watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:48:5028/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Ngô Tất Tố > Tạp Văn - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Tạp Văn
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 6

XIN NHỜ LƠMUYA CÁT TƯỜNG VIỆC NÀY NỮA

Càng ngày càng thấy Cát Tường Lơ muya là bậc vĩ nhân. Nhà họa sĩ ấy nếu mà vẽ khéo một chút, chắc cũng nổi tiếng như  các họa sĩ khác. Sự thi đậu thứ bét trường Mỹ thuật của ông ta  chẳng cấm ông ta đem cái óc cách mệnh mà tô điểm cho nước Việt  Nam. Cuộc cách mệnh bắt đầu từ mấy cái gấu quần, gấu áo của  bạn gái kẻ chợ mà cách mệnh đi. Trước đây, chừng năm, sáu năm  chi đó, gấu áo gấu quần của bạn gái kẻ chợ đâu được văn minh  như ngày nay. Nó còn bàn bạt bằng cái quân bài kia chứ. Nhờ về  một bầu máu nóng của họa sĩ họ Lơ tuôn xuống dưới ngòi bút vẽ,  mà đến bây giờ, bao nhiêu gấu quần gấu áo... hủ bại ngày xưa đều  bị đánh đổ tất cả. Cuộc cách mệnh ấy đã lan đến các cụ cao mũ dài  áo. Các cụ đang hăng hái cách mệnh cái áo thụng cho khỏi mang  tiếng hủ bại. Việc này rất nên có! Không cần nói đến quốc thể.  Chúng ta cứ tưởng tượng một cụ có râu hay không râu, náu mình  trong tấm áo màu lam, cổ tràng vạt, hai ống tay bằng hai cái cống  tháo nước, đứng trước một bà kẻ lông mày, bôi môi son, bận quần trắng, đi giày cao gót, phỏng chừng bà nọ có thể nhắm mắt mà hôn  cụ kia một cái được chăng? Sợ cụ thì sợ thật, còn hôn cụ quyết  không dám. Theo tin của một tờ báo hàng ngày, kiểu phẩm phục  đó, nhà họa sĩ nọ vẽ theo lối lễ phục của sứ thần các nước đời xưa.  Nghĩa là áo kiểu tây, mà khi mặc, đít nó xòe ra như cái đuôi tôm.  Các cụ cho thế là được. Chắc rằng các bà ở nhà cũng nhận như thế  là được. Rồi đây trên trường quan lại, dân chúng sẽ vui vẻ được  trông các cụ tân thời, cũng đẹp mắt như ngày nay được nhìn các  bà tân thời. Trong mấy năm trời, nhà họa sĩ đó đã làm đỏm cho  phụ nữ, lại làm đỏm cho các quan, thượng lưu nước nhà, họ sắp  sửa đẹp đẽ cả rồi. Bây giờ tôi muốn ông mỹ thuật thứ bét hãy ngó  mắt đến kẻ hạ lưu, thôn quê... Giả sử mẹ Phó nhà tôi mà cách  mệnh được cái váy của nó, thì tôi rất cám ơn ông.

