watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:58:4828/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Ngô Tất Tố > Tạp Văn - Trang 3
Chỉ mục bài viết
Tạp Văn
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 6

AN NAM LẠI SINH THÁNH

Thánh có nhiều hạng. Cái hạng thánh nhất trong các vị thánh là những ông lập ra tôn giáo. Từ nửa trên thế kỷ 20 về  trước, tất cả thế giới chỉ có bốn ông thánh về hạng này. Một là ông  Thích Ca Mầu Ni sáng lập ra đạo Phật, hai là ông Gia tô Cơ đốc  sáng lập ra đạo Gia tô, ba là ông Mô-hãn-mặc-đức sáng lập ra đạo  Hồi, bốn là cụ Khổng, thủy tổ của đạo Nho. Bốn vị đại thánh nhân  đó đều đẻ ra trong giải đất Y châu. Thích Ca là người ấn Độ, Gia  tô là người Do Thái, Mô-hãn-mặc-đức là người Thổ Nhĩ Kỳ, cụ  Khổng là người ở Trung Hoa. Đó là một điều rất lạ. Đất cát năm  châu không hẹp, cớ gì các ngài không đẻ san ra các nơi khác, lại  chen nhau sinh vào một khu? ông Lương Khải Siêu, một nhà thông minh bác học ở Tàu cũng không hiểu được lẽ đó, đã phải  đánh đố như vầy: Ai mà nói được cái cớ vì sao ba vị đại thánh  nhân ấy (Gia tô, Thích Ca, Khổng Tử) lại cùng đẻ ở châu Y thì tôi  xin cầm roi ngựa mà theo hầu. Nhưng xét ra cớ ấy cũng không có  gì là khó giải. Chẳng qua vì Y châu là nơi "thổ sản giáo chủ" cũng  như Sơn Tây là nơi "thổ sản rau muống", Đình Bảng là nơi "thổ sản củ mài" vậy, cho nên các ngài mới cùng tìm đến Y châu mà đẻ.  Nói thế không phải là nói chày cối, tôi có nghiệm xét rõ ràng. Nếu  Y châu không phải là nơi thổ sản giáo chủ thì sao lại cứ sản ra  giáo chủ luôn luôn? Cho nên ngày nay của "hiếm có" ấy vẫn cứ nẩy  ra ở đại lục này như thường. Cái ông giáo chủ cuối cùng là người  nước ta, thánh hương ở ấp Bến Tam, tỉnh Biên Hòa, thánh húy là  đức Xã Phúng, đạo của ngài là đạo Nhất tâm. Theo báo Lục tỉnh  tân văn, đạo Nhất tâm xuất hiện mới 4 tháng nay, tín đồ hiện đã  đông lắm. Mỗi tháng cứ đến hai ngày rằm và mùng một là kỳ  giảng đạo, trong nhà thờ đèn nến sáng choang, đàn ông đàn bà  "con chiên" rải nệm ngồi la liệt từ ngoài đầu sân ngồi vào. Quá  luật của đạo này cũng giống quá luật của đạo Thiên chúa, ai đã  theo đạo thì phải theo gọn cả nhà, không được để ở nhà mình có  một người nào ngoại đạo. Lạ lùng nhất là phép chữa bệnh của đức  giáo chủ. Kẻ nào có bệnh xin chữa thì ngài hoặc dùng roi mây mà  quất vào đít, hoặc dùng nước lã mà đổ vào mũi, hoặc dùng bùa  giấy mà thọc vào trong cuống họng, để chảy ra rãi xanh, rãi vàng.  Vậy mà nhiều người cũng cứ đem bệnh đến cho ngài chữa. Nghe  nói ngài đang dự định soạn một bộ kinh thánh để truyền bá cho  đời, không biết nay đã xong chưa! Tiếc rằng ngài sinh khí muộn,  nếu sớm được hai nghìn năm nữa... chắc đâu bây giờ ngài không là  một vị cứu thế? Đi ngược trở lại, ta còn thấy nhiều đức giáo chủ  khác cũng giống như giáo chủ Nhất tâm. Giáo chủ của Tam Kỳ đại  đạo, giáo chủ của Bạch liên giáo, đều sản ở Y châu tất cả. Coi đó  biết Y châu thật là cái ổ nở ra giáo chủ. Quý hóa thay!

