watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
17:12:0418/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Vạn Huê Lâu Diễn Nghĩa 1 - 25 - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Vạn Huê Lâu Diễn Nghĩa 1 - 25
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 7

hồi thứ năm
Hào kiệt thương nghèo nên kết nghĩa
Anh hùng túng ngặt phải xin xăm

Địch Thanh khi làm rơi đồng tiền xuống sông thì cứ đứng khóc mà than thở:
- Thầy ta cho ta đồng tiền ấy chỉ dùng cho đến lúc gặp thân nhân, nay thân nhân chưa gặp mà đồng tiền mất đi biết làm sao sống nổi, chắc là phải chết đói.
Bỗng có một ông già bước đến hỏi:
- Ngươi là con ai, Địch Thanh liền tỏ hết mọi việc. Ông già cười nói:
- Ngươi muốn gặp thân nhân thì gần đây có mộ ngôi chùa gọi là chùa tướng quốc, chùa ấy linh lắm, ngươi đến đó xin xăm, cầu nguyện may ra thần thánh chỉ bảo cho.
Địch Thanh nghe nói nghĩ thầm:
- Thôi, mình cứ nghe ông già đến đó cầu xin, chừng nào không được sẽ liệu cách.
Nghĩ rồi liền hỏi thăm chùa lần đến nơi, thấy trong chùa rất đông người đến xin xăm, hương đèn sáng rực. Địch Thanh len vào rút một cây xăm, đem lại chỗ của một nhà sư đang đoán quẻ.
Lời xăm ghi rằng:

Cổ thọ liên niên hoa vị khai
Chí kiêm trưởng xuất nộn chi lai
Nguyệt khuyết, nguyệt viên châu phục thủy
Nguyên nhân hà tất phí nhi xai.

Địch Thanh liền cậy nhà sư đoán dùm. Nhà sư xem xong hỏi:
- Quý khách muốn xin gì?
Địch Thanh nói:
- Tôi muốn tìm thân nhân.
Nhà sư nói:
- Theo trong lời xăm thì phải đến rằm tháng tám. Xăm này tốt lắm, đừng lo sợ chi cả.
Địch Thanh nghe xong tỏ lời cám ơn rồi lui ra.
Nhà sư hỏi:
- Sao không trả tiền đoán xăm?
Địch Thanh nói:
- Tôi là người xứ lạ đến đây tìm thân nhân, lỡ đã hết tiền, để ngày sau tôi sẽ trả cho thầy.
Nhà sư nghe nói liền xốc lại kéo áo Địch Thanh nói:
- Nếu không  tiền thì để gói hành lý lại đây, lúc nào có tiền thì đem đến chuộc.
Địch Thanh thấy vậy nổi nóng, chạy lại đạp nhà sư một đạp nhào xuống đất la om sòm.
Lúc ấy có một người mặt đỏ và một người mặt đen chạy đến hỏi thăm đầu đâu câu chuyện rồi nói với nhà sư:
- Mình là người tu hành, thấy người ta không tiền phải cho thay, sao lại còn siết gói của người ta. Thôi trả lại cho người, công xem dùm một chút chẳng đáng bao nhiêu.
Nói rồi liền bước đến giật gói trả lại cho Địch Thanh và hỏi:
- Anh tên họ là gì? Quê quán ở đâu? Đến đây có việc gì?
Địch Thanh nói:
- Tôi là Địch Thanh, người tỉnh Sơn Tây, phủ Thái Nguyên, huyện Tây Hà đến đây tìm thân nhân. Còn hai anh ở đâu, tên họ là chi?
Người mặt đỏ đáp:
- Tôi cũng người đồng tỉnh, đồng phủ với anh, mà thuộc huyện Dư Tư, tên là Trương Trung, còn người này là anh em bạn với tôi ở phủ Thuận Thiên tên là Lý Nghĩa.
Địch Thanh hỏi:
- Các anh đến đây có việc gì vậy?
Trương trung nói:
- Anh em chúng tôi cũng có biết chút võ nghệ, song chưa gặp thời, không người tiến dẫn, nên buồn lòng rủ nhau đi mua bán vải, một là cho biết cảnh phồn hoa, hai là tìm bạn hào kiệt kết thân. Nay gặp anh đây thật may mắn. Anh ở Sơn Tây có biết Địch Quảng làm tiên phong ở phủ Thái Nguyên không?
Địch Thanh nói:
- Người ấy là cha tôi đó!
Trương Trung nói:
- Nếu vậy anh là Địch công tử! Chúng tôi vì không biết xin miễn chấp.
Địch Thanh nói:
- Hai anh ơi! Công tử là lúc trước đây, chớ bây giờ tôi đang lưu lạc, không có cơm ăn thì còn công tử gì nữa.
Trương Trung và Lý Nghĩa đồng nói:
- Vậy chúng tôi mời công tử lại quán cơm kia là nơi anh em tôi đang trú ngụ đặng cùng ở với nhau trò chuyện cho vui.
Nói rồi liền dắt Địch Thanh về quán, ảo chú quán làm cơm đãi khách.
Đêm ấy Trương Trung và Lý Nghĩa nói với Địch Thanh:
- Chúng tôi rất ái mộ anh hùng, nay xin cùng công tử kết làm anh em đồng sanh đồng tử.
Địch Thanh nói:
- Nếu hai anh có lòng hạ cố thì tôi xin làm em út.
Trương Trung nói:
- Như luận về tuổi tác thì công tử nhỏ hơn hai anh em tôi, song công tử là dòng sang, anh em tôi là dòng hèn, lẽ đâu dám vượt bậc. Nay anh em tôi bằng lòng nhường công tử làm anh.
Địch Thanh nói:
- Không nên! Làm bạn với nhau hễ ai lớn thì làm anh mà thôi.
Trương Trung và Lý Nghĩa đều nói:
- Hai anh em chúng tôi đã quyết ý rồi, xin công tử chớ bàn luận làm gì nữa.
Nói rồi khiến chủ quán lập bàn hương án, ba người đều cáo tế trời đất thề nguyền cùng nhau kết nghĩa. Trương Trung và Lý Nghĩa gọi Địch Thanh là đại ca, không còn gọi công tử nữa.
Một hôm Trương Trung nói với Địch Thanh:
- Đại ca đến đây mấy hôm mà tìm thân nhân chưa được, vậy để chúng tôi bán xong vải thì chúng mình sẽ đi cùng nhau.

