Hồi 35b
Phương Dung à lên một tiếng:
- Chính vì vậy, Tô Định mới lôi kéo Lê Đạo-Sinh, bao phen định hại đại ca. Không chừng y nhận mật chỉ của Thái-hậu giết đại ca đi, rồi y sẽ thay thế đại ca làm Lĩnh-Nam công. Trước đây em với Trưng sư tỷ nghĩ nát óc mà không ra, vì lẽ Tô là thuộc cấp của đại ca, lại dám chống đại ca thì quả y to gan bằng trời. Đại ca này, đại ca là tướng trấn thủ biên cương, có toàn quyền, đại ca cứ khép tội y, rồi chặt đầu, Thái-hậu đâu còn nói gì được nữa?
Nghiêm Sơn cười:
- Lý thì như thế. Nhưng ta là bạn Quang-vũ, ta không muốn hoàng đế vì ta mà gặp nỗi khổ tâm. Ta giết Tô Định, Thái-hậu hận ta, bắt Quang-vũ hại ta. Điều này chắc Quang-vũ không chịu. Từ đó sẽ sinh ra mẫu tử bất hòa. Còn nếu y hại ta, sẽ mất nghĩa khí bằng hữu, bị thiên hạ chê là sát hại công thần, sau này còn ai vì nhà Hán mà ra sức nữa?
Mọi người nghe Nghiêm Sơn luận bàn với Phương-Dung, họ tìm thấy ở Phương-Dung một kiến thức còn sâu rộng muốn hơn Nghiêm Sơn. Nhân một lúc nghỉ trưa, Phương-Dung cùng Đào Kỳ dẫn nhau ra bên một giòng suối tâm tình. Phương-Dung hỏi Đào Kỳ về bức thư của thân phụ. Đào Kỳ lấy đưa cho Phương-Dung coi. Phương Dung đứng ngay ngắn, sửa lại y phục rồi mở ra đọc. Nàng bùi ngùi cảm động:
- Đào hầu là đấng anh hùng thời đại, dạy con như thế, hèn gì các con không thành hào kiệt.
Nàng nhắc Đào Kỳ:
- Trên thuyền chúng ta bàn kế hoạch phục quốc, ai ngờ hợp với bố và cậu. Bây giờ, vùng Cửu-chân, Nhật-Nam đã thuộc về nhà họ Đào, họ Đinh mình rồi. Đất Giao-chỉ, mình được thêm Lục-hải. Nếu cộng với Đăng-châu của thúc phụ, cối giang của cha em và ba vùng của sư thúc Đông Bảng, Thủy Hải, Đằng Giang, thêm trang Văn-lạc của chúng ta, châu Lôi-sơn của Đinh Hồng-Thanh, 72 động Tây-vu của Hồ Đề và gần 200 động khác của Nhị Trưng, thì hiện thời Tô Định không còn gì nữa. Chuyến đi Trung-nguyên, chúng ta làm sao tỏ ra thần phục cho Hán đế yên tâm, rút quân về. Bấy giờ, ta chỉ phất ngọn cờ là lập lại Lĩnh-Nam.
Đào Kỳ gật đầu:
- Trường hợp Kiến-vũ hoàng đế rút quân về, tức nhiên Nghiêm đại ca phải về Trung-nguyên. Quyền hành vào tay Tô Định thì nguy.
Phương-Dung cười:
- Quyền gì? Khi quân trong tay chúng ta, nghĩa là bấy giờ tuy không còn Nghiêm đại ca giúp chúng ta, Nhưng Tô Định cũng không dùng quân Hán đánh ta được.
Hai người đi dần về phía Nghiêm Sơn. Viên Ngũ-trưởng hướng đạo đến trước Nghiêm Sơn trình:
- Cách đây năm dặm là sông Ninh-cơ, vượt qua sông, đi về phía Bắc một ngày đường nữa là tới Long-biên. Xin Quốc-công định liệu, nên vượt sông bây giờ hay để sáng mai?
Nghiêm Sơn hỏi:
- Hai bên sông có đội quân nào đóng không?
- Thưa bên này sông là Cổ-lễ, bên kia là đất Thiên-trường, chỉ có thủy quân, không có kị binh.
Nghiêm Sơn gật đầu:
- Chúng ta vượt sông ngay bây giờ. Bảo hải đội Cổ-lễ dành một chiến thuyền đưa chúng ta sang sông. Không cần tiếp đón, lễ nghi gì cả.