GIẾT NGƯỜI LẤY CỦA


Biết vài tiếng Pháp mà không có học thức thì nên đi làm thầy cò. Biết vài chữ Hán mà không có kinh nghiệm về nghề thuốc  thì nên đi làm nho ở phủ huyện. Biết mặt vị thuốc mà không có  học thức kinh nghiệm về nghề thuốc thì nên gánh bồ về các chợ  mà bán thuốc cái, nếu không đủ tiền mở hiệu buôn thuốc sống ở  tỉnh thành. Ngày nay không phải là ngày mà những kẻ không đọc  sách thuốc, không học nghề thuốc được tự do núp sau những biển  "dược phòng", "y quán", "dược xá", "y viện" hay "gì gì đường" đó,  dùng dao cầu thuyền tán, ống tiêm ống thụt giết hại dân nghèo để  lấy tiền nuôi vợ nuôi con và làm giàu.
* *  *
Thưa các ngài. Trong cái xã hội của chúng ta ngày nay, hạng  người nào giỏi bịp và độc bụng hơn hết? Nếu đã xem xét một cách  kỹ càng, các ngài chắc không ngần ngại gì mà không nói rằng:
- Chỉ có hạng người ít học hay không học mà dám làm thầy  lang.
Thật thế. Một số rất lớn cụ lang, ông lang, chú lang, anh lang kia đều là tổ sư, thánh sư, tiên sư và kỹ sư của nghề "bịp"...  gọi họ là "lang" hay coi họ là "lang" ấy là chúng ta tự lầm. Chữ  "lang" chỉ xứng đáng với những người có học thuốc biết chữa bệnh,  còn phường đại bịp kia đâu có "lang" một chút nào! Họ là thầy đồ  đọc cuốn sách nho không hiểu nghĩa. Họ là cậu học trò tây đi thi  tiểu học không đậu. Họ là kẻ "Hán tự không biết Hán, Tây tự  chẳng biết Tây", trong tay không có nghề gì nuôi sống lỗ miệng. Đi  ăn mày mà nhiều người cho, đi ăn cắp mà không bị tội, thì họ cũng  chẳng xoay ra cái nghề làm lang. Nhưng hai cái nghề kia không  phát tài lại nguy hiểm, cho nên họ phải giở đến cách lường gạt  người ốm. Nếu đã biết một vài chữ Hán thì họ học thêm ít tên, bài  thuốc Tàu rồi họ đóng vai thầy lang mốt cũ. Nếu có biết năm ba  tiếng Tây thì họ học thêm ít tên vị thuốc Tây rồi họ đóng vai thầy  lang mốt mới. Còn nếu chỉ biết có chữ quốc ngữ, ngoài ra không  hiểu một thứ chữ nào, thì họ tự xưng là làm thuốc gia truyền, rồi  mua vài cuốn sách thuốc quốc ngữ để tập lấy những câu nói sáo.  Trong lúc nghề thuốc còn lộn xộn, không ai có quyền được hỏi lý  lịch của người làm lang. Hễ mà họ có tủ thuốc, ô thuốc, có dao cầu,  thuyền tán, có tiêm, có thụt, có áo blouạe, ấy là họ lên mặt cứu  dân độ thế, cũng cho đơn, cũng bốc thuốc, cũng tiêm, cũng thụt,  cũng cao, đan, hoàn, tán, họ giở không thiếu trò gì. Các ngài nghĩ  xem, nghề thuốc có thể dễ dàng như vậy được chăng?
Một người đã thông chữ Hán muốn học thuốc Tầu, theo thầy  chữa bệnh hàng mười mấy năm, đọc đi đọc lại mấy trăm pho sách  mà khi thành nghề, vẫn còn có bệnh chữa lầm. Một ông đốc tờ  chưa chắc chữa bệnh khỏi sai, sau khi đã trải sáu, bảy năm trời  vừa làm vừa học ở nhà thương. Huống chi bọn đại bịp đó, ngoài  ngón bịp ra, hầu hết là kẻ ngu dốt. Vậy mà hôm trước còn là thầy  đồ dốt, còn là anh thi trượt bằng tiểu học, còn là đứa lang thang vô  nghề nghiệp, hôm sau đã là "lang" rồi, phỏng chừng họ có biết  nghề thuốc là cái gì nữa! Chúng tôi dám nói quyết rằng: họ ra đóng vai thầy lang, mục đích không cốt ở sự chữa bệnh.
"Mỗi người bị lừa một lần thì tôi sẽ thành một nhà triệu phú". Đó là câu của một thầy lang giả hiệu đã có cửa hàng đồ sộ ở Hà thành trả lời chúng tôi trong khi bị hỏi dồn đến cùng đường. Té  ra sự làm thuốc của họ chỉ là một sự lường đảo, ăn cắp. Nhưng nếu họ lường đảo, ăn cắp bằng cách khác, chúng ta chỉ mất tiền, mất  của mà thôi. Cái độc ác là họ lại lường đảo, ăn cắp bằng nghề làm  thuốc, cho nên chúng ta đã mất tiền cho họ lại mất mạng về họ  nữa. Các ngài đừng tưởng thục đại, dương qui, đẳng sâm, bạch truật là không chết người. Các ngài đừng tưởng thủy ngân, khinh  phấn, hoạt thạch, hải kim sa là không hại gì. Các ngài cũng đừng  tưởng Gonacrine, vaccinantigonoccocique mà người nào cũng có  thể tiêm được. Không thế đâu. Nếu không biết dùng, nếu dùng không trúng bệnh, nước lã cũng giết người được nữa là thuốc. Biết  vậy, mà nhiều người đành nhắm mắt để cho họ lừa, nhắm mắt  đem tính mệnh mà giao phó cho họ. Chỉ vì chúng ta phần nhiều là  hạng người nghèo. Nghèo không có tiền, lúc ốm không lấy đâu mà  tìm chỗ chữa bệnh chắc chắn, nên phải đánh liều dùng thuốc của  họ, phó sống thác cho sự rủi may. Không ai ngờ rằng đã mượn kẻ  mù đưa đường, thì không có may chỉ có phần rủi. Trong chúng ta,  chắc đã có người uống thuốc của họ. Thuốc chủng trừ vi khuẩn  bệnh lậu cầu nhiễm huyết.