Lời bàn:
Sức mạnh trong lẽ sống là đoàn kết. Không có một sự nghiệp nào làm nên mà không nhờ vào sự chung sức của mọi người.
Tình bạn là yếu tố đoàn kết tạo thành sức mạnh để cùng nhau chiến đấu trên bước đường lập nghiệp. Sống cần phải có bạn, nhưng bạn bè lại rất quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp. Một người bạn không đồng chí hướng thì đó là một trở lực làm cho chúng ta thất bại trên định hướng cuộc đời. Vậy bạn là người cùng chí hướng, cùng quan điểm nhân sinh, thì tình bạn mới co ích lợi trên con đường tiến thủ.
Trong cuộc sống, nhiều người thiếu bản lãnh, làm bạn không đúng người, rồi bị bạn bè lôi cuốn làm cho không còn đủ chí khí để vươn lên trên con đường sự nghiệp. Nếu bạn bè là sức mạnh giúp ta đủ nghị lực phấn đấu với gian khổ, thì bạn bè lại cũng là sức mạnh lôi cuốn chúng ta vào con đường thiếu nghị lực.
 

hồi thứ sáu
Hào kiệt thử tài phân cao thấp
Anh hùng ăn uống gặp tai ương

Sau khi đã bán hết vải, Trương Trung và Lý Nghĩa rủ Địch Thanh đi dạo chơi. Vừa đến chùa Quan Công, Địch Thanh thấy trước cửa chùa có hai con sư tử bằng đá, bề cao chừng ba thước, bề dài hơn bốn thước nên nghĩ thầm:
- Mấy hôm nay mình làm bạn với hai người này, tuy tâm đầu ý hiệp nhưng chưa rõ tài sức ra sao, thôi để mình vào chùa xách thử con sư tử đá này thì sẽ biết.
Nghĩ như vậy liền kêu Trương Trung, Lý Nghĩa nói:
- Lúc trước Sở Bá vương cử đảnh mà làm cho anh hùng trong thiên hạ đều nể phục. vậy hai em có thể đỡ nổi con sư tử đá này không?
Trương Trung nói:
- Con sư tử đá này nặng chừng sáu trăm cân. Để tôi đỡ thử xem sao.
Nói rồi liền bước tới đỡ lên, rồi chỉ xách đi được mấy bước và nói:
- Nặng lắm! Không thể đi xa nổi.
Lý Nghiã nói:
- Thôi để tôi xách thử coi.
Nói rồi bước tới xách lên, đi được một vòng rồi cũng để xuống.
Địch Thanh nói:
- Như vậy cũng đã mạnh lắm rồi. E khi ta xách không nổi.
Trương Trung và Lý Nghĩa đồng nói:
- Thì đại ca xứ xách thử cho biết.
Địch Thanh bước lại xách con thạch sư giơ lên khỏi đầu rồi đi ba bốn vòng. Trương Trung và Lý Nghĩa thấy vậy đều lắc đầu nói:
- Cha chả! Ai dè đâu đại ca nhỏ người mà sức mạnh như vậy. Hai đứa tôi thua xa lắm.
Địch Thanh xách đi mấy vòng giơ lên để xuống mà mặt không đổi sắc.
Sau đó Địch Thanh còn lâý cây thanh long đao múa một hồi làm cho Trương Trung và Lý Nghĩa đều cảm phục.
Ba người ra khỏi chùa đi một lúc thì thấy một tửu lầu rất đẹp và cao, liền rủ nhau vào ăn uống. Tửu bảo thấy ba người ngồi một bàn thì cả kinh, vừa chạy vừa nói:
- Lưu, Quan, Trương ba ông đã xuất hiện nơi đây.


Trương Trung thấy vậy cười nói:
- Không hề chi! Tuy mặt mày dữ tợn mà lòng dạ hiền lành, không làm hại ai.
Tửu bảo nói:
- Té ra ba ông không phải là người xứ này, vì tôi không biết xin thứ lỗi.
Trương Trung ngồi nhìn sang bên kia thấy có một căn lầu chưng dọn rất đẹp liền gọi tửu bảo nói:
- Ồ! Bên kia có căn lầu rất đẹp, chúng ta muốn lên đó ngồi uống rượu cho vui.
Tửu bảo nói:
- Xin các ông ngồi nơi đây uống rượu cũng được, đừng qua đó mà phiền phức.
Trương Trung nói:
- chúng ta muốn ngồi nơi đó mà thôi. Hãy mau đem rượu thịt đến đó cho chúng ta.
Tửu bảo nói:
- Không được đâu. Ở đó có vị quan lớn là Hồ Khôn, làm chức chế đài, lại còn có một vị công tử là Hồ Luân ngang tàng, thường ngày áp chế nhân dân, chiếm đoạt nhà cửa của người ta mà làm nên căn lầu ấy. Trong đó trồng đủ thứ hoa thơm cỏ lạ, lại chưng diện đủ các vật quý trong thiên hạ, sau đó cải hiệu là Vạn Huê Lầu.
Trương Trung nói:
- Người ấy là con quan sao lại hà hiếp thiên hạ?
Tửu bảo nói:
- Quý khách chưa rõ. Nguyên Tôn bộ binh là con rể của Bàng thái sư nên quyền thế lắm, muốn sao được vậy, không ai dám trái ý. Cái Vạn Huê lầu này là để chiêu đãi bạn bè và khách quý của riêng họ, còn người ngoài không ai dám bén mảng đến. Mỗi ngày công tử Hồ Luân ra chơi nơi đó, nếu thấy ai vào đó thì bắt về dinh tra khảo cho đến chết mới thôi. Vậy xin quý khách ngồi nơi đây ăn uống cũng đủ vui mà khỏi sanh ra điều nguy hiểm.


