watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:07:2626/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Lịch Sử > Kể Chuyện Đất Nước - Trang 10
Chỉ mục bài viết
Kể Chuyện Đất Nước
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Tất cả các trang
Trang 10 trong tổng số 15
Kể ra mùa nào cũng có cái hay và cái không hay của nó. Mà Tây Nguyên thì mùa mưa và mùa khô lại chia tách nhau rõ rệt. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11-12. Mưa như đổ nước trời xuống, rừng núi như bao phủ cả một tấm màn nước trắng xóa, cái gì cũng xỉn lại một màu xám xịt của mưa dầm và cố nhiên, mùi ẩm ướt tỏa lên khắp nơi. Lượng mưa trung bình hàng năm trên dưới 2000mm, và số ngày mưa chiếm tới 130 - 170 ngày trong một năm. Vào mùa này, đường sá khó đi lại, nhất là những tuyến đường đất. Đối với khách du lịch, đó không phải là mùa ao ước. Nhưng đối với những ai muốn ở lại nghiên cứu vùng đất này lâu dài, thì đó lại là mùa "làm ăn" được. Những ngày mưa, nằm trong các ngôi nhà người Thượng, nghe các già làng kể chuyện bên bếp lửa, trò chuyện với họ trong những ngày nghỉ dài, là cơ hội tốt để tìm hiểu các tộc người ở đây.
Đối với số đông, mùa khô, nhất là những tháng đầu năm, khi nắng còn chưa gay gắt và không khí chưa khô lắm - thích hợp cho một chuyến lên Tây Nguyên ngắn ngày. Đặc biệt, khí hậu vùng cao nguyên Lang Biang, nơi có thành phố Đà Lạt nổi tiếng, gần giống với khí hậu vùng ôn đới, vì cao nguyên này có độ cao tới 1000m -25.
Lên Tây Nguyên có thể đi bằng nhiều đường khác nhau. Hiện nay có máy bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh lên Buôn Mê Thuột, Plây Cu và Đà Lạt (sân bay Liên Khuơng).
Đường bộ bao giờ cũng sẵn phương tiện. Có một con đường di xuyên suốt cả vùng Tây Nguyên: đường 14, chạy từ Huế qua Bến Giàng, Đắc Tô rồi đến Công Tum - Plây Cu, từ đó lại đi Buôn Ma Thuột, rồi đến ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia và lại quành về Thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường người ta từ Quy Nhơn lên Plây Cu và Công Tum. Từ Nha Trang qua Ninh Hòa lên Buôn Ma Thuột. Từ Nha Trang và Phan Rang lên Đà Lạt. Cũng có thể lên Đà Lạt từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ Quy Nhơn lên Plây Cu, bạn đi qua một số nơi khá nổi tiếng: thị trấn Phú Dong (nơi dệt lụa và nhiễu), Bình Khê (nơi dựng cơ nghiệp của Tây Sơn), An Khê (cũng là vùng đất Tây Sơn cũ)
Từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột, có những cảnh hùng vĩ, nhất là đám núi Vọng Phu (dân địa phương gọi là "Bà thần có chửa") với sự tích gần giống như sự tích nàng Tô Thị ở Lạng Sơn. Từ Nha Trang, qua Phan Rang lên Đà Lạt. Dọc đường nhìn ngắm bao nhiêu di tích và thắng cảnh tuyệt vời: Tháp Chàm, đèo Ngoạn Mục (Bellevue). Trước đây có một con đường sắt từ ga tháp Chàm lên Đà Lạt. Lên dốc cao tàu hỏa phải móc răng cưa, một con đường sắt rất độc đáo, nhưng tiếc thay, đã bị tháo gỡ, khó lòng làm lại được. Plây Cu là tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai - Công Tum. Trước kia người ta biết tới Công Tum nhiều hơn là Plây Cu, có lẽ vì Công Tum nổi tiếng với hai cuốn sách: Mọi Công Tum của Nguyễn Kim Chi và Ngục Công Tum của Lê Văn Hiến. Cuốn thứ nhất miêu tả đời sống của các dân tộc người thiểu số ở đây (có lẽ đó là một trong những tác phẩm dân tộc học đầu tiên của nước ta tuy do một thầy thuốc viết ), cuốn thứ hai mô tả cuộc đấu tranh kiên cường của các chính trị phạm sau đợt khủng bố của thực dân Pháp năm 1930 - 1931.