Chúng tôi muốn hỏi có ai khỏi bệnh hay không? Một nghìn  lần không. Nếu có khỏi nữa cũng chỉ là sự hú họa. Bệnh không  khỏi, tiền vẫn mất. Vì vậy mà họ mới chóng làm giàu. Các ngài  hãy ngắm mà coi. Biết bao kẻ không nghề, không nghiệp, sau ít  năm đóng vai thầy lang, đột nhiên có ô tô, có nhà lầu, có ruộng đất  liền khu ở quê rồi. Mỗi lần họ mua ruộng đất, cất nhà lầu, sắm ô  tô thì bao nhiêu mạng vô tội chết oan về họ! Giặc cướp thuở xưa  không đến nỗi tàn ác như vậy. Nói theo sách cổ "tội ác của họ nay  đã đầy sâu". Đứng về phương diện xã hội, chúng tôi tưởng không  nên dung thứ mãi cho một hạng "giết người lấy của" ấy cứ dùng  tính mệnh dân nghèo để làm giàu! Nhưng mà trị họ bằng cách  nào? Gần đây, nghe có nhiều người muốn lập ra một hội y giới, nói  rằng mục đích cốt để chấn hưng nghề thuốc. Việc đó, chúng tôi rất  hoan nghênh nhưng chỉ lo cho lúc lựa người vào hội. Ông nào đáng, người nào không đáng là hội viên, đó là một điều rất khó  phân biệt. Mà nếu không chịu phân biệt, ai có dao cầu thuyền tán  đều cho vào hội tất cả, thì những kẻ "giết người lấy của" sẽ mượn  thanh thế của hội mà lấy thêm của, giết thêm người. Một hội như  vậy, chẳng những vô ích mà còn hại cho xã hội giống nòi nhiều  lắm. Theo ý chúng tôi, muốn trừ hết bọn "giết người lấy của" chỉ có  một cách:
Đem hết những cách làm thuốc, khóe làm tiền của họ tuyên  bố lên báo cho mọi người đều biết.

