Chương 27
Ngôn nâng mặt Hồng lên, hôn. Ngôn nói nhỏ, tha thiết:
- Em xinh đẹp quá, đối với anh, trên đời này, chỉ một mình em là người phụ nữ xinh đẹp nhất, anh yêu em vô cùng. Em…
Ngôn ôm Hồng, đầu Hồng ngả hẳn vào lồng ngực Ngôn. Anh nâng mặt Hồng lên. Hồng nhắm mắt chờ đợi. Mặt Hồng nóng rực, tất cả những gì còn ngủ đều bừng tỉnh, tất cả các giác quan đều thức dậy. Hồng trả lời trong vô thức:
- Anh, em yêu anh!
Ngôn trở về đơn vị lúc tất cả trung đoàn đang bước vào giai đoạn chuẩn bị chiến đấu trực tiếp. Ngôn bước ngay vào phòng họp. Anh nghe tiếng ông Phước đang nói trước gần năm chục cán bộ và phi công:
- Tôi được quân chủng cử sang Trung Quốc, xuống tận sư đoàn 7 Không quân, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nơi đã có rất nhiều phi công chiến đấu với không quân Mỹ và không quân Tưởng Giới Thạch để học về động tác chống tên lửa. Về động tác, khi phát hiện địch phóng tên lửa tức là thấy “xẹt”xanh ở cánh máy bay địch, lập tức úp máy bay, đẩy mạnh cần lái về phía trước tạo thành một góc 90 độ trở lên theo mặt phẳng đứng, tên lửa không tự lái được, buộc phải đi thẳng, ta tránh được dễ dàng. Đó là động tác rất khoa học, tuyệt đối đúng. Có thể còn những động tác khác nữa. Nhưng nó là biến ngẫu của động tác này mà ra. Tôi đề nghị, chúng ta quán triệt để thực hành trong chiến đấu.
Ngôn nhìn hàng ghế trên cùng, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện, chủ nhiệm chính trị và chính ủy trung đoàn, hết sức chăm chú lắng nghe. Nhiều phi công nhấp nhỏm, muốn có ý kiến. Phạm Minh Nhân và Thành đang vẽ và tính toán. Đào Đình Luyện đứng dậy. Quay nhìn số phi công đang sôi động, ông nói:
- Chúng ta đang bàn một vấn đề hết sức cụ thể để bảo tồn đánh lâu dài và phát triển lực lượng về sau. Các đồng chí hãy phát biểu và tranh luận, anh Phước chủ trì buổi thảo luận.
Trần Chung giơ tay rụt rè. Anh là một trong số phi công có kỹ thuật tốt. Dáng mập, đen, lông mày rậm, miệng rộng, mắt một mí, chiếc mũi khá to, thoạt nhìn anh có vẻ một nông dân hơn là một phi công. Chung đứng lên:
- Tôi chưa có kinh nghiệm, chưa có thực tế. Chúng ta hãy thử đặt một giả thiết và tính toán xem kỹ thuật tránh tên lửa anh Phước vừa phổ biến có thực hiện được không? Đúng như Trung đoàn trưởng nói, vấn đề tránh tên lửa là một vấn đề hết sức bức xúc, hết sức cụ thể của phi công chiến đấu. Tôi nghĩ, cần phải có tính toán cụ thể, không thể áp đặt ý muốn chủ quan được. Tôi chưa kịp suy nghĩ chín chắn. Nhưng, tôi có cảm giác, có điều gì đó tôi thấy chưa ổn…
Phạm Ngọc đứng lên, “khịt” trong đốc giọng, cầm quyển sổ chi chít số liệu, nói hùng hồn:
- Thưa anh Luyện. Tôi không phản đối phương pháp thực hành tránh tên lửa do anh Phước phổ biến. Đúng là, một động tác, một cách đánh đều phải dựa trên một cơ sở. Tôi rất cám ơn anh Phước, bởi vì có một gợi ý về động tác cụ thể chúng ta mới có một ý niệm và đẻ ra một con tính. Tôi xin thử tính toán. Tốc độ của tên lửa bằng tốc độ của máy bay địch cộng với tốc độ trung bình của tên lửa. Giả sử tốc độ máy bay 900 km/giờ, tốc độ của tên lửa cũng cỡ đó, tức là vận tốc là 1,5 MACH, 400 mét một giây. Cự ly bắn của tên lửa “Rắn đuôi kêu” theo như chúng ta đã học, khoảng chừng 2.000 mét. Thời gian bay của tên lửa mất năm giây. Về phía chúng ta, cho là chúng ta nhìn thấy địch bắn tên lửa rất xa, bắt đầu từ khi mắt thấy, thần kinh phản xạ một giây. Tay điều khiển cần lái và chân mất một giây để làm động tác. Chiếc Mig sẽ chịu sức ì của quán tính cho đến khi hành động mất hai giây máy bay mới lật úp. Sau đó máy bay mới chuyển động xuống mất một giây nữa. Như vậy là tên lửa đã đến nơi, đó là con số lý thuyết. Còn… mắt ta có thể thấy được tên lửa “xẹt” hay không lại là… Mà dù cho có thấy “xẹt”, tức là lúc địch phóng tên lửa, cũng không tránh kịp… Tôi chỉ cung cấp những số liệu để chúng ta bàn. Tôi hết ý kiến.
