watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
20:08:1818/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Vạn Huê Lâu Diễn Nghĩa 1 - 25 - Trang 5
Chỉ mục bài viết
Vạn Huê Lâu Diễn Nghĩa 1 - 25
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Tất cả các trang
Trang 5 trong tổng số 7

 

hồi thứ mười bảy
Khỏi ngục thất anh em đoàn tụ
Giải chinh y, bè bạn đồng hành

Trương Trung, Lý Nghĩa nghe Địch Thanh nói thì cảm kích vô cùng. Địch Thanh nói:
- Nay Bàng Hồng bày ra quỷ kế, muốn hại ta với Thạch Ngọc nên tâu với thiên tử sai ta và Thạch Ngọc đi giải chinh y ra Tam Quan. Việc này rất khó khăn vì đường sá xa xôi lại nhiều giặc cướp, nếu trễ nải thì Dương nguyên soái sẽ bắt tội.
Trương Trung và Lý Nghĩa nói:
- Nếu đại ca đi thì cho hai anh em tôi theo với.
Địch Thanh nói:
- Cũng nhờ dịp này mà ta tâu với thánh thượng tha tôi hai em để tháp tùng công việc mà đoái công chuộc tội. Đến ngày mồng tám tháng chín, Địch Thanh lãnh ba mươi muôn chinh y và lời phê văn rồi khiến Trương Trung, Lý Nghĩa điểm ba ngàm binh đẩy xe và lương thảo. Lúc ấy Hàng Kỳ lại trao cho Địch Thanh một phong thở, dặn giao cho Dương Thanh là người đồng hương, đặng tuỳ cơ mà chiếu cố Địch Thanh.
Hàng Kỳ nói:
- Đây là ý kiến của thái hậu lo lắng cho ngài, sợ có điều gì sơ xuất Dương nguyên soái không biết mà chở che.
Địch Thanh từ tạ Hàng Kỳ lãnh thơ, rồi qua Nam Thanh cung từ giã Địch thái hậu và Lộ Huê vương.
Thái hậu nói:
- Loài gian tặc nó ganh tỵ lắm, nay nó bảo tấu cho cháu đi đây cũng chính là lập mưu để hãm hại. Vậy cháu phải cẩn thận và đi cho đúng kỳ, đến Tam Quan thì giao cho xong chinh y rồi trở về kẻo cô trông đợi.


Địch Thanh vâng lời, lạy tạ thái hậu, từ giã Lộ Huê vương rồi lên đường. Còn Thạch Ngọc cũng vội vã tháp tùng.
Bấy giờ Địch Thanh đầu đội mão kim khôi, trên mão lại có gắn một hột ngọc uyên ương để trừ tà yếm quỷ, ngăn đỡ đao thương, tay thì cầm kim đao, mình cưỡi con Nguyệt long cu, tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt. Còn Thạch Ngọc đầu đội ngân khôi, mình mặc bạch giáp, tay cầm trường thương, cưỡi ngựa bạch long cu, hào khí trùng trùng, thật đáng tay hào kiệt.
Còn Trương Trung, Lý Nghĩa tuy chưa co chức phận gì nhưng cũng mặc khôi giáp sáng rỡ, diện mạo đường đường, đi đến đâu thì các quan sở tại tiếp đón rất trọng hậu.
Lúc ấy Bàng Hồng sai gia tướng đem một phong thơ ra huyện Nhơn An, và một phong thơ ra Đồng Quan mà khiến hai nơi ấy lập mưu hãm hại Địch Thanh và Thạch Ngọc. Trong thơ nói: Nếu hại được hai người ấy thì sẽ có quyền cao chức trọng, còn ai không nghe theo thì phải mang họa.
(Nguyên noi nhà quán dịch huyện Nhơn An có sanh yêu quái đã mấy năm nay, cho nên nhân dân đều kinh sợ mà đồn lần về Biện Lương).
Lúc ấy, tri huyện Nhơn An là Vương Đăng tiếp được thơ của Bàng Hồng thì quyết tâm làm theo để được thăng bổng lộc.
Ngày kia quân thám thính biết được Địch Thanh đi gần đến huyện mình thì khiến người dọn dẹp quán dịch ấy cho sạch sẽ, đặng chờ Địch Thanh đến thì đón vào đó an nghỉ.
Cách mấy ngày sau Địch Thanh đến nơi, Vương Đăng ra rước vào nhà quán dịch thết đãi. Địch Thanh khiến dừng binh nơi đó nghỉ lại một đêm rồi sẽ đi.
Đêm ấy khi mãn tiệc, Vương Đăng và các quan đều lui về dinh.