KÍNH MỪNG VIỆT NAM TỔ QUỐC

VÀ TIẾC THAY CHO LÀNG BÁO CỦA NÓ


Trời thật hay dọa tổ quốc Việt Nam, nói cho đúng, cái tổ quốc  của báo Tổ quốc Việt Nam. Hồi cuối năm ngoái, khắp xứ Đông Dương đều nô nức về những cuộc đón tiếp hai ông đại biểu của  Chánh phủ Bình dân, người ta ngong ngóng sau chân hai vị đại  hiến, sẽ có những cuộc cải cách tốt đẹp. Thì sét đánh ngang trời,  cái tổ quốc của tờ báo "Tổ quốc Việt Nam" bỗng chốc xảy ra một tin  quan hệ như tin trời đổ. Ông Võ hiển Hoàng Trọng Phu từ chức  tổng đốc Hà Đông. Trời đất ơi, ai mà yên dạ cho đành! Con rồng  cháu tiên của tổ quốc, nhất là những người Bắc Kỳ, hết thảy đều lo  ngay ngáy. Họ sợ cái góc tổ quốc phía Bắc sẽ đổ đánh ụp một cái.  Phải lắm! Năm tỉnh đàng ngoài có năm tổng đốc, ví như nhà có  năm cột. Từ chức đi một ông tổng đốc Hà Đông, ấy là nhà thiếu  một cột, đứng sao được mà chẳng đổ! Mà tổ quốc đã đổ, thì quốc...  dân sẽ ở vào đâu? Nếu quả vậy, há chẳng là trời gieo vạ lớn cho tổ  quốc? Phúc bảy mươi đời, tổ quốc lại sinh ra báo Tổ quốc Việt  Nam.
"Trong dịp quốc dân đều phập phồng lo sợ thì cái báo "con  cầu con cưng" của tổ quốc ấy đã có bài sớ vãn lưu ông Hoàng đăng  trên trang nhất. Nghe nói bài sớ ấy, lời rất thiết tha cảm động,  chẳng kém gì văn chầu bà chúa Thượng ngàn. Dầu vậy mặc lòng,  ông Võ hiển vẫn không ngoảnh lại, cái đơn từ quan đã đệ lên phủ  thống sứ, nhất định ông không rút ra. May sao, trời cũng dọa chơi  chứ không làm thực. Bước sang đầu xuân tức thì đã có tin mừng.  Ông Võ Hiển đã bị giữ lại trên ghế tổng đốc Hà Đông thêm một  hạn không nhất định. Có thế chứ. Bài sớ của tờ báo "Tổ quốc Việt Nam" thật đã thấu đến tai trời, mới có sự tốt lành ấy. Lá sớ quí  hóa đó thật là đáng giá ngàn vàng.
Nếu không, nếu tỉnh Hà Đông bị thiếu một ông tổng đốc, thì  tổ quốc có khi sẽ thành tổ... cò, chúng mình còn mặt mũi nào mà  sống ở đời được nữa! Vạn tuế! Tổ quốc vạn tuế, vạn vạn tuế! Tuy  vậy, mừng cho tổ quốc bao nhiêu, tôi cũng tiếc cho làng báo bấy  nhiêu. Tương lai số 1 đã tỏ ý mừng rằng Làng Báo chúng tôi sẽ  được một viên chúa tể của Làng Quan làm bạn đồng nghiệp, thế  vào cái chân ông Thượng Giáo dục đi mất năm xưa. Bây giờ ông  Hoàng đã vì tổ quốc mà ở lại, cố nhiên đẹp cho tổ quốc, song cũng  thiệt cho Làng Báo. Không biết bao giờ trời mới bù lại chỗ ấy?