Đến Plây Cu nên đến thăm hồ T nưng, một hạt ngọc của Tây Nguyên, hồ này nguyên là một miệng núi lửa cũ, rộng vài kilômét. Chỗ sâu nhất là 86m. Một con đường mòn xuyên qua hẻm núi gồ ghề dẫn tới hồ. Vùng hồ là vùng hoa: hoa êban màu lục, màu trắng, hoa mua màu tím, hoa ngải màu vàng, hoa súng, hoa sen phơn phớt trắng hồng. Đó cũng là nơi ẩn náu của nhiều loài chim đẹp: chim sin sít lông tím mỏ hồng, chim bói cá, chim d rao, chim t răc-ta, chim cơ-túc, cơ- vông...liệng cao trên bầu trời, chao xuống lẫn vào các cụm hoa dưới nước. Ngồi trên một con thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ phẳng lặng, có một cảm giác yên tĩnh lạ thường.
Đời sống cùng với những cảnh vật ở các vùng dân tộc người miền Thượng ở Gia Lai-Công Tum bao giờ cũng là những điều cực kỳ hấp dẫn đối với khách phương xa. Tỉnh này có nhiều tộc người khác nhau, người Xơ Đăng (khoảng 7 vạn người, cư trú chủ yếu ở tỉnh này), người Ba Na (khoảng 10 vạn), và người Gia Rai (khoảng 18 vạn). Người Xơ Đăng và Ba Na thuộc ngôn ngữ Môn-khơ Me còn người Gia Rai thuộc ngôn ngữ Malayô - Pôlynêdi. Mỗi tộc người ấy lại chia thành những nhánh nhỏ. Ngày xưa các tộc người ấy nói chung làm nương rẫy là chính, gần đây đã biết làm ruộng nước, trồng vườn.
Trình độ phát triển xã hội ở các tộc người Gia Lai-Công Tum có khác nhau nhưng nói chung đều ở trong những giai đoạn sơ khai của nền văn minh. Họ thường sống thành làng, ở đây gọi là plây (BaNa) hay plơi (Xơ Đăng) hay plơi hoặc bôn (Gia Rai). Mỗi làng có ranh giới riêng, dân làng chỉ được làm rẫy, săn bắn trong phạm vi ranh giới của mình. Nhà được dựng ở mảnh đất thuận tiện cho việc làm ăn, cũng có khi theo một tín ngưỡng nào đó. Phần là nhà sàn chân cao, trang trí trong nhà sơ sài. Bếp là trung tâm của mỗi ngôi nhà, nó tượng trưng cho sự giàu sang, nơi phải kiêng cữ nhiều thứ, nhưng cũng là nơi quây quần của mọi người trong nhà. Quanh bếp sát tường là gùi, ché, nồi đồng, xếp thành hàng. Trên vách, trên cột là những bộ sừng thú săn được, ngầm khoe chiến công săn bắn.
Mỗi làng dựng một ngôi nhà to, cao và đẹp đẽ hơn nhà thường ở giữa buôn làng, gọi là nhà làng, nhà rông. Đó là nơi hội họp, tế lễ, giải trí của dân làng. Ngày nay, có nơi biến nhà rông thành nhà văn hóa, và ở Tây nguyên có xu hướng xây nhà văn hóa theo kiểu nhà rông.
