Hồi 34b
Thiều-Hoa đã đẹp, tiếng nói lại khoan thai, buông lời trách cứ Đức-Phi. Y liếc nhìn nàng nghĩ:
- Con bé này ở đâu mà đẹp thế này? Phải chi ta bắt được đem về ôm ấp một đêm, dù có chết cũng không oán trách.
Bá-Hiển nghe thấy Thiều-Hoa mắng sư phụ, y tiến lên rút kiếm đâm liền. Thiều-Hoa biết chiêu đó là Loa thành nguyệt chiếu rất nguy hiểm của phái Cửu-chân. Nàng không đỡ chỉ đạp chân vào yên ngựa, vọt người lên cao. Còn lơ lửng trên không, nàng đã phóng xuống một chưởng. Vì giận dữ, nàng đã vận đủ mười thành công lực. Nàng mặc bộ quần áo vàng, cổ choàng khăn đỏ, trông phiêu phiêu, hốt hốt như một vị tiên. Chưởng phong chụp xuống. Bá-Hiển thấy nàng xử dụng võ công phái Cửu chân thì giật mình, vội thu kiếm về lăn đi một vòng mới thoát chết.
Thiều-Hoa quát lớn:
- Ban nãy sư huynh ta hỏi ngươi, sư thừa là ai, vì nghĩ ngươi là chỗ đồng môn. Ngươi không trả lời, còn vô lễ sư phụ của ngươi họ Đào phải không?
Trong lòng Thiều-Hoa nghĩ rằng anh em họ Hoàng là con Huyện-úy thì có thể là đệ tử của sư thúc Đào Thế-Hùng chăng nên nàng mới hỏi rõ.
Hoàng Bá-Hiển cười nhạt:
- Ta chẳng biết tên họ Đào, họ cởi gì hết.
Vừa nói, y vừa vung chưởng đánh tới. Dù sao Thiều-Hoa cũng là tam đệ tử của Đào Thế-Kiệt. Võ công nàng có kém, là kém so với Đào Kỳ, với sư huynh nàng mà thôi. Còn đối với bọn này, nàng có coi ra gì. Tay trái nàng sử dụng một thức cầm nã bắt lấy tay Bá-Hiển. Tay phải nàng tát vào mặt hắn hai cái thật mạnh. Thuận chân nàng đá hắn một cước, khiến hắn bay vào bụi cây gần đó.
Bị đòn đau, Bá-Hiển vọt dậy đã thấy Vĩnh-Liên, Phi-Long đang vây Thiều-Hoa vào giữa. y cũng nhảy vào vòng chiến.
Vì thấy anh em họ Hoàng xử dụng võ công Cửu-chân, Thiều-Hoa có ý nhân nhượng đôi chút. Nay thấy ba người xúm vào vây đánh mình, nàng thầm tức giận ; nghĩ:
- Đệ tử Cửu-chân dù ở cấp nào chăng nữa, hể thấy người đồng môn, thì phải khai sư thừa và thân ái với nhau. Thế mà ta đã hai lần hỏi sư phụ chúng là ai, chúng cũng không trả lời, vậy ta cứ thẳng tay, dù sư phụ chúng là ai cũng không trách ta được.
Nghĩ thế, nàng đánh liền ba quyền. Binh, binh, binh. Ba đệ tử của Đức-Phi bị đánh bật ra ngoài, ngã lăn lông lốc. Chúng liền bò dậy dùng kiếm tấn công Thiều-Hoa bằng những chiêu cực kỳ tàn bạo. Thiều-Hoa không rút kiếm trả đòn. Nàng xen lẫn vào giữa ba anh em họ Hoàng, thỉnh thoảng lại tát cho mỗi tên một cái.
Liếc thấy Đức-Phi đang đứng nhìn các con vây nàng, Thiều-Hoa phát bực mình. Nàng đẩy một chưởng thật mạnh về phía Bá-Hiển làm y muốn ngộp thở, bèn nhảy lùi lại. Nàng nhảy vèo đến túm cổ Đức-Phi trên ngựa làm vũ khí, đưa ra đỡ kiếm của ba đệ tử. Anh em họ Hoàng hoảng sợ, lùi lại, chống kiếm ngơ ngác nhìn nhau. Thiều-Hoa tát vào mặt Đức-Phi một cái mắng:
- Bọn đệ tử mất dạy, ta đánh sư phụ.