Trương Trung và Lý Nghĩa nghe nói đều nổi nóng, hét lớn:
- Thật là loại bất nhân trong thiên hạ.
Địch Thanh cũng nổi giận nói:
- Thôi! Anh em chúng ta qua đó ngồi uống rượu xem chúng nó làm gì cho biết.
Tửu bảo nghe nói thất kinh quỳ lạy van xin:
- Xin quý khách đừng làm điều ấy mà liên luỵ đến tôi.
Địch Thanh nói:
- Chúng ta làm thì chúng ta chịu, không để liên luỵ tới ai.
Trương Trung nói:
- Xem thế thì thằng Hồ Luân dữ lắm nên nó mới sợ hãi như vậy.
Địch Thanh nói:
- Nếu chúng ta không lên Vạn Huê Lầu té ra chúng ta sợ thằng Hồ Luân sao?
Lý Nghĩa nói:
- Đại ca nói rất phải.
Trong lúc ấy tên tửu bảo cứ van xin mãi. Trương Trung lấy ra mười lượng bạc cho tên tửu bảo, nói:
- Ta cho ngươi số tiền này. Hãy đem đồ ăn và rượu thịt tới đó cho chúng ta vui say. Còn việc gì xảy ra chúng ta gánh chịu, không để liên van đến ngươi đâu.
Tên tửu bảo được bạc cũng ham, liền đem rượu thịt qua Vạn Huê Lầu thết khách.
Ba anh em Địch Thanh vừa ăn uống xoàng xoàng thì đã có người chạy đến báo tin cho Hồ Luân hay:
- Hôm nay tửu bảo cả gan cho ba người khách thua phương đến ngồi nơi Vạn Huê Lầu ăn uống. Bây giờ chúng nó còn say sưa la hét om sòm.
Hồ Luân nói:
- Thôi, các ngươi về đi rồi mai đến dinh ta mà lãnh thưởng.
Nói rồi liền hối gia đinh thẳng tới tử lầu nạt lớn:
- Ba thằng này ở đâu cả gan dám đến chỗ cấm mà uống ruợu.
Ba người nghe nói nổi nóng nạt lại:
- Tửu lầu thì chúng ta đến uống rượu, biết chỗ nào là chỗ cấm.
Bọn gia đinh của Hồ Luân áp vào, chúng nó toàn là tay dõng sĩ nhưng Trương Trung đã tóm cổ một lúc hai tên ném ra xa lắc.

Lời bàn:
Ở đời không có cái gì tồn tại tuyệt đối. Nếu có kẻ cậy quyền hiếp đáp dân lành thì cũng có kẻ vì sự công bình mà chống lại. Sự mâu thuẫn trong cuộc sống luôn luôn đối kháng nhau. Cho nên người xưa có nói: “Hữu phước bất khả hưởng tận, hữu thế bất khả ỷ tận.” Không vì mình có thế mà tận hưởng cái thế lực của mình. Hồ Luân dù quyền thế đến đâu mà không biết sử dụng quyền thế của mình tất phải có ngày bị phản ứng. Đó là một bài học làm người cho những ai có quyền thế mà biết thế nào là đủ.
Cái gì cũng có chiều ngược của nó. Đừng thấy mình được thế mà ỷ lại vào thế lực của mình. Thế lực đến lúc nào đó sẽ là mầm mống gây ra thù địch để phá vỡ hiện hữu gây hại không ít.

hồi thứ bảy
Giết ác nhân, Địch Thanh trừ hại
Tha tráng sĩ, Bao Công làm ơn

Địch Thanh và Lý Nghĩa khi thấy bọn gia tướng của Hồ Luân áp tới đánh thì mỗi người đánh một vái làm cho bọn gia tưóng của Hồ Luân té nhào ra xa, ôm đầu chạy hết.
Địch Thanh cười lớn nói:
- Anh em ta mới đá có vài cái mà chúng chạy hết rồi. Tuy vậy mà chưa phải yên đâu. Hồ Luân sẽ đến đây làm dữ, chi bằng rút lui trước hay hơn.
Trương Trung nói:
- Đại ca nói rất phải. Tuy chúng ta không sợ gì tên Hồ Luân, nhưng chúng kéo đến hàng trăm, hàng ngàn thì cũng làm phiền cho hàng xóm.
Anh em Địch Thanh vửa toan ra đi thì bọn Hồ Luân kéo đến đông nghẹt.
Hồ Luân hét to:
- Đứa nào giỏi đánh thì đánh ta đây!
Vừa nói Hồ Luân vừa chạy xốc tới. Địch Thanh đứng dậy vỗ vai Hồ Luân định tỏ vài lời phải trái, nhưng bàn tay Địch Thanh đè nặng trên vai, làm cho Hồ Luân té quỵ xuống đất.
Hồ Luân hét to:
- Các ngươi mau bắt chúng nó đem về dinh cho ta.
Địch Thanh nói:
- Hồ Luân! Ngươi hãy lại đây mà bắt ta, chớ mấy thằng tay sai của ngươi đã sợ ta chạy hết rồi.


Hồ Luân nghe nói nổi nóng xốc lại bị Địch Thanh thộp ngực ném xuống lầu. Mấy đứa gia đinh thấy vậy chạy lại thì Hồ Luân đã vỡ sọ nằm chết tươi.
Bọn gia đinh sợ hãi nên vội chạy về báo với Hồ Khôn, còn ba anh em Địch Thanh lúc này đang lúc lúc tửu hứng, cùng nhau tiếp tục ngồi uống rượu, quên cả việc dự tính rời khỏi Vạn Huê Lầu.
Lúc này Hồ Khôn nghe tin Hồ Luân bị té xuống lầu bể óc thì tức giận vội truyền cho tri huyện sở tại đem quân đến bắt ba anh em Địch Thanh mà trị tội.
Tri huyện vâng lời dẫn quân đến trước Vạn Huê Lầu bao vây bắt tên tửu bảo để tra hỏi:
- Ngươi tên họ là chi?
Tửu bảo nói:
- Tôi là Trương Cao bán rượu ở đây đã lâu.
Tri huyện hỏi:
- Còn ba người kia tên chi?
Tửu bảo thưa:
- Ba người ấy là khách phương xa tới đây, tôi không biết tên. Một người mặt trắng, một người mặt đỏ và một người mặt đen. Bây giờ họ đang ăn uống, xin quan đòi họ mà hỏi.
Tri huyện bèn cho đòi ba anh em Địch Thanh đến hỏi. Ba người đều khai tên họ và quê quán và kể lại sự việc do Hồ Luân dẫn gia tướng đến hành hung nên bị té rơi xuống lâu mà chết chớ không ai đánh cả.
Quan huyện nói:
- Dù sao các ngươi cũng là kẻ có liên can cái chết của công tử Hồ Luân, một người có quyền thế trong huyện, không thể bỏ qua được. Ta phải bắt các ngươi đem về xét xử trước công đường.
Nói rồi truyền quân bắt dẫn ba anh em Địch Thanh đem về huyện đường.
Trong lúc huyện quan đang khảo tra thì có tin Bao Công đến. Huyện quan lật đật ra nghênh tiếp, dẫn Bao Công vào.
Bao Công nói:
- Trong ba thằng này có thằng nào chịu giết Hồ Luân không?
Huyện quan thưa:
- Chúng nó cũng chịu, nhưng còn kêu nài là công tử hà hiếp chúng nó, và không phải cố sát.