Nói chung, kinh tế ở đây là kinh tế tự nhiên (tự cung tự cấp), trao đổi hàng lấy hàng. Gần đây kinh tế hàng hóa bắt đầu phát triển. Một số nhà ở gần các thị xã, thị trấn sống bằng cách bán những sản phẩm trồng trọt trong vườn (cà phê là chủ yếu), lấy tiền mua sắm các thứ hàng hóa cần dùng. Không ít nhà đã có những tiện nghi mới, bàn ghế, giường tủ, đài thu thanh, máy truyền hình... nhưng nhìn chung đời sống của các tộc người ở đây còn khá thô sơ. Đàn ông thường đóng khố, phụ nữ quấn váy và thường ở trần. Chỉ đến những dịp hội hè, họ mới mặc những bộ đồ ngày hội, đẹp hơn, với khiếu thẩm mỹ riêng của mỗi tộc người. Thực ra trong cuộc sống cổ truyền của người Thượng, kể cả hai tộc người Ba Na và Gia Rai, rung động ngàn đời của con người trước hình, khối, màu sắc, không chỉ hiện trên mặt vải; còn có hoa văn trên đồ đan lát (gùi); hoa văn khắc lên mặt ngoài các đồ dùng nhỏ hơn (ống tên, nỏ tấu, hộp tre đựng thuốc hút...) hoa văn vẽ, khắc, thậm chí đục thủng, trên các bộ phận kiến trúc và hiện vật nghi lễ (ở nhà chung của làng, "nhà mả", trên "cột đâm trâu", các cột lễ gắn với nhà mả"...). Đó là chưa nói đến "tượng mả", một biểu hiện vốn có mặt ở hàng đầu của nghệ thuật điêu khắc nước ta thời trước 0.
Ở đây có nhiều phong tục, tập quán lâu đời, rất riêng biệt của các tộc người. Chỉ riêng những lễ tết đầu năm cũng đủ thu hút du khách hàng tháng trời, vùng này sang vùng khác, từ tháng chạp năm trước đến tháng hai, tháng ba âm lịch năm sau. Cả một "mùa tết" chứ không phải là những "ngày tết".
Nhưng, có lẽ vui nhất là dự "lễ đâm trâu". Gặt hái xong, mỗi nhà góp tiền, gạo cho chủ làng mua trâu. Chủ làng ấn định ngày làm lễ. Lễ đâm trâu thường tổ chức vào sáng ngày tết. Dân làng ăn mặc đẹp kéo tới trước nhà rông. Con trâu dùng làm vật hy sinh cúng thần được buộc chặt vào cái cột đã chôn sẵn. Vị pháp sư ngồi vào chỗ danh dự nhất giàn cúng. Lễ đâm trâu bắt đầu mà diễn trường là mảnh đất bao quanh cột lễ gắn những hình và vật trang trí gợi lên hình ảnh của trục vũ trụ trong thần thoại. Sau lễ cúng, mỗi người về nhà nấu cơm chờ lệnh mới. Thịt trâu được xẻ thành nhiều mảnh để ngay trong nhà rông. Buổi trưa, làng lại họp. Chủ làng chia thịt cho dân làng. Mọi người ăn chung ở nhà rông. Sau đó là lễ uống rượu cần, cuộc vui lúc này mới bắt đầu thật hào hứng. Cả làng cùng uống, cùng say. Ban nhạc chiêng trống khua vang, mọi người thấm hơi men kéo ra nhảy múa.
Cuộc vui chìm dần vào hoàng hôn, lắng vào đêm khuya để sáng hôm sau lại tiếp tục.

Ở tỉnh Đắc Lắc, gặp những tộc người Thượng khác, chủ yếu là người Ê - Đê (khoảng mười ba vạn người, ở giữa và bắc tỉnh này), người Mnông (bốn vạn rưỡi, ở phía nam). Người Ê Đê thuộc ngôn ngữ Malayô - Pôlynêdi, còn người Mnông thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me.