Rồi nàng quẳng Đức-Phi xuống đất, dẫm chân lên ngực y, nói:
- Ba đứa bây mau quỳ xuống, lạy ta đủ mười lần, ta tha cho tên này. Bằng không ta sẽ nhả kình lực, xương ngực hắn sẽ gãy nát liền.
Ba đệ tử của Đức-Phi đứng nhìn nhau, ngần ngại. Vì đánh, cả ba không phải là đối thủ của người đàn bà đẹp này, còn quỳ xuống lạy thì nhục nhã quá.
Đức-Phi sợ quá, lắp bắp:
- Các ngươi mau lạy đi! Lạy đi!
Ba tên vội cúi đầu lạy Thiều-Hoa đủ mười lạy.
Thiều-Hoa hỏi:
- Về phần bọn mi, ta miễn cho khỏi bị đòn. Bây giờ ta hỏi câu nào, bọn mi phải trả lời câu đó. Thứ nhất sư phụ mi là ai?
- Sư phụ chúng tôi là Hoàng Đức-Phi. Võ công của chúng tôi không do sư phụ trực tiếp dạy, mà do đại sư huynh Trịnh Quang, nhị sư tỷ Hoàng Thị Huệ truyền thụ.
Thiều-Hoa, Nghi-Sơn, Dương-Đức, cùng ồ lên một tiếng ngạc nhiên. Thiều-Hoa hỏi tiếp:
- Khi dạy võ công cho mi, đại sư huynh có nói rằng thuộc môn phái nào không? Sư phụ của y là ai?
Hoàng Bá-Hiển đáp:
- Sư huynh nói võ công này do sư phụ truyền cho.
Thiều-Hoa nghiêm mặt:
- Mấy đứa chúng bây thực ngu hết chỗ nói. Tên mặt mo Hoàng Đức-Phi chỉ là một cái bị thịt, một miếng võ mèo cào cũng không biết, không lẽ bọn mi không nhìn ra? y đã không biết võ làm sao truyền cho tên Trịnh Quang?
Bá-Hiển đáp:
- Tôi chưa thấy sư phụ giao chiến với ai bao giờ làm sao biết bản lĩnh của người?
Thiều-Hoa biết bọn chúng nói thật, nàng thầm nghĩ:
- Tên Trịnh Quang thật đốn mạt, đi nhận giặc làm thầy.
Nàng thu chân lại, đá Đức-Phi một cái bay ra xa, rồi tiến đến cởi trói cho chị em Lê Thị Lan. Bọn thầy trò Đức-Phi vội lên ngựa phóng mất. Thiều Hoa chợt nhớ ra điều gì, vội hỏi Lê Thị Lan:
- Hồi nãy chị thấy em sử dụng võ công Tản-viên, vậy em là đệ tử của cao nhân nào?
Lê Thị Lan cảm động nói:
- Em cám ơn chị đã cứu mạng. Sư phụ em họ Nguyễn, húy Thành-Công.
Nghiêm Sơn bật lên tiếng kêu:
- Úi chà!
Nguyên Nguyễn Thành-Công là sư phụ của Phong-châu song quái, sư thúc của Đặng Thi-Sách, Trưng Trắc, Trưng Nhị, danh vang thiên hạ về võ công cũng như đạo đức.
Lê Thị Lan hỏi:
- Dường như chị là đệ tam đệ tử của Đào chưởng môn phái Cửu-chân thì phải. Hèn chi võ công trác tuyệt, tính tình nghĩa hiệp hào sảng.
Thiều-Hoa ngạc nhiên:
- Tại sao em đoán được là chị?
Lê Thị Lan cười:
- Sư phụ em thường nói rằng chưởng môn phái Cửu-chân là Đào Thế-Kiệt, một trong những hào kiệt đạo đức đương thời. Người có ba con trai: Nghi-Sơn, Biện-Sơn và Kỳ. Ba đệ tử là Dương-Đức, Trịnh Quang và Thiều-Hoa, sau này còn thu thêm Tường-Loan nữa. Thiều-Hoa đẹp như một tiên nữ. Ban nãy thấy chị sử dụng võ công Cửu-chân, lại đẹp như tiên, gì mà em không đoán ra?