VIỆC NÀY LẠI PHẢI NHỚ ĐẾN CỤ NGHÈ BÂN


Tôi rất vui vẻ và không dám cười để báo tin cho bạn đọc hay  rằng: đến ngày rằm tháng Bảy An Nam sắp tới -và trăm năm về  sau cũng vậy -các bạn sẽ được nghỉ một buổi chiều, nếu như các  bạn là công chức, là học sinh, là thợ thuyền hay là tù phạm. Bởi vì  hiệp tá đại học sĩ sung Bắc Kỳ phật giáo hội hội trưởng kiêm Hà Nội Quán Sứ tự trụ trì Nguyễn Năng Quốc đại nhân, mới xin được  nửa ngày đó để làm cả ngày phục thiện, coi như công lễ của hai xứ  Trung Bắc Kỳ. Các bạn chắc cũng biết qua lai lịch của ngày rằm  tháng bảy? Ngày ấy, nhà Phật gọi là tiết Vu Lan Bồn. Theo kinh  "Phật thuyết Vu Lan Bồn" thì gây ra tiết ấy bởi tại bà mẹ ông Mục  Kiên Liên.
Bà ta lúc sống ác lắm, lúc chết phải án "giam vào ngục lửa".  Giả sử nó là lửa của trần gian vẫn dùng đun nấu thì vô luận vật  gì, bỏ vào một lúc, tức thì ra tro. Nhưng lửa của âm phủ chừng  như không nóng, cho nên bà kia bị tống vào đó hàng mấy chục  năm mà vẫn còn sống, tuy rằng bà ấy đã chết. Rồi khi ông Mục  Kiên Liên theo Phật đắc đạo xuống chơi địa ngục thăm mẹ thì thấy bà cụ đói lắm, đại khái cũng đói độ như dân đói ở Bắc Ninh  bây giờ. Ông ấy rất thương xót bèn hóa phép chế một nải chuối  đưa cho mẹ ăn. Nhưng tội nghiệp, bà ấy vừa đưa lên miệng thì  chuối bỗng hóa ra lửa mất cả. Buồn quá, ông ấy trở về hỏi Phật  xem có cách gì cứu mẹ mình. Phật bảo ông ấy đúng đến ngày rằm  tháng bảy, lập đàn Vu Lan Bồn, bố thí cơm cháo cho mấy vạn đại  chúng thì bà ấy sẽ được siêu thoát. Đại lược sự tích ngày rằm tháng bảy là vậy. Bởi sự tích ấy hơi có tính cách ân xá, cho nên về  mùa sau những người bắt chước ông Mục Kiên Liên dùng ngày ấy  mà cúng tổ tiên, họ thường gọi là ngày "vong nhân xá tội".
