watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:58:4828/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Ngô Tất Tố > Tạp Văn - Trang 4
Chỉ mục bài viết
Tạp Văn
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 4 trong tổng số 6

BÁO TÂN VIỆT NAM VÀ VỢ CHU MÃI THẦN


Bạn đọc chắc không ai lạ gì anh Chu Mãi Thần. Hắn là người  đời nhà Hán bên Tàu, một tay có tài mà vẫn nghèo xác, nghèo xơ,  ngày ngày phải trông vào nghề kiếm củi mà sống. Thế nhưng, hắn  vẫn tin rằng mình vẫn có ngày phú quý. Những khi vai đèo gánh  củi, hắn thường vừa đi vừa hát, ra bộ rất ung dung. Vợ hắn không  chịu nổi cảnh cùng quẫn của gia đình, một hôm phát cáu hỏi chồng. Cái ngày phú quý của anh sẽ là ngày nào? Hắn bảo mười  hai năm nữa. Bấy giờ hắn năm mươi tuổi rồi, đợi đến mười hai  năm nữa mới được phú quý thì phỏng còn gì là đời. Nghĩ vậy, chị  ta bèn xin lá dị đi lấy người khác.
Thế rồi, mười hai năm sau hắn được vua Hán cho làm tể  tướng. Chị vợ nghe tin lại bỏ chồng mới trở về thăm hắn và xin  đoàn tụ như xưa. Hắn liền đưa cho chị ta bát nước, bảo hắt xuống  đất rồi lại hót lên, nếu còn nguyên như trước, thì hắn sẽ lại cho về  làm vợ. Ấy là chuyện vợ Chu Mãi Thần đại khái là thế. Cái đời  Tân Việt Nam cũng giống như vậy. Một ông đã thoái ngũ ở hội  Thanh niên đồng chí, một ông bị trục xuất ở cuộc vận động Đông  Dương Đại hội và một ông nữa... khó nói lắm, xin thôi không nói,  với những quá khứ quý hóa ấy, không cần nói đến lịch sử người ta  cũng đủ trông thấy bộ óc "xã hội" của họ là thế nào rồi! Huống chi  mỗi ông lại có một thiên lịch sử rất đẹp, nhiều người biết rõ, trừ ra  chi nhánh của đảng xã hội SFIO... Ấy thế mà không ai bảo ai, cả  ba ông ấy lần lượt đều xin vào đảng xã hội. Cố nhiên họ không  thèm biết chủ nghĩa xã hội là tai ếch hay là đầu cua. Mục đích vào  đảng của họ, chỉ cốt mượn tiếng đảng ấy làm thang để trèo lên ghế  nghị viện, trong kỳ sắp tới. Chi nhánh của đảng xã hội SFIO ở đây  chỉ cần đông người, không cần giữ danh dự của đảng, cho nên người ta cứ nhận bừa họ làm đảng viên. Phường trò ra hề còn phải  bôi mượt một lượt nhọ vào mặt, chứ họ đóng vai đảng viên xã hội,  không hề dính tí "sơn" nào của quốc tế thứ hai, từ ngoài mặt cho  đến trong óc. Thế nhưng, trót đã đeo cái nhãn hiệu xã hội, tất  nhiên họ phải theo đuôi quần chúng để hòng lường gạt quần chúng. Bởi vậy trên báo Tân Việt Nam, họ phải luôn luôn bưng  miệng không cười mà hô những tiếng "Anh em thợ thuyền", "chị  em lao động". Họ chỉ "anh em" "chị em" ở trên mặt báo, nghĩa là  anh em chị em với 4 đồng xu mua một số báo mà thôi. Thật thế,  nếu ai mà bắt gặp họ gọi người cùng dân là anh là chị hay là em  khi đứng trước mặt những người ấy, thì tôi xin đi đằng đầu.

