"Trương Đăng Quế dâng sớ nói: Người Tây Dương ý muốn chiếm đóng Gia Định, lại muốn cắt lấy tỉnh Tường tỉnh Biên, yêu cầu như thế, sợ hòa cuộc không thành. Trừ ra việc chiến việc thủ, không có kế gì khác. Nhưng các quan ở quân thứ, xét kỹ thực tình, nhiều người kém khí hăng hái, nên cho Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp trích lấy vài vệ biền binh trước phái đi hiện còn ở Thuận-Khánh để nhờ sức mới, chia nhau phòng bị cố giữ. Đỗ Thúc Tỉnh, Nguyễn Túc Trưng cũng giục đến ngay để làm công việc của các viên ấy, khiến cho An, Hà, Vĩnh Long có chỗ nương tựa. Đấy là việc cần cấp lúc bấy giờ. Sức cho Nguyễn Bá Nghi lại viết thư cho Tây dương. (Thư nói: nước Tây dương đến đây, chỉ vì thông thương, lập phố, Giảng đạo mà thôi. Không phải là tham đất đai của ta, nay đã được như nguyện, lại muốn cắt lấy Gia Định, là cớ làm sao? Nếu bảo là cứ lấy sức khỏe đánh mà lấy, thì cứ chiếm cứ không trả lại, còn cần phải đợi nước ta cắt mà giao cho làm gì? Hay là theo như việc cũ ở Quảng Đông (Trung Quốc) người Hán người Tây dương chia nhau mà cai trị. Về thuế khóa, trừ thuế dinh điền ra không kể, phàm thuế lệ thuyền buôn, đều chia đôi. Tính từng năm thu lấy để đền vào phí tổn. Định Tường, Biên Hòa mỗi tỉnh cho lập một phố để buôn bán. Như thế mới có thể giảng hòa được. Nếu lấy sức mạnh mà chiếm cứ, sợ dân không theo, ngày nay lấy thế tự lực mà bắt hiếp dân, ngày sau chẳng khỏi lại sinh ra mối hiềm khích, tai họa binh đao không bao giờ thôi. Thực không phải là phúc tốt của binh dân 2 nước. Đại Ý như thế). Xem Tây dương trả lời thế nào, sẽ tùy nghi xử trí. Vả lại, để đợi Quang Tiến, Thúc Tỉnh đến, tìm nhiều cách chiêu tập dân binh, rồi tính cách khôi phục, đấy là cách thứ 2." (ĐNTLCB; đệ tứ kỷ III; quyển XXIV, trang 208, 209, bản dịch, Hà Nội 1974). Rất có thể văn thư của Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner đã dựa vào những chỉ thị và cố vấn của Trương Đăng Quế và sau đó Charner mới phúc đáp với những lời lẽ hăm dọa như đã dẫn chiếu ở phần trên. Từ những lời cố vấn nầy của Trương Đăng Quế người ta có thể thấy được rằng triều đình Huế đã có khuynh hướng chủ hòa thương luợng nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị quân sự để chiến đấu và cho rằng những thất bại về mặt quân sự là do các tướng triều đình cầm quân yếu kém. Trương Đăng Quế u mê về sức mạnh của quân đội xâm lược Pháp cho nên mới đánh giá các tướng lãnh của triều đình như thế: Nguyễn Tri Phương phải bỏ đồn Kỳ Hòa để rút chạy về Biên Hoà nhưng không ai có thể phủ nhận Nguyễn Tri Phương là một tướng lãnh tài ba đứng nhứt triều đình vào lúc đó. Các tướng lãnh sau Nguyễn Tri Phương nơi quân thứ Biên Hòa chưa được dịp đọ sức với quân Pháp nhưng dấu vết run sợ đã thấy phản phất, điển hình qua quan khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi qua lời trình tấu sau đây:
Lại xem trong khoảng niên hiệu Minh Mạng-Thiệu Trị tiết thứ đánh giặc Khôi, đánh Xiêm La, Cao Man. Vì đất Nam Kỳ nhiều sông ngòi, thủy binh cùng bộ binh tiếp ứng lẫn nhau. Các hạng thuyền hải đạo, thuyền ô, thuyền lê, nhẹ nhàng nhanh chóng dùng rất tốt. Những hạng súng lớn đạn nặng đều dùng thuyền lớn chở từ kinh đô đi đường biển chở đến. Còn hết thảy tiền, gạo, khí giới và thuyền, các hạng đều do 6 tỉnh cung ứng, lấy vào đâu cũng thừa thãi. Thế mà lấy toàn lực như vậy, đánh một giặc Khôi phải 3 năm mới xong việc, dẹp một nước Cao Man cũng 2 năm mới giảng giải xong.