Địch Thanh nói với Thạch Ngọc:
- Ra xem quán dịch này trống trải lắm, vậy anh em ta đêm nay không nên ngủ mà phải đề phòng.
Thạch Ngọc nói:
- Đại ca nói rất phải.
Hai người thức mãi để đàm đạo cùng nhau.
Qua đến canh hai, Địch Thanh xem thấy trăng tỏ như ban ngày thì gọi Thạch Ngọc ra mà xem, cà nói:
- Ta thấy trăng thì nhớ đến đêm rằm tháng tám trước đây tại Nam Thanh cung nơi sau vườn có con long cu xuất hiện. Cũng nhờ nó mà ta gặp được cô ta là Địch thái hậu.
Thạch Ngọc nói:
- Đại ca nói thì tôi mới nhớ năm ngoái cũng vào dịp rằm tháng tám tôi trừ được con mãng xà cứu được Thể Hà quận chúa, rồi được kết duyên với nàng, lại được thánh thượng phong cho tôi làm ngự sử.
Địch Thanh nói:
- Hèn chi tục ngữ có nói: Khổ tận cam lai. Thật cũng rất đúng.
Hai người đang trò chuyện xảy có một trận cuồng phong ào tới.
Thạch Ngọc nói:
- Đại ca! Gió này không phải là gió thường đâu, quả là loài  yêu quái xuất hiện đó.
Hai người liền đứng dậy, rút gươm cầm tay, ngó chăm chăm về hướng Đông Bắc, thì nghe có tiếng ồ ồ. Địch Thanh hét lớn:
- Yêu quái ở đâu dám cả gan chọc ghẹo chúng ta.
Nói vừa dứt thì thấy một đạo bạch quang xẹt tới, rồi biến ra một người cao lớn xốc tới trước mặt Thạch Ngọc.
Thạch Ngọc nói:
- Đại ca! Mãng xà đến chọc tôi nữa đó.
Nói rồi nạt một tiếng, ung gươm chém tới.

Lời bàn:
Người anh hùng và kẻ gian ác hai bản chất khác nhau. Kẻ anh hùng thì vị tha, đem thân phụng dự cho đạo nghĩa làm người, còn kẻ tiểu nhân thì vị kỷ, chỉ biết hưởng thụ riêng mình mà thôi. Hai quan niệm này tạo nên phẩm chất con người trong lẽ sống.
Địch Thanh và Thạch Ngọc đứng trước âm mưu của Bàng Hồng mưu hãm hại, không phải không biết mà vẫn cứ dấn thân vào chốn hiểm nguy. Đành rằng họ cũng có một  phần nào cậy vào tài năng và bản lãnh của mình, nhưng điều căn bản là khí phách anh hùng của họ.
Ngưòi anh hùng không sợ gian nguy, miễn là làm nên chuyện đại nghĩa. Chính vì tinh thần đó mà kẻ anh hùng không sợ chết, không khuất phục trước mọi thế lực hay gian nguy.
Kẻ anh hùng thường giao cảm với những người có nghĩa khí, vì vậy trong cuộc sống họ được giúp đỡ trong lúc gian nguy cũng chỉ vì lòng giao cảm giữa con người và con người trong cuộc sống mà thôi.
Người anh hùng không cầu danh lợi, khi danh lợi ấy không hợp với nhân tính, còn kẻ gian ác thì nói đến danh lợi lại tham lam, vì vậy hành động rất khốc liệt.

hồi thứ mười tám
Hiện thần linh Huyền Thiên cho báu
Thâu đồ đệ Quỷ Cốc ra công

Thạch Ngọc thấy yêu quái xốc đến bên mình liền rút gươm chống cự. Địch Thanh muốn tiếp ứng, song lại nghĩ rằng mình chưa biết võ nghệ Thạch Ngọc ra sao, nhân tiện xem thử thế nào cho biết.
Nghĩ như thế nên đứng xem, xòn Thạch Ngọc thì bị con yêu dụ ra khỏi sân, tiếp đến một trận cuồng phong thổi đến ào ạt, yêu quái bay đến một chỗ trống dụ Thạch Ngọc đuổi theo, rồi nạt lớn nói:
- Thạch Ngọc! Ngươi có giỏi thì đuổi theo ta.
Thạch Ngọc nổi giận nói:
- Yêu quái! Ta không sợ ngươi đâu.
Nói rồi rượt theo yêu quái. Địch Thanh thấy vậy khen:
- Như vậy mới đáng mặt anh hùng.
Vừa nói vừa chạy theo để quan sát. Bỗng thấy một đạo bạch quang chiếu vào ngay mặt làm cho Địch Thanh chóa mắt không thấy đường chạy theo nữa.
Bỗng nghe có tiếng kêu lớn:
- Địch đại nhơn. Chẳng nên đuổi theo nữa.
Địch Thanh dừng lại thấy một người mình cao một trượng, đứng chặn ngang không cho Địch Thanh đi tới.
Địch Thanh nạt lớn:
- Ngươi cũng là lòai yêu quái chăng?
Người ấy đáp:
- Không phải! Ta là Huyền thiên chơn võ đây, muốn nói cùng ngươi một điều. Nguyên bộ hạ ta hạ giới xuống đầu thai nơi Tây Hạ để quấy rối Tống trào hơn hai mươi năm. Vậy ta cho ngươi hai vậy báu này, một là nhơn diện kim bài, để lúc ngươi giao tranh với Tây Hạ, thì lấy vật này mà che thân, thứ hai là ba mũi tên Thất tinh, như gặp nguy hiểm thì lấy ra mà bắn. Ngươi hãy giữ hai bảo vật ấy mà kiến công lập nghiệp.