Bao Công nói:
- Việc này cũng là việc lớn, xin ngài cho tôi ba tên này đem về xét xử cho rõ trắng đen.
Quan huyện thưa:
- Tôi là quan sở tại, được giao phó lẽ nào dám làm nhọc công ngài.
Bao Công nói:
- Ngài nói ngài là quan sở tại, chỉ để cho ngài tra xét thôi, vậy tôi không phải là quan sở tại hay sao?
Nói rồi truyền Trương Long, Triệu Hổ dẫn ba anh em Địch Thanh về công đường.
(Nguyên vì Bao Công mỗi ngày đều cho quân đi thám thính hay được việc này, sợ để cho cha con Hồ Luân ấp chế người lành, nên đã đến can thiệp).
Lúc ấy tri huyện giận Bao Công lắm, song không dám cãi lệnh, bèn lấy lời khai của tửu bảo, rồi khiến quân đem thây của Hồ Luân về giao cho Hồ Khôn, kể hết đầu đuôi sự việc.
Hồ Khôn nổi giận nói:
- Bao Chuẩn không kiêng nể ai hết. Nó dùng cách mà tha a tên hung thủ ấy. Để ta về tâu với thánh thượng xem nó có còn giữ được quyền lực hay không.
Nói rồi lo việc chôn cất Hồ Luân, mà trong lòng căm hận Bao Công rất dữ.
Còn Bao Công khi về đến nhà truyền quân dẫn ba anh em Địch Thanh ra tra hỏi.
Khi nhìn thấy mặt, Bao Công thấy ba người ấy tướng mạo đường đường oai phong lẫm liệt, thì trong ý đã khen thầm, bèn hỏi:
- Các ngươi là người tỉnh nào? Đến đây làm gì mà giết chết Hồ Luân? Sự thực thế nào cứ nói rõ cho ta biết.
Trương Trung liền bước tới thưa:
- Chúng tôi là người mua bán vải ở Sơn Tây, khi bán xong hàng hóa rủ nhau lên tửu lầu ăn uống một bữa. Lúc đang ăn uống bỗng có Hồ Luân dẫn bảy tên gia đinh đến mà đánh chúng tôi, bảo rằng Vạn Huê Lầu là chỗ cấm. Chúng tôi là khách phương xa không biết, nhưng bọn Hồ Luân áp vào đánh chúng tôi, cho nên tôi nổi giận đánh chúng nó bỏ chạy xuống lầu hết. Còn Hồ Luân thì đánh với tôi truợt chân xuống lầu mà chết. Việc này chỉ có tôi gây ra mà thôi, còn hai người bạn tôi là Địch Thanh và Lý Nghĩa thì vô can. Tôi xin chịu hết mọi lỗi lầm.


Bao Công nghe nói nghĩ thầm:
- Mình đã muốn tìm cách tha chúng nó, mà nó lại chịu tội sát nhân.
Nghĩ một lúc, Bao Công hỏi:
- Có thật Hồ Luân trượt té xuống lầu chết hay không?
Trương Trung thưa:
- Thiệt quả như vậy.
Bao Công nói:
- Như vậy thì tại nó té mà chết, can chi mà ngươi chịu án?
Trương Trung nói:
- Tại tôi đá công tử rớt xuống.
Bao Công nạt lớn:
- Thằng nói bậy! Bên Hồ Luân thì có đông, còn các ngươi chỉ có ba đứa, lẽ nào ngươi đá Hồ Luân té xuống lầu được?
Nói rồi đuổi Trương Trung ra, kêu Lý Nghĩa lại hỏi:
- Trong khi Hồ Luân đánh lộn với Trương Trung, có phải là tại nó té lầu mà chết không?
Lý Nghĩa thưa:
- Sự giết Hồ Luân là tại tôi đánh nó nhào xuống lầu bể óc, chớ không phải là Trương Trung.
Bao Công nổi giận nạt:
- Khi nải Trương Trung đã khai rõ ràng là tại Hồ Luân trượt chân té xuống lầu mà chết, bây giờ ngươi lại nói phách xưng là mình giết. Trong ý ngươi tưởng sát nhân không phải đền mạng sao?
Lý Nghĩa thưa:
- Tôi đành lòng thường mạng, xin quan lớn tha cho Trương Trung.
Bao Công cười lớn nói:
- Thằng khùng nói bậy! Hãy đi nơi khác cho xong.
Bao Công lại kêu Địch Thanh hỏi:
- Khi Hồ Luân lên đánh với ba đứa bây rồi trượt chân té xuống lầu mà chết phải không?
Địch Thanh thưa:
- Khi ba anh em tôi đang uống rượu trên tửu lầu thì có bảy tám tên gia đinh đến hành hung, chúng tôi đạp cho mấy cái thất kinh chạy hết. Kế đó Hồ Luân xốc đến đánh tôi, tôi xách giò ném xuống lầu nên bể óc mà chết. Ấy là lỗi tại tôi, xin quan lớn tha cho hai người bạn của tôi không hề liên quan.
Bao Công nghe nói liền nạt lớn:
- Thằng điên nói láo! Thân thể ngươi ốm yếu lại nói xách giò người ta ném xuống lầu. Thật là phách lối.
Nói rồi truyền quân đuổi Địch Thanh ra khỏi cửa.
Địch Thanh nói lớn:
- Tôi quả là chánh phạm còn hai người  kia vô can, xin quan lớn xét lại.
Bao Công nói:
- Ngươi có chịu tội thế cho hai thằng này phải không? Quân bay đánh đuổi nó ra mau.
Lúc ấy có bọn gia nhân của Hồ Khôn đứng ngoài cửa trông thấy Bao Công đuổi Địch Thanh đi, không tra xét thì chạy vào quỳ thưa:
- Nó đã chịu án sát nhân sao quan lớn lại thả cho nó đi.
Bao Công nói:
- Quyền xử án là quyền của ta, sao ngươi dám xem vào? Một tên ốm yếu, nhỏ bé như thế mà dám đặt chuyện nói láo, xách người ném xuống lầu, có phải là nó đã khinh thường sự suy xét của kẻ khác không?
Nói rồi truyền quân bắt tên gia nhân của Hồ Khôn đánh hai chục hèo về tội vô phép, xen vào việc xét xử của người có trách nhiệm.
Lúc ấy Bao Công cũng muốn tha luôn Trương Trung, Lý Nghĩa ngặt vì chưa tìm ra cớ nên tạm giam ít hôm rồi sẽ tính.