Nghi-Sơn hỏi Lan:
- Dường như cô nương bị trúng độc, đó là độc chất gì vậy?
Lê Anh Tuấn nói:
- Chị em tôi bị trúng thuốc mê, nhờ công lực cũng không đến nỗi tệ, nên không bị ngã. Bây giờ, chất độc đã ra rồi, không sao cả.
Trần Dương-Đức hỏi:
- Chẳng hay chị em cô đi đâu vậy?
Lê Anh Tuấn đáp:
- Sư phụ sai chúng tôi vào Cửu-chân tìm người con thứ ba của Đào hầu là Đào Kỳ có chuyện khẩn cấp. Không ngờ qua đây thì bị nạn.
Thiều-Hoa đỡ Lê Thị Lan dậy:
- Nếu vậy, em phải trở về thôi. Tiểu sư đệ của tôi đã về Bắc gần mười lăm ngày rồi. Hiện giờ y ở nhà nhạc phụ tại Cối-giang tức là chưởng môn phái Long-biên.
Nghiêm Sơn xen vào:
- Thôi chúng ta trở lại Lục-hải kiếm gì ăn chiều. Mai hãy ra Bắc.
Thiều-Hoa mời Lê Thị Lan cùng cỡi một ngựa. Cả đoàn lại tiếp tục lên đường.
Bốn người, thêm chị em Lê Thị Lan thành sáu, cỡi ngựa ruổi bước về Lục-hải. Tới nơi, trời đã hoàng hôn. Sáu người tới huyện đường.
Lính gác thấy sáu người có kị binh theo hầu, đoán biết là quan nha, vội tiến ra cung kính hỏi:
- Các vị từ đâu tới? Có việc gì?
Tên Ngũ-trưởng kị binh theo hầu móc lệnh bài ra, nói:
- Ngươi vào báo Huyện-lệnh, có Lĩnh-Nam công giá lâm.
Tên lính gác cửa thấy vị tướng là người chỉ huy tối cao của mình, vội khúm núm hành lễ rồi đánh ba tiếng cồng. Một tên ngũ trưởng từ trong chạy ra. Tên canh cổng nói mấy tiếng. Tên ngũ trưởng vội chạy vào. Một lát, Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng áo mão chỉnh tề bước ra, vái dài xuống đất:
- Quốc công giá lâm tệ huyện, tiểu nhân không biết trước nghênh đón, thực có tội.
Nghiêm Sơn chỉ Trần Dương-Đức và Nghi-Sơn, nói:
- Đây là hai vị tân huyện úy Ngọc-đường và Nghi-sơn.
Chàng chỉ Thiều-Hoa:
- Còn đây là phu nhân của tôi.
Rồi chàng chih chị em Lê Thị Lan:
- Đây là hai người bạn của chúng tôi.
Huyện-lệnh vội mời tất cả vào huyện đường, thét pha trà, làm tiệc thết đãi.
Nguyên Nghiêm Sơn lĩnh tước Lĩnh-Nam công lại là nghĩa đệ của đương kim hoàng đế nhà Hán, chàng được cử sang Lĩnh-Nam với toàn quyền về tổ chức, quân sự, đối với quan lại các cấp, chàng được quyền tiền trảm hậu tấu. Chàng lại là người anh minh hiệp nghĩa, võ công cao cường, nhất là chàng không tham nhũng, quan lại các cấp nghe đến tên chàng đều run sợ, kính trọng. Huyện-lệnh Lục-hải là người Hán, nhờ có học, được cử sang Giao-chỉ làm lại, rồi được cất nhắc lên đến Huyện-lệnh. Lục-hải được coi là bờ xôi, giếng mật, dân cư trù phú, trên rừng có gỗ quý, dưới biển có ngọc trai, quan lại nào được cử tới đây, coi như một đặc ân. Thu-Tòng cũng như các quan người Hán khác, sang Giao-chỉ với mục đích: Vàng bạc và gái. Về gái, y bị Hoàng Đức-Phi cho vào tròng với vợ y. Thu-Tòng nhiều khi muốn thoát ra, nhưng lại sợ Đức-Phi là tay chân của Tô Định, y lại có ba đệ tử võ công cao cường. Vì vậy, tuy là huyện lệnh, nhưng y sợ Đức-Phi như sợ cọp. Hôm nay, bất ngờ Lĩnh-Nam công tới thăm huyện đường, làm y có cảm tưởng một cái gì không may sẽ xảy đến. Nghiêm Sơn lại giới thiệu hai huyện úy trẻ với y. Trước đây mấy hôm, y được ngựa lưu tinh báo rằng Huyện-úy Ngọc-đường Phùng Chính-Hòa làm phản, bị Nghiêm Sơn chặt đầu, tài sản bị tịch thu. Tiếp theo có lệnh truy nã Đô-sát Vũ Hỷ rất gấp, làm y càng lo ngại. Y lo ngại vì Hoàng Đức-Phi thường làm càn làm bậy quá đáng mà y không cản được.
