Không ngờ Từ Thọ Huy không chịu nghe lời khuyên giải, lại rất tín nhiệm Trần Hữu Lượng, rốt cuộc y bị chết trong tay Hữu Lượng.
Hữu Lượng liền thống lãnh nghĩa quân Tây lộ của Minh giáo, tự xưng là Hán Vương, cùng tranh cướp thiên hạ với nghĩa quân Ðông Lộ của Minh giáo, sau đại chiến ở hồ Bá Dương, Hữu Lượng thất bại và bị giết chết, khiến các anh hùng hào kiệt của Minh giáo bị chết chóc và thương vong rất nhiều.
Tối hôm ấy Vô Kỵ với Dương Tiêu, Bành Doanh Ngọc các người bàn tính mọi việc, để phân phát các người tiếp ứng cho các lộ quân.
Chàng thấy lâu ngày chưa gặp Trương Tam Phong trong lòng nhớ nhung khôn tả.
Sáng hôm sau, liền chia tay quần hùng đem Triệu Minh cùng Thanh Thư lên núi Võ Ðang.
Chỉ Nhược liền nói:
- Trương chân nhân có ơn lớn với tôi. Tống thiếu hiệp nghịch cha, thí chú là do tôi mà nên, tôi phải lên trên đó để chịu tội với Trương chân nhân.
Thế rồi, nàng đem đệ tử phái Nga Mi cùng lên núi Võ Ðang.
Núi Thiếu Thất cách núi Võ Ðang không xa mấy, chỉ đi vài ngày đường là tới ngay.
Vô Kỵ theo Tòng Khê, Liên Châu, Lợi Hanh vào trong bái kiến Trương Tam Phong và yết kiến Tống Viễn Kiều cùng Dư Ðại Nham.
Viễn Kiều nghe nói con mình đang ở ngoài am, liền sầm mặt lại, tay cầm kiếm và nhảy xổ ra. Vô Kỵ cùng các người thấy khuyên cũng không nên mà lặng thinh cũng không phải, đành theo Viễn Kiều ra ngoài điện.
Viễn Kiều quát lớn:
- Súc sinh ngỗ nghịch bất hiếu ở đâu?
Ðại hiệp thoáng thấy con mình nằm trong cáng, đầu băng bó vải trắng che lấp cả mắt, liền giơ trường kiếm đâm luôn một mũi vào người Thanh Thư, nhưng khi kiếm vừa đụng vào áo của đứa con bất hiếu kia thì tay đã run run, không sao đâm tiếp được nữa. Ðại hiệp nghĩ đến tình cha con, nghĩ đến tình đồng môn, đau lòng vô cùng, liền quay kiếm lại đâm luôn vào bụng mình một phát.
Vô Kỵ giơ tay dùng Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp cướp lấy trường kiếm của đại hiệp và khuyên rằng:
- Ðại sư bá, chớ nên làm như thế, việc này xử trí ra sao sư bá nên xin Thái sư phụ chỉ thị thì hơn.
Trương Tam Phong thở dài một tiếng và nói:
- Phái Võ Ðang của chúng ta không may lại có một đứa đệ tử phản nghịch. Viễn Kiêu, đây không phải chỉ riêng mình con bất hạnh, quân nghịch tử này có cũng như không.
Chân nhân nói xong, giơ chưởng ra đẩy một cái, kêu "bộp" một tiếng, trúng vào giữa ngực của Thanh Thư, chưởng lực của lão chân nhân oai lực biết bao, phủ tạng của Thanh Thư chấn động đến nát vụn và tắt thở tức thì.
Viễn Kiều quì xuống khóc lóc:
- Thưa sư phụ, đệ tư vì sơ xuất dạy bảo nên để Thất đệ bị chết dưới tay tên súc sinh này, đệ tử có lỗi với sư phụ và không nên không phải với Thất đệ.