Sáu nhìn thấy Ngôn. Ra hiệu cho Ngôn đến ngồi cạnh anh, Sáu hỏi nhỏ:
- Gặp không?
- Có gặp.
- Sao?
Ngôn thúc cùi chỏ vào hông Sáu, nói:
- Tập trung chống tên lửa.
Sáu đứng lên sau khi trao đổi nhỏ với Ngôn:
- Thưa Trung đoàn trưởng, các đồng chí, tránh tên lửa cũng như tránh địch xạ kích bằng súng, có chăng, tên lửa thì phóng xa hơn, lại khó thấy. Theo tôi chắc chắn là không thấy được lúc nó mới phóng. Có thấy thì nó đã đến nơi. Nhưng, máy bay địch, hai cây số chớ năm cây số cũng có thể thấy. Nếu là tôi, trước tiên khi thấy địch phía sau phải cơ động ngay. Tất nhiên, cũng tùy từng trường hợp, tùy theo trạng thái địch và ta. Tên lửa nhiệt chỉ có hiệu quả khi đầu tên lửa thu được nhiệt của động cơ máy bay ta, không có nhiệt tên lửa sẽ không có hiệu quả. Còn tên lửa có điều khiển, nó bắn ở tất cả mọi hướng, chúng ta chỉ thấy “xẹt” khi tên lửa rời bệ phóng, bay đường trường không hề có bất kỳ triệu chứng dễ nhìn nào. Vậy, phải làm sao?
Đào Đình Luyện thấy Phước lúng túng, rõ ràng kiến thức của anh ta không đủ để giải đáp cho phi công. Ông đứng lên, quay về phía những người sẽ phải giáp mặt với vũ khí hiện đại của Mỹ, ông nói:
- Chúng ta chưa bước vào chiến đấu, kinh nghiệm của bạn chỉ để chúng ta tham khảo, quỵết định là ở mỗi phi công chúng ta. Tôi thấy ta nên bàn cho kỹ. Ý kiến của Phạm Ngọc, của Sáu đáng được chú ý nghiên cứu. Các đồng chí bàn thêm…
Thành và Minh Nhân vẽ rất nhiều tình huống, những con số dày đặc trong quyển vở. Thành trao đổi, Minh Nhân gật đầu, anh giơ tay:
- Về phía dẫn đường, chúng tôi có trách nhiệm dẫn để các đồng chí phát hiện địch sớm. Chúng tôi đã có cuộc tập huấn về các thế chiến thuật và chiến thuật dẫn không chiến ở binh chủng. Các sĩ quan dẫn đường có rất nhiều ý kiến về tránh tên lửa và kỹ thuật tránh tên lửa. Tôi xin phát biểu ý kiến cá nhân của tôi về cuộc không chiến với đối thủ mạnh hơn ta, vũ khí hiện đại hơn ta. Ai cũng biết, cuộc chiến đấu này sẽ rất khó khăn và ác liệt, chúng ta cần phải sáng suốt. Theo tôi, không có cách tránh tên lửa nào gọi là tuyệt đối đúng. Ở trên đời, ngoài yếu tố tinh thần, chúng ta còn phải có bản lĩnh. Tránh tên lửa cũng phải có bản lĩnh và bình tĩnh. Tôi nhất trí với cách tính của anh Phạm Ngọc. Chẳng ai làm động tác dại dột như vậy. Các đồng chí phi công hãy phân tích xem. Theo tôi, tránh như ông bạn chúng ta bày thật là quá nhiều động tác nhưng nằm trên một đường thẳng rất lâu, tôi cho là không đúng rồi. Cần phải nhanh chóng chuyển hướng khi phát hiện máy bay địch ở phía sau. Không thể thấy tên lửa được. Tôi nghĩ, một là người truyền kinh nghiệm cho anh Phước là người không có thực tế, tưởng tượng ra hoặc là ông bạn của chúng ta muốn cho chúng ta đổ máu, mất máy bay… Máy bay của chúng ta rất ít, chỉ vài trận lật như thế này sẽ hết sạch...