Nhưng cũng nhiều người không chịu cúng bái vào ngày ấy.  Vì họ tin rằng: tiên tổ nhà họ không làm gì nên tội, không bị giam  cầm, muốn về dương gian ngày nào cũng được, chẳng riêng gì ngày  rằm tháng bảy. Nói vậy kể cũng có lý, song nó trái với thuyết của  Phật. Cứ như Phật nói thì cái thế giới thứ 13 là chỗ chúng ta ở này  cũng như Sơn La, Lao Bảo hay Guyan, chỉ là nơi đầy ải "kẻ có tội".  Đã đẻ vào đây, vô luận ai ai, đều là hạng can án tất cả. án ấy  không biết ở đâu dựng lên, tội nhân trả trong lúc sống chưa hết,  chết rồi còn phải trả nữa. Đương sống mà chết, Phật bảo là kiếp  luân hồi tức là một chuyến tù đổi sở giam. Vậy thì, vô luận ai ai,  nếu theo đạo Phật, lúc chết đều phải vào hỏa lò của vua Diêm, chỉ  có ngày rằm tháng bảy là ngày đại xá, mới được tự do mà thôi.  Nếu trong ngày ấy, con cháu không cúng, có khi vong nhân sẽ phải  "reo đờ fanh" suốt đời. Hoặc giả vì sợ tư tưởng ấy (cái tư tưởng  "phản đối" ngày rằm tháng bảy) lan rộng mãi ra, thì không khéo  phong trào tuyệt thực ở nhà lao Phong đô sẽ mỗi ngày mỗi lớn, có  khi đến rối cuộc trị an ở cõi âm, cho nên cụ hội trưởng của hội Phật giáo mới xin cho thiên hạ nghỉ ngày Trung nguyên để họ có  thì giờ mà cúng vong nhân. Nếu không, cụ đã xin nghỉ vào ngày  vía Phật. A di đà Phật! Việc này của cụ thật là "ơn tới xương khô"!
Chẳng những thế thôi, với việc này, cụ còn gỡ lại rất nhiều  thể diện cho tín đồ của đạo Phật nữa. Xứ này là xứ ba cái tôn giáo  trộn lẫn, tín đồ suýt soát như nhau. Vậy mà bao nhiêu ngày lễ  trước đây đều là ngày kỷ niệm của đạo Gia tô, các tín đồ của đạo  khác đều phải nghỉ nhờ, nghỉ "boóng". Bây giờ mới có ngày lễ  chính thức của đạo Phật để bù chỗ thiệt thòi từ xưa đến giờ. Ấy là  đạo Phật đã trả được nợ cho đạo Gia tô rồi vậy! Còn đạo Khổng  nữa! Gà người gáy không lẽ gà nhà cứ im. Nếu không có một ngày  công lễ của đạo Nho thì cụ Khổng há chẳng lép vế lắm à? Có lẽ  phải nhờ đến cụ nghè Bân. Bởi vì trong các nhà Nho hiện thời, cụ  là nhiều tuổi hơn hết. Lúc này làng cụ mới bị hỏa hoạn thê thảm,  chắc cụ còn bận về việc chẩn tai tuất hoạn, chưa có thì giờ nghĩ  đến chuyện khác. Mai mốt rảnh việc, thể nào cụ cũng xin cho nhà  Nho một ngày công lễ, để cụ Khổng khỏi thẹn với cụ Thích, cụ Gia.  Xin cụ nhớ xin nghỉ vào ngày xuân đinh, thu đinh vì những ngày  trên có sỏ trâu, sỏ lợn.

BẮC NINH CẦU CỨU

Lật sang trang sau, các bạn sẽ thấy bức thư của mấy ông hội  viên hàng tỉnh Bắc Ninh gửi lên toàn quyền, quan thống sứ và ông  hội trưởng của hội Phổ tế Bắc Kỳ xin phát chẩn cho nhân dân mấy  huyện của tỉnh ấy. Đọc hết bức thư ấy, có khi các bạn sẽ không  cầm được nước mắt, nếu các bạn là người dễ cảm. Từ ngày dân  chúng Bắc Kỳ có người thay mặt đến giờ, chưa có ông hội viên hàng tỉnh hay ông nhân dân đại biểu nào nói đến tình cảnh của  dân một cách thiết tha như bức thư ấy. Đó không phải là các ông  hội viên ấy đã cố viết ra lời văn cảm động. Chỉ vì cái sự thực làm  tài liệu cho bức thư ấy vốn là những cảnh đau đớn vô cùng. Nếu  không tiện về tận những hạt đang bị đày đọa, các bạn hãy cứ giở  tờ Việt Báo tháng trước và tờ Đông Pháp gần đây, hoặc là sang đầu cầu Đuống mà coi, chúng ta sẽ thấy vô số dân đói đã cách xa  sự sống nhiều lắm, tuy rằng họ vẫn chưa chết. Những kẻ ngắc  ngoải muốn chết đó, phần nhiều là dân các huyện Lang Tài, Gia  Bình, Thuận Thành, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Đông Ngàn nữa. Trong mấy huyện khổ đó, nhất thì Lang Tài, Gia Bình,  Thuận Thành. Đời họ chỉ sống bằng nghề làm ruộng, vậy mà hai  năm bị hai trận lụt nước sông, lại kèm một trận "tiêu khô cháy  đồng" ở giữa, như thế đến cỏ cũng chết đừng nói người. Ai đáng  phải chịu trách nhiệm với họ trong những tai nạn thảm khốc ấy?  