watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:47:2318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Đoán Án Kỳ Quan Tập 1 - Trang 32
Chỉ mục bài viết
Đoán Án Kỳ Quan Tập 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Trang 18
Trang 19
Trang 20
Trang 21
Trang 22
Trang 23
Trang 24
Trang 25
Trang 26
Trang 27
Trang 28
Trang 29
Trang 30
Trang 31
Trang 32
Tất cả các trang
Trang 32 trong tổng số 32

Chương 25

Mười Lăm Quan Nói Đùa Khéo Thành Vạ


Thông minh lanh lợi tự trời sanh,
Mông muội ngu si vị tất chân.
Ghen ghét bởi chung con mắt cạn,
Gươm đao nổi lúc nói cười thâm.
Hoàng Hà chín khúc lòng dư hiểm,
Thiết giáp mười tầng mặt ghét căm.
Tửu sắc thường gây tan nhà, nước,
Thi thư hồ dễ hại người nhân.

Bài thơ này để nói về những cái khó trong đạo làm người . chỉ vì đường đời chật hẹp, lòng người khôn lường, đạo lớn đã xa, tình người vạn mối. Qua lại đến đi chỉ vì mối lợi, ngu si xuẩn ngốc, tất mang họa thôi. Giữ mình giữ nhà, ngàn lần cân nhắc, vì thế người xưa mới có câu: "Nhăn mày có cớ nhăn mày, cười có cớ mỉm cười, song giữa nhăn mày và cười thì rất cần cẩn thận". Truyện này riêng kể một vị quan nhân chỉ nhân câu nói đùa sau lúc uống rượu mà gây nên nỗi thân mình bị chết, nhà cửa nát tan, làm lụy đến tính mệnh mấy người nữa. Xin tạm dẫn một câu chuyện để làm lời răn mà ngẫm nghĩ.
Lại nói triều vua đời Tống có một chàng trẻ tuổi chuẩn bị đi thi, họ Ngụy, tên Bằng Cử, tên chữ Trọng Tiêu, tuổi vừa mười tám, lấy được cô vợ như hoa tựa ngọc. Chưa được một tháng, chỉ vì bảng xuân sắp yết, trường thi sắp mở, Ngụy sinh từ biệt vợ, thu thập hành lý lên Kinh ứng thí. Khi Ngụy sinh sắp đi người vợ dặn:
- Được làm quan hay không thì mình cũng nên sớm trở về, đừng có bỏ mặc tình vợ chồng ân ái.
Ngụy sinh đáp:
- Hai chữ công danh là tiền trình bản lĩnh của tôi, không cần hiền thê phải lo lắng.

Rồi từ biệt vợ lên đường tới kinh, quả nhiên vừa thi là thành danh, đỗ đệ nhất giáp đệ nhị danh Bảng nhãn, thật là chuyện đẹp vang lừng kinh đô. Tất nhiên không thiếu việc viết một lá thư gửi về nhà, sai người đón gia quyến lên kinh. Trong thư trước hết thăm hỏi cùng kể việc mình được bổ làm quan, cuối thư lại ghi thêm một vài dòng, rằng: "Tôi ở trong kinh sớm hôm không người chăm sóc, đã lấy một cô vợ bé, chuyên đợi phu nhân tới kinh để cùng hưởng vinh hoa".
Gia nhân thu xếp thư từ đi thẳng về nhà, gặp phu nhân liền chúc mừng và lấy bức thư nhà đưa trình. Phu nhân mở thư ra xem, thấy nói là như thế, như thế bèn bảo người giúp việc:
- Quan nhân thật là kẻ phụ ơn, mới được làm quan đã lấy bà bé rồi!
Gia nhân bèn thưa:
- Tiểu nhân ở kinh không thấy có chuyện đó. Hẳn chỉ là lời nói đùa của quan nhân thôi. Phu nhân tới kinh sẽ biết đầu đuôi, xin đừng lo nghĩ.
Phu nhân nói:
- Người nói như thế, ta cũng khỏi lo.
Vì việc mượn người, thuê đò chưa thuận tiện nên phu nhân một mặt thu xếp hành lý, một mặt tìm người nhờ chuyển trước phong thư báo tin nhà bình an lên kinh. Người mang thư đến kinh, hỏi thăm tới nơi ở của tân khoa là Bảng nhãn họ Ngụy. Đưa thư xong, người ấy uống rượu ăn cơm rồi về, không nói nữa.
Lại nói Ngụy sinh nhận được thư mở ra xem, trong thư không có một câu thăm hỏi nào, chỉ nói: "Chàng ở kinh đã lấy vợ bé thì tôi ở nhà cũng tự gả cho chồng nhỏ, sớm tối sẽ đến kinh sư đấy!"
Ngụy sinh xem thư cũng chỉ nghĩ là câu nói đùa của phu nhân, không hề để ý. Chưa kịp cất thư đi thì bên ngoài có người báo:
- Có bạn cùng khoa đến thăm ạ!

Nơi ở trong kinh không được rộng rãi như ở nhà, người kia lại là bạn đồng khoa thân thiết. Người ấy biết Ngụy sinh không có gia quyến ở phòng trong bèn đi thẳng vào bên trong ngồi. Chuyện trò được vài câu, Ngụy sinh đứng dậy đi tiểu. Bạn đồng khoa kia tình cờ lật xem sách giấy trên bàn, thấy bút thư nhà viết rất buồn cười bèn cố ý đọc to lên. Ngụy sinh trở tay không kịp, đỏ nhừ mặt nói:
- Đấy là chuyện vô lý. Chỉ vì tiểu sinh nói đùa nàng nên nàng cũng viết đùa lại mà thôi.
Bạn đồng khoa cười ha hả:
- Chuyện này đem đùa là không xong rồi.

Rồi từ biệt ra về. Người ấy cũng còn trẻ tuổi, thích cười thích nói, bèn đem câu chuyện thư nhà kia ra kể khắp với người kinh đô trong chốc lát. Cũng có một bọn ghen ghét Ngụy sinh trẻ tuổi mà đỗ cao, bèn đem chuyện này coi như một tin nhỏ mà họ nghe được làm thành một bản tấu, nói rằng Ngụy sinh tuổi trẻ không biết giữ mình, không nên trao chức quan trọng yếu nên giáng chức cho làm quan tỉnh ngoài. Ngụy sinh hối không kịp, sau đó rốt cuộc làm quan không nhoi lên nổi, buông trôi cả một đoạn tiền trình đẹp như gấm như hoa. Thế là chỉ một câu đùa mà đánh mất cả một chức quan thơm.
Bây giờ lại nói chuyện một quan nhân khác, cũng chỉ vì một câu nói đùa sau lúc rượu vào mà khiến tấm thân đường đường bảy thước ra ma, lại liên lụy đến vài ba người, oan ức hại tính mệnh họ. Vì sao lại như thế? Có thơ làm chứng:
Đường đời khấp khểnh đáng buồn thay,
Đùa bỡn mà chơi, người chẳng hay.
Mây trắng vốn vô tâm bay nhởn,
Cuồng phong ập đến cuốn xô ngay.