Địch Thanh nghe nói liền lạy tạ mà lãnh hai bảo vật. Người ấy nói:
- Không cần tạ ơn làm chi, phải cần nhớ lấy những lời ta nói thì có thể đổi hạn làm phước đức.
Địch Thanh hỏi:
- Vậy em tôi là Thạch Ngọc đang giao tranh với con yêu quái ấy lành dữ thế nào, xin ông cho biết.
Người ấy đáp:
- Ấy không phải yêu quái mà là một vật tu luyện lâu năm thành hình đó. Còn Thạch Ngọc bây giờ có đi mà không có trở lại, chưa biết bao giờ mới gặp nhau.
Địch Thanh nói:
- Vua sai đi hai người, nay mất đi một người thì biết nói làm sao mà phục chỉ được.
Người ấy nói:
- Đến sau này cũng gặp nhau, đừng có lo gì cả.
Địch Thanh tạ ơn trở về quán dịch kêu mười sáu tên quân hầu đi tìm Thạch Ngọc.
Quân sĩ đi tìm mọi nơi trở về báo:
- Chúng tôi đi tìm khắp nơi mà không thấy  ai cả.
Địch Thanh nghĩ thầm:
- Bắc cực Đại đế đã dặn mình không nên đi tìm ,nhưng bạn bỏ đi không đành.
Nghĩ như thế liền thẫn thờ đi theo hướng Thạch Ngọc, đi một lúc thì thấy tấm bia chắn ngang, không cách nào qua được, trên bia có đề chữ:
“Tôi Thạch Ngọc hiền đệ sẽ có ngày gặp nhau. Bây giờ không thể tìm được”.
Địch Thanh xem thấy liền lui về nhà quán dịch.
Còn Thạch  Ngọc lúc rượt theo yêu quái cung kiếm chém xả xuống, nhưng không thấy người mà thấy một cây giáo ba mũi nằm dưới đất. Thạch Ngọc lấy làm lạ bước đến cầm lên xem thầy thấy cây giáo ba mũi rất vừa tay nên mừng rỡ múa máy một hồi và nghĩ thầm:
- Ngỡ là yêu quái, ngờ đâu lại tìm được của trời cho.
Nghĩ rồi trở về quán dịch tìm Địch Thanh, nhưng vừa quay lưng thì thấy một vị tiên ông từ trên mây  sa xuống nói:
- Nay nhà ngươi đã được cây thương rồi, song còn võ nghệ chưa được rèn luyện thì cũng không có ích gì, vậy hãy theo ta mà học binh thư, võ nghệ để ngày sau kiến công lập nghiệp.
Thạch Ngọc thưa:
- Đa tạ tiên trưởng có lòng giúp đỡ, nhưng xin cho biết danh hiệu trước đã.
Tiên ông nói:
- Ta là Vương Thiền Quỷ Cốc đây.
Thạch Ngọc nghe nói liền quì lạy, nói:
-Đệ tử xin theo học, nhưng để đệ tử giải chinh đến Tam Quan xong sẽ trở về bái kiến.
Quỷ Cốc nói:
- Việc giải chinh y đã có Địch Thanh rồi, dầu ngươi có theo cũng chẳng ích gì. Thôi ngươi hãy theo ta mà đi cho sớm.
Nói rồi liền chỉ tay vào hai cục đá, tức thì hai hòn đá hóa hai con bạch hổ đưa hai thầy trò về núi.
Khi đến nơi, Thạch Ngọc hỏi:
-Thưa sư phụ! Đây là núi gì?
Quỷ Cốc nói:
- Núi này là núi Nga Mi. con hãy ở đây mà lo luyện tập võ nghệ, sau này ra phò vua giúp nước.
Bấy giờ Địch Thanh trở về quán dịch thuật hết mọi chuyện cho Trương Trung, Lý Nghĩa nghe. Trương Trung, Lý Nghĩa kinh ngạc cho là chuyện lạ. Xảy có Vương Đăng bước vào thăm hỏi.
Địch Thanh thấy Vương Đăng thì nổi giận mắng rằng:
- Loài súc sinh! Ngươi đã biết chỗ này có yêu quái, sao còn dám cả gan đem chúng ta đến đây. Bây giờ Thạch quận mã đã bị yêu quái bắt rồi, sống thác không rõ. Ấy là tại ngươi bày ra hay tại ai xúi giục hãy mau nói cho ta nghe.
Vương Đăng nghe nói thất kinh, quỳ lại nói:
- Thuở nay chỗ này không có yêu quái, đêm nay tại sao xảy ra như vậy, thật tôi không rõ, xin đại nhơn tha tội.
Địch Thanh nói:
- Trong việc này có âm mưu hại người, nếu không khai đừng trách ta không rộng tình.
Nói rồi liền kêu quân bắt Vương Đăng ra tra khảo. Bị đánh một hồi, Vương Đăng không chịu nỗi phải khai hết sự thật.
Địch Thanh nói:
- Lẽ thì phải giết ngươi cho rồi, song ta cũng làm nhân tha cho ngươi để sau này đối chứng.


Nói rồi liền kêu tri phủ giam Vương Đăng vào ngục, chờ khi xét xử.
Ngày hôm ấy, Địch Thanh kéo quân đi ra, đến Đồng Quan thì có tổng binh là Mã Ứng Long ra đón tiếp và dọn tiệc đãi đằng.
Hôm sau, Địch Thanh sắm sửa ra đi thì Mã Ứng Long và Lưu Khánh đưa ra khỏi ải một đỗi xa xa rồi trở lại.
Nguyên Lưu Khánh lúc này đang làm chức thám tướng tại Đồng Quan, mới có hai mươi mốt tuổi, nhưng mạnh khỏe vô cùng. Lúc nhỏ, Lưu Khánh được tiên cho một vật báu gọi là Tịch Vân phách. Vật báu này có thể dùng bay lên không trung đặng, vì vậy thiên hạ gọi Lưu Khách là Phi sơn hổ.
Hôm ấy Mã Ứng Long gọi Lưu Khánh bảo:
- Nay có thơ của Bàng thái sư khiến ta lập kế giết hại Địch Thanh. Nếu việc này thành công thì sẽ được quyền cao lộc cả. Vậy ngươi hãy đằng vân theo Địch Thanh, rồi từ trên mây chém xuống, thì Địch Thanh ắt không tránh khỏi chết. Nếu việc này thành công thì ngươi cũng được hưởng tước quyền.
Lưu Khánh cả mừng liền xách đao ra khỏi ải, đằng vân bay theo Địch Thanh.