Nhập tiệc một lúc, y gợi chuyện:
- Không hiểu Quốc-công giá lâm tệ huyện có điều chi dạy bảo? Để tiểu nhân sai người đi gọi huyện úy tới đây trình diện đại nhân.
Nghiêm Sơn hỏi:
- Theo ý Huyện-lệnh, Hoàng Đức-Phi là người thế nào?
Câu hỏi đột ngột làm Phạm Thu-Tòng không trả lời được. Nhưng thạo nghề làm quan, y đáp lệch đi:
- Tiểu nhân với Huyện-úy thường hội ý làm việc với nhau.
Nghiêm Sơn đâu lạ gì câu trả lời đó, chàng ngắt:
- Xin mời Lữ-trưởng Lục-hải tới gặp tôi trước đã.
Thu-Tòng xin phép ra ngoài. Lát sau, dẫn một quân nhân bước vào. Quân nhân hành lễ quân cách với Nghiêm:
- Lữ trưởng Lục-hải Trần Phúc tham kiến Quốc-công.
Nghiêm Sơn mời ngồi rồi hỏi:
- Lữ trưởng trấn ở đây được mấy năm rồi?
- Tiểu nhân trấn nhậm ở đây đã được ba năm.
- Tình hình an ninh tại huyện ra sao?
- Bẩm hoàn toàn tốt. Tuy không động đến binh, nhưng tiểu nhân vẫn thao luyện sĩ tốt, không dám xao lãng.
Người nhà Huyện-lệnh bưng trà, hoa quả tráng miệng vào. Phạm Thu-Tòng mời Nghiêm Sơn uống trà, ăn trái cây. Nghiêm Sơn uống chum trà thứ nhất xong, chàng thấy mùi vị hơi lạ, vội bưng chung thứ nhì lên ngửi. Thấy mùi hơi chua. Chàng hạ chung trà xuống, hỏi Huyện-lệnh:
- Trà này là trà gì? Sao có mùi chua vậy?
Huyện-lệnh cũng nghiệm thấy thế. Y cho rằng người nhà nấu nước bị ám khói, vội pha bình trà khác. Nhưng khi y vừa đứng lên, thì người lảo đảo ngã xuống. Nghiêm Sơn la lên:
- Trà có thuốc độc.
Trần Phước cũng lảo đảo ngã xuống. Chàng quay lại thấy vợ còn đứng vững trong khi Nghi-Sơn, Dương-Đức và chị em Lê Thị Lan đang nghiến răng cố chịu đựng. Chàng thấy người lảo đảo, muốn vung tay phát lực mà không được
Chợt cánh cửa bật mở, thầy trò Đức-Phi cùng ùa vào, cười ha hả:
- Nghiêm Sơn hỡi Nghiêm Sơn! Thế là mày đã lọt vào tay tao rồi. Đố mày chạy thoát đấy.