Mọi người lên ngựa, tiếp tục đi. Quả nhiên, một lát sau tối một con sông rộng, nước chảy cuồn cuộn, màu đỏ tươi như máu. Viên chỉ huy hải đội Cổ-lễ đứng đón Nghiêm Sơn bên bờ sông. Nghiêm hỏi han mấy câu về binh tình, rồi cùng nhau xuống thuyền.
Thuyền trưởng ra lệnh. Thủy thủ đẩy thuyền rời bến. Nghiêm Sơn cùng mọi người lên sàn đứng ngắm cảnh. Đào Kỳ đến bên Thiều-Hoa, nói:
- Sư tỷ nhớ ngày nào chúng mình vượt sông Hồng không? Hôm đó gặp bác Nguyễn Tam-Trinh tấu nhạc nghe thực thú vị.
Đào Kỳ vừa dứt lời, bỗng vang vang có tiếng nhạc du dương trầm buồn từ phía sau vọng lại. Một con thuyền nhỏ, trên có buồm, đang băng qua sông. Trên thuyền, một thiếu nữ ngồi thổi tiêu. Tiếng tiêu nhu hòa, dìu dặt vọng đi rất xa.Con thuyền phúc chốc đã vượt lên kịp chiến thuyền. Nghiêm Sơn than:
- Tại sao có người giỏi thủy tính đến trình độ kia? Ngồi trên thuyền nhỏ, bánh lái gắn với giây buồm. Dùng cả bánh lái lẫn buồm để lái thuyền, thế mà vẫn thổi tiêu được. Cô gái này thực không phải tầm thường.
Cô gái ghì buồm cho huyền chạy chậm lại, ngừng thổi tiêu, nói vọng sang:
- Tiểu nữ đa tạ Nghiêm đại hiệp khen ngợi. Để tiểu nữ tấu khúc nhạc nữa, xin đại hiệp cùng phu nhân thưởng thức. Nếu hay, xin thưởng cho.
Thiều-Hoa có cảm tình với cô gái nên vui vẻ nói:
- Ta muốn thưởng thức âm thanh tuyệt diệu của em mà thôi. Tiền bạc là của phù vân, đâu xứng đáng với tài Trương Chi? Em cần bao nhiêu, đến bờ ta xin hai tay kính biếu.
Thiếu nữ cười khoe hai hàm răng trắng đều như bắp, môi hồng tươi, nhất là đôi mắt tinh anh, thoáng vẻ ngỗ nghịch:
- Người ta đồn Nghiêm phu nhân là đệ tử của anh hùng đương thời dất Cửu-chân có khác. Hào sảng, trọng nghĩa, khinh tài. Tiểu muội xin tấu một khúc đây.
Lê Thị Lan nói nhỏ với Thiều-Hoa:
- Sư tỷ! Nên đề phòng cẩn thận. Chúng ta đến đây, không ai hay biết. Tại sao cô gái này biết rõ như vậy? Hẳn có người theo dõi chúng ta từ Lục-hải. Sư tỷ nghĩ xem cô có ác ý hay không?
Phương-Dung lắc đầu:
- Không! Nếu có ác ý, họ sẽ ngấm ngầm hại chúng ta, chứ dại gì xuất hiện công khai. Cô bé này biết lý lịch của chúng ta, hẳn cô cũng biết trình độ võ công cả chúng ta. Cô dại gì gây chiến với chúng ta để có thể bị mất mạng?
Cô gái bắt đầu thổi tiêu.
Tài tình ở chỗ chân nàng điều khiển bánh lái và buồm để thuyền đi song song với chiến thuyền, không xa không gần, không nhanh không chậm. Cô gái để ống tiêu lên miệng thổi, tiếng tiêu réo rắt, rộn ràng, vui tươi như chim xuân, như ánh sáng đẹp ban mai.
Tiếng tiêu dứt, Hồ Đề hỏi:
- Em điều khiển thuyền thực giỏi. Ta muốn xuống với em được chăng?
Cô gái cười:
- Chị có biết bơi không mà xuống đây? Nguy hiểm lắm, đừng xuống là hơn.
Rồi cô gái chỉ Đào Kỳ:
- Em muốn anh chàng kia nhảy xuống. Này anh! Nếu là anh hùng, hãy nhảy xuống đây. Nhớ nhảy cho đàng hoàng kẻo lại chìm xuống nước thì chết ngộp đấy.