Ngày xưa thì đổ cho trời, nhưng bây giờ... ít nhất cũng phải truy  vào sở Lục lộ Bắc Ninh. Hàng năm, họ phải nuôi sở Lục lộ bao  nhiêu thuế bách phân và các thuế khác, chỉ nhờ sở ấy trông nom  đê điều cầu cống cho mình. Vậy mà người ta cứ để cho họ luôn  luôn phải lụt, phải hạn hán, rồi phải chết đói. Kể cũng nhẫn tâm.  Giả sử ở đời mà có công lý và nhân đạo, tất nhiên họ sẽ được tiền  bồi thường xứng đáng với sự thiệt hại. Những việc bồi thường như  thế, với chính phủ cũng không lạ gì. Bởi vì chính phủ thực hành  đã quen, nhất là người Pháp, thí dụ như việc vừa rồi bồi thường  một vạn đồng cho nhà thầu khoán Soyez-Lucien về sự thiệt hại  trong khi làm cầu cho đường xe lửa ở Song Long Song. Nhưng họ  là dân nhà quê, vạn đời không dám mong cái hân hạnh như nhà  thầu khoán người Tây. Trái lại họ chỉ muốn được đi ăn xin trong  khi vì sự bất lực của sở Lục lộ mà tan nát tài sản. Song sự ăn xin  của họ ở tỉnh Bắc Ninh bây giờ cũng đã tuyệt vọng.
Người ta đã lấy cơ sự phát ra bệnh dịch tả mà phá cái nhà tế  bần Đạt tráng để đuổi họ đi. Hơn nữa, người ta còn cắt người canh  gác các đầu đường, không cho họ được lai vãng vào trong thành  phố! Thì ra họ chỉ vì một cái tội "đói" mà đã bị tỉnh Bắc Ninh khép  án trục xuất và cấm lưu trú. Không hiểu cái chính sách ấy là  chính sách gì vậy? Dưới cái chính sách kỳ quái đó, họ bị ma đói  giết chết đã nhiều, những kẻ sống sót đến bây giờ, chỉ còn cách  mong vào cuộc phát chẩn của chính phủ. Cái đó, họ được quyền  mong. Là vì từ khi nghe tin Bắc Kỳ có nạn vỡ đê, các nhà từ thiện  quyên giúp cũng nhiều, riêng một số tiền của bên Pháp gửi cho  cũng đã đến 18 vạn. Hoặc giả trước kia vì không ai kêu, chính phủ  chưa kịp xét đến tình cảnh quá khổ của họ.

Bây giờ các ông hội viên Bắc Ninh đã bày tỏ một cách rõ rệt,  chắc là chính phủ cũng phải cảm động. Với cái nạn dịch tả ở phủ  Thường Đức tỉnh Hồ Nam bên Tàu, chính phủ còn hảo tâm giúp họ 50 vạn ống thuốc trừ tả, huống chi với dân Bắc Ninh, một tỉnh  cạnh nách Hà Nội, lẽ nào chính phủ lại không đoái thương đến họ?  Chúng tôi tin rằng cái đơn của mấy ông hội viên Bắc Ninh sẽ có  hiệu quả. Điều nên nói là, nhân dân trong mấy huyện ấy, chịu đói,  chịu khổ đã hơn hai năm, họ sống được đến ngày nay cũng là cố  lắm. Nhiều kẻ chỉ chực chờ chết. Trên hai con đường Bắc Ninh
- Phả Lại và Hà Nội - Thái Nguyên luôn luôn có người chết đói nằm ở ven đường.  Đó là chưa kể ở các thôn quê còn có những kẻ không đi được nữa.  Chính phủ có thương đến họ thì việc phát chẩn cũng nên tìm cách  giản dị, mau chóng. Nếu lại theo cái kiểu mọi ngày, tư về quan  tỉnh để quan tỉnh bắt các phủ huyện kê khai số người đói khổ  trong hạt, rồi mới đưa tiền đưa gạo về phát, thì có nhiều người sẽ  không thể sống được đến lúc lĩnh gạo phát chẩn mà ăn.