Nói đến người Ê Đê là nói đến những trường ca bất hủ Đăm San, Đăm Di, Sinh Nhã,... với những đoạn mô tả mang tính chất huyền thoại. "Sinh Nhã múa phía trước, một vầng trăng bay theo gió, múa phía sau, một mái nhà bay theo bão. Nhà Giarơ Bú nghiêng đằng tây, ngả đằng đông. Gió từ Mơđăm tới, bão từ Hơmu đến, nghiêng cả nhà cửa làng Giarơ Bú"... (Sinh Nhã). "Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà sàn vọng xuống đất! Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời và lan ra khắp cả xứ! Hãy đánh cho đến lúc voi và tê giác phải lắng tai nghe mà quên cho con bú! Đánh cho ếch nhái và dế không còn kêu nữa..!" (Đăm San). Đăm San là con người như thế nào?
"Chàng thấy cái nhà Nữ thần Mặt Trời ở. Thang lên nhà là một cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng. Chày cũng bằng vàng, lúc dùng thì ánh sáng long ranh ngợp mắt..." Đăm San đến hỏi Nữ thần Mặt Trời để đoạt nàng làm vợ. Nhưng chàng đã chết vì ước muốn ngông cuồng ấy.
Truyện thơ hết sức độc đáo này kể lại những hành vi anh hùng của một tù trưởng đẹp trai, hùng dũng, đầy khát vọng tự do. Chàng Đăm San đã giao tranh với những thế lực thù địch để bảo vệ cuộc sống. Các tù trưởng Mơtao Grư và Mơtao Mơxây muốn chiếm đoạt người vợ đẹp của Đăm San là Hơ Nhí, đã gây ra những cuộc chiến tranh khốc liệt. Đăm San thắng, Đăm San trở thành người tù trưởng giàu mạnh nhất, oai hùng nhất “có không biết cơ man nào là chiêng đồng, là voi nhà, là rừng núi”, “oai linh vang đến tận các thần núi từ phía đông cho tới phía tây”. Nhưng Đăm San muốn được giàu mạnh hơn nữa, chàng kéo quân lên trời bắt Nữ thần Mặt Trời làm vợ. Chàng bị lún xuống lầy sâu, chết ngập trong rừng sáp đen...
Vẫn những mái nhà rông ấy, vẫn những lễ tết kéo dài cả mùa ấy, vẫn những tiếng chiêng tiếng cồng gợi niềm man mác ấy và vẫn những điệu múa đầy tính cộng đồng ấy. Vẫn cách trồng trọt và chăn nuôi gần như nguyên thủy ấy.
Nhưng ở đây, đàn gia súc rất lớn, mỗi nhà có tới vài chục, có khi tới vài trăm con trâu bò. Và voi cũng là một nguồn lợi lớn của người Ê Đê. Voi tượng trưng cho sức mạnh nhưng cũng tượng trưng cho tình nghĩa. Hổ tuy được mệnh danh là chúa sơn lâm nhưng phải sợ voi. Những cuộc chiến đấu giữa voi và hổ làm cho cả khu rừng phải kinh động lên vì tiếng gầm tiếng rống, mà kết cục bao giờ phần thắng cũng về voi (tục đấu giữa hai loài vật này đã được tổ chức ở khu Hổ Quyền, Huế dưới triều Nguyễn). Voi là thứ loài vật rất hiếm, biết chôn xác đồng loạt. Một con trong bầy chết đi, cả đám voi dùng vòi khiêng xác, cất lên những tiếng kêu thê thảm, chôn xong còn chia nhau gác và nhổ chuối về trồng lên mộ. Voi được thuần dưỡng phục vụ rất tận tâm cho con người, và rất trung thành với chủ. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, voi trở thành phương tiện vận tải hết sức đắc lực được huấn luyện quen với bom đạn và có con từng được thưởng Huân chương Kháng chiến.
Người Mnông thường canh tác ở triền đồi, lưng dốc, họ cũng làm ruộng nước bằng cách cho trâu giẫm ruộng để cấy. Nghề săn voi và thuần dưỡng voi cũng đặc biệt thịnh hành ở người Mnông.