Họ tưởng chỉ hô "anh em", "chị em" sẽ có thể bịp được quần  chúng tức thì. Chẳng ngờ quần chúng xứ này bây giờ khôn lắm, họ  hô mặc họ, không ai thèm thưa. Bởi thế họ đã dỗi với chủ nghĩa xã  hội mà quay ra quảng cáo cho đế quốc Nhật. Cái cảm tình của họ  đối với quần chúng khi ấy thật chẳng khác gì cảm tình của vợ Chu  Mãi Thần đối với chồng khi thấy chồng nghèo mà xin đi lấy người  khác. Giả sử đế quốc Nhật nuôi sống được họ thì họ đã đặt quần  chúng xuống dưới gót chân từ lâu rồi. Chỉ vì bợ đỡ đế quốc Nhật  cũng chẳng được ăn là bao, cực chẳng đã họ lại quay vào mặt thợ  thuyền lao động mà hô anh em, chị em. Lần này, quần chúng không những không thưa, lại cho họ biết một bài học. Bài học ấy  họ nhận thấy khi đón từng ôm báo của nhà dây thép hàng ngày  đưa lại và khi xem sổ kết toán hàng tháng của các đại lý bán báo.  Những bài học đáng "tỉnh người ra". Vì thế, hồi này họ hô "anh  em", "chị em" càng riết để hòng cố lừa quần chúng cho được. Thấy  cái cảnh "có hô mà không có ứng" của họ thật cũng đáng thương.  Nhưng bát nước đã hắt xuống đất, hót lại sao được? Vợ Chu Mãi  Thần ngày xưa, chỉ có thế mà xấu hổ đến phải tự tử.