Lời bàn:
Mọi việc xảy ra trong đời xấu tốt đều do con người mà sinh ra. Nói đến con người là nói đến lương tâm và tài năng. Kẻ có ác tâm thì hành động theo ác tâm của mình, kẻ có thiện tâm thì hành đông theo thiện ý của mình. Mọi hành động đều đi đến chỗ nhân quả của nó.
Trong đời có nhiều người không suy tính như vậy mà mọi việc đều đổ vào lý do khách quan để tránh né lắm lỗi của mình.
Bàng Hồng một kẻ gian nịnh, tìm cách hãm hại Địch Thanh gây nên mọi xáo trộn trong cuộc sống, ảnh hưởng với nhiều người khác.
Còn Địch Thanh thì lấy tư cách một kẻ anh hùng, bất chấp gian nguy, hành động luôn luôn hướng thiện, nên mọi âm mưu hãm hại của Bàng Hồng đều di đến kết quả ngược lại.
Vô hiệu hóa sự gian ác của Bàng Hồng chính là thiện tâm của Địch Thanh. Thiện tâm ấy đã đem đến cho Địch Thanh từng bước khả quan, được nhiều người cưú giúp. Vậy thì người xưa nói:
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo.
Đó là lẽ đương nhiên dựa theo triết lý nhân quả của Phật giáo.

hồi thứ mười chín
Địch thị sum vầy nơi tửu điếm.
Lưu gia thích khách tại Nhạn ba.

Bấy giờ Lưu Khánh vâng lời Mã Ứng Long đằng vân theo Địch Thanh đến Lạc Nhạn Ba thì thấy Địch Thanh ngồi trên lưng ngựa đi chậm rãi, Lưu Khánh liền hạ xuống rút gươm chém Địch Thanh, bất ngờ trên đầu Địch Thanh có vật chi xông lên sáng lòa làm cho Lưu Khánh chóa mắt hoảng sợ không dám chém.
Trương Trung, Lý Nghĩa trông thấy trên đầu Địch Thanh có vật đen lượn qua lượn lại liền gọi Địch Thanh nói:
- Đại ca! Có luồng khói đen như muốn hãm hại đại ca đó.
Địch Thanh ngước mắt lên xem, rồi nói:
- Ấy là loại yêu vân đó. Để ta bắn nó một mũi tên xem sao.


Nói rồi rút tên bắn ra một mũi, làm cho vầng đen hay về hướng đông rồi biến mất.
Bấy giờ trời đã gần tối, Địch Thanh truyền đóng quân nghỉ ngơi, đợi sáng hôm sau sẽ đi tiếp.
Đóng trại xong, Địch Thanh cất bước đi  dạo trong thôn xóm, thì thấy nơi ven đường có một quán rượu, liền bước vào giải khuây. Tửu bảo thấy Địch Thanh mặc khôi giáp rạng rỡ thì biết là một vị tướng quân, nên ra rước vào, thưa:
- Chẳng hay lão gia đến đây có việc chi chăng?
Địch Thanh nói:
- Chẳng có việc chi cả. Ta chỉ muốn uống rượu giải khuây mà thôi.
Tửu bảo lật đật bưng rượu ra cho Địch Thanh uống. Trong lúc đang uống rượu, Địch Thanh thấy bên kia có một người đàn bà ước chừng hai mươi tuổi, mặt mày đẹp đẽ, đứng nhìn Địch Thanh rất chăm chú.
Địch Thanh nghĩ thầm:
- Đàn bà thấy đàn ông sao lại nhìn ngó như vậy?
Người đàn bà đứng nhìn Địch Thanh một lúc rồi kêu tửu bảo nói:
- Ngươi hỏi thử vị tướng quân này quê quán ở đâu, tên họ là chi? Được bao nhiêu tuổi?
Tửu bảo nói:
- Đó là người khách qua đường, tôi đâu dám hỏi.
Người đàn bà nói:
- Ngươi cứ hỏi thử, có gì mà sợ.
Tửu bảo không dám trái ý, rón rén bước đến hỏi:
- Xin lão gia rộng lòng cho tôi hỏi một câu.
Địch Thanh nói:
- Ngươi muốn hỏi gì thì cứ hỏi.
Tửu bảo thưa:
- Chẳng hay lão gia tên họ là chi, quê quán ở đâu và niên kỷ được bao nhiêu?
Địch Thanh nói:
- Ta tên là Địch Thanh, quê ở Sơn Tây, mới có 16 tuổi. Ngươi hỏi làm gì vậy.
Tửu bảo thưa:
- Ấy là tại cô tôi bảo hỏi, xin lão gia chớ giận.
Nói xong liền vào nhà trong thuật lại. Người đàn  bà nghe xong tỏ vẻ vui mừng, nói với tửu bảo.
- Ngươi ra hỏi thêm, xem người ấy ở tỉnh Sơn Tây mà thuộc về phủ nào, huyện nào và làng nào?
Tửu bảo không dám trái ý, nhưng lại nghĩ thầm:
- Đàn bà như vậy thật kỳ cục, thấy đàn ông hình dung tuấn tú thì để ý hỏi han.
Tửu bảo đến gần Địch Thanh hỏi:
- Chẳng hay lão gia ở Sơn Tây mà thuộc về phủ nào, huyện nào, làng nào vậy?
Địch Thanh nói:
- Thuộc về phủ Thái Nguyên huyện Tây Hà và làng Tiên Dương.
Tửu bảo trở vào thuật lại. Người đàn bà nghe xong bước ra nhìn Địch Thanh một hồi nữa, rồi trở vào thưa với mẹ nàng:
- Ngoài quán có một vị tướng quân còn nhỏ mà diện mạo giống em con lắm, vậy nên con khiến tửu bảo hỏi rõ họ tên và quê quán thì đúng như vậy.
Mạnh thị nghe nói liền bước ra xem, rồi lớn tiếng hỏi:
- Địch Thanh! Mẹ đây nè.
Lúc ấy Địch Thanh đang ăn uống nghe kêu liền ngửa mặt lên xem, rồi bỏ đũa quỳ xuống đất khóc lớn:
- Mẹ ơi! Chị ơi! Đây có phải là chiêm bao hay không?
Mạnh thị bước lại đỡ Địch Thanh dậy khóc không ra tiếng, nói không ra lời. Địch Thanh ôm mẹ khóc rống lên.
Hai mẹ con thuật lại sự tình từ ngày xa cách, rồi mở tiệc đoàn viên, vui mừng không ngớt.
Bấy giờ Lưu Khánh đằng vân đi theo chém Địch Thanh không được lại bị Địch Thanh bắn một mũi tên trúng nơi đùi, liền bay qua hướng đông nhổ mũi tên, rồi đi thám thính, biết Địch Thanh đã đóng quân, lại thấy Địch Thanh vào quán rượu của Trương Văn thì nghĩ thầm:
- Trương Văn là người đồng liêu với mình, ta đến đó thương nghị thử xem.
Nghĩ rồi Lưu Khánh thẳng đến nhà Trương Văn. Trương Văn thấy Lưu Khánh liền hỏi:
- Lưu lão gia đi đâu trong đêm tối như vậy?
Lưu Khánh liền đem các việc trong thơ Bàng Hồng thuật lại cho Trương Văn nghe.
Trương Văn nói:
- Nếu vậy thì anh em ta phải rán sức làm cho thành công mà trông cậy về sau. Vậy chớ Địch Thanh hiện giờ ở đâu?