Tam Phong đưa tay ra đỡ Tống Viễn Kiều đứng dậy và an ủi rằng:
- Việc này con có lỗi thực, địa vị trưởng môn của bổn phái từ này trở đi do Liên Châu tiếp nhận, con cứ chuyên tâm nghiên cứu Thái Cực quyền pháp, đừng lý tới những việc tục của bổn môn nữa.
Viễn Kiều cảm tạ sư phụ, Liên Châu vội từ chối, nhưng Tam Phong cương quyết bắt phải nhận. Nhị hiệp đành phải quì xuống bái lĩnh.
Mọi người thấy Trương Tam Phong đánh chết Thanh Thư, cách chức Viễn Kiều, môn qui rất nghiêm ai nầy đều nơm nớp hoảng sợ, đứng im lặng không nói nữa lời.
Tam Phong hỏi đến chuyện anh hùng đại hội với việc nghĩa quân kháng Nguyên như thế nào rồi lại khích lệ và an ủi Vô Kỵ một hồi.
Chỉ Nhược đứng cạnh đó mà từ đầu chí cuối, Trương Tam Phong không thèm nhìn đến nàng.
Chờ đạo sĩ trong quan khiêng xác của Thanh Thư đi rồi, Trương Tam Phong bỗng rút luôn thanh kiếm của Viễn Kiều đang đeo, chỉ luôn vào mặt Chỉ Nhược và nói:
- Chu cô nương là trưởng môn phái Nga Mi, đã học được mấy thành của Diệt Tuyệt sư thái rồi?
Chỉ Nhược đáp:
- Tiểu bối có học được ba thành kiếm pháp của ân sư thôi.
Tam Phong lại hỏi tiếp:
- Năm xưa, Quách nữ hiệp, một tay sáng lập ra phái Nga Mi, chỉ mong các đệ tử thành tài hơn mình, làm rạng danh cho môn phái. Cô nương mới học được có ba thành võ công của Diệt Tuyệt sư thái vậy bây giờ cô nương thị cái gì để làm rạng rỡ cho phái Nga Mi? Cô nương mới học được có võ công âm độc, xưng hùng xưng bá trong đại hội. Từ giờ trở đi, các đệ tử của phái Nga Mi đều học những võ công âm độc của cô nương phải không? Quách nữ hiệp có ơn với lão đạo, tuy lão đạo sắp chết đến nơi rồi, nhưng cũng không muốn phái Nga Mi bị trầm luân, suy vong, bị thiêu huý nhất đán như vậy.
Chỉ Nhược đáp:
- Trương Chân Nhân nói rất phải, tiểu bối có xếp đặt từ trước rồi.
Trương Tam Phong hỏi:
-Cô nương xếp đặt như thế nào?
Chỉ Nhược không trả lời mà chỉ quay đầu lại nói với Vô Kỵ:
- Trương giáo chủ, năm xưa, khi giáo chủ đấu với sáu đại môn phái trên Quang Minh đỉnh, tôi nghe thấy giáo chủ nói rằng giáo chủ không phải là đệ tử thụ nghiệp của phái Võ Ðang, có phải thế không?
Vô Kỵ không hiểu tại sao nàng bỗng hỏi đến việc đó liền đáp:
- Tiên phụ là môn hạ của Võ Ðang, Thái sư phụ đã truyền thụ Thái Cực Quyền pháp cho tôi, nếu bảo tôi là đệ tử của phái Võ Ðang cũng không sai.
Chỉ Nhược lại hỏi tiếp:
- Tôi đã nghe giáo chủ nói, ân sư thụ nghiệp võ công đầu tiên của giáo chủ là Tạ đại hiệp, nghĩa phụ của giáo chủ. Tạ đại hiệp là môn hạ của Phích Lích Thủ Thành Khôn, Cửu Dương thần công của giáo chủ, học ở di thư của Ðạt Ma lão tổ, Càn Khôn Ðại Nã Di tâm pháp học ở trong Di Biên của giáo chủ đời trước của Minh giáo, chúng ta người trong võ lâm cần nhất là vấn đề sư môn và phái biệt, vậy chẳng hay giáo chủ là môn hạ của môn phái nào?