BÃI NƯỚC BỌT

TRÊN MẶT MỘT ÔNG TUẦN PHỦ


Đây là mặt ông Nguyễn Doãn T... tuần phủ hưu trí, hiện đương làm việc thả lãi và vẫn vui cảnh "cố viên tùng cúc" ở làng  Du Lâm. Bãi nước bọt ở trên mặt ngài không phải nước bọt của các  cô nhỏ, cậu nhỏ nhà ngài, mà là nước bọt của ông Nguyễn Phương  Đ... nguyên thông phán phủ toàn quyền, cùng họ với ngài và đương làm chánh hội làng Du Lâm. Lịch sử bãi nước bọt ấy hơi  dài. Số là ở làng Du Lâm, họ Nguyễn của ông T... và ông Đ... thuần  túy là một quý tộc, đã lắm quan, lại đông người hơn hết các họ  bách tính. Xưa nay quyền chánh trong làng đều ở họ này, mấy họ  khác chỉ là bọn phục tùng mệnh lệnh. Đối với họ Nguyễn, dân làng  Du Lâm quen gọi bằng tiếng "quan họ".
Vậy mà từ ngày nhận chức chánh hội, ông Đ... lại không trị  dân bằng chế độ phong kiến. Nghĩa là ông ấy không muốn cách  biệt với bọn bách tính, cho họ được ngồi ngang với mình khi bàn  các việc của làng. Hơn nữa, ông ta còn làm mấy việc chỉ có lợi cho  bình dân, không lợi cho quý tộc. Một người đại thần phong thể như  ông T... cố nhiên không thể vui lòng với những chứng bệnh lạ lùng  ấy của ông Đ... Mích lòng cụ lớn hơn hết là việc quân cấp công điền mà ông Đ... cố ý muốn làm. Làng Du Lâm chẳng phải là xóm Hoa  Lâm của nhà Lý à? Công điền làng ấy đã chiếm một phần rất lớn  trong địa giới! Nhưng mà đến hồi gần đây, số ruộng công ấy bị hóa  thành ruộng tư rất nhiều, những ruộng chia cho trai làng chỉ có độ  hơn một nửa. Thình lình có lệnh của ông công sứ Bắc Ninh bắt  phải chia lại số ruộng công ấy. Nếu là người không muốn lôi thôi  mất công, thì thôi, ruộng công còn bao nhiêu, chia cho dân đinh  bấy nhiêu, miễn là công bằng, dân cũng nhớ ơn lắm rồi. Ông Đ...  không thế, cứ muốn theo đúng địa bạ Gia Long, móc hết những số  ruộng công đã bị hóa làm ruộng tư mà chia luôn thể. Cái khó chịu  của ông T... là ở chỗ đó. Bởi vì trong những ruộng tư của ông tuần  này lại có một thửa hay nhiều thửa đã bị ông Đ... và dân làng Du  Lâm giở đến căn cước của nó mà bảo nó là ruộng công ngày xưa.  Việc đó tuy rằng đích thực, không thể chối cãi, nhưng ông T... vẫn  có quyền xích mích với ông Đ... Cách đây không lâu, bỗng có lá đơn  của mấy ông tộc biểu đệ lên tòa sứ Bắc Ninh kiện ông Đ... về mười  sáu khoản hà lạm. Theo sự dò la của ông Đ... thì vụ kiện ấy do ông  T... cầm đầu cho lũ nguyên đơn. Với một người đã có bộ mặt Châu  Xương như ông Nguyễn Phương Đ..., vụ kiện không có sự thực kia  chính là mớ lửa đốt cho cơn giận bùng lên. Một hôm, giữa đám cỗ  của người trưởng họ, ông Đ... hỏi thẳng ông T...:
- Có phải anh đã sai lũ tộc biểu đi kiện tôi không? Lẽ tự  nhiên là ông T... phải chối. Ông Đ... chỉ mặt ông T... nói tiếp:
- Thế thì anh là kẻ hèn nhát, không có can đảm tự nhận cái  việc mà mình đã làm, tôi phải nhổ vào cái mặt hèn nhát của anh.  Rồi một bãi nước bọt từ miệng ông Đ... nhẩy luôn sang mặt ông  T... Chuyện vẫn chưa hết. Ông T... còn lấy nhiều người làm chứng  mà kiện ông Đ... Ở tòa sứ Bắc Ninh. Khi ấy, ở tỉnh Bắc Ninh người  ta đã xét ra rằng mười mấy khoản của bọn tộc biểu đã kiện ông  Đ... đều là vu khống. Đến lúc nhận được đơn kiện của ông T..., ông  sứ nói với ông tổng đốc Bắc Ninh như vầy:
"Nếu ông tuần phủ Nguyễn Doãn T... cũng có công tâm lo  lắng việc dân như ông chánh hội Nguyễn Phương Đ... thì chúng ta  không phải mất công xét xử những chuyện lặt vặt như thế này".  Vụ kiện còn đương xét hỏi chưa xong, thì ông T... theo lời điều đình của người trong họ, lên tỉnh xin rút đơn ra. Ngài không kiện  ông Đ... nữa. Bấy giờ việc mới kết liễu. Chuyện này xảy ra, những  người trong tỉnh Bắc Ninh đều biết. Họ đã thì thầm hỏi nhau:
"Không biết lúc ấy ông T... có rửa mặt không?". Chắc không,  vì cụ lớn là một viên quan thâm nho, mà trong sách nho đã chép  một chuyện rất hợp với chuyện của cụ. Ấy là chuyện Lâu Sư Đức.  Lâu Sư Đức nhà Đường có người em được cử làm thái thú châu  Đại, khi hắn sắp sửa tới nhậm, ông ta có dặn cần phải tốt nhịn.  Hắn nói:
"Từ nay nếu ai nhổ vào mặt tôi, tôi cũng chùi đi mà thôi". Sư  Đức chưa cho là phải, và bảo thêm rằng:
"Người ta nhổ vào mặt mày là giận mày đó. Nếu mày chùi đi  càng khích cho họ giận thêm. Phải để cho nó tự nhiên khô đi". Thiên quan châm ấy có ghi trong bộ Đường thư. Ông T... khi mới  xuất chính ắt đã đọc rồi. Thế thì trong lúc làm quan, ông T... chắc  biết trước mình sẽ có ngày phải thực hành câu nói của Lâu Sư  Đức. Bây giờ hưu rồi, việc mới xảy ra, đó cũng là may mắn lắm.  Rửa chi cho tốn nước và hại xà phòng!