Đào Kỳ thách:
- Nếu ta nhảy đúng vào giữa thuyền của cô thì sao?
Cô gái lắc đầu không tin:
- Nếu ngươi nhảy xuống trúng thuyền ta, ta sẽ kêu ngươi bằng đại ca cả đời. Còn ngươi rơi xuống nước, ngươi phải kêu ta bằng chị. Nào, ngươi nhảy đi.
Đào Kỳ nảy ý tinh nghịch, chàng nhắm thuyền của nàng nhảy xuống. Khi người chàng còn lơ lửng trên không, cô gái bỗng co chân một cái, cánh buồm đổi chiều, vọt ra xa. Đào Kỳ vội đá gió một cái, cho người đổi chiều theo con thuyền cô gái. Cô ta vọt người lên, hướng vào chàng, phóng một chưởng. Đào Kỳ hoảng kinh, vội vận chưởng chống lại. Tuy nhiên, chàng không dám vận hết sức, sợ làm cô gái bị thương. Hai chưởng đụng nhau. Cô gái bật ngược trở về. Người cô quay ba vòng trên không, đáp xuống thuyền, chân để vào bánh lái. Nói thì chậm, nhưng diễn biến thật mau. Còn Đào Kỳ rơi tỏm xuống sông.
Đào Kỳ biết mình thất thế. Chàng nghĩ:
- Cô gái này tinh nghịch không kém gì Trần Năng với Hồ Đề. Vậy mình phải trêu cô mới được.
Chàng giả bộ nhô lên thụp xuống như người không biết bơi, rồi chìm nghỉm xuống đáy sông.
Cô gái tưởng thật, vội lái thuyền đến vớt chàng:
- Trời ơi! Ngươi đi cùng vối Nghiêm công thì phải giỏi lắm mới phải. Ai đời, mới rơi xuống nước đã chìm nghỉm.
Trên thuyền, Nghiêm Sơn, Thiều Hoa, Phương-Dung, Hồ Đề đều biết Đào Kỳ giả vờ, nên im lặng, đợi xem chàng sẽ làm gì.
Cô gái không thấy Đào Kỳ nổi lên, kinh hãi la lớn:
- Nước chảy xiết thế, ngươi lại không biết bơi, chắc phải chết mất.
Nói rồi, cô nhảy ùm xuống nước. Một lát sau, cô đã nắm áo Đào Kỳ, vọt lên thuyền của cô. Cô để Đào Kỳ nằm ngang trên thuyền rồi tiếp tục thổi tiêu. Chợt bực một tiếng, giây nối bánh lái với buồm bị Đào Kỳ dùng hai ngón chân kẹp đứt. Buồm bị thổi ngược, con thuyền xoay ngang, quay tròn trên mặt nước. Cô gái không biết Đào Kỳ tinh nghịch. Nàng luống cuống nhảy lên mui thuyền, ghì được buồm, nối lại giây.
Nghiêm Sơn ra lệnh thủy thủ ngừng chèo, cho chiến thuyền trôi theo thuyền cô gái xem sao. Cô gái nối được giây buồm, thì bánh lái đã bị Đào Kỳ vận âm kình đạp gẫy, không một tiếng động. Cô gái ngơ ngác không hiểu tại sao xảy ra như vậy. Cô đưa mắt nhìn lên chiến thuyền, thấy mọi người đang cười.
Cô bực mình, nói:
- Các người cười ư? Khổng Tử nói rằng Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Khi các người gặp điều không may, người khác cười khoái trá, các người có bằng lòng không?
Hồ Đề nói:
- Tiểu đệ của ta thấy ngươi xinh đẹp, muốn xuống thuyền chơi với ngươi. Ngươi đánh tiểu đệ ta rơi xuống nước. Y uống nước no, chết rồi cũng nên. Hồn ma của y về cắt đứt giây buồm của ngươi, lại còn chặt đứt bánh lái nữa. Này cô bé, ngươi mau quỳ xuống lạy tiểu đệ của ta đi, nếu không, thuyền ngươi chìm bây giờ đấy.
Cô bé cãi:
- Chị không biết gì cả, chắc chị ở rừng xuống quá. mới uống có mấy hớp nước, làm sao đã chết được?
Hồ Đề cũng không vừa:
- Tiểu đệ của ta bị bệnh suyễn, hễ ngộp nước là chết liền. Không tin, ngươi sờ ngực y mà coi. Tim y hết đập rồi đấy.