Nghiêm Sơn nghiến răng vận sức vào tay, phóng một chưởng đánh vào đầu Hoàng Đức-Phi để tự cứu mình. Bá-Hiển thấy chưởng mãnh liệt khủng khiếp, vội lạng mình vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng, người y bị bật văng vào cột nhà. Cột nhà gãy rắc một cái, y nằm im, không động đậy. Đức-Phi nhảy đến đỡ y dậy, nhưng toàn bộ xương ngực Bá-Hiển đã bẹp dúm, đầu vỡ làm hai, chết liền tức khắc. Đức-Phi kinh hãi vì chưởng lực của Nghiêm Sơn.
Trước đây nghe nói Nghiêm Sơn võ công kinh người, nhưng với bản tính lưu manh, biết vài ba miếng võ tạp nhạp, y không thể ngờ trên đời, võ học có thể đạt tới trình độ như y thấy hôm nay. Y hoảng hồn đứng chết trân. Cả mấy thầy trò y cùng kinh hồn động phách. Tiến lên thì không dám, lùi lại cũng không xong.
Bỗng Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa cùng lảo đảo, ngã ngồi xuống ghế. Hoàng Phi-Long biết thuốc đã ngấm, rút kiếm tiến lên nói:
- Sư phụ! Giết chúng hay bắt sống?
Đức Phi đã tỉnh lại. Y lắp bắp nói:
- Hãy trói chúng lại đã.
Vĩnh-Liên, Phi-Long dùng giây trói Nghiêm Sơn, Thiều-Hoa và mọi người lại. Đến lượt Huyện-lệnh và Trần Phúc thì Đức-Phi bảo đệ tử:
- Đừng trói chúng. Hãy đem nước lạnh vào dội lên đầu để cứu tỉnh chúng đã.
Vĩnh-Liên chạy ra ngoài lấy nước lạnh vào dội lên đầu hai người. Hai người tuy trúng độc ngã xuống, chân tay không cử động được, nhưng đầu óc còn nhận biết được mọi việc. Khi chân tay còn cử động được, Huyện-lệnh quát lên:
- Hoàng Huyện-úy! Ngươi mau cởi trói cho Lĩnh-Nam công. Nếu chậm trễ khó tránh khỏi sát thân cả ba họ.
Trần Phước rút kiếm của Đào Nghi-Sơn, đứng trước Nghiêm Sơn, nói:
- Phụ tử chi binh. Họ Trần này trọn đời trong quân ngũ chưa từng thấy một tướng soái nào anh minh hiệp nghĩa, coi binh lính như ruột thịt bằng Nghiêm công. Nếu cha con ngươi muốn giết người, phải giết ta trước đã. Các ngươi có giỏi hãy tiến lên đi.
Đức-Phi là tên du thủ du thực, cả đời sống bằng những lời lưu manh, lừa đảo người, y vẫy hai con lùi lại, cười ha hả:
- Phạm Huyện-lệnh, Trần lữ trưởng! Các người cứu Nghiêm Sơn, liệu lát nữa y tỉnh dậy, có tha cho các người không? Y bất thình lình tới đây với những người có võ công cao như thế này là có lý do của y. Y đã được phúc bẩm rằng các ngươi thu được nhiều ngọc ngà châu báu, nên muốn đến đây để xử trí các ngươi về tội tham nhũng, các ngươi có biết không? Chứ nếu chỉ đi duyệt xét binh tình y đã cho ta biết trước rồi...
Ngừng một lát, y tiếp:
- Lượng tiểu phi quân tử, vô độc bất trượng phu. Phạm huyện lệnh, Trần lữ trưởng chi bằng ta giết hết những tên đàn ông thối tha này, quẳng xác vào rừng cho thú ăn thịt vô tang. Sau đó chúng ta mật bẩm về Tô thái thú, ngài sẽ trọng thưởng chúng ta. Tôi cam đoan việc này tốt đẹp. Hôm qua Tô thái thú cho người phi ngựa tới bảo vợ tôi ra Luy-lâu hầu ngài ngay. Tôi biết vợ tôi nó thạo nghề phòng the lắm. Tô thái thú nghiền nó như nghiền rượu vậy. Trong phòng the, Tô thái thú nhiều lần nói cho nó biết rằng ngài muốn giết tên Nghiêm Sơn đã lâu, ngặt vì uy thế y quá lớn, võ công y lại cao. Bây giờ chúng ta giết y thì Thái-thú sẽ thăng Huyện-lệnh làm Đô-sát, còn Lữ-trưởng sẽ thăng lên làm Sư-trưởng.