HỌ LẠI KIẾM ĂN VÀO NẮM XƯƠNG KHÔ

Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê mà  trừ khử lũ thầy địa kia, vì chính họ là những kẻ lường gạt. Hồi  này vì kinh tế khó khăn, ở các thôn quê lại đẻ ra rất nhiều thầy  địa. Bọn đó là một hạng người vô nghệ nghiệp, họ chỉ có một cái la  kinh làm vốn để lân la hết làng này đến làng khác, hết nhà này đến nhà kia, mục đích cốt kiếm vài bữa cơm, hoặc năm ba đồng  bạc. Điều đó tuy là tội của phường bất lương, nguyên nhân cũng vì  sự mê tín của dân quê mà ra. Xưa nay dân quê rất tin phong thủy,  tín ngưỡng quỷ thần, phụng sự tổ tiên đều có hàm một cái tính  cách ỷ lại vào sức mầu nhiệm vô hình của khoa phong thủy mà  cầu lợi. Họ yên trí rằng cái số phận dân làng may rủi hay hèn, đều  theo ở hướng đình, con cháu cường thịnh hay suy vong, đều trông  vào ngôi mộ tổ. Chỗ đình chùa trong dân thôn còn bị chi nọ chi kia  ràng buộc, không mỗi chốc di đi dịch lại được, chứ như trong một  nhà, thì nắm xương kẻ chết bị họ đào lên chôn xuống luôn luôn - hòng nhờ sự kết phát để cầu đinh tài, quyền chức.
Người ta bảo họ dùng nắm xương cha mẹ để làm mồi cầu phú  quí, thực không oan. Một việc vô lý và vô đạo như vậy, không hiểu  vì sao vẫn có người tin? Bảo rằng cuộc thành bại hưng vong trong  sự nghiệp và thân thế con người ta là do sự chủ trương của đấng  cao xanh mà khoa phong thủy, dùng âm phần dương trạch của người ta làm cái "cầu chì" để thành toán cho sự chủ trương của  trời đất, thì người ta một khi đã gặp được thầy phong thủy để cho  ngôi đất, cắm cho ngôi nhà, rồi cứ nghiễm nhiên tọa hưởng kỳ  thành, không học mà hay, không làm mà có hay sao?
Nếu nhận rằng phong thủy là một khoa học do cái văn minh  xán lạn của Trung Hoa cấu tạo nên, lấy thiên cơ địa đạo hộ vệ cho  nhân sinh, sự mầu nhiệm có quan hệ tới sự cùng thông đắc táng  một cách rõ rệt, thì sao hiện nay dân quốc Trung Hoa lại hạ lệnh  trừ khử một cách cương quyết những kẻ làm nghề phong thủy?  Hẳn là họ cũng đã xét cái khoa học ấy, một là nhất truyền, hai là  vô hiệu, nếu còn để mãi thì chỉ gây ra cái họa quần manh dẫn  quần manh vào con đường mê tín và ỉ lại là hai cái trở lực cho cơ  tiến hóa, cho nên họ phải cấm đi. Có người nói rằng di hài cha mẹ  là bảo vật của người con chí hiếu, kẻ hiếu dưỡng cha mẹ lúc sinh  tiền thì ăn tất dâng cơm dẻo canh ngọt, ngồi tất đặt giường cao  chiếu sạch, thì khi tử hậu tất cũng phải tìm chỗ đất lành, phong  cảnh đẹp đẽ để an táng mới yên lòng. Nếu chỉ một ý nghĩ trọng  hậu ấy thì hà tất phải dùng thầy phong thủy, moi móc nắm xương  tàn, tha hết đồng này xứ khác. Xét về môn học phong thủy mà  được thịnh hành ở xứ ta, hoàn toàn nhờ sự cổ động của sách vở đời  xưa còn lại. Chẳng những người ta tán dương nó bằng sách địa lý  mà còn ca tụng nó bằng sách truyện ký nữa. Sách Công dư tiệp ký  chép những lương tướng hiền thần, lập nên sự nghiệp lẫy lừng, không chuyện nào không nói đến việc phong thủy. Ông nọ được về  ngôi mả hổ táng, ông kia được ngôi mả thiên táng; vua Đinh Tiên  Hoàng là con rái cá, bố ông trạng Mạc Đĩnh Chi là con con khỉ độc,  bịa đặt toàn những chuyện hoang đường. Sau pho sách ấy là quyển Nam hải dị nhân của ông Phan Kế Bích biên dịch cũng một  tính cách như thế. Thế mà ngày nay được Nha học chính công nhận là hạng sách giáo khoa. Quyển sách ấy chẳng biết tốt cho lũ  trò non về phương diện nào, nhưng về phương diện phong thủy thì  hẳn lũ trò non sẽ truyền thụ được cái thói ỉ lại di truyền, và họ sẽ  in sâu vào bộ óc non nớt ấy rằng, tuy sống ở đời khoa học thực tế  này, riêng con dân Nam Việt còn phải nhờ hòn đất mới được vinh  thân phì gia, nhờ hòn đất mới được phấn vua lộc nước, tài năng  học thức chỉ là món phụ thuộc mà thôi. Nếu như thế thì những kẻ  làm con trong thời buổi khó khăn, gặp cảnh cơm không đủ ăn, áo  không đủ mặc, lại đèo bòng cha già mẹ yếu, vợ mọn con thơ, hẳn  cũng có khi thoáng một ý nghĩ mơ hồ rằng: sao hai đống thịt yếu  hèn kém cỏi kia, sống đã vô dụng thì chẳng chết quách đi cho mình tìm nơi đất kết mà chôn để ta được giàu có sang trọng như  người, còn bắt mình nuôi "báo cô" mãi tới bao giờ? Tóm lại, cái  nghề phong thủy nó đã làm hại dân ta đủ các phương diện, nhất là  hồi này, vì kẻ vô nghệ nghiệp đều xoay ra làm nghề ấy lại càng tai  hại hơn. Chúng tôi tưởng các nhà đương sự cũng nên vì dân quê  mà trừ khử lũ thầy địa kia, vì họ chính là những kẻ lường gạt.