Lưu Khánh đem việc đằng vân theo giết hại bị Địch Thanh bắn bị thương kể lại và báo cho Trương Văn biết nay Địch Thanh đã vào nơi quán rượu rồi.
Trương Văn nói:
- Nếu như vậy thì dễ dàng cho chúng ta lắm. Chúng ta phải làm như vầy thì mới xong.
Trương Văn dặn dò Lưu Khánh xong liền trở về quán rượu đặng phục rượu cho Địch Thanh say mà hãm hại.
Nhưng lúc về đến nhà thì Trương Văn thấy mẹ vợ mình ngồi giữa còn vợ mình ngồi một bên, bèn bước vào thì nghe Kim Loan là vợ mình nói với Địch Thanh:
- Em hãy uống rượu đi chốc nữa thì anh rể em cũng về đến.
Trương Văn vừa bước đến thì Kim Loan thấy chồng về lật đật đứng dậy nói:
- Em tôi là Địch Thanh đó.
Địch Thanh thấy Trương Văn về cũng đứng dậy chào hỏi. Trương Văn nói:
- Không ngờ tướng quân lại là em ruột của vợ tôi. Vậy em đường đi có bị thích khách chăng?
Địch Thanh nói:
- Có! Khi ra khỏi ải có thấy một vầng mây đen bay lượn theo hoài, em không biết là vật chi nên bắn một mũi tên, vật ấy bay đi mất.
Trương Văn nói:
- Ấy là thích khách.
Bèn thuật lại hết sự việc Bàng Hồng gởi thơ khiến Mã Ứng Long sai Lưu Khánh làm thích khách thuật cho Địch Thanh.
Địch Thanh nổi giận nói:
- Để mai em trở lại ải quan mà trừ cho được Mã Ứng Long và Lưu Khánh, kẻo nó nghe theo đảng nịnh hãm hại trung thần.
Trương Văn nói:
- Hiền đệ chớ nóng, Lưu Khánh làm như vầy không phải là thù hiềm chi với em đâu, chẳng qua là nó tham quyền tước mà thôi. Nếu em dùng kế mà thu phục nó để làm vây cánh thì rất có ích vì nó là một tay dũng tướng.
Địch Thanh nói:
- Em sợ nó không phục chăng.
Trương Văn nói:
- Ta với Lưu Khánh thuở nay rất thân thích, nói gì nó cũng nghe theo. Vậy em phải làm theo kế này thì xong việc.
Địch Thanh nghe nói mừng rỡ, xin làm y theo kế.
Trương Văn khiến dọn chỗ cho Địch Thanh nghỉ, rồi đi tìm Lưu Khánh nói:
- Tôi ép Địch Thanh uống rượu đã say mèm, bây giờ đang ngủ mê man, vậy nhơn huynh hãy ra tay đi.
Lưu Khánh vội vàng đến nơi thấy trên bàn rượu thịt còn ê hề liền hỏi Trương Văn:
- Rượu thịt có phải Địch Thanh ăn còn dư lại hay không?
Trương Văn nói:
- Phải!
Liền khiến gia nhân đem thêm rượu thịt đến thết đãi Lưu Khánh và nói:
- Bây giờ đang lúc đêm khuya, vậy nhơn huynh cứ ngồi ăn uống cho no nê rồi sẽ  tính.
Lưu Khánh vốn là tay bợm rượu, thấy được ăn uống thì còn gì vui thích hơn, nên cứ ngồi ăn uống mãi.
Trương Văn cố ý ép Lưu Khánh uống cho say, nên chỉ được một lúc  Lưu Khánh đã say mèm, gục đầu xuống ghế mà ngủ.
Trương Văn kêu gia đinh đem dây đến trói Lưu Khánh lại rồi mò vào lưng lấy Tịch vân phách là báu vật của Lưu Khánh, rồi gọi Địch Thanh ra.
Lưu Khánh giật mình thức dậy thấy mình bị trói biết là mắc kế Trương Văn bèn mắng lớn:
- Trương Văn! Ta với ngươi thân thiết với nhau như ruột thịt sao ngươi đành lập mưu mà hại ta?
Trương Văn nói:
- Không phải tôi muốn hại nhơn huynh đâu, ấy là tôi muốn làm ơn cho nhơn huynh đó. Vả Địch khâm sai đây là cháu của Địch thái hậu, nay vâng lệnh đi giải chinh y cũng là việc trọng, nếu nhơn huynh nghe lời Bàng Hồng làm quấy như vậy, mai sau thánh thượng biết được thì nhơn huynh chạy đằng nào cho khỏi tội. Chi bằng theo phò Địch khâm sai kiến công lập nghiệp thì hay hơn.