CON CHÁU KHÔN HƠN ÔNG VẢI ?

Tôi muốn nói hai ông Khổng Đức Chương và Mạnh Khánh  Đường, nhân vật hiện thời của nước Tàu. Đức Chương là cháu bảy  mươi đời cụ Khổng, ai cũng biết rồi. Còn Khánh Đường bây giờ  mới được nhắc tới, tuy chưa có tin nói đích ông đó là con cháu cụ  Mạnh, nhưng ông ta đã họ Mạnh, lại ở huyện Châu là quê cụ  Mạnh và làm thủ từ đền Y thánh là chỗ thờ cúng cụ Mạnh thì chắc  là con cháu cụ ấy không sai. Cả hai ông ấy hồi này đều được người  Nhật biệt đãi. Năm ngoái, khi lấy trôi mấy tỉnh Hoa Bắc, những  nhà đương cục bên Nhật muốn lập cho vùng đó một cái chính phủ,  họ đã đến tận Khúc Phụ (quê cụ Khổng) cố rước Đức Chương sang  Bắc Bình để mần vua.
Mới rồi, khi một đạo quân Nhật kéo đến huyện Châu, viên  tướng chỉ huy đạo quân ấy cũng đến tận đền Y Thánh xin vào ra  mắt Khánh Đường, hòng nói năm ba câu chuyện, chắc cũng định  dựng cho ông ta một chức gì đó. Nếu như theo đúng "đạo thống" tổ  truyền, thì hai ông Khổng con Mạnh con, tất nhiên phải hoan nghênh người Nhật chẳng mần vua thì mần quan, chẳng giữ chức  lớn thì giữ chức nhỏ. Nhưng mà không:
Đức Chương thì viết thư từ chối người Nhật, còn Khánh Đường thì một mực khăng khăng, thà chết không chịu tiếp kiến  tướng Nhật. Thật là con cháu khôn hơn ông vải! Cụ Khổng, cụ  Mạnh ngày xưa đâu có khó tính như vậy? Hai cụ ấy tuy đẻ cách  nhau hơn một trăm năm, nhưng là thày trò với nhau, thày trò  bằng lối cách bức, và cái "đạo" của các cụ, nhiều chỗ giống nhau  như tạc, nhất là hai cái chủ nghĩa: hành đạo và tùy thời. Hành  đạo, nói một cách nôm na, tức là làm quan, làm quan để thực hành  đạo giáo của mình. Mà tùy thời? Cắt nghĩa một cách không cho ai  hiểu, thì là... tùy thời (!) Khổng Tử sính làm quan lắm. Cứ như Trang Tử đã nói thì chính mình cụ đã đem "đạo" đi rao với 72 ông  vua, dấu ngựa, bụi xe của ngài khắp cả các nước, rút lại vẫn không  đắt hàng. Cùng quá, đến nỗi hai anh tướng giặc nước Lỗ, cái "nước  cha mẹ" của ngài, trong khi chiếm đất làm loạn, muốn mời ngài  đến giúp việc, ngài cũng định đi với họ. Đó là một nghĩa tùy thời.
Mạnh Tử cũng vậy. Tuy không "bệ kiến" nhiều vua như cụ Khổng,  nhưng với vài chục cỗ xe đi trước vài chục đầy tớ đi sau, cụ này đã  ăn khắp lượt mấy nước chư hầu và đã yết kiến vua Tuyên nước Tề,  vua Huệ nước Lương, cho đến vua Văn nước Đằng, một nước giật  gấu vá vai mới được năm chục dặm đất, cũng có dịp được gặp cụ  nữa. Cầu quyền với các vua ấy như thế, không phải cụ ấy có thiết  gì danh vị, chỉ cốt làm quan để thực hành cái "đạo" của mình. Đó  là cụ cũng tùy thời như cụ Khổng vậy. Ấy đó, hai cụ tùy thời một  cách dễ dãi như vậy, mà sao lại sinh ra hai ông cháu khó tính thế  kia?