TRỪ NẠN CHO VAY NẶNG LÃI,

LẠI NẢY RA NẠN BÁN RẺ


Muốn trừ nạn cho vay nặng lãi, chính phủ định ra các điều  kiện nghiêm ngặt để hạn chế các chủ nợ. Các chủ nợ ngày nay  không dùng tiền để đặt lãi được, xoay ra mua rẻ sản nghiệp của kẻ  cần tiền, thì lại càng nguy khốn hơn nữa. Trước kia, số tiền lãi 5  phân hay 10 phân, còn có hạn, con nhà công nợ tuy phải nhắm  mắt mà vay, nhưng còn há vọng có món nọ đập món kia, hoặc tới  hạn dù không trả được gốc thì cố lo lấy tiền lãi, khất lại để giữ lấy ruộng đất mà làm ăn. Cùng ra, không trả được, chủ nợ muốn tịch  biên gia sản, còn phải trước bạ văn tự, thưa tòa án, xin bán đấu  giá, còn bị nhiều khoản phí tổn. Nay họ viện lẽ nhà nước cấm cho  vay, không chịu cho người cần tiền cầm ruộng đất, phải bắt viết  văn tự bán đứt, hạn chuộc lại, chỉ ước hẹn với nhau bằng miệng  mà thôi; đã thế, quá mười đồng thì chỉ bán được hai ba thôi và  tính gốc lãi tới ngày giao hẹn viết bằng văn tự. Tới hạn, không trả  được thì văn tự ấy chỉ cần trước bạ sang tên thôi.
Kỳ trả nợ của dân quê tức là sau vụ gặt bán thóc để chuộc  ruộng thì lại bị kẻ trung gian, kẻ đầu cơ bắt chẹt lần nữa! Ruộng  đất đã bán rồi, chẳng lẽ ngồi không nhịn đói, vì dân quê, ngoài  việc cày cuốc ra chẳng còn nghề nghiệp gì làm kế sinh nhai cả, bất  đắc dĩ lại phải đem đầu tới chủ ruộng xin làm giấy lĩnh canh, vì  chỉ có những kẻ lĩnh canh mới có há vọng vay mượn khi túng bấn.  Mùa mất, chiêm hỏng, mặc mình chủ ruộng cứ chiếu số thóc ghi  trong giấy bắt phải nộp. Nếu số thóc còn thiếu ít nhiều thì chủ  ruộng, tuy lại cho chịu, nhưng bắt phải giấy nhận lĩnh số thóc ấy  làm lương ăn mà chủ ruộng cấp cho, chờ vụ lúa sau sẽ nộp trả, nếu  không có trả thì xin chịu tội lừa đảo. Vụ lúa sau, cố nhiên cũng  không trả được, vì số lương ăn viết nhận trong giấy chỉ là nợ,  muốn có ăn, tất phải vay nữa. Muốn tránh cái tội lừa đảo chủ  ruộng bắt làm giấy gán người, người đàn ông mạnh khỏe cày bừa  được thì mười hai đồng một năm, người đàn bà cấy hái được thì  tám đồng, trẻ con từ 15 tuổi trở lên 4 đồng, ở làm trừ khi hết nợ,  trái chủ xé văn tự cho về; bỏ trốn đi, thì cái tội lừa đảo kia còn ở  trong tay chủ nợ. Cái sản nghiệp của người dân quê đã mỏng manh, cho nên từ anh hữu sản đến anh vô sản, từ anh vô sản tới  anh can án, từ anh can án tới anh trộm cướp, những cái "giai cấp"  không cách xa nhau mấy nỗi.