Ở các làng người Mnông, thấy có nhiều nhà dài (nhà nền đất), trong khi những nhà dài của người Ê Đê lại là nhà sàn. Dưới mỗi mái nhà dài ấy, thường có nhiều cặp vợ chồng ở (có khi tới 6,7 cặp); đó là những gia đình mẫu hệ họp thành cái gọi là "công xã gia đình". Mỗi làng Mnông thường gồm chừng mươi nóc nhà như vậy.
Họ chính là những người thường được gọi là "cà răng, căng tai". Tập quán cưa một số răng cửa và xâu thủng lỗ tai để mang đồ trang sức (một khúc ngà voi, một khoanh nứa vàng óng, một thoi gỗ quý) khá phổ biến. Hiện nay nhiều người Mnông không còn theo tập quán ấy nữa.
Tỉnh Đắc Lắc nhiều nước hơn ở tỉnh Gia Lai – Công Tum, mùa khô không khắc nghiệt bằng và không dài bằng, các dòng sông gần như có nước quanh năm. Đến đây, nên đến thăm hồ Lak, một thắng cảnh nữa của Tây Nguyên. Từ trên đèo Lạc Thiện đã có thể nhìn thấy cả khu hồ uốn mình như một con trăn khổng lồ (ông vua ăn chơi Bảo Đại ngày trước đã có một ngôi "nhà nghỉ mát" ở cạnh hồ này). Mặt hồ phủ lá sen xanh. Mùa hè, hoa sen nở, hồ ngát hương thơm.

Trước lúc vào thị xã Buôn Ma Thuột, ta hãy ngừng lại nghe một mẩu chuyện voi:
" Hôm ấy người dẫn đường cho chúng tôi - một người đã đứng tuổi tóc lốm đốm bạc - bác cho biết đường sắp đi qua những cánh rừng có cọp.
Buổi chiều, chúng tôi ngừng sớm, đốt một đống lửa to rồi mắc võng xung quanh. Không ai cười, không ai nói như mọi bữa, đêm im ắng một vẻ khác thường. Nửa đêm tôi bỗng tỉnh dậy vì một hơi ấm, phà vào mặt. Tôi ngó thấy đống lửa đã vạc và trăng rừng đã tan. Một vật gì to lớn mềm mại huơ đi huơ lại trên đầu tôi. Vật ấy nằm giữa hai vật sáng mờ ảo, vươn tới từ một khối đen lù lù. Tôi giật mình nhận ra đó là một cái vòi và đôi ngà của một con voi. Tôi muốn kêu lên, nhưng giống như khi bị bóng đè, người tôi tỉnh táo mà không sao kêu được.
Huơ vòi trên mặt tôi một lát, con voi bỏ sang võng của người đưa đường. Tôi thấy bác vụt nhổm dậy và kêu lên những tiếng khe khẽ.
Lúc này tôi hoàn toàn tỉnh lại. Mọi người chúng tôi vùng dậy. Người đưa đường thấy vậy vội kêu to, bảo chúng tôi bình tĩnh. Rồi bác nói gì đó, và như có phép lạ, con voi liền quì xuống.
- Đừng sợ! Đốt lửa to lên! Bác quay lại nói với chúng tôi. Thì ra trước đây là con voi kéo gỗ của gia đình bác. Nó đã làm việc cho gia đình bác từ đời ông cho đến mấy năm trước đây, khi thấy nó đã già bác thả nó vào rừng. Đó là lệ của quản tượng: Không ép nó làm việc thêm hoặc đem giết thịt, mà thả nó về nơi nó đã ra đời, cho nó sống những ngày tự do cuối cùng.
