mong bọn phu khiêng kiệu khiêng ngay hắn lên huyện, rồi quan huyện lập tức cho cô về nhà. Hắn cứ thập thà thập thò đến là buồn cười.
Lúc ấy sắp đến chính Ngọ, bầu trời quang đăng sáng sủa. Trình thị trong hiệu hỏi vọng ra:
- Còn mấy dậm nữa thì tới huyện?
Bọn phu khiêng kiệu cười, nói:
- Sốt ruột à sắp tới nơi rồi.
Thế rồi bọn phu khiêng ra sức cười đùa trêu chọc:
- Trước đây tôi khiêng một cô dâu, cứ ngồi trong kiệu khóc là mình khổ cực. Tôi nghe thấy chướng quá nói: "Cô ơi, tôi khiêng cô tới chỗ khác nhé". Thế là cô nín ngay, bảo tôi rằng: "Tôi khóc mặc tôi, còn các anh khiêng thì cứ việc khiêng".
Người ấy nói xong, thì người phu khiêng kiệu đằng sau lại nói:
- Tôi cũng đã từng khiêng một cô dâu, đang khiêng thì đáy kiệu lâu ngày bị hỏng, cô dâu tụt xuống, làm thế nào bây giờ. Có người bảo dùng dây buộc, người thì bảo thợ rèn đóng đinh thợ mộc sửa kiệu, song chỉ sợ lỡ giờ. Lúc ấy cô dâu bảo: "Không sao, các anh bên ngoài cứ khiêng, ta ở bên trong kiệu cứ thế đi".
Bọn họ vừa đi vừa cười đùa như thế. Nào ngờ:
Nhạn không vì kết đôi,
Nhà chứa thích dâm đãng.
Trinh, dâm thật khác biệt
Chẳng ai rõ lòng người.

Đang nói, thì tự nhiên thấy một trận cuồng phong, đất trời mù mịt, đất đá bay tứ tung, không nhìn rõ mặt người. Họ đành phải dừng kiệu chạy vào nấp dưới hiên nhà, tới nửa giờ.
Tưởng như:
Mưa tuôn, trời nhỏ lệ,
Sấm chớp tiếng bi ai.
Phật từ bốn phương tới,
Tiễn Đức Phật Như Lai.

Từ Đăng Đệ muốn nhìn cô dâu nhưng không có kẽ hở nào để nhìn, hắn phải dùng tiền đút lót cho bọn sai nha và bảo họ đừng có bép xép. Người đi xem trước cổng huyện đông nghịt như kiến cỏ. Tới cổng huyện, một sai nha chạy vào trước bẩm với quan huyện:
- Thưa ngài chúng con đã bắt Cúc Anh tới.
Mấy người còn lại tới đưa Cúc Anh xuống kiệu, giục mãi mà không thấy cô xuống. Bọn sai nha quát:
- Ông lớn đang ngồi chờ trong công đường mà vẫn còn ngồi đó ư?
Họ mở rèm ra, bổng giật mình kinh ngạc, không biết Cúc Anh đã thắt cổ chết từ lúc nào rồi. Nhan sắc của cô xinh tươi như khi còn sống, nhưng không còn thở nữa.
Vẫn giữ trọn lời thề,
Vâng theo lời cha dặn.
Dám chết cho danh tiết,
Sống thêm hổ danh cha.

Bọn sai nha vội chạy vào bẩm quan:
- Trình Cúc Anh đã đến!
Quan bảo dẫn vào, không được làm cô ta sợ hãi.
- Thưa ngài, cô ta chết rồi. - Sai nha nói.
- Nói bậy, - quan huyện nói, - đã đến thì không chết, mà chết thì đến làm sao được? Các ngươi nói chẳng sao hiểu nổi.
- Rõ ràng khi ra khỏi cửa, lên kiệu cô ta vẫn còn sống, khi bảo cô ta xuống kiệu thì thấy cô đã chết rồi!
- Ta nghĩ rằng con gái nhát gan, - quan huyện nói, - các người đã làm cho cô ta sợ hãi mà chết. Hãy mau mau gọi người tới cứu!
- Cô ấy thắt cổ chết từ lâu rồi, - sai nha nói, - còn làm sao được.
Quan huyện giậm chân nói:
- Ta không chịu trách nhiệm việc làm lỡ người đàn bà này. Hãy thả ngay Trình Thức ra, bảo anh ta mang thi thể về mai táng.
Quan huyện làm ngay văn thư trình lên quan đốc phủ. Trình Thức ra khỏi ngục, thấy thi thể em gái, đấm ngực khóc rống lên:
- Em yêu quý của anh! Em là người trinh liệt như thế, anh chết vì em cũng không uổng.
Tiết nghĩa nặng như núi,
Sao nỡ hầu kẻ thù.
Cho dùng ngọc tan nát,
Hương thơm còn vấn vương.
Mệnh hết dây đàn đứt,
Danh thơm mãi mãi còn.
Nga Giang có thánh nữ,
Đi vào cõi thanh u.