CÔ TÂY HOẺN

Gặp phải cảnh mẹ chồng cay nghiệt, cô Hoẻn cắp áo trốn nhà  ra đi, đoạn tuyệt với anh chồng lưng đen, khố bện, từ giã cái cảnh  cà chua mắm mặn, với cái đời chân lấm tay bùn. Cô đi đâu? Bẵng  đi sáu bảy tháng trời, biệt vô âm tín khiến cho hai họ xảy nhiều  điều xếch mếch. Bỗng một hôm, lũ trẻ chăn trâu tới tấp chạy về  làng, hoảng hốt báo:
"Có tây về làng ta!" Các tướng nấu rượu lậu nhớn nhác xô  nhau cất dọn giấu giếm, cả cái lão trùm Đẩu đương du dương say  tỉnh với mấy phân thuốc phiện ngang cũng vội nhỏm dậy lẻn ra  đầu nhà vứt cái hến thuốc xuống ao! Tây càng đi gần tới, lũ trẻ  càng xô nhau chạy, mọi người đứng trong bụi hàng, hay nấp trong  cổng nhìn ra:
Một anh tây lính mũi lõ râu xồm, mình cao, bụng phệ, dắt  chiếc xe đạp đi bên cạnh một người đàn bà phấn son sặc sỡ, quần  áo lam, giày cao gót, chiếc ô xanh biếc, chiếu xuống bộ mặt phấn bị  mồ hôi loang lổ, bộ răng trắng nhom nhem khấp khểnh như rã rụa  với bộ môi cong mỗi khi cười nói. Bộ răng ấy, bộ môi ấy đã làm cho  dân làng nhận được là cô Hoẻn, con ông đĩ Hoét! Đi sau là một mụ  vú già khệ nệ vác chiếc va li to kệch. Lũ trẻ quê ngờ nghệch chắp  hai tay lên cổ, hấp háy trông theo, các "chủ lò rượu" yên tâm, chỉ  lão trùm Đầu tha thiết tiếc mấy phân thuốc phiện, giậm chân, đạp  cẳng, lẩm bẩm chửi bâng quơ cho hả giận rồi vào! Một bữa cơm  thết chàng rể mà cảnh nôn nao rộn rịp như trong làng có loạn, nào  xua gà, đuổi cá, chuốc từ nải chuối, kén từ mớ rạ, vất vả nhất là  ông anh đi lùng mua rượu, bánh. Trong khi ấy thì cô tây Hoẻn dắt  đức lang quân đi khắp đình chùa miếu mạo. Ông đĩ Hoét cũng áo  the khăn lượt dẫn theo sau, giảng giải từ bệ tế thần nông tới văn  chỉ tế thánh Khổng, mở rộng cửa đình cho con rể xem chỗ phụng  tự, chỗ ăn ngồi. Sau những tiếng rụt rè nhỏ nhẹ của ông đĩ Hoét,  cô Hoẻn lại cong môi chĩa răng ra thông ngôn lại bằng một chuỗi  tiếng bồi, lũ trẻ chạy theo xem cũng học lỏm được mấy chữ "lúy  phe", "lúy điếc".
Bác lính tẩy lúc bấy giờ trông hiền lành ngoan ngoãn tệ! Chẳng thế mà mỗi lần đi ra xa một tý, cô Hoẻn gầm lên một tiếng  "sê ghi" mà chậm lại, là cô nhả tiếng ta chửi thống cho một hồi, chỉ  thấy anh Tây há hốc mồm ra cười, chứ không hằm hằm độc dữ  như mấy anh tây đoan về bắt rượu mọi ngày. Cô Hoẻn càng thấy  dân làng đổ ra xem, lại càng trổ tiếng tây dữ! Vừa nói vừa khua  tay mua chân cười nói tự nhiên, nhưng cũng nhiều người chê là lố  bịch! Chiếc va li trong đựng những gì? Đó là những khí cụ văn  minh của tây đủ cải hóa cả một gia đình ông đĩ Hoét! Này thì đây:  Của quý mà con gái và con rể đem lại cho ông: một cái kê pi, một  cái cát két, hai thứ tiện dụng cho cha và anh lúc cày bừa, dùng nó  che nắng mà không bị gió lật như đội nón, bốn chiếc bành tô vàng  đã cũ, hai cái sơ mi đàn ông, ba cái cóc sê viền đăng ten, trông  cũng hay hay, bà đĩ Hoét tính không hay đỏm dáng, chỉ dấn vài  nước nâu là được một cái vừa làm áo vừa làm yếm, tiện biết bao!  