Cô gái tưởng thực, đưa tay sờ ngực Đào Kỳ. Đào Kỳ vội quy tức cho tim nưng đập. Cô gái hoảng hồn la lên:
- Thôi chết rồi! Ngươi chết thực rồi à? Ta... ta... chỉ đùa thôi, không ngờ làm ngươi chết ngộp. Vậy ngươi có xuống Diêm vương cũng đừng thưa kiện ta nghe. Đêm tối, ngươi đừng nhát ta nghe.
Đào Kỳ giả vờ rên lên hừ hừ, chân dẫy đành đạch:
Hồ Đề nói:
- Tiểu đệ ta chết phải giờ linh, chắc đã hóa thành quỷ nhập tràng rồi đó. Từ nay, ngươi đi đâu, con quỷ sẽ theo bên cạnh ngươi.
Cô gái lật Đào Kỳ dậy, thấy mắt chàng trợn ngược, lưỡi thè ra trông thật kinh khiếp. Cô run rẩy, rồi nhảy ùm xuống nước. Cô chỉ vọt người hai cái đã đến cạnh chiến thuyền, rồi người cô vọt lên cao. Cô đá giò một cái, đáp xuống chiến thuyền.
Thân pháp của cô đẹp vô cùng. Đào Kỳ nhìn thấy mà kính phục ngầm:
- Ta chỉ có thể vọt lên khỏi mặt nước một trượng là cùng. Cô này lại vọt được hơn hai trượng. Quả thực, ta không bằng cô.
Cô gái đứng trên chiến thuyền nhìn xuống, thấy Đào Kỳ đã ngồi dậy, tay cầm mái chèo, chèo theo chiến thuyền. Cô biết mình bị lừa, tức quá la lên:
- Thì ra ngươi chưa chết! Ngươi lừa ta.
Đào Kỳ cười:
- Ta chết thực rồi, nhưng khi xuống âm phủ, Diêm vương bảo ta phải trở về đòi ngươi xuống hầu kiến.
Cô gái biết mình bị lừa nên phóng mình nhảy xuống thuyền. Đào Kỳ vung chưởng hướng vào cô. Cô cũng vung chưởng đỡ, người cô bay ra xa, rơi tõm xuống nước. Nhưng vừa xuống tới nước, người cô lại vọt lên như con cá, phóng chưởng đánh Đào Kỳ. Đào Kỳ không dám vận kình lực sợ cô gái bị thương. Bình một tiếng, cô gái lại rơi xuống nước. Cứ thế, hai người đánh nhau tới chưởng thứ mười thì thuyền đến bờ. Cô gái nhảy lên bờ, chỉ Đào Kỳ:
- Ngươi tự thị là anh hùng mà bắt nạt người con gái yếu đuối, không biết xấu.
Đào Kỳ cười:
- Cô mà yếu đuối à? Trên đời này, nếu cô yếu đuối, có lẽ sẽ không có ai mạnh cả.
Cô gái cười:
- Đào tam lang! Không ngờ hôm nay ta đánh ngươi rơi xuống sông nước. Như vậy có phải ngươi thua ta rồi không? Nam nhi đại trượng phu, cái gì cũng phải phân minh, ngươi có nhận thua ta không?
Đào kỳ ngạc nhiên:
- Cô nương! Tại sao cô biết ta?
Cô gái cười:
- Gì mà ta không biết? Ngươi là Đào Kỳ, còn vị đại ca lớn tuổi kia chắc là Nghiêm Sơn. Chị mặc áo vàng đẹp như tiên kia chắc là Hoàng Thiều-Hoa. Còn chị mặc áo da kia là Hồ Đề, Thống-lĩnh 72 động Tây-vu. Cô nương xinh đẹp đeo kiếm kia chắc là Phương-Dung, vợ mới cưới của ngươi. Ngươi ngạc nhiên tại sao ta biết ư? Vì cách đây mấy tháng, đại sư bá ta cùng Khất đại phu, Trưng Nhị qua đây chơi với sư phụ ta. Tứ sư bá khen ngợi ngươi giỏi bơi lội như con rái cá. Ta không tin, nên ra đây thử ngươi. Thế là ngươi thua ta rồi đó.
Hoàng Thiều-Hoa nắm tay cô gái:
- Thì ra em là đệ tử của đệ thất Thái-bảo Trần Quốc-Hương tiên sinh đây. Ta thực có lỗi. Vùng Thiên-trường này là chỗ ở của người mà ta quên khuấy đi. Tiểu sư muội, ngươi tên gì vậy?