Trong số những người đi xem trước cổng huyện có một người bất bình nói:
- Nhà họ Từ bức liệt nữ này phải chết. Phải tìm cha con nó làm nhục.
Bọn người nhà họ Từ sợ quá chuồn biệt tích. Mọi người la hét ầm ĩ, quan huyện nghe thấy, trống cũng không đánh, lủi khỏi công đường.
Theo tục lệ, chết ở ngoài, gọi "lãnh thi" không đưa về nhà. Trình Thức nói:
- Đây là một liệt nữ, không làm nhục nhà ta.
Rồi bèn khiêng thi thể nàng về nhà. Mẹ chị dâu ôm lấy xác nàng khóc lóc thảm thiết. Cởi đai áo cho nàng, trên người nàng đều mặc quần áo mới, quần áo lót bên trong nàng khâu chặt lại, cho nên không thay được quần áo. Người ta rút từ ống tay áo nàng ra một tờ giấy do tay nàng viết: "Xác ta đưa về nhà họ Trương, để toại lòng cha".
Có chồng dù chưa cưới,
Vẫn giữ trọn lời thề.
Vâng theo lời cha dặn,
Ý nguyện ắt phải thành.

Trình Thức sai người tới báo cho nhà họ Trương. Cảm động trước tấm lòng nghĩa khí của nàng, cha con nhà họ Trương đều đến đưa đám. Trương Quốc Trân phủ phục trước linh cữu nàng khóc nức nở như tang vợ mình thực sự. Chàng mặc tang bằng gấm, đứng trước quan tài thực hiện lễ chồng tang vợ. Chọn ngày đưa linh cữu nàng an táng tại khu phần mộ tiên tổ nhà họ Trương.

Sau đó Trương Quốc Trân dạy học, người ta muốn người đến nói sẵn sàng gả con cho anh, nhưng anh không chịu lấy vợ. Trương tú tài nói:
- Ta chỉ có một mình con, sao con cứ khăng khăng không lấy vợ thì dòng dõi nhà ta tuyệt tự ư? Ông khuyên nhủ con hơn một năm trời, anh chỉ nuôi một người đầy tớ gái. Được hơn một năm thì được đứa con trai. Từ đó anh không chung chăn gối với cô nữa. Trong thư phòng anh đặt bài vị thờ liệt nữ. Anh coi Trình Thức như anh vợ và đi lại thăm viếng luôn. Sau này đổ cử nhân, ra làm quan tới chúc đồng tri, nhưng vẫn không lấy vợ nữa. Anh nói:
- Nuôi người hầu gái cũng là vâng theo ý cha. Anh không lấy vợ không muốn làm mất cái tình cái nghĩa mà cha con Trình ông đối với anh.
Vì vướng quan huyện, nên những người trong huyện chỉ làm thơ văn phúng viếng với tư cách cá nhân, không thể dựng bia lập biển. Quan huyện cũng vì vướng đốc phủ nên không dám dâng biểu xin triều đình nêu gương. Sau này hối hận vì đã giết cha con họ Trình, quan huyện lo sợ ốm đau, thường mơ thấy một người đẹp, cổ cuốn dây, đứng trước mặt, rồi sau mắc chứng bệnh ngơ ngơ ngác ngác, không đầy một năm thì xin về quê Đốc phủ vì lãng phí quân nhu cũng bị giải về hạch tội. Viên quan họ Vương chẳng được xu nào mà bị nhiều người phỉ nhổ. Nhà họ Từ cậy của ngang ngược, bị đưa vào lính, gia sản phá tán, con hắn phải đi ăn mày. Trình liệt nữ tuy không được triều đình biểu dương, nhưng được Đồ Xích Thủy tiên sinh viết lại thành chuyện và mãi mãi trường tồn cùng trời đất. Đúng là một chữ khen ngợi còn hơn biển khen bốn chữ. Cha, mẹ, anh, chị dâu của liệt nữ cũng được ghi trong phụ bản của truyện, rạng rỡ chiếu sáng ngàn thu. Còn như nhà họ Từ cậy giàu có mà ngang ngược, và những quan lại nhúng tay vào vụ giết người này, nay còn đâu! mà vẫn bị người đời nguyền rủa.

Những người không có kiến thức nghe thấy câu chuyện này cho rằng: "Cha ngu, con cũng ngu, bỏ nhà giàu không gả, mà lại gây ra cái sai của quan lại". Nhà họ Từ giàu có sai khiến được cả quan lại, tú tài địch với họ Từ sao được. Chỉ cần đến kết cục chuyện, nếu cân nhắc một chút, thì cũng tự thấy rõ.

HOMECHAT
1 | 1 | 200
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com