Chương 19
Sau khi các tổ kháng chiến ở các tỉnh Mỹ Tho, Biên Hòa, Bà Rịa, Vĩnh Long bị quân Pháp bình định, kháng chiến quân Nam Kỳ tập trung lực lượng về Gò Công và tạo nơi đây thành một căn cứ kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược Pháp.
Quyết tâm tiêu diệt các tổ kháng chiến do Trương Định cầm đầu, Bonard xin chính phủ Pháp tăng viện 2 tiểu đoàn thủy bộ binh (A.Schreiner, sách đã dẫn, trang 249).
Ngày 17 tháng 12 dl (1862), quân kháng chiến của Trương Định bất thần tấn công đồn Rạch Tra nhưng bị quân Pháp đồn trú đẩy lui. Phía Pháp có một sĩ quan đại úy và một binh sĩ tử trận. Cùng ngày, quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy cũng tấn kích vào Bến Lức.
Ngày 18 tháng 12 dl (1862), 1,200 quân kháng chiến tấn công đồn kinh Thuộc Nhiêu nằm trong khoảng đường từ đồn Cai Lậy đi xuống Mỹ Tho. Đồn nầy do đại úy Taboulé và 50 binh sĩ Pháp đóng giữ. Theo tác giả A.Schreiner thì trong trận nầy quân kháng chiến quyết đánh chiếm đồn Thuộc Nhiêu nhưng thất bại và để lại quanh đồn hơn 200 xác chết (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 250).
Các cuộc tấn công đồng loạt của kháng chiến quân tiến gần sát đến vòng đai Sài Gòn, tấn công đồn Nam (đồn Thảo Câu ở Tân Thuận) nhưng bị quân đánh thuê cho Pháp do cai tổng Thế chỉ huy chận đánh ở Rạch Bàn. Tất cả những cuộc nổi dậy tấn công đồng loạt của kháng chiến quân lần nầy quy mô và táo bạo hơn những chiến dịch tấn công từ trước tới nay và mặc dù quân kháng chiến bị thiệt hại về nhân mạng khá lớn nhưng cũng gây bối rối và lo ngại cho quân xâm lược Pháp. Bonard đã phải xin thêm viện binh từ các căn cứ hải quân Pháp đóng ở Trung Quốc và ở Phi Luật Tân. Phó thủy sư đề đốc Jaurès đáp ứng ngay yêu cầu của Bonard bằng cách điều động từ căn cứ hải quân ở Thượng Hải một số pháo thủ của tiểu đoàn lính người Algérie, một tiểu đoàn khinh binh người Bắc Phi. Số quân tăng viện nầy do hai tàu chiến Sémiramis và La Renommée chuyên chở, ghé ngang qua Phi Luật Tân lấy thêm 800 lính thuộc trung đoàn 5 binh do trung tá Moscoso người Tây Ban Nha chỉ huy.
Ngày 7 tháng 1 dl năm 1863, Pháp bắt đầu đặt những cơ sở cho một nền hành chánh dân sự trong các vùng đất chiếm đóng bằng cách lập ra đội ngũ thanh tra đặc trách các vấn đề của người dân bản xứ (dân chúng của Đại Nam). Thành phần nhân sự đội ngũ nầy là những viên chức cũ hiện đang nắm giữ nhiệm vụ hành chánh cai trị và được phân chia thành 3 hạng ngạch.
Để đáp ứng với sự gia tăng về các dịch vụ bưu chính trong lãnh vực thương mãi và trong dân chúng, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã ký sắc luật thành lập Sở Bưu Chính Sài Gòn vào ngày 13 tháng 1 dl năm 1863.
Sau khi được tăng viện, ngày 7 tháng 2 dl năm 1863, Bonard thông cáo lời kêu gọi kháng chiến quân ngưng chiến. Ngày 11 tháng 2 dl năm quân Pháp treo giá ban thưởng cho bất cứ ai giết được các đầu lãnh kháng chiến quân.
Ngày 16 tháng 2 dl / 1863, Bonard đích thân xuống Gò Công phối trí các lực lượng quân sự của Pháp để chuẩn bị chiến dịch bình định truy kích quân kháng chiến.