Này lại hai đôi giày, một đôi bằng da dưới có đinh lởm chởm, đôi  này ông đĩ sẽ dùng khi có đám thứ việc làm, còn đôi băng túp thì  để cho ông anh khi đi tuần có cái dùng cho đỡ xéo phải gai. Đến cái  khăn bông tắm kích nô, tuy còn lành nhưng hân ố nhiều chỗ. Ông  đĩ Hoét bảo:
Cái này nhấn vài nước vỏ xó để mùa rét làm khăn bịt đầu thì  ấm chán! Một cuộn tranh trong có đủ cả ảnh mấy tướng Foch, lòe  loẹt, những mẫu áo tây gọn ghẽ của hàng thợ may, cô Hoẻn mắt  trông, tay chỉ cho cả nhà xem những cái hay cái lạ trong quyển cát  ta lô nào cái cối xay hạt tiêu, cái cối xay cà phê, cái cối vắt nước  chanh, cái cùi dìa, cái phóng sét.
Ai cũng nắc nỏm khen cô thông minh sáng láng, giá không đi  ra ngoài, thì đời nào biết được như thế! Cô lại quá cao hứng bắt  ông bố đặt tên hai con chó. Một con đặt tên là con phốc để thay tên  con cộc, một con đặt tên là ki ki để thay tên là cái! Vì cô rất ghét  gọi chó mà lại cứ rống lên êu-êu, cộc-cộc! Cô bắt dọn riêng cho cô  một cái chái nhà để cô đem bộ giường về kê, phòng khi đi về có chỗ  nằm, hoặc khi chồng đi "man nơp" hay đi "câu lơn" thì cô về ở cho  vui. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang, vợ chồng cô sắp từ biệt ra đi,  ông đĩ Hoét còn giữ lại việc trả của cho người chồng cũ. Cô trợn  mắt nói:
"Thây mẹ chúng nó, tôi lấy tây thì tôi tức là đầm rồi, đứa nào  vô phúc thì động đến lông chân tôi mà chơi, thầy đừng lo! Việc làm  ăn cứ chăm chỉ rồi có muốn tậu ruộng tậu vườn, nếu trong làng ai bán thì thầy cứ ra bảo tôi. Thằng này tuy khá, nhưng nó sắp phải  về tây, chẳng bòn cũng thiệt".
- Thế "anh nó" không sang nữa ư? Rồi làm thế nào? - Không sang thì thôi, lấy thằng khác, cần gì! Trong khi nói chuyện anh tây lúi húi sửa cái xích xe đạp, cô  Hoẻn cầm cái ô tần mần xỉa xuống đất thành những lỗ con, rồi  ngước mắt nói:
- Rồi tôi sẽ dắt díu cho lũ trẻ làng ta ra ngoài ấy, dạy dỗ cho  tiếng tây thông thạo, phấn son vào, ăn mặc vào rồi mối manh cho  khéo, bùa thuốc cho linh, thay quyền cha mẹ chúng nó mà gả bán  cho tây thì phải biết là khá!... Tội gì mà cứ bắt chúng nó chăn trâu  cắt cỏ ở chốn quê mùa này, khổ bỏ mẹ đi ấy.
Tiếng chuông xe đạp bấm kính coong, báo hiệu giục đi, cô  Hoẻn nhoẻn mép nghiêng mình chào bố mẹ, bác lính tây ngả mũ, chìa tay ra bắt tay ông đĩ Hoét mà bảo:
“Ông già bố cu tốt" kèm theo một tiếng cười ròn rã gửi lại cái  nhà tranh. Lũ trẻ chạy theo một cách bạo dạn hơn!