Lữ trưởng Trần Phước quát:
- Đức-Phi! Ngươi đừng hòng hoa ngôn, xảo ngữ lừa ta. Ta không nghe đâu. Dù Lĩnh-Nam công với Tô thái thú có xung đột với nhau, ta là quân nhân, ta phải bảo vệ tướng soái.
Hoànng Đức-Phi cười:
- Thôi được ngươi lại cởi trói cho y đi.
Trần Phước chạy lại cởi trói cho Nghiêm Sơn, thì véo một cái, Hoàng Phi-Long đã phóng kiếm đâm y. Y hoảng hồn nhảy lùi lại, thì choang một tiếng, kiếm đã đâm trúng ngực y. May y mặc giáp sắt, kiếm đâm không thủng. Y vung kiếm đánh với Phi-Long.
Trần Phước chỉ là một võ tướng, có sức mạnh, nhưng không phải là đối thủ của một đệ tử võ học Cửu-chân. Được mười hiệp, Phi-Long đã đánh kiếm của y rơi xuống đất, và chĩa kiếm vào cổ y.
Đức-Phi nói:
- Trần Phúc bây giờ có hai đường: Một là ngươi cầm kiếm đâm chết Nghiêm Sơn. Hai là ta giết ngươi, giết hết các con ngươi, đoạt vợ ngươi, nàng hầu của ngươi đem về làm tỳ thiếp. Của cải của ngươi ta hưởng hết.
Phi-Long đứng sau trần Phúc chĩa kiếm vào hông y, nói:
- Mi nhặt kiếm, tiến lên chém Nghiêm Sơn. Ta đứng sau ngươi, nếu ngươi chém Nghiêm, ta sẽ rút kiếm ra. Còn không ta đẩy kiếm vào giữa tim ngươi.
Đức-Phi cũng nhặt kiếm đưa cho Huyện-lệnh:
- Ngươi cũng thế, ngươi tiến lên đâm chết con vợ của Nghiêm Sơn đi.
Phạm Thu-Tòng quát lên:
- Đầu ta có thể rơi, chứ ta không thể giết Lĩnh-Nam công.
Đức-Phi cười gằn:
- Được ta đếm ba tiếng, nếu ngươi không ra tay, ta sẽ giết ngươi trước. Nào một... hai... ba.
Khi Vĩnh-Liên, Phi-Long vung kiếm lên bỗng cánh cửa sổ kêu đánh binh một tiếng, ba người vọt qua cửa vào. Chỉ một chiêu đã bắt sống Phi-Long, Vĩnh-Liên, Đức-Phi.
Nghiêm Sơn tuy trúng độc, chân tay tê liệt, nhưng đầu óc vẫn còn tỉnh, nên nhận biết mọi sự. Chàng thấy ba người nhảy vào trước là Đào Kỳ, Phương-Dung, Trần Năng tiếp theo sau đó là Hồ Đề, Hùng Bảo.
Trần Năng bảo Trần Phúc:
- Mau lấy nước lạnh cứu người.
Trần Phúc chạy ra ngoài một lát trở vào cùng vài tên lính bưng nước lạnh đưa Trần Năng. Trần Năng cùng Phương-Dung lau mặt cho mọi người. Đào Kỳ, Hùng Bảo rất quan tâm đến Thiều-Hoa. Thiều-Hoa mở mắt, tỉnh dậy mỉm cười:
- Tiểu sư đệ! Đồ nhi Hùng Bảo các người hay quá.
Hùng Bảo vui mừng nói:
- Sư nương! Sư nương khỏe hẳn chưa?
Thiều-Hoa đứng dậy:
- Bảo nhi, ngươi yên tâm. Ta khỏi hẳn rồi.
Mọi người được cứu tỉnh và cởi trói. Nghiêm Sơn nói với Trần Phúc:
- Trần lữ trưởng, ngươi là đấng anh hùng. Suốt đời ta không quên ngươi đâu. Ngươi mau triệu tập binh mã, vây kín trang ấp của Hoàng Đức-Phi, dù con chó, con mèo cũng không được thoát ra ngoài. Nhưng đừng giết ai.