Cô gái thấy Thiều-Hoa thân thiện với mình thì cười:
- Em mồ côi, không biết cha mẹ là ai. Em được sư phụ đem về dạy dỗ, đặt tên là Quốc. Em lấy họ của sư phụ, nên em họ Trần. Sư phụ sai em ra đây đón các vị, mời các vị qua ấp chơi vài ngày, rồi hãy đi.
Nghiêm Sơn nhìn Phương-Dung hỏi ý kiến. Phương-Dung gật đầu. Chàng quay lại dặn viên Ngũ trưởng dẫn đường:
- Thôi, các ngươi xong nhiệm vụ. Ta cho các ngươi về.
Viên Ngũ trưởng cúi đầu hành lễ, định đi. Thiều-Hoa gọi lại:
- Khoan!
Nàng móc túi lấy một xâu tiền đưa cho y:
- Ngươi cầm lấy, dọc đường anh em mua rượu uống.
Tên Ngũ trưởng cảm tạ rồi từ biệt, lên ngựa.
Nghiêm Sơn cùng mọi người theo Trần Quốc đi về phía Bắc. Khoảng nửa giờ sau, tới trước một trang lớn, có đề chữ Thiên-trường. Trang trại vừa hùng vĩ vừa có tính chất hoa mỹ. Xung quanh trang, những bụi tre Đồng-gộc già, ngả màu vàng óng ánh. Cây nào cũng to bằng bắp tay, cao hơn chục truợng. Không hiểu người ta dùng cách nào mà các bụi tre được cắt xén tỉ mỉ.
Trời đã về chiều, cò trắng, cò lửa từ khắp nơi kéo về đậu trên các cây tre, nô đùa với nhau. Chúng bay nhảy, kêu lên những tiếng nhẹ nhàng, nhưng vang đi rất xa.
Lần đầu tiên trong đời Đào Kỳ thấy một trang ấp hùng vĩ, rộng lớn như vậy. Trước đây chàng tưởng trang Thái-hà, Mê-linh, Lôi-sơn đã là lớn. Nay, so với trang Thiên-trường thì không thấm vào đâu. Liếc vào trong trang, nhà nào cũng bằng gạch ngói đỏ san sát. Đường đi rộng rãi, nếp sốngn dân chúng thanh thản, hạnh phúc.
Người giữ cổng trang đánh một hồi trống. Lát sau, một hán tử trung niên, dáng người thanh nhã, đi với bốn thanh niên và một thiếu nữ ra đón khách. Nàng Quốc giới thiệu:
- Đây là sư phụ cùng các sư huynh, sư tỷ của tôi.
Rồi nàng lại giới thiệu nhóm Nghiêm Sơn.
Nguyên đệ thất Thái-bảo phái Sài-sơn họ Trần tên Quốc-Hương, lập nghiệp ở Thiên-trường và Hoàng-xá. Hoàng-xá, ông để cho con trưởng trông coi, ông về vùng gần biển lập ra ấp Thiên-trường, quy tụ dân lại đông đến mấy vạn. Ông là người đạo đức, nhân hiệp, khéo chiêu dân, dạy dân, không ác độc, hoang phí coi dân là tôi mọi như các lạc hầu xung quanh. Do đó dân theo về ngày một đông. Cách đây hơn nửa tháng, Trần Đại-Sinh là chú ruột ông, cùng với chị cả cũng là đại sư tỷ Trần-thị Phương-Châu, trên đường từ đảo trở về đã ghé thăm ông, cho ông biết qua kế hoạch phục quốc. Ông cho đệ tử là nàng Quốc ra sông đón khách.
Thấy khách, ông mừng lắm:
- Tại hạ chờ đón quý vị hơn nửa tháng, nào mời quý vị vào.
Ông thấy Đào Kỳ ướt sũng, ngó qua thấy đệ tử mình cũng ướt. Ông biết ngay thế nào cũng xảy ra chuyện gì rồi. Ông hỏi:
- Quốc con! Hết kiêu căng chưa?
Nàng Quốc vẫn cười:
- Hết sạch rồi sư phụ. Cả hai cùng ướt hết.