HỌ VẪN ĂN VÀO CÁI XÁC CHẾT

Ông lý Bá làng tôi đáo để thật! Tôi xin thuật ra đây một cái  "đáo để" mà ông ta đã dùng để kiếm tiền.
Một hôm trời gần tối, người tuần phu đến lượt quét chợ, hấp  tấp chạy vào trình rằng ngoài chợ có bà lão ăn mày chết. Ông ta  hỏi:
- Nó nằm ở gian hàng nào? - Bẩm ông, nằm ở gian hàng bà năm Ngẩn.
- Có phải gian hàng bán quà bánh phải không?
- Bẩm vâng!
- Được rồi, thế thì mày đi gọi con mẹ năm Ngẩn lại đây, bảo đã.
Anh tuần chạy đi một lát thì thấy mụ năm Ngẩn lật đật chạy  theo đến. Ông lý ra vẻ ôn tồn nói:
- Chỗ bà con tôi bảo thật, ngày mai có phiên chợ, gian hàng  bán quà bánh của bà lại có cái xác mụ ăn mày nằm chết tại đấy,  thì ngày mai bà hãy nghỉ hàng, vì tôi còn phải trình quan khám  biên đã rồi mới đem nó đi chôn được, và sau này bà có phải lên  tỉnh xuống huyện khai báo về cái xác chết ấy thế nào, bà cứ liệu  mà nói. Nhưng khéo ra bà cũng phí tổn ít nhiều, vì nó chết ở gian  hàng của bà, nếu không khéo thì cũng rầy rà kia đấy.
Mụ Ngẩn nghe nói rụng rời, những nghe nói hàng mình có  xác chết đã sợ, lại thấy nói phải lên quan thì kinh hãi biết dường  nào, hàng bán đồ ăn thức uống, thuế nộp rồi, nếu cả chợ họ biết  người chết ở gian hàng mình thì còn ai mua bán gì nữa. Mụ bèn  năn nỉ nói:
- Chết chửa, thế thì làm thế nào? Thưa ông, nhờ ông nghĩ  giùm cháu, nhờ ông châm chước đi cho.
- Châm chước thế nào? Xác chết ở hàng nhà bà, chẳng lẽ bây  giờ bà bảo tôi đem về nhà tôi chăng?
- Thôi, trăm sự nhờ ông, ông nghĩ cách nào cho cháu nhờ thì  cháu không dám quên ơn ông.
- Cứ về lo lấy chục quí (10p) đem lại đây thì tôi liệu cho. - Chết! Nhà cháu còn có gì nữa, vốn liếng được bao nhiêu,  ông dạy thế thì cháu lo liệu làm sao cho được, lạy ông giơ cao đánh  sẽ, xin ông làm phúc giúp cháu.
- Thôi thế thì chục gián (6p) là nhẹ lắm rồi, chẳng qua là cái  hạn của bà, bán đường dài mua đường ngắn chỗ bà con tôi cũng  đành cáng lấy cái chết cho bà vậy, nếu bà còn nói lôi thôi nữa thì  tôi mặc, sau này bà phí tổn vài ba chục thì bà đừng trách tôi khoảnh độc.