CỨ ĐỂ CHO NÓ CHẾT

Vừa rồi, bác cựu binh Nguyễn Văn T... người làng Tứ Kỳ,  tổng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Đông tìm tới cái chết tại hồ  Hoàn Kiếm Hà Nội chỉ vì đã mất 4, 5 trăm đồng bạc để khao vọng  vào ngôi tư văn, mà chánh hội và tiên chỉ làng ấy không cho vào  chủ tế. Bị ức, bác phải thưa quan, mà quan cũng không xử cho.  Giá tôi là bác phu lục lộ của thành phố được chứng kiến lúc bác  T... nhảy xuống hồ, khi cứu lên mà được biết cái nguyên nhân đã  làm cho bác chán đời muốn chết trong thư tuyệt mệnh thì chẳng  những tôi không cứu, không can không dẫn về cẩm, lại muốn dìm  xuống cho bác T... chóng chết là khác nữa!
Cái tư tưởng ấy tuy có khốc liệt một chút nhưng tôi muốn  khu trừ cái nọc độc mà Trần Thủ Độ xưa kia đã gieo cho dân một  cái thảm họa tới nay chưa dứt được. Bày ra một cái triều đình giả  dối, lấy ông thần gỗ tôn lên ngôi báu, lấy tổng lý làm công khanh,  lấy thịt xôi làm bổng lộc để họ ham mê áo mũ xênh xang, trống  giong cờ mở. Những vị thần gỗ ấy, ngoài những đấng anh quân  lương tướng mà ngày nay họ dùng làm ông ngáo ộp để trừ tà trị  bệnh, bói thẻ cầu mộng, lợi dụng cái lòng mê tín dị đoan của lũ  dân khờ dại, lại còn lẫn cả thần ăn trộm, thần ăn mày, thần chết trôi, thần gắp phân, thần loạn dâm. Hơn nữa, lại thờ cả con rắn,  con voi, con ngựa. Đấng tối linh của họ đã có cái lịch sử, cái sự  nghiệp khốn nạn như thế, thì kẻ sùng bái tất nhiên là những kẻ  ngu tham, ngoan ngạnh, thằng khôn ăn vào đấy, thằng dại khổ vì  đấy. Thế mà hết đời này sang đời khác, người ta vẫn nhẫn tâm bắt  dân đeo cái xích sắt ấy mà lại muốn cho dân cường nước thịnh thì  cũng lạ thay! Trong lúc người ta theo làn sóng cạnh tranh tiến hóa, sôi nổi khắp mọi nơi, người ta đang ganh đua tài trí để quyết  đấu quyết thắng trong trường hoạt động, tìm lấy cách sống cho  xứng đáng, gây lấy cuộc đời cho rực rỡ, lập lấy sự nghiệp cho vẻ  vang thì dân quê mình hãy còn mờ mịt tối tăm, còn ham mải tranh  xôi cướp thịt, tị nhau chiếu dưới chiếu trên, kiện nhau miếng trầu  biếu, bán gia tài cơ nghiệp để chuốc lấy cái hư vinh ông hiến, ông  trùm. Không được thỏa thì hồi tâm táng chí, lấy cái chết để rửa  hờn rửa nhục! Bác cựu binh Nguyễn Văn T... muốn chết cũng thuộc trong tình trạng như trên vừa nói. Cũng là kẻ thụ độc của  họ Trần! Nhưng bác muốn chết hay dọa chết đấy? Có lẽ bác dọa  chết: vì nếu bác muốn chết thật thì thiếu gì cách chết ở trong làng: treo cổ lên cây, đâm đầu xuống giếng, uống thuốc độc... Nhưng chẳng qua là bác tới đây tìm cái chết để cho có nhiều người cứu  sống, mong. .. tố cáo cái tội ác của lũ đàn anh kia đã ngăn trở  không cho bác cái vinh dự vào "hầu hạ nhà thánh". Tội chúng đã  nặng nề mà quan bản hạt cũng làm ngơ. Bác muốn chết thật ư?  Giá tôi được chứng kiến lúc bác gieo mình xuống dòng nước, thì tôi  rất vui lòng đợi bác chết hẳn rồi mới xuống kéo lên cho khỏi thối  nước hồ!