Đào Kỳ chắp tay hướng vào phía Trần Quốc:
- Tiểu sư muội! Năm trước, Nghiêm đại ca của tôi bị đệ tứ sư bá dùng kế đánh chìm mà chịu thua. Lần này tôi bị tiểu sư muội dùng kế đánh rơi xuống nước, tôi cũng đã bị thua.
Thiều-Hoa kể chuyện qua sông cho Trần Quốc-Hương nghe, tất cả mọi người đều cười:
Trần Quốc-Hương hướng vào Lê Thị Lan hỏi:
- Cháu là đệ tử của Tản-viên song hùng Nguyễn Thành-Công. Như vậy, các cháu là sư muội của Phong-châu song quái phải không?
Lê Anh-Tuấn thưa:
- Thưa sư bá! Sư phụ cháu đã trục xuất hai người đó ra khỏi môn hộ lâu rồi. Chúng cháu không còn liên hệ gì với họ nữa.
Trần Quốc-Hương thở dài:
- Song quái mới xuất hiện ở đây ngày hôm qua. Ta đánh không lại Vũ Hỷ. Có lẽ tối hôm nay chùng sẽ trở lại. Hiện có Lĩnh-Nam công ở đây, để người trị chúng nó, vì Vũ Hỷ là cựu Đô-sát Cửu-chân.
Nghiêm Sơn lắc đầu:
- Thưa tiên sinh, Vũ Hỷ đã bị cách chức và bị án tử hình. Tôi đã sức đi khắp nơi, ai bắt hoặc giết được chúng sẽ được thưởng lạng vàng. Không biết chúng tời đây quấy nhiễu quý trang ra sao? Dù hắn có là Đô-sát hay không, khi chúng đi quấy nhiễu các nơi, tôi là người cầm quân, vẫn phải trị chúng. Tôi xin chịu trách nhiệm.
Trần Quốc-Hương rót nước mời mọi người uống:
- Cách đây năm ngày, vợ chồng Vũ Hỷ tới đây cầu kiến. Tôi mời họ vào, đãi đằng rất tử tế. Chúng cho tôi biết rằng, Kiến-vũ hoàng đế cách chức Nghiêm công, cử Tô Định thay thế. Chúng mời tôi ra làm chức Huyện-úy vùng này. Tôi từ chối, vì tôi đã được đại sư tỷ cho biết mọi sự. Thấy bại lộ, chúng liền ra tay tấn công. Võ công tôi kém không địch lại. Chúng bỏ đi. Hứa chiều nay sẽ quay trở lại. Chúng ra điều kiện: Một là tôi theo chúng, hai là chúng sẽ giết chết tôi.
Nghiêm Sơn đứng dậy nói:
- Vậy lát nữa, khi chúng trở lại xin tiên sinh cứ dấu, đừng cho chúng biết chúng tôi đã tới đây. Nếu không, e chúng sẽ trốn mất. Đêm nay nếu chúng tới tôi sẽ bắt chúng.
Đào Kỳ hỏi Lê Thị Lan:
- Sư tỷ! Chẳng hay bản lĩnh sư tỷ so với Phong-châu song quái ra sao?
Lê Thị Lan lắc đầu:
- Chúng tôi nhập môn sau, bản lĩnh thua chúng rất xa. Không biết sư huynh hỏi thế làm gì?
Đào Kỳ hỏi tỉ mỷ, chàng thấy chị em Lê Thị Lan học được khá nhiều bản lĩnh của sư phụ. Nhưng về công lực thì còn thua Song-quái. Chàng nói:
- Ở đây Nghiêm đại ca có thể thắng được một trong hai quái. Tôi với Phương-Dung dĩ nhiên thắng chúng. Nhưng e chúng tôi với Nghiêm đại ca xuất hiện, e chúng sẽ chạy mất.Vậy chúng ta làm sao đây?
Phương-Dung nghiõ ra một kế:
- Em với anh Kỳ giả làm đệ tử của Thất sư bá. Chỉ cần hóa trang đi một chút, chúng sẽ không nhận được. Nghiêm đại ca với sư tỷ cũng hóa trang đi. Khi chúng xuất hiện, chị Lan, anh Tuấn nhân danh sư phụ thách đấu để thanh lý môn hộ. Đào tam ca ở bên ngoài nhắc các chiêu thức để hai vị đấu với song quái. Nếu hai vị thắng thì thôi. Ngược lại, Nghiêm đại ca với Đào tam ca thình lình ra tay, chúng sẽ trở tay không kịp.