Ngày 25 tháng 2 dl 1863, từ soái hạm Ondine, Bonard ban lệnh cho quân Pháp ở Gò Công bắt đầu chiến dịch bình định, tấn công vào làng Đông Sơn và các ổ kháng chiến ở Vĩnh Lợi. Hai chiến hạm của phó đề đốc Jaurès áng ngữ các cửa sông. Đa số kháng chiến quân đều thoát khỏi được cuộc bao vây của quân Pháp kể cả đầu lãnh Trương Định. Trong chiến dịch càn quét nầy của quân Pháp-Tây Ban Nha, tiểu đoàn lính tập bản xứ đã được người Pháp đánh giá là rất hăng sai, trung thành, gan dạ, thiện chiến để rồi sau đó được phó đề đốc De la Grandière ban thưởng một lá cờ có mang những dòng chữ Hán và chữ Pháp: Xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, tiểu đoàn bản xứ số 1, Chí Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Phước Lộc, Gò Công.
Sau khi tái chiếm Gò Công, quân Pháp liền tiến hành ngay những việc sau đây:
1/- xử phạt án tử hình các cấp chỉ huy kháng chiến bị bắt, tịch thu tài sản của họ.
2/- truy thâu toàn thể mức thuế ấn định trong năm 1862 cho tỉnh Gò Công.
3/- kiểm tra tất cả các loại vũ khí.
4/- Phá hủy các công sự chiến đấu của kháng chiến, bắt dân chúng làm xâu đắp sửa cầu đường.
5/- Bắt các người Hoa ở Gò Công phải đóng góp chiến phí.
Quý Hợi, Tự Đức 16, tháng 1 âl (1863), triều đình cử tướng lãnh ra Bắc kỳ để bình định các vùng ven biển phía Đông Bắc.
Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), phó đề đố Bonard đại diện cho nước Pháp và đại tá Balanca đại diện cho nước Y Pha Nho ra thủ đô Huế để tiến hành nghi lễ trao đổi hiệp ước Nhâm Tuất đã được hoàng đế nước Pháp và hoàng đế nước Đại Nam ký phê chuẩn.
Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), những quan đại thần sau đây được Tự Đức chỉ định vào ủy ban tổ chức đón tiếp đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha:
-Trần Tiễn Thành, Binh bộ thượng thư;
-Đoàn Thọ, Phủ sự trung quân;
-Phan Thanh Giản;
-Lâm Duy Hiệp;
-Phạm Phú Thứ;
-Nguyễn Quang Quyền, quyền chưởng doanh Long võ;
-Đặng Hạnh, chưởng doanh Kỳ võ;
-Phạm Đức Ý, biện lý bộ Công;
-Lê Tuấn, biện lý bộ Hình.
Ngày 16 tháng 4 d.l năm 1863, Tự Đức tiếp kiến các sứ thần ở điện Thái Hoà. Các sứ thần trao ủy nhiệm thơ và quà tặng ngoại giao của hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha và tiến hành nghi thức trao văn kiện hoà ước năm Nhâm Tuất đã được hoàng đế và hoàng hậu của họ chuẩn phê. Sau đó, triều đình lại đưa quốc thư với bản hoà ước đã được chuẩn phê đến nhà sứ quán đúng như nghi thức để trao cho các sứ thần Pháp-Tây Ban Nha tiếp nhận.
Năm Quý Hợi, tháng 3 âl, Tự Đức thứ 16 (1863), Binh bộ thượng thư lãnh tuần phủ Thuận Khánh Lâm Duy Hiệp mất. Bộ Lại tâu lên. Tự Đức nói: <>
Ngày 18 tháng 4 d.l năm 1863 đoàn sứ Pháp được đoàn thuyền riêng của Tự Đức đưa đi trên sông Hương ra Vụng cảng Đà Nẵng để sáng ngày 19 tháng 4 d.l họ lên tàu chiến Grenada và về tới Sài Gòn ngày 22 tháng 4 d.l năm 1863.
Bonard đã đích thân viết một bản phúc trình gởi đến bộ trưởng bộ Hải Quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp về việc trao đổi hoà ước ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm Tuất/ niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức là ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862. Hòa ước nầy được hoàng đế Napoléon III chuẩn phê ngày 1 tháng 7 d.l năm 1863 tại điện Fontainebleau/ Pháp quốc.
Sau đây là toàn văn bản phúc trình của Bonard trên tập san Revue Maritime et Coloniale, tập 9, tháng 9 năm 1863 do Bộ Hải Quân và Thuộc Địa phổ biến trong kỳ phát hành thứ 33, từ trang 168 đến trang 174):