Lời bàn:
Bao Công muốn tha ba anh em Địch Thanh vì thấu rõ hành động của cha con Hồ Luân là một phường gian ác, chuyên hà hiếp dân lành. Kẻ gian xảo, ác nhân không bao giờ được những người hiền lành ưa thích. Mọi hành động của họ bắt nguồn từ thế lực quyền uy. Ý thức phân xử cuả Bao Công là muốn trừ khử kẻ gian manh, nên có cảm tình với những ai có hành động bài trừ kẻ xấu. Ý thức ấy liên kết với nhau, nên Bao Công đã bên vực cho ba anh em Địch Thanh. Cái công bằng và chính đại của Bao Công là ở chỗ đó. Tâm hồn của lớp người nào liên kết với lớp người đó. Ấy là lẽ đương nhiên trong cuộc sống.

hồi thứ tám
Diễn võ nghệ, Địch Thanh theo thời thế
Luận nhân tình, Bao Chuẩn lấy lẽ ngay

Địch Thanh khi bị đuổi ra khỏi nha môn, vừa đi vừa suy nghĩ:
- Không biết vì ý gì mà Bao Công lại tha mình như vậy. Hay là ông đã có quen biết với cha mình thuở trước chăng? Song phần ta thì khỏi rồi còn hai em ra không biết sẽ thế nào.
Còn đang suy nghĩ chưa dứt thì đã thấy Trương Trung, Lý Nghĩa lật đật chạy theo hỏi:
- Đại ca sao còn chần chờ nơi đây. Hãy mau rời khỏi nơi đây.
Địch Thanh nói:
- Vậy chớ Bao đại nhân luận tội hai em thế nào?
Trương Trung, Lý Nghĩa đồng thanh nói:
- Chưa xử nên chưa biết ý định của Bao đại nhân.
Địch Thanh nói:
- Ta muốn ở lại đây chờ hai em luôn thể.
Trương Trung nói:
- Ôi! Công việc còn đang kéo dài biết đâu mà chờ. Hiện nay Bao đại nhân dạy dẫn hai em vào ngục, chờ ngày giải quyết.
Địch Thanh nói:
- Vậy thì ta cũng phải vào đó mà ở tù với hai em luôn thể.
Trương Trung nói:
- Đại ca là người vô tội, lẽ đâu vào chốn ấy.
Địch Thanh nói:
- Sao lại vô tội. Việc giết Hồ Luân là tại ta, không phải tại hai em, sao hai em lại chịu ở tù thay ta?


Lý Nghĩa nói:
- Anh em ta đã thề nguyền cùng nhau sinh tử thì có gì phải phân biệt điều ấy.
Trương Trung kề tai nói nhỏ với Địch Thanh:
- Bao đại nhân có ý muốn tha hai đứa tôi, song sợ miệng gian thần phản đối, cho nên còn tạm giữ ít lâu. Xin đại ca yên lòng trở về quán trọ lâý một trăm lượng bạc của tôi còn gửi lại cho chủ quán mà dùng đỡ, rồi sẽ tính.
Địch Thanh trở về quán trọ, và ở đó chờ đợi Trương Trung và Lý Nghĩa.
Bấy giờ Hồ Khôn nghe gia đinh về báo là Bao Công đã tha tên chánh phạm là Địch Thanh thì cả giận mắng:
- Bao hắc tặc! Ngươi thật quá vô tình, không vị nể cha con ta.
Nói rôì liền hối gia nhân sắm kiệu qua dinh Bao Công mà hỏi cho rõ. Bỗng có tin Tôn Tú cho người mời sang. Hồ Khôn sẵn kiệu liền thẳng qua dinh Tôn Tú kể hết sự tình.
Tôn Tú nghe nói nổi giận mắng:
- Thôi! Việc này để cho tôi sang gặp Bao Công trách cho lão vài lời cho bõ ghét.
Hồ Khôn từ giã ra về, còn Tôn Tú thì lên kiệu thẳng qua dinh Bao Công. Vừa gặp nhau Tôn Tú nói:
- Tôi nghe có ba thằng du côn đánh thách công tử là Hồ Luân, mà tri huyện Phong Khưu là quan sở tại đương tra hỏi, sao ngài lại giành việc ấy đem về xét xử. Có quả thật như vậy chăng?
Bao Công nói:
- Có! Nhưng tôi hỏi ngài chẳng lẽ vụ án đó chỉ riêng tri huyện Phong Khưu mới tra hỏi được sao?
Tôn Tú nói:
- Ngài tra hỏi cũng được, song tôi lại nghe ngài tha tên chánh phạm là Địch Thanh là ý gì?
Bao Công nói:
- Thằng đó thân hình một nắm mà đánh ai đến chết được, đó là chuyện mơ hồ.
Tôn Tú nói:
- Nhưng nó đã nhận là thủ kia mà.