Lại nói triều Nam Tống dựng kinh đô ở Lâm An, phồn hoa phú quí không kém gì nước cũ ở Biện Kinh. Tới bên trái Tiên Kiều ở trong thành thì sẽ thấy nhà một quan nhân họ Lưu, tên Quí, tên chữ Quân Tiến, cụ tổ vốn là nhà có căn cơ. Truyền đến tay Quân Tiến thì thời vận xui xẻo, trước còn học hành, sau thấy xem chừng không nên việc gì bèn đổi sang nghề buôn bán, thật chẳng khác gì nửa đường đi tu vậy. Trong nghề bán buôn, bởi không phải là người có mánh lới nên lại làm tiêu tan vốn liếng, dần dần nhà lớn đổi sang nhà bé, rồi thuê một căn nhà ba gian cùng là Vương thị, trẻ tuổi mà khéo thờ chồng. Sau vì không có con, lại lấy thêm người vợ bé họ Trần, là con gái ông Trần bán bánh, người trong nhà gọi là Nhị Thư. Đấy là việc làm hồi trước, lúc là người ngoài ở cùng. Lưu Quân Tiến là người cực hòa nhã, dân làng đều mến gọi là Lưu quan nhân.
- Quan nhân gặp lúc thời vận xui xẻo nên mới hiu quạnh như thế này. Qua ít lâu nữa hẳn là được hưởng cuộc sống tốt hơn.
Nói thì người ta nói như thế đấy nhưng phỏng có ích lợi gì? Vì thế Quân Tiến chỉ ở nhà buồn bã, không biết làm sao.
Một hôm ngồi nhàn ở nhà chợt thấy ông lão Vương bên nhà ông bố vợ, tuổi đã gần bảy chục, đến nói với Lưu quan nhân:
- Hôm nay là sinh nhật cụ viên ngoại bên nhà, cụ cho lão đây sang đón quan nhân và nương tử tới nhà một chuyến.
Lưu quan nhân đáp:
- Chỉ vì tôi hàng ngày sống trong nỗi buồn nên cả đến tiệc thọ của nhạc phụ cũng quên khuấy đi mất!
Bèn gọi vợ là Vương thị thu xếp áo quần mang theo buộc thành một khăn gói giao cho ông lão Vương đeo trên lưng, rồi dặn dò Nhị Thư:
- Ở nhà coi giữ nhà cửa, hôm nay muộn rồi, không thể về ngay được, tối mai sẽ về nhà.

Nói xong liền đi. Đi cách thành hơn hai chục dặm thì đến nhà nhạc phụ là Vương viên ngoại, thăm hỏi chuyện trò. Ngày hôm ấy khách khứa ngồi đầy, con rể bố vợ không tiện nói hết nông nỗi nghèo khó. Đợi khi khách về hết, bố vợ giữ con rể trong phòng khách nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, bố vợ mới tới nói chuyện cùng con rể:
- Anh Lưu này, anh không thể cứ tính toán như thế. Ngồi ăn núi lở, đứng ăn đất sụt mà! Cổ họng sâu như biển, ngày tháng nhanh tựa thoi, anh cũng phải tính ra một kế gì chứ? Con gái tôi gả tho anh, cả đời chỉ mong cơm no áo ấm, không thể cứ chờ đợi mãi như thế được.
Lưu quan nhân thở dài:
- Vâng ạ. Nhạc phụ ở trên, con đâu dám nói lên núi bắt hổ dễ, mở miệng cùng người khó. Thời thế ngày nay không có ai thương con được như nhạc phụ. Song con đành sống nghèo, bởi đi cầu xin người khác thì chỉ tổ mệt nhọc mà chẳng nên công lệnh gì.
Cụ bố vợ nói:
- Anh nói thế ta cũng không trách, chỉ vì già này không thể ngồi nhìn các con như vậy nên hôm nay có ít tiền giúp đỡ các con làm vốn tạm mở một cửa hàng bán gạo củi, kiếm lấy chút lời mà sống qua ngày, lại chẳng hay sao?
Lưu quan nhân thưa:
- Cảm tạ nhạc phụ có lòng nghĩ tới, đủ biết thế là tốt rồi!
Sau đó ăn cơm trưa rồi ông bố vợ lấy ra mười lăm quan tiền trao cho Lưu quan nhân:
- Con ơi, hãy cầm số tiền này về thu dọn lấy cửa hàng, già này đích thân đưa con gái về nhà con rồi chúc mừng con luôn, ý con thế nào?
Lưu quan nhân lạy tạ rồi lại lạy tạ, vác tiền đi thẳng ra cửa. Về đến trong thành thì trời đã muộn, sực nhớ có một người quen, bèn thuận đường đi qua cửa nhà người ấy, nghĩ bụng: "Người này cũng đang tính đi buôn, ta hãy bàn bạc với bác ta một lúc ắt hẳn cũng hay". Nghĩ rồi liền gõ cửa nhà kia, bên trong có người lên tiếng rồi ra cửa vái chào:
- Bác hạ cố đến nhà, có gì dạy bảo chăng?
Lưu quan nhân nói cho người đó biết, người bạn liền nói:
- Đệ đang ngồi nhàn ở nhà, khi nào bác dùng tới ắt xin đến giúp đỡ.
Lưu quan nhân nói:
- Được như thế thì tốt quá!
Hai người chuyện trò về một vài công việc buôn bán. Người kia bèn giữ Lưu quan nhân ở lại, sẵn có mâm chén bèn uống vài ba chén rượu. Lưu quan nhân tửu lượng không cao, cảm thấy hơi hoa mắt đứng dậy từ biệt, dặn:
- Hôm nay quấy quả bác, sáng mai phiền bác sang tệ xá bàn chuyện làm ăn.