Lưu Khánh nói:
- Nếu vậy sao không nói cho tôi biết lại trói tôi lại mà làm gì?
Trương Văn nói:
- Nếu không làm vậy sợ nhơn huynh không chịu nghe.
Địch Thanh nói:
- Lưu tướng quân! Lời xưa có nói: Hễ ăn lộc vua phải đền nợ nước. Lẽ nào nghe lời kẻ nịnh thần hãm hại tôi trung. Chi bằng theo tôi ra Tam Quan mà lập công thì để danh muôn thuở.
Lưu Khánh nói:
- Tôi cũng muốn như vậy, song sợ Mã tổng binh làm hại vợ con tôi. Vậy để tôi về dắt vợ con trốn đi thì mới khỏi lo.
Địch Thanh cả mừng liền khiến t mở trói cho Lưu Khánh để cùng nhau tâm sự.
Lưu Khánh được mở trói lạy tạ Địch Thanh rồi xem lại thấy mất Tịch vân phách bèn kêu Trương Văn bảo phải trả lại.
Trương Văn nói:
- Có lấy bảo vật đó, nhưng không trả đâu, nếu trả thì anh không chịu trở lại.
Lưu Khánh nói:
- Người quân tử chỉ nói một lời, sao anh lại khinh tôi như vậy.
Trương Văn nói:
- Thì anh cứ về đi để tính cho xong việc nhà, không ai làm mất bảo vật của anh đâu mà anh sợ.
Lưu Khánh thấy Trương Văn không chịu trả, túng thế phải từ Địch Thanh mà trở về.

Lời bàn.
Đời nào cũng vậy, trong cuốc sống bạn bè tạo nên sức để giúp đỡ lẫn nhau. Cuộc sống đơn độc không làm nên việc lớn.
Nhưng bạn bè cũng phải là người cùng chung một chí hướng, nếu bạn bè mà không cùng một chí hướng thì đã không giúp ích gì nhau, mà còn tác động vào cuộc sống một đường lối chệch choạc, làm cho Địch Thanh khó đấu tranh để lập thân.
Địch Thanh theo định hướng trung quân ái quốc, trừ khử nịnh thần, khôi phục triều đình, nhưng nếu Lưu Khánh không cùng chung chí hướng ấy thì có kết bạn cũng chẳng ích gì.
Trong đời, bạn thì nhiều nhưng tìm được người bạn tâm đồng ý hiệp thì rất khó. Vì vậy khi kết bạn không phải xem ai cũng như ai. Đó là bài học lẽ sống.

hồi thứ hai mươi
Tin tức thông thương nơi dinh trại.
Cứu ứng người ngay giữa lộ đồ.

Lúc ấy Lưu Khánh trở về vào ra mắt Mã Ứng Long trình bày mọi việc về chuyện hãm hại Địch Thanh không thành công.
Mã Ứng Long nói:
- Nếu chúng ta không hại được Địch Thanh thế nào Bàng thái sư cũng cho ta là kẻ bất tài vô dụng.
Lưu Khánh nói:
- Ngài chớ lo. Nội đêm nay thế nào tôi cũng tìm Địch Thanh mà hạ sát.
Mã Ứng Long nói:
- Vậy phải ráng làm cho đặng để chúng ta nương nhờ về sau. Lưu Khánh từ giã về nhà thuật hết mọi việc cho mẹ vợ và vợ hay, và tỏ ý đem gia quyến đi trốn.
Vợ Lưu Khánh nói:
- Tôi e ban đêm đàn bà ra cửa ải không được đâu.
Mẹ Lưu Khánh nói:
- Lời ấy rất phải, vậy phải giữ bí mật đừng để cho ai biết.
Lưu Khánh nói:
- Xin mẹ chớ lo, con đã tính rồi.