Vô Kỵ đáp:
- Võ công của tôi học được rất phức tạp, nếu nói trắng ra thì tôi không phải là môn hạ của phái nào hết.
Chỉ Nhược quay đầu lại hỏi Trương Tam Phong:
- Trương chân nhân, lời giáo chủ nói có đúng không?
Tam Phong gật đầu đáp:
- Thật tình là thế, trường hợp này rất hãn hữu trong võ lâm, đó cũng là do những sự kỳ phùng của y mà nên.
Chỉ Nhược bỗng rút luôn nữa khúc Ỷ Thiên Kiếm ra, tay trái nắm lấy mớ tóc, giơ lươi kiếm lên cắt đến "soẹt" một cái, cả một mớ tóc đen nhánh và mềm mại như tơ đã bị cắt đứt liền.
Mọi người đều giật mình kinh hãi và đồng thanh nói:
- Cô... nương....
Chỉ Nhược tiếp:
- Tôi mang rất nhiều tội nghiệp, đã sớm có y cắt tóc đi tu. Trương giáo chủ, có phải giáo chủ đã nhận lời giúp tôi một việc không? Và giáo chủ hứa là sẽ làm cho kỳ được phải không?
Vô Kỵ gật đầu đáp:
- Phải, đúng thế, nhưng...
Chỉ Nhược cướp lời:
- Nhưng việc này không được trái vơi đạo hiệp nghĩa, không được ảnh hưởng đến sự quang phục và cũng không được động chạm đến thanh danh của Minh giáo và giáo chủ phải không?
Vô Kỵ đáp:
- Phải, nếu như vậy cô nương muốn sai bảo việc gì tôi cũng vâng theo tức thì.
Chỉ Nhược lại nói tiếp:
- Ðại trượng phu đã hứa phải làm cho được mới thôi, trước mặt Thái sư phụ, sư thúc sư bá của giáo chủ, giáo chủ không được bội tín.
Vô Kỵ thấy nàng cắt tóc, vẻ mặt cương quyết, trong lòng cảm xúc liền nghĩ:
- Nàng có việc gì khó xử đến đâu ta cũng phải tận tâm tận lực làm giúp nàng được mới thôi .
Nghĩ đoạn, chàng liền nói tiếp:
- Cô nương muốn bảo tôi làm điều gì, xin cứ nói đi.
Chỉ Nhược liền quay đầu nói với Trương Tam Phong rằng:
- Trương chân nhân làm ơn cho mượn bảo điện này để xử dụng.
Nói xong, nàng cởi cái bọc áo đen trên lưng xuống, rồi lấy hai linh vị ra một cái đề Nga Mi phái, sáng phái tổ sư Quách Tường nữ hiệp chi linh vị, còn cái kia viết Nga Mi phái, để tử tam địa trưởng môn ân sư Diệt Tuyệt sư thái chi linh vị.
Nàng cung kính để hai chi linh vị đó lên trên một cái bàn hình vuông trong điện.
Tam Phong và Viễn Kiều, Vô Kỵ các người thấy vậy đều chắp tay vái chào và cúi đầu.
Chỉ Nhược cùng các đệ tử của bổn môn đều vái lạy hết rồi nàng cởi chiếc cà rá sắt đeo ở tay ra, quay người lại nói:
- Trương Vô Kỵ giáo chủ, Chu Chỉ Nhược, người trưởng môn đời thứ tư của phái Nga Mi kính cẩn truyền thụ ngôi trưởng môn này cho người.
Mọi người nghe thấy kinh hãi đến ngẩn người ra.
Chu Chỉ Nhược lại nói tiếp:
- Người vẫn kiêm nhiệm giáo chủ của Minh giáo, mong người làm rạng rỡ bổn môn hưng vượng Minh giáo dẫn dắt Trung nguyên hào kiệt xua đuổi quân Thát Ðát ra khỏi bờ cõi. Từ nay trở đi, các đệ tư của phái Nga Mi đều phải nghe lệnh của người hết.