Không những thế, tôi lại mong cho những người có tư tưởng  đớn hèn như bác theo nhau mà chết để tẩy uế cho thôn quê, giải  tội cho đình miếu, trừ cái nọc độc của họ Trần để lại! Kìa cái chết  của viên thuyền trưởng khi gặp nạn ngoài khơi. Không phải tin  mình bơi giỏi, sức khỏe mà không sợ chết, nhưng cái phận sự phải  nhường cái sống cho khách đi tàu, tung phao ra, thả xuồng xuống,  quên mình đi, cứu vớt người thoát nạn, mà cam tâm đợi phút cuối  cùng! Cái chết anh hùng ấy, chốn hương thôn chẳng làm gì có,  nhưng cũng có người liều thân lăn vào đám cháy cứu lấy sinh mệnh tài sản cho người; cũng có kẻ vì phận sự hộ đê, gặp thảm  họa tới nơi cũng cam lòng cho dòng nước trôi đi; cũng có kẻ dám  xông xáo trong hồi dịch tệ, cứu chữa cho người ốm, chôn cất cho  người chết mà không hề quản ngại đến thân. Đó là cái chết vì ích  chung, vì đồng loại mà chết, vì lòng nhân mà khổ sở. Tôi nhận cái can đảm ấy, cái khí phách ấy là xứng đáng với đạo làm người.  Đáng trọng lắm, đáng kính hương sùng bái lắm! Cái chết của bác  cựu binh Nguyễn Văn T... nếu được chết thật, bất quá cũng là cái  chết vô ý thức. Song dù chết thật hay chết giả, cái tâm hồn ấy có  thể nói là tâm hồn bại liệt, không đáng sống trong đời cạnh tranh  kịch liệt này. Trước cái tình trạng dân thôn ngày nay, ta có thể  quả quyết mà nói rằng còn cái tiểu triều đình giả dối ấy, còn có kẻ  hám hư vinh, cơ nghiệp còn đồi bại. Trong chốn hương thôn, gây  năm bè bảy bối chỉ vì miếng ăn, chỗ ngồi sinh ra đánh nhau, kiện  nhau kẻ bị giết, kẻ tự giết còn đầy rẫy ra đó. Thế mà bề ngoài ta  vẫn trông thấy đình rộng trống kêu, cờ điều tán tía, mũ áo xênh  xang. Đó chỉ là cái lớp phủ lên trên sự thối tha, dơ dáy, thực cũng  thảm thương thay!

HOMECHAT
1 | 1 | 225
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com