Người quản tượng nói với con voi bằng một thứ tiếng mà chúng tôi không hiểu, với một giọng vô cùng thân thiết. Con voi trái lại hiểu được những lời đó nhẹ nhàng đặt cái vòi lên vai bác và cuộn mãi cái đầu vòi lên mặt bác để hít hơi.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa, con voi già lẽo đẽo đi theo chúng tôi. Đêm đêm nó cứ quanh quẩn ở chỗ chúng tôi mắc võng, đôi lúc lại rống lên những tiếng trầm trầm vang vọng. Rõ ràng nó biết chúng tôi đang trên đoạn đường nguy hiểm và nó rống lên để báo hiệu sự có mặt của nó cho lũ thú dữ đè chừng. Chắc chắn rằng tiếng rống đó đã xua lũ thú dữ đi xa..."
(Đất nước ngàn năm,tập I, Kim Đồng,1974)
Dạo bước trên những đường phố thị xã Buôn Ma Thuộc, trung tâm tỉnh Đắc Lắc, có thể cảm nhận được nhưng hơi thở còn nóng hổi của lịch sử đất nước. Cái thị xã nhỏ bé ở độ cao 536 m với số dân chừng bảy vạn người này đã từng là nơi khởi điểm vang dội của mùa xuân đại thắng giải phóng miền Nam năm 1975. Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 11 tháng ba năm đó đã đánh sập chỗ đứng chiến lược của quân đội Sài Gòn ở vùng Tây Nguyên. Và đúng như dự kiến của một nhà chiến lược Việt Nam, "Ai nắm được Tây Nguyên, sẽ làm chủ được miền Nam". Thất bại của quân đội Sài Gòn ở Tây Nguyên mở đầu cho cả một chuỗi thất bại của chúng trên các mặt trận ở miền Nam Việt Nam. Trong khi kẻ địch phán đoán và đề phòng quân đội ta tiến vào Plây-Cu, Công Tum trước và bố trí chống lại cuộc tấn công ấy, thì quân ta bất ngờ đánh vào Đức Lập, rồi tiếp đó đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Địch vẫn tưởng ta đánh nghi binh, nên vẫn tập trung đối phó ở hướng bắc Tây Nguyên. Trong "cuộc đấu trí tháng ba", như cách nói của đại tướng Hoàng văn Thái, địch đã phạm sai lầm lớn. Việc quân ta làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10 tháng 3, rồi làm chủ tỉnh Đắc Lắc, đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch ở Tây Nguyên, ở miền Nam. Sau Tây Nguyên là "tùy nghi di tản" và cuối cùng là đầu hàng.
Chiến thắng Buôn Ma Thuộc và Tây Nguyên đâu phải là chuyện bất ngờ? Nếu có dịp, hãy nhìn lên bản đồ chiến dịch Tây Nguyên những ngày đầu tháng ba ấy. Chỉ riêng trận Buôn Ma Thuột, quân ta huy động bốn trung đoàn mở thành bốn gọng kìm đánh vào thị xã này có sự hỗ trợ của những đơn vị trọng pháo. Bao nhiêu công trình để có thể tập trung và vận chuyển từng ấy binh đoàn vào trận đánh và đâu phải chỉ có ở đây. Chiến công Tây Nguyên không tách khỏi nhưng cố gắng phi thường kéo dài hàng chục năm ròng rã của cả một "đất nước đứng lên" từ những ngày gùi từng cân gạo, từng viên đạn trên "đường mòn Hồ Chí Minh" đến khi có thể vận chuyển bằng các phương tiện xe cơ giới trên nhưng tuyến đường rộng lớn xuyên dọc Trường Sơn (xem phần: Một dãy núi, một con đường).

Cao nguyên Lang Biang với Thành phố Đà Lạt lại mang một dáng vẻ khác.
Đây là tỉnh Lâm Đồng ghép tên núi Lâm Viên (Lang Biang) và sông Đồng Nai lại làm một. Ngoài người Việt (Kinh) đến cư trú ngày càng đông từ đầu thế kỷ này ra, các tộc người sinh sống từ xưa ở tỉnh này là người Mnông, người K Ho và người Mạ. Người Mnông đại thể cũng giống như ở tỉnh Đắc Lắc, nhưng được bên ngoài biết đến nhiều hơn do những tác phẩm của Condominas, nhà dân tộc học người Pháp từng sống trên đất này nhiều năm, trong đó những trang mô tả cụ thể sinh động trong cuốn Nous avons mangé la forêt đã gây xúc động mạnh.