Vô Kỵ giơ hai tay lên xua hoài và phản đối:
- Thế này... thế... làm sao được?
Chỉ Nhược đáp:
- Phái Nga Mi do tay Quách nữ hiệp sáng tạo, bây giờ mời giáo chủ ra đảm nhiệm chức trưởng môn, chẳng lẽ giáo chủ sợ làm nhục mình hay sao?
Vô Kỵ đưa mắt nhìn Trương Tam Phong, tỏ vẻ van lơn, cầu khẩn.
Trương chân nhân cũng ngẩn người ra, rồi đột nhiên cười ha hả, tiếng cười làm rung chuyển cả mái ngói, cười xong rồi mới nói:
- Chu cô nương, tôi chịu cô đấy, chỉ một việc này cũng không uổng Diệt Tuyệt sư thái đã giao trọng trách cho cô rồi. Bây giờ cô nương trao phái Nga Mi vào tay Vô Kỵ, tất nhiên y thế nào cũng làm rạng rỡ được quí phái chứ không sai.
Chỉ Nhược liền móc túi lấy một quyển vở bằng giấy vàng mỏng ra với hai khúc Ỷ Thiên kiếm gãy, trao cho VôKỵ và nói tiếp:
- Ðây là cuốn võ học của bổn môn do tay Quách nữ hiệp viết ra, Kiếm chưởng tinh nghĩa đều ở trong cuốn sách này hết.
Việc này tuy làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên nhưng vì Vô Kỵ không thuộc môn phái nào hết, tiếp nhiệm chức trưởng môn của phái Nga Mi như vậy không trái qui luật giang hồ chút nào. Vả lại việc này có lợi cho sự quang phục và cũng không làm mất thanh danh của Minh giáo.
Mọi người nghe thấy Trương Tam Phong nói tiếp:
- Vô Kỵ, con đã nhận lời Chu cô nương thì con không thể nào thoái thác việc này được.
Vô Kỵ nhận cuốn võ học của phái Nga Mi lẫn hai khúc Ỷ Thiên kiếm, đeo cà rá sắt vào rồi quì trước hai linh vị lạy một lần nữa.
Chỉ Nhược dẫn các đệ tử vào lần lượt vái lạy người trưởng môn thứ năm.
Trương Tam Phong, Viễn Kiều cùng các người lần lượt đến chúc mừng.
Các đệ tử của phái Nga Mi biết Vô Kỵ là người có võ công trác tuyệt, oai vọng rất lớn, rất có ích cho bổn môn, tuy trong đó cũng có vài người trong lòng không phục, nhưng không dám công nhiên phản đối.
Trương Tam Phong trông thấy di thư của Quách Tường liền tưởng tượng thấy một thiếu nữ thông minh tao nhã hiện ra ngay trước mắt nhưng đó là chuyện của một trăm năm về trước rồi.
Chỉ Nhược cắt tóc đi tu, không còn nghĩ đến việc đời, từ đó trở đi nàng chỉ làm bạn với ngọn đèn, cuốn kinh mà thôi.
Vô Kỵ ra lệnh cho Tĩnh Tuệ dẫn các đệ tử của phái Nga Mi trở về bổn sơn, còn mình thì từ biệt Trương Tam Phong cùng các người đi Hào Châu.
Suốt dọc đường, chàng đều nhận được tin thắng trận của bổn giáo và còn nghe thấy nghĩa quân ở các nơi nổi lên.
Cô Tô có Trương Sĩ Thành, Ðài Châu có Phương Quốc Châu.
Tuy không thuộc Minh giáo cai quản, nhưng toàn là quân bạn kháng Nguyên hết, nên VôKỵ mừng rỡ vô cùng, liền cùng Triệu Minh cỡi ngựa về phía Ðông.