Người bạn lại tiễn Lưu quan nhân ra tới đầu đường, rồi chào mà về, không nói đến nữa.
Nếu người nói chuyện là người cùng tuổi, cùng lớn lên với nhau, ôm chặt lấy lưng, gạt tay trở lại thì Lưu quan nhân không đến nỗi gặp tai họa như thế. Thành thử Lưu quan nhân chết mà không được bằng Lý Tồn Hiếu trong Ngũ đại sử và Bành Việt trong Hán thư!
Lại nói Lưu quan nhân vác tiền từng bước từng bước lần về nhà, gõ cửa đã là lúc lên đèn. Dì bé Nhị Thư một mình ở nhà, không có chuyện gì xảy ra, giữ nhà đến lúc tối thì đóng cửa ngồi ngủ gật dưới đèn. Lưu quan nhân gõ cửa, cô nàng chẳng hề nghe tiếng, gõ một lúc lâu mới biết, tỉnh dậy, thưa một tiếng:
- Ra đây!
Rồi đứng dậy ra mở cửa. Lưu quan nhân vào nhà, Nhị Thư đỡ tiền giúp chồng đặt trên bàn, hỏi:
- Quan nhân mang số tiền này ở đâu về, dùng vào việc gì?
Lưu quan nhân một phần sẵn có hơi men, một phần bực mình vì vợ chậm mở cửa, tính nói đùa dọa Nhị Thư bèn đáp:
- Nói ra chỉ e cô sợ, không nói ra thì lại phải thông báo cho cô biết. Chỉ vì tôi trong một lúc vô kế khả thi, chẳng biết làm thế nào, đành gán cô cho một người khách, song lại không nỡ xa cô, chỉ cầm cô lấy mười lăm quan tiền. Nếu khấm khá lên, tới sẽ trả lãi chuộc cô về, còn nếu cứ quẫn bách như hiện nay thì thời cũng đành vậy.

Cô vợ bé nghe thấy thế toan không tin, song mười lăm quan tiền chất đống sờ sờ trước mắt; toan tin, thì thường ngày quan nhân không chê trách mình câu nào, chị Cả cũng sống hòa thuận, làm sao lại nhẫn tâm độc ác làm vậy? Hồ nghi chưa quyết, nên lại hỏi:
- Nếu đã như vậy thì cũng phải báo cho cha mẹ tôi một tiếng chứ?
- Nếu báo cho cha mẹ cô biết thì hẳn việc không thành rồi! Ngày mai cô đến nhà người ta đã rồi từ từ tôi sẽ nhờ người đến nói cho ông bà bên ấy thông cảm, ông bà hẳn không trách tôi được
Cô vợ bé lại hỏi:
- Quan nhân hôm nay ở đâu uống rượu về đấy?
- Vì đem cầm cô cho người ta rồi viết giấy tờ, uống rượu của người ta xong mới về đấy!
Cô vợ bé lại hỏi:
- Tại sao chị Cả không về?
- Cô ấy không nỡ chia tay với cô, đợi mai cô đi khỏi rồi mới về. Việc này cũng do tôi không còn cách nào khác, chỉ một lời là xong.
Quan nhân nói xong, nhịn không nổi cười thầm, rồi chẳng cởi áo lên giường nằm, bất giác ngủ đi mất.
Cô vợ bé còn thắc mắc mãi, nghĩ: "Không biết quan nhân bán mình cho người như thế nào nhỉ? Mình trước hết hãy về nhà cha mẹ báo tin, dù ngày mai người ta đến đòi mình rồi tìm đến nhà mình thì cũng phải cho ra lẽ" .
Trầm ngâm một lát rồi Nhị Thư chồng cả mười lăm quan tiền đó thành một đống dưới chân chồng. Nhân lúc chồng đang say, Nhị Thư khe khẽ thu nhặt ít quần áo tùy thân, rón rén mở cửa đi ra rồi khép cửa lại. Trước hết tới nhà hàng xóm thân thiết phía tay trái là nhà ông già Chu Tam, ngủ lại qua đêm với bà lão bên ấy.
- Nhà cháu hôm nay không can cớ gì bán cháu đi, cháu phải trước hết về nói cho cha mẹ cháu biết. Phiền bà ngày mai bảo giùm nhà cháu một tiếng. Nếu khách mua tới thì cùng nhà cháu đến nhà cha mẹ cháu nói cho rõ ràng, gì cũng phải cho ra lẽ mới được. - Nhị Thư nói.
Bà hàng xóm bảo:
- Tiểu nương tử nói phải lắm, cháu cứ việc đi, già báo cho Lưu quan nhân biết là được rồi.
Qua một đêm, Nhị Thư từ biệt ra đi, không nói đến nữa. Thật là:
Cá ngao đã thoát câu vàng,
Vẫy đuôi đi thẳng chẳng màng ngó sau.
Lại nói Lưu quan nhân đánh thẳng một giấc đến canh ba mới tỉnh, thấy trên bàn đèn còn chưa tắt, cô vợ bé thì không thấy nằm bên, chỉ nghe cô nàng còn thu dọn gì đó dưới bếp, bèn gọi Nhị Thư lấy nước trà cho uống. Gọi một hồi chẳng có ai thưa, đành lồm cồm bò dậy, song vì vẫn chưa tỉnh hẳn rượu nên bất giác lại ngủ tiếp.
Nào ngờ có một tên làm chuyện bậy, ban ngày đánh bạc thua nhẵn túi, không biết kiếm đâu ra, ban đêm mò ra kiếm chác, vừa hay tới cửa nhà Lưu quan nhân. Vì Nhị Thư bỏ đi, cửa chỉ khép hờ chứ không cài, tên trộm đẩy thử thấy cửa mở toang ra liền nhón chân nhón tay đi thẳng vào phòng, không một ai hay biết. Đến trước giường, đèn còn sáng, nhìn xung quanh tịnh không có vật gì đáng khoắng; mò tới giường, thấy một người ngủ quay mặt vào phía trong, dưới chân lại có một chồng tiền xanh bèn định trộm lấy mấy quan. Không ngờ hắn làm Lưu quan nhân sực tỉnh, liền trở dậy quát to:
- Mày thật không còn đạo lý gì nữa. Tao từ nhà ông nhạc vay được mấy quan tiền để làm vốn nuôi thân. Làm sao mày lại ăn trộm của tao thì tao biết tính sao đây?
Tên ăn trộm không nói gì, cho luôn một đấm vào giữa mặt, Lưu quan nhân né mình tránh được bèn sấn tới giằng co với hắn. Tên trộm thấy Lưu quan nhân hoạt động chân tay liền co giò chạy ra khỏi phòng. Lưu quan nhân không tha, đuổi tới tận nhà bếp. Vừa đúng lúc định lên tiếng kêu hàng xóm tới bắt trộm thì tên trộm cuống lên. Hắn đang không biết chạy đâu thì thấy có chiếc rìu bổ củi sáng loáng ở ngay tầm tay. Cũng là chó cùng rứt giậu, hắn vớ luôn lấy cái rìu bổ trúng giữa mặt, Lưu quan nhân ngã vật xuống đất, rồi lại bồi thêm nhát nữa, ngã lăn qua một bên, thế là Lưu quan nhân bỏ mạng. Ô hô, ai tai! Phục duy thượng hưởng!
Tên trộm nói:
- Đã trót thì trót cho trét, chính là mày ngăn cản tao chứ tao đâu có tìm hại mày!
Nói rồi quay luôn về phòng lấy cả mười lăm quan tiền, giựt lấy tấm chăn đơn, gói kỹ, buộc chặt, ra cửa, khép lại cửa rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau hàng xóm trở dậy thấy cửa nhà Lưu quan nhân vẫn đóng im ỉm, tịnh không tiếng người liền gọi:
- Lưu quan nhân, sáng bảnh mắt rồi đấy!
Bên trong không có ai thưa, họ liền đi vào. Thấy cửa cũng không cài bèn đi thẳng vào trong thì thấy Lưu quan nhân bị chém chết nằm trên đất, tự hỏi:
- Vợ cả quan nhân hai hôm trước về nhà mẹ đẻ, còn cô vợ bé đi đâu không thấy nhỉ?
Họ bèn lên tiếng gọi, ông già Chu Tam bên hàng xóm mà đêm qua Nhị Thư ngủ nhờ liền nói:
- Tiểu nương tử tối qua có sang ngủ nhờ nhà tôi, nói là Lưu quan nhân vô cớ bán cô ấy đi, cô ấy phải về nhà cha mẹ đẻ để hỏi, nhờ thưa lại với Lưu quan nhân giùm. Nếu khách mua có đến thì cùng đến nhà cha mẹ cô để nói cho rõ ràng. Nay một mặt nên cho người đến gọi cô ta về, một mặt cho người đi báo cho người vợ cả rồi sẽ xử trí.
Mọi người đều nói.
- Cụ nói phải lắm!
Thế là trước hết cho người đến nhà Vương viên ngoại báo tin dữ. Viên ngoại cùng con gái khóc ầm lên, hỏi người đưa tin:
- Hôm qua còn yên lành tới đây, già này tặng chàng rể mười lăm quan tiền bảo để làm vốn sau này, làm sao đến nỗi bị người ta giết chết vậy?
Người đưa tin đáp:
- Xin nói để lão viên ngoại cùng đại nương tử biết, hôm qua lúc Lưu quan nhân về đã nhập nhoạng tối, rượu đã ngà say. Chúng tôi đều không biết ông ấy có tiền hay không, về sớm hay về muộn, chỉ thấy hôm nay cửa nhà quan nhân khép hờ, mọi người đẩy cửa bước vào, chỉ thấy ông ấy bị giết chết nằm trên đất, còn mười lăm quan tiền thì chẳng thấy đồng nào, tiểu nương tử cũng không rõ tung tích. Chúng tôi gọi ầm lên thì ông già Chu Tam bên hàng xóm bước ra, bảo tiểu nương tử nhà ấy hôm qua lúc chập choạng tối có sang xin ngủ nhờ nhà ông cụ. Tiểu nương tử có nói Lưu quan nhân vô cớ bán cô ấy cho người khác, cô phải về nói cho cha mẹ biết. Qua đêm xong, sáng nay cô ấy đi rồi. Nay bọn chúng tôi tính rằng một mặt đi báo cho đại nương tử và lão viên ngoại, một mặt cho người đi gọi tiểu nương tử về. Nếu nửa đường mà đuổi theo không kịp thì đến thẳng nhà cha mẹ cô ấy, xấu tốt gì cũng gọi bằng được cô ấy về hỏi cho rành mạch. Lão viên ngoại và đại nương tử phải đi một chuyến để đòi mạng cho Lưu quan nhân.
Lão viên ngoại cùng người vợ cả vội vàng thu xếp để lên đường, cho mang cơm rượu khoản đãi người đưa tin, rồi ba chân bốn cẳng đi vào trong thành.