Bàn định xong xuôi, Trần Quốc-Hương mời mọi người dùng cơm. Nàng Quốc sai gia nhân dọn cơm ra. Chủ khách cùng ngồi ăn. Nàng giới thiệu:
- Các vị ghé thăm tệ trang, xin mời thưởng thức chút ít hương vị Thiên-trường gọi là lấy thảo. Món đầu tiên mời quý vị dùng là món ốc nhồi nấu chuối xanh. Gọi là món giả ba ba, do sư mẫu tôi đích thân làm.
Hồ Đề ở rừng ít được ăn món đồng bằng nói:
- Giả ba ba là thế nào?
Nàng Quốc nói:
- Ba ba là con vật thuộc họ rùa. Thường thì nấu ba ba với chuối xanh. Nhưng ba ba ăn độc lắm thành ra phải nấu giả ba ba. Ốc nhồi loại lớn, luộc sơ đi, khêu ruột ra khỏi vỏ, rửa cho sạch vì thịt ốc thường lẫn bùn, ăn vào tanh lắm. Muốn cho ốc nhả hết bùn, sau khi bắt ta phải cho vào vò ngâm với nước vo gạo độ ba ngày. Dùng ốc xào với thịt ba chỉ thái nhỏ, xào cho đến khi nào thịt teo đi mới thôi. Còn chuối xanh tước vỏ, thái mỏng, ngâm với muối nửa ngày. Khi thịt teo rồi, đổ chuối vào, cho mắm tôm, me bung nhừ. Đợi chuối nhừ mới cho bánh đa, lá xương xông, tía tô. Nào mời quý vị dùng.
Nàng múc vào từng bát mời khách. Hồ Đề là người miền núi, tánh tình bộc trực, thấy ngon, lạ miệng, nàng ăn kỳ no, không cần khách sáo.
Nàng Quốc nói tiếp:
- Món này thì thường thôi: Dưa cải chua nấu với tép riu, cá rô Đầm-sét kho keo.
Những món này mọi người đã ăn qua, nhưng vừa ăn lại vừa được nàng Quốc giảng giải cách nấu nướng, thành ra rất ngon. Cuối cùng nàng Quốc bưng ra một mâm hoa quả:
- Mùa này chỉ có chuối tiêu, chuối hương, mời quý vị.
Ăn xong, trời vừa tối. Các con của Trần Quốc-Hương đều giỏi âm nhạc. Họ cùng tấu nhạc cho khách nghe.
Truyện vãn một chút thì có ba tiếng trống vọng vào. Nàng Quốc nói:
- Sư phụ để con ra xem ai. Có thể là Song-quái không chừng.
Nàng vọt lên ngựa ra đi, lát sau dẫn vào một người. Vừa thoạt trông thấy, Đào Kỳ đã kêu lên:
- Nguyễn Thành-Công tiên sinh!
Chị em Lê Thị Lan cũng reo mừng:
- Sư phụ! Người vẫn mạnh khỏe chứ?
Người vừa vào là Nguyễn Thành-Công. Trần Quốc-Hương chắp tay tạ lỗi:
- Tản viên song hùng tới, mà tôi không biết ra nghênh đón, thực có lỗi.
Nguyễn Thành-Công vẫy tay:
- Không dám! Nghe tin Trần hầu bị bọn phản đồ tới đây làm phiền, tôi là sư phụ, phải đến để thu thập chúng.
Ông nhìn Lê Thị Lan:
- Các con gặp Đào tam đệ ở đâu mà cùng tới đây?
Nguyên ông viết cho Đào Kỳ một bức thư, yêu cầu chàng tham dự trong phái đoàn sang Trung-nguyên, ông sai hai đệ tử mang đi. Lê Thị Lan và Lê Anh-Tuấn đi tới nửa đường thì gặp Đào Kỳ và đưa thư cho chàng. Đào Kỳ cũng cho biết cha chàng đã nghe lời Khất đại phu, Nam-hải nữ hiệp, cử chàng đi. Chị em Lê Thị Lan mừng quá, cùng theo chàng về Bắc. Không ngờ hôm nay lai gặp sư phụ ở đây.
Đào Kỳ tường trình mọi việc cho Nguyễn Thành-Công nghe. Nghe xong, ông gật đầu:
- Thực cha nào, con nấy, thầy nào trò ấy. Đào hầu có đệ tử, có con anh hùng, lão phu vô phúc dạy phải anh em Vũ Hỷ.