Chàng thấy sơn hà xã tắc sắp sưa quang phụ đến nơi, liền nghĩ thầm:
- Sở dĩ được thành công nhanh chóng như thế này chủ yếu tuy là lòng người Hán và quân Thát Ðát tàn bạo mà nên, nhưng cũng phải nói đó là công lao của các anh em giáo chúng của Minh giáo xướng đạo nữa. Bây giờ ta chỉ mong thiên hạ được an cư lạc nghiệp, như vậy mới không uổng công mình ra sống vào chết, chịu đựng biết bao sự lo âu, hoạn nạn."
Chàng không muốn kinh động đến mọi người, nghĩa là không muốn các tướng lĩnh của Minh giáo ra tiếp rước, nên suốt dọc đường chàng không gặp mặt tướng lãnh nào thuộc Minh giáo, chỉ ngấm ngầm quan sát xem, nhưng chàng thấy kỷ luật của nghĩa quân rất nghiêm, không hề quấy rối dân chúng.
Ði đến đâu chàng cũng nghe thấy bá tánh khen ngợi Chu Nguyên Chương và Từ Ðạt.
Hôm đó chàng đi đến ngoài thành Hào Châu, Chu Nguyên Chương hay tin liền sai Thanh Hoà và Ðặng Dữ hai tướng đem quân ra nghênh tiếp, đón chàng vào nghênh tân quán.
Thanh Hoà nói:
- Chu nguyên soái cùng Từ đại tướng quân và Thường tướng quân thương nghị khẩn cấp việc quân tình, được biết giáo chủ tới mừng rỡ cùng, nhưng vì vướng quân vụ, không thể thân hành ra đón được, xin giáo chủ thứ cho tội lỗi đó.
Vô Kỵ vừa cười vừa đáp:
- Chúng ta đều là anh em trong một nhà, hà tất phải giở trò nghênh đón như thế làm chi, tất nhiên việc quân tình phải quan trọng chứ.
Ðêm hôm đó trong Nghênh tân quán thết đại tiệc, Thanh Hoà, Ðặng Dũ hai tướng tiếp rượu VôKỵ.
Rượu vừa uống được ba tuần thì Chu Nguyên Chương đã đem theo đại tướng Hoa Vân tới bàn tiệc quì ngay xuống đất vái lậy.
Vô Kỵ vội đứng dậy đì Chu Nguyên Chương lên.
Nguyên Chương tự rót rượu cung kính mời Vô Kỵ ba chén, VôKỵ uống cạn luôn.
Nguyên Chương lại mời Triệu Minh, Triệu Minh thấy lòng y như vậy cũng bưng chén uống cạn.
Trong khi ăn uống, VôKỵ hỏi đến quân tình của các bộ quân tài Nguyên Chương liền thưa những sự nghiệp và thành tích công thành lược trì như thế nào cho Vô Kỵ nghe.
Trong khi y nói, y tỏ vẻ rất đắc chí, Vô Kỵ khen ngợi luôn mồm.
Trong khi đang chuyện trò, đại tướng Liêu Vĩnh Trung lớn bước tiến vào trong sảnh, bái kiến giáo chủ xong rồi, rỉ tai Nguyên Chương khẽ nói:
- Ðã bắt được rồi.
Nguyên Chương nói:
- Hay lắm.
Lúc ấy, ngoài cửa bỗng có tiếng la lớn:
- Oan uổng... oan uổng...
Vô Kỵ nghe thấy tiếng đó, nhận ngay ra là Hàn Lâm Nhi, ngạc nhiên hỏi:
-Người đó chả là chú em họ Hân là gì? Có việc gì thế?
Nguyên Chương đáp:
- Thưa giáo chủ, tên họ Hân đã tư thông với bọn Thát Ðát định mưu phản dùng kế nội ngoại ứng hợp để phản bổn giáo.
Vô Kỵ thất kinh, liền hỏi lại:
- Chú em họ Hân là người trung thành, nhân nghĩa, sao lại có chuyện như thế? Mau đưa y vào đây cho tôi hỏi xem...