Bèn thuật chuyện nhà Trương Văn cho mẹ nghe. Mẹ con nghe nói đều vui mừng.
Còn Địch Thanh đêm ấy sợ Trương Trung, Lý Nghĩa trông đợi nên khiến Trương Văn đến trại quân nói cho hai người ấy hay tin. Trương Văn vâng lời ra đi đến giữa đường thì gặp một vị tướng quân từ đầu kia đi lại. Trương Văn thi lễ hỏi:
- Tướng quân có phải là Trương Trung chăng?
Trương Trung nghe hỏi liền thộp ngực Trương Văn nói:
- Ngươi là ai mà dám kêu tên họ ta?Trương Văn nói:
- Tướng quân chớ giận. Tôi vâng lệnh Địch khâm sai đến thông tin cho tướng quân hay.
Trương Trung nghe nói đổi giận làm vui, hỏi:
- Địch khâm sai bây giờ ở đâu?
Trương Văn thuật hết mọi việc cho Trương Trung nghe. Trương Trung tạ ơn nói với Trương Văn:
- Xin ngài về trước, tôi đi tìm Lý Nghĩa báo tin rồi sẽ đến sau.
Trương Văn hỏi:
- Vậy  chớ Lý tướng quân đi đâu mà tướng quân phải đi kiếm?
Trương Trung nói:
- Vì trông Địch đại ca không thấy về nên anh em chúng tôi đi tìm mỗi người một nơi.
Trương Văn nghe nói liền từ giã trở về, còn Trương Trung thì đi tìm Lý Nghĩa.
Vừa đi tới ngã ba đường bỗng nghe có tiếng đàn bà khóc than kể lể, Trương Trung dừng lại xem thì thấy chừng hai mươi tên gia đinh cầm gậy đi trước, và sau đó thì có một người cưỡi ngựa, để một người đàn bà nằm vắt ngang đang vùng vẫy khóc lóc.
Trương Trung nhìn thấy thì biết ngay là chúng đang bắt vợ một kẻ nào đó, bèn xốc lại nạt lớn:
- Quân cường đạo, sao không kiêng phép nước dám bắt vợ con người ta mang đi như vậy?
Bọn gia đinh nghe nói áp lại đánh Trương Trung, bị Trương Trung đánh chạy trốn hết. Trương Trung đến trước người cưỡi ngựa hỏi:
- Ngươi tên họ là gì? Tại sao lại dám làm ngang như vậy?
Người ấy nói:
- Tôi họ Tôn tên Vân, tự là Kiến Vân là em ruột của Tôn Tú đây.
Trương Trung nói:
- Té ra ngươi là em ruột của Tôn binh bộ sao? Còn người đàn bà này ở đâu mà ngươi chiếm đoạt vậy?