TÉ RA ÔNG BÙI TIẾN M...

TRÚNG SỐ KHÔNG VÌ VẬN ĐỎ

Thời vụ số trước có nói đến vụ ông Bùi Tiến M... trúng số 4  nghìn. Chúng tôi cho rằng: sự phát tài ấy của ông M... là nhờ ở  vận đỏ mà ra. Một người trước đây 10 năm còn là thừa phái bị  cách chỉ vì có dự vào bộ trọng yếu của đảng Việt Nam Quốc dân  mà biết nhiều sự bí mật của đảng ấy... rồi không biết làm sao trong khi bảy tám đồng chí và ông nhạc mình đi Côn Lôn, thì mình đặc cách làm ông tri châu, rồi tri huyện, rồi tri phủ, bây giờ  lại trúng cả số độc đắc, như thế ai không bảo là vận đỏ. Kỳ thực  không phải! Sự trúng số đó cũng nhờ công lao khó nhọc của ông  M... mà có, chẳng phải là sự ngẫu nhiên. Theo lời ông M... đã nói với phóng viên Việt báo thì ít lâu nay, ngoài việc chăn dân Yên  Sơn, ông ấy còn bị quan tỉnh Tuyên Quang cử ra trông nom công  cuộc tu bổ mấy ngôi đền ở Tam Cờ nữa. Công cuộc thứ hai đó tuy  có vất vả nhưng ông ấy không hề quản ngại. Các đền chữa xong,  theo ý ông M... đâu đâu cũng đẹp cả, chỉ hiềm có lớp mái hiên quá  hẹp nó không đủ sức che chở mưa nắng làm lạt màu vàng son, ông  rất lấy làm áy náy trong lòng. Thế rồi, một hôm ông ấy khấn đầu  trước bóng Thánh mẫu, khấn rằng:
Nếu được "mẫu" run rủi cho một dịp phát tài thì ông sẽ bày  tỏ với quan tỉnh sửa lại cái mái hiên ấy cho rộng thêm và đẹp thêm. Cố nhiên những câu khấn ấy đều là những sự thành tâm.  Nó cũng thành tâm như khi các quan nhỏ dâng cái "vi thiềng" lên  các quan lớn, chứ nó không giống những lời thề nhảm ở trước bàn  thờ tổ quốc của đảng Việt Nam Quốc dân. Bởi thế, sau khi trúng  số, ông M... mới thành thực nhận là công hiệu của mấy câu khấn.  Nghĩa là mấy câu khấn ấy lọt đến tai "mẫu", nên "mẫu" phù hộ  ông M... được 4 nghìn đồng. Có thể thế được lắm. Thánh mẫu tuy  là thần thánh song cũng ở trong đất An Nam, lẽ dâu lại không  thích những cái "vi thiềng" của người ta khấn? Nghe nói ông M...  đã sắp sửa thực hành những lời khấn đó. Bằng món tiền 4 nghìn  đồng, ông ấy đương định sửa lại cái mái hiên của đền Hiệp Thành  và cứu giúp cho kẻ nghèo khổ, còn nữa thì để làm vốn cho các con,  chứ không làm chay siêu độ cho những đám u hồn đương vẩn vơ  ngoài Côn Đảo.
Như thế cũng phúc đức lắm rồi. Với cái công đức lớn lao ấy  chắc thánh mẫu lần này sẽ phù hộ cho ông M... bằng hai lần trước.  Không phải tôi nói kỳ sau "mẫu" sẽ run rủi cho ông M... trúng số 8  nghìn. Đường đường một ông tri phủ có thiếu gì của? Cái cần của  ông M... ngày nay có lẽ là con. Vì khi tiếp phóng viên Việt báo ông  ấy mới kể Ngô Tất Tố phê phán Bùi Tiến M... đã thề trung thành  vói Việt Nam Quốc dân đảng (Nguyễn Thái Học) nhưng sau đó lại  phản bội. tên hai cô con gái do hai bà phủ đẻ ra và một cậu con  nuôi của ai đẻ hộ thì không biết, chứ không thấy nói đến tên con  trai. Nếu như ông ấy chưa có con trai thì là trời không có mắt.  Chắc rằng chuyến này "mẫu" sẽ phù hộ ông ấy cố đẻ lấy năm, bảy  người con trai để cho có kẻ thừa nhận những cái phú quý mà ông  ấy đã lập lên từ viên thừa phái bị cách đến chức tri phủ! Nhưng đó  còn là câu chuyện về sau. Bây giờ chỉ nên nhớ rằng: nhờ sự trúng  số của ông M... mà cụ Khổng lại được lòi ra một vị tín đồ. Phải, khi tiếp phóng viên Việt báo, ông M... có tự phô mình là tín đồ của cụ  Khổng thật. Không biết ông ấy đã đi theo cụ Khổng hồi nào? Có lẽ  là lúc còn làm thừa phái. Dù sao mặc lòng, trong khi thánh đạo  suy vi mà được có một ông phủ tự nhận làm tín đồ, cụ Khổng chắc  lấy làm hả! Điều đáng nói là nếu ông M... mà là tín đồ cụ Khổng,  thì ông Nhiễm Cầu chắc phải ghen đến hộc máu. Ông này không  phản đảng, chỉ có cái tội làm giàu cho kẻ quyền thần họ Quý! Thế  mà cụ Khổng còn sai học trò thúc trống đuổi đi, không cho là môn  đệ mình nữa. Ấy, cụ Khổng ngày xưa nghiệt như thế đấy. Không  rõ quan phủ Bùi Tiến M... có biết hay không?