Mụ Ngẩn tụt bao lưng, giốc ra một cái túi vải nâu, đổ ra đếm  cả xu lẫn hào và tiền trinh được 1p30 và ba cái giấy một đồng, vừa  khóc vừa nói:
- Thưa ông, cả cửa nhà cháu chỉ có thế này, xin ông làm ơn  nhận giúp cho, nếu còn nữa, cháu không dám tiếc, nếu bây giờ đi  vay mượn đâu, sợ lộ chuyện có đứa nó cáo giác ra thì cháu chết,  thôi xin ông dón tay làm phúc.
Ông lý ngần ngại một hồi mới chịu nhận và dặn phải kín  đáo. Anh tuần phu chạy theo đánh chó cho mụ Ngẩn đi ra rồi lại  quanh vào đứng dựa cột chờ lệnh ông lý. Ông lý ngước mắt nhìn  bác tuần phu ra vẻ đắc chí.
- Con mẹ này xưa nay vẫn có tính keo bẩn, bây giờ bóp cổ  mới chịu lè lưỡi. Thầy trò ta có chén rồi đây! Bây giờ mày chịu khó  một tí nhé, mày ra kéo cái xác con mẹ ăn mày đến gian bán thịt  của thằng Khướu, rồi mày lại gọi nó đến đây cho tao, ông cho thằng này một vố nữa đã!
Anh tuần phu dạ một tiếng dài, một tiếng dạ có hơi kim khí!  Lanh lẹ ra đi một lát đã thấy bác Khướu, rượu say bí tỉ, miệng  bỏm bẻm nhai trầu tiến vào, tưởng là cụ Bá có lợn muốn bán. Sau  tiếng chào của bác Khướu, cụ Bá hất hàm hỏi:
- Mai anh mổ mấy lợn?
- Bẩm cụ, mai vừa tết Đoan ngọ lại chính phiên chợ, cháu mổ  cả thảy ba lợn, lại lấy thêm thịt bò về bán kèm nữa, trong cụ có lấy  gì xơi không?
Cụ Bá cau mày:
- Thế thì lỡ việc của anh rồi, tuần nó vừa vào trình tôi rằng  tại gian hàng của anh có người ăn mày chết về bệnh tả, anh thử ra  xem có thực thế không, nhưng đừng làm huyên náo mà mất cả  buôn lẫn bán đấy.
Câu nói của cụ Bá chẳng khác gì tiếng sét đánh vào tai bác  Khướu, mắt tròn lên, miệng há hốc ra, hơi men như ngừng bốc,  những giọt mồ hôi trên trán toát ra. Giữa tình trạng ấy, cụ Bá cứ  làm thinh lơ đãng như không để ý.
- Chết! Lợn, cháu đã lấy về lò sát sinh rồi, thịt bò, cháu đã  đặt tiền rồi, làm thế nào hở cụ?
- Làm thế nào, anh hãy nghỉ hàng, mai tôi còn trình quan  khất khám, còn tẩy uế đã, rồi trước mặt quan, cửa hàng của anh  có xác chết, anh muốn khai thế nào thì khai, tôi biết đâu.
Anh tuần đứng ngoài hớt vào:
- Thôi, bác nói với cụ, nhờ cụ che chở châm chước đi cho, buôn bán còn lâu dài, nếu để đến ngày mai, cả chợ họ biết gian  hàng của bác có người chết dịch tả thì bác bán thịt cho ma nó ăn.
- Vâng, bác ấy nói chính phải, cháu cũng nghĩ thế, thôi xin cụ  làm ơn giúp nhà cháu, hay là cụ để cho cháu ra vác nó đi chôn  quách một chỗ là xong, ai biết đâu.
- Anh nói đã dễ chưa, mạng người có họa là cái bánh hỏi, lỡ  gặp phải anh nào nó biết thì anh mất nghiệp. Ừ, anh muốn thế, tôi  thây kệ anh, anh có giỏi thì thử ra vác đi tôi xem nào.