Chương 8
Nay 2 tỉnh Gia Định, Định Tường là nơi quãng giữa trong 6 tỉnh, trên từ bọn sơn man, dưới đến cửa biển, người Tây dương đã chiếm giữ được cả; còn 3 tỉnh Vĩnh Long, An, Hà thì cách trở không thông, Biên Hòa đã liền sáp với bọn ho. Rừng lớn đằng sau, nối đến đất man, rất là chỗ đứt ngang. Tuy 4 tỉnh ấy đều có thuyền, nhưng khó đối địch với tàu của Tây dương được. Cho nên thần nói rằng dù cho có nhiều thuyền quân cũng chưa dùng được là thế đó. Hiện nay Tây dương đã chiếm cứ Gia Định, Định Tường, hòa hay không hòa, chỉ một việc ấy ta đã thua thiệt rồi. Nếu hòa mà họ không trả lại 2 tỉnh ấy thì ta chỉ có thua thiệt có bấy nhiêu thôi, mà Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên còn là của ta, đường bộ đường biển có thể giao thông được, để cứu cấp trước mắt, mà tính cách về sau. Nếu ta cho thế mà thua thiệt mà không hòa thì họ có chịu ngồi yên đâu, cả 6 tỉnh Nam Kỳ rồi cũng mất cả. Việc buôn bán trên sông, và việc vận tả đường biển đều đứt mất cả. Chỗ đáng lo ngại khó nói ra được. Thần không dám nói điều quá đáng. Cho nên thần nói rằng: hòa thì dẫu thua thiệt mà sự thế Nam Kỳ còn làm được, nếu không thì thần không biết chịu tội vào chỗ nào, là thế đó. Ngày nay thế giặc như thế, hiện tình 6 tỉnh như thế, việc đánh hay giữ không thể thi thố được. Không có sự thực đánh giữ, chỉ phô trương hình thức, chỉ cho giặc chóng sinh lòng mà thêm tổn hại thôi. Cho nên tôi gần đây không đắp đồn lũy, bớt việc trưng lương gọi lính, là vì cớ đó. Đấy là chủ ý của tôi. Duy quân Tây dương yêu cầu quá đáng, tôi cố sức biện bạch, đã đến 4 lần, mà khí thế của họ rất găng, giỡ giọng dã man. Thần đã lại nói như trước, thực là có chỗ không tiện, không chịu nổi, cho nên chưa dám y theo. Đã phái người đưa thư. Viên quan Tây dương ấy nói rằng: việc ấy khó giải quyết, đợi 10 ngày nữa sẽ bàn lại. Vả lại, cứ như phái nhân trở về nói lại thì xem giọng nói, cách khoản tiếp của họ, cũng như mấy lần trước, không có tình ý gì khác. Xem thế thì đủ biết ta không sinh sự với họ thì họ cũng chưa vội lấn áp ta. Hãy đợi cho họ trả lời thế nào, sẽ tùy cơ mà làm. Hiên nay sự thế 6 tỉnh Nam Kỳ như thế, chỉ có một chữ hòa, còn có thể làm được. Nhưng nay hòa thì một khoản mất đất, ta đã thua thiệt. Bởi họ cho là của họ đã lấy được rồi, họ nhất vị cố giữ, ta kiếm lời biện bạch cũng khó. Còn các khoản khác ta lấy lời lẽ biện bác, hoặc có thể bớt đi được. Cuối mong hoàng thượng quyết đoán mà làm, để cứu đỡ nỗi khổ cho dân binh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào Nam. Nếu hoàng thượng không quyết đoán mà làm hai mặt kia còn về phần hạ thần thì làm thư từ đi lại giảng thuyết; còn về phần quân thứ và các tỉnh thì không dám trái lời của bộ, hoặc phái người đi chiêu dụ binh dân, hoặc sửa đắp đồn lũy làm ra dáng đánh giữ. Bên giặc dòm thấy ý ta không thực, lại cố ý đánh hiếp ta. Thế thì đánh không được, giữ không được, hòa cũng không được, thần không biết xử trí làm sao cả". Vua nói rằng: "Sự thế khó làm, trẫm đã biết hết rồi. Ngươi có lòng chịu trách nhiệm, nên hết sức mà làm, để tỏ khí tiết như cây khỏe gặp cơn bảo táp, là được. >> (ĐNTLCB đã dẫn; bản dịch; quyển XXIV; trang 210, 211, 212, 213).
Tháng 6 âl năm Tân Dậu (niên hiệu Tự Đức thứ 14) (1861), ĐNTL ghi chép một đoạn văn rất là mờ ám như sau: "Quan quân thứ Biên Hòa là bọn Nguyễn Bá Nghi cùng với viên soái của Tây dương bàn, mật đem việc Tây dương yêu cầu giảng hòa tâu lên. (Có 14 khoản chép ở tháng 4 năm Tự Đức thứ 15 sau đây)." (ĐNTLCB; sách đã dẫn; trang 226). Nghi vấn đặt ra là tại sao sử quán nhà Nguyễn không liệt kê ra ngay 14 khoản đòi hỏi của quân xâm lược Pháp gởi cho Nguyễn Bá Nghi vào lúc đó mà lại đợi đến gần một năm sau 0 mới chịu khai ra? Trong khoảng thời gian gần 1 năm đó việc gì đã xảy ra? 14 khoản đòi hỏi của người Pháp gồm có những gì?