Chàng chưa nói dứt đã thấy đầu óc choáng váng, mặt mũi tối tăm, bất tỉnh nhân sự. Chờ tới khi thức tỉnh, chàng đã thấy tay chân của mình bị xiềng xích bốn chung quanh tối tăm như mực. Cũng may, chàng cảm thấy có một thân hình mềm mại đè lên trên ngực mình. Thì ra, Triệu Minh cũng bị trói chung với chàng, nhưng nàng chưa tỉnh. Chàng chỉ suy nghĩ một chút, đã biết Nguyên Chương phản mình. Chắc y đoán sau này Minh giáo thành sự thì chàng sẽ làm vua, cho nên y mới bỏ thuốc mê rất mạnh vào trong rượu lập kế ngầm giết hại chàng. Vô Kỵ thử vận hơi sức không thấy có gì khác lạ, võ công vẫn nguyên vẹn.
Chàng bỗng nghe thấy phòng bên có tiếng người nói:
- Chu đại ca, muốn thành đại sự thì đừng câu nệ tiểu tiết, cắt cỏ thì phải cắt tận gốc, đừng để hậu hoạn làm chi?
Chàng đã nhận ra tiếng nói của Từ Ðạt, Nguyên Chương lại nói tiếp:
- Nhưng dù sao tiểu tặc này cũng là thủ lãnh của chúng ta, chúng ta không nên vong ân, bội nghĩa như thế.
Chàng bỗng nghe thấy Thường Ngộ Xuân lên tiếng:
- Nếu đại ca sợ giết y, quân sẽ nổi loạn, chi bằng cứ lẳng lặng ra tay thì đại ca khỏi bị tai tiếng.
Nguyên Chương lại nói tiếp:
- Nếu Từ, Thường hai hiền đệ đã nói như vậy, thì cứ thế mà làm, nhưng ngày thường tiểu tặc rất có ân đức với bổn giáo, việc này đừng để tiết lộ ra bên ngoài mới được.
Ba người nói xong, liền đi ra ngoài.
Vô Kỵ thở nhẹ một cái, rờ tay thấy mẩu Ỷ Thiên Kiếm vẫn còn nguyên trong người, liền dùng Càn Khôn Ðại Nã Di thủ pháp rút luôn mẩu kiếm ấy ra cắt xiềng xích, cứu tỉnh Triệu Minh dậy, rồi lẳng lặng vượt tường mà ra.
Chàng đứng tựa vào tường, trong lòng cảm khái vô cùng và nghĩ thầm:
- Chu Nguyên Chương vong ơn bội nghĩa đã đành rồi, cả Từ, Thường hai vị đại ca thân ta như thế mà nay vì công danh, phú quí dám phản hại ta nữa. Ba người đều mang trọng trách trong nghĩa quân, nếu ta diệt chúng đi, chỉ sợ nghĩa quân sẽ giải tán hết. Ta, Trương VôKỵ, vốn dĩ không tham công danh phú quí, Từ đại ca và Thường đại ca hà tất phải coi rẻ ta như thế.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, chàng liền đem Triệu Minh cùng đi.
Chàng đi đến ngoài thành, viết một lá thơ thật dài, nhường ngôi giáo chủ Minh giáo cho Dương Tiêu, nhưng bên trong tuyệt nhiên không nhắc đến một chữ nào về chuyện mình bị bọn Chu Nguyên Chương hãm hại ở Hào Châu như thế nào.
Nhưng chàng có biết đâu Từ Ðạt và Thường Ngộ Xuân hai người không biết rõ mưu kế, tất cả mọi việc đều do Chu Nguyên Chương ngấm ngầm sắp đặt, mục đích làm cho Vô Kỵ chán nản tự rút lui.