Tôn Vân chưa kịp trả lời thì người đàn bà ấy đã quỳ lạy khóc và nói:
- Nhà thiếp ở cách đây chừng ba dặm, chồng thiếp là Triệu Nhị, chuyên nghề làm ruộng mà độ nhựt, còn Tôn Vân đây ép chồng tôi gả tôi cho Tôn Vân đem về làm vợ bé, chồng tôi không chịu nên hôm qua bọn gia đinh đến nhà bắt chồng tôi dẫn đi không biết sống chết thể nào. Hôm nay chúng lại đến nhà bắt tôi, may gặp tướng quân cứu mạng thì ơn ấy bằng non.
Trương Trung nghe nói nổi giận hỏi Tôn Vân:
- Ngươi bắt chồng người ta đem giấu ở đâu thì phải chỉ nếu không ta chẳng tha mạng.
Tôn Vân nói:
- Ông ơi! Người ấy tôi còn giam tạm trong dinh tôi.
Trương Trung nói:
- Vậy ngươi phải thả người ấy ra thì ta mới tha chết cho ngươi.
Tôn Vân lạy lia lịa nói:
- Xin ông tha tôi về thả Triệu Nhị ra.
Trương Trung nói:
- Không được! Ngươi sai gia đinh thả Triệu Nhị ra rồi ta mới tha cho ngươi.
Tôn Vân thấy Trương Trung nói cứng liền gọi gia đinh sai về dinh mở trói tha Triệu Nhị lập tức.
Gia đinh lật đật về dắt Triệu Nhị đến. Trương Trung bảo Triệu Nhị:
- Vậy ngươi hãy dắt vợ ngươi về đi.
Triệu Nhị nói:
- Ân nhân ở đây thì vợ chồng tôi đi đặng, nếu ân nhân đi rồi thì tánh mạng vợ chồng tôi không còn.
Trương Trung nói:
- Không hề chi. Ngươi dẫn vợ ngươi đi khuất nơi đây rồi ta cho nó một đao thì còn đâu mà làm hại ngươi nữa.
Nói rồi vừa muốn vung đao chém, bỗng đâu có một người cao lớn, tay xách roi sắt xốc lại đánh ngay đầu Trương Trung.
Trương Trung kinh hãi lật đật buông Tôn Vân ra mà cự với người ấy và hỏi:
- Ngươi tên chi mà dám cả gan đến đánh với ta vậy?
Người ấy nói:
- Ta là Phi sơn lang Phan Báo, anh em cô cậu với Tôn Vân đây.
Nói rồi vung roi đánh với Trương Trung. Đánh được ba mươi hiệp Trương Trung thua chạy. Phan Báo tượt theo. Vợ Triệu Nhị thấy vậy thì nói với Triệu Nhị rằng:
- Phu quân hãy chạy theo mà xem thử tánh mạng ân nhân ra thế nào, như thấy ân nhân có bề nào thì tính trước mà lánh thân kẻo bị Tôn Vân hại nữa.
Triệu Nhị nghe lời chạy theo mà coi chừng Trương Trung.
Lúc ấy bọn gia đinh của Tôn Vân là Tôn Mậu và Tôn Cao còn núp trong bụi rậm thấy Triệu Nhị khiêng về dinh. Trong lúc đang đi lại gặp Lý Nghĩa từ đầu kia đi lại trông thấy hai người đàn ông khiêng một người đàn bà đang giãy giụa khóc than. Lý Nghĩa nhảy đến thộp ngực Tôn Cao hỏi:
- Các ngươi bắt đàn bàn khiêng đi đâu vậy?
Tôn Mậu thấy Tôn Cao bị thộp thì vội bỏ người đàn bà chạy trốn. Người đàn bà quỳ lại thuật hết nguồn cơn cho Lý Nghĩa nghe. Lý Nghĩa xong nổi giận hét lên một tiếng nắm giò Tôn Cao xé ra làm hai mảnh.
Lý Nghĩa giết Tôn Cao xong liền hỏi người đàn bà:
- Vậy chớ người mặt đỏ vừa rồi chạy đàng nào?
Người đàn bà ấy chỉ nẻo cho Lý Nghĩa. Lập tức Lý Nghĩa chạy qua hướng ấy thì thấy Trương Trung bị thua kẻ địch mà khí sắc thì nhợt nhạt. Lý Nghĩa gọi lớn nói:
- Trương nhị ca, có em đến đây.
Trương Trung nghe kêu nhìn lại thấy Lý Nghĩa thì mừng rỡ hỏi:
- Tam đệ ở đâu mà đến đây vậy?
Lý Nghĩa nói:
- Sao nhị ca dở quá vậy? Một tên tướng cướp mà đánh không lại thì làm sao dám ra trận chiến?
Trương Trung nói:
- Ấy vì cây đao của ta quá ngắn nên bất lực đó thôi.
Lý Nghĩa lập tức xông vào đánh với Phan Báo. Lúc này Phan Báo đã đuối sức nên bị Lý Nghĩa chém cho một đao rơi đầu.
Trương Trung nói:
- Tam đệ thiệt giỏi đó.
Lý Nghĩa hỏi:
- Vậy vì cớ gì mà nó rượt nhị ca chạy như vậy?
Trương Trung liền thuật đầu đuôi câu chuyện cho Lý Nghĩa nghe. Lý Nghĩa nổi giận nói:
- Nếu vậy bọn này không kể đến phép nước gì cả.
Nói vừa dứt lời Triệu Nhị đến thi lễ nói:
- Nhị vị tướng quân hãy đến nhà tôi đặng tôi dùng chút lễ mọn hậu tạ.
Trương Trung nói:
- Thôi! Không cần phải đến nhà làm gì. Ta hỏi ngươi thằng rượt ta lúc nảy tên gì, còn thằng bắt vợ ngươi tên gì vậy?
Triệu Nhị nói:
- Thằng rượt tướng quân đó là Phan Báo, anh em cô cậu với Tôn Vân, còn thằng bắt vợ tôi là Tôn Vân anh em với Tôn Tú, còn Tôn Tú là binh bộ thương thơ đó.
Lý Nghĩa tức giận nói:
- Nếu vậy thì ta gặp cưù nhân rồi. Nếu vậy thì anh em chúng ta đến đó mà giết sạch bọn chúng cho xong.
Trương Trung nói:
- Anh em ta không sợ gì chúng nó, nhưng như thế cũng đủ làm cho chúng nó từ nay không dám hà hiếp dân chúng rồi. Việc cần kíp là chúng ta phải trở về trại xem thử có gì biến động không.
Hai anh liền dắt nhau trở về trại, Đến nơi hoi ra thì không có việc chi, bèn dặn dò quân sĩ rồi rủ nhau đến nhà Trương Văn.
Địch Thanh nhìn thấy Trương Trung và Lý Nghĩa thì mừng rỡ, lật đật dắt vào ra mắt mẹ mình. Vào đến nơi hai lạy Mạnh thị và nói rõ việc kết tình anh em với Địch Thanh.
Mạnh thị rất mừng nói với Địch Thanh:
- Việc giải chinh y là trọng, con nên chỉnh tề ra đi kẻo trễ ngày giờ.
Địch Thanh vâng lời bái biệt mẩu thân rồi cùng nhau lên đường.

Lời bàn.

Tình mẫu tử và nhiệm vụ đối với quốc gia đều là quan trọng, nhưng Mạnh thị mẹ của Địch Thanh đã xem bổn phận đối với đất nước là cao cả. Thế cho nên cuộc gặp gỡ giữa mẹ con trong giờ phút thiêng liêng ấy đã nhường chỗ cho trách nhiệm làm trai, không chút bận bịu.
Trương Trung và Lý Nghĩa là hai dũng tướng, thấy việc trái không thể không can thiệp, dù có xảy ra khó khăn đến đâu cũng không từ chối.
Người mang bản chất anh hùng bao giờ cũng trọng nghĩa, mà kẻ trọng nghĩa thường hay va thiệp trước sự bất bình trong thiên hạ. Đó cũng là truyền thống đạo nghĩa làm người trong đạo học Đông phương.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 165
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com