Chương 28
Phan Thành không chờ Thành ngồi xuống, đã vội vã chen ngang:
- Chúng ta thảo luận kỹ thuật tránh tên lửa, bởi vì chúng ta muốn tránh thương vong vô ích. Tôi nghĩ rằng không thể chủ quan, chúng ta đã có ai có kinh nghiệm đâu. Ông bạn của chúng ta có cả một bề dày trên chiến trường Triều Tiên và những trận không chiến ở ven biển tỉnh Triết Giang, tỉnh Phúc Kiến. Tôi đề nghị không ai được xúc phạm những người anh em. Không được coi thường chủ nghĩa quốc tế vô sản cao cả của Trung Quốc, đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Nhiều phi công và sĩ quan liếc mắt nhíu mày nhìn Phan Thành, tỏ vẻ vừa khó chịu, vừa sợ. Đôi chỗ chỉ trỏ, xì xào, lắc đầu. Ngôn ngồi cạnh Sáu và ở phía sau Phan Thành. Dường như Ngôn không quan tâm lắm tới lời nói của Phan Thành. Bất ngờ Phan Thành quay lại phía sau, nhìn vào cuốn vở của Ngôn đang vẽ chiếc Mig ở các tư thế khác nhau, ở xung quanh có địch đang lao tới ở các hướng và những con số. Bên cạnh ghi ta nên tránh như thế nào. Ngôn chăm chú vào quyển vở, vẽ, xóa rồi lại vẽ. Phan Thành soi mói nhìn vào cuốn vở của Ngôn rồi quay đi. Ở phía sau, những cánh tay giơ lên, những phi công và các sĩ quan tham mưu cố tìm những phương pháp mới, lạ. Nhưng, Trung đoàn trưởng bỗng đứng dậy, ông nói:
- Anh Phước, cho tôi phát biểu một số vấn đề về tư tưởng chiến thuật.
Bộ quân phục chỉnh tề, ủi phẳng lì, cầm quyển sổ giở ra, ông chớp mắt nói:
- Các đồng chí. Từ ngày 2 tháng 3 đến nay, bọn Mỹ và tay sai đã đánh miền Bắc. Theo tin chúng ta nhận được, lấy cớ quân ta tấn công diệt một số lính Mỹ ở Pleiku, Tổng thống Mỹ đã tuyên bố đánh liên tục miền Bắc theo hình thức leo thang. Như vậy, đến hôm nay bọn Mỹ đã đánh đến Hà Tĩnh, chắc là đầu tháng tư sẽ đánh Thanh Hóa và Vinh. Chúng ta sắp bước vào trận đánh lịch sử của không quân, trận đánh mở màn mặt trận trên không. Tôi, theo tôi, việc tránh tên lửa là do thói quen hành động của mỗi người, làm sao chuyển hướng càng nhanh càng tốt, có thể cơ động gấp trên mặt phẳng ngang hoặc cơ động thẳng đứng tùy từng trường hợp. Có điều, chúng ta phải nhanh chóng cơ động với độ góc lớn, làm cho tên lửa tìm nhiệt mất mục tiêu, không bắt được nhiệt. Còn tên lửa có điều khiển cũng vậy, cơ động lớn sẽ làm cho việc điều khiển gặp khó khăn. Tôi muốn nhấn mạnh, các đồng chí dẫn đường phải dẫn cho biên đội phát hiện địch trước. Phi công phải quả cảm, kiên quyết tấn công, bắn chính xác, động tác nhanh chóng tiếp cận và xạ kích là yếu tố quyết định thắng lợi. Thôi, chúng ta nghỉ.
Ngay lúc đó, quân bưu mang thư của Sáu, của Nhật đến. Sáu chộp lấy rất nhanh, về phòng ngủ, anh mở ra:
Anh thân yêu!