Nên biết Chu Nguyên Chương rất sợ thần dũng của Vô Kỵ, nếu bảo y giết chàng quả thực y không dám, mà dù có thành sự, thì vạn nhất tiết lộ ra ngoài, hậu quả sẽ không thể nào tưởng được. Y vẫn biết xưa nay, Vô Kỵ chỉ coi việc phục quốc làm trọng, đối với Từ Ðạt, Thường Ngộ Xuân lại thân nhau như anh em ruột thịt, chỉ cần tiết lộ những lời phản trắc cho chàng ta hay, chàng ta cũng sẽ lẳng lặng bỏ đi ngay.
Quả nhiên tất cảmọi việc đều đúng với sự ước đoán của y.
Vô Kỵ tuy võ công cái thế vô địch thiên hạ thực, nhưng nói đến mưu kế thì chàng còn kém Chu Nguyên Chương rất xa, rốt cuộc chàng bị lọt vào kế của tên gian hùng nhất thời. Tuy Vô Kỵ không thèm thuồng ngôi báu thực nhưng từ đó trở đi hễ chàng nghĩ tới Từ Ðạt và Ngộ Xuân hai người vô ân bạc nghĩa như thế, trong lòng lại đau đớn khôn tả.
Còn việc Hàn Lâm Nhi thông đồng với quân Thát Ðát, mưu đồ phản loạn... cũng đều do Nguyên Chương bày đặt ra hết.
Thì ra, sau khi Hàn Sơn Ðông chết, anh em nghĩa quân liền bầu Hàn Lâm Nhi lên làm chủ.
Nguyên Chương, Từ Ðạt, Ngộ Xuân ba người biến thành thuộc hạ của Lâm Nhi.
Nguyên Chương giả tạo một lá thư của Lâm Nhi thông đồng với địch, rồi lại lén đút lót tên tâm phúc của Lâm Nhi cáo mật với Từ Ðạt và Thường Ngộ Xuân hay.
Từ Ðạt và Ngộ Xuân hai người tin liền, cương quyết diệt trừ Lâm Nhi, trái lại Nguyên Chương giả nhân giả nghĩa nhất định không chịu, sau thấy Từ Ðạt và Ngộ Xuân nói đi nói lại đôi ba phen y mới miễn cưỡng nhận lời.
Y giam Vô Kỵ và Triệu Minh vào phòng bên, cố ý để lại khí giới cho Vô Kỵ không lấy đi, để tiện cho chàng thoát thân đào tẩu.
Vô Kỵ đi rồi Nguyên Chương mới sai Vĩnh Trung ngấm ngầm đem Lâm Nhi ra sông trầm nước, do đó một tên bắn hai kim điêu của Nguyên Chương không lộ một chút vết tích nào.
Sau Dương Tiêu lên làm giáo chủ Minh giáo nhưng lúc ấy Nguyên Chương đã mọc đủ lông cánh rồi, Dương Tiêu lại tuổi già đức bạc, không sao tranh nổi ngôi đế vương với Nguyên Chương. Ðó là chuyện sau không nhắc đến nữa.
Hãy nói Triệu Minh thấy Vô Kỵ viết thư cho Dương Tiêu xong, bút hãy còn cầm tay, nhưng vẻ mặt không được vui, liền nói:
- Vô Kỵ đại ca, đại ca nhận lời làm cho tôi ba việc, việc thứ nhất là mượn Ðồ Long đao cho tôi, việc thứ hai là không kết hôn với Chu cô nương, hai việc ấy đại ca đã làm xong rồi, còn việc thứ ba, đại ca không thể thất tín với tôi được.
Vô Kỵ kinh ngạc vội hỏi lại:
- Cô... còn có việc gì tinh quái mà muốn tôi làm nữa?
Triệu Minh tủm tỉm cười đáp:
- Lông mày của thiếp quá nhạt, lang quân làm ơn vẽ lại cho thiếp, việc này không trái với đạo hiệp nghĩa của võ lâm đấy chứ?
Vô Kỵ cầm bút đó lên, vừa cười vừa đáp:
- Từ nay trở đi, Vô Kỵ này, ngày ngày sẽ vẽ lông mày cho ái thê.
Hết