Bác lái lợn xem ra đã chợn, đứng đực mặt, chẳng biết nói  sao. Cụ lý ôn tồn bảo:
- Này tôi bảo, muốn xuôi việc thì cứ "con công", "con công" tớ  giúp cho yên ổn, ngày mai lại buôn bán như thường, nếu không thì  tùy ý, muốn làm thế nào thì làm.
Bác lái được lời cụ lý truyền cho, nhẹ mình như cất gánh nặng, đành nhắm mắt, nặn hầu bao lấy đủ năm đồng, đặt vào cái  đĩa, rồi gãi đầu xin cụ thu xếp đỡ cho.
- Thôi được, cứ về, nhưng phải câm nhé, nếu có đứa nào nó  biết thì tôi không thể nào che chở được mà anh thì tiền mất tật  mang đấy, thôi anh tuần đánh chó cho anh ấy về.

Bác Khướu về khỏi, cụ Bá tính gộp lại hai món được 9,30.  Anh tuần còn nhắc:
- Bẩm cụ, con lại lôi sang gian hàng khác, cụ nhé!
Cụ Bá tủm tỉm lườm anh ta một cái rồi chửi yêu: - Lôi mẹ mày đi đâu mà lắm thế! Ăn lắm không sợ hóc à?  Này đây ông cho bữa chén.
Miệng nói tay vứt cho anh tuần 1p30 và dặn: - Bây giờ một mình mày làm thế nào tha con mẹ ấy ra quán  Trúc mà để, đấy là địa phận làng Yên Xá rồi.
Sáng hôm sau, nghe ngóng mới biết lý dịch Yên Xá đã kéo  xác mụ ăn mày xuống bờ Trầm mây, địa phận làng Lôi! Đấy, một  cái xác chết của kẻ khốn cùng, họ nỡ nhẫn tâm như thế. Nếu hỏi  họ tại sao làm điều vô đạo ấy thì họ thản nhiên mà đáp: Pháp luật  bây giờ lắm khi vì làm phúc mà phải tội là thường.

NGƯỜI CÓ DANH VỌNG TRONG LÀNG

Tôi về thăm quê một người bạn cũ. Sau những câu chuyện  hàn huyên, tôi bèn hỏi:
- Ở dân ta thì ai là bậc danh vọng nhất trong làng? Bạn tôi mỉm cười mà hỏi lại:
- Bác hỏi người có đức độ hay người có thế lực? Nếu người có  đức độ thì làng tôi hiếm lắm, nhưng hạng người có thế lực không  ai bằng ông lý bá Khánh. Ông tục danh là thằng Bòi, con một nhà  giàu nhất làng. Từ lên một tới lên bảy thì ông vào hàng con cưng,  cha mẹ sợ ông yếu, nên không dám cho đi học. Năm lên tám tuổi,  ông đã vớ một cô vợ kếch xù, con gái họ Đào, người rất đảm đang,  xinh xắn, tuổi mười bảy, trước đã hứa gả cho con trai họ Tạ, tuy  con nhà nền nếp thi thư, nhưng phải tội nghèo, nhà ông Khánh chỉ  dẫn hơn hai trăm bạc mà đắc thắng một cách dễ dàng. Năm 16  tuổi, ông đã có con rồi từ đấy vợ cứ sinh năm một cho tới chẵn hai  cỗ bốn trai bốn gái. Tuy không biết chữ, nhưng sinh vào con nhà  giàu, theo thói đặt lãi cho vay, ông rất thông thạo những văn tự  cầm, văn tự đợ, gốc lãi tính phân minh không nhầm lẫn. Trong  làng cũng nhiều kẻ khinh ông vô học, năm 20 tuổi, ông tức khí bỏ  tiền ra mua cái khóa sinh, chẳng phải ôn nhuần học tập, cứ ngồi  nhà đợi giấy sức lĩnh bằng, khao một bữa lên ngay ông khóa, vọng  tư văn sánh với bọn văn thân.