Lại nói tiểu nương tử sáng sớm ra khỏi nhà hàng xóm rồi lên đường. Đi mới được vài dặm chân đã đau đi không nỗi, ngồi ở vệ đường. Chợt thấy một người trai trẻ đầu đội khăn chữ vạn, mình mặc áo rộng khâu thẳng, lưng vác một tay nải, bên trong toàn tiền bằng đồng. Chân dận giày tơ bít tất trắng, người ấy đi thẳng tới trước mặt. Tới nơi, người ấy nhìn Nhị Thư tuy thiếu phụ không có mười hai phần nhan sắc song mắt sáng răng trắng, mặt như bông sen tỏa sức xuân, ánh mắt như sóng thu đưa tình tứ làm rung động cả lòng người. Thật là:
Hoa nội càng bắt mắt
Rượu quê lắm kẻ say.

Chương 25 (B)


Người trẻ tuổi đặt tay nải xuống, tới trước mặt cúi chào thật thấp:
- Tiểu nương tử đi một mình không có ai bầu bạn, xin hỏi là nàng đi đâu?
Nhị Thư đáp lễ xong, nói:
- Tôi về nhà cha mẹ đẻ, vì đi không nổi nên tạm nghỉ ở đây. Vậy ca ca ở đâu tới và định đi đâu.
Người trẻ tuổi khoanh tay, nghiêm trang nói:
- Tiểu nhân là người thôn này, nay vào thành bán ít tơ, kiếm được ít tiền, định đi sang bên Chữ Gia Đường.
Nhị Thư nói:
- Xin nói để ca ca biết, nhà cha mẹ tôi cũng ở mé trái Chữ Gia Đường. Nếu được ca ca đi cùng thì thật may quá.
Người trẻ tuổi đáp:
- Sao lại không được? Nếu đã như vậy tiểu nhân xin tình nguyện hầu hạ tiểu nương tử đi cùng.
Hai người liền đi. Đang đi trên đường chưa được hai ba dặm đường đất, chỉ thấy từ đằng sau có hai người đi nhanh như gió đuổi theo. Hai người đuổi đến mức thở hổn hển toát mồ hôi, vạt áo phanh ra, gọi to:
- Tiểu nương tử đằng trước kia đi chậm lại. Chúng tôi có chuyện muốn báo!

Nhị Thư cùng người trẻ tuổi thấy bọn kia đuổi theo rất lấy làm lạ, bèn dừng chân lại. Hai người đằng sau đuổi tới nơi, thấy tiểu nương tử đi cùng một người trẻ tuổi thì không đợi phân bua, mỗi người túm lấy một người, mắng:
- Các người làm chuyện đẹp mặt nhỉ? Định chạy đi đâu đấy?
Nhị Thư giật mình, ngước mắt lên coi, hóa ra là hai người hàng xóm, một người chính là chủ nhà mà Nhị Thư ngủ nhờ đêm qua. Nhị Thư bèn nói:
- Tối hôm qua cháu chẳng nói cho ông rõ là gì? Nhà cháu vô cớ bán cháu, cháu phải về báo cho cha mẹ biết. Hôm nay ông đuổi theo đến đây là có điều gì muốn bảo?
Chu Tam nói:
- Ta không biết đâu những chuyện đó, chỉ biết nhà cô có án mạng liên quan đến cửa công, cô phải về nhà đối chất.
Nhị Thư nói:
- Nhà cháu bán cháu, tối hôm qua tiền đã vác về để trong nhà, có chuyện giết người liên can đến cửa công gì đâu? Cháu không về!
Chu Tam nói:
- Cô bướng bỉnh ghê nhỉ! Nếu cô không chịu về, tôi hô địa phương có kẻ sát nhân đang ở đây, phiền các ông bắt giúp; nếu không thế ắt liên lụy cả đến chúng tôi, mà địa phương của cô đây cũng không được yên đâu.
Người trẻ tuổi thấy không phải chuyện chơi liền bảo thiếu phụ:
- Nếu đã như thế thì tiểu nương tử về đi, tiểu nhân cũng đi đây.
Hai người hàng xóm đuổi theo cùng kêu to:
- Nếu không có mặt anh ở đây thì thôi, nhưng anh cùng đi cùng đứng với tiểu nương tử thì anh cũng phải cùng về.
Người trẻ tuổi cãi:
- Lạ thật, tôi gặp tiểu nương tử ở giữa đường, ngẫu nhiên đi cùng cô ấy một đoạn đường, thế thì có giây mơ rễ má gì? Chẳng lẽ bắt tôi lôi về?
Chu Tam nói:
- Nhà người ta có chuyện người bị giết, thả nhà anh đi thì còn nhân chứng đâu mà kiện?
Rồi họ không để cho Nhị Thư và người trai kia làm theo ý mình. Người xem mỗi lúc một đông, đều bảo:
- Cậu kia không đi ư? Ban ngày cậu không làm chuyện xấu hổ, nửa đêm gõ cửa chẳng giật mình. Cậu cứ đi, có ngại gì?
Người hàng xóm đuổi tới cũng nói:
- Anh không đi là có tật giật mình. Chúng tôi không buông tha anh được.
Thế là bốn người đành dắt díu nhau quay về.
Tới cửa nhà Lưu quan nhân thì thật là náo nhiệt. Nhị Thư vào trong nhà thì thấy Lưu quan nhân đã bị bổ chết nằm trên đất mười lăm quan tiền để trên giường đã mất tăm, há miệng mắc quai, không nói sao được. Người trẻ tuổi kia cũng hoảng, ca cẩm:
- Đúng là xúi quẩy! Tự dưng đi cùng cô ta một đoạn đường, hóa ra thành kẻ liên can!
Mọi người còn đang ồn ào không biết phân xử ra sao thì Vương viên ngoại cùng con gái thất thểu về đến nơi. Thấy xác con rể, viên ngoại khóc ầm lên rồi bảo Nhị Thư:
- Mày làm thế nào mà giết cả chồng? Mày cướp mười lăm quan tiền rồi định trốn đi ư? Hôm nay lẽ trời soi tỏ, này còn lý nào nói nữa?
Nhị Thư nói:
- Mười lăm quan tiền quả có thật, chỉ vì nhà cháu tối qua về nhà nói là không còn cách gì khác phải đem cháu gán cho người ta, với giá là mười lăm quan để ở đây. Nhà cháu nói hôm nay cháu phải đến nhà người mua. Vì cháu không biết nhà cháu bán cho người như thế nào nên trước hết muốn nói cho cha mẹ cháu biết, vì thế mà nhân lúc nhà cháu ngủ, đem mười lăm quan tiền xếp đống ở bên chân nhà cháu rồi khép cửa, sang nhà ông Chu Tam ngủ nhờ một đêm. Sáng sớm hôm nay mới về nhà cha mẹ báo tin. Trước lúc đi, cháu có nhờ ông Chu Tam nói lại với nhà cháu giùm là nếu người mua đến thì cùng nhà cháu đến nhà cha mẹ cháu nói chuyện bàn giao. Cháu đâu biết làm sao nhà cháu bị giết chết nằm đây?
Người vợ cả nói:
- Lại còn thế nữa? Hôm qua cha tôi rõ ràng cho quan nhân mười lăm quan tiền vác về làm vốn để nuôi vợ con, có lẽ nào quan nhân lại nói với cô là tiền đem cầm cô? Ấy là vì hai ngày cô ở nhà một mình, bắt nhân tình với người ta, lại thấy trong nhà không được dư dả, không lòng nào ở mãi, thấy mười lăm quan tiền mới sinh lòng tham lam, giết chồng, cướp tiền. Cô còn muốn cho người ta biết, sang hàng xóm ngủ nhờ một đêm, rồi cùng với trai thông đồng tính toán rủ nhau đi trốn. Bây giờ cô đi với một người đàn ông thì còn lý nào mà cãi nữa? Có chối cũng không được đâu!
Mọi người đồng thanh nói:
- Lời của đại nương tử thật là có lý.
Người vợ cả lại bảo chàng trai trẻ:
- Này anh kia, sao anh lại cùng dì bé mưu sát chồng tôi, lại ngầm dặn nhau chờ chỗ vắng vẻ để cùng trốn đi nơi khác?
Anh định tính thế nào đây?
Người trẻ tuổi đáp:
- Tiểu nhân họ Thôi, tên Ninh, không hề quen biết tí gì với tiểu nương tử. Tiểu nhân tối qua vào thành, bán được mấy quan tiền tơ ở đây, nhân trên đường về gặp tiểu nương tử, tiểu nhân chỉ ngẫu nhiên hỏi cô ấy đi đâu mà đi có một mình. Cô ấy nói đi cùng đường với tiểu nhân, vì thế mà làm bạn đồng hành, thứ tuyệt không biết gì đoạn trước với đoạn sau cả.

Mọi người đâu có chịu nghe lời phân bua của chàng ta liền lôi tay nải ra thì khéo thay vừa đúng mười lăm quan tiền, không kém một đồng nào cả. Thế là ai nấy hò reo ầm lên:
- Thật là lưới trời lồng lộng, thưa mà không để lọt. Người cùng với tiểu nương tử giết người, cướp tiền, rủ rê đàn bà con gái rồi trốn đi nơi khác, khiến suýt nữa liên lụy hàng xóm láng giềng địa phương đây dính vào vụ án không đầu mối!

Lúc ấy đại nương tử túm lấy Nhị Thư, Vương viên ngoại túm lấy Thôi Ninh, hàng xóm bốn xung quanh đều là người chứng kiến, kéo ùa cả vào phủ Lâm An. Quan phủ nghe nói có vụ án giết người tức khắc thăng đường, gọi những người có liên can nói lại từ đầu từng việc một. Trước hết Vương viên ngoại đứng lên thưa:
- Trên có tướng công, tiểu nhân là người trong thôn trang của bản phủ, tuổi gần sáu chục, chỉ sinh một gái, năm trước gả cho Lưu Quí là người trong thành của bản phủ, làm vợ. Sau vì không có con, lấy thêm Trần thị làm thiếp, gọi là Nhị Thư. Xưa nay ba người sống cùng nhà không có điều tiếng gì. Chỉ nhân hôm kia là ngày sinh của lão đây, lão có sai người sang đón con gái, con rể về nhà, ở lại một đêm. Ngày hôm sau, nhân thấy con rể không biết tính kế gì nuôi sống cả nhà bèn đưa mười lăm quan tiền cho con rể làm vốn, mở cửa hàng mà nuôi thân. Ở nhà có Nhị Thư trông nom, tới nửa đêm khi con rể về tới nhà, không biết vì nguyên cớ gì mà dùng rìu bổ chết con rể lão Nhị Thư cùng với một người trẻ tuổi tên gọi Thôi Ninh rủ nhau đi trốn, bị người đuổi bắt được về đây. Kính mong tướng công thương xót cho con rể của lão chết không rõ ràng; gian phu dâm phụ cùng tang chứng còn đủ cả đây, cúi mong tướng công minh xét.

Phủ quan nghe kêu như thế như thế liền gọi Trần thị ra, hỏi:
- Ngươi làm sao lại thông đồng với gian phu, giết chết chồng mình, cướp tiền rồi lại rủ nhau đi trốn, là cớ làm sao?
Nhị Thư thưa:
- Tiểu phu nhân được gả cho Lưu Quí, tuy là làm lẽ nhưng được nhà con đối xử tốt, chị cả lại hiền đức, con đâu dám nảy sinh lòng dạ ác độc đó? Chỉ vì tối hôm qua nhà con về nhà thì đã có hơi men, vác mười lăm quan tiền vào nhà. Con có hỏi lai lịch số tiền đó, nhà con nói vì túng bấn không đủ sống nên gán con cho người ta, được giá là mười lăm quan, lại không cho cha mẹ con được biết, ngày hôm nay là con phải về nhà người ta. Con hoảng quá, ngay đêm ấy ra khỏi nhà, sang nhà hàng xóm xin ngủ nhờ một đêm, sáng sớm hôm nay trước hết con về thẳng nhà cha mẹ, nhờ cha mẹ bảo với chồng con, nếu đã bán con cho người mua thì cũng phải đến nhà cha mẹ con để bàn giao. Con mới đi được nửa đường thì thấy ông hàng xóm cho con ngủ nhờ đêm qua đuổi theo, bắt con quay về. Con thực không biết nguyên do làm sao chồng con lại bị giết.

Quan phủ quát lên:
- Nói láo! Mười lăm quan tiền đó rõ ràng là của ông nhạc cho chàng rể, sao ngươi dám nói là tiền gán ngươi, việc thấy trước mắt như thế, còn nói gì nữa? Huống hồ đàn bà con gái, làm sao trời còn tối đã ra đi? Nhất định là tìm kế thoát thân. Việc này hẳn không thể do ngươi là phụ nữ làm được, nhất định phải có gian phu giúp ngươi lấy của hại người. Ngươi phải khai thực ra.
Nhị Thư đang định phân bua thì mấy nhà hàng xóm đều quì xuống thưa rằng:
- Lời phán bảo của tướng công đúng là lời bậc thanh thiên.
Người vợ bé nhà ấy tối qua quả có sang ngủ nhờ nhà hàng xóm thứ hai bên trái, sớm nay thì ra đi. Bọn chúng con thấy chồng cô ta bị giết chết, một mặt cho người đuổi theo, đuổi đến nửa đường thì thấy chị ta đi cùng một người trẻ tuổi, bảo mấy cũng không chịu trở về, chúng con phải bắt mới về. Mặt khác cho người đi đón người vợ cả và ông bố vợ tới nơi, nghe ông cụ nói hôm qua có cho con rể mười lăm quan tiền để buôn bán. Hôm nay người con rể bị chết, số tiền đó không biết mất đi đâu? Hỏi người vợ bé đến mấy lượt, chị ta nói lúc ra khỏi nhà có chồng số tiền đó ở trên giường. Nay khám đẫy của anh chàng kia thì đúng mười lăm quan không thiếu một đồng, thế chẳng phải nhà chị ta với anh chàng kia thông đồng làm chuyện bậy bạ hay sao? Tang chứng rõ ràng, sao chúng có thể chối được?
Quan phủ nghe họ nói có lý bèn gọi chàng trai trẻ kia ra:
- Trên có ơn đức nhà vua, sao cho phép ngươi làm chuyện bậy bạ đó? Làm sao ngươi lại dụ dỗ vợ bé nhà người, cướp mười lăm quan tiền rồi lại giết chết chồng chị ta? Hôm nay các ngươi toan đi đâu? Phải thành thật khai ra.
Người trẻ tuổi thưa:
- Tiểu nhân họ Thôi tên Ninh là người thôn nọ. Hôm qua vào thành bán tơ được mười lăm quan tiền, sáng nay ngẫu nhiên gặp tiểu nương tử này trên đường. Tiểu nhân còn chưa biết họ tên cô ấy, thì làm sao biết nhà cô ấy có án mạng liên can đến cửa công?
Quan phủ giận dữ quát:
- Nói láo! Ta không tin thế gian lại có chuyện vừa khéo đến thế. Nhà họ mất mười lăm quan tiền, nhà ngươi bán tơ cũng được vừa đúng mười lăm quan, rõ ràng là người chống chế mà thôi. Huống hồ nếu ngươi không ưng vợ người, không cưỡi ngựa người, ngươi lại không có dây mơ rễ má gì với người đàn bà ấy, làm sao lại cùng đi cùng ngủ với nó? Ngươi ngoan cố chối cãi như vậy không đánh sao chịu khai?
Thế là lính nhà quan đè Thôi Ninh và Nhị Thư xuống đánh cho chết đi sống lại. Vương viên ngoại, con gái cùng đám hàng xóm xưng xưng đổ riệt cho hai người, quan phủ cũng chỉ muốn kết thúc cho nhanh vụ án. Tra khảo một hồi, đáng thương cho Thôi Ninh và Nhị Thư chịu không nổi hình phạt đành phải liều nhận tội, tội danh là nhất thời trông thấy tiền nổi lòng tham, giết chết chồng mình, cướp mười lăm quan tiền rồi cùng gian phu bỏ trốn. Hàng xóm láng giềng cùng dùng ngón tay ký nhận bằng vẽ một chữ thập. Hai người bị cùm, đưa vào nhà lao tử tù. Mười lăm quan tiền trả cho nguyên chủ, song Vương viên ngoại đành đem biếu khắp người trong nha môn mà còn chưa đủ. Quan phủ xếp thành hồ sơ vụ án, tâu lên triều đình. Trên bộ phúc tra rồi gửi thánh chỉ xuống: "Thôi Ninh không được gian dâm vợ người, nay tham của giết người, y luật xử trảm. Trần thị không được thông đồng với gian phu, nay giết chết chồng mình, là kẻ đại nghịch không có đạo, lăng trì thị chúng". Ngay lúc đó đọc lời khai của phạm nhân, đưa hai người trong nhà đại lao ra, trên công đường phán một chữ "chém" và một chữ "xẻo" rồi đưa ra chợ hành hình cho dân chúng xem. Dù hai người có miệng đầy mình cũng không làm sao phân bua được Thật là:
Người câm trót nếm bồ hòn,
Đắng mồm vị ấy ai còn có hay?
Ai nghe chuyện vụ án này ắt phải hỏi, nếu quả Nhị Thư và Thôi Ninh tham của hại người thì họ phải bỏ trốn ngay đêm hôm ấy, làm sao lại sang nhà hàng xóm ngủ nhờ một đêm? Rồi tận sáng hôm sau mới về nhà cha mẹ để bị người ta bắt được? Nỗi oan uổng đó, nghĩ kỹ là có thể suy ra. Nào ngờ quan phủ hồ đồ, chỉ muốn chóng xong việc, không muốn suy nghĩ kỹ thì sao có thể xét ra? Trong chốn âm u, tích dồn âm đức, xa tới con cháu, gần ở ngay mình. Hai oan hồn kia hẳn cũng không thể cho qua. Cho nên người làm quan nhất thiết không được sơ ý trong khi xét án, tùy theo cảm tính mà dùng hình phạt, thế nào cũng phải tìm tới sự công bằng sáng suốt, không thể chỉ nói người chết đâu thể tái sinh, đầu đứt đâu thể nối lại được! Thật đáng than thở lắm thay!
Lại nói người vợ cả Lưu Quí về đến nhà liền lập bàn thờ, giữ niềm hiếu thuận cho qua ngày. Người cha là Vương viên ngoại khuyên nên đi bước nữa, liền đáp:
- Không nói lâu đến ba năm thì cũng phải sau ngày để trở đầy năm đã!
Người cha bằng lòng ra về. Ngày tháng thoi đưa, người vợ cả ngồi nhà mong ngóng. Được gần một năm, người cha thấy con gái không ở góa được bèn cho người nhà là ông già Vương đi đón về. Ông già Vương đến nói:
- Cụ bảo mợ thu xếp về nhà làm giỗ cho Lưu quan nhân thì đi bước nữa.
Người vợ cả không biết tính sao, nghĩ bụng:
- Cha bảo cũng có lý.
Rồi thu nhặt khăn gói, đưa cho lão Vương vác, chào từ biệt hàng xóm, tạm về rồi trở lại sau.
Ra khỏi thành đúng lúc sang thu, gió thổi mưa bay, đành phải bỏ đường cái vào một khu rừng tránh mưa, không ngờ đi lạc lối. Thực là:
Lợn dê mò đến nhà đồ tể,
Mỗi bước đưa chân nẻo chết người.
Vào đến trong rừng, bỗng phía sau rừng có tiếng quát to:
- Ta đây là Tĩnh Sơn đại vương. Ai đó dừng chân, nạp tiền mãi lộ cho ta!
Người vợ cả cùng lão Vương sợ hết hồn, chỉ thấy một người nhảy ra. Người này mình mặc áo chiến bào cũ, ngang lưng dây lụa đỏ buộc chặt, dưới chân đi đôi giầy ống da đen, tay cầm một thanh phác đao. Hắn múa đao xông tới. Ông già Vương muốn chết mới nói:
- Đồ trộm cướp chặn đường kia! Tao không biết mày là ai, thôi thì đành liều mạng già này với mày đây!
Nói rồi húc đầu tới, bị hắn tránh được. Ông già dùng sức quá mạnh, ngã lăn ra đất. Tên cướp nổi giận quát:
- Đồ trâu bò dám vô lễ?
Xỉa cho hai đao, máu loang đầy đất, xem chừng không sống được nữa. Người vợ cả thấy tên cướp hung dữ đến thế, liệu chừng không thoát nổi thân, bèn nảy ra một kế gọi là kế thoát khống, vỗ tay reo:
- Giết đúng lúc quá!
Tên cướp dừng tay, trợn tròn hai mắt dễ sợ, quát:
- Hắn là thế nào với nhà chị?
Người vợ cả giả vờ đáp:
- Tôi chẳng may góa chồng, bị bà mối dỗ dành lấy phải lão già này, lão chỉ biết ăn bám. Hôm nay may được đại vương giết cho, thật là trừ được mối hại cho tôi.
Tên cướp thấy người đàn bà để tâm như thế, lại có vài phần nhan sắc, bèn hỏi:
- Nàng có bằng lòng theo ta làm áp trại phu nhân không?
Người vợ cả suy nghĩ, thấy vô kế khả thi bèn đáp:
- Xin tình nguyện hầu hạ đại vương.
Tên cướp đổi giận làm vui, thu nhặt dao gậy, vứt xác ông lão Vương xuống suối, dẫn đường đưa tới một trang viện, người vợ cả đành miễn cưỡng đi theo. Tới nơi, đại vương nọ cúi nhặt vài hòn đất ném lên mái nhà, bên trong liền có người ra mở cổng. Vào đến thảo đường, sai mổ dê lấy rượu rồi thành thân với người vợ cả, hai bên cũng hợp được với nhau. thật là:
Biết rành chẳng phải lứa đôi,
Gặp khi nguy cấp tạm thời gá duyên.
Không ngờ từ ngày lấy được vợ cả của Lưu Quí, chưa đầy nửa năm, đại vương kia vớ liền được mấy món béo bở, nhà giàu hẳn lên. Người vợ kia cũng có kiến thức, sớm tối ngon ngọt khuyên răn:
- Xưa có câu: "Nồi đất có ngày tan cạnh giếng, Tướng quân khó tránh chết trong quân." Hai vợ chồng ta đủ ăn đủ tiêu nửa đời còn lại. Nếu cứ làm mãi những việc không hợp lẽ trời này thì chưa chắc đã có kết quả tốt, chẳng nghe nói "Vườn Lương tuy đẹp đấy đâu phải chốn ở đời" đó sao? Chi bằng đại vương nên đổi nghề, làm người lương thiện, buôn bán nho nhỏ thôi cũng đủ nuôi thân lại được sống!
Đại vương kia sớm tối bị vợ khuyên mãi cũng chuyển, quả nhiên hồi tâm đổi ý, bỏ con đường đi cướp, vào trong thành thuê một căn nhà, mở một hiệu tạp hóa, nhàn nhã sống qua ngày. Thỉnh thoảng vợ chồng lại lên chùa niệm Phật ăn chay.
Bỗng một hôm ngồi nhàn ở nhà, đại vương bảo với vợ:
- Tôi tuy xuất thân là tên cướp chặn đường cướp bóc song cũng hiểu được oan phải có đầu, nợ tất có chủ. Ngày thường thì dọa nạt lừa lấy của người để mà sinh sống. Sau đó mới gặp được nàng, từ đấy làm ăn xuôi thuận. Nay tôi đã đổi nghề làm người lương thiện, lúc rồi nghĩ lại việc trước. Chỉ có hai việc vướng bận trong lòng, một là giết uổng hai người, hai là làm hai người khác oan uổng. Tôi muốn làm việc công đức để siêu độ cho họ. Điều này tôi chưa từng kể với nàng bao giờ.
Người vợ hỏi:
- Như thế nào là giết uổng mất hai người?
Đại vương đáp:
- Một người là chồng nàng. Hồi trước ở trong rừng, ông ta húc tôi, tôi liền giết chết. Người già như ông ấy chẳng có thù oán gì với tôi, nay tôi lại cướp vợ của ông ta, ông già chết đi hẳn không chịu cam tâm đâu.
Người vợ nói:
- Nếu không nhờ thế, tôi sao được chung sống với mình? Thôi, chuyện đã qua rồi, đừng nhắc đến nữa. Còn giết người thứ hai, là ai vậy?
Đại vương đáp:
- Nói đến người này thì càng không đúng với lẽ trời, lại còn làm liên lụy đến hai người khiến họ vô tội mà phải đền mạng. Ấy là chuyện một năm trước đây, tôi đánh bạc thua sạch, không còn một đồng, ban đêm bèn đi kiếm chác chút ít. Mò đến cửa nhà ấy, thấy một người say rượu nằm quay trên giường, dưới chân có một đống tiền đồng, tôi tính cuỗm lấy vài quan. Đang tính đi thì người kia giật mình tỉnh giấc. Người ấy trở dậy nói: "Đây là số tiền ông nhạc ta cho ta làm vốn, để ngươi lấy đi thì cả nhà ta chết đói à?" Rồi người ấy chạy sấn ra ngoài cửa buồng, đang định kêu ầm lên. Khi ấy tôi liệu không nói chuyện được với anh ta, lại sẵn bên chân có cái rìu bổ củi, thế gọi là kế nảy sinh khi nguy cấp. Tôi giơ rìu lên, quát: "Không phải tao mà tại mày!", bổ cho hai nhát rồi vào trong buồng vơ hết cả mười lăm quan tiền. Sau này hỏi thăm, được biết tôi làm liên lụy đến vợ bé của anh ta cùng một người trai trẻ tên là Thôi Ninh. Ai cũng bảo hai người tham của giết người, cả hai đều chịu hình phạt theo phép nước. Tôi tuy làm cướp một thời song hai vụ chết người này thì cả lẽ trời và lòng người đều không thể cho qua được. Sớm muộn gì cũng phải siêu độ cho họ, đó là điều rất nên làm.
Người vợ nghe nói vậy thầm kêu khổ: "Thì ra chồng mình bị tên này giết, lại làm liên lụy đến Nhị Thư nhà ta cùng người trẻ tuổi, cả hai đều vô tội mà bị tội chết. Nghĩ lại, ta lúc đầu không nên nhất quyết đòi họ đền mạng mới phải. Hai người ấy ở dưới âm ty hẳn sẽ không tha cho ta đâu!"
Nghĩ rồi tạm vẫn vui vẻ như thường, không nói gì nữa.
Ngày hôm sau chớp được dịp, người vợ bèn đi thẳng tới trước cổng phủ Lâm An, kêu oan khuất ầm lên. Lúc này quan phủ mới đã nhận chức được nửa tháng. Quan vừa thăng đường thì tả hữu kéo người đàn bà kêu oan vào. Vợ cả Lưu Quí đến dưới thềm thì khóc rống, khóc xong mới thuật hết những việc làm trước sau của đại vương tướng cướp như đã giết Lưu Quí, chồng chị ta như thế nào; quan phủ trước không chịu suy đoán cho kỹ, chỉ hàm hồ cho qua chuyện khiến Nhị Thư và Thôi Ninh phải đền mạng mù mờ, sau lại giết ông lão Vương, lừa dối chị ta như thế nào.
- Bẩm quan, hôm nay lẽ trời sáng tỏ, tất cả là tự miệng hắn thừa nhặn. Cúi mong tướng công giơ cao gương sáng, chiêu tuyết nỗi oan thủa trước! - Vợ cả Lưu Quí nói xong lại khóc.
Quan phủ thấy tình cảnh và lời kêu đáng thương, tức khắc cho người đi bắt Tĩnh Sơn đại vương lôi đến, đánh đập hỏi tra thì lời hắn khai khớp với lời kêu của người đàn bà, không sai chút nào. Tức thì quan ghép vào tội chết, tấu gửi lên trên. Hết kỳ hạn sáu mươi ngày, thánh chỉ đưa xuống:
"Xét tên Tĩnh Sơn đại vương tham của giết người, làm liên lụy đến người vô tội. Chuẩn theo luật giết ba người không phải tội chết trong một nhà thì mức chém tăng nặng hơn không còn trì hoãn. Quan phủ trước đây xét án không đúng sự thực, truất chức cho về làm dân thường. Thôi Ninh và Trần thị chết uổng đáng thương, quan phủ mới cho người đến thăm nhà, tùy theo tình hình mà chu cấp. Vương thị đã do tên cướp bức bách phải thành thân, nay lại biết rửa oan cho chồng thì số gia sản của tên cướp sung công một nửa, một nửa cho Vương thị đủ sống suốt đời"

Ngay hôm ấy người vợ cả Lưu Quí ra pháp trường xem Tĩnh Sơn đại vương bị hành quyết, xong nhặt đầu hắn mang về tế chồng, Nhị Thư và Thôi Ninh, rồi khóc rống hồi lâu. Sau đó đem một nửa gia sản được chia cúng hết cho am ni cô, tự mình sáng chiều xem kinh niệm Phật, truy tiến vong hồn, già đến trăm tuổi mới mất.
Có thơ làm chứng:

Không phân thiện ác mới toi đời,
Tai họa gây nên bởi bỡn cười.
Nhắn nhủ nói năng cần xác tín,
Lưỡi môi mầm vạ chẳng hề sai.

Hết Tập 1
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 249
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com