Người K Ho (khoảng bảy vạn người) sinh sống dọc theo đường quốc lộ 20 từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Lâm Đồng, thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ-me. Họ biết làm ruộng sớm hơn các tộc người khác ở Tây Nguyên, nhưng trình độ canh tác vẫn còn thô sơ. Người K Ho ở trong nhà sàn dài, có cái dài hàng trăm mét, gồm nhiều gia đình nhỏ. Ngoài làng ra, họ còn tổ chức thành liên làng ở những nơi đông dân cư. Những người chết cùng một gia đình được chôn cùng một huyệt chung. Một số người theo đạo Kitô La Mã và Tin Lành.
Người Mạ (trên hai vạn người), thuộc ngôn ngữ Môn – Khơ Me sống chủ yếu ở phía nam tỉnh Lâm Đồng (Di Linh, Bảo Lộc, Đức Trọng). Họ làm rẫy, săn bắn, ruộng nước rất ít. Mấy chục năm gần đây, người Mạ cũng như người K Ho bắt đầu phát triển nghề làm vườn (trồng cà phê, thuốc lá, chè...) Trước kia họ cũng ở nhà sàn dài, nay xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi nhà sàn nhỏ. Phong tục cà răng căng tai cũng thịnh hành trong người Mạ. Khác với nhiều tộc người ở Tây Nguyên tính theo dòng mẹ, người Mạ tính theo dòng bố, nhưng tàn dư mẫu hệ còn đậm nét.
Thông thường, đến Lâm Đồng, khách du lịch ít chú ý đến dân tộc thiểu số vì một lẽ: Đà Lạt là một thành phố quá nổi tiếng và quyến rũ.
Đà Lạt, bao nhiêu phán đoán về cái tên ấy, nhưng có lẽ đúng hơn cả đó là tên gọi do dân địa phương mà có. Đa hay Đak là nước, suối, còn Lát là một nhánh của người K Ho (dấu huyền trong tiếng Đà và dấu nặng trong tiếng Lạt là do cách đọc của người Việt).
Giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, trước mắt ta bỗng hiện lên một thành phố xinh xắn, thoạt nhìn như một thành phố châu Âu nào ghép vào đó. Cũng có phần đúng thế, đây là thành phố nghỉ mát của những người Pháp ngày xưa, họ muốn tạo ra một mảnh quê hương mình trên vùng đất thuộc địa Dông Dương này. Từ đó, hết lớp kiến trúc này đến lớp kiến trúc khác (hầu hết là tác phẩm của các kiến trúc sư cừ khôi). Đà Lạt càng xinh hơn, càng hấp dẫn hơn với tính chất một thành phố nghỉ mát.
Khí hậu quanh năm ở đây giống như mùa xuân miền ôn đới, tháng nóng nhất cũng chỉ 19 độ C, còn gió lạnh từ phía Bắc tràn vào cũng bị chặn lại từ xa, thành thử cũng không có cả mùa đông.
Đà Lạt là thành phố của những biệt thự, hoặc phô trương hoặc kín đáo, nhưng đều hài hòa với khung cảnh thiên nhiên mơ mộng nơi đây.
Đà Lạt - thành phố của những hồ nước trong xanh in bóng những đồi thông quanh năm vi vu tiếng gió. Những hồ nước mang những cái tên hiếu kỳ: Hồ Than Thở, hồ Tình Yêu, hồ Suối Vàng...
Đà Lạt - thành phố của những rừng thông dày và cao thăm thẳm, của những thác nước đẹp tuyệt trần: Cam Ly, Pren, Dalanla, Ancrôet... nằm ngay trong thành phố hoặc không xa là mấy.