Bao Công nói:
- Xử án là đi sự thực đề xét đoán cho công bằng, không thể căn cứ vào lời dối gạt. Ngài chỉ nghe lời truyền ngôn mà đến đây nhiều lời như vậy. Thôi, từ nay về sau có chuyện quốc gia đại sự thì ngài sẽ đến hỏi tôi, còn như vụ án nhỏ như vậy bất quá chỉ là một vụ ngộ sát thôi, ngài đừng đến đây nhiều lời vậy nữa.
Tôn Tú nghe nói chạm tự ái, trách:
- Nói như ngài thì mất công bình nhiều lắm, tôi e ức lòng Hồ Khôn thì ông ta tâu cùng thánh thượng làm cho cái mão ô sa của ngài không còn nữa.
Bao Công nói:
- Còn mất cũng không cần miễn là tôi giữ vẹn lòng trung nghĩa mà thôi. Chuyện này dẫu Hồ Khôn không tâu thì tôi cũng tâu cho thiên tử rõ.
Tôn Tú nói:
- Con người đã bị chúng giết, ngài binh vực hung đồ mà tha tên chánh phạm, còn đòi tâu lên thiên tử làm sao?
Bao Công nói:
- Ngài lẽ nào không biết Vạn Huê lầu có phải là chỗ Hồ Khôn chiếm đoạt của người ta, ỷ thế hà hiếp dân chúng, làm cho ai nấy đều sợ hãi. Nay Hồ Luân đánh người ta, trượt té xuống lầu bể óc, có phải là do Hồ Khôn dạy con không nghiêm, để cho con ngang tàng như vậy thì không có lỗi hay sao?
Tôn Tú nghe nói không dám cãi nữa nên giảng hòa:
- Ngài ơi! Bề nào Hồ Khôn cũng là người đồng liêu chớ nên gây thù oán làm chi. Còn việc đó là do tôi nghe lời truyền ngôn không rõ, nên lật đật đến mà thăm hỏi, xin ngài miễn chấp.
Nói rồi Tôn Tú từ giã Bao Công, trở qua dinh Hồ Khôn tỏ hết mọi việc Bao Công đã nói cho Hồ Khôn nghe.
Hồ Khôn trong lòng hậm hực nói:
- Thôi! Bây giờ ta hãy nhịn thua lão một phen, thủng thẳng ta sẽ sai người đi kiếm Địch Thanh mà bắt không khó gì.
Nói rồi hai người từ giã về dinh.
Bấy giờ Địch Thanh ngày ngày ngóng trông Trương Trung, Lý Nghĩa mà không thầy về, thì buồn rầu khôn xiết.
Châu Thành thấy vậy nói với Địch Thanh:
- Nay tôi có người bạn là Lâm Quới, mới lên chức Võ viên, hôm trước tôi có khoe với Lâm Quới công tử là người võ nghệ cao cường, mà không người tiến dẫn. Lâm Quới có bảo tôi đem công tử đến cho anh ta xem, như quả võ nghệ cao cường thì anh ta tiến dẫn cho đầu quân.
Địch Thanh nghe nói nghĩ thầm:
- Lâm Quới làm chức nhỏ mọn mà tiến dẫn mình sao được.
Tuy nghĩ vậy, Địch Thanh cũng gượng gạo theo Châu Thành đến ra mắt Lâm Quới.
Lâm Quới thấy Địch Thanh thân vóc nhỏ nhắn, mặt trắng mày thanh, xem ra không phải võ tướng, thì đã không vui lòng nên hỏi:
- Ngươi được bao nhiêu tuổi?
Địch Thanh thưa:
- Tôi mới có mười lăm tuổi thôi.
Lâm Qưới nói:
- Ngươi là tướng học trò, làm việc võ sao nổi?
Châu Thành xen vào nói:
- Nhơn huynh đừng thấy vóc người nhỏ mà khinh khi. Tuy nhỏ mà võ nghệ cao cường. Chẳng tin cứ thử sức thì biết.
Lâm Quới nghe nói liền dắt Địch Thanh đến diễn võ trường hỏi:
- Ngươi thường dùng binh khí chi?
Địch Thanh nói:
- Thứ gì cũng được.
Lâm Quới bèn lấy binh khí trao cho Địch Thanh và bảo Địch Thanh múa một hồi. Quân sĩ thấy ai nấy đều khen nức nở.
Lúc này Lâm Quới mới chịu tin, nói với Địch Thanh:
- Thôi ngươi ở lại đây mà kiến công lập nghiệp.
Từ đấy Địch Thanh an tâm ở theo quân sĩ mà chờ thời.

Lời bàn:
Lời xưa có nói: “Gian nan là nợ anh hùng phải vay”
Không một vị anh hùng nào từ xưa đến nay gây dựng giang sơn sự nghiệp mà không trải qua những gian nan khổ sở.
Gian nan khổ sở là bài học đời, bài học của những kẻ có chí lớn thử thách trong lẽ sống.
Đã có anh hùng thì phải có tiểu nhân mà kẻ tiểu nhân là những ganh tỵ, ghen ghét với các bậc anh hùng vì quyền lợi và địa vị, cho nên thời nào cũng có.
Tiểu nhân và anh hùng là hai trạng thái đối nghịch nhau, liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh.
Triều đình xưa kia là nơi tranh đoạt quyền lợi để tự tồn, vì vậy nơi chốn cao sang quyền quý bao giờ cũng gánh chịu những hành động nham hiểm của kẻ nịnh.
Nếu nói về đạo nghĩa làm người thì chỉ có những người trung mới có ý nghĩa bảo tồn, còn kẻ nịnh thì bất chấp những hành vi nào, miễn tạo được kết quả trong âm mưu của mình mà thôi.
Ba anh em Địch Thanh kết nghĩa, đồng lòng làm những việc nhân đạo, nên sướng khổ có nhau, còn như những kẻ khác tuy không dính líu gì với tình nghĩa ấy mà vì lòng nhân nên cũng không thể bỏ rơi những người hành động vì đạo nghĩa.

hồi thứ chín
Cầu danh lợi, Địch Thanh mang họa
Báo thù riêng, Tôn Tú làm ngang

Lúc này Địch Thanh vào ở nơi dinh lính bộ, ngày đêm buồn bã không nguôi, nghĩ thầm:
- Lúc xuống núi sư phụ có dặn là đến nơi thì gặp thân nhân, mà nay đã hơn hai mươi ngày rồi mà chưa gặp ai cả, còn bạn thân thiết lại ở chốn lao tù không biết ngày nào ra. Nay nghe nói có lệnh dọn dẹp thao trường để thao dượt nhân mã, song không biết làm thế nào để tiến thân.
Nghĩ vậy Địch Thanh lần đến giáo trường xem diễn võ, xảy thấy trên bàn  có bút mực để sẵn, Địch Thanh liền lấy bút đề lên vách một bài thơ:
Ngọc còn ẩn đá có ra chi.
Có thuở trau dồi nên giống qui.
Chẳng khác anh hùng chưa gặp vận.
Biện Hoà dâng đến giữa đơn trì.