Vậy là chúng ta xa nhau đến nay đã được ba tháng, em đã bước vào học kỳ 2 được ba tháng, em học vất vả lắm, những con số rối tinh, rối mù. Em cố gắng học tốt để không phụ lòng mong muốn của anh. Đến hè này, chúng mình có gặp nhau được không? Em mong lắm. Anh, ở lớp học của em, phong trào ba đảm đang mạnh lắm. Em đăng ký ba đảm đang và ba sẵn sàng nữa, anh có đồng ý không? Em nghe đài nói Mỹ đánh mình rồi phải không anh?Tụi nó ngang tàng quá. Em mong đến ngày nào đó, anh vít cổ bọn Mỹ xuống đất, em tin lắm, em tin anh sẽ lập chiến công.
Em,
Nguyệt
Sáu gối đầu lên hai tay, hình ảnh Nguyệt hiện lên lung linh… Năm đó, kỳ nghỉ hè, Sáu và những phi công của trung đoàn được về nước, nghỉ mát ở biển Đồ Sơn. Anh như đắm mình trong cái nắng, gió và sóng biển của quê hương, nhìn ở đâu anh cũng thấy đẹp, người nào cũng dễ thương. Một buổi sáng chủ nhật, Sáu thả mình trên chiếc phao là ruột bánh xe hơi, tận hưởng những giây phút thần tiên chao lượn trên ngọn sóng. Vừa dập dềnh, ngắm trời nước bao la, những đám mây trắng, mặt trời và đôi con chim yến lượn lờ…, Sáu nhìn vào bờ, một toán các thiếu nữ chạy ào xuống biển, họ lặn, hụp, té nước, nhảy sóng. Chẳng biết ngọn sóng nào xô Nguyệt dạt đến gần Sáu. Anh bước xuống, chân đụng cát. Nguyệt lân la:
- Anh ơi, cho em mượn phao, được không?
- Được, em lấy đi.
Nguyệt đem phao về chơi với bạn, Sáu thấy Nguyệt và ba cô gái nữa bám phao lao ra ngoài xa, họ vui lắm. Bỗng một ngọn sóng lớn chụp xuống chiếc phao, sau đó thấy mất một cô, anh lao đến, lặn xuống dưới sóng, tay và chân dò tìm. Sáu xác định vị trí rồi đi ra xa hơn… Bất ngờ đụng phải cô gái, Sáu vội vã ôm chặt ngang người cô lao vào bờ. Xốc người cô gái, nước từ trong bụng trào ra miệng. Anh đặt cô gái lên cát, Sáu mạnh mẽ đặt hai tay lên ngực trái cô gái, nhồi, ấn liên tục, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của sự sống của cô gái. Các cô gái cùng đi vây quanh, lo lắng, kể cả cô giáo phụ trách lớn tuổi, Sáu vẫn kiên trì nhồi, ấn lên ngực trái cô gái bị nạn ngày càng mạnh hơn… Sáu dừng tay, áp miệng mình vào miệng cô gái, anh dồn sức thổi mạnh nhiều lần. Thời gian cấp bách, anh đề nghị một cô gái có thân hình khỏe mạnh kết hợp với anh cứu cô gái bị nạn. Sáu áp miệng mình vào môi cô gái, tay trái bóp hai bên má để miệng cô mở ra. Sáu dồn sức, trong khi cô gái kia nhồi, ấn mạnh lên vùng tim. Không biết bao lâu, từ trong miệng cô gái một làn hơi nhẹ tràn qua miệng của Sáu, anh tiếp tục áp miệng mình, dồn sức thổi mạnh vào bên trong, cô gái hắt hơi và tỉnh dần… Sáu quỳ xuống bên cạnh cô gái, anh nâng đầu cô, cô gái mở mắt nhìn các bạn. Cô giáo phụ trách ngồi xuống, kế bên, nói:
- Nguyệt, cám ơn ân nhân đi em.
Nguyệt mở mắt nhìn Sáu gật đầu. Sáu cười thân mật. Cô giáo hỏi:
- Xin lỗi, anh tên gì?
- Tôi tên là Sáu.
- Anh Sáu, anh đang ở đâu?
Sáu chỉ vào ngôi nhà ngói ở cuối rặng phi lao:
- Tôi đang nghỉ an dưỡng ở đó. Tôi ở nhà số 1, phòng số 3. Chúng tôi còn ở đó vài ngày nữa. Còn các cô?
Cô giáo vui vẻ:
- Đây là các cháu học sinh, ở trường học sinh miền Nam số 4 Hải Phòng, chiều các cháu về lại Hải Phòng. Thôi, xin phép anh…