Lát sau Trần Phuc đã giải cả nhà Hoàng Đức-Phi tới.
Nghiêm Sơn quay lại nói với Huyện-lệnh Phạm Thu-Tòng:
- Ngươi đã nói thà mất đầu chứ quyết không để cho Đức-Phi giết ta. Ta thề với trời đất, cả đời đối xử với ngươi như anh em. Ngươi cho ta mượn Huyện-đường một lát.
Rồi Nghiêm Sơn sai điệu cả nhà Hoàng Đức-Phi vào hỏi cung.
Thì ra khi Nghiêm Sơn đến Huyện-đường, bọn Đức-Phi đã được thông báo. Y biết rõ nữ lang đánh với y hồi trưa là phu nhân của Lĩnh-Nam công. Người đứng lược trận là Nghiêm Sơn thì không còn hồn vía. Y định cùng vợ con lên ngựa cao chạy xa bay. Nhưng đệ tử Phi-Long cản y:
- Việc gì phải chạy. Ta cho người lén vào bếp của Huyện-lệnh, bắt trói đầu bếp, bỏ thuốc mê vào trà cho bọn nó uống. Chúng ta bắt chúng trói lại, giết đi, có khi Tô Thái thú còn trọng thưởng là khác.
Đức-Phi là đứa tiểu nhân, nhát gan nhưng hay làm liều. Nay gặp bước đường cùng, y đành theo lời đệ tử. Không ngờ giữa lúc cha con y sắp thành công, lại bị bọn Đào Kỳ nhảy vào can thiệp.
Bây giờ cả bọn đã bị trói. Hoàng Bá-Hiển bể đầu chết thảm nằm đó. Y biết chắc không thể nào thoát nạn chu diệt toàn gia, đành nhắm mắt, cúi đầu, không nói được lời nào.
Hồ Đề nói với Nghiêm Sơn:
- Nghiêm đại ca! Chúng tôi cứu đại ca, vậy đại ca thưởng cho chúng tôi cái gì đây?
Nghiêm Sơn quay lại nhìn vợ hỏi ý kiến. Lúc đó, Thiều-Hoa đang ngồi trên ghế, Hùng Bảo đứng hầu phía sau, còn Đào Kỳ đang bóp vai cho nàng. Trong lòng chàng nảy ra mối thiện cảm:
- Tiểu sư đệ, Hùng Bảo lúc nào cũng chỉ nghĩ đến phục quốc, luôn miệng nguyền rủa Mỵ-Châu, nhưng lại cực kỳ sủng ái phu nhân ta. Họ đã coi ta là người hiệp nghĩa chứ không phải Trọng-Thủy. Coi phu nhân ta là người biết đạo nghĩa chứ không phải Mỵ-Châu. Hôm ở đảo, ta bị Phùng Chính-Hòa phản, hôm nay lại bị Đức-Phi phản, đều do người thân của phu nhân cứu cả.
Thiều-Hoa thấy chồng hỏi ý kiến, nàng nhìn Hồ Đề, biết Hồ Đề có tính hay đùa, nàng nói:
- Hồ cô nương! Ngươi muốn gì, dù ngươi không cứu chúng tôi, chúng tôi cũng chiều hết. Huống chi hôm nay, chúng tôi đã tới Quỷ môn quan lại được người cứu sống?
Hồ Đề cười:
- Tôi chỉ muốn Nghiêm đại ca cho phép đề nghị biện pháp trừng phạt tên Hoàng Đức-Phi mà thôi.
Nghiêm Sơn ngẩn người ra, hỏi:
- Được. Nghiêm mỗ sẽ nghe lời đề nghị của cô nương. Nhưng không lẽ cô nương muốn cho voi dày hay ong đốt chết y?
Hồ Đề vỗ tay:
- Không! Tôi đi chuyến này không mang ong theo, cũng không mang voi theo, làm sao cho voi dày, ong đốt được? Bây giờ đại ca cứ theo quân pháp xử trước. Chắc chắn y sẽ bị tử hình. Nhưng trước khi giết hắn, tôi xin được trừng phạt để làm gương cho những tên Đức-Phi sau này. Đại ca nghĩ có nên không?