Ngày hôm sau, các quan văn võ kéo đến giáo trường, Tôn Tú nhìn lên vách thấy bài thơ có ký tên Địch Thanh thì nhớ lại việc Hồ Khôn trước đây liền lẩm bẩm:
- Cha chả! Thằng này gan thực, dám đề thơ có vẻ khí phách như vậy. Ta sẵn dịp này trả thù cho Hồ Luân rất tốt.
Nghĩ rồi liền hỏi quân sĩ:
- Trong số quân nhân này có ai tên là Địch Thanh chăng?
Quân nhân thưa:
- Có tên lính mới tuyển vào thuộc bộ binh của Lâm Quới.
Tôn Tú liền đòi Lâm Quới đến hỏi:
- Trong quân của ngươi có tên lính nào tên Địch Thanh chăng?
Lâm Quới nói:
- Có tên lính mới tôi mới tuyển vào.
Tôn Tú nói:
- Hãy đòi nó lại đây cho ta hỏi.
Lâm Quới vâng lệnh đòi Địch Thanh đến quỳ trước mặt Tôn Tú.
Tôn Tú hỏi:
- Tên ngươi có phải là Địch Thanh ở Sơn Tây không?
Địch Thanh thưa:
- Phải.
Tôn Tú nói:
- Hôm trước ngươi giết Hồ Luân ở Vạn Huê Lầu. Bao Công đã làm ơn tha cho ngươi sao ngươi chưa về xứ sở?


Địch Thanh thưa:
- Tôi nhờ Bao Công mà khỏi tội, song tôi còn muốn ở đây mà lập công danh, cho nên chưa về xứ sở.
Tôn Tú nghe nói liền hối quân bắt Địch Thanh trói lại.
Địch Thanh nói lớn:
- Tôi có tội gì mà đại nhơn bắt tôi?
Tôn Tú nạt lớn:
- Ngươi dám làm bài thơ viết trên vách. Đó không phải là chỗ ngươi làm trò chơi.
Nói rồi liền hối quân dẫn ra chém. Lâm Quới thấy vậy lật đật quỳ lạy xin cho Địch Thanh.
Tôn Tú nạt Lâm Quới:
- Ngươi không được nói nhiều lời.
Lâm Quới bị quở không dám nói nữa. Quân sĩ vừa dẫn Địch Thanh ra đến pháp trường, xảy thấy có năm vị phan vương cũng ra pháp trường thao luyện. Năm vị phan vương ấy là: Lộ Huê vương Triệu Bích; Nhữ Nam vương Trịnh Ấn; Dõng Minh vương Cao Quỳnh; Tịnh Sơn vương Hồ Diên Hiểu; và Đông Bình vương Tào Vĩ. Khi ấy năm người đến nơi, Lâm Quới nói nhỏ với Địch Thanh, và xúi Địch Thanh kêu oan.
Địch Thanh nghe theo liền la lớn lên:
- Oan ức tôi lắm!
Nhữ Nam vương Trịnh Ấn liền kêu quân bảo dừng lại, và hỏi Tôn Tú:
- Vậy chớ chuyện gì mà tên này kêu oan?
Tôn Tú bối rối không biết đâu mà trả lời.
Năm vị phan vương đồng hỏi:
- Sao chừng này mà không lo thao luyện binh mã lại tru lục quân sĩ như vậy.
Tôn Tú thưa:
- Nguyên thằng này là lính mới tuyển vào, lại dễ ngươi dám đề thơ trên vách mà diễu cợt quan trên, nên tôi xử trảm.
Trịnh Ấn hỏi:
- Thơ ấy ở đâu?
Tôn Tú chỉ thơ trên vách cho Trịnh Ấn xem.
Trịnh Ấn thấy thơ hay mà không động chạm đến quan trên nên nghĩ rằng:
- Chắc là Tôn Tú có thù riêng với tên lính này nên mới kiếm cớ mà làm tội như vậy.
Nghĩ như vậy liền hỏi Tôn Tú:
- Tội đề thơ ấy có chi mà phải chém?
Tôn Tú nói:
- Vì nó dám có hành vi diễu cợt nên phải chém đầu răn chúng.
Trịnh Ấn nói:
- Việc trị binh như vậy cũng là nghiêm lắm. Nhưng có tôi đến đây thì cho tôi xin.
Tôn Tú thưa:
- Lời đại vương dạy tôi không dám cãi. Song nếu tha nó thì muôn binh sẽ trở nên khinh lờn phép tắc.
Trịnh Ấn nói:
- Té ra ngươi nằng nặc đòi chém cho được mà thôi. Tuy vậy ta cũng nằng nặc xin tha cho được nó.
Tĩnh Sơn vương thấy vậy nói với Tôn Tú:
- Tôn binh bộ sao nỡ vô tình quá vậy. Dẫu cho tội không đáng chém mà Nhữ Nam vương đã xin thì cũng phải tha mới phải.
Tôn Tú chưa biết nói sao, ngồi nghĩ một lát rồi nói:
- Nếu tha cho nó tội chết thì cũng phải phạt nó bốn mươi hèo chứ không thể bỏ qua.
Trịnh Ấn nói:
- Cái thẳng thân hình nhỏ xíu mà đánh đến bốn mươi hèo thì còn gì thân xác nó.
Đông Bình vương nói:
- Thôi, chỉ đánh nó hai mươi hèo cũng đủ.
Tôn Tú thấy các vương gia bênh vực nên không dám nói nữa liền bước ra dặn Phạm Khước lấy cây hèo có tẩm thuốc độc mà đánh Địch Thanh.
Khi đánh Địch Thanh xong, Tôn Tú khiến bôi tên Địch Thanh và đuổi ra. Năm vị phan vương truyền nổi chiêng trống lên thao dợt binh mã. Xong cuộc diễu binh ai nấy đều lên kiệu về dinh.