Được bên thân, chẳng chịu kém bên hào, năm 25 tuổi, thấy  miếng lý trưởng ngon lành, ông vứt mấy trăm mua cho bằng được,  chẳng lên phủ xuống huyện, chẳng lạy quan van dân, nhưng chức  lý trưởng chẳng ai dám cãi. Ông vọng đủ các ngôi các món, những  năm ông chịu đăng cai chứa đám, thì danh tiếng lừng lẫy khắp  vùng. Năm 29 tuổi, nhân cuộc âu chiến, nhà nước cần tiền, ông vứt  ngót nghìn bạc ra quyên, được thưởng ngay bá hộ, những Bên thân bên hào: bên văn thân bao gồm những người có học và bên  hào bao gồm bọn tổng lý. ngày rước sắc cùng mấy ngày khao của  ông, phí tổn mấy nghìn đồng, trâu bò lợn gà chết về tay ông như  chết dịch. Năm ông 39 tuổi, làng có tiệc khánh thành đình, ông viện thế quan tỉnh quan huyện về làng quyết tranh cho được chức  mạnh bái với ông kép Viên.
Liền sang năm ông 40 tuổi, ông khao ngôi trùm cả để nhòm  ngôi tiên chỉ, phí tổn cũng chẳng phải vừa. Năm ông 48 tuổi, làng  khuyết chân thứ chỉ, ông lại ra tranh, mỗi lần ông tranh là mỗi lần  ông thắng, mỗi lần ông thắng là mỗi lần ruộng đất của ông phải  đổi chủ sang tên cho người khác. Hiện nay ông định vượt lên ngôi  tiên chỉ, cho nên ông cố cầu thân với quan trên quan dưới, để hòng  cái chương mỹ bội tinh, thì cái hàn lâm ông nắm chắc, cái thủ lợn  béo phính của làng, ông cụ Kép tất có ngày phải rời ra. Đấy cái lý  lịch của một người có danh vọng trong làng tôi rực rỡ vẻ vang là  thế. Ông hết sức báo hiếu cha mẹ trong những ngày ma chay giỗ  tết, ông hết lòng sùng phụng đức thượng thần trong những ngày  đản, ngày hội, ông hết sức kính trọng dân làng bằng những tiệc  khao tiệc vọng, ông hết sức theo đuổi công danh một cách hăng  hái, dù bán gia tài mua lấy danh phận ông cũng chẳng từ, ông hết  lòng mến phục các quan trên, từ ngày giỗ mọn cho chí ngày tết to,  trong các quan trên tỉnh dưới huyện, không bao giờ vắng được mặt  ông, mà những đồ lễ của ông đưa đến bao giờ cũng được hơn người,  ai cũng phải khen là một người lịch sự, phúc hậu, không cái kiện  nào là cái kiện ông chịu thua ai, dù ông trái mười mươi cũng vậy.  Bước công danh của ông thoăn thoắt tựa bậc thang, không bao giờ  vấp vảy, từ ông khóa mãi (khóa sinh mua) tới ông lý quyên (quyên  tiền cho làng mà được) rồi tới ông bá quốc (quốc trái), rồi đến chức  Hàn lâm ông đương cày cục thực dễ dàng, đó là nhờ ở sức đồng  tiền mồ hôi nước mắt của người trong dân, nhân lúc cha mẹ lâm  chung hay buổi sưu thuế cập kỳ, ông lèn một vốn bốn lời cho đẫy  túi.
Bạn tôi kể xong, rồi chép miệng mà rằng:
- Trong lúc nhá nhem này, dân làm sao thì nước làm vậy,  những kẻ mà ta thấy họ tâng bốc nhau là thượng lưu trong nước  hiện nay thì thiếu chi những kẻ có cái dĩ vãng xấu xa đê tiện, họ  làm mặt cao sang, huênh hoang yêu nước thương nòi, lại có kẻ  tung tiền ra mua chuộc lấy những tiếng hư vinh, gây thế lực để  mong lũng đoạn những kẻ bần cùng khốn khó, thế mà họ không  biết thẹn với lương tâm, dơ với thực giả, thực cũng đáng buồn thay.

HOMECHAT
1 | 1 | 249
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com