Của những rau quả ôn đới bốn mùa.
Và nhất là của hoa. Đà Lạt có thể gọi là thành phố hoa. Hồng bạch, hồng vàng, hồng nhung... và những giống mới tạo. Mimôda, păngxê, violet nở cả bốn mùa, (có những nam nữ thanh niên đến Đà Lạt chỉ để tìm hoa Mimôda). Đà Lạt có một thứ anh đào đặc biệt, gọi là mai anh đào, trổ hoa đỏ ối những khu vườn rộng đúng vào đầu đông cho đến Tết. Rồi cúc, rồi cẩm tú cầu (bát tiên), rồi huệ châu Phi, đỗ quyên, móng cọp... Và phong phú nhất, kiều diễm nhất là phong lan. Những cái tên thật là khêu gợi: thanh đạm, long nhân, huỳnh y mỹ nương, kim điệp, huyết dụ... Hoa Đà Lạt có mặt nhiều nơi ở miền Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt cả ở nước ngoài. Từ Đà Lạt, từ Tây Nguyên, ấn tượng còn đọng mãi trong lòng khách có lẽ là hoa, hoa người và hoa cây, thứ nào cũng muôn sắc muôn hương.
Nhưng cũng không quên Đà Lạt có trung tâm nghiên cứu nguyên tử và nay mai có thể trở nên thành phố khoa học của Việt Nam - không quên Tây Nguyên là nơi còn hơn một triệu héc ta đất bazan phì nhiêu để trồng cây công nghiệp, có mỏ bốcxít lớn, còn có khả năng tiếp nhận mấy triệu người từ xa đến trong những kế hoạch cuối thế kỷ. Không quên Tây Nguyên là nơi nhiều tộc người sẽ cùng nhau tô điểm cho văn hóa nước ta những sắc thái độc đáo.
Ra về để nhớ Tây Nguyên, xin ghi lại hai bài dân ca:
 
THƠM MÙI SỮA TRẮNG
Tiếng cồng,
Tiếng chiêng
Mừng em ra suối;
Tiếng đàn
Tiếng sáo
Mừng em ra nương,
Em leo núi thấp
Em trèo rừng cao,
Mặt em đằng trước
Như mặt trời mới mọc,
Chân em đến đâu,
Cỏ cười chim hót
Gót chân em
Vang khắp núi rừng
Thơm mùi hoa triu
Thơm mùi hoa kông
Thơm mùi sữa trắng
Của người đi suối
Của người đi nương
Em đi trên cao,
Bóng em nhỏ lại;
Nắng đem hình em
Để trên nương anh
Gùi em trên vai
Đựng những vật chi?
Váy em vải gì?
Mà thơm mùi sửa?
Em cười với suối
Em vui với rừng,
Em hát với nương,
Em đùa với rẫy,
Thấy rồi
Bóng em lên cao
Gió thổi về nương
Thơm mùi hoa triu
Thơm mùi hoa kông
Thơm mùi sữa trắng
Của người lội suối,
Của người trèo nương.
(Dân ca người Hrê)


BÓNG CÂY KƠ-NIA
Buổi sáng em làm rẫy
Thấy bóng cây Kơ-nia;
Bóng ngả che ngực em
Về nhớ anh không ngủ...
Buổi chiều mẹ lên rẫy
Thấy bóng cây Kơ-nia;
Bóng tròn che lưng mẹ
Về nhớ anh, mẹ khóc...
Em hỏi cây Kơ-nia:
- "Gió mày thổi về đâu
- "Về phương mặt trời mọc
Mẹ hỏi cây Kơ -nia:
- "Rễ mày uống nước đâu?"
- "Uống nước nguồn miền Bắc"
Như bóng cây Kơ-nia,
Như bóng cây Kơ-nia...
(Dân ca người Hrê)
Bài này đã được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc (soạn trong thời chống Mỹ).

HOMECHAT
1 | 1 | 249
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com