Lời bàn:
Oán Thù là một trạng thái đưa đến hành động bất nhân, kẻ nuôi oán thù lúc nào cũng tìm âm mưu làm hại kẻ khác cốt thỏa mãn sự căm hận của mình.
Nếu oán thù nuôi trong lòng kẻ không có quyền thế, điạ vị thì còn ít nguy hiểm, còn nếu nó ở trong con người có quyền thế địa vị thì thật tai hại.  Sự trả thù sẽ dẫn đến những hành động bất nhân, tàn bạo không thể lường trước được.
Lời xưa có nói: “Oán thù chỉ nên cởi mở mà không nên buộc. Lấy đức báo oán thì oán sẽ tự tiêu, lấy oán báo oán thì hận thù chồng chất không bao giờ hết”.
Làm người nên trọng lấy đạo nghĩa, mà không nên coi trọng oán thù. Kẻ nào bỏ được oán thù thì kẻ ấy sẽ sống cuộc đời thanh thản, không bị ràng buộc trong sự cạnh tranh  vì thế sự.

hồi thứ mười
Bị hèo độc, Địch Thanh cầu thuốc
Gặp bạn nghèo, hoà thượng ra ơn

Sau khi bị đánh Địch Thanh ra khỏi giáo trường, vừa đi được mấy bước thì thuốc độc thấm vào người đau nhức không chịu nổi. Tuy vậy Địch Thanh cũng ráng sức đi một đoạn đường khá dài, cho đến lúc không còn đi nổi nữa Địch Thanh mới ghé vào một cái miếu bên đường nằm nghỉ.
Người giữ miếu bước ra hỏi:
- Ngươi ở đâu mà đến đây nằm liệt ra như vậy?
Địch Thanh nói:
- Tôi là lính bộ của Lâm Quới, vì bị Tôn binh bộ đánh hai mươi hèo khi đánh thì không đau cho lắm, đến khi ra đi thì thấm đòn đau nhức không sao chịu nổi, nên phải ghé vào đây nằm nghỉ một lúc.
Người giữ miếu nói:
- Nếu vậy thì ngươi bị cây hèo có thuốc độc của Tôn binh bộ rồi. Vậy ngươi phải tìm thầy mà trị cho sớm, nếu không thuốc độc ngấm vào thì ngươi phải chết.
Địch Thanh than:
- Tôi là người xứ lạ, nay biết tìm thầy nơi đâu mà chữa.
Người giữ miếu nói:
- Ở đây thầy thuốc không thiếu gì, nhưng trị được chất độc ấy thì chỉ có ông An Tu hòa thượng mới chữa khỏi.
Địch Thanh hỏi:
- Vị hòa thượng ấy ở đâu?
Người giữ miếu nói:
- Hòa thượng đó ở tại chùa Tướng Quốc cách đây không xa lắm.
Địch Thanh nghe nói rất mừng, từ giã ra đi tìm đến chùa Tướng Quốc. Đến nơi, hoà thượng thấy bộ điệu của Địch Thanh thì biết ngay là bị thuốc độc nhiễm vào do cây hèo độc của Tôn Tú rồi, nên lật đật hối đệ tử đem thuốc ra xoa cho Địch Thanh. Khi mới thoa vào thì đau nhức lắm, nhưng chỉ chốc lát Địch Thanh hồi sức, và trỏ lại bình thường.
Từ đấy Địch Thanh ở lại chùa mà dưỡng bịnh.
Độ năm sáu ngày thì Địch Thanh đi đứng như thường và nghĩ thầm:
- Nay nhờ có hòa thượng chữa khỏi bệnh nên mới còn sống sót ơn ấy rất trọng không biết lấy gì tạ ơn. Ta còn một viên ngọc uyên ương của gia truyền, thôi thì đưa cho hoà thượng mà tạ ơn.
Nghĩ như vậy, Địch Thanh đem trao cho hòa thượng.
Hòa thượng không nỡ lấy nói:
- Ấy là vật gia bảo của ngươi, ta là người tu hành, sẵn lòng làm phước. Nếu có tiền thì đền ơn, còn không thì thôi. Ngươi hãy cất đi đừng làm vậy.
Địch Thanh nhất định không chịu, năn nỉ mại rồi bỏ ra đi.
Hòa thượng cầm viên ngọc lên xem thấy quý giá vô cùng, đã trong mà lại sáng ngời. Giữa lúc đó có tin báo Tịnh Sơn vương đến thăm. Hòa thượng vội ra tiếp đón mời vào trà nước.
Hòa thượng kể lại việc đã qua và lấy viên ngọc đưa cho Tịnh Sơn Vương xem.
Tịnh Sơn vương nói:
- Ngọc này rất quý nhưng tiếc là không đủ cặp, chắc còn một viên nữa đang trao cho kẻ khác để lưu niệm.
Nói rồi Tịnh Sơn vương ngồi lại đánh cờ với hòa thượng.

Lời bàn:
Thân danh sự nghiệp con người rất trọng, kẻ làm nên thân danh sự nghiệp thuộc về đấng anh hùng. Nhưng trên con đường lập thân để đạt lấy nó không phải dễ. Lời xưa nói: “càng cao danh vọng càng dày gian nan”.
Địch Thanh là một nhân tài, lẽ ra đem tài năng của mình dựng nên sự nghiệp không khó gì, nhưng trong cuộc sống con người chứa đầy tham vọng và tàn ác.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy những kẻ nên danh ,được đời ca tụng là anh hùng, là vĩ nhân, nhưng chính trong cuộc sống của họ cũng phải trải qua biết bao nhiêu gian nan khổ cức mới thành đạt như vậy. Sự nghiệp càng lớn thì gian nan càng nhiều. Bởi vậy những người có chí lớn trong thiên hạ, trên đường lập nghiệp họ không coi gian nguy, khổ sở là quan trọng mà  chỉ sợ mình không đủ nghị lực để vượt quan gian nan khổ cực mà thôi.
 

 

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 218
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com