PHẢI HỎI NGÔI ĐỀN ẤY THỜ ÔNG NÀO ĐÃ

Có lẽ dân làm muối ở Thái Bình hôm nay hãy còn mất vía về  vụ đền làng Ngải Châu bị đốt. Người đã đốt ngôi đền ấy không  phải là gặp cướp, chính là ông Dauret, nhân viên của sở thương  chính. Bữa đó nhằm ngày 11 Aout, chừng ba giờ chiều, ông Dauret  có đem một bọn tùy tùng đến làng Ngải Châu để khám muối lậu.  Nhưng cái làng vô lễ, không biết chiều ý nhân viên nhà đoan trong  khi ông này đến khám, họ "dám" không có một hột muối lậu nào  cả. Chừng cũng cáu về tội đã làm cho mình phải lặn ngòi ngoi nước  tới nơi, mà không kiếm được chút tang vật gì có thể xin bắt phạt  họ để lấy hoa hồng, ông Dauret liền sai lũ người tùy tùng phóng  hỏa đốt ngôi đền của làng ấy. Thế là ngôi đền ấy đã phải chịu cái  số phận của chùa Hồng Liên trong chuyện kiếm hiệp Tàu. Nghe  nói dân làng Ngải Châu đã phái người đi trình quan sở tại, và  quan sở tại đã về tận nơi làm biên bản để ghi lại cuộc "hỏa thiêu"  ấy. Việc này chắc còn lôi thôi. Chưa ai có thể đoán trước nó sẽ lôi  thôi như thế nào. Người ta chỉ biết dư luận vùng bể rất cay cú về  cái hành động lạ lùng ấy của một ông nhân viên nhà đoan. Một  bạn đồng nghiệp trong khi đăng cái tin đó đã phải cho là một việc  đáng than phiền, vì nó phạm đến sự tín ngưỡng của người An Nam. Rồi bạn đồng nghiệp ấy xin chính phủ răn bảo những viên chức nhà Thương chính từ nay không được làm như thế nữa. Cố  nhiên lời nghị luận của bạn đồng nghiệp vẫn là chính đáng. Nhân  viên sở Thương chính chỉ có trách nhiệm đi khám những nhân vật  lậu thuế, sao lại kiêm cả việc đốt đình đốt chùa của người An Nam?
Nhưng nếu nghĩ lại cho kỹ, chúng ta... phải hỏi xem cái đền  ấy thờ ông nào đã. Phải! An Nam vốn là một nước nhiều Thần  nhất thế giới. Cái vạ "thần mãn" kéo dài mấy trăm, mấy nghìn  năm nay, làm hại bao nhiêu trâu bò, gà lợn của chúng ta. Đành  rằng cũng nhiều ông thần có công với dân, đáng để cho dân kỷ  niệm, song cũng vô số ông thần cực kỳ bẩn thỉu, dơ dáy; thí dụ như  ông thần Cường bạo đại vương chẳng hạn, nếu còn sống chắc phải  đi đày... Thế mà chúng ta cứ thờ bừa đi, lễ bừa đi, há chẳng oan  cho cái đầu, cái cổ! Bao nhiêu năm nay chúng ta chẳng hô hào trừ  sự mê tín đấy ư? Nhưng có được đâu? Nó vẫn bám vào hai chữ tôn  giáo mà được trơ như đá vững như đồng vậy!

HOMECHAT